Một thuở, Phục Hưng…

letanloc

Lê Tấn Lộc

Thay lời phi lộ
Trong một lần điện đàm viễn liên với Diên (định cư tại Pháp), cựu môn sinh PH khóa II, 1973-1974, sau khi trao đổi điện thư với Sinh (định cư tại Hoa Kỳ), cựu môn sinh PH khóa I, 1972-1973, tôi tâm sự sở dĩ tôi gợi ý và khuyến khích hai em thành lập Trang Nhà Phục Hưng là bởi trường chúng ta sinh sau đẻ muộn so với các trường khác, vốn có truyền thống sinh hoạt lâu đời từ 1975 trở về trước. Đã thế, lại còn bị bức tử vì thời cuộc nữa! Như đứa con đã sanh muộn lại còn yểu tử cùng lúc với các trường “lão thành” khác tại miền Nam VN, mà theo vai vế và tuổi thọ, nếu không như “chú bác”, cũng là như “anh chị” của trường PH!

Các trường “lão thành”giờ đây, tại hải ngoại, hầu hết đã thành lập Hội Ái Hữu và thiết lập trang nhà. Họ thành công tương đối dễ dàng, vì số cựu học sinh các trường lâu đời nầy rất đông, so với số cựu học sinh quá “khiêm nhường” trên dưới tám chín trăm, suốt 3 niên khóa của trường chúng ta, hiện rải rác khắp năm châu! Các cựu giáo sư cũng tản mác khắp bốn phương trời. Họa hoằn lắm mới liên lạc được với nhau…

Nhưng chính vì trường chúng ta góp mặt muộn màng, ngắn ngủi trên lãnh vực văn hóa giáo dục “nhân bản, khai phóng, tự do”, trước 1975 mà cá nhân tôi cảm thấy quá xót xa, động lòng: Tôi tha thiết ước muốn cùng anh chị em đồng nghiệp và các môn sinh trân quí ngôi trường, tuy  chỉ cho chúng ta cơ hội “chung sống” một thời gian chưa trọn vẹn 3 năm, nhưng đã lưu lại trong tâm hồn chúng ta biết bao hoài niệm thân thương khó thể dễ dàng mờ nhạt! Và muốn thực sự trân quí PH thì không gì cụ thể, hữu hiệu hơn là khôi phục vị trí ưu đãi của PH trong lòng chúng ta qua Trang Nhà Phục Hưng, môi trường thuận tiện cho thầy trò, bạn bè đồng môn tái ngộ, cùng nhau hợp lực “hồi sinh” vùng hoài niệm xanh, hầu như vẫn còn tản mạn trên vòm trời đang chở che con đường Lê Ngô Cát…

 * * *

Tan rồi những bước không hò hẹn
Đã bước trùng nhau một ngã đường

Buổi đầu tiếp xúc

Ngày đó, 39 năm về trước, Vĩnh Đễ - đồng môn khóa I, ban Triết Đại Học Sư Phạm Đà Lạt - đưa anh Nguyễn Văn Kỷ Cương -Giám Học Trường Phục Hưng- đến tận nhà mời tôi cộng tác. Đây là lần thứ hai, Vĩnh Đễ đốc thúc tôi nhận lời giảng dạy cho các trường tư.

Lần đầu, trước đó 3 năm, biết tôi không “mặn” dạy tư lắm, Vĩnh Đễ đã chở vợ nhà đến thuyết phục tôi nhận dạy cho hai trường Tân VănTân Việt. Trước sự quyết liệt từ chối của tôi, Vĩnh Đễ phu nhân -chị Thanh Tiềm- ôn tồn nhưng nhiệt thành phân trần rằng hành xử như thế, vô hình chung tôi đối xử bất công với các em học sinh trường tư, vì tôi chỉ muốn phổ biến kiến thức cho học sinh trường công thôi. Đuối lý, tôi đành nhận lời…dạy trường tư!

Lần nầy, tôi cũng định khước từ vì thời khóa biểu giảng dạy và công vụ của tôi hầu như đã bít kín. Nhưng anh Kỷ Cương cũng như Vĩnh Để đều khẩn thiết kêu gọi tôi góp mặt với ban giảng huấn của trường Phục Hưng, vài tuần tới sẽ khai giảng khóa học đầu tiên. Một lần nữa tôi đành…chấp nhận “nhập cuộc”, đa phần vì nghĩ tới ông thầy cũ ở Collège de Vĩnh Long, thân phụ của anh Kỷ Cương, một ông thầy hết sức thương mến tôi…và tôi cũng hết sức kính phục!

Buổi học đầu, khai mở bằng lời Phật cảnh giác: “Kia mới là trăng. Đây chỉ là ngón tay ta chỉ trăng”, tôi thu hút được ngay sự chú tâm của  lớp 12 C với câu hỏi tiếp nối “Thế nào là triết học?”, như phương thức “Đưa vào triết học”, một loại triết kề cận với đời sống hằng ngày.  Cùng lúc tôi cũng bị lớp môn sinh rất nghiêm túc nầy chinh phục ngay! Tôi không ngờ,  ngoài hành lang, anh Nguyễn Văn Kỷ Cương đang “âm thầm” theo dõi bài giảng của tôi.

Hôm sau, anh kín đáo tiết lộ với tôi:
- Khi nhờ anh Vĩnh Đễ giúp tìm thêm một giáo sư triết nồng cốt cho lớp 12 C, anh ấy nồng nhiệt giới thiệu ngay tên anh với tôi và nói tôi phải đích thân đến mời anh, may ra anh mới nhận lời. Thú thật, tôi tin Vĩnh Đễ hơn là tin vào lời anh ấy nhận xét về khả năng của anh. Cho nên tôi chưa yên lòng lắm khi giao lớp 12 C cho anh. Cho tới hôm qua, chính tai tôi nghe anh trình bày đề tài khai mở… Bây giờ thì tôi hoàn toàn tin tưởng anh và sẵn sàng giao bất cứ lớp A, B, C nào của trường cho anh. Tôi mong anh nhận lời cộng tác dài lâu với chúng tôi!

(Tôi chạnh nhớ buổi học đầu ở trường Tân Văn, 3 năm trước đó: Ông Bảy (tục gọi “Bảy Vẹo”), Giám Học trường nầy cũng “theo dõi” bài khai mở của tôi và, hôm sau, cũng “tiết lộ” riêng với tôi gần như 100% những gì anh Kỷ Cương nói với tôi bên trên! ).
Cũng dễ hiểu. Vĩnh Đễ giảng dạy đã “thành danh” ở các tư thục Sài Gòn, trước tôi ít lắm cũng sáu, bảy năm… Có thể nói không cường điệu rằng, nếu không có chị Thanh Tiềm “động viên” chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội đến với học sinh trường tư! Tôi e ngại bị ngộ nhận… “bán chữ”! Dù lúc bấy giờ giới gõ đầu trẻ (hay “bán cháo phổi”) có thể xếp vào hạng…kém dư giả!

Khóa I của PH qui tụ hầu hết các đồng nghiệp và đồng môn cùng dạy ở Tân Văn và Tân Việt: Vĩnh Đễ, Nguyễn Xuân Hoàng, Tôn Thất Trung Nghĩa, Nguyễn Sỹ Thân, Nguyễn văn Tính, Phạm Xuân Ái…(Trần Đức An đến từ Chu Văn An). Đễ, An, Hoàng và tôi là  đồng môn Triết ĐHSP Đà Lạt. Cá nhân tôi có mặt hầu hết với cảc lớp A, B, C, suốt 3 khóa. Tạ Ký Dzư Văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền) đến góp mặt từ khóa II. Ba anh Nghiên, Ký và Tâm đều có thời giảng dạy tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt…Nguyễn Vũ Hải (đến từ Mạc Đỉnh Chi), có mặt từ đầu và là cựu đồng nghiệp của tôi trước đây tại trường Trịnh Hoài Đức (Bình Dương).

***

Cả 3 khóa I, II và III đều lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm “đặc biệt”. Xin kể một loạt hoài niệm tới nay vẫn còn sống mãi trong bộ nhớ tuy ít nhiều đã “gầy hao” của tôi:

  • Khóa I

Kích xúc bất ngờ!
 Hôm ấy tôi đang trình bày về “Ý thức và Vô thức”, với phần minh họa một tai nạn trên cầu xa lộ Biên Hòa mà tôi tận mắt  chứng kiến (chuyện một cô gái trẻ lái xe gắn máy Honda bị xe vận tải  húc từ phía sau hất tung, nguyên bộ não văng ra từ đỉnh đầu vỡ toang, rơi trên mặt lộ cách thi thể vấy máu  đang giẫy chết) thì bất thần một tiếng rú thất thanh ré lên, phá vỡ sự lặng im phăng phắc của cả lớp đang theo dõi bài giảng.

Từ bục gỗ nhìn xuống cuối lớp, tôi hốt hoảng nhìn thấy một nữ môn sinh ngả nhào xuống đất lăn lộn, giẫy giụa, chân tay co giật, mắt trợn trừng, kêu khóc từng chặp! Cả lớp nhốn nháo. Tôi nhảy bổ tới xốc bồng em nữ môn sinh, với sự trợ lực của vài em khác, từ lầu một hối hả tuôn chạy xuống văn phòng trường…Vài nữ môn sinh giựt tóc mai, đánh gió, xức dầu cho cô bạn bị…động kinh (crise d’épilepsie). Cô bé dần dà hồi tỉnh, nhà trường gọi phụ huynh đến đón em về...

Ông Giám học vào lớp “điều tra”, “tìm hiểu” vì sao cô nữ môn sinh “ngất xỉu” xong, tôi thẫn thờ trở lại lớp tiếp tục bài giảng, lòng trĩu nặng ưu tư về “tai nạn nghề nghiệp” vừa đột ngột xảy ra cho tôi lần đầu trong quãng đời dạy học…

Suzanne, nạn nhân của một cuộc tình ngang trái…
Vài hôm sau ngày xảy ra “biến cố”, lúc cô em bị kích xúc trở lại lớp,  trước khi đi vào phần minh hoạ đề tài “Cảm xúc và Đam mê”, tôi hướng về phía em, hỏi em có vấn đề gì chăng để tôi tiếp tục. Em mỉm cười hiền hòa lắc đầu…ngầm báo cho tôi hiểu: em sẽ không bất tỉnh nữa đâu, “thầy cứ an tâm”!

Được trấn an, tôi yên trí kể một chuyện tình-đam mê của đôi tình nhân tại thành phố Mỹ Tho, phảng phất ít nhiều không khí âm u trong truyện “Đỉnh Gió Hú” (Les Hauts de Hurlevent) của nhà văn nữ Emily Bronte. Cả lớp buồn bã thở dài, rạt rào thương cảm cho đứa con gái -kết quả yêu đương của mối tình đam mê- tình cờ gặp lại cha (sau khi mẹ mất do mối tình tan vỡ vì nghịch cảnh) mà không biết người ấy là cha của mình! Một nữ môn sinh, ngồi cùng bàn học với em Nguyễn Thị Cúc, con gái anh Nguyễn Văn Kỷ Cương, cúi mặt, giấu nhanh đôi mắt đẫm lệ…
Ít lâu sau, Suzanne, cô bé nước mắt đoanh tròng kể trên, kín đáo trao cho tôi một phong thư… Hết buổi dạy ở Phục Hưng, tôi ghé qua Brodard. Ăn trưa xong, nhâm nhi cà phê, tôi sực nhớ tới phong thư…

Bây giờ tới phiên tôi nghẹn ngào thương cảm: Suzanne đã tìm dấu được cha mình trong khuôn viên trường em đang theo học, nhưng cha con chẳng dám nhìn nhau! Và chính vì người cha không thừa nhận em mà cuộc sống của em là một chuỗi ngày đau thương bất tận, cả thể xác lẫn tâm hồn: Mẹ em và người chồng -người mà em luôn run sợ gọi là “Ba”- thường xuyên chửi mắng, nguyền rủa, trù ẻo, đánh đập em, coi em như của nợ! Ba ngày trước khi em nghe kể chuyện con tình cờ gặp lại cha, ông chồng của mẹ em đã đấm em té sấp xuống đất… Em khóc lóc, van lạy “Ba ơi! Đừng đánh con nữa. Con đau quá ba ơi!” mà  “chồng của má em” vẫn không nương tay, tiếp tục đấm đá khắp người em. Rồi “phát ân huệ cuối cùng” kết thúc  buổi “tra tấn” đó là cú đá ác liệt của “ông chồng vũ phu của má em” làm dập nát một lóng tay ngón út của em, phải cắt bỏ! Có lẽ vì vậy mà bàn tay trái của em phải thường xuyên mang găng đen…

Một lần, trong giờ ra chơi, em thì thầm kể tôi nghe những uẩn khúc của đời em: Bà ngoại em tiết lộ chuyện tình đầy nước mắt của mẹ em tại quê ngoại ở Vĩnh Long. Mười bảy năm về trước, khi biết mẹ em mang thai, người thanh niên thường trèo tường sang yêu mẹ em -hai nhà ở sát vách- bị gia đình bắt ép xuất ngoại du học (mà không một lời giã biệt người tình!). Mẹ em phải bỏ xứ, tránh xấu hổ. Rồi vội vã kết hôn với “chồng của má em”! Cho nên, khi hục hặc nhau, họ lôi em ra đánh đập cho hả dạ! Em, nạn nhân vô tội…một thứ “souffre-douleur”!...
Cho tới nay tôi vẫn còn nhớ đôi mắt Suzanne gần như lúc nào cũng ngấn lệ… Tôi thầm nguyện ước cho Suzanne thi đậu tú tài toàn phần ưu hạng để may mắn  được học bổng xuất ngoại, thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian mà đã phải hứng chịu suốt 17 năm dài đăng đẳng!

Một lễ phát thưởng khá đặc biệt…
Không rõ các tư  thục khác có tổ chức lễ phát thưởng cuối niên học chăng, vì tôi không dạy nhiều trường tư lắm. Ngoài Tân Văn, Tân Việt, nể tình bạn bè lắm tôi mới nhận vài giờ ở Huỳnh Thị Ngà, Đạt Đức (Phú Nhuận), Minh Đức (nằm trong khuôn viên Lăng Ông Bà Chiểu). Vì có con em theo học Taberd, tôi mới biết trường có thông lệ tổ chức lễ nầy.

Trường PH mượn giảng đường Trường Quốc Gia Âm Nhạc làm Lễ Phát Thưởng Long Trọng đầu tiên cho học sinh xuất sắc. Trong số giáo sư được mời trao phần thưởng có Nguyễn Xuân Hoàng và tôi. Sở dĩ tôi còn nhớ rõ như vậy là vì em nữ môn sinh được thầy Hoàng trao Phần thưởng Ưu hạng (Prix d’excellence), sau đó đỗ hạng Ưu (mention Très bien). Riêng Suzanne được tôi trao Phần thưởng hạng Nhất (1er Prix), sau đó cũng đậu hạng Bình (mention Bien)!
Từ đấy về sau, tôi không còn cơ hội biết thêm tin tức gì về Suzanne nữa. Có lẽ lời ước nguyện của tôi cho Suzanne được xuất ngoại đã thành sự thật rồi chăng? Mong thay!

  • Khóa II

Kết quả rực rỡ gặt hái được trong đợt đầu ra quân nơi trường thi khiến số học sinh xin ghi tên nhập học (qua tuyển chọn) gia tăng nhanh chóng. Ban Giám đốc phải mở thêm lớp học để đáp ứng nhu cầu. Vẫn chỉ 1 lớp C, nhưng thêm các lớp A và B. Hoàng và tôi đảm nhận đa phần các giờ triết, nên hai đứa thường gặp nhau ở PH hơn ở các trường khác. Do đó, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các em học sinh…Hình như các em nhận thấy chúng tôi “dễ gần hơn”, ít “xa cách” hơn…

Gần như ít khi tôi rời lớp học mà không mang về vài phong thư, kín đáo để trên bục giảng…Tôi rất cảm động nhận ra các em (nam cũng như nữ) rất tin tưởng tôi, bày tỏ những khó khăn, những trăn trở, những xung đột, những va chạm trong cuộc sống thường nhật. Và tôi cũng rất sung sướng góp phần giúp các em “hóa giải” được đa số vấn đề, đôi khi tưởng chừng nan giải. Có lần, một em viết: “Được may mắn làm con thầy chắc là… hạnh phúc lắm, phải không thầy?”. Các em ơi! Ít khi thầy thuốc chữa lành bịnh cho thân nhân, cũng như tự trị liệu cho chính mình! Ngay các nhà phân tâm học, trước khi hành nghề cũng bắt buộc phải được một đồng nghiệp trị liệu bằng phương thức phân tâm (thérapeutique psychanalytique)!

Trường giao cho tôi làm giáo sư hướng dẫn một lớp. Suýt chút xảy ra chuyện lớn! Em Trưởng lớp có chuyện bất đồng ý kiến với nhà trường về việc tổ chức du ngoạn Vũng Tàu. Cả lớp muốn tẩy chay chuyến đi tắm biển. Trường cho rằng lớp muốn làm loạn do Trưởng lớp xách động! Vì bận công tác, không  thể tham gia du ngoạn, tôi có thể bị Nhà Trường hiểu  lầm đã ủng hộ việc lớp muốn gây sự,  phạm lỗi thất lễ với các thầy trong Ban tổ chức. Tận dụng ảnh hưởng riêng, tương đối mạnh với lớp, tôi thuyết phục em Trưởng lớp đến xin lỗi thầy Hiệu Trưởng, cùng lúc cam kết lớp của mình sẽ tham dự cắm trại ở Vũng Tàu.

Những ngày cận Tết, lúc các em học sinh được nghỉ học, Trường tổ chức “khao quân”, ăn mừng thành tích tốt đẹp đạt được trong kỳ thi tú tài II vừa qua: thuê nhà hàng đến đào lổ trong sân trường, quay nguyên con trừu non “chiêu đãi” các giáo sư và nhân viên văn phòng. Khói bốc từ thịt nướng thơm lừng cả khu phố Lê Ngô Cát! Lần đầu, tôi thấy một tư thục đãi ngộ ban giảng huấn. Khơi lại kỷ niệm nầy, chừng như tôi còn nghe thấy mùi trừu nướng vàng rụm phảng phất đâu đây! Tiếc thay buổi tiệc ngày ấy thiếu vin rouge! Lúc bấy giờ whisky, cognac và bia được chiếu cố nồng nhiệt hơn rượu chát đỏ…

Trong số anh em đồng nghiệp tham dự, chỉ “bộ ba” Ký-Nghĩa-Lộc có khả năng đối ẩm dài lâu (Hoàng lúc bấy giờ chỉ uống lai rai, sơ sịa, chưa gia nhập toàn thì Club Lưu Linh Chợ Đũi). Kỳ dư, ngoài T.T.Tuyền, hầu hết đều là thành viên nồng cốt của Hội Trà Đá Chanh Đường! Cho nên nếu thịt trừu được tận tình chiếu cố thì bia, ít được ủng hộ, đâm ra  thừa mứa! Chỉ có TTT kết hợp  với bộ ba thành “Liên đêm mặt trời tìm thấy…”

Hỡi ôi! Bốn mặt trời đêm năm nào giờ đây chỉ còn một yếu ớt le lói độc ẩm. May thay tôi còn được Hoàng, từ lúc ra hải ngoại tới nay tửu lượng vượt xa mặt trời đêm còn sống sót LTL. Nhưng mặt trời đêm muộn màng NXH vừa chớm lóe, chưa chi đã toan tính…trối trăn! Cho nên không lúc nào tôi không hồi hộp trông tin bạn tôi và đếm từng giây phút tới gặp lại bạn mình tại Cali để nhắc ba mặt trời đêm Ký-Nghĩa-Tuyền đã theo nhau tắt ngấm! Để cùng nhau nâng ly kể chuyện…“Phục Hưng một thuở…”, nhắc nhớ các bạn hiền đã “vẫy tay chào buồn” cõi mộng. Để vì quá thương yêu mà luôn nhắc nhau: xin  nhớ gọi giùm tên! Để đọc cho nhau nghe đoạn văn tôi viết về Tạ Ký, cách đây đã 20 năm:
Tạ Ký ơi! Chắc giờ nầy mầy đang thèm la-de. Mầy đã từng nhắc anh em đám ma mầy đừng có khóc. Những câu thơ dính ít nhiều tim óc của mầy, tao lại không thể nhớ!
Đêm nay, ngồi uống rượu một mình, trước mặt đầy vỏ chai la-de, tao vẫn tưởng có mầy bên cạnh như những đêm mầy, tao, Nghĩa, Hoàng và Kiệt chén thù chén tạc quên thời gian ở Chợ Đũi.
Bạn bè còn đây…Người tình còn đây. Nhưng hỡi ôi

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản! Tạ Ký ơi!
Ai làm cho tóc bạc đầu,
Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ…

  • Khóa III

Nếu khóa I và II lưu lại trong tôi nhiều chuyện vui hơn buồn thì mỗi lần nghĩ tới khóa III lòng tôi se thắt thương cảm, vương vấn chút hối hận, nếu không  muốn nói là mặc cảm tội lỗi:

Kể từ tháng 3 cũng như suốt tháng 4 năm 1975, hầu như thầy cũng như trò đều bị phân tâm về các chuyển biến chính trị theo sau các tin tức dồn dập từ chiến trường sôi động, báo hiệu một biến cố trọng đại sắp xảy ra trên những vùng đất tương đối còn an toàn của miền Nam VN.
Những ngày cuối tháng tư năm ấy, gần như hầu hết giáo sư cũng như học sinh trường Phục Hưng đều không còn lòng dạ nào để tâm tới chuyện học hành nữa. Nói rõ ra, đa số đều nghĩ tới chuyện…di tản!
Trong không khí ngột ngạt đó, ai có thể tự cho mình không mất bình tĩnh? Dù hết sức cố quên, một số hoài niệm thương động tới nay vẫn tồn động trong tiềm thức tôi…

Không hiểu vì lý do gì, đang khi tôi nhìn Thanh Tâm Tuyền buồn bã nhìn trần nhà trong phòng giáo sư nhả khói thuốc, lúc nghe tin các tỉnh miền Trung lần lượt thất thủ, anh C. đột nhiên từ văn phòng bước ra, lớn tiếng với tôi:
-Anh và  ông Trần Văn Hương của anh cứ ở đó lo kỳ thị Nam-Bắc đi! Tôi sẽ mở kho vũ khí phát cho Nhân Dân Tự Vệ (ý muốn nói Nghĩa Quân) tử thủ tới cùng!
-Sao bỗng nhiên anh ăn nói sỗ sàng với tôi như thế, thưa anh? Tôi kỳ thị ai hồi nào vậy, hở anh? Sao lại gán ghép tên tôi với tên cụ Trần Văn Hương? Anh biết bắn súng chăng mà đòi…tử thủ?
T.T.Tuyền khoát tay ra dấu, ngầm bảo tôi ngưng lời qua tiếng lại, vô bổ, làm mất tình anh em. Đó là lần cuối tôi đối mặt với TTT…
Hai hôm sau anh C. của tôi đã… tới đảo Guam “đóng chốt”, chờ bại tướng xụi râu CK chạy làng tới cùng nhau tử thủ với… chả cá chấm mắm tôm!

Giữa tiếng bom và tiếng cao xạ nổ rền vang trong ngày chuyển quyền tại Dinh Độc Lập, các em học sinh nhốn nháo chạy tới hỏi tôi nên ra đi hay ở lại.
-Tôi thì dứt khoát không đi. Tôi đã sống ở ngoại quốc nên đã “kinh qua” cuộc  sống vất vả ở nước ngoài như thế nào đối với người di dân…
-Vậy thầy ở lại “tủ thủ” hả thầy? Một em đùa cợt hỏi.
-Tôi giờ đây là dân sự, trong tay không một tấc sắt, tử thủ bằng mồm chăng? Nhưng tôi không có ý định bỏ nước ra đi trong lúc nầy. Nếu các em không tin tôi ở lại thì địa chỉ nhà tôi, khi nãy tôi đã ghi trên bảng đen. Các em có thể đến kiểm chứng…
-Tại sao thầy không đi? Thầy ở lại làm gì?
-Nếu tôi ra đi thì sau nầy đám trẻ các em làm sao còn tin tưởng nơi bọn người lớn chúng tôi được nữa! Hiên ngang tuyên bố vung vít “tử thủ” hôm trước, hôm sau đã lặng lẽ “chuồn” mất, bỏ đồng đội, môn sinh, thân bằng quyến thuộc. Đôi khi bỏ cả vợ con, chạy thoát thân!

Đa số môn sinh của tôi ở PH đã ở lại. Tôi nghĩ phần lớn do ảnh hưởng bởi thái độ chọn lựa dứt khoát của tôi… Những cam go, gian lao, khổ nạn nghiệt ngã mà các em và gia đình phải hứng chịu sau đó, tôi thực sự cảm thấy mình không hoàn toàn không có trách nhiệm…

 

  • Sau ngày 30.4.1975

Hai hôm sau ngày “bão nổi lên rồi”, tôi đạp xe tới trường: cảnh vật tiêu điều, thầy trò xác xơ, ngơ ngác…Một em trong số môn sinh vây quanh tôi, thở dài, hỏi nhỏ:
-Thầy ơi! Nghe lời thầy ở lại, bây giờ kẹt hết cả đám rồi, làm sao đây, hở thầy?
Tôi chỉ còn cách cúi đầu thinh lặng…
Trong số giáo sư ít oi đến với các em, tôi thoáng thấy anh Nguyễn Xuân Nghiên, mệt mỏi, bơ phờ…

Một tháng sau khi “ba giòng thác cách mạng” tràn ngập miền Nam VN, cũng như hằng hà sa số quân cán chính VNCH, Tạ Ký, Thanh Tâm Tuyền và tôi (còn sót ai trong số giáo sư PH chăng?) được CM khoan hồng cho đi học tập cải tạo để “trở thành người công dân tốt”…
Từ đó trở đi, tôi không còn lần nào thấy lại ngôi trường thân thương đường Lê Ngô Cát nữa…

Trong vòng rào kẽm gai, tôi có cơ may (hay vận rủi?) gặp lại Tạ Ký. Và khi được “tha”, trước khi ”vượt biên”, tôi gặp được Nguyễn Xuân Hoàng…
Suốt thời gian bị “nhốt”, tôi được người nhà cho biết anh Nguyễn Xuân Nghiên có đến thăm gia đình tôi và gửi số tiền thù lao giảng dạy mà tôi chưa kịp lãnh. Một nghĩa cử vô cùng quí báu và hiếm hoi, trong thời củi quế gạo châu lúc ấy. Chỉ có trường Phục Hưng còn nghĩ tới tôi. Các trường tư thục khác không hề tới thăm và trao tiền thù lao mà họ còn nợ tôi, một số tiền khá lớn, khả dĩ giúp gia đình tôi trong cơn túng thiếu cùng cực. Nghĩa cử nầy của anh Nghiên, nhân danh trường Phục Hưng, tôi tâm niệm sẽ chẳng bao giờ quên. Tiếc thay, ngày anh vĩnh viễn ra đi, tôi không thể đưa tiễn anh tới nơi an nghỉ cuối cùng. Vì lúc bấy giờ tôi đang dở sống dở chết trong lò…cải tạo!

Một người nữa mà tôi hết sức vui mừng gặp lại trong trại tị nạn Galang (Indonesia), tháng 8/1980 vì hoàn toàn bất ngờ: Tôn Thất Trung Nghĩa! Nghĩa được chuyển tới trại được mệnh danh “cửa ngõ của Tự Do và Tình Người” từ trại Songkla (Thái Lan) bị giải thể. Ngờ đâu đấy là lần cuối chúng tôi cùng cạn chén ly bôi. Mặt trời đêm Tôn Thất Trung Nghĩa lặng lẽ cô đơn đi về cõi vĩnh hằng trên đất khách quê người, 11 năm sau đó…

  • Kiếp sống lưu đày

Cựu môn sinh PH đầu tiên “tầm dấu” được tôi trên Xứ Tuyết Canada mênh mông băng giá: Lê Như Trầm, 12B4, khóa III, người hết sức thương mến tôi đến độ đặt tên đứa con trai đầu lòng của mình là…Lê Tấn Lộc!
- Em tưởng thầy đã chết trong trại cải tạo, Trầm ngậm ngùi rót cho tôi ly rượu mạnh nói. Nên em đã lấy tên thầy…
- Không ngờ chúng ta chỉ sinh hoạt chung chưa tròn niên học mà em ưu ái tôi đến thế…
- Thầy đâu biết, tuy em chỉ học với thầy 1 giờ Đạo Đức Học ở 12B4, nhưng em vẫn lén vào các lớp A và C nghe thầy giảng Tâm Lý Học. Em thích nghe thầy giảng “Cảm xúc và Đam mê”, “Khoái lạc và Đau khổ”. Nghe “đã” lắm thầy ơi!
Từ đó tới nay Trầm vẫn thường xuyên tiếp xúc và chia sẻ những buồn vui, khổ hạnh, chẳng những với riêng tôi mà còn với tất cả người thân của tôi.
Ai bảo nghề dạy học là một nghề bạc bẽo, nên nghĩ lại. Vả chăng, với tôi dạy học không chỉ là một nghề, nhưng thiết yếu là một…đam mê!

Em cựu PH thứ hai, hết sức tình cờ tìm được tôi: Nguyễn Văn Phong, 12C, khóa III. Từ Paris sang Montréal lập nghiệp. Tình cờ do một ngộ nhận.
Hôm đó, điện thoại reo đang lúc tôi viết bài cho một nguyệt san ở Toronto:
- Allo!
- Mầy đó hả Lộc?
- Xin lỗi, ai ở đầu dây vậy?
- Tao là Phong đây Lộc!
- Phong nào? Tôi chưa hân hạnh được biết!
- Giỡn hoài, mầy quên hai đứa mình ngồi cùng bàn ở 12C à?
- Tôi đâu có học lớp 12C bao giờ!
- Bộ mầy tính quên luôn mầy học trường Phục Hưng sao Lộc?
- Không, tôi không học ở Phục Hưng nhưng dạy ở trường Phục Hưng!
- Trời đất! Thầy Lê Tấn Lộc ơi, chết em rồi! Thầy tha lỗi cho em nghe thầy! Trời ơi! Em không thể nào nghĩ ra người mà em vô tình mầy tao tôi tớ lại là thầy của em! Tiêu em rồi thầy ơi!
- Bình tĩnh! Bình tĩnh đi Phong! - Thầy ơi! Sáng nay, tương đối rỗi việc, em lật điện thoại niên giám, tìm mấy tên Việt Nam gọi làm quen để giới thiệu business của em. Tình cờ em thấy tên Lê Tấn Lộc, em mừng quá, vì em bặt tin thằng bạn chí thân đã mười mấy năm. Nên em vội vã bốc phone gọi liền và hí hửng mầy tao liên tu bất tận với người mà em đinh ninh là thằng bạn cùng lớp. Ai ngờ lại trúng ngay thầy Lê Tấn Lộc!
- Ngẫu nhiên làm được nhiều việc (Le hazard fait bien des choses)!
Rất tiếc thầy trò gặp nhau chỉ một lần trong Buffet do Phong làm chủ. Sau đó mất liên lạc, cũng trên dưới  hai mươi năm rồi! Hy vọng một sáng đẹp trời nào, Phong ghé qua Trang Nhà Phục Hưng…

Cựu PH thứ ba, Trần Đức Diên, 12A..., khóa II “retracer” được tôi nhờ “ surf ” trên Internet”. Làm recherche trên tiêu đề “Phục Hưng-Lê Ngô Cát”, Diên tình cờ “thấy” bài viết “Quê Hương Ruồng Bỏ”, ký tên Lê Tấn Lộc...
Diên thường xuyên liên lạc với tôi qua điện thư và điện thoại viễn liên, tân tụy hướng dẫn tôi sử dụng hữu hiệu computer. Đặc biệt, Diên đã bỏ nhiều công sức và thì giờ giúp tôi khôi phục thành công Blog LTL bị “bàn tay lông lá” ác đức nào đó bôi xóa...

Cựu PH thứ tư, Phạm văn Sinh, 12B..., khóa I, tìm được tôi rất muộn màng, cũng hết sức tình cờ, do đọc các bài viết của tôi đăng trên web Bất Khuất. Tuy đến với nhau rất muộn trên xứ người, Sinh lại là cựu môn sinh rất năng động. Liên lạc với nhau chưa được bao lâu, Sinh đã đề nghị tôi cổ võ lập Trang Nhà! Sinh cũng sẽ là người đón tôi trong chuyến thăm thú bạn bè sắp tới ở Cali. Và tình nguyện làm kẻ dẫn đường đưa tôi đi khắp Cali tìm các cựu đồng nghiệp PH...
Trước đây, lúc mới liên lạc được với nhau, tôi đã đề nghị Diên xúc tiến làm một web cho PH, nhưng Diên có vẻ còn ngại ngần, vì sau khi thực hiện web Đại học Khoa học Sài Gòn với vài chuyện nhiêu khê, Diên hơi nản lòng... Nhưng trước  sự hăng say nhập cuộc của Sinh, Diên không còn do dự nữa: Trang Nhà đã được chính thức trình làng với sự góp bài sơ khởi của Nguyễn Xuân Hoàng và tôi, với sự hưởng ứng tiếp trợ của các anh Nguyễn Bát Tuấn (Úc), Nguyễn Khắc Minh (Texas), Nguyễn Sỹ Thân (San Jose) mà tôi và hai em Diên-Sinh đã bắt được liên lạc.

* * *

Vẫn biết vạn vật đều vô thường, phù du, tất cả rồi cũng qua đi, trở về cát bụi... Vẫn biết thế, nhưng tôi vẫn không đành lòng nhìn bao kỷ niệm đáng yêu mến, quí chuộng tàn phai theo năm tháng mà không lưu lại chút vết tích nào khả dĩ nhắc nhở dấu ấn chuyên biệt của Phục Hưng, một thuở...
Tỏ lộ tâm tình trên Trang Nhà, tôi cam lòng nghĩ rằng....
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá...
Có còn hơn không!
Có còn hơn không...

Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, Mùa Phục Sinh 2011
Lê Tấn Lộc