Yếm thắm hương xưa

Phí Ngọc Hùng

Sau 75 qua “đất trích”, bố tôi gặp cụ bạn già thuộc diện thâm căn cố đế, hai cụ hợp nhau khỏan nói tiếng Tây, nhẩy đầm của người Hà Nội ăn chơi một thời một thuở. Đến tuổi vắng gió đìu hiu, hai cụ lại càng tương đắc tương bần qua mục thơ thẩn, nhất là hát ả đào, quan họ, hát chèo, ca trù, chầu văn với mấy cái “tếp” nhựa cũ sì cũ mốc.
Bố tôi gọi cụ là cụ huyện Trì vì một thời cụ là quan huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Qua cụ tôi học mót được bánh cuốn Thanh Trì là bánh cuốn không nhân thịt, chấm nước mắm pha giấm với ớt khô. Cứ theo cụ thì nó ngon ở hơi hướng nhẹ nhàng của bánh cuốn thơm thoang thoảng, nước mắm thường không mặn, giấm thanh không chua, hạt ớt đỏ nâu lềnh bềnh trên mặt bát nước mắm thanh cảnh. Và cụ chép miệng cái tách mà rằng…rằng bánh cuốn Thanh Trì không ăn với đậu rán sốt là…vất đi.
Trước đó tôi được “thưởng lãm” nhiều bài tạp văn của cụ trên báo Ngày Nay nơi thành phố tôi đang…luân lạc, cụ kể lể thổ ngơi đất Bắc vanh vách như chẫu chuộc. Khoảng thời gian này, tôi đang lậm với chữ nghĩa, nên sau khi đọc bài của cụ, tôi cắt cổ con vịt làm đĩa tiết canh, thửa chai Cognac, mời cụ tới nhà để ăn mày chữ nghĩa cụ. Thế là cụ ếch vào cua ra: “Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ ở cửa Nam, Hà Nội thì thịt ngan tức vịt Xiêm chấm với nước mắm gừng mới ngon thịt.” Cụ còn nói dón: “Cái anh thịt vịt đi với bia 33 mới đúng điệu, nhắm với Cognac là…hỏng tuốt.
Nghe lạ! Tôi quắn quả rằng thịt vịt chấm với nước mắm tỏi không đã điếu chăng. Cụ tỉnh như ruồi rằng mắm tỏi, mắm gừng đều…“mắm sốt” hết. Nghe như đấm vào tai, dòm chai Cognac nhẵn như đít Bụt, tôi đành im thin thít như thịt nấu đông.
Số là tôi đang gà trống nuôi con nên rượu lúc nào cũng thủ sẵn, cụ lại là con sâu rượu, được cái cụ xem tôi như bạn vong niên, là bạn quên tuổi tác, nên cụ ực tôi nhấp. Cụ ực, rượu vào lời ra, cụ nói chuyện kiến trong lỗ cũng phải bò ra, nhưng đôi khi cụ quá đọa, khiến tôi như…rách giời rơi xuống. Nhắm khi cụ lung tung trống kèn, chuyện cụ kể rối ren, rối rắm làm tôi…rối trí chả biết đâu mà lần. Nhưng ấy là khúc sau. Vì lúc này cụ đang gọ gạy thời cụ tán gái mà làm thơ như Hoàng Cầm là đi tướt. Túm tó được cụ dây mơ rễ má đến cụ Hoàng Cầm, tôi dậu đổ bìm leo cụ có làm thơ chăng. Cụ cách rách: “Quên không kể anh nghe tôi là bạn của Hoàng Cầm, thấy lão làm thơ ngon như óc chó, tôi cũng co cỏm thơ phú cho oách. Làm xong đưa lão xem, lão mắng tôi xối xả: “Mày làm thơ thế này thì…chó nó đọc”. Thế là tỏi rồi, vì vậy cho đến chót đời tôi nguều ngoàng rằng nếu lão không rọ mồm vào thì tôi là Hoàng Cầm cũng nên”.
Từ “tôi là Hoàng Cầm”, cụ bắt quàng làm họ qua…hát quan họ, cụ ăn vẹt ở mòn trăm tội là ở…cái váy. Cụ rọ rạy tự thưở cụ vua Hùng lập quốc đóng khố, trong váy sồi, váy đụp đàn bà con gái không có gì sất ngoài cái tổ con chuồn chuồn. Vào những đêm trăng thanh gió mát, dựa đụn rơm thơm mùi lúa mới, chỉ cần tốc váy lên là…xong tuốt. Cụ bốc thế đấy, dón chuyện thì cụ bương trải đến…lõi đời. Vô phép vô tắc trộm vía cụ chứ đôi khi tửu nhập ngôn xuất, cụ có hơi “hoang đàng” tí ti với…đàn bà con gái. Bởi chuyện cụ hặm hụi hồi còn trẻ, từ trong làng đi ra đang phất phơ bên triền đê, nhìn xuống thửa ruộng, cụ bắt gặp chị thợ cấy hơ hớ xuân tình đang chổng mông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, giữa đồng không mông quạnh. Làm như bị các cụ ta xưa ám quẻ sao ấy qua ca dao “Trên trời có đám mây xanh – Dưới đất có người mông trắng như bông”. Thế là cụ nhẩy bổ xuống tốc váy con người ta lên...
Chuyện cụ tung trời thật. Nghe lạ! Nhưng tôi im như thóc ngâm.
Nhấp ly rượu, suy nghĩ lung lắm trong thoáng chốc, cụ róc đời rằng chuyện sống để bụng chết mang theo chả hẳn là ở…cái váy mà theo cụ thì tội vạ là ở…cái yếm.
Vì vậy đeo theo cụ thêm dấm thêm tương ngập ngụa chữ nghĩa như cua bò qua bài viết Yếm thắm hương xưa này đây. Thế nhưng lạ một nhẽ nữa, những gì vừa rồi tôi tha ma mộ địa từ cụ, tôi có “cảm gíác” cụ tinh như ma. Thế nhưng chuyện cụ sắp lây dây dưới đây, cụ lại hiền như lá, lành như đất để chả hiểu cụ nổi. Thêm nữa, khúc cuối thêm chuyện dây cà ra dây muống qua chuyện cụ kể lể khiến tôi chả hiểu gì sất cả.

***
Tuy nhiên những gì cụ bốc trong lúc tửu lạc vong bần cũng đến hai mươi mấy niên có lẻ, nên tôi căng óc nặn chữ vặn óc véo câu qua trí nhớ lờ mờ như khói, lãng đãng như sương. Chuyện nhân kiếp phù sinh hề một thoáng bạch câu của cụ bao giờ cụ cũng ươn ao mào đầu bằng câu: Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi
“….Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ thời tôi những ngày ở quê nhà, nhìn hàng xóm láng tỏi đeo cái yếm sồi màu dưa vàng khú, tôi chỉ dửng dưng. Một lần nghe bà ngọai riết gióng bà chị họ tôi với ông ngọai: Cái ngữ ấy treo quần áo ở cạnh chuồng bò là…chửa ngay. Rồi tiếng ông ngọai rít qua khói thuốc lào như tiếng bễ lò rèn: Có mà chửa với…bò. Mà với dăm cái yếm cua, yếm rùa hình thang với bốn sợi giây lủng lẳng, tôi nom ròm cho lắm cũng chẳng khác mấy với cánh diều trong một ngày đứng gió. Mảnh vải thô rồi cũng bạc mầu, chị nhuộm bằng vỏ trái bứa, tôi cũng chỉ thấy một màu đậm đặc buồn chán. Bỗng ít lâu sau, cái bụng chị ễnh ra thật, suốt ngày ăn khế xanh, muỗm non và thằng cu ra đời. Một lần bắt gặp chị vén yếm cho con bú, ngực chị căng cứng và trắng nhễ nhại, nổi bật cùng mầu nâu sậm của cái yếm. Cái yếm thiếu thước tấc, nửa hững hờ, nửa ôm chặt thân hình cá trắm ngôn ngốt của chị, sau này cứ theo đuổi tôi mãi như vướng nghiệp, vướng mắc anh ạ.
Nếu anh hỏi tôi cái nghiệp chướng thế nào, thực tình tôi không biết trả lời ra sao cho phải nhẽ. Vì lúc ấy tôi mới tí tuổi đầu, sau này lớn lên tí nữa, tôi chỉ hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ai nấy lúc nhỏ có những chuyện cỏn con không đâu của người lớn. Thì ngẫu nhiên nó vận vào người như cái lưới tình, làm thân con nhện mấy lần vương tơ và không thóat ra được như tôi vậy. Như lão Hòang Cầm…
Như trên đã giải bày, vì trí nhớ mù sương nên tôi phải ăn mày chữ nghĩa vài câu, dăm đoạn qua du ký Thăm miền quan họ của tác giả Hoàng Ngọc Lễ…
“…Trở lại chuyện tình yêu ở cái tuổi nhầng nhầng, lão kể tôi nghe những ngày còn bé tí. Lão yêu thầm nhớ trộm cô gái tên Vinh hơn lão tám tuổi. Cô là người dậy lão hát quan họ, trống quân vào những ngày cuối tuần. Một lần lão rình rình cô với cái thú thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng trên cái gò nhỏ có nhiều bụi dại. Người lão đang háo hức vì cái mông trắng như cùi bưởi thì cô ta ngẩng lên bắt gặp và mắng: “Sao mày cứ lẵng nhẵng theo tao thế này nhỉ”. Xong, cô giả bộ như lúi cúi tìm cái gì ấy, rồi đứng thẳng người lên, nhìn vào mắt lão và nói: “Chị tìm cái lá…”. Rồi cô tiếp: “Đứa nào tìm được ta gọi làm chồng…”. Bài thơ Lá diêu bông từ cái gò mả đồng làng mà có…
Tôi quen biết Hòang Cầm ở Hà Nội khi hai đứa học tú tài, thường rủ rê nhau tới tiệm nhẩy Asia ở phố Hàng Bông. Thọat đầu, thân thì không hẳn là thân, sau hợp nhau vì gái thì đúng hơn…Anh bỏ qua cho nhá, tụi tôi đang ở cái tuổi mới lớn nên cả hai đều đang săm soi tìm hiểu về…đàn bà, con gái. Kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi ấy mà nên đi đâu cũng có nhau. Tết năm ấy, tiệm nhẩy đóng cửa cả tuần, buồn tình lão rủ tôi về nhà ông cậu lão ở làng Nội Duệ xem hát quan họ. Nghe lão kể về quê lão, sau mùa gặt hái dân làng mở hội với những cuộc vui như hát ví, hát đối. Nghe đông vui quá đỗi, lại có cả leo cột mỡ, chém lợn, nên tôi đeo theo lão cho biết.
Trên xe, lão nhúc nhắc hội xuân suốt mấy tháng đầu năm với cả chục làng thuộc huyện Yên Phong, Tiên Sơn…nhưng thường lấy làng Lim làm nơi họp mặt. Họ đối đáp hát hò với nhau cả ngày lẫn đêm, cô nào cô ấy đẹp như mơ, môi mọng như nhót chín. Cả đêm hôm ấy, tôi thao thức chỉ mong trời sáng để gặp những…“mơ”, những…“nhót” mà lão gọi là quan họ bạn với giềng tỏi xóm gừng, vui lắm. Chẳng dấu gì anh, nói thì nói vậy nhưng thích về làng Nội Duệ, đồi Lim để xem chém lợn thì đúng hơn …”.
Nghe quái! Gì mà xem… chém lợn. Bèn hỏi. Không trả lời câu hỏi, cụ khụng khiệng không đâu vào đâu “Sự đời như chiếc lá đa – Đen như mõm chó chém cha sự đời”. Đến trần ai khoai củ này, tôi đành im như thóc. Và căng tai nghe tiếp…
“…Mới bảnh mắt ra là đã thấy đoàn quan họ nhao nháo kéo đến ngòai cổng, nam che ô, nữ đội nón quai thao. Lão đưa tôi đi tìm cô em họ lão nhưng mãi chưa gặp. Lão và tôi đứng ở cửa nhìn vào trong để tìm kiếm, ấy là nơi quan viên hai họ đang điểm trang quanh cột nhà treo những cái gương tròn, bé con con bán ở những gánh hàng xén ngoài chợ huyện. Lẽ dĩ nhiên các cô đều mặc yếm. Mà yếm đủ màu, áo tứ thân hình như chỉ được mặc vào trước lúc diễn hát. Tôi thầm phục các cụ ta xưa đã nghĩ ra cái yếm này. Cái yếm mà tôi đã nhìn thấy qua bà chị họ tôi từ ngày tôi còn bé vậy mà ngày nay, ở các xứ Âu tây người ta mới vẽ ra cái mẫu vải yếm ấy.
Nói anh đừng cười là mắt tôi có tròng, tròng lại nằm trong ổ, ổ lại kẹp giữa hai mi, nhìn thể nào cũng ra những tác phẩm tuyệt tác trong cõi nhân gian này. Ðối với tôi cảnh vật đẹp đẽ cách mấy cũng chỉ là thứ yếu. Tác phẩm tuyệt tác nhất phải là thân xác đàn bà. Nhất là những cô gái che khép thân hình nửa hở nửa kín bằng những vuông yếm thắm ở làng Lim. Đang lậu bậu đến đây bấu vào mắt tôi cô đi đầu mắt có đuôi, hai tay bưng khay trầu cau với trà. Cô ta thon vỏn trong chiếc yếm mỏng tang mới thấy các cụ ta xưa thật là phóng túng. Chỉ cần một vuông vải mỏng với sợi dây cột buộc sau lưng, bó tròn được bộ ngực vũm vĩm, ẩn hiện trong lớp vải mỏng là đôi bồng đảo phổng phao, để lộ hai đầu ngực nhọn tròn như hai đầu con quay, con vụ.
Lão bấm vào tay tôi khi cô ta đi qua mặt, ngầm cho tôi biết ấy là cô em họ lão. Nói dối phải tội, tôi nhìn cô em họ lão thì ít mà dán mắt vào…cái yếm thì nhiều. Vì rằng khi cô đi qua, cái yếm để hở cái lưng trần trắng nõn. Có thể nói cái yếm là thứ áo hở hang nhất mà các cụ ta đã dầy công “sáng tạo”. Chả là mắt tôi đang bám cứng vào thân hình uôm uôm, ngầy ngật của cô ta mà rối cả ruột gan. Vì rằng hai sợi dây cột buộc quanh cổ đu đưa, lúc lắc qua lại theo dáng đi, để lộ hai thăn ngực ngoài góc yếm, trắng như ngó cần, tròn trĩnh và căng đầy. Và tôi cứ ngẩn ngơ, ngơ ngẩn mãi…
Vào đến sân, không ai bảo ai, họ cất tiếng hát mừng làng nước đầu năm với tình làng nghĩa xóm. Quan họ chủ đứng trước cửa chào đón, đỡ nón, cầm ô cho quan họ bạn, sau đó là mời vào nhà hai bên cùng hát. Tôi để ý thấy bên này đẩy đưa một câu, bên kia đối đúng thì khen: “Dạ, thế là tương bằng rồi đấy ạ”. Gặp khi bên bạn hát trật, bên này thưa: “Thưa liền anh (hay liền chị), bất hợp rồi đấy ạ”. Nếu được khen, họ tình tự đáp lại người thử hay là người thương, hay là người thử trăm đường người chê. Rồi đột nhiên cô ấy biến mất lúc nào tôi cũng chẳng hay nhưng tôi vẫn đứng chết trân cho tới khi lão vỗ vào vai tôi nói: “Tương tư rồi hả?...”.

***
Thề trước bóng đèn, ngậm vần nhả chữ đến tao đoạn này, tôi chả hình dung đến cái yếm đào ra sao. Ừ thì hãy trở về câu đầu môi chót lưỡi của cụ bằng câu…
“…Anh còn trẻ anh không biết đấy thôi chứ… chứ thằng đàn ông nào chúng tôi chẳng thế, nhất là khi gặp một cô gái mặc áo rộng hở ngực không lõ con mắt ra thì nhìn cái gì? Nếu không mắt trắng dã như mắt lợn luộc ắt hẳn chẳng là đàn ông. Rồi đủng đoảng thế nào tôi thấy cô ta lại xuất hiện với thân hình ong ong và đang cung cúc như gà chạy mưa xuống cầu ao rửa chân. Rồi lại nhẩy chân sáo từ cầu ao đi lên trông rối cả mắt, vẫn cái eo thon nõn nà, vẫn với cái vạt yếm cũn cỡn, không đủ che kín thân hình. Cô liếc xéo về phía tôi một cái sắc như dao cau khiến tôi nôn nả sao đâu.
Gần trưa tôi ra đồi, trên con đường mòn hai bên là hàng quán, ai nấy đều áo quần tươm tất. Cụ ông áo kép, khăn lượt, cụ bà áo bông, váy sồi, trẻ con áo ba gang, quần chúc bâu ngồi ăn uống cười nói râm ran. Anh có thể tưởng tượng được không, có cả nghìn người chứ chẳng phải là ít ỏi gì. Riêng đám hát quan họ, cứ bốn người, hai đôi nam, hai đôi nữ đứng rải rác khắp đồi Lim, ở xa tưởng như họ đang thì thầm với nhau. Thả bộ lên giữa lưng chừng đồi, đến gần nhìn vào đám hội quần áo đủ mầu sắc, nam đội khăn xếp, mặc áo the dài, quần trắng ống rộng. Nữ thì cô này áo tứ thân nhiễu điều, dây thắt lưng hoa lý buông chùng, yếm thắm hồ thủy hay vàng ươm lúa chín. Cô kia váy đũng, áo dài mầu ngô non, hai vạt áo trước buộc chéo vào nhau, yếm thắm hoa đào hoặc xanh lục lá mạ, đầu đội nón quai thao, tua quai tung bay như vờn nghịch với gió xuân. Từng đôi bạn đứng sát nhau, anh xướng, vừa hát vừa kín đáo liếc chị bạn đối diện Bắc Ninh cho đến Phủ Từ, qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người. Nghiêng nghiêng chiếc nón, chị đáp lại nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi, lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì. Anh đỡ lời ngày ngày ra đứng mà trông, bạn thì thấy bạn tình không thấy tình. Chị quay một vòng giải thắt lưng, tình tứ tránh cái nhìn tình tự của anh, nhẹ nhàng đong đưa biết người biết mặt nhau chi, đêm đêm em tưởng, ngày thì em mơ.
Thế là tối hôm đó, tôi cứ chầy vẩy với biết người biết mặt nhau chi, đêm đêm “tôi” tưởng, ngày thì “tôi” mơ. Và rồi không hẹn mà gặp để chuyện của tôi chớm dậy vào ngày hôm sau. Mà anh còn nhớ cái cô cầm khay trầu mắt có đuôi không, em họ của lão đấy. Cô ta vừa bước vào cửa, mắt sắc như dao bổ cau đảo một vòng, rồi nhè tôi cười hoẻn vì anh, em mới tới đây, nếu anh không chiếu trả, màn quây ở nhà. Tôi đang lóng chóng, cô tiếp em bước chân ra, nhái thầy cùng mẹ, em đưa chân về, nhái mẹ cùng cha. Giời ạ, anh biết sao không, cô ấy e ấp, và chúm chím em với anh như bướm với hoa. Bướm với hoa, thế có chết tôi không cơ chứ, tôi cứ như cóc cụ say thuốc lào, đành lúi húi trải chiếu và họ quây quần ngồi xuống, như đánh chắn, đánh tổ tôm ấy.
Lại cô ta nữa, mới ngồi xuống chưa nóng chỗ, cô háy mắt ví von ngay “Nhất chờ, nhị đợi, tam mong, tứ thương, ngũ nhớ, lục mong, thất bát cửu…chờ”. Và cô vênh mặt, ngóng cổ lên để “chờ”. Tôi ngây người ra bí ngô bí khoai, như anh biết đấy, tôi nào có biết hát hò gì đâu. “Mong” một lát, thấy tôi không động đậy gì, cô hóm hỉnh ghẹo tôi tới đây chẳng hát thì hò, chẳng phải như cò ngỏng cổ mà nghe.
Rồi cô ấy tình trong như đã nhưng ngòai còn e:
Bên mời cố cựu, bên mời tình nhân
Cùng nhau xích lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Đi ngẩn về ngơ
Đụt như tôi, cũng phải liệu hồn thần xác mà “xích lại cho gần”…Mà anh thấy câu “đi ngẩn về ngơ” có “đắt” không, xuống vần như vậy mới là…thơ. Anh nhớ dùm, ấy là chữ nghĩa của các cụ ta xưa ấy nhá, các cụ vặn vẹo cùng trời trăng mây nước, thành bài hát tỏ tình lúc nào không hay. Như là cô ấy vừa nhấm nhẳng dò la tôi gần đây mà chẳng sang chơi, để em trải yếm bắc cầu anh sang…”
Thấy tôi quắn đầu trông thấy, cụ quắn quả tiếp:
“…Đó là cô ấy còn hiền. Nếu anh nghe được mấy cô khác ỡm ờ bóng gió đêm nằm đắp chiếu bịt bùng, tai nghe tiếng hát dậy vùng ra đi thì cũng hãi quá chứ. Đầu trở xuống cuống trỏ lên thi ai lại mang chuyện nhà ra kể khí có hơi chướng, mà không kể làm như mồm miệng thối ra sao ấy. Chuyện bà chị họ tôi chứ ai, lúc nhỏ nghe chuyện người nhớn đỏ mặt tía tai, thấy hai con chó lẹn nhau quay ngoắt bỏ đi. Cho đến khi chị biết soi gương làm đỏm, ông bố chị cứ chiều chiều là khềnh khàng kỳ cọ dội nước tắm truồng bên cạnh cái chum ở chái bếp, trong khi chị đang vo gạo thổi nồi cơm. Cũng có thể vì bị ám ảnh nên mới mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu, một tối chị đã tai nghe tiếng hát dậy vùng ra đi. It lâu phình bụng ra, chỉ vì cái tội vô tâm, vô tính của người lớn, tôi nghĩ thế không biết có hợp nhẽ anh không. Tôi hiểu các anh bây giờ Âu tây, Âu hóa với phân tâm học, với Freud hơn hồi trước tụi tôi nhiều, các anh cho chuyện tồng ngồng ở ao hồ, chuyện tắm truồng là ẩn ức, dồn nén này kia, kia nọ…”.
Đến đây, nói cho cùng, tôi có hơi ngán ngẩm vì cụ dông dài quá thể. Mà cũng rõ lạ vì cụ vừa kể chuyện ông Hoàng Cầm một chiều trên gò mả đồng vắng nhìn mông đàn bà con gái thì có ẩn dấu…ẩn ức, ẩn nấp nào đâu? Đang om thòm, cụ nhấp một nhấp môt ngụm rượu như để chiêu hồi quá khứ với những ngày tháng đong đưa:
“…Hết ngày mời trầu, cũng đến ngày giã bạn, cô ủ ê:
Người ơi! Người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo
Trông nước, nước chẩy, trông bèo, bèo trôi
Người ơi! Người ở đừng về
Bịn rịn đến giờ ngọ, cô tẻ mím chàng buông vạt áo em ra, để em đi chợ kẻo đà chợ trưa. Anh thấy tình không, tình chết người đi ấy chứ. Mà vốn liếng ca dao của tôi không ngòai rậm rịch “Thương nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”. Vậy mà cô ấy hiểu ngay mới tài tình là bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh, yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi. “Yếm em, em mặc” đã hay, đến “yếm gì anh, anh đòi” thì tôi chịu quá, vừa ngầm lẳng lơ, vừa lộ tình tứ, làm tôi cứ mê mẩn cả người.

***
Thế mà ùng oằng đến quá trưa, tôi tay không về lại Hà Nội mới chán mớ đời.
Ngày ngày ra ngơ vào ngẩn, mò tới phố Sinh Từ tìm lão Hòang Cầm vì cuối tháng cạn túi, đợi nhà gửi lên để đóng tiền trọ học. Tôi lại nóng lòng muốn mò về lại làng Nội Duệ, nhưng không biết ngủ nghê ăn uống ở đâu, nên phải cấu véo Hòang Cầm. Lão giới thiệu tôi đến nhà thầy ký ga Núi Tiết, cách Bắc Ninh hai cây số. Đó là một dẫy phố trước khi vào thị xã, lèo hèo khỏang hơn hai chục căn. Đầu tháng có họp chợ vì nhờ tầu hỏa từ ga Hàng Cỏ mang hàng lên… Và tôi hẹn cô ta ở đấy, không nói anh cũng biết gái làng Nội Duệ gợi cảm như thế nào. Cô ta gợi cảm ở cái miệng chanh chách, lích chích như chim chích chòe. Chẳng là dạo đó, tôi tương tư cô qua cái duyên ngầm của hàm răng đen hạt huyền, gần gũi với nét đa tình, đa mang của cái yếm, mảnh vải gắn bó mật thiết với phần thân thể lộ liễu nhất của người con gái đang xuân. Mặc dù chỉ là mảnh áo che phần ngực và bụng, vừa gìn giữ vừa khêu gợi, che đậy nhưng phô bầy. Che nhưng như muốn khoe, kín đấy nhưng cũng hở đấy.
Có bận cô tất bật đi chợ về nhà trọ với tôi, mồ hôi lấm tấm thấm qua lớp lụa mỏng, theo nhịp thở ngực yếm phập phồng hoa cau bưởi mướt. Nhất là những ngày hâm hấp oi nồng, không mặc áo cánh, cô ngồi ngắt rau vặt lá, cứ hơ hớ cái lưng và mảng sườn non trắng nhẫy. Từ trên nhìn xuống, đôi gò bồng đảo hương còn ngậm khi ẩn khi hiện, một “Mạch đào nguyên suối chửa thông” sâu hun hút. Để rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, cái gì đến nó phải đến, vào một ngày sang hè, hoa phượng bắt đầu rộ, ve sầu âm ỉ. Tôi đã ỉ ôi để được luồn tay ôm say, giấc bay lay đỉnh núi, tuột hàng khuy lơi yếm buông mành của cô ấy. Cô ấy cười lủng lẳng đã phanh yếm mỏng thì quăng hết, những nếp xiêm hờ giả bộ ngây. Được mấy nả, đang gió đánh đò đưa bỗng nhiên trời đang nắng chầy chầy, bỗng có tiếng gà gáy trưa “ó, ó, ooo…o…o…”.
Khi không có tiếng gà gáy ở đây. Tôi đang định láp ngáp, thì cụ đã giựt giọc…
Hôm tôi về để sửa sọan thi, cô trao cho tôi cái yếm trao thân gửi phận, đó là cái yếm thắm hoa đào mà buổi trưa cái hôm mà hai đứa đầu ấp tay kề. Khi rày tôi chỉ thẫn thờ với “Năm thương cổ yếm đeo bùa, sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng”. Này anh ạ, chịu các cụ thật, các dậy cấm chả sai bao giờ, sau này cái yếm đeo đẳng theo tôi không rời. Mà ai chẳng một lần, giấu diếm trong ký ức, vấn vương với “Hai thương ăn nói mặn mà, ba thương má lúm đồng tiền”. Để gìn vàng giữ ngọc với cái gương, cái lược “Thương em không biết để đâu, để trong túi áo, lâu lâu lại dòm”.
Ngừng một chút, cụ so đo cùng một thoáng đi về
Tin hay không tùy anh, như cái điềm, đưa khăn gửi áo…qua cầu gió bay. Tháng sau trở lại phiên chợ, tôi không gặp cô ấy nữa. Rồi tôi đâm lo lo…À mà anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ gà gáy trưa “ó, ó, ooo…o…o…” thì thể nào trong làng cũng có gái chửa hoang. Chuyện không chồng mà chửa thì anh biết thừa bứa ra cả đấy, lệ làng è cổ đóng gông, đóng cheo, chỉ có nước bỏ làng, bỏ nước mà đi. Vì có lúc tôi nghĩ dại với câu nói năm xưa của bà ngọai tôi, quần áo phơi ở chuồng bò như phơi rốn là chửa ngay nên cứ nẫu cả người. Rồi lại quá mù ra mưa qua chuyện như thể bông cúc vàng nở ra bông cúc tím, em lấy chồng rồi yếm trả lại anh.

***
Những ngày tháng sau đó, tất bật với chuyện thi cử, ra trường về Hà Đông làm việc. Năm 54 vào Nam, lập gia đình, qua sông ai lỡ quên đò, tôi đành phải lồng khung kính để dấu cái yếm đằng sau bức tranh của Nguyễn Gia Trí, bạn tôi. “Maitre” Trí chuyên về sơn mài, bức tặng tôi lại là “croquis” vẽ than chì. “Lúy” vẽ cô mặc yếm, tần ngần bên cái chum có cái gáo, đằng sau có dăm cây chuối. Mấy năm sau, tình cờ đọc bài thơ của Nguyễn Bính, tôi lại thẫn thờ với “Nào đâu cái yếm lụa sồi”, lại lẫn đẫn đến ngày hát quan họ ở đồi Lim, mới chợt nhớ ra cái yếm đào nằm sau bức tranh. Cái yếm nổi trôi theo năm tháng, cho đến ngày tôi nghe lại bài thơ Bên kia sông Đuống:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cuồng mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Và tôi “cuồng mê” theo Hòang Cầm, càng ngày lão càng trải rộng yếm thắm trên con đường làng quê hương Bắc Ninh của lão, ngay cả khóm tre đầu thôn cuối xóm với dãy tre xa giấu biệt giải khăn điều. Thì cái yếm của cô, vô hình chung tôi…giấu biệt sau bức tranh. Với ngày lui tháng tới, tôi muốn đập cổ kính ra tìm lấy bóng…
Cho đến năm 75 qua đây gặp bố anh. Một hôm bố anh cho tôi nghe cái “tếp” có một giọng ngâm âm hưởng, âm vọng rất Hồ Điệp, rất Hà Nội. Nhưng bố anh cho biết ấy là người Bắc Ninh, tên H., vẫn thường ngâm thơ của khách quen qua tếp. Không nói anh cũng hiểu, viết cần có người đọc, làm thơ cần có người ngâm. Năm chục có là bao nên tôi làm được mấy bài, gửi về cho cô H. Ngày qua tháng lại, tôi và cô H. có chút đậm đà riêng tư gửi gió cho mây ngàn bay. Tôi nói với bố anh là tôi sẽ đi theo con đường của Hòang Cầm bây giờ về bên kia sông Đuống, anh lại tìm em, em mặc yếm thắm…Nhưng tôi dấu ông cụ anh, tôi dấu biến chuyện lão mắng tôi làm thơ: “Mày làm thơ thế này thì…chó nó đọc”” Nhưng tôi phải về Bắc Ninh để gặp cô H. Một buổi tối, tôi tìm đến nhà và đứng nép xa xa cùng những vẩn vơ về người xưa năm ấy…
Nghe cụ lụi đụi về bức tranh, qua bố tôi, vì tiền già eo hẹp, cụ phải bán nó để có tiền đi đường. Nhưng chuyện đâu hãy còn đó vì cụ đang dàng dênh …
“…Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ…chứ bức tranh sơn dầu với cô gái đứng bên cạnh cái chum, có dính dáng đến Hòang Cầm cả đấy. Để tôi kể anh nghe:
Lão giống Nguyễn Bính, lão chỉ thích yêu người bằng tuổi chị và không hiểu sao, ngòai tình yêu, điều gợi cảm nhất với lão là bộ ngực ngốt người. Vì vậy mới 8 tuổi đã yêu cô Vinh hát quan họ. Đến 15 tuổi, lão gặp chị Nghĩa, tên khác là chị Bống. Lão thố lộ với tôi: “Nhà không có ai, chị thường ôm ghì lấy tớ, dần dần quen tớ cũng sờ sọang bên ngòai áo. Từ đấy, mỗi khi được chị ôm, tớ đưa thẳng tay vào trong yếm”. Một hôm cả nhà đi vắng, qua mấy kẽ hở của cái phên liếp, lão lụm cụm nhìn trộm chị Nghĩa đang kỳ cọ. Ở nhà quê mình tắm táp vẫn mặc quần và đeo yếm, nước ngấm qua vải, nghe lão diễn tả thì cũng gợi tình và rạo rực lắm. Đang chổng mông ngỏng cổ cò, bỗng lão nghe giọng chị Nghĩa rất thản nhiên nói vọng ra: “Cứ đẩy cửa ra mà vào”.
Từ mành thưa phên liếp năm 1960 lão làm bài Sáo tắm về chị Bống…Về bài thơ, lôi chỉ nhớ lõm bõm bốn câu cuối:
Lý lý ơi khát khô cả giọng
Tình tình ơi chớ động mành thưa
Chìa vôi quệt gió hững hờ
Bờ ao sáo tắm bao giờ…hả em
Và tôi đứng dưới gốc cây bàng xế cửa nhà cô H., với những thẫn thờ, già rồi anh ạ, chuyện gần thì quên, chuyện xa thì nhớ. Ấy là đã từ lâu tôi như bị thôi thúc tìm về con đường mòn cũ, cùng những khắc khỏai trong buổi trưa hè, bà chị họ vén yếm cho con bú, yếm mầu vỏ chay, vỏ bứa, mầu nâu đất của ruộng vườn, chôn sâu bám chặt cùng tiếng võng hiu hắt, đong đưa về với tiếng hát quan họ của những cô gái đồi Lim “Rằng tôi lý ới a tháng Giêng ới a tính tang tình rằng, cho đôi mình gặp, xem hội cái đêm trăng rằm”. Nhũng khúc đồng dao mà tiếng láy, tiếng đệm là những nốt nhạc đơn điệu, là cái gạch nối của chiếc nón quai thao, cái thắt lưng ruột tượng và cũng không thể quên khóe mắt lá răm, lông mày lá liễu. Tôi không nhìn qua kẽ hở, để đợi bờ ao sáo tắm bao giờ…hả em. Mà chỉ lũi cũi đứng một mình bên này dưới cây bàng, tàng cây nấp sau ánh trăng và hình dung bên kia con ngõ nhỏ, qua cửa sổ, có ánh đèn.
Tôi hình dung ai đấy “Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều, nào đâu cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen”, để chẳng tìm thấy hơi hướng hoa khế, hoa cau. Nào đâu yếm thắm hương xưa, “Cây chanh lại nở hoa chanh, để con bướm trắng bay quanh cả ngày”. Cùng hòai vọng thuyền thúng là thuyền thúng ơi, có ai về trong quan họ cho đi nhờ với hững hờ ngẩn ngơ: Bao giờ tìm lại được…lá diêu bông”.
Thấy tôi ngẫn ngẫn như rắn ngày với: Bao giờ tìm lại được… lá diêu bông
Cạn ly rượu mầu hổ phách, cụ mắng tôi như vặt thịt: “Cái nhà anh này đoảng, cái đáng hỏi thì không hỏi”. Không đợi tôi đần đù hỏi…Thêm một lần, cụ bí rị đừng cho ông cụ tôi hay biết chuyện sống để bụng chết mang theo của cụ dưới đây…
Từ cái lúc trời đất vẫn chưa đỏ đèn, đứng dưới gốc cây bàng, thân già vác dùi nặng, tay cụ khư khư ôm lọ nước hoa Channel no.5 của cô con gái. Chán rồi cụ thả rong bước một, đi qua đi lại cái cổng mà đằng sau là “Mận hỏi thì đào xin thưa, vườn hồng rộng mở nhưng chưa ai vào..”. Nhưng cụ chừa dám vào vì cứ ngần ngừ và băn khoăn mãi, lý do dễ hiểu là…”mận” là cụ nay đã khọm, đã cũ kỹ như một món đồ cổ. Thế nên cụ đã lỡ úp mở, dối già với cô H. trước khi hồi cố quận: Tuổi cụ đâu đó mới khỏang…ngũ thập nhi bất hoặc. Cuối cùng cụ cũng đành rời…cây bàng của Bắc Ninh.
Học cụ…thế là đi tướt. Gặp buổi mây chiều gió sớm, tôi một mình về thăm ký ức. ngồi thì lì gõ vào trí nhớ…nhớ cụ dặn đi đi dặn lại tôi: “Anh đừng cho ông cụ anh biết chuyện nhá”. Nhá nhem thì vào một ngày tối như đêm, dày như đất, tôi quên béng lời cụ dặn và thưa với ông cụ tôi là tôi tiếc cho cụ vì nói dối tuổi nên xôi hỏng bỏng không Ông cụ tôi chép miệng mà rằng: “Đúng là cụ huyện Trì”.
Thấy tôi lụng bụng “Đúng là…”, sao không…“Không là cụ huyện Trì” này kia, kia nọ, ông cụ tôi đùm đậu nhiễu chuyện chẳng hẳn là chuyện…dối già, dối trẻ của cụ…
Về lại đất ấm tình nồng ít lâu, ông cụ tôi cho cụ huyện Trì xem cái tếp “vi-đê-ô” của người trong nước “giao lưu văn hoá” qua nhạc cảnh Hội trùng dương của Pham Đình Chương. Họ thâu phần ngoại cảnh bên bờ sông Hồng, phụ diễn có cô H. mặc áo tứ thân, tay cầm nón quai thao hát quan họ. Vì là nhóm làm phim điện ảnh chuyên nghiệp của Hà Nội, nên họ thu hình bằng cách “tiếp cận” cô H. rất rõ nét: Cô có khuôn mặt ngoài bốn mươi nhưng dáng dấp trẻ hơn tuổi. Cụ huyện Trì lặng người đi vì bóng dáng cô H. này đây…hao hao giống cô hát quan họ làng Nội Duệ như…khuôn đúc. Riêng con mắt sắc như dao cau thì chạy trời không khỏi nắng, không khác mảy may với người xưa ngày nào năm ấy. Đến đây, sau những lắng đọng, cụ huyện Trì hết ngẩn ngơ đến ngơ ngẩn và búi bấn với ông cụ tôi: ”Không lẽ là…con tôi”.
Nghe thủng rồi, tôi như rách giời rơi xuống, như Từ Thức về trần trong cõi trần ai.

***
Nghe tin cụ nằm trong viện dưỡng lão, lại đang đèn lu dầu kiệt. Tôi vào thăm với túi đồ ăn, đó là bánh cuốn Thanh Trì đầy vơi của cụ. Nói cho ngay, bánh cuốn đây tôi mua ở tiệm Thiên Thanh ở thành phố tôi đang “ngụ cư”, bánh cuốn tên Thanh Trì tráng có mỏng đấy, nhưng chỉ mỏng tới…Hà Nam chứ chưa tới Hà Đông. Không những thế lại ăn với giò chả…chả ngon như đậu rán sốt, nhai một hai miếng, cụ lắc đầu, phẩy tay bỏ qua một bên. Tiếp đến, cụ thều thào đảo qua phố chợ ở ga Núi Tiết, trong những ngày đầu năm với cái nắng ngốt người để thành chuyện…gà gáy: “ó, ó, ooo…o…o…“
Học theo nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Truyện ngắn là hư cấu Nhưng phải dựa trên chuyện có thật”. Đến khúc kết chuyện của cụ huyện Trì, tôi hư cấu bằng vào vay mượn truyện Câu hát tìm nhau của tác giả Quế Hương. Với cốt truyện tóm lược…
(…) Năm ấy ở hội làng Lim (…). Mắt lão bỗng mơ màng. Rồi một giọng hát đằm thắm da diết cất lên: "Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên tay...”. Lão Tầm Xuân xa vắng “Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ!” Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài "Khi tương phùng, khi tương ngộ" ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: "Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi...Trước không phải, sau đền duyên ba sinh". Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn một ngày chắp lại.
Lão Tầm Xuân lưu lạc vào tận Sài Gòn tìm…nửa câu quan họ còn lại. Lão làm nghề mài dao kéo kiếm sống. Gặp lại lão, mới hai năm mà lão già như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Câu quan họ lầm lũi lạc theo, lạc lõng trong thành phố. Lão nói: Tuần sau tôi về chú ạ. Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Tôi nhìn lão, chiều tà dần trong đôi mắt mầu hoàng hôn.
Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:
- Trại dưỡng lão em làm có một bà già nhập trại không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hóa ra biết hát. Cái giọng na ná như lão mài dao.
Tôi bắt nó chở đi, dọc đường tôi kể lão Tầm Xuân đi tìm người tình là cố Xuân, đi tìm nửa câu quan họ còn lại. Bây giờ nằm trước mặt tôi là bà cụ mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc... Hay tôi lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đậy. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng, lời rời rạc. "Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải... sau đền... duyên... ba sinh".
- Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi.
Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần... yếu dần... Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lập lại lời hát của lão Tầm Xuân: "Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình..."
Lạ lùng thay,...Mí mắt bà lão động đậy, rồi giọng hát yếu ớt cứ rõ dần hòa với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Mà lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão trên đài. Mẩu tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: “Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đường... Mau lên kẻo không kịp". Không kịp thật. Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt tăm. Chiếc xe tang đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, không dòng nước mắt. Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về.
Nửa câu quan họ lầm lũi theo lão... Chơi vơi... Chơi vơi...”
Tháng sau tôi đến nữa và dẫn theo…tác giả Quế Hương với “Câu hát tìm nhau”.
Lần này tới nơi gặp lúc cụ ngủ li bì, hơi thở đứt quãng, để lay tỉnh cụ dậy. Hình nhân thế mạng tác giả Quế Hương là…tôi. Tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và lập lại câu hát của chàng trai nào đó gần đây mà chẳng sang chơi, để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu. Tiếp đến, tôi hát thay cho cô gái Nội Duệ đất Bắc Ninh mồng tơi chẳng bắc được cầu, để em trải yếm bắc cầu anh sang. Với nửa câu quan họ này, tôi đồ là như truyện ngắn Câu hát tìm nhau, là cụ sẽ... chơi vơi... chơi vơi... Lạ lùng thay, miệng cụ khẽ khàng động đậy, cụ lắc lắc cái đầu và… phẩy tay như đuổi...ruồi.
Trong cái lúc thiên hôn địa ám nôm là mù mịt, rối rắm vì tôi không biết hát… Nên để hát quan họ, tôi mường tượng trên đầu giường cụ treo bức tranh của cụ Nguyễn Gia Trí. Rồi tôi để hồn đi hoang không biết cái yêm đào bây giờ lưu lạc ở phương nao.
Tuần sau cụ mất…Đám tang nhằm vào một ngày trong tuần nên tôi không tiễn đưa cụ lần cuối. Bởi chưng Kinh thi có câu bách quế quy vu kỳ thất, rằng trăm năm rồi cũng về nhà. Thế nên tôi nhẩm chừng cụ đang thong dong ở đầu thôn cuối xóm, trên con đường mòn gần đồi Lim sớm đi chơi hội, tối về quay tơ, dải yếm phất phơ.

***
Bài viết xong, gửi báo Sài Gòn nhỏ số 611 đăng năm 2010, tôi đưa ông cụ đọc. Ông cụ tôi nhăn mặt nói viết gì mà có hơi rối, hơi ngúc ngắc. Nay cụ đã mồ yên mả đẹp, nên tôi thưa với ông cụ tôi, rối rắm vì chuyện cụ kể lung tung trống kèn sao ấy khiến tôi chả biết đâu mà lần. Còn ngúc ngắc, tôi sắm nắm chuyện cụ đang đứng dưới bóng cây bàng vì lọng cọng với tuổi tác nên bỏ đi về…Về rồi chuyện dây cà ra dây muống cô H. là con của cụ khiến tôi chả hiểu gì sất cả. Tôi góp nhóp mắt sắc như dao cau đâu cứ hẳn là cô H. Nghe vậy, ông cụ tôi ngầy ngật rằng bạn già chơi với nhau cả mấy chục năm, ấy vậy mà vẫn không hiểu nhau…Nhất là “già hay đái tật”, ông cụ tôi bấm búi “đái” đây là “mang”, về già cụ mang cái tật…không giống ai. Vì vậy mới có chuyện dây cà ra dây muống khác chính ông cụ tôi cũng chẳng hay biết nữa là… .
Là chuyện rối ren, rối rắm thế này đây…
Về Bắc Ninh đảo qua Hà Nội, mấy năm sau cụ mới kể cho ông cụ tôi chuyến đi của cụ: Ngược lên Bắc Ninh tìm người con gái nơi phố chợ ở ga Núi Tiết, nghe hơi nồi chõ người xưa đã về phố Hàng Mã làm vàng mã cho nhà đòn. Cụ mò về Hà Nội lại nghe đâu người con gái Nội Duệ xuống Hải Phòng bán nước ở phố Cát dài. Cụ gặp người xưa đang lọ mọ bán hàng nước bên phố chợ, hai mắt che phất phơ miếng vải tây điều bằng bàn tay vì người xưa đau mắt hột. Người xưa vén miếng vải ra, với con mắt toét nhèm đầy rỉ ghèn, người xưa ngơ ngác hỏi… cụ là ai. Cụ nhét vào tay người xưa 50 đô, bằng tiền cô H. ngâm thơ cho cụ ngày nào. Rồi cụ thở ra như tiếng thở dài với ông cụ tôi, nếu biết thế thà đừng về gặp người xưa năm cũ nữa thì hay hơn.
Lâu ngày chày tháng, nay chuyện được viết lại. Tôi cũng rối ren, rối trí vì không biết có nên đưa chuyện rách giời rơi xuống này vào Yếm thắm hương xưa chăng.

Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(viết xong Giáp Thân 2004, thêm bớt Dinh Dậu 2017)

__________________

Phụ đính:

Trấn Kinh Bắc

Các cụ ta xưa có câu “ăn Bắc, mặc Kinh”: Kinh là kinh đô Thăng Long, còn Bắc đây chỉ xứ Kinh Bắc cổ xưa với thành Cổ Loa có từ thời An Dương Vương và thôn Cổ Pháp, quê hương của Lý Công Uẩn, người sáng lập ra triều Lý. Theo thuyết cũ, dựa theo nghiên cứu của ngành khảo cổ thì người Việt cổ đã cư trú cả nghìn năm trước đây, những dấu vết của thị trấn cổ Luy Lâu đã chứng minh rằng Bắc Ninh là một nơi thị tứ phồn thịnh từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 10. Văn hóa nhà Phật từ Ấn Độ ghé trung tâm Luy Lâu trước khi thâm nhập vào Trung Hoa, như kinh kệ đã để lại trong tàng kinh các của chùa chiền nơi đây, cũng có ghi chú điều ấy. Đời vua Lý Anh Tông, nhà Tống thừa nhận nước ta qua cái tên An Nam Quốc. Vì vậy không thể phủ nhận Bắc Ninh là cái nôi của lịch sử nước nhà từ khi lập quốc cho đến ngày nay.
Thế nhưng lại có thuyết mới cho rằng: “Trấn Kinh Bắc được thành lập vào thời vua Lê Thánh Tông vào năm 1469 vì rằng sau trận chiến với quân Minh của Lê Lợi, để bảo vệ thành Thăng Long, vua Lê Thánh Tông cho lập “Thăng Long tứ trấn” chung quanh hoàng thành với đông, tây, nam, bắc là Trấn Hải Đông (Hải Dương), Trấn Sơn Tây, Trấn Sơn Nam (Nam Định), và Trấn Kinh Bắc. Năm 1822, vua Minh Mạng đổi Trấn Kinh Bắc ra thành Bắc Ninh và tới năm 1831 đổi tên là tỉnh Bắc Ninh.
Thành quách do Minh Mạng dựng lên từ năm 1824
Trấn Hải Đông Pháp đánh thành Hải Dương 1887
Trấn Sơn Nam Pháp đánh thành Nam 1873
Trấn Sơn Tây Pháp đánh thành Sơn Tây 1883
Trấn Kinh Bắc Pháp đánh Bắc Ninh 1884
Trở về cổ sử, năm 210 TCN, Triệu Đà mang quân sang đánh nước ta và đóng quân ở núi Tiên Du. Trận chiến với An Dương Vương ở làng Đông Mại (Đông Hồ) cạnh sông Tiểu Giang (sông Đuống) bất phân thắng bại. Sau hai bên giảng hòa lấy con sông nhỏ này làm ranh giới, phía bắc thuộc Triệu Đà và người Trung Hoa đặt tên là Bắc Giang. Phía nam thuộc An Dương Vương, con sông lịch sử trên cũng được gọi là sông Bắc Giang, nhưng vùng đất này vẫn chưa có tên. Đời vua Đinh Tiên Hòang được gọi là châu Cổ Lãm, qua tới đời vua Lý Thái Tổ đổi thành Cổ Pháp, sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức. Từ đấy trong sử “Bắc Ninh” được ghi là…“Bắc Giang”.
Bắc Ninh chỉ được nhắc đến vào thời nhà Hậu Lê với chúa Trịnh Sâm.

***
Nhà Lý đưa đạo Phật vào nước ta, vì vậy có thể nói Bắc Ninh là đất của đình chùa. Đặc thù của chùa là chùa Cổ Pháp với Lục tổ Thiền sư Vạn Hạnh. Cổ Pháp là xứ địa linh nhân kiệt qua "tam Cổ ngũ Phù": thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp. Tiếp với Phù Lưu, Phù Đổng, Phù Chẩn, Phù Ninh, Phù Khê là đất đế vương. Chùa nổi tiếng là chùa Cổ Pháp, chùa Thầy, chùa Tây Phương với gỗ kèo dầy đặc.
Chùa Cổ Pháp
Chùa Thầy
Chùa Tây Sơn
Đình Bảng
Đình phải ghi nhận Đình Bảng, thuộc làng Bảng, là đình lớn nhất với kiến trúc cổ truyền và cũng lâu đời nhất. Tên Đình Bảng (tên Nôm là làng Báng-kẻ Báng) có nghĩa là "làng Bảng Lớn" vì tiếng địa phương "đình" là to lớn, như cái nồi đình, chuyện tày đình. Tên Đình Bảng được sử sách chép đầu tiên vào năm 1362 đời Trần Dụ Tông.
Có chùa có chợ, không thể không nói đến làng nghề Đông Hồ bên bờ sông Đuống. Xưa gọi là làng Đông Mại (hay Mái), thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Lọai. Làng được dựng từ đời nhà Mạc 1680, làm tranh dân gian, còn được gọi là tranh gà lợn hay tranh Tết trên giấy dó. Ngòai ra họ còn làm giấy cho chùa in kinh cho vua quan để viết chiếu chỉ.

***
Đất Bắc Ninh là quê hương của 49 làng quan họ, khởi thủy ở Phù Lưu, nhưng từ đâu mà ra thì họ dựa nhiều vào thuyết từ các “quan” ở kinh đô mang nhạc cung đình về đình chùa để cúng tế, chầu văn, sau lan tới dân gian. Vì tránh tiếng xướng ca vô lòai với ả đào, con hát, nên dân làng này sang làng khác để nhận “họ” nhận hàng, hát với nhau, để có cái tên “Quan họ” (người Tàu gọi là “Hát Muội”). Về nhận họ nhận hàng, làng này mang trầu cau qua làng kia để nhận là anh chị em, họ coi cha mẹ hai bên như cha mẹ mình, vui buồn qua lại thăm hỏi. Mặc dù thân tình như vậy, với tục “làng quan họ nghĩa” như trong một gia đình nên họ không được lấy nhau.
Sau Tết, họ chọn ngày 13 tháng Giêng là ngày hội quan họ, và hẹn nhau tụ về làng Lim. “Lim” là tên Nôm của làng Nội Duệ, huyện Tiên Du. Có hai lọai hát là hát ngòai trời, bốn người với nhau với đôi nam đôi nữ, thường là hỏi han và tình tự. Hát trong nhà ngồi thành nhóm đối đáp, vì đối đáp như hát đố. Cũng từ đối đáp như hát đố trong nhà, hát quan họ lan qua vùng Phú Thọ để thành “hát ghẹo”.

 

Đăng ngày 16 tháng 06.2017