Trận đánh” nhà hàng Mỹ Cảnh

Huy Phương

* Để nhớ lại, nhân vụ khủng bố giết 130 người ở Paris

“Trận đánh” nhà hàng Mỹ Cảnh

Ngày 14/11/2015, sau vụ khủng bố ở Paris làm thiệt mạng 130 người, Chủ tịch CSVN Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Cùng ngày Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Laurent Fabius.
Trong khi đó phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam đã lớn tiếng: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra vào ngày 13/11/2015 tại Pháp khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà Chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực mà Chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng!”
Đây là những giọt “nước mắt cá sấu” của tập đoàn CSVN, đồng minh anh em, dùng cùng sách lược với ISIS, nhỏ lệ thương xót Paris.

Chúng ta cũng đã biết bọn khủng bố đã tấn công vào Paris, ngoài các mục tiêu có đông người như nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, bọn chúng còn dùng súng bắn xối xả vào các nhà hàng ăn, quán cà phê gồm Bar Le Carillon: 1 người chết, Le Petit Cambodge: 12 người chết, La Belle Equipe: 18 người chết, La Casa Nostra: 5 người chết.

Bắn súng để giết người, thủ phạm có thể bị bắt, còn đặt mìn định hướng để giết người rồi chạy trốn, còn ghê tởm hơn ngàn lần.
“Chiến công” của ISIS đánh vào những mục tiêu phi quân sự ở Paris, có khác gì “chiến công” đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh trên bến Bạch Đằng, Saigon 50 năm về trước, đêm 25 tháng 6-1965 khi Việt Cộng đặt chất nổ để giết khách hàng ăn đang có mặt trên nhà hàng nổi, và giết luôn thường dân ngồi hóng mát hay đi dạo mát bên ngoài hoặc đang đứng chờ phà qua sông, tất cả là 42 người chết và khoảng 81 người bị thương.

Ngay sau đó đài phát thanh Hà Nội đã tuyên dương “thành tích vẻ vang của đội biệt động thành Sài Gòn” và cho rằng “…Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh tại bến Sài Gòn là một chỗ thu hút về đêm của những người Mỹ xâm lược…hàng trăm người Mỹ xâm lược và tay sai đã bị giết hoặc bị thương… Thêm nữa, nhiều xác chết của kẻ xâm lược vẫn còn bị đè dưới bàn ghế và mảnh vỡ của nhà hàng…Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh bị thiệt hại nặng. Một tầu chiến của Mỹ đậu bên cạnh cũng bị nổ tung…”

Năm tên đặc công khủng bố của Việt Cộng đều được tặng thưởng huân chương chiến công. Tên Huỳnh Phi Long (bí danh Huỳnh Anh Dũng) 45 năm sau mới được ra Hà nội và được người ta phải “thốt lên kinh ngạc và thán phục về tài mưu trí, dũng cảm đã thực hiện thắng lợi trận đánh vang dội nhà hàng Mỹ Cảnh Sài Gòn năm 1965.”

Xin dẫn chứng một vài dòng “sử” khủng bố của Việt Cộng để các bạn đọc xa gần, nhất là những người lớn tuổi ở Saigon có thể nhận ra sự láo khoét, trơ tráo của những cái loa tuyên truyền bịp bợm của Cộng Sản:
– “Chủ nhà hàng là một người tên Phú Lâm, một tay sai đắc lực của tình báo CIA.”
– “Cấp trên nhận định phá hủy được nhà hàng này coi như ta đã triệt được một cái vòi của Mỹ-Ngụy và sẽ khoét sâu được mâu thuẫn giữa Mỹ và Ngụy.”
– “Địch lại thường xuyên bố trí hai cảnh sát mang súng tiểu liên canh gác bên cầu thang.”
– “Trên bờ sông 4 tên cảnh sát đứng dàn hàng ngang súng tiểu liên cầm tay, hai tên công an chìm đi lại ngay bãi trống đối diện nhà hàng.”
– “Dưới sông, an ninh hải quân của địch tuần tra liên tục.”
– “Tại các ngã tư địch tăng cường xe bọc thép và bọn lính dã chiến hình thành thế bảo vệ quanh mục tiêu.”
– “Một tầu chiến của Mỹ đậu bên cạnh nhà hàng Mỹ Cảnh cũng bị nổ tung!”
– “Vài phút sau, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng có mặt và chứng kiến cảnh tan nát này đã lắc đầu thất vọng và ủ rũ cúi đầu!”
Một cái nhà hàng ăn tầm thường trong trăm nghìn nhà hàng ở Saigon vào năm 1965, mà được bố trí cẩn mật như thế sao?
Đánh mìn vào một nhà hàng ăn để giết người không khó. Để phịa ra chiến công, truyền thông Việt Cộng đã tô vẽ cho nhà hàng này thành một chiến lũy hay một pháo đài bằng thép. Sử Cộng Sản mô tả Mỹ Cảnh có cảnh sát chìm nổi, có xe thiết giáp và binh sĩ dã chiến bảo vệ, có an ninh hải quân tuần tra liên tục và một tàu chiến của Mỹ đậu bên cạnh!

Xin thưa với bạn đọc, cũng như những người Saigon có sự hiểu biết và có đôi mắt quan sát, ngay cả Phủ Tổng thống VNCH hay Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon, cũng không thể nào được bảo vệ cẩn mật như nhà hàng Mỹ Cảnh được Việt Cộng mô tả trong sử sách như thế! Điều này, khốn nạn thay có thể lừa được người dân sống trong vùng “giải phóng” bên kia sông Bến Hải và lũ trẻ con mang “khăn quàng thắp đỏ bình minh” (lời nhạc TCS) mà thôi.

Tôi chỉ nêu ra một trong trăm nghìn chiến công của “cách mạng.” Đặt mìn xe đò, tàu lửa, nửa đêm vào nhà cắt cổ người hoặc thả trôi sông, pháo kích vào trường tiểu học, ám sát các viên chức miền Nam như GS Nguyễn Văn Bông và LS Trần Văn Văn, đập đầu chôn sống dân Huế tay không trong Tết Mậu Thân, cho pháo binh bắn vào đoàn thường dân di tản như “đại lộ kinh hoàng” hay tỉnh lộ 7B, không phải là những cuộc ra quân đối đầu quân sự, mà chính là những sự giết chóc khủng bố.

Hy vọng là chính phủ Việt Nam không treo cờ rũ hay gửi điện văn, hoa, nến để chia buồn và tưởng niệm những nạn nhân của các vụ khủng bố ở Paris, ở Ankara, ở Kuwait… Tôi chỉ yêu cầu một điều, xin các “đồng chí” chịu khó cúi xuống nhìn lại hai bàn tay của mình.

Huy Phương

http://thoibao.com/


Kỹ nghệ nuôi cá hồi (salmon)

Đức H Vũ
CÁ HỒI (SALMON)

Trước hết, để tránh mọi ngộ nhận, xin nói ngay rằng đây là chuyện của cá hồi, và chỉ riêng có cá hồi mà thôi. Nói theo tiếng Mỹ là cá hồi only. Chớ còn cá chim, cá chuồn, cá chép, cá chốt, cá lóc, cá lạt, cá lìm kìm, cá mập, cá mú, cá măng, cá cơm, cá cam, cá cờ, cá trê, cá trích, cá trẻm, cá heo, cá hương, cá hố, cá lù đù, cá lìm kìm, cá lia thia, cá đổng, cá đối, cá đèn cầy, cá bè, cá bẹ, cá bống – bất kể là bống kèo hay bống đá – hoặc bất cứ một loại cá thổ tả nào khác đều hoàn toàn (và tuyệt đối) không có dính dáng gì tới vụ này.

Cá hồi sinh ở sông nhưng phần lớn thời gian sống ở biển. Ðặc điểm của loài cá này là dù có rong chơi phiêu du ở chân trời góc biển nào chăng nữa, thế nào cũng tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh nở. Cá hồi Thái Bình Dương (Pacific salmon), sau khi từ giã nếp sống hải hồ, sẽ không bao giờ trở lại biển cả nữa. Lý do giản dị chỉ vì chúng sẽ chết sau khi đẻ và cho thụ tinh lứa trứng đầu tiên.

Cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic salmon) thì khác. Chúng có thể đi đi về về từ sông ra biển và ngược lại nhiều lần mà không hề do dự hay nao núng, dù khoảng cách phải vượt qua có thể dài đến hàng ngàn dặm, với vô số khó khăn và chướng ngại.
Bản năng về nguồn của cá hồi, tất nhiên, đã được loài người ghi nhận và khai thác từ lâu. Riêng người Nhật, dân tộc đứng thứ nhì về kỹ nghệ cá hồi, vẫn đều đặn sản xuất ra thị trường mỗi năm cỡ một trăm ba mươi ngàn tấn.

Xét về số lượng, mức sản xuất của người Nhật không hơn người Nga bao nhiêu và thua xa người Mỹ. Tuy nhiên, cách thức mà dân Nhật bắt cá hồi mới là điều cần phải được lưu tâm và học hỏi. Họ thiết lập nhà máy đóng hộp cá hồi ngay ở ven sông. Cũng chính nơi đây cá được nuôi nấng, đẻ trứng, thụ tinh để mỗi cặp sẽ cho từ hai đến mười ngàn chú cá hồi con ra đời. Sau đó, chúng sẽ được cho phiêu lưu vào đại dương, để bắt đầu cuộc đời… tha phương cầu thực. Tùy theo từng loại, cá hồi sẽ sống ở biển từ sáu tháng đến năm năm. Nhờ vào khả năng “cảm” được từ trường của lòng đất và sự chuyển động của hải lưu, nó sẽ tìm được về chốn cũ. Khi vào gần đến bờ, giác quan đặc biệt của loài cá này giúp chúng nhớ được đúng hương vị quê nhà – tức sông xưa bến cũ – và cứ theo đó mà lần về nguồn cội, đến tận nơi sinh nở. Người ta đặt sẵn nhiều dụng cụ từ cửa sông để giúp cho cá hồi dễ dàng và mau chóng vào đến nhà máy. Tại đây, họ sẽ tạo ra một loại chướng ngại vật giả khiến chúng phải phóng lên cao và khi rơi xuống thì rớt ngay vào một mạng lưới. Mạng lưới này chuyển động không ngừng, qua nhiều khâu chế biến, để đưa cá từ sông vào… hộp!

Nói tóm lại là người Nhật thả cá hồi con ra biển, theo kiểu đem con bỏ chợ, để biển cả nuôi nấng. Rồi khi chúng theo bản năng trở về, họ dụ cho cá vào nhà máy để đóng hộp và mang bán.

Cách họ kiếm tiền ngó bộ dễ và (chắc) là nhiều. Bởi vậy, có kẻ bắt chước. Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (tên kêu gọn thường dùng là Việt Cộng) cũng học theo cách làm ăn không vốn gần như vậy. Chỉ khác có chút xíu xiu là họ dùng người để kinh doanh, thay cá.

Từ năm 1978 cho đến năm 1990, bằng hình thức này hay hình thức khác, Việt Cộng đã “thả” ít nhất là hai triệu người dân ra biển. Người ta ước tính rằng trên bước đường lưu lạc cứ ba con cá hồi rời bến sông ra đi thì ít nhất cũng có một con bỏ mạng. Nó trở thành mồi săn cho loài người, cho loài chim, hoặc những loài cá khác. Tương tự, trong số hai triệu người Việt phiêu lưu vào biển cả – tối thiểu – cũng phải một phần ba đã vong mạng!

Họ chết vì bão tố, vì hải tặc, hay vì bị xô đuổi một cách lạnh lùng tàn nhẫn tại bến bờ của những quốc gia lân cận. Nơi đây thuyền bè của họ thường bị lôi kéo trở ngược ra khơi. Họ sẽ lênh đênh giữa trời nước bao la cho đến chết vì không còn tìm được nơi để đến, và cũng không còn đủ lương thực (cũng như nhiên liệu) để tiếp tục đi. Những kẻ may mắn thoát nạn đều sẽ biến thành cá hồi (theo tinh thần của Nghị quyết 36) của nhà đương cuộc Hà Nội. Đám dân trôi sông lạc chợ này sẽ bị tận tình khai thác, và khai thác dài dài, cho đến khi tắt thở, bằng nhiều cách.

Nếu cá hồi Thái Bình Dương chỉ hồi hương một lần rồi chết thì những thuyền nhân rời khỏi Việt Nam sau ngày 19 tháng 6 năm 1988 – đã có thời gian dài sống tạm trú ở những quốc gia Ðông Nam Á – cũng mang số phận y như vậy. Họ bị cưỡng bách hồi hương và không bao giờ còn có dịp ra đi nữa. Riêng với những thuyền nhân ở Hồng Kông – khi phần đất này còn thuộc Anh – Anh Quốc đã thoả thuận trả sáu trăm hai chục Mỹ kim mỗi đầu nguời để Hà Nội chịu nhận họ trở về, cùng với lời hứa hẹn là họ sẽ không bị hành hạ hay ngược đãi! Số người Việt may mắn hơn, hiện đang phiêu bạt tứ tán khắp bốn phương trời, có thể được coi như là cá hồi Ðại Tây Dương – giống cá có khả năng đi đi về về nhiều lần từ sông ra biển và ngược lại. Những kẻ này vẫn tiếp tục kiếp sống tha phương cầu thực, chăm chỉ cặm cụi kiếm và để dành tiền, rồi hàng năm làm đơn “xin phép” được hồi hương. Mỗi “Việt kiều” về thăm quê nhà chắc chắn đều chi trải một số tiền không phải chỉ là sáu trăm Mỹ kim mà có thể là đến sáu ngàn Ðô la, hay nhiều hơn nữa.

Tuổi Trẻ Online, đọc được vào ngày 7 tháng 1 năm 2010, cho biết: “Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-12-2009 kiều hối chuyển về đạt 6.283 tỉ USD, giảm 12,8% so với năm 2008. Riêng tại TP.HCM, kiều hối năm 2009 đạt 3.2 tỉ USD. Như vậy, kiều hối đã không giảm mạnh do suy thoái kinh tế như dự báo trước đó.”

Hà Nội có lý do để hãnh diện về thành quả này – thành quả kinh tế duy nhất (thực sự) vượt chỉ tiêu – về kỹ nghệ xuất và nhập cảng người, sau hơn nửa thế kỷ mà họ đã nắm được quyền bính ở Việt Nam. Họ đẩy ra khỏi nước những con nguời cùng quẫn và sôi sục bất mãn, rồi “thu về” những “Việt kiều” yêu nuớc và giàu sang !!!

 http://thoibao.com/