Luận về Chủ Nghĩa Tự Do (Le Libéralisme)


Ts Phan Văn Song

Cuối năm 2015, xin phép quý thân hữu và độc giả viết một luận án «nghề nghiệp». Nói về Chủ Nghĩa Tự Do, luận về Chủ Nghĩa Tự Do trong một không khí hoàn toàn xâm phạm nền Tự Do. Từ ngữ Tự Do của Việt ngữ thường dùng để dịch một quan niệm Tự Do-Liberté, Freedom. Nhưng còn từ ngữ Liberal? Phóng khoáng? Bao dung? Đó là những thái độ, một quan điểm, một cái nhìn. Nhưng nếu là một trường phái chánh trị, một quan niệm kinh tế? Và một chủ nghĩa Libéralisme, Liberalism? Chúng tôi đề nghị dịch Libéralisme thành Chủ nghĩa Tự Do, một quan niệm kinh tế chánh trị xã hội. Khi dùng dưới dạng hình dung từ hay tỉnh từ libéral của Pháp ngữ hay liberal của Anh ngữ thường được hiểu là phóng khoáng, là cởi mở, và nhiều khi còn sát nghĩa với cấp tiến nữa!
Nhơn danh chống khủng bố các chánh phủ các quốc gia đều ra những đạo luật hạn chế quyền Tự Do. Nhơn danh chống khủng bố, nhơn danh an ninh, an toàn, những quyền tự do căn bản của con người sẽ bị hạn chế, phải bị hạn chế thôi. Quan niệm thứ nhứt về quyền tự do là thuộc về các quyền căn bản của nhơn quyền, quan niệm thứ hai là quan niệm chánh trị, của một chế độ chánh trị đi đôi với quan niệm Dân chủ, với những quyền bầu cử, ứng cử, lập đảng, lập hôi cả đảng đối lập, hôi đoàn chống đối, kiểm soát, chỉ trích nhà cầm quyền…quyền ăn nói, chỉ trích qua mạng truyền thông…nói tóm lại một sanh hoạt chỉ nhìn thấy ở các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ, trong ấy có Nhựt Bổn và Ấn Độ.
Sáng thứ hai 14 tháng 12 sau kết quả bầu cử những lãnh đạo các Vùng của đất Pháp. Sau phát súng cảnh cáo của vòng 1 cho thấy nguy cơ một viễn ảnh một nước Pháp phóng khoáng libérale, bao dung généreuse đang co cụm, chuyển mình biến thành con quỷ đen chủng tộc racial, dân tộc nationaliste, bế môn tỏa cảng. Vòng hai nhờ liên minh hai đảng «cộng hòa», hai phái, hai quan niệm quản trị kinh tế chánh trị Tả Hữu, hai khối quan điểm chánh trị nền tảng của Cộng hòa Pháp Tự Do Liberté, Bình đẳng Égalité, Huynh đệ Fraternité và Thế tục Laïcité (nghĩa là chấp nhận mọi tôn giáo – không có tôn giáo Nhà nước religion d’État), đã cứu vãn được tình thế.
Đây là một tiếng chuông thức tỉnh cho những người làm chánh trị và cho cả người dân Pháp vẫn còn sống lè phè «sáng cắp ô đến sở, chiều xách ô về nhà» như ở quê chúng tôi, hay ở Paris «métro, boulot, dodo – xe điện, công sở, nhà vợ» tà tà. Nước Pháp, lè phè, tất cả là Nhà Nước lo, Mẹ có bầu: tiền thưởng, tiền bảo sanh. Mẹ sanh: tiền thưởng, tiền bảo nhi, cho con bú: tiền bảo mẫu, cho con uống sữa lon sữa hộp, tiền sữa lon sữa hộp. Suốt thời nhi đồng, mỗi tháng một lần thăm khám, bảo dưỡng. 1 tuổi vào Nhà Trẻ, 3 tuổi Mẫu Giáo, 6 tuổi Tiểu Học, rồi Trung Học đều miễn phí. Ngày tựu trường cha mẹ lãnh tiền trợ cấp mua sắm dụng cụ học đường. Tú tài Đại Học tất cả đều miễn phí. Miễn phí cả huần luyện huấn nghệ huấn nghiệp. Nhưng dân Pháp vẫn than, vẫn rên vẫn rĩ vẫn rầu, trợ cấp yếu quá, tiền cantine con ăn trưa yếu quá, cha mẹ phải trả thêm tiền ăn cho con ăn trưa! Đi học không trả tiền, ăn trưa trong trường trợ cấp (là tiền phụ thêm nhé) không đủ 100%, kêu van làm như nước Pháp phải lo cả cái ăn, cái mặc cái ở là cái căn bản tối thiểu của con người. Nhưng lở bảo, lở tuyên bố Égalité – bình đẳng, công bằng rồi nên Chánh phủ Pháp rất mặc cảm lo sợ ở nước Pháp có nhiều giai cấp, nhiều đẳng cấp, nhiều sai biệt giữa các công dân Pháp với nhau. Và khi nói đến công dân là nói đến đa chủng, đa văn hóa đa tôn giáo. Khổ là khi giàu có thì sao cũng được, no star where -hổng sao đâu, nhưng khi nghèo khó hoạn nạn, con ruột ghét con nuôi con ghẻ! Phải đổi hướng! Bớt Nhà Nước, Tư sản hóa, Tư hữu, Tư nhơn, tự túc. Nhà Nước chỉ là những đại diện dân quản trị hành chánh thôi!

Chủ nghĩa Tự Do – Le Libéralisme :
Ở Pháp, đã từ trên chục năm nay, từ năm 2002, từ ngày chánh trị gia Alain Madelin, một cựu dân biểu, một cựu tổng trưởng, một cựu thị trưởng – thiển ý là chánh trị gia duy nhứt thật sự bạn người Việt chống cộng sản chúng ta, thật sự thông cảm, hiểu và thiệt tình ủng hộ «người quốc gia Việt Nam chống cộng chúng ta - thất bại với ngọn cờ Chủ nghĩa Tư Do, vì chỉ «lượm» được chưa đầy 4% số phiếu trong một cuộc bầu tranh cử chức vụ Tổng Thống. Với số phiếu dưới 5%, chi phí cuộc tranh cử không được bồi hoàn, thiếu tiền để tiếp tục hoạt động, ông đành phải giải tán Đảng Dân chủ Tự do-Démocratie Libérale do ông sáng lập.
Chúng tôi được anh bạn Lion-Sư tử Giáo sư Jacques Garello*, giáo sư Luật của Đại học đường Aix-Marseille, giới thiệu với nhà chánh trị Alain Madelin năm 2010. Chúng tôi làm quen và thân nhau rất dễ dàng vì cùng quan điểm «Chủ nghĩa Quốc gia», cùng chống Chủ nghĩa Cộng sản, cùng gốc Luật gia, cùng đồng môn Chánh trị học-Science-Po. Anh ra trường sau tôi hai năm, và cùng đồng thời thuở sanh viên, thành viên tích cực của FNEF-Fédération Nationale des Étudiants de France, Liên Hội Quốc Gia Sanh Viên Pháp ra đời năm 1962, tách khỏi UNEF- Hiệp Hội Quốc Gia Sanh ViênPháp, sau khi nhận thấy UNEF hoàn toàn thiên phái Tả, bị Đảng Cộng sản Pháp giựt giây. Tôi đặc biệt cũng đồng môn, cùng sanh hoạt với Jean Omnès, một lãnh đạo FNEF ở Toulouse, một đồng chí của ông, cùng tốt nghiệp nhưng năm sau tôi, ở Science-Po Toulouse, và cũng vừa cùng học với tôi ở Institut d’études internationales et de développement (IEID) - Viện Nghiên Cứu Chánh trị quốc tế và Phát triển - ngôi nhà đại học của những năm bước vào nghề thầy giáo của tôi trước khi về nước, từ 1968 đến 1971.
Và cũng từ những ngảy đó, từ ngữ, quan niệm, ý niệm « Tự Do – Libéral» cho một đảng chánh trị, một chánh sách kinh tế hầu như là điều tabou-tối kỵ ở Pháp! Thiên hạ nghĩ rằng «không nên, không dám nói, đến Chủ nghĩa Tự Do» nữa! Từ ngữ, quan niệm, ý niệm Chủ Nghĩa Tự Do như là một cái gì xấu xa, xưa cũ, không hợp thời, xâm phạm xã hội, giống như Chủ Nghĩa Thuộc Địa-Le Colonialisme, giống như Chủ Nghĩa Phát Xít-Le Fascismehay Chủ Nghĩa Cộng Sản-Le Communisme hay Chủ Nghĩa Xã Hội-Le Socialisme vậy! Phải! Chủ Nghĩa Tự Do thường được cho là tiêu biểu, nhiều khi chỉ «tự hiểu», đánh giá sai, cho rằng như những cái «thái quá», «lố lăng», những cái «hoàn toàn tự do, vô luật lệ, hay phá lệ-dérèglementtation», cá lớn nuốt cá bé…thiếu hẵn nhơn cách, thiếu tánh «xã hội».
Cái nghịch lý của dân tộc Pháp, một dân tộc có một tập tục rất «gia đình» với Nhà Nước, «gần gủi Nhà Nước», «hỉ nộ ái ố với Nhà Nước», «yêu ghét lẫn lộn»! Nhưng tâm địa bình thường dân Pháp là chống Nhà Nước, chống tất cả những luật lệ, những nền nếp, dân Pháp là dân vô trật tự, lúc nào cũng chỉ trích, rên rỉ, bất mãn với Nhà Nước, chống Nhà Nước, nhưng khi hoạn nạn thì lại ưa vòi Nhà Nước, xin Chánh phủ hổ trợ. (Người Việt phe ta, chỉ mới trăm năm bị đô hộ mà đã học được cái thói xấu nầy của dân Pháp).
Chủ nghĩa Tự Do phải được hiểu không những như là một trường phái kinh tế, mà cả một tư tưởng chánh trị. Nền kinh tế Huê kỳ là một trường phái Tự Do Chủ nghĩa! Anh quốc cũng vậy! Và để chứng minh rõ ràng hơn, chánh sách chánh trị kinh tế Huê kỳ dưới thời Ronald Reagan liberalhơn dưới thời Obama! Nền kinh tế chánh trị Anh quốc dưới thời Nữ Thủ tướng Magaret Thatcher liberal hơn thời Thủ tướng Tony Blair! Nước Pháp không bao giờ có một nền chánh trị hoàn toàn Tự Do Chủ nghĩa-liberal cả, kể cả dưới thời những vị Tổng Thống Phái Hữu, Valéry Giscard d’Estaing, Jacques Chirac hay ngay cả Nicolas Sarkozy, vì bởi một số quyền hành quản trị những bộ phận hành chánh hay công nghiệp lớn đều do những bộ phận quốc gia-nationalhay quốc gia hóa-nationalisé điều hành hay quản trị, như bảo hiểm xã hội (bắt buộc), đồng lương tối thiểu (bắt buộc), ngành chuyên chở công cộng xe lửa, máy bay, năng lực, điện lực, dầu hỏa, hoặc cả ngành y tế, giáo dục… Do lẫn lộn kinh tế và chánh trị nên các chánh sách chánh trị cũng tạo ra các tổ chức xã hội với những sanh hoạt, những tập tục, với những yêu cầu đưa đến một triết lý và một quan điểm xã hội rất đặc biệt, hoàn toàn «Pháp thuần túy». Nước Pháp như chúng tôi thường nói với bạn bè, là một nước Cộng Hòa Sô Viết thành công. Các quốc gia Cộng sản (trong đó có Việt Nam) muốn thành công hãy bắt chước cách tổ chức của xã hội nước Pháp!
Và cũng từ đó, ở Pháp, từ năm 2002, năm thất bại của Alain Madelin, một bức màn nhung được kéo xuống, che trùm luồng tư tưởng chánh trị nầy, mặc dù được sử dụng, ca tụng chiếu cố ở các quốc gia dân chủ láng giềng, bạn bè của nước Pháp, nhưng dưới nhiều dạng, nhiều tên khác nhau! Chỉ vài người khùng, trong ấy, có anh bạn sư tử Jacques Garello* – và chúng tôi - tiếp tục gào ở giữa sa mạc! Anh bạn tôi tiếp tục phổ biến và giảng dạy những tư tưởng đó trong khu vực hoạt động của anh, Trường Đại học Aix-Marseille, và ở Nhóm Sư Tử Pháp- Lions International Club de France. Và đau khổ hơn nữa, Chủ Nghĩa Tự Do ấy cũng không được giảng dạy ở Trường Quốc Gia Hành Chánh Pháp-École Nationale d’Administration ENA, hay bất cứ tại một trường Đại học nào. Thật là không có chổ cho người thất bại - Pas de place pour les vaincus! 4% không đáng được để ý đến!

Trở về tương lai:
Nhưng vừa qua, với một sự kinh ngạc đầy thú vị, đám thủ cựu điên khùng chúng tôi nhận thấy trên các báo lớn từ đầu tháng 10 năm nay, vài cây viết bình luận gia chánh trị «dám» nói đến Chủ Nghĩa Tự Do. Nhưng dưới dạng một câu hỏi, là «Chủ Nghĩa Tự Do là một quan niệm thuộc phái Tả hay của phái Hữu?». Nhựt báo Thế Giới-Le Monde (thiên Tả), số ra ngày 29 tháng 9 đăng một bài dài về Chủ Nghĩa Tự Do, dưới cây bút của nhà bình luận chánh trị Guy Sorman. Đổng thời tờ nhựt trình Anh Thợ Cạo-Le Figaro(thiên Hữu), cũng làm một loạt bài từ ngày 23 tháng 9 đến 15 tháng 10, cũng về chủ nghĩa nầy. Và cả tờ Tiếng Dội-Les Échos, chuyên về kinh tế cũng xí xọn nhào vào, với đầu đề «Người Pháp sẳn sàng chuyển hướng về Chủ nghĩa Tự Do-Les Français prêts au virage libéral».
Sự ái mộ bất ngờ nầy, có lẽ do những tuyên bố của anh Tổng Trưởng Kinh tế trẻ tuổi tài cao, Emmanuel Macron, rằng chánh phủ phái Tả và Đảng Xã hội đương quyền của anh sẽ áp dụng đường hướng Chủ Nghĩa Tự Do của phái Tả-Le Libéralisme des Socialistes,cho những chánh sách chánh trị kinh tế tương lai cho nước Pháp. Phải chăng là một lối nói, ngoại giao hay chánh trị để làm vừa lòng các dân cử đảng Xã hội, tuy thuộc đa số cầm quyền, nhưng vẫn phẫn nộ và lo lắng trước lập luận của Thủ Tường Manuel Valls là sẽ phải cải tổ đất nước trong hướng Xã hội Chủ nghĩa theo định hướng Tự Do Chủ nghĩa hoá Socialisme libéral? Thiệt y chang Việt Cộng, nói láo, mỵ dân, kiểu « Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa»!
Với một nhơn vật như Emmanuel Macron, với những loạt bài do phe Tả cũng như do phe Hữu như đã nói trên, chúng ta có quyền nghĩ rằng đã đến lúc toàn nước Pháp phải có một thống nhứt suy nghĩ để đi đến một đồng thuận là cần phải trở về với Chủ Nghĩa Tự Do!

Chủ nghĩa Tự do, thuộc về ai? phái Tả hay phái Hữu?:
Tả, Hữu, những định nghĩa chánh trị chỉ có ở Pháp, do lịch sử để lại. Do những quốc hội đầu tiên sau cuộc Đại Cách Mạng Pháp 1789, các dân biểu thuộc chế độ cũ, «thủ cựu», bảo hoàng mong vẫn cứu được Nhà Vua, mong một chế độ quân chủ hiến định, thường khi vào họp ngồi chung, phía hữu của Vị Chủ Tịch của quốc hội, ngồi ở trung tâm phòng hội nghị được đặt theo hình cánh cung hướng ngó về trung tâm. Còn các dân biểu phe «cách mạng» ngồi chung phía tả. Lúc bấy giờ có một nhóm «cách mạng» rất cực đoan do Robespierre cầm đầu leo ngồi chiếm các hàng ghế trên cao của phòng hội nghị, nên nhóm nầy tự đặt tên là les Montagnards-Dân Sơn cước. Ngày nay vẫn theo truyền thống lịch sử ấy mà đặt tên.

Phái Hữu gồm các đảng phái có lý thuyết tinh thần quốc gia, nặng tánh dân tộc. Cực Hữu ở Pháp hiện nay là nhóm Mặt Trận Quốc Gia – Front National, do gia đình Le Pen lãnh đạo, chúng tôi đề nghị nên dịch là Mặt Trận Dân Tộc có lý hơn, vì chủ thuyết chánh trị- nặng tánh dân tộc. Tất cả quyền lợi công dân nên dành cho người Pháp thực thụ lô can-local, sanh đẻ nội địa, da trắng Thiên Chúa giáo, văn hóa La Hy, tập tục truyền thống cổ truyền, cúng bái lễ lạc dành tất cả cho Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La mã, La tinh, truyền thống La Hy, trở về với chế độ kiểm soát biên giới không còn tự do di chuyển nữa để kiểm soát nạn di dân, Pháp phải ra khỏi Liên Âu, Pháp phải ra khỏi khối euros. Vòng 1 bầu cử Hội Đồng Vùng vừa qua, Đảng Mặt Trận Dân Tộc đứng đầu các Đảng phái Pháp với 27,5 % trước Phái Hữu cổ truyền, Đảng Dân Cộng Hòa- Les Républicains27,00% và Đảng Xã Hôi-Parti Socialiste, đảng cầm quyền chỉ còn 18%... Và dĩ nhiên, chớ quên rằng dân ở nhà, thờ ơ, càu nhàu, chống chánh trị, không đi bầu chiếm trên 50%.
Cực Hữu ở Pháp được dân Pháp ủng hộ bầu, lý do cũng dễ hiểu, là vì khủng hoảng kinh tế, con số thất nghiệp cao – trên 10% - vì dưới thời của cả hai vị Tổng Thống cả Hữu Phái lẫn Tả Phái bất lực, «chỉ đĩ miệng, đĩ mồm, hứa tiều hứa quảng», chớ chẳng những không giải quyết công ăn việc làm cho dân, cũng chả giải quyết một vấn đề gì gọi là khả dĩ. Thêm vào, nào nạn toàn cầu hóa, nào nạn thất nghiệp, nào nạn ô nhiểm, và cuối cùng nạn khủng bố, và nạn di dân… Dân chịu hết nỗi chả biết tin vào các đảng phái cổ truyền nữa! Với những nguy hiểm, như hiểu lầm rằng tất cả khủng hoảng, tất cả sự mất an ninh đều do đến từ ngoại quốc. Và lý do lớn là của di dân lậu, lúc nầy số đông thuộc về người Hồi Giáo. Tâm lý sợ toàn cái lạ! Nào người lạ, nào tập tục lạ, nào mầu da lạ. Sợ bị xâm phạm, sợ không còn nhìn cái «quen thuộc» nữa! Trở về nhà, đóng cửa, bế môn tỏa cảng, ở với nhau, dù sao cũng dễ dàng hơn! Và kỷ luật hơn, và an ninh hơn, và an toàn hơn! Công ăn việc làm? Chia nhau giữa người Pháp gô loa-gaulois với nhau, cùng da trắng, cùng mắt xanh, cùng Nhà Thờ cổ truyền với Cây Thánh Giá quen thuộc! Các bề trên, các thẩm quyền, chấp hành luật lệ, lệnh lạc, nhận lời khuyên lơn, ngoài Luật lệ, Chánh Phủ, Nhà Nước, Thầy Giáo, còn các Ông Cha, Bà Sơ, quen thuộc, giảng dạy dẫn dắt. Đó là lý luận Cực Hữu! Cực Hữu bảo vệ quốc gia, nước nhà, làng xã, xóm giềng. Lúc khó khăn, lúc hoạn nạn, những luận điệu chánh trị ấy làm ấm lòng người dân… dễ nghe, dễ thông cảm.

Còn Cực Tả? Quốc tế đại đồng, Cộng Sản, Công Hữu, Cách Mạng, Đảng Cộng Sản với Công nhơn, Công đoàn! Ngày nay Đảng Cộng sản Pháp yếu xìu, dù chạy theo Công nhơn để biểu tình, đòi tăng lương, đòi công ăn việc làm, nhưng khi bầu bán Đảng Cộng sản Pháp không gom được 2%. Đảng Cộng sản Pháp hết hơi, nên nhờ vài nhóm Trốt Kít, cách mạng, đòi dẹp bỏ thế giới xưa, nhưng canh tân thì ít, phá hoại lại nhiều, tiếp sức với vài nhóm thợ thuyền muôn năm bất mãn, la ó xuống đường, muốn cướp chánh quyền để hưởng… Và tất cả họp lại, lập lên một Mặt Trận (cũng Mặt Trận) gọi Mặt Trận Phái Tả-Front de Gauche, đấu tranh quyền lợi công nhơn, làm ít hưởng nhiều, càng phè càng tốt, quyết đấu tranh với Chủ nhơn và phe Tư bản (phải là người bóc lột vì có tiền)! Cũng chả đi vào đâu!
Cực Hữu mơ trở về thời củng cố Dân tộc, Phát xít, Nazi Quân phiệt. Cực Tả mơ trở về thời Quốc tế Đại đồng, Bôn Sơ Vít. Cả hai đều sai! Bốn năm Đại Thế chiến, Cực Hữu-Con Quỷ Đen tàn phá toàn cả thế giới, triệu người tang tóc! Bốn mươi năm Chiến Tranh Lạnh, Cực Tả-Con Quỷ Đỏ gieo bao tang tóc cho cả trăm triệu nhơn dân! Nhưng vẫn có người, ngày nay, vẫn chưa tởn! Vẫn còn những người ngu đần bám những lý thuyết quái đản ấy! Giấc mơ Nhuộm Đen thế giới «Ngàn Năm cho Đệ Tam Công Hòa-Reich Quốc Xã của Chủng Tộc Aryen» của Hitler hoàn toàn thất bại. Giấc mơ Nhuộm Đỏ thế giới cho «Liên Bang Sô Viết Quốc tế Đại Đồng» cũng thất bại nốt. Ngày nay còn vài con quái thai đang chuyển mình sống những giây phút cuối cùng. Quỷ Đỏ có Bắc Hàn Tàu, Việt, Quỷ Đen có Thổ Nhỉ Kỳ. Nửa Đen Nửa Đỏ nhập nhằng ấy là Nga. Poutine là một anh «tây lai Staline và Hitler».
Khi Emmanuel Macron dùng từ Chủ Nghĩa Tự Do Xã hội-Le Libéralisme socialiste đơn thuần về mặt lịch sử, hắn ta có lý! Vì Libéralisme-Chủ nghĩa Tự Do được Phái Tả khai thác trước, giữa thế kỷ thứ 19, khi phái Hữu còn «giữ vững lập trường» hoàn toàn thủ cựu. Nhưng ngày nay, ai là người liberal-Tự Do Chủ nghĩa? Phái Hữu Tư bản, Tư sản, Tư hữu, Tư chức…? Phái Tả, Công chức, Quốc doanh…?
Tả, Hữu: Vế Hai của Dân Chủ : Check & Balance- Kiểm Soát & Thay Đổi - Cầm quyền & Đối lập là đôi chơn nhịp nhàng thay nhau tiến bước

Tả Hữu là hai phe đối lập nhau để thay nhau cầm quyền. Đó là điều kiện tiên quyết để có Dân Chủ.
Thế nhưng, người Pháp thường nói: "Bọn Tả thường dùng hướng chánh trị của phái Hữu và ngược lại, đúng là Bonnet Blanc et Blanc Bonnet– Mũ Trắng và Trắng Mũ vậy"! Và vì vậy, chúng ta hiểu rõ thái độ thờ ơ của dân Pháp đối với nền chánh trị là vậy. Tôn Giáo cũng là một vấn đề rất tế nhị trong sanh hoạt xã hội! Bằng chứng ngày nay, tôn giáo Hồi đang gây những dị ứng lớn ở Âu châu – do những đòi hỏi «vô ý thức» của người Hồi Giáo, hiểu nhầm «nhập cư» và «hội nhập». Cũng vì những tế nhị như vậy, mà ngày nay, người công dân Pháp thờ ơ đến nền chánh trị. Dân Pháp thờ ơ không đi bầu nữa. Chỉ còn một cuộc bầu cử còn hấp dẫn là bầu cử Thị xã, ông xã trường và hội đồng xã, vì đó là đời sống hàng ngày, thực tế. Phần hành còn lại của xã hôi, các công chức làm việc đủ rồi! Cả hai phái Tả Hữu ở Pháp ngày nay không rõ ràng định nghĩa thái độ mình. Một Đảng Trung tâm có lẽ cần thiết hơn, hay một Liên Minh các Hội đoàn? Chỉ cần đáp ứng những nhu cầu xã hôi đời sống thực tế hàng ngày cho người dân thôi! Đó là chánh trị, đó là giải quyết đời sống của người dân. Vì thiếu thái độ rõ ràng trong những lúc khủng hoảng nên các nhóm Cực Hữu nổi dậy!

Một Chủ nghĩa Tự Do thực tiễn rất cần thiết :
Muốn áp dụng Chủ nghĩa Tự Do, cũng nên biết rõ thế nào là Chủ nghĩa Tự Do. Với một quốc gia như nước Pháp, và nói rộng ra như nước Việt Nam (hay như nước Tàu), thường với truyền thống là cái gì cũng Nhà Nước, cũng Chánh Phủ. Truyền thống Pháp, tốt nghiệp là làm việc cho Nhà nước. Công chức là giấc mơ lớn nhứt. Pháp với ENA– École Nationale d’Administration- Trường Quốc Gia Hành Chánh để làm Đại Công Chức, Pháp với ENS- École Normale Supérieure- Trường Sư Phạm Quốc Gia để làm Công Chức Giáo sư. Tất cả là Công Chức, là Hành Chánh. Các trường Đào Tạo Kỷ Sư cũng đào tạo Công Chức Kỹ Sư: Bá nghệ Bách Khoa – Polytechnique; École des Mine sKỹ sư các Hầm Mỏ chánh phủ; Écoles des Ponts et Chaussée Kỹ sư Xây cất Cầu Đường bảo trì hệ thống giao thông quốc gia. Việt Nam Cộng Hòa rập y ông Thầy Pháp từ thời Pháp thuộc. Việt Nam Cộng Sản rập khuôn các xứ Cộng sản Liên Sô hay Tàu!
Những quốc gia như thế không thể biết thế nào là Chủ nghĩa Tự Do.
Có chăng là nghe lỏm bỏm vài ba chữ, vài ba quan niệm, vài ba ý niệm như: Tự Do báo chí, Phá lệ - dérèglementation luật lao động cho thị trường lao động, Chủ Nghĩa Tự Do là giảm thuế nhà giàu, hay cùng lắm có một ngành Giáo dục tự do- Éducation libre…hay luật lệ kinh tế theo kinh tế thị trường - économie de marché…
Tất cả những từ ngữ nói trên đều được dùng để hoặc đưa vào, hay tạo thành chánh sách. Những chánh sách lẻ tẻ nầy, góp chung được hiểu là Chủ nghĩa Tự Do. Dĩ nhiên mỗi khi ra một chánh sách như nêu trên đều mang đến sự thay đổi có hướng tích cực, và thường được người dân cổ võ ủng hô. Nhưng trái lại những chánh sách chủ nghĩa Tự Do ấy cũng gặp phải rất nhiều rào cản. Đầu tiên, do dân công chức «thủ cựu», với cái tâm trạng «sợ cái lạ», đụng chạm đến thói quen, chạm vào guồng máy «quan liêu, thủ tục, hệ thống, hành chánh», và cuối cùng sợ cá nhơn mình mất việc làm, vai trò mình đâm ra vô ích, dư thừa. Các công chức rất sợ vai trò, chức vụ mình mất đi sự «quan trọng», các quan chức sợ mất đi cái «trách nhiệm» dù ở Pháp là «trung ương tập quyền». Các tay nghề, công nhơn thợ thuyền, thì sợ mất «cái giá trị» của «khả năng nghề nghiệp», của vai trò của «các lò luyện», «các xưởng tập». Các tay nghề còn có một cái nghịch lý nữa, là trước mắt, rất sợ cạnh tranh nên khi truyền nghề có tật «dấu nghề», nhưng sau đó, lại sợ nghề mình ngày mai bị «mai một», biến mất, thiếu hậu duệ, người tiếp nối! Chủ nghĩa Tự Do là mở rộng thị trường cho cạnh tranh, để cái tự nhiên, cái dĩ nhiên của «cái giỏi, cái hay, cái tinh hoa» tự động nổi lên, và thị trường, tự nó sẽ dọn sạch, ổn định thị trường. Kinh tế thị trường là vậy, không có việc chi mà phải… luật và lệ! Ngày nay, phá lệ dérèglementation, phá nhịp dérégularisation để thị trường không bị gò bó nữa, để người tiêu thụ có lựa chọn. Các hội đoàn bảo vệ người tiêu thụ sẽ luôn luôn có mặt vừa kiểm soát phẩm chất vừa làm trọng tài phạt kể ăn gian, để cuộc chơi cân bằng.
Thế nhưng Chủ nghĩa Tự Do càng hấp dẫn bao nhiêu thì lại bị thù ghét bấy nhiêu. Thiên hạ muốn công bằng, muốn dẹp bỏ những đặc quyền, nhưng tất cả đều mong dẹp những đặc quyền người khác, và giữ quyền đặc biệt cho mình. Thiên hạ ai cũng mong bớt thuế, miễn thuế, nhưng ai cũng muốn có thêm vài trợ cấp, vài bổng lộc đặc biệt cho mình. Thiên hạ không bằng lòng Nhà Nước Bao Dung, Nhà Nước Che Chở, Nhà Nước Hầu Bao – l’État Providence, nhưng tất cả ai ai cũng muốn hưởng một hệ thống lương bổng cao, một hệ thống an sanh xã hội tốt, một hệ thống y tế toàn hảo, một hệ thống giáo dục công bằng, nhưng tất cả lại chống sự tự do chia xẻ đều cho mọi người.
Ai ai cũng ủng hộ cũng có thể thích Chủ Nghĩa Tự Do, nhưng ai ai cũng ghét Chủ Nghĩa QUÁ Tự Do.
Vâng cho Chủ Nghĩa Tự Do - Oui au Libéralisme, nhưng Chống Chủ nghĩa Quá Tự Do - Non à l’ULTRA Libéralisme.
Phải hiểu và nhận rõ rằng Chủ Nghĩa Tự Do-Libéralisme là một nơi hội nhập giữa các quan niệm một nền kinh tế tự do (tự do thương mãi, tự do trao đổi, tự do hành nghề, tự do mở mang xí nghiệp), một nền chánh trị tự do (chế độ pháp trị, tôn trọng các nhơn quyền) và một hệ thống xã hội tự do (tôn trọng những lựa chọn cá nhơn, tôn trọng những thiểu số). Nhưng nếu định nghĩa hẳn rằng Chủ nghĩa Tự Do là tổng hợp của tất cả các quyền tự do thì vẫn chưa hoàn toàn hẳn vậy, vẫn còn rất thiếu thốn!
Cái thiếu thốn lớn là vai trò Con Người.
Con Người: Nhơn phẩm và Tổ chức
Con người Tự do phải là con người sáng tạo, phục vụ và có thể lầm lỗi.
Sáng tạo: Con người có bản năng lớn nhứt là sáng tạo, là canh tân, là thay đổi, là và để chứng minh cái tài năng cá nhơn, Vì vậy quyền tư hữu phải là quyền tự nhiên của con người, con người phải có tư sản. Tập thể hóa con người là một xâm phạm nhơn phẩm.
Phục vụ: Con người sanh hoạt và phát triển với sự phục vụ cho cộng đồng. Hữu ích cộng đồm là chỉ tiêu, là giá trị của đời sống con người. Lòng vị tha là bộ máy để con người hoạt động.
Dĩ nhiên con người có thể sáng tạo sai (kẻ phá hoại), phục vụ sai (kẻ cắp, người bất lương).
Con người lầm lỗi: «Con người dễ lầm lỗi nhưng cũng dễ sửa sai, sám hối» Frédéric Bastiat**. Sai trật, lầm lỗi là những bài học để sửa sai. Vì vậy phải biết nhìn nhận những sai lầm, và phải biết lãnh trách nhiệm những việc làm của mình.
Tự Do là biết lãnh trách nhiệm những hành động của mình.

Thử nhìn về Việt Nam
Trái với cái nhìn phóng khoáng của Chủ nghĩa Tự Do-Libéralisme, Chủ nghĩa Nhà Nước-Étatisme, Chủ nghĩa Tập thể-Collectivisme của chế độ Việt Nam của đương quyền Cộng sản chỉ biết nhìn cá thể và tập thể người dân Việt với con mắt nghi kỵ. Xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản quản trị tự đặt ra những luật lệ để tự bảo vệ những khó khăn, những nguy hiểm do chính họ tự tạo ra.
«Những nghi kỵ chết người – Présomption fatale» Friedrich Hayek***. Trật tự xã hội không do sắp đặt của những kẻ không tưởng-les bâtisseurs d’utopies. Trật tự xã hội do người thật, việc thật làm nên!
Về triết lý, triết lý của Chủ nghĩa Tự Do, là sự trật tự tự do. Trật tự tự do là một trật tự tự nhiên-un ordre spontané. Tự nhiên, vì là nó tự do nên chẳng có ai tạo, ra lệnh cho nó cả, nó đến một cách tự nhiên, từ từ, tùy cơ ứng biến. Vì nó tự do, nó đến với thời cơ, đúng thời, đúng lúc. Những luật lệ tự biên tự diễn tùy trường tùy hợp với những cái sửa sai, từng lúc nhịp nhàng, để tạo sanh hoạt trong cộng đồng con người, là những tập hợp của các cá nhơn chứ không phải là tập thể loài người.
Trái với luật lệ do một thiểu số lãnh đạo áp đặt cho cộng đồng, độc tài, kỳ thị, tạo bất mãn, tạo đàn áp, tạo ra bạo động, tạo bất ổn, mất trật tự mất an ninh. Một Quốc Gia Bao Dung, Nhà nước Che chở - État Providence chỉ biết tạo bất công bất mãn, và tạo bất lực bất tài, vì sự tổ chức chỉ biết dựa trên sự chia lại của cải và quyền lợi cho một số dân hưởng thụ, sau khi đã sung công bằng bạo lực của cải của một nhóm người khác. Nhóm bị sung công sẽ uất hận, nhóm hưởng thụ là những kẻ ăn không ngồi rồi, ăn nhờ ở đậu, hoàn toàn vô dụng.
Chừng nào những quốc gia trên thế giới còn bám vào những quan niệm lỗi thời như Xã hội Chủ Nghĩa, như Nhà Nước Bao dung… Chừng nào các quốc gia trên thế giới còn nghi kỵ người công dân của họ, chỉ nghĩ rằng chỉ có Nhà Nước mới lo mọi việc, giao tất cả cho quan quân công chức tất cả, từ quản trị đất nước, đến kinh doanh thương mại thì bất công sẽ còn, nghèo đói vẫn thế và tham nhũng sẽ hoành hành.
Hãy mạnh dạn giao cho người dân, giao cho những người chủ thật sự của đất nước. Đất nước là sở hữu chung của tất cả người dân. Tự Do kinh doanh, Tư Do thương mại, Tự Do công nghiệp, Tự Do quản trị, Tự Do hành chánh.
Nước Việt Nam nay đang trên bờ vực thẳm. Ngoài họa Cộng sản Tàu, trong họa Cộng sản Việt. Với Tàu mất nước, Với Đảng mất tương lai.
Người dân Việt Nam phải mau mau tỉnh dậy!

Mừng Giáng Sanh-Joyeux Noël-Merry Christmas.
Hồi Nhơn Sơn, Tuần Bốn Mùa Vọng : Tuần Hy Vọng
Chúa Nhựt 20 nầy chúng ta thắp sáng cây nến thứ tư, cây nến Hy Vọng và thắp sáng lại ba cây nến cho Hòa Bình, cho Đức Tin và cho Tình Yêu. Hy Vọng một thế giới đầy Hòa Bình của Đức Tin và mong Tình Yêu sẽ mãi mãi ngự trị! mãi mãi!
Phan Văn Song

Ghi chú :
* Jacques Garello. Trích dẫn : Connaissance du Libéralisme – Tìm hiểu Chủ Nghĩa Tự Do. Nhà sách SEFEL Aix-en-Provence 2012 www.libres.org.
** Claude, Frédéric Bastiat, 1801-1850, là một kinh tế gia, một chánh trị gia. Ông chuyên đề về một luồng tư tưởng Chủ nghĩa Tự Do – Le libéralisme, bảo vệ quyền tự do thương mại trao đổi, tự do cạnh tranh. Ông chống Chủ nghĩa Xã hội –Le socialismevà Chủ nghĩa Thực dân- LeColonialisme.
*** Friedrich Hayek, 1899 -1992, là một triết gia, một kinh tế gia quốc tịch Anh gốc người Áo. Ông lãnh đạo trường phái Chủ nghĩa Tự Do –le libéralisme, chống thuyết Chủ nghĩa Keynes- le keynésianisme, chống Chủ nghĩa Xã hội – le socialisme và Chủ nghĩa Nhà nước – l’étatisme. Ông được người đồng thời xem ông như một trong những nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20. Ông nhận giải Nobel về kinh tế năm 1974.
Trích dẫn : La Constitution de la Liberté - Hiến Pháp cho nền Tự Do. Nhà Sách Litec Paris 1994.

 

Đăng ngày 20 tháng 12.2015