NGƯỜI KHÔNG CÓ BÓNG

 

vlxuan

Vũ Lưu Xuân

Không biết bao nhiêu năm rồi, ông có thói quen sáng, chiều ra ngồi trên chiếc ghế đá trong sân nhà. Căn nhà quay ra hướng đông, cũ kỹ, được cái có khoảng sân nhỏ, trồng đôi ba cây cảnh. Ông rất thích mấy cụm hồng nhung đỏ thắm, chồi thược dược, nó gợi cho ông những kỷ niệm, và đặc biệt là khóm ngọc lan, cũng là kỷ niệm. Đêm xuống, mùi hương ngọc lan ngan ngát, thoảng tới tận phòng ngủ, nhẹ nhàng, thanh thoát. Trong chuỗi ngày trống trải, ông giết thời giờ bằng cách tưới hoa, tỉa lá, bắt sâu. Mệt, ngồi trên chiếc ghế đá chơ vơ, nhìn trời nhìn đất, lặng lẽ, đơn độc. Nắng lên, kệ. Sáng sáng, ông thường lẩn thẩn quay lại nhìn chiếc bóng, ông nói với nó, cười với nó, có khi là cười gượng:

-Mày lẽo đẽo theo tao chi vậy?

Chiếc bóng có vẻ nặng và xám xịt, đổ dài phía sau lưng, rồi rút ngắn dần. Buổi chiều, nó choán một khoảng không gian trước mặt, và mỗi lúc một dài ra. Chiếc bóng luôn gắn liền với ông, giống như chuỗi thời gian đầy ắp kỷ niệm. Nó là quá khứ. Vậy mà bao nhiêu năm tháng đã qua đi, chặt thành khúc, đơn điệu, nhạt nhẽo, và cũng có chút bẽ bàng. Ông chẳng cần nhớ, chẳng muốn nhớ.

 

Rồi, với tuổi già, trí nhớ mỗi lúc một kém dần, kém dần. May quá ! Và, mọi kỷ niệm cũng mờ dần, trôi đi. Một buổi chiều, người con trai đi làm về, vừa dắt xe vào cổng, ông ngoắc lại, nói nhỏ vào tai:

-Từ sáng tới giờ nó chưa cho bố ăn.

“Nó” tức là cô con dâu trưởng, trước đây ông vẫn khen hiếu thuận. “Nó chưa cho bố ăn”. Người con trai chau mày, trách vợ.

-Em mới cho bố ăn lúc bốn giờ. Như thường lệ, ăn xong bố ra ngồi trước sân.

Người con trai lại chau mày suy nghĩ. Rồi một lần, khi anh vừa bước qua cổng, ông chăn lại:

-Cậu tìm nhà ai?

Thế là rõ rồi. Từ đó cổng được khóa kín, sợ ông bỏ nhà lang thang, đi lạc. Người con trai vội vã tìm anh bạn bác sĩ thần kinh.

-Vậy là ông cụ bị Alzheimer. Có nhiều nguyên nhân, nhưng đại khái là não bộ dần tê cứng, xuất hiện những đám rối thần kinh, cản trở khả năng dẫn truyền. Đây là chứng bịnh thường gặp ở tuổi già, không chữa khỏi, và dễ dẫn tới tử vong, nhưng để tôi tới nhà chẩn đoán kỹ đã, nếu cần phải chụp cắt lớp não.

Sau khi làm các xét nghiệm tại bệnh viện, anh bạn kê toa thuốc, nhắc nhở:

-Tôi lưu ý anh, tất cả các thứ thuốc hiện được y học sử dụng như nivalin, gliatylin, hay donepezil, chỉ có tác dụng làm chậm sự phát triển của bệnh, chứ không thể giúp phục hồi trí nhờ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được người thân quan tâm chăm nom, cụ thể là phải tạo ra không gian, sinh hoạt có khả năng kích thích não bộ.

Từ đó anh dành nhiều thì giờ săn sóc ông. Kỳ nghỉ dài ngày, anh đưa ông về quê, sống lại những kỷ niệm quá khứ. Một lần ông có vẻ đăm chiêu:

-Bãi biển Thương Chánh khác hẳn xưa rồi.

-Bố vẫn nhớ biển Thương Chánh ngày xưa à?

-Nhớ chứ. Suốt thời trung học, mùa hè bố tắm hàng ngày mà. Bây giờ nó là bãi biển của nhà giàu.

Thứ bảy, chủ nhật, anh hay chở ông đi chơi phố xá Sài Gòn, cuối cùng ra bờ sông uống cà phê, tìm chút không khí thoáng đãng.

Một sáng chủ nhật, khoảng 10 giờ, đi ngang nhà thờ Tân Định, chợt ông hối hả vỗ vai anh:

-Dừng lại đi.

-Gì vậy bố?

Ông chăm chú ngó vào. Nhà thờ vừa tan lễ. Ông nhìn sững.

-Cô ấy đang đi ra tìm bố.

-Ai vậy?

Ông thấy thấp thoáng bóng dáng một phụ nữ mặc đầm dài mầu nhạt, điểm hoa nhỏ, thanh nhã. Ông lẩm bẩm:

-Nó là em mày.

-Gì cơ? Ai là em con?

Ông thở dài, không trả lời, chỉ lẩm bẩm “nó là em mày”.

-Thôi, đi đi.

Người con chở ông ra quán cà phê cặp bờ sông Sài Gòn. Hình như ông loáng thoáng nhớ lại vài chuyện.

-Một ly đen nóng không đường.

Nhấp một ngụm, ông nhăn mặt:

-Cà phê này bỏ kí ninh.

-Sao bố biết?

Ông đờ đẫn:

-Hình như có người bảo bố vậy.

Mặt đăm chiêu, mắt nhìn xa xôi, ông lại lẩm bẩm “nó là em mày”. Mà ông con một, làm gì có em, cô độc. Ông lắc đầu.

Dần dần nhớ lại vài chuyện nhỏ, ông lấy giấy bút ghi chép. Người con mừng thầm trong bụng. Một sáng chủ nhật, anh bạn bác sĩ tới thăm. Ông cười rất tươi:

-Cậu Tân, sao lâu lắm mới đến chơi?

Anh bác sĩ mắt tròn xoe, há hốc miệng:

-Một kỳ tích trong y học, đúng là kỳ tích không giải thích được.

-Anh nói sao?

-Xưa nay chưa từng có trường hợp người mắc bệnh Alzheimer phục hồi trí nhớ. Có lẽ một kỷ niệm đặc biệt nào đó khích động mãnh liệt, khiến ông cụ nhớ lại chuyện cũ. May cho anh. Tôi sẽ kê thêm toa thuốc, chủ yếu là bổ não.

Người con chỉ vài bức tranh treo trên tường, thử trí nhớ bố:

-Tranh ai vẽ đây, bố biết không?

Ông cười tủm tỉm:

-Bố vẽ chứ ai.

-Bác đúng là một nghệ sĩ đa tài.

Tự nhiên nét mặt ông ngưng đọng, mắt rất xa.

-Gì vậy bố?

Ông trả lời chầm chậm, hình như vẫn còn gặp khó khăn trong việc diễn tả ý nghĩ:

-Bố rất sợ bị gán cho những chữ sĩ. Nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ. Đó là những chiếc khung trói gô con người lại.

Ông ngừng đôi chút:

-Vì cái khung đó, vô số người cố làm ra vẻ nghệ sĩ, bằng cái vỏ dị hợm.

Anh bạn sững người:

-Đây hoàn toàn không phải là câu nói của một người Alzheimer. Mừng bác, mừng anh. Kỳ tích đó.

Một hôm đi làm về, người con cười hỏi:

-Bố ăn gì chưa?

-Chị ấy mới cho bố ăn lúc 4 giờ, hãy còn no. Món hầm rất ngon, bố ăn vã thêm một chén.

Vậy là tạm ổn, và ông dần dần nhớ lại chuyện cũ. Ông nhớ lại thời còn đi học. Ông nhớ tới những người bạn, nhớ thằng bạn nối khố, nó thi vào ĐHSP Huế. Mậu Thân, nó ở lại ăn cái tết cuối cùng với bạn bè, trước khi ra trường, và nó chết, mất xác. Ông nhớ tới bà mẹ có đứa con trung úy chết trận, và bà không còn nơi nương tựa. Ông nhớ tới đứa học trò, năm 75, nó chạy bộ tìm xác chồng suốt từ Hậu Nghĩa tới Củ Chi, vừa chạy vừa khóc. Ông nhớ tới những phụ nữ đã đi qua đời mình, có người đi qua như cơn gió thoảng, rất mong mang, nhưng cũng có người để lại vết cắt, hằn sâu. Mà lạ thật, mỗi khi chìm vào quá khứ, hình như ông chỉ thấy lòng buồn hơn. Niềm vui trốn đâu mất rồi. Nó có còn tồn tại trong đầu này không? Trong nhà này không? Trong xóm này không? Trong quê hương ông đang sống không? Ông thở dài, không cố tìm câu trả lời. Ừ, nhớ làm gì. Vậy mà, vẫn không thể quên. Mệt thật ! Và, ông rất muốn quên. Khi còn mắc bệnh, hay có ảo giác, ông thấy bị người ta rình rập, làm hại, bị chó rượt đuổi, nhưng ảo giác ngắn ngủi, qua đi, rồi ông lại sống trong tâm trạng trống rỗng, vô ưu. Còn bây giờ, tỉnh táo, ông thường xuyên bị ám ảnh bởi những giấc mơ, có đầu có đuôi. Có lúc ông mơ thấy mình đứng giữa một xưởng lớn đang bốc cháy, công nhân sợ hãi cuống cuồng, xô đẩy nhau, còn lũ chủ, chỉ lăng xăng bề ngoài, thật lòng có vẻ bình chân như vại. Người ta đồn chúng nó đã chuyển hết vợ con và tài sản quý giá ra ngoài từ lâu, bây giờ âm mưu đốt cái xác nhà xưởng để phủi tay, xóa nợ, thế là xong. Có lúc ông mơ thấy mình chui vào con đường hầm kẹt cứng, xung quanh nêm chặt người, lui không được, mà tiến tới thì con đường hầm hầu như dài vô tận, không hề thấy chút ánh sáng le lói phía trước, để có được chút hy vọng. Ông kể hết cho con nghe. Cả hai chỉ biết thở dài, ưu tư. Giấc mơ đến với ông ban đêm, và ám ảnh ông suốt ngày. Ông cố làm việc gì đó để quên, mà không tài nào quên được. Ừ, giá mà cứ Alzheimer lại hóa hay. Con đà điểu giấu đầu dưới cát không phải là giải pháp, nhưng dù sao nó cũng bớt sợ, ít ra trong nhất thời.


Thế rồi, ngày tháng trôi, ông lại quên dần. Lạ thật, mà cũng hay thật ! Có lúc trí nhớ ông chập chờn đôi ba hình bóng. “Nó là em mày” Hình như Chúa bảo thế. Mà nó là ai vậy, ông chẳng biết. Ông nghe loáng thoáng tiếng gọi “anh Hai”, vô nghĩa. Có lúc ông nhớ tới cái trán dồ, có lúc ông nhớ tới cái miệng cười tươi, có lúc ông nhớ tới dáng điệu hoạt bát, lanh lợi. Những mảnh chắp vá, chẳng đâu vào đâu. Nhưng trước sau ông vẫn nhớ tới câu “nó là em mày, Chúa bảo vậy.” Chúa nói xạo, ông con một, làm gì có em, hoang đường.

Người con lưu ý tới một vài biểu hiện bất thường. Anh nhặt được mấy viên thuốc vương vãi ngoài của sổ. Anh cau mày:

-Sao bố lại vứt thuốc đi?

Ông ngần ngừ:

-Bố … muốn quên.

-Không chịu uống thuốc có thể chết đó.

-Vậy hả, nhưng uống thuốc có sống mãi được không? Mà sống có gì là vui, chết có gì là buồn.

Anh không biết trả lời sao cho đúng. Ông luôn cố chấp trong suy nghĩ của mình: “sống có gì là vui”. Và, nhất định không chịu uống thuốc. Người con chỉ biết thở dài. Ông có lý của ông. Từ đó, ông không còn bị ám ảnh bởi đám cháy, không còn nhớ tới con đường hầm tối đen, không còn nhớ tới cái trán dồ ông vẫn thích chọc ghẹo. Ông quên hết rồi. Và cổng vào nhà lại khóa kín.

 

Thế nhưng thói quen mấy chục năm vẫn không bỏ. Sáng chiều ông vẫn ra ngồi trên ghế đá, vẫn nhìn trời, nhìn đất vu vơ, và vẫn ngây ngô nhìn chiếc bóng của mình. Buổi sáng nó rút ngắn lại, buổi chiều dài dần ra, vẫn xám xịt. Mặt trời ngả về tây, chuẩn bị đi ngủ. Ông cứ ngồi nguyên đó. Bóng căn nhà đổ xuống, chụp lấy bóng ông. Bóng căn nhà lớn quá, bóng ông nhỏ nhoi, bị đè bẹp dí, mất tăm, mất tích. Bóng căn nhà giống như nấm mồ chôn người còn sống mà như đã chết. Vậy hóa ra lúc này ông không có bóng, đúng ra là đánh mất bóng. Có sao đâu.

Hư vô và trống không. Hay quá, ông quên được mọi sự. Quên hết kỷ niệm, quên những bóng xanh, bóng hồng thấp thoáng. Đặc biệt ông quên khuấy đi mất, đã có lúc ông từng được làm người, sống giữa bầu trời thênh thang, không chiu nhủi trong con đường hầm, hun hút, dài vô tận. Quên. Vậy cũng hay, cần gì ! Kệ cha đời !

Có ai hỏi thăm không? Ông đi khỏi rồi, bóng ông cũng mất hút rồi.

Vũ Lưu Xuân