Lời tiên đoán của Trịnh Công Sơn

Điệp Mỹ Linh

Trong khi tìm tin tức hằng ngày, tôi thấy tin trên BBC ngày 25/06/2022, cập nhật ngày 01/07/2022, viết về sự quả cảm và đám tang của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh, 27 tuổi, thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Ukraine, hy sinh tại chiến trường Donbas, Ukraine, ngày 26/05/2022. Tôi rất xúc động, cúi mặt, thầm cầu nguyện cho hương Linh của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh được siêu thoát.
Tôi cảm phục bà Phạm Thị Sao – Mẹ của tử sĩ Nguyễn Văn Minh – đã nuôi dạy con theo châm ngôn của người Việt: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Dù bà Phạm Thị Sao định cư tại Ukraine dưới bất cứ hình thức nào thì Ukraine vẫn là Quê Hương thứ hai của Bà. Con của Bà chiến đấu để bảo vệ Quê Hương thứ hai của Mẹ con Bà trước sự xâm lăng đầy man rợ của Nga là điều rất đáng khâm phục!

Để tôn vinh sự hy sinh cao cả của một thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến chống Nga, ông Oleksandr Gaman – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ukraine tại Việt Nam – viết: "Hôm nay, chúng ta nói lời vĩnh biệt với Nguyễn Văn Minh, người con của Cha Mẹ Việt Nam và cũng là con của đất nước Ukraine. Anh ấy 27 tuổi và sẽ luôn ở tuổi 27… Niềm tự hào cho Ukraine!
Vinh quang cho các anh hùng!" (1)  
Tôi cũng thấy trên facebook chính thức của sứ quán Ukraine tại Hà Nội đăng tin: “Nguyễn Văn Minh, một người Ukraine gốc Việt, đã hy sinh vào ngày 26/5/2022 trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Đại diện Cộng Đồng người Việt tại Kharkiv – ông Nguyễn Tiến Lợi – phát biểu: “Cộng đồng Việt Nam tại thành phố Kharkiv và toàn UKraine chia sẻ đau thương và tự hào về tinh thần quả cảm và lý trí của liệt sỹ Nguyễn Văn Minh. Đối với chúng tôi, anh ấy thật sự là một Anh hùng! Nguyễn Văn Minh đã ra đi, nhưng anh ấy sẽ luôn sống mãi trong trái tim của chúng tôi!" (2)
Đại diện Học Viện Vệ Binh quốc gia Kharkiv, đơn vị, bạn hữu, đồng đội của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh cũng đến chia buồn với bà Mẹ đau khổ Phạm Thị Sao!
Tôi cố ý tìm xem nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csVN) nghĩ gì và nhận xét như thế nào về sự hy sinh cao cả của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh, nhưng tìm không ra!
 
Trong khi tất cả cơ quan truyền thông trên internet đều không có bất cứ lời phát biểu nào của tòa đại sứ Việt Nam tại Ukraine hoặc là của nhà cầm quyền csVN về sự hy sinh của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh, tôi lại thấy tin ban tổ chức của chương trình ca sĩ Khánh Ly lưu diễn tại Việt Nam bị “rắc rối” khi Khánh Ly hát ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn vì bài hát này không có trong danh sách đã được nhà cầm quyền csVN cấp giấy phép.
Tôi hiểu, vì Nga đã rất đắc lực viện trợ vũ khí tối tân cho csVN để csVN xâm lược và cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, cho nên, csVN không dám tỏ lòng nhân đạo hoặc tình đồng chủng đối với “thượng úy” Nguyễn Văn Minh – một người Việt chống Nga!
Nhưng, tôi không hiểu, tại sao ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ phản chiến, trốn quân dịch, sống và sáng tác tại miền Nam Việt Nam. Ca khúc đó đã được phổ biến rất rộng rãi tại miền Nam Việt Nam suốt bao nhiêu năm dài, thế mà bây giờ, sau gần nửa thế kỷ csVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, người csVN cũng vẫn còn... sợ cho đến độ phải gây “rắc rối” cho ban tổ chức sau khi Khánh Ly trình bày ca khúc đó?
 
Qua hai sự việc nêu trên, chúng ta thấy, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chẳng dùng khẩu hiệu nào cả, nhưng sự Tự Do, Dân Chủ dưới chính thể VNCH đã được thể hiện và tôn trọng một cách công bằng.
Còn người csVN, lúc nào cũng hô vang lời của ông Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhưng, trước sự hy sinh dũng cảm của một thanh niên Việt Nam đã thể hiện tinh thần Tự Do của một công dân để bảo vệ sự độc lập của Ukraine – quê hương thứ hai của anh ấy – chống lại quân Nga xâm lược vào Ukraine, thì người csVN lại cố tình “lờ” đi, rồi xoay sang “kiếm chuyện” với ca sĩ Khánh Ly về một ca khúc xưa mà ai cũng ưa thích vì lời ca diễn đạt được tất cả nỗi đau trên Quê Mẹ tang thương!
 
Viết đến đây, tôi muốn nhớ lại lời ca của bài Gia Tài Của Mẹ xem câu nào trong bài đó làm cho người csVN bị “dị ứng” nhưng, lâu quá không đàn, không hát, tôi không thể nhớ được, phải tìm trên internet!
Trong khi truy tìm, vô tình tôi thấy trên báo Lao Động, ngày 01/07/2022 @ 15:49 GMC + 7, bài của Phương Nhiên. “Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng – xác định như thế này: "...việc Sở mời đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly lên làm việc là để làm rõ việc hát bài hát ngoài danh mục đã đăng ký, không liên quan gì đến nội dung cũng như việc hát bài Gia Tài Của Mẹ...’”  
Tin được không?

Muốn xác định câu nói của ông Trần Thanh Hoài, tôi mở bài Gia Tài Của Mẹ để xem lời ca. Thấy câu đầu tiên tôi thoáng giật mình:
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu...”
Hỡi vong linh ông Trịnh Công Sơn! Khi còn tại thế, hẳn ông đã biết, suốt cuộc chiến, từ 1954-1975, Trung cộng đã dốc toàn lực đưa vũ khí hạng nặng và cố vấn Trung cộng vào Bắc Việt để giúp csVN xâm lăng miền Nam Việt Nam mà Ông gọi Trung cộng là “giặc Tàu” thì làm thế nào người csVN có thể chấp nhận được!
Xin trích hai câu ở phân đoạn thứ hai để quý độc giả thấy rõ vì sao csVN lại “dị ứng” với ca khúc Gia Tài Của Mẹ:
“...Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầу mồ”.
Trong cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam, csVN đã “xẻ” Trường Sơn, thề “sinh Bắc tử Nam” nhưng bị Quân Lực VNCH chống trả mãnh liệt, quân của csVN chết như... kiến!
 
Những cuộc hành quân quy mô của các quân binh chủng khác, thuộc Quân Lực VNCH, tôi chỉ nghe em hoặc bạn tôi kể lại chứ tôi không thấy, không biết, tôi không dám lạm bàn. Riêng về những cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH hoặc  những khi Giang Đoàn Xung Phong giải cứu các đồn Nghĩa Quân dọc bờ sông, do Việt cộng – tiền thân của csVN – dùng chiến thuật “biển người” hoặc “tiền pháo hậu xung” để tấn công, tôi biết rõ vì tôi từng tháp tùng.
Giang Đoàn thường hành quân hoặc chuyển quân vào ban ngày. Việt cộng thường phục kích tại những khúc sông hẹp hoặc những khúc quanh ngặt. Khi đoàn chiến đỉnh giang hành qua những đoạn sông đó thế nào cũng bị Việt cộng dùng B40/B41 bắn trực xạ, thường nhắm vào chiếc Commandement (chiến đỉnh chỉ huy) vì chiến đỉnh này gắn nhiều “ăng-ten” và súng cối.
Khi nào cũng vậy, bị Việt cộng bắn lén, đoàn chiến đỉnh cũng “ủi” thẳng vào nơi phát ra tiếng B40/B41 rồi phản công một cách dữ dội. Việt cộng “chém vè”, nhưng vẫn bị súng cối và súng máy từ chiến đỉnh bắn theo. Chỉ có Trời mới biết được bao nhiêu Việt cộng đã gục ngã!
Những lần tiếp cứu các đồn Nghĩa Quân cạnh bờ sông, thường xảy ra vào ban đêm. Khi đến gần đồn, đoàn chiến đỉnh bắn hỏa châu soi sáng cả vùng. Tôi thấy nón tai bèo hoặc đầu người cứ “lố nhố”, nhấp nhô, nhấp nhô xa dần bờ sông. Nhưng, sau vài phát súng cối hoặc vài tràng súng máy từ chiếc Commandement, chiếc Monitor Combat và hai chiếc Foms, đám người “lố nhố” đó gục ngã như sung rụng!
Bộ đội, đặc công và du kích của “ông Hồ” chết nhiều như thế, csVN giấu không hết mà ông Trịnh Công Sơn lại viết ra rõ ràng “một rừng xương khô”, “một núi đầy mồ” thì csVN “dị ứng” là đúng rồi!
 
Và ba câu kế tiếp:
“... Mẹ trông con mau bước về nhà,
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng Cha quên hận thù!...”
Có phải ba câu trên đây Trịnh Công Sơn đã thiết tha kêu gọi đoàn quân csVN khát máu đang cố vượt Trường Sơn xâm lăng miền Nam hãy “mau bước về nhà” – trở về Bắc Việt – đừng gây hận thù nữa hay không?
Và, qua hai câu cuối của ca khúc Gia Tài Của Mẹ, tôi nhận thấy, Trịnh Công Sơn không những là một nhạc sĩ tài hoa, một nhân vật trốn quân dịch rất... “kiệt xuất” mà còn là một... “nhà tiên tri lỗi lạc”.
Nếu không phải là “nhà tiên tri lỗi lạc” thì làm thế nào – từ hơn nửa thế kỷ trước – Trịnh Công Sơn đã tiên đoán được những điều sẽ xảy ra cho dân tộc Việt Nam nếu csVN chiếm được miền Nam? Sự tiên đoán đó được diễn đạt rất rõ nét trong hai câu này:
“...Gia tài của Mẹ một bọn lai căng
Gia tài của Mẹ một lũ bội tình”.

Dưới chính thể VNCH, những gia đình nghèo khó, người con gái phải hy sinh, làm trong các quán “bars” – nơi quân nhân Hoa Kỳ thường đến giải khuây – để giúp em ăn học hoặc giúp Mẹ nuôi em vì Cha đã tử trận. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn như thế, những thiếu nữ và phụ nữ kém may mắn này nói tiếng Anh rất khó hiểu mà người nghe lại vui, nhưng vì lịch sự, không dám cười. Tỷ dụ: “Không sao đâu”, họ nói “No star where”, thăm hỏi nhau: “Anh/chị sao rồi?”, họ hỏi “You star ready?” v.v... Thế mà lính Mỹ cũng hiểu và những thiếu nữ, phụ nữ đáng thương này nuôi sống được gia đình và báo hiếu được công Cha nghĩa Mẹ.
Điều đáng thương hơn nữa nơi những thiếu phụ vì hoàn cảnh phải lấy Mỹ, là, khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, năm 1973, đa số phụ nữ lấy Mỹ đã không rời bỏ quê nghèo để theo chồng về Mỹ. Vì họ không chịu rời Quê Hương sang Mỹ, cho nên, con lai của họ cũng phải ở lại Việt Nam – để nhận không biết bao nhiêu đắng cay từ bạn hữu và người Việt cao tuổi!
Vì tinh thần yêu Quê Hương cao độ của những thiếu phụ miền Nam lấy Mỹ, mà, năm 1987, Hoa Kỳ phải đưa ra đạo luật Amerasian Home Coming Act, để đem về Mỹ gần 30.000 trẻ em Việt Nam lai Mỹ và gia đình của các em. (3)
Những điều nêu trên chứng minh rằng: Người Việt sống dưới chính thể VNCH không hề “lai căng”, không hề “bội tình” đối với Quê Hương Việt Nam.

Ngược lại, từ sau ngày csVN chiếm được miền Nam Việt Nam, cả triệu người Việt liều chết vượt biển hoặc vượt biên giới bằng đường bộ, sau đó, không biết bao nhiêu gia đình phải thế chấp tài sản để con của họ được xuất cảnh lao động, rồi ở lại luôn, không về! Không biết bao nhiêu thiếu nữ và phụ nữ Việt Nam chạy theo bất cứ người đàn ông ngoại quốc hoặc người đàn ông Á Đông nào có dáng vẻ “sang chảnh” như Việt Kiều – già mấy cũng được – thì “xáp” đến, “bám” ông ấy như đĩa, với hy vọng được làm vợ ông ấy để thoát khỏi “thiên đường” csVN! Không biết bao nhiêu gia đình đại gia, ngày trước Cha, Chú, Bác, anh, em xẻ Trường Sơn đánh Mỹ “kíu” nước, bây giờ “tuồn” qua Mỹ, “đông như quân Nguyên”! (4)
 
Việt Nam đã “được thống nhất!” gần 50 năm, tại sao người Việt không ở lại trong nước để hưởng “thái bình” do csVN “dựng” lên? mà người Việt đành phải lìa xa Quê Mẹ để trở thành “bọn lai căng” và “lũ bội tình” – đúng như lời tiên đoán của Trịnh Công Sơn?
Câu hỏi này chỉ người Việt – không cộng sản – trong nước, mới có thể trả lời một cách thật lòng và chính xác!
ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com

(*) Ảnh trên internet.
(1)&(2) Bản tin cùng ngày/BBC.
(3) Thanh Trúc/RFA ngày 09/05/2015.
(4) Từ một bài báo trong nước. Sorry, tôi không nhớ tên tác giả/tên báo điện tử đó.


Trịnh Công Sơn không quan tâm đến chính trị?

Trịnh Cung

Đã 8 năm kể từ ngày mất của Trịnh Công Sơn, 01-4-2001. Đã có rất nhiều bài và sách viết về người nhạc sĩ tài hoa xuất chúng này. Tất cả đều chỉ nói về 2 mặt: tình yêu (con người, quê hương) và nghệ thuật ngôn từ trong ca khúc Trịnh Công Sơn, tuyệt nhiên không thấy ai đề cập đến vấn đề Trịnh Công Sơn có hay không tham vọng chính trị. Phải chăng như Hoàng Tá Thích, ông em rể của người nhạc sĩ “phản chiến” huyền thoại này đã minh định trong bài tựa cuốn sách Như Những Dòng Sông của mình nói về âm nhạc và tình người của ông anh rể Trịnh Công Sơn, do nhà Xuất Bản Văn Nghệ và Công Ty Văn Hoá Phương Nam ấn hành năm 2007: “…Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”? Hay như nhận định của một người bạn không chỉ rất thân mà còn là một “đồng chí” (trong ý nghĩa cùng một tâm thức về chiến tranh VN) của Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Bửu Chỉ (đã mất) đã viết: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” (Trích bài viết: “Về Trịnh Công Sơn và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh”, in trong Trịnh Công Sơn, Cuộc Đời, Âm Nhạc, Thơ, Hội Hoạ & Suy Tưởng do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005)?
Sự thực có đúng như câu khẳng định chắc nịch ở trên của ông Hoàng Tá Thích và hoạ sĩ quá cố Bửu Chỉ? Chắc chắn là sai 100% rồi nếu như Trịnh Công Sơn không là tác giả của 3 tập nhạc phản chiến (Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời), và cũng chưa từng tham gia vào Phong trào Đấu tranh Đô thị của Thanh niên Sinh viên Học sinh để chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà chính cuốn sách của Hoàng Tá Thích và bài viết của Bửu Chỉ vừa nhắc đến ở trên đã có nhiều tiết lộ. Mặt khác, trong bài viết “Có Nghe Ra Điều Gì” Trịnh Công Sơn gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973 có đoạn như sau: “…Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi…”. Và trong thư TCS gửi cho Ngô Kha – người bạn cùng chí hướng chính trị và cũng là người em rể, đồng thời là lãnh tụ của Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức này đã bị Công An Huế bắt (1972-1974) – chúng ta sẽ dễ nhận ra ý thức làm chính trị chống chế độ Sài Gòn của Trịnh Công Sơn. Nhất là trong đoạn Lê Khắc Cầm nói về mối quan hệ giữa TCS và tổ chức cơ sở thành uỷ Huế do Lê Khắc Cầm bí mật phụ trách trước 1975 như thế nào, thì không thể nói là TCS không có toan tính chính trị như nhận định của hoạ sĩ Bửu Chỉ .

Trước khi nêu thêm những dẫn cứ quan trọng hơn để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về thái độ chính trị của TCS thời chiến tranh VN, và cũng nhằm cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS, tác giả xin kể một kỷ niệm với Ngô Kha và vì sao Ngô Kha lấy tên cho lực lượng đấu tranh của mình là Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức.
Vào năm 1971, tôi có mời Ngô Kha tới dự bữa cơm đầy năm Vương Hương, con đầu lòng của tôi tại nhà ở Phú Nhuận. Sau tàn tiệc, tôi đưa Ngô Kha ra về. Chúng tôi đi bô từ ngã tư Phú Nhuận về hướng cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Tôi không ngờ lại bị Ngô Kha đưa vào thế kẹt. Lúc này, tôi đang là Trung Úy biệt phái dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, vừa bị Nha Mỹ Thuật Học Vụ trả về lại Bộ Quốc Phòng vì được Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ (Sau 1975 tôi mới biết ông Nguyễn Văn Quyện, kiến trúc sư, Giám đốc Nha Mỹ Thuật Học Vụ, người ký quyết định không cho tôi đi Mỹ và trả tôi lại quân đội theo đề nghị của hoạ sĩ Vĩnh Phối – Hiệu trưởng Trường CĐMT Huế, cả 2 đều là Việt cộng nằm vùng), và Ngô Kha đang là em rể của Trịnh Công Sơn, cũng mang cấp bậc thiếu uý Quân lực VNCH có tư tưởng phản chiến, nhưng tôi không biết gì về hoạt động ly khai của anh cho tới lúc này. Thật bất ngờ và căng thẳng, làm sao tôi có thể đi về phía bên kia chiến tuyến? Tôi không hề tham gia vào phong trào phản chiến, tôi chơi với Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường khi họ chưa là người chống lại chế độ Việt Nam Công Hoà. Ngay cả tại “túp lều cỏ” Tuyệt Tình Cốc ở Huế, nơi mà nhà văn Thế Uyên trong một bài viết của anh có tên “Cuộc Hành Trình Làm Người Việt Nam Qua Trịnh Công Sơn” đã tự bạch anh từng đến dự những cuộc họp bàn về đấu tranh chính trị do nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đứng ra tổ chức, tôi cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó và thậm chí không hề biết có những việc như thế. Đơn giản vì tôi rời Huế vào sống ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật năm 1962, mối quan hệ giữa tôi và họ chỉ là một tình bạn văn nghệ thuần tuý. Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:”Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân… thôi chúc bạn lên đường may mắn!”. Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm.

Về Nguyễn Đại Thức là ai mà Ngô Kha dùng đặt tên cho lực lượng đấu tranh của mình?
Theo Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đại Thức nguyên là một hạ sĩ quan quân lực VNCH ly khai đã bắn hụt tướng Huỳnh Văn Cao khi ông dùng trực thăng kiểm soát tình hình Phật giáo xuống đường ở Đà Nẵng và Huế, và đã bị lính Mỹ bắn hạ. Hành động và cái chết của Nguyễn Đại Thức đã đưa Ngô Kha đến sự chọn lựa Nguyễn Đại Thức là tên và biểu tượng cho nhóm quân nhân ly khai đấu tranh chống Mỹ Nguỵ do anh tổ chức. Sau đây là đoạn viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Căn Nhà Của Những Gã LangThang: “…Theo tin tức quân báo của Kha nhận từ đoạn Đà Nẵng, thì lực lượng thuỷ quân lục chiến của Kỳ sẽ chĩa mũi nhọn vào những người của phong trào mà họ cho là nguy hiểm, ngay từ lúc họ đặt chân đến Huế để tránh hậu hoạ. Ngô Kha cùng đi với chiến đoàn ly khai của anh sẽ kéo dài cuộc cầm cự trên đèo Hải Vân, để tạo điều kiện cho tôi thoát…”. Đối với cá nhân tôi, nhờ tiết lộ kinh khủng này của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những năm gần đây, tôi mới biết mình đã từng bị Ngô Kha dùng tình bạn để đưa vào cái gọi là Chiến đoàn ly khai Nguyễn Đại Thức mà không biết khi anh rủ tôi đi vào cứ như đã nói ở trên. May mà tôi đã từ chối.
Với bao nhiêu sự việc gắn kết với nhau, hoà quyện, ăn khớp, như thế mà chúng ta vẫn còn hoài nghi, vẫn biện bạch đây chỉ là một thứ tình cảm hồn nhiên hay hoa mỹ hơn, đấy là ý thức về thân phận dân tộc, tiếng nói đòi hoà bình đậm tính nhân bản cho quê hương của một người nghệ sĩ tài hoa như TCS, thì chi tiết sau đây đã được Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: “Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: “Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!”.
Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn!

Từ Chính Trị Phong Trào đến Chính Trị Cầm Quyền?
Vỡ mộng chính trị cầm quyền
Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1). Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng.
Thế nhưng, TCS và người em không có tên trong thành phần chính phủ Dương Văn Minh khi các hệ thống thông tin quốc gia công bố ngày 27-4-75 và cũng không có tên kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống trong vai đệ nhất Phó Thủ Tướng – người bạn chính trị không lộ diện của TCS từ trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968, một cố vấn chính trị, một công trình sư cho sự nghiệp chính trị của TCS, đã vận động cho TCS vào chính phủ này như là đại diện của phe Phật giáo. Và với kết quả này, nhà hoạt đầu chính trị trẻ tuổi Nguyễn Hữu Đống đã phải rời khỏi nhà TCS ngay sau đó, sau khi đã ăn ở trong nhà TCS nhiều tháng trước như một người em rể.
Sau này, trong thời Lý Quí Chung còn sống, tôi có hỏi về sự việc này. Với tư cách là một Bộ trưởng Thông Tin và người rất thân cận với tướng Dương Văn Minh, Lý Quí Chung đã xác nhận: không hề có một đề cử nào cho TCS và Nguyễn Hữu Đống vào chính phủ Dương Văn Minh cả. TCS và gia đình đã bị Nguyễn Hữu Đống lừa rồi! Và từ đó TCS đã coi Nguyễn Hữu Đống là kẻ ghê tởm.
Một chút về Nguyễn Hữu Đống
Nguyễn Hữu Đống tốt nghiệp thủ khoa Trường Kiến Trúc Sài Gòn khoảng năm 1964 nhưng không hành nghề kiến trúc sư, bắt đầu chơi thân công khai với Trịnh Công Sơn vào khoảng 1970. Tôi không được biết gì nhiều về nhân vật này ngoài việc chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên trong nhà TCS những tháng trước 4/1975 với tư cách em rể TCS, giữa lúc Sài Gòn liên tiếp nhận những thông tin về các tỉnh Tây Nguyên thất thủ, và cũng được biết từ TCS vào những ngày cuối của tháng 4/1975 là: chính quyền mới sẽ vẫn giữ nguyên chiếc ghế Đệ nhất Phó Thủ Tướng của chính phủ đầu hàng Dương Văn Minh (tức ghế của Nguyễn Hữu Đống). Sau đó, Nguyễn Hữu Đống đã vượt biên và định cư ở Pháp.
Thế nhưng, vào khoảng năm 1992, Nguyễn Hữu Đống về Sài Gòn và tìm thăm tôi. Tôi tiếp anh tại nhà và cùng ăn trưa. Thật ra, giữa tôi và Nguyễn Hữu Đống không đủ thân để anh tìm thăm, chẳng qua là chỗ để anh trút hết những gì TCS và gia đình không tiếp khi anh tìm đến thăm họ sau hằng chục năm ly gián từ ngày ấy. Trong những thổ lộ của Nguyễn Hữu Đống có 2 chi tiết đáng chú ý: Một là: Ý tưởng và mô hình kiến trúc Ngôi Đền Tình Yêu có hình quả trứng (lấy từ truyền thuyết Âu Cơ đẻ ra 100 trứng) để TCS chủ trì như một giáo đường là của Nguyễn Hữu Đống; Hai là: để Ngôi Đền Tình Yêu này mang đậm sắc thái TCS, Nguyễn Hữu Đống lập ý cho TCS viết Kinh Việt Nam. Dự án này tôi đã được TCS cho biết trước năm 1975 và sẽ xây dựng trên ngọn đồi của Bác sĩ Bùi Kiện Tín ở Thủ Đức, nằm đối diện với nghĩa trang quân đội Sài Gòn cũ. Xét về mặt tài năng kiến trúc và con người đầy tham vọng làm chính trị của Nguyễn Hữu Đống cũng như mối quan hệ mang tính chính trị giữa anh và TCS thì thông tin này đáng tin hơn là gần đây có nghe dư luận từ Phạm Văn Hạng là dự án này của Phạm Văn Hạng và TCS được ông Võ Văn Kiệt ủng hộ?

Bài Học Lớn Cho Người Làm Chính Trị Tự Phát Trong Xã Hội CSVN
Những Gáo Nước Lạnh Ngày “anh em ta về”
Tuy nhiên, sau sự thất bại ấy, TCS lại đứng lên vui mừng vì Sài Gòn của anh trong ngày 30-4-75 đã xuất hiện: “Cờ bay trăm ngọn cờ bay” và“anh em ta về mừng như bão cát quay cuồng…”. Từ sự kiện tại Đà Lạt mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn. Thậm chí khi anh được kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đưa đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để hát bài Nối Vòng Tay Lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS, tác giả của ca khúc có tính dự báo cho ngày huy hoàng này của quân Giải phóng và bi thảm cho phía VNCH, cũng bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: "Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”…
Bị bất ngờ với cú ra đòn khá tàn nhẫn này của người “anh em”, TCS thật sự choáng váng và sợ hãi, mọi niềm hân hoan trong anh về giấc mơ hoà bình cho đất nước của mình nay đã thành hiện thực bỗng chốc tan thành mây khói. Niềm vui tưng bừng reo ca “…Mặt đất bao la / anh em ta về / Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…” (Nối Vòng Tay Lớn) hôm ấy không thuộc về TCS, và thay vào đó là nỗi ám ảnh sắp bị thủ tiêu và phải làm thế nào chạy trốn khỏi “người anh em” càng sớm càng tốt.
Thật ra, tai nạn chính trị này đã có nguồn gốc từ quan điểm chính về tính hai mặt trong âm nhạc và con người TCS của Ban Văn Hoá Tư Tưởng-Trung Ương Cục Miền Nam do Ông Trần Bạch Đằng phụ trách. Chính nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã kể lại rằng đã có một cuộc họp kiểm điểm TCS trong Cứ trước 1975 với thành phần tham dự gồm có hầu hết các văn nghệ sĩ thoát ly theo MTGPMN như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… dưới sự chủ trì của ông Trần Bạch Đằng.

Và Cuộc Chạy Trốn Khỏi Sài Gòn
Sự sợ hãi càng tăng cao khi TCS nhận được tin mình sẽ bị thanh toán. Chỉ vài ngày sau, TCS đã âm thầm cùng mẹ rời khỏi Sài Gòn bằng xe đò, trực chỉ ra Huế, nơi anh cũng đang có những "người anh em” thân thiết cũ vừa chiến thắng trở về như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Ngọc San,… hy vọng chắc được yên thân.
Trở lại sống trong căn hộ cũ 11 Nguyễn Trường Tộ – Huế, TCS quây quần với bạn bè cũ và mới không được bao lâu thì cả thành phố Huế lên cơn sốt đả đảo TCS và Phạm Duy. Các biểu ngữ được giăng ở các trường đại học và TCS phải lên Đài truyền hình Huế đọc bài tự kiểm điểm. Sự cố lần này cũng lại do một nhạc sĩ tổ chức, nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Trị Thiên. Thế là TCS đã tránh được vỏ dưa SG nay lại găp vỏ dừa Huế! Sự bé cái lầm lần này, có lẽ do TCS đã kỳ vọng ở bạn mình quá nhiều nhưng thực tế vai trò trong lực lượng tiếp quản Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân rất khiêm tốn, chính họ cũng đang phải cố gắng phấn đấu để được kết nạp vào đảng thì làm sao bao che cho tác giả của 2 ca khúc từng bị người CSVN kết án (Ca khúc Gia Tài Của Mẹ với câu: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã xúc phạm đến đại cuộc chống Mỹ cứu nước của người CSVN và ca khúc Cho Một Người Nằm Xuống để thương tiếc Lưu Kim Cương – đại tá không lực VNCH chết bởi đạn của quân GPMN – người bạn một thời đã từng dùng máy bay không quân đưa TCS lên Đà Lạt thăm Khánh Ly hoặc ngược lại, đón Khánh Ly về hát với TCS) tại Sài Gòn?
Lần này ở Huế, tính tẩy chay TCS nghiêm trọng và công khai hơn hẳn vụ ở Đài Phát Thanh SG vừa qua. Tình bạn cũ trong trái tim TCS sụp đổ đã đành mà giấc mơ “Khi đất nước tôi thanh bình/Tôi sẽ đi thăm…” tưởng dễ thực hiện của anh cũng bị dập tắt. Những tháng ngày tiếp theo ở Huế, TCS sống như một con tin trong Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường xuyên được tổ chức bố trí đi lao động thực tế trên những cánh đồng vào mùa khô cũng như mùa lụt, không hơn gì một người phải chịu cải tạo.

Cuộc Chạy Trốn Lần Thứ 2
Tuy nhiên, đang kẹt trong cái thế “tiến thoái lưỡng nan” này ở tại chính quê nhà, nơi mình từng tham gia hoạt động đấu tranh chống Diệm rồi chống Mỹ-Thiệu trong Phong Trào Đô Thị Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ng K, Nguyễn Đắc Xuân,… cũng không xong mà về lại Sài Gòn thì càng nguy hiểm thì một vị cứu tinh kịp xuất hiện, ông Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo công sản cao cấp tiếp quản Sài Gòn lúc bấy giờ. Một cuộc vượt biên nội địa đưa TCS vào lại Sài Gòn sau khoảng 1 năm anh phải “đi thực tế” tại các vùng quê tỉnh Bình Trị Thiên được bí mật tổ chức do ông Kiệt uỷ thác cho nhà văn cộng sản Nguyễn Quang Sáng thực hiện thành công. Từ đây, dưới sự ưu ái của ông Kiệt và nhà văn Nguyễn Quang Sáng được uỷ nhiệm của thượng cấp chăm sóc TCS, cái hạn bị hăm doạ hay trù dập với người nhạc sĩ lãng mạn cách mạng này đã kết thúc.

Qua những “sự cố” như thế, có thể thấy TCS đã mắc những sai lầm với người CS như sau:
– Thiếu minh bạch trong suy nghĩ về chiến tranh VN và tính hai mặt trong quan hệ xã hội.
– Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó.
– Không dám thoát ly đi theo MTGPMN.
Và những sai lầm của TCS với phía VNCH:
– Kêu gọi phản chiến nhưng chỉ nhằm vào phía VNCH.
– Thiên về phía người CSVN ngay cả sau khi bị họ giết hụt trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế.
– Chống lại phía đã tạo cho mình điều kiện học hành và tự do sáng tác, kể cả tự do tư tưởng dù có bị chế độ SG hạn chế và kiểm duyệt, nhưng không quyết liệt tiêu diệt như đã được thổi phồng (dùng giấy của Hoàng Đức Nhã cấp để đi đường do Phùng Thị Hạnh trung gian, nhiều sĩ quan VNCH che dấu,…) để có một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tồn tại lừng lẫy như thế cho đến ngày 30-4-75. Dù ý thức chính trị ra sao, Trịnh Công Sơn vẫn là sản phẩm của chế độ VNCH đúng như Đặng Tiến đã nhận định trong một bài viết ở đâu đó mà tôi không còn nhớ tên.

Bước Ngoặt “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui”
Sa Lầy vào Rượu và Xu Nịnh
Cuối tháng 5-1978, tôi ra khỏi trại cải tạo, gặp lại TCS. Lần nào đến nhà anh ở 47c Phạm Ngọc Thạch-Sài Gòn, sáng hay chiều, cũng thấy TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga (sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas) với Nguyễn Quang Sáng và một số bạn “mới”. Tôi cảm thấy có một điều gì đó không ổn, hình như tôi, một thằng sĩ quan Nguỵ đi tù về, không còn được TCS và gia đình coi là người thân như ngày xưa. Thái độ khó chịu của tôi mỗi lần ngồi trước mặt những người bạn “mới” này của Sơn đã khiến tôi bị TCS và gia đình tẩy chay ngầm.
Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết. Sau này, hoạ sĩ Tôn Thất Văn (đã chết) đã kể lại cho tôi rằng có những cuộc họp ở Huế vào những năm 60-70, TCS và những người mà tôi đã coi là bạn thân tình đã đem tôi ra để phê phán, tẩy chay vì tôi đã không trốn lính và đứng về phía Quốc Gia. Rất tiếc, trong số này lại có cả Đinh Cường, người đã từng học cùng trường mỹ thuật, ở cùng nhà, và do tôi giới thiệu làm quen với TCS, do tôi kết nối với anh bạn Thọ giàu có ở Đà Lạt để có những tháng ngày cùng TCS rong chơi thơ mộng khi lưu lại căn phòng anh Thọ đã thuê cho tôi tại biệt thự số 9 đường Hoa Hồng hay ở trong căn nhà sàn gỗ thơ mộng bên một dòng suối róc rách trong một hóc núi của thị trấn Đơn Dương từ trước khi tôi rời Đà Lạt về Sài Gòn năm 1964 theo giấy gọi vào quân trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức khoá 19. Và cả những tháng ngày nhàn nhã làm sinh viên sĩ quan tại đây vào năm 66 hay 67, lúc này tôi là sĩ quan huấn luyện CTCT và phụ trách một phần nguyệt san “Bộ Binh”. Sau ngày 30-4-75, với cấp bậc Trung uý ngành Công binh VNCH, Đinh Cường trở lại Trường Mỹ Thuật Huế và được miễn đi học tập cải tạo nhờ vào việc đã tham gia các hoạt động đấu tranh chống VNCH của nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, TCS,.., nhiều năm trước.
Có một kỷ niệm đặc biệt với Đinh Cường mà tôi cũng muốn nói ra luôn sau bao nhiêu năm cố giữ chặt trong lòng, để lòng mình thôi nặng trĩu và cũng minh chứng cho một tình bạn không hề có thật mà anh ấy đã dành cho tôi, mà tôi đã hằng chục năm cố nghĩ khác đi, cố không tin. Sự việc xảy ra như thế này: Ngày 1-5-75, 8g sáng tôi đến nhà Đinh Cường ở đường Nguyễn Đình Chiểu cũ, gần chợ Tân Định để xem tình hình như thế nào. Như thường lệ tôi vẫn đến đây dễ dàng như người trong nhà nên rất tự nhiên bước lên cầu thang dẫn lên căn gác của bạn mình. Thế nhưng chị TN, vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi. Tôi không tin và nói lớn là có hẹn trước, lúc đó Đinh Cường mới nói vọng xuống để tôi lên. Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”. Lập tức tôi đứng lên và từ chối: “Không, hãy để tôi chịu trách nhiệm với họ, và Thành Phần Thứ 3, Thứ 4 gì họ cũng dẹp sạch thôi!”…
Với TCS, gia đình cùng các “đồng chí” rượu của anh, tôi lúc này là một kẻ xa lạ, một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu, một con kỳ đà làm cho cuộc vui hoan lạc của họ không được hoàn hảo, tôi nên biến đi. Nhưng tôi lại là một gã ngoan cố, tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh. Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên tôi cố chiụ đựng sự khó chịu của họ và vẫn không tìm cách lấy lại chỗ đứng thân thiết vốn có với TCS thủa còn trai trẻ ở Huế bằng rượu chè, quà cáp đắt tiền và những tán tụng nuông chìu. Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, đó là chỗ mà TCS, trong thâm sâu của tâm hồn anh, không thể loại bỏ tôi cho dù có khác nhau về quan điểm chính trị và cách sống. Đó cũng là điều mà TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ.

Điều Đáng Tiếc
Trong thời buổi sống như một kẻ bên lề của một Sài Gòn đã bị đổi tên và những người bạn thân một thời hồn nhiên như thế nay cũng đã cúi mình, ngoan ngoãn làm những con rối của chế độ mới, quay lưng lại với thân phận khốn đốn của đồng loại, tự huỷ tri thức, lương tâm, thứ một thời nhờ nó đã làm nên những ca khúc tranh đấu cho thân phận và tự do con người, nay chọn cho mình con đường sa lầy vào rượu, thuốc và phụ nữ, tôi thấy mình thật sự cô độc và bất lực trước sự sụp đổ từng ngày của một người bạn tài hoa nhất mà tôi từng yêu quí. Nhiều khi tôi muốn nói với bạn mình: “Tại sao cậu lại sa đà vào những cuộc chơi phù phiếm? Tại sao cậu không viết những ca khúc cho thân phận VN 2 đang bị một thứ xiềng xích vô hình nhưng vĩnh cửu, vì nó được khoá bởi chính người VN chứ không phải ngoại bang? Hay ít ra thì cậu nên sống yên lặng như một cái bóng, một hòn đá tảng vì cái giấc mơ hoà bình, thống nhất quê hương của cậu dù không phải nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ hoàn toàn nền Cộng Hoà trẻ tuổi MNVN, nhưng về mặt tâm lý cũng đã ít nhiều làm lợi cho phía bên kia, vô tình đồng loã với kẻ đã gây ra cái bi kịch thảm khốc cho hằng triệu người Việt từng ái mộ, tôn thờ cậu nay phải bỏ nước ra đi bằng giá của cái chết không được chôn cất, bằng sự tật nguyền tinh thần, nếu may mắn đến được bờ tự do thì bạn cũng đáng được cảm thông… Vì tôi biết chắc chắn một điều là tất cả những trí thức thiên tả VN như cậu cũng đều không chờ đợi một kết cuộc cho đất nước theo cách như đang diễn ra…”. Nhưng có lẽ trực giác của tôi đã mách bảo rằng điều ấy nằm ngoài khả năng của TCS, cứ để cuộc sống của anh phụ thuộc vào bản năng, đã tiêu vong rồi một TCS mạnh mẽ dấn thân, mạnh mẽ ca hát cho hoà bình đất nước, cho dân tộc ấm no, bình đẳng, tự do và hạnh phúc như ngày nào. Thời cuộc làm ra TCS đấy thôi, anh không phải là người làm ra thời cuộc, nên tôi đã nghẹn họng.

Ảo Tưởng Cuối Cùng
Dần dà rồi TCS cũng tìm lại cho mình một phần phong độ sáng tác nhờ hấp thụ những ngọn lửa nhỏ từ những nhan sắc phụ nữ và sự trân trọng (theo chủ trương) của những nhạc sĩ thuộc Hội Âm Nhạc TP HCM như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… và một nhóm nhạc do họ tổ chức có tên “Những Người Bạn” ra đời khoảng thập niên 90, và TCS được coi là đầu đàn. Anh trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc thu hút sự chú ý của công chúng mỗi khi anh có mặt trong các show diễn của nhóm. TCS cũng là một tiếng nói có trọng lượng nhất đối với nhiều tên tuổi hàng đầu của nhạc cách mạng VN như Văn Cao, Trọng Bằng, Hồng Đăng,… trừ ông nhạc sĩ Bộ Trưởng Bộ VH&TT Trần Hoàn (đã nghĩ hưu), người từng mở chiến dịch đả đảo anh một thời ở Huế, là vẫn tiếp tục nhìn TCS như một kẻ xấu.
Dù gì thì thế đứng chính trị của TCS cũng đã được tốt hơn trước rất nhiều, có phải vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ mình là người đến lúc nên đứng vào hàng ngũ của đảng?
Sơn đem ý định này nói với tôi, tôi liền can:“Không nên Sơn ơi, cậu đang là một nhân vật âm nhạc lớn, người ta nể trọng vì ảnh hưởng của cậu đối với công chúng rất lớn cũng như quốc tế. Nay cậu trở thành đảng viên mới tò te còn ai coi trọng nữa. Nếu ông Hoàng Hiệp chống lai là may cho cậu lắm đó!”. Tôi đã nói với TCS như thế và TCS im lặng. Tuy nhiên không phải nhờ sự phân tích ấy mà TCS không trở thành đảng viên Đảng CSVN, mà bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm Nhạc TP HCM và cũng là cán bộ có trách nhiệm quản lý TCS. Trong một lần bất bình vời Hoàng Hiệp về việc bị kiểm điểm, TCS đã chửi thẳng vào mặt Hoàng Hiệp ngay tại trụ sở Hội Âm Nhạc TP HCM:”Mày là thằng mặt lồn!”.
Đã không những không được vào đảng, TCS còn được cho về hưu để vĩnh viễn kết thúc giấc mơ – ảo tưởng cuối cùng của anh.

Cái Chết – Vinh Quang Đích Thực
Nếu con đường chính trị đối với TCS là một con đường dẫn anh xuống vực thẳm thì cái chết là một kết thúc hoàn hảo. Hay nói một cách khác, nó đã giải cứu và trả lại vinh quang đích thực cho anh – vinh quang dành cho di sản ca khúc TCS.
Không chỉ niềm vinh quang này bừng sáng huy hoàng bởi hàng chục ngàn người yêu âm nhạc của anh ở trong nước tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, mà người Việt trên khắp thế giới cũng nhỏ lệ tiếc thương, nhất là người Việt ở Mỹ, nơi mà Trịnh Công Sơn lúc sinh tiền không dám đặt chân đến dù không ít lời mời. Một lễ tưởng niệm long trọng được tổ chức tại Hội trường báo Người Việt với sự tham dự đông đảo của nhiều giới khác nhau trong cộng đồng ở cả Nam và Bắc California ngay trong đêm 1-4-2001, điều mà trước đó không ai dám nói công khai về tình cảm của mình với TCS ở chỗ đông người tại Mỹ.

Lời Kết
Sau 8 năm Trịnh Công Sơn ra đi, mọi cảm xúc thương tiếc sau cái chết của anh trong mỗi chúng ta cũng đã phần nào chìm lắng, hôm nay, tôi quyết định và chọn lựa thời điểm này để viết về một góc khác, một phương diện khác của Trịnh Công Sơn mà chưa ai viết hoặc viết một cách có hệ thống.
Bài viết này chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ vốn có của tôi, vì một số những nhân vật được đề cập nay đang còn hiện diện trong cuộc đời. Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.
Đó là về phần cá nhân tôi, còn đối với TCS, bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật. Nó có thể sẽ làm tan đi hình ảnh một TCS được tô vẽ bởi những huyền thoại và ảo ảnh lấp lánh trong lòng ai đó, nhưng sẽ trả lại một TCS thiên tài đích thực của âm nhạc như nó vốn có, để mọi người nếu đến với nhạc Sơn thì sẽ có được cơ may yêu mến trọn vẹn một con người có thực, chứ không phải một thứ tượng đài được nhào nặn, tô vẽ và dựng lên vì một mục đích riêng. Đã đến lúc sự thật đó cần được trả lại cho những người Việt đã, đang và sẽ mãi còn coi nhạc Trịnh là lẽ sống của mình, mang nó theo mình như một thứ tài sản vô giá dù đi đến bất kỳ đâu, dù ở chiến tuyến nào.
Tất nhiên, những lập luận và lời kể trong bài viết này dựa vào những gì tôi đã trải qua, những tư liệu riêng và những tư liệu của những người bạn cũ của TCS mà họ đã công khai phổ biến trên các phương tiện truyền thông, và vì thế chắc chắn còn thiếu sót tất yếu, vì tôi biết còn nhiều sự thật đang được cất dấu bởi những người có quan hệ cận kề với TCS trong từng giai đoạn của lịch sử VN từ 1954 đến hôm trước khi TCS qua đời mà họ vì những lý do nào đó chưa tiện nói ra. Tôi xin cám ơn những ai sẽ đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết này được hoàn hảo hơn, kể cả những phản biện.
Sau cùng, mỗi con người Việt Nam đã trải qua và sống sót sau cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua đều giữ trong mình những sự thật riêng, một gốc nhân chứng riêng, xin quí vị hãy trả lại nó cho lịch sử, nếu được như thế thì tấm gương lịch sử VN mới trong sáng được. Cũng vì điều này, cho tôi xin lỗi những gì mà bài viết có làm tổn thương đến một ai đó cũng là vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Sài Gòn 29/3/2009
TRỊNH CUNG
Thư Trịnh Công Sơn gửi NGô Kha https://www.tcs-home.org/writings/ThuGuiNgoKha/
Đoạn trao đổi ý kiến giữa Nguyễn Đắc Xuân và Lê Khắc Cầm (Cán bộ Thành Uỷ Huế, người chịu trách nhiệm quản lý Trịnh Công Sơn trước năm 1975) https://www.bbc.com/.../130402_trinhcongson_life_and_views



Trịnh Công Sơn, một bạn học, một tên vixi nằm vùng, một đứa phản bội Quốc gia

người lính già oregon

Bài viết sau đây chỉ là những dòng chia sẻ thêm với quý độc giả về một người quá nổi tiếng từ trước và sau năm 1975, không phải là một bài nghiên cứu, đính kèm tài liệu hẳn hoi. Dĩ nhiên tôi có nhiều tài liệu, sách vở, bài viết về TCS, và cũng tính viết một bài lớn, nhưng nghĩ lại, có cả hàng trăm người đã, đang, và sẽ viết về đương sự, nếu viết thêm, phải chăng đó cũng là thừa thãi? Nhất là khi thấy trên băng video một cô ca sĩ về già, mùa chay nào cũng có nước mắt, chuyên hát cho và sống nhờ vào người Việt quốc gia chống VC, mà mỗi lần lên sân khấu có dịp nhắc về thần tượng, hay godfather, TCS, một tên phản chiến thân VC hạng nặng, là sụt sùi, khóc kể như khóc cha mới chết, rồi còn được hai MC cò mồi và đám khán giả ham vui hùa theo vỗ tay rào rào, tôi chán ngấy. Bèn bỏ hết tài liệu vào nhà kho, không ngó ngàng đến nữa, để khỏi bị xem là cùng một lứa với “nhi nữ thường tình” hay hạng người a dua, theo đóm ăn tàn, thấy sang bắt quàng làm họ.
Nhưng hôm nay thì khác, vì trong một một buổi trà dư tửu hậu mới đây, bạn bè lại đưa đề tài TCS ra. Một vấn đề gây tranh cãi nhẹ nhàng, không phải lập trường thân VC, quá rõ ràng, của đương sự, là ‟TCS học trường nào?” Qua các sách vở, tài liệu, chỉ có vài tác giả viết là TCS “học Triết tại trường Chasseloup Laubat”, còn ngoài ra tất cả cho TCS học tại Huế, Ban Mê Thuột v.v... hoặc lờ đi. Một tác giả, Nguyễn Thanh Ty, một bạn học tại trường Sư Phạm Qui Nhơn và đồng nghiệp tại trường Blao của TCS, trong quyển hồi ký mà tôi cho hấp dẫn, có giá trị nhất, cũng không nói rõ TCS học trung học ở đâu.

1. Niên khóa 1959-60, tôi học lớp Terminale (Tú Tài 2) ở trường Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn. Lúc ấy, trường này không còn mang tên Chasseloup Laubat nữa (tên này có từ thời thái tử Sihanouk Cao Miên còn theo học, học nửa chừng sắp thi Bac I thì cha chết, ông được Pháp đưa về nước lên ngôi vua, phế bỏ Sirik Matak, là hoàng tử thuộc dòng "chính thống", vì thế Sirik Matak rất hận Sihanouk, và khi Lon Nol đảo chánh Sihanouk, đầu thập niên 70, Sirik Matak theo ngay).
Lớp học là một phòng riêng biệt nằm ở góc đường Công Lý và Hồng Thập Tự, sau lưng dinh Độc Lập. Trong lớp Terminale, ban Philosophie, có một số học sinh cũ từ dưới lên, có một số ở các trường ngoài vào, hoặc qua “học nhờ”, như các nữ sinh Marie Curie. Danh ca Kim Tước, mà tôi rất mê tiếng hát, là nữ sinh Marie Curie, cũng “học nhờ” Philo tại Jean-Jacques Rousseau, nhưng trên chúng tôi một, hai năm, tôi không nhớ rõ, vì chị lớn hơn tôi một, hai tuổi gì đó, nhưng hồi ấy, không quen nhau, thấy chị, chỉ đứng xa mà nhìn, kính nhi viễn chi (mãi sau này, vào đầu thập niên 70, khi chị trở thành phu nhân của Đại tá Nguyễn Trọng Hiệp, chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân, và tôi phục vụ Đại Đội 204 CTCT trú đóng tại Bình Tân, Nha Trang, mới có dịp gặp chị một lần, trong lễ mãn khóa của Trung tâm, nói chuyện xã giao, không thân tình lắm).
Lớp Philo của tôi năm đó có sáu cô từ Marie Curie vào chiếm hẳn ba bàn học, mỗi bàn ngồi hai cô nàng, xếp liền nhau. Trong sáu cô nàng đó bây giờ tôi còn nhớ ba, là Nguyễn Thiếu Nga, nhí nhảnh, dễ thương, sau đi Mỹ học (và mới đây, tôi vừa liên lạc và nói chuyện với), Caroline (mà tôi không nhớ tên Việt), vui tính, lúc nào gặp nhau cũng cười, và bọn con trai cứ gọi đùa là Caroline chérie, theo tựa đề một quyển sách Pháp, và Nhung (quên họ), hiền thục, ít nói, luôn mặc áo dài xanh hoặc trắng đi học.

2. Trịnh Công Sơn là học sinh từ ngoài vào Jean-Jacques Rousseau học Philo, tôi chẳng rõ từ đâu tới mà cũng chẳng bao giờ hỏi. Lần đầu, các học sinh chọn chỗ ngồi, đâu vào đó rồi, không ai được thay đổi nữa, vì các thầy cô muốn như vậy để dễ bề nhận diện, từ lúc khai giảng cho đến hết năm học. Sơn và tôi đeo kính cận, gọng đồi mồi lớn, mặt mày, râu ria, và dáng dấp cao gầy khá giống nhau, nên các thầy cô, nhất là Monsieur Pezeu, thầy Sử-Địa (Histoire-Géo) ‒một giáo sư vào tuổi sồn sồn và vẻ ngoài chịu chơi như một playboy thứ thiệt (lúc giảng bài cứ hay đưa mắt dòm dòm về phía bàn các cô mà cười cười), thường lẫn lộn giữa hai thằng tôi. Nhiều lần Pezeu gọi lên khảo bài, tên thì gọi đúng của tôi, nhưng ông hất hàm, đưa mắt nhìn Sơn, hoặc ngược lại, gọi Sơn mà cứ đăm đăm ngó tôi, khiến hai thằng chột dạ, bối rối, nhìn nhau, tự hỏi không biết đứa nào sẽ phải “hy sanh”, và có khi tôi, có khi Sơn, nếu hôm đó đứa nào thuộc bài, tự nguyện lên bục đứng trả lời thay cho đứa khác. Rủi là hai thằng đều kém Sử Địa một cách tệ hại giống nhau, nên điểm đứa nào cũng dưới trung bình. Tôi nhớ một lần, lên “hy sanh” cho tôi, bị hỏi một câu về Géo (Địa) khó quá, Sơn đứng như trời trồng, nhìn Pezeu cười trừ, vẻ rất ngây thơ vô tội, làm tôi sốt cả ruột gan, và bị ông thầy phết cho con 03 (trên 20), nhưng khổ một nỗi đó là điểm mang tên... tôi. Biết thế, nhưng chả đứa nào cải chính, vì cả hai đều dốt và ghét Sử-Địa ngang nhau. Đó có lẽ là kỷ niệm duy nhất tôi có về Sơn.
Trong lớp Philo năm đó, có khoảng 40 tên. Ngoài Trịnh Công Sơn, tôi còn nhớ Nguyễn Văn Hòa, con của một giáo sư trung học (thầy Kính?) tắm biển chết ở Vũng Tàu. Hòa trẻ nhất, nhỏ con nhất, nhưng học giỏi nhất lớp, nhất là môn Philo, thường đến nói chuyện, hỏi thăm tôi một cách rất tử tế. Nghe nói Hòa bây giờ là linh mục tại Pháp. Có Vương Quang Sơn, con của Bác sĩ Vương Quang Trường, cháu của Luật sư Vương Quang Nhường, thủ lãnh Luật sư đoàn, gia đình vọng tộc nổi tiếng vào thời ấy; Sơn Vương này cũng đeo kính cận, không biết nói tiếng Việt. Có Lê Hoàng n*, bạn khá thân, thuộc nhóm Hướng đạo Éclaireurs de France. Có Trương Cam Hiển, không biết có liên hệ gì với các cụ Trương Cam Vĩnh, Trương Cam Khải hiện ở Mỹ không. Có ba anh Tây con, mà tôi chỉ còn nhớ hai: Claude Desboeufs (Desboeufs có nghĩa “của những con bò”, đúng ra phải đọc là Đề-Bơ, khi boeuf (bớp) ở số nhiều, nhưng chúng tôi muốn chọc anh ta nên gọi là thằng Đề Bớp, làm anh ta bực lắm, và Alain Bui (đọc là Bu-y, chứ không phải Bùi), Tây chính cống, đẹp trai, dễ thương, luôn đeo kính dâm, chơi thân. Về sau, Alain cặp bồ, và nghe nói kết hôn, với Josette Hermel, cô bạn cùng lớp Propédeutique và Latin của tôi tại Văn Khoa Pháp Sài Gòn. Những người bạn học này, tôi không biết tin tức gì từ ngày rời trường, năm 1960, tức đã đúng 61 năm rồi.
Có ba người tôi biết tin chính xác và gặp mặt lại. Đó là:
a) Hoàng Văn Kim, rất đẹp trai, trắng trẻo, người Bắc. Năm 1963, tôi tốt nghiệp Văn Khoa, được Tòa Đại Sứ Pháp mướn, về dạy tại Collège FranÇais de Nha Trang, thì một buổi tối, đang chờ mua vé trước cửa rạp xi-nê Tân Tân, bất ngờ gặp Kim cũng bước vô, trong bộ quân phục SVSQ của Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân. Hai đứa mừng rỡ, hỏi thăm nhau. Vào đầu năm 1965, lúc tôi ra trường Thủ Đức, phục vụ một đơn vị ở Ban Mê Thuột, Kim trở thành phi công lái khu trục A37 và năm nào đó, Kim lái biểu diễn nhân dịp tướng Nguyễn Cao Kỳ chủ tọa một buổi lễ lớn tại Thủ Đức. Theo báo chí kể, máy bay của Kim đâm xuống đất sâu mấy thước. Khi TCS viết bản nhạc “Cho một người nằm xuống” (Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây...), tôi cứ tưởng anh ta làm để tưởng niệm Kim, một bạn học cũ. Nhưng nghĩ lại Sơn không chơi thân với Kim hay bất cứ ai trong lớp, kể cả tôi, bèn thắc mắc không biết đối tượng là ai, cho đến sau này, qua cô ca sĩ “mùa chay nào cũng có nước mắt” mách trên sân khấu mới rõ đó là ông cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương, người đã chứa chấp cho Sơn trốn quân dịch và Sơn khóc để trả ơn.
Nhân đây, tôi cũng xin mở ngoặc lớn nói thêm về bài hát trên. Đó là một trong những bài phản chiến nặng nhất của TCS ngang ngửa với bài “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy, có hậu quả, hoặc mục đích, làm nhụt chí chiến đấu của các chiến sĩ QLVNCH. Không ai muốn chiến tranh, và phản chiến, per se, tự nó không có gì xấu. Nhưng trường hợp TCS, cái nghịch lý làm khó chịu nằm ở chỗ anh ta, cũng như các tay phản chiến quốc tế, mà tôi xin phép được gọi một cách bình dân là “cà chớn”, hoặc nặng nề hơn, là “xuẩn động”, như Bob Dylan, Jane Fonda, John Kerry, Jean-Paul Sartre, Bertrand Russell v.v… chỉ biết to mồm kết án Miền Nam mà quên, hoặc không dám động gì đến lông chân của, bọn lãnh đạo Cộng sản Miền Bắc, thậm chí còn ca ngợi chúng nó –thực ra mới là lũ gây chiến, hiếu chiến, đã xua hàng trăm ngàn quân, thôn tính Miền Nam, muốn nhuộm đó cả nước Việt Nam (điều chúng thực sự đã làm từ khi cưỡng chiếm đất nước ta, tháng 4, 1975), trong khi quân dân VNCH không đưa quân ra Bắc, mặc dù dư sức làm điều ấy, mà chỉ chu toàn nhiệm vụ tự bảo vệ. Kêu gọi chấm dứt chiến tranh một chiều như thế là tiếp tay cho VC trong mưu đồ bắt Miền Nam đầu hàng mà thôi. Nếu thực sự yêu hòa bình chân chính, tại sao TCS hay Phạm Duy không làm bài hát nào thương khóc cho đồng bào ở Huế bị VC chôn sống vào Tết Mậu Thân hay các em nhỏ trường Cai Lậy bị VC pháo kích chết đầu năm 1973, nghĩa là lên án bọn đao phủ VC? Có không? Rồi, không hiểu sao, Trung tâm băng nhạc Asia, nổi tiếng hay tự phong là chống Cộng, mới đây, trong băng vinh danh người lính VNCH, lại cho phổ biến bài hát “cực kỳ” phản chiến này của TCS? Cẩu thả, dốt nát, hay chạy theo nhu cầu thị trường phải thỏa mãn tất cả khách hàng, thượng vàng hạ cám? Dĩ nhiên, ai thích nhạc TCS thì cứ việc mở máy thưởng thức một mình ở nhà, không ai thắc mắc, nhưng bắt người khác phải cùng nghe theo mình, đó là áp chế.
b) Phan Quang Tuệ, con của Phó Thủ tướng Phan Quang Đán, hiện là cựu thẩm phán Di trú tại San Francisco. Tuệ lúc còn ở trường chơi với tôi, tính tình dễ thương, thường nói chuyện qua lại. Giọng nói của Tuệ hình như là Nghệ An, Hà Tĩnh lai Huế. Mấy năm trước, chị ký giả Kiều Mỹ Duyên cho tôi số điện thoại làm việc, hay cell, của Tuệ, tôi gọi mấy lần không được*.
c) Trần Quý Phong, con nhà giàu, chủ khách sạn Catinat và Đêm Màu Hồng, sau này trở thành dân biểu VNCH. Từ lâu tôi nghe tin ai nói, và đinh ninh, rằng Phong đã chết trong trại tù cải tạo. Nhưng cách đây mấy tháng thôi, tôi đọc trên một bài báo tường thuật một lễ kỷ niệm gì đó ở vùng DC hay Virginia, có nhắc rõ ràng tên “ông cựu dân biểu Trần Quý Phong” tham dự. Tôi dụi mắt, đọc lại cho kỹ. Té ra anh ta còn sống, mừng lắm, và tự hỏi vô lẽ trước đây có hai ông dân biểu Trần Quý Phong? Dĩ nhiên, tôi không biết gì thêm nữa qua bài báo tình cờ được đọc ấy. Lúc còn học, Phong đôi khi quên làm bài Triết ở nhà. Trước giờ nộp bài, Phong rủ tôi ra gánh kem, hay kem gánh, trên lề đường Hồng Thập Tự, trước cổng trường, đãi tôi một ly, rồi mượn bài của tôi, chép lại tại chỗ. Tôi dễ dãi, vì còn kẹt ly kem, nhưng cũng thòng một câu: “Nhớ đừng chép nguyên văn nghe không cha nội.” Cũng may thầy Lê Văn Hai, giáo sư Philo, có lẽ không đọc bài, nói chi sửa bài, mà cứ nhắm mắt cho điểm, không ghi một lời phê dù nhỏ nào, đứa nào cũng vừa đủ trung bình (trừ bài của Nguyễn Văn Hòa luôn luôn trên 16), cho nên bài của tôi và của Phong gần như sao y bản chánh, mà tôi (khổ chủ, tác giả) được 10, Phong (chép viên) lại được 12*.
d) Dương Sơn Trường, trong lớp, ngồi bên và chơi thân với Nguyễn Trung Tâm. Trường hiện ở Hawaii. Gặp lại (thực ra, chỉ biết tin) nhờ Hội Ái Hữu cựu học sinh JJR. Sau đó liên lạc trực tiếp, vài lần, qua email*.

3. Thầy Lê Văn Hai là agrégé Triết (không phải văn bằng thạc sĩ, mà chỉ là tước vị dành cho những giáo sư Trung học tốt nghiệp Trường Sư phạm, tức École Normale, của Pháp), như Sartre. Ông người gầy thấp, giảng (hay đúng hơn, đọc) bài bằng tiếng Pháp, dĩ nhiên, miệng chúm lại, như bị hô, những tử âm gió (consonnes sifflantes, s, z, ch, v.v...) bay ra vù vù (giống như TNS McCain nói tiếng Anh). Khi đọc, ông bỏ kiếng trắng, nhưng thỉnh thoảng nghe đứa nào nói chuyện to quá, ông nổi nóng, vội chụp kiếng đeo lên, nhìn chòng chọc thủ phạm, mắng mỏ một hồi, rồi cúi xuống đọc tiếp. Không bao giờ thấy ông cười hay nói chuyện với học trò. Xong lớp, ông biến đâu mất.
Còn thầy Physique-Chimie (Lý Hóa) là một ông già béo phệ, Monsieur Breton, quanh năm suốt tháng chỉ đóng một bộ complet xanh nhạt, dính đầy bụi phấn, hình như không bao giờ giặt. Dạy Lý-Hóa mà mới bước vào lớp ông đã thao thao bất tuyệt ngay, nói không người lái, như đọc thuộc lòng, hồn ai nấy giữ, chả đứa nào “nắm” (hiểu) được cái gì. Ông hiền lắm, nên học sinh phá. Có đứa khi thực tập thí nghiệm hóa học, vô tình, hay cố ý, pha trộn hóa chất bậy bạ, ống thủy tinh nổ, làm cả lớp giật mình, lúc ấy ông mới lớn tiếng thôi, và gọi ông Tây Tổng giám thị, đeo kính trắng, trông rất hắc ám, gốc Corse, tên khó nhớ, học trò bèn đặt nickname là Bù Lệt, vào chửi giùm và cho hình phạt.
Cô giáo dạy Khoa Học (Sciences Nat), Madame Cervetti, đẹp, hiền, năm nào cũng mang bầu bự. Mỗi lần thực tập mổ nghiên cứu chuột, ếch, nhái, ễnh ương v.v... mấy anh nam sinh trời đánh, cứ xách chuột nhát các cô “học nhờ” khiến họ hoảng vía, rú lên, chạy trốn.
Dạy Sử Việt Nam thì có thầy Nguyễn Văn Ban, mỗi tuần vào lớp mở sách ra đọc rào rào đủ một giờ, rồi “dzọt”. Thầy Ban người Bắc, hiền khô. Thầy dạy Việt văn là Tôn Thất Dương Kỵ, mà sau này chúng tôi mới biết là cán bộ Việt Cộng, bị tướng Nguyễn Chánh Thi trục xuất qua bên kia Bến Hải cùng với hai người khác. Khi học Việt ngữ, mỗi tuần một lần, tất cả các lớp, đều tụ lại học chung trong một phòng lớn, nghe thầy Kỵ đọc một bài văn tiếng Việt (tôi còn nhớ chỉ một bài của tác giả Lê Tất Điều về Trung thu gì đó) rồi bản dịch ra tiếng Pháp của chính thầy, và ngược lại. Chả đứa nào phải làm gì, ngoài việc nói chuyện bù khú với nhau và ngáp lên ngáp xuống, nhưng không trốn học được, vì ông giám thị Bù Lệt lù lù đứng ngay tại cửa lớp.
Sở dĩ tôi kể tên một vài thầy (cô) cũ, nay chắc đã qua đời cả rồi, và một vài bạn cũ còn nhớ tên, chẳng phải để khoe cái gì ráo, nhưng chẳng qua tôi có cái tật nói có sách mách có chứng. Lý do thứ hai, tôi muốn những người bạn cũ đã mất liên lạc nếu đọc bài này biết rằng tôi còn sống nhăn đây, cũng chẳng để làm cái gì ráo, chỉ muốn cùng nhau ôn kỷ niệm, khi bóng đời đã xế. Thế thôi.
Trở lại Trịnh Công Sơn. Anh ta rất đơn độc, suốt niên học không nói chuyện với ai, trừ tôi ngồi cạnh, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng thôi, để hỏi bài vở. Ít nói, không thân thiện, nhưng không làm phiền ai bao giờ. Trái lại, tôi thấy vẻ ngoài Sơn rất dễ thương. Xong các giờ học, không thấy anh ta đâu nữa. Riết rồi chẳng ai còn nhớ sự hiện diện của Sơn trong lớp. Tôi nghĩ bây giờ những người học lớp Philo năm đó, không chắc ai còn biết mình có người bạn cùng lớp tên Trịnh Công Sơn, kể cả sau khi đọc bài này của tôi. Lúc ấy, tiếng tăm của Sơn chưa nổi. Sơn sinh hoạt tại Jean-Jacques Rousseau như một bóng mờ. Sau này, khi đọc báo nghe biết anh soạn nhạc từ thời đi học, tôi rất đỗi ngạc nhiên, vì ít ra suốt thời gian còn ngồi cạnh nhau, tôi không hề thấy anh trong lớp viết lén nhạc hoặc ca âm ư trong miệng (như nhạc sĩ Hùng Lân Hoàng Văn Hương, lớp Văn Khoa Pháp năm 1, ngồi trước tôi một hàng ghế), trái lại học hành chăm chỉ, đôi khi tay chống cằm lơ đãng nhìn ra phía đường Công Lý, dập dìu xe cộ.
Niên học của tôi cũng là năm đầu tiên chính phủ Pháp áp dụng thủ tục mới thi Bac II: thi hai lần, không có vấn đáp. Tháng 4 thi đợt đầu, hai tháng sau, đợt hai, tại khuôn viên trường Marie Curie. Điểm số của hai đợt được cộng lại để lấy trung bình cho đậu hay rớt. Cũng như với Bac I, bài thi từ Paris gửi đến qua Tòa Đại Sứ Pháp Sài Gòn. Tôi được đậu, nhờ bài Triết (số điểm ấn định cho môn này là 40, thay vì 20, như cho các môn khác), mà tôi đầu tư vào tối đa, vì biết mình kém về các môn khác, chủ trương “được ăn cả ngả về không”, như hiện giờ thỉnh thoảng đánh phé tố láng (tapis, all in) với bạn bè, em út. Năm đó, TCS, tôi dò đọc, không thấy tên trên bảng vàng. Và anh biến mất khỏi trường, và khỏi trí nhớ tôi.

4. Chuyện về Trịnh Công Sơn và bài viết của tôi có thể kết thúc tại đây. Nhưng thời gian làm việc tại trường Đại Học CTCT Đà Lạt, một đêm nào, tôi đi bộ lang thang cùng với Lệ Ngà, tắp vào một quán cà phê, Tùng hay Domino (?), bất ngờ gặp lại TCS đang trình diễn ca nhạc ở đó. Sơn không nhớ tôi, phải nhắc trường Jean-Jacques Rousseau, Monsieur Pezeu và chuyện “hy sanh” trả bài Histoire-Géo cho nhau, Sơn mới “à” lên, cười thành tiếng –điều rất hiếm hoi. Sơn còn nhái giọng nói của Pezeu khi gọi tên hai đứa: Ngu-y-e-n-Kim-Ky và Chin-Kông-Xon. Tôi cũng cười. Vì không khí ồn ào và Sơn bận tíu tít, chúng tôi từ giã ra về, sau đó lòng thấy dửng dưng không buồn, không vui, bởi vì cả hai không thân nhau lắm.
Rồi sáng ngày 30/4/1975, trong lúc đất nước hấp hối, và quân trường CTCT vừa mới tan hàng, tôi và tất cả quân dân Miền Nam nghe trên radio tiếng đàn và tiếng hát của Sơn, trong bài “Nối vòng tay lớn”. Hát rồi nói, nói rồi hát tiếp, lặp đi lặp lại, giọng mỗi lúc một to hơn: “Hôm nay ngày vinh quang của dân tộc, ngày này chúng ta đã mong đợi từ lâu, mời các bạn văn nghệ sĩ hãy về đây cùng ca với chúng tôi Nối Vòng Tay Lớn, vòng tay của anh em, của tình thương, của bẻ gẫy xích xiềng, của chống Mỹ, của diệt Ngụy.” Tôi ngỡ ngàng, đau xót, tức giận, buột miệng chửi thề thành tiếng: “Salaud, thằng khốn nạn!” Trên đường Lê Văn Duyệt về nhà bà con, thấy những chiếc xe tăng đầu tiên chở lúc nhúc những “sâu bọ” và những “đàn bò vào thành phố” (câu / chữ của TCS), tôi nghẹn ngào, nước mắt chảy quanh. Đọc trên báo, thấy có người “quốc gia phe ta” lên tiếng bênh vực hành động phản bội này của Sơn (ví dụ, “Sơn bị bắt buộc”), nhưng lập luận của họ quá ấu trĩ, không thuyết phục nổi ai. Những tài liệu tôi đọc được, trước đó và bây giờ, chứng minh rằng anh ta là VC nằm vùng thứ thiệt từ lâu.
Rồi năm 1989, tôi đang ở Paris. Con gái của người bạn tôi từ Việt Nam trở về. Khoe với tôi, có ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi cùng chuyến Air France, mang theo nhiều bức tranh, “bị cảnh sát phi trường Orly chận hỏi, ông ta cãi lại, bằng tiếng Pháp, cũng lưu loát lắm.” Tôi nói, “ông đó học cùng lớp với chú ở trường Jean-Jacques Rousseau Sài Gòn trước kia.” Cháu reo lên, “hèn gì ổng nói giỏi tiếng Pháp.” Quả vậy, năm đó, TCS đến Paris để triển lãm tranh, hay trình diễn ca nhạc, dưới sự bảo trợ của tòa đại sứ VC. Dĩ nhiên, còn lâu tôi mới đi tìm gặp anh ta, xem tranh, hay nghe hát. Trịnh Công Sơn, một người bạn học cũ, đã chết trong tôi như một kẻ đối nghịch, một thằng phản bội, ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, kể từ trưa ngày 30 tháng 4, 1975, trước khi chết thật, vào năm 2001, đúng 26 năm sau.

5. Những người mê nhạc Trịnh Công Sơn ca tụng nhạc của anh ta hay, lời óng chuốt như thơ, gọi anh ta là “phù thủy của ngôn ngữ”. Tôi không nghĩ vậy. Tôi không rành về nhạc, nhưng có thể nói mà không sợ sai rằng nhạc TCS trung bình, đơn điệu (monotone), tẻ nhạt quá, bài nào cũng một âm giai, nghèo nàn, buồn rầu, nghe xướng lên là biết của anh ta liền, so với những ca khúc của Phạm Duy, phong phú, biến đổi (varié), mỗi bài mỗi khác, hay của Đặng Thế Phong, hay, đặc biệt, Văn Cao nghe sang cả, cổ điển, cung điệu trầm bổng, thay đổi ngay trong cùng một bài, như “Thiên Thai” hoặc “Bến Xuân”.
Còn lời ca? Những chữ như rong rêu, sỏi đá, ghế đá, đá xưa, đá ngây ngô, hòn cuội, công viên, sâu bọ, kiếp người, hư vô, tiền kiếp, cát bụi, hóa kiếp, trần gian, hiện tại, xa lạ, một ngày như mọi ngày v.v... đều là những cụm chữ lấy từ những bài học Triết dựa trên tác phẩm của Sartre, như La Nausée (Buồn nôn), và Camus, như L'Étranger (Kẻ xa lạ), chẳng hạn, mà TCS, hay ai khác, đã dịch ra và được thấy nhan nhản trong tạp chí Sáng Tạo của lớp nhà văn, nhà thơ tân hiện sinh (néo-existentialistes) Việt Nam. Chả có gì mới mẻ đối với văn học sử Pháp và chúng tôi, thuộc lớp Philo tại Jean-Jacques Rousseau đầu thập niên 60.
Tại Qui Nhơn năm nào, sau khi đi công tác trở về, tôi cùng với anh hạ sĩ tài xế vào một tiệm kem, tên Tuyết Trắng, chuyên chơi nhạc TCS. Tôi đến quán ấy không phải để nghe TCS, mà chỉ để ngắm cô chủ tiệm có mái tóc thoảng mùi hương bưởi, nước da trắng bóc và đôi mắt tình không chịu nổi. Lúc ấy, trong băng cassette, Khánh Ly đang hát bài “Ru mãi ngàn năm”. Đến câu “bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm...” anh tài xế nói nhỏ với tôi: “Ông thầy có nghe không? Bàn tay em nào mà chả năm ngón, ông nhạc sĩ này thiệt kỳ, còn nếu bàn tay em nào có sáu ngón thì làm sao đây, phải chặt một ngón đi hả?” Anh hạ sĩ không biết rằng, bàn tay năm, sáu ngón ấy, hay ngón tay nói chung, TCS có thể đã “cuỗm” và dịch từ một bài thơ “Voici ma main, elle a cinq doigts” hay bài “Les doigts de ma main sont cinq”, hay bài “Mon Pouce va à l'école” của Jacques Prévert. Prévert là thi sĩ thuộc trường phái tân siêu thực (néo-surréalistes), tác giả tập thơ Paroles, 1945, và hai bài “Les feuilles mortes” và “Barbara” được phổ nhạc rất nổi tiếng. Thơ ông, ít nhiều, “hũ nút” còn hơn thơ của Thanh Tâm Tuyền, hoặc Bùi Giáng. Nguyên Sa cũng có một bài thơ nói về các ngón tay của “em”, ngón này dùng để... ngón kia dùng để..., bắt chước một trong ba bài về bàn tay và ngón tay của Jacques Prévert, nêu trên: “Les doigts de ma main font / sont cinq. C'est le pouce le plus malin, C'est l'index le plus coquin. Le majeur est le plus heureux car il est au milieu. L'annulaire est le plus fier car il sait à quoi il sert. C'est le […]”. Hay “Mon pouce va à l'école / L'index, qui est le plus malin / Lui montre le chemin. / Le majeur, qui est le plus fort / Porte le cartable [...]” Hay nhóm chữ “dài tay em mấy” trong câu “dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” là một cấu trúc văn phạm quen thuộc trong thơ Pháp (tĩnh từ hay trạng từ đứng trước danh từ). Những mưa hồng, nắng thủy tinh v.v... là hình ảnh, ẩn dụ rất thường gặp trong văn chương Pháp.
Bởi vì bài của tôi không có chủ đích phê bình nhạc và lời của TCS, nên xin phép được dừng ở đây. Muốn viết một bài phê bình hẳn hoi, phải nêu ra nhiều dẫn chứng, và ví dụ – điều rất dễ nếu có thì giờ - và tôi nghĩ sẽ, hay đã, có vô số người khác làm.

6. Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc phản chiến nặng, cộng thêm những bức ảnh của Nick Út, một tên Việt gian khác, chẳng hạn, đã góp phần vào sự sụp đổ của đất nước Miền Nam thân yêu của chúng ta bằng cách tiếp tay cho Cộng sản Việt Nam trong mưu đồ xâm lược (kêu gọi phản chiến một chiều) của chúng, tác động ít nhiều trên tinh thần đấu tranh của toàn quân toàn dân ta trước thực trạng bi thảm của chiến tranh (xin nhắc lại, một cuộc chiến tranh do chính lũ Cộng Phỉ gây nên), và nhất là trên cái đầu tăm tối, ngu xuẩn của những chính trị gia và ký giả quốc tế vô luân. Chúng ta mất nước, ra đi tỵ nạn, gia đình tan nát, cá nhân bị bắt bớ, tù đày, thân nhân bị hãm hiếp, hoặc vùi thây trong lòng đại dương, và xa hơn, những đồng bào ruột thịt tại quê nhà đang rên siết dưới gông cùm Cộng sản, tất cả cũng ít nhiều gây ra bởi những món độc dược văn hoá nguy hiểm ấy.
Vả lại, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn đâu đặc sắc gì cho lắm, mà những kẻ đầu nhỏ như đầu chim sẻ phải khen ngợi, mê man, ca ngợi rối rít, ầm ĩ. Tuy nhiên, tôi tôn trọng ý thích của mọi người, miễn là họ đừng viết những bài để cầm ống đu đủ thổi Trịnh Công Sơn và sự nghiệp âm nhạc của anh ta lên tận mây xanh, các chủ băng video đừng bắt đồng hương và những người quyết tâm chống Cộng tới chiều và những thế hệ con em lớn lên sau chiến tranh, chưa biết Cộng sản là gì, phải nghe những ca khúc Trịnh Công Sơn trong khi họ lợi dụng danh nghĩa chiến sĩ, thương phế binh, tử sĩ VNCH để rao bán hàng. Những việc làm vô ý thức đó rất mâu thuẫn, có tính cách phản bội, và đâm sau lưng chiến sĩ đấy. Không ai cấm các người mê “nhạc Trịnh”, chúng ta đang ở trong một nước tự do, dân chủ mà! Chỉ xin các người làm ơn hát, nghe hát nó trong xe, trong phòng ngủ, trong phóng tắm, như khi các người làm những việc cá nhân kín đáo. Đừng bắt thiên hạ mê theo các người, khổ lắm. Các người cũng đừng ngụy biện rằng nghệ sĩ, nghệ thuật là phi chính trị, và TCS là nghệ sĩ nên không cần biết lập trường của anh ta là gì. Sai, chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” chỉ là một ảo tưởng. Có giỏi cứ đem vấn đề này ra tranh luận với Việt Cộng, nhất là Tố Hữu, là bọn chuyên bắt nghệ thuật (kể cả thơ con cóc chết của Bác khi còn chui rúc trong hang Pắc Bó) phục vụ cho mọi mưu đồ chính trị đen tối. Tranh luận đi, chúng sẽ cười cho thối mũi.
Còn những người tỵ nạn lưu đày chân chính? Chúng ta hãy luôn tỉnh táo, đừng thấy ai khen, mình cũng vỗ tay khen theo, nức nở. Việc ấy, xưa rồi.

* Tác giả Kim Thanh (OR) đã bắt liên lạc được với bốn người bạn cũ, Lê Hoàng Ân (TX, mới qua đời), Nguyễn Sơn Trường (HI), Phan Quang Tuệ (CA) và Trần Quý Phong (GA, vừa tạ thế), sau khi bài này được post lên các diễn đàn năm 2010.


Trần Quý Phong (cựu dân biểu) – Nguyễn Kim Quý (Kim Thanh / NLGO) – Phan Quang Tuệ (thẩm phán) gặp lại nhau tại Portland, OR, sau 50 năm rời trường Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn. Hình chụp năm 2011 tại Portland.

Đăng ngày 08 tháng 07.2022