Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 05.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tên gọi: khách trú
Tên gọi khách trú từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) mà ra. Ông là người Việt gốc Hoa làm quan nhà Nguyễn, đi sứ nhà Thanh hai lần trong Gia Định thành thông chí, ông viết:
Sĩ tắc Bắc trào thần, cang thường trịnh trọng
Ninh vi Nam khách trú, trước bạch chiêu thủy
(Không nhận chức quan nơi đất Bắc giữ trọn đạo cương thường – Thà làm khách nước Nam, lưu danh nơi sử sách).
Trong Gia Định phú, Trịnh Hoài Đức viết:
Ngói lợp vẩy lên, phố khách trú tòa ngang tòa dọc
Hiên che cánh én nhà quan dân hàng vắn hàng dài
Có thể vì vậy người Nam gọi người Hoa là “khách trú” chăng?
(Phan Anh – Minh Hương Gia Thạnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Có công mài sắt có ngày...... chai tay .

Chợ Đông Ba hay Đông Hoa?
Chợ Đông Ba, ngôi chợ lớn nhất trong các chợ ở Huế, vốn có tên thật là chợ Đông Hoa - cửa Đông Ba xưa cũng gọi là cửa Đông Hoa. Đây là một cái tên do ta bắt chước Trung Quốc. Thời Tần Thủy Hoàng bên Tàu cũng có một cái cửa gọi là cửa Đông Hoa. Chỉ vì tránh phạm húy mà người Huế phải gọi trệch ra là Đông Ba vì tên của vợ Vua Minh Mạng, được phong Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, gốc người Biên Hòa (Nam Bộ).
Nếu ta nghe người Huế xưa gọi "ánh sáng" là "yến sáng" thì cũng đừng ngạc nhiên vì sợ phạm húy bởi "Ánh" là tên Vua Gia Long nên phải đổi ra thành "yến" .
Lão thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm thơ cũng đổi chữ "cành phồn hoa" ra "cành phiền ba", cũng chỉ vì kỵ húy.
(Tô Kiều Ngân – Chuyện Huế ít ai biết)

Cạy cạy
Cạy cạy : bận rộn, lo lắng
(lo cạy cạy)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa trong câu đối
Câu đối chữ Nho gọi là doanh thiếp hoặc doanh liên
Doanh là cột, thiếp là mảnh giấy có viết chữ và liên là đối nhau. Tức những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Với hai vế trên vế dưới sau đây của Bà Hồ Xuân Hương minh chứng về sự chuẩn mực trong phép đối:
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bẩy bà
(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

Đất lề quê thói
Sinh chậm
Trong khi sinh đứa trẻ lâu ra. Nguời chồng phải: Trèo lên cây cau rồi ôm cây cau tụt xuống.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Thi Hội
Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần do bộ Lễ tổ chức. (các cử nhân, cống sĩ , tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi do đó gọi là thi Hội). Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất.
Trước năm 1442 thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ (tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.
Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời Trần Thuận Tông , khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định, đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng Việt Nam.
(Khoa bảng Việt Nam thời xưa – Phạm Vũ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo tự điển tiếng Việt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):
Mong manh: là ít có khả năng xẩy ra

Thành ngữ II
Thành ngữ "Chó cỏ rồng đất", được giải nghĩa là :
"Xưa kia ta cúng tế thường bện chó bằng cỏ, nắn rồng bằng đất để dùng lễ cúng ; chừng cúng xong thì đem đi liệng bỏ. Nghĩa rộng: Người hoặc vật mà người ta hết cần dùng. Công thần đã đem mối nước lại cho nhà vua, mà bây giờ bị nhà vua sa thải".
Rồng là biểu tượng của vua chúa. Chó là con vật gần gũi dân đen. Tại sao " chó cỏ" lại nằm cạnh "rồng đất" trên bàn thờ?
Câu trả lời đơn giản là rồng (long) của dân gian không phải là rồng của vua chúa. Rồng của dân gian là con long xà (loài rắn lớn), con giao long (cá sấu, loài thuỷ quái).
(Toan Ánh - Tín ngưỡng Việt Nam)

Tình tự quê hương
Chưa đi chưa biết Huế thương
Ði rồi mới biết cũng thường mà thôi
Khác nhau là ở cách chơi
Hắn chơi dưới nước, mình chơi trên bờ

Phê bình văn học
Đối tượng của phê bình văn học là phê phán, thẩm định, đánh giá các tác phẩm và hiện tượng văn học đang xảy ra. Phê bình văn học nhắm vào sáng tác, sinh hoạt văn học, thị hiếu, khuynh hướng, thể loại, nhân vật, ngôn ngữ. Nhắm vào chiều hướng sáng tác hiện tại của văn học, không những nội dung mà còn ở chủ đề tác phẩm. Một đôi khi nếu nhà phê bình văn học đề cập đến một hiện tượng văn học trong quá khứ thì đó chỉ là dụng tâm để làm sáng tỏ một vấn đề hiện tại.
(Trần Bích San – Văn khảo khái luận)

Áo vải cờ đào
Ngọc Hân công chúa là Lê Ngọc Hân, sinh năm 1770, mất năm 1799. Con gái thứ 21 của Lê Hiến Tông. Năm 1786, Bà kết duyên với Nguyễn Huệ, khi ông ra Bắc phò Lê diệt Trịnh rồi bà theo chồng vào Phú Xuân. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, Lê Ngọc Hân được phong là Bắc cung hoàng hậu. Năm 1792, Quang Trung mất, Lê Ngọc Hân khóc chồng bằng bài thơ Nôm “Ai tư vãn" và bài “Văn tế Quang Trung”.
“Ai tư vãn” là bài thơ nôm nổi tiếng phản ảnh nỗi đau của một goá phụ trẻ, và sự nghiệp dựng nước của Quang Trung, Điều đó được Ngọc Hân gói lại trong hai câu:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình”.
(Ai tư vãn)
Về sau này, hễ nói đến “áo vải, cờ đào”, hay “người anh hùng áo vải”, người Việt Nam ta ai cũng biết với lòng tự hào sâu sắc; đó là Quang Trung - Nguyễn Huệ!
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Bóng câu qua cửa sổ
Ta thường nghe nói thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”.
“Câu”ngựa con.
Ý nói thời gian qua nhanh như bóng ngựa (con) chạy qua cửa sổ.
(Duy Lý – báo Tự Do)

Tiếng Huế, tiếng Chàm IX
Việt-Chàm 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế, nơi ngày trước mỗi lần Tết đến, bà con người Chăm gói bánh tét, mặc áo dài như người mình. Từ lâu xa xưa, ngày Tết đến hay ngày thường cũng vậy, miền Trung-miền Nam ăn bánh tét. Riêng miền Bắc, bánh chưng. Trong nhà từ cái ăn, cái uống (Chàm: b-âng; h-uôk) đến cái ăn, cái mặc (Chàm: bac-k, mê-k) như:
Ché (Chàm: che-h).
Nồi lươn um (Chàm: um).
Lai rai (Chàm: prai prai).
Cá thệ kho khô (Chàm: k-hô).
Ớt (Chàm: u-ơ-l).
(Nguyên Hương - Bên lề 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Thuận vợ thuận chồng con đông quá mệt

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau năm 75, bắt chước miền Bắc như với các tỉnh Hà Đông, Nam Định, Ninh Bình được “gom” lại thành “Hà Nam Ninh”.
Một số địa danh miền Trung và miền Nam được “gộp” lại như sau:
Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên: Bình Trị Thiên.
Quảng Nam, Đà Nẵng: Quảng Đà.
Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên: Long Châu Hà.
Kontum, Pleiku, Daklak: Kon Ku Lắc ?!

Tiếng Việt, dễ mà khó
Nếu đọc thật kỹ các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng ta sẽ dễ thấy có khá nhiều khuôn vần hình như có một ý nghĩa chung. Chẳng hạn, phần lớn các động từ hay tính từ kết thúc bằng âm ÉT hay ẸT đều chỉ những động tác hay những vật thể hẹp, thấp, phẳng.
- "Kẹt" là mắc vào giữa hai vật gì; "chẹt" là bị cái gì ép lại. "Dẹt" là mỏng và phẳng; "tẹt" là dẹp xuống (kiểu mũi tẹt); "bét" là nát, dí sát xuống đất; "đét" là gầy, mỏng và lép.
- Những dộng từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn, như: "chen", "chẹn", "chèn", "len", "men", "nghẽn", "nghẹn", "nén".
- Những từ láy có khuôn vần ỨC – ÔI thì chỉ những trạng thái khó chịu, như "tức tối", "bức bối", "bực bội", "nực nội", "nhức nhối".
(Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)

Cạch cợm
Cạch cợm : khờ khạo
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Gió đông
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Kiều – Nguyễn Du)
Hoa đào vẫn còn cười với gió xuân (gió từ phương đông thổi tới).
Nói cảnh xưa còn đó mà người cũ đi đâu, lấy từ thơ Thôi Hộ.
(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải  Sao gọi "ngựa Thượng Tứ"?
Ở Huế, khi nói về một người đàn bà hung dữ, có lời ăn tiếng nói thô lỗ, cử chi vùng vằng, người ta thường ví kẻ đó như “Ngựa Thượng Tứ”.
Thượng là thuộc về Vua. Tứ là xe bốn bánh do ngựa kéo. Gần cửa Đông Nam, một trong tám cửa của kinh thành Huế, xưa có khu vườn nuôi ngựa để kéo xe cho Vua. Những con ngựa này thường là dữ dằn phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần. Người đàn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng thì có gọi là "Ngựa Thượng Tứ" cũng đúng thôi. Cửa Đông Nam vì ở gần khu Thượng Tứ nên cũng được dân Huế gọi luôn là cửa Thượng Tứ không ai còn để ý đến hai chữ Đông Nam ghi trên vọng lâu nữa.
(Tô Kiều Ngân – Chuyện Huế ít người biết)

Câu đố dân gian
Ra đường gặp ả hồng nhan
Thằng cu nghển cổ nóng ran cả người

Rượu bồ đào
Rượu làm bằng nho, người Trung Hoa gọi là rượu bồ đào tửu mà ta thấy nhắc đến trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Về rượu nho, người Tàu chỉ biết đến khi người từ Tây Vực đem tới trung nguyên. Sách Hậu Hán Thư có chép là “Nước Lật Dặc (Arab) có loại trái cây, vắt nước có vị ngon, làm rượu gọi là rượu bồ đào”. Người phương Tây đã biết làm rượu bằng trái nho (wine) từ thời cổ. Sách Cựu Ước (Old Testtament) đề cập đến rượu tới 155 lần và người Hebrews đã từng tiếc rẻ không mang được rượu Ai Cập khi họ đi di cư. Người Hi Lạp thời cổ cũng uống rượu – và chính những thần minh trong huyền sử cũng đều thích uống rượu và ưa gái đẹp. Tuy đã biết đến rượu bồ đào từ đời Hán, mãi tới đời Đường (640 sau TL), khi Đường Thái Tông đem quân đánh nước Cao Xương (nay thuộc Tân Cương) người Trung Hoa mới học được phép làm rượu nho.
(Nguyễn Duy Chính – Rượu)

Chữ nghĩa trong nước
Đây là đề thi môn Ngữ văn lớp 7, năm học 2007-2008 với mã đề NV7 - 02, do Phòng Giáo dục ra đề, bao gồm hai phần thi trắc nghiệm (3 điểm) và phần tự luận (7 điểm).
Quả thực không hiểu nổi tại sao hội đồng ra đề thi với bao nhiêu người như thế, qua lắm quy trình công đoạn rà soát thẩm định ký duyệt như vậy mà sự sai lại “dính” ở đề thi môn Ngữ văn.
Xin được chép nguyên văn:
“Trong hai câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc- thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Qua đèo ngang”), Hồ Xuân Hương đã sử dụng lối chơi chữ nào? A. Dùng từ ngữ gần âm. B. Dùng từ ngữ đồng âm. C. Dùng cách điệp âm. D. Dùng lối nói lái”.
Chao ôi, sao Qua Đèo Ngang lại là của Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm được (?!).

(còn tiếp)