Thử nhận diện thành phần

chấp nhận sự thay đổi của ĐCSVN

Mai Thanh Truyết (Danlambao)

Vấn đề là làm sao tạo ra thế trận xa luân chiến để lực lượng ngày càng to lớn và “đi vào tổ chức” để cùng tấn công, cùng lên tiếng đáp lời sông núi. Khi đó, tầng lớp chống đối sự thay đổi dân chủ hiện tại sẽ đầu hàng, thúc thủ. Cuộc cách mạng sắp tới mới thực sự là một tập hợp giữa đại đa số người dân đang đứng bên bờ vực thẳm và những thành phần trong Đảng, trong một nhứt điểm lương tâm nào đó, chấp nhận đi cùng với Đại khối dân tộc để bỏ đảng và cứu Nước."

Điều lệ Đảng CSVN đã ghi rõ: “Lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực cách mạng của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) là sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) là sự lãnh đạo “tuyệt đối, duy nhất, trực tiếp và toàn diện”.
Trong điều lệ Đảng, được sửa đổi trong Đại hội VI, những câu trên vẫn được lập lại, không sai một dấu phẩy. Và thêm vào đó việc thành lập Đảng ủy Quân sự Trung ương (thay Quân ủy Trung ương trước đó và trước hơn nữa mang tên Tổng Quân ủy). Cũng theo điều lệ Đảng: “Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đương nhiên kiêm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương”. Trong quân đội, từ khi có chế độ một thủ trưởng (được ban hành đầu thập niên 80, thay cho chế độ hai thủ trưởng: một quân sự, một chính trị như trước) tất cả các sĩ quan có chức vụ Đại đội trưởng hoặc tương đương trở lên, bắt buộc phải là đảng viên và trong lực lượng công an, 100% sĩ quan là Đảng viên. Lực lượng vũ trang là xương sống và cũng là cái mộc che của chế độ. Trong bối cảnh Đảng đã biến thành bộ máy cầm quyền độc tài, bóc lột, lực lượng vũ trang cũng theo đó biến thể thành công cụ đàn áp và kềm kẹp quần chúng.
Từ đó, phân tích và bình luận về những thành phần chấp nhận sự thay đổi của Đảng CSVN rất phức tạp, dễ đưa đến những sai lầm tai hại có thể gây khó khăn cho tiến trình mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam.
Chúng ta phải hết sức thận trọng trong khi phân tích đâu là những ai chống Đảng và đâu là những ai muốn cứu Đảng. Điển hình là Trần Độ, người đã nhận định và kiến nghị điều này, điều nọ, nhưng tất cả vẫn là tư tưởng: “Duy trì sự lãnh đạo của Đảng và không rời bỏ chủ nghĩa chủ nghĩa Mác Lê-nin (và bây giờ lại thêm tư tưởng Hồ Chí Minh)”.
Những gì Trần Độ kiến nghị với Đảng không phải là kêu gọi sự từ bỏ lãnh đạo toàn diện của Đảng, mà chỉ nhằm làm cho sự lãnh đạo này vững chắc hơn, ít lộ liễu hơn; và mang một bộ mặt dễ coi hơn về hình thức. Mấu chốt là Đảng vẫn phải bằng mọi cách duy trì cho được quyền lực và nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện.

1- Cuộc Cách mạng Môi trường hiện tại qua chiến lược “xa luân chiến”
Kể từ ngày 5 tháng 3 tới nay, chưa bao giờ hết, những cuộc biểu tình xảy ra trên toàn quốc đã mang một hình thức hết sức đặc biệt, có vẻ “tự phát” và “thiếu tổ chức”, nhưng thực sự các sự kiện diễn ra trên là sự đúc kết ý chí của cả dân tộc, đứng dậy, dứt khoát và trực diện “đối đầu” với một đảng độc tài đang đi dần đến sự tự hủy!
Chúng ta nhận thấy nếu toàn dân đã ý thức được vận mệnh đất nước, tương lai của mình mà nổi dậy, biểu tình lớn thì kẻ nắm quyền không thể đàn áp vì với thế trận xa luân chiến xảy ra khắp nơi, từ Bắc chí Nam, người dân luôn nhận diện và tiêu diệt những kẻ phản quốc.
Đây là một triết lý, một chiến thuật rất tốt để chống lại sự đàn áp tàn bạo của kẻ nắm quyền.
Chiến thuật xa luân chiến không chỉ có vậy. Nếu khéo léo có chiến lược triển khai thế trận xa luân chiến, chúng ta hoàn toàn có thể có một cuộc nổi dậy của dân chúng trước bạo quyền và đạt thành công nhanh chóng, mỹ mãn mà không gây ra cảnh loạn lạc tức là “bất chiến tự nhiên thành”.

2- Thế trận hiện tại trong nước
Qua phân tích trên, chúng ta hình dung được một thế trận khá phức tạp thể hiện qua ba đối lực. Đó là:
- Đại khối dân tộc;
- Thành phần trong Đảng chấp nhận đi cùng với Đại khối dân tộc để cứu Nước;
- Thành phần trong Đảng CSVN chống đối tới cùng việc thay đổi hay chuyển hóa Đảng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam
Đây là một cuộc chiến giằng co giữa ba đối lực trên mà phần thắng chắc chắn sẽ dành cho hai thành phần trên.
Vì sao?
Vì thành phần thứ ba luôn “quyết tử” với đảng và chấp nhận theo Tàu để giữ vững quyền lực và quyền lợi cho chính họ. Nhưng họ có biết đâu, nếu theo Tàu rồi cũng sẽ mất đảng và… mất mạng luôn!
Vì vậy, chúng ta thử phân tích thế trận:

3- Tầng lớp chống đối sự thay đổi dân chủ
Đây là những thành phần nằm trong bốn tầng lớp “nồng cốt” của Đảng CSVN. Đó là:
- Ủy viên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng;
- Công an;
- Quân đội;
- Cán bộ, Công nhân viên chức nằm trong bộ máy hành chánh.
Nếu đi vào chi tiết, chúng ta có thể phân tích rõ hơn là:
- Đảng viên: niềm tin lý tưởng đảng Cộng sản hiện nay không phải là mối liên kết hay trở lực lớn, vấn đề chính chi phối mọi người là quyền lực và quyền lợi. Lý tưởng đảng hiện nay đã trở nên vật trang trí rẻ tiền cho toan tính quyền lợi.
- Lớp cầm quyền: chỉ nhóm thật sự chóp bu cỡ ủy viên bộ chính trị và Ủy Viên Trung Ương Đảng đang nắm thế thượng phong mới hưởng lợi, hiện tại quyền lợi của chúng cũng đang lung lay cùng với thời cuộc và sức khỏe của nền kinh tế. Một lối thoát an toàn cho tính mạng và tài sản là điều có thể nhóm này đang hướng đến và đang suy nghĩ thoát nạn. Lá bài chính trị nhóm này muốn là thay đổi từng bước với việc nắm dao đằng chuôi hạ cánh an toàn như Myanmar.
- Lớp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (nằm trong nhóm Lợi ích): Đây là lớp đã quá no đủ, đang đánh đu với những con tàu chìm, một số nhỏ vẫn còn có thể hưởng lợi từ sự tái cơ cấu nhưng luôn luôn mang tâm trạng mất hơn được. Muốn có sự thay đổi trong tình thế bảo toàn quyền lợi đang có. Luôn luôn cân nhắc giữa được mất để chọn lựa phương án hành động.
- Lớp doanh nhân ăn theo: đây là tầng lớp sân sau, lâu nay kiếm ăn rất tốt, nhưng tình hình kinh tế hiện nay cũng đang khốn đốn để lấy lòng “sân trước”, tâm lý cũng như lớp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
- Lớp hy vọng hưởng lợi: Lớp này đang bước vào đảng, vào cơ quan nhà nước, tình hình hiện nay như gáo nước lạnh dội vào đầu chúng, tuy nhiên với bản chất kiên trì “cố bám” trường kỳ mai phục để chờ thời cơ “ăn cỗ” chúng vẫn không muốn có sự thay đổi. Lực phản ứng chống lại của nhóm này tương đối yếu.
- Lớp công lực: công an, quân đội. Đây là nhóm được cưng chiều, lương và thu nhập cao nhất hiện nay, nhiều người trong nhóm này không muốn có sự thay đổi. Khi quân lệnh ban ra chúng sẽ thẳng tay đàn áp. Hãy đánh vào quyền lợi bản thân, gia đình, họ hàng liên quan để những người thân chúng quản lý chúng. Công nghệ nhận diện và truyền thông hiện nay giúp cho việc trên rất đơn giản để thực hiện. Sự trừng phạt nhắm vào tầng lớp chỉ huy. Hãy cho chúng biết người dân không còn chấp nhận kiểu ngụy biện “chỉ vì theo lệnh trên” nữa!

4- Tầng lớp muốn thay đổi: cuộc sống bế tắc, ủng hộ thay đổi
- Báo chí: Đây là lực lượng có tính chiến lược, quan trọng như yết hầu trong cuộc chiến này. Lớp này không phải mù thông tin hay nhận thức kém mà không biết hiện tình đất nước, cái khổ của nhóm này là cái dạ dày bị kẻ quyền chức nắm (nắm dạ dày sai khiến cái đầu là bài học kinh điển của chủ nghĩa CS). Vấn đề làm sao cho nhóm này biết là thời thế đã thay đổi, thời cơ đã đến, đứng về nhân dân. Hãy cho họ biết họ cần chiến đấu để giành lại phần hồn của mình lâu nay bị kẻ khác điều khiển. Lực lượng nhân dân nổi dậy hãy chăm sóc các cơ sở truyền thông chu đáo: đài truyền hình, truyền thanh, các tòa soạn báo chí. Hãy đặt nhóm này vào tình thế nếu không đứng về phía người dân thì mất tất cả.
- Nhân sĩ, Trí thức gồm Giáo viên, Giáo sư, Bác sĩ, Kỹ sư: Trong nền kinh tế thị trường tự do, giáo dục, y tế, xây dựng… đóng góp vào việc phát triển đất nước chung. Nhưng, hiện tại những ngành nghề trên thực sự là những siêu công ty nhà nước, kém hiệu quả, chứa nhiều tham nhũng, rút ruột.
- Doanh nhân: Đây là lớp bị khủng hoảng kinh tế tàn phá nặng nề niềm tin vào chế độ, rất mong muốn có sự thay đổi để mở ra chương mới đẩy nhanh kinh tế hồi phục, tuy nhiên vì có của nên thận trọng quan sát, sẽ thờ ơ không ủng hộ, gây khó khăn cho sự lớn mạnh của lực lượng. Cần đặt họ vào việc buộc phải lựa chọn và bản năng con người sẽ tìm đến cái có lợi hơn. Hãy nắm những người đầu mối: lãnh đạo các hiệp hội, các câu lạc bộ doanh nhân, các doanh nghiệp có tài sản lớn.
- Nhân viên công ty nhà nước (công nhân các công ty nhà nước): Đây là nhóm có cuộc sống chật vật với đồng lương thấp kém, cái níu kéo là công việc. Cần nhắm vào những vị trí chủ chốt: giám đốc, trưởng phòng, lãnh đạo công đoàn để nắm lấy lực lượng. Đứng về phía người dân hoặc mất tất cả, cho họ biết họ lên tiếng vì miếng cơm manh áo chính họ. Hãy đặt tất cả nhân viên còn lại phải lựa chọn, phải hành động tránh bị vài tên lãnh đạo cao nhất dắt mũi, xúi dục.
- Công nhân: Đây là tầng lớp đông đảo, muốn có cuộc sống tốt hơn vì, hiện tại bị giới chủ nhân ông bóc lột. Đây là một thành phần đã bị CSVN lợi dụng nhiều nhứt trong “công cuộc thống nhứt đất nước”. Chỉ cần một ngọn lửa cách mạng nổi lên là tình thế có thể thay đổi nhanh chóng.
- Nông dân: Đây là một lực lượng đông đảo chiếm khoảng 40% dân số, nhưng chưa được tổ chức vì thiếu ý thông tin liên lạc để cùng phát động phong trào đòi quyền được sống. Hãy nắm lấy lực lượng này thông qua con cháu họ: có thể là nhân viên, trí thức, sinh viên, ràng buộc tất cả lại nếu một nhân viên nhà nước, một sinh viên mà không báo cho bố mẹ ở quê nhà biết thì cũng bị liên lụy, bị tước một phần quyền sở hữu công sản. Hãy nắm từ những người dân oan mất đất, đây là lực lượng tuyệt vọng và có sức tranh đấu mạnh mẽ nhất.
- Tiểu thương: Bị ảnh hưởng nặng vì kinh tế suy thoái, buôn bán ế ẩm bị quốc doanh chèn ép.
- Cán bộ nhà nước: Đây là nhóm có cuộc sống chật vật vì đồng lương thấp kém, bấu víu vào “cơ chề công chức” để giữ nồi cơm “chiều”, một thành phần sẵn sàng chấp nhận tiếp tay vào cuộc trở mình của đất nước.
- Công an: bất cứ xã hội nào, việc trị an vô cùng quan trọng, trong xã hội mới lực lượng này, những ai đứng về phía nhân dân cũng được trọng dụng. Chỉ loại khỏi ngành những tên chống lại sự thay đổi, chống lại người dân. Lực lượng này được ưu tiên phân chia tài sản trong các công ty nhà nước. Vì vậy, hãy đặt lực lượng này chọn lựa giữa dân chúng hay đảng mục nát, trở về với đại khối dân tộc hay chịu sự trừng phạt.
- Quân đội: Đây là một lực lượng được tổ chức chính quy, có võ khí, nếu không thông về tư tưởng và giải pháp chính trị, mà vẫn bị nhà cầm quyền mua chuộc thì một khi bạo lực xảy ra sẽ rất thảm khốc. Toàn dân cần cảnh giác bị lực lượng này vin cớ bạo loạn xã hội thực hiện đảo chính, ban hành thiết quân luật và biến đất nước thành một nền độc tài quân sự. Đây là một kịch bản tồi tệ.
- Tài xế: Đây là lực lượng cơ động, vô cùng quan trọng trong trận quyết chiến này. Hơn ai hết, từ lâu họ thấy ra bản chất xấu xa, tồi tệ, mục nát của chế độ của xã hội: đường xá xuống cấp, nạn mãi lộ trắng trợn, ăn tiền trên mồ hôi nước mắt. Lực lượng nổi dậy cần có bộ phận liên kết, lãnh đạo họ, khi nổ ra biểu tình phải huy động hàng ngàn xe khắp nơi tràn về Hà Nội.
- Hưu trí: Đây là lực lượng được dẫn dắt do niềm tin về chủ nghĩa cộng sản, kinh qua những cuộc chiến tranh thảm khốc và thời kỳ nghèo đói kinh hoàng của đất nước. Với họ luôn thấy đất nước phát triển hơn xưa nhiều, tuy vai trò xã hội không còn nhiều nhưng tiếng nói có uy tín với con cháu. Với niềm tin bị tuyên truyền về đấu tranh giai cấp và sự tàn khốc của chiến tranh, họ luôn e ngại sự thay đổi. Họ sợ chiến tranh, sợ mất lương hưu, sợ bị trả thù... với họ rất khó để nói chuyện bằng lý trí vì kiến thức, niềm tin quá cách biệt.
- Trí thức: Đây là tinh hoa của dân tộc nhưng bị hạn chế nhiều vì nền giáo dục lạc hậu và bị mắc nạn công danh trong tay đảng nắm quyền, số cấp tiến có nhưng số thủ cựu thụ động còn rất lớn. Niềm tin vào lý tưởng đảng xem như đã hết nhưng niềm tin vào đường thăng tiến còn rất mạnh, kiến thức về dân chủ, tự do còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về kinh tế thị trường tự do.
- Sinh viên: Đây là tầng lớp đông đảo, số thức tình trước hiện tình đất nước, nhưng cũng có số còn u mê, chạy theo vật chất, đứng bên lề nỗi đau của dân tộc. Nỗi lo lớn nhất là học hành và sợ ảnh hưởng tương lai nếu dính vào chính trị. Số ủng hộ rất hữu ích có thể là thủ lĩnh truyền tin tức, liên kết mọi người. Số thờ ơ không tạo ra lực cản. Cần cho sinh viên biết vai trò của họ và quyền lợi của họ, nếu bản thân không đóng góp thì gia đình cũng mất phần quyền lợi. Hãy trao cho họ phương cách an toàn để đóng góp: thông tin, chuyển tải tin tức qua mạng.
- Lực lượng đấu tranh dân chủ: Đây là một lực lượng rất đa dạng từ quan điểm, chủ trương đến hành động. Đây quả thật là một cuộc chiến rất dân chủ. Trong một đất nước mà lề lối sinh hoạt, nguyên tắc dân chủ chưa hình thành rõ ràng, kiến thức dân chủ chưa đến thực sự với người dân thì đây là… một nguy cơ.
Việc này có thể tạo ra đất nước rối loạn, kiệt quệ và từ đó xu hướng ủng hộ độc quyền để đổi lấy ổn định như bên nước Nga là một ví dụ. Qua kinh nghiệm trên thế giới có rất nhiều lực lượng đấu tranh muốn một chính quyền dân chủ trong một nền kinh tế nhà nước bao cấp để lấy lòng dân, lấy sự miễn phí, giá rẻ làm phước lành cho dân nghèo.
Phong trào cách mạng cần làm rõ nguyên tắc: kinh tế cũng là chính trị. Kinh tế bao cấp nhà nước chính là cái nôi của suy đồi kinh tế, chính trị phi dân chủ. Hãy tuyên truyền những giá trị căn bản của một nền dân chủ, những nguyên lý để đưa một nền toàn trị sang nền dân chủ và những nhân tố giúp chống lại việc trở lại sự độc tài.,
- Người Việt trong nước: Nhiều phong trào dân chủ được phát động và lãnh đạo bởi tôn giáo và gắn liền dân chủ như là một giá trị của tôn giáo, điều này thực sự có thể gây trở ngại cho con đường tiến đến dân chủ ở Việt Nam khi mà các tôn giáo vẫn còn khoảng cách ngăn chia lớn trước vấn đề quốc gia.
Cần phải tách bạch vấn đề dân chủ và tôn giáo.
Dân chủ là giá trị phổ quát của nhân loại chứ không phải sản phẩm của tôn giáo.
- Người Việt nước ngoài: Việt Nam có lịch sử của một cuộc chiến tranh dai dẳng ý thức hệ lâu dài, và có lịch sử di dân to lớn. Đó thật sự là vết thương luôn rỉ máu của dân tộc. Chính bộ phận “thua cuộc” và “di dân” lại là một bộ phận có kiến thức dân chủ cao vì vừa là nạn nhân của chuyên chính vô sản, vừa tiếp cận những giá trị dân chủ, tư do cao của các quốc gia trên thế giới.
Họ miệt mài đấu tranh cho tự do dân chủ nhưng bị nhà cầm quyền CSVN tuyên truyền là họ đấu tranh vì sự thù hận chiến tranh và phục quốc dựng lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Đây là một trở lực lớn khi mà người dân trong nước sau bao nhiêu năm sống trong môi trường thiếu thông tin đã bị nhiễm độc âm mưu tuyên truyền của Cộng Sản, xem những thành phần chiến đấu cho dân chủ tại Hải Ngoại là hoạt động chống phá nhà nước, rước ngoại bang để chịu hàng phục làm nô lệ! Tuy nhiên, ngoài lực cản như trình bày thì lực lượng trí thức của người Việt nước ngoài đông đảo mang nguồn tư tưởng dân chủ tiến bộ là một nguồn lực vô cùng quí giá sẵn sàng cổ vũ sự thay đổi, xây dựng lại đất nước sau ách toàn trị.
- Lực lượng quốc tế: Trong môi trường toàn cầu hóa, không nước nào thoát khỏi mối ràng buộc chằng chịt, chung qui cũng vì quyền lợi. Lực lượng ủng họ sự vận động đến dân chủ là thế giới tự do, đứng đầu là nước Mỹ. Lực lượng muốn duy trì độc tài là nhóm các nước độc tài toàn trị như Trung Cộng và Nga. Do đó, cần vận động và tiếp cận sự ủng hộ của nhân dân các nước văn minh, các nước cổ võ cho giá trị dân chủ truyền thống.

5- Kết luận
Lá thư gần đây của Tập hợp Quốc Dân Việt có nhận định như sau: “Quốc nội: Số ít chưa nhận ra đại họa Tàu Cộng. Trong số Dân đã nhận thức được đại họa của Quốc Dân, thì đa số Dân quá ù lì thụ động, kể cả hàng ngũ Chức Sắc các Tôn giáo, Nhân sĩ, Trí thức, chỉ thở dài thất vọng hoặc khóc, mà không biết nên làm gì. Và Hải ngoại: Chưa tập trung vào hai mục tiêu then chốt trong giai đoạn này là: Chống Formosa - Bảo vệ môi trường - Bảo vệ Sự Sống & Chống Tàu Cộng”.
Hoàn toàn đúng. Yêu cầu dân chủ hiện là một yêu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam. Bệnh thiếu dân chủ đã kéo quá dài và ở mức độ trầm trọng đến mức báo động.
Từ việc phân tích, nhận định tình hình trên, ta thấy tất cả đều hưởng lợi từ chủ trương thay đổi của đất nước và thay thế Đảng cầm quyền CSVN.
"Đức Phật ngày xưa bỏ hết để đi vào rừng tìm đường cứu vớt nhân sinh. Ngày nay tuổi trẻ Việt Nam cũng đang bỏ hết để hằng ngày gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đại họa mất đất, mất biển, mất nước, mất tự do mà đân tộc ta đương gánh chịu.
Con đường thương yêu đồng bào, thương yêu đồng loại là con đường liên tục nhưng thể hiện bằng nhiều cách thế. Cái khó là nhìn thấy hướng đúng, hướng phù hợp với từng người! Cái khó vạn nan kế tiếp là hăng hái bước lên đi vào hành động…” (trích Nguyễn Văn Sâm).
Vì vậy, vấn đề là làm sao tạo ra thế trận xa luân chiến để lực lượng ngày càng to lớn và “đi vào tổ chức” để cùng tấn công, cùng lên tiếng đáp lời sông núi. Khi đó, tầng lớp chống đối sự thay đổi dân chủ hiện tại sẽ đầu hàng, thúc thủ.
Cuộc cách mạng sắp tới mới thực sự là một tập hợp giữa đại đa số người dân đang đứng bên bờ vực thẳm và những thành phần trong Đảng, trong một nhứt điểm lương tâm nào đó, chấp nhận đi cùng với Đại khối dân tộc để bỏ đảng và cứu Nước.

Tháng 5 năm 2017

Mai Thanh Truyết


Vô đạo chính là đạo

Hơn hai ngàn năm trước có cuộc gặp kỳ lạ giữa Khổng và Lão.
Khổng ngồi kiệu đi trên đại lộ. Ngài vừa phe phẩy chiếc quạt, vừa lim dim đôi mắt. Bọn người khênh kiệu còng lưng đi thật đều để giữ thăng bằng cho thầy an tọa. Bỗng phía trước có kẻ cỡi trâu cắt ngang qua. Khổng mở mắt nhìn và quát:
– Tên trẻ trâu kia vô lễ, đường lớn không đi lại cắt ngang mặt người ta?
Con trâu dừng lại ngoái cổ nhìn. Tên trẻ trâu cười nói:
– Ngươi biết ta đã bao nhiêu tuổi rồi không mà cao giọng bảo ta trẻ trâu vô lễ? Chẳng qua ngươi đi trên con đường người ta đã dọn sẵn. Sự thực không có đường nào là lớn cả. Nơi không có đường mới thực sự là lớn!
Khổng mở to mắt nhìn. Bây giờ mới thấy người kia dù mặt mũi trẻ con nhưng râu tóc bạc phơ, chừng như đã sống mấy trăm năm, bèn ra lệnh cho phu hạ kiệu và bước xuống vòng tay thi lễ:
– Tại hạ có mắt như mù. Chẳng hay lão trượng chính là Lão Tử, người nước Sở?
Lão vẫn ngồi vắt vẻo trên lưng trâu nheo mắt cười:
– Đích thị là mỗ, bốn phương là nhà, không cần biết sinh ra ở đâu! Thái độ trịch thượng như ngươi ta đoán không nhầm là người họ Khổng nước Lỗ? Chào Khổng Phu Tử!
Khổng lại vái chào lần nữa:
– Tại hạ là Khổng Khâu đây, Đạo của tại hạ vốn khiêm cung, lão trượng đã quá lời…
Lão nhìn bọn phu kiệu lưng ướt đẫm mồ hôi rồi nhìn Khổng khăn áo lượt là mà cười, con trâu cũng cười theo. Lão nói:
– Đạo của ngươi là gì?
Khổng trịnh trọng:
– Tóm gọn trong mấy chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Lão cười vang:
– Có đến năm thứ, thứ nào cũng khó, cũng cao, sao gọi là khiêm cung? Những người dân chân lấm tay bùn làm sao học được cái Đạo ấy?
Khổng thanh minh:
– Đạo của tại hạ chỉ dành cho người quân tử, không dành cho kẻ tiểu nhân. Với người dân chân lấm tay bùn chỉ cần Lễ là đủ. Nhất nhật khắc kỉ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên!
Lão hỏi:
– Tự nhiên sinh ra vốn bình đẳng, làm gì có phân biệt quân tử hay tiểu nhân? Lễ là phép tắc, trật tự, ngày nào cũng bắt dân phục lễ khác nào ngươi bắt dân phải đeo gông đi trên con đường hẹp. Còn Nhân, Nghĩa, Trí, Tín ngươi dành cho quan quyền khác nào mở đường cho chúng tự do nói dối, giả nhân giả nghĩa, lưu manh, lừa lọc? Vậy còn phụ nữ thì sao?
Khổng lúng túng không trả lời hết các câu hỏi, chỉ trả lời câu cuối cùng như cái máy:
– Phận nữ nhi thường tình!
Lão lại cười ha ha:
– Vậy mẹ của ngươi cũng là tiểu nhân? Vậy thì Lễ của ngươi nói kính cha thờ mẹ để làm gì? Bây giờ thì ngươi đi đâu?
Khổng tự hào thưa:
– Đi chu du thiên hạ để truyền Đạo. Nhà Chu suy, chư hầu nổi loạn, rất cần đạo trị – bình để thu thiên hạ về một mối, yên ổn vì đại cục…
Lão cắt lời:
– Nguy tai! Nguy tai! Nhà Chu suy đồi mà ngươi lại dùng phép tắc nhà Chu làm mẫu mực để gọi là Lễ? Nói thật, Đạo của ngươi cũng chỉ là con đường cụt. Lễ mà ngươi dạy đời ấy chỉ tạo thêm ra loại người đối với bề trên thì nịnh nọt uốn gối khom lưng, đối với kẻ dưới thì trịch thượng khinh người. Đạo trị – bình của ngươi chỉ có thể giữ thế ổn định tạm thời để bọn quan quyền tham nhũng. Dân vì hèn, vì sợ mà tạm bình, chứ quan đang nắm quyền thống trị thì sẽ tranh chấp hỗn loạn, cắn nhau như chó tranh cứt. Sao không để chư hầu nổi loạn mà làm lại từ đầu? Cái cây già mục ruỗng đã sắp chết thì dọn đi để trống đất cho cây con mọc lên, khư khư giữ lấy làm gì?
Nghe đến đấy, Khổng không khỏi nổi giận, mặt đỏ phừng phừng:
– Lão trượng không nên xúc phạm Thiên tử và kích động làm loạn. Tội phản nghịch đáng bị tru di ba họ. Nhưng thôi, coi như tại hạ chưa nghe gì. Vậy mạo muội hỏi, Đạo của lão trượng là gì?
Lão Tử vẫn khoan thai, tay đưa lên vuốt chòm râu trắng:
– Ta chỉ có một cái đầu trong muôn vạn cái đầu của thiên hạ. Ba họ nhà ta là ai ta còn chưa biết thì sợ gì họa tru di. Ngươi hỏi Đạo của ta ư? Đạo của ta là vô đạo, đường của ta đi là không có con đường. Đó mới là Đại Đạo.
Khổng ngơ ngác không hiểu gì. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác ấy, Lão lại ngửa mặt cười vang, đưa ngón tay vẽ một vòng thái cực vào không khí và nói:
– Ngươi cứ nhìn vào trời đất mà hiểu Đạo của ta. Kìa, có trời thì có đất, có núi thì có sông, có cao thì có thấp, có dài thì có ngắn, có cương thì có nhu, có rỗng thì có đặc, có sáng thì có tối, có thẳng thì có cong… Mọi thứ đang dịch chuyển trong sự biến hóa vô cùng. Tự nhiên tự do nhưng có trật tự và cái lí của nó. Cao thì xa, thấp thì gần, dài thì yếu, ngắn thì mạnh, cương thì gãy, nhu thì dẻo, rỗng thì âm to, đặc thì câm… Mọi thứ trong trời đất gắn kết được nhờ khác biệt, không có chuyện giống nhau mà hợp lại được với nhau. Đạo của ngươi áp đặt mọi thứ theo trật tự như ngươi muốn và bắt buộc mọi thứ giống như nhau mà được à?
Bây giờ thì Khổng nghe như nuốt từng lời. Khổng hỏi:
– Đạo của lão trượng từ đâu ra vậy?
Lão nói:
– Từ trời đất, từ nhân gian mà ra. Ta học được từ đám dân đen mà Đạo của ngươi gọi là bọn tiểu nhân đáng khinh bỉ đấy!
Lão lại nhìn Khổng đang trố mắt mà tiếp:
– Ta nghe ngươi đi đến đâu, các vua chư hầu đuổi đến đó như đuổi tà. Có người bảo ngươi chỉ là kẻ cơ hội. Nhưng ngươi yên tâm, vài trăm năm sau Đạo của ngươi sẽ được trọng dụng vì nó sẽ là vũ khí bịp bợm tốt nhất. Người ta sẽ leo lẻo nói điều Nhân, điều Nghĩa, người ta luận về điều Trí, điều Tín, nhưng nói một đằng làm một nẻo. Và hiển nhiên, người ta sẽ tôn ngươi là Thánh để mê hoặc lòng người!
Đến đây, Khổng cúi sát người xuống chân Lão mà lạy ba lạy:
– Tại hạ lĩnh giáo và xin bổ sung vào Đạo của mình. Đời vẫn có quân tử và tiểu nhân, nhưng Đạo lớn nhất vẫn là lấy dân làm gốc ạ!
Lão lại bật cười đến văng nước bọt:
– Câu đó sẽ là câu mị dân lớn nhất! Dân nghe vậy sẽ vui vẻ làm trâu cày cho sự nghiệp của các quan chứ gì?
Nói đoạn, Lão vỗ mông trâu bỏ đi, không một lời chào. Con trâu họ lên một tiếng và ỉa một bãi to tướng trước mặt Khổng rồi đưa Lão băng qua cánh đồng. Khổng nhìn theo không chớp mắt. Kỳ lạ là con trâu đi đến đâu cỏ cây dạt ra đến đấy. Lão Tử nhẹ nhàng như bay giữa không gian vô tận rồi mất hút ở chân trời. Khổng lầm bầm, rằng Lão thật sự tự do, con đường của Lão thật sự là con đường lớn, không như ta cả đời tự đeo gông vào cổ và đi vào ngõ cụt mà không biết…
Tối hôm đó về nhà trọ, Khổng trằn trọc suốt ba canh rồi thiếp đi. Trong giấc mơ, Khổng thấy mình sống lừng lững đến 2000 năm, bao nhiêu người đến sụp lạy tôn Khổng thành Thánh. Khổng cứ ngồi bất động mà làm Thánh. Không biết là mộng ác hay mộng lành. Chỉ biết rằng khi tỉnh dậy, Khổng thấy cứt đầy quần. Bèn thay quần áo và gói ghém mọi thứ ô uế vào chiếc tay nải bằng nhung rồi một mình lặng lẽ bước đi trong đêm tối. Khổng ném tất cả xuống cầu và đứng nhìn dòng sông đen ngòm đang chảy xiết…
Sử sách chỉ viết có cuộc gặp gỡ Khổng – Lão mà tuyệt nhiên không kể lại đầu đuôi chuyện này.

http://maithanhtruyet.blogspot.com/

 

Đăng ngày 31 tháng 05.2017