huy hiệu trường ĐHSPTrường ĐHSP Sàigòn tọa lạc tại số 280, đường Cộng Hòa, quận 5, Sàigòn, giáp với phía sau trường Đại học Khoa học (ngày nay là đường An Dương Vương, Tp Hồ Chí Minh).

Trường được thành lập bắt đầu từ niên khóa 1958-1959, theo hệ 3 năm. Để được nhận vào học năm thứ nhất, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển.
Niên học đầu tiên nầy, nhà trường cũng chấp nhận cho vào học ngay năm thứ 2 những sinh viên Đại học Văn khoa, it nhất đã đỗ bằng Dự bị và những ai đang theo học trường Cao đẳng Sư phạm muốn chuyển trường.

Từ niên khóa 1962-1963 trở đi, học kỳ theo hệ 4 năm: Sinh viên phải đậu ít nhất là chứng chỉ Dự bị Văn khoa hoặc Dự bị Khoa học rồi mới được nộp đơn dự kỳ thi tuyển vào Đại học Sư phạm, Mỗi năm trường tổ chức một kỳ thi tuyển vào khoảng cuối tháng 7 (sau khi đã có kết quả kỳ thi Dự bị ở Đại học Văn khoa và Đại học Khoa học), mỗi khóa thi tuyển trường sẽ chọn lại cho mỗi ban từ 25 đến 30 sinh viên, sau khi trúng tuyển các sinh viên nầy sẽ tiếp tục học thêm 3 năm nữa và khi ra trường, tốt nghiệp với văn bằng "Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp".
Từ năm 1972, Trường ĐHSP Saigon bắt đầu tổ chức thêm kỳ thi tuyển vào các ban Toán, Lý Hóa và Anh Văn cho các ứng viên vừa đậu tú tài toàn phần. Học kỳ sau khi trúng tuyển là 2 năm cho đệ nhất cấp và 4 năm cho đệ nhị cấp. Năm đầu tiên được gọi là năm "dự bị".
Sau ngày 30/04/1975 hệ thống học Dự bị Văn khoa hay Khoa học trước rồi mới được dự kỳ thi tuyển vào ĐHSP không còn nữa mà tất cả các thí sinh đều thi tuyển thẳng vào ĐHSP sau khi đã đậu bằng tú tài toàn phần.

Sinh viên ĐHSP được cấp học bổng nhưng phải ký giấy cam kết , sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ cho trường Trung học nhà nước ít nhất là 10 năm. Số tiền học bổng cũng được tăng lên dần theo với đà lạm phát, lúc đầu mỗi sinh viên được lãnh mỗi tháng 700 đồng VN, từ khoảng năm 1960/1961 số tiền học bổng là 1500 đồng VN và đến năm 1970 thì mỗi sinh viên được lãnh khoảng 3000 đồng VN mỗi tháng.
(Người viết: Phạm Thị Nhung, ban Việt Hán - ĐHSPSG, khóa 1958-1961)

(Từ niên khóa 1966-1967,ở ĐHKH SG có thay đổi trong mô hình đào tạo,chuyển từ hệ thống các chứng chỉ (lớn) sang các c/c nhỏ. Mỗi c/c nhỏ là một môn học. Thí dụ c/c Vật lý đại cương chia thành các c/c: Quang học, Điện học, Cơ học, Nhiệt học,Nhiệt động lực học. Như vậy,ta thấy, mỗi c/c nhỏ cũng còn nặng. Sau đó vài năm, ĐHKH SG đổi sang đào tạo theo tín chỉ ,do ảnh hưởng của chế độ giáo dục đại học Mỹ. Mỗi c/c nhỏ được chia thành nhiều tín chỉ).
(Bổ túc của Nguyễn Trần Trác, ban Lý Hóa - ĐHSPSG, khóa 1963-1967)

Từ 1958-1962 theo hệ 3 năm gọi là Cao Đẳng Sư phạm. Khóa 3 năm cuối cùng: 1962-1965. Tiếp theo là 2 khóa 4 năm: 1963-1967 và 1964-1968. Như thế năm 1966 không có sinh viên ra trường.
Từ 1966 trở đi bắt đầu khóa 3 năm + 1 năm chứng chỉ dự bị Văn khoa hoặc Khoa học. Như thế năm 1965 không có tuyển sinh.
(Bổ túc của Vũ Lưu Xuân, ban Việt Hán - ĐHSPSG, khóa 1964-1968)


Bổ túc ngày 30 tháng 07 năm 2014:
"Từ 1958-1962 theo hệ 3 năm gọi là Cao Đẳng Sư phạm"
Câu viết trên đây là sai hoàn toàn!
Trường ĐHSP đượcchính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký nghị định thành lập, năm 1958 và ghi rõ ràng danh xưng rõ ràng là TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM.
Nghị định cho phép các sinh viên xuất ngoại năm 1960 sang Pháp tiếp tục học trình cũng ghi rõ sinh viên năm thứ mấy của Trường ĐHSP (Nghị định số 988-TTP/KH ngày 8 tháng 10 năm 1960 của Phủ Tổng Thống. Tôi còn lưu giữ Nghị định nầy).
Và các sinh viên tốt nghiệp từ năm 1958 vẫn được cấp Văn Bằng Tốt Nghiệp Đại Học Sư Phạm (nếu tốt nghiệp).
Văn bằng nầy cho phép các đương sự được tuyển dụng làm giáo sư trung học đệ nhi cấp "chuyên khoa" (tùy môn theo học) CHÍNH NGẠCH.
Lê Tấn Lộc, ĐHSPSG banTriết, khóa 1/1958

Bổ túc ngày 28 tháng 07 năm 2015:
Ái Hữu ĐHSP Sàigòn ghi lại dấu vết của một phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài gòn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đã đào tạo hàng ngàn nhà giáo góp phần vào việc xây dựng thế hệ trẻ ở miền Nam nước Việt trong thời gian trước khi Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ. Các anh chị đã có công rất nhiều để ghi nhận lại những công lao của ĐHSP và cũng là nhịp cầu để những người cùng chung dưới mái trường còn liên lạc được với nhau trong những ngày cuối của cuộc đời.

Tôi học ban Sử Địa ĐHSP Saigon trong thời gian 1964-1968, ngành thường xuyên (đào tạo giáo sư trung học đệ nhị cấp). Xin thưa hai từ "giáo sư" chỉ có nghĩa về mặt hành chánh, do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gọi, chứ không có nghĩa là giáo sư đại học theo hệ thống giáo dục Pháp hay Mỹ, Úc....
Tôi xin bổ xung thêm ý kiến trong bài "Vài nét về trường ĐHSP Sài gòn".
Bài này có phần không rõ ràng. Phần trên, nói rằng:" Từ niên khóa  1962-1963 học kỳ theo hệ 4 năm....". Phần dưới lại nói rằng:" ... hai khóa 4 năm 1963-1967 và 1964-1968". Tôi vào ĐHSP năm 1964 nên biết rõ: phần sau đúng, còn phần trước sai, nghĩa là Phân khoa ĐHSP (thuộc Viện ĐH Sài gòn) có hai khóa 1963-67 và 1964-68 học 4 năm sau khi ứng viên trúng tuyển kỳ thi tuyển. Ứng viên phải có văn bằng tú tài hai. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được bổ nhiệm dạy tại các trường trung học ở Nam Phần và cao nguyên Nam Trung Phần. Trung Phần là nơi các sinh viên tốt nghiệp phân khoa ĐHSP thuộc Viện ĐH Huế được bổ nhiệm. Họ cũng được bổ nhiệm lên cao nguyên Nam Trung Phần.
Trong bài này, các anh chị quên một ngành khác là ngành đào tạo Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất Cấp (từ hành chánh thời VNCH). Tôi không có nhiều tài liệu về ngành này, xin quí anh chị bổ xung. Tôi biết vào khoảng năm 1965, ĐHSP SG có những khóa này, tuyển chọn những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa hoặc Dự Bị Khoa Học, học 1 năm. Tôi nhớ có những môn như Việt Văn, Sử Điạ, Anh Văn, Toán,.... Khoảng 1972, ĐHSP SG mở rộng ngành đào tạo GS TH Đệ Nhất Cấp  với những môn như Công Kỹ Nghệ, Kinh Tế Gia Đình, Kế Toán .... (các môn tại trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức và các trường  Trung Học Tổng Hợp). Ứng viên có bằng tú tài 2, học hai năm.
Các anh chị cũng chưa nói tới một ngành khác: Cao học Giáo dục do GS Dương Thiệu Tống đảm nhận, với phương pháp giảng dạy tân tiến, và số sinh viên đông đảo.
Trong danh sách giáo sư ban Sử Địa, tôi xin bổ xung các vị sau đây:
- Ông Nguyễn Thế Anh: môn Bình giảng sử liệu
- Ông Nguyễn Hữu Phước: môn Phương pháp sử
- Ông Dương Thiệu Tống: môn Tâm lý giáo dục (học chung với Việt Hán)
- Ông Nguyễn Ngọc Huy: môn Chính trị học  (học chung với Việt Hán)
- Ông Flaman: môn sử Ấn Độ và sử Âu châu
- Ông Carpentier: môn Sử Âu châu
Cám ơn các anh chị và cầu chúc Ái Hữu ĐHSP SP ngày càng vững mạnh.
Trần Thế Đức
(sinh viên ĐHSP  SG, ban Sử Địa, 1964-1968
 sinh viên ĐHVK SG, ban Sử Địa, 1964-1968, 1973)
 
Bổ túc ngày 12 tháng 9 năm 2018:
Đọc qua Diễn đàn thấy viết:
Trường ĐHSP Sàigòn tọa lạc tại số 280, đường Cộng Hòa, quận 5, Sàigòn, giáp với phía sau trường Đại học Khoa học (ngày nay là đường An Dương Vương, Tp Hồ Chí Minh).
Trường được thành lập bắt đầu từ niên khóa 1958-1959, theo hệ 3 năm. Để được nhận vào học năm thứ nhất, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển.
Niên học đầu tiên nầy, nhà trường cũng chấp nhận cho vào học ngay năm thứ 2 những sinh viên Đại học Văn khoa, it nhất đã đỗ bằng Dự bị và những ai đang theo học trường Cao đẳng Sư phạm muốn chuyển trường.
Phần viết ở trên của quí vị KHÔNG ĐÚNG 100% sự thật!!!
Năm 1958-1959 Trường "Cao Đẳng Sư Phạm Sàigòn" giải tán và "Trường Đại Học Sư Phạm" được thay thế vào chỗ đó. Năm Đầu tiên 1958-1959 Trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn đã đào tạo "cấp tốc" Giáo sư với thời gian là "một năm" rồi sau mới là hệ 3 năm...
Tôi chính là 1 trong những người đã tốt nghiệp "cấp tốc" của Trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn năm 1958-1959.
Hà-Mai-Nguyên


Bổ túc ngày 30 tháng 5 năm 2021:

SƠ LƯỢC VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM SÀI GÒN
(VIỆT NAM CỘNG HÒA)
Năm 1957, chỉ hơn một năm sau khi được thành lập, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có những cải tổ thật sâu rộng và quan trọng (hầu hết được thực thi vào năm 1958), về Giáo Dục.  Trong số đó có việc thành lập 2 Viện Đại Học Quốc gia (công lập) Sài Gòn và Huế, và một Viện Đại Học tư nhân tại Đà Lạt.  (Từ lâu trước đó đã có nhiều phân khoa Đại Học tại Sài Gòn, nhưng chỉ là các phân khoa chi nhánh của Viện Đại Học Hà Nội.)
Một cải tổ khác là quyết định thành lập Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSP SG), thay thế Trường Cao Đẳng Sư Phạm (CĐSP).   Trường ĐHSP SG trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, nhưng được đặt trong hệ thống Viện Đại Học Sài Gòn (Viện Đại Học độc lập với Bộ QGGD, nhưng ngay từ đầu Giáo Sư Nguyễn Quang Trình vừa là Bộ Trưởng Bộ QGGD, vừa là Viện Trưởng VNĐH SG).

CÁC KHÓA ĐHSP SG
Khóa 1 ĐHSP SG được khai giảng năm 1958 và tốt nghiệp năm 1961.
Khóa 2: 1959-1962.
Khóa 3: 1960-1963.
Khóa 4: 1961-1964.
Khóa 5:  1962-1965.
Mỗi khóa có học trình 3 năm. Sau khóa 5, học trình tăng lên 4 năm.
Khóa 6:  1963-1967.
Khóa 7:  1964-1968.
Khóa 8:  1965-1969.
Sau khóa 8, sinh viên phải có ít nhất một chứng chỉ đầu tiên (dự bị) của Đại Học mới được dự thi tuyển vào ĐHSP SG.  Học trình trở lại 3 năm.
Khóa  9: 1966-1969.
Khóa 10: 1967-1970.
Khóa 11: 1968-1971.
Khóa 12: 1969-1972.
Khóa 13: 1970-1973.
Khóa 14: 1971-1974
Khóa 15: 1972-1975/76
Khóa 16: 1973-1976
Khóa 17: 1974-1977

VÀI CHI TIẾT ĐẶC BIỆT
1.
Khóa 1
Ngoài khóa 1 chính thức, nhập học năm 1958 và tốt nghiệp năm 1961, còn có khóa 1 đặc biệt tốt nghiệp năm 1960 dành cho một số sinh viên khóa chót Cao Đẳng Sư Phạm (CĐSP) nhập học năm 1957 đáng lẽ tốt nghiệp năm 1959 (học trình CĐSP chỉ 2 năm) được phép học thêm 1 năm nữa và tốt nghiệp khóa đặc biệt ĐHSP năm 1960.  Ngoài các sinh viên CĐSP, một số sinh viên có chứng chỉ Đại Học cũng được học khóa đặc biệt đó (kể cả một số sinh viên mới trúng tuyển vào khóa 1 chính thức, trước đó đã đậu chứng chỉ đại học cùng môn).  Khóa đặc biệt đó chỉ có mấy môn chuyên khoa chính như Việt Hán, Toán, Lý Hóa, … (không có tất cả các môn/ban).
2.
Ban Triết
Sinh viên trúng tuyển vào khóa 1 ban Triết ĐHSP SG được gửi ngay sau dó lên học tại Viện Đại Học Đà Lạt.  Có lẽ vì VĐH Dà Lạt có ban giảng huấn (phần đông là các linh mục) hùng hậu về môn Triết; ngoài ra có thể Bộ Quốc Gia Giáo Dục muốn giúp VĐH Đà Lạt có thêm uy tín khi mới khai giảng niên học đầu tiên với rất ít sinh viên.
Sau đó, Bộ QGGD giao phó VĐH Đà Lạt tuyển chọn và đào tạo sinh viên sư phạm ban Triết mỗi năm.  Tuy nhiên không biết vì lý do đặc biệt nào sinh viên ban Triết khóa 1963-1967 lại được di chuyển từ Đà Lạt về Sài Gòn vào cuối năm 1963.  Đấy là khóa duy nhất ban Triết đã được đào tạo tại trường ĐHSP SG.
3.
Vì sự thay đổi học trình nên không có sinh viên ĐHSP SG tốt nghiệp năm 1966.  Trái lại năm 1969, hai khóa 1965-1969 và 1966-1969 cùng tốt nghiệp.
Có vài sinh viên khóa 5 (3 năm) rớt năm đầu tiên, phải học lại với khóa 6 (4 năm) nên tổng cộng 5 năm mới tốt nghiệp.
Sinh viên ĐHSP SG chỉ được học lại một năm nếu không đậu kỳ thi lên lớp. Rớt lần thứ nhì thì bị cho nghỉ học.
4.
Vì biến cố 30 tháng 4 năm 1975, sinh viên khóa 1972-1975 bị giữ lại học thêm 1 năm nữa về chính trị và xã hội của chế độ mới, đến năm 1976 mới được cho tốt nghiệp đi dạy.
Sinh viên khóa áp chót (1973) và khóa chót (1974) được tốt nghiệp theo đúng kỳ hạn.
5.
Học sinh có bằng Tú Tài II/sinh viên phải đủ 18 tuổi (tuổi Tây) mới được phép dự thi tuyển vào năm thứ nhất ĐHSP SG.  Có lẽ Bộ QGGD muốn sinh viên tốt nghiệp đi dạy phải là người thành niên (21 tuổi trở lên).

Nói thêm cho vui:  Người Việt chúng ta tính tuổi theo vài cách khác nhau: Tuổi Ta mới sinh đã 1 tuổi (hơn 9 tháng trong bụng mẹ) và thêm 1 tuổi vào mỗi ngày Mồng Một Tết; tuổi Tây (chính thức thời VNCH) mới sinh 0 tuổi, tính thêm 1 tuổi từ ngày 1 tháng 1 dương lịch.
Ngày nay nhiều người gốc Việt ở Hoa Kỳ phải tính tuổi theo lối Mỹ: Phải chờ đến đúng ngày sinh nhật mới được chính thức tính thêm 1 tuổi. Vào ngay liền trước sinh nhật của mình cũng vẫn chưa được tính thêm tuổi.
Vì theo tuổi Ta mọi người được thêm 1 tuổi vào ngày Tết nên mới có lệ “Mừng Tuổi”, “Chúc Tuổi” vào ngày Tết. Do đó ngày Tết trở thành ngày mừng sinh nhật cho mọi người; hầu hết người Việt thời VNCH trở về trước, không ăn mừng sinh nhật cá nhân vào ngày sinh của họ.
6.
Năm 1973, Trường ĐHSP SG có mở khóa đầu tiên Cao Học Sư Phạm (cao hơn ĐHSP), nhưng học viên chưa được tốt nghiệp vì biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
7.
Hình như cuối thập niên 1950, song song với năm đầu khóa 1 và 2 ĐHSP (học trình 3 năm) có các khóa ĐHSP cấp tốc 1 năm nhưng người viết chưa liên lạc được vị nào tốt nghiệp các khóa cấp tốc đó để xác nhận.
Võ Bất Thuyết
viết năm 2018, cập nhật 2020.

 

Khuất sau tàng cây là dẫy lầu thuộc ban Văn chương. Dẫy lầu trắng bên phải được xây cất sau này, trên nền của Thư viện ĐHSP ngày trước.
 
Sân trường ĐHSP phía ban Văn chương.

Sân trường ĐHSP phía ban Văn chương
 
Dẫy lầu ban Văn chương ĐHSPSG.

Dẫy lầu ban Khoa học ĐHSPSG.
 
Dẫy lầu ở giữa (được xây cất sau này) là nơi đặt văn phòng của Ban Quản trị, chổ này, trước đây, là Thư viện của ĐHSPSG.

Cuối dãy lầu ban Khoa học, phía bên phải, ngày xưa là nơi giữ xe gắn máy cho SV.
 
Dãy lầu ban Văn chương

Cổng chính vào trường ĐHSP số 280-An Dương Vương-Q.5 Tp Hồ Chí Minh.
 
Từ cổng chính đi thẳng vào