Chữ nghĩa làng văn

tháng 7&8.2018

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Cu: ngựa con
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Thiền ngôn lơ mơ lỗ mỗ
Lúc bé tưởng nói dối là xấu.
Giờ mới biết lời nói dối đôi khi cũng giúp ích rất nhiều

Chinh Phụ Ngâm với Hoàng Xuân Hãn (I)
Bác Hoàng Xuân Hãn viết: "Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm đã gửi thư cho báo "Nam Phong", nói rằng bản Chinh Phụ Ngâm là "cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm". Nhưng từ đó, mặc dầu những nhà khảo cứu yêu cầu, ông Phan Huy Chiêm chưa từng xuất bản bài diễn ấy. Ầy là vì lẽ ông Phan Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi, mà có lẽ có câu không hay bằng nữa. Mùa hè năm nay tôi đã được ông Huy Chiêm nhờ người họ gửi cho một bản nhưng chỉ là một bản đã phiên âm ra chữ la-tinh. Hình như bản chữ nho và chữ nôm nay chưa tìm lại được.
Tôi thắc mắc là cho đến khi bác Hoàng Xuân Hãn viết xong bài "Tựa" nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ nôm của Phan Huy Ích, chẳng hóa ra bác đã khởi sự viết Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo chứng minh rằng bản dịch hay nhất xưa nay người đời gán ghép cho bà Đoàn Thị Điểm chính là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay chưa có bản chữ nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng?
Cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này (1970) ông Nguyễn văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc mà ông và Hoàng Xuân Hãn đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ "đoán" vì trang cuối "Tựa" chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại bị mất nên bằng chứng này cũng chưa thể kể là "bằng chứng" đích xác, mà chỉ là phỏng đoán.
(Nguồn Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

Căng như mặt trống
Chí tình trạng căng thẳng giữa hai người.
(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)

Thành ngữ hôm nay
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại lại thấy…thừa hai cây

Chữ nghĩa làng văn
Căn cứ vào lời Tựa của Tốn Phong trong tập Lưu Hương Ký:
“Khi hỏi đến tên họ, mới biết Hồ Xuân Hương là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”, từ đó, các nhà nghiên cứu mới bạch hóa được tiểu sử của Hồ Xuân Hương. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi.
Bà là con Hồ Sĩ Danh, chứ không phải con Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi từ mấy chục năm nay, vì Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng Giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đời thứ 10 mới cùng một ông tổ. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 - 1785), đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành tham tụng, (quyền Tể tướng) tước Quận công, đứng đầu triều chính thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783), chỉ đậu Hương cống (tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm tể tướng, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái Bảo. một trong 3 tước cao nhất của triều đình.
(Nguồn: Trần Nhuận Minh – Vấn đề Hồ Xuân Hương, đã rõ)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Bàn thờ vọng 
Chưa phải là phong tục cổ truyền, chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm truyền cho nhau khoảng đầu thế kỷ lại nay tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng: Khi bắt đầu lập bàn thờ vọng phải về quê chính báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính. Sau đó xin phép chuyển một lư hương phụ hoặc mấy nén hương đang cháy giở mang đến bàn thờ vọng rồi thắp tiếp.
Nếu có nhà riêng, tương đối rộng rãi khang trang, thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao hơn chỗ tiếp khách. Nếu đặt bàn thờ gia thần riêng, thì phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít. Đặt hướng nào? - Hướng về quê chính, để khi người gia trưởng thắp hương vái lạy thuận hướng vái lạy về quê. Thí dụ người quê miền Trung sống ở Hà Nội thì đặt bàn thờ vọng phía Nam căn phòng hay ngoài sân, ngoài hiên.
Không nên đặt bàn thờ trong buồng ngủ, trừ trường hợp nhà chật hẹp quá thì phải chịu. Không nên đặt cạnh chỗ uế tạp, hoặc cạnh lối đi. Đối với những gia đình ở khu tập thể nhà tầng, nếu câu nệ quá thì không còn chỗ nào đặt được bàn thờ. Những người sống tập thể, chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Con gì hay la mắng, la hét?
- Con la.
Con gì về già hay nhăn nhó, khó chịu?
- Con…vợ.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Lần đầu tôi bị bắt. Người thẩm vấn tôi ở số 4 Phan Đăng Lưu là anh Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung, tức họa sĩ ớt nhật báo Tin Điển. Ba trung biết Mai Thảo biết Mai Thảo có liên lạc với Hoài Bắc. Trong một cuộc thẩm vấn tôi Ba Trung xé cái bao giấy thuốc lá Mai, bảo tôi:
- Anh viết cái thư gửi Hoài Bắc. Anh viết như thế này: "Người ta biết chỗ ở của MT, bạn ta rồi. Bảo nó đi nơi khác ngay..."
Tôi biết thủ đoạn của Ba Trung. Nhận thư tôi Hoài Bắc sẽ lật đật lên ngựa sắt phi đến chỗ Mai Thảo ở để báo tin, bọn công an rình bên ngoài sẽ đi theo, chúng sẽ ập vào nhà đó bắt Mai Thảo. Tôi nghĩ là Hoài Bắc cũng không biết chỗ ở của Mai Thảo như tôi. Trước khi cầm bút viết tôi đọc ba Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp làm cho lá thư của tôi không gây tai họa cho các bạn tôi, rồi tôi viết:
- "HB. Người ta biết chỗ ở của MT rồi. Mày đến bảo nó đi nơi khác ngay. Tao. HHT."
Tôi cố ý viết "mày tao" với Hoài Bắc. Anh không "mày tao" với tôi. Tôi hy vọng nhận được thư này Hoài Bắc sẽ nghi thư không phải do tôi viết.

***
Cuối năm 1978 gặp người bạn mới bị bắt vào phòng, cho biết sau ngày tôi bị bắt Mai Thảo, Hoài Bắc, Lê Thiệp, Nguyễn Hữu Hiệu... đều đã đi thoát. Tôi nhẹ người.
Rồi tôi gặp lại Mai Thảo khi vợ chồng tôi sang thăm Quận Cam, Cali Tháng 12, 1994. Tôi đến phòng Mai Thảo ở sau tiệm ăn Song Long. Căn phòng nhỏ, một bàn, một ghế, một giường. Và đấy là lần cuối tôi gặp Mai Thảo. Khi tôi đến Hoa Kỳ, Hoài Bắc đã qua đời, tôi không có dịp hỏi anh: "Năm 77 tôi ở Phan Đăng Lưu, tôi có gửi ông cái thư, ông có nhận được không?"
Hoài Bắc, Mai Thảo, Nguyên Sa, Đoàn Khê Vinh... nay đều không còn nữa.
Chỉ còn tôi tưởng nhớ hình ảnh, nét mặt, tiếng cười, giọng nói của các anh.
(Đọc ở sao trời – Hoàng Hải Thủy)

Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Lý giải - “Lý giải” và “giải thích” cả hai đều được dùng từ lâu ở cả hai miền. Hai chữ có nghĩa khác nhau. Giải thích là cắt nghĩa. Lý giải là giải nghĩa tường tận cho ra lẽ.
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Ngu dân 愚 民
Nếu cứ giải thích rằng ngu nghĩa là đần độn, dân nghĩa là người dân, như soạn giả đã làm, thì rõ ràng, «ngu dân» nghiã là«người đần độn». Thật vậy, trong tiếng Hán, từ «ngu dân» cũng có nghĩa như trong tiếng Việt nhưng còn có một nghĩa là «người ngu». Trong tiếng Việt, từ «ngu dân» hoàn toàn không có nghĩa này, mà chỉ có nghĩa là «làm cho dân dốt nát». Ở đây, từ tố ngu có tác dụng chỉ hành động “làm cho mất trí khôn”. Như vậy, trong từ «ngu dân», ta không thể giải thích rằng, ngu = đần độn, mà phải hiểu rằng, ngu = làm cho… đần độn.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Cách ly - “cách ly” và “cô lập” đều được dùng ở cả hai miền ngôn ngữ. Việt Pháp Từ điển Ðào Ðăng Vỹ: “cách ly, cách biệt”
“Cách ly” và “cô lập” không đồng nghĩa hoàn toàn với nhau. Thí dụ trong câu sau, còn nghịch nhau là đàng khác:
“Cần cách ly bệnh nhân này, nhưng đừng cô lập họ".
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Giai thoại làng văn
Nguyễn Công Hoan quan niệm chuyện đời, chuyện văn rất đơn giản, cứ như trò đùa vậy thôi: “Năm 1928, 1929, tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Hồi ấy ở Lào Cai. Thấy tôi hay đùa, Tương Huyền bảo tôi viết. Tôi từ chối. Hắn nói mày không viết tao đánh. Tôi viết ba truyện đưa Tương Huyền xem. Tương Huyền nói: “Thế này là xã hội tiểu thuyết chứ còn thế đéo nào nữa!”. Hồi ấy viết thế thôi. Không ai nghĩ sau này thành nhà văn.
Ông nói: “Ngày nay toà soạn báo là toà không soạn. Ngày xưa toà soạn là phải soạn, cứ ngồi tán với nhau rồi thấy có gì hay là viết. Thí dụ: Hồi Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê, Ngô Tất Tố nói: “Thằng Phụng viết thế khỉ nào được nông thôn. Để tôi viết cho mà xem. Thế là Tắt đèn ra đời”.
Tôi thích truyện ngắn hơn. Còn Bước đường cùng thì thường thôi. Kháng chiến, mất bản thảo. Trong thành còn giữ được một cuốn. Có thằng nó in ra. Năm 1954, vào thành in lại. Tác phẩm tồn tại đến ngày nay là do thế.
Tôi thành ra nổi tiếng. Lý do rất đơn giản!
“Nhà văn Việt Nam phải học tiếng Việt Nam. Người ta nói “Trăm nghìn người mới có một”. Mình lại nói “trường hợp cá biệt”. Tiếng Việt rất trong sáng, dễ hiểu. Sao cứ bịa ra những tiếng khó hiểu, bây giờ chắc nhiều người không biết nghĩa là gì: tại sao gọi “bến ôtô”, “bến tàu điện”? Tại sao gọi là “bát đàn, bát sứ, bát kiểu”. Tại sao gọi là “bít tất”, “Mọi nhẽ” là gì? Mọi nhẽ nghĩa như vân vân...
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Rượu Làng Vân
Rượu Làng Vân: còn gọi là Vân hương mĩ tửu, trước kia thường dùng sắn tươi, sắn khô, nay chủ yếu dùng gạo, là loại rượu nổi danh miền Bắc. Làng Vân thuộc, xã Vân Hà, tỉnh Bắc Ninh cũ - tức Kinh Bắc, nên người ta quen gọi là rượu Làng Vân - Bắc Ninh, cũng giống như quan họ Bắc Ninh vậy.
Rượu Văn Điển, Hà Nội nay vẫn được Ông Đường lưu truyền. Rượu được làm 100% từ gạo nếp cái hoa vàng.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Làm thinh: Không làm gì cả mà chỉ không… nói thôi.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Cà nghinh cà ngang = nghênh ngang
Cà rem = kem
Cà rịt cà tang = chậm chạp
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Chơi chữ
Đặc biệt câu đối loại chơi chữ rất cầu kỳ, oái oăm do tận dụng những chữ đồng âm khác nghĩa, đảo từ, đảo ngữ, nói lái, ... nên càng khó đối hơn. Thí dụ:
- Lối đồng âm khác nghĩa như vế ra của vua Duy Tân dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau:
Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)
Nguyễn Hữu Bài đã đối rất tài tình:
Không vô trong nội nhớ hoài (vô: không, nội: trong, hoài: nhớ)
- Lối đảo từ, đảo ngữ như vế ra trong cuộc thi do báo Trung Bắc (hai nhà nho ưa chơi chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chủ trương bộ biên tập) khởi xướng:
Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả.
Vế đối sau đây gọi là trúng cách:
Con nuôi con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.
(chữ nuôi sau cùng được hai nghĩa trạng từ và động từ như vế ra).
- Lối nói lái như vế ra và vế đối sau:
Mài kéo cắt đuôi mèo cái.
Lòn cưa cứa cổ lừa con.
(T. V. Phê – Câu đối)
Chăn tằm hái dâu cũng quần nâu áo vá
Đứng đường đứng sá cũng áo vá quần nâu
Am chỉ mỗi người mỗi số mệnh riêng, không ai giống ai.
(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Câu đố
Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo lối lạ hoá (gọi là tính lạ hoá của hình ảnh). Ở mức độ chung, trên tổng thể văn bản lời đố, tính lạ hoá được thể hiện theo hai hướng: miêu tả một vật đố bằng nhiều dạng vẻ không giống nhau; và sự miêu tả khác thường một vật đố, tạo nên một thứ kì dị. Như:
Đánh thắng ông vua,
Đánh thua thầy chùa?”
(Con chấy)
(Đầu vua có tóc như người bình thường, nên chấy bám được; đầu thầy chùa nhẵn bóng, chấy phải “thua”);
(Triều Nguyễn - Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)
Lo le
Lo le : đưa ra vật gì đang giấu
(giấu nó đi đừng lo le)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Mút mùa Lệ Thủy:
Mút mùa có nghiã là hết mùa, xong xuôi gặt hái. Mút là cái đuôi, phần cuối, phần chót, như ta thường nói: mút đũa (l’extrémité d’une baguette). Mút mùa (en fin de saison), như ta nghe thấy trong ca dao Bình Trị Thiên:
Mút mùa rạ ngã rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm!
Đây là lời than thở của cô gái nhà quê đã gặp chàng trong mùa gặt hái và đã có lời hẹn ước sang năm sẽ gặp lại, nhưng đối với cặp nhân tình đã thề non hẹn biển thì thời gian tâm lý (temps psychologique) quá dài như thuyền trôi qua mười hai bến nước!
Cũng có nơi hát như sau, nhất là trong Nam:
Rồi mùa rạ ngã rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi đâu mà tìm!
Trong câu này có chữ rồi thay chữ mút, có chữ bậu thay chữ bạn, có chữ đâu thay chữ mô. Và ta nên chú ý vần âu (bậu, đâu) thay vần ô (khô; mô) mà vẫn giữ âm hưởng trùng vận, và đây là “nội vận” (rime intérieure, bậu và đâu).
Ngoài ra ta cũng nên lưu ý nơi chữ bậu. Trong Nam có câu ca dao dí dỏm, mặc dầu nghe rất dữ tợn như “xin tí huyết”:
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn!
Hai câu trước là đưa ra sự kiện có thể xảy ra, còn hai câu nối tiếp là “dằn mặt, đe dọa, hăm he xé xác, nghe mà rởn gáy, rùng mình”. Nhưng mà không can chi, người mình ưa “giơ cao đánh khẽ”, chỉ khoa trương bằng lời nói, mà rốt cuộc cũng nương tay.

Cái điều chúng ta thắc mắc là chữ bậu. Theo tôi do sự rút ngắn (contraction) của hai chữ “phàng dậu” là cách đọc theo giọng Quảng Đông của hai chữ bằng hữu. Còn hai chữ mạo dậu mà ta thường nghe phía Hải Phòng, Chợ Lớn, là do hai chữ ma hữu, có nghiã là “không có” chi cả!
Riêng hai chữ Lệ Thủy là tên huyện “Lệ Thủy”, Nam Quảng Bình.
Lệ là đẹp, thủy là nước. Lệ Thủy là nước đẹp, có gaọ trắng nước trong, trai thanh gái lịch. Xưa kia là Phong Phú cộng với Phong Lộc (Quảng Ninh) là hai huyện trong thành ngữ “Nhứt Đồng Nai, nhì Hai Huyện”, sản xuất lúa gạo nhiều nhất miền Trung.
(Thái Văn Kiểm – Kho tàng tiếng Việt)

Chữ và nghĩa
Tiếp đất: Từ trong nước, được một số "bộ phận" dân chúng dùng. Từ này, được dùng thay thế hoặc dùng thay đổi qua lại với từ "hạ cánh" (máy bay) thường được dùng trước đây, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. "Cất cánh" ("take off") được dùng đối với "hạ cánh" là đẹp. Nhưng từ "tiếp đất" này, dịch rất sát từ "landing" trong tiếng Anh, cũng là một từ hay. Nó đi vào sự cụ thể, không trừu tượng (vớ vẩn) hay dùng hình ảnh, chữ nghĩa thơ mộng nữa. Nó chỉ rõ: bánh xe của máy bay tiếp xúc với mặt đất, chạm đất.
(Bùi Vĩnh Phúc - Trên đường bay của chữ)

Chữ Việt cổ
rau thanh hao : rau mùi
(Phạm Xuân Độ)

Truyện Kiều với Hoàng Xuân Hãn (II)
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện viết: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, tự Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế”. Nghĩa là Nguyễn Du có tài về thơ chữ Hán lại giỏi về thơ quốc âm, từ khi đi sứ nhà Thanh về có cho ra đời bộ Bắc hành thi tập.
Thì rõ ràng là Truyện Kiều đã được Tố Như tiên sinh viết ra sau khi đi sứ Tàu về.
Thế nhưng GS Hoàng Xuân Hãn lại căn cứ vào châu phê của Nguyễn Lượng (trước năm 1802) mà cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trước khi đi sứ.
Nhận xét ấy cũng không xác thực vì Chiêm Vân Thị trong Thúy Kiều truyện tường chú đã cho rằng:
“Kinh bản có lời phê của họ Vũ và họ Nguyễn. Có người xưng hai nhà này là bậc danh nhân, đồng thời với Hồng Sơn tiên sinh. Song xét những lời phê bình đó đều thấp kém quê mùa. Có lẽ là một tay xoàng xĩnh nào mượn tiếng đó thôi chứ không phải là danh nhân”.
Thực ra câu ấy mà ghi là lời phê của Nguyễn Lượng thì sai hẳn vì câu ấy chính là của Thanh Tâm Tài Nhân viết trong quyển Kim Vân Kiều truyện của Tàu. Câu ấy lại không có trong Đoạn trường tân thanh của Tiểu Tô Lâm – Nọa Phu – Nguyễn Hữu Lập san cải chép tay năm 1870. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Nguyễn Du đã viết quyển Truyện Kiều tức Đoạn trường tân thanh sau khi đi sứ về vào năm 1814 như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép.
Chúng ta lại cũng cần biết rằng, nếu Nguyễn Du không đi sứ sang Tàu thì làm sao ông có được quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Quyển này ở bên Trung Quốc hồi đó cũng đã rất hiếm, nay chỉ còn hai bản: một bản do Sơn Thủy Lân in đầu đời Thanh, hiện còn lưu giữ ở Thư viện Đại Liên và một bản hiện còn được lưu giữ ở Thiển Thảo văn khố bên Nhật.
(Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" khi nào?)

Thiền thoại lơ mơ lỗ mỗ
Nhẹ lách
Hôm nọ đi xe đò, chật quá phải ngồi trên mui. Một hành khách thấy một con gà mái đang bươi ăn giữa lộ, xe tới nó hoảng chạy, nhưng chạy xuôi chiều xe. Khoảng cách giữa gà và xe cứ thu ngắn dần: 4m, 3m rồi 2m, thấy gà sắp bị xe cán chết đến nơi, bỗng nó tạt ngang vô lề, xe chạy trớt, nó đứng tỉnh bơ như không việc gì cả!
Người khách suy tư: "Trong đời thường của chúng ta cũng vậy. Vói các cuộc tranh sống vô cùng phiền lụy, ta chỉ cần "nhẹ lách" qua bên là được yên ổn ngay!"
(Đ. Dũng)
Lọ
Lọ : cần, cần gì
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất hà tương thức
(…)
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
(Tỳ Bà Hành – Bach Cư Dị)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chồng như đó, vợ như hom
Đó: giỏ đan bằng tre nứa hình ống, có hom, dùng để bắt cá tôm.
Hom: nắp đậy đó hình cái phễu. đan bằng tre nứakhít với miệng giỏ (đó) để cá vào mà không ra được.
Chồng như đó là chồng làm ra tiền. Vợ như hom là vợ biết cất giữ tiền. Ta có câu “Của chồng công vợ” cùng nghĩa trên.
(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Giai thoại làng văn xóm chữ
Dùng Truyện Kiều điều khiển trâu (1)
Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn, chàng thư sinh liền tẻ vào đến làm quen, một cô trong bọn liền ngâm một câu Kiều:
“Trông chừng thấy một văn nhân...”
Rồi cô bỏ lửng, anh chàng liền lên mặt thách thức:
- Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?
Một cô nhanh nhẩu đáp:
- Anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại dùm tụi em xem nào.
Chàng thư sinh hơi chột dạ, nhưng cũng mạnh dạn đọc:
“Tần ngần “đứng” suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà”.
Anh ta cố ý đọc to chữ “đứng” để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi.
Một cô liền nói:
- Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo dùm cho.
Đoạn cô ngâm:
“Họ” Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm”.
Cô đọc to và kéo dài chữ “họ”, quả nhiên con trâu đứng lại ngay.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tiếng Việt dễ và… dễ thương
Tiếng Việt miền Bắc nè:
Năm 2002, Tí lùn về đi ra vịnh Hạ Long, ở lại khách sạn, sáng ra Tí lùn kêu, 2 trứng hột gà ốp la, 1 ổ bánh mì, và cho xin 1 chén nước tương. 30 phút sao, Tí lùn được là:
2 cái trứng chiên (hong phải ốp la, mà y như luột)
1 ổ bánh mì
1 chén tương ớt
Bó tay
Khánh sạn tại thành phố Hà Nội, gần 36 phố phường, kêu 1 tô phở, cho đem ra 1 tô hủ tiếu, hổng rau hổng giá, chỉ có hành bào. Xin 1 chén nước mắm được trả lời là hổng có Bó luôn chân.
Lên tới Sapa, người ta nói Tí lùn nói tiếng gì mà hỏng hiểu.
Mẹ ui! Tui nói tiếng Việt Nam mà người VN hỏng hiểu á.
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Gia phả
Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình lớn. Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về ý nghĩa mà mỗi cuốn gia phả của từng dòng họ đều đã nói rõ trong từng lời tựa. Đành rằng cái ăn, cái mặc để nuôi sống gia đình và bản thân là việc hàng đầu. Nhưng có thấy nỗi day dứt của những người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết đời cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao, ngặt vì gia phả đã mất; có thấy được nỗi niềm của những người trú ngụ ở phương xa không được cha ông truyền cho biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, khi đó mới thấy đầy đủ ý nghĩa của hai chữ "Gia phả-Gia bảo".
Thời trước họ nào cũng có gia phả, có họ từng nhà còn có gia phả. Nếu vì thuỷ, hỏa, đạo tặc để mất vàng bạc- của cải gì thì mất, chứ không để mất gia phả. Ngặt vì gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán, hơn nữa từng chi từng nhà chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình, thảng hoặc mới có một cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời hai đời ba là cùng, do đó nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu. Hiện nay, do mất gia phả nên nhiều họ tuy cùng ở với nhau trong một địa phương vẫn không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng. Về một ý nghĩa khác, gia phả sở dĩ gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, là điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Bất cứ họ nào, bất cứ con người nào trong họ, có tài năng lỗi lạc đến đâu, cá nhân cũng không thể viết được toàn bộ gia phả mà chỉ có kế thừa đời trước và truyền dẫn đời sau.
Gia phả các họ có thể là các nguồn bổ sung tư liệu rất quý, rất dồi dào cho quốc sử, nếu các nhà sử học biết khai thác cũng có khả năng từ gia bảo trở thành quốc bảo.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tiểu sử Nhật Tuấn
Tên thật: Bùi Nhật Tuấn (em nhà văn Nhật Tiến)
Sinh năm 1942 tại Hà Nội, mất ngày: 6-10-2015 tại Sài Gòn
Tác phẩm:
Bận rộn - Niềm vui trần thế - Biển bờ - Một cái chết thong thả
Di về nơi hoang dã - Chân dung hay chân tướng nhà văn?

***
Trong các nhà văn nữ, có hai người đặc biệt nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước và không phải chỉ do văn chương. Đó là Dương Thu Hương và Phạm thị Hoài. Sang thời đổi mới, nước ta “âm thịnh dương suy” sao đó thấy nổi lên toàn các bậc quần thoa?
Sau khi viết được một số truyện ngắn và một vài tiểu thuyết, Dương Thu Hương có xu hướng thiên về chính trị. Cô thường tuyên bố: ”tôi dùng văn chương để làm chính trị“. Tôi và Dương Thu Hương là chỗ quen biết “mày tao”. Khoảng năm 1990, Hương bay vào Sài gon ở tại Chi nhánh nhà NXB Phụ Nữ gần dinh Thống Nhất và gọi tôi tới gấp.
Tôi kéo Hương ra ngồi vườn hoa trước cửa dinh nghe cô nói về đổi mới, về dân chủ tập trung, về vai trò nhà văn. Tôi cười hề hề: ”Chịu thôi, tao ghét “chính chị”, tao chỉ thích “chính em” thôi“.
Hương đấm tôi, chửi toáng:
”Tổ sư thằng béo, nhát như thỏ đế…”.
Nói vậy nhưng những ngày sau tôi vẫn chở Hương đi khắp Sài gon gặp gỡ “chiến hữu”, diễn thuyết tại CLB trí thức ở 43 Nguyễn Thông… Có lần, vào buổi tối, tôi chở Hương chạy qua phố Lê Quý Đôn, hồi đó “chị em ta” đứng đầy vỉa hè dưới ánh đèn đường. Lúc chạy ngang, có em gái nhận ra tôi, gọi ơi ới:
”Anh Tuấn ơi… chở vợ đi đâu đấy?”.
Đám chị em cười ầm ầm làm Hương chửi tôi té tát, đấm vào lưng thùm thụp. Ra Hà Nội, có lần tôi chở Hương tới tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ở phố Lý Nam Đế gặp nhà văn Nguyễn Khải mới Sài gòn ra, anh em chuyện trò rôm rả lắm. Tôi khoe với Nguyễn Khải: ”Con Hương nó mới ra tiểu thuyết hay lắm”.
Ông Khải trố mắt:
”Thế à ? Cuốn gì thế?”
Tôi liếc Hương:
”Chuyện tình kể trước lúc… dạng chân”.
(Chân dung hay chân tướng nhà văn? – Nhật Tuấn)

Tam Tự Kinh
“Nhân chi sơ Tính bản thiện. Tính tương cận Tập tương viễn. Cầu bất giáo Tính nải thiên. Giáo chỉ đạo Quí dĩ chuyên. Tích Mạnh mẫu Trạch lân xứ. Tử bất học Ðoạn cơ chữ, v.v...”
(Người lúc đầu Tính vốn lành Tính giống [thì] gần Thói khác [thì] xa Nếu không dạy Tính thay đổi Chuyên cần [là] quí Chuyện mẹ thầy Mạnh Chọn xóm giềng Con không học Chặt khung cửi...)
(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

Thành ngữ lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Ngu không phải là cái tội
Cái tội là không biết mình…ngu

Rượu ta…ngoại truyện
Khó có thể biết được rượu ra đời từ lúc nào, ở đâu, song nói về rượu, về tác dụng chữa bệnh, về văn hóa uống rượu thì tất cả các dân tộc trên thế giới đều có. Ở Việt Nam, rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám, với những lời thề ước…
Rượu và lịch sử hình thành vùng đất này gắn liền với bước chân những người đi mở cõi thế kỷ XVII – XVIII
Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh
Gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày thức uống của họ ngoài nước mưa, nước giếng. Rượu cũng là loại đồ uống không thể thiếu, nhưng không phải là nước, và đương nhiên rượu cũng được chế biến kỳ công hơn là…nước.
Xét về góc độ văn hóa, rượu đã tạo nên một đặc trưng thú vị!
(Nguồn: Bùi Túy Phượng)

Chữ và nghĩa
Lờ đờ, lừ đừ – Lờ đờ nói đến vẻ thiếu tinh khôn, dáng điệu không nhanh nhẹn. Còn lừ đừ có thêm nghĩa là dáng nặng nề chậm chạp, nhưng vẫn có thể còn tinh khôn. Trong một truyện ngắn trên Thế Kỷ 21, tác-giả viết: "Bên tay phải, cầu Trà khúc nhộn nhịp xe cộ, dưới cầu dòng nước cạn chảy lừ đừ". Có lẽ “lờ đờ” chính xác hơn chăng: lờ đờ là chậm chạp, uể oải.
Thí dụ: nước chảy lờ đờ, cặp mắt lờ đờ (glassy eyes), con sông lờ đờ trôi (sluggish river). Lờ-đờ như gà ban hôm. Lừ đừ cũng có nghĩa là uể oải, mệt mỏi, nhưng hay dùng để tả dáng điệu một người. Thí dụ: Người lừ đừ muốn bệnh; lừ đừ còn có nghĩa không linh hoạt: bộ lừ đừ dễ bị ăn hiếp. Lừ đừ như Ông Từ vào đền. Lừ đừ có khi dùng như lừ khừ hay lừ thừ.
(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)

Tam Thiên Tự
(Ba nghìn chữ)
“Thiên trời Ðịa đất. Cử cất Tồn còn. Tử con Tôn cháu. Lục sáu Tam ba. Gia nhà Quốc nước. Tiền trước Hậu sau. Ngưu trâu Mã ngựa. Cự cựa Nha răng. Vô chăng Hữu có. Khuyển chó Dương dê. Quy về Tẩu chạy. Bái lậy Quị quỳ. Khứ đi Lai lại Nữ gái Nam trai. Ðái đai Quan mũ. Túc đủ Ða nhiều. Ái yêu Tăng ghét. Thức biết Tri hay. Mộc cây Căn rễ. Dị dễ Nan khôn. Chỉ ngon Cam ngọt. Trụ cột Lương rường. Sàng giường Tịch chiếu. Khiếm thiếu Du thừa, v.v…”
(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại) Hai vợ chồng: Không phải là hai vợ, một chồng.
Mà chỉ có một vợ, một chồng thôi.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)
“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Cà tàng = bình thường, quê mùa,…
Cà tưng cà tửng
Cái thằng trời đánh thánh đâm
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Nguyên nhung 元 戎
Theo soạn giả, nguyên = đầu, bắt đầu, lớn; nhung = chiến tranh; và, nguyên nhung = người chỉ huy tối cao trong cuộc chiến tranh. Giải thích như vậy tuy không sai nhưng không chính xác và chưa hợp lý. Nguyên 元 còn có nghĩa là đứng đầu; nhung 戎 có các nghĩa: vũ khí, binh xa, quân đội, chiến tranh. Trong từ nguyên nhung thìnhung nghĩa là quân đội; nguyên nhung nghĩa là người đứng đầu quân đội, là người chỉ huy tối cao của quân đội, dù là có chiến tranh hay không.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chó đen giữ mực
Đây là lối chơi chữ của các cụ ta xưa vì chó đen màu lông phải đen để khỏ lẫn lộn với con chó khác. Nghĩa bóng chỉ mỗi người một nết, đến chết cũng không chừa.
(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Xác tín là tin chắc , “chính xác” là đúng y, hai chữ không liên quan gì tới nhau, và được dùng đề huề ở cả hai miền (thậm chí có thể Miền Nam dùng “xác tín” nhiều hơn Miền Bắc).
Miền Nam còn dùng “thâm tín” nữa.
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Chữ và nghĩa
"Hoành tráng", với nghĩa là "có quy mô đồ sộ". Từ này bị lạm dụng rất nặng. Bất cứ một điều gì cũng có thể được gán ghép với thuộc tính này. "Sân khấu" cũng "hoành tráng", mà vòng một hay vòng ba của một "nữ nhân" cũng có thể "hoành tráng".
Trong một số văn cảnh, đôi khi, "hoành tráng" cũng có thể được dùng theo nghĩa "đẹp nức nở" , như: "Bức chân dung của em trông ‘hoành tráng’ quá". Nó cũng có thể là "căng đầy", "mập mạp", như "Thân hình ‘hoành tráng’ của bà chủ, sau khi nạp vào bữa điểm tâm cũng ‘hoành tráng’ không kém, uốn éo đi ra khỏi cửa". Và, còn gì ‘hoành tráng’ nữa trong cuộc sống hôm nay?!!
(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Ðộng thái - “Ðộng thái” và “động lực” hoàn toàn khác nhau, nhất là trong lãnh vực tâm lý, một đàng biểu lộ ra, một đàng tiềm tàng bên trong.
“Ðộng thái” hay “tác phong”: (Anh: behavior): hành vi biểu lộ ra bên ngoài quan sát được; ta có chữ “trường phái tâm lý học động thái/tác phong” (behaviorism)
Ðộng lực: (Anh: motive) là sức ngầm thúc đẩy hành vi.
Thí dụ: “Cảnh sát chưa tìm ra động lực của vụ giết người”. Cả hai chữ đều được dùng tại Miền Nam; nếu chúng không được phổ biến, là vì chúng thuộc lãnh vực chuyên môn chăng.
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 24 tháng 08.2018