Viện Khổng tử và

chánh sách ngoại vận của Bắc kinh

Nguyễn thị Cỏ May

Từ hơn một thập niên qua, đảng cộng sản Trung Quốc đã nổ lực thành lập hàng loạt Viện Khổng Tử trên khắp thế giới nhằm quảng bá «ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc» bằng những lớp học và sách giáo khoa do viện này cung cấp.
Cơ sở đầu tiên được thành lập tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào năm 2004. Tính đến năm 2018, Trung Quốc đã thành lập được 548 Viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường Đại học và ở nước ngoài.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều quốc gia, nhứt là Mỹ, lên tiếng cảnh báo «Viện Khổng Tử là nỗ lực của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm tăng cường  ảnh hưởng chính trị, tuyên truyền và phản tuyên truyền “tẩy não” giới trẻ Trung quốc, và cả trẻ sở tại, hướng dẫn suy nghĩ của chúng tránh những tư tưởng về nhơn quyền, tự do dân chủ Tây phương» .
Hàng loạt các trường Đại học ở Mỹ, Đan Mạch, Hoà Lan, Bỉ và Pháp đã đóng cửa Viện Khổng Tử trong những năm gần đây.
Riêng Thụy Điển là quốc gia châu  Âu đầu tiên cho phép mở cửa Viện Khổng Tử. Vậy mà chánh phủ Thụy Điển cũng đã ra lệnh đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng hồi tháng 1 và lớp học Khổng Tử cuối cùng vào tháng 5 năm nay.

Riêng Việt nam, nước xã hội chủ nghĩa anh em vói Trung quốc, mãi tới cuối năm 2014 mới chánh thức rước Viện Khổng tử vào đặt trong Đại học Hà nội. Mục đích được Hà nội nêu ra là để «thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ việt-trung...» . Thực tế, ở Việt nam, tiếng Tàu đã được chánh thức qui định là sinh ngữ chánh bắt buộc ở Trung học. Các lớp mẫu giáo đã bắt đầu áp dụng tiếng Tàu như quốc ngữ. Cô giáo là các cô xẩm thắc bím, xí xô xí xào rân trời!

Cũng còn may mắn là trong giới trí thức Việt Nam có lắm người không tin lời giải thích của nhà cầm quyền. Họ nghi ngờ vai trò của Viện Không tử. Như ông Ngô Đức Thọ, cán bộ của Viện Hán Nôm Hà Nội, mà còn lo ngại rằng Bắc kinh, qua Viện Khổng tử, chính là muốn “mang tư tưởng bành trướng Đại Hán muôn thuở mà cắm ngay giữa thủ đô Hà Nội!”

Thật ra không riêng gì nước ta từ đời Lý, Trần cho đến nhà Nguyễn đã có Viện Khổng tử. Mà cả Nhựt bổn, Hàn quốc cũng có. Vì thuở đó, nhiều nước Á đông đều học và thi cử  theo sách vở Khổng Mạnh. Nhưng không ai lo ngại vì nhà vua trọng tinh thần dân tộc độc lập và dân chúng tin tưởng ở đường lối cai trị của nhà vua.  Nhờ truyền thống này mà ngày nay, dưới chế độ cộng sản lệ thuộc Bắc kinh, một số cán bộ đảng viên trí thức và dân chúng vẫn không tin Trung cộng là lương thiện, biết ngay Viện Khổng tử chỉ là một thứ công tác nước ngoài của đảng cộng sản Trung quốc. Như tuyên truyền và phản tuyên truyền những diều hoàn toàn không phải văn hóa Khổng mạnh, mà là tư tưởng xâm lược và bá quyền của Mao Trạch-đông.
Phản ứng không tin vai trò văn hóa của Viện Khổng tử và chống đối của giới trí thức ở Hà Nội và có thể trên cả nước chắc chắn cũng sẽ không làm cho đảng và Nhà nước cộng sản Hà nội dám quyết định đóng cửa Viện Khổng tử như ở những nơi khác đã làm. Cả đảng Cộng Sản Hà nội cũng không dám ngăn cản hoạt động của viện này khi nó truyền bá “tư tưởng bành trướng đại Hán”.

Viện Khổng tử là quyền lực mềm hay cứng ?
Ngoại trưởng Huê kỳ, ông Mike Pompeo tuyên bố hôm 13 tháng 8/2020 «Những Viện Khổng tử chỉ toàn là công cụ tuyên truyền của Trung quốc». Và ông đẩy mạnh áp lực lên Trung quốc, không còn coi những Viện Khổng tử là cơ sở văn hóa nữa, mà xếp chúng như một phái bộ ngoại giao, làm công cụ tuyên truyền cho Bắc kinh trên thế giới, gây ảnh hưởng xấu trong các Đại học và trường học Mỹ. Ai cũng biết những Viện Khổng tử đều được đảng cộng sản Trung quốc tài trợ vì chúng thuộc cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản.

Trung cộng lập 75 Viện ở Huê kỳ để dân Mỹ tới học tiếng Tàu và làm quen với văn hóa Tàu. Trong số này, có 65 Viện tọa lạc trong khuôn viên Đại học Huê kỳ. Số còn lại là cơ sở độc lập dạy tiếng Tàu cho học sinh, từ mẫu giáo tới trung học.
Ông David Stilwell, Đặc trách Á châu-Thái Bình dương, trong một buổi họp báo, nói rõ «Chúng tôi không đóng cửa các Viện Khổng tử, chúng tôi chỉ xếp chúng vào loại phái bộ ngoại giao. Chúng tôi sẽ hỏi coi những thứ này làm gì ở đây, ở xứ Huê kỳ này».
Trước đây, hồi tháng 6, Thượng viện Huê kỳ đã thông qua một dự luật nhằm tăng cường sự kiểm soát các hoạt động, các nghiên cúu và cả nhơn viên làm việc cho Viện Khổng tử trong các Đại học Huê kỳ. Đã có nhiều Viện bị nghi ngờ tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung quốc trong Đại học Huê kỳ và Úc nhưng Bắc kinh phủ nhận.

Bắc kinh dẹp Viện Khổng tử ?

Trước những phản ứng mạnh của cả thế giới, Bộ Giáo dục trung quốc đã phải từ bỏ thương hiệu Viện Khổng tử, đổi lại thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ. Cũng là thứ bình mới rượu cũ.
Không tự động dẹp thì cũng  lần lượt sẽ bị đóng cửa, nhơn viên bị đuổi về Tàu thôi .
Các quyết định này được công bố đúng vào thời điểm Trung Quốc đang rầm rộ kỷ niệm 10 năm thành lập và mở rộng Viện Khổng Tử trên toàn cầu.
Lễ kỷ niệm được tổ chức tưng bừng tại Trung Quốc vừa qua. Đích thân Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm của Hiệp hội Khổng Tử quốc tế tại Bắc Kinh. Sự có mặt của Tập tại một buổi lễ của một tổ chức phi lợi nhuận như vậy không phải là chuyện bình thường. Các hoạt động của Viện Khổng Tử được quản lý và kiểm soát bởi Ban Hán học, một cơ quan nhà nước do các thành viên của Bộ Chính trị trực tiếp điều hành.
Nguồn tài chánh mà Ban Hán học Trung Quốc rót vào các chương trình của Viện Khổng Tử cũng là nguồn lợi không nhỏ. Riêng tại Mỹ, ngân sách hoạt động hàng năm do Ban Hán học tài trợ là 100.000-150.000 usd, chiếm 50% tổng ngân sách của một Đại học. Nên Đại học Mỹ và Canada xét ra cũng khó làm lơ.
Trong khi đó, chỉ ít lâu lâu sau, khi các Viện Khổng Tử đi vào hoạt động, dư luận trong giới học thuật Mỹ đã không giữ im lặng được vì việc các viện này giảng dạy “đúng định hướng” của chánh sách Bắc Kinh: từ chối công nhận vụ thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, cấm thảo luận về đề tài Tây Tạng...
Thật ra chánh quyền Bắc Kinh không che giấu tham vọng gây ảnh hưởng qua Viện Khổng Tử. Năm 2009, chính ông Lý Trường Xuân, nguyên cục trưởng Cục Tuyên truyền trung ương Trung Quốc, đã chánh thức thừa nhận các Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong chiến lược tuyên truyền ngoài nước của Chánh phủ Trung Quốc.
Sau thời gian dài điều tra về Viện Khổng tử và hoạt động của Viện, Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ tuyên bố: “Việc cho phép một tổ chức khác kiểm soát các vấn đề học thuật đi ngược lại với nguyên tắc về tự do học thuật và quyền tự chủ của các Đại học Mỹ”.
Ông Henry Reichman, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ, nhận xét: “Tôi tin rằng Chicago và Pensylvania không phải là hai Đại học duy nhất nhận ra rằng hợp tác với một viện như Viện Khổng Tử là hoàn toàn không đáng!"

Giấc mộng Trung hoa và Kiều vận
Từ sau Đại hội 18, công tác Kiều vận và Mật trận Thống nhứt của Bắc kinh có sự thay đổi. Tập biến chiến lược ngoại giao dấu mình chờ thời của Đặng Tiểu bình trở thành ra mặt và xung kích hung hăng. Tập đưa ra «Giấc mộng Trung hoa» và định nghĩa «Giấc mộng Trung hoa là thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc Trung hoa vĩ đại, là giấc mộng vĩ đại của Trung quốc từ trước đến nay» .
Chủ nhiệm Văn phòng Kiều vụ Quốc vụ viện nhấn mạnh thêm «Công tác kiều vụ trong thời đại mới chủ yếu tập trung vào cùng triển khai giấc mộng Trung hoa, phát huy lợi thế của hoa kiều ở nước ngoài, giáo dục lòng tự hào về một Trung hoa vĩ đại, để giấc mộng Trung hoa trở thành phương châm chỉ đạo tối cao của công tác ngoại vận.
Trong công tác đối ngoại, để tránh những vấn đề nhạy cảm, Vụ kiều vận dùng danh nghĩa của những tổ chức phi chánh phủ như Hội Liên hiệp Hũu nghị học sinh, Hiệp hội các Học giả Âu Mỹ, Viện Khổng tử...
Kiều vụ là sức mạnh mềm giúp Trung quốc nổ lực thực hiện tham vọng tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài mà không cần sử dụng võ lực trong đó Viện Khổng tử giữ một vai trò cực kỳ quan trọng.
Mỗi năm, đảng cộng sản Trung quốc chi cả 10 tỷ usd cho các Viện Khổng tử để quảng bá hình ảnh Trung quốc ra bên ngoài. Trong khi đó, Huê kỳ chỉ chi khoảng 600 triệu usd cho chiến dịch ngoại giao. Dưới hình thức truyền bá tiếng Tàu và văn hóa Tàu, thật sự các cơ sở này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chận các thông tin bất lợi cho Trung quốc. Chỉ trong vòng 5 năm ra đời "Một vòng đai, một con đường", những lớp học của Viện Khổng tử đã tăng lên rất nhiều. Con đường tơ lụa mới này, nhờ kỷ thuật số, giữ vai trò kết nối nhơn dân trong ngoài với Trung quốc, nhơn dân thế giới với Trung quốc, theo chiến lược ngoại vận mới «hợp nhứt quân sự - dân sự» để tập trung năng  lực thực hiện quốc sách «hợp quân sự và thương mại» .

Viện Khổng tử hoạt động ngay trong các Đại học sẽ ảnh hưởng giới trí thức, tức làm thay đổi ảnh hưởng quyền lực trí thức có lợi cho Trung quốc. Nếu các nước không sớm đóng cửa các viện này thì ngày mai đây, những  giá trị nhơn bản, dân chủ tự do sẽ không còn nữa. Về chánh trị sẽ chỉ còn duy nhứt mô hình trung quốc «tư bản toàn trị»!
Riêng Hà nội đã cương quyết mất nước cho Trung quốc để giữ đảng .

Nguyễn thị Cỏ May


 

Nho giáo và sự lỗi thời của tư tưởng Nho học
nhất là chuẩn mực Đạo Đức

Viên Huynh

Tôi không hiểu một số người có ăn có học đàng hoàng nhưng lại bênh vực tư tưởng Nho giáo một cách ngu xuẩn.
Vừa rồi mới tranh luận với một ông anh lớn hơn mình độ mười tuổi, ông bảo rằng nếu Nho giáo sai lầm thì tại sao Việt Nam lại xem nó là nền tảng văn hóa đạo đức suốt mấy ngàn năm nay. Mình buồn cười bảo, nói thật là tại vì người Việt Nam mình quá ngu (xin lỗi, đó là sự thật) nên mới tôn thờ cái thứ triết lý phản khoa học này.
Ổng điên lên và block mình luôn, nói là mình là thầy giáo mà ăn nói hàm hồ, không biết nguồn cội.
Nếu ông chịu nhìn ra xung quanh thì các nước xung quanh vốn bị Nho giáo kìm hãm đã bứt xích vươn lên từ lâu, chỉ còn Việt Nam lẹt đẹt mãi.
Ngay cả Lỗ Tấn còn gọi “Nho giáo là thuốc độc của tinh thần” thì không hiểu sao nhiều người Việt Nam vẫn tôn thờ nó.

Triết lý Nho giáo đầy những mâu thuẫn tự phủ định bản thân.
Trong khi một mặt khuyên “nam nhi chí tại tứ phương”, mặt khác lại ràng buộc “phụ mẫu tồn bất khả viễn du” (cha mẹ còn sống thì không được đi xa).
Ngày xưa còn có cả việc cha mẹ mất phải bỏ hết việc về nhà dựng lều bên mồ ba năm thủ tang. Nam nhi chí tại bốn phương thế nào khi mục đích học là chỉ để đạt chút công danh về lo vun đắp cho dòng họ gia đình? Chí tại bốn phương thế nào khi phải lấy vợ sinh bằng được con trai, không thì cứ phải đẻ mãi cho khi có thằng cu để sau này nó để tang cho? Đàn ông mà chỉ chăm chăm vào những chuyện đấy thì chí làm sao lớn nổi?
Nho giáo dạy “thượng bất chính, hạ tất loạn” nhưng lại kèm theo câu “quân xử thần từ, thần bất tử bất trung” là thế nào?
Mồm thì bảo thằng trên không ra gì thì đừng trách thằng ở dưới nhưng lại cho quyền thằng ở trên lạm sát thằng dưới và thằng dưới phải chịu chết để khỏi mang tiếng bất trung.
Bảo “quân dĩ dân vi bản” (vua lấy dân làm gốc) nhưng đồng thời dạy “tấc đất ngọn rau đều nhờ ơn vua”. Dạy “phụ bất từ thì tử bất hiếu” nhưng lại dạy “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Cha mẹ giết con mình thì có thể gọi là “từ phụ” không? Con muốn sống thì lại cho là bất hiếu thì là đạo lý quái gở gì?
Nho giáo dạy “phu thê tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách) nhưng lại bắt người phụ nữ “xuất giá tòng phu” (lấy chồng thì phải phụ thuộc vào chồng). Thử hỏi nếu đã kính trọng lẫn nhau như khách thì sao lại có chuyện “tòng phu”? Đã tôn trọng nhau thì sao lại cho quyền “nam hữu tam thê tứ thiếp” còn “gái chính chuyên chỉ thờ một chồng”?

Trong cuộc sống hàng ngày, Nho giáo cổ súy cho bất công và coi thường con người. Tại sao cũng là con rứt ruột đẻ ra mà “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một đứa con trai thì coi là có, mười đứa con gái cũng coi là không) hay “nữ sinh ngoại tộc” (con gái sinh ra là con nhà người ta)? Vợ chồng sống với nhau suốt đời, đồng cam cộng khổ, cùng nhau nuôi dạy con cái nên người thì dạy là “phu thê như y phục” còn anh em tuy cùng một mẹ một cha nhưng khi lớn lên mỗi người một cuộc đời riêng thì lại dạy “huynh đệ như thủ túc”.
Đó là chưa kể chuyện mấy bố nghĩa khí rởm sĩ diện hão ra ngoài kết nghĩa với những thứ “anh em” giang hồ vớ vẩn bị người ngoài lợi dụng trong khi vợ con ốm đau gần chết cũng chẳng nhờ được mồm vẫn leo lẻo “huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”.

Nho giáo dạy người đi học tôn sùng và lệ thuộc quá mức vào vai trò của người thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư) và những thứ gọi là “sách thánh hiền” nhưng không khuyến khích tự suy nghĩ phản biện, không tự tìm tòi học hỏi ngoài những gì thầy dạy.
Mục đích của việc học là giải phóng tư tưởng và mở mang kiến thức trong khi mục đích học của Nho giáo là làm nô lệ cho tư tưởng và kiến thức.

Nho giáo không cổ súy cho sự thượng tôn pháp luật mà cổ súy cho việc sùng bái cá nhân (quan thanh liêm, vua hiền biết thương dân) nên người dân mặc nhiên nghĩ rằng việc bị những kẻ có quyền bóc lột hoặc đè đầu cưỡi cổ là chuyện bình thường, còn lâu lâu được ban tí ơn mưa móc thì coi đó là phước đức phải mang ơn suốt đời. Chính vì vậy có bị chèn ép bất công tới đâu, họ cũng cố cắn răng chịu và mong chờ một minh quân hoặc liêm quan xuất hiện.

Ở thế kỷ 21 mà vẫn còn có nhiều người coi Nho giáo là chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc thì tôi nói thẳng là tiền đồ dân tộc Việt Nam còn tăm tối dài dài.

Viên Huynh

 

 

Đăng ngày 05 tháng 09.2020