Điểm sách

 

Lê Đình Thông giới thiệu:


LỊCH SỬ CHÍNH TRỊ CẬN ĐẠI VIỆT NAM


QUYỂN 1: NGÔ ĐÌNH DIỆM & BANG GIAO VIỆT MỸ

Tác giả: Tiến sĩ Sử học PHẠM VĂN LƯU


lich su vn can dai1Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Melbourne) vừa ấn hành quyển 1 trong bộ sách Lịch sử Chính trị Cận đại Việt Nam do Tiến sĩ Phạm Văn Lưu biên soạn. Toàn bộ công trình nghiên cứu được chia làm nhiều thời kỳ, quyển 1 nhan đề Ngô Đình Diệm và Bang giao Việt-Mỹ 1954-1963, dày 475 trang.
Sách bìa cứng, mạ vàng, có bao giấy bọc ngoài (jaquette) in quốc kỳ hai nước Việt-Mỹ, tổng thống Dwight D. Eisenhower (1890-1969) bắt tay tổng thống Ngô Đình Diệm (1901-1963).
Bìa sách nói lên nội dung cuốn sách nói về một thời hưng thịnh trong lịch sử cận đại nước ta, quan hệ Việt-Mỹ dựa trên nền tảng bình đẳng.

Quyền 1 gồm chín chương sách, không kể lời nói đầu, phần phụ lục và thư tịch chọn lọc.

Chương 1 : Chân dung Ngô Đình Diệm (tr. 1-26) gồm các mục: giới thiệu dòng họ và gia đình, giáo dục, tham chính, từ quan.
Quốc trưởng Bảo Đại nói về việc từ chức của ông Diệm như sau như sau: Sau bốn tháng, vào đầu tháng 9/1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy ở Phạm Quỳnh một sự giúp đỡ gì, liền gặp tôi:
- "Tâu Hoàng thượng, hạ thần đến để xin Hoàng thượng cho từ chức, và cũng xin Hoàng thượng cho giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà Hoàng thượng đã trao phó từ trước". (tr. 14)
Lý do từ quan vì "người Pháp đã lấy hết quyền hành, họ đã cai trị trực tiếp, luôn nhân danh hòa ước bảo hộ, nhưng không lúc nào họ không vi phạm từng ngày, từng giờ".
Việc tác giả Phạm Văn Lưu phác họa Chân dung Ngô Đình Diệm từ lúc sinh ra (1901) đến khi từ quan ở tuổi 32 (1933) đã định danh ông Diệm là nhà lãnh đạo (statesman) biết nghĩ đến thế hệ mai sau, không phải là chính khách (polician) màng công danh, lợi lộc cho riêng mình, theo định nghĩa của James Freeman Clarke (1810-1888): The difference between a politician and a statesman is that a politician thinks about the next election while the statesman think about the next generation.
Việc tác giả chép lại Chân dung Ngô Đình Diệm chứng minh sự nhất quán giữa quá khứ và tương lai trong một hành trình. Tác phẩm L’Existentialisme est un humanisme của Jean-Paul Sartre cũng tán thành quan điểm của Bergson khi cho rằng quá khứ ảnh hưởng đến hành động mai sau, tạo thành bản sắc của một nhân vật: mon identité se constitue au fur et à mesure de ces événements qui écrivent mon histoire et influencent la personne que je deviens.

Chương 2: Vận động cho Độc lập Quốc gia (tr. 27-52) bàn về Hoạt động chống thực dân, Bất hợp tác với quân phiệt Nhật, Đối đầu với cộng sản, Hoạt động chính trị ở hải ngoại, Viếng thăm Trung quốc, Qua Nhật, Triều yết Đức Giáo Hoàng tại La Mã, Trở lại Hoa Kỳ.
Tác giả Phạm Văn Lưu trích thuật một tài liệu của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói lên định hướng chiến lược của nhân vật lịch sử này như sau:
"...Ông Diệm cũng nhấn mạnh rằng Pháp không thể thắng cuộc chiến tranh này, chỉ có người Việt Quốc gia mới có thể làm được điều đó. Và họ chỉ thực sự chiến đấu nếu họ có thêm tự do". (tr. 50)
Jean-Paul Delfino cho rằng nắm giữ quyền bính đòi hỏi khả năng tiên liệu và dự kiến được sự việc trước người khác (gouverner c'est prévoir, et prévoir c'est concevoir les choses avant les autres). Ông Ngô Đình Diệm đã thấy trước người "Pháp không thể thắng cuộc chiến tranh này"; và đến lượt người Mỹ cũng sẽ cùng một số phận, vì "chỉ có người Việt quốc gia mới làm được điều đó". Ta có thể suy ra định lý đảo trong câu nói của Delfino: khả năng tiên liệu và quan niệm sự việc báo trước Ông Diệm sẽ lãnh đạo đất nước.

Chương 3: đề cập đến việc Thành lập Nội Các (tr. 53 - 72). Trong chương này, tác giả trích thuật nhận định của Quốc trưởng Bảo Đại về nhân vật sẽ trở thành Thủ tướng Quốc gia Việt Nam: Đúng vậy, đó là người của hoàn cảnh. (tr. 57).
Sau này, Paul Hersey và Kenneth Blanchard đưa ra lý thuyết nhà lãnh đạo giỏi phải biết lèo lái sao cho phù hợp với tình hình (leadership situationnel): gặp thời thế thế thời phải thế (Ngô Thì Nhậm). Theo phân tích xã hội học chính trị (sociologie politique), miền Nam năm 1954 lẫn lộn giữa các trật tự chính trị, kinh tế và xã hội, phát sinh nhiều nhóm thống trị (groupements de domination):
- Lực lượng cảnh sát do Bình Xuyên nắm giữ, khai thác sòng bạc Kim Chung Đại Thế giới.
- Mỗi giáo phái lại có lực lượng võ trang riêng.
Thực tế, lúc đó quyền hạn của thủ tướng Diệm không vượt quá khuôn viên của Dinh Gia Long (tr. 65). Tình hình năm 54 hậu quả của việc Pháp đô hộ chẳng khác nào thời thập nhị sứ quân (944-968), phát sinh từ việc xã hội bị phân hóa dưới thời Bắc thuộc. Cũng như Đinh Bộ Lĩnh kết hợp giữa quân sự và chính trị, thủ tướng Diệm áp dụng các biện pháp chính trị đối với Cao Đài ở miền Đông và dùng quân sự đối phó với Năm Lửa và Ba Cụt ở miền Tây (tr. 65). Bối cảnh đất nước vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này cho phép tác giả bàn đến chương kế tiếp.

Chương 4: Việt Nam sau Hội nghị Genève gồm các mục: Lập trường của Hoa Kỳ, Hiệp ước Phòng thủ Đông Nam Á, Mục tiêu của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hoa Kỳ yêu cầu Pháp hợp tác, Lập trường của Pháp.
Tác giả chia mối bang giao Việt-Mỹ từ 1954 - 1963 làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ 09/1954 đến cuối 1955): Hoa Kỳ muốn trắc nghiệm khả năng lãnh đạo của ông Diệm trong việc đối phó với tình hình nghiêm trọng của miền Nam. Nếu ông Diệm thành công, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ. Nếu thất bại, Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi ông Diệm.
- Giai đoạn 2 (từ đầu 1956 đến cuối 1960): Hoa Kỳ mạnh mẽ và hoàn toàn ủng hộ ông Diệm, xem ông Diệm là nhân vật duy nhất có thể xây dựng miền Nam thành điền đồn của Thế giới Tự do, ngăn chận hữu hiện sự bành trướng của làn sóng đỏ cộng sản.
- Giai đoạn 3 (từ đầu 1961 đến tháng 11/1963): Hoa Kỳ nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Diệm. Hoa Thịnh Đốn muốn sử dụng chính sách viện trợ để kiểm soát việc thi hành các biện pháp chính trị và quân sự của chính phủ Việt Nam. Điều này dẫn đến sự căng thẳng giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và chính quyền Kennedy. Để rồi Hoa Kỳ ủng hộ cuộc đảo chính 01/11/1963 để lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Thực ra, Hoa Kỳ không chỉ "ủng hộ" cuộc đảo chính, mà đã "bật đèn xanh" cho nhóm tướng lãnh (en 1963, l’administration Kennedy a donné le feu vert à des comploteurs de l’armée pour renverser le président sud-vietnamien Ngo Dinh Diem).

Chương 5: Chờ và xem (tr. 87-158) gồm các mục: Tướng Hinh và âm mưu đảo chính, Hội nghị Hoa Thịnh Đốn (09/1954), Phúc trình Mansfield, Đại sứ Heath quyết định Diệm phải ra đi. Collins trở thành Đại sứ tại Việt Nam, Collons lại đề nghị Diệm phải ra đi. Tranh chấp với Bình Xuyên và các Giáo phái, Ngoại trưởng Foster Dulles viếng thăm Saigon, Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia, Lập trường của Hoa Kỳ, Tòa Đại sứ Mỹ tại Saigon: Đã đến lúc phải thay Diệm. Ba Lê: Giải pháp Diệm đã cáo chung. Bảo Đại: Phan Huy Quát sẽ là Thủ tướng?

Chương 5 đưa ra những liên lạc ngoại giao chính yếu từ giai đoạn đầu năm 1954 đến cuối năm 1955 (tr. 158). Trong chương sách này, tác giả cung cấp một số sử liệu đã có từ trước (rétroactivement) nhằm chứng minh cho luận cứ của mình. Vì vậy, chương sách này không theo nguyên tắc tam nhất (la règle des trois unités), so với các chương trước.

Chương 6: Tích cực ủng hộ (1956-1960) (tr. 159-180) gồm các mục: Quan niệm chiến lược, Về hình thức việc trợ, Quân sự, Phương thức công khai, Dư luận Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm.
Cuối chương 6, tác giả nhắc lại một sự việc: tuy bác sĩ Phan Quang Đán dẫn đầu tại đơn vị bầu cử 1 tại Saigon với 33166 phiếu nhưng bị loại với lý do "vi phạm luật bầu cử". Công luận Hoa Kỳ bình luận bất lợi cho VNCH. Phụ tá Ngoại trường William B. Macomber đã lên tiếng bênh vực như sau: Tuy nền dân chủ đầy đủ với tất cả quyền tự do không được thực thi tại Việt Nam nhưng hạt giống dân chủ gieo trồng bắt đầu đem lại hoa trái. (tr. 174).

Chương 7: Duyệt lại chính sách 1961-1963 (tr. 181-242), gồm các mục: Nhóm Tự do và Tiến bộ hay là Nhóm Caravelle, Ảnh hưởng của Bản Tuyên ngôn, Cuộc Đảo chính hụt 11/11/1960, Hoa Kỳ thay đổi chính sách, Lực lượng Đặc nhiệm về Việt Nam, Phó Tổng thống Johnson đến Việt Nam, Phái đoàn Taylor-Rostow, Hoa Kỳ mở rộng ảnh hưởng, Nỗ lực vượt thoát lệ thuộc, Uy tín của Tổng thống Diệm suy giảm, Phái đoàn Hilsman và Forrestal, Mỹ muốn trung lập hoá miền Nam.
Tiến sĩ Phạm Văn Lưu giải thích về tình trạng suy thoái tình hình (dégradation de la situation) trong giai đoạn này như sau: Tóm lại, đến đầu năm 1963, có lẽ vì không hiểu được bản chất của cuộc chiến tranh khuynh đảo do cộng sản gây ra, cũng như những khác biệt về tư tưởng và phương pháp làm việc đã khiến cho hậu thuẫn chính trị của Tổng thống Diệm tại Hoa Thịnh Đốn đã giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt những người có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền Kennedy. Hơn nữa tính cương trực và quyết tâm muốn bảo vệ một đường lối chính trị độc lập cho Việt Nam của Tổng thống Diệm đã khiến cho những viên chức của bộ Ngoại giao càng có thêm lý do tiến tới quyết định Diệm phải ra đi. (tr. 241-242).
Đó là những lý do trực tiếp (causes immédiates) đưa đến cuộc chính biến 1963.

Chương 8: Bang giao căng thẳng (tr. 243 - 376) gồm các mục: Biến cố tại Huế, Công điện 9195, Cuộc rước Phật ngày 8/5, Lễ Phật tại Chùa Từ Đàm, Vụ nổ Đài Phát thanh Huế, Năm Nguyện vọng của Phật giáo, Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, Thể lệ treo cờ, Nguyên nhân sâu xa, Quan điểm của Hoa Kỳ, Khiếu nại của Phật giáo miền Trung, Từ Huế vào Saigon, Chính phủ nhượng bộ, Vụ Tự thiêu của Thượng tọa Thích Quảng Đức, Thông cáo chung 16/06/1963, Tranh đấu giai đoạn 2, Quân đội tham gia, Lệnh thiết quân luật, Bất lương và Dối trá, Dư luận về Biến cố đêm 20/08/1963, Đàng sau Phong trào Phật giáo, Hỗ trợ công khai và bí mật của cộng sản, Vai trò của báo chí Tây phương, Hoa Kỳ và âm mưu đảo chính, Điện văn đảo chính, Âm mưu đảo chính thất bại, Dư luận về âm mưu đảo chính, hòa giải hay áp lực, Đảo chính 01/11/1963, Chính quyền Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn, Về phía chính quyền Việt Nam, Ai là thủ phạm, Một chứng từ, Phải chăng là một mất mát?
Tác giả dành 143 trang cho chương này. Mỗi biến cố là thêm giọt nước làm tràn ly. Cơ cấu của lịch sử nói chung, nói riêng là lịch sử chính trị cận đại của đất nước bắt đầu bằng tình huống đầu (situation initiale) đưa đến yếu tố khởi động (élément déclencheur), tiếp theo là điểm mấu chốt (noeud) sau cùng là hồi chung cục (dénouement), kết thúc bằng tình huống cuối (situation finale).

Chương 9: Đông và Tây (tr. 377-428) gồm các mục: Quan niệm chính danh, Gia đình trị, Tùy thuộc vào thân nhân, Thiếu hiểu biết về Việt Nam, Ông Diệm là nhà độc tài? Ngô Đình Nhu? Quan niệm dân chủ.
Chương sách ngắn này nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề đưa đến cuộc chính biến 1963.
Tiến sĩ Phạm Văn Lưu đã sắp xếp các tình tiết để hình thành cuốn sách, theo phương pháp sử học: la mise en intrigue s’impose à tout historien. Tác giả làm công việc biên tu và khảo hiệu của quốc sử quán triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Việc biên tu đòi hỏi khoảng cách thời gian (từ 1963 đến 2016) và khách quan, theo quan điểm của triết gia Paul Ricoeur (1913-2005). Theo Charles Péguy, sử gia phải trung thực, chính trực, khiêm tốn. Lịch sử không là một khoa học, mà là khoa đạo đức: l’historien doit être probe, honnête, modeste. L’histoire n’est pas une science mais une éthique. (Charles Péguy, De la situation faite à l’histoire et à la sociologie dans les temps modernes, 4 novembre 1906, Troisième cahier de la huitième série, Œuvres en prose complètes, t. 3, Paris, Gallimard, Bibliothèque de la Pléiade, 1988, p. 489). Trong tác phẩm sử học của Tiến sĩ Phạm Văn Lưu, người ta nhận ra các yếu tố này.

Trong những tác phẩm sau này, mong rằng tác giả sẽ làm công việc biên tu, điều tra cặn kẽ. Trong cổ ngữ Hy Lạp; Ἱστορίαι (historíai) có nghĩa là điều tra (enquête), nhằm làm sáng tỏ một số nghi vấn liên hệ đến tiến trình mất nước bắt đầu từ 1963, kết thúc năm 1975.
Đành rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi chúng ta. Vấn đề đặt ra là tại sao nước Đức, Hàn Quốc, Đài Loan cũng cùng cảnh ngộ mà không bị cộng sản thôn tính? Tại sao trước 1975, các tỉnh mất an ninh như Phú Bổn lại tiêu thụ nhiên liệu và gạo rất cao, so với dân số? Tại sao xe tăng T-34, T-54 và xe tải Molotova lại có đủ nhiên liệu sử dụng tại chiến trường miền Nam? Tại sao trên một triệu bộ đội cộng sản chiến đấu tại miền Nam lại có đủ cơm ăn? Vai trò của phu nhân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân thủ tướng Trần Thiện Khiêm trong việc bán xăng gạo như thế nào? Nếu làm sáng tỏ các vấn đề này, hương linh biết bao người chết biển, chết trong tù ngục cộng sản sẽ được ngậm cười nơi chín suối.

Paris, tháng Tư 2017
Gs. Lê Đình Thông



Lê Thiên giới thiệu:

 

Tháng 11. 2016, Trung Tâm Việt Học đã cho phát hành tác phẩm:

Lịch Sử Chính Trị Việt Nam Cận Đại

Tập I: Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt Mỹ, 1954-1963

của Ts. Phạm Văn Lưu

Tôi hân hạnh được Trung Tâm Việt Học yêu cầu viết lời giới thiệu cho tác phẩm này
Trước đây tác phẩm này được xuất bản dưới nhan đề" Biến cố Chính trị Việt Nam hiện đại, 1954- 1963". Nhưng nay vì thời gian đủ để những biến cố này trở thành những sự kiện lịch sử. Vì thế, sách đã phải đổi tên. Lần tái bản này với phần hiệu đính và bổ sung khoảng 200 trang.

Đây là tác phẩm nói về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ thời thơ ấu, đi học cho tới khi tham chính, từ quan, xây dựng phong trào tranh đấu giành độc lập từ Bắc chí Nam, bất hợp tác với quân phiệt Nhật, chống cộng sản đồng thời chống thực dân Pháp, vận động độc lập cho Việt Nam ở hải ngoại, về nước lập chính phủ vào năm 1954, thu hồi độc lập từ tay người Pháp, xây dựng Đệ I Cộng Hòa Việt Nam, những khó khăn trong 9 năm cầm quyền và cuối cùng bị thảm sát vào ngày 2.11.1963.
Nhưng điều đáng nói và quan trọng hơn hết, là qua phần trình bày về cuộc đời của vị nguyên thủ quốc gia của nền Đệ I Cộng Hòa, Ts. Lưu đã dựa trên những tài liệu của chính phủ và quốc hội Pháp, cũng như những tài liệu mật và tối mật của Hoa Kỳ như những điện văn, thư từ trao đổi giữa Bộ Ngoại giao và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, giữa Bộ Quốc Phòng và cơ quan MACV tại Việt Nam, giữa CIA Hoa Thịnh Đốn và CIA tại Sài Gòn, những kế hoạch quân sự cùng những bản lượng giá về tình hình chiến sự của Ngũ Giác Đài, những biên bản của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và những bản ghi nhớ và những quyết định tối mật của Tòa Bạch Ốc và đặc biệt hơn nữa là tác giả đã phỏng vấn hầu hết những người trong cuộc, để rồi từ đó, trình bày một cách trung thực và đầy đủ về những biến cố quan trọng của đất nước trong "Lịch sử Chính trị Việt Nam cận đại" như:
Việc ký kết Hiệp định Vịnh Hạ Long, 1947, thiết lập Quốc Gia Việt Nam 1949, Hiệp Định Geneva 1954, Việc Hoa Kỳ can thiệp vào chiến trường Đông Dương, xây dựng nền Cộng Hòa đầu tiên cho Việt Nam 1955, cuộc tranh chấp giữa chính phủ và Bình Xuyên cùng các Giáo Phái Cao Đài và Hòa Hảo, những bất đồng gay gắt giữa Tổng Thống Diệm và các Đại Sứ Hoa Kỳ như Heath, Collins 1955, Đại Sứ Durbrow, 1960, Đại Sứ Lodge… Nhóm Trí Thức Caravelle và cuộc binh biến 1960, cuộc khủng hoảng Phật Giáo 1963 và sau cùng là cuộc đảo chánh đưa đến việc thảm sát Tổng Thống Diệm.
Và đặc biệt hơn nữa, dựa trên những tài liệu văn khố của Việt Nam và Hoa Kỳ, tác giả đã chứng tỏ sự thiếu trung thực, hay nói rõ hơn là sự dối trá được tiết lộ trong các tác phẩm hồi ký của các tướng lãnh như tướng Trần Văn Đôn và tướng Tôn Thất Đính…
Chính vì những ưu điểm trong biên tập của Ts Lưu như nêu trên mà các Giáo sư chuyên môn về lịch sử Đông Nam Á tại các Viện Đại Học Úc Châu đã không tiếc lời ca ngợi tác phẩm của Ts. Phạm văn Lưu như sau:

Giáo Sư Esta Ungar, nguyên Giáo Sư Sử Học, Viện Đại Học Tây Úc (UWA) nhận định:
Ts. Phạm Văn Lưu đã hình thành một tác phẩm quan trọng trong công cuộc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại và sẽ tiếp tục biểu hiện như một đóng góp đáng kể vào kiến thức của chúng ta về chính trị tôn giáo của Việt Nam trong thời gian tới. Nghiên cứu của ông cho thấy sự phức tạp của chính trị khu vực ở miền Nam Việt Nam cũng như các chính trị gia trong dòng họ Ngô Đình. Nhận định của ông về một giai đoạn lịch sử gây nhiều tranh cãi là khá quân bình.
Do tính chất tranh cãi của tài liệu, ông đã thận trọng trong việc so sánh các nguồn tài liệu và nêu rõ những giải thích mâu thuẫn khi ông tiến hành phân tích về từng khía cạnh trong tính năng động chính trị của cuộc khủng hoảng Phật giáo tại Việt Nam. Xét về nguồn thư tịch, sự phong phú về tài liệu của ông thật là đáng kể và bao gồm các cuộc phỏng vấn mà chưa bao giờ được công bố trước đây, cũng như các tài liệu này chưa bao giờ xuất hiện trong các tác phẩm Anh ngữ.
Thêm vào phần tổng hợp các tài liệu của chính phủ Mỹ, công trình nghiên cứu của ông thể hiện việc sử dụng xuất sắc nhất và toàn diện nhất cho đến nay, trong khối lượng lớn các tác phẩm được xuất bản sau năm 1975, bằng Việt ngữ ở hải ngoại về tình hình ở Nam Việt Nam trong trong thập niên 1960.
Dr. Pham Van Luu's research represents a major piece of research on modern Vietnamese history and will continue to stand as a substantial contribution to our knowledge on the\religious politics of Vietnam for some time to come. His research reveals the complexity of regional politics in South Vietnam as well as the family politics within the Ngo Dinh clan. His treatment of a very contentious historical period is remarkably well-balanced.
Given the contentious nature of the material, he remains scrupulous in comparing sources and pointing up conflicting interpretations as he proceeds with his analysis of each aspect of the political dynamic of the Buddhist crises in Vietnam. In terms of sources the breadth of his material is remarkable and includes interview material that has never been published before as well as material that has never appeared in English-language works.
In addition to combing US government documents, his thesis shows the best and most thorough use until now of the spate of post 1975 writings published by Vietnamese overseas on the situation in South Vietnam in the 1960s.

Giáo Sư David Chandler, nguyên Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Đại Học Monash, Melbourne cũng bình luận:
Dựa trên những tài liệu phong phú bao gồm những ấn phẩm, văn bản chưa được phổ biến và những cuộc phỏng vấn, Ts. Lưu đã phác họa nên một hình ảnh có sắc thái, có suy tưởng sâu xa và có sức thuyết phục về giai đoạn lịch sử quan trọng này. Sự uyên thâm cùng khả năng chuyên môn về Sử Địa của ông đã cho phép ông xây dựng một tác phẩm mà tôi tin rằng đó là một đóng góp quan trọng cho ngành Sử học Việt Nam trong thế kỷ thứ hai mươi.
Drawing on a wealth of printed, manuscript and interview materials, Dr Luu fashioned a nuanced, far minded and persuasive picture of this crucial period. His deep scholarship and his histori-graphical training enabled him to shape his material in such a way as to fashion what I believe to be a major contribution to the history of twentieth century Vietnam.

* Sách dày 500 trang in trên giấy quí, bìa da, chữ mạ vàng, có Jacket bao ngoài với hình màu tuyệt đẹp.

* Để có dữ kiện cho độc giả hiểu thêm về nội dung tác phẩm, chúng tôi xin giới thiệu vài dòng về tác giả Phạm Văn Lưu:
Ts. Phạm Văn Lưu, sinh năm 1944 tại Quảng Nam, Việt Nam.
Tốt nghiệp:
- Cử nhân Giáo Khoa Sử Địa.
- Cử Nhân Chính Trị Học, khoa Bang Giao Quốc Tế.
- Cao Học Sử Học, Đại Học Dalạt, Việt Nam.
- Tiến Sĩ Sử Học, Đại Học Monash, Úc Châu.

Trước năm 1975, Giảng sư tại Đại Học Văn Khoa, Đại Học Sư Phạm và trường Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Dalat.
Từ năm 1991, Giảng sư tại Viện Đại Học RMIT, Khoa Quốc Tế học (Department of International Studies) và tại Viện Đại Học Melbourne, Khoa Á Châu học (Department of Asian Studies. Năm 2004, về hưu.

* Những tác phẩm của Ts. Phạm Văn Lưu:
- đã xuất bản:

  • Ngô Đình Diệm và Bang giao Việt Mỹ, 1954-1963, Melbourne, 1994
  • Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, 1955-1963, Melbourne, 2005
  • Chiến tranh Việt Nam trong Bối cảnh Chính trị Thế giới, Melbourne, 2007

- sẽ xuất bản (dự trù năm tới):

  • Cơn sốt Chính trị Việt Nam, 1964-1967.

Tóm lại, đây là một tác phẩm được biên soạn một cách công phu, khoa học, nghiêm túc, đầy đủ, trung thực và giá trị về Lịch Sử Chính Trị Việt Nam Cận Đại, không thể thiếu trong tủ sách gia đình của quí vị hằng lưu tâm đến tiền đồ của quốc gia và dân tộc.

22. 8. 2016
Lê Thiên


Ts Phạm Văn Lưu nói về bộ Lịch sử Chính trị Cận Đại Việt Nam

 

Đăng ngày 10 tháng 12.2017