Sau 68 năm

Georges Orwell trở thành thời sự

Nguyễn thị Cỏ May

«Truyện siêu hay luôn, không ngờ lại được cho phép xuất bản ở Việt nam», ý kiến của độc giả. «Mình có nhìn nhằm không Trời?», trang Tuyên giáo, QĐND.
Đó là nhận xét của độc giả nhân dân và độc giả bộ đội về quyển "Trại súc vật" (Animal Farm - La Ferme des Animaux) của nhà văn Anh, George Orwell, xuất bản lần đầu tiên năm 1945. Sau đó, sách được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Pathé xuất bản năm 1947, dưới tựa là “Súc vật ở khắp nơi” (Les Animaux partout). Năm 1964, một bản dịch khác do nhà Gallimard xuất bản dưói tựa “Cộng Hòa Súc vật” (La République des Animaux). Qua năm 1981, nhà Champ Libre xuất bản với tựa mà ngày nay quen dùng «Trại súc vật" (Animal Farm - La ferme des Animaux).
"Trại Súc vật" và quyển sau đó, "1984" (Nineteen Eighty-Four), xuất bản năm 1948 nên George Orwell lấy làm tựa và đổi vị trí hai số 48 thành 84, đã làm cho tác giả nổi tiếng khắp thế giới. Số sách bán ở Mỹ nhiều hơn ở Âu châu.
Quyển «Trại súc vật" vừa được in lại ở Việt nam đã gây kinh ngạc không ít cho một số độc giả chọn lọc nên hiện nay, giới độc giả muốn quyển 1984 được xuất bản tìếp theo. Nhưng chưa có nhà xuất bản nào dám bỏ vốn ra đầu tư. Không chỉ sợ mất vốn mà còn sợ mất chức và đi tù tuy biết sách tung ra sẽ thu hút độc giả mạnh, sẽ bán hết sạch số lượng vài ngàn quyển trong thời gian ngắn nhứt.
Nhà xuất bản Công an Nhân dân xếp 5 quyển thuộc loại hay và có lời cổ động quan trọng: "Trước 30 tuổi mà không đọc những quyển này thì người đó sẽ không bao giờ trưởng thành được".
5 quyển đó là:
* Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse.
* 1984 của George Orwell.
* Giết con chim nhại của Harper Lee.
* A clockwork Orange của Anthony Burgess.
* For Whom the Tolls của ernest Hemingway.

“Trại Súc vật” hay “Cộng Hòa Súc vật”, tựa này có vẻ hay hơn, như nói Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa, là loại tiểu thuyết giả tưởng thuật lại chuyện súc vật nắm quyền trong một trang trại và trục xuất con người ra khỏi trang trại.
Thật ra, sách nhằm phê bình chủ thuyết xít-ta-lin (le stalinisme), và, môt cách rộng hơn, chủ thuyết toàn trị xuyên qua hình ảnh những con heo chà đạp những nguyên tắc bình đẳng vừa được thiết lập sau cuộc nổi dậy chống lại con người, và lần lần xây dựng một hệ thống đàn áp và khai thác làm cho những súc vật khác trở thành nạn nhơn.
“Trại Súc vật” chỉ là một quyển sách nhỏ, lối 150 trang, tùy theo ấn bản và khổ giấy, có thể đưọc tóm tắt sơ lược:
Lợi dụng lúc trại chủ đi ngủ, súc vật trong trại họp nhau lại trong nhà kho để nghe heo lãnh tụ nói chuyện. Heo mới là thành phần thông minh hơn hết. Diễn giả kích động đồng loại nội loạn chống lại con vật duy nhứt chỉ biết tiêu thụ mà không sản xuất và lại khai thác tất cả loài vật khác. Đó là con người. Heo lãnh tụ quả thật đúng là nhà tiên tri (Prophète). Hắn rút ra từ những nguyên tắc này một chủ thuyết, gọi là “súc vật chủ nghĩa ”. Vừa chợt nhớ lại một bài hát xưa loan báo về thời hoàng kim của loài vật, heo lãnh tụ hát lên và tất cả đều đồng loạt hát theo đầy nhiệt tình, cho đến khi tiếng ồn đánh thức chủ trại. Thấy như có con chồn, ông bắn con chồn. Heo lãnh tụ chết. Ba heo khác nhờ biết đọc, cố gắng huấn luyện các súc vật khác.
Chúng dạy đánh vần và dạy “súc vật chủ nghĩa” để đặt nền tảng cho "cách mạng”.
Nhơn vật chánh trong truyện như Sage l’Ancien, qua hình ảnh một con heo lớn tuổi, thuôc giống Middle White, gây nổi loạn. Nó tiêu biểu cho một kết hợp của Các Mác và Lê-nin. Dựa trên ý nghĩa này, heo lãnh tụ nghĩ ra những nguyên tắc xách động cách mạng và sau cùng thân xác của hắn sẽ được tặng cho dân chúng sùng bái.
Nhơn vật Napoléon là heo to lớn thuộc giống Berkshire, hung tợn, ám chỉ Joseph Staline. Napoléon là nhơn vật hung dữ trong truyện.
Boule de neige, đối thủ của Napoléon và là Sếp thứ nhứt của trang trại, sau khi đã hạ bệ trại chủ Jones. Nó đại diện cho Léon Trotsky.
Brille-Babil là con heo trắng, trợ lý cho Napoléon và làm Bộ trưởng Tuyên truyền, vai trò này làm cho hắn gần gủi với Viatcheslav Molotov.
Minimus là con heo thi sĩ có nhiệm vụ viết quốc ca mới, Đồng chí Napoléon, bản Liên-xô ca sẽ thay thế bản Quốc tế ca.
Những chú heo nhỏ, có thể là con cái của Napoléon, sẽ là thế hệ đầu tiên được dạy về lý thuyết bất bình đẳng giữa các loài súc vật với nhau.
Còn bốn chú heo con than phiền Napoléon muốn kiểm soát trang trại. Chúng nó sẽ bị hành quyết, ám chỉ những vụ hành quyết trong giai đoạn cuộc Đại Thanh trừng của Grigori Zinoviev, Lev Kamenev, Nicolaï Boukharine và Alexï Rykov.
Bình thường đoc "Trại Súc vật" thì ai cũng hiểu đây là truyện mượn hình thức giả tưởng để nói về chế độ cộng sản độc tài ở Liên-xô. Thiếu sự rung động mạnh. Phải có hoàn cảnh lịch sử thì đọc sẽ thấy khác hẳn đi, mặc dầu đã đọc qua rồi.
Đó là trường hợp của một nhóm người ở Sài gòn, sau 30/4, may mắn chỉ còn công ăn mà không có việc làm, rổi rảnh đi lêu bêu cả ngày, ai có sẳn hoặc chốp được «Trại Súc vật" đọc xong, chuyền tay nhau đọc. Với điều kiện một chầu cà-phê sữa dưới gốc me đường Trần Quí Cáp. Thân sơ gì cũng phải chấp nhận điều kiện ắt có này. Quyển thứ hai là "Trại Đầm Đùn", tiểu thuyết phóng sự của Trần văn Thái. Quyển này bằng tiếng Việt. Quyển kế tiếp là «Ba Người con gái của Lương phu nhơn", bản dịch truyện của Pearl Buck.
Những quyển này, chỉ một thời gian sau, nó bị nhào nát, giấy gần biến thành bột nhưng vẫn còn khách hàng hâm mộ ghi tên chờ đợi. Có người đã đọc qua rồi nhưng vẫn muốn đọc lại. Khi đọc lại, ai cũng thấy sao nó hay quá. Đúng quá. Cả chuyện bên Tàu sao nó cũng gợi cho ta hình ảnh xã hội bên ta trong những ngày tới.

1984
Bản tiếng Anh, lần xuất bản đầu tiên do nhà Secker and Warburg, có tựa là «Nineteen Eighty-Four" nhưng những ấn bản sau mang tựa con số ngắn gọn hơn "1984". Bản dịchPpháp văn chỉ có tựa 1984. Ai đã đọc qua «Trại Súc vật" mà chưa đọc «1984» là một thiếu sót đáng tiếc. Giờ đây hãy tìm đọc kẻo phải tiếc hoài.
Độc giả ở Mỹ đầu năm nay nồng nhiệt tìm đọc 1984 vì có hiện tượng Trump.
Từ hôm 20 tháng giêng, quyển 1984 tái xuất hiện như một best-sellers trên thị trường sách của Mỹ. Có hôm, quyển 1984 dẫn đầu số sách bán được trên Site Amazon, lên tới 47000 quyển.
Tại sao có hiện tượng này? Rất đơn giản. Ở việc ông Trump đắc cử Tổng thống Huê kỳ !
Ông Sean Spicer, phát ngôn nhơn của Tổng Thống đắc cử Donald Trump, loan báo có một số dân chúng lớn nhứt từ trước giờ trong lịch sử Huê kỳ tham dự lễ nhậm chức Tổng thống. Trong một buổi họp báo, ông Sean Spicer nói rõ hơn "Đó là một số người đông đảo chưa từng thấy trong một lễ Tổng thống nhậm chức như vậy. Chúng tôi biết có tới 420000 người đã xử dụng métro. Trước đó, trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama, chỉ có 317000 người". Sean Spicer trước đó cũng tuyên bố hôm thứ sáu đã có tới hơn một triệu người tụ tập lại ở Hoa-Thạnh-đốn.
Nhưng những con số của Sean Spicer liền bị báo chí và chuyên viên truyền thông đính chánh. Để bênh vực đồng nghiệp, bà Kellyanne Conway, Cố vấn của Donald Trump, vội lên tiếng sửa sai "Ông Sean Spicer ý muốn nói "sự việc gần như vậy" mà thôi. Bà lại dùng "alternative facts" (faits alternatifs). Thành ngữ "alternative facts” liền được truyền thông chụp ngay, nhắc lại 68 năm trước, đã được tác giả quyển 1984 dùng để chỉ cộng sản nói dối.
Theo nhà tâm lý học Marilyn Wedge trả lời Site Psychology Today thì giữa truyện "1984" và chánh sách của ông Trump, có một sự liên hệ rõ ràng. Ông ta muốn làm cho chúng ta tin ở điều ông ta và người của ông ta nói hơn là sự thật. Cũng trong tuần đó, ông Sean Spicer tiếp tục tố cáo báo chí loan báo những thông tin sai lạc, lập luận rằng những nhiếp ảnh viên đã cố ý hướng máy hình nhằm làm giảm số lượng người tham dự ủng hộ Tổng thống đắc cử đứng đông nghẹt trước National Mall.
Trong quyển 1984, George Orwell tưởng tượng lịch sử năm 1984 diễn ra ở Luân-đôn. Thế gìới chia làm 3 vùng lớn đang chiến tranh. Cả 3 vùng đều đặt dưới chế độ toàn trị do cộng sản cai trị. Lúc đầu, các đảng cộng sản đều hô hào giải phóng giai cấp vô sản. Nhơn vật chánh là Winston Smith làm việc ở Bộ Sự thật nơi đây ông rà soát lại lịch sử để thay đổi cho nó phù hợp với đường lối của Đảng. Smith là một nhơn vật sáng suốt đáp ứng đúng chánh sách của Đảng nhưng ông dấu kín quan điểm của ông.
Ông mô tả xã hội chung quanh ông toàn là sự chỉ điểm, phủ nhận giới tính và mọi thứ cảm giác trong quan hệ nam-nữ, đầy rẫy công an tư tưởng và theo dõi từng lời nói của nhơn dân và nhứt là sự giám sát của Đồng chí Lớn (Big Brother), một hệ thống Caméra, biến cá nhơn thành con số không và cô lập nó. Nhưng khi gặp một phụ nữ, Julia, Smith bắt đầu vi phạm luật đảng. Họ làm tình với nhau và mơ ước một cuộc nổi dậy của nhơn dân. Bị một người bạn phản bội, cả hai bị bắt, bị tra tấn và cải tạo. Đảng khống chế trọn vẹn Smith vì Smith bỏ rơi Julia.
Xã hội mà George Well mô tả trong truyện 1984 là xã hội Âu châu đầu thập niên 50. Ông muốn đánh thức độc giả Tây Âu về hiểm họa cộng sản.
Đống chí Lớn có mặt trong từng nhà, từng căn phố. Không gian công và tư vì đó được sáp nhập chung lại làm một. Trẻ con được giáo dục làm tình báo và tố cáo cha mẹ chúng. Đời sống ái ân bị trừng phạt vì cảm xúc ái ân là biểu hiện bản chất cá nhơn tính. Ngoài sự kiểm soát đời sống tâm sinh lý, Đảng còn kiểm soát ngoại hình hay thái độ của nhơn dân, như một nét nhăn mặt tỏ vẻ bất mãn có thể bị công an bắt.
Dân chúng bị bắt buộc lao động cật lực để như vậy duy trì mọi người trong tình trạng mệt lả, điều này sẽ làm tăng khả năng khuất phục của họ. Sự tra tấn rất phổ biến, điều này có nghĩa là thân thể của cá nhơn thuộc về Nhà nước. Đồng thời, lịch sử cũng được kiểm soát vì Đảng viết lại sử liệu.
"1984" là tiểu thuyết giả tưởng nhưng nó có nội dung hoàn toàn phù hợp với thực tế xã hội cộng sản. Phải chăng George Orwell muốn cảnh báo thế giới tự do hiện tượng cộng sản do Mao nắm được chánh quyền ở Tàu năm 1949 và cộng sản bắt đầu bành trướng, đi thôn tính thế giới.
Ở Pháp, đa số trí thức đều chạy theo cộng sản. Khi năm 68, dân chúng Tiệp biểu tình ở Prague, Liên-xô đưa xe tăng qua đàn áp, tàn sát dân biểu tình như cỏ rác, trí thức Pháp mới bắt đầu ê càng.
Ở Sài gòn sau 30/4, lén đọc được «Trại Súc vật» lấy làm thú vị tuy thật sự chưa thắm đủ mùi vị cộng sản vì hãy còn sớm. Ngày nay, người dân đã trải nghiệm thực tế cộng sản đầy đủ, qua các chiều kích, nên đã không còn sợ như trước đây. Họ biểu lộ công khai thái độ khi dễ, khinh rẻ đảng cộng sản.
Từ sự sợ hãi, lén lút đến công khai ra mặt không sợ nữa, phải mất 40 năm.
Vậy từ không sợ tới hành động chống đối, giành lại quyền sống của mình đã bị cộng sản cướp đoạt phải mất bao nhiêu năm nữa?

Nguyễn thị Cỏ May


Đọc lại “Trại súc vật”

Christopher Hitchens

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Vẫn bị nhiều chế độ trên thế giới cấm đoán, Trại súc vật (Animal Farm) luôn là khối thuốc nổ chính trị – đến nỗi suýt chút nữa tác phẩm này đã không bao giờ được xuất bản. Christopher Hitchens bàn về “truyện cổ tích”vượt thời gian, siêu việt của George Orwell.
Trại súc vật, theo lời của chính tác giả, “là cuốn sách đầu tiên mà trong đó tôi đã cố hòa quyện mục đích chính trị và mục đích nghệ thuật thành một, và tôi hoàn toàn ý thức rõ mình đang làm gì”. Và quả thực những trang sách của tác phẩm này tổng hợp nhiều chủ đề trong số những chủ đề mà xưa nay chúng ta đã đúc kết là “mang tính Orwell”.[i] Trong số những chủ đề này có nỗi căm ghét bạo chúa, tình yêu thương loài vật và miền đồng quê nước Anh, và sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với những truyện ngụ ngôn trào phúng của Jonathan Swift. Ta có thể lồng thêm vào danh sách này ước nguyện thiết tha của Orwell muốn nhìn đời từ góc độ của tuổi thơ ấu trong trắng: ông vẫn hằng mong được làm cha và, do sợ mình bị vô sinh, ông đã nhận một cậu bé làm con nuôi trước khi người vợ đầu của ông qua đời rất lâu. Cái tiểu đề có phần châm biếm của cuốn tiểu thuyết này là “Truyện cổ tích”, và Orwell rất vui khi nghe những người bạn như Malcolm Muggeridge và Sir Herbert Read kể con họ rất thích đọc cuốn sách này.
Giống như phần lớn những tác phẩm về sau của ông – đáng chú ý nhất là cuốn Một chín tám tư (Nineteen Eighty-Four) cay nghiệt hơn – Trại súc vật là sản phẩm của việc Orwell tham gia cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Trong cuộc xung đột đó, ông chiến đấu trong hàng ngũ phe chống phát xít và bị thương rồi bị phe ủng hộ Stalin rượt đuổi khỏi Tây Ban Nha. Những kinh nghiệm từ cuộc chiến đó đã khiến ông tin rằng đa số quan điểm “phái tả” là sai lầm, và Liên Xô là một dạng địa ngục mới, chứ không phải một thiên đường utopia sắp mở ra. Ông mô tả căn nguyên của ý tưởng này trong một trong hai lời giới thiệu cuốn sách này:
…Trong mười năm qua, tôi đã tin rằng rất cần phá bỏ huyền thoại Xô viết nếu chúng ta muốn hồi sinh phong trào xã hội chủ nghĩa. Lúc hồi hương từ Tây Ban Nha, tôi đã nghĩ đến việc vạch trần huyền thoại Xô viết bằng một câu chuyện mà gần như bất cứ ai cũng dễ dàng hiểu được… Tuy nhiên, những tình tiết thật sự của câu chuyện này mãi về sau mới nảy ra trong đầu tôi. Một hôm (lúc đó tôi đang sống ở một làng nhỏ), tôi thấy một cậu bé, chừng mười tuổi, đánh chiếc xe ngựa lớn trên con đường chật hẹp, thẳng tay quật roi mỗi khi con ngựa cố rẽ ngang. Tôi chợt nghĩ rằng chẳng may mà những con vật đó biết rõ sức mạnh của chúng, chúng ta đừng hòng chế ngự được chúng, và nhận ra rằng con người bóc lột loài vật hệt như kiểu người giàu bóc lột giai cấp vô sản.
Tôi bắt tay vào phân tích học thuyết của Marx từ góc độ của loài vật.
Tính đơn giản của khái niệm này dễ bị hiểu lầm theo nhiều cách. Khi dấn thân vào một việc như vậy, Orwell chọn con đường can dự vào một cuộc tranh luận phức tạp và quyết liệt về cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga: thời đó là một vấn đề gây tranh cãi nhiều hơn hiện nay. Trại súc vật có thể được hiểu rõ hơn nếu được tiếp cận theo ba đề mục khác nhau: bối cảnh lịch sử của tác phẩm; cuộc đấu tranh xung quanh việc xuất bản tác phẩm và chuyện về sau tác phẩm được dùng như một vũ khí văn hóa trong Chiến tranh Lạnh; và việc đến tận ngày nay tác phẩm vẫn hợp thời.
Cuốn sách được viết ở thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Thế giới thứ hai, và ở thời điểm hiệp ước giữa Stalin và Hitler đã bị thay thế đột ngột bằng một liên minh giữa Stalin và đế chế Anh. London đang bị Đức Quốc xã ném bom, và bản thảo cuốn tiểu thuyết này phải được cứu ra khỏi đống hoang tàn sau khi căn nhà của Orwell ở phía bắc London bị san bằng.
Lối hành xử tráo trở khi Stalin chuyển từ phe này sang phe kia chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với Orwell; lúc đó ông đã quen với sự bất lương và tính tàn bạo của chế độ Xô viết. Điều đó khiến ông nằm trong một nhóm nhỏ thiểu số, cả ở nước Anh chính thống lẫn trong phái tả ở Anh.
Với một vài thay đổi nhỏ về trình tự của các sự kiện, diễn biến câu chuyện gần giống với số phận của thế hệ 1917 ở Nga. Như vậy kế hoạch cách mạng vĩ đại của con lợn kỳ cựu Thủ Lĩnh [Old Major][ii] (Karl Marx) thoạt đầu được gần như tất cả các loài vật nhiệt tình áp dụng, dẫn đến việc lật đổ Nông Dân Jones (Nga hoàng), việc đánh bại những người nông dân khác đến chi viện cho ông Jones (những cuộc xâm lấn Nga của phương Tây trong hai năm 1918–1919 mà hiện nay người ta đã quên) và việc thành lập một nhà nước kiểu mẫu mới. Trong một thời gian ngắn, những con vật mới thông minh hơn và tàn ác hơn – đương nhiên chính là lũ lợn – đặt những con vật khác dưới sự cai trị độc tài của chúng và sống thụ hưởng như quý tộc.
Lũ lợn tất yếu sẽ đến lúc có bất đồng nội bộ. Có thể dễ dàng nhận ra những lực lượng xã hội được đại diện bằng những con vật khác nhau – con tuấn mã Chiến Sĩ [Boxer] là hiện thân của giai cấp lao động, con quạ Moses là Giáo hội Chính thống Nga– cũng như những nhân vật dễ nhận diện do những con lợn khác nhau đóng vai. Sự kình địch giữa Napoleon (Stalin) và Tuyết Tròn [Snowball] (Trotsky) kết thúc bằng việc lưu đày của Tuyết Tròn, và sau đó là nỗ lực xóa sổ Tuyết Tròn khỏi ký ức của trại súc vật. Stalin đã cho người sát hại Trotsky đang lưu vong ở Mexico chưa đầy ba năm trước khi Orwell bắt tay vào viết cuốn sách này.
Một số chi tiết nhỏ hơn chính xác đến tỉ mỉ. Do tình thế cấp bách của chiến tranh, Stalin đã có nhiều nhượng bộ mang tính cơ hội. Ông đã thu phục Giáo hội Chính thống Nga về phe với mình, để càng dễ khoác lên mình cái áo yêu nước, và ông sẽ từ bỏ “Quốc tế ca” vì bài hát chính thức từ xưa của phong trào xã hội chủ nghĩa có vẻ quá khiêu khích đối với những đồng minh tư bản chủ nghĩa mới của ông ở London và Washington. Trong Trại súc vật, con quạ Moses được phép lên tiếng trở lại khi khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, và đám dê cùng lũ ngựa cùng đàn gà nghèo khổ bị bóc lột được bảo là bài ca chúng hằng yêu quý “Súc sinh Anh quốc” [Beasts of England] sẽ không còn được phép hát nữa.
Tuy nhiên có một sự bỏ sót rất đáng chú ý. Có lợn Stalin và lợn Trotsky, nhưng không có lợn Lenin. Tương tự, trong Một chín tám tư, ta chỉ bắt gặp Anh Cả Stalin và một Emmanuel Goldstein Trotsky. Dường như lúc đó chẳng ai chỉ ra điều này (và có thể nói, kể từ đó đến nay, chẳng có ai ngoài tôi chỉ ra điều đó; tôi mất nhiều năm mới nhận ra điều rành rành trước mắt như thế).
Việc cuốn tiểu thuyết này suýt bị xếp xó không được xuất bản thật đáng suy gẫm. Sau khi thoát được trận oanh tạc của Hitler, bản thảo tơi tả được gởi đến văn phòng của TS Eliot, lúc đó là một biên tập viên quan trọng của nhà xuất bản Faber & Faber. Eliot, một người quen khá thân thiện của Orwell, là người bảo thủ về chính trị và văn hóa, nếu không muốn nói là phản động. Song, có lẽ chịu ảnh hưởng của liên minh giữa nước Anh và Moskva, ông đã từ chối cho in sách với lý do là sách quá nặng “tính Trotsky”. Ông cũng bảo Orwell rằng việc Orwell chọn lũ lợn làm kẻ cầm quyền là lựa chọn đáng tiếc, và độc giả có thể kết luận rằng cần phải có “thêm những con lợn có tinh thần phục vụ công chúng”. Nhận xét này có lẽ không ngu xuẩn bằng lời từ chối mà Orwell nhận được từ nhà Dial Press ở in New York; họ trịnh trọng thông báo với ông là truyện về súc vật không có thị trường ở Mỹ. Mà đó lại là nhận xét từ xứ sở của Disney…
Tình đoàn kết thời chiến giữa Đảng Bảo thủ Anh và Đảng Cộng sản Liên Xô cũng nhận được sự bảo vệ tích cực của Peter Smollett, một quan chức cao cấp trong Bộ Thông tin, và người sau này bị vạch trần là gián điệp cho Liên Xô. Smollett tự thân khuyến cáo một số nhà xuất bản từ chối bản thảo, vì thế Trại súc vật không được chấp nhận ở những hãng xuất bản danh tiếng của Victor Gollancz và Jonathan Cape. Có lúc Orwell đã nghĩ đến việc tự in sách với sự giúp đỡ của người bạn Paul Potts, nhà thơ cấp tiến người Canada; nếu vậy, đó có lẽ là một trường hợp tiên phong của trào lưu tự xuất bản hay samizdat (in và phát hành lén lút) chống Liên Xô. Ông thậm chí còn viết một tiểu luận đầy phẫn nộ với tựa đề “Tự do Báo chí” (The Freedom of the Press), dự kiến đưa vào làm lời giới thiệu: tiểu luận này mãi đến năm 1972 mới được phát hiện và in. Rốt cuộc, danh dự của ngành xuất bản được cứu vãn bởi công ty xuất bản nhỏ Secker & Warburg: năm 1945, công ty này ấn hành một số lượng rất hạn chế và trả cho Orwell 45 bảng Anh.
Rất có thể câu chuyện này đã có kết cuộc đáng thất vọng như vậy, nhưng hai diễn biến về sau đã giúp cho tiểu thuyết này có vị trí trong lịch sử. Một nhóm những nhà xã hội chủ nghĩa Ukraina và Ba Lan, lúc đó đang sống trong các trại tị nạn ở Châu Âu hậu chiến, tìm thấy một bản tiếng Anh và thấy cuốn sách là một truyện ngụ ngôn thể hiện gần như hoàn hảo kinh nghiệm của chính họ không lâu trước đó. Ihor Sevcenko, thủ lĩnh biết tiếng Anh nhờ tự học và dịch giả của nhóm này, tìm được địa chỉ của Orwell và viết thư xin phép ông cho dịch Trại súc vật sang tiếng Ukraina. Ông nói với Orwell rằng nhiều nạn nhân của Stalin vẫn tự xem mình là người của phe xã hội chủ nghĩa, và không tin tưởng một trí thức của phái hữu nói lên cảm xúc của họ. “Họ vô cùng xúc động trước những cảnh như cảnh những con vật hát vang bài ‘Súc sinh Anh Quốc’ trên đồi… Họ rất cảm kích trước những giá trị ‘tuyệt đối’ của cuốn sách”. Orwell đồng ý cấp bản quyền xuất bản miễn phí (ông cũng làm vậy đối với những ấn bản về sau bằng nhiều ngôn ngữ Đông Âu). Thật cảm động khi hình dung những cựu quân nhân và cựu tù nhân đã chai lì qua trận mạc, sau khi vượt qua được bao thiếu thốn của mặt trận phía đông, nay lại mủi lòng trước hình ảnh những con vật ở nông trại nước Anh cất tiếng ca bài hát được xem là phiên bản của bài “Quốc tế ca” đã bị bãi bỏ, nhưng đây chỉ mới là một ví dụ ban đầu của tầm ảnh hưởng mà cuốn sách sẽ có đối với độc giả. Giới chức quân sự Mỹ ở Châu Âu thì không dễ mủi lòng đến thế: tìm được bản in nào của cuốn Trại súc vật là họ gom hết rồi giao cho Hồng quân để đốt. Liên minh giữa những người nông dân và lũ lợn, được mô tả đậm nét đến mức ám ảnh ở những trang cuối sách, vẫn còn hiệu lực.
Nhưng ở cảnh kết thúc có phần chua cay, thường được người ta nhớ nhất về chuyện không thể phân biệt được đâu là người đâu là lợn, Orwell đã tiên đoán, cũng nhưng trong những dịp khác, rằng tình bạn giả tạo bề ngoài giữa Đông và Tây sẽ không tồn tại được lâu sau khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại. Chiến tranh Lạnh, cụm từ mà chính Orwell là người đầu tiên dùng trong sách in, nhanh chóng tạo ra một bầu không khí ý thức hệ khác hẳn. Điều này lại quyết định cách tiếp nhận Trại súc vật ở Mỹ. Ban đầu bị Angus Cameron, người có cảm tình với cộng sản ở nhà xuất bản Random House, từ chối, tác phẩm tưởng đã chìm vào quên lãng được Frank Morley của nhà Harcourt, Brace, cứu vớt. Khi thăm nước Anh, Frank Morley tình cờ bắt gặp cuốn tiểu thuyết này trong một hiệu sách ở Cambridge, và ông rất mê. Việc xuất bản [ở Mỹ] lại gặp hai cái phúc: Edmund Wilson viết một bài điểm sách đầy thiện cảm cho tạp chí The New Yorker, so sánh tài năng trào phúng của Orwell với tác phẩm của Swift và Voltaire, và Câu lạc bộ Sách tiêu biểu trong tháng đã chọn Trại súc vật là đầu sách chính, nhờ đó sách được in tới gần nửa triệu bản. Bất chấp sự ngu xuẩn của nhà xuất bản Dial Press, công ty Walt Disney đề xuất chuyển thể sách thành phim. Phim này đã không được dựng, dù về sau CIA có sản xuất và phát hành một bộ phim hoạt hình Trại súc vật dùng để tuyên truyền. Đến lúc Orwell mất vào tháng Giêng năm 1950, sau khi vừa mới viết xong Một chín tám tư, ông rốt cuộc đã có danh tiếng quốc tế và nhiều lần phải viết lời phủ nhận trách nhiệm về việc phái hữu ở Mỹ sử dụng tác phẩm của ông.
Có lẽ câu nổi tiếng nhất từ tiểu thuyết này là việc lũ lợn phủ nhận khẩu hiệu ban đầu “Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng” bằng cách thêm ý mới “Nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác”. Khi chủ nghĩa cộng sản ở Nga và Đông Âu càng ngày càng lộ rõ bộ mặt của một hệ thống “giai cấp mới”, với những đặc quyền phi lý đến lố bịch dành cho giới chóp bu cầm quyền trong khi đa số thường dân cắn răng sống lê sống lết cho hết một kiếp tầm thường, ảnh hưởng đạo đức của tác phẩm Orwell – đơn giản đến mức rất dễ hiểu và dễ dịch, đúng y như ông đã hy vọng – trở thành một trong nhiều động lực không thể định lượng được làm xói mòn chủ nghĩa cộng sản cả về mặt hệ thống lẫn về mặt ý thức hệ. Ảnh hưởng này dần dần lan sang Châu Á. Tôi nhớ một người bạn cộng sản của tôi gọi điện cho tôi từ Trung Quốc khi Đặng Tiểu Bình công bố “những cải cách” mà sau này đã khơi mào cái mà bây giờ chúng ta gọi là chủ nghĩa tư bản Trung Quốc. “Nông dân phải giàu lên”, vị lãnh tụ Đảng tuyên bố, “và một số người sẽ giàu hơn những người khác”. Đồng chí của tôi gọi điện nói rằng có lẽ Orwell suy cho cùng cũng có lý. Đến nay, Trại súc vật vẫn chưa được xuất bản hợp pháp ở Trung Quốc, Miến Điện hay vùng hoang tàn về đạo đức Bắc Triều Tiên, nhưng rồi sẽ đến ngày tác phẩm này xuất hiện ở cả ba xã hội này, nơi mà nó chắc chắn sẽ được chào đón với cảm giác sửng sốt khi người ta nhận thấy nó vẫn còn có khả năng tạo cảm hứng.
Ở Zimbabwe, khi ách cai trị của bè lũ tham nhũng thối nát của Robert Mugabe ngày càng trở nên quá sức chịu đựng, một tờ báo đối lập nắm lấy cơ hội in lại Trại súc vật dưới dạng truyện nhiều kỳ. Tờ báo đăng truyện mà không bình phẩm gì, ngoại trừ trường hợp một trong những hình minh họa kèm theo vẽ tên độc tài Napoleon mang cặp kính có gọng sừng đen đặc trưng của chính nhà lãnh đạo Zimbabwe. Tòa soạn tờ báo này ít lâu sau đó bị đánh bom, nhưng chẳng bao lâu nữa trẻ em Zimbabwe cũng sẽ có thể thưởng thức cuốn sách này đúng như bản chất của nó.
Ở thế giới Hồi giáo, nhiều nước tiếp tục cấm Trại súc vật, với lý do bề ngoài là sách nhấn mạnh đến lợn. Rõ ràng đây không thể là toàn bộ lý do – nếu chỉ vì bè lũ lợn được khắc họa với một sắc màu rất thiếu thiện cảm – và dưới chế độ chuyên chế thần quyền của Iran, sách bị cấm vì những lý do liên quan đến thông điệp “cách mạng bị phản bội” trong sách.
Câu chuyện nhỏ này có một tính chất vượt thời gian, thậm chí siêu việt. Tính chất này được thể hiện khi Thủ Lĩnh [Old Major] kể cho đám thính giả trầm lặng và buồn bã gồm những súc vật đã làm việc quá sức về một thời xa xưa, khi loài vật biết đến khả năng có một thế giới không có các ông chủ, và khi trong một giấc mơ nó nhớ lại lời và điệu nhạc của một bài hát tự do gần như đã bị lãng quên. Orwell có cảm tình với truyền thống cách mạng Tin Lành ở Anh, và lời biện minh ưa thích của ông được trích từ John Milton, người đã bày tỏ quan điểm “Theo những quy luật đã biết của quyền tự do cổ xưa”.[iii] Trong tâm trí tất cả mọi người – có lẽ đặc biệt là trong tâm trí trẻ em – có một cảm nhận là cuộc sống không nhất thiết phải luôn luôn như thế, và những người Ukraina thiếu ăn sống sót qua chiến tranh, khi phản ứng trước tính xác thực của những vần thơ đó và trước điều gì đó ‘tuyệt đối” về tính chính trực của cuốn sách này, đang nghe câu thơ hùng hồn của Milton bất luận họ có hiểu trọn vẹn câu thơ đó hay không.
Tháng 3 14, 2013
______
Ảnh: Lừa và lũ lợn trong bộ phim Trại súc vật năm 1954. Ảnh: Halas & Batchelor
Nguồn:“Christopher Hitchens re-reads Animal Farm”, The Guardian, 17/4/2010
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra
[i] Cũng như nhiều tính từ phát sinh từ tên riêng của tác giả/học giả/nhân vật lịch sử, ví dụ như “Machiavellian” và “Freudian”, từ “Orwellian” mang nhiều nội hàm ngữ nghĩa và không thể dịch bằng một từ duy nhất trong tiếng Việt. Do ảnh hưởng lớn từ các tác phẩm của George Orwell, đặc biệt là Một chín tám tư và Trại súc vật, từ “Orwellian” thường dùng để mô tả một chế độ/nhà nước toàn trị và những nỗi kinh hoàng, và những tính chất hủy hoại cuộc sống an lành của một xã hội mở và tự do. (N.D.)
[ii] Tên các nhân vật lấy theo bản dịch Trại súc vật của Phạm Minh Ngọc (ở đây). Để tiện theo dõi, tên tiếng Anh được để trong dấu [].(N.D.)
[iii] Câu thơ này (By the known rules of ancient liberty) là câu thứ hai trong bài Sonnet XII của nhà thơ Anh John Milton (1608-1674). George Orwell trích lại câu này trong tiểu luận “Tự do Báo chí”. (N.D.)

http://www.procontra.asia

 


Cuộc phản công chống "Trại súc vật"

Kính Hòa, phóng viên RFA

Cuốn Animal Farm của George Orwell, bản tiếng Tiếng Việt.
Cuốn Animal Farm của George Orwell, bản tiếng Tiếng Việt. Courtesy MP's Facebook

Quyển tiểu thuyết Trại súc vật của văn hào Anh George Orwell được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Chuyện ở nông trại, chưa bao giờ bị chính thức kiểm duyệt. Gần đây có hai bài báo trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ trích quyển sách này.

Phê bình nhà văn Orwell
Tiểu thuyết viết theo thể loại ngụ ngôn của văn hào Anh George Orwell nhan đề The Animal Farm (Trại Súc Vật) được xuất bản tại Việt Nam vào năm ngoái với tựa đề Chuyện ở Nông trại. Quyển tiểu thuyết này châm biếm mô hình cộng sản của Liên Xô trong những năm 1940, và qua đó cảnh tỉnh mối nguy khi xã hội loài người bị dẫn dắt bởi những ảo tưởng cách mạng. Những ảo tưởng sẽ dẫn đến những cơ chế xã hội quái gỡ, trong đó thay vì được bình đẳng, con người sẽ bị trói buộc
khốc liệt hơn, bởi những kẻ nhân danh những lý tưởng cách mạng bình đẳng.
Các nhân vật heo, chó, ngựa, gà, vịt của Orwell đã làm một cuộc cách mạng chống lại ông chủ trang trại thành công. Các con thú đã xây dựng một xã hội mà tất cả các con thú đều bình đẳng. Cuối cùng thì giai cấp lãnh đạo là những con heo lại trở thành giai cấp thống trị mới với mọi quyền lợi, ăn trên ngồi trốc. Câu nói mỉa mai nhất trong quyển sách là, “Tất cả mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác.”
Đương nhiên quyển sách này bị cấm trong tất cả những quốc gia theo chủ nghĩa Marxism-Leninism, vì chủ nghĩa này được Orwell đưa vào câu chuyện, và nó chính là lý tưởng cách mạng của các con vật dẫn đầu bởi các con heo là giai cấp lãnh đạo.
Cuốn sách lại được xuất bản ở Việt Nam hồi cuối năm ngoái với nhan đề Chuyện ở nông trại. Việc xuất bản do Nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp cùng công ty văn hóa Nhã Nam. Việc đổi tựa sách này có vẻ được dùng để qua mặt kiểm duyệt.
Nhiều người đã đón nhận tác phẩm với nhiều tình cảm. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhân một bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân, đã viết trên blog của mình là:
“Cám ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh đã giới thiệu tuyệt phẩm Trại Súc vật để mà cùng nhân dân chống độc tài.”
Giáo sư Tương Lai cũng nói:
“Thật khâm phục tác giả, vì từ những năm 40 mà đã mô tả chính xác thế nào là độc tài toàn trị.”
Thế rồi hồi tháng ba năm nay, có tin đồn sách bị thu hồi. Bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân bị rút xuống. Vẫn không có tin chính thức về sự thu hồi ấy. Theo Giáo sư Tương lai và nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì người ta ngại nếu đưa lệnh thu hồi hay cấm đoán thì vô tình lại quảng cáo cho cuốn sách, cho nên có lẽ sự thu hồi đã diễn ra âm thầm.

Dư luận viên?
Cuối tháng ba trên trang mạng cand.com.vn xuất hiện bài viết của tác giả Hoàng Oanh nhan đề, Nhà văn Anh George Orwell: Lạc đàn chuyên nghiệp. Nội dung bài báo này phê bình chỉ trích nhà văn Orwell và tác phẩm Trại súc vật của ông.
Trong tháng tư, một bài báo khác xuất hiện trên PetroTimes nhan đề Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam của tác giả Trúc Vân. Nội dung bài báo này cũng chỉ trích quyển sách Trại súc vật mà công ty Nhã Nam đã ấn hành. Điều đặc biệt là trong hai bài báo trên hai tờ báo khác nhau, hai tên tác giả khác nhau, cách nhau gần một tháng lại có một đọan bình luận giống hệt nhau tới từng dấu phẩy:
Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau
Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau. (Tower/book)

“Điều đặc biệt là tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Vì thế, mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận.”
Chúng tôi hỏi chuyện dịch giả Phạm Nguyên Trường, tác giả của bản dịch Trại súc vật lưu hành trên mạng rất lâu trước khi quyển Chuyện ở Nông trại được nhà xuất bản Hội nhà văn và công ty Nhã nam ấn hành. Ông cho biết là vẫn chẳng thấy lệnh cấm gì. Ông cũng phê bình hai tác giả của hai bài báo trên:
“Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này "đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận" ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó. Tôi cho là viết báo như thế là không có lương tâm, các đồng nghiệp và bạn đọc nên tẩy chay hai người này.”
Chúng tôi đã hỏi chuyện một người có trách nhiệm ở công ty văn hóa Nhã Nam thì được ông trả lời rằng:
“Tôi đã giải trình chuyện này, và tôi xin phép từ chối trả lời.”
Như vậy chuyện kiểm duyệt không công khai có khả năng có thật.
Chúng ta cũng nhớ rằng đầu năm nay khái niệm Dư luận viên lần đầu tiên được nêu lên công khai bởi các giới chức Việt nam, tức là những người được trả tiền để viết bài bảo vệ đảng cộng sản hay công kích những gì có nguy cơ ảnh hưởng đến sự đúng đắn hay chính danh của đảng cộng sản. Không rõ hai tác giả hai bài báo trên có phải là dư luận viên hay không. Nhưng qua câu chuyện Trại súc vật này thì hình như việc kiểm duyệt cứng rắn đã chuyển qua kiểm duyệt đằng sau. Và nếu như ngòi bút dư luận viên được sử dụng để hỗ trợ cho việc làm đó, thì nên chăng truyền thông nhà nước hãy mở rộng diễn đàn tranh luận để các dư luận viên được chính danh hơn mà so tài, chứ không nên múa gậy vườn hoang một mình.

http://www.rfa.org/vietnamese

 

 Đăng ngày 26 tháng 02.2017