Ta thầy Tây hay Tây thầy Ta?

Nghiệp vụ công cộng- Les services publics- theo kiểu Pháp

Một nghịch lý trong thời đại toàn cầu hóa

Ts Phan Văn Song

Nước Cộng Hòa Pháp, từ những năm 1920 với cái nhìn « kinh tế điều khiển của nhóm Trường phái Bordeaux » do Giáo Sư Khoa Trưởng Léon Duguit làm trưởng tràng, cho đến những năm cầm quyền của Mặt Trận Bình Dân năm 1936, đã thực hiện và áp dụng (trước cả những cái gọi là Cách Mạng Nhơn dân của Liên Sô năm 1917) một mẫu tổ chức các Nghiệp Vụ Nhà Nước để phục vụ Công dân Pháp rất Trung Ương Tập trung qua các Công Sở Nghiệp Vụ Công Cộng đầy tánh cách Xã hội Chủ Nghĩa để phục vụ quần chúng. Từ Giáo dục đại chúng, đến Y tế và Sức khỏe Cộng đồng, qua đến ngành Chuyên chở Công Cộng, Métro, Xe lửa, Máy bay, đến Thông tin, Bưu Điện, hay cả Sản xuất phân phối các nhu cầu chánh yếu cho dân như Điện, như Than đá để suởi ấm, đốt lò nấu cơm - ngày nay là Khí đốt – hay Nước, từ lọc nước để uống qua đển phân phối nước để gia dụng … tất cả đều do Chánh phủ, do Nhà nước qua những Công ty Chánh phủ, qua những Công sở và có khi độc quyền chỉ đạo, chỉ huy, tập trung quản trị, độc ca độc diễn trên một thị trường không có cạnh tranh.

Một quốc gia với một chế độ chánh trị Tự Do, một nền kinh tế quản trị Tư bản mà lại có một tổ chức Xã hội kiểu Cộng đồng Xã hội Chủ Nghĩa Trung Ương tập quyền chỉ đạo, trên thế giới chỉ có Cộng Hòa Pháp thôi !

Chúng tôi người viết thường đùa với bạn bè người Pháp, dân đồng nghiệp Luật và Chánh trị Học, hay dân bạn Hội Sư Tử rằng : «Nước Pháp là một Quốc Gia Sô-Viết duy nhứt trên thế giới thành công!" Thật vậy, ngày hôm nay, mẫu tổ chức Sô-Viết của các quốc gia Cộng sản chủ nghĩa, hay mỵ danh Xã hôi chủ nghĩa đều thất bại, chỉ có Pháp thành công (ngay ngày hôm nay, năm 2015, trên 35% của toàn bộ sanh hoạt kinh tế Pháp vẫn còn do các Công ty Quốc doanh và Nghiệp Vụ Công Cộng đảm nhận !!).

Thử tưởng tượng, vào thời gian không xa xưa gì lắm, chỉ vào khoảng những năm 1980, chưa đầy 30/40 năm, tại một quốc gia đồng minh nằm trong khối Tư Bản, thuộc Cộng Đồng Liên Âu, trong ô dù che chở Quân sự của hệ thốn Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO hay OTAN ; ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nước Pháp, lại có một Parti Communiste Français-Đảng Cộng sản Pháp hoạt động với 20 % dân Pháp ủy nhiệm, tín nhiệm. Các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp hoạt động công khai trên chánh trường, có Dân biểu, có Nghị sĩ (ngày nay vẫn còn, tuy tỷ lệ kém hơn) ; có lúc có cả Tổng Bộ Trưởng. Hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng vẫn liên lạc quan hệ giao lưu qua lại giữa hai Tổng Thư ký của Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Liên Sô.
Ngày xưa cách đây không lâu lắm, La Ceinture Rouge- Vòng đai đỏ (màu đỏ của cờ Đảng Cộng Sản với Búa Liềm vàng) là tên gọi chung để chỉ các vùng tỉnh huyện thuộc vòng đai chung quanh thành phố Paris, vùng nằm bên kia các cửa ô thủ đô, bên kia xa lộ vòng đai-lapériphérique gồm các huyện, tỉnh với những Tỉnh trưởng, huyện trưởng đảng viên Đảng Cộng sản: Montreuil, Bagnolet, Montrouge, Arcueil, Ivry sur Seine, Vitry sur Seine…
Có Quốc gia nào trên thế giới thuốc khối Tự do, Tư bản chủ nghĩa có những con đường mang tên Lénine hay Karl Marx không? Vùng ngoại ô Paris có đầy rẩy. Có Thủ đô Quốc gia nào thuộc khối Tự Do mang tên đường là Stalinegrad không? Tên Stalinegrad ngày nay ở Liên bang Nga đã mất, bị đổi tên, ở Paris vẫn còn giữ. Paris thủ đô Pháp, có đường, có trạm xe điện ngầm Métro mang tên Stalinegrad.

Đó là cái nhìn cái quan điểm phóng khoáng, đó là cái dân chủ của xứ Pháp! Xứ Pháp là xứ có Cách mạng chặt đầu Vua. Xứ Pháp là xứ chia Thế quyền ra khỏi Thần Quyền. Nước Pháp có truyền thống Cộng hòa Thế tục, République Laïque.
Ngày hôm nay, nước Pháp tuy trong hàng ngũ thế giới Tư bản Tự Do, với nền kinh tế Tự Do, nhưng với một chánh phủ gồm đa số thành phần đảng viên Đảng Xã hội thiên tả. Trên lý thuyết Tổng thống François Hollande đương nhiệm phải mở rộng hướng Kinh tế trung ương tập trung điều khiển, nhưng tình hình kinh tế khó khăn do dư âm khủng hoảng kinh tế tài chánh quốc tế từ 2008 đến nay còn day dứt, nên Đảng Xã hội và Chánh phủ tuy mang tiếng phái tả nhưng phải mở rộng vòng tay cho tư bản. Nhưng nhóm Tư bản tuy tin tưởng đấy, nhưng vẫn «tháu cáy» buộc Chánh phủ phải «thả lỏng nhiều hơn». Kết cuộc! Xìu xìu ển ển! Nếu nhìn tình hình nửa năm, thấy thương vụ ngành xe lên, thương vụ nhà lên, thương vụ nhà băng lên, chỉ số CAC 40 chứng khoán Pháp lên cho rằng, cơn bão đã qua, tình hình kinh tế khả quan, vội mừng húm, báo chí khoe khoang là sai đấy! Chớ vôi mừng! Tin tức ấy là một cuộc xáo trộn có tính toán: chánh phủ ổn định chống đối, câu giờ. Tin ấy chỉ làm cho các nghiệp đoàn thợ thuyền tưởng bở, xuống đường đình công đòi lên lương thôi !!!
Kết quả, một nghịch lý, chỉ số chứng khóa Pháp CAC 40 tăng mạnh từ cuối năm ngoái đên đầu năm nay, nhưng nạn thất nghiệp cũng vẫn cao.
Nghịch lý ấy là do Ngân hàng Trung Ương Liên Âu tháo tiền, in thêm giấy bạc. Các Ngân hàng đầy tiền, các Tư bản dư tiền đầu tư vào…chứng khoán, bất động sản. Ngân hàng dư tiền hại lãi suất xúi cho vay. Thiên hạ vay mua bất động sản, mua xe hơi… Nhưng giới chủ nhơn chưa tin anh Xã hội nên chưa đầu tư, vì anh Xã ộôi cầm quyền tuy có mở cửa thật đấy, nhưng còn «kẹt giỏ» đám đàn em «bảo thủ, cố bám vào cái thuyết Cộng sản đại đồng», làm ít hưởng nhiều, với chế độ bao cấp. Ngày nay cấp thì đòi nhiều nhưng bỏ vào hầu bao thì ít, nên nước Pháp của tôi cứ lay hoay bàn, nói, họp Đảng, họp riêng, họp báo… nhưng hành thì ít !
Gánh nặng của một Quốc Gia Trung ương tập quyền Kinh tế chỉ đạo với các Công sở Nghiệp vụ Nhà nước là có nhiều nhơn viên - công chức. Công chức thi tuyển vào công sở, khế ước làm việc vĩnh viễn! Làm việc tới lúc về hưu! Như vậy, công chức là những người có công ăn việc làm ổn định, có chổ làm bảo đảm, có mãi lực bảo đảm, có đời sống, tương lai con cái an lành. Nhưng tại sao, ngày nay giới công chức lại xuống đường biểu tình, phá rối trật tự ổn định đất nước, công chức bất mãn nhiều nhứt phá đám nhiều nhứt. Phải chăng dân công chức Pháp đang cưa cành cây họ đang ngồi trên ấy ? Biểu tình, đình công ngày nay cũng là do đám công chức nhiều nhứt.
Họ sợ gì ? Họ đòi hỏi gì ? Dưới thời đại Toàn cầu hóa, quan niệm làm công chức trong những Công sở Nghiệp vụ lớn do Nhà nước tổ chức không có thị trường cạnh tranh là một quan niệm lỗi thời, phi kinh tế, không ổn tý nào.
Quan niệm điều hành, quan niệm quản trị là lợi nhuận, là cạnh tranh. Hàng hóa phải đáp ứng với thị trường, đáp ứng với thị hiếu, nên cần sự sáng tạo. Nếu cần thiết phải tạo cả thị hiếu, tạo cả mốt mới, tạo cả thời trang, tạọ cái phong trào thời đại, tạo và đáp ứng với thực tế thời đại : luôn luôn Đổi Mới với nhiều nghĩa, có thể tối tân! có thể cáu cạnh! nhưng phải đáp ứng thị hiếu! có thể xịn, nói theo dân chơi Sài gòn ngày nay! có thể sang trọng! có thể vừa sang vừa xịn! tạo Thương hiệu – Hermès – Nike – Vuitton – Mercedès – Audi – Rolex – Levi’s – Samsung – Nokia... nhưng phải thịnh hành và rẽ hay nói đúng hơn hạp với túi tiền - nếu công dụng cao, hạp với thị hiếu nếu công dụng là để lấy le hàng xóm hay lấy le với con ghế hay thằng bạn.

Phương thức do lường là cặp bài trùng Giá Cả/Công dụng phải cân đối
Còn định nghĩa Cân Đối ? Cả một bầu trời tâm lý học và cái khúc mắc bí ẩn Thị hiếu con người, Thị hiếu thời trang, Quan điểm thị trường là cả một bài toán khoa học ngành Marketing-ngành Tiếp Thi, học hoài không hết của thế giới tiên tiến ! Ngày nay cũng có những nhà khoa học trẻ đem ngành Marketing áp dụng cho «Thị trường Chánh trị»! Đám Chánh trị học già đành chào thua! Nhưng cái phải nhớ là tuy rằng Marketing là ngành Khoa học Chợ búa, nhưng trong ngành Thương mãi chợ búa, việc đầu tiên là phải tôn trọng quan hệ giữa kẻ bán với người mua là chữ TÍN, và THẬT THÀ tức là nói thật.
Có thể nói «Thách» để «Tố Phé», để trả giá, để mặc cả, để đi đến đồng thuận giá cả (chỉ là kết quả cuối cùng của sự gặp gở giữa hai nhu cầu mua và bán hoặc hai số lượng cung và cầu thôi !)
Chớ không phải nói láo, mỵ dân, tuyên truyền dỏm, huyền thoại… kiểu máy bay núp trong mây đánh du kích, hay người hùng Lê Văn Tám tẩm xăng đốt đuốc chạy trên cả trăm thước để làm nổ tung kho đạn... Vẫn biết bẩm tật người Việt là Vua Nổ, nhưng chuyên Lê Văn Tám là quả bom nguyên tử Hiroshima, nổ không bằng !!!
Trái lại đằng nầy Công sở Nghiệp vụ công cộng phuc vụ theo giờ, lè phè, vừa làm vừa ngó đồng hồ, thì làm sao đáp ứng được với khách hàng? Trả lời với thị hiếu?

Với một chế độ Xã hội bảo vệ người dân rất hữu hiệu, người dân Pháp ngày nay mất cả chất phiêu lưu. Vì được quá nuông chiều, quá bảo đảm, quá yên ổn, con người Pháp không còn tánh phát minh nữa. Công dân Pháp được Nhà nước, Chánh phủ bảo quản từ A đến Z, từ lúc mới sanh đến lúc chết. Mẹ có thai có cả một chế độ theo dõi thai nhi. Chánh phủ cho tiền khám thai, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. 4 tuần nghỉ trước khi sanh, 6 tuần hậu sản. Cho con bú, có tiền cho bú. Không cho con bú, cho uống sữa bò, có tiền sữa bò. Khám nhi đồng, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Phụ cấp nuôi con, phụ cấp đi học, phụ cấp giữ con…cho lúc đến lớn, trưởng thành. Ráng học tý ty là có học bổng, chỉ ráng học bài, nhớ bài, trả bài, làm bài là có tất cả. Thi Tú tài ráng ưu hạng, là có học bổng. Ráng vào trường lớn là có học bổng. Ráng vào trường dạy kỹ sư, tiền học gần như miễn phí. Ra trường kỹ sư có ưu tiên đi làm ngay. Thật là, làm công dân Pháp rất dễ, chỉ làm đúng phận sự là có tất cả! Một bộ máy vượt các bực thang xã hội được các Luật gia Trường phái Bordeaux đã nghĩ ngay từ những năm 1920.

Từ những năm 1980, toàn cầu hóa tiến vào đất Pháp bằng tất cả các ngõ ngách. Vì dân Pháp quá ư được ưu đãi, được một tổ chức xã hội quá hữu hiệu che chở. Nên với toàn cầu hoá đâm ra bở ngỡ, bị cạnh tranh bởi lương thợ thế giới không được che chở, nên rẽ hơn lương có che chở ở Pháp, và… Nạn thất nghiệp bắt đầu. Thất nghiệp cũng được che chở! Nên mẫu Hệ thống Công sở Nghiệp vụ Công cộng kiểu Pháp bắt đầu lỡ thời.

Việt Nam và người dân Việt Nam ta cũng vậy. Không biết Ta bắt chước Tây, hay Tây bắt chước Ta, chứ người Việt phe ta rất thích làm công chức lắm. Đi làm có giờ, có giấc, công việc có thứ có tự lè phè, chẳng có sức ép của thị trường, xuân hạ thu đông bốn mùa công việc giống nhau. Người Việt, truyền thống Á đông, học để làm quan, có giấc mơ «vô ngạch làm nghề công chức». Hồi chúng tôi mới về Sài gòn, khi được Trường Luật thâu làm Thầy Giáo, mẹ tôi le lắm, khoe với bà con: «thằng nhỏ tui bây giờ là Giáo sư». Khi chúng tôi đi lính về, xin Trường Luật cho phép đi làm thêm nghề Ngân hàng, mẹ tôi bỏ rất nhiều thời gian «cắt nghĩa cho bà con biết tại sao con tui hổng còn làm Giáo sư nữa», bả mắc cở tui làm nghề nhà băng cho vay lấy lời, tổn Đức!!! Sau đó tui qua BGI, tuy lương to, tiền nhiều, nhưng cái nghề «bán rượu, ăn nhậu, bán la dze nhà hàng» làm mẹ tui xìu luôn, hết khoe với bà con. Nói tóm lại, ở xứ mình, công chức có ngạch bao giờ cũng ngon lành hơn. Thằng con bạn mẹ tui ở Sài gòn (tụi tôi cũng ở vùng Chợ An Đông, tuy cũng Sài gòn nhưng là «Chợ An Đông» thôi! Cũng như hồi nhỏ ở Tân Định, tuy cũng là Sài gòn nhưng chỉ là Tân Định! Phe ta nó là như vậy. Sài gòn le hơn, thế thôi. Chợ Cũ le hơn chợ An Đông) Trở lại chuyện thằng con bà bạn làm «công cán ủy dziên», tuy mẹ tui không biết «công cán ủy dziên» là gì, nhưng bà cũng nói một cách thèm khát, vì nó «làm công chửc». «Con à! Thằng con bà…làm Công cán ủy dziên Bộ…Ngon lành quá! Sao con cũng học giỏi, cũng…cũng… sao con không xin làm Công cán ủy dziên?» Bả làm một lô «cũng, cũng…» ý bà muốn so sánh. Tôi thường những lúc mẹ «tâm sự» như vậy, im lặng để bà nói cho đã. Thằng tôi không thích nghề công chức thế thôi! Đối với chúng tôi tất cả phải tư nhơn, tư hữu, quản trị «cung cầu» tự do làm ăn, thua lỗ là chuyện bình thường. Đời sống của tôi làm bá nghệ, nhưng cố gắng làm trong ngành tư nhơn và tất cả thuộc quản trị thương mại từ bán tiền, cho vay của ngân hàng, đến bán bia nước ngọt của hãng rượu, bán cơm của tiệm ăn, bán máy lạnh… tuy nghề chánh vẫn dạy học nhưng dạy tư, dạy phụ đến nay hưu trí tiếp tục phụ giảng truyền giáo không «đi thi làm mục sư»! Làm phụ làm phó giúp ta luôn luôn tìm tòi phấn đấu học thêm, mở mang hiểu biết. Vào chánh ngạch, yên ổn, sẽ làm chúng ta ngồi yên, làm chúng ta bị ru ngủ! Đó là quan niệm riêng của chúng tôi. Gần 50 tuổi, vợ tôi buộc lắm tôi mới mua nhà. Trước tôi vẫn cho rằng đời mình là đời tỵ nạn, sống bấp bênh. Tôi ở nhà hảng cung cấp cho, và ở nhà muớn. Vì thay chổ làm mãi, tôi chỉ ở nhà hãng cho. Tôi rất sợ cái yên ổn. Ngồi yên tôi sợ rụt chí ! Thôi nói vòng vo tam quốc. Xin lỗi quý vị.
Trở lại cái mẫu Công chức, công sở của Pháp, của phe Ta ngày xưa, của người Á đông cố hữu, và cái Công ty Nhà nước kiểu Cộng sản Việt Nam ngày nay, suốt năm thua lỗ, muôn năm thua lỗ, vì «bao cấp», vì «bù trừ», vì «lè phè», vì «chấm mút» vì «rút ruột công trình»…!

Nghiệp Vụ Công Cộng kiểu Pháp-Les Services Publiques à la française: miễn phí, bình đẳng, thường trực
Chúng ta công bình mà nói, không nên vội phê phán mẫu phục vụ xã hôi nầy, hãy tìm hiểu cơ nguyên. Thoạt tiên, như chúng tôi đã thoáng nói ở phần trên, chỉ là một quan niệm luật học, do các dân chuyên ngành «công pháp» (như cá nhơn chúng tôi) của "trường phái Bordeaux" của vị trưởng tràng là Khoa trưởng Léon Duguit (1859-1928). Quan niệm nầy được cho ra đời cùng với phong trào kinh tế chỉ đạo của những năm 1920, với các «công sở kỹ nghệ hay thương mại đầu tiên do chánh phỦ điều khiển».
Nhưng khi nhà cầm quyền bắt đầu vượt khỏi giới hạn quyền lực để chỉ huy nền kinh tế thi các «nhà công pháp» phải một cách tự nhiên đặt những nghiệp vụ dưới sự kiểm soát của Tối Cao Pháp Viện Pháp – Le Conseil d’État và các quyền lực hành chánh viện lý rằng tất cả những nghiệp vụ ấy là một Nghiệp vụ Công cộng – Un Service Publique.
Nhưng ngay từ lúc đưa ra quan niệm nầy, nhóm «trường phái Bordeaux» không để các cơ quan hành chánh muốn làm gì thì làm đâu, họ đặt ngay là ba định hướng rõ ràng là : miễn phí, bình đẳng và thường trực-la gratuité-l’égalité, la continuité. Ba cá tánh điều kiện hóa cho nghiệp vụ bắt nguồn từ tính chất công cộng, sau đó được hành chánh hóa nay biến thành một quan niệm đặc biệt kinh tế.
Do tiền thu của cơ quan thuế vụ, các nghiệp vụ công cộng phải «phục vụ miễn phí» người «sử dụng-les usagers». Vì được thành lập để «phục vụ lợi ích chung», nghiệp vụ công cộng không có quyền «từ chối phục vụ cho một người sử dụng nào»-bình đẳng và như vậy phải liên tiếp, thường trực không ngưng nghỉ hay ngắt khoảng. Khi nói như vậy người ta thấy rõ những nghiệp vụ thật sự cộng cộng, thật sự bổn phận của Nhà nước như Quân đội, Công an-Cảnh sát, Tư pháp-Hình luật, là dễ hiểu vì hiển nhiên thôi. Nhưng những địa hạt khác những nghiệp vụ khác, các bổn phận khác có tính cách kinh tế hơn, cần tiền đấu tư hoặc làm ra tiền, có lợi nhuận, có cơ, có thể kinh tài, có cơ, có thể sanh lời, kiếm lợi nhuận ?
(Hãy để ý cách dùng chữ- người được phục vụ gọi là người sử dụng - nếu là thương mãi, phải gọi là khách hàng, người mua hàng. Vì, chỉ là người sử dụng và người phục vụ nên, các nhơn viên nghiệp vụ chỉ làm việc lè phè là như vậy).

Nghiệp vụ công cộng sản xuất tài sản công cộng
Năm 1930, các nhà kinh tế gia cũng nhào vào tiếp tục công việc các luật gia. Hai nhà kinh tế gia người Anh, Arthur Cecil Pigou (1877-1959 và Ronald Coase (1910-2013) đem đến hai quan niệm, « ợi nhuận có từ ngoài – externalités» và «trị giá xã hội- le coût social». Trong hai quan niệm ấy thay đổi hẳn cái nhìn của nghiệp vụ công cộng. Từ nay, những hàng hóa, hay nghiệp vụ có thể thoát khỏi quy luật thị trường, hay thoát ngoài quy luật tự nhiên của lợi nhuận tức thời (lợi nhuận từ trong). Thí dụ những sản phẩm hay những nghiệp vụ có ảnh hưởng tức thì đại chúng, nghĩa là cho tất cả mọi người không cứ chi riêng đến những người quan hệ như người sản xuất hay người sử dụng. Thí dụ, khói thải ra của một nhà máy, làm ô uế cả mọi sinh thái, là một «hao tốn», có một «trị giá xã hội», nhưng không biết ai trả tiền. Đây là thí dụ của Arthur Cecile Pigou. Trong thí dụ nầy, phần «lợi nhuận có từ ngoại - externalité - âm tính - négative» tức là hao tốn.
Chúng ta cũng có thể nghỉ đến một  lợi nhuận có từ ngoài» dương tính - tức có lời – positive. Thí dụ đốt pháo bông ngày lễ Quốc khánh July 4th của Mỹ hay 14 Juillet Pháp. Tốn tiền thật, nhưng ai ai, tức mọi công dân đều được hưởng.
Có thể nghĩ đến trường hợp các đường xá, xa lộ, những đài phát sóng để dẫn dắt các đài Phát Thanh. Nhà kinh tế học, Giải Nobel Kinh tế 2007, người Mỹ, Giáo sự tại Trường Đại học MIT, Huê kỳ Paul Samuelson (1915-2009) cũng nhấn mạnh hai yếu điểm: không loại bỏ và không cạnh tranh. Không loại bỏ, khi có pháo bông, mọi người đều có quyền thưởng thức, không cấm cản loại bỏ ai cả. Một vật công cộng, một tài sản công cộng, là một tài sản bất khả nhượng, không thương mãi trao đổi buôn bán, vì nó không có khế ước, nên không có khách hàng. Vi vậy, thuế vụ là phần trưng dụng để thu mua tài sản công cộng.
Đóng thuế là cách trả tiền để có quyền sử dụng tài sản công cộng. Người công dân, người đóng thuế, là người sử dụng tài sản công cộng.
Khi ta đóng thuế, ta được quyền hưởng thụ nhiệm vụ của Quân đội bảo vệ chúng ta, kể cả chúng ta là người chống bạo động, chống chiến tranh, chống vũ khí, vân vân.

Vai trò của Nghiệp Vụ Công Cộng
Lý thuyết Kinh tế Chỉ huy, lý thuyết Phục vụ Xã hội của các nhà Công Pháp lần lần xâm chiếm nhiều địa hạt kinh tế với lý do phục vụ Cộng đồng. Dần dần nhiều khu vực thương mại cũng bị «xâm chiếm». Ngành chuyên chở chẳng hạn: Ở Pháp, Sở Hỏa xa Pháp SNCF Société Nationale des Chemins de Fer, Sở Xe Lửa Nội Thành Paris RATP Réseau Autonome des Transports Parisiens, Hãng Máy bay Air France, Hãng Than Pháp Charbonnages de France, Hãng Điện Pháp EDF Électricité de France, Hãng Khí đốt Pháp, Gaz de France, Nguyên Tử Lực Cuộc CEA Commisariat de l’Energie Atomique, Ngân Hàng Quốc Gia Thương Mại và Kỹ Nghệ BNCI Banque Nationale de Commerce et de l’Industrie, Hãng xe Renault… và nhiều lắm nói, kể không hết, tất cả mọi ngành, sản xuất có, phân phối có, chưa kể ngành Bưu Điện, hay Hệ thống Nhà Thương và Hệ thống Giáo dục… hay các cơ sở quản trị Thể thao, Văn hoá… Sân Vận động, các Nhà hát, các Hí viện…
Khoảng thời gian cao độ nhứt là khoảng năm 1981, hầu như toàn bộ các hãng kỹ nghệ lớn, Phân phối Thương mại, và các hệ thống Ngân hàng Tài chánh đều do Nhà nước kiểm soát.
Chúng tôi người viết đã nói rằng Công Hòa Pháp là Quốc Gia Sô Viết duy nhứt thành công! Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đúng ra phải đi áp dụng bài học tổ chức hành chánh và kỹ nghệ tài chánh thương mãi của Pháp! Đằng này đi học thằng Liên Sô Nga là sai, chưa sập tiệm là may, sập tiệm mới là đúng!
Chưa muộn đâu. Pháp ngày nay vẫn còn đầy rẫy Nghiệp vụ Công cộng.
Cái nghịch lý là cả giới Tư bản phái hữu và giới Chủ nhơn ở Pháp, cũng bảo vệ mẫu tổ chức nầy. Ngày nay dù bị Liên Âu buộc phải mở cửa rộng thêm, cho Tự do Kinh doanh và cạnh tranh Tư bản, Tự do thêm. Nghiệp vụ Công cộng vẫn chiếm trên 1/3 tổng số hoạt động kinh doanh kỹ nghệ thương mãi dịch vụ tài chánh.
Quan niệm một số người trong đó có chúng tôi là phải mở rộng các địa hạt kinh tế, kỹ nghệ và dịch vụ cho giới tư nhơn. Phải tạo cạnh tranh! Tạo cạnh tranh là tạo sáng kiến, tạo một thị trường động, là tạo sự chuyển động, tạo cách mạng trong sáng kiến, trong tiến bộ, hạ giá thành, tạo cạnh tranh. Nhà Nước chỉ phải giữ phần bảo đảm luật lệ, giữ trật tự an sanh xã hội. Nhà Nước định hướng phát triển, chỉ hướng đi, làm trọng tài giữa hai giới chủ nhơn và công nhơn, điều hòa thị trường kể cả thị trường nghề nghiệp, huấn luyện giáo dục tay nghề.

Riêng về Chức năng ?
Nghiêp vụ nào? Chức năng nào dảnh riêng cho Nhà Nước ?
Giáo dục ư ?
Phài Giáo dục, «Quyền có học, hiểu biết, biết đọc biết viết là một Nhơn quyền». Nhưng không ai cấm giao cho một hệ thống tư nhơn. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến hai hệ thống song hành với nhau, nhưng phải cưỡng bách giáo dục để con trẻ của mọi công dân phải được giáo dục tối thiểu đến 16 tuổi.
Gia cư ư ?
«Quyền trú ngụ, có một căn nhà ở, là một Nhơn quyền». Dĩ nhiên ngày nay, địa ốc là một địa hạt thuộc tư nhơn. Nhưng Nhà Nước cũng phải tổ chức những căn chung cư cho những ngưởi nghèo khổ thuê ỏ với giá rẽ. Ở Pháp có hệ thống Logement Social – Nhà Xã hội với những HLM Habitat à Loyers modéré – Chung Cư Nhà Giá Rẽ. Ngày nay với nạn di dân dồn dập, với khủng hoảng nước Pháp đang gặp khó khăn về Gia Cư Xã hội.
Y Tế ư ?
Ở Pháp vì Hệ thống An sanh Xã hội rất cao, nên đa số ngành Y tế đều mang tánh cách Xã hội và do Nhà nước chỉ huy. Phần đông các Y sĩ và một số đông thuốc men đều bị, hay được kiểm soát giá cả. Sở An sanh Xã hội, chỉ cho phép một lô hoạt động y tế và một lô thuốc thông dụng. Ngoài vòng ấy phải được sự thỏa thuận của Bộ Xã hội.
Và nhiều địa hạt nữa...
Ngày nay người công dân Pháp nào cũng muốn tư hữu hóa vì trả thuế nặng, nhứt là cái cảm tưởng trả thuế mà không xài đến - vấn đề liên đới, vấn đề đoàn kết không còn là câu nói đầu môi nữa.
Nhưng tất cả người công dân Pháp nào cũng sợ Tư hữu hóa. Sợ tư hữu hóa vì sợ cạnh tranh dồn dập, chóng mặt, không có thì giờ nghiên cứu.
Với các Nghiệp vụ Công công, cái gì cũng quen, khỏi suy nghĩ! Như đang ở nhà trong gia đình, quen rồi, an toàn, êm ả. Tư hữu hóa, là ra chợ, ra thị trường lạ, toàn tư nhơn. Giả? Thật? Sao biết. Ham rẽ sợ bị gạt, trả mắc, sợ bị hố! Lòng người phức tạp.
Ngày nay, nước Pháp đầy nghịch lý của nước Pháp trước ngã rẽ của thời đại.
Vì những lẽ trên, với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh từ 7 năm nay, cái nhìn Nghiệp vụ Công cộng của Pháp có vẻ như là một thất bại.
Chưa hẳn. Phải có một phương thức trung dung nào đó. Hay phải nghiên cứu tìm một phương thức những Công sở Nghiệp vụ Công cộng hoạt động, quản trị với phương pháp Tư nhơn?
Và cũng như mọi của ngon vật lạ của Pháp: Rượu, Xi gà, Phó Mát, Sốt xích, Bít tếch, Khoai chiên, dầu mỡ, bơ sữa, chiên xào… Nên hạn chế, sử dụng.
Vừa phải thôi! Avec modération! Un verre çà va, Trois verres, bonjour les dégâts! Một ly OK, Ba ly tiêu tùng!
Và mong mọi người sẽ cùng hưởng ứng. Mong cũng là một cái mẫu cho Việt Nam tương lai.
Mong lắm !
Hồi Nhơn Sơn, Xuân 2015
Phan Văn Song

 

Đăng ngày 12 tháng 05.2015