CHUYỆN TRÒ VỚI NHÀ VĂN HỒ ĐÌNH NGHIÊM

ĐỒNG HÀNH

Hồ Đình Nghiêm

Những năm đầu thập niên 80, xuất hiện một đội ngũ đông đảo người cầm viết. Họ đóng góp và làm giàu cho giòng văn học hải ngoại. Khởi sắc, hưng phấn. Như tất cả các tạp chí văn chương (báo giấy) thời điểm đó, chủ nhiệm nguyệt san Văn, nhà văn Mai Thảo hằng tháng vẫn giới thiệu “Những Người Viết Mới”, kỳ vọng và gọi tên: Họ là một nhịp cầu tiếp nối không làm gián đoạn sự tốt đẹp của nền văn học miền Nam vừa bị bức tử.
Nhà văn Nguyễn Thị Thảo An là một khuôn mặt mới, là một trong các “gạch nối” đầy lạc quan kia.
Tôi không rõ nhịp cầu ngày nọ vẫn còn đó hay đã gãy nhịp theo giòng chảy ơ hờ của thời gian phủ lấp. Mấy mươi năm sau “hai người viết mới” tìm ra nhau, nói theo cách của Hoài Khanh: “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”.

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Mến chào chị Nguyễn Thị Thảo An, vượt biển ngồi chung ghe, giả dụ thế, chưa chắc thuyền nhân đã quen biết nhau.
Định cư bốn phương trời, tình cờ họ lại ngồi kề bên nhau. Chắc chị hiểu điều tôi vừa ví von? Vậy thì cho tôi được ngồi gần chị, phút này, để có đôi lời vấn an. Hữu xạ tự nhiên hương. Thưa chị, chị vẫn cư ngụ ở Atlanta?
Và chắc chắn, chị vẫn khoẻ?
Nguyễn Thị Thảo An (NTTA): Chào anh Hô Đình Nghiêm. Những người tỵ nạn bằng thuyền đều như đã ngồi chung ghe vậy, hơn nữa đọc văn anh đã lâu nên tuy chưa gặp mà như quen đã lâu. Tôi vượt biển ngày 23/7/1982, từng qua trại tỵ nạn Palawan, Bataan, rồi sang định cư ở Atlanta đến nay. Thành phố hiện nay là Kennesaw, vùng ngoại ô Atlanta, và là một chiến trường đẫm máu trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ 1964.

HĐN: Cho tôi được tò mò về công việc chị đang theo đuổi? Chị vừa có “Nhà Sơn Màu Trắng”, một bài tản mạn súc tích đậm chất Nguyễn Thị Thảo An. Thưa chị, hẳn chị rất lu bu trong sinh hoạt hàng ngày?
NTTA: Tôi là chuyên viên kiểm nghiệm trong Cơ Xưởng Quốc Phòng, chuyên kiểm nghiệm, định lượng các loại máy bay chiến đấu và vũ khí missile cho các ngành Hải, Lục, Không Quân Hoa Kỳ. Công việc này rất bận rộn nên tôi có rất ít thời gian để viết. Thường chỉ viết được vào cuối tuần, vì vậy tôi hết sức hạn chế việc đi chơi.

HĐN: Khi rắp tâm làm các cuộc phỏng vấn, tôi phát hiện ra chút khó khăn, chút không vui, ấy là những người viết cùng trang lứa mình đã chẳng còn mấy ai. Lần hồi họ cùng thu người vào bóng tối. Chị là nhà văn nữ luôn thể hiện sự nhạy bén, tinh tế trong nhận xét. Thưa chị, thực sự thì điều gì đã xẩy ra khiến họ “nhác chơi”?
NTTA: Tôi cũng không hiểu tại sao họ “nhác viết” như anh nói. Riêng tôi kiếm thời giờ viết thật khó. Tôi hy sinh phần bạn bè, không tiếp điện thoại cuối tuần, không đi chơi cuối tuần, dành cả ngày lễ cho việc viết. Hình như tôi đang chạy đua với thời gian vậy.

HĐN: Chị là nhà văn nữ đầu tiên bị tôi nhắm tới, quấy rầy. Tôi cảm ơn chị vì thấy chị vẫn còn “chung ghe” với tôi. Trời yên biển lặng nhưng đừng đi biển mồ côi. Thưa chị, chị có gặp khó khăn khi sáng tác? Dạo gần đây chị thưa viết truyện ngắn?
NTTA: Khó khăn là thời gian. Tôi ước một ngày có 48 tiếng để viết nhiều hơn. Các nhà văn trước năm 1975 thế hệ trước họ sống bằng nghề viết nên có toàn thời gian để viết. Còn những người viết ở hải ngoại phải sống bằng nghề khác. Viết chỉ là trách nhiệm hay sở thích mà thôi. Riêng tôi, coi đó là trách nhiệm nên vui lòng hy sinh những sở thích khác. Rất vui khi biết còn có người “chung ghe”.

HĐN: Tôi rất thích cách đặt vấn đề của chị trong bài “Thơ Thận Nhiên. “Chôn Bả Đâu Bây Giờ?” Tôi đồng cảm với những suy nghĩ của chị. Ngoài viết văn, chị có từng làm thơ?
NTTA: Tôi là người yêu thơ từ hồi nhỏ. Có lẽ do sự nhạy cảm trời cho chăng? Trước khi đi vượt biên, tôi đem cho hết tiền bạc, xe cộ, chỉ giữ lại một cuốn thơ chép tay mang theo. Lúc đó cứ sợ ra nước ngoài không có thơ để đọc. Mà nếu tôi chết, thì ít nhất cũng có một tập thơ mang theo làm “thuốc”. Yêu thơ vậy, nhưng tự nghĩ mình không làm thể nào làm thơ hay như họ được. Ít nhất, tôi cũng hiểu mình như vậy.

HĐN: Là một nhà văn nữ, chị có mang niềm đau khi nghĩ về trường hợp chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và chị Trần Thị Nga?
NTTA: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Tôi nghĩ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga và các anh chị em khác biết mình đang làm gì, và họ biết cái giá phải trả cho những việc làm to lớn cho đất nước. Thuyền to thì sóng lớn. Có nhiều người còn bị ám sát trên con đường trốn sang Campuchia nữa là. Trong sự đồng cảm, tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta có bổn phận tiếp sức với các anh chị em trong nước. Tùy theo khả năng của mình, mỗi người nên làm một cái gì đó để góp gió thành bão. Bài “Lang thang trên các vỉa hè”, “Khiêu vũ với bầy sói”,… là những đóng góp nhỏ nhoi của tôi. Những ai không làm gì khi có thể, người đó không còn là người Việt nữa. Đất nước đang trong cơn quốc phá gia vong mà anh? Hiểm họa Bắc thuộc gần kề.

HĐN: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Câu “thần chú” ấy có linh nghiệm đối với một đất nước đầy tang thương như ở Việt Nam?
NTTA: Áp bức và đấu tranh đã và đang diễn ra hàng ngày ở Việt Nam từ 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đó chứ, chỉ tiếc là hiện nay phần đấu tranh chưa đủ mạnh để đập tan áp bức. Nhưng tôi tin tình hình nay mai sẽ đổi khác. Nếu chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh biên giới Trung Ấn xảy ra, thì Đảng Cộng Sản sẽ không đứng vững được. Hiện nay người dân chưa đứng lên vì chưa thấy có một sức mạnh nào ngăn chận một vụ Thiên An Môn xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta đang chờ thời cơ sắp tới.

HĐN: Để giảm “áp bức” tôi xin hỏi chị chuyện nhẹ nhàng hơn. Ngoài tác phẩm “Bức Phù Điêu Khắc Cạn” in năm 2001 và “Tập Truyện Nguyễn Thị Thảo An” chào đời năm 2011, chị còn tác phẩm nào khác? Và dự tính của chị sắp tới?
NTTA: Tôi đã hoàn thành thêm một tập gồm truyện ngắn “Cánh Diều Reo” đó cũng là tựa đề của truyện ngắn chính. Thời gian này tôi cũng đang soạn một bộ sách Đức Dục gồm 3 cuốn sách cho thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam, lứa tuổi 5-10, 10-14,15-18. Song song đó, tôi tiếp tục viết cuốn truyện dài đang viết dở với tựa đề Tay Không Tấc Sắt. Những truyện ngắn sau này trong Cánh Diều Reo tôi chưa đăng ở đâu do rút kinh nghiệm ở những cuốn trước, tôi muốn dành cho độc giả một sự ngạc nhiên. Tôi quan niệm viết kỹ hơn viết nhiều.

HĐN: Hình như chị có mở Facebook? Đi vào chốn “ta bà” đó (thú thật là tôi chẳng mặn nồng) có giúp chị thu nhặt được niềm vui hoặc nỗi buồn nào không? Tôi thăm dò cảm nghĩ của chị bởi tôi hồ đồ cho rằng có thể nó làm hại cho đầu óc muốn tìm chút “thân tâm an lạc”. Tôi là đứa lạc hậu, chị có thấy vậy chăng?
NTTA: Tôi mở Facebook từ năm 2009, nhưng mở rồi bỏ đó, ít khi vào xem. Chỉ từ năm ngoái khi có cuộc vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ tôi mới vào xem tin tức. Anh gọi là chốn “ta bà” cũng đúng. Ở đó tôi “gặp” những người quen. Biết một vài tin tức sinh hoạt của họ cũng vui. Ngoài ra, tôi phát hiện nó có một công dụng khác. Tôi dùng thế giới “ta bà” này để thiền anh ạ. Quay mặt vô vách thiền dễ hơn bước vô chốn “ta bà” nhiều. Tôi đang thử thách chính mình. Đôi khi mệt tôi giải lao bằng viết Facebook. Bài giới thiệu thơ Qua Sông của Tô Thùy Yên, Bài Ca Trung Quốc Ở Châu Âu, Lang Thang Trên Khắp Vỉa Hè, Nhà Sơn Màu Trắng, Chôn Bả Đâu Bây Giờ?… Những bài đó tương đối ngắn, viết nhanh tôi cho vào Facebook để chơi.

HĐN: Nhà văn Mai Thảo từng có lần nói với tôi: “Thế hệ cậu quả có bất hạnh, ngày xưa sinh viên ôm sách vở đến giảng đường vẫn kèm theo “Mười Đêm Ngà Ngọc” hoặc “Để Tưởng Nhớ Mùi Hương”… Con tôi không biết đọc quốc ngữ, chúng giỏi tiếng Anh tiếng Pháp. Mấy cháu nhà chị thì sao? Có đọc được những tấc lòng chị dàn trải?
NTTA: Cái gì cũng có hai mặt cả anh ạ. Con tôi sinh ở đây, không biết nói tiếng Việt nữa chứ đừng nói chi đọc tiếng Việt. Tôi không cho đó là bất hạnh. Chúng được sự giáo dục ở đây nên thành công và giỏi hơn chúng ta. Anh không thấy cái cách giáo dục của Việt Nam khiếm khuyết đủ điều hay sao? Cách giáo dục Việt Nam dạy cho người Việt tinh thần tiêu cực, bi quan, ỷ lại, thích hưởng thụ, không cầu tiến… Đồng ý nó cũng có những cái hay nhưng so ra cần phải cải cách sửa đổi nhiều lắm mới mong đào tạo được một thế hệ bắt kịp các dân tộc khác trên thế giới. Khi tôi viết cái gì thì cũng tóm tắt đại ý kể cho các con nghe. Các cháu cũng có tham gia viết (phần Anh Ngữ) và vẽ minh họa trong bộ sách Đức Dục nói trên. Mời chúng tham gia để cũng là cách để nó học thêm về khuôn phép, nề nếp, lễ giáo trong gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn về mặt khác, không thừa hưởng được văn chương Việt Nam và triết học Đông Phương cũng là một thiệt thòi lớn. Có lẽ vì không hấp thụ được điều này mà chúng nó là người Việt nhưng tâm hồn không giống tâm hồn Việt. Có người gọi chúng là thế hệ “banana” đấy anh ạ!

HĐN: Bất hạnh? Đồng ý. Nhưng người ta đã từng đánh đổi cả mạng sống mình cho sự không may bé bỏng đó. Thử tưởng tượng còn sống ở bên nhà, làm sao mọc lên được một cái tên Nguyễn Thị Thảo An. Thưa chị, đã có khi nào chị “buồn chân” về thăm lại cảnh cũ người xưa?
NTTA: Nếu còn ở Việt Nam, có thể tôi cũng sẽ viết, nhưng chắc là không có tự do như ở bên này. Mà tính tôi thì chẳng thà “ngọc nát, vàng phai” chứ không viết theo kiểu "lề phải” được. Ông Nguyễn Mộng Giác có lần nói, tôi lỳ. Chú Võ Đình cũng nói, tôi lỳ. Tội nghiệp hai ông, tôi lỳ hơn hai chữ lỳ đó cộng lại. Ông Tô Thùy Yên cũng nhiều lần khuyến cáo tương tự thế. Năm 2001, tôi có về Việt Nam một lần duy nhất. Cảnh cũ, người xưa đã mất. Nhưng cái vũng nước trước nhà thì còn y chang. Kỷ niệm nhớ đời lần đó là cái tên Trần Trọng Hải, đến bây giờ tôi vẫn không quên. Trần Trọng Hải là cán bộ khám xét ở phi trường. Anh ta bắt tôi lên xuống cầu thang 10 lần. Chủ yếu làm khó để vòi tiền. Đến lần thứ 10, tôi nhớm chân lên cầu thang hỏi, “Có muốn tôi đi lần thứ 11 hay không?” Thật ra, tôi cứ nghĩ chắc phải đi 30 lần. Ba mươi lần lên xuống cầu thang khoảng chừng một tiếng rưỡi, coi như đi tập thể dục. Sau cùng thì anh ta năn nỉ, “Về bên ấy, xin chị đừng có viết gì đấy nhá.” Tôi nghĩ, có lẽ anh ta là con cháu gì của Trần Trọng Kim. Vì ba chữ “Trần Trọng Kim” mà tôi im lặng cho đến hôm nay.

HĐN: Giao tình của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thảo An đối với các nhà văn nhà thơ hiện cư ngụ quanh vùng? Ý tôi muốn hỏi chị có tiếp xúc nhiều hay chị là mẩu người thích sống khép kín?
NTTA: Tôi là người dễ tính, ít giao thiệp. Tôi ít tham gia những sinh hoạt văn nghệ địa phương. Có lẽ vì vậy nhiều người nghĩ tôi kiêu ngạo. Thật ra tôi không có nhiều thời gian.

HĐN: Tôi vẫn nghĩ một đứa viết văn, đứa ấy nên đi nhiều. Tôi hình dung điều có thể xẩy ra: Một ngày kia nổi hứng đi giang hồ, tôi sẽ ghé thăm “căn nhà sơn màu trắng”, sẽ gặp mặt người mình chỉ thấy trong văn viết. Động thái của chị lúc ấy ra sao nhỉ?
NTTA: Đơn giản thôi. Tôi sẽ trải thảm đỏ. Welcome bạn.

HĐN: Điều tôi doạ tôi đã doạ rồi, giờ này hãy trả lại sự yên tĩnh cho chị.
Cảm ơn nhà văn nữ Nguyễn Thi Thảo An đã rộng lòng đón tôi ở một căn nhà không có thực. Ảo, nhưng thưa cùng quý bạn đọc, những tâm sự ở trên là một bày tỏ, một nối kết chân tình của hai kẻ lưu lạc đã trên 30 năm.
Bèo giạt hoa trôi nhưng tôi hằng tin “văn chương không bao giờ rẻ như bèo”. Thân chúc nhà văn cùng thế hệ với tôi mãi viết ra những điều tâm đắc, mặc nhân thế đã và đang quay lưng.

NTTA: Văn chương là chân dung của một dân tộc. Thi ca là tâm hồn của dân tộc đó. Không có một sức mạnh nào hủy diệt được một dân tộc có văn hóa, ngoại trừ thiên nhiên Trời Đất. Tôi tin thế. Cảm ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã cho tôi những giây phút tâm tình cùng bạn đọc.

Hồ Đình Nghiêm
thực hiện bằng điện thư, cuối tháng 7, 2017.

https://www.facebook.com/thaoan.nguyenthi


“CHÔN BẢ ĐÂU BÂY GIỜ?” – THƠ THẬN NHIÊN

ntta

Tôi là người bảo thủ. Loại bảo thủ bẩm sinh! Hồi nhỏ, thường bị gọi trêu là “bà cụ non”. Tôi không ưa lũ con nít, chúng ồn ào quá đỗi. Có một lần tôi cố bắt tụi nó ngồi im, chúng nó hỏi, ngồi im để làm gì? Tôi nói, thì để suy nghĩ. Chúng lại hỏi, suy nghĩ về cái gì? Rồi cả đám phá ra cười hơ hớ. Hơi bối rối, nhưng tôi nhận ra sự vô lý của mình ngay. Tôi thích ngắm chúng nó chơi đùa, thích ngắm con đường đất đỏ trước nhà đang lượn mình trong nắng, thích ngắm mây chiều, thích nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả rơi xuống không gian, thích ngắm những sợi tơ trời la đà trôi trong nắng như 2 câu thơ mà bất chợt mấy mươi năm sau tôi mới bắt được trong thơ Tô Thùy Yên.
“Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh.”
Mọi người nói đúng. Quả, tôi già từ hồi bé.
Tôi thích chơi với người già, nghe họ kể chuyện. Lại nghiện chữ, cứ vớ được cuốn sách nào cũng nghiền ngẫm, quên cơm. Tôi nhớ hồi học lớp ba, tôi lén giấu cuốn quốc văn lớp Đệ Ngũ của bà chị để vừa đi đường vừa đọc. Đọc đi đọc lại bài thơ Đạo Phùng Ngã Phu của Thôi Tử Ngọc mà mắt tôi đỏ hoe. Tôi phải đứng chờ bên lề đường đợi mắt khô và hết đỏ mới dám về nhà.
”Một con người thất thểu,
Áo rách nón tơi bời
Chợt từ phía nam lại,
Cùng ta năn nỉ lời.
Ta hỏi: "Bác buồn gì?"
Thưa rằng: "Tình cảnh tôi,
Nhà nghèo làm thầy thuốc.
Lên Kinh mong cầu tài,
Kinh đô chẳng ai ốm.
Thầy thuốc như núi đồi,
Cùng kế phải quay về.
Đường mây nghìn dặm khơi,….” (bản dịch của Trúc Khê)
Bài thơ thể Cổ Phong, lời thơ giản dị, nhưng cái hình ảnh “Thầy thuốc như núi đồi” kia cứ ám ảnh tôi mãi. Làm sao một đứa bé 8 tuổi mà cảm được cảnh ngộ của ông thầy lang nhà quê này? Chính tôi cũng không giải thích nỗi.
Thơ là tiếng than lớn nhất của nhân loại. Không có một bài thơ nào mà không ẩn chứa một lời than. Ở những xứ nghèo, thơ càng nở rộ. Phải nói trong lịch sử nước nhà chưa có thời nào người ta làm thơ nhiều như thời này. Thơ trong nước được chính quyền nâng thành chính sách, có biên chế, có tổ chức. Chính quyền coi thơ là vũ khí, nên đưa vũ khí tận tay nhân dân. Một bà chị tôi, từ nhỏ vốn không ưa sách vở, thế mà cũng trở thành hội viên của Hội thơ phường.
“Chị vào Hội thơ để làm gì?”
“Ầy, lâu lâu họ tổ chức ra mắt thơ, nghe đọc thơ, được mời ăn uống, đôi khi còn được đi du lịch miễn phí nữa. Vào hội, không nhất thiết phải làm thơ.”
Khi thơ trở thành chiến dịch thì thơ biến chất.
Tôi còn nhớ vài năm trước, báo chí trong nước quảng cáo Hội thơ đầu Xuân rầm rộ như một ngày lễ lớn. Chung quanh khu vực Văn Miếu người ta treo một dọc những lá phướn đỏ phất phơ ghi tên tác phẩm và tác giả. Trong nước cũng kêu gọi làm mới thi ca, nhiều chiêu làm nổi, có nhà thơ lên sân khấu đề thơ trên giấy toilet. Họ thả cuộn thơ toilet bay trên sân khấu như trẻ con thả diều… Lúc đó thì thơ tắt thở.
Thơ tắt thở nhưng thơ không chết. Những thứ thơ cần lăng xê, cần chiêu trò, cần làm nổi đã chết.
Ở hải ngoại, mấy mươi năm qua thơ cũng nở rộ. Hầu hết bạn bè chung quanh đều trở thành nhà thơ. Cũng dễ hiểu, nỗi buồn quốc phá gia vong, nỗi hiu quạnh nơi xứ người, nỗi cô đơn, thất chí,… trở thành mảnh đất màu mỡ cho thơ.
Đất mới, người cũng mới. Người Việt ở nước ngoài không giống người trong nước nữa. Thơ là tâm hồn nên thơ cũng phải mới. Nhưng cái gọi là Thơ Mới thời Thế Lữ, Xuân Diệu,.. bây giờ đã cũ. Thơ tự do biến thành tự do tuyệt đối. Người ta muốn làm mới thi ca. Một loạt thơ đổi mới ra đời như thơ đa đa, thơ xóc đũa, thơ xuống hàng, thơ không hàng, thơ không câu, thơ một chữ, thơ không vần, thơ xuôi,… tràn đầy mặt báo. Những loại thơ này nay đã mất tăm. Thời gian sàng lọc đi tất cả.
Tham vọng để thơ Việt bắt kịp với trào lưu thế giới, thơ Hậu Hiện Đại, thơ Tân Hình Thức ra đời. Những nhà thơ trẻ theo trường phái này không ít. Nhưng thơ chỉ là lời tự thán nếu không có bạn thơ. Nhà thơ đông đảo nhưng bạn thơ thưa dần. Bây giờ người ta nhắc tới thơ thường buông lời rẻ rúng, nhất là khi giới thiệu một những bài Hậu Hiện Đại hay Tân Hình Thức.
Vì sao?
Nhu cầu Đổi Mới Việt Nam không chỉ cần thiết riêng phương diện chính trị, mà hầu như mọi mặt, mà thơ cũng là một nhu cầu thiết yếu trong văn hóa, bởi thơ chính là tâm hồn của dân tộc. Tâm hồn cũ làm sao điều khiển được một thân xác mới? Nhưng làm thế nào chấp nhận được một bài thơ mới? Đó là điều nan giải. Muốn hiểu thơ Hậu Hiện Đại là gì thì phải hiểu Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại là gì? Mà tâm lý bây giờ cái gì bắt đầu bằng hai chữ “Chủ Nghĩa” thì thiên hạ thối lui ngay. Hơn nữa, ba chữ Hậu Hiện Đại đã thấy ngay sự vô lý của nó. Thời Hiện Đại chưa qua, Hậu Hiện Đại chưa tới, nó làm cho người ta liên tưởng ngay cái tựa đề của cuốn phim Back To The Future của Mỹ. Phim rất hay. Bạn nào chưa hiểu Hậu Hiện Đại là gì, xem phim này ắt sẽ hiểu. Làm thế nào một nhà thơ sống không qua Thời Hiện Đại mà có thể làm thơ ở thời Hậu Hiện Đại? Ba chữ Hậu Hiện Đại, hay Back To The Future thật ra không quá bí hiểm như cái tên của nó. Trong 10 năm trở lại đây, các lý thuyết đó đã được giới thiệu rộng rãi ở trong nước. Nhưng điều sai lầm là nó được giới thiệu một cách rất phức tạp, mù mờ, lạc hướng, cũng không có dẫn chứng. Lỗi không phải của người dịch mà ở một loạt tài liệu từ Jonh Barth, Charles Jencks, U.Eco, G. Valtimo, G. Durand, hay Ihab Hassan, J.F. Lyotard, J. Baudrillard.
Có một lời khuyên dành cho bạn thơ, nếu đọc các tài liệu này trong vòng 10 hàng mà không hiểu thì nên ngưng, tránh bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Như đã nói, vì tính bảo thủ bẩm sinh nên tôi ưa cũ, ghét mới. Mà hơn nữa, chính vì không tìm được bài nào hay cả. Cái hay đủ để thuyết phục mình. Thơ Hậu Hiện Đại thường có khuynh hướng thời thượng, tô vẽ những triết lý siêu hình bí hiểm bằng các ẩn dụ hoa hòe. Ví dụ : “Tôi tìm lại mình trong những giấc mơ cong queo hình vỏ quế », hay « lọt qua kẽ tay, tôi muốn nhoài người ra biển lớn
tìm mình. »
Đọc mấy câu thơ này tôi sực nhớ Huỳnh Tuấn Kiệt, võ sư xẹt điện,cư dân mạng đang đua nhau tìm ông này, giờ không biết trôi nổi nơi đâu.
Đừng trách bạn thơ dị ứng với mấy chữ Hậu Hiện Đại hay Tân Hình Thức. Nghe tới là tránh xa.
Nhưng liệu có phải hiểu được Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại mới “cảm” được một bài thơ Hậu Hiện Đại chăng? Chúng ta không hiểu Đường Luật cũng có thể thấy cái hay của một bài thơ Đường mà. Bài này không có ý định giải thích cho bạn hiểu về Hậu Hiện Đại vì ngoài chủ đề. Xin dành một dịp khác.

Tôi chỉ muốn giới thiệu một bài thơ theo khuynh hướng này. Bài “Chôn bả đâu bây giờ?” thơ của Thận Nhiên.
Năm ngoái, tôi đọc bài “Chôn bả đâu bây giờ?” trên net. Đọc rồi bỏ, không copy để dành như thường lệ. Cư dân mạng đang truyền cho nhau bài thơ của cô giáo Lam, “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”, kiểu thơ 8 chữ, vần điệu dễ thuộc. Trong thảm họa môi trường ở Việt Nam, cá chết và biển chết, vậy mà bài thơ của Thận Nhiên, câu hỏi của Thận Nhiên là một câu hỏi lớn lại ít ai đoái hoài.
Tôi không biết Thận Nhiên ngoài đời. Trên net ghi, “Thân Nhiên tên thật là Tôn Thất Thiện Nhân, sinh năm 1962 ở Đồng Nai. Là nhà thơ, kiêm dịch giả. Có thi phẩm do nhà Xuất bản Nam Đàn ấn hành.” Trên VNExpress có đăng bài phỏng vấn Thận Nhiên khi nhà thơ quyết định ở lại Việt Nam. Lý do là vì tình yêu. Trong bài phỏng vấn có đoạn như vầy:
“- Một nhà thơ nữ vẫn đi chung với anh mới là lý do chính khiến anh ở lại, anh nghĩ sao?
- Tất cả các lý do đều chính. Cô ấy là người tôi yêu quý và hiện nay đang giúp tôi cùng dịch sách. Cô ấy chính là "Tổ quốc" của tôi và tôi muốn được viết hoa sang trọng hai chữ ấy.
- Và anh có định mang "Tổ quốc" đi theo không?
- Tổ quốc không thể mang đi. Tổ quốc chỉ níu ta ở lại thôi.”
Nhưng rồi cuối cùng Thân Nhiên một lần nữa lại bỏ “Tổ Quốc” ra đi.
Năm ngoái, tôi gặp Thận Nhiên trong nhà Tô Thùy Yên ở Houston. Một buổi họp mặt văn nghệ có nhiều khách từ xa tới. Thận Nhiên chở nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ Dallas xuống. Tác giả Đàn Bách Kiếm tình nguyện đưa đón nhóm chùng tôi từ phi trường. Chuyện gặp anh Bùi Huy (Tô Thẩm Huy, Đàn Bách Kiếm) rất thú vị. Đi chung với anh Đàn Bách Kiếm cũng như đi với một quyển tự điển Hán Học vậy. Trên xe, Đàn Bách Kiếm vừa lái vừa đọc thơ. Ba bài thơ say của anh khiến một người “chuyên tu” như tôi cũng muốn phá giới mà “nhậu” một bữa. Trong bài này phải gác ĐBK lại, có dịp sẽ kể hầu bạn đọc.
Thấy Đàn Bách Kiếm, tôi phán ngay một câu, “Tài xế” của mình “ngon lành” hơn “tài xế” của ông Thiệp nhiều. Thật ra đó là câu nói đùa. Ý định của tôi là muốn “trêu” Thận Nhiên cho… bõ ghét. Đem “Em” mà ví với “Tổ Quốc” làm tôi bị shock.
Trưa hôm sau, Thận Nhiên tới. Tôi ngớ người ra, nhà thơ không giống như tôi tưởng tượng. Thận Nhiên trẻ lắm. Áo sơ mi xanh, màu xanh của biển, quần Jeans bạc thếch, vai quàng máy ảnh, mặt mày rất bụi. Nếu gặp ở quán xá, chưa chắc tôi dám tới gần. Hầu như Thận Nhiên không nói tiếng nào suốt ngày hôm đó.
Đám văn nghệ sĩ rôm rả ngoài hiên nhà của Tô Thùy Yên. Mái hiên này tôi đặt tên nó là Thính Vũ Hiên. Chắc hẳn nhà thơ Tô Thùy Yên nghe mưa rơi cũng dưới mái hiên này. Nhưng hôm đó mái hiên không đủ sức chứa những câu chuyện trên trời dưới đất của chúng tôi.
Buổi tối, trong gian nhà nhỏ, mọi người thay phiên nhau đọc thơ. Thận Nhiên cũng đọc bài thơ, “Chôn bả đâu bây giờ?” Một phát giác làm tôi kinh ngạc hẳn. Nghe thơ cảm nhận hoàn toàn khác với lúc đọc trên văn bản. Tác giả giống như đang “xuất khẩu thành thơ”, bài thơ dùng toàn ngôn ngữ đường phố, giọng đọc chính là giọng nói, sôi nổi như còn trên bàn “nhậu”. Trời ơi, tôi phát giác ra, loại thơ này bạn thơ phải nghe chứ không nên đọc. Hàng chữ không đủ diễn tả hết ý thơ. Cả bài thơ này quy về một câu hỏi. Câu hỏi là cũng chính là tựa đề của bài thơ. “Chôn Bả Đâu Bây Giờ?”
Bả là ai? Bả là biển. Cái biển là tên gọi gần bờ. Ngoài cõi mênh mông kia, có cái tên văn chương hơn, Đai Dương.
Hãy nghe Thận Nhiên kể, chuyện như mới ngày hôm kia. Với giọng rất ư tiếc nuối…một bữa nhậu toàn là hải sản.
“hãy nhớ lại lần sau cùng
tụi mình ăn cá
ăn cua
thử tưởng tượng
lần đó thật sự là lần cuối cùng
đó là khứa cá cuối cùng
con mực cuối cùng
cái đầu con mắt cái mang cái xương
cái vòi cái càng cuối cùng
vị tanh vị ngọt cuối cùng
trong suốt phần đời còn lại
hãy nhớ lại lần sau cùng
tụi mình tắm biển
vị mặn của gió và muối
liếm trên da
như trong chuyện cổ tích”
Có ai ngờ, chỉ ít ngày sau. Ngày 10 tháng 4 năm 2016, thảm họa môi trường ập tới. Bãi biển tràn ngập xác cá, hàng triệu triệu con, trải dọc suốt cả một vùng duyên hải miền Trung.
“giờ thì con cá đã qua đời
con mực qua đời
con ốc qua đời
con sứa qua đời
con ghẹ qua đời
con tôm qua đời
bạch tuộc qua đời
cá voi qua đời...
tóm lại
con đéo gì sống dưới nước cũng ngộ độc qua đời
vì biển cũng qua đời”
Lần đầu tiên tôi nghe người ta chửi thề trong thơ. Mà chửi quá đúng. Đáng chửi, phải chửi. Sự phẫn nộ xưa nay vốn kìm hãm trong thơ, Thận Nhiên là người đầu tiên nhảy qua giới hạn đó.
Phẫn nộ không chưa hết, giọng nhà thơ buồn rầu báo tin, phải làm đám tang thôi. Cá, cua, tôm, sứa, mực, bạch tuộc, cá voi,… sống dưới biển nhưng chết ở trên bờ. Hết rồi một thời tang bồng hồ thỉ, vẫy vùng sóng nước. Đám tang nghi thức trang trọng như buổi tiễn đưa những thân bằng quyến thuộc về nơi an nghỉ cuối cùng.
“tụi mình phải làm một cáo phó
thông báo về tang lễ
đặt ở mọi phi trường bến cảng đường phố
đăng trên mọi diễn đàn như sau:
cáo phó
chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin
những thân nhân của chúng tôi:
nguyễn văn cá
huỳnh thị lệ cua
đinh tấn mực
phạm thế ghẹ
lê văn bạch tuộc
trương quý tôm...
đã lần lượt tạ thế từ đầu tháng tư năm 2016
hưởng dương rất ngắn
linh cữu quàn tại tư gia từ Vũng Áng đến Cà Mau
lễ động quan lúc 6 giờ sáng ngày 7 tháng 6 năm 2016
(ngày canh thân tháng giáp ngọ năm bính thân)
an táng trong lòng bà trần thị biển
cũng đã qua đời
tang gia cùng kính báo
trưởng nam...
thứ nam...
trưởng nữ...
thứ nữ...
(vui lòng điền tên vào chỗ thích hợp)”
Tại sao trong cáo phó, con cá họ Nguyễn, con cua họ Huỳnh, con mực họ Đinh, con ghẹ họ Phạm, bạch tuộc họ Lê,.. Bởi vì chúng nó đều là con cá của Việt Nam, con cua của Việt Nam, con tôm của Việt Nam, con mực của Việt Nam cả đấy. Những cái họ này cũng là được ghép từ họ của hàng ngũ lãnh đạo đương thời. Thủ phạm gây ra cái đại tang này. Có phải tác giả đang tiên báo cái chết này là tiền đề cho một cái chết khác?
Chôn cất long trọng như vậy, nhưng cuối cùng vẫn chưa êm. Vì biển cũng chết nữa.
“tụi mình phát tang
tụi mình động quan
tụi mình di quan
tụi mình kèn ma ò í e đưa đám
tụi mình hạ huyệt tụi mình xuống nghĩa trang
xác mai táng trên bờ hồn an nghỉ dưới biển
tưởng vậy là êm, mà rồi vẫn kẹt
cái thi hài bà nội trần thị biển
giờ chôn bả ở đâu?”
Biển chiếm 70% bề mặt của địa cầu. Lấy đất đâu mà chôn “bả” đây?
Câu hỏi vốn không có câu trả lời.
Nhưng nan đề này khiến người ta liên tưởng những cái chết khác.
Biển chết thì đất chết.
Việt Nam trong cơn hấp hối.
Bạn thơ ơi!

nguyễn thị thảo an
Atlanta, July 23. 2017

https://www.facebook.com/thaoan.nguyenthi


LANG THANG TRÊN KHẮP VỈA HÈ

ntta

Những cái vỉa hè đã trở thành câu chuyện thời sự số một ở Việt Nam hiện nay. Hình ảnh ông Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải đích thân xuống vỉa hè chỉ đạo bứng từ gốc cây, khiêng từng chậu kiểng, câu từng cái xe, đập từng bậc thềm, phá từng kios… tràn đầy trên các trang mạng xã hội trong và ngoài nước. Vừa chỉ đạo, vừa thề thốt, “Không giải phóng được vỉa hè, trả lại cho người đi bộ, ông sẽ cởi áo về vườn.” Quyết tâm của ông làm người ta sửng sốt. Xe của phái đoàn ngoại giao nước ngoài, ông câu ngay. Xe của hoa hậu, người mẫu ư? Ông nói, “Chẳng có hoa hậu, hoa hiếc gì cả. Câu tuốt.” Mặc dù cái cô chủ xe đang đứng đó năn nỉ ỹ ôi, sẵn sàng đóng phạt vi phạm mà cũng câu luôn. Đi từng nơi, đập từng chỗ. Nhà hàng hay công sở, tiệm quán hay ngân hàng, đều đập hết. Cái gì để trên vỉa hè, cái đó thuộc diện tịch thu. Cái gì ló ra, đập ngay cái đó. Đơn giản là vậy. Ngay cả những di tích có tính chất lịch sử, ông cũng không tha. Lịch sử lấn chiếm vỉa hè thì đập luôn lịch sử. Không có di tích, di tiếc gì cả.
Ông xẻn cái vỉa hè giống như người ta xẻn một cái bánh kem, xẻn sát rạt. Những chỗ ông và đoàn chiến dịch đi qua, vỉa hè trở nên loang lổ, mặt tiền phố xá tan hoang. Trên các trang mạng xã hội, người ta gọi ông là “Hung thần đường phố”. Nhưng trên phương diện nhà cầm quyền, cấp trên hết lời khen ngợi, họ coi ông là “Anh hùng đường phố”.
Vậy thật ra, ông là “Anh Hùng” hay “Anh Khùng”?
Chiến dịch “giải phóng vỉa hè” na ná như “giải phóng Sài Gòn”. Mà tâm lý bây giờ thì giải phóng cái gì thì người ta cũng sợ.
Quyết tâm ngất trời của ông đang lồng lộng bay trên đường phố Sài Gòn. Bỗng dưng xô dạt ký ức tôi về quá khứ. Cái thời niên thiếu trẻ con gắn chặt với các vỉa hè.
Thời đó, bọn trẻ con chúng tôi không có nhiều phương tiện giải trí giống như bây giờ. Những vỉa hè là chốn giang hồ vặt của bọn tôi thời ấy. Tôi yêu con đường trước nhà nên bao giờ cũng vác cặp tới trường rất sớm. Tuy từ nhà tới trường không xa, nhưng tôi thích dành thời gian nhởn nhơ trên các vỉa hè. Chỗ này là xe hủ tiếu, với hình Quan Công hoa Thanh Long Đao, Trương Phi dốc mâu kích gác chân trên cầu Trường Bản. Tôi không có tiền mua hủ tiếu, nhưng hay la cà để ngắm hình Tam Quốc Chí. Những lúc đó tôi có cảm tưởng mình sống lùi lại mấy ngàn năm. Lòng thành kính ngưỡng mộ cái khí chất kiêu hùng của họ. Chỗ kia, cuối con đường là anh bán cà lem. Cái thùng xốp đựng cà lem lạnh buốt. Tôi thích nhìn hơi lạnh toát ra giữa trưa hè nóng gắt. Bụng dạ cứ phập phồng sợ cái nắng nóng làm tan chảy hết cà lem. Cũng đôi khi tôi chỉ dừng lại ở một góc phố, cốt ngắm người ta qua lại. Ngắm người là cả một niềm vui. Thú vị trong trò chơi nho nhỏ chỉ có mình tôi biết. Họ là ai? Họ đi đâu và về đâu? Thử đoán người ta bằng hình dung của họ. Trên con đường đó, ngày nào tôi cũng dừng lại mua một gói xôi. Cái bà bán xôi dạo ấy là một bà già, rất già. Bà đội khăn mỏ quạ, da mồi, tay run. Tôi thích nhìn bàn tay run run của bà khi đưa gói xôi nhỏ cho tôi. Gói xôi nhỏ xíu, chỉ lủm một cái là hết, ăn không đủ no. Bọn trẻ nói tôi ngu, vì bà bán đắt hơn những người khác. Tôi chỉ cười vì tôi có cách “trị” cái cách bán đắt của bà. Trước khi ra khỏi nhà, tôi đã xuống bếp lục cơm nguội ăn cả một nắm lớn. Gói xôi đó, tôi chỉ hưởng như hưởng hương, hưởng hoa mà thôi. Bà là người Bắc di cư, có người Bắc nào mà không bán đắt? Bà có một đám con cháu, tất cả sống vì cái thúng xôi này. Năm cắc một gói xôi tôi còn thấy chưa thấm vào đâu, nữa là… Không hiểu sao họ sống nổi với cái thúng xôi đó. Tôi không thể nào không kể hàng bánh mì của bà trẻ. Cả mấy năm trời ngày nào tôi cũng ghé thế mà quên không hỏi tên. Bánh mì của bà rất ngon, khách đông tới nỗi bà không kịp bán. Mới đầu tôi ghé mua, nhưng thấy bà bán không kịp nên tôi bỏ cặp, xông vào giúp. Nướng bánh, cời than, và gói là những việc tôi làm được. Cái bà trẻ này có một nụ cười hiền, hàm trăng trắng bóc và đôi môi rất hồng. Bà là góa phụ, một mẹ ba con, nhan sắc mặn mòi. Nhưng tôi không mê bà, mà lại đắm chìm trong cái bếp than nóng rực. Mỗi khi cời than, bọt lửa bắn lên, tiếng nổ lách tách, tôi có cảm tưởng như đang ngắm những vì sao rụng.
Cái chợ nhóm khúc trên vỉa hè này chóng tàn lắm, chưa trưa đã vắng. Buổi trưa nó là con đường êm ả, đầy nắng. Tới xế, khi có tiếng rao “Hủ”, tức là gánh tà hủ của ông Tàu già đã tới, tôi biết lúc đó là 3 giờ. Cái ông Tàu này xuất hiện giống như một nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Ông mặc áo bào, áo rách tả tơi, đầu đội nón tre bạc mầu nhọn hoắt, vai gánh tà hủ chậm rãi, đi như đếm từng bước. Không ai thấy rõ mặt ông, cái nón lụp xụp che khuất gương mặt già nua, khắc khổ. Giọng của ông trầm đục, lâu lâu rống lên độc một tiếng “Hủ”. Người lạ khó nhận ra tiếng “Hủ” này. Nó không giống tiếng của con người. Âm thanh như tiếng con bò hộc lên rồi chết. Ngoài chữ “Hủ” ra, ông không nói thêm tiếng nào, kể cả khi nhận tiền hay thối tiền. Hình như cả xóm tôi không ai thắc mắc về điều đó. Người ta thích tà hủ của ông hơn. Phải nói tà hủ của ông ngon độc nhất. Tôi mê tà hủ của ông mà cho tới bây giờ mới biết đó là những chén tà hủ ngon nhất thế gian.
Có một lần, ông đang múc tà hủ thì có một đám trẻ con rượt nhau, chúng té ập vào gánh hàng làm cả thùng tà hủ của ông đổ nghiêng ra đất. Cảnh tượng này kinh khủng giống như một thảm họa vừa rớt xuống đời ông. Cái cảnh ông cầm cái giá thiếc, bò ra đất vừa cào tà hủ, vừa khóc rống. Lúc đó, tôi mới nhận ra, nước mắt đàn ông có sức mạnh gấp trăm lần nước mắt đàn bà. Bây giờ mấy mươi năm rồi mà nhớ lại mà tôi còn chảy nước mắt. Cái gánh hàng rong vốn liếng chỉ đáng một trăm đó là cả gia tài của một người già nghèo khổ. Những cái gì của người già mất đi thì họ không còn có thể tìm lại một lần nữa. Trong khi bọn trẻ chúng tôi lau nhau giúp ông dọn dẹp, mẹ tôi vét hết tiền nhà cũng chỉ có 10 đồng. Ký ức tôi in đậm hình ảnh mẹ cầm cái chén tất tả chạy kêu hàng xóm. Ai đi qua mẹ đều chặn lại xin xỏ. Cuối cùng cả xóm chung tay được 40 đồng. Khi mẹ trao cho, ông Tàu xúc động khóc nấc, không thốt lên được một tiếng cảm ơn nào. Cái buổi trưa đó nắng lóng lánh lắm. Tôi cứ có cảm tưởng là vàng từ trên trời vừa rơi xuống đoạn đường này.
Kể không hết những kỷ niệm trên vỉa hè, những góc phố mà tuổi thơ tôi đã đi qua. Bây giờ trở về, hình ảnh cũ đã không còn. Nhưng những tiếng rao của những gánh hang rong vẫn còn vang vang trong tâm khảm. “Ai ăn bánh ú, bánh tét hôn?”, “Chè đậu đen nấu đường cát trắng đây”, “Hủ”, và những tiếng mì gõ lốc cốc xua tan cái tĩnh lặng của đêm khuya… Đó là những bản nhạc chỉ có một lời. Ca từ là một vệt sâu lắng chìm trong ký ức.
Những cái vỉa hè đó, nó không chỉ là lối riêng dành cho người đi bộ, nó còn mang cả sự sống của con người trên đó. Nếu không có sự sống thì cái vỉa hè nào cũng giống nhau. Đơn giản vì nó chỉ là một lối đi.
May mà thời của tôi không có ai là Đoàn Ngọc Hải. Thế nên, cái mảng ký ức của tôi vẫn còn nguyên không bị xẻn mất một góc nào. Những Đoàn Ngọc Hải hôm nay không sống nổi trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Thời đó, cảnh sát cũng đi dọn dẹp vỉa hè, họ cũng giành lại lối đi cho người đi bộ. Nhưng họ không có cách hành xử như Đoàn Ngọc Hải.
Chỉnh trang độ thị, giành lại lối đi, dọn dẹp vỉa hè… cả thế giới đều làm. Họ đã làm và làm rất hoàn hảo. Sao ông Hải hay các lãnh đạo cao cấp khác không nghiên cứu trước khi thi hành.
Hãy coi những vỉa hè trên đường phố Paris, những vỉa hè trên đường phố Ý, cả ở Mỹ nữa. Không có nơi nào người ta xẻn sát rạt như cái cách Đoàn Ngọc Hải đang làm. Vỉa hè nó có vẻ đẹp riêng của nó. Hãy thử tưởng tượng đường phố Việt Nam không có vỉa hè. Nó giống như gương mặt một người đàn bà không có lông mày vậy. Bởi vì vỉa hè là một đặc điểm của đường phố Việt Nam, là nét đẹp thu hút khách du lịch các nơi đổ về. Họ đi tìm những cái mới lạ mà ở xứ họ không có.
Người ta đồng ý là vỉa hè bị người dân lấn chiếm quá nhiều. Buôn bán tràn lan, luộm thuộm và mất trật tự, thiếu vệ sinh, cần phải chỉnh trang. Nhưng chỉnh trang là làm đẹp chứ không làm mất.
Ông Hải và đoàn tùy tùng của ông hành xử theo kiểu “gặp là đập”, cái gì cũng tịch thu mà ông gọi là làm việc theo đúng quy trình. Quy trình đó là gì? Không ai biết. Ông cũng không giải thích. Cứ chụp cho cái mũ “quy trình” thì hợp thức hóa cái cách đập phá của ông.
Ông đi tới đâu, người ta kinh hãi tới đấy. Giống như đoàn Hồng Vệ Binh của thời Cách Mạng Văn Hóa bên Tàu.
Những nơi đoàn “Hồng Vệ Binh” này đi qua, vỉa hè loang lổ, con phố tiêu điều. Cảnh tượng không khác gì thời chinh chiến. Bao giờ thì người ta mới làm lại cho nết nét tan hoang? Còn những bậc thềm tam cấp, ngũ cấp nữa. Nếu không có các bậc thềm này, làm sao người ta bước lên bước xuống? Chẳng lẽ phải tập phóng, tập nhảy thay cho bước ra, bước vào ư?
Chiến dịch “Giải phóng vỉa hè” ông Hải nói là để Sài Gòn đẹp như Singapore. Để Sài Gòn đẹp như Singapore thì phải có cái đầu của Lý Quang Diệu. Bắt chước Singapore, không thể chỉ bắt chước cái vỏ ngoài của nó. Nếu không nó chỉ là một thứ hàng nhái kiểu “Made in China”. Cái nội lực của Singapore là Kinh Tế và Dân Trí. Đảng Cộng Sản chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lãnh đạo đã bỏ qua rất nhiều hợp đồng bạc tỷ, nhiều triệu công ăn việc làm cho dân chúng. Cơ hội đã mất rất nhiều rồi. Nếu người dân có việc làm tốt, không ai thích ngồi bán hàng rong, hoặc la cà trên vỉa hè đổi chác vặt. Người dân chỉ mong nhà nước nắm bắt cơ hội hay hoạch định một chính sách lớn.
Cần phải biết rằng, mỗi một chính sách, mỗi một cơ hội, mỗi một hợp đồng cần phải thận trọng. Vì đó là quyền lợi của toàn dân, không phải của một đảng.
Muốn thực hiện chỉnh trang đô thị cần phải có một chính sách minh bạch và nhất quán, hợp với luật pháp. Cần có những người am hiểu pháp luật nghiên cứu trong một thời gian dài. Bởi vì đây không phải là một chính sách đơn giản.
Trước khi lập chính sách mới, một sắc luật mới, chính quyền cần phải tham khảo luật nhà đất, diện tích đất đai, hồ sơ đo đạc quy định của bộ Công Chánh, quy định diện tích của những con đường, lòng đường và vỉa hè… Cần nghiên cứu sự sai biệt giữa mặt đường và nền nhà sau mỗi lần sửa đường làm nền nhà sụt lún. Quan trọng nhất là cần nghiên cứu tác động ảnh hưởng kinh tế của những doanh nghiệp hai bên đường, của những người bán hàng rong trên vỉa hè. Mức bồi thường thiệt hại, những mất mát do tịch thu,.. và chi phí để xây lại vỉa hè, xây lại mặt tiền của các doanh nghiệp. Ai là người chịu trách nhiệm?
Để tiến hành chỉnh trang đô thị, chỉnh trang vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải phải có thông báo trên các phương tiện truyền thông, nhà nước phải giải thích và thuyết phục với dân chúng. Phải có thông báo và xác định rõ phần nào phải sửa chữa để các chủ doanh nghiệp, công sở… chuẩn bị tâm lý và tài chánh, đồng thời phải có thời hạn ít nhất 3 tháng để thi hành.
Quan trọng nhất là phải giải quyết được công ăn việc làm của người dân trên vỉa hè đó. Mỗi một chỗ ngồi của gánh hàng rong nào cũng có cái giá của nó. Họ đã mua lại với giá từ $600 cho tới $3,000 dollars. Đó là cả một sản nghiệp, và là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình họ. Giật mất chén cơm tương đương như giật mất tính mạng của họ.
Chính quyền khuyến khích, các bà gánh hàng rong hãy bán hàng trên mạng. Thời đại của internet, ngành Gánh Hàng Rong cũng phải toàn cầu hóa. Việt Nam thời hội nhập đấy. Tội nghiệp cho những gánh hàng rong! Xôi bán trên mạng ư? Nước mía trên mạng ư? Thôi thì cũng được. Khỏi mất công rao, thanh toán bằng thẻ. Càng hay. Nhưng làm sao cho khách ăn trên mạng đây? Chuyện chỉ có những người bại não mới nghĩ ra.
Nhưng mà việc giành lấy vỉa hè cho người đi bộ nó quan trọng hơn việc giành lấy môi trường sạch, biển sạch sao ta? Thủ tướng Phúc, Bí thư Thăng ca ngợi quyết tâm đòi lại vỉa hè, tại sao lại không có quyết tâm đòi lại Trường Sa, Hoàng Sa?
Hay đấy chỉ là chuyện nhỏ?
Làm ngơ mới là chính sách lớn.
26.03.2017
Nguyễn thị Thảo An

https://www.facebook.com/thaoan.nguyenthi


Khiêu vũ với bầy sói

Nguyễn Thị Thảo An (Danlambao) - Câu chuyện thời sự trong và ngoài nước hiện nay đang sôi nổi về hai vụ án: Một của Hoa Hậu Phương Nga, hai là vụ Mẹ Nấm. Hoa hậu Phương Nga bị truy tố vì tội lừa đảo. Người khởi tố là ông Cao Toàn Mỹ. Còn Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị truy tố vì tội tuyên truyền chống chính quyền, đặc biệt lại do chính đương đơn tức chính quyền xét xử.
Điều này khởi đầu cho mọi sự bất công mà ai cũng thấy rõ. Nó giống như cho phép ông Cao Toàn Mỹ xử án Phương Nga.
Hoa Hậu Phương Nga là một cô gái đẹp, có quốc tịch Nga, tốt nghiệp đại học, có cơ sở kinh doanh, đời sống khá giả, có thể xuất ngoại giống như đi chợ, tương lai mở rộng trước mắt. Cô bị ông Cao Toàn Mỹ kiện về tội lừa đảo, liên quan đến tình và tiền.
Vụ án Hoa hậu Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ được dư luận gọi đùa là chiến tranh Nga-Mỹ. Cả hai đều nói dối trước tòa. Ông Mỹ phủ nhận liên hệ tình cảm với cô Nga và cáo buộc cô này lừa đảo mua nhà rồi quỵt tiền. Ra tòa, cô Nga một mực thú nhận chuyện bán dâm, nhưng phủ nhận chuyện mua bán nhà. Về chuyện bán dâm cô có hợp đồng chứng minh thỏa thuận giữa hai bên qua email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Cái sơ hở của hợp đồng là không đề giá. Vì vậy, cô cho rằng 16,5 tỷ là giá bán dâm mà ông Mỹ phải trả. Có lý nào giá bán dâm 16,5 tỷ trong khi giá vốn kinh doanh công ty Vinagame của ông Mỹ chỉ có 4,5 tỷ?
Tuy cả hai đều nói dối, cả hai đều có tội. Nhưng dựa theo lời khai, cô Mỹ phạm vô số tội. Tội làm giấy tờ giả, giả chữ ký ông Mỹ, giả con dấu của sở nhà đất, thuê người giả danh chủ nhà, thuê xã hội đen đe dọa ông Mỹ... Ra tòa cô phản cung, mặc dù đã 30 tuổi, cô vẫn không chịu trách nhiệm về chữ ký của mình, tất cả những chứng cứ đều do người thứ ba xúi biểu.
Tại tòa, Phương Nga sử dụng quyền Im Lặng một cách khá thoải mái. Cô từ chối những câu hỏi bất lợi và đôi khi còn quật ngược lại luật sư, bẻ quặt hướng điều tra của HĐXX sang chuyện khác. Cô còn tuyên bố bất tín nhiệm cơ quan điều tra, nghi ngờ HĐXX thiên vị ông Mỹ, hủy chứng cớ... Tóm lại bị cáo Phương Nga có phần chủ động phiên tòa.
Dư luận trong nước theo dõi vụ này rất kỹ...
Theo dõi cộng đồng mạng, người ta thấy nhiều người lên tiếng bênh vực HH Phương Nga, bất kể cô này bán dâm hay lừa đảo (???) Có lẽ người ta bị thấm nhuần tư tưởng "người giàu chính là kẻ bóc lột" mà ông Mỹ là một đại gia. Cô Nga "bóc lột" lại đại gia là một hành động có thể chấp nhận được (???). Đấy mới chỉ là một lổ hổng về kiến thức của cư dân mạng. Tòa án chỉ xét dựa trên điều luật mà không phải dựa trên thành kiến hay quan niệm.
Nhưng chỉ mấy ngày sau, vụ Mẹ Nấm đã đánh chìm vụ thứ nhất.
Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người phụ nữ nghèo, đơn thân, nuôi hai con nhỏ. Vì phẫn uất trước bất công xã hội, vì chống lại thảm họa hủy diệt môi trường của nhà máy Formosa, vì lên tiếng ngăn chận những vụ giết người vô tội ở đồn công an. Những hoạt động của Mẹ Nấm nhằm bảo vệ xã hội và đất nước, vì lý tưởng này người phụ nữ đã bất chấp nguy hiểm tới tính mạng của mình và của cả gia đình.
So sánh hai người đàn bà này dễ làm dư luận công phẫn.
Bài này chỉ so sánh hai vụ án, hai phiên tòa, hai cách xét xử khác nhau tuy cùng dựa theo một bộ Hình Luật Tố Tụng.
Riêng vụ Mẹ Nấm dư luận lan rộng trong và ngoài nước, có tác động ảnh hưởng đến tầm mức quốc gia.
Vụ này có người đặt tên là Khiêu Vũ Với Bầy Sói.

Khiêu Vũ Với Bầy Sói là tên một cuốn phim Mỹ. Nội dung là cuộc tranh đấu sinh tồn của con người và bầy sói ở một vùng hoang dã thời lập quốc. Người ta ví Mẹ Nấm ra tòa giống như một mình đơn độc giữa bầy sói.
Mẹ Nấm là người phụ nữ trẻ, yếu đuối, đơn thân, nuôi hai con nhỏ. Kể từ tháng 4, năm ngoái 2016 nhà máy Formosa xả chất độc vào biển Việt Nam, hủy diệt môi trường biển và đất liền, Mẹ Nấm là một trong những người đòi chính quyền phải bảo vệ môi trường sạch cho Việt Nam. Phương tiện của chị là ngòi bút, con phím viết lên sự thật những tội ác đang hủy diệt con người và đất nước Việt Nam. Chị kêu gọi chấm dứt những vụ giết người vô tội tại các đồn công an. Gióng lên thực trạng xã hội và nguyện vọng của người Việt. Blogger Mẹ Nấm được đông đảo người Việt ủng hộ. Số người vô trang mạng nhà chị lên tới hơn 20, rồi 40 ngàn trong vòng mấy tháng qua.
Tháng 10/2016, Blogger Mẹ Nấm, bị bắt giam và bị truy tố với tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trong suốt thời gian ở bị giam, nhà cầm quyền đã vi phạm rất nhiều quy định tạm giam. Công an tước đoạt quyền thăm nuôi của thân nhân, quyền gặp gỡ tham vấn với các luật sư, thậm chí không cho chị dùng băng vệ sinh của phụ nữ.
Ngày 29 tháng 3 năm 2017, Mẹ Nấm được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh "Phụ nữ Can đảm". Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề chính trị Thomas A. Shannon trao “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế” năm 2017.
Hãy khoan nói tới những cáo trạng mà nhà cầm quyền đã ra lệnh bắt giam Mẹ Nấm.
Điều đáng nói là trong vụ án này, nhà cầm quyền không hề điều tra rõ, đã vội đưa Mẹ Nấm ra tòa để kết án một cách vội vã.
Vì sao???
Ngày 29 tháng 6, ngày Mẹ Nấm ra tòa. Chỉ xử một người phụ nữ trẻ, tay không tấc sắt, lực lượng công an đã huy động 10 chiếc xe bus lớn và nhiều xe nhỏ, motorcycle, cộng với hàng trăm công an tuần hành chung quanh khu vực. Khuôn viên tòa án được phong tỏa từ xa. Cấm chụp hình, cấm lai vãng... mặc dù không đề bảng cấm.
Phiên tòa tuyên bố công khai nhưng mẹ ruột của Mẹ Nấm không được tham dự. Trước ngày xử các báo lề đảng đã đăng tin Mẹ Nấm đã nhận tội. Đồng thời sau phiên tòa, báo Lao Động cũng đăng hình phòng xử chật kín, trong có hình một người đàn bà không rõ danh tính được ghi chú là mẹ ruột của bị cáo. Những người khác là công an, cán bộ mặc thường phục đóng vai thường dân. Cả một hệ thống tư pháp, chính quyền và báo chí đang bịa đặt, tung tin giả để vu khống chị, cả một hệ thống cai trị đang hùa nhau bức hại một người đàn bà cô thế.
Chả oan khi người ta ví Mẹ Nấm đang khiêu vũ giữa bầy sói.

https://www.facebook.com/thaoan.nguyenthi

http://danlambaovn.blogspot.com


THÍCH NHẤT HẠNH VỀ VIỆT NAM

Copy từ Fb ViVi Võ Hùng Kiệt

ACE có lập trường Quốc Gia hẳn biết sáng 29.8.2017 trang mạng RFA đưa tin: Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH VỀ VIỆT NAM Bản tin ngắn gọn như sau: "Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng các tu sĩ vừa đến Việt Nam vào trưa ngày 29 tháng 8. Đây là chuyến về nước lần đầu tiên kể từ khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não nghiêm trọng hồi trung tuần tháng 11 năm 2014.- Sức khỏe của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được hồi phục sau cơn bạo bệnh và Ngài đã đến thăm viếng, lưu trú tại trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan hồi tháng 12 năm ngoái cho đến nay. Trong thời gian gần đây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ tâm nguyện được về thăm Việt Nam.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đáp chuyến bay xuống sân bay Đà Nẵng vào trưa ngày 29 tháng 8. Ngài sẽ lưu lại đây vài ngày và sau đó sẽ ra Huế.
Trước đây vào năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam hoằng pháp và xây dựng trung tâm tu học Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, với kinh phí gần 1 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên vào tháng 6 năm 2008, công an địa phương yêu cầu khoảng 400 tu sĩ theo học tại Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã. Vụ việc kéo dài cho đến cuối năm 2009, đỉnh điểm là tăng ni bị đàn áp và bị ép buộc ra khỏi Làng Mai trong bạo lực. Chính quyền Việt Nam có đề nghị gặp gỡ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh để giải quyết vụ việc, nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từ chối yêu cầu đó".
Ai trong chúng ta cũng biết, thiền sư Nhất Hạnh trong mắt báo chí thế giới đã không biết bao nhiêu bài báo vinh danh thiền sư bằng lời lẽ ca ngợi hết sức trọng vọng: "Trong số các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương, thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Đạt Lai Đạt Ma" vì ngài là một học giả thông tuệ.
Khi viết bài này, thật tình người viết không dám lên tiếng phê phán những việc làm của một thiền sư kiệt xuất như ngài, nhưng không nói thì lại bứt rứt trong lòng, nên đành mạo muội giải bày ý tưởng vào bức tâm thư này.
Ngược dòng thời gian để hiểu về sự dấn thân chính trị của thiền sư Nhất Hạnh hồi 50 năm về trước. Năm 1966, Đại đức Thích Nhất Hạnh được phái ra ngoại quốc nhầm kêu gọi chấm dứt chiến tranh, đòi quyền tự quyết, lập một chính phủ hòa giải dân tộc cho hai miền. Đại đức Nhất Hạnh đến Pháp với tư cách Truởng phái đoàn Hòa Bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để nói cho thế giới biết rằng: “Dân VN không muốn chiến tranh nữa, chỉ muốn ngồi xuống thương thuyết để đi tới một giải pháp hòa bình cho đất nước”. Lời kêu gọi không thành như mong ước, Đại đức Nhất Hạnh quyết định định cư luôn tại Pháp và tích cực chọn cho mình con đường tham gia vào các sinh hoạt phản chiến.
Trong nhiều tài liệu còn ghi rõ, vào những năm 70, lúc phong trào Phản chiến đang lên cao, ông John Kerry, vốn là cựu chiến binh Hoa Kỳ tại VN đã cùng cô đào Jane Fonda và thiền sư Nhất Hạnh tố chức nhiều cuộc biểu tình tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ để chống chiến tranh VN và làm áp lực với chính quyền Hoa Kỳ phải rút quân khỏi VN. Sau khi miền Nam bị miền Bắc cưỡng chiếm vào tháng Tư 1975, Võ Nguyên Giáp đã công nhận rằng: “Chính nhờ việc làm của John Kerry, Jane Fonda và Thích Nhất Hạnh mà miền Bắc mới thắng trận.” (Tạp chí VNTP số 681).
Ba mươi mấy năm lại âm thầm trôi qua, cứ ngỡ thiền sư nay đã bỏ lại sau lưng những bất đồng, những tranh chấp, những định kiến như hồi 35 năm về trước để tìm cho mình sự an trú trong từng sát na, dè đâu lúc thế giới đang rúng động vì bọn khủng bố Al Queda phá hoại Trung Tâm Thương Mại tại New York, giết hại mấy ngàn người vào ngày 9 tháng 11 năm 2001, thì cũng chính thiền sư Nhất Hạnh lại tức tốc bay từ Pháp đến New York, bỏ ra 45.000 USD, để gửi đăng một loạt bài viết trên tờ New York Times, dụng ý nhắc nhở thế giới đừng lãng quên tên tuổi của ngài bằng cách tung ra một nguồn tin cực kỳ gây sốc, đó là Không quân Hoa Kỳ vào dịp Tết Mậu Thân (1968) đã tàn ác ném bom xuống thị xã Bến Tre phá hủy 300.000 căn nhà (Trời, năm 1968 mà Bến Tre có cả triệu dân sao?), nên ngày nay Hoa Kỳ phải nhận lại cái quả mà họ đã gây ra!!!
Tiếp liền sau đó, tháng 01/2005, nhận lời mời của CSVN, thiền sư Nhất Hạnh dẫn đầu một phái đoàn Phật tử gồm 190 người tháp tùng về tới phi trường Nội Bài (Hà Nội). Hôm ấy, đông đảo Phật tử xếp hàng cả chục cây số để chờ đón, chiêm ngưỡng ngài như một vị Bụt sống. Chưa có một vị thủ lãnh tinh thần nào được đón tiếp long trọng như ngài, hoa thơm rắc đầy đường đi, cờ lọng cho hàng trăm chư tôn thiền đức tăng ni nhuộm vàng cả đoạn đường dài theo đúng như mọi yêu cầu của thiền sư. Trong chuyến đi này thiền sư Nhất Hạnh đã đi hoằng pháp từ Bắc vào Nam, tổ chức trai đàn, thăm viếng tất cả quý vị lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo bên quốc doanh cũng như bên Giáo hội Phật Giáo Thống nhất. Tuy nhiên, các đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hoà Thượng Thích Quảng Độ đều đã từ chối gặp gỡ phái đoàn, mà không một lời giải thích. Khi trở lại Pháp, tại phi trường De Gaulle, ni sư Chân Không, người đại diện của Thiền sư Nhất Hạnh đã tuyên bố:“Tại một số chùa ở Việt Nam có cất giấu cờ vàng của VNCH nên mới bị bắt giữ, chứ nhà nước VN không có đàn áp tôn giáo ”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin là Thiền sư muốn về VN tịnh dưỡng, khiến nhiều người phải tự đặt ra nghi vấn, tuổi hạc đã cao, tịnh dưỡng thì bên Thái Lan thiếu gì Resort đẳng cấp, tại sao lại chọn điểm đến là VN? Có thể là lòng hoài hương thôi thúc mà cũng có thể là nguyện ước cuối chăng? Mà thôi, đằng nào thiền sư cũng đã về với quê cha đất mẹ, nếu có cơ hội được diện kiến thiền sư, tôi chỉ sẽ hỏi 3 câu cứ mãi trăn trở trong đầu sau khi biết tin ngài về VN:
Câu 1: Từ Đà Nẵng ra Hà Tĩnh gần lắm, tịnh dưỡng tại Mangala Resort Đà Nẵng suốt ngày chắc cũng buồn, thiền sư có dự định làm một cuộc du hành bỏ túi, đến mục sở thị đời sống ngư dân Hà Tĩnh lầm than thế nào sau ngày Formosa xả thải giết 4 tỉnh miền Trung cá chết trắng bờ không?
Câu 2: Kế hoạch của thiền sư là dừng chân tại Đà Nẵng đôi ba ngày rồi ngài sẽ tham quan ra Huế. Về Huế nhân dịp rằm tháng 7 xá tội vong nhân, không biết thiền sư có dự định lập trai đàn cúng tế cho những oan hồn bị CS thảm sát tức tưởi hồi Mậu Thân 1968 hay không?
Chú thích thêm cho tuổi trẻ sau này biết rõ, người miền Nam gọi Tết Mậu Thân 1968 là “Thảm sát Mậu Thân”, trong khi CS miền Bắc lại đánh tráo khái niệm bằng cái tên "Cuộc tổng tiến công nổi dậy". Chỉ trong 26 ngày địa ngục trần gian khi bộ đội Bắc Việt cưỡng chiếm thành phố Huế mà ít nhất 5327 người dân vô tội đã bị sát hại dã man trong những hố chôn sống và 1200 người bị bắt đưa đi mất tích. Chưa hết, tất cả thành tích nhuốm máu đó nay sử đảng cộng sản lại chối biến và đổ vấy cho Hoa Kỳ và VNCH đã gây ra, bất chấp còn rất nhiều nhân chứng sống, nhiều tài liệu, hình ảnh còn ghi rõ ràng tội ác của CS.
Câu 3: Vụ Trung tâm tu học Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng hồi 2005 bị CS dùng côn đồ đến cưỡng chiếm đánh phá tan tành, thiền sư đã lên tiếng nhắn nhủ với tất cả tăng thân đừng nên nóng nảy mà hãy xem đây như là một Công Án Thiền , rất lợi lạc cho con đường tu tập. Nguyên văn lời thiền sư Nhất Hạnh như sau: "Công án là một vấn nạn cần phải giải quyết bằng niệm, định và tuệ chứ không thể chỉ bằng trí năng của ta. Nếu chưa giải quyết được thì mình chưa có hướng đi, chưa có an lạc và hạnh phúc". Nếu vậy chắc hàng trăm ngàn Dân Oan hiện nay đang bị nhà cầm quyền cướp đất, cướp nhà đều nên đến dự một khóa tu học về Công Án Thiền này thì dù có bị cướp sạch cũng vẫn an lạc và hạnh phúc?
Hiện tình đất nước ngày nay đang chênh vênh bên bờ vực của diệt vong, trộm nghĩ, dù là người tu hay trần tục, trách nhiệm của mọi công dân ít nhất là không được im lặng mà phải cùng nhau lên tiếng tố cáo cái ác cái xấu, nhất định không tiếp tay cho một đảng phái hay một nhà cầm quyền tàn độc nào đang tiếp tục hại dân bán nước như ĐCS hiện nay, như vậy dù mai này có trở về với cát bụi cũng không hổ thẹn với tiền nhân đã có công dựng nên cơ đồ giang sơn gấm vóc này.
Trong kho tàng trùng trùng những lời Đức Phật dạy chất chứa triết lý sâu xa, có một câu rất hay, xin trích ra đây với lời giảng giải để tất cả cùng nghiền ngẫm:
“Ngẩng đầu cần ý chí, cúi đầu cần dũng khí”
Con người chứ không phải là bậc thánh nhân, đã là con người thì khi thực hiện sự việc khó khăn tránh khỏi thiếu sót, thậm chí còn sai phạm. Dẫu đã có thiếu sót, đã có sai phạm, đều không đáng sợ, mà điều then chốt là cần phải có khả năng nhận thức và cải đổi. Cho nên, chỉ cần có dũng khí dám cúi đầu thừa nhận sai lầm, có ý chí ngẩng đầu sửa đổi sai phạm, thì nhất định từ chỗ ngã ấy mà đứng thẳng lên, sẽ nhận được sự thông cảm và bao dung của người chung quanh, từ đó mới có thể vươn lên, đạt được những thành tựu trong đời.
Còn tiếp tục im lặng, thỏa thuận bắt tay với quỷ đỏ CSVN thì... Về làm chi, rồi mai lặng lẽ ra đi?
Đồ Hiếm
30/8/2017

https://www.facebook.com/thaoan.nguyenthi

 

Đăng ngày 21 tháng 09.2017