Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 06.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguyễn Xuân Hoàng (III)

Tiểu sử
Mất ngày 13.9.2014 tại California, Hoa Kỳ.

Tác phẩm
nguyen xuan hoang
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

Mục lục
Đà Lạt năm tôi 18 tuổi...
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu…
Ðời sống vẫn không ngừng chảy – Phan Nhiên Hạo
30 năm nhìn lại…nền văn học Việt Nam hải ngoại
Nhớ Mai Thảo
Hành trình trở thành nhà văn của Nguyễn Xuân Hoàng - Du Tử Lê
Thư Trần Phong Giao gửi Nguyễn Xuân Hoàng
Ngọc Thứ Lang
Hà Nội, năm tôi mười sáu tuổi
Một chặng đường văn chương – Ngô Nguyên Dũng

Phụ đính:
Người bạn thân cũ, mùa hè - Một người ngồi trong ghế bành
Căn nhà năm cũ – Chuyện kể trên đồi cam - Em bé đứng chờ xe ở ngã tư
Quá khứ một lần nữa – Một tinh cầu khác - Bậu cửa mẹ ngồi
Có một chuyện tình như thế không? - Ở quán cà phê Starbucks
Tự truyện không phải là… tự truyện!

____________

Đà Lạt năm tôi 18 tuổi...

Tôi đến Đà Lạt lần đầu năm 1958, khi vừa mười tám tuổi. Hành lý của tôi chỉ là một chiếc áo len và một bàn chải đánh răng. Đêm Đà Lạt lạnh buốt. Tôi bước vào một quán cà phê có tên là Tùng. Ánh đèn mờ không soi rõ mặt khách, và khói thuốc mù làm đục cả cái không khí chật chội. Tiếng nhạc mở lớn làm căn phòng như vỡ tung ra. Tôi gọi một ly cà phê đen nóng và đốt một điếu thuốc trong khi chờ đợi. Một người từ bàn bên cạnh bước sang, hỏi tôi từ đâu đến và muốn tôi ra ngoài nói chuyện. Tôi biết “nói chuyện” là gì. Và tôi theo anh ta ra sân.
Choàng chiếc áo len sau lưng, buộc hai tay áo trước ngực, tôi đứng chờ. Cũng dễ thôi. Thói quen “một đụng một” của thời học trò vẫn thường xảy ra giữa đám trẻ chúng tôi. Và tôi hiểu tôi phải làm gì để thắng trong trường hợp đó. Nhưng tôi đã tính sai. Bởi vì tôi phản ứng qúa chậm, vây quanh tôi là ba tên vừa tầm, nhanh như chớp đã giáng xuống đầu tôi, ngực tôi, thân thể tôi một trận đòn tàn bạo, dữ dội và bất ngờ nhất. Đêm đầu tiên ở Đà Lạt tôi đã được chào đón như thế đấy!... Hình như Đà Lạt thời đó có cách tiếp khách riêng của nó. Kỷ niệm ấy của thị trấn “hàn đới” để lại trong tôi một vết đau nhức nhối, mặc dù máu ở cơ thể tôi chảy ra có làm tăng nhiệt độ đôi chút để chống lại hơi lạnh của một vùng khí hậu cao nguyên. Vết đau đó phải đợi đến một tháng sau tôi mới rửa được trên sân Cù.
Dãy nhà thuộc khu 28B của Viện Đại Học Đà Lạt là nơi trọ của đám sinh viên từ các nơi xa mới đến. Tôi đã nằm đó. Chỉ đến lớp đúng vào thời khóa biểu nhà trường, rồi quay về phòng ngay, không bước chân ra phố. Tôi ôn lại trận đòn, tôi nhớ lại cái mùi máu tươi ở khóe môi, những sợi tóc bết ướt máu chảy xuống trán, những cú đấm tá hỏa tam tinh đập vào mắt tôi, những cú đạp vào bụng làm thót người. Trận đòn không thù oán gây cho tôi nhiều ngạc nhiên hơn là căm phẫn. Dù sao tôi không thể không đáp lại sự tiếp đón có phần hơi “cuồng nhiệt” của chủ nhà. Tôi ưa thích sự công bằng. Và Đà Lạt rất sòng phẳng với tôi. Chính ở sân Cù một buổi tối là nơi tôi đã tẩy được vết chàm kia bằng cách trả lại cho người khách ở quán cà phê Tùng những gì y đã ép tôi phải nhận. Bỏ hai tuần chờ cho vết thương trên đầu, trên ngực và trên mặt lành lặn, và thêm hai tuần mài lại con dao mà anh tôi đã tặng sau chuyến hành quân trở về. Tôi ra quán cà phê Tùng hẹn X., là tôi chờ hắn ở sân Cù. X. nói nếu lần này mày không muốn sống, tao cho mày đi luôn. Tôi không trả lời. Tôi biết tôi muốn gì.
Buổi tối Đà Lạt lạnh. Tôi mặc quần áo mua ở chợ trời, dày và ấm, đứng nép vào một gốc cây trên sân Cù. X. không đến một mình. Cùng đi với X. tôi thấy thấp thoáng bóng 3 tên cùng bọn. Trong bóng tối, tôi thấy loé lên một ánh thép. Bước ra khỏi gốc cây, tôi nói to: “Tao muốn nói chuyện một mình thằng X. thôi.” X không trả lời. Y lừng lững một mình đi lên. Tôi đi xuống, đến trước mặt X. Vừa giáp mặt, không chờ X. kịp nói năng, tôi choàng tay kẹp cổ X. dí dao ấn vào yết hầu y. Tôi đã thuộc bài học X. đã dạy tôi lần đầu.
Sau trận đáp lễ đó, tôi và X. trở thành bạn. Tình bạn chỉ nhìn từ xa. Nhưng phải nói là nhờ X. nhiều lần tôi thoát được những va chạm chết người trong suốt 3 năm ở Dalat.
Chính là sau đêm ở Sân Cù trở về cư xá sinh viên trong Viện Đại Học tôi đã làm những câu lục bát đầu tiên của mình.
Ba năm trời, tôi buộc đời tôi vào với những người bạn học mới, cả những X. và Y., với Viện Đại Học trẻ trung vừa được thành lập, với cái lạnh lẽo của rừng núi, với tiếng gió hú trên đồi thông, với những giờ triết học buồn nản…
Tôi nhớ cha Gauthier, người gầy và thấp, da mặt nhăn nheo, đôi kính cận dầy cộm làm mặt cha nặng hơn. Tôi không quên LM Bửu Dưỡng, người rất quyết liệt và cực kỳ hữu khuynh trong mọi nhận định của mình. Tôi yêu mến LM Alexis Gras, một trong những khuôn mặt trí thức hiếm hoi mà tôi đã gặp trên đường đời. Chính cha Gras đã khắc trong trí nhớ tôi hồi đó những dấu ấn tươi mát về tri thức không khác nào các cô giáo thầy giáo tiểu học đã khắc lên trái tim thời thơ ấu tôi những hiểu biết đầu đời.
Ba năm trời ở Đà Lạt, mỗi năm thay đổi chỗ ở một lần, nhưng bầu trời mù ám của nó, những trận mưa lạnh của nó,… đã cột chặt đời tôi như một lần mãi mãi.
Một năm sau tôi dọn chỗ ở mới. Phòng trọ nằm trên đường Võ Tánh, con đường dốc đất đỏ mà sau mỗi trận mưa luôn luôn gây cho người ta cái cảm tưởng đang nhìn thấy máu ở một vết thương vô hình nào đó chẩy ra. Từ nơi trọ đến Viện Đại học tôi phải đi ngang qua trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Những buổi có giờ học trễ, ngủ nướng trong giường, tôi có thể nghe thấy tiếng trống vào lớp. Đó là thời gian tôi tập hút thuốc và uống rượu. Những ly rượu đắng cay đốt cháy mối tình đầu tiên của tôi. Đó là thời gian khi tôi làm bài luận văn về Descartes, cha Gauthier đã kêu lên rằng tôi đã “để vào miệng nhà triết học trong sáng của nước Pháp này những điều ông ta chưa bao giờ viết xuống”.
Đà Lạt, đó là một thành phố rất Tây trên quê hương Việt Nam. Nhà hàng Mekong, Chic Shanghai, L’eau Vive, Hôtel Sans – Souci, Palace, Thủy Tiên, Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, … làm chứng cho những suy nghĩ của tôi. Đà Lạt là một thành phố hòa bình trên một đất nước ngập tràn máu lửa. Đà Lạt là một giấc mơ thần tiên trong một hiện thực sắt thép địa ngục. Đà Lạt, căn hầm trú ẩn bằng bê tông cốt sắt giữa một trận địa đầy bom mìn và xác chết. Đà Lạt là một hòa bình riêng rẽ trong một Việt Nam vang rền tiếng súng. Thứ triết học kinh điển mà Đà Lạt nhét vào đầu tôi thời gian đó bị chìm trong ca khúc Vũng lầy Của Chúng Ta vào một buổi tối khi Lộc và cô bạn của anh hát cho tôi nghe những ca khúc đầu tiên của anh. …Đây là thời gian tôi đọc André Gide nhiều hơn Martin Heidegger, Albert Camus nhiều hơn Jean-Paul Sartre, và…Tôi đã nhìn Đà Lạt như một bức tranh. Và tôi chỉ là một vệt màu đỏ do người hoạ sĩ lỡ tay để rơi lại trên khung vải. Tôi khám phá ra tại sao tôi còn sống sót trong một cuộc chiến tranh mà cha tôi vì nó đã bỏ mình, anh tôi vì nó đã hy sinh, bạn bè tôi đã ra đi vĩnh viễn hoặc trở về với một phần thân thể bỏ lại trên chiến trường.
Đà Lạt của hồ Than Thở và Rừng Ái Ân, Đà Lạt của Cam Ly, của Trại Hầm. Đà Lạt, nơi chôn vĩnh viễn trong tôi một câu hỏi chưa được trả lời về một quá khứ đen.
Đà Lạt, thành phố trên cao của Việt Nam, tôi biết là nơi tôi sẽ trở về, luôn luôn mong ước trở về, để tìm cho tôi câu trả lời tôi đã sống như thế nào trong những ngày tôi vừa mới lớn với sách vở và chữ nghĩa trên trời giữa một dân tộc mà chiến tranh, tàn bạo, nghèo khó và chết chóc đang trùm phủ xuống đất nước tôi. Tôi là một người mù trong một thế giới tràn đầy biến động âm thanh cuồng nộ.
Đà Lạt trong trí nhớ tôi giờ đây vẫn còn là một câu hỏi. Cho tôi.

_____________

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu...


nguyen xuan hoangEm đừng hỏi giờ này tôi đang làm gì và đang ở đâu. Lúc này đây, khi viết những giòng chữ này cho em, tôi đang ngồi trong toà soạn của một tạp chí nằm trên con đường Phạm Ngũ Lão. Con đường ấy, khá nhiều nhà in, nhà báo, nhà phát hành, chắc em đã biết, là một con đuờng nhỏ, đầy bụi và nhiều xe. Trên bàn làm việc của tôi hiện có một lá thư của "nhà-làm-kịch-không-bao-giờ-dựng-kịch" gửi cho tôi, nhưng tôi không hiểu gì cả. Có lẽ ông ta lầm tôi với một nguời nào khác có một cái tên tương tự. Những cái tên tương tự! Có bao nhiêu cái tên tương tự như tên của tôi, và tên của em trong cõi đời này. Và em. Vy của tôi, tên em phải viết i ngắn hay y dài? Và tại sao phải là y dài mà không là i ngắn.?

Lúc viết những giòng này cho em, những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in truyện ngắn của tác giả Rừng Mắm đặt trên bàn tôi, cây quạt trần đang xoay theo một tốc độ chậm nhất, và mưa rơi ngoài kia. Mưa ào ạt như tiếng kêu thất thanh của một nguời bị săn đuổi, chờ chết. Tại sao lúc nào tôi cũng thích nhìn những trận mưa thúi trời thúi đất. Mưa điên cuồng, man dại; mưa ập xuống như cái thúng chụp không thương tiếc ngậm ngùi....
Thế còn em, nơi em ở hiện giờ trời đang có mưa không? Những trận mưa đầu mùa nắng là những dòng nuớc được đợi chờ. Mưa luôn luôn làm tôi nhớ em. Nhớ những hôm nào em ngồi sau chiếc xe lambretta màu bạc của tôi. Hơi thở tình yêu của em đã thổi ấm xuyên suốt lưng tôi, hâm nóng một trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh, thổi bay đi những đám mây buồn bã từ bấy lâu nay vẫn ám mãi xuống đời tôi. Những trận mưa hân hoan tầm tã; mưa biển mưa rừng, mưa cao nguyên, mưa đồng bằng. Mưa chảy trong tôi tình yêu muộn màng, mưa xối trong em tình yêu vừa mới lớn. Những giọt nước mưa hy vọng đang ướt sũng cuộc đời chúng ta.
Bữa qua có tin từ mặt trận về cho hay chiến trường miền Trung đang hồi ác liệt, một bạn tôi vừa mất xác. Sáng nay trên cao nguyên báo xuống, một người bạn khác nữa của tôi vừa mới tử trận. Những tin tức ấy đã làm tôi chảy nước mắt. Bao nhiêu người ở tuổi tôi đang đối mặt với cái chết, tại sao tôi vẫn ngồi đây yên ổn. Tại sao tình yêu của chúng ta? Có phải tôi là một người may mắn bất hạnh. May mắn sống sót, nhưng bất hạnh thay chưa sống đủ kiếp người.
Có phải là một điều nhảm nhí không khi ta nói đến tình yêu trong một thời đại mà người ta chỉ đề cập đến sự chết. Tôi vẫn nghĩ rằng con người càng đến gần với tình yêu chính là tiến gần đến cái chết. Yêu là chết. Và truớc cái chết, nguời ta bao giờ cũng ham muốn sự sống. Và sự sống là gì nếu không là tình yêu? Ngụy biện quá, phải không?

Vy yêu, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào mường tượng ra nỗi nơi Ởn chốn ở của em. Thành phố trên cao ấy đã một thời nhìn thấy tôi lớn lên, đã nghe tôi thở, đã thấy tôi yêu, đã chứng kiến những trận đòn thù trên đồi Cù, đã dí tôi trong quán cà phê Huyền nữa đêm về sáng. Và giờ đây những dấu chân em in trên con đường đất đỏ dưới những cơn mưa tầm tã đang làm tôi thương nhớ em. Cánh cửa sổ từ căn phòng em ở mỗi sáng mở ra có thể nhìn thấy chăng đỉnh núi LangBiang? Quyển sách nào em đang đọc? Và tờ thư nào em đang viết dỡ cho tôi?... Tôi đang nghĩ đến em, đến hơi thở em, khuôn mặt thần thánh em.... Sẽ buồn biết bao nếu trí tưởng tôi không còn cái khả những tưởng tượng ấy nữa, cái khả nănng khiến cho đời sống tình cảm chúng ta giàu có hơn, màu sắc hơn....
Em có còn nhớ những quán nước quán ăn mà chúng ta đã đến: một chỗ sang trọng, một nơi tồi tàn; những cuốn phim ta đã cùng xem: đam mê, hung bạo, hay dịu dàng và thơ mộng; những khúc nhạc mà chúng ta đã từng nghe chung với nhau trong một tối nào; quyến rủ và lôi cuốn. Và hơi thở em tràn ngập trong lồng ngực tôi. Thân thể em trong vòng tay cuồng dại tôi.
Ừ, nhiều khi tôi ước phải chi chúng ta là cỏ cây hay loài vật, chúng ta sẽ yêu nhau như loài thú hoang giữa đất trời mà không sợ bóng dáng của Thần Tuyệt Vọng. Như loài thú, chúng ta rong chơi trong rừng, nằm dưới bóng mát của những tàn cây và ngủ an nhiên trên xác lá khô. Như cỏ cây ta không thèm mọc vội vàng. Ta lớn theo gió, và nắng và mưa sẽ làm ta rắn chắc hơn. Cái vòng tròn vàng óng buổi sáng sẽ đánh thức ta dậy, mặt trời đỏ hực buổi chiều sẽ gọi ta về, và trăng sao trên cao sẽ soi thấu tình yêu của chúng ta.

Vy yêu, bây giờ là mười giờ. Buổi sáng trong một toà soạn báo. Tiếng máy chạy ì ầm. Những bản vỗ ướt mực và ướt nước. Cơn mưa đã dứt. Trời trong suốt và nắng đang thổi luồn những hơi thở nóng hổi lên thành phố tôi đang ở. Có lẽ những con đường rợp bóng cây mà chúng ta đã đi sau trận mưa lớn đã ngập nước, vòm cong của những tàn me cụm đầu dài đến cổng trường Saint-Paul còn óng ánh chút nước mưa đã rơi trên đầu chúng ta theo từng cơn gió nhẹ. Giờ đây, tôi không biết mình đang đốt đến điếu thuốc thứ mấy trong ngày nhưng tôi biết là tôi đang nghĩ đến em.
Vy yêu, em có còn nhớ cái lối quảng cáo của người Nhật về những sản phẩm đặc chế của họ. Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu Cũng Chỉ Có Hai Ta . Ừ, cũng chỉ có hai ta.
Ngày mai, tôi sẽ phải vào bệnh viện trở lại. Những dấu hiệu tái phát của căn bệnh cũ đang bắt đầu lộ diện và đang hành hạ tôi. Bạn tôi bảo: "Mày chưa chết đâu. đừng sợ. Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần."
Buổi sáng hôm nay, sau cơn mưa mặt đuờng trước tòa soạn sạch trơn. Nhưng sao mà lòng tôi vẫn còn đầy chật hình bóng em. Nhớ em, nhớ những sợi tóc dài buộc chết đời tôi, nhớ hai con mắt màu nâu thầm lặng, nhớ cái mũi hếch kiêu căng, nhớ giọng nói sao mà ngọt ngào kỳ lạ. Nhớ nụ cười em tràn ngập cơn mê tôi, nhớ đôi chân dài quấn quít, nhớ bờ ngực nặng, nhớ hơi thở nóng, nhớ bàn tay hốt hoảng của em...
Nhưng sao tôi vẫn có cảm tưởng nhu rồi ra chẳng bao giờ chúng ta còn có cơ hội gặp lại nhau nữa. Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời. Có cả sương mù và sấm sét. Có đêm và ngày. Có cả "khổng tử" và "gia phong". Và....
Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích, một khi nguời ta không còn muốn đọc nhau nữa.
Phải không?
Tháng Chín 1968
_______________

Ðời sống vẫn không ngừng chảy

Phan Nhiên Hạo thực hiện

Phan Nhiên Hạo (PNH): Ba mươi năm kể từ 1975, anh vẫn sống đời sống của một người làm văn chương toàn thời gian: sáng tác và làm báo (tạp chí Văn và Việt Mercury). Cuộc sống của một người làm văn nghệ hải ngoại như anh có những vui, buồn, phần thưởng tinh thần và khó khăn gì?

Nguyễn Xuân Hoàng (NXH): Tôi không nghĩ là tôi đã sống 30 năm của một người làm văn chương toàn thời gian đâu. Sau 1975, tôi mất hết 10 năm lang thang ở Sài Gòn, Rạch Giá, U Minh, Nha Trang, Ðà Lạt, không định hướng, cũng có viết lách đôi khi nhưng cái chính là làm những chuyện không ăn nhập gì đến chuyện chữ nghĩa: lái xe ủi đất, làm ruộng, lơ xe đò, đốn cây làm than, và... ở tù, mãi đến 1985 tôi mới đến được Mỹ.
Và trong những ngày đầu ở đây tôi làm nghề đi rải flyers cho mấy tay địa ốc. Như vậy nếu nói đúng tôi chỉ có chưa đầy 20 năm sống lại đời làm báo viết văn. Những ngày ở trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, tôi không hề có ý nghĩ là mình sẽ có thể / muốn / cầm bút trở lại, nói gì chuyện làm báo. Ở Virginia chừng nửa năm, anh Mai Thảo ở Nam California gọi điện thoại bảo xuống Quận Cam chơi một chuyến thăm bạn bè. Tại đây, trong một bữa cơm đón người ở trại tị nạn mới qua tại quán Doanh Doanh của Thái Tú Hạp trên Los Angeles, anh Ðỗ Ngọc Yến chủ nhiệm nhật báo Người Việt, chắc là được anh Mai Thảo nhắc nhở - nói với tôi “thôi về Người Việt đi, bạn bè cả”. Tôi gặp Nguyễn Ðức Quang, nhạc sĩ du ca ở đây.
Tôi làm nhật báo Người Việt, sau đó cùng lúc làm nguyệt san Thế Kỷ 21 [từ số ra mắt cùng với Lê Ðình Ðiểu], còn tạp chí Văn thì từ tháng Chín 1996 và Việt Mercury từ tháng 11. 1998 [số ra mắt 29/01/1999]. Làm báo tin tức thời sự như một thứ nghề, cũng giống như làm thợ mộc thợ nề, làm technician vậy. Tuy nhiên đó là thời gian tôi cầm bút trở lại. Tôi viết không nhiều. Làm báo giết ráo làm văn. Khi anh Mai Thảo bệnh, giao cho tôi tờ Văn, tôi đang là tổng thư ký tờ Người Việt. Làm hai tờ báo một lúc, khủng khiếp, tôi không hiểu tại sao mình làm được? Làm báo Văn là một niềm vui và cũng là một nỗi khổ. Tờ báo nuốt hết thì giờ của tôi sau khi ở toà soạn Người Việt về, nó không nuôi nổi một người sống hết mình với nó đã đành, mà ngược lại nó bắt người làm ra nó phải nuôi nó. Khi tôi vào làm tờ Việt Mercury, may mắn hơn, đời sống thường ngày đã nhẹ, nhưng việc nuôi tờ Văn thì vẫn tiếp tục. Ðấy là tôi chỉ nói phần vật chất, tôi chưa nói chuyện bài vở, chuyện độc giả, chuyện đóng gói, bỏ bì đem ra bưu điện cho mỗi số báo, chuyện đau nhói của một ngưòi làm báo văn học. Khó khăn thì nhiều thứ lắm. Còn phần thưởng tinh thần hả? Ðó là tôi tìm lại được bạn bè cũ, và quen biết thêm bạn bè mới. Ðó là mỗi khi tờ báo ra, cầm tờ báo trên tay, tuy không còn ngửi được mùi mực in như ở Sài Gòn ngày nào, nhưng sao lòng vẫn bồi hồi. Bao giờ tôi cũng trân trọng những người viết mới. Cứ mỗi lần đọc được một sáng tác mới của một người viết mới tôi nghĩ chắc tờ báo vẫn còn có người đọc. Ðời sống vẫn không ngừng chảy.

PNH: Có ý kiến cho rằng văn chương hải ngoại là sự nối dài của văn chương miền Nam trước 1975, anh có nghĩ điều này hiện còn đúng với văn chương hải ngoại không? Anh thấy những chuyển động nào đáng kể trong văn chương hải ngoại, sự hình thành những người viết mới đáng chú ý ba mươi năm qua?
NXH: Nói văn chương hải ngoại là sự nối dài của văn chương miền Nam trước 1975 có thể đúng trong những năm đầu khi những ngưòi cầm bút lẻ loi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ. Thế nhưng đã 30 năm qua từ tờ Văn Học của Võ Phiến, Lê Tất Ðiều rồi Nguyễn Mộng Giác và giờ đây, năm 2005 là Cao Xuân Huy, đến tờ Văn của Mai Thảo nay chuyển sang tôi từ 1996, và Hợp Lưu của Khánh Trường giữa sóng gió bước đầu giờ chuyển qua Phùng Nguyễn, rồi Trần Vũ - Ðặng Hiền; tạp chí Thơ của Khế Iêm một mình một ngựa nay chuyển qua Ðỗ Kh. Ðó là chưa kể tờ Nhân Văn của Thượng Văn, Văn Uyển của Trần Nghi Hoàng ở San Jose, tờ Việt của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn ở Úc, Chủ Ðề của Nguyễn Trung Hối, Phố Văn của Nguyễn Xuân Thiệp, Gió Văn, Sông Văn..., tôi nghĩ là đã có chuyển động. Những cuốn hồi ký trong thập niên 80 đã gần như biến mất vào đầu thập niên 90. Lý luận phê bình trước kia trong nước và sau này ở hải ngoại đã được tạp chí Việt của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn bổ khuyết một cách mạnh mẽ và phong phú. Nhiều người viết đến với văn chương như Trần Vũ, Phùng Nguyễn, Mai Ninh, Miêng, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quí Ðức, Ðinh Linh..., đã và đang mang đến cho văn học hải ngoại một hơi thở mới. Thật ra còn nhiều nữa mà tôi kể không hết. Còn nếu phải kể những người không sáng tác bằng tiếng Việt thì làm sao quên được Linda Lê, Kim Lefèvre ở Pháp, lê thị diễm thúy, Monique Trương, Andrew Lâm, Andrew Phạm ở Mỹ...

PNH: Tôi nghĩ văn chương miền Nam trước 1975 là một nền văn chương rất sinh động và gồm nhiều tác giả xuất sắc. Vì lý do chính trị, ở trong nước người ta vẫn chưa chính thức công nhận nền văn chương này, những người viết trẻ thì thường có thái độ hãnh tiến, vội vã phủ nhận người đi trước mà không đọc họ kỹ (cũng có thể vì không có sách để đọc). Là người trong cuộc, sau ba mươi năm, nhìn lại văn chương miền Nam trước 1975, anh đánh giá nó thế nào?
NXH: Tôi biết là tôi sẽ thiếu khách quan khi tôi nhìn lại nền văn học miền Nam trước 75. Tại sao? Bởi vì tôi lớn lên trong không khí đó, chiến tranh không chỉ ở mặt trận, chiến tranh còn ở thành phố. Sáng tác của họ không thoát ra khỏi chiến tranh. Ngay cả âm nhạc cũng vậy. Họ tiếp nhận nhanh những chuyển động của văn học thế giới. Tiểu thuyết Mới ở Pháp đến Sài Gòn rất sớm. Hồi chúng tôi còn học đại học Đà Lạt, anh Hoàng Ngọc Biên đã giới thiệu Michel Butor, Nathalie Sarraute, Alain Robbe-Grillet. Văn chương của Jean-Paul Sartre, Albert Camus, thơ Jacques Prévert, triết của Martin Heidegger, Karl Jaspers cũng du nhập vào miền Nam. Chúng tôi cũng có thơ và truyện của Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðình Toàn, Nhã Ca, Huỳnh Phan Anh, Trùng Dương, Túy Hồng, Trần thị NgH.,... Một trong những khuôn mặt được chú ý trong thời gian đó không thể không nhắc đến là Phạm Công Thiện. Về phê bình lúc đó có Ðặng Tiến ở Pháp và Cao Huy Khanh trong nước. Ngoài ra còn có cả Ðỗ Long Vân từ Pháp về nữa. Ðó là chưa kể những tờ như Trình Bầy, Hành Trình, Tin Văn... khá là “phản chiến” và vẫn tồn tại.
Phong phú và đa dạng là những tĩnh từ có thể gán cho văn học miền Nam trước 1975.

PNH: Anh từng làm thư ký tòa sọan tạp chí Văn ở Sài Gòn trước đây, anh có thể nói đôi điều về sinh hoạt văn chương thời đó được không? Anh nhớ nhất kỷ niệm nào?

NXH: À, thời đó chuyện văn chương mới ấm áp làm sao. Báo chưa ra hay báo đã ra, sáng nào cũng gặp nhau ở quán Cái Chùa [La Pagode] trên đường Tự Do [nay là đường Ðồng Khởi] bên ly cà phê và những điếu thuốc lá. Khi thì nói về chủ đề số báo của tờ X. hay bài viết của A trên tờ Y, về cuốn sách mới in của Z. hay bài điểm sách của tay B., về cái truyện sắp viết, cuốn sách mới đọc, bài thơ mới làm. Nhưng cũng có khi nói về những thứ gì khác không phải văn chương, về tình hình chính trị, về người bạn vừa gặp nhau tuần trước mới hôm qua bỗng được tin vừa tử trận. Buổi tối không ra quán ăn nhô ra bờ sông Sài Gòn Point des blageurs thì cũng tới Chợ Ðủi, bên những ly bia, nói năng ba trợn hay nghiêm túc, hết chai này đến chai khác với người bạn ngày mai ra trận, không biết còn có ngày gặp nhau không, sau đó luôn luôn phóng xe chạy hết tốc độ vì đã quá giờ giới nghiêm.
Lúc đó tờ Văn nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, con đường có nhiều nhà in báo, đặc biệt nhà phát hành Sống Mới. Ông Nguyễn Ðình Vượng, chủ nhiệm tờ Văn có nhà in riêng, in cho ít nhất ba tờ tạp chí: Văn, Tuổi Ngọc của Duyên Anh và Vấn Ðề của nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan. Hai tờ Tuổi Ngọc và Vấn Ðề đều đặt toà soạn trên tầng hai và tầng ba của toà soạn Văn.
Thời đó báo có toà soạn đâu ra đấy chứ không như bây giờ ở hải ngoại “hình như” không tờ báo văn học nào có toà soạn đúng nghĩa của nó: toà soạn trong ga-ra hay trong phòng khách; điện thoại nhà cũng là điện thoại toà soạn; người lo cho tờ báo phải lo từ đầu đến đũa: xin bài, đọc bài, lay out bài, gửi nhà in, bỏ báo vào bao thơ, chở báo đến bưu điện, và mặc dù bạn đọc rất ưu ái, người tạm gọi là “chủ báo” phải chạy tiền trả nhà in vì có một khoảng cách đáng buồn giữ thu và chi.
Có quá nhiều kỷ niệm, nhưng một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi là chuyện viết bài cho tờ Vấn Ðề. Hồi đó ông Vũ Khắc Khoan khi đến toà soạn phải đi ngang qua Văn để lên tầng trên. Bao giờ gặp mặt tôi ông cũng bảo “H. đưa cho Vấn Ðề một truyện ngắn đi”, và bao giờ tôi cũng hứa “Thế nào cũng sẽ có cho anh mà!”. Hứa vậy thôi, chứ tôi lu bu quá. Mỗi ngày tôi vẫn đi dạy, hết giờ ra thì toà soạn, đọc bài, đọc bản vỗ, sửa bài, viết thư toà soạn, trả lời hộp thư, gọi điện thoại đặt bài cho số đặc biệt..., buổi sáng còn ra Cái Chùa, buổi tối còn tới Chợ Ðủi, thế là quên tiệt.
Một hôm tác gỉa Thần Tháp Rùa vừa bước vào toà soạn nhìn thấy tôi, ông đứng lại, rút trong túi ra xấp bạc, đặt trước mặt tôi. “Năm ngàn đấy nhé, cậu đưa cái truyện đã hứa cho tôi tuần tới nhé!”. Ông làm tôi bối rối. Ông cười: “Tờ Văn chỉ trả truyện ngắn có ba ngàn, Vấn Ðề trả năm ngàn đấy nhé!”. Và ông lên lầu.
Tôi biết mình không thể ù lì được nữa. Sáng thứ Hai, tôi mang truyện lên lầu đặt trên bàn Vũ Khắc Khoan. Ông chưa tới. Tôi xuống nhà gọi điện thoại rủ Huỳnh Phan Anh ra quán Cái Chùa. Và tôi quên cái truyện mình đã viết cho Vũ Khắc Khoan. Một buổi sáng ông Mai Thảo đến toà soạn, kéo ghế ngồi bên tôi hỏi, cậu viết cái gì thế? Tôi nói có viết gì đâu, đang đọc bài cho số báo tới. “Không, tôi hỏi H. viết cái gì cho tờ Vấn Ðề kia.” “Ồ, một truyện ngắn đó mà!” “H. có biết là tờ Vấn Ðề bị đóng cửa vì cái truyện ngắn gì đó của H. không?”. Tôi không biết. Nhưng ngay buổi chiều hôm đó tôi nhận cái trát hầu toà vì cái truyện ngắn của tôi, có nhắc đến bài hát Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy. Ông Phạm Duy không biết điều đó, nhưng nhà văn-bác sĩ Ngô Thế Vinh biết vì sáng hôm sau ra quán Cái Chùa gặp Ngô Thế Vinh ngồi bên ly cà phê cho biết anh cũng nhận được một cái giấy như tôi qua truyệnMặt trận ở Sài Gòn của anh. Truyện ngắn của tôi viết cho tờ Vấn Ðề có tựa Cha và anh viết về giai đoạn tản cư thời chiến tranh chống Pháp.

PNH: Sau vụ hầu tòa đó, chuyện gì xảy ra với anh?
NXH: Tôi vẫn làm việc và viết lách bình thường. Anh Ngô Thế Vinh cũng vậy.

PNH: Anh có thể nói thêm về tạp chí Văn và các báo văn nghệ thời đó?
NXH: Thực ra văn chương thời đó tập trung vào một số tạp chí văn học ở Sài Gòn. Sáng Tạo ra đời vào những năm 54 - sau khi hiệp định Genève được ký kết - với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, về sau có Dương Nghiễm Mậu, tờ Bách Khoa với Lê Ngộ Châu, Võ Phiến, tờ Hiện Ðại với Nguyên Sa, tờ Thế Kỷ với Trần Hồng Châu-Nguyễn Khắc Hoạch, tờ Văn với Trần Phong Giao, tờ Khởi Hành với Viên Linh, tờ Văn Học với Dương Kiền, tờ Giữ Thơm Quê Mẹ với Nhất Hạnh, tờ Ðại Học ở Huế với Nguyễn Văn Trung, tờ Trình Bầy với nhóm Thế Nguyên, Diễm Châu... Thú thật với anh là tôi không chắc mình nhớ hết và nhớ đúng. Ba mươi năm rồi còn gì!
Tôi chỉ nhớ tờ Văn lúc đó in trên 10.000 bản và tiêu thụ mạnh nhất ở miền Trung hơn là ở Sài Gòn, mặc dù ở Sài Gòn sinh viên khá đông, chưa kể trường Ðại học Văn Khoa và Ðại học Sư phạm. Thành thật mà nói, với số dân khoảng 24 triệu người - tính riêng miền Nam - mà chỉ in có 10.000 bản thì không thể xem là nhiều, nhưng nên nhớ đây là báo văn chương chứ không phải báo tin tức, con số đó phải coi là đáng kể trong một đất nước chiến tranh. Tôi không rõ các tờ khác thế nào, chứ riêng tờ Văn, lúc nào bài vở cũng có sẵn, có thể làm được từ ba đến năm số. Từ đầu năm đã có thể lên lịch những số đặc biệt cho 12 tháng trong năm. Và tùy theo tình hình thời sự văn học thay đổi đột xuất sẽ có những số đặc biệt khác. Người viết đông đảo và sự đóng góp của họ cũng nồng nhiệt. Tờ báo được bạn đọc đón nhận khi vừa phát hành. Nhiều người lính hành quân ở miền Trung hay miền cao nguyên trong những làng mạc xa xôi cho biết họ có mang theo Văn trong ba-lô.

PNH: Chiến tranh chấm dứt đã ba mươi năm, nhưng hố ngăn cách ý thức hệ vẫn còn, anh nghĩ gì về vai trò của nhà văn hiện nay?
NXH: Tôi muốn hỏi lại anh, nhà văn có thể đóng một vai trò nào trong cuộc sống chúng ta? Có người nói, văn chương ở một khía cạnh nào có tác động trên đời sống xã hội. Như Căn lều của chú Tom (Uncle Tom’s Cabin) của Harriet Beecher Stowe góp phần vào sự thay đổi tâm lý kỳ thị màu da của người Mỹ da trắng. Nhưng liệu đó có phải là một định đề không?
Ở Việt Nam, tôi nghĩ mặc dù chiến tranh chấm dứt đã 30 năm, nhưng hố ngăn cách ý thức hệ vẫn còn. Liệu văn học có lấp được cái hố cạn mà khó qua đó không? Tôi không hiểu những người viết trong nước ra sao, và các bạn tôi những người cầm bút hải ngoại suy nghĩ thế nào, riêng cá nhân tôi tôi biết mình là một ngưòi viết không hạnh phúc vì cái hố cạn đó.

PNH: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh đang làm gì, ở đâu, tâm trạng lúc đó thế nào?
Hôm đó từ nhà tôi đạp xe chạy lang thang trong thành phố đầy người chạy ngược xuôi, bọn tự động mang băng đỏ hôi của, lái xe jeep chạy bạt mạng, súng chĩa lên trời cướp bóc giựt dọc, bàn ghế quần áo, giấy má sách báo tung ra đường phố... Tôi đạp xe như một người mất hồn, cứ thế từ con đường này qua con đường khác, tôi thấy nhà cửa phố xá trở nên xa lạ như lần đầu tiên tôi đến. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng một người gọi tên tôi. Tôi dừng xe ngó qua bên kia đường. Tác giả Mùa hè đỏ lửa Phan Nhật Nam hỏi, “Cậu đi đâu vậy?” Tôi hỏi lại: “Sao bây giờ còn ở đây?” Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, không ai trả lời ai. Dưới chân chúng tôi là những cuốn sổ thông hành nằm như rác. Những người mang thẻ này chắc chắn là những người thường có cơ hội đi ngoại quốc, chắc họ đã bỏ chạy hay đã xuống tàu, lên máy bay. Lúc đó đâu khoảng 10 giờ sáng. Con đường hai chúng tôi đứng mang tên Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận.
PNH:Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

_____________

30 năm nhìn lại…nền văn học Việt Nam hải ngoại

Thử đọc lại những bài thơ của Cao Tần* và những lá Thư Nhà của Võ Phiến, những bài thơ Thanh Nam, Nguyên Sa, Viên Linh, Du Tử Lê, … những dòng chữ đầu tiên viết trong đợt di tản đầu tiên của người Việt trên đất mới, rồi sau đó là Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Tháo Trường, Tạ Tỵ, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Tô Thuỳ Yên, Thanh Tâm Tuyền, và những đợt người vượt biên ào ạt cao độ vào những năm 80, những chuyến bay ODP đoàn tụ gia đình và H.O. mang theo dần dần từng đợt những người viết Sài Gòn còn lại…. mang theo những trang viết nóng hổi của một thời sự lao khổ, lao tù và phân biệt….
Giờ đây, trong khi Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Đặng Tiến, Lê Tất Điều, Viên Linh, Bình Nguyên Lộc, Duy Lam, Thế Uyên, Hà Thúc Sinh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Văn Sâm, Kiệt Tấn, Luân Hoán, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Phan Nhật Nam, Hồ Trường An, Trần Doãn Nho, Ngô Thế Vinh, Khế Iêm, và ….., đang bắt đầu lơi tay “chấm bút vào một lọ mực chữ nghĩa đang cạn dần theo thời gian, thì người ta có thể đọc Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Danh Bằng,…. [ở Mỹ], Trần Vũ, Mai Ninh, Liễu Trương, Thuận… [ở Pháp], Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc [ở Úc], Lê Minh Hà, Hoàng Nga [Đức],… những cây bút sâu sắc và đầy sức sống cùng một loạt những người viết mới không viết trực tiếp bằng tiếng Việt mà bằng tiếng bản xứ: Kim Lefèvre [Métisse Blanche], Linda Lê [Voix], ở Pháp, Nguyễn Quí Đức [Where the Ashes Are…], Lan Cao [Monkey Bridge], Đinh Linh [Diorama, Drunkard Boxing…], Monique Truong [the Book of Salt], le thi diem thuy [The Gangster We Are All Looking For], Mộng Lan, [Song of the Cicadas], Andrew Pham [Catfish and Mandala], Andrew Lam [Forever Tigers, Drinking Tiger Soup…], Kien Nguyễn [The Unwanted, Tapesteries, The Colonial]….
Giữa hai lớp người này là những nhà văn bản lề: Võ Đình, Nam Dao, Thuỵ Khuê, Phùng Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Trang Châu, Nguyễn Ngọc Ngạn, Song Thao, Cao Xuân Huy, Lâm Chương, Mặc Bích, Đặng Thơ Thơ, Nguyên Hương, Vi Khuê, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Thị Thảo An, Thu Thuyền, Nguyễn Thị Thanh Bình, Hoàng Thị Bích Ti, Trần Diệu Hằng, Vũ Quỳnh Hương, Trân Sa, Miêng, Đặng Mai Lan, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Kỳ Điền, Mạch Nha, Đỗ Quỳnh Dao, Cổ Ngư, Trần Thị Diệu Tâm, Trần Mộng Tú, Lê Thị Thấm Vân, Lê Thị Huệ, Phạm Ngọc, Đức Phổ, Trương Anh Thụy, Hoàng Mai Đạt, Thận Nhiên,…. mà tác phẩm của họ đã là và đang là một đóng góp to lớn hình thành nền văn học hải ngoại.**
Toàn bộ những tác giả đó đang, hay đã có một thời sung sức, nhưng dường như chưa thấy một tác giả nào ngoài Trần Vũ, và Võ Đình có thể cho nổ một bộc phá làm vỡ tung con đường mà những người trước đã đi….
Người ta hỏi văn học hai ngoại sẽ đi về đâu sau 30 năm?
Tất nhiên đó là câu hỏi không dành cho những người viết văn bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh – giống như trường hợp các nhà văn Phạm Duy Khiêm, Phạm văn Ký, Cung Giũ Nguyên,… trước đây – và những Monique Truong, le thi diem thuy, Andrew X. Pham,… hiện nay – họ đi thẳng vào chính mạch, nhưng liệu có thể gọi họ là nhà văn Việt Nam được không?
Nhiều người nhắc đến hiện tượng lão hoá trong văn học Việt Nam –như Nguyễn Mộng Giác đã có lần nói trong tạp chí Văn Học, thời ông chủ trương**** – theo đó, văn học hải ngoại không được tiếp nối tiếp sức bởi người trẻ.
Còn trong nước thì sao?
Sau Nguyễn Huy Thiệp [Tướng Về Hưu,…], Phạm Thị Hoài [Thiên Sứ, Ma-ri Sến,….nay đã sống tại Đức, chủ trương mạng Talawas], người ta thấy Tạ Duy Anh [Bước Qua Lời Nguyền], Bảo Ninh [Nỗi Buồn Chiến Tranh],….là hết.
Trên Evăn [21/01/2005], ông Nguyễn Hoà, dưới tựa đề Văn Chương Việt Nam 2004 –Oằn Mình Giữa Nhập Nhoà Cũ Mới – cho rằng “’Cái mới’ đang là khát vọng với những chấm phá chưa định hình, và ‘cái cũ’ hằng ngày vẫn ám ảnh đâu đó trong sự vận hành của từng cây bút – đó là tình trạng mà mấy năm rồi, văn học Việt Nam đang cố gắng vượt qua để chuyển mình đổi mới. Văn học năm 2004 cũng vậy, nó ‘nhập nhoà’ giữa sự ra đời của những tác phẩm, những sự kiện khiến người ta vừa có điều gì đó để hy vọng, vừa khiến người ta không khỏi lo âu.” Dù vậy, bài viết của ông đã đưa ra một cái nhìn lạc quan vào văn học Việt Nam [trong nước] khi ở cuối đoạn ông gọi bài viết Hoa Thủy Tiên của Nguyễn Huy Thiệp là “mục hạ vô nhân”, gọi Thiệp là “nạn nhân đáng thương của tham-sân-si.” Ông Nguyễn Hoà cho rằng ông nhận thấy [ở Việt Nam] “đã có những tín hiệu mới xuất hiện trên một số phương diện của văn chương, văn học….”
Nhưng chỉ bốn ngày sau, cũng trên mạng Evăn [25/01/2005], ông Đỗ Ngọc Yên, – dưới tựa đề Đời Sống Văn Học 2004 –Mừng hay Lo? – đã không chia xẻ ý kiến đó. Ông viết: “Nhìn lại đời sống văn học nước nhà trong năm 2004, nhiều người trong giới sáng tác, phê bình cho rằng nó mới đáng buồn làm sao. Dường như cả năm không hề có một hiện tượng văn học nào để lại dư âm trong lòng công chúng.” Ông cho biết thơ thì in ra “chủ yếu là để tặng bạn bè”, còn văn xuôi thì “dường như mất mùa.”
Cách đây 2 năm, nhà văn Nguyên Ngọc từ trong nước qua Mỹ đã đưa ra một nhận định: ““Từ sau năm 1975, và kéo dài cho đến gần chục năm… văn học Việt Nam bỗng nhiên rơi vào trong một tình trạng bất ngờ: nó mất hẳn độc giả. Người ta viết nhiều hơn, các nhà văn có bao nhiêu thuận lợi mới so với thời chiến tranh: thời giờ nhiều hơn, không còn ác liệt căng thẳng, vốn tích lũy trong cuộc chiến tranh dài rất phong phú, lại được mở mang giao lưu trong ngoài… Song sách in ra nhiều nhưng lại ế hẳn đi. Người đọc quay lưng lại với văn học trong nước, người ta chỉ còn đọc sách nước ngoài, và đọc văn học… cổ.” (“Văn xuôi Việt Nam hiện nay…” bài đăng lại trong Nhịp Sống số 9, 2004, trang 83)
Nếu gọi nền văn học hải ngoại sau 30 năm đang ở tình trạng lão hoá thì văn học trong nước với trên 80 triệu người, đọc và viết tiếng Việt, hiện tượng buồn thảm ấy sẽ gọi là gì?

____________

Nhớ Mai Thảo

Tính đến ngày 10 tháng Giêng 2010 vừa qua, Mai Thảo đã chia tay cùng chúng ta đúng 12 năm. Bài viết này lẽ ra nên post lên vào ngày 10 tháng Giêng, nhưng tôi cứ do dự sợ bạn đọc cho rằng tại sao cứ mãi viết về những người đã ra đi mà không viết về những người đang ở giữa chúng ta. Thế nhưng mới đây, nhân đọc một phản hồi của tradao [Australia] dưới bài viết của hoạ sĩ Đinh Cường về Bùi Giáng, tôi mạnh dạn đưa bài viết này lên như một đáp ứng…muộn màng.

Tác giả Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời, như nhân vật trong truyện này của anh, khám phá ra một điều là "... những kẻ đã tới đích đều tầm thường, những cái đã đạt được đều tầm thường..." Để cho Ngọn Đỉnh Trời mãi mãi là một bí mật, một thần tượng, một cái gì không vươn tới được, không đạt được, nhân vật của Mai Thảo không muốn bước tới, và anh đã chọn sự ra đi. Tôi nghĩ không phải là một sự tình cờ mà Mai Thảo, trong khi trả lời phỏng vấn của Jane Katz, trong Artists In Exile, nói rằng Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời là truyện ngắn anh thích nhất. Anh giải thích "leo lên cho được một đỉnh núi cao nhất phương Đông" nhân vật của anh muốn biết đỉnh núi ấy cao bao nhiêu, "anh đang đi tìm một thứ chân lý tuyệt đối và cũng là hạnh phúc. Nhưng khi đặt chân được lên đỉnh cao ấy thì anh thấy như tuyệt vọng, bởi vì, anh chợt ý thức ra rằng cái chân lý tuyệt đối ấy chẳng bao giờ đạt tới được." Qua truyện ngắn này, người ta có cảm tưởng như Mai Thảo suốt đời là một người luôn đi tìm hạnh phúc, nhưng rốt cuộc anh vẫn không tìm thấy hạnh phúc ở đâu.
Có phải hoài nghi và cô đơn là hai thuộc tính trong con người nhà văn Mai Thảo? Các nhà phê bình văn học, có dịp sẽ làm công việc phân tích này.

***
Nhớ tháng Tám, 1996, khi nhận tờ Văn từ tay Mai Thảo, tôi nói với anh là anh hãy cố gắng viết Sổ Tay vài kỳ cho người đọc và bạn hữu thấy rằng sự chuyển tiếp không quá đột ngột. Anh bảo: "Ừ, tôi sẽ viết." Khi bài vở cho số báo đã đầy đủ, chỉ còn thiếu trang Sổ Tay của anh, tôi nhắc mấy bận, nhưng anh luôn hẹn "đến mai". Và mỗi lần đến thăm anh, tôi thấy sức khỏe anh đi xuống quá rõ, tôi không thể nhắc nữa. Để tờ báo có thể ra kịp đầu tháng Chín, như đã hứa, tôi thấy không còn cách nào khác, phải viết những trang đầu cho mỗi số báo. Nhưng tôi không muốn dùng lại đề mục Sổ Tay của anh. Trên tờ Văn, tôi nghĩ, Sổ Tay là của Mai Thảo.Sổ Tay Mai Thảo. Chữ nghĩa của anh từ bao nhiêu năm nay, qua những trang Sổ Tay, đã đến với người đọc như một người bạn thân, bước vào nhà bạn mà không cần gọi trước hay phải gõ cửa. Ngôn ngữ trong Sổ Tay Mai Thảo đã có cái nét riêng của nó. Phải là Mai Thảo ký dưới trang Sổ Tay của Văn, chứ không thể là của một ai khác. Đó là lý do tôi chọn chữThư Hàng Tháng cho những trang chữ của tôi. Tờ báo đã xong. Công việc còn lại, lúc đó, chỉ là mang lên nhà in Kim trên Los. Tôi gọi điện thoại báo cho Mai Thảo biết chiều nay báo sẽ mang in. Anh ậm ừ bảo anh chị bác sĩ Phó Ngọc Văn vừa từ Hoa Thịnh Đốn xuống, và anh hỏi tại sao không ra Viễn Đông uống một ly nước với người bạn từ phương xa tới. Tôi ra quán cùng ngồi với anh và anh chị Phó Ngọc Văn.
Tôi còn nhớ hôm đó trời Cali nóng dữ dội, mặc dù mùa hè sắp hết. Tôi hỏi anh nghĩ sao nếu tôi thay mục Sổ Tay của anh bằng mục Thư Hàng Tháng, chẳng hạn kỳ này tôi sẽ ghi là Thư Tháng Chín, thay vì Sổ Tay Tháng Chín. Mai Thảo đang đưa ly rượu gần chạm môi bỗng ngừng lại. Anh không vui, bảo theo anh thì không nên thay. Cứ giữ lại chữ Sổ Tay, vì trước hết người đọc Văn từ lâu đã quen với tên gọi của nó, và "với mục Sổ Tay, H. còn có lợi thế là có thể viết về nhiều thứ, nhiều điều, từ cái nhỏ nhặt gần gũi nhất của chính người viết tới cái xa nhất về thời sự, thời cuộc thế giới. Như một chút thời tiết. Như một cuộc gặp gỡ bạn bè bằng hữu. Nhẹ nhàng thôi. Chỉ là những ghi chép đôi khi vụn vặt, nhưng rất là đời sống." Tôi hiểu ý anh. Và mặc dù mục này xếp chữ đã xong với cái tựaThư Tháng Chín, tôi đã phải ngồi xuống bàn viết sửa lại cái tựa, xóa bỏ lý do vì sao chọn chữ Thư Hàng Tháng, viết thêm một đoạn gặp anh và anh chị Phó Ngọc Văn, và sửa Mục Lục.

***
Cho nên, mỗi tháng, sau khi đã xếp chữ, layout xong toàn số báo, tôi luôn luôn chừa ra sáu trang cho Sổ Tay. Đó là những trang viết sau cùng. Và đó cũng là lý do nhà in T&T ở Costa Mesa hay giục sao tới ngày rồi mà chưa thấy mang báo đến in.
Tôi không viết dễ dàng và trôi chảy như Mai Thảo. Tôi đắn đo, cân nhắc, tôi luôn luôn muốn viết Sổ Tay theo một phong cách khác với Sổ Tay Mai Thảo.
Trong thời gian hai năm đó, mỗi lần lấy tờ Văn từ nhà in về, công việc đầu tiên là tôi mang báo đến anh. Anh nhìn cái bìa báo, hỏi in màu tốn kém làm sao chịu nổi. Anh hỏi lần tới sẽ chọn tranh ai làm bìa. Liệu có sống nổi không? Có lần bất ngờ anh hỏi tôi có uống chút chăng. Tôi biết Mai Thảo chỉ hỏi cho vui chứ anh biết tôi đâu phải là người ghiền rượu. Anh để mấy tờ Văn trên đầu giường, cạnh cái gối của anh. "Để chốc rồi đọc." Và anh hỏi tin tức tờ báo. Những khó khăn trong công việc và đời sống của tôi. Căn phòng tối vì cửa lá sách đã vặn xuống. Một phần cánh cửa được mở cho khói thuốc có thể thoát ra ngoài. Tôi chỉ im lặng ngồi nhìn anh. Và anh cũng không nói gì thêm. Thường, tôi ngồi với anh không quá mươi phút vì tôi phải đi làm.
Một năm sau, khi anh rời căn phòng phía sau nhà hàng Song Long để vào bệnh viện Fountain Valley, rồi Good Samaritain, rồi Barlow Hospital ở Los Angeles, tôi ít gặp anh. Thường, muốn thăm anh, tôi hay đi ké xe của nhà báo Đỗ Ngọc Yến.
Hôm bệnh viện Barlow báo cho biết ngày đầu tiên tháo ống nhựa ở cổ anh để anh tập nói, vì sức khỏe anh đang bắt đầu hồi phục, tôi đã bỏ một buổi làm, theo Đỗ Ngọc Yến lên Los. Bữa đó, bà bác sĩ [?] Gloria giải thích việc lấy ống nhựa ra và muốn anh phải tập nói. Tôi mang tờ Văn số vừa in đưa cho anh và nói cho bà bác sĩ Gloria biết bệnh nhân Quý Nguyễn đây là một nhà văn nổi tiếng Việt Nam, và ông là chủ nhiệm tờ tạp chí văn chương mang tên VĂN này. Đỗ Ngọc Yến chỉ vào chữ MAI THẢO trên trang hai bìa sách nói cho bà Gloria biết đó là bút danh của ông Quý Nguyễn. Bà Gloria xuýt xoa một cách lịch sự như mọi người Mỹ lịch sự khác, nhưng bà vẫn không quên nhắc, buộc anh phải đọc những dòng chữ lớn trên tờ VĂN.
Lúc đầu anh nhất định lắc đầu từ chối. Anh không đọc, không muốn đọc. Thế nhưng, vì bà Gloria cứ dí mãi tờ báo vào mắt anh, và cứ chỉ tay lên chữ VĂN, đột nhiên tôi nghe tiếng anh đọc khá rõ: V. Ă. N. Và một câu kế tiếp không rõ lắm. Anh đọc "tẹp chí ven học nghẹ thuột". Chúng tôi rất mừng nghe lại tiếng nói của anh. Bà Gloria là người vỗ tay to nhất và nhiều nhất. Đó là một buổi sáng Los Angeles tràn trề nắng ấm. Tôi nghe bà bảo sắp tới nhà thương sẽ để anh ngồi xe lăn và có người đẩy anh đi dạo dưới nắng. "Rất tốt cho ông ấy. Ông Nguyễn sẽ bình phục thôi." Anh bình phục thấy rõ. Anh được đưa trở lại Quận Cam, nằm ở Viện Hồi Phục. Tiếng nói anh nghe đã rõ và anh đã nhận diện được những người đến thăm anh. Nhưng thời gian đến với anh đã không còn nữa. Ngày 10 tháng Giêng 1998, Mai Thảo ra đi.

***
Mai Thảo đã ra đi như vậy là đã 12 năm. 12 năm đó, trong các câu chuyện bên ly cà phê, trên cả những trang viết về Mai Thảo, có người hỏi tôi: Ông có phải là người bạn thân thiết của Mai Thảo không? Tình bạn của ông và Mai Thảo thế nào? Sao không bao giờ nghe ông nói về tình bạn của hai người? Điều gì đã gắn bó giữa ông và Mai Thảo? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời đối với tôi. Trên số Văn đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo phát hành vào tháng Hai, 1998, tôi viết: “Từ bên nhà, cũng như ở bên này, tôi chưa bao giờ ‘tự coi’ hay ‘được coi’ là người thân của anh Mai Thảo. Nếu hiểu ‘thân’ theo cái nghĩa là gần gũi, chia sẻ mọi va chạm trong đời sống và những suy nghĩ về văn chương. Trái lại, tôi luôn luôn ‘cảm thấy’ có một khoảng cách giữa anh và tôi. Cái gì làm nên khoảng cách đó, tôi không rõ. Cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ. Nhưng tôi biết rõ một điều là tôi luôn luôn yêu quý anh. Như một ông anh trong gia đình.… Nói cho rõ hơn, điều khiến tôi yêu quý Mai Thảo trước nhất và sau cùng không phải là văn chương. Tôi thích câu viết của Thanh Tâm Tuyền: “…những người có cùng quan niệm văn chương chẳng làm cho họ gần gũi, nối kết với nhau…mà đôi khi còn đố kỵ nhau là đàng khác. Có lẽ bởi quan niệm là cái thứ có thể lượm nhặt, học hỏi, ai cũng có thể biết, có thể có, vì là sản phẩm của trí tuệ. Và nói trí tuệ là nói vô cùng, nói đảo điên, nói xuôi nói ngược đều được…”
Tôi vẫn thường nghĩ dán mắt thật sát, thật gần vào một đối tượng, tưởng là sẽ thấy rõ đối tượng ấy hơn, thật ra làm như vậy ta sẽ chẳng thấy gì cả. Cái khoảng cách cần thiết vừa phải chính là để cho mỗi người có thể nhìn thấy rõ người kia hơn, và qua đó có thể nhìn thấy rõ mình hơn.
Tôi luôn yêu mến và quý trọng Mai Thảo trước đây và ngay bây giờ khi nghĩ đến anh, theo tôi, chính là nhờ cái khoảng cách cần thiết ấy./.

______________

Hành trình trở thành nhà văn

của nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng

Du Tử Lê

Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigon, thời điểm từ 1954 tới 1975.
Bên cạnh đó, do hoàn cảnh chính trị, Saigon, thủ đô của miền Nam Việt Nam còn có thêm hai yếu tố quan trọng khác, để có tỷ lệ văn nghệ sĩ cao tới mức Saigon cũng còn được coi là thủ đô văn học của miền Nam nữa.
Hai yếu tố quan trọng đó là:
*Thứ nhất, Trong số hơn 1 triệu người di cư từ miền Bắc vào Nam, văn nghệ và trí thức miền Bắc chiếm một con số không nhỏ và, họ không bảo nhau, nhưng cùng chọn Saigon làm địa bàn dựng lại cuộc đời. Tựa như họ không thể có cho mình một chọn lựa nào khác. Chẻ sâu hơn nữa vào con số này, người ta lại thấy thành phần giáo chức hoặc sinh viên đại học, sau ít năm, chọn ngành giáo dục là một con số đáng kể.
*Thứ nhì, quá nửa thời gian tồn tại của thể chế tự do ở miền Nam, nổi, chìm trong binh biến, chiến tranh. Vì nhu cầu sinh tồn, chế độ quân dịch qua các quân trường lớn, nhỏ đã “tận hiến” không biết bao nhiêu thanh niên, sinh viên, những tài năng trẻ, những tương lai ngời sáng của tất cả mọi ngành, nghề...
Trong hoàn cảnh đó, với ưu tiên theo quy định, thành phần nhà giáo được hưởng quy chế miễn quân dịch hay động viên tại chỗ. Nên số giáo chức ít bị chi phối bởi thời cuộc, chiến tranh, kinh tế đã bước vào sân chơi văn học nghệ thuật, cũng có một tỷ lệ cao hơn những thành phần xã hội khác.
Và, đa số cũng chọn Saigon làm đất dung thân.
Tuy nhiên ngành giáo chức có chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Nam, nhưng điều đó không có nghĩa bất cứ nhà văn nào, xuất thân từ nghề giáo, đều thành công!
Trong những nhà giáo cầm bút thành công không nhiều lắm ấy, có nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng. Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1937 tại Khánh Hòa. Thuở nhỏ, học tại trường Võ Tánh Nha Trang, khi lên trung học đệ nhị cấp, ông học trường Petrus Ký Saigon. Xong trung học, ông ghi tên học tại Ðại Học Khoa Học, trước khi thi vào trường vào Quốc Gia Hành Chánh... Ðể rồi cuối cùng ông lại theo học Ðại Học Sư Phạm Ðà Lạt, ban Triết. “Chỉ vì thích thành phố sương mù này,” ông nói.
Sau khi tốt nghiệp khoa Triết Ðại Học Sư Phạm Ðà Lạt, ông được bổ về trường Trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, dạy Triết. Một năm sau, thuyên chuyển về trường Petrus Ký, ông phụ trách môn Triết các lớp Ðệ Nhất ở đây từ 1963 đến tháng 4, 1975.
Thời gian dạy ở Petrus Ký cũng là thời gian họ Nguyễn được nhiều tư thục mời dạy thêm về môn Triết, như các trường Trường Sơn của Nguyễn Sỹ Tế, Văn Học của Nguyên Sa Trần Bích Lan, Lê Bảo Tịnh của LM Thanh Lãng v.v...
Năm 1972, khi nhà văn Trần Phong Giao ngưng hợp tác với tạp chí Văn trong vai trò Thư Ký Tòa Soạn, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng được mời thay thế.
Ðây cũng là thời gian nhà văn Mai Thảo thay thế họa sĩ Duy Thanh điều hành tạp chí Vấn Ðề. Khi đó, tờ Vấn Ðề đã dời tòa soạn từ Ðại Học Vạn Hạnh về cùng một địa chỉ với tạp chí Văn, ở địa chỉ 38 Phạm Ngũ Lão, Saigon.
Nguyễn Xuân Hoàng cho biết vì tòa soạn tạp chí Vấn Ðề ở trên lầu, tòa soạn Văn ở dưới đất, nên hàng ngày, nhà văn Mai Thảo phải tới địa chỉ này, để lo cho tờ Vấn Ðề, cũng như viết feuilleton (tiểu thuyết viết từng ngày) cho các nhật báo ở Saigon.
Sau khi chủ nhiệm tạp chí Văn, ông Nguyễn Ðình Vượng từ trần, người con gái tên Tuấn thay cha quán xuyến tờ báo.
Thời điểm này, cũng là thời điểm nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng phải trở lại dạy toàn thời gian cho các trường Petrus Ký, Trường Sơn, Văn Học, Lê Bảo Tịnh v.v...
Nên thể theo lời yêu cầu của cô Tuấn, nhà văn Mai Thảo một mình cáng đáng toàn bộ bài vở cho Văn.
Hành trình của một nhà giáo trở thành nhà văn nổi tiếng Nguyễn Xuân Hoàng, theo ghi nhận chung của văn giới thời đó là một hành trình êm đềm, nhẹ nhàng, không gập ghềnh, không khúc khuỷu hay bầm giập như những nhà văn bị động viên vào quân đội.
Một trong những nhà văn bị động viên, còn sống sót sau cuộc chiến 20 năm và trên dưới 10 năm tù cải tạo là nhà văn Trần Hoài Thư, đã nhiều lần lên tiếng về những khó khăn vật chất cũng như tinh thần của lớp nhà văn mặc áo lính. Trong một bức thư dài gửi cho nhà văn Trần Phong Giao, khi họ Trần còn giữ vai trò Thư Ký Tòa Soạn tạp chí Văn, và nhiều bài viết khác, tác giả “Nỗi Bơ Vơ Của Bày Ngựa Hoang” (1) đã cay đắng biếm nhẽ những nhà văn thành phố (Saigon), nhà văn phòng trà, vũ trường...!
Mà, oan nghiệt thay, vẫn theo tác giả “Những Vì Sao Vĩnh Biệt” (2) thì những nhà văn thành phố đó lại là những “phán quan” có toàn quyền quyết định “sinh mạng những đứa con tinh thần” của những cây bút ngày, đêm đưa thân làm bia cho những hòn tên mũi đạn vô tình...
Không phải tất cả mọi người đều đồng tình với những lên tiếng có lẽ duy nhất, (tính tới hôm nay) của nhà văn Trần Hoài Thư, nhưng ít nhiều gì, một cách công bằng, người ta không thể không nhìn nhận những phát biểu của nhà văn này có cơ sở hiện thực và, nó cũng là một trong những nét đặc thù của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam vậy.
Trở lại với hành trình văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng, người ta được biết, họ Nguyễn đã khởi nghiệp với những sáng tác được đăng tải trên các tạp chí như Hiện Ðại, rồi Mai, Văn Học trước khi bước tới những tạp chí thời danh khác, tác phẩm đầu tay của họ Hoàng, được xuất bản rất sớm: Năm 1966. tập truyện “Mù Sương.” Do nhà Thời Mới của Võ Phiến ấn hành.
Nếu chỉ tính tới tháng 4, 1975 mà thôi thì, Nguyễn Xuân Hoàng đã có tất cả 7 tác phẩm đã in thành sách. Hai tác phẩm được nhắc nhở nhiều nhất là tập truyện “Sinh Nhật” và “Kẻ Tà Ðạo” tiểu thuyết. Sau đó, kể từ khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1985, họ Nguyễn cũng đã gửi tới những độc giả của ông thêm 4 tác phẩm mới. Gồm:
Bộ tiểu thuyết 2 cuốn nhan đề, “Người Ði Trên Mây,” được ghi nhận có nhiều phần “thịt xương” Nguyễn Xuân Hoàng nhất. Cũng giống như tiểu thuyết “Sa Mạc” của ông, bộ truyện “Người Ði Trên Mây” là một thứ tự sự kể...Nguyễn Xuân Hoàng được nhiều người biết tới như một nhà văn. Nhưng có thể cũng không ít người ngạc nhiên khi biết, sáng tác đầu tay của ông, được phổ biến tới công chúng, lại là... thơ. Ðó là hai bài thơ được đăng tải trên tạp chí Hiện Ðại của thi sĩ Nguyên Sa từ những năm đầu thập niên 1960:
Mang mang
từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mù sương

nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
(Ðà Lạt Hè 1958)

Giã biệt
tiếng trống trường đầy, ly rượu đầy
khói thuốc lên mờ đôi mắt ai
em là thần tượng vừa sụp đổ
bỏ lại lòng tôi những đắng cay
thôi còn gì đâu cầm lấy tay tôi
thôi còn gì đâu cầm lấy hồn tôi
này đây những lời đau thương thứ nhất
chia nhau mỗi người làm vốn sinh nhai.
(Ðà Lạt Hè 1958)

Vẫn theo họ Nguyễn thì, mặc dù tập truyện đầu tay “Mù Sương” của ông, do nhà Thời Mới của Võ Phiến ấn hành năm 1966; nhưng ở thời điểm đó, Nguyễn Xuân Hoàng viết nhiều cho tạp chí Văn Học của Phan Kim Thịnh, mà người phụ trách bài vở là nhà văn Dương Kiền (3), chứ không hề là tạp chí Bách Khoa.
Bước vào cõi giới văn chương của họ Nguyễn, ghi nhận theo tôi, đáng nói ở điểm: Tuy là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam từ những năm cuối thập niên 60, nhưng Nguyễn Xuân Hoàng lại là nhà văn có ít tác phẩm nhất, so với những người cùng thời hoặc xuất hiện sau ông một vài năm, như Nguyễn Mộng Giác, Phan Nhật Nam, Cung Tích Biền,...
Bởi vì, mỗi tác phẩm, với Nguyễn Xuân Hoàng, là một công trình văn chương tổng hợp hai yếu tính: Cách viết hay kỹ thuật viết và, không khí truyện.
Chúng ta có thể nói, Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn thận trọng với tất cả mọi điều viết xuống, mà không phải e ngại rằng, đã có một vội vàng nào đó, qua ghi nhận ấy.
Ðã lâu, trong một bài viết, bằng vào những trích dẫn kinh nghiệm kỹ thuật viết của một số tác giả tây phương và Việt Nam, Nguyễn Xuân Hoàng gián tiếp gửi tới những người đọc ông, một “thông điệp” nhằm trình bày quan điểm của mình, về quan điểm nền tảng, hình thành cõi giới văn chương của ông, hay, tại sao cách viết đó. (1)
Ông kể: “Có lần tôi được nghe một ‘ông bạn cầm bút’ bảo: "Này ông, tôi biết tay X. chưa bao giờ ở Hà Nội một ngày mà sao dám viết về Hà Nội. Tôi đã sống cả một thời tuổi trẻ ở đó mà tôi còn chưa viết nổi về nó, thế mà..."
nguyen xuan hoang nguyen xuan hoang
Nguyễn Xuân Hoàng (Hình tư liệu)

“Nhận xét của ‘ông bạn’ thật đơn giản như hai với hai là bốn. Người ta không thể viết về con người hay sự việc mà người ta không biết. Không biết thì không thể viết. Ðó là chân lý.
“Nhưng ngay sau đó, tác giả dùng chính mình làm dẫn chứng về mối liên hệ máu, thịt giữa nơi chốn sinh sống và, sự thể hiện trong văn chương, rằng: ông đã ở Mỹ hơn mười năm, nhưng ông chẳng biết được bao nhiêu về đời sống, sinh hoạt của nước Mỹ, ngoài cái không gian nhỏ bé là quận hạt Orange County, và, cũng chỉ một mảnh nhỏ, rất nhỏ, của Orange County, bát ngát...” Theo họ Nguyễn, thế hệ nhà văn ở tuổi năm mươi trở lên, sinh sống tại Hoa Kỳ, gặp hai bức tường ngăn chận to lớn là ngôn ngữ và tuổi trẻ.
Những người cầm bút ở độ tuổi ba mươi, tất nhiên không gặp trở ngại này. Tuy nhiên, vẫn theo ông, văn chương của họ cũng chỉ có thể chinh phục người bản xứ bằng một khi họ quay về nguồn cội của họ:
“Việt Nam trong phần sâu thẳm của trái tim họ sẽ là sức hút của tác phẩm họ với người đọc.”
Trở lại với tương quan kinh nghiệm đời sống và sự hình thành nhân vật của tác phẩm, tác giả “Kẻ Tà Ðạo” xác nhận bằng những dẫn chứng trích dẫn từ những nhân vật trong tác phẩm của các tác giả ngoại quốc cũng như Việt Nam. Từ Turgeniev với tác phẩm “Cha và Con,” hay Pasternak với tới tác phẩm “Dr. Zhivago,” tới “Ðồng Cỏ” của Nguyễn Ðình Toàn, hay “Mùa Biển Ðộng” của Nguyễn Mộng Giác... ông đã cho thấy những nhân vật trong tác phẩm của các những nhà văn ấy, ít nhiều, đều là những nhân vật trong tầm quan sát, nếu không phải là những người sống kề cận, quanh quẩn các nhà văn. Ông gọi đó là những kẻ từ đường phố, trong đời sống đi vào trang giấy. Ông viết:
“Người cầm bút nào chẳng xây dựng hình tượng có trong cuộc sống, thậm chí đôi khi nhân vật trong tác phẩm mang cả da thịt của chính tác giả nữa.”
Nhưng họ Nguyễn cũng nêu vấn nạn đâu là sự khác biệt giữa nhà văn và một người thợ chụp hình, kẻ thâu nhận mọi việc một cách khách quan vô ngã như một chiếc máy. Chính xác và trung thực?
Ðể trả lời câu hỏi này, tác giả “Người Ði Trên Mây” dẫn chứng:
“Hãy trở lại Turgeniev với cuốn ‘Cha và Con.’ Ông nói ấn tượng mà con người thầy thuốc tỉnh lẻ đã giúp ông sáng tạo nhân vật Bazarov thật mạnh mẽ, nhưng đồng thời vẫn chưa phải là yếu tố làm thành tác phẩm. ‘Cha và Con’ chỉ chào đời sau khi ông đã để trí tưởng tượng sáng tạo hoàn tất tác phẩm của ông (...)
“Có thể nói, mặc dù nhiều người cầm bút có cùng chung một kinh nghiệm, nhưng chính trí tưởng tượng sáng tạo của họ đã làm tác phẩm của mỗi người mang một khuôn mặt riêng, một vóc dáng riêng, một chiều sâu khác với những tác phẩm khác.
“Tưởng tượng sáng tạo cũng làm cho bút pháp của nhà văn này khác với nhà văn kia. Bút pháp là tác giả.
“Mặt khác, lời chỉ trích của ông bạn cầm bút trên, dường như cũng không thể giải thích được sự hình thành tác phẩm nghệ thuật trong nhiều trường hợp. Thử hỏi kinh nghiệm nào, con người nào đã giúp Jules Verne viết được ‘Hai ngàn dặm dưới đáy biển,’ Nguyễn Tuân viết được ‘Chùa Ðàn,’ George Orwell với ‘Trại Loài Vật’...?
“Tôi đã sống ở Saigon khá nhiều năm, ít nhất cũng là trên hai mươi năm, thế mà sao muốn viết một bài về thành phố này khó thế!
“Thành ra yêu cầu của ông bạn cầm bút nói trên có vẻ như chỉ đáp ứng có một yếu tố. Ðể hoàn tất một tác phẩm nghệ thuật, yếu tố đó quá mỏng. Ðòi hỏi đó chỉ cốt yếu cho những người theo chủ nghĩa tự nhiên. Bởi vì trong văn học nghệ thuật bỏ quên cá tính sáng tạo, người viết chỉ còn một thể loại để theo là hoàn thành những thiên phóng sự cho những trang báo tin tức thời sự, xa hơn là những bài ký, ký sự, hồi ký, ghi chép... Nhưng ngay cả trong những thể loại này, hình như người đọc cũng không bằng lòng với vai trò chụp ảnh của người ký giả. Thiếu một bút pháp riêng biệt, thiếu một trí tưởng tượng sáng tạo, những trang viết của ông ta chỉ là những trang chữ ‘vô bản sắc, nhạt nhẽo, buồn bã.’”
Nguyễn Xuân Hoàng cũng đề cập tới sự phân loại hiện thực theo nhà văn Nathalie Sarraute, khi bà nói có hai loại hiện thực. Một loại là hiện thực nhìn thấy được nơi xã hội mà nhà văn đang sống, và loại hiện thực thứ hai, là hiện thực phóng chiếu từ hiện thực đời sống. Loại hiện thực thứ nhất, theo Sarraute không thể làm thành tiểu thuyết.
Mục đích bài viết này của tôi, không nhằm đặt vấn đề có bao nhiêu loại hiện thực hay, sự phân biệt hai loại hiện thực của Nathalie Sarraute, (2) chỉ là một cách nói mang nhiều tính đại diện cho phong trào “văn chương mới” mà là một trong nhóm người khởi xuớng.
Bởi vì, với một nhà văn, nếu từng có những suy nghĩ tương đối đủ, trước phạm trù tương quan giữa văn chương và đời thường thì đều hiểu rằng, hiện thực đời thường, một khi được nhà văn đem vào văn chương (trừ phi không phải là văn chương,) lập tức nó đã hóa thân thành một hiện thực khác.
Và, nhân loại sẽ không thể có văn chương, nếu không có những hiện thực đời thường (trước khi hiện thực này, trở thành một hiện thực khác), với sự tiếp tay, yểm trợ tích cực của trí tưởng tượng.”
Ngay cả những tác phẩm được họ Nguyễn mang vào dẫn chứng của mình, như các tác phẩm “Trăm Năm Cô Ðơn”, “Trại Súc Vật” hoặc “Hai Ngàn Dặm Dưới Ðáy Biển,” “Dr. Zhivago”... (3) vốn là những tiểu thuyết mà các nhân vật của họ đều không là những nhân vật trong tầm quan sát. Họ (cũng) không phải là những người sống kề cận, quanh quẩn các nhà văn... như họ Nguyễn viết.
Nhưng sự hình thành của những tác phẩm vừa kể, cách gì cũng vẫn có những mắc míu từ những hiện thực đời thường, lịch sử, tra cứu, sưu tầm từ những quá khứ, hiện thực, đời thường xa, gần đấy.
Ở phần cuối cùng bài tạp ghi của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng kết luận:
“Hãy viết bằng tiếng nói, bằng trái tim của mình. Hãy nói bằng cổ họng của mình. Ðừng để cái giọng nói của người khác trong cổ họng của mình. Ðừng để giọng nói của mình phát ra từ bất kỳ cổ họng một người nào khác. Hình như Turgeniev đã có lần nói như vậy.” Những người theo dõi hành trình văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, nhận ra rằng, ngay nơi tác phẩm thứ nhất, hay bước khởi hành đầu tiên trên dặm trường chữ nghĩa, với tập truyện “Mù Sương,” rồi “Sinh Nhật”... họ Nguyễn đã cho thấy mối bận tâm lớn lao ông dành cho tác phẩm của mình, không hề là đề tài, hay cốt truyện. Mọi nỗ lực lao lung với văn chương của ông là bút pháp! Cách viết!
Cũng ở lãnh vực bút pháp kia, những người theo dõi hành trình văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, ghi nhận, sự mô tả cảnh vật và nhân vật, dường như không là mối bận tâm lớn của họ Nguyễn.
Tác giả “Mù Sương” cũng không tận khai những kỹ thuật căn bản như ẩn dụ, liên tưởng hay nhân cách hóa vốn là “thế mạnh” của văn xuôi, dù cho những kỹ thuật ấy, không làm thành bước đến cuối cùng của văn chương.
Tuy nhiên, chí ít, cũng giúp người đọc biện biệt được phần nào, tài năng cùng sự khác nhau giữa bút pháp của nhà văn này, với nhà văn khác (như mối quan tâm sắt thép của họ Nguyễn).
Tôi không biết có phải như tôi đã ghi nhận về cõi giới văn xuôi Nguyễn Xuân Hoàng, là một cõi giới văn chương tự sự hay bán tự sự kể? Cho nên một số kỹ thuật căn bản đã được ông lướt qua, để những phần khác, tự thân bước ra và, sáng lên, như thể đó mới chính là hồn tính một chân dung tác phẩm.
Thí dụ, trong truyện ngắn “Một Người Ngồi Ghế Bành” nơi đoạn văn mô tả người và cảnh, ông viết:
“Tôi nắm tay Diệp băng qua con lộ nhỏ. Những ngón tay tròn mềm và lạnh lẽo của nàng nằm trong tay tôi làm tôi sợ. Chúng tôi đã ra đến đường lớn. Mặt lộ đọng nước mưa sáng lấp lánh ánh điện từ những cột trồng dọc hai bên lề đường. Xe cộ chuyển động ồn ào tới chóng mặt. Mặc dù Diệp đội khăn, tôi tưởng nhìn thấy mái tóc nàng ướt sũng trên một đôi mắt hân hoan cười cợt. Diệp đi bên tôi tung tăng như một có gái mới lớn...” (4)
Trong khi cũng một đoạn mô tả người và cảnh vật, một nhà văn cùng thời với tác giả “Sinh Nhật,” nhà văn Nguyễn Ðình Toàn, trong truyện ngắn “Ðêm Lãng Quên” đã cho thấy nỗ lực hay chủ tâm khai thác những kỹ thuật căn bản, như so sánh, liên tưởng, ẩn dụ sắc, bén khi tác giả này viết:
“Nó đứng thẳng giữa cửa một tay giơ cây đèn lên cao. Từ trong nhìn ra, bóng của đứa con gái cắt lên cái nền đen đục của khung cửa như một bức tượng nặng, tóc xõa trên tấm áo trắng ngắn, màu quần đen lẫn với bóng tối. Cái bóng nặng chặn ngang những cơn gió nồng nực thổi tới làm hơi thở của ta trở thành khó khăn hơn, có một chút gì đó đã tẩm lẫn vào không khí, cái không khí lạnh nhạt ta thở hít mỗi ngày, làm cho nó trở nên cay se, mùi phấn, mùi nước hoa rẻ tiền...” (5)
Người đọc Nguyễn Xuân Hoàng cũng nhận ra, ông ít khai thác tính từ (vốn được coi là giàu có so với một số ngôn ngữ khác). Thay vào đấy, họ Nguyễn lại đưa đối thoại ra “tiền trường” và, những chuyển cảnh nhanh, qua các động tác, tựa ông muốn chừa lại hay, bỏ ngỏ những cánh cửa này, để đạt được tính khách quan cần thiết, theo quan niệm “văn chương mới”?
Tuy nhiên, rốt ráo, qua tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Hoàng đã cho thấy, ông có cùng một quan điểm với tác giả “La Nausée” - Jean Paul Sartre, khi ông ta trả lời câu hỏi đặt ra cho chính ông. Câu hỏi ngắn, “Văn chương là gì?” Sartre trả lời cũng ngắn gọn: “Văn chương là bút pháp.”
Bên cạnh đó, họ Nguyễn cũng cho thấy, vẫn qua tác phẩm của ông, điều ông đã trình bày trong bài viết kể trên, rằng:
“...Thậm chí đôi khi nhân vật trong tác phẩm mang cả da thịt của chính tác giả nữa.”
Và, với Nguyễn Xuân Hoàng, phần “da thịt của chính tác giả” không chỉ “đôi khi.” Nó gần như luôn có mặt (ngay cả trong những đối thọai giữa các nhân vật), một cách nóng hổi niềm hân hoan hay, nỗi ngậm ngùi khó tách bạch giữa hình và, bóng của chính nó, nữa.
Từ đó, tôi muốn nói, Nguyễn Xuân Hoàng, viết như chủ tâm xác lập một bản ngã, khác. Bản ngã văn chương?

Chú thích:

(1) & (2): Cả hai tập truyện này của Trần Hoài Thư đều do nhà Ý Thức xuất bản tạiSaigon, trước tháng 4 năm 1975.
(3) Nhà văn Dương Kiền cùng gia đình hiện định cư tại Na Uy.
(1) & (3) Ðọc: “Tưởng Tượng và Hiện Thực,” Nhật báo Người Việt, số Chủ Nhật, ngày 4 tháng 11 năm 2001.
(2) Theo Wikipedia thì Nathalie Sarraute là nhà văn Pháp, gốc Do Thái. Bà sinh ngày 18 tháng 7 năm 1900 tại thành phố Ivanovo, Nga. Năm 1909 bà theo cha di chuyển về Paris. Khởi nghiệp văn từ 1932, giữa thập niên 1950, bà cùng Alain Robbe-Griller cùng nhiều bạn văn nổi tiếng khác, chủ xướng phong trào “Văn chương mới/Nouveaux romans/New novel.” Ảnh hưởng của bà lan rộng khắp thế giới. Bà mất ngày 19 tháng 10, 1999 tại Paris.
(4) & (5): Theo tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta,” Nxb Sóng, Saigon, 1974. Cả hai trích đọan đều trên dưới 100 chữ.

Thư Trần Phong Giao gửi Nguyễn Xuân Hoàng

nguyen xuan hoang
Sàigòn
27/1/95
Bạn ta,
Tôi đã nhận được món quà bạn gửi về cho. Cây viết đẹp và sang quá. Xin được tâm thành cám ơn bạn.
Bị cháy nhà khi đã bước cả hai chân qua tuổi sáu-mươi (ôi cái tuổi tuần thời!) tôi những tưởng bị gục luôn. Nào ngờ còn gượng dậy được. Đi phải chống gậy nhưng vẫn là đi… Được thế, phần không nhỏ là sự trợ giúp, - nhất là về tinh thần - của anh em bằng hữu, những người ngày càng thưa dần, xa dần.
Tôi mới mắc thêm một bệnh mới: cái tay cầm bút của tôi bị đau. Có lúc, đột nhiên cây bút bị rơi; có lúc không thể ngờ được, nó nẩy lên bật vào mặt mình. Bác sĩ cho y án là chứng “đau cơ”, qua “mùa viêm khớp” rồi sẽ hết. Cũng mong là như vậy.
Có chuyện đáng mừng là tôi đã làm xong cuốn từ điển về thành ngữ tiếng Anh. Mình “phải” làm vì các vị làm trước ẩu nên sai lầm be bét cả. Làm từ điển thì, bạn dư biết đấy, đói dài. Năm nay, vì vướng víu với các idioms mà tôi chỉ viết được có một bài báo Xuân cho tờ Người Du Lịch. Viết về con heo, con heo trong ca dao!
Cách đây đã lâu, tình cờ tôi được biết nhà Xuân Thu đã in lại cuốn “Jackie, một huyền thoại Mỹ”, dịch “A woman named Jackie” của David Heymann, ký tên con gái tôi: Phong-Lan, bán tới 22 USD một cuốn. Có dịp nào tiện, bạn thử hỏi xem nhà Xuân Thu có trả cho tôi được đồng xu nào không? (Sực nhớ, có lần HPAnh đãi uống bia lon. Hỏi, sao sang thế? Đáp, Ấy có thằng bạn định về thăm quê, nhưng tới Bangkok lại quay về nhà. Hình như nó rét. Có điều, trước khi về, nó nhờ chuyển cho moa tí tiền còm: chầu bia hôm nay. Khỉ thật, phải chi hắn đãi rượu… Tôi vốn dị ứng với bia, uống được đúng một lon! Bữa đó, tôi tìm gặp anh chàng để đưa bản photocopy cuốn “Bãi Hoang”. Anh ta đã dịch nốt phần cuối, giao bản thảo cho nhà xuất bản, tác quyền thì chắc đã nướng vào trường đua Phú Thọ cả rồi, lâu quá chưa thấy sách in ra, cũng chẳng hiểu vì sao.
Tôi nạp bản thảo cuốn “Plus grand que l’Amour” của Dominique Lapierre, - cuốn phóng sự đầu tiên về bệnh Aids – đã sáu tháng rồi mà chưa có giấy phép. Tác quyền thì cái gia đình đông dân của tôi ăn hết đã lâu… Cuốn này mà in ra là cầm chắc ông Xuân Thu sẽ “vồ” (ôi, Việt kiều yêu-nước-ngoài!) mà chụp in lại liền….
Mấy năm gần đây, mỗi năm tôi làm một bài thơ. Năm nay chưa làm. Đành gửi bạn hai bài thơ cũ. Đã cho đăng báo và có ghi xuất xứ minh bạch. Bạn cứ an tâm mà… nhàn lãm!
Từ ngày đất nước ta mở cửa chúng tôi được nhiều rượu ngon. Chỉ tiếc là “bạn bè đâu vắng hết?” Quay đi quay lại còn mỗi mình ông Trạch, dân Ngân hàng, cũng đã về hưu. Trên kệ rượu của tôi mới có ba chai: Cutty Sark, the famous Grouse và Grand Macnish (loại chai có 6 Dimple). Phải chi có các bạn ở đây để “nghiêng bầu mà hỏi” thì vui biết mấy! Mà lạ, bạn ạ, hễ uống Chivas Regal là nhớ cụ Mặc Đỗ, uống X.O. là nhớ Thu Vàng, uống Black and White là nhớ cô Thảo Mai… Cỏ xanh đất mát, nhớ V.K.K., Vũ bằng, Đỗ Tấn, Văn Thanh….
Vàng bay mấy lá năm hồ hết…. nỗi thớ thêm tăng. mấy tháng trước có thư gửi cô Thảo Mai, không biết thư có đến tay không mà chẳng có hồi âm. Muốn viết gửi bà Sì-Trum mà không biết bà ấy có còn ở chỗ cũ (Placeville) không? Muốn viết gửi Nguyễn Quang Hiện mà chẳng biết chú ấy có còn sống không… bản thân tôi, viết được cánh thư dài như thế này cũng là chuyện hiếm hoi rồi đấy:
Sáu mươi lăm tuổi rồi đây hả?
Sóng vỗ chân cầu nghe xốn xang.
Đốt tay ngồi đếm, già? Đâu có!
Một tuổi trời cho: một tuổi vàng…
Cho dù có sống mòn, sống thêm, cũng vẫn là sống. Và còn sống là còn thương, còn nhớ, còn “rót thêm ly nữa” mà không biết mời ai.*
Thôi nhé, người xưa nói chẳng ngoa đâu (thư bất tận ngôn). Cầu chúc bạn cùng toàn quyến luôn được an, mạnh, vui và gặp nhiều may mắn, toại nguyện.
Với tình thân buồn bã,
TPG
- Bạn đừng nghĩ tôi là con sâu rượu. Mỗi tối, uống rất điều độ: 2 hoặc 3 cồng, thay cho một viên antalgique và 1 viên an thần… Tôi uống với sự cho phép của các thầy thuốc (trong số có Ngô Thế Vinh, M.D.) mà!

P/S.- Nếu có dịp gặp NTVinh, bạn bảo lủy viết thư cho tôi. Cam đoan là có hồi âm ngay, - chỉ là cho vơi đi tấc lòng nhớ thương cố hữu!

______________

Ngọc Thứ Lang

Một bản tin trên VOA vừa cho biết nữ đạo diễn Sofia Coppola hôm 11 tháng Chín 2010 đã đoạt giải Sư Tử Vàng, tại liên hoan phim ảnh Venice ở Ý. Ban giám khảo nói rằng bộ phim của Sofia đã “thu hút” toàn ban từ phút đầu nên tất cả thành viên trong ban giám khảo đều nhất trí chọn bộ phim của cô.
Phim “Somewhere” là câu chuyện của một diễn viên điện ảnh khám phá sự trống vắng của đời mình khi anh ta nhìn qua cặp mắt của cô con gái 11 tuổi. Nội dung phim nói lên những nghi ngờ về nền văn hóa Hollywood với đầy hào quang, danh vọng, ma túy, và sự xoi mói của báo giới.
Sofia Coppola năm nay 39 tuổi, trưởng thành trong môi trường điện ảnh nhờ sống với cha, đạo diễn Francis Ford Coppola, mà tên tuổi của ông dính liền với bộ phim Godfather 3 tập. Trong lời cảm tạ khi nhận giải, Sophia nói lời cảm ơn thân phụ: “Thanks to my dad for teaching me”.
Tôi chưa được xem phim Somewhere của Sofia Coppola, nhưng vì tên tuổi cô gắn liền với Francis Ford Coppola đạo diễn bộ phim 3 tập The Godfather đã làm sống dậy trong trí nhớ tôi hình ảnh Ngọc Thứ Lang, dịch giả cuốn Bố Già từ tác phẩm The Godfather của Mario Puzo …

***
Đó là một buổi sáng tháng Chạp năm 1972, một người đàn ông gầy ốm, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng bỏ ngoài, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay, bước vào toà soạn Văn ở số 38 đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn. Mai Thảo giới thiệu với tôi anh là Tú tức Ngọc Thứ Lang, dịch giả cuốn Bố Già của Mario Puzo. "Mình đi uống cà phê đi!" Mai Thảo rủ cả hai chúng tôi.
Quán cà phê nhỏ của bà Tư gần toà soạn. Bà vẫn thường cho tôi ghi sổ nợ để cuối tháng trả một lần cho tiện, mặc dù tôi ít khi được dịp trả nợ, vì Bố già Nguyễn Đình Vượng luôn luôn "thanh toán hộ" tôi trước kỳ hạn. Thường tôi vẫn ra ngồi cà phê sáng ở quán Cái Chùa với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, chỉ hôm nào không ra ngồi ở Quán ở đường Tự Do, tôi mới ăn sáng ở quán bà Tư. Quán nhỏ nằm trong con hẽm, bên hông một tiệm ảnh sát bên toà soạn Văn. Con hẽm rất hẹp, chỉ vừa cho một chiếc xe Honda ra vào một chiều. Quán chỉ có hai ba chiếc ghế, loại ghế cao đóng bằng gỗ tạp.
Ngọc Thứ Lang ít nói. Và Mai Thảo hôm đó cũng không nói nhiều. Chưa uống hết ly cà phê, Ngọc Thứ Lang đã đứng dậy dợm bước. Tôi hỏi sao vội thế. Ngọc Thứ Lang nói anh có chuyện cần phải đi gấp. Mai Thảo cười, tôi biết cậu đi đâu rồi, và anh đứng dậy kín đáo dúi vào tay Ngọc Thứ Lang mấy tờ giấy bạc. Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất tôi gặp dịch giả Bố Già.
Tôi đọc cuốn Bố Già bản tiếng Việt của Ngọc Thứ Lang và cuốn sách đã lôi cuốn tôi mạnh mẽ. Thời gian đó tôi đang thực hiện cho Văn một loạt bài phỏng vấn các nhà văn dưới mục Nhà Văn Ở Phút Nói Thật, ký tên Nguyễn Nam Anh,... tuy nhiên sau khi gặp Ngọc Thứ Lang và đọc bản dịch cuốn Bố Già, tôi nói với chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng là tôi muốn phỏng vấn Ngọc Thứ Lang. Bố Vượng, chủ nhiệm tờ Văn cười bảo tôi, phỏng vấn chi người dịch Bố Già, cứ phỏng vấn trực tiếp Bố Già có hơn không. Bởi vì tôi vẫn thường gọi ông là Bố Già mà! Thế nhưng, thời gian đó có quá nhiều việc phải làm nên tôi quên bẳng chuyện đi tìm Ngọc Thứ Lang để hỏi tại sao anh chọn dịch The Godfather của Mario Puzo và do đâu anh nắm bắt được cái ngôn ngữ kỳ lạ của thế giới mafia Mỹ như thế.
Mặc dù phim Bố Già của đạo diễn Francis Ford Coppola đã ra mắt ngày 24 tháng Ba, 1972 ở Mỹ nhưng cho đến tháng Tư, 1975 cuộc chiến Việt Nam chấm dứt mà chúng tôi vẫn chưa được xem Bố Già trên màn ảnh lớn. Bố Già Nguyễn Đình Vượng đã ra đi. Gia đình, bạn bè đã ly tán. Cả thành phố chìm trong bóng tối. Tôi quên mất có một cuốn phim tên The Godfather do Francis Ford Coppola đạo diễn, quên Bố Già của Mario Puzo. Tôi cũng không nhớ có một người tên là Ngọc Thứ Lang đã dịch cuốn Bố Già tuyệt hay.
Mãi đến năm 1985 khi ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân chờ ngày đi Mỹ tôi được xem cuốn Bố Già qua nghệ thuật diễn xuất của Marlon Brando. Tôi có cái cảm giác giống như nhà văn Hoàng Hải Thủy, cuốn phim không lôi cuốn tôi như khi tôi đọc sách, mặc dù đó là một trong những tác phẩm lớn của điện ảnh Hoa Kỳ. Phải chăng sự chờ đợi quá lâu đã làm tình cảm người ta nguội lạnh? Hay phải chăng vì lòng nôn nao chờ ngày định cư mà tôi không thấy phim Bố Già lôi cuốn tôi? Tôi không tin là như thế. Bởi vì, có những tác phẩm, như cuốn Bác Sĩ Zhivago, sau bao nhiêu năm giờ đây xem lại vẫn làm mình rung động như mới ngày nào vừa mới gặp người đàn bà định mệnh Lara từ cuốn tiểu thuyết của Boris Pasternak bước lên màn ảnh và khuôn mặt đam mê quyến rũ ấy cứ theo đuổi tôi mãi suốt những ngày nằm tù ở U Minh, cả những ngày chờ đợi ở Bataan, Philippines…và cả giờ đây những tháng năm còn lại của đời mình.
Năm 1999, một ngày đầu tháng Bảy, bước chân vào toà soạn tôi đọc thấy trên bàn tờ Mercury News bản tin tác giảThe Godfather đã qua đời, ai đó đã dùng bút đỏ khoanh lại. Tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông gầy gò, chiếc sơ mi màu cháo lòng, hai tay áo dài thòng che lấp hai bàn tay, một buổi sáng nào đã bước vào toà soạn tạp chí Văn trên đường Phạm Ngũ Lão. Bây giờ anh ấy ở đâu, người dịch giả tài năng ấy? Nhà văn Hoàng Hải Thủy cho biết Ngọc Thứ Lang đã mất năm 1979 trước ngày ra đi của Mario Puzo 20 năm. Sau 1979, hai nhà xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của anh. Cả một nhà xuất bản Việt ở hải ngoại cũng đã in lại bản dịch này.
"Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết best-seller từng bán đến 21 triệu quyển, qua đời ở nhà riêng trong thành phố Bay Shore, New York, ngày Một tháng Bảy 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, qua đời ở trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con."
Theo trí nhớ của nhà văn Hoàng Hải Thủy thì ông đã gặp Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang, công tử Bắc Kỳ vào năm 1951 tại Sài Gòn. Đó là năm mà cả hai ông đều mới ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng ở vào tuổi đó anh Tú đã là người chơi trội hơn Hoàng Hải Thủy nhiều: Đánh roulette ở sòng bạc Kim Chung và hút thuốc phiện. Năm 1955, mới chừng 25 tuổi, Nguyễn Ngọc Tú đã kiếm được nhiều tiền. Anh in và bán quyển Tại Sao Tôi Di Cư cho Bộ Thông Tin chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời bộ trưởng Phạm Xuân Thái. Năm đó Nguyễn Ngọc Tú đã có trong tay cả trăm ngàn đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Anh ăn diện như một tay chơi thứ thiệt: áo sơ mi hàng nhập từ Paris chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, máy chữ, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát,... Vào giai đoạn đó, Nguyễn Ngọc Tú gặp tình yêu. Nhưng mối tình trắc trở. Người yêu anh tự tử và cuộc đời anh bắt đầu xuống dốc không phanh. Anh nằm luôn trong căn nhà bán thuốc phiện ở hẽm Monceaux, Tân Định. Ăn, hút và ngủ luôn trong nhà đó. Để có tiền hút, Tú bán dần đồng hồ, máy chữ, cặp da,... Anh trở thành người nghiện hút nặng. Những năm 70 anh viết cho tuần san Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, anh đã chọn tên Bố Già cho bản dịch của mình. Và cuốn sách trở thành tác phẩm ăn khách của Sài Gòn những năm 71, 72. Năm 1976, anh bị bắt đi “phục hồi nhân phẩm” [?] trên Bình Triệu. Trung tâm cai ma túy nằm trong toà nhà Tu viện Fatima. Một nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung Tâm ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo. Cô nhà báo không tin. Và anh được phép về Sài Gòn mang cuốn sách dịch lên Trung Tâm cho cô ký giả thấy là thật.
…Người ta còn nhớ khi cuốn tiểu thuyết viết về tổ chức Mafia ở Hoa Kỳ của Mario Puzo được Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ vào năm 1972 dưới tên Bố Già thì lập tức, như tác phẩm nguyên bản của nó, Bố Già trở thành cuốn sách ăn khách nhất thời bấy giờ, mặc dù đó là thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đang bước vào những giây phút ác liệt nhất, thời mà Phan Nhật Nam viết Mùa Hè Đỏ Lửa.
Người Sài Gòn rất mê cuốn tiểu thuyết Bố Già, và chờ đợi xem cuốn phim thực hiện theo tác phẩm này, thế nhưng cho đến năm 1975, chưa người Sài Gòn nào được xem phim Bố Già do Marlon Brando đóng vai Don Corleone. Mặc dù như lời Hoàng Hải Thủy, ngay từ đầu năm 1975, người ta đã cho nhập cảng cuốn phim này vào Việt Nam, nhưng phim vẫn chưa được trình chiếu trước công chúng. Tại sao? Hoàng Hải Thủy cho biết vì những người nhập phim còn chờ đợi ngày lành tháng tốt mới đem ra chiếu để hốt bạc. Sự chờ đợi của những con buôn ấy không bao giờ trở thành hiện thực. Cuốn phim ấy đã đi qua và mãi hơn 20 năm sau người Sài Gòn mới được xem Bố Già.
Với Mario Puzo, sau Bố Già ông vẫn không ngừng viết. Năm 1996, ông viết The Last Don - Bố Già Cuối Cùng, nhưng không mấy ăn khách, và tác phẩm sau chót của ông Omerta - Luật Kín Miệng được ấn hành năm 2000, cuốn sách mà tác giả không còn cơ hội nhìn thấy mặt mũi đứa con út tinh thần của mình. Cả hai cuốn sách của cùng tác giả Mario Puzo cũng không còn sức lôi cuốn như The Godfather.
Bạn có bao giờ thấy bản dịch cuốn Bố Già của Ngọc Thứ Lang chưa? Giờ đây sau bao nhiêu năm, bạn có dịp nào xem lại cuốn phim The Godfather xưa như cuộc chiến Việt Nam chưa?

_____________

Hà Nội, năm tôi mười sáu tuổi

Chắc bạn sẽ nghĩ rằng tôi là người Hà Nội và tôi đang viết về những ngày tôi mười sáu tuổi ở Hà Nội? Không phải. Tôi không phải là người Hà Nội. Tôi chưa bao giờ là người Hà Nội. Tôi chỉ muốn nói Hà Nội đã để lại trong tôi vết thương “ngọt ngào” năm tôi vừa mười sáu tuổi.
Hồi đó tôi học lớp đệ tam trường trung học công lập Nha trang. Cha mẹ tôi ở một làng quê, xa thành phố. Tôi sống nhờ nhà một người chú, nhưng gia đình chú thiếm tôi đông con, có thêm tôi trong nhà là thêm một miệng ăn. Do đó, tôi không ở nơi nào cố định. Trong một niên học, đôi khi tôi phải ở qua nhiều nhà. Khi thì ở nhà ông chú, khi thì ở nhà bà cô. Có thời gian không biết nương tựa vào đâu, tôi chạy theo Tôn, một người bạn cùng lớp. Tôn đưa tôi đến sống trong nhà mình. Dì của Tôn thương con, nên nhận tôi cho tôi ở như con. (Chính ra Tôn phải gọi Dì là mẹ mới phải vì bà là người sanh ra Tôn, nhưng tôi không hiểu tại sao Tôn gọi mẹ là Dì.) Bà chia xẻ cho tôi tất cả những gì bà dành cho Tôn: từ những đồng bạc quà sáng, sự chăm sóc trìu mến hơn cả thuốc men khi tôi bị ốm đau và hơn tất cả những thứ đó, tình thương của một bà mẹ và đứa con xa lạ từ đâu lạc vào nhà bà.

Nhà Tôn ở ngay mặt đường Hoàng Tử Cảnh. Chiếm trọn hai gian. Một gian làm quán ăn và một gian dùng để ở. Những sĩ quan, sinh viên sĩ quan, khóa sinh thuộc các binh chủng Không Quân, Hải Quân, Biệt Kích, Biệt Động… đang trấn đóng hay thụ huấn tại đây vẫn thường tới lui ăn uống ở quán của Dì. Có nhiều lý do để tôi nghĩ rằng họ thích cái quán này. Thứ nhất là vì nhà hàng tiếp đãi lịch sự và thức ăn đặc biệt ngon hơn các tiệm khác trong thành phố. Thứ hai nữa, theo tôi có lẽ là vì quán còn có Vân, một thiếu nữ Bắc kỳ, xinh đẹp, sắc sảo, và quyến rũ.
Không biết chị Vân quen Dì trong hoàn cảnh nào, chỉ biết một hôm đi học về Dì gọi Tôn và tôi qua nhà hàng ăn giới thiệu chị với chúng tôi và nói từ nay tiệm mình đã có người quản lý. Dì nói, chị Vân là người Hà Nội, và di cư vào Nam một mình từ hai năm nay. Chị sẽ tạm thời thay Dì lo tiệm ăn, vì Dì có nhiều việc phải làm. Vân trở thành thỏi nam châm của nhà hàng, nếu không muốn nói là thỏi nam châm của cả thành phố. Quán mỗi ngày một đông khách. Các sĩ quan và thanh niên trong cái thị trấn miền biển này là những mảnh sắt vụn nằm trong từ trường của chị.
Những tối, khi khách ăn đã về hết, quán đóng cửa, tôi và Tôn thường mang sách vở sang học bài ở một bàn ăn. Chị Vân đôi khi đến ngồi với chúng tôi. Chị thường kể chuyện Hà Nội của chị cho chúng tôi nghe. Chị kêu chị nhớ quay quắt Hà Nội, nhớ từng gốc cây phượng vĩ nghiêng đầu xuống mặt đường Quan Thánh, nhớ tiếng chuông tàu điện leng keng qua vườn hoa Hàng Đậu, nhớ cái màn sương trắng đục phủ kín chân cầu Long Biên, nhớ cái mặt đồng hồ lớn trên nóc ga Hàng Cỏ…, nhớ người anh trai đã ở lại ngoài đó không biết bây giờ sống chết ra sao, nhớ người cha đã biệt tích từ lâu không tin tức, nhớ khuôn mặt của mẹ lần cuối cùng xanh xao, khi người ta liệm bà trong quan tài.
Và hơn tất cả những nổi nhớ nhung đó là tình yêu của chị dành cho anh Thạc. Chị nhắc mãi tên anh Thạc, người đã hẹn thề cùng chị dắt nhau vào Nam. Thế nhưng, trong cuộc di cư hỗn loạn, chị và anh đã thất lạc nhau. Năm 1954, khi vừa đặt chân xuống Nha trang cùng với đoàn người di cư, chị tìm anh khắp nơi nhưng không thấy anh đâu. Chị nói gần hai năm nay chị không được một tin tức gì về anh. Có người nói anh vẫn còn ở Hà Nội. Cũng có người nói anh hiện đang ở Sài Gòn. Có người nói anh đã vào lính. Nhưng cũng có tin đồn là anh đã chết. Chị Vân không tin chuyện anh Thạc chết. Chị nói: “Không, anh Thạc không bao giờ chết. Anh ấy vẫn còn sống.” Hình như càng buồn chị Vân càng đẹp. Tôi thấy được nỗi khắc khoải của chị, nhưng tôi không biết làm sao an ủi chị. Những tối tôi mang sách qua tiệm ăn nói là học bài, nhưng thật ra chỉ là để nhìn chị. Tôi kể cho chị nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những câu chuyện cười trong lớp, những trò quấy phá mà lũ bạn của tôi đã gây ra cho nhà trường và các giám thị. Nhưng tôi biết mình vụng về và giọng nói ngắn ngủn cộc cằn của tôi đã không làm bay đi được chút bụi phấn buồn bã nào trên mặt chị. Tôi không bao giờ thấy chị cười.
Hồi đó tôi không hiểu tại sao mình cần chị đến thế. Tôi muốn mỗi ngày phải được nhìn thấy chị. Tôi không muốn xa chị. Tôi sợ phải xa chị. Những buổi học của tôi từ khi có mặt của chị Vân bỗng như dài ra, trong khi những giây phút ngồi bên chị thì thời gian sao mà cứ ngắn lại. Tôi là học sinh khá toán nhưng điểm toán của tôi bắt đầu xuống dốc thảm hại. Nhà trường gửi giấy báo về cho gia đình và mẹ tôi vội vã biên thư cho chú tôi, nhờ ông nhắc nhở chuyện học hành của tôi.
Nhưng tôi làm gì được? Tôi chìm trong một cơn mê không tên. Nhiều lúc, tôi trốn học, xuống biển, nằm trên cát, ngửa mặt nhìn trời và tự hỏi thế giới này có trái tim ai như trái tim tôi, luôn đập một nhịp bất thường kỳ lạ…Tôi nộp đơn vào lính, nhưng 16 tuổi, đơn xin nhập ngũ của tôi bị từ chối. Tôi muốn vào binh chủng Không quân. Tưởng tượng mình là phi công, bay trên trời cao. Tôi cũng muốn vào binh chủng Hải Quân, suốt đời trên biển cả. Cuộc sống tôi hoàn toàn xáo trộn từ khi chị Vân có mặt trong đời tôi. Khuôn mặt chị, đôi mắt chị, mái tóc chị, bàn tay chị,… lúc nào như cũng vờn trước mặt tôi.
Hình ảnh chị Vân đứng ở quầy hàng, nhắc nhà bếp làm thức ăn, biên giấy tính tiền, hơi nghiêng đầu chào một thực khách quen, hay vào những lúc nhà hàng vắng người, chị cúi nhìn chăm chú vào một quyển vở chép tay mà tôi không bao giờ biết được những dòng chữ trong tập vở ấy viết điều gì… luôn ở trong trí nhớ tôi. Chị hay nói đến tên những tác giả TTKh, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, … Chị thuộc nhiều thơ và nói trong quyển sổ tay này chị chép đầy những bài thơ của những tác giả mà chị yêu thích.
Một buổi tối, Tôn phải chở Dì đi công việc, và như thường lệ tôi một mình mang sách sang quán ăn học bài. Tôi ngồi ở chiếc bàn quen, mở tập ra, đọc lại bài toán thầy cho làm ở nhà, nhưng không hiểu gì. Tôi chờ chị Vân, nhưng chờ mãi không thấy chị bước ra. Cửa buồng chị đóng kín, ánh đèn sáng chui qua khe cửa. Tôi ra sân trước, ngồi trên bậc cấp, buồn bã nhìn những ngôi sao trên trời và nghe thấm lạnh những ngọn gió biển thổi lùa qua thành phố. Không biết tôi ngồi đó được bao lâu, chỉ biết khi tôi nghe thấy mùi hương tóc của chị phả xuống và cái mát rượi của bàn tay chị chụp lên mắt tôi, tôi mới sực tỉnh.
“Sao lại ngồi đây?” Chị hỏi.
Thấy tôi không trả lời, chị lại hỏi:
“Chờ ai vậy?”
“Chờ chị.”
“Chờ chị? Tại sao?”
“Hôm nay chị làm sao thế?”
“Có làm sao đâu. Nhưng mà…”, chị tiếp, “hôm nay cậu thế nào ấy. Lạ quá!”
“Không, chị mới là lạ đấy!”
“Lạ cái gì chứ?”
“Thật mà. Chị không thấy vậy sao?”
“Không. Chị không thấy gì hết! Nhưng chị biết là cậu buồn. Đúng không?”
“Sao chị biết?”
“Nhìn mặt thì biết chứ! Thôi vào nhà đi!”
“Chị vào trước đi.”
“Vào nhà, chị kể cho cậu nghe chuyện này! Bí mật nhé!”
Chị nắm tay tôi. Chúng tôi bước vào quán.
“Vào đây!” Chị đưa thẳng tôi vào buồng riêng của chị, nơi tôi chưa từng một lần đặt chân vào kể từ khi chị ở đây. Chị cúi xuống, đánh diêm châm một ngọn nến cắm trên một chiếc bánh sinh nhật và với tay tắt ngọn điện trên trần nhà. Tôi nghe hơi thở chị thơm ngọt, hai bàn tay chị đặt trên vai tôi. Chị nói:
“Hôm nay là sinh nhật chị. Thế là chị đúng hai mươi tuổi rồi đấy.”
“Sinh nhật chị? Hai mươi tuổi? Thật không? Sao không nghe chị nói?”
“Thì bây giờ nói rồi đấy!”
“Rồi sao?”
“Cậu ngồi xuống đi. Cuối tháng này chị sẽ không còn ở đây nữa.”
“Tại sao?” Tôi nghe nhói ở tim.
Tôi như ngửi thấy một mùi cháy khét toả ra trong căn phòng, toát ra từ mái tóc chị, từ chiếc khăn quàng màu tím quấn trên ghế, từ mấy cái kẹp tóc và thỏi son trên mặt bàn, từ bức ảnh chụp cảnh Chùa Một Cột treo trên vách… Khuôn mặt chị chìm trong bóng đêm. Nhưng đôi mắt chị sáng long lanh như hai ngôi sao nhỏ lấp lánh liêu trai trong một bầu trời đầy mây xám.
“Tại sao?” Tôi lập lại.
“Chị vừa được tin anh Thạc. Có người nói anh ấy đang ở Sài Gòn và đang sống với một người đàn bà.”
“Một người đàn bà?”
“Một người đàn bà khác!”
“Nhưng có chắc người đó là anh Thạc không?”
“Không có gì là chắc. Nhưng chị cần gặp anh ấy. Chị phải tìm cho ra anh Thạc.”
Tôi thấy mắt chị sáng lên khi nhắc đến tên anh. Bỗng nhiên tôi bật cười thành tiếng.
Chị ngơ ngác nhìn tôi. Hình như tôi có giọng cười bất bình thường. Một tiếng cười mất dạy. Chị rót rượu ra hai chiếc cốc, cúi xuống thổi tắt ngọn nến. Căn buồng chìm ngập trong bóng đêm. Và tôi cảm được vòng tay chị quấn lấy cổ tôi. Tôi run rẩy ôm chị. Tôi cảm được mùi da mặt mịn màng của chị áp vào mặt tôi. Tôi run rẩy đặt môi lên môi chị. Và răng chị cắn nát môi tôi. Đột nhiên trái tim tôi như một lò thuốc súng nổ tung, bốc lửa, cháy bùng lên. Tưởng là thiên thu, nhưng chỉ là một khoảnh khắc
Thuở đó, tôi yêu chị bằng tất cả trái tim vừa mới lớn của mình.
Tôi gọi Vân là Hà Nội của tôi: Hà Nội năm tôi mười sáu tuổi.

______________

Một chặng đường văn chương

Ngô Nguyên Dũng

Niên khoá 1968-1969, đậu xong Tú tài một, tôi được vào trung học Pétrus Ký học lớp đệ nhất. Giảng dạy môn triết học là một giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Ðà lạt, khoa triết, kiêm văn sĩ đang được nhiều độc giả trẻ ngưỡng mộ: Nguyễn Xuân Hoàng.
Tôi chú ý đặc biệt đến ông, vì từ năm học lớp đệ ngũ tôi đã bắt đầu tập tễnh viết văn, làm thơ thiếu nhi gởi đăng trang Búp-bê do nhà văn Duyên Anh phụ trách trong nhật báo Sống. Giữa thập niên 1960, tôi khởi sự dọ dẫm làm quen với sách báo văn học ảnh hưởng đậm nét trường phái văn chương tây phương đang được giới độc giả trẻ tuổi ở Sài gòn ưa chuộng.
Bữa nọ, chị tôi được bạn cho mượn quyển "Vòng Tay Học Trò" của Nguyễn thị Hoàng. Tôi xin đọc. Chị nói không được, bảo tôi chưa tới tuổi. Tôi nài nỉ. Cuối cùng chị xiêu lòng.
Cảm xúc tôi, khi mở đọc những trang sách đầu tiên, lạ lắm. Tôi thấy mình tuồn tuột rơi theo những trang chữ diễm lệ óng ả của tác giả diễn tả tâm tư cô giáo Trâm vướng víu khắc khoải vào mối tình cấm kỵ với cậu học trò tên Minh. Không khí xứ lạnh Ðà lạt ấy, thứ bút pháp bóng bẩy dục tính ấy mới lạ, rất khác, hoàn toàn khác với văn phong của các tác giả trong những cột tiểu thuyết tình cảm xã hội đăng nhiều kỳ trong nhật báo. Cũng không giống những "Ðiệu Ru Nước Mắt" hay "Trần thị Diễm Châu" của Duyên Anh, là vài quyển tiểu thuyết người lớn đầu tiên chính tôi bỏ tiền túi mua về đọc.
Bắt đầu từ đó tôi tìm đọc những tác phẩm kén độc giả như "Con Sâu" của Dương Nghiễm Mậu, "Bếp Lửa" của Thanh Tâm Tuyền, "Sống Chỉ Một Lần" của Mai Thảo, "Sau Giờ Ra Chơi" của Nguyễn Ðình Toàn, "Khung Rêu" của Nguyễn thị Thuỵ Vũ, …
Cho tới lúc đọc được văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, một lần nữa, tôi khám phá thêm một khuynh hướng sáng tác khác: tính đẹp của tư tưởng bi quan ẩn trong chủ nghĩa hiện sinh. Ở tuổi mười tám, tôi tìm đọc văn ông, ngoài vai trò độc giả, còn với tâm trạng tò mò của một đứa học trò, hy vọng nhặt ra những mảnh vụn tâm tư ẩn náu giữa những dòng chữ về con người và đời sống của người thầy mà tôi mến mộ. Tôi tìm thấy không nhiều, mà vặt vãnh như những mẩu giấy ráp một bức ảnh lỗ chỗ nhiều mảng trống.
Với cương vị giảng viên môn triết, Nguyễn Xuân Hoàng là một người thầy linh động hoạt bát. Ông dẫn dắt tuổi trẻ chúng tôi bước vào ngôi nhà triết học tây phương với những luận lý, tâm lý và đạo đức học cổ điển. Thầy Hoàng là người trẻ nhất, dáng vẻ hào hoa và diện mạo điển trai nhất trong ban giáo viên lớp mười hai của chúng tôi.
Là văn sĩ, Nguyễn Xuân Hoàng đã khai mở trong tâm thức tôi những cánh cửa bước vào cõi chữ nghĩa huyễn mộng. Cuối năm 1969, tôi rời nước du học. Bạn tôi biết tôi để ý tới văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, cho nên mỗi khi có tác phẩm mới ấn hành của ông ở quê nhà, đều gởi cho tôi. Từ đó, những "Ý Nghĩ Trên Cỏ", "Khu Rừng Hực Lửa","Kẻ Tà Ðạo", "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu" rắc mầm trong tâm tư tôi những chồi cây.
Trong "Khu Rừng Hực Lửa" tôi đã gạch dưới vô số câu và những chương tâm đắc. Tôi đã xúc động dào dạt sau khi đọc xong đoản văn "Cha và Anh", mà tôi nhớ được in trong tập truyện "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu", ấn bản in ở Sài gòn khi trước. Ngoại trừ "Kẻ Tà Ðạo" là một quyển tiểu thuyết với nhiều tình tiết gút mắc, những truyện ngắn, truyện vừa hoặc tuỳ bút khác của ông là những suy tư, những ý tưởng, những nhân sinh quan của riêng ông, một nhà trí thức chịu ảnh hưởng triết lý tây phương và trào lưu chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương, về cuộc đời, tình yêu và thân phận con người trong một đất nước chiến tranh.
Trong văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, rải rác đây đó là những tư tưởng bi quan, vô vọng trước những bất toàn của con người, tầm hữu hạn của hạnh phúc, những bất trắc của đời sống. Chính những đặc điểm ấy làm nên bản sắc văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng, không trùng lặp với ai khác.Sau "Khu Rừng Hực Lửa", một truyện vừa gây nhiều tiếng vang trong giới yêu thích văn chương, tiểu thuyết "Kẻ Tà Ðạo" là tác phẩm thành công rộng rãi của ông, ấn hành năm 1973. Quyển truyện là một phim bản linh động kể lại sinh hoạt của giới trẻ, giới văn thi sĩ và chính trị gia Sài gòn vào cuối thập niên 1960 với những phân cảnh yêu vội sống cuồng lồng trong tình huống chính trị rối reng, không lối thoát. Cá tính và cách ứng xử của những nhân vật nam qua bút pháp Nguyễn Xuân Hoàng, như Thăng trong "Kẻ Tà Ðạo", không cường điệu thái quá, không công-tử-tính cổ điển như một tay chơi đất Hà thành vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 qua ngòi bút Mai Thảo, mà hờ hững, lãnh đạm trước thực trạng chính trị và xã hội như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Và Thăng đi về phân vân giữa những nhân vật nữ. Loại văn phong được Nguyễn Xuân Hoàng sử dụng, gán ghép cho những vai trò văn chương rất thời thượng, rất "tây", rất trí thức, nhiều phim ảnh tính. Và thụ động.
»… Tôi là một người đàn ông thụ động. Tôi không biết sục sạo tìm kiếm như con gà bươi móc trong đống rác ngoài sân để mổ được chút hạt gạo thừa.
Tôi thụ động trong tận cùng xương tuỷ …«
Không phải chỉ riêng những nhân vật nam trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng chất chứa tâm trạng thụ động ấy, mà không ít người thuộc giới trí thức cũng như văn thi sĩ thời bấy giờ cũng cùng quan điểm như họ. Phần lớn, có lẽ, bắt nguồn từ bối cảnh chiến tranh. Ranh giới sống chết quá mong manh. Cánh cửa hướng về tương lai khoá kín. Quan niệm về cuộc sống trong văn chương ông tuy mù mờ bảng lảng, nhưng vẫn khiến người đọc nghĩ ngợi. Nó bóc vỏ những bí ẩn về tính hiện hữu của đời sống, mặc dù không sắc sảo, tinh tế như văn chương Võ Phiến, nhưng đủ đậm để khắc dấu thành một ấn tượng Nguyễn Xuân Hoàng.
Sau biến cố 1975, tôi trực tiếp tham dự vào các diễn đàn văn chương hải ngoại. Khi được tin thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cùng gia đình sang Hoa kỳ định cư, tôi tìm cách liên lạc. Trong lá thư đầu tiên trả lời tôi, ông đề nghị sửa cách xưng hô, gọi bằng "anh" thay vì "thầy". Kể từ đó, tôi thường xuyên theo dõi văn nghiệp ông. Ông viết không nhiều, không bền bỉ dài hơi như Nguyễn Mộng Giác, nhưng tương đối đều đặn.
Những sáng tác ở ngoài nước của ông, tôi được ông gởi tặng bốn quyển: truyện dài"Người Ði Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Ðạo" với nhiều nhuận sắc và sửa đổi, là quyển một trong trường thiên tiểu thuyết cùng tựa ii, tập truyện"Căn Nhà Ngói Ðỏ", truyện dài "Sa Mạc" và tập truyện tái bản "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu".
Ðọc "Người Ði Trên Mây", tôi bỡ ngỡ vì không thấy lại những chương, những đoạn và những câu văn đã từng làm tôi rung động trong "Kẻ Tà Ðạo". Cá nhân tôi ưng ý bản chính hơn bản nhuận sắc ấn hành ở Hoa Kỳ, vì "Kẻ Tà Ðạo"sắc nét và đậm đà cảm tính hơn "Người Ði Trên Mây", với những ý nghĩ thú vị về văn chương và điện ảnh của nhân vật Thăng. Hoặc, có lẽ chỉ vì "Kẻ Tà Ðạo" đã bầu bạn thân thiết cùng tôi suốt nhiều năm tha hương đầu tiên.
Mở tập "Căn Nhà Ngói Ðỏ", lòng tôi chùng xuống, khi đọc lại dòng chữ ông ghi thêm trên truyện ngắn"Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự": "Tặng Ngô Nguyên Dũng tự truyện này. N.X.H.". Chi tiết thân ái này của ông dành cho tôi, từ lâu rồi tôi quên bẵng. Tôi tần ngần đọc lại đoản truyện, lần này với nhiều xúc cảm sâu xa như thể chính tôi là người hứng chịu những nghịch cảnh, những mất mát. Chuyện kể kết thúc như sau:
»… Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi buồn bã. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.« (iii)
Một hôm, đã lâu, tình cờ tôi xem được một cuốn phim Ý đen trắng cũ của đạo diễn Federico Fellini chiếu trên truyền hình: "La Strada", Anthony Quinn diễn vai chính. Phim kể về cuộc sống lang bạt nay đây mai đó của một gã đàn ông cục súc hành nghề xiếc dạo, giang hồ mưu sinh cùng một thiếu nữ phụ việc … Sực nhớ lại, trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, đã có lần ông đề cập tới một cuốn phim có nội dung tương tự với nhạc phim là một khúc kèn đồng não nuột, mà không nhắc tới tựa. Soạn lại những gáy sách cũ, tôi tìm thấy độc nhất một quyển của ông: "Kẻ Tà Ðạo". Những cuốn khác thất lạc đâu mất. Tôi bâng khuâng lật từng trang sách úa vàng hoài niệm. Và tôi tìm ra đoạn văn ấy (iv), cũng như những suy nghĩ rời của nhân vật Thăng, xưng tôi, đôi ba lần đề cập tới W. Somerset Maugham. Luôn cả câu văn trích từ một truyện ngắn của Maugham đã được Nguyễn Xuân Hoàng đem in lên bìa sau, làm nền cho quyển sách, đã bám víu tôi một khoảng thời gian dài:
»Thảm kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia phôi … Thảm kịch của tình yêu chính là sự dửng dưng.«(v)
Những mẩu chuyện nhắc nhớ bên lề của ông, từ một cuốn phim không đề tựa cho tới câu văn trích dẫn nói trên, đã bắt tôi lùng mua tất cả sách truyện của W. Somerset Maugham được chuyển sang Ðức ngữ, để tìm cho ra manh mối, được trích dẫn từ truyện ngắn nào. Nhờ vậy mà tôi đã đọc sạch ráo toàn bộ trước tác của Maugham. Văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng, vì vậy, có thể nói, là tác động làm vỡ mạch những đam mê văn chương, âm nhạc, điện ảnh trong tôi. Và tôi viết. Viết để giải toả những ứ nghẽn của tư tưởng. Viết để thăng hoa ý nghĩ thành những trang chữ hào nhoáng. Viết để khai sinh những bóng hình hư cấu. Viết để biểu lộ thái độ tự mãn, rúng ép những nhân vật hành động theo ý mình.
nguyen xuan hoang
Nguyễn Xuân Hoàng
(bìa sau "Kẻ Tà Ðạo", Sài gòn, 1973)

Năm 2002, trong chuyến đi Cali thăm bạn, tôi và bạn có tham dự một buổi nhạc thính phòng vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy. Sau giờ trình diễn, ca sĩ Quỳnh Giao dẫn tôi vào dự buổi tiếp tân, gặp gỡ ca nhạc sĩ. Tình cờ tôi tái ngộ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng hiền thê là chị Trương Gia Vy. Chào hỏi nhau xong, ông cười nhìn tôi: "Ngô Nguyên Dũng thấy anh ra sao?"
Tôi không nhớ tôi đã trả lời ông như thế nào, vì trong khoảnh khắc ấy, thú thật, tôi đang bối rối. Ồn và đông, quá đông những khuôn mặt vang tiếng trong giới ca nhạc sĩ hiện diện, mà tôi chỉ là một tham dự viên "đi ké", không được mời, cũng không phải khán giả mua vé hạng nhất. Tôi nán lại thêm chốc lát, rồi lẻn về. Từ đó tới nay, tôi và ông gần như bặt tin nhau.
Giờ đây, đọc và ngẫm lại, tôi nhận ra có điều gì dường như nghịch lý trong câu văn ghi trên của W. Somerset Maugham. Ví dụ như, thay "tình yêu" bằng "đời sống" và hoán đổi mệnh đề, thành: »Thảm kịch của đời sống không phải là sự dửng dưng… Thảm kịch của đời sốngchính là cái chếthay sự chia phôi«, thì sao?
Theo thời gian, sở đọc văn chương của tôi có phần thay đổi. Ðọc lại dăm ba quyển sách đã một thời làm tôi ngẩn ngơ đêm ngày, tôi không còn xúc động như xưa. Bi thảm hơn nữa, tôi cảm thấy có điều gì đó không thật giữa những hàng chữ. Không phải tôi thất vọng. Ðúng hơn, tôi hoài nghi. Nhưng những trang sách của Nguyễn Xuân Hoàng là một trong vài ngoại lệ nằm trong sở thích tôi. Thỉnh thoảng có dịp, tôi lấy ra, đọc lại. Những bóng ảnh quá khứ trồi lên, quay quắt. Thời hoa niên hừng hực nắng Sài Gòn. Những khuya tha hương quạnh quẽ, tôi viết nằm trong căn phòng hẹp. Chữ ứa ra giấy. Băn khoăn dập xoá. Lắm khi rúng động theo tâm tình của nhân vật. Ðôi lúc gục đầu ngủ quên trên bản thảo.
Gấp sách, tắt đèn, tôi mở cửa sổ. Nhà trọ hai gian như hai hộp diêm kề cận nhau trong ngõ cụt. Cũng khung cửa ấy, những sáng mùa hè mở ra vườn nắng, nhác thấy con bồ câu trên đầu hồi mái nhà hàng xóm, cúc rúc rời rạc. Cứ vậy, lẻ loi, nhẫn nại nhiều sáng liên tiếp. Cho tới sáng nọ, sau một lúc cúc rúc, bất chợt nghe tiếng cánh xoạc. Một con bồ câu khác sà xuống, cách đoạn rụt rè một sải tay. Lấc ngấc dè dặt ngó nhau một chặp, đoạn con trống đập cánh, liệng một vòng biểu dương tài mọn. Rồi đậu lại, gần hơn, vờ vĩnh ngó mông. Tưởng xong, ngờ đâu một con thứ ba, rồi thứ tư xúm lại, ngúc ngắc xum xoe. Không biết tính toan ra sao, đột ngột cả bốn vỗ cánh túa lên, mất dạng.
Ðứng yên như vậy một đỗi lâu. Hương đêm tháng tám lùa vào, se se dịu dàng. Ðêm ngoài chập chùng úp tay lên vườn cây. Không một hơi gió. Ngoài kia tịch mịch, rỗng rang. Nhưng trong tôi chật chội những ý tưởng, những hình bóng. Không dưng một câu hát lướt ngang trí: "Ðể lại cho ai. Buồn như giọt máu …" (vi). Ðam mê văn chương trong tôi như một thương tích, tưởng lành, không dưng loét đau, rỉ máu. Hồi tưởng nhiều thập niên dài. Ðọc và viết, chỉ mình tôi với chữ, thâu đêm. Chuyện văn chương, cũng như kiếp nhân sinh, phải chăng chỉ là những vui buồn phù du chất nặng chiếc thuyền bào ảnh, là một giấc huyễn mộng dài?
Nhưng dù là gì đi nữa, tôi tin rằng, những tác phẩm của thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, vẫn vững chãi với thời gian. Chữ nghĩa của ông hội đủ sức đề kháng, chống chọi lại những huỷ diệt không thương tiếc của năm tháng qua dòng biến động lịch sử. Cùng với nhiều văn nhân thi sĩ tài danh khác, ông là một tên tuổi, một khuôn mặt quan trọng góp phần gầy dựng một nền văn học rực rỡ của miền Nam, thời kỳ 1954-75 nói riêng, và của toàn cõi Việt nam nói chung.
Một lần nữa, tôi cám ơn đời đã cho tôi cơ hội góp mặt trên văn đàn, để tôi có dịp cùng đi với ông, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trên nẻo về văn chương vô tận. Dẫu chỉ một chặng đường ngắn ngủi.
(Ðức, tháng 8. 2013)
i Kẻ Tà Ðạo, tr. 22, nxb. Nguyễn Ðình Vượng, Sài gòn, 1973. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Ði Trên Mây".)
ii Bụi và Rác: quyển hai của bộ tiểu thuyết "Người Ði Trên Mây", tôi không được đọc.
iii Căn Nhà Ngói Ðỏ, tr. 27-28, nxb. Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1989.
iv n. tr., tr. 192-193. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Ði Trên Mây".)
v The tragedy of love is not death or separation ... The tragedy of love is indifference., Red, W. Somerset Maugham. (Trong "Người Ði Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Ðạo", đoạn văn được nhân vật xưng tôi nhớ và thuật lại rành rẽ truyện ngắn nói trên của W. Somerset Maugham - Kẻ Tà Ðạo,tr. 335-336, nxb. Nguyễn Ðình Vượng, Sài gòn, 1973 - được rút gọn: "Rồi chị Quỳnh sẽ hiểu. Yêu nhau mà không lấy nhau được đến nỗi phải chia tay, hoặc phải đi tìm cái chết... thì tình yêu ấy vẫn tồn tại. Thảm kịch của tình yêu chính là người nầy dửng dưng dưới mắt người kia trong khi vẫn sống bên nhau." Tôi nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Anh, ông Somerset Maugham, mà có lần tôi đã thấy trên kệ sách trong nhà này... - Người Ði Trên Mây, tr. 245, nxb. Người Việt, Hoa Kỳ, 1987.)
vi Trích đoạn ca khúc "Lặng Lẽ Nơi Này", Trịnh Công Sơn.

***

Phụ đính:

 

Người bạn thân cũ, mùa hè

Suốt một tháng nay tôi bồi hồi vì được nối lại liên lạc với một người bạn thân cũ. Tôi không biết chúng tôi bặt tin nhau đã bao nhiêu năm, nhưng nếu lấy tháng Tư 1975 làm mốc thì chúng tôi xa nhau có đến 40 năm hơn. Hồi đó chúng tôi còn ở tuổi thiếu niên. Thành phố Nha trang với những ngôi trường đầy những cây phượng vĩ, tiếng ve kêu râm ran chào đón mùa hè, và biển xanh, những cây dừa, những lùm dương, cát và gió, và một bầu trời không mây.
Bạn tôi là một thiếu niên không chỉ đẹp trai mà còn học giỏi. Toán và sinh ngữ anh luôn đứng đầu lớp. Anh có nước da màu nâu như cô bé đón xe ở ngã tư Washington và Oregon. Và anh có mái tóc rất đẹp, vàng mịn và xoăn. Mà anh đẹp là phải. Anh rất giống mẹ anh. Người mẹ mà anh vẫn gọi là Dì. Bà giống như một phụ nữ Tây phương hơn là Á đông. Ít nói nhưng dịu dàng, nghiêm mà bao dung. Bà là chủ một tiệm ăn, khá sang, ít chỗ ngồi nhưng toàn khách chọn lọc. Thỉnh thoảng tới thăm bạn, tôi luôn luôn được Dì cho ăn, không phải như một người khách mà như một đứa con. Và tôi đã ăn theo kiểu "ăn cho bõ những ngày cơ cực" như cách nói của Bùi Bảo Trúc. Cái làm cho Dì ít giống như Tây phương nhất đó là Dì hút thuốc lá cẩm lệ như những phụ nữ Huế.

Hơn 40 năm tôi chưa gặp lại bạn, cho nên hình ảnh bạn còn trong trí nhớ tôi là một Tôn Thất L. thời Trung Học. Một thời với Ðoàn Lân, Trần Lâm Cao, Lê Văn Quyền, Thái Hồng Ngọc, Vĩnh Tiễn, Lê Quang An, Võ Văn Trưng, Dương Ðức Quảng, Sao Trên Rừng-Nguyễn Ðức Sơn, Duy Năng- Nguyễn Văn Trí, Hoàng Thị Ngọc Táo, Nguyễn Thị Hoàng, Tôn Nữ Nha Trang, Cao Hoành Nhân, và các bà chị xinh đẹp hoa khôi một thời thuở đó như Túy Hoa, Tôn Nữ Dạ Khê, Như Phú, Bích Hường Bích Ngân...
Thành phố biển. Và những mối tình của tôi: Bích, Bạch Mai, Bouquet Odette. Mãi về sau này, khi đọc Métisse Blanche tôi mới biết tác giả Kim Lefèvre chính là Lâm Kim Yến, một trong mấy bà chị xinh đẹp của thành phố mà mối tình của chị (cũng như mối tình của Nguyễn Thị Hoàng trước khi viết Vòng Tay Học Trò) đã làm sóng biển Nha Trang trở thành bão tố. Dù sao thuở đó, tôi vẫn thấy Dì tôi là người đàn bà đẹp nhất. L. nói Dì không ở Montréal mà ở với một người con khác bên Mỹ. Tôi gọi dây nói thăm Dì. Tôi nói với Dì là "con đã già", Dì bảo Dì cũng không còn khỏe như ngày xưa. Dì đọc kinh và niệm Phật suốt ngày. Dì gọi tôi là "anh" như Dì vẫn gọi con trai của Dì, bạn L. của tôi là "anh" khi chúng tôi còn nhỏ.
40 năm sau, tôi chỉ gặp lại L. bằng điện thoại. Tôi vẫn chưa nhìn tận mặt anh. Chúng tôi biết là chúng tôi đã già. Mùa hè năm Ðệ Nhị, sau khi lấy được cái Tú Tài I, chúng tôi chia tay nhau. Cả hai chúng tôi đều vào Sài Gòn và điều kỳ lạ là chúng tôi lạc nhau trong cái thành phố Sài Gòn nhỏ bé kia. L . vào Quốc gia Hành chánh. Mấy năm sau tôi nhận được cái bưu thiếp từ Tokyo, L. viết mấy dòng ngắn về nơi anh đến. Và đó có lẽ là những dòng chữ duy nhất mà chúng tôi trao đổi với nhau trong suốt 40 năm.

Mùa hè, năm lên Ðệ nhị, chúng tôi bắt đầu chơi boxing và nói chuyện sẽ đi Sài Gòn học. Tôi muốn làm một người có thể chịu đựng những cú đấm, vì ngày nào đi tắm biển cũng bị những thằng to con đuổi đánh. Tôi muốn có sức chịu đựng của những thỏi thép. Tôi đã làm được điều đó và không lâu, khi cha tôi biết tôi chơi quyền Anh, ông bảo quả đấm của mày thì làm được gì. Liệu mày có đủ sức đấm trả Huỳnh Tiền không? [một tay võ sĩ lừng danh thuở đó]. Tôi hỏi, vậy con phải làm sao. Mày chơi súng đi! Tôi đã ăn cắp khẩu súng của anh tôi, khi anh từ Ban Mê Thuột trở về thăm gia đình. Khẩu súng ngắn Beretta rất đẹp, gọn và nhẹ, như một đồ chơi và tôi đã có dịp sử dụng nó trong một buổi tối ở biển. Viên đạn bắn trượt không giết chết ai, nhưng quả thật nó đã cứu tôi khỏi những thằng lục lâm ở biển. Mấy ngày sau cha tôi hỏi súng làm được gì? Tôi nói mấy thằng lâu la ở biển hết dám đụng con. Cha tôi cười, súng ống thì nhằm nhò gì! Có thứ còn hơn súng nữa kia. Tôi hỏi thứ gì? Cha cười "cái đầu của mày. Ði học đi, cái đầu còn hơn cái súng." Tôi trả cây Beretta lại cho anh tôi, tôi không chơi boxing nữa.
Tôi chơi trò chơi văn chương. Qua đường dây viễn liên L. hỏi tôi tại sao viết văn? Viết hồi nào vậy? Tôi có đọc đâu đó những bài của ông, nhưng tôi cứ muốn hỏi tại sao? Hồi tụi mình chơi với nhau, ông đâu có thích chuyện này, phải không?
L. gửi cho tôi ba cuốn sách của Thích Nữ Trí Hải trong đó có hai cuốn dịch của W. Rahula (Phật Dạy Những Gì - Con Ðường Thoát Khổ với Lời Tựa của Hòa Thượng Thích Minh Châu, 1966) và cuốn của Geshe Kelsang Gyatso (Phật Giáo Truyền Thống Ðại Thừa). Tôi dừng lại ở cuốn Lấp Lánh Sao Trời. Cuốn sách mỏng hơn 100 trang gồm những bài viết ngắn, gọn súc tích. Tôi đã đạc rất nhiều lần bài thứ 27: Sống Chết Và Thời Gian của Thích Nữ Trí Hải. Tôi đọc trước hết vì sách do L. gửi cho tôi. Và tôi đọc nhiều lần bài viết ngắn này vì nó trả lời tôi những câu hỏi tôi đi tìm.
"..........đời sống chúng ta quả không khác gì một đốm lửa nhỏ chợt lóe lên trong đêm tối mênh mông rồi vụt tắt. Trước ta và sau ta là những gì, ta hoàn toàn mù tịt:
Tiền tế vô cùng
Hậu tế ninh khắc
Ðường trước mênh mang
Nẻo sau nào biết
(Qui sơn cảnh cách)


Ấy thế mà, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đốm sáng nổi (lên) giữa biển tối bao la đó, mấy ai đã tận dụng đời sống của mình một cách vẹn toàn hạnh phúc? Chúng ta hay than cuộc đời ngắn, nhưng nếu dài hơn ta sẽ làm gì? Làm gì nếu không phải là tiếp tục thở than và bất mãn? Càng theo đuổi những dục vọng, ta càng thêm khát khao, càng thấy không bao giờ đủ. Ðã đành là có những ý dục thanh cao hơn vật dục, như lòng ham muốn hiểu biết chẳng hạn, nhưng phải chăng đó cũng là đau khổ trá hình, còn vi tế sâu xa hơn cả lòng ham vật dục? Bởi vì cái hữu hình, vật chất, dù sao vẫn có hạn, chứ cái vô hình - hiểu biết - thì thật vô cùng. Do đó con người càng nhiều tri thức càng lắm khổ đau, vì sống chưa chắc được đến trăm năm mà cứ toan tính những kế hoạch ngàn năm thì chỉ luống công nhọc sức."

Thích Nữ Trí Hải viết: "Ðức Phật chỉ thẳng nguyên nhân của mọi nỗi khổ và khuyên ta trở về tìm ngay trong thân tâm này, xem cái gì là cái ta chủ chốt của mọi sự sống chết, ham muốn, yêu ghét, quan niệm, khổ vui, hiểu biết.... ấy. Tìm cho ra cái ta ấy đã, rồi hẳn xét đến những cái phụ thuộc vào nó như vui khổ, trí ngu, sống chết, nắn dài. Nếu tìm không có cái ta nào cả, thì những thuộc tính kia, do cái ta mà có, đương nhiên vô nghĩa, như sừng thỏ, lông rùa, hiện hữu còn không có, huống nữa là có ngắn có dài. Ðức Phật dạy: "Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không phải của ngươi, ngươi nên từ bỏ." Ở đây hành chính là những quan niệm, ký ức, tư tưởng, ước muốn âm thầm hoặc lộ liễu trong ta, cái ý thức sai lầm về một cái tôi và về tương tục tính mà kinh Kim Cương gọi là thọ giả tướng (cái tôi trên phương diện thời gian). Chỉ khi nào con người hiểu rõ cơ cấu cái ta, chủ tể của sự sống chết, khi ấy họa may mới hiểu được sống chết là gì,và khi ấy có thể sẽ không còn chuyện tham sống ghét chết, phát sinh do mù tịt về thời gian, về sống chết và cái ta."
Cám ơn bạn. Mùa hè đã trở lại. Bốn mươi năm có là bao. Già thì đã sao. Vấn đề là những năm tháng ấy bạn có hạnh phúc không? Bạn thấy chưa, tôi đã đọc cuốn sách bạn gửi. Tôi đã tìm được một cách lý giải đời sống. Liệu tôi có đủ khả năng nắm bắt được điều đó không? Tôi biết cái ta có gì đâu. Tại sao cứ nghĩ tưởng cái ta của mình là lớn lắm, lớn đến nỗi sân si cả một chữ vô tình, một lời không hàm ý? Nhưng tình yêu thì sao? Có phải là thọ giả tướng không?
Nhớ một tiếng nói, tương tư một khuôn mặt, thèm một đôi môi, quen một mùi hương của da thịt, ....có phải là thọ giả tướng không?

_____________

Một người ngồi trong ghế bành

Tôi gõ cửa một lần nữa. Vẫn không nghe thấy tiếng trả lời. Chắc không có Diệp ở nhà. Tôi châm thêm một điếu thuốc khác, và trong đốm lửa nhỏ lập lòe, tôi dò dẫm từng bực thang trở xuống. Cầu thang hôi một mùi khó chịu và thanh gỗ vịn tay rít nháp làm tôi nghe lợm ở cổ họng. Kỳ quá, không biết cô nhỏ này đi đâu. Mới hồi sáng này gặp tôi ngoài phố, cô ta còn nhắc, anh nhớ đến, thế nào anh cũng phải đến nghe, vậy mà tôi đã gõ cửa không biết bao nhiêu lần, đốt không biết đến điếu thuốc thứ mấy vẫn biệt tăm nàng.
Xuống đến mặt đường tôi mới biết trời đang mưa. Cơn mưa không to lắm, có lẽ bão rớt của miền Trung, nhưng gió từ bờ sông thổi lùa trong hơi nước mát lạnh làm tôi rùng mình. Thời tiết thay đổi đột ngột như vậy, nên buổi sáng sớm nay có chút sương mù và còn lâm râm vài hột nữa. Tôi đi nép trong hàng hiên tránh mưa và trong bụng thầm tiếc về việc đã tới thăm Diệp. Sẽ đi đâu bây giờ đây? Tôi nghĩ đến quán nước quen có mấy người bạn ngồi ở đó. Từ xa ánh đèn pha của một chiếc xe chạy ngược chiều làm tôi chói mắt. Tôi bước ra lề đường đưa tay đón xe. Trời vẫn mưa lặng lẽ. Bỗng nhiên tôi khám phá ra là dù có hơi tiếc về việc thất hứa của Diệp, nhưng tôi không xúc động về thái độ của nàng. Ðốm lửa đỏ của điếu thuốc cho tôi cái cảm giác ấm áp và tỉnh táo hơn. Chiếc xe trờ tới và bất ngờ đậu sát bên tôi. Ðèn chiếu vụt tắt.
- Taxi!
Tôi cúi đầu xuống chực hỏi người tài xế coi có đi không, nhưng đèn trong xe đã vụt sáng. Tôi thấy Diệp ngồi trong xe và nàng đang mở xắc tay lấy tiền.
- Anh!
Diệp thò đầu ra cửa xe kêu tôi. Cái vẻ hối hả của nàng làm lạ hẳn một Diệp lặng lẽ và trầm tĩnh mà tôi từng quen biết. Trả tiền xong nàng bước xuống xe, cầm tay tôi kéo đi, không nói thêm một lời nào khác.
*
Và chúng tôi trở lại căn gác của nàng. Diệp ấm áp đi trong cánh tay tôi. Nàng nói:
- Anh không giận em phải không?
- Không.
- Tin chừng bao nhiêu?
- Một ngàn phần trăm.
- Thôi, đừng có giận giả bộ, ông ơi!
Diệp ôm chặt cánh tay tôi bên hông nàng.
- Cám ơn anh. Ấm quá.
- Ấm cái quái gì. Lạnh thấy mồ.
- Ðừng có thô bỉ với đàn bà con gái nghe ông!
Nàng thả tay tôi ra, nhưng mùi thơm của tóc nàng bay tận mũi tôi.
Ðến chân cầu thang, Diệp mở sắc tay lấy cây đèn bấm nhỏ, và chúng tôi lần lên gác.
- Em có chút chuyện nhờ anh.
- Biết rồi. Nhưng chuyện gì vậy?
- Bí mật.
Diệp mở khóa đẩy cửa vào.
- Chút nữa em nói cho anh nghe.
Nhà tối mù mù, tôi đứng im trên bục cửa, Diệp lần đến bên vách bật đèn trên trần. Ánh sáng chói chang đổ ập xuống làm ngợp mắt. Diệp nói: “Anh ngồi xuống đây chờ em một chút.” Và nàng bỏ ra nhà sau. Tôi ngồi lên ghế dựa, bắt tréo chân và tình cờ ngó thấy một mảng bùn vấy ở đầu mũi giầy. Con đường từ quãng nhà tôi xuống phố thật tệ, những hôm trời mưa đường lầy lội không thể tưởng, những lỗ trũng đầy nước, ổ gà tùm lum, mặt lộ dợn sóng làm chao xe, nhiều bữa đang chạy ngon trớn tôi bỗng hụp xe xuống một cái, tá hỏa tam tinh, tưởng chết đi được. Diệp đã thay quần áo xong. Nàng đứng trước mặt tôi, trong tay ly trà đang bốc khói:
- Anh nghĩ cái gì vậy. Anh coi nhà em có đẹp không?
Nhà của Diệp là một căn phòng hẹp, trần nhà thấp, tường quét vôi màu vàng sẫm tối ám và trơ trẽn. Tôi không ưa lắm cái tối tăm ảm đạm và cái vẻ nhớp nhúa của căn phòng. Tuy vậy tôi đã nói, dù tôi không tin lắm điều tôi nói:
- Ðẹp. Ðẹp lắm!
- Thôi đi ông. Ðừng bày đặt nịnh đầm.
- Ðẹp thiệt mà!
Diệp ngồi xuống ghế đối diện tôi, đẩy cái gạt tàn thuốc bằng sành về phía tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy Diệp rõ hơn. Nàng đã thay chiếc áo dài mầu xanh thẫm, choàng trên vai một chiếc áo len nhẹ cùng màu nhưng nhạt hơn nhiều, hai cánh tay bỏ lửng, quần chẽn, ống khá rộng phủ gót chân. Da mặt Diệp xanh xao, và trên đôi gò má hơi hóp của nàng, tôi nhìn thấy lấm chấm những nốt mụn nhỏ, hai con mắt đen sâu và rộng chìm dưới lớp màu xanh (khá xanh) của phấn. Nhìn màu da ấy của Diệp, tôi như nghe thấy lại có lần nàng nói, anh thấy không, da em khô héo thế này, đầu em không có đến lấy một sợi tóc mượt, em bị đau gan đó anh, chịu không cách nào trị cho hết được. Dù sao, tôi phải công nhận là Diệp đẹp. Có lẽ vì cái dáng cao cao của nàng, đôi ngực khỏe mạnh trên một thân thể khá mong manh của nàng, cái vẻ lạnh lẽo ở khuôn mặt cẩm thạch nàng, cùng với mớ tóc rối đen khô của nàng làm tôi choáng váng.
- Nhất định là anh nịnh em.
- Nịnh em thì tôi ăn cái giải gì.
- Thôi, được rồi. Anh uống nước đi, rồi đưa em đến đó nghe.
- Ðến đâu?
Diệp sửa cách ngồi:
- Chỗ anh vẫn thường ngồi với mấy ông bạn của anh đó!
- Ở đâu? Hồi này em làm sao vậy?
- Thôi, anh đưa em đi rồi em sẽ chỉ cho.
Tôi đốt thêm một điếu thuốc nữa và nhìn những ngón tay ăn khói vàng nghệ của mình.
Tôi thực tình không hiểu Diệp muốn gì.
- Nhưng sao em lại nhờ tôi?
- Chớ em còn biết phải nhờ ai bây giờ.
- Có cái gì ở chỗ đó?
- Em cần gặp một người.
- Một người? Quen?
- Em không biết người ta, nhưng người ta nói người ta biết em. Người ta nói người ta ao ước được quen em.
- Tóm lại là em muốn gặp một người đàn ông ngưỡng mộ em, phải không?
- Không phải vậy đâu...
- Thì đó là một người yêu em cũng vậy thôi.
- Ðừng có xịa ông.
- Tôi có nói là em yêu người ta đâu. Rồi. Bây giờ đi được chưa?
Tôi dụi điếu thuốc cháy dở xuống cái gạt tàn và đứng dậy.
*
Mưa lâm râm nhỏ hạt và trời vẫn lạnh. Diệp đội khăn lên đầu, mái tóc giấu sụp dưới lớp vải. Chúng tôi đi dọc trở lại theo những hàng hiên. Phố vắng. Diệp nói:
- Phải biết đón xe khó thế này, lúc nãy em đã giữ chiếc taxi cho xong.
Rốt cuộc chúng tôi phải kéo bộ một quãng khá dài. Khi đi ngang qua chiếc xe mì của người Tàu núp dưới chái hiên tôi hỏi Diệp:
- Em có thấy đói không? Mình ăn cái gì đi!
- Ở chỗ đó có bán thức ăn mà - Diệp cười - có lần ở sở về đi ngang qua đó em thấy anh ngồi ăn với mấy ông bạn của anh. Mình có thể vừa ăn vừa chờ đợi được mà anh.
- Chờ đợi? Chờ đợi cái gì mới được chớ?
- Trời đất! Mới nói đó mà anh đã quên rồi. Sao mau quên dữ vậy ông?
Tôi nắm tay Diệp băng qua con lộ nhỏ. Những ngón tay tròn mềm và lạnh lẽo của nàng nằm trong tay tôi làm tôi sợ. Chúng tôi đã ra đến đường lớn. Mặt lộ đọng nước mưa sáng lấp lánh ánh điện từ những cột trụ trồng dọc theo hai bên lề đường. Xe cộ chuyển động ồn ào đến chóng mặt. Mặc dù Diệp đội khăn, tôi tưởng nhìn thấy mái tóc nàng ướt sũng trên một đôi mắt hân hoan cười cợt. Diệp đi bên tôi tung tăng như một thiếu nữ mới lớn. Có lúc nàng giống một chiếc bong bóng mà sức căng đã giảm không bay được lên cao, lơ lửng trên sợi chỉ nằm trong tay một cậu bé lúc nào cũng chực ngã. Một chiếc xe nhà binh phóng qua thật nhanh làm bắn nước lên người chúng tôi. Diệp giật tay tôi nhảy lui lại. Tôi nghe rõ ràng giọng nàng lẩm bẩm nguyền rủa người lái xe mắc dịch. Ðến ngã tư đường Diệp bảo tôi:
- Anh qua đây với em một tí.
- Chỗ này sao? Tôi có bao giờ ngồi ở chỗ này đâu.
- Ðâu có. Em muốn mua cho anh một gói thuốc mà.
- ...
- Anh hút Winston phải không?
- Sao biết?
- Sao không biết. Anh làm gì mà em không biết. Anh làm gì, đi đâu, ở đâu, quen ai, em biết hết.
- Biết gì nhiều dữ. Còn gì nữa nói nghe chơi.
- Muốn nghe thiệt không. Nói toạc móng heo, không được giận à nghen.
- Bộ tưởng tôi con nít à. Hồi này làm sao vậy, cô ba?
- Có sao đâu. Anh thực tế một chút coi. Lè phè quá trời. Lông bông lêu bêu cái kiểu anh, ai mà yêu cho nổi ông.
Ðiếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay, sắp đặt vào môi đã bị tôi kéo lại. Một lần nữa, tôi vỗ điếu thuốc lên bao diêm. Tôi nói:
- Ai mà yêu cho nổi. Yêu ai mà ai yêu?
- Ðừng có hỏi giọng nhà quê, ông! Lại đây, em mua cho ông mấy tờ báo. Tờ này phải không?
Tôi đứng lại giữa chừng, hơi sợ hãi một chút. Cái cách hiểu biết và nói năng của Diệp với tôi làm tôi bối rối. Tôi nghịch chiếc nắp bật lửa, hỏi:
- Em chẳng quên thứ gì hết. Sao em còn đợi gì mà chẳng lấy quách tôi đi có hơn không.
- Ðừng có giễu nghe bạn.
Ðâu có ai ngăn cản không cho chúng tôi cười thả ga giữa đường phố trong một đêm lạnh lẽo và riêng tư như thế này.
Quả như lời Diệp nói, quán nước quen, trần bằng gỗ đánh vẹc-ni, ghế bành rộng thấp, điện ấm và không sáng lắm. Tôi đẩy cửa kính và đứng qua một bên nhường Diệp vào trước. Nàng lột khăn xuống rũ nước mưa và chúng tôi chọn một chiếc bàn hơi khuất trong góc phòng.
- Anh thường ngồi bàn này phải không?
- Ðúng rồi.
- Anh uống cà phê đen nghe. Kêu cho em một ly sữa nóng đi anh.
- Không, để tôi gọi cái gì bỏ bụng. Ðói muốn chết đây này.
Diệp biên món ăn lên giấy đưa cho người hầu bàn, kéo tay áo nhìn đồng hồ, thở dài.
Tôi hỏi:
- Mệt hả?
- Ðừng giễu ông. Em khỏe lắm mà.
Diệp có vẻ khỏe thật, dưới ánh đèn chụp bóng tròn, da mặt Diệp hồng hào hơn lúc nãy nhiều, nàng đập tay lên vai tôi:
- Kìa anh, anh có thấy chiếc ghế bành da màu đỏ kia không. Ừa, ở chỗ đó đó, cá với anh mười ăn một, là thế nào cũng có một người ngồi ở đó.
Tôi nói:
- Tôi chẳng hiểu trời trăng gì hết.
Và tôi phá lên cười.
- Còn em, bộ anh tưởng em hiểu trăng sao gì hả?
Nói xong, Diệp ngã đầu ra sau ghế, cười bằng tất cả cái dáng điệu kỳ cục của nàng. Người hầu bàn đến bên chúng tôi, nghiêng mình lễ phép:
- Ông bà gọi thêm món chi?
- Không.
Diệp nói trong tiếng cười,
- À mà có; làm ơn gọi cho tôi một chú bồi khác.
Nhưng liền ngay khi đó tôi nghe rõ nụ cười của nàng chợt tắt sau câu nói và mắt nàng mở lớn ngạc nhiên hướng về phía chiếc ghế bằng da màu đỏ. Một người đàn ông đã ngồi trong ấy tự bao giờ.
Thức ăn đã mang lên và tôi bắt đầu bữa cơm tối một mình.

_____________

Căn nhà năm cũ

Lên khỏi con dốc ngắn, Trâm giảm bớt tốc độ, rồi lái qua trái để rẽ vào bãi đậu nằm trước dãy phố buôn bán của khu chung cư. Chị thong thả bước xuống xe và đứng ngắm mấy cửa hiệu. Những căn nhà một tầng sơn màu hồng nhạt như đang chờ đợi chị, chào mừng Chị, gần gũi và thân mật. Chị có cảm tưởng như mình chưa bao giờ rời khỏi nơi này, và chiều nay, cũng như mọi buổi chiều khác của những năm tháng trước, khi đi làm về, Chị ghé vào siêu thị để mua thực phẩm cho bữa cơm tối. Trâm nhìn kỹ lại. Chi nhánh ngân hàng Wells Fargo, tiệm giặt ủi, phòng du lịch, tiệm hớt tóc, tiệm bán rượu, tiệm bánh ngọt... vẫn còn đó với những đường nét, màu sắc hầu như không thay đổi. Cả bầu không khí thương mãi cũng y nguyên như ngày trước. Nó vẫn thanh tĩnh, hiền hòa, không rộn rịp, tưng bừng như ở những nơi khác. Dưới ánh nắng dìu dịu của một chiều đầu xuân, như những kẻ nhàn du, vài ba khách bộ hành lặng lẽ lướt qua trước các cửa hàng.
Trâm cũng chậm rãi, ung dung cất bước. Chị tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi, ít ra là trong giờ phút này. Sau một năm làm việc không ngừng tại một bệnh viện, Chị vừa xin nghỉ một tuần, và chiều nay, Chị quyết định trở về thăm căn nhà mà hai năm trước Chị đã thuê trong cư xá này. Hành động ấy thật đơn giản và dung dị, nhưng tại sao Chị cứ chần chừ mãi, và đợi cho đến chiều nay Chị mới thực hiện được? Cũng không phải vì Chị quá bận rộn hay lười biếng. Chị vẫn nghĩ rằng sớm muộn gì Chị cũng phải, dù chỉ một lần, trở lại chốn cũ để thỏa mãn một nhu cầu tình cảm. Nhưng Chị ngần ngại vì chưa muốn thử thách mình. Nhưng chiều nay, chiều nay...
Từ ngày, vào một buổi sáng hè, lúc thành phố vừa tỉnh giấc trong màn sương trắng đục, Chị dọn bàn ghế, áo quần, sách vở... ra khỏi những bức tường vàng nhạt của căn nhà, Chị không bao giờ quên nó. Chị mến cái không khí yên tĩnh của khu vực này, thích căn nhà xinh xắn nhìn ra một bãi cỏ rộng và gồm một phòng ngủ vừa đủ cho hai Vợ Chồng son và một phòng khách rộng rãi. Khu chung cư rộng lớn này thuộc quyền sở hữu của một công ty. Chị chỉ cư trú ở đây trong một thời gian rồi ra đi. Nhưng giữa Chị và căn nhà thuê có một sự gắn bó mật thiết. Chị đã sống ở đây sáu năm, kể từ ngày lập gia đình với Mẫn, sáu năm vui tươi và đầm ấm của đời sống lứa đôi. Chiều nay, Trâm hy vọng tìm lại hương vị của những ngày cũ hình như đang phảng phất đâu đây.
Chưa muốn hướng về phía bãi cỏ để đến căn nhà cũ, Trâm bước lên mấy bậc cấp và đi dọc theo vỉa hè dài trước mấy căn phố nối liền nhau. Chị bỗng ngạc nhiên không tìm thấy tiệm thuốc Tây quen thuộc ở địa điểm cũ. Thay vào đó là một gian hàng cho thuê phim truyện và ba (ng video nằm sau một tấm bảng hiệu lớn và những tấm quảng cáo nhiều màu sặc sợ Những cảnh trong phim, những bức chân dung phóng đại của các diễn viên được dán đầy trên tấm kính rộng của mặt trước gian hàng. Những hình ảnh lộ liễu, những màu sắc lòe loẹt ấy ngày trước không có ở đây. Chúng không thích hợp với môi trường trầm lặng cố hữu của khu vực này. Và chúng như muốn lôi kéo Trâm đến một nơi khác ồn ào hơn, náo nhiệt hơn.
Tiệm thuốc Tây thanh lịch đã biến mất rồi. Không còn mấy tủ kính kê sát tường với những hộp thuốc xếp ngay ngắn trên những ngăn dài. Cũng không còn những chiếc tủ thấp nằm ở giữa phòng và bày bán mỹ phẩm và nữ trang. Và nhất là không còn mùi nước hoa quyến rũ tỏa ra khắp phòng như hương thơm huyền hoặc của hoa dạ lý. Trâm cảm thấy như vừa đánh mất một vật quý giá liên hệ đến một quãng đời của mình. Mùi hương không thay đổi của hiệu thuốc Tây đã bền bĩ thấm vào những ngày Chị sống trong chung cư này. Nó đã trở thành một biểu tượng của quá khứ. Như một cánh chim trời, nó đã tung cánh bay xa, đã mất hút hẳn rồi.
Trâm bỗng giật mình lo sợ và bất giác đứng hẳn lại. Nếu Chị không bắt gặp được những hình ảnh, màu sắc và hương vị cũ, và nếu khung cảnh của căn nhà cũng đổi khác, thì Chị khó mà tìm lại vang bóng của những ngày qua, sẽ không tái tạo được bầu không khí cũ, không sống lại những cảm xúc của một thời. Chị sẽ bị hụt hẫng và lạc lỏng trong một không gian mới : Chị sẽ không đạt được mục đích chiều nay của Chị. Chị xót xa cố gắng hình dung lại quá khứ, cái quá khứ nhỏ nhoi của riêng Chị. Chị thường bám víu vào nó. Nhưng chiều nay, chiều nay...
Trâm chưa thất vọng. Chị sẽ vận dụng khả năng hồi tưởng. Ánh nắng nhạt chiều xuân, mấy đám mây xám đang dàn mỏng ra, cơn gió nhẹ đưa như vuốt ve đôi má Chị, tiếng xe hơi chạy rì rầm ngoài đại lộ 38... tất cả chắc hẳn sẽ tác dụng vào tâm trí Chị, và sẽ khuyến khích Chị. Trâm lại cất bước. Chưa vượt qua hết hiệu cho thuê phim, Chị đã nhìn thấy cái công viên nhỏ nằm giữa gian hàng này và dãy siêu thị ở cuối dãy phố. Vẫn mặt nền rải sỏi đỏ, vẫn mấy gốc tùng xanh tươi quanh năm, mấy chiếc ghế xi măng xám và hai máy điện thoại công cộng gắn vào bức tường ngoài cửa siêu thị. Chị bỗng thấy an tâm. Con đường hẹp và ngắn trong công viên có vẻ mời mọc và như muốn níu chân Chị lại. Nhưng Trâm tiếp tục đi qua siêu thị để đến bãi cỏ dài của công viên chia đôi khu chung cư.
Trâm chọn một cái ghế xi măng kê ở cuối bãi cỏ, gần một cột đèn điện. Bên kia con đường, ngay trước mặt Chị, là căn nhà cũ của Chị. Nó bình thản đứng đó, sau một cây hoa chổi đã bắt đầu nở những chùm hoa đỏ tươi. Nó là căn giữa của một đơn vị hai tầng gồm bốn căn. Tường vẫn giữ nguyên màu vàng nhạt. Cánh cửa ra vào vẫn mang con số 32 bằng đồng. Hai chậu hồng nhung với những đóa hoa đỏ thắm được đặt hai bên tam cấp dẫn vào nhà. Qua tấm màn ở phòng khách đã được cuốn lên, Trâm nhìn thấy một tủ kính cao và một bức tranh lớn treo trên tường.
Sau tấm cửa gỗ màu nâu ấy, sau khung cửa kính trong suốt ấy, Trâm đã trải qua những năm tháng quan trọng của cuộc đời mình. Chính trong thời gian cư ngụ trong căn nhà này, Chị đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm và đáng ghi nhớ hơn hết, Chị đã bắt đầu sống với Mẫn. Mẫn không phả i là người yêu thứ nhất của Trâm. Nhưng Anh hiểu Trâm hơn ai hết. Anh có cái nhìn xoáy sâu vào lòng người và rất nhạy cảm với tâm sự của bạn bè. Có một quan niệm phóng khoáng về cuộc đời, Anh rất có độ lượng. Nhưng đối với Trâm, điều đáng kể hơn cả là, giữa cuộc sống phức tạp trên đất Mỹ, Trâm tìm thấy ở Mẫn một niềm tin tưởng. Bên cạnh Mẫn, Trâm cảm thấy an tâm, như một con tàu nằm yên trong một vịnh kín đáo, mặc cho sóng gió gào thét và đe dọa ở ngoài đại dương. Tháo vát, Mẫn đã giúp Trâm giải quyết những khó khăn lớn nhỏ của cuộc sống, từ việc mua sắm đồ dùng trong nhà cho đến việc chọn một nghề thích hợp. Và Trâm đã dựa vào Mẫn, sống bám vào Mẫn. Cùng với Mẫn, Chị lao vào dòng đời, sôi nổi sống, như không muốn để mất một giây phút nào.
Lách ra khỏi một đám mây bồng bềnh, mặt trời từ từ nghiêng xuống sau dãy nhà dài. Gió đã trở lạnh. Trong công viên, vài cụ già đang đi bách bộ. Cuối con đường nhỏ rạch đôi bãi cỏ, một người đàn ông đứng tuổi ôn lại mấy động tác của một bài thái cực quyền. Xa hơn chút nữa, vài ba em nhỏ nhanh nhẹn đuổi theo một quả bóng.
Nghe tiếng giày giòn giã bước nhanh, Trâm quay nhìn về bên tráị Một dáng người quen thuộc tiến đến gần. Trâm vụt đứng lên:
- Wendy !
Hai người ôm chầm lấy nhau, bốn cánh tay xiết chặt người nhau. Wendy tươi cười :
- Lâu lắm mới gặp lại Chị.
- Chị bình an chứ ?
- Cũng thường.
- Chị tiếp tục ở trong cư xá này. Vẫn căn nhà 34 ?
- Vâng. Ở đây quen rồi, không muốn dọn đi nơi khác.
- Còn phòng uốn tóc và làm móng tay ?
- Tôi vẫn duy trì tiệm ấy ở đường Irvine.
- Và ông xã ?
- Anh ấy được chuyển qua làm việc cho một khách sạn ở Oakland. Năm ngoái, bọn tôi có thêm một cháu trai.
- Mừng cho Chị. Thế là hai đứa rồi. Ðã đủ chưa ?
- Một trai, một gái là vừa đủ rồi.
Trâm nhìn kỹ Wendy. Vẫn dáng người cao, mảnh khảnh với nước da trắng và đôi mắt nhỏ lanh lợi. Wendy già hơn trước, nét mặt khô cứng lại, vết nhăn hai bên mũi trông rõ và sâu hẳn ra. Trâm hỏi tiếp :
- Chị có tin nhà từ Ðài Loan không ?
- Cám ơn Chị. Gia đình được bình an. Mẹ tôi sắp qua đây chơị
- Thế thì hay lắm. À, bà Vicky còn ở đây không ?
- Chị không biết sao. Bà ấy mất đã gần một năm rồi. Bị ung thự. Tội nghiệp ! Ngã bệnh được hơn sáu tháng thì mất. Bà ấy thật vui tính. Hồi trước, cũng quen thân với Chị lắm.
Trâm bàng hoàng nhớ lại mái tóc bạch kim óng ả, giọng nói sang sảng và lối kể chuyện dí dỏm của bà Vicky. Hai Vợ Chồng Trâm đi làm suốt ngày, nên Trâm thường nhờ bà nhận dùm các bưu kiện. Mỗi lần Trâm đi làm về, bà đem gói hàng qua cho Trâm :
- Tôi có quà cho Chị đây.
Bỗng Wendy nắm lấy tay Trâm :
- Xin lỗi Chị, tôi phải đi đón cháu nhỏ. Lần sau, mời Chị ghé lại nhà chơi, chúng mình sẽ nói chuyện nhiều.
Wendy đi rồi, Trâm cảm thấy nhẹ nhỏm : người bạn hàng xóm ngày trước ấy không nhắc nhở gì đến Mẫn. Trong lúc vội vàng, Chị ấy quên không hỏi đến hay Chị ấy tế nhị...
Bóng chiều phủ xuống bãi cỏ rộng của công viên và như trìu mến ôm lấy hai vai Trâm. Chị quay lại và ngồi trên chiếc ghế xi măng, nhắm mắt lại. Trong tiếng xe từng đợt vang vọng ngoài đại lộ, trong tiếng gió hiu hắt, những hình ảnh cũ lần lượt kéo về, chập chờn trong ký ức. Ngôi nhà cổ kính thiếu ánh sáng ẩn mình trong một khu vườn rậm rạp dưới những trận mưa dài lê thê trong mùa đông rét mượt của xứ Huế. Ngôi biệt thự màu hồng sáng lên sau đám lá xanh mướt của mấy cây thông già hùng vĩ trên một ngọn đồi Ðà Lạt. Ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm sâu trong một con hẻm nối liền với đường Phan Thanh Giản ở Sài Gòn. Và khu cư xá yên tĩnh này... Những hình ảnh ấy sáng chói lên, rõ nét dần trong đầu Chị và kéo theo những mẫu đời ngày trước. Những ngày đầm ấm và êm ả giữa đại gia đình ; những ngày ảm đạm đầy lo âu của giai đoạn mới định cư trên đất nước này và những ngày rực rỡ như ánh nắng hè của mối tình sôi nổ i đưa đến hôn nhân... Rồi sau đó... Trâm úp mặt vào hai bàn tay mở rộng, đầu cúi xuống. Những chuỗi hình ảnh Chị vừa gợi lên bỗng chìm sâu vào một màn đêm âm u. Chị không đuổi theo kịp nữa. Chị cố gọi về trong tâm thức nhưng không thể nào phục hồi và cho thấm vào giác quan cái hương vị đằm thắm của hiệu thuốc Tây, hương vị của những năm tháng Chị sống trong cư xá này. Wendy đã có thêm một đứa con. Bà Vicky đã hoàn tất cuộc hành trình cuối cùng trên trái đất này. Nhưng còn Trâm?
Chị bỗng rùng mình lo sợ, lo sợ cho ngày mai của mình. Thực tế chua xót đã trở về với Chị. Nhưng Chị muốn chiếu thẳng cặp mắt mình vào mặt nó. Trâm ngẩng đầu lên, cố nhìn lại căn nhà cho thật kỹ, như để thách thức nó. Trong khoảnh khắc, nó hiện ra rõ nét trong bóng hoàng hôn xám đục rồi đột ngột bốc cháỵ Ngọn lửa lan rộng ra, bùng lên cao, nửa vàng nửa đỏ, sáng rực và nóng gắt. Có lúc nó muốn vượt qua mặt đường và ôm trùm lấy Trâm. Ðất đá ầm ầm phun lên như từ một ngọn hỏa diệm sơn vừa phát nổ. Một lát sau, chỉ còn lại một đống tro bụi và gỗ đá phủ đầy mặt cỏ. Trong hai năm vừa qua, lạc loài trong cuộc sống, Trâm cố gắng chấp nhận nó và vươn lên khỏi nỗi đau khổ của mình. Nhưng chiều nay, Chị như bơ vơ trong một sa mạc khô cằn, đầy ác ý và cạm bẫỵ Chị nhắm mắt lại và muốn quên, quên tất cả. Nhưng Chị biết rằng Chị nhớ rất rõ, nhớ tất cả.
Chính trong căn nhà đổ nát, cháy tàn rụi này, Mẫn đã bỏ Trâm trơ trọi một mình, ra đi với một người đàn bà khác, một người bạn thân của Trâm...

______________

Chuyện kể trên đồi cam

1.
Cuối mùa hè rồi, tôi đem đứa con gái nhỏ xuống Cali. Thật ra, có lẽ tôi phải nói là dọn sang Cali mới đúng. Con tôi năm nay được tám tuổi. Bataan nói với tôi là con nhớ mẹ. Tôi hiểu điều đó nhưng đành chịu, không biết cách nào giải thích cho con.
Bataan là đứa con duy nhất của chúng tôi. Tôi lấy Nga cuối năm bẩy chín sau khi ở trại học tập cải tạo ra. Nga là em gái của một người bạn cùng trại tù với tôi. Anh ấy tên Ðông... Ðầu năm bẩy chín tôi bị đưa về Hàm Tân rồi được thả, còn Ðông bị đẩy ra Bắc.
Tôi đến thăm gia đình Ðông ngay khi ra khỏi tù. Ba má Ðông đã già. Ðó là một gia đình người Nam, rất Nam kỳ quốc. Lần đầu tiên gặp ba Ðông, tôi thấy ông mặc một bộ đồ bà ba trắng, đeo kính lão loại tròn như hai chữ O, thòng xuống sống mũi. Ông ưa nói chuyện thời sự thế giới và tình hình chính trị hơn là hỏi về con trai mình. Má Ðông thì rất ít nói. Bà chỉ lặng lẽ khóc khi dọn cơm cho tôi ăn và gợi tôi kể chuyện tù, thỉnh thoảng hỏi đôi câu về đời sống tù của Ðông. Bà nhắc những tật của Ðông như nói lắp, ưa cãi và làm biếng. Tôi cho bà biết Ðông tuy bệnh nói lắp vẫn còn, nhưng không phải là người ưa cãi. Anh ấy nhiều lúc im lặng như hòn đá. Còn cái tật làm biếng thì anh ấy nổi tiếng khắp trại. Ðông chỉ hay nói một câu mà tôi còn nhớ đời ”Cái ông gì gì đó cho rằng nếu phải nhổ một sợi lông chưn mà làm thay đổi cả thế giới thì ổng cũng không nhổ. Còn tao, thế giới nó đang thay đổi tao, mắc mớ gì tao phải nhổ lông chưn chớ!” Tôi được ăn một bữa cơm gia đình ngon không thể tưởng. Món mắm và rau của người Nam, tôi đã từng nhiều lần thưởng thức, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ngon như hôm đó. Có lẽ thấp thoáng giữa câu chuyện trong tù- ngoài đời, tôi được hỗ trợ bằng đôi mắt trong sáng của Nga. Nga lúc đó mới mười tám tuổi, còn tôi đã ba mươi. Một tháng sau, chúng tôi lấy nhau.

2.
Ðầu năm tám mươi chúng tôi vượt biên. Vàng bỏ ra mua chuyến đi cho hai đứa là của gia đình Nga. Tôi có gì đâu. Cuộc hải trình rất là thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi đến Phi Luật Tân, lên đảo Palawan, sau đó chuyển sang Bataan.
Tại đây Nga sanh cháu gái mang tên của trại tạm cư này. Chưa đầy một năm sau chúng tôi đi Mỹ. Người bảo trợ có bà con xa bên phía tôi. Nga chỉ muốn đi Mỹ, chớ không chịu đi Pháp, mặc dù Nga còn có mấy ông anh bà chị đi du học bên đó từ trước bẩy lăm.
Suốt gần bảy năm trời ở Virgina, tôi chỉ có một địa chỉ duy nhất, đó là căn nhà thuê trên đường Năm Mươi, thành phố Falls Church. Tôi làm đủ thứ nghề, nhưng không nghề gì ra nghề gì. Từ ”nghề” (tôi sợ mình lạm dụng chữ nghề này lắm) đi nhét giấy quảng cáo bán nhà cho một cơ sở địa ốc, cho đến ”nghề” thợ sơn, ”nghề” thợ điện vịn, ”nghề” lau chùi các cửa hàng trong khu thương xá người Việt, ”nghề” hầu bàn cho một tiệm ăn Tàu... ” nghề” gì tôi cũng làm. Tôi vẫn nghĩ bụng, tưởng đã chết rục trong tù, sống thế này đã là hạnh phúc lắm rồi! Chỉ có một điều cần làm là đi học ngay tiếng bản xứ thì tôi lười biếng. Có thể tôi vốn là thằng sợ chữ nghĩa. Từ nhỏ tới giờ tôi chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách mà không ngủ gà ngủ gật. Nga trông cháu Bataan khi tôi đi kiếm tiền và khi tôi trở về mệt mỏi với những thứ công việc tay chân thì cô ấy giao cho tôi một công việc nhẹ nhàng khác là giữ con cho cô đi học. Nga học giỏi, đọc báo đọc truyện một cách say mê, nói tiếng Anh lưu loát, hội nhập đời sống Mỹ nhanh. Cô tốt nghiệp ngành điện toán về thảo chương trình. Ðó là Nga dịch ra cho tôi như vậy về chữ Computer Programmer.
Căn nhà chúng tôi ở ngó ra đường Năm Mươi. Ðó là một con đường khá nhộn nhịp. Nó chạy thẳng qua thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, nơi mà tôi đã từng nghe tiếng khi còn ở Sài gòn. Hai cha con tôi lúc rãnh rỗi có dịp vào xem các viện Bảo tàng Mỹ thuật. Hoa Thịnh Ðốn vĩ đại với những tượng đài và cả lịch sử hình thành của nó. Con sông Potomac mùa đông đóng băng. Chim chóc đi lại trên đó như đi trên đất liền. Mùa thu ở Virginia thì khỏi nói. Nó còn đẹp hơn trong tranh vẽ nữa kìa.

3.
Nga là một người vợ dễ thương. Cô ấy ít nói. Tôi thích người đàn bà ít nói. Cô ấy lại dịu dàng, chiều chồng và thương yêu con. Bao giờ cũng vậy tủ lạnh nhà tôi đầy bia và đồ nhậu. Nga không bao giờ để tôi phải đòi hỏi một thứ gì. Mà thật ra tôi không biết mình muốn gì để mà đòi ngoài tình yêu của vợ con. Tôi đang có một đời sống thần tiên so với những ngày trong tù cải tạo. Tôi tự do đi đứng. Tôi lao động có tiền, dù là số tiền ấy hơi khiêm tốn. Tôi có trong tay một người đàn bà thông minh, xinh đẹp và dịu dàng. Và tôi còn có một đứa con gái ngoan. Bataan luôn miệng nói con yêu cha nhiều hơn yêu mẹ.
“Tại sao?”
“Không biết!”
Bataan trả lời bằng tiếng Mỹ, lên giọng xuống trầm êm tai lắm.
Sau cùng Nga cũng tìm được một việc làm ở bên Ði Xi. Một việc làm nhẹ nhàng nhưng lương bổng hậu. Người chủ đối xử với Nga khá tốt. Nga ăn mặc rất hợp thời trang. Tôi có cảm tưởng như mỗi ngày Nga một đẹp hơn. Cái cảm tưởng ấy càng làm tôi thấy mình hạnh phúc hơn.
Ở Hoa Thịnh Ðốn có nhiều người da đen nghèo. Mùa đông năm rồi, có một người da đen nằm chết cóng trong nhà lồng bằng sắt giữa một công viên đầy hoa ngay phía trước Tòa Bạch Ốc. Nhưng một số người Ðại Hàn và cả người Việt Nam nữa thì lại khá thành công về mặt thương mãi. Lương bỗng thì ai cũng rõ, Nga hơn tôi nhiều. Tay hòm chìa khóa cô ấy nắm hết. Ðôi khi Nga đùa nói với tôi lương anh không đủ cho en mua son phấn quần áo. Tôi chỉ biết cười.
Tôi đi lính năm hai mươi tuổi. Ở tù bốn năm, lấy vợ khi chẳn cái tuổi ba mươi. ” Tam thập nhi lập”, cha tôi hay nói như vậy. Nhưng tôi có ”lập” được cái gì đâu. Những ngày ra tù sống lông bông lêu bêu trên hè phố nhiều hơn là trong nhà. Không có ”hộ khẩu” không có công ăn việc làm. Tôi là kẻ sống ngoài lề xã hội mới. Công an phường đưa giấy cho tôi, bắt đi kinh tế mới. Kinh tế mới? Ðó là những căn chòi xác xơ, nằm bên một con kinh đào khô nước. Nhìn quanh quất tứ bề chỉ thấy khổ nhục. Ngay cả những nụ cười cũng chỉ là gượng mà thôi.
Gia đình Nga đã cho tôi một đôi đũa thần tiên là Nga. Tôi bỏ lại sau lưng cuộc chiến tranh mà tôi đã từng tham dự. Tôi xin Nga hai tháng một lần cho tôi đóng thùng quà gởi về cho Ðông hiện đang ở trong một trại cải tạo trong Nam. Nga không phản đối (tất nhiên Ðông là anh ruột cô ấy chớ đâu phải anh ruột tôi) nhưng cô ấy có vẻ không vui. Tôi thì tứ cố vô thân. Gia đình không còn ai. Cha mẹ tôi đã chết từ năm Bẩy Hai. Tôi còn một bà chị, nhưng chị đã biệt tích từ năm Bảy Lăm.

4.
Một buổi tối cuối tháng Tám, tôi từ sở làm trở về (tôi đang làm việc lau chùi một khu thương xá người Việt có tên là Eden), Nga đón tôi ở cửa. Cô ấy ăn mặc đẹp và gọn như một người chuẩn bị đi xa. Tôi ngạc nhiên lắm. Nếu có người nào tình cờ thấy hai chúng tôi có lẽ họ khó mà nghĩ chúng tôi là một cặp vợ chồng. Tôi xuề xòa quá. Mà không xuề xòa cũng không được. Ði lau chùi sàn nhà, cửa kính cho người ta mà ăn diện như làm thư ký văn phòng thì coi sao phải, nhưng rõ ràng là Nga ăn mặc đẹp hơn thường lệ. Mà thường ngày thì cô ấy cũng đã diện lắm rồi. Áo quần, giầy dép vòng đeo bông tai, nước hoa, không thứ nào có trên người Nga mà không phải loại khá đắt tiền. Hôm nay Nga như một người mẫu trong một buổi trình diễn thời gian.
“Em muốn nói chuyện với anh”
Nga đặt cả hai tay lên vai tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi nói nhỏ nhẹ có phần âu yếm hơn thường lệ.
“Em làm gì mà quan trọng dữ vậy?”
Tôi hỏi mà vẫn không hiểu gì hết.
“Em có việc phải đi xa một thời gian”.
Nga nói như thể tôi và cô ấy chỉ là hai người chưa hề sống chung với nhau, chưa hề có với nhau một đứa con, chưa hề là vợ chồng.
“Ði xa? Mà em đi đâu?”
“Anh không cần biết em đi đâu. Mà anh muốn biết, em cũng không nói đâu”.
Tôi gỡ tay Nga ra, đến ngồi xuống ghế ở bàn ăn bên nhà bếp... Nga đến ngồi đối diện với tôi. Cô đưa tay lên coi đồng hồ.
“Chừng nửa giờ nữa em sẽ lên phi trường Dulles. Anh sẽ không hỏi gì em, phải không?”
Tôi còn biết hỏi gì.
Nửa giờ sau có tiếng chuông cửa, Nga bật dậy. ” Bataan đang ngủ, anh đừng làm con thức. Anh trông con giùm em”.
Nga ôm mặt tôi hôn nhẹ nhàng như một người em gái hôn anh.
Như vậy đó chúng tôi chia tay.

5.
Cali đang mùa Thu.
Hồi đầu tháng Chín, khi hai cha con tôi vừa đặt chân tới Cali, trời nóng dễ sợ. Tôi nghĩ chắc là mùa hè sắp đến, nóng một trận chia tay để đi vào mùa Thu. Nhưng dân Cali thì nói khác. Họ cho rằng Cali sắp động đất. Bao giờ cũng vậy trước khi có động đất đều có một trận nóng dữ dội như vậy. Nó báo hiệu cơn thiên tai mà người dân Cali sẽ phải gánh chịu, vì sự phồn thịnh quá đáng của nó.
Ðộng đất đối với dân Cali là một người khách không được mời, nhưng người chủ nhà biết rõ là họ đang phải chờ đợi. Bởi vì trước sau gì ông khách quý ấy cũng sẽ đến.
Mấy bữa nay thực sự là Cali đang đi trong mùa Thu.
Buổi sáng đôi khi có sương mù, đôi khi có chút mưa phùn rẩy nhẹ bụi nước trên đầu trên tóc. Ðêm... đôi lúc trời mù sương lái xe phải mở to mắt lên mà nhìn nếu không muốn bị tai nạn hay bị lạc đường. Trời sáng trưng mà tôi còn bị lạc đường, nói chi là lái xe trong sương mù.
Bataan đã đi học. Tôi vừa xin được một việc làm cắt cỏ do một ông người Việt làm chủ. Bạn tôi bây giờ là những người Mễ. Cũng như tôi, tiếng Anh họ dở lắm. Tôi tin là nghề cắt cỏ có thể ở với tôi lâu được. Ít ra là lâu hơn thời gian tôi sống với Nga.
Những giờ rãnh rỗi tôi thường dẫn Bataan ra chợ Việt Nam lượm báo biếu đọc. Tôi thấy người Việt ở đây giàu có quá. Hơn trên Virginia, Hoa Thịnh Ðốn và Maryland nhiều. Tôi cũng biết thêm nhiều tin tức về Việt Nam. Tôi hi vọng Ðông đã ra khỏi tù cải tạo, và sẽ được đi Mỹ định cư theo một thỏa ước nào đó giữa Hoa Thịnh Ðốn và Hà nội.
Trong giấc mơ, Bataan thường kêu mẹ ơi, mẹ ơi. Tôi thì không thấy gì hết. Tôi nghĩ rằng Nga đang hạnh phúc ở một nơi nào đó với một người nào đó. Người nào có được trong tay một người đàn bà kiểu đó mà không hạnh phúc! Nhiều lúc ngừng tay cắt cỏ, tôi giật mình tự hỏi không biết tôi đang ở đâu và có thiệt là tôi đã từng có một người đàn bà sống chung mà xã hội gọi là vợ không?
Buổi sáng dậy sớm, nhìn Bataan còn ngủ say trên giường, tôi thấy sao nó giống Nga cách gì. Tôi tự an ủi mình là tôi đâu có mất gì. Tình yêu vợ đã mất, nhưng tình yêu con đã thay vào. Trước kia hai người sống với nhau, bây giờ cũng vẫn hai người. Biết đâu chừng, nếu Nga còn sống trong nhà, lại thừa ra một người chăng. Vả lại, từ ngày chia tay đến nay, tôi không hề nhận được thư từ hay điện thoại gì của Nga. Nhiều khi tôi nghĩ hạnh phúc làm người ta mất trí nhớ. Quên như Nga không chừng cô ấy hạnh phúc. Tôi không mong cô ấy gọi tôi. Yêu người nào là muốn điều tốt cho người đó. Chỉ có nỗi đau khổ và bất hạnh mới làm Nga nhớ đến hai cha con tôi.
Tôi đâu có muốn vậy.
Dù sao đôi khi tôi vẫn nghĩ là sống như thế này vẫn hơn.
Nhưng mà Cali mấy hôm nay nóng thiệt là nóng.
Không chừng động đất tới nơi.
Tháng Tám, 1986

_____________

Em bé đứng chờ xe ở ngã tư

Mấy tháng sau cùng của năm học, sáng nào chở con tới trường tôi cũng nhìn thấy một bé gái đứng chờ xe ở ngã tư đường Washington và Oregon, thành phố Milpitas. Em chừng 13, 14 tuổi, da nâu, tóc đen, ngắn, khô và hơi xơ xác, quần áo của em như những đứa trẻ cùng lứa giống nhau, đơn sơ giản dị. Em gầy ốm, mắt nhỏ, sóng mũi thấp. Rõ ràng em có khuôn mặt của người Á châu. Nhưng tôi không rõ em là người Nhật hay người Hoa, người Ðại Hàn hay người Thái Lan. Em cũng có thể là người Phi Luật Tân. Mà sao không phải là người Việt? Milpitas nhiều người gốc Á hơn là dân bản xứ. Ðông nhất là dân Phi, Nhật và Ấn. Người Việt cũng đông, nhưng tôi không nghĩ là đông hơn ba sắc dân kia. Vậy mà đi đâu, nhìn đâu tôi cũng thấy người Việt. Mười ba năm ở Quận Cam, tôi bơi lội giữa người Việt. Nói năng đi đứng, suy nghĩ như một người đang sống ở Sài Gòn. Quán cà phê, tiệm ăn, nhà sách, tiệm chạp phô, quần áo, âm thanh, mùi vị,... chỗ nào cũng là Việt Nam. Sài Gòn trên mỗi bước chân. Trong từng hơi thở. Quận Cam không ai quá nghèo, cũng không ai quá giàu. Là tôi nghĩ thế. Cũng có thân tình và lạnh nhạt. Cũng có đố kỵ và tử tế. Cũng có đen và trắng. Cũng có bọn giả hình và người chân thật. Ðâu mà chẳng vậy. Nhưng tôi biết những ngày buồn tôi sẽ đi đâu. Ðến nhà một người bạn nào tôi sẽ được uống một tách trà, nghe những câu chuyện đáng nghe. Ðến quán cà phê hay tiệm ăn nào tôi sẽ gặp được người tôi muốn gặp. Tôi thật là một người may mắn. Nhiều người ở tiểu bang khác đến chơi bảo tôi, tới Bolsa thăm bạn bè ở vài ngày thì được, chứ ở lại thì không bao giờ. Tôi hỏi tại sao? Người ta bảo: Bolsa bon chen quá. Người ở đó một là vái nhau hai là đổ rác vào đầu cổ nhau. Không thích.
Tôi đồng ý, nhưng tôi cũng nghĩ đâu mà chẳng thế. Bọn tưởng là quý tộc còn tệ hơn. Cái thế giới trưởng giả giàu sang có những quy luật của nó. Tôi không quen. Rồi tôi dọn lên San Jose, Bắc Cali. Vậy mà cũng đã gần ba năm. Nơi tôi làm việc có khoảng 1,500 người. Số nhân viên người Việt chừng hai chục. Tôi thấy có cả những người gốc Á khác: người Hoa, người Phi, người Nhật và người Ấn. Nhưng cũng chỉ là một tỉ lệ nhỏ thôi. Chúng tôi gặp nhau trên hành lang, chào hỏi nhau buổi sáng, buổi chiều, cuối tuần đầu tuần. Tôi đã học được cách cười, cách nói cách nghĩ trong một khung cảnh mới. Những người trẻ Việt nói tiếng bản xứ trôi chảy. Những người lớn tuổi nói tiếng Việt dễ dàng. Công việc của tôi cũng thường. Không có gì khó, cũng không hẳn là dễ. Chỉ là nghề nghiệp. Một thói quen mới làm dần, học dần, trở thành cái máy. Thì cũng là những người tốt và người xấu,. Những người chơi được và những người chơi không được. Cũng có bọn giả hình. Cũng có người lương thiện. Ðâu mà chẳng thế!
Thung lũng điện tử nhiều người giàu, nhưng thành phố Milpitas, khu tôi ở, không ai giàu như nhiều người ở xa vẫn nghĩ. Thê thảm hơn là gần nửa năm nay, thung lũng không vui, nhiều người mất việc, nhiều cửa tiệm ăn uống không còn cảnh xếp hàng rồng rắn như trước. Nhà treo bảng bán suốt mấy tuần vẫn còn nguyên. Trước kia người ta hay nói pay-off bây giờ người ta chỉ nói lay-off. Trước người ta nói "anh có biết mỗi ngày thung lũng có thêm mấy nhà triệu phú không", bây giờ người ta nói mỗi ngày có bao nhiêu người dọn nhà ra khỏi thành phố. Trước kia người ta nói tên những hiệu xe đắt tiền và những ngôi nhà trên núi. Bây giờ người ta đi mua xe cũ và bán nhà.
Tôi vẫn chưa khám phá ra vẻ đẹp của vùng đất này. Tôi chỉ nhìn thấy những dãy núi buổi chiều vàng óng một phía mặt trời. Tôi chỉ thấy những xa lộ không lớn lắm, bảng chỉ đường rắc rối và những lối ra lối vào hơi nguy hiểm. Tôi cũng đã chạm vào những người tưởng là mình vĩ đại nhưng thực chất cũng chỉ là những kẻ tầm thường. Cũng xoàng thôi. Thật không may cho tôi, sao tôi cứ gặp mãi những khuôn mặt rất ít nụ cười! Và em bé đứng đợi xe ở ngã tư đường làm tôi nghĩ ngợi. Mỗi sáng của năm ngày trong tuần, tôi luôn nhìn thấy em. Có phải ba của em vừa mất việc? Hay ba mẹ em sạt nghiệp vì stock? Có phải gia đình em gặp tai nạn. Tôi nghĩ là nhà em nghèo? Một người Phi Luật Tân nghèo. Tôi đã ở đảo Bataan bên Phi tám tháng. Tôi không biết người Phi nghèo ở Manila ra sao, nhưng tôi biết người Phi ở Bataan nghèo hơn những người tị nạn. Những người tị nạn vốn đã đồng nghĩa với sự "khố rách áo ôm", người Phi ở Bataan còn khố rách áo ôm hơn. Những người bán hột vịt lộn rong buổi tối đi len qua cửa sau của những căn trại của người tị nạn rao hàng giọng buồn thảm, những người bán rượu lậu trong những căn nhà lợp lá cây xác xơ. Những người Phi hiền lành chân chất và tử tế. Tôi thấy mình gần gũi với họ hơn là những con người lúc nào cũng sắc mắc về một cái cà vạt, một bộ quần áo đúng kiểu. Tôi là một người nhà quê. Cái thứ người tưởng là thành phố mà trời ơi sao nó cải lương đồng bóng [nói như thế là đã xâm phạm cải lương rồi!].
Tôi càng không phải và không bao giờ là một nhà trí thức. Mấy ngày nay tôi có tình cờ đọc được một đôi bài bàn về trí thức. Có bài đàng hoàng, nặng về học thuật. Có bài biểu lộ sự khoa bảng và sự đọc, nhưng cũng có bài nói như một chị đứng giữa chợ Ðồng Xuân vén váy lên mà rủa sả vào mặt người khác. Tôi có học đôi ba chữ để đọc để viết. Mẹ tôi không học chữ nhiều. Cha tôi chỉ học ở đời sống. Tôi học được lòng nhân của mẹ. Tôi cũng học được cái triết lý của cha: không có gì lớn mà không bị một cái lớn vượt qua, không có gì đẹp mà không bị cái đẹp khác lấn át. Cái mình biết bao giờ cũng rất nhỏ. Cái mình tưởng là chân lý, đôi khi chỉ là một hạt bụi thôi. Cái bọn dởm cứ điệu đàng nhờ có đôi chút kiến thức sách vở tưởng rằng mặt trời đang ở trong tay. Tội nghiệp! Một lời nói nặng bị dọng vào tai, nghe không khỏi bực mình nhưng bài học cho biết phải quên đi ngay sau đó, để cái khoảng trống trong lỗ tai chứa những lời tử tế. Một chữ viết sai làm ta khó chịu rồi cũng phải để qua một bên còn lo viết cho đúng những chữ sắp tới. Hiền lành không bao giờ đồng nghĩa với sự ngu dốt. Làm thinh không phải là không biết nói. Bất bạo động không phải là không có khả năng tấn công. Tôi biết thế nào là một đứa trẻ bụi đời. Tôi từng là một đứa trẻ như thế.
Tôi nhớ tới em bé đứng chờ xe ở ngã tư đường. Những hôm trời nắng hay trời mưa, trời có sương mù lạnh hay trời trong và ấm, em đứng đó, chiếc cặp trên vai, yên lặng nhìn những chiếc xe đi qua. Xe tôi thường hay ngừng chỗ ngã tư, nhường xe đến trước đi trước. Tôi thấy em có đôi mắt buồn. Quá buồn. Da mặt em tái xanh. Có vẻ như em không còn mẹ. Bà mẹ nào mà chẳng lo cho con? Sao bà nỡ để cho em tóc tai như thế, quần áo em như thế? Khi bỏ con tôi xuống gần cổng trường, tôi đi tiếp chiều xe chạy đến sở làm chứ không quay về lối cũ. Tôi không biết em đi ngã nào? Nếu đi học, tôi nghĩ em chỉ cần đi vài "lốc" đường là đến. Ở khu đó có ba cấp trường: tiểu học, cấp hai và cả cấp ba. Vậy thì em chờ xe đi đâu? Ba em đâu? Mẹ em đâu? Trong chiếc cặp quàng vai của em có chứa sách vở không? Hay là thứ gì khác? Thứ gì khác? Tôi không nghĩ ra một đứa bé gái bằng tuổi em ở Mỹ mà không đến trường thì đi đâu? Nhiều bữa, hình ảnh em theo đuổi tôi suốt dọc đường đến sở làm. Tôi nghĩ đến con tôi. Nghĩ đến cái tuổi 14, 16 đẹp đẽ của nó và tôi bỗng nhận ra tất cả tình yêu mà tôi dành cho nó là một sự hiến dâng xót xa đầy thất vọng.
Hơn hai tuần nay, tôi không còn đi lại mỗi buổi sáng trên con đường đó nữa. Nhà trường đã nghỉ hè. Nhưng hình ảnh em bỗng hiện ra trong trí tôi sáng nay. Tôi đi ngược đường đến sở làm. Tôi muốn trở lại ngã tư Washington và Oregon. Mặc dù hôm qua trời nắng gắt cháy da, sáng nay trời bỗng mưa. Mưa không to nhưng khá lạnh. Tôi tấp xe vào một khu chợ gần đó, đi lững thững dọc theo con đường đến trạm chờ xe. Trạm đợi xe vắng, không thấy bóng em. Tôi nhớ đôi mắt buồn của em., nhớ cái dáng điệu thỉnh thoảng em xốc lên có lẽ vì chiếc cặp trên vai khá nặng trên đôi vai quá gầy của em. Tôi tự hỏi tôi tìm kiếm gì? Tôi sẽ nói gì khi gặp em? Và liệu em có muốn trả lời những câu vớ vẩn của tôi? Ðứa con gái nhỏ của tôi mấy hôm nay đã bắt đầu đi làm mùa hè ở một tiệm trợt pa-tin trong thương xá của thành phố. Nó tìm cách chứng minh là nó có khả năng lao động, nhưng nó chưa biết giá trị mà nó thu nhập được từ mồ hôi của nó. Nó chưa biết giá trị của tình yêu mà tôi cho nó. Tôi không hiểu con tôi và có lẽ nó cũng chẳng cần hiểu tôi. Như tôi không hiểu thế nào là mùa hè ở Mỹ.
Tôi nhớ có nghe một ca khúc trong nước phổ từ bài thơ của Ðỗ Trung Quân. Một bài thơ nói về mùa hè, chùm phượng vĩ, tuổi mười tám, cậu học trò ngu ngơ trước tình yêu mới lớn:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở ngây thơ thầm lặng mối tình đầu...
Ca khúc ấy tôi nghĩ rất hợp với Việt Nam, hợp với khí hậu thời tiết con người văn hóa Việt Nam. Ca khúc ấy hát lên ở đây, trên một nước Mỹ lạnh lẽo này sao mà xa lạ và lạc lõng. Nước Mỹ to lớn đang thiếu một cái gì đó để làm thành mùa hè cho những cô cậu học trò. Nước Mỹ đã mất ngây thơ ngay tại sân trường và lớp học. Không biết liệu mùa học tới, khi chở con đến trường, tôi có còn gặp lại em không?

_____________

Quá khứ một lần nữa

Y đứng giữa phòng triển lãm nhìn ngó ngu ngơ những bức tranh, nhưng y không trông thấy gì hết, những màu sắc mát mẻ hay nóng sốt kia không ăn nhập gì đến y. Y ngồi xuống một chiếc ghế cao, mở một quyển sách, đọc lướt một dòng chữ. Một cậu bé mười hai tuổi, chết vì buồn. Không tưởng tượng nổi, không thể nào có thể tưởng tượng được. Mười hai tuổi, chết vì buồn. Có phải đó là cái chết của một thế hệ chưa kịp lớn như sự héo úa của một chồi lá chưa kịp xanh hay là cái chết của sự ngu xuẩn và bất lực? Còn y? Y soi mặt mình trong gương gắn sau những chai rượu trên tường gỗ, y thấy gì trên khuôn mặt y? Má hóp xương, những sợi tóc trắng trên một chiếc đầu xù. Tuổi trẻ của y đâu? Cái tuổi trẻ rồ dại đã cột chặt động cơ phản lực vào đời sống y, cái tuổi trẻ như con ngựa bất kham lồng lộn hất y tung lên ngã xuống. Y là chiếc chong chóng xoay mãi xoay mãi không ngừng. Điều buồn thảm là y không hề thấy chóng mặt. Y tỉnh táo trong sự quay cuồng và mệt mỏi trong sự bất động. Với y, tình ái giống như rượu khai vi, nó làm cho y thấy ngon hơn trong đời sống chính trị. Y bước từng bước một, mạnh bạo vững vàng trên những bực thang của quyền lực. Y lên cao, lên cao không ngừng. Y có trong mắt nhìn niềm lạnh băng lãng mạn. Y tham lam nhưng lòng tràn đầy bao dung. Trong tay y kín đáo không hề để bay mất ngọn gió danh vọng, và hạnh phúc thì phả đầy không khí y đang thở. Y có hết những thứ người khác mơ ước. Y cao hơn hết chiều cao của mọi vật. Nhưng điều khổ nhọc, nỗi bất hạnh, sự đau xót của y cũng chính là ở chỗ đó. Phải. Chính ở đỉnh chóp đỉnh của đời sống đó y đụng phải cái tận cùng của đáy huyệt, cùng lúc với vinh quang y khám phá nỗi nhục nhằn. Ánh sáng ấy chói chang quá làm y mù lòa. Trong không khí đầy mùi làm y ngộp thở. Y gọi rượu, đánh diêm và châm một điếu thuốc. Cái kiểu cách ấy tưởng không còn nữa nhưng sao vẫn phảng phất rơi rớt trong điệu bộ của y. Hơi nước lạnh ướt rịn thành ly. Y uống một hớp. Hà! Rượu làm ấm lòng ta. Y xoa tay. Mùa đông. Thời tiết là cuốn băng nhựa quay ngược lại dĩ vãng. Ta khác nào con bò già ngồi gậm nhấm nhai lại ngọn cỏ quá khứ, những ngọn cỏ vốn đã úa héo và nghiền nát. Trên đầu ta là bóng tối của trời đất và trong ta chỉ là vết tích của một thời đã qua.
Ôi tuổi trẻ cuồng mê, mi đã làm gì đời ta!
Y nghe lại mãi mãi điệp khúc ấy, một thứ sóng bể vỗ đều đặn trên bờ cát.
“Một ly nữa?”
“Sao không?”
Y nhìn những dòng chữ chụp lại từ trang giấy của đứa bé tự tử. Tôi buồn quá. Tôi không sống nổi.
Y tưởng nước mắt có thể chảy giàn giụa trên mặt mũi y. Dưng không, như thế thôi. Nhưng chẳng có gì hết. Những giọt nước mắt ấy cũng không còn nữa trong đời y. Phải có cái gì để khêu gợi y trở lại thời trẻ tuổi. Tế bào trên đời sống y đã chết cứng dày cộm để có thể có được một cảm giác. Y đã quá già để nhớ lại tuổi thanh xuân.
Ta đã quá bạc nhược để làm anh hùng thêm một lần nữa.
Y là một thứ hoa lục bình đang trôi lênh đênh dưới gậm cầu quên lãng. Y nhìn thẳng vào mắt người khách ngồi bên cạnh. Chẳng còn ai nhận ra ta. Y đặt tờ giấy bạc lên mặt bàn. Y cho hai tay vào túi kẹp quyển báo trong nách. Y đi chậm rãi trong bóng tối những dưới tàn cây. Người ta bắt đầu già khi bắt đầu nhớ tới quá khứ. Y đang đi chậm rãi vào tận cùng dĩ vãng.
Mùa đông. Y nghe lại một khúc hát quen trong đầu. Mùa đông. A, cây kim nhọn đâm thủng trí nhớ ung nhọt ta. Y dừng lại dưới một trụ điện đường. Y mở trang sách có in hình thằng bé mười hai tuổi. Y nhắc lại: Nó chết rồi. Nó cao hơn ta.
Từ lâu, y đã đánh mất tính kiêu hãnh. Y hiểu ra rằng kiêu căng, tự mãn chỉ là một thứ nhân đức lệch lạc.
Ta là khúc củi mục tấp dạt vào bờ sau trận lụt, phô bày sự trống rỗng và nát ngướu của nó.
Y nhẹ như bông, bay bổng như khói.
Quá khứ một lần nữa.
Tại sao không?
Đâu rồi những người đàn bà ta yêu và yêu ta?
Chỉ có đôi mắt của nàng, đôi mắt đen và to và tin tưởng, làm xúc động đời ta. Nàng nhỏ bé nhưng tròn trịa. Nàng có hai cánh tay đầy những sợi lông măng mịn vàng. Nàng có đôi chân dài. Nàng có bộ ngực căng. Nàng ngu ngốc nhưng nàng đẹp. Ta thích sự ngu ngốc của trí óc nàng nhưng ta yêu vô cùng sự thông minh của thân thể nàng. Thân thể nàng? Làm sao ta có thể chịu đựng nổi cái run rẩy của da thịt nàng? Làm sao ta có thể cưỡng nổi sức ham muốn kỳ lạ tuyệt diệu đầy mời gọi của cái nhìn nàng?
Y đứng lại ở một góc ngã tư đèn đỏ. Ánh sáng của những ngọn điện đường làm y khó chịu. Y quay trở lại con đường cũ. Khi người ta buồn quá người ta chỉ muốn chết, phải vậy chăng chú bé không quen?
Trong bóng tối, y giẫm chân lên những ô vuông của miếng gạch. Hồi nãy, chân ta đã đặt lên chỗ này. Y ngừng lại, nhìn xuống. Không sao, đi lên một lần nữa đâu có hề gì.
Bên kia đường là một khu vườn công cộng với những chiếc ghế đá mài mát rượi. Ta đã nằm ở đó. Ta đã đặt tên cho nó, giữa một buổi sáng rất đẹp trời, giữa đám tay chân bộ hạ và bạn bè ta. Bạn bè ta? Các anh đã đi những đâu rồi? Đã biến mất tận đâu rồi những người vẫn ngồi chung bàn với ta mỗi buổi sáng, những người vẫn đi cùng ta một con đường, những người đã chia xẻ chung với ta sự ca ngợi, những người đã nói sẵn lòng chết cho ta? Không phải ở sau lưng ta họ đang đi tới, cũng chẳng phải trước mặt ta họ đang chờ đợi. Họ ở đâu bây giờ?
Y băng qua đường, leo lên những bậc cấp, ngồi xuống chiếc ghế đá.
Buổi tối của một ngày cuối năm sao có cơn mưa bất chợt dị kỳ?
Y hít mũi ngửi mùi khói đất nồng.
Thành phố này đã một thời trong tay ta nhưng ta không nhìn thấy nó. Có lẽ hồi đó ta bị nhìn ngó hơn là được ngó nhìn mọi vật mọi người. Thành phố này ta đã yêu mến vô chừng, ta đã muốn làm cho nó lớn như bất kỳ một thành phố nào khác mà ta đã đi qua, ta đã muốn tập trung mọi sinh hoạt có tính cách quốc tế trên mọi lĩnh vực mà ta có thể ghé mắt đến, ta đã muốn nó không những chỉ là thủ phủ của một quốc gia mà hơn nữa còn là bàn đạp giao điểm của mọi quốc gia. Thành phố này, mà những hàng cây cao mút mắt trên những con lộ hẹp, ta đã đau đớn ra lệnh chặt bỏ, để có được những đại lộ …Không, buổi tối hôm nay ta mới nghe thấy rõ hơi nồng của nó, bởi vì chưa bao giờ nó là của ta, chưa bao giờ ta chiếm được nó. Ta không thể như một người nào đó, giữa mùa đông rét mướt ra vườn khuya ôm các pho tượng đá để cho quen cái lạnh về sau. Ta lạnh.
Y ngả lưng trên ghế, hai tay khoanh lót đầu. Y tưởng tượng một chốc nữa đây, y có thể nhìn thấy trên trời cao, giữa bóng đêm vô hạn, con mắt của quá khứ sẽ bay qua và chút ánh sáng của đời sống còn rớt lại sẽ đốt cháy trong y ngọn lửa tin tưởng.
Ta biết đó chỉ là một niềm hy vọng đầy tuyệt vọng. Ta đã lạc mất người đàn bà ta yêu, dứt bỏ mất mối thân tình với những bạn bè ta mến, ta đã làm thô kệch thêm nữa một thành phố vốn đã xấu xí.
Hình như có cái gì cồm cộm ở lưng ta?
Y nhổm dậy. Tờ báo quấn tròn nhét trong túi sau của y. Y mở ra, trong bóng tối, tưởng như nhìn thấy khuôn mặt non choẹt của chú bé chết buồn.
Và như một nhà khắc kỷ chân chính, y nằm xuống, mở rộng tờ báo đắp lên mặt, mỉm cười.
Nó cao hơn ta.
Y nói nhưng không nghe thấy gì cả.
Quá khứ, hãy thức dậy một lần nữa.
Tại sao không?
Đêm sâu như trời cao.
Sài Gòn, 1972

_____________

Một tinh cầu khác

Tháng chạp tây. Những ngày cuối của một năm cũ. Từ một thành phố miền dưới thấp tôi đã bay lên một thành phố miền cao trong một giờ di chuyển; thời tiết biến đổi đột ngột làm tôi ngộp thở. Thủy đón tôi ở sân bay. Buổi chiều xuống nhanh kéo theo đám sương mù bu quanh những ngọn đèn dọc theo đường về khu chợ.
Xe của hãng hàng không thả chúng tôi xuống dưới chân dốc chợ Hòa Bình. Thủy đưa cho tôi chiếc khăn quàng cổ màu tím (chiếc khăn mà cô đã hứa đan tặng tôi khi nghe thấy tiếng ho khan rát bỏng của tôi qua đường dây nói liên tỉnh).
“Anh nhớ uống thuốc đầy đủ theo toa bác sĩ nghe?”
“Không.”
“Không nghe thì đừng nói chuyện với em nữa.”
“Nhớ rồi.”
“Tốt. Em sẽ tặng anh cái khăn quàng cổ rất đẹp, khi nào anh lên thăm em.”
“Khi nào?”
“Em hỏi anh mà!”
“Thì bây giờ anh hỏi em.”
“Ba ngày trước Nouvel An.”
“Tại sao không bốn ngày hay hai ngày?”
“Tại vì em muốn như vậy.”
“Cứ tạm coi là được đi.”
“Đồng ý, nhé ông.”
“Đồng ý, cô nhỏ.”
Tôi khoác áo choàng lên vai. Trời lạnh dữ. Hơi rét lùa qua cổ áo chui vào da thịt. Tôi đốt một điếu thuốc, thở khói.
“Chờ lâu không, cô nhỏ?”
“Lâu. Nhưng sao?”
“Thì hỏi vậy thôi.”
“Chỉ hỏi vậy thôi?”
“Tôi nhớ em.”
Tôi ngó chăm vào mặt Thủy. Đôi mắt màu nâu của cô chìm trong bóng đen. Khuôn mặt nhỏ trắng nhợt lạnh lẽo. Chiếc áo choàng màu da beo, cổ lông gấu đen mướt, tóc xõa cùng với chiều cao của một tấm thân vừa mới lớn, mọc vững vàng trên một đôi chân dài, khiến Thủy có vẻ như là một thiếu nữ Tây Phương hơn là Á Đông. Thủy nhắc cho tôi nhớ là trên con đường chúng tôi đang đi đây, lâu lắm, trước đó, suốt trong ba năm trời ròng rã tôi đã từng đi, dưới bầu trời nặng mây và sương mù này tôi đã từng thở, đã từng ngước nhìn những cánh anh đào nở rộ một cách muộn màng sau lễ Giáng Sinh. Câu nói của cô làm tôi nhớ đến những viên sỏi khua động dưới chân tôi trên triền dốc một buổi tối đánh bi-da trở về căn phòng trọ. Mùi bắp nướng thơm phức bốc lên từ những lò than hồng ở một góc phố. Những gói lạc rang cháy vàng nóng giòn tan lừng trong miệng.
“Em lấy phòng ở khách sạn nào vậy?”
“Ở Thủy Tiên, ông.”
Thủy cho tay vào túi áo choàng lấy ra chiếc chìa khóa rung rung trước mặt. Bỗng nhiên Thủy kêu lên:
“Hành lý của anh đâu?”
“Đây!”
Tôi đưa cái xách tay nhỏ cho Thủy.
“Đừng có giễu, ông!”
“Thật mà!”
“Không đem theo gì hết hả?”
“Chừng này không đủ sao?”
“Đủ cho em nhưng không đủ cho anh.”
“Em cũng đủ cho tôi.”
Tôi choàng tay qua vai Thủy. Phố vắng. Tay Thủy ôm vòng ngang hông tôi. Tôi đốt liên miên hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Tôi thấy Thủy cũng thở khói trắng đầy miệng.
Một chiếc xe nhà chạy ngang qua, chậm, dừng lại. Một cái đầu ló ra cửa xe kêu:
“Thủy! Thủy!”
Chúng tôi quay lại. Thủy khom thấp người xuống ngó vào xe, hỏi:
“Ai vậy? Bích đó hả?”
Tôi đứng ra xa, tiếp tục hút thuốc và tiếp tục thở khói. Cái dáng khom người của Thủy làm tôi nhờ ngày đầu tiên chúng tôi quen nhau. Rất tình cờ. Một hôm ở rạp chớp bóng ra, trời đang đổ trận mưa lớn, tôi đứng dưới hàng hiên đợi xe. Cũng khá lâu, hết chiếc này đến chiếc khác, chẳng có chiếc nào trống, cho đến khi, cuối cùng của sự sốt ruột, một taxi trờ tới. Tôi đưa tay ra dấu cho bác tài thấy, xong chạy ra lẹ làng đặt tay lên nắm cửa. Đúng lúc đó, một cô gái từ phía sau tôi cũng chạy tới. Cô nhìn bàn tay tôi đang đặt lên nắm cửa. Rồi cô nghiêng thấp người xuống ngó vào trong xe, chờ đợi. Dưới cơn mưa, hai người khách đón xe đứng sựng lại trước một chiếc xe trống, cảnh tượng ấy ngộ nghĩnh và buồn cười. Bác taxi không nói một lời nào. Ông ta hết đưa mắt nhìn tôi, lại nhìn sang người thiếu nữ. Chắc chắn là ông ta không có ý kiến. Rất nhanh, tôi mở cửa xe và nói với người con gái:
“Mời cô!”
Không chút do dự, người thiếu nữ bước lên xe một mình, đóng mạnh cánh cửa, nhìn tôi mỉm cười và cho xe chạy. Tôi nhớ lúc đó tôi hơi hối hận vì đã nhường xe cho cô gái. Người gì đâu mà bất nhã. Tại sao không biết nói một lời cảm ơn? (Sau này tôi thấy mình vô lý. Tại sao cứ muốn người ta nói cám ơn?) Buổi sáng hôm sau, như thường lệ, ngồi uống cà phê với mấy tên bạn ở một quán nước quen, tôi gặp lại người thiếu nữ đón xe dưới mưa. Cô không đi một mình. Người thanh niên kéo ghế cho cô ngồi trạc tuổi cô hay lớn hơn cô vài tuổi. Cô có vẻ được chìu chuộng. Hình như cả hai đang ở thời kỳ yêu nhau. Cô gật đầu chào tôi và hỏi thăm tôi là hôm đó đến mấy giờ mới đón được chiếc xe để về nhà. Chúng tôi nói chuyện với nhau như hai người bạn cố tri. Và tôi được biết cô tên là Thủy. Cô đang theo học trường Chính Trị Kinh Doanh ở Viện đại học Đà Lạt. Cô về Sàigòn thăm nhà. Cô đã ở đây một tuần. Cô đang có trong sắc tay cái vé cho chuyến phi cơ ngày mai. Cô ghét cái không khí xô bồ ở Sàigòn. Cô muốn sớm trở lại Đà Lạt. Ngay buổi chiều hôm đó chúng tôi gặp nhau thêm một lần nữa. Tôi còn nhớ đó là quán Hoàng Gia trên đường Tự Do. Quán nhỏ, ít khách. Bàn ghế đẹp. Bức tranh sơn mài làm nổi bật lớp gỗ màu nâu trên vách. Âm nhạc nhảy nhót trên những chai rượu đặt dọc theo kệ gỗ. Chúng tôi đã uống với nhau những chén trà Hoàng Cúc thơm ngào ngạt và nói về thành phố mà Thủy sẽ trở lại. Tôi cho Thủy biết là tôi đã ở trong thành phố ấy ba năm. Tôi từng là sinh viên khóa đầu của Viện Đại học này. Tôi nói cho Thủy nghe những con đường mà tôi vẫn thường đi mỗi ngày. Nhà trọ của tôi gần một trường nữ mà mỗi lần tiếng trống tan học đã lôi tôi ra đứng dựa gốc ổi trước nhà hút thuốc để lòng rung động theo những tà áo xanh phất phới và giọng nói líu lo của những “cô gái Bùi Thị Xuân.” Tôi tả lại cho Thủy nghe ngày thứ nhất thành phố đó đã chào đón tôi như thế nào. Một ly cà phê đen đặc quánh ở quán Tùng, một trận đòn nhừ tử, bò lăn bò càn với máu mũi máu mồm bê bết lảo đảo từ khu chợ Hòa Bình để trở về căn phòng cư xá sinh viên trong Viện. Đó là trận đòn tàn bạo nhất thời tuổi trẻ mà tôi được hưởng. Và đó cũng là trận đòn làm ấm áp thân thể tôi nhất vì tôi đang không chịu nổi cơn giá rét của thành phố cao nguyên này. Thủy nói rất ít, gần như cô chỉ bày tỏ sự xác nhận những điều tôi nói hoặc chỉ để nói lại cho rõ về một vài thay đổi mà trước kia khi còn theo học tôi đã không nhìn thấy. Sau cùng, trước khi chia tay, Thủy hỏi tôi một câu mà cho mãi đến nay tôi hãy còn nhớ như in:
“Nhưng em chưa biết tên anh?”
Câu hỏi đó làm tôi không nín được cười. Chúng tôi quen nhau đã một ngày, đã nói chuyện với nhau như hai người bạn cố tri, và cô không biết tên tôi.
“Tên tôi? Có cần thiết không?”
“Cần chứ anh. Vì anh đã biết tên em.”
“Vậy thì tôi tên là Tâm. T. Â. M. (Tôi đánh vần từng chữ cho cô nghe). Tâm. Có nghĩa là tim, trái tim.”
Tôi đặt tay lên ngực tôi.
Tôi nhìn thấy Thủy cười. Và chúng tôi ra về.
Sáng hôm sau, Thủy trở lên Đà Lạt. Tôi biết giờ đi của cô nhưng không đưa cô ra phi trường. Để làm chi? Tôi nghe thấy tiếng tôi hỏi tôi. Tôi đã lập gia đình, đã có hai cháu, hai đứa bé dễ thương và kháu khỉnh nhất trong những đứa trẻ mà tôi được gặp. Tôi đang có những đau khổ cùng cực về một cuộc sống chung. Tôi không còn một chút tin tưởng nào về cái mà người ta gọi là tình yêu. Tôi thù ghét đám đông ồn ào lô nhô lúc nhúc. Tôi chán nản vô cùng cái đời sống lúc nào cũng đòi hỏi phải thế này thế nọ, thế nọ thế kia. Tôi hút thuốc nhiều hơn. Tôi bắt đầu uống rượu vào mỗi buổi tối. Tôi bỏ sở đi lang thang từ quán rượu này đến quán rượu khác, công việc dồn lên mãi đầy ắp tận mũi, đến nỗi người chủ sở vốn yêu mến tôi đã phải kêu tôi lên dặn dò nhắn nhủ, khuyên đi khuyên lại như một bố già dạy đứa con ngỗ nghịch. Để làm gì? Cuộc sống hôn nhân của tôi đang gặp trục trặc. Đã bắt đầu đổ vỡ thì đúng hơn. Tại sao khi người ta không thể sống chung nhau mà lại không thể chia tay? Và tại sao khi người ta khám phá ra người ta không thể sống nếu phải xa nhau mà người ta lại không thể kết hợp?
Mùa hè Thủy trở về Sài Gòn. Cô gặp lại tôi với hai đứa nhỏ vẫn trong một rạp chiếu bóng. Vẫn người thanh niên ấy đi bên cạnh cô. Tình yêu của họ có lẽ đã lớn hơn trước. Thủy hôn hai đứa con tôi. Cô hỏi “Chị đâu anh?”. Tôi cười, không trả lời. Không có gì để giải thích với Thủy về trường hợp tôi lúc này. Chúng tôi đang ở thời kỳ khó khăn. Người luật sư cho tôi biết việc ly dị sẽ phiền phức và mất nhiều thời gian. Tôi hiểu. Sự phiền phức đó chính là hai đứa bé. Tình cảm chia lìa giữa cha mẹ sẽ gây cho đứa trẻ một xúc động mạnh về mặt tâm lý và chắc chắn là sẽ có ảnh hưởng không nhỏ cho đời sống tinh thần của chúng về sau này. Tất cả chúng tôi kéo nhau vào quán nước gần đó. Thủy ôm đứa con trai của tôi vào lòng và nói: “Mi tôi đi, người tình bé nhỏ của tôi”. Một lúc, cô ngước mắt nhìn tôi: “Em sẽ đến thăm anh”. Người thanh niên đi bên Thủy không nói một lời nào trong buổi cà phê. Tôi tưởng là hai người yêu nhau. Nhưng tôi đã không hiểu gì cả. Và cô đến thăm tôi sớm hơn là tôi tưởng.
Tôi ở một căn phòng cho thuê, lầu hai, trong một cư xá bình dân. Cầu thang hẹp, trần nhà thấp. Thủy đun nước pha cà phê, xếp lại đống quần áo dưới chân giường, thay drap, quét dọn rác rưới, xếp lại đống sách báo dưới sàn nhà, giặt khăn lau mặt, chùi bóng lavabo. Thủy hỏi:
“Tại sao hai người xa nhau?”
“Hai người nào?”
“Anh và chị, chứ còn ai vào đây.”
“Sao em biết?”
“Sao không! Nhìn thấy anh dẫn hai đứa nhỏ đi vào một quán ăn; sao mà thê thảm quá thế!”
“Ăn thua gì đến em.”
“Chả ăn thua gì tới ai. Nhưng em cảm động.”
Hôm sau Thủy ở lại suốt ngày với tôi. Chúng tôi không có gì giấu diếm nhau. Giữa hai đứa chỉ còn là sự trong suốt. Bức tường ngăn đôi đã bị phá vỡ. Tôi cho Thủy biết tình trạng đặc biệt rắc rối của tôi. Vấn đề khó khăn là ở chỗ đó.
“Vấn đề của anh không phải là vấn đề.”
“Em không sợ dư luận sao?”
“Nếu sợ thì em đã không đến anh.”
“Tại sao không sợ?”
“Tại em thương anh.”
“Tại sao thương tôi?”
“Anh biết không, cái hình ảnh một người đàn ông dẫn hai đứa nhỏ đi xem xi nê hay vào tiệm ăn làm em xúc động quá chừng chừng.”
“Vậy thì đâu phải em thương tôi. Em thương cái hình ảnh ba cha con mà.”
“Em thương ba cha con cũng được chứ sao?”
Vậy là chúng tôi dính vào nhau. Tôi đang cố gắng tháo bỏ một sợi dây oan nghiệt, và có phải bây giờ đây tôi đang buộc vào đời tôi một sợi dây oan nghiệt khác? Không, tôi không tin như thế. Khi người ta bắt đầu khám phá ra cái bóng đen ở phía bên kia của cuộc sống chung người ta không còn cách nào khác để nói lời chia tay.
“Đi, anh!”
“Người quen nào vậy, cô nhỏ?”
“Bích, bạn em. Nó hỏi em Tết tây sao không về Sài Gòn?”
“Em nói sao?”
Thủy ngó tôi cười.
“Nói sao? Có anh ở đây, em không đi đâu hết.”
“Thật vậy sao?”
“Chứ bộ anh tưởng em giả à!”
Đến trước thềm rạp chiếu bóng khu chợ Hòa Bình, tôi kéo tay Thủy ngồi xuống. Bóng tối nhờ nhờ đục mù sương đêm. Thành phố như một bức tranh thủy mạc. Một ngày giáp năm buồn tẻ vắng lặng không bóng người. Và chúng tôi hôn nhau, cuồng bạo như một loài thú. Chúng tôi là những chủ nhân của thành phố Hoàng Triều Cương Thổ. Khi chúng tôi nhả nhau ra, Thủy lả người như một chiếc lá khô.
Chúng tôi đã bước qua cánh cửa của thời lãng mạn xưa cũ. Chúng tôi đã khám phá ra nhau cái mùi vị của tình yêu.
“Cám ơn em.”
“Tại sao anh lại cám ơn em?”
“Tại vì,…nếu không có em thì tôi biết cám ơn ai.”
“Đừng nói chuyện huề vốn ông.”
Nếu bạn đang đứng trên thềm chợ Hòa Bình ngó xuống con dốc trong một buổi chiều đầy sương mù, bên cạnh là một thiếu nữ vừa mới lớn, bạn sẽ hiểu tại sao cuộc đời này vô cùng đáng sống.
Tháng hai 1969

_____________

Bậu cửa mẹ ngồi

Tên sĩ quan đi sau tàn nhẫn thúc mạnh báng súng vào giữa lưng Khải. Anh cố kìm một tiếng kêu chợt bật ra trên đầu lưỡi đã dập nát. Chiếc áo chemise trắng của anh rách toạc nhiều chỗ. Cú thúc báng súng vừa rồi làm toạc thêm một mảnh lớn ở lưng.
Khải không còn cảm thấy đau đớn. Anh chỉ nghe toàn thân tê dại. Hai cánh tay bị trói giật khuỷu, suốt từ ngày hôm qua đã không còn một chút cảm giác nào. Nó tê cứng và lèo khèo như hai khúc củi vô dụng. Bị trói giật, Khải đi rất khó khăn. Anh cũng không biết là bọn chúng sẽ giải anh đi đâu. Đêm tối và lạnh. Con đường nhỏ nhem nhép bùn đất, mấp mô đây đó những đụn phân bò còn ấm. Khải đoán có lẽ là anh sắp đi qua một cánh đồng. Sương lạnh khiến anh rùng mình. Máu đang tuôn ra từ những vết thương trên lưng xon xót. Tụi nó đã xúm lại đánh đập anh từ hôm qua đến giờ. Chúng đánh anh bằng bất cứ thứ gì có trong tay. Cách đánh của hận thù, nó bỉ ổi và đê tiện. Cũng suốt từ hôm qua đến giờ, Khải không nói một lời. Đôi mắt anh đỏ rực như hai đốm lửa ánh lên cái nhìn khinh miệt khiến thằng đại úy thét lên "mi là Việt Cộng, mi là thi sĩ, đồ thi sĩ mi là đồ cứt...". Trước sự trầm tĩnh kỳ lạ của Khải, thằng đại úy như bị động kinh, nó lao vào anh bằng tất cả sự điên rồ của một con ác thú không còn kiểm soát được hành vi của mình. Khải vẫn im lặng. Anh không muốn nói chuyện phải không với loài cầm thú. Chiều hôm qua, anh đã nhổ cả một bãi nước bọt lớn bầy nhầy máu vào giữa mặt thằng đại úy. Gương mặt xanh mai mái như rắn hổ mang ấy làm anh tởm lợm. Cũng những gương mặt ác thú như thế này đã giết học trò của anh, giết bạn bè anh, giết những đóa hoa rực rỡ, vùi dập sự sống hằng ngày. Thằng đại úy có thể là một đứa học trò của Khải. Nó có vẻ biết rất nhiều về anh. Nó biết anh thích món ăn nào, làm thơ ban đêm hay ban ngày, trước học trò anh đã nói những gì. Nó không giấu diếm bảo thẳng với Khải là cuộc nói chuyện nào của Khải nó cũng có mặt. Nó căm ghét những người như Khải, sự căm ghét hằn học rất vô cớ, lầy lội bản năng. Nó bảo nó thật sự sung sướng khi được đích thân hành hạ Khải, bắt Khải cúi đầu.
Nhưng Khải không hề cúi đầu. Thân thể mảnh khảnh của anh không còn một chỗ nào nguyên vẹn. Mái tóc dài bồng bềnh bết máu thành từng mảng xam xám run run trong gió lạnh. Nỗi đau nhục thể làm Khải chợt nhớ Thúy, mối tình sâu nặng nhất đời anh. Những lần cùng nhau đi dạo trên con đường đầy lá phượng bay, Thúy vẫn ao ước có một tổ ấm gia đình. Thúy nói về công việc đi dạy của Khải, về những đứa con tương lai kháu khỉnh... Khải nghe những điều ấy rất mơ hồ. Anh ngắm mái tóc rủ đầy những cánh phượng hồng của Thúy. Liệu lúc này có nên lấy nhau không. Một tổ ấm giữa thời tao loạn này có lẽ là không phải lúc. Khải suy nghĩ như vậy, nhưng anh không nói ra. Thúy đang vui, cứ để cho nàng được thỏa thích theo đuổi trước tương lai ít nhiều hoang tưởng của mình. Trong cuộc tranh đấu đầy tù tội và chết chóc này, Thúy là đóa hoa đồng nội làm ấm áp lòng anh. Anh biết ơn những gì mà nàng đã mang lại cho anh. Những giây phút sống thật yên tĩnh và thanh thản bên nàng. Gió thổi rất mạnh. Tóc Thúy lay bay bám vào cổ anh nhồn nhột. Hương tóc bồ kết của nàng ngai ngái thơm. Khải mong một ngày nào đó đất nước hòa bình thống nhất, không còn bom rơi, đạn lạc, không còn những vành khăn sô xót xa. Bấy giờ, bên bờ sông lộng gió, anh sẽ chải tóc cho nàng, làm tiếp những trường ca hãy vẫn còn dang dở, và hằng ngày lên bục giảng dạy dỗ đám học trò hồn nhiên. Bài thơ gần đây viết cho Thúy, anh vẫn thích nhất khổ thơ giữa:
Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu thương.
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu (1)

Bao giờ ngày ấy sẽ đến, Khải cũng không thể biết được. Máu đã đổ nhiều lắm rồi, nhưng vẫn cần phải đổ thêm. Nếu không có mệ già bán trứng vịt lộn cố tình làm đổ thúng trứng ngoài cổng chợ Ngự, rồi hô hoán kéo áo thằng lính Mỹ, thì lần ấy anh đã bị bắt. Trong cuộc đấu tranh này, vũ khí của Khải là thơ ca và tấm lòng yêu nước. Những vần thơ siêu thực của anh đã sớm đâm hoa kết trái trong tim bạn bè. Khải đến với cuộc tranh đấu tự nhiên như rằng bổn phận của anh là vậy. Không đắn đo, không lựa chọn, chỉ có một con đường dẫn tới hòa bình, dẫu con đường đó phải đi qua cái chết. Thúy cũng đã lường hết những hiểm nguy đang chờ Khải. Kẻ thù có thể thủ tiêu anh bất cứ lúc nào. Những "cái đuôi" vẫn lảng vảng bám theo anh từ nhà đến trường, từ trường về một số địa điểm bạn bè... Bám dai dẳng, lì lợm, như một sự đe dọa. Có lần chúng còn đặt trước cửa nhà anh một quả lựu đạn dằn mặt. Khải vẫn như không. Anh đã có sự lựa chọn duy nhất của mình.
Khải tụt chân vào một mô đất bùn. Trời lạnh giá khiến anh nhớ đến chiếc áo len dài tay Thúy đan tặng anh ngày sinh nhật. Chiếc áo thật ấm, mùi len ram ráp thơm gợi nhớ nụ hôn mềm và ấm của nàng. Có lần anh đã đùa rằng lưỡi Thúy ngọt như đường phèn. Mà đúng là lưỡi Thúy ngọt thật hay đó chỉ là ảo giác của riêng anh. Anh nhớ mãi nụ hôn đê mê mềm và ấm dưới gốc cây muối dại ngày nào. Tê cứng hạnh phúc, Thúy áp sát người vào anh. Khuôn ngực đầy đặn của nàng căng cứng lời mời gọi thanh xuân. Dòng nhựa xanh sức sống chảy tràn lên người Khải. Những chùm muối lúc lỉu màu ô liu mời gọi từng bầy chim đàn trở về phố nhỏ. Cảm giác về một hạnh phúc quá đỗi bỗng như không có thật. Khải thấy mình chơi vơi như khi anh đang dẫn đầu đoàn biểu tình hướng về phía những chiếc nón sắt lấp lóa ánh lưỡi lê. Tiếng nổ chát chúa của lựu đạn, miểng thép văng rào rào, hàng người loang máu đỏ. Mái tóc Thúy chơi vơi chơi vơi phía trước khiến anh lo thắt lòng. Nàng vẫn ở bên anh trong cuộc đấu tranh khốc liệt này. Chiếc áo len đen dài tay của Thúy tặng là một xác tín của Khải. Anh vẫn thường gặp may khi mặc chiếc áo này. Chiều hôm bị bắt, Khải không mặc áo len. Anh vừa mới tắm xong, vận chiếc chemise trắng và đang làm khổ thơ cuối cùng của một trường ca siêu thực.
Khải đi rất chậm. Anh thở có vẻ khó nhọc. Con đường đi qua cánh đồng dài lê thê trong đêm tối. Khải nghe rất rõ tiếng bầy dế hoang gáy ầm ĩ ở những chân ruộng cao. Cánh đồng bước vào thì con gái ngòn ngọt mùi lá non. Thằng đại úy chửi rất tục rồi tiện tay đụi thêm một báng súng nữa vào lưng Khải. Vết báng súng mới chồng lên vết báng súng cũ làm máu ở lưng anh bật ra đỏ thắm cả chiếc áo chemise. Khải hức lên một tiếng nhỏ. Anh cố nén tiếng hức khô khốc bằng đôi môi sưng vều dập nát. Chất nước ngòn ngọt có lẽ là máu sộc từ phổi lên miệng anh cái cảm giác mằn mặn. Khải bỗng nhớ đến mẹ. Nhớ ngôi nhà nhỏ, bậu cửa đã mòn vẹt, mà chiều nào mẹ cũng ngồi đó để đợi Khải về. Suốt bao nhiêu năm trời, mẹ vẫn đợi anh như vậy. Khải mười tuổi, mẹ đợi anh mười năm. Khải hai mươi tuổi mẹ đợi anh hai mươi năm. Khi Khải đã là giáo sư nổi tiếng, mẹ vẫn còn đợi anh nhiều hơn. Với nỗi lo sợ thường trực rằng người ta sẽ giết con của mẹ. Lo sợ vậy, nhưng mẹ tin con đường Khải đi. Chưa bao giờ mẹ ngăn cản anh. Gánh bánh bèo của mẹ đã nuôi Khải lớn thành người, đôi vai gầy của mẹ chỉ cho anh con đường đi. Bỗng dưng Khải nhớ ray rứt bàn tay mẹ vẫn thường vuốt ve gương mặt Khải khi bà tưởng anh đã ngủ. Những lúc như vậy, anh nằm yên, nín thở, nghe làn da gầy trên tay mẹ ram ráp niềm yêu thương.
Khải há miệng cố nuốt từng ngụm không khí lạnh buốt. Chưa chắc ngày mai anh còn sống để hít thở bầu không khí trong lành trên cánh đồng này. Cái chết đang lởn vởn theo Khải. Anh đoán chắc là mình không có thời gian để kịp suy nghĩ cho trọn vẹn một lẽ đời nào đó. Ôi! Cuộc sống này quý giá với anh biết bao nhiêu. Tiếng dế hoang kêu gần gũi dưới chân Khải kéo anh về với tuổi thơ êm đềm ngày nào. Những trò chơi náo nhiệt bên bến sông. Có lần Khải đã suýt chết đuối nếu không có bạn bè cứu. Khải khẽ mỉm cười một mình trong đêm tối. Anh cũng không hiểu tại sao mình có thể cười được trong lúc này, khi mà những cơn đau đang hành hạ anh, da thịt dập nát, tóc bết máu, đôi chân tê dại không giày lết trên con đường nhỏ lạnh buốt bùn lầy. Khải tin rằng, nếu Khải chết, bạn bè anh sẽ làm tiếp phần việc mà anh còn dang dở. Rồi Thúy, nàng cũng sẽ nguôi vết thương lòng. Chỉ có mẹ làm Khải ái ngại. Mẹ rồi sẽ côi cút một mình. Ai sẽ đỡ đần mẹ những lúc đau ốm. Chưa một ngày nào anh làm cho mẹ vui. Trong cuộc dấn thân này, đó là điều xót xa nhất của lòng Khải. Lẽ ra thì anh nên để lại một giọt máu. Đến bây giờ Khải mới nghĩ đến điều này, nhưng chắc là không còn kịp nữa. Không còn kịp nữa đâu hở mẹ. Không còn kịp nữa đâu Thúy ơi. Khải thầm thì thành tiếng giữa cánh đồng mông quạnh. Bầy dế hoang vô tư vẫn kêu gào một khúc nhạc đứt ruột đứt lòng.
Thằng đại úy giật sợi dây thừng bắt Khải đứng lại, rồi ra hiệu cho hai tên lính đi theo áp sát người Khải. Chiếc cọc tre được đóng vội vàng dưới chân ruộng bên con đường nhỏ. Khải bị trói chặt vào cọc. Cật tre lành lạnh khiến người anh tỉnh ra. Đêm như chợt sáng hơn. Bầu trời đêm cuối năm sà thấp xuống với những ngôi sao xa xa lấp lánh. Gió thổi rất nhẹ. Khải nghe mùi hương lúa thơm thơm nồng nàn. Bùn dưới chân anh âm ấm. Một cái hố cạn được đào bên cạnh Khải. Thằng đại úy vừa đào vừa thét lát, ba cái bóng mờ mờ chết chóc như đang ngụp lặån trong dòng phù sinh. Cái chết đang rất gần với Khải. Anh như nghe được mùi vị của nó trên lưỡi mình. Khải căng người giãn sợi dây trói, anh cố đứng thẳng lên đường hoàng trong đêm tối. Bấm đèn pin soi chiếc hố nham nhở với vẻ hài lòng, thằng đại úy chửi thề một tiếng, đưa năm ngón tay bẩn thỉu giật rách chiếc bọc áo ở ngực trái của Khải. Lồng ngực anh lộ ra sáng rực trong bóng tối.
Ba phát đạn nhỏ và đanh vang lên khô khốc.
Bầu trời bất chợt sáng lên. Những tia chớp soi rõ màu máu đỏ thắm trên ngực Khải.
Khải ngước nhìn lên vòm trời lần cuối. Những vì sao chợt nhòe trong mắt anh. Bóng sao rơi lả tả xuống đường chân trời.
Ba mươi năm sau ngày Khải mất, người viết truyện này đã tìm về ngôi nhà xưa của anh. Ngôi nhà nhỏ nằm trong quên lãng. Cảnh vật hầu như không có gì thay đổi kể từ khi nhà thơ nằm xuống. Không gian im vắng. Mái ngói âm dương rêu phong. Những chiếc cột mít nài thanh thanh lên nước bóng loáng theo thời gian. Cây vải trạng trong khu vườn xưa cũng đã chết. Chỉ còn lại một mảnh sân đất nâu nâu ngày tháng u hoài. Trên chiếc bàn gỗ đầy mối mọt, trang thơ siêu thực cuối cùng của Khải vẫn còn để mở. Nét chữ tài hoa như một định mệnh hằn rõ trên trang giấy đã ố vàng.

____________

Có một chuyện tình như thế không?

Sáng nay, mở computer tôi thấy một mail lạ. Thường thì tôi vẫn delete hoặc cho vào spam ngay những mail không biết xuất xứ, nhưng mail này khiến tôi dừng lại vì dòng chữ trên ô subject: XIN DUNG DELETE MAIL CUA K. Mail của K.? K. là ai? Tôi có một người bạn tên K. Nhưng bạn tôi đã “ra đi” vào những ngày cuối của cuộc chiến tại Sài Gòn. K. nào? Tôi bấm chuột, kéo xuống. Đọc.
Gửi ông H.
Tôi gửi thư này theo lời yêu cầu của bà Huyền, thân mẫu của anh K. bạn của ông. Tôi là cháu của bác Huyền. Trong một dịp tình cờ tôi vô tình nhắc đến tên ông qua một bài viết của ông trên trang mạng điện tử, bác hỏi tôi có phải ông ngày xưa ở Nha Trang không? Và ông có phải là bạn cùng lớp của K. con trai bác không? Nếu ông đúng là người bạn của K., bác tôi muốn biết tin tức của ông. Bác tôi hiện sống ở Hà Nội. Năm nay bác Huyền tôi đã 88 tuổi. Rất mong được thư ông.
PXL
Tôi không quen ông PXL, nhưng tôi có biết ông là một nhà nghiên cứu văn học trong nước. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp đọc bài của ông. Đây là lần đầu tiên tôi đọc thư ông. Tôi sẽ trả lời thư ông L. Và chắc chắn tôi sẽ liên lạc với Mẹ Huyền. Đúng bà là mẹ của K. bạn học thời nhỏ của tôi, và bà cũng là Mẹ của tôi, như Mẹ tôi cũng từng là Mẹ của K. Tôi muốn kể cho ông PXL biết đôi điều về K. và... tôi. Tôi muốn tặng bài viết này cho Mẹ Huyền của chúng tôi.

***
1.
Không biết điều gì đã kéo chúng tôi lại gần nhau, mặc dù hai chúng tôi khác nhau về nhiều phương diện. K. đẹp trai, con một, dân “bắc-kỳ-di-cư”. Còn tôi, dân địa phương, mặt mũi không giống ai, nhà lại đông “dân cư”. Cũng như nhiều gia đình di cư khác, lúc đầu nhà của K. ở trên một khu nhà tạm ở dưới Cầu Đá, Nha Trang, trước khi dọn đến một căn nhà gần thành phố hơn.
Những ngày mới bước vào lớp, K. được xếp ngồi ở bàn đầu, sát bên tôi. Bọn ma cũ luôn bắt nạt ma mới. Và K. luôn luôn là nạn nhân của mấy tay ngồi cuối lớp. Chính tôi lúc đầu cũng không ưa K., nhưng ngồi bên nhau lâu chúng tôi dần dà thích nhau. Tôi hỏi “cậu có cần tôi nói chuyện với chúng nó để cho cậu yên không?” K. nói “cám ơn cậu, không cần đâu. Cậu để tôi tự giải quyết.” Và K. đã giải quyết cách nào tôi không biết, chỉ thấy sau đó, không đứa nào chọc phá “bắc-kỳ-cá-rô-cây” K. nữa.
Cái khác nhau lớn nhất giữa K. và tôi là chuyện học. Tôi thích toán và luôn luôn đạt điểm cao về môn này, trong khi K. chỉ ưa chuyện văn chương. Có lần thầy Phan N. dạy môn Văn trong khi trả bài luận, đã làm cả lớp ngạc nhiên khi nói: “Tôi muốn giới thiệu với các em, một nhà văn trong lớp chúng ta: Phạm Thế K. Bài luận của K. không chỉ là một bài luận mà là một truyện ngắn, một truyện ngắn đặc sắc.” Thầy nhắc đi nhắc lại “một truyện ngắn đặc sắc” mà thầy được đọc từ bài viết của một học sinh từ mấy chục năm đi dạy đến nay. Và thầy đã làm copy phát cho cả lớp cùng đọc.
Bài viết nói về ngày K. giã từ Hà Nội. K. nhắc đến bạn bè thầy cô, khí hậu thời tiết, tình cảm của một đứa trẻ trước một chuyến đi sẽ là mãi mãi. Hà Nội trong trí nhớ của một cậu bé 14 tuổi. K. nói đến một cô bé học cùng lớp đã khóc khi chia tay vì gia đình của cô quyết định ở lại. Còn mẹ K. là một phụ nữ xinh đẹp, bà giống như chị của K. hơn là mẹ. K. còn có ông chú là một nhạc sĩ nổi tiếng. Những chiều cuối tuần, bọn tôi thường kéo nhau ra bờ biển nghe ban nhạc của những người di cư chơi các ca khúc của ông. Đó những bài nhạc luôn luôn nhắc về một Hà Nội đã xa, một Hà Nội trong trí nhớ. Những ca từ thấp thoáng trong bài luận của K.
Mẹ K. yêu thương tôi như yêu thương K. Nhờ bà, tôi biết bún chả Hà Nội, canh giò thì là, những món ăn đặc biệt Bắc Kỳ mà trước đó tôi chưa hề được ăn. Về phần mẹ tôi, bà cũng đặc biệt thương K. và bà luôn đem K. ra để làm tấm gương cho tôi soi.
"Học hành như thằng K. mới là học, chớ đâu như mày. Học trò gì mà không bao giờ có một cuốn tập cầm tay." Có lần bà nói với K., “con nhớ nhắc nhở nó học hành dùm cho mẹ. Mẹ lo cho tương lai nó quá." Bà giống mẹ của K. gọi bọn tôi là con và xưng mình là mẹ. Thật ra, tôi biết, mẹ tôi chỉ nói thế chứ trong lớp tôi chỉ kém môn Văn chứ các môn khác tôi đâu có thua đứa nào.
Trong khi đó thì mẹ của K. cũng thường nhắc: "Con nhớ bảo vệ K. nhé. Đừng để đứa nào hiếp đáp K. nhé. Con nhé!" Bà nói thế thì tôi nghe thế chớ thật tình K. không hiếp đáp người khác thì thôi chớ làm gì có chuyện người khác hiếp đáp K. Điều đặc biệt là hai bà mẹ của chúng tôi chưa hề một lần gặp nhau.
Năm 1956, gia đình K. dọn vào Sài Gòn, vì bố của K. nhận được một chức khá lớn trong chính phủ. Hôm tiễn K. ra ga xe lửa, mẹ K. ôm tôi nói: “Con có muốn vào Sài gòn sống với K. và mẹ không?” Tôi không biết nói sao. Vào Sài Gòn ở với K. thì được, nhưng tôi sẽ đi học ở đâu? Trường nào sẽ nhận tôi? Nhưng K. vào Sài Gòn được ít lâu thì ông anh tôi từ Ban Mê Thuột cũng được đổi về Sài Gòn làm việc ở Quân Khu Thủ Đô. Anh biên thư về nhà xin phép mẹ cho "nó vào trong này để con dạy dỗ nó, theo dõi chuyện học hành của nó, kẻo nó trở thành bọn đầu đường xó chợ mất.”
Thế là K. và tôi lại gặp nhau. K. ở Chu Văn An học ban C. Tôi vào Petrus Ký học ban B. K. học ban C vì giỏi sinh ngữ, và văn. Tôi theo ban toán và thật tình tôi không ưa chuyện thi phú “vớ vẩn” như tôi vẫn thường nói với K.. Năm Đệ Nhất, K. đã có truyện và thơ đăng báo Hiện Đại của thi sĩ Nguyên Sa. Còn tôi, không có gì kéo tôi ra khỏi những định lý, định đề, những con số và những bài toán khó và …
K. và tôi cuối tuần nào cũng gặp nhau. Mẹ của K. thường hỏi: Tuần này cả nhà ăn gì nào? Bún chả nhé? Có bữa bà nhắc K. hôm nay mẹ có món canh giò thì là đấy, gọi bạn con đến đi.
Trong đầu tôi lúc đó ngoài Euclid, Riemann, Lobatchewsky ra, bao giờ tôi cũng có ý nghĩ là phải làm sao cho trái đất này rung lên, làm sao có thể đi sâu xuống tận cùng dưới đáy đại dương, làm sao bay lên những vì sao, làm sao? Có lúc tôi nghĩ chiến tranh là cần thiết. “Si vis pacem, para bellum.” “Muốn hoà bình phải có chiến tranh.” Tôi ghét những giọt nước mắt. Tôi khinh bỉ sự đau khổ. Còn K.? “Đau khổ là một thứ tình cảm cần thiết. Bất cứ sự đau khổ nào cũng làm cho người ta lớn lên. Chỉ có hạnh phúc làm người ta nhỏ lại."
Tôi mơ ước mình sẽ trở thành nhà khoa học, và những phát minh của tôi sẽ biến đổi cả thế giới này. Tôi muốn khám phá những bí ẩn của vũ trụ, trong khi K. chỉ muốn khám phá những bí mật của tâm hồn. Có lúc tôi nghĩ ước gì mình có thể chế tạo được chiếc máy "làm ra những nụ cười". K. thì bảo tôi "cậu là người tưởng tượng giỏi sao không viết văn đi, còn khoa học ấy à, có ghê gớm đến đâu đi nữa cũng chẳng giải quyết nổi được chuyện con người đâu. Thế kỷ này không có Albert Einstein thì thế kỷ khác cũng sẽ có thôi, chứ thế kỷ này mà không có Nguyễn Du thì chưa chắc gì thế kỷ khác sẽ có."
Chúng tôi càng lớn lên càng thấy mình quá khác biệt nhau, nhưng không hiểu sao chúng tôi bao giờ cũng tìm đến nhau trong những lúc khó khăn nhất. Chúng tôi biết rằng mỗi người chỉ là một nửa của người kia. Phải có một nửa kia, chúng tôi mới hoàn toàn là một con người.

2.
Sau khi tốt nghiệp trung học, mặc dù là con một, K. nhất định thi vào Võ bị Đà Lạt, còn tôi thì vào Văn khoa, ban Triết. Có vẻ như mỗi đứa chúng tôi vẫn đang đi tìm cái mà chúng tôi thiếu hồi thời học trung học. Ra trường K. đi Không quân, tôi vẫn còn được đi học nhờ nhà tôi có cả hai ông anh đều đi lính.
Chúng tôi đang đi tréo đường nhau, nhưng cái khoảng cách giữa chúng tôi dường như bỗng thu ngắn lại. K. khoẻ mạnh hơn, vững chãi hơn. Cái vẻ yếu đuối ngày xưa không còn nữa. Còn tôi thì bắt đầu quan tâm tới thế giới chữ nghĩa, văn chương. Khoảng cách giữa hai chúng tôi biến mất dần nhờ con đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
K. yêu một người Trưng Vương, còn tôi làm công việc đi theo bạn đến "chầu" một cô gái ở con đường đầy bóng mát để bạn tôi yên chí lấy tinh thần "nhìn người yêu hững hờ bước đi, mắt không hề ngoảnh lại". Đó là chữ nghĩa của K. khi viết về N., người mà K. yêu.
Phải nói N. là một cô gái đẹp lạ lùng. Từ cổng trường túa ra, giữa những chiếc áo dài trắng toát, N. nổi bật lên như một ngôi sao. Mái tóc ngắn chải kiểu con trai, hai con mắt to và đen, đôi môi hơi dầy, nhưng chiếc răng khểnh làm cho khuôn mặt của N. trở nên quyến rũ mời gọi. Lần đầu tiên theo K. "chầu N.", K. vỗ vai tôi chỉ người thiếu nữ xinh đẹp kia và hỏi “cậu thấy con bé đó thế nào?” “Thế nào là thế nào?” Ngay lúc đó, tôi thấy K. đứng bất động nhìn N. đi qua, đi qua như một người lạ mặt. Cho đến khi N. bước lên chiếc xe có tài xế đón, K. mới chịu chở tôi ra về.
N. có biết là K. yêu cô không, tôi không biết. Điều duy nhất tôi biết đó là chưa bao giờ tôi thấy N. dừng chân nói với K. một lời nào.
Gần một năm trời, theo K. chầu N. ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi khám phá ra mình không có người yêu. Không phải vì tôi không muốn yêu ai, nhưng nếu có muốn thì chắc cũng chả có ai yêu mình. Em gái tôi bảo anh học chi cái môn triết học, gàn ơi là gàn, nói năng chẳng ai hiểu ra làm sao cả, đứa con gái nào ngu lắm mới yêu anh. K. bảo "này, cậu bỏ dùm tôi ra khỏi cái đầu rắc rối của cậu mấy ông Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger, Emmanuel Kant, và Nít Niết đi,... cho con nhờ tí. Không biết tình yêu à. Thế thì sống để làm gì nhỉ?"
Có lần tôi hỏi K. "Này ông, cứ đứng nhìn người ta như vầy mãi sao? Muốn gì thì nói đi chớ, bạn." K. bảo "cần gì nói, cứ đứng nhìn thế này là nói rồi. Bây giờ đến lượt cô ấy phải nói chứ tại sao tớ phải nói nhỉ?" K. cười: “Mỗi người đàn bà là một bí ẩn: một giọng nói, một cử chỉ, một niềm im lặng.” Tôi hỏi K. ai đã nói thế? K. bảo thì cái lão Le Petit Prince đã nói thế. K. gần như thuộc nằm lòng những câu của St. Exupéry trong cuốn Le Petit Prince. Tôi hiểu tại sao anh chọn binh chủng không quân. Có lần K. nói K. mơ ước được sống và chết như St. Ex. Sống như một nhà văn, chết như một phi công. Thời gian đó ở Sài Gòn, người ta vẫn hay nói một câu rất thời thượng của St. Ex: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng.”
Mối tình thầm lặng ấy của K. kéo dài bao lâu, tôi không nhớ. Có thời gian K. đổi đi Cần Thơ, rồi ra Nha Trang. Sau đó là Đà Nẵng và mất liên lạc. Còn tôi, sau chín tuần ở Quang Trung, chuyển qua Thủ Đức. Ra Vùng Một chiến thuật. Bị thương nhẹ trong một vụ đụng độ, rồi may mắn được trở lại Sài gòn. Đơn vị 3 Quản trị. Tôi trở lại nhà trường.
Tôi vẫn chưa có người yêu.

3.
Nhiều năm sau, gặp lại K. tại quán Cái Chùa Sài Gòn, chúng tôi đã không còn trẻ nữa. Mẹ tôi đã qua đời. Mười ba anh chị em trong gia đình tôi đã ly tán. Hai ông anh tôi một chết mặt trận Đông Hà, một là thương phế binh. Bà chị tôi lấy chồng bỏ quê hương đi xa. Tôi hỏi K. "lâu nay có gặp N. không, cô ấy bây giờ ra sao?" K. cười: "Có, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau... Cô ấy đã lập gia đình." "Thế những điều ông định nói với cô ấy đã nói được chưa?" "Chưa. Vả lại, nếu nói thì nói trước khi người ta lấy chồng, chứ bây giờ còn nói gì."
Đó là lần sau cùng tôi gặp K. Bởi vì anh đã chết trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam. Người ta đưa xác K. về nhà anh ở Phú Nhuận trong những ngày tháng Ba, Bảy Lăm, những ngày mở màn cho một Sài Gòn bắt đầu hỗn loạn. Suốt mấy ngày liền, tôi ở nhà K., ngồi bên quan tài anh. Mẹ K. già sụm thấy rõ. Cụ ôm tôi khóc, gào lên; "Con ơi là con. Sao con bỏ mẹ mà đi thế này!" Bức ảnh của K. rọi lớn đặt trên bàn thờ. Đôi mắt sáng. Nụ cười buồn. Một khuôn mặt "bô" trai. Những người sĩ quan đứng bên quan tài anh đổi phiên nhau.
Sáng ngày động quan, bất ngờ tôi thấy một thiếu phụ bước vào. Chiếc áo dài màu trắng, hai con mắt to và đen, chiếc răng khễnh. N. đến trước mặt tôi chào hỏi như một người quen đã lâu không gặp. Tôi đưa cho chị cây nhang. N. chắp hai tay đưa cao lên trán, đứng lặng hồi lâu. Tôi có cảm tưởng là lâu lắm. Và khi chị bỏ tay xuống xá mấy xá trước khi quỳ lạy trước quan tài K. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của chị. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên một khuôn mặt xanh xao. Tôi thấy như mình đang đứng với K. ngày nào trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy bóng mát, nhìn xéo qua cổng trường Trưng Vương. Con đường cắt đôi, một bên là Thảo cầm viên và một bên là ngôi trường của N. Và người thiếu nữ với mái tóc cắt ngắn, hai con mắt to và đen, chiếc răng khểnh đang bước đi, đầu ngoái lại nhìn chúng tôi với một nụ cười buồn. Tôi nhớ câu của St. Ex có lần K. nói: “C’est tellement mystérieux, le pays des larmes.”
Mối tình ấy có thật không hay chỉ là trong trí tưởng của tôi?
* Antoine de Saint-Exupéry, [1900-1944] nhà văn phi công Pháp, tác giả Courrier Sud [1929], Vol de Nuit [1931], Terre des Hommes [1939], Le Petit Prince [1943], …

____________

Ở quán cà phê Starbucks

Người đàn ông tôi gặp trưa nay ở quán cà phê Starbucks tên B.
Ông và tôi quen nhau tình cờ từ hơn sáu tháng nay cũng ở quán cà phê này. Hôm nay ông ăn mặc khá giản dị, cái áo choàng lạnh màu xanh đã cũ, quần màu vàng kaki hiệu Dockers hơi rộng, bàn tay ông to bè, những ngón tay ngắn và thô, móng tay dài cáu bẩn, như một người vừa làm vườn. Ông đứng xếp hàng trước tôi chờ mua cà phê.
"Chào ông." Tôi lên tiếng trước.
"Chào!" Ông trả lời, giọng mệt mỏi.
Buổi trưa, nhiều nhân viên các cơ sở quanh vùng sau khi ăn lunch xong thường lấy cà phê trước khi trở lại sở làm. Hàng người chờ lấy cà phê khá dài. Ông B. quay mặt lại hỏi tôi hôm nay uống gì. Tôi cám ơn. Tôi nói để tôi vì tôi còn tiền trong thẻ Starbucks.
Nhớ lần đầu gặp ông, cũng đúng vào lúc xếp hàng mua cà phê vào buổi trưa. Ông đứng sau lưng tôi và hôm đó bất ngờ ông hỏi tôi một câu bằng tiếng Anh “Xin lỗi, ông có phải là người Việt Nam không?”
“Phải”, tôi trả lời bằng tiếng Việt. “Tại sao?” Tôi hỏi lại.
Ông nói mấy lần trước đi cà phê ở đây thấy tôi ngồi một mình nhưng ngại không dám hỏi sợ tôi không phải người Việt Nam. Người Việt mình ít ai uống Starbucks lắm. Cà phê Việt Nam dù gì cũng hợp gout hơn là cà phê Mỹ. Thấy tôi đeo sợi giây mang thẻ sở làm một toà báo, ông hỏi, tôi làm việc gì ở sở này. Tôi nói dối, tôi làm janitor, nghiã là lau chùi bàn ghế, quét dọn rác rến trong một toà soạn. Ông nhìn tôi thương hại.
"Qua Mỹ hồi nào? Làm janitor sống đủ không? Vợ con ra sao?" Tôi trả lời cho qua chuyện, tôi biết mình đã lỡ nói dối không thể tiếp tục thêm. Tôi nói tôi qua Mỹ năm 1985, vợ tôi thất nghiệp cả năm nay, tôi có bốn đứa con, đứa út mới vào đại học, ba đứa kia đã có việc làm.
“Vẫn ở với con cái à?”
“Không”, tôi nói, “vợ chồng tôi sống riêng, giống như hai con khỉ già chờ ngày ra đi.”
“Đi đâu?” Ông hỏi.
Tôi cười, “thì ra đi đó mà. Ai sống mà chẳng có lúc sau cùng phải ra đi.”
Ông cũng cười, “nói bậy. Lương bổng sao? Đủ sống không?”
Ông ta nhắc lại câu hỏi.
Tôi nói “à thì cũng sống vậy vậy.”
“Qua Mỹ năm nào?” Đây là lần thứ hai ông hỏi tôi.
Tôi nhắc lại: Năm 1985.
“Mà ở thành phố này lâu chưa?”
“Ồ chỉ mới sáu năm thôi.”
“Trước ở đâu?”
Tôi nói ở Quận Cam.
“Hồi đó làm gì?”
Tôi nhắc lại: “À, thì cũng lau chùi bàn ghế, nhà cửa, phòng ốc, hốt rác rưới cho một toà soạn báo.”
“Vậy sao?” Ông hỏi mà như nói.
Tôi hỏi lại ông, vậy chứ ông đến Mỹ từ bao giờ? Ông cho biết ông đã qua Mỹ từ trước 1975, đi du học rồi do biến cố tháng Tư 75, ông ở lại luôn. Ông hiện làm kỹ sư cho một hãng nhu liệu điện tử ở đây. Gần 10 năm sau ngày 30 tháng Tư, ông mới lo được giấy tờ cho vợ con qua, và bây giờ... ông bỏ lửng câu… “Tôi và vợ tôi không hợp nhau. Mấy đứa con đã lớn, đứa nào cũng có công ăn việc làm. Tôi hiện sống một đời sống khác.”
Tôi muốn hỏi ông thế nào là một đời sống khác, nhưng tôi nghĩ lại, hỏi để làm gì?
“Ông dùng loại nào?” Tôi nghe cô thu ngân hỏi ông. Ông gọi món frappucinovà quay sang nói với tôi "hôm nay không mang tiền lẻ, ông trả hộ ly nước của tôi nhé!"
"Không sao." Tôi gọi một double expresso, và như thường lệ, tôi đưa cái thẻ Starbucks cho cô thu ngân.…
Lấy cà phê xong, chúng tôi ra ngồi ở chiếc bàn trống ngoài sân…
Trời mùa hè vùng Thung Lũng năm nay không nóng như mọi năm. Tôi ấp hai tay vào ly cà phê. Tôi hỏi ông sao lúc này ít ra quán cà phê vậy? Ông nói hồi này ông uống cà phê Việt Nam nhiều hơn ở cái quán quen, chỗ đó thiếu chịu được. Tôi hỏi công việc của ông, ông nói ông tính về hưu. Ông là người thích du lịch. Nhưng chuyện chưa tính xong, còn nhiều chuyện phải giải quyết trước khi nghỉ hưu sao cho có lợi. Ông hỏi tôi hôm nay có phải về sở lau chùi bàn ghế ngay không? Tôi nói còn sớm, tôi có thể ngồi nán thêm ít phút nữa.
Ông B. than hôm nay ông buồn quá.
“Tại sao?”
“Tay kỹ sư làm cùng sở tôi vốn là một tay hiền lành, bỗng nhiên hôm nay nó chửi tôi là đồ khốn nạn.”
“Tại sao?”
“Đời sống tinh thần tôi mấy lúc sau này không ổn. Tôi nhìn đâu cũng thấy người ta nói xấu tôi, âm mưu hãm hại tôi. Tôi không tin ai, cái khổ của tôi là tôi thấy chung quanh mình ai cũng ngu dốt, đứa nào cũng có ý xấu với tôi. Một câu nói bình thường của bọn nó cũng làm tôi điên đầu suy diễn ra trăm nghìn ý nghĩa thâm độc.
Tôi có cảm tưởng cả thế giới này đều nhắm vào tôi. Cái tay kỹ sư ấy mới qua Mỹ chưa đầy 20 năm mà giữ cái chỗ tốt trong khi tôi sống ở đây đã hơn 30 năm, ăn học đàng hoàng mà vẫn cứ còn lẹt đẹt. Nếu không phải nó bắt tay với thằng phụ tá chủ tịch công ty thì làm sao có đươc chỗ đó.”
Tôi hỏi ông B., hay là tay này nó có bà con họ hàng gì với ông chủ tịch công ty?
"Làm gì có chuyện đó. Chủ tịch công ty là người Mỹ, còn nó là người như mình, mũi tẹt da vàng mà!"
“Không”, ông B. tiếp, “không có bà con cô bác gì đâu. Tôi nghĩ là nó nịnh thằng manager Việt Nam, thằng này cất nhắc nó lên. Tôi biết thằng đó dốt bỏ mẹ, tài năng gì! Tôi sẽ nói cho bàng dân thiên hạ biết tay đó là một thằng dốt. Anh làm nghề hốt rác lau chùi nhà cửa thì không biết gì chuyện của những ngườitrí thứcnhư tôi đâu.”
Và đột nhiên, ông B. đổi đề tài:
“Ở Việt Nam ông ở thành phố nào?”
Tôi nói Sài Gòn.
“Hồi đó ông làm ngành nghề gì?”
Tôi ấp úng, “tôi làm thợ mộc. Nhà tôi có hai anh em, anh tôi là lính Biệt Động Quân, còn tôi…làm thợ mộc.” Tôi đã lỡ nói dối nên tới luôn.
“Còn tôi, tôi rời nước sớm quá, tôi không biết gì về tình hình đất nước những ngày 30 tháng Tư.
Anh có bị tù không?”
“Không, thợ mộc không bị tù, nhưng tôi cũng ở tù vì tội vượt biên.”
“Tù ở đâu? Có cùng chỗ với ông Đại Học Máu không?”
“Ông Đại Học Máu là ông nào?”
“Ồ, xin lỗi.” Ông nói, “tôi quên ông là người hốt rác lau chùi nhà cửa. Đại Học Máu là tên một cuốn sách viết về người tù cải tạo. Ông không biết đâu! À ông nói ông bị tù vì tội vượt biên, nhưng tù ở đâu?””
“Tôi ở tù dưới Rạch Giá, U Minh.”
“Vậy là ở chỗ của ông Hương Rừng Cà Mâu chứ gì?”
Tôi nói tôi không hiểu ông muốn nói gì.
Ông cười, “xin lỗi, anh không bao giờ đọc sách báo à?”
“Sách thì không, nhưng báo thì cuối tuần nào mà tôi không đọc, báo Việt ngữ bỏ đầy ở các tiệm ăn Việt Nam.”
Ông B. nhìn tôi:
“Mặt mũi anh trông không đến nổi nào mà sao không chịu học hành gì cả. Tìm một nghề nào khá hơn không?”
Tôi ậm ừ không trả lời. Tôi đang chán vở kịch tôi đang đóng.
Ông B. lại hỏi “Lương bổng anh sao? Đủ sống không?”
Tôi nói “12 đồng giờ. Cũng sống được.”
Ông B. bỗng nghiêng qua bàn, kê sát miệng vào tai tôi thì thầm:
“Anh có cần tiền không?”
Cái miệng kinh khủng với đôi môi thâm xì, hai hàm răng vàng khè và hơi thở ông khét mùi thuốc lá làm tôi khó chịu.
“Tiền hả? Tiền thì ai mà không ham. Nhưng tiền ở đâu ra?”
Ông B. rút trong túi áo ra một tấm ảnh cắt từ một tờ báo. “Đây là thằng X. cái thằng kỹ sư ngu dốt mà tôi đã nói chuyện với anh, nó là thằng dám nói tôi là đồ khốn nạn. Tôi sẽ đưa anh một ngàn nếu anh làm nhục nó trước mặt đám đông.”
“Làm nhục bằng cách nào?”
“Anh chỉ cần chửi nó là đồ ngu, đồ dốt nát, đồ khốn nạn trước mặt đám đông ở một tiệm phở mà nó hay đến. Tôi chịu trả anh một ngàn đồng.”
Tôi không trả lời. Tôi nhìn ông B., ngạc nhiên hơn là khinh bỉ, khinh bỉ hơn là giận dữ.
Tôi đứng dậy, cầm xâu chìa khoá xe. Ông B. kéo giật tay tôi, "anh ngồi xuống đây với tôi chút nữa thôi. Tôi sẽ trả anh hai ngàn. Chịu không? Tôi đang có những ngày tháng không vui. Những ngày tháng mà bỗng dưng giữa đám bạn bè ai cũng nhìn tôi như một con quái vật mang hình dáng người. Một con quái vật trở mặt, thoắt một cái từ mặt người thành mặt thú, thoắt một cái từ cái dáng vẻ lương hảo thành tay lưu manh xảo quyệt, thoắt một cái từ sự thanh tao trở nên thô lỗ cục cằn... Con quái vật có đủ mọi thứ bề ngoài của một con người bình thường, nhưng khi nó há miệng ra cho người ta thấy những chiếc răng nanh nhọn hoắc đầy máu me của mình. Con quái vật có những ngón tay cầm bút nhưng khi nhìn kỹ đó chỉ là móng vuốt của một thứ Dracula đang bấu vào cổ người. Tôi vốn không tin có Dracula trong đời sống này. Chẳng qua đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thật ra bây giờ tôi mới biết tôi đã có một ý nghĩ sai. Thế giới chúng ta quả thật có ma quỷ, có hồ ly, có Dracula. Dracula sống trà trộn giữa chúng ta. Chúng nói cười đi đứng sinh hoạt như chúng ta. Chúng luôn luôn than van thiếu thốn nghèo túng mặc dù chúng không hề túng thiếu. Chúng thích vơ vét, bốc hốt, thích dí mũi vào đời sống người khác may ra moi móc chút đời tư để kể lại bằng giọng hả hê. Chúng giống như con dòi ngúc ngoắc từ một đống phân. Chúng đóng vai một tên có chút kiến thức nhưng là một thứ kiến thức ăn đong cóp nhặt từ những trang báo, những cuốn sách chưa kịp tiêu. Những con quỷ Dracula không thể sống nếu không hút máu của người khác. Nhưng nó sẽ không hút được máu ai nếu trước hết nó không làm cho người khác tin nó là một con người tử tế. Người ta cứ tưởng nó mềm như một miếng bông gòn, nhưng thực ra nó là một cục chì, đất sét. Nó là một con vật thông minh chứa đầy nọc độc. Tôi đang có những ngày không vui, khi bỗng dưng một hôm phát hiện ra con quỷ Dracula mà lâu nay tôi cứ tưởng là người nào khác lại chính là tôi. Anh đừng bỏ đi, tôi sẽ cho anh mười nghìn đồng, mười nghìn chứ không phải hai nghìn, anh làm nhục tên kia dùm tôi. Tôi xin anh, chỉ khi nào anh làm được như thế con quái vật Dracula kia mới ra khỏi đầu óc tôi, ra khỏi trái tim đầy lòng hoài nghi của tôi.”
Ông B. nói một hơi không nghỉ. Ông làm tôi ngạc nhiên, quá sức ngạc nhiên…..
Hôm nay là thứ Sáu, buổi chiều cuối tuần, công việc ở sở tương đối nhẹ nhàng, tôi có hai ngày nghỉ ngơi trước mắt.
Tôi nói với ông B. là ông cứ moi hết những rác rưới trong đầu ông ra đi tôi sẽ đổ dùm ông. Ông cứ móc hết sư nhơ bẩn của cống rảnh ra khỏi trái tim xấu xa của ông đi tôi sẽ dội nước sôi dùm ông. May ra…..
Tôi cầm xâu chìa khoá dứt khoát bước ra khỏi tiệm Starbucks.
Cà phê Starbucks nhạt và dở trừ phi uống một cái double expresso. Nhưng hôm nay cả ly double expresso cũng nhạt phèo hơn nước lả!
Chiều thứ Sáu tuần này là một buổi chiều không vui của tôi.

______________

Tự truyện không phải là… tự truyện!

Cuối tuần qua tôi ngồi quán cà phê với một người bạn từ Úc qua chơi. Lâu lắm, phải nói là có đến 30 năm chúng tôi mới gặp lại nhau. Lần cuối gặp T. ở quán cà phê đường Nguyễn Thiện Thuật Sài gòn vào khoảng tháng 12, 1982 khi tôi vừa ra tù ở U Minh và chúng tôi bàn chuyện vượt biên. Tôi nói đó là lần cuối vì sau đó chúng tôi không còn dịp gặp nhau nữa! Tuy vậy, phải đến mười năm sau chúng tôi mới liên lạc được nhau. Trong email gần nhất, bất ngờ T. cho biết anh vừa đến Cali và đang ở Quận Cam. Anh hẹn tôi tuần sau mình sẽ gặp nhau ở San Jose! Hãy cho biết địa chỉ một quán cà phê nào mà tôi thường ngồi sẽ có người chở T. đến.
Té ra, người chở T. đến cũng là bạn quen của chúng tôi từ thời ở Sài gòn. Thật là một bất ngờ, khi cả hai chúng tôi ở cùng một thành phố nhiều năm nay mà chưa bao giờ gặp nhau.
Chúng tôi nói ba điều bảy chuyện, chuyện gia đình, chuyện đời sống, chuyện ba chìm bảy nổi… T. nói sau lần gặp nhau ở quán cà phê anh đi trót lọt. Và anh đã ở Sydney từ đó đến nay. Chưa bao giờ đến Mỹ. Đây là chuyến đi đầu tiên ra khỏi Úc của anh.
T. hỏi tôi có đi Úc lần nào chưa? Tôi nói chưa, mặc dù muốn đi lắm. Bên đó bạn bè nhiều mà tôi thì cứ loanh quanh ở Cali. Thỉnh thoảng có đi ra khỏi xứ Cali như Houston hay Virginia, và xa lắm là Paris…. Chứ còn Úc, thì chưa bao giờ! Chán thật! T. nói hình như ông có bà chị dâu bên Úc mà, sao ông không qua đó một chuyến thăm bà chị? Tôi ngạc nhiên: “Tôi làm gì có bà chị dâu nào bên Úc! Sao ông hỏi lạ vậy?” T. cười. Vậy là ông xạo rồi. Tôi biết là ông có bà chị dâu đang sống bên Úc mà. Chị ấy ở có còn ở Cabramatta không? Tôi cười: “Sao ông phịa chuyện hay vậy? Làm gì có chuyện đó?” “Trời ơi!” T. trợn mắt nhìn tôi: “Chính ông là người kể lại chuyện này trong tự truyện của ông mà! Thế tự truyện không phải là….tự truyện à? Ngay trên đài VOA, blog của ông cũng ghi phần tiểu sử như thế mà!
À, tôi nhớ ra rồi, trong Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự, tôi có viết một chi tiết như thế.
“Hôm qua tôi vừa được thư bà chi dâu từ Cabramatta Úc Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở…”
Người bạn ngày xưa của tôi cho biết đã đọc truyện ngắn mang tựa là “Tự truyện…” này và anh nghĩ tôi viết về tôi. Không phải T. là người duy nhất nghĩ như thế. Bạn bè tôi, có người cũng đã nghĩ như thế. Và trên VOA, khi người phụ trách trang blog đã trích ra những dòng chữ trong Tự truyện
"…Tôi là đứa con thứ mười hai trong môt gia đình có mười ba anh chị em. Tôi rất sợ cha tôi. Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Tôi không thích rượu…Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ. Mãi đến mười năm sau, nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi được Mỹ nhận cho định cư…"
chắc có lẽ cũng đã coi đó là tiểu sử thật của tôi như thế!
Tôi nói, ông ơi, đó là truyện mà. Tôi nói như vậy nhưng nhìn mắt T. tôi thấy hình như anh không tin! T. nói, “thôi bỏ chuyện đó đi, năm tới ông có đi Úc không thì cho tôi biết nhe! Tôi sẽ dẫn ông đi thăm bà chị dâu của ông! Mấy ông nhà văn rắc rối bỏ mẹ!”
***
Tôi nhớ trên một trang Sổ Tay tạp chí Văn năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ernest Hemingway (1899-1999) tôi có viết một đoạn về tác giả này. Năm đó, Cuba, nơi Hemingway đã sống hơn một phần tư thế kỷ (từ 1932 đến 1960) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về tác giả Chuông Nguyện Hồn Ai (For Whom the Bell Tolls - 1940),... và những buổi trình diễn vũ ballet cùng những dạ tiệc có hòa nhạc giao hưởng.
Theo tôi, Hemingway là một trong số ít tác giả có lối viết đối thoại thông minh. Đọc ông, người ta có cảm tưởng như đang đối diện với chính nhân vật, trò chuyện với họ bằng thứ ngôn ngữ đời thường. Hemingway từ những năm hai mươi đã nhúng ngòi bút của mình vào lọ mực cuộc sống sôi động hiện thực. Hơi thở trong văn chương ông luôn luôn nóng bỏng như một lò lửa không bao giờ tắt. Nồng nàn và ấm áp, giữa hai bờ vực tử sinh. Truyện của ông bắt người đọc bấu theo từng trang, men chân theo từng bước đi của nhân vật. Như một võ sĩ trên đài, cuốn sách của ông không được xếp lại nếu không có một đối thủ nằm xuống.
Tôi nhớ trong một cuốn phim có tựa đề In Love And War (Trong Tình Yêu Và Chiến Tranh) với Sandra Bullock và Chris O'Donnell, - hình như năm 1997 thì phải - người ta được biết câu chuyện tình đam mê của tiểu thuyết gia lừng danh thế kỷ 20 với người phụ nữ xinh đẹp trong thời chiến. Cuốn phim, được dàn dựng dựa theo cuốn sách cùng tên của Henry Villard và James Nagel, miêu tả tình yêu của chàng trai 19 tuổi Ernest Hemingway, tài xế xe cứu thương, yêu cô nữ y tá Agnès von Kurowsky tại bệnh viện Milan, Ý thời đệ nhất thế chiến. Chính câu chuyện tình đầy đam mê này đã được Hemingway đưa vào một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông: A Farewell to Arms(Giã Từ Vũ Khí). Trong tiểu thuyết, Hemingway đã để cho cô y tá Catherine Barkley yêu anh tài xế xe cứu thương Frederic Henry, mặc dù trong thực tế cô Agnès phủ nhận tình yêu dành cho chàng thương binh Ernest Hemingway.
Tác giả Villard là một trong những thương binh nằm cùng bệnh viện với Hemingway vào năm 1918. Ông gọi Agnès là người phụ nữ có những “nét lấp lánh mà các cô y tá khác không có được…Chúng tôi càng ngày càng thấy rõ là Ernest bị cô ta mê hoặc... Tôi đã bắt gặp anh ta nắm lấy tay cô vào một buổi chiều, theo cách mà người ta không thể cho là cô ta đang thăm mạch anh.” Khi chiến tranh chấm dứt, Agnès theo Hội Hồng Thập Tự sang Romania, rồi sau đó sang Haiti. Tại đây, năm 1928 cô thành hôn với Howard Preston Garner. Tuy nhiên cuộc hôn nhân đỗ vỡ và sáu năm sau, 1934, cô kết hôn với một nhà quản lý khách sạn tên William Stanfield - một người đàn ông góa vợ, có ba con đã lớn. Cuộc hôn nhân này kéo dài cho đến lúc Agnès qua đời năm 1984 là năm bà được 92 tuổi. Năm 1976, tác giả cuốn In Love and War gặp lại bà Agnès, lúc đó bà đã 84 tuổi, vẻ đẹp rực rỡ ngày nào không còn nữa bây giờ chỉ là một cụ già lưng đã còng. Nhắc đến tiểu thuyết Giã Từ Vũ Khí bà Agnès cho là Hemingway đã hư cấu quá đáng. Bất chấp những lời phủ nhận của cô y tá Agnès, nhà làm phim Richard Attenborough vẫn tin rằng Agnes và Hemingway đã trải qua một mối tình thơ mộng.
Tôi không tin như nhà làm phim Richard Attenborough, nhưng tôi tin vào Ernest Hemingway rằng sự thật trong tiểu thuyết không nhất thiết phải là bản sao của sự thật ngoài đời. Ai cấm Hemingway không có quyền cho nhân vật Catherine yêu anh tài xế xe cứu thương Henry trong Giã Từ Vũ Khí? Tiểu thuyết là hư cấu, và không có chuyện hư cấu quá đáng hay vừa phải, chỉ có hư cấu hợp lý hay không hợp lý thôi.
Nhắc đến nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingway mà không nhắc đến người đã gây cảm hứng cho tiểu thuyết Ngư Ông và Biển Cả (The Old Man and The Sea) là một thiếu sót.
Nếu nhân vật trong tác phẩm Giã Từ Vũ Khí của ông đã qua đời và đã phủ nhận tình yêu của bà dành cho tác giả Hemingway, thì nhân vật trong Ngư Ông và Biển Cả vào năm 1999 vẫn không hết lời ngợi ca người đã viết nên tác phẩm lớn của thế kỷ 20 qua hình ảnh của chính mình. Cụ Gregorio Fuentes ở Cojíma, người đã gợi hứng cho Hemingway viết Ngư Ông Và Biển Cả (xuất bản năm 1952) vào năm 1999, cụ vừa 102 tuổi. Lão Ngư ông Fuentes là người Tây Ban Nha di cư sang Cuba từ nhỏ. Ông gặp Hemingway vào năm 1928 tại Dry Tortugas ngoài khơi Florida khi cả hai mắc kẹt trong một trận bão. Năm 1934, Hemingway nói với Fuentes là ông đang đóng một chiếc tầu (Pilar) và ông muốn Fuentes làm thuyền trưởng. Sau đó Fuentes trở thành người đồng hành thường xuyên của Hemingway. Năm 1999, cụ Fuentes đang là một nguyên mẫu sống cho hành trình những du khách đến viếng thăm Cuba. Chỉ có điều buồn cười là cái giá, do người cháu của cụ đặt ra, cho mỗi du khách viếng thăm lão ngư ông là 50 mỹ kim trong 15 phút, mà một bản tin của Mireya Navarro trên tờ New York Times cho biết thêm nếu chịu khó mặc cả giá có thể giảm xuống còn một nửa.
Nhân vật trong tiểu thuyết có thật hay chỉ là hư cấu?
Và nếu một truyện ngắn mang tên là “Tự truyện” thì tự truyện đó phải chăng là chuyện thật của tác giả mang tên Nguyễn-Xuân Hoàng? Có những chi tiết cá tính của vài nhân vật trong truyện là đúng, nhưng toàn bộ câu chuyện chỉ là hư cấu. Tôi không phải là tôi. Cái Tôi trong truyện - nhiều truyện của tôi - không phải là Cái Tôi ngoài đời. Tôi là một người khác. [NXH]

(còn tiếp)