Thuật lại chuyến đi thăm nạn nhân lũ lụt tại Quảng Bình

Tường thuật & hình ảnh: Vũ Công Hiển

Có một anh bạn hỏi tôi: ba tháng đi săn hình suốt từ nam ra bắc, vậy có ghé Quảng Bình thăm đồng bào nạn nhân lũ lụt không, hay chỉ chụp cảnh đẹp, hoa đẹp...? Xin trả lời, có chứ. Một nhóm nhiếp ảnh gia trẻ ở SG có quyên được 72,600,000VND và một số quần áo. Họ có ý định mang trực tiếp ra huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để tặng cho 242 bà con ở ngoài đó. Mỗi người sẽ được đưa tận tay một phong bì với 300 ngàn VND, không qua trung gian. Anh em quyết định tặng tiền thay vì gạo hoặc mì gói, vì ai cũng tặng hai món này rồi nên mì gói thì đầy nhà nhưng một chút tiền để sửa chữa lại căn nhà bị hư hại vì lũ lụt cũng không có. Mấy bạn trẻ đó rủ tôi cùng đi và tôi nhận lời.
Cũng xin nói về trị giá của 300 ngàn đồng VN. Số tiền này tương đương với khoảng 15 mỹ kim. Một bát phở ở Phố Cổ Hà Nội giá 40 nghìn, tô hủ tíu trong ngõ hẻm ở Sài Gòn tính 25 ngàn, còn tô bún hến ở Huế chỉ lấy nhẹ 8 ngàn thôi. Mà thật ngon! Tụi tôi 8 người bay ra phi trường Nội Bài Huế, dĩ nhiên là với tiền túi, khách sạn và ăn uống cũng chia đều ra trả. Tuyệt đối không đụng đến một đồng bạc cứu trợ nào.

Từ Huế, nhóm chúng tôi thuê xe van đi về hướng bắc, xuyên qua Quảng Trị để đến Quảng Bình. Những địa danh quen thuộc của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 lại hiện ra: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Cửa Việt, Đông Hà, La Vang, Cổ Thành Quang Trị, "đại lộ kinh hoàng"... Trận đánh năm 1972 ở đây đã lấy đi sinh mạng của hàng chục ngàn binh sĩ hai bên. Miền Bắc gọi trận đánh này là "cối xay thịt"!

quang binh
Thành cổ Quảng Trị không còn dấu vết bom đạn chiến tranh.

quang binh
Trường trung học Bồ Đề, một dấu tích đáng buồn của cuộc chiến.

Quảng Trị cũng là tỉnh đã được Hiệp định Geneve 1954 dùng để chia đôi đất nước suốt 21 năm bởi sông Bến Hải, tại vĩ tuyến 17. Cầu Hiền Lương vẫn còn đó như một di vật lịch sử nhưng xe không được chạy qua nữa. Cầu được sơn làm hai màu, nửa phía nam màu vàng, nửa phía bắc màu xanh dương. Tôi xuống xe đi bộ qua cầu, trải nghiệm lần đầu đi bộ qua cây cầu lịch sử này, cũng để chụp hai tấm ảnh: một từ phía nam và một từ phía bắc. Không chỉ màu sắc của cây cầu mà bầu trời của hai phía cũng khác nhau.

quang binh

quang binh

Chúng tôi đến với đồng bào huyện Lệ Thủy, Quảng Bình trước giờ hẹn 20 phút. Một số bà con đã ngồi chờ trước sân. Hỏi chuyện xem cô bác thiệt hại ra sao về lũ lụt, có phải leo lên nóc nhà ngồi chờ nước rút không? Họ cho biết, mưa tầm tã đến 800mm (100mm đã là nhiều rồi) nhưng vì ở gần biển nên không bị lụt mà mà bị lũ. Cơn lũ đã kéo phăng đi tất cả vườn tược, ao hồ nuôi tôm cá, gà vịt, heo. Ngay cả bầy trâu to lớn như vậy cũng bị lũ cuốn mất tiêu. Nhà thì còn nhưng ...trắng tay! Tiền do Formosa bồi thường cũng còn biệt tăm ở đâu đó chưa thấy bóng dáng. Nghe bà cụ kể lể hoàn cảnh khó khăn với giọng chịu đựng mà không khỏi ngậm ngùi.
“Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi…”  (Hội Trùng Dương - Phạm Đình Chương)

quang binh

quang binh
Chờ gọi tên nhận quà

quang binh

quang binh
Có phong bì rồi!

quang binh
Một tờ 200, một tờ 100...Vậy là đủ ba trăm ngàn rồi.

quang binh
Với nụ cười móm mém thế này thì cụ chỉ có thể mang tiền về mua gạo... nấu cháo húp thôi!

Vũ Công Hiển
ĐHSPSG, ban Sử Địa, 1964-1968

 

Đăng ngày 10 tháng 11.2016