Công an ngăn cản hội thảo của Hội Nhà Báo Ðộc Lập

Nguồn: Internet

HÀ NỘI (NV) - Hội Nhà Báo Ðộc Lập Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội hôm Chủ Nhật vừa qua đã bị công an cản trở.

Theo ông JB Nguyễn Hữu Vinh viết trên facebook và blog, cuộc hội thảo với đề tài “Obama đến Việt Nam - The change we need” dự trù tổ chức ở Hà Nội ngày Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016, có sự tham dự của các nhà báo độc lập từ một số nơi khác tới và cả khách mời ngoại quốc. 


Một số thành viên Hội Nhà Báo Ðộc Lập tại cuộc hội thảo tổ chức ở Hà Nội. (Hình: HNBÐL)

Tuy nhiên, vì có thể do nghe lén điện thoại và đọc trộm điện thư nên công an đã ngăn chặn nhiều người hoặc ngay từ nhà hoặc bị bắt tới cơ quan công an để “làm việc.” Chỉ có một số ít tới được điểm hẹn như TS Nguyễn Thanh Giang, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, các ông Nguyễn Ðăng Quang, Nguyễn Ðình Ấm, Hoàng Hùng.

Cuộc hội thảo này, theo ông Vinh là “một cơ hội để thảo luận với nhau về tình hình đất nước, các mối quan hệ quốc tế cần được phát huy hay tranh thủ như thế nào để đưa đất nước ra khỏi thế ‘ngàn cân treo sợi tóc’ trước giặc xâm lăng đã đang dày xéo lãnh thổ mà chúng chưa có ý định dừng lại.”

Theo ông Vinh kể cho biết, nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Ðộc Lập bị câu lưu tại CA Phường Giảng Võ vì một vụ... “đụng xe,” còn ông Bùi Minh Quốc, phó chủ tịch của hội, nhà báo Ðoan Trang được mời về công an phường “làm việc.” Nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy thì bị ngăn chặn thô bạo ngay tại nhà. Các vị khách quốc tế đã được thông báo về sự ngăn chặn và phá hoại này, nên họ sẽ không đến nơi đã định.


Logo của Hội Nhà Báo Ðộc Lập. (Hình: HNBÐL)

 

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng an ninh của công an Hà Nội vừa trực tiếp vừa gián tiếp can dự vào hành vi cản trở cuộc tọa đàm trên. Cũng có dấu hiệu công an ‘đạo diễn’ để côn đồ đe dọa hành hung các nhà báo. Kết hợp với những biểu hiện gần đây từ phía chính quyền, có những chỉ dấu cho thấy công an tăng cường dùng “luật rừng.” Hội Nhà Báo Ðộc Lập cáo buộc trong bản bố phổ biến hôm 19 tháng 4, 2016.

Hội Nhà Báo Ðộc Lập cho rằng công an Hà Nội đã cản trở trắng trợn và thô bạo quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, quyền tự do đi lại của các nhà báo, hoàn toàn trái với Hiến Pháp Việt Nam và công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982.

“Hội Nhà Báo Ðộc Lập Việt Nam tuyên bố phẫn nộ phản đối hành vi ngăn chặn trên và thông báo câu chuyện quá đáng xấu hổ này đến nhà nước và chính phủ Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu,... cùng các tổ chức quốc tế về nhân quyền và giới truyền thông trong và ngoài Việt Nam,” bản tuyên bố viết. (TN)


Hội Nhà Báo Độc Lập lên án vụ đàn áp ông Phạm Chí Dũng

 SÀI GÒN (NV) .- Hội Nhà Báo Độc Lập tại Việt Nam ra một bản tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Việt Nam đã liên tiếp khủng bố sách nhiễu, đe dọa ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch của hội này.

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập tại Việt Nam bị nhà cầm quyền CSVN khủng bố liên tiếp hai ngày 25 và 26/6/2015. (Hình: Internet)

“Trước nguy cơ bị nhà cầm quyền đe dọa và có thể dẫn tới đàn áp nhằm xóa sổ IJAVN - một tổ chức xã hội dân sự mặc nhiên được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và 2013, các nhà báo độc lập của IJAVN lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động sách nhiễu, đối xử thô bạo và có thể tiến tới bắt giam của Công an TP.HCM đối với không chỉ Chủ tịch IJAVN Phạm Chí Dũng trong thời gian qua mà còn có thể xảy ra với một số thành viên IJAVN trong thời gian tới.”

Bản tuyên bố của Hội Nhà Báo Độc Lập tại Việt Nam công bố hôm Thứ Hai 29/6/2015 viết như vậy sau khi trình bày các sự việc xảy ra từ đầu Tháng 6-2015 đến nay đối với ông chủ tịch hội là Phạm Chí Dũng.

Theo bản tuyên bố nói trên, ông Phạm Chí Dũng đã bị Công an cưỡng bách giữa đường, bắt đi “làm việc” liên tiếp hai ngày 25 và 26/6/2015. Trước đó, ông đã từ chối “giấy triệu tập” của Công an hỏi về ông Nguyễn Quang Lập, một nhà văn có blog rất nổi tiếng là “Quê Choa”.  Ông Lập cũng đã bị bắt giam, thẩm vấn mấy tháng rồi thả ra.

Tuy nhiên, như được kể lại trong bản tuyên bố, những gì ông Phạm Chí Dũng bị tra gạn về ông Nguyễn Quang Lập chỉ là cái cớ để bị thẩm vấn. Mục đích chính của Công an là tra khảo ông về những bài viết của ông trên mạng, trên báo chí hải ngoại và nội dung của tờ báo mạng “Việt Nam Thời Báo” của Hội Nhà Báo Độc Lập, cũng như đe dọa ông.

“Mặc dù lý do làm việc của Cơ quan ANĐT là về vụ án Nguyễn Quang Lập, nhưng hầu hết các câu hỏi thẩm vấn đều xoáy vào IJAVN, trang web của hội này là Việt Nam Thời Báo và các bài viết trên báo nước ngoài của tác giả Phạm Chí Dũng. Cơ quan ANĐT đòi hỏi trang web Việt Nam Thời Báo phải ngừng hoạt động”, bản tuyên bố viết.

Bản tuyên bố của Hội Nhà Báo Độc Lập cho hay, từ cuối năm 2013 sau khi tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập IJAVN đến nay, Nhà báo Phạm Chí Dũng liên tục bị cơ quan công an tổ chức theo dõi, tịch thu hộ chiếu cấm xuất cảnh, ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, gần 20 lần bị triệu tập, một số lần bị bắt giữ trái phép.

“Những động tác triệu tập, đối xử thô bạo, nội dung thẩm vấn và hành vi sách nhiễu khác của Cơ quan ANĐT trong thời gian qua khó có thể được hiểu khác hơn là nhằm mục đích muốn loại trừ IJAVN và vai trò chủ tịch IJAVN của Nhà báo Phạm Chí Dũng, bất chấp thiện chí của IJAVN là phản biện ôn hòa với nhà cầm quyền về chính sách và và việc thực hiện chính sách để cùng hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo trong xã hội.”

Bản tuyêt bố viết như thế và cho rằng các hành động của Công an tại Sài Gòn là “bằng chứng rõ ràng về việc Nhà nước Việt Nam đã rất thiếu tôn trọng những cam kết của họ trong vai trò một thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”

Tổ chức trên kêu gọi các chính phủ, tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước quan tâm dân chủ và nhân quyền, cùng các tổ chức truyền thông hãy có biện pháp thiết thực để hỗ trợ IJAVN trong hoàn cảnh bị đàn áp nặng nề hiện nay.

Nhà báo Phạm Chí Dũng được xem là nhà quan sát về chính trị có tiếng ở Việt Nam. Ông cộng tác viết bài, trả lời phỏng vấn của hầu hết các đài phát thanh quốc tế Việt ngữ như RFI, BBC, VOA và RFA. Riêng trên báo Người Việt, ông thường có bài viết nhận định về tình hình Việt Nam cả trên Nhật báo mỗi Thứ Hai hàng tuần và trên Người Việt Online.

Phạm Chí Dũng sinh năm 1966, ông từng là nhà báo, là hội viên Hội Nhà văn thành phố Sài Gòn và từng là đảng viên cộng sản. Ngày 5 tháng 12 năm 2013, ông Dũng làm đơn xin ra khỏi đảng, vì cho là:"Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân."

Ngày 04 tháng 7 năm 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập và ông Phạm Chí Dũng được bầu làm chủ tịch. Khái niệm thành lập hội bắt nguồn từ Câu lạc bộ Nhà báo Tự do mà blogger  Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) là thành viên chủ chốt. Tổ chức đó sau khi thành hình năm 2007, ông Nguyễn Văn Hải bị truy tố và tổ chức này tan vỡ.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Auskar Surbakti của đài ABC TV 24 Australian vào ngày 28 tháng 7-2014, Ông chủ tịch hội NBĐLVN Phạm Chí Dũng nói : "Nếu họ có tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam thì họ không cần phải lập hội này. Hội này gồm những người mà muốn có tiếng nói độc lập, muốn chỉ trích những chính sách sai lầm của chính phủ."

Hồi năm ngoái, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris, lần đầu tiên đã công bố danh sách « 100 anh hùng thông tin » năm 2014, gồm các nhà báo và blogger ở 65 quốc gia trên thế giới. Trong số ba người Việt Nam được vinh danh có ông Phạm Chí Dũng.

Chỉ còn vài ngày nữa là tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sang chính thức thăm nước Mỹ, một biến cố chưa từng có tiền lệ. Hoa Kỳ thường xuyên đả kích chế độ Hà Nội không tôn trọng nhân quyền mà bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về nhân quyền tại Việt Nam phổ biến tuần qua là một bằng chứng cụ thể.

Người ta tin rằng cải thiện nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam là những gì ông tổng thống Mỹ Barack Obama không quên nói với ông Nguyễn Phú Trọng khi ông này bước chân vào Tòa Bạch Ốc.

Việc chế độ Hà Nội vẫn bạo tay đàn áp các người bất đồng chính kiến, bất chấp chính hiến pháp và luật lệ của chế độ, chứng tỏ CSVN không coi những sự phản đối của thế giới có thể thúc đẩy họ tôn trọng nhân quyền trên thực tế. (TN)


Công an ép nhà báo Phạm Chí Dũng

dẹp báo mạng Việt Nam Thời Báo

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) - Công an CSVN đã ép nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng phải dẹp tờ báo mạng Việt Nam Thời Báo là tờ báo của Hội Nhà Báo Độc Lập tại Việt Nam mà ông là chủ tịch.

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đi biểu tình chống thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông năm 2014.(Hình: Internet)

“Họ yêu cầu thẳng là trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập cần phải chấm dứt. Tôi nói rằng tất cả những vấn đề này tôi phải trao đổi lại với trong Hội, vì tôi không có quyền quyết định.” Ông Phạm Chí Dũng nói với đài phát thanh RFI trong cuộc phỏng vấn chiều ngày Thứ Năm 25/6/2015 sau khi vừa từ cơ quan Công an thành phố Sài Gòn về nhà.

Buổi sáng cùng ngày, khoảng 8 giờ sáng, sau khi ông đưa con nhỏ đi học ở trường 'Tuổi Thơ 7' ở Quận Ba thì bị một đoàn đông đảo khoảng 20 nhân viên an ninh CSVN cưỡng bách đi.

“Khi vào trường tôi chợt thấy có mấy người vào theo, và sau khi gởi bé rồi, tôi quay ra thì có khoảng hai chục người và một chiếc xe hơi đậu ngay trước cổng trường. Họ đưa tôi giấy triệu tập, yêu cầu đi về cơ quan công an điều tra để làm việc. Tôi từ chối, nói rằng tôi không có lý do nào để làm việc với họ. Sau đó họ đã bẻ quặt hai tay tôi ra sau lưng, và đẩy tôi ra khỏi cổng trường. Lúc đó đông người lắm. Họ đưa tôi lên xe hơi, đến cơ quan an ninh điều tra.” Ông Dũng kể trên đài RFI.

Sau khi tra gạn ông suốt nhiều giờ về nhiều chuyện và về mối quan hệ giữa ông với ông Nguyễn Quang Lập, một nhà văn nhà báo độc lập có trang mạng 'Quê Choa' đã bị bắt giam nhiều tháng và đã được thả,  viên công an đi thẳng vào vấn đề mà họ muốn. Tức là áp lực để ông phải dẹp báo mạng Việt Nam Thời Báo hiện đang có rất nhiều độc giả khắp nơi trên thế giới, không riêng gì tại Việt Nam.

“Bất kỳ những hành động nào của họ muốn ngăn chận tiếng nói tự do, phản biện, chính luận, đều là can thiệp thô bạo vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân đã được Hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992.” Ông Phạm Chí Dũng kể lại điều ông nói với viên Công an CSVN.

Ông cho biết “Đến cuối giờ chiều hôm nay, tôi mới được thả ra. Cơ quan an ninh nói rằng kể từ nay trở đi họ có thể áp giải tôi bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu ! »

Trên tờ báo mạng Việt Nam Thời Báo, ngoài những bài chính luận trình bày quan điểm của công dân với các vấn đề thời sự của đất nước và khác với quan điểm chính thống “lề phải”, hiện Hội Nhà Báo Độc Lập đang vận động cho “Luật Biểu Tình” vốn bị nhà cầm quyền CSVN trì hoãn mấy năm qua.

Hội Nhà Báo Độc Lập cũng đang vận động “cải cách thể chế” vốn là cái khung sườn cai trị của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội ngày nay. Cũng vì cái thể chế như hiện nay mà guồng máy cai trị có hai hệ thống song hành đảng và nhà nước ngồi chồng lên nhau, dân một cổ hai tròng.

Nhà báo Phạm Chí Dũng được xem là nhà quan sát về chính trị có tiếng ở Việt Nam. Ông cộng tác viết bài, trả lời phỏng vấn của hầu hết các đài phát thanh quốc tế Việt ngữ như RFI, BBC, VOA và RFA. Riêng trên báo Người Việt, ông thường có bài viết nhận định về tình hình Việt Nam cả trên Nhật báo mỗi Thứ Hai hàng tuần và trên Người Việt Online.

Phạm Chí Dũng sinh năm 1966, ông từng là nhà báo, là hội viên Hội Nhà văn thành phố Sài Gòn và từng là đảng viên cộng sản. Ngày 5 tháng 12 năm 2013, ông Dũng làm đơn xin ra khỏi đảng, vì cho là:"Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân."

Ngày 04 tháng 7 năm 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập và ông Phạm Chí Dũng được bầu làm chủ tịch. Khái niệm thành lập hội bắt nguồn từ Câu lạc bộ Nhà báo Tự do mà blogger  Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) là thành viên chủ chốt. Tổ chức đó sau khi thành hình năm 2007, ông Nguyễn Văn Hải bị truy tố và tổ chức này tan vỡ.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Auskar Surbakti của đài ABC TV 24 Australian vào ngày 28 tháng 7-2014, Ông chủ tịch hội NBĐLVN Phạm Chí Dũng nói : "Nếu họ có tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam thì họ không cần phải lập hội này. Hội này gồm những người mà muốn có tiếng nói độc lập, muốn chỉ trích những chính sách sai lầm của chính phủ."

Hồi năm ngoái, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris, lần đầu tiên đã công bố danh sách « 100 anh hùng thông tin » năm 2014, gồm các nhà báo và blogger ở 65 quốc gia trên thế giới. Trong số ba người Việt Nam được vinh danh có ông Phạm Chí Dũng.

Ông Phạm Chí Dũng từng bị an ninh Việt Nam tịch thu hộ chiếu khi ông ra phi trường Tân Sơn Nhất đi tham dự cuộc hội thảo về vấn đề dân chủ và nhân quyền cùng buổi kiểm điểm nhân quyền UPR do Liên Hiệp Quốc tổ chức mà Việt Nam là một trong những nước phải trả lời việc này vào ngày 5 tháng 2, 2014 ở Geneva, do tổ chức UN Watch mời. (TN)

http://www.nguoi-viet.com

 

Đăng ngày 20 tháng 04.2016