Con kiến thắng kiện củ khoai

Nguyễn Đình Cống

Con kiến là ông Trịnh Vĩnh Bình, người gốc Việt, có quốc tịch Hà Lan, sinh năm 1947. Củ khoai là Chính phủ, là Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

trinh vinh binhĐúng ngày 30 tháng 4 năm 2015, trong khi đang tưng bừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng thì Chính phủ VN nhận được thông báo của Tòa Trọng tài quốc tế La Haye về vụ ông Bình kiện đòi bồi thường 1 tỷ đô la Mỹ vì CP VN đã cướp đoạt tài sản của ông và lật lọng, không chịu thực hiện các lời cam kết.
Tóm tắt câu chuyện như sau. Năm 1987, theo lời mời gọi kiều bào về xây dựng đất nước, ông Bình mang rất nhiều đô la về để lập các xưởng sản xuất hàng hóa. Ông đã nhờ bà con mua được gần 300 ha đất (3 triệu mét vuông) ở tỉnh Bà Rịa, xây dựng hai khu nhà xưởng sản xuất, mua 9 ngôi nhà ở Vũng Tàu và TP HCM, có một đội xe tải 12 chiếc, vốn lên đến nhiều chục triệu đô. Thế rồi vì không biết “ Nhập gia tùy tục”, không biết tặng chút quà biếu nhỏ mọn, gọi là tình cảm cho các quan chức địa phương nên ông trở thành cái gai trong mắt họ. Ban đầu họ tưởng ông có ô dù, có chỗ chống lưng ở Hà Nội nên chưa đụng tới. Sau khi biết chắc ông chẳng có ô dù nào cả, họ quyết ra tay. Năm 1998 ông Bình bị bắt, bị kết án 13 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản vì tội đưa hối lộ (nhưng không có ai chỉ ra người nhận)
và phạm vào luật đất đai, chiếm đoạt tài sản XHCN. Năm 1999 tòa tối cao giảm án xuống 11 năm. Năm 2001 ông trốn thoát khỏi tù, chui rúc sang được Cămpuchia rồi tìm đường về Hà Lan.
Năm 2003 ông Bình gửi thư cho CP VN yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nếu không trả ông sẽ kiện. Còn đâu nữa mà trả. Tài sản tịch thu được đem sung công rồi bán ngay với giá rẻ mạt cho những người nào biết được đến mua, số người này chỉ trong chớp mắt đã kiếm được gần ngàn tỷ. Thật là một vụ cướp đoạt ngoạn mục. Hà nội nghĩ rằng : “ Lại một con kiến đi kiện củ khoai” và giữ im lặng.
Thế là ông Bình kiện Nhà nước VN ra tòa án quốc tế tại Stokholm, đòi bồi thường 100 triệu đô. Ông cũng công khai tuyên bố rằng số tiền được bồi thường sẽ được trích 90% để ủng hộ các cơ sở từ thiện tại VN. Lúc này Hà Nội mới tham vấn các luật sư quốc tế và biết rằng Tòa án quốc tế xét xử công bằng, không chịu một áp lực hoặc sự chỉ đạo nào hết và như vậy Nhà nước VN thua kiện là chắc chắn, vậy tốt nhất là thương lượng để hòa giải.
Hòa giải thành với điều kiện như sau : Ông Bình cam kết giữ tuyệt đối bí mật mọi thông tin. Nhà nước VN cam kết trả ngay 15 triệu đô và sẽ trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu trong vòng 10 năm ( trước năm 2014 ). Mười lăm triệu đô đã được trả nhưng tài sản thì bị lờ đi trong im lặng. Họ nghĩ rằng, theo truyền thống của CSVN thì : “ Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Biết rằng không thể nào tin vào cam kết của chính quyền cộng sản, hơn nữa ông Bình thấy rõ bản chất của chế độ, thấy rõ lòng yêu nước của ông bị phản bội nên ông lại đưa đơn kiện, và lần này đòi bồi thường 1 tỷ đô.
Để tiến hành vụ kiện ông Bình đã thuê một nhóm luật sư giỏi của Mỹ, dự kiến chi phí cho vụ kiện và thuê luật sư lên đến trên 100 triệu đô. (trên 2000 tỷ) Phía VN cũng đã thuê luật sư của Pháp để bảo vệ.
Mục đích chính của ông Bình không phải là đòi lại tài sản đã bị cướp đoạt, ông tuyên bố dùng số tiền đòi được chỉ để chi phí cho vụ kiện và làm từ thiện. Mục đích chính của ông là vạch ra cho toàn dân VN và thế giới biết rõ dã tâm của chế độ CS trong những việc cướp đoạt, vu khống, lật lọng, dối trá, sự phản bội những người yêu nước chân chính.
Ông Bình cũng đã đề phòng khả năng xấu nhất có thể xẩy ra nên đã để lại Chúc thư cho người kế tục mình theo đuổi vụ kiện cho đến thắng lợi.
Bình luận : Trước đây, năm 2009 LS Cù Huy Hà Vũ đã kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cho Trung quốc vào khai thác bô xit ở Tây nguyên. Kết quả LS Vũ bị bắt giam, bị kết án 7 năm tù ( vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước). Sau khi ngồi tù vài năm thì bị trục xuất sang Mỹ. Đây đúng là “Con kiến mà kiện củ khoai”. Còn bây giờ ông Trịnh Vĩnh Bình không kiện thủ tướng mà kiện Chính phủ, kiện Nhà nước kia. Trong dân gian, ngoài câu con kiến kiện củ khoai còn có nhiều câu khác hay hơn, trong đó có câu sau: “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Ông Bình là con kiến càng đang gặm củ khoai, quyết không để nó đè bẹp, hay là con châu chấu voi dũng mãnh quyết đá nghiêng chiếc xe chở đầy tội ác.
Ở trong nước chế độ CS quen thói xử kiện theo bản án bỏ túi do lãnh đạo đảng quyết định mà bất chấp luật pháp. Đến khi ra thế giới mới biết rằng người ta chẳng coi sự lãnh đạo của đảng là cái gì, người ta xử theo luật pháp, vì vậy VN đã thua trong nhiều vụ kiện quốc tế. Một trong nỗi đau thua kiện là việc mất cả chì lẫn chài trong vụ kiện công ty hóa chất của Mỹ, chế tạo chất dioxin (da cam).Ông Thủ tướng đang kêu gọi xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính.
Vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình chính phủ VN bị thua, nhân dân lại è cổ ra đóng thuế để bù đắp. Không biết sau đó có mở mắt ra được chút nào không.

Fb Nguyen Dinh Cong

https://anhbasam.wordpress.com


Chuyện kể về ngày Giáng Sinh

dang mai lan

Đặng Mai Lan

Giáng Sinh đã qua. Không khí tưng bừng rộn rịp chào đón năm mới cũng đã nguội tàn. Viết về mùa giáng sinh, hay ngày giáng sinh trong khoảng thời gian này, lại gửi đăng ở một trang báo thiên về nhận định chính trị hẳn là lạc đề, lạc quẻ. Không đâu, những gì sắp được viết ra đây chẳng phải là truyện, hay một vài trang tùy bút, tạp ghi. Đây là một câu chuyện kể mà những sự kiện có tính cách cá nhân. Kể chuyện ngắn gọn và đầy đủ cũng không phải sở trường của tôi. Kệ, cách nào cũng được. Một biến cố quan trọng, ngay ngày sinh nhật Chúa, tôi bỗng trở thành một phần tử nguy hiểm cho an ninh quốc gia Việt Nam. Tại sao không viết?

25/12/2015
Ở Việt Nam không phải là ngày lễ. Mọi người làm việc ở các công, tư sở đều phải đi làm bình thường. Tôi được gửi giấy mời đến bộ công an, cục quản lý xuất nhập cảnh nằm trên đường Nguyễn Trãi. Giấy hẹn ghi rõ là có mặt vào lúc 8 giờ sáng. Thư mời không lý do ngoài ba chữ "để làm việc". Làm việc mà việc gì? Bạn tôi nói, ở đây, nhận được giấy mời là phải đi trình diện, không hỏi han chi hết, đến đó rồi mới biết lý do. Nhưng tôi vẫn cương quyết liên lạc bằng điện thoại, trước khi đến nơi hẹn.
Nhân vật "làm việc" với tôi là một anh người miền Nam. Giọng trẻ, âm hưởng nghe vui vẻ, cởi mở.
Tôi nói, anh có thể cho tôi biết bộ công an mời tôi đến với lý do gì?
Chị đã khai tạm trú chưa?
Từ mười năm nay, mỗi lần về có bao giờ tôi khai tạm trú đâu, hình như chuyện đó đâu cần nữa.
Thế thì chị sai rồi.
Thôi ngày mai chị đến gặp em rồi chúng ta trao đổi tiện hơn. Trong điện thoại không thể nói nhiều được nhe chị!
Tám giờ sáng, trong khi chúng tôi còn loay hoay đẩy xe vào bãi gửi ngay trong sân của bộ thì đã nghe tiếng gọi phía sau.
Chị Lan, chị Lan!
Trời ơi, như đã quen biết nhau tự thuở nào. Thế là tôi bắt đầu chị chị em em với người thanh niên trẻ này. Anh ta nói với chị bạn, người chở tôi đến là chị có thể về nhà hay đi đâu đó, 3 tiếng sau trở lại.
Khi anh dẫn tôi vào phòng điều tra. Không phải chỉ riêng mình anh ta mà còn thêm một thanh niên khác. Tạm gọi tên hai người là Nam và Bắc. Vì nhân vật thứ hai này người Bắc. Mặt mũi lạnh lùng, sắc sảo hơn. Tôi cũng chị em luôn cho tiện. Tại sao không? Họ gọi tôi bằng chị, xưng em rất thân mật mà! Trời nóng, trên bàn để sẵn nước uống giải khát mát lạnh. Đủ để có năng lực « làm việc » trong ba tiếng đồng hồ. Tôi không hiểu ai đó đã từng làm việc với CA như tôi ngày hôm nay và thái độ của họ như thế nào? Khúm núm, sợ sệt e dè, hay lạnh lùng đề cao cảnh giác. Riêng tôi, tôi cảm thấy rất thoải mái bởi trong tâm tôi nghĩ, tôi có làm gì đâu mà phải sợ. Có thể là tôi nhẹ dạ, yếu mềm. Sống nhiều bằng tình cảm, dễ bị lung lạc chăng? Vì thành thực mà nói tôi thấy cậu an ninh người Nam này có vẻ dễ mến. Tôi nghĩ cậu đang làm bổn phận của cậu. Cũng là một công việc thôi.
Câu chuyện được mở đầu bằng chuyến về VN của tôi. Về bao lâu? Đi được những đâu rồi? Còn đi làm không? Bên Pháp đời sống thế nào?
Sau vài điều han hỏi đượm đầy tình nghĩa đồng bào. Cái gọi là "làm việc" mới thực sự bắt đầu bằng câu hỏi:
Chị nghĩ sao, nếu có người tố cáo chị là thành viên đảng Việt Tân? Rồi thì… Chị có thường đi dự những buổi sinh hoạt của VT không? VT có bao giờ mời chị gia nhập đảng của họ? Có bao giờ họ mời chị viết bài cho Chân Trời Mới? Và chị đi họp riêng với họ bao giờ chưa? Một loạt câu hỏi chỉ xoáy vào đảng VT.
Tiếp đến là những tên tuổi được nêu ra hỏi xem tôi có quen biết gì với các nhân vật này. Rất nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ người được dẫn đầu danh sách là ông nguyễn Gia K. Rồi thêm một loạt những tấm hình được in ra bằng máy vi tính. Những khuôn mặt đấu tranh rất là "chi bảo" ở Paris.
Qua cách họ gọi tên và nói về từng người. Ai cũng được nhắc đến một cách thân mật như anh A, chị B, chị C v.v… Tôi hiểu là an ninh VN biết rất nhiều, biết rõ từng người. Tai mắt của họ đầy dẫy ở Paris. Đến nổi tôi phải hỏi ngược lại : em có qua Paris bao giờ chưa mà sao ai em cũng biết vậy? Chị nhìn thử xem có gặp em ở Paris bao giờ chưa? Cậu ngẩng cao mặt nhìn tôi, và cậu xác nhận. Có, thỉnh thoảng em cũng có qua bên đó.
Một cuộc trò chuyện kéo dài từ 8 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa, giữa ba người chưa hề quen biết. Hỏi mãi cũng vậy thôi. Nên lâu lâu lại chuyển đề tài, nói về gia đình tôi, về những nơi tôi mới vừa đi chơi. Về chuyện tôi về VN học vẽ. Về những cuốn sách tôi đã xuất bản, tiền bỏ ra in ấn. Cậu nói, tôi cứ viết tiếp đi, đưa về cậu giới thiệu cho in, không tốn nhiều tiền như tôi in ở Mỹ. Câu chuyện của chúng tôi cũng không đến nỗi căng thẳng. Thoải mái đủ để tôi xỏ xiên lại vài câu. Tôi nói, ở Paris có rất nhiều hội đoàn, nhiều sinh hoạt. Hội đoàn nào tổ chức tôi cũng tham gia. Xa quê, tình cộng đồng, đồng hương với tôi rất quý. Nếu ai đi dự sinh hoạt cộng đồng về VN cũng bị mời lên hỏi cung thế này thì chắc nhà nước chẳng cần cấm, chán, chẳng ai muốn về đâu.
Chúng ta đang làm việc vui vẻ như thế này mà sao chị lại cho là hỏi cung? Cậu nói, em rất hiểu thứ tình cộng đồng mà chị đề cập. Nhưng, chị có quyền tham dự, đừng có mục đích. Kỳ này chị làm việc với tụi em sạch sẽ trơn tru thì sau này chị sẽ về thoải mái thôi.
Tóm tắt những điều tôi trả lời trong cuộc điều tra này: Tôi khẳng định tôi là một người viết văn, văn chương đúng nghĩa. Tôi luôn giữ một chỗ đứng độc lập, tự do. Tôi không muốn ràng buộc, lệ thuộc vào bất cứ một tổ chức nào.
Tôi có vài người bạn thân trong đảng VT, họ là bạn tôi trước khi là đảng viên VT và bây giờ vẫn là bạn. Đừng hỏi tôi người này hay người kia có phải là VT không? Tôi có phải là đảng viên của họ đâu mà tôi biết tất cả, và được họp riêng với họ.
Ngồi đó, cười cười nói nói. Tôi cứ tự hỏi, sao họ lại mất thì giờ với một người viết lách như tôi, chỉ viết được dăm ba cuốn sách về đời thường, về tình yêu tâm lý, không có một chút nào màu sắc chính trị. Nếu có, thì lâu lâu vớ được một bản tin nào đó trên báo Pháp, nói về VN thì ráng ôm tự điển dịch rồi phỏng theo để viết.
Nhưng điểm và diện chỉ lộ rõ vào những phút cuối. Cậu Nam nói: đáng lý, em mời anh B (chồng tôi) lên làm việc nhưng mời chị đủ rồi. Chị về nói với anh đừng share bài chống phá nhà nước nữa. Họ hỏi tôi về khoảng thời gian chúng tôi chưa thành vợ chồng. Tôi có biết chồng tôi làm gì trước đó? Tôi nói với họ, chồng tôi là một người ít nói. Tôi không biết và cũng chẳng cần biết quá khứ của anh. Hiện tại chồng tôi là một nghệ sĩ, một nhạc công. Hội đoàn nào cần giúp vui văn nghệ thì anh giúp. Không theo đảng phái nào hết...

Chuyện tưởng đã ngừng tại đó sau khi tôi ký biên bản những gì đã khai, cam kết không phải là đảng viên VT. Cam kết về VN kỳ này, không mang theo một sứ mệnh của ai giao phó. Không chống phá nhà nước. Cậu Nam xin Email, hẹn lần tới tôi về Sài Gòn sẽ mời đi uống cà phê. Anh Bắc chỉ ngồi chứng kiến, dò xét. Lậu lâu phán một câu đã nhắc nhở tôi rằng: chúng tôi làm việc với chị thoải mái, vui vẻ, về bên ấy chị không được viết này, viết nọ… Chuyện bị mời "làm việc" khi về VN xảy ra như cơm bữa. Tôi chẳng phí phạm óc não, thời gian để viết này, viết nọ. Đáng gì để mà viết! Đã có rất nhiều người viết. Nhưng chẳng bao giờ tôi quên một câu nói của anh ta, tôi thực sự sửng sốt khi nghe. Người ở hải ngoại chỉ tìm cách nói xấu đất nước, chê bai đất nước nhưng tại sao lại cứ rủ nhau về? Chúng tôi cần ngoại tệ, một Việt kiều về nước tiêu ít nhất cũng vài ngàn đô. Nhưng chúng tôi không thể đón tiếp những người vào nhà chúng tôi, phá hoại gia cang, gia đình của chúng tôi.
Về đến Paris, hai ngày sau là tôi nhận Email thăm hỏi ngắn gọn, lại rất "hình sự". Chào anh chị, Tôi… muốn hỏi thăm anh chị đã về tới Paris bình an chưa? Tôi không nghĩ đây là người mới vài ngày trước còn chị chị em em, hẹn hò cà phê cà pháo. Có thể trên bút tích ghi lại, cậu đã xử sự đúng nghĩa tinh thần "làm việc" của một nhân viên an ninh chăng?
Có lẽ phải gọi tôi là người "đa đảng". Hội nào, tổ chức nào làm việc tích cực cho cộng đồng là tôi ủng hộ. Họp hành văn nghệ, ăn uống, nơi nào vui vẻ bổ ích thì tôi tham gia. Tết do Tổng hội Sinh Viên VN tổ chức thì hầu như không năm nào tôi vắng mặt. Bởi lẽ nó như một ngày hội lớn, quy tụ rất nhiều đoàn thể, có cả sự góp mặt của những hội đoàn Pháp. Một năm chỉ có ngày này là tôi gặp được rất nhiều bạn hữu mà có thể cả năm không gặp. Đặc biệt năm nay có một anh nhiếp ảnh trẻ, mang đồ nghề đến và dựng một cái studio dã chiến chụp free cho những ai muốn chụp, nên đông và vui hơn bình thường. Tôi chụp rất nhiều hình, cứ gặp nhau tay bắt mặt mừng xong là kề vai, bá cổ chụp hình kỷ niệm. Ngoài anh nhiếp ảnh, lấy Email gửi cho vài cái hình. Chẳng ai gửi cho tôi, mà tôi cũng chẳng quan tâm, cần thấy những tấm hình.
Chuyện chưa xong, chưa trơn tru, sạch sẽ như hai cậu Nam và Bắc đã nói với tôi hôm đó.
Vài ngày sau, tôi nhận Email của cậu Nam. Cậu khen tôi chụp hình đẹp. Và mỉa mai tôi, nói tôi không phải là thành viên VT mà sao đứng chụp với VT? v.v…
Thôi xong! Về bên đó, tôi đã bị khủng bố tinh thần và về đây cũng còn bị quản chế nữa sao? Vô lý! Điều này tôi không chấp nhận. Và một cuộc chiến chữ nghĩa, ý thức hệ tiếp diễn. Tưởng đã xong nhưng chưa xong.

25/12/ 2016
Lạ lùng là sự việc cũng bắt đầu vào khoảng 8 giờ sáng tại phi trường TSN. Tôi xếp hàng để chờ xét hộ chiếu nhập cảnh. Ai bước vô cũng chỉ tích tắc không đầy hai phút là ra. Chỉ có tôi là được anh nhân viên cầm chân rất lâu, mắt anh ta không rời khỏi màn hình. Cặp mắt có chút gì đó hí hửng. Tôi hỏi, có cần vé máy bay không? Cậu ta nói, cũng được. Trong lúc tôi đang lục ví thì một nhân viên khác đi tới đứng sau lưng cậu. Họ nói chuyện với nhau những câu bâng quơ nhưng cả hai, người ngồi, người đứng, không hề nhìn nhau. Bốn con mắt đều chăm chú vào màn ảnh điện toán. Sau cùng cậu ngồi nói với cậu đứng: chị này đứng lâu lắm rồi, thôi mời chị qua bên kia.
Bên kia là một văn phòng. Tôi vừa bước đến thì lập tức một người từ trong phòng đi ra, tay cầm sẵn một xấp giấy tiến tới hỏi tôi.
Chuyến này chị về làm gì? Với ai?
Con và cháu tôi đó, chúng tôi đi du lịch.
Vì lý do an ninh quốc gia chúng tôi không thể cho chị vào VN. Nhưng anh chị này được vào đi chơi thoải mái.
Anh ta nói và hướng về vợ chồng con gái tôi đang đứng cạnh đó.
…À, tất cả đã sẵn sàng. Tín hiệu được truyền đi từ quầy kiểm soát hộ chiếu vào phòng an ninh trong tích tắc. Mẫu giấy từ chối không cho nhập cảnh cũng có sẵn trong máy. In vừa xong là tôi bị mời ra.
Tôi quay lại nói với vợ chồng đứa con gái. Mẹ có nói với con rồi. Thôi ra làm giấy tờ đi, kẻo trễ. Tôi vô ý, lại không nói tiếng Pháp với con gái. Nên khi nghe tôi nói, cậu ta hỏi ngay. Vậy là chị cũng đoán trước việc này sao? Đúng, vì năm ngoái tôi đã bị mời. Tôi biết rằng năm nay cũng không suôn sẻ. Vậy sao chị không đến đại sứ quán hỏi trước xem có về được không rồi hãy đi cho khỏi mất thì giờ?
Từ lúc rời khỏi quầy xét hộ chiếu, tôi chỉ ráng tập trung đầu óc, cố nhớ coi phải dặn con tôi làm gì, giao lại cho nó vài thứ đồ dùng, tiền bạc mà tôi đang giữ. Thái độ tôi rất bình tĩnh, có phần nào coi thường. Nhưng khi nghe câu nói này thì tôi nổi giận. Tại sao tôi phải hỏi? Visa nhập cảnh các anh cấp còn hiệu lực thì tôi đi, hỏi cái gì? Không cho tôi vào thì tôi ra.
Sau khi tôi ký tên, cậu ta lấy passport của tôi để làm vé lên tàu. Lúc này, tôi mới nhận ra là có một quầy check-in chần dần ở đó. Cô tiếp viên vừa nhìn thấy cậu đưa passport của tôi thì la lên… Trời mới xong 7 người, bây giờ còn hai người nữa hả? Dĩ nhiên quầy này chỉ làm vé chứ không cân hành lý. Quầy dành trục xuất cho tiện mà. Từ đó, quẹo qua vài bước, leo lên vài nấc thang rồi lại trở xuống bằng một cầu thang cuốn là vào ngay phòng chờ lên máy bay.
Vậy là sáng nay, họ đã từ chối cho nhập cảnh 9 người. 2 trong 9 người sau cùng là tôi và một thanh niên Pháp. Passport của anh Tây này bị trục trặc chi đó, khi anh du lịch ở xứ Chùa tháp, trước khi đi VN. Còn 7 người kia là ai? Có lẽ họ đã rời khỏi bằng chuyến bay vừa cất cánh trước đó. Họ là nhà báo, nhà văn, có tổ chức hoạt động chống CS hay đơn thuần chỉ là những người Việt thường tham gia biểu tình, tham dự hội hè dưới lá cờ vàng, mà vô tình nằm trong những tấm hình nào đó được chuyển tải lên mạng truyền thông?
Khi Trung cộng đặt giàn khoan khổng lồ HD 981 ở lãnh hải VN. Khi cá chết trắng xóa đầy biển miền trung vì tập đoàn Formosa xã thải gây ô nhiểm, ngư dân không còn đường sinh kế mà nhà nước lặng im. Còn biết bao nhiêu điều bất công khác… Lòng yêu nước, xót xa thương dân mình thì người Việt hải ngoại tổ chức đồng hành cùng người trong nước biểu tình phản đối. Biểu tình ở VN thì bị đánh đập, hành hung, có khi còn đi tù. Bên này tinh thần cũng không được thoải mái. Bởi vì đi thì đi, tức quá phải đi, nhưng không ít người đã rất e dè, tránh chụp hình, lý do là còn người thân ruột thịt bên nhà. Lạng quạng là hết đường về.
Ngoại trừ một số người sống tách biệt cộng đồng, không hề lên tiếng với bất cứ một diễn biến nào của đất nước. Tôi tin rằng khi về VN, bước vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh, dù không lộ ra nhưng không ít người cảm thấy phập phồng lo ngại. Nhất là lúc nhìn thấy cảnh mấy ngài nhân viên ngồi kiểm soát giấy thông hành mà thỉnh thoảng lại quay ngoắc về phía đám đông đang chờ đợi tới lượt mình với đôi mắc sắc lẻm như dao. Theo tôi, đây là một hình thức khủng bố tinh thần có bài bản.
Bộ ngoại giao cấp visa nhập cảnh nhưng bộ an ninh thì không cho vào. Tất cả chỉ có một lý do duy nhất "vì an ninh quốc gia". Luật này của VN, và chỉ có người VN chấp nhận, phải chấp nhận. Với người nước ngoài, thì đây là một điều quá sức lạ lùng. Nên cậu con rể Pháp của tôi cứ đăm đăm nhìn anh nhân viên hải quan. Cậu nói với tôi, tại sao không gọi điện thoại cho lãnh sự Pháp? Pháp không thể để dân họ bị đối xử như vậy. Con rể tôi chưa biết chuyện có lần ngài đại sứ Pháp thân hành đến thăm một người dân của ông mới ra khỏi nhà tù VN vì tội bất đồng chính kiến, ông đã bị công an dân phòng hành hung, chận ngay đầu ngõ, không cho gặp. Tôi bị chận ngay cửa nhập cảnh với một thái độ khá lịch sự đã là tốt.
Chuyến đi này, tôi nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục mời tôi "làm việc". Tôi đã chuẩn bị để đối đáp. Tôi không nghĩ là mình bị từ chối nhập cảnh.
Tôi nguy hiểm vậy sao?
Có phải tình hình trong nước đang rối ren, nên phòng cháy hơn chữa cháy. Và bắt lầm hơn tha sót?
Paris 6/1/ 2017


Đặng Mai Lan
danlambaovn.blogspot.com
http://danlambaovn.blogspot.com

 

Ðặng Mai Lan sinh năm 1954 tại Ðà Nẵng. Ấu thời ở ÐàLạt, lớn lên ở Sài Gòn.
Ðịnh cư tại Pháp từ năm 1978. Khởi sự viết từ năm 1991.
Cộng tác với các báo Văn, Văn Học, thế kỷ 21, Chủ Ðề
Tác phẩm đã xuất bản:
        - Phòng 111 ( tập truyện, VĂN xuất bản năm 2000 )
        - Tập sống (tuyển tập, Nhà Văn Mới xuất bản 2009).


Phóng sự cộng đồng: Nhà văn Mai Lan bị cấm nhập cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất

 


 

Vì sao người Việt lại bỏ xứ ra đi?

Mới tuần rồi tôi ra sân bay tiễn một người quen bay đến một xứ khác. Tôi không hề đơn độc. Ở sân bay lúc đó có vô số người cũng làm điều tương tự. Họ tiễn người thân và bạn bè của họ ra đi không hẹn ngày về. Đó không phải là lần đầu và chắc chắn là sẽ không phải là lần cuối. Mặc dù cuộc chiến đã chấm dứt hơn 41 năm rồi nhưng làn sóng xuất ngoại vẫn không thay đổi. Cuộc di cư thầm lặng hiện tại không phải bằng những chiếc thuyền mà bằng những chuyến bay. Tuy đã giảm rất nhiều, giờ chỉ là một phần chút xíu so với trước đây, nhưng xu hướng này vẫn tồn tại.
Đọc báo hay lướt Facebook thì bạn có thể thấy hàng loạt các quảng cáo du học định cư, đầu tư lấy thẻ xanh hay tìm việc làm ở Nhật. Tôi không thể nào không buồn và chạnh lòng. Nhưng vì sao người Việt Nam lại ra đi? Họ không chỉ là những người nghèo bán nhà đi lao động ở Đài Loan hay những cô gái nghèo lấy chồng Hàn Quốc. Số người ngày càng trở nên khá giả và thuộc thành phần ưu tú của xã hội chúng ta. Họ là những doanh nhân, nghệ sĩ, nhà đầu tư, trí thức, giảng viên hoặc nhân viên cao cấp.
Vì sao họ lại ra đi? Có nhiều nguyên nhân, có nhiều lý do. Ở đây tôi không thể nào nói hết. Tôi chỉ có thể nói sơ sơ.

  1. Họ ra đi vì họ không cảm thấy an toàn.
  2. Họ ra đi vì họ chán cái không khí đầy ô nhiễm ở nơi này.
  3. Họ ra đi vì họ cảm thấy mình không được tôn trọng khi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục.
  4. Họ ra đi vì đóng thuế nhiều nhưng nhận lại quá ít, hoặc chẳng nhận lại gì.
  5. Họ ra đi vì họ không muốn con cái họ bị thầy cô dìm và ép.
  6. Họ ra đi vì chính phủ liên tục ban hành những bộ luật vô lý.
  7. Họ ra đi vì họ phát ngán với việc doanh nghiệp của họ bị thanh tra không lý do.
  8. Họ ra đi vì họ lo sợ đồ ăn của họ có an toàn hay không, nó có hóa chất hay sạch hay không.
  9. Họ ra đi vì để tìm cái hộ chiếu mà cho phép họ đi nhiều nước mà không cần phải bỏ tiền xin visa.
  10. Họ ra đi vì ghét cảnh phải đút lót các y tá bác sĩ khi đi vào bệnh viện.
  11. Họ ra đi vì họ không tìm thấy trách nhiệm trong một xã hội vô trách nhiệm.
  12. Họ ra đi vì khi họ muốn sống một cuộc sống trung thực và không gian dối.
  13. Họ ra đi vì họ muốn làm người lương thiện, vì nơi này làm người lương thiện vô cùng khó.
  14. Họ ra đi vì họ muốn được hưởng lương cao, hay nói chính xác hơn là đúng giá trị với sức lao động của họ chứ không phải dựa vào mối quan hệ của họ.
  15. Họ ra đi vì luật pháp không hề bảo vệ họ, nó chỉ bảo vệ những ai có tiền.
  16. Họ ra đi vì họ muốn tìm sự công bằng.
  17. Họ ra đi vì muốn cầm cái lá phiếu bầu để coi nó ra sao.
  18. Họ ra đi vì khi họ lên tiếng nói nên những sự thật về đất nước, họ lại bị quy là phản động.
  19. Họ ra đi vì họ đã mất niềm tin vào đất nước, con người và chính phủ Việt Nam.
  20. Họ ra đi vì họ chẳng biết làm gì hơn trừ việc dùng đôi chân của họ để cất lên tiếng nói.

Việt Nam từ lâu đã không còn là một điểm đến, một nơi đáng sống. Nó chỉ là một trạm dừng chân. Nhà đầu tư đến đây để kiếm tiền, doanh nhân đến đây để nhận lương cao hơn, khách du lịch đến đây để ở khách sạn 5 sao giá rẻ và các cô cậu thanh niên đến đây để khám phá sự thú vị mà đất nước họ không có. Nhưng bao nhiêu người sẽ ở lại và coi nơi đây là nhà? Cũng có rất nhiều, nhưng so với số người ra đi thì là bao nhiêu? Quá ít. Việt Nam không là nơi đến, nó không thể là nơi đến được vì chính những người dân sinh sống ở đây cũng chẳng coi nó là nhà.
Ku Búa @ Café Ku Búa

 

Đăng ngày 15 tháng 01.2017