Sau bốn mươi năm Việt Nam Cộng hòa bị cộng sản cưỡng chiếm, lời phát biểu của Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 24 tháng 10 năm 1972 vẫn là lời kết án chính xác nhất dành cho những kẻ vô nhân "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".

Ăn cơm mới nói chuyện cũ:

Thành phần thứ ba: Đối lập cửa trước rước giặc cửa sau

nguyen van thieu"Tôi thiết tha kêu gọi những ai, ở miền Nam này, đang ăn cơm miền Nam, đang thở không khí miền Nam, đang được sự che chở của xương máu Dân Quân miền Nam, mà đến ngày nay, còn âm thầm tiếp tay với Cộng sản, còn lén lút đi đêm với Thực dân, Ngụy hòa, còn tính đâm sau lưng chiến sĩ đồng bào…Tôi kêu gọi lương tri của mấy người, vì đất nước, vì dân tộc, hãy dừng chân lại, hãy dừng tay lại, hãy từ bỏ ý định đó đi mà cùng với 17 triệu rưỡi Dân Quân miền Nam chiến đấu chống kẻ thù Cộng sản. Tôi kêu gọi mấy người hãy suy nghĩ, nếu thích Cộng sản thì hãy có can đảm ra ngoài Bắc ở với Cộng sản, như vậy Cộng sản còn ít khinh rẻ mấy người hơn là làm tay sai cho chúng ở miền Nam này.
Có thể không ai ở miền Nam tự do này giết mấy người đâu, nhưng chính Cộng sản sẽ giết mấy người.

Mấy người nếu muốn có tên trong lịch sử, thì cũng có hai lối có tên trong lịch sử. Một đàng khi nhắc đến, thì toàn dân cúi đầu khâm phục, con cháu lại ngẩng đầu lên hãnh diện. Một đàng khác, khi nhắc đến, thì toàn dân ngẩng đầu lên nguyền rủa, còn con cháu mấy người lại cúi đầu tủi nhục. Tôi chắc mấy người sẽ được lịch sử ghi tên vào hạng thứ hai này.

Nếu mấy người không cầm súng xông pha lửa đạn để chiến đấu, nếu không làm được một việc gì hữu ích cho hậu phương thì mấy người đừng làm gì hại dân bán nước.
Một hành động ngu xuẩn, phản bội Tổ Quốc, Chiến Sĩ và Nhân Dân, dù có gạt được ai 5, 3 tháng, 5, 3 năm, rồi cũng sẽ bị lịch sử lôi ra chứng minh và cũng sẽ bị trừng trị nghiêm khắc..."
(Cố TT Nguyễn Văn Thiệu)

Về những kẻ mơ “nối vòng tay lớn” trong hòa bình với kẻ thù. Họ là những kẻ góp phần lớn vào sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Họ không ngừng cực lực lên án chính phủ Quốc gia và không ngừng xuống đường liên tục với đủ sắc áo màu cờ nhân danh phản chiến và hòa bình. Những chiến sĩ VNCH hy sinh biết bao xương máu ngoài mặt trận trong suốt 21 năm trời để bảo vệ hậu phương cho họ tự do lợi dụng và khai thác thể chế dân chủ và tự do để gây rối loạn ở hậu phương. Vô tình hay hữu ý hay thơ ngây, họ trở thành ngọn giáo nối dài của Cộng sản đâm vào hậu phương từng nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ họ và gia đình. Họ là những sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, chính trị gia, tu sĩ, và thành phần thứ ba ở miền Nam.

Những kẻ phản chiến và ngụy hòa này, tức những kẻ đối lập cửa trước rước giặc cửa sau vì, xét cho cùng, trung lập trong chiến tranh chính là bạn của kẻ thù. Nhưng cuối cùng khi cuộc chiến tàn, họ bị Cộng sản bỏ rơi, coi thường, hay cả bị tù đày. Họ chính là những kẻ mà Lênin đặt tên là “những kẻ ngu xuẩn có ích” cho cộng sản. Họ hiện diện thường xuyên trên các đường phố ở miền Nam và Mỹ kêu gọi hòa bình mà thực tế là mở đường cho cuộc chiến tranh mới không tiếng súng nhưng tàn ác gấp bội lần...

facebook nvt


Dư hương ngọt ngào

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Người ơi ước mong ngày tàn chinh chiến
Ðể toàn dân sống trong cuộc đời ấm êm
Ta nhắn gửi về nơi quê cũ xa vời
Hỡi ai lạc bước mau quay về đây

(Về Đây Anh  - Nguyễn Hiền & Nhật Bằng)

Chương trình Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa được xây dựng và tiến hành trên nền tảng chính sách Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chủ trương lấy tình thương xóa bỏ hận thù, chân thành mở rộng vòng tay đón tiếp những anh chị em ruột thịt chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản, lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tưởng là phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc. Tất cả các cán binh cộng sản ra hồi chánh, bất kể quá trình hoạt động bản thân trong hàng ngũ cộng sản như thế nào, nếu ý thức sự lầm lạc trong quá khứ, và nhiệt tình phục vụ lý tưởng tự do dân chủ, đều được phục hồi đầy đủ quyền công dân và hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng dân tộc.

Cơ quan phụ trách chương trình Chiêu Hồi
Chương trình Chiêu Hồi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 1962, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cơ quan phụ trách chương trình Chiêu Hồi là một phân ban của Bộ Công Dân Vụ, gọi là Phân Ban Chiêu Hồi, có đẳng cấp tương đương với một Nha thuộc Bộ.
Sau chính biến 1-11-1963, Phân Ban Chiêu Hồi được chuyển sang thống thuộc Phủ Thủ Tướng. Đến năm 1965, với Ủy Ban Hành pháp Trung ương, chương trình Chiêu Hồi được giao cho Bộ Thông Tin phụ trách, có đẳng cấp tương đương với một Tổng Nha, do Thứ Ủy Chiêu Hồi cầm đầu.
Năm 1967, cơ quan phụ trách chương trình Chiêu Hồi được nâng lên cấp bộ, gọi là Bộ Chiêu Hồi, do Tổng Trưởng Chiêu Hồi cầm đầu, có Phụ Tá Tổng Trưởng Chiêu Hồi giúp việc.
Tháng 2 năm 1974, Bộ Chiêu Hồi được bãi bỏ, chương trình Chiêu Hồi do Tổng Cục Chiêu Hồi thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi phụ trách.
Điều đáng lưu ý là chương trình Chiêu Hồi không phải chỉ một mình Bộ Chiêu Hồi chịu trách nhiệm thi hành. Bộ Chiêu Hồi chủ yếu phụ trách mặt nổi của chương trình, như tuyên vận, tiếp nhận, huấn chính, phục hoạt. Trong thực tế, nhiệm vụ chính của Bộ Chiêu Hồi là phối hợp hoạt động của nhiều cơ quan chính phủ như Quân Đội, Cảnh Sát, Tình Báo, Thông Tin, Ngoại Giao, Tư Pháp, và quân đội đồng minh, để tiến hành chương trình Chiêu Hồi trong khuôn khổ chương trình Bình Định và Phát Triển, đặc biệt là về mặt tuyên vận chính nghĩa chống chuyên chính vô sản, và về mặt khai dụng người hồi chánh để nắm vững địch tình.

Tổ chức Điều hành
Ở cấp trung ương, Tổng Trưởng Chiêu Hồi được sự giúp đỡ của Phụ Tá Tổng Trưởng Chiêu Hồi về mặt công tác, của Tổng Thư Ký về mặt hành chánh, của Thanh Tra Trưởng điều khiển Khối Thanh Tra và Lượng Giá, và của Phụ Tá Kế Hoạch đảm trách Khối Kế Hoạch Chương Trình. Ngoài Văn Phòng Tổng Trưởng và các Nha Quản Trị, Công Tác, Phục Hoạt, Pháp Chế, Tiếp Nhận, và An Ninh Tình Báo, ở cấp trung ương còn có Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương ở Thị Nghè và Trung Tâm Huấn Nghệ Trung Ương ở Biên Hòa. Các nha được chia thành sở, sở chia thành phòng, phòng chia thành ban.
Ở cấp quân khu có Văn Phòng Đại Diện Chiêu Hồi và Trung Tâm Chiêu Hồi cấp quân khu.
Ở cấp tỉnh có Ty Chiêu Hồi do Trưởng Ty điều khiển, và Trung Tâm Chiêu Hồi cấp tỉnh. Riêng Đô Thành Sài Gòn có Sở Chiêu Hồi do một Chánh sự vụ điều khiển.
Ở cấp quận có Chi Chiêu Hồi do Trưởng Chi cầm đầu. Cấp quận không có trung tâm tiếp nhận thường trực.
Ngành Chiêu Hồi không có cán bộ cấp xã. Phần vụ chiêu hồi ở xã do cán bộ Thông Tin phụ trách.
Nhân viên Bộ Chiêu Hồi ước chừng 11.000 người, gồm công chức chính ngạch, công nhật, hợp đồng, quân nhân biệt phái, cán bộ chiêu hồi, và 90 đại đội võ trang tuyên truyền tuyển chọn trong số cán binh cộng sản ra hồi chánh.

Quản trị Tài chánh
Khi còn là Phân Ban Chiêu Hồi, các chi phí về chương trình Chiêu Hồi liên quan đến người Hồi Chánh do Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi đài thọ. Quỹ này là một quỹ ngoại ngân sách do viện trợ Mỹ yểm trợ (1). Các chi phí điều hành (lương nhân viên, trụ sở, vật liệu, văn phòng phẩm) thì do Bộ sở quan (Bộ Công dân vụ, Phủ Thủ Tướng, Bộ Thông Tin) đảm trách.
Khi trở thành một bộ, Bộ Chiêu Hồi có ngân sách riêng, có quy chế và thể lệ dự trù, duyệt xét, chi tiêu, thanh lý, hậu kiểm, y hệt ngân sách các bộ khác của chính phủ. Ngân sách này có 2 phần:
· Phần ngân sách quốc gia phụ trách việc chi trả các khoản điều hành.
· Phần ngân sách viện trợ Mỹ chi trả các khoản liên quan đến người Hồi Chánh: tuyên vận, tiếp nhận, tưởng thưởng, nuôi ăn, may mặc, huấn chính, huấn nghệ, hoàn hương (trở về làng cũ), định cư (thiết lập làng mới), và lương và công tác phí cho các đội viên võ trang tuyên truyền.
Việc quản trị và thanh lý các ngân khoản thuộc phần ngân sách quốc gia được thực hiện theo thể lệ tài chánh quốc gia. Đối với phần ngân sách ngoại viện, Bộ Chiêu Hồi không trực tiếp chi dụng và quyết toán, mà ủy ngân cho các tỉnh để các Trưởng Ty chi dụng và thanh lý với Ty Tài Chánh tỉnh, theo thể thức chi tiêu đặc biệt ‘xây dựng nông thôn’. Ngoài ra, Ty Chiêu Hồi còn được Kho Xây Dựng Nông Thôn địa phương yểm trợ trực tiếp ‘thực phẩm phụng sự hòa bình’ và ‘vật liệu xây dựng nông thôn’, theo quyết định của Tỉnh Trưởng, ngoài sự kiểm soát của Bộ Chiêu Hồi (2).
Ngân sách hàng năm của Bộ Chiêu Hồi (thời gian 1967-1974) trung bình chừng khoảng 500-600 triệu đồng Việt Nam phần ngân sách quốc gia, và chừng khoảng 600-700 triệu đồng Việt Nam phần ngân sách ngoại viện.

Thành quả chiêu hồi về mặt tiếp nhận
Từ ngày bắt đầu thi hành chương trình vào cuối năm 1962 đến ngày 30-04-1975 đã có khoảng 230.000 cán binh cộng sản ra hồi chánh.
Những năm đầu (1963-1965) và năm cuối (1974) số người ra hồi chánh hàng năm chỉ có chừng vài nghìn. Số người ra hồi chánh lên cao đến 15.000-43.000 mỗi năm trong khoảng thời gian chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tiến hành chương trình Bình Định và Phát Triển từ 1968 đến 1972. Số người ra hồi chánh cao nhất là vào năm 1969 (43.000 người) và năm 1970 (38.000 người).
Cán binh cộng sản ra hồi chánh phần lớn là cán bộ và bộ đội gốc gác trong nam. Một số ít là cán binh tập kết nay quay trở lại miền nam. Cán binh Bắc Việt xâm nhập thì có rất ít, tổng cộng chỉ chừng 4.000-5.000 người. Ngoài ra còn có 3.500 phạm nhân và 11.500 tù binh thuộc thành phần tân sinh hoạt được Ủy Ban Liên Bộ Chiêu Hồi, Nội Vụ, Quốc Phòng, và Tư Pháp, tuyển chọn cho cải danh sang qui chế hồi chánh.
Cấp bậc cao nhất của sĩ quan ra hồi chánh là thượng tá (Thượng tá Tám Hà). Nhân viên dân sự cao cấp nhất ra hồi chánh là Trưởng Ty Y Tế tỉnh Pleiku (Bác sĩ Đặng Tân). Trong số người hồi chánh, có nhà văn có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam (Xuân Vũ Bùi Quang Triết), có nhạc sĩ tác giả khúc nhạc mở đầu của đài phát thanh giải phóng (Phan Thế), có tài tử điện ảnh của đoàn làm phim Hà Nội (Cao Huynh), có nhân viên văn phòng Bí Thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định (Tô Minh Trung).



Thượng Tá Tám Hà, thứ 2 từ trái về hồi chánh trong năm tổng tấn công Mậu Thân 1968, đầy cay đắng thất bại của việt cộng.

Thành quả chiêu hồi về mặt phục hoạt
Tất cả cán binh cộng sản ra hồi chánh, không những thuộc thành phần tự nguyện mà kể cả thành phần cải danh, đều được chính quyền phục hồi sinh hoạt bình thường, cho thủ đắc đầy đủ quyền công dân, và giúp đỡ hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng dân tộc.
Cán binh cộng sản ra hồi chánh được đưa về trung tâm chiêu hồi. Tùy theo chức vụ và cấp bậc trong hàng ngũ cộng sản, họ được tiếp nhận ở trung tâm cấp tỉnh, cấp quân khu, hay cấp trung ương. Riêng cán binh Bắc Việt xâm nhập, tất cả đều được đưa về trung tâm chiêu hồi trung ương ở Thị Nghè.
Trong những ngày đầu tại trung tâm tiếp nhận, người hồi chánh được tiếp xúc với nhân viên an ninh Bộ Chiêu Hồi và nhân viên tình báo các cơ quan bạn để khai báo về bản thân, về tổ chức và hoạt động của cơ quan cộng sản, về đường giây nằm vùng, về nơi chôn dấu vũ khí v.v. Sau đó, người hồi chánh được nhân viên cảnh sát làm thủ tục cấp thẻ căn cước, và tham gia một khóa học chính trị cơ bản. Người hồi chánh còn được đưa đi tham quan phố phường, chợ búa, bệnh viện, trường học, xưởng dệt kim, nhà máy cán thép, trại cây ăn trái, để biết rõ thực trạng xã hội miền nam. Trước khi rời trung tâm chiêu hồi, người hồi chánh được hỏi về nguyện vọng sau khi hoàn hương, để được tùy nghi giúp đở. Thời gian ở trong trung tâm tiếp nhận là 2 tháng. Người hồi chánh được nuôi ăn ngày 3 bữa và được cấp phát 2 bộ quần áo. Khi rời trung tâm để về với gia đình, người hồi chánh được cấp vé xe, vé tàu, và tiền hoàn hương.
Những người có nguyện vọng học thêm nghề để kiếm sống sẽ được đưa đến các trung tâm huấn nghệ cấp quân khu hoặc cấp trung ương. Họ được tự do lựa chọn ngành nghề: nghề may, nghề mộc, lái xe và sửa máy xe, sửa điện nhà, radio, tủ lạnh v.v. Tại các trung tâm huấn nghệ, người hồi chánh cũng được nuôi ăn. Sau khi thành nghề, họ được giới thiệu kiếm việc làm.
Những hồi chánh viên quê quán miền bắc không muốn ở các vùng thị tứ, những hồi chánh viên không còn thân nhân, hoặc không muốn trở về làng cũ, thì đuợc đưa đến định cư ở các làng Chiêu Hồi. Tại miền nam thuở bấy giờ có khoảng 20 làng Chiêu Hồi. Mỗi gia đình được cấp 3 mẫu đất canh tác, nông cụ và hạt giống, và lương ăn trong 6 tháng. Hầu hết các làng Chiêu Hồi được cấp máy phát điện.

Nhà văn hồi chánh Xuân Vũ sau này trở thành nhà văn nổi tiếng của miền nam Việt Nam

Thành quả chiêu hồi về mặt hội nhập
Một số hồi chánh viên được tuyển dụng làm cán bộ võ trang tuyên truyền. Các cán bộ này được tổ chức thành đại đội, trang bị phương tiện truyền thanh và vũ khí nhẹ để thâm nhập vào các vùng xôi đậu làm công tác tuyên vận. Trong mùa hè đỏ lửa 1972, một đại đội võ trang tuyên truyền bị Việt cộng phục kích ở cầu Bồ Bản, Quảng Trị. Thay vì thúc thủ đầu hàng hoặc trốn chạy qua cầu và sẽ bị bắn chết hết, họ đã gan dạ trụ lại chống trả. Việt cộng bị bất ngờ và đã bỏ lại hiện trường 68 xác chết đồng đội. Đại đội võ trang tuyên truyền này đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn I tuyên dương và Bộ Chiêu Hồi tưởng thưởng.
Ngoài những chức vụ đặc biệt dành riêng để tuyển dụng các hồi chánh viên cao cấp như Tham Nghị đặc biệt (cấp Tổng Giám đốc) và Tham Nghị (cấp Giám đốc), một số hồi chánh viên có năng lực và tinh thần hợp tác được tuyển dụng vào các chức vụ chỉ huy thường chỉ dành cho các sĩ quan biệt phái hay công chức chính ngạch cấp đốc sự hoặc tham sự như giám đốc nha, chánh sự vụ sở, quản đốc trung tâm, chủ sự phòng. Những nguời này đã thực sự quên đi dĩ vãng và dốc lòng phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với niềm tin tưởng mãnh liệt vào chính sách Đại Đoàn Kết Dân Tộc (3).
Một số hồi chánh viên được tuyển dụng làm cán bộ võ trang tuyên truyền đã được sung vào các Thuyết Trình đoàn của Bộ Chiêu Hồi để thường xuyên đến các trường học, các xưởng máy, các tổ chức cộng đồng tôn giáo và xã hội, để nói chuyện cho đồng bào nghe về thực trạng miền bắc xã hội chủ nghĩa. Năm 1972, một đoàn thuyết trình gồm những người sinh trưởng trên đất Thái đã được đưa qua Thái Lan để nói chuyện cho kiều bào sinh sống tại vùng đông bắc Thái nghe về thực trạng xã hội miền nam. Hồi chánh viên Mai Văn Sổ được đưa qua Paris sinh hoạt với Việt kiều và hai tháng sau Mai Văn Bộ mất chức Tổng Đại Diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp. Hồi chánh viên Hồ Văn Bửu được đưa qua New Delhi nói chuyện về thực chất Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình nhân dịp Bộ trưởng Việt Cộng Nguyễn Thị Bình thăm viếng Ấn Độ. Hồi chánh viên Bùi Công Tương được đưa qua Úc làm chứng trước tòa rằng nhà báo Alfred Burchett viết lách gian dối, không khách quan, khi tường thuật thực trạng tại các vùng giải phóng ở miền nam Việt Nam, trong một vụ kiện đòi bồi thường danh dự giữa nhà báo ấy và một vị nghị sĩ Úc.

Trắc nghiệm thành quả
Chiều ngày 27-1-1973, Bộ Chiêu Hồi được lệnh của Phủ Tổng Thống tiếp nhận ngay trong đêm 11.500 tù binh cải danh hồi chánh do quân đội chuyển giao từ các trại tù binh Biên Hòa, Cần Thơ và Phú Quốc. Công việc phải hoàn tất trước 8 giờ sáng ngày 28-1-1973 là thời điểm hiệp định Paris có hiệu lực. Khả năng tiếp nhận của các trung tâm chiêu hồi trong toàn quốc là 5.400 người, nay phải tiếp nhận một lúc hơn gấp đôi số lượng, Bộ Chiêu Hồi phải đương đầu với nhiều khó khăn về chỗ ngồi chỗ nằm, về nuôi ăn, về vệ sinh, về trật tự. Tuy rằng mọi việc cũng đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng trong bối cảnh vừa mới đình chiến, vừa cận kề ngày Tết, những tù binh cải danh này nếu không chuyển qua quy chế hồi chánh thì giờ này đâu còn bị giữ lại trong các trung tâm chiêu hồi mà đã được trao trả cho Việt cộng và trở về với gia đình. Đương nhiên là tinh thần họ rất giao động, và viễn tượng an ninh tại các trung tâm tiếp nhận thật là đen tối. Bộ Chiêu Hồi đã linh động chỉ lập danh sách theo địa chỉ cư trú rồi cấp giấy hoàn hương và lộ phí cho tất cả 11.500 người này về nhà ăn Tết 15 ngày, sau đó sẽ đến trình diện cơ quan chiêu hồi địa phương để nhập trung tâm, làm thủ tục cấp thẻ căn cước, theo các lớp huấn chính, huấn nghệ. Việc làm này của Bộ Chiêu Hồi vừa để giải quyết khó khăn trước mắt, vừa để trắc nghiệm mức độ thành thật cải hối của các tù binh cải danh. Bộ Chiêu Hồi ước lượng chừng 20% sẽ bỏ đi theo Việt cộng, nhưng trong thực tế chỉ có 4,7% trong số họ đã bỏ đi không ra trình diện mà thôi.
Sau ngày 30-4-1975, tất cả tập thể hồi chánh viên mà Việt cộng thường gọi là thành phần chiêu hồi chiêu hàng, nếu không chạy được ra nước ngoài, đều bị đưa ra toà xét xử về tội phản bội cách mạng. Một số bị kết án tử hình. Ngoài ra thì bị đưa vào giam giữ ở các trại tập trung, y hệt các nhân viên quân sự và dân sự của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Giữa những người tù chính trị trong các trại giam của Việt cộng không hề có sự phân biệt thành phần chiêu hồi và ngụy. Nếu trong hàng ngũ những người tù thuộc thành phần chiêu hồi có những phần tử xun xoe, bợ đỡ, lập công với cách mạng, thì tỷ lệ những phần tử này còn thấp hơn tỷ lệ trong hàng ngũ những người tù thuộc thành phần không phải chiêu hồi mà Việt cộng gọi là thành phần ngụy. Đây lại thêm một biểu hiện về thành quả hội nhập của các người hồi chánh vào cộng đồng dân tộc sinh sống dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Kết Luận
Chương trình Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa là một chương trình thành công. Chương trình Chiêu Hồi ngày đó đã bắt nhịp cầu thông cảm giữa những người ở trong chính quyền chống cộng tha thiết với tiền đồ quốc gia dân tộc, với những người ở trong hàng ngũ cộng sản nhưng ý thức sự lầm lạc của mình, đã ngu muội chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản mà cứ tưởng là phục vụ quyền lợi của quê hương, của dân tộc. Chương trình Chiêu Hồi ngày đó mãi đến nay vẫn còn lưu chút dư hương ngọt ngào trong lòng những người không may phải sống trở lại trong vòng kềm kẹp của chính thể chuyên chính vô sản.
Minh Vũ Hồ Văn Châm

https://www.youtube.com/watch?v=W5liS1NAfxY


Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

The

Links:    Blog Mười Sáu

Chú Thích:
1. Các ngân khoản ứng trước do Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi lập ra để ủy ngân cho các địa phương trước năm 1967 phần lớn chưa được thanh lý. Đầu năm 1972, Bộ Chiêu Hồi cho lập Ủy ban Liên Bộ Chiêu Hồi, Tài Chánh, Giám Sát Viện, Ngân Sách Ngoại Viện để thanh lý hồ sơ chi tiêu các quỹ ứng trước đó. Các địa phương không có hồ sơ thanh lý hợp lệ phải hoàn trả ngân khoản được ứng trước. Bộ Chiêu Hồi đã thu lại 57 triệu đồng Việt Nam cho Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi, và chuyển hoàn tồn khoản của Quỹ Tạm Ứng Chiêu Hồi cho Quỹ Đối Giá Viện Trợ Mỹ.

2. Thể thức chi tiêu Xây Dựng Nông Thôn được đặt ra để giúp các địa phương không bị ràng buộc với các thủ tục chi tiêu rườm rà của trung ương, nhờ vậy, các địa phương có thể linh động giải quyết nhanh chóng các nhu cầu cấp kỳ. Tuy nhiên, nếu trung ương có thái độ phủi tay (ủy ngân xong là xem như hết trách nhiệm) hay chủ trương tiếp tay (ủy ngân bừa bãi quá mức nhu cầu để chia chác) thì thể thức chi tiêu này cũng như việc sử dụng thực phẩm phụng sự hòa bình và vật liệu xây dựng nông thôn cho người hồi chánh không có sự theo dõi của trung ương, sẽ làm phát sinh nhiều tệ đoan nhũng lạm. Cuối năm 1969, Bộ Chiêu Hồi cho áp dụng một mẩu báo cáo hàng tháng đơn giản mà chính xác, các ty chỉ việc điền các số liệu báo cáo vào các ô thích hợp, nhờ đó, Bộ Chiêu Hồi đã chặn đứng nạn báo cáo ma, và phát hiện nhiều việc phi lý, tỷ như có ty đã nhận từ kho Xây Dựng Nông Thôn một số dầu ăn để cung ứng cho người hồi chánh đang ở tại trung tâm chiêu hồi, mà tính ra thì mỗi hồi chánh viên đã tiêu thụ hàng tháng 1.500 lít dầu ăn.
3. Tiếc rằng đầu năm 1974, Bộ Chiêu Hồi được giải thể để nhập vào Bộ Dân Vận, và trước thái độ ngờ vực và rẻ rúng của các cấp lãnh đạo mới, họ đã vô cùng thất vọng. Bị bãi chức, họ lang thang xó chợ đầu đường. Quản Đốc Trung tâm Chiêu Hồi Trung Ương Thị Nghè, vốn là Đại úy đặc công Việt cộng, vì quá bi phẫn, đã nhảy lầu tự sát, may mà không chết, chỉ bị gãy xương. Cuối năm 1974, có sự thay đổi lãnh đạo Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, họ được gọi trở về nhiệm sở cũ.


NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA

“Tears Before The Rain”

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

THOMAS POLGAR
(Chỉ huy Trung ương Tình báo Mỹ tại Việt Nam)
“Chúng tôi là một đoàn quân chiến bại.”

Hiểu ý định địch quân không khó vì Bắc Việt không giữ bí mật phương hướng, đường lối. Họ thường cho cán bộ học tập kỹ lưỡng cả đến những chi tiết đáng ngạc nhiên về những gì họ làm, hơi giống kiểu Hitler và cuốn Mein Kampf. Họ thường nói trước những gì họ sẽ làm, chúng ta thường không tin những gì họ đã nói. Còn chính sách Hoa Kỳ thì đơn giản là không đáp ứng những tin tình báo mà chúng tôi thu lượm.
Xin đưa thí dụ: Mùa thu 1974, chúng tôi tìm ra được những báo cáo của Hà Nội nói Nixon đã đổ, chúng ta sẽ chơi một trận cầu mới, chúng ta sẽ có nhiều thử nghiệm trong phạm vi quân sự. Tôi xem các tài liệu này rất hệ trọng. Bắt đầu vào tháng 10, 1974, khi tìm được phương án hoạt động 75, tôi lái xe xuống Biên Hoà nói chuyện với viên Trưởng Nhiệm sở Tình báo vùng, nơi họ bắt được phương án này, chúng tôi đã bàn thảo và đi đến kết luận: Cái giọng trong văn kiện này tương đồng khủng khiếp với cái giọng của tập tài liệu 90 nguyên tắc chỉ đạo do Trung ương cục miền Nam đưa ra vài tháng trước cuộc tổng công kích 1972.

Một hôm, tôi có dịp hỏi ý kiến Kissinger về hoạt động tình báo của chúng ta, không phải chỉ riêng ở Việt Nam, mà nói chung. Lúc ấy, ông đang tiếp nhận một lưu lượng khổng lồ các tin tức do Trung ương Tình báo từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Tôi hỏi ông nghĩ thế nào về giá trị ngành tình báo chúng ta? Ông suy nghĩ một lúc, rồi trả lời: “Khi nó hỗ trợ cho chính sách của tôi, nó rất hữu ích!” Tôi nghĩ: Đấy, chính đấy là tâm điểm vấn đề. Vấn đề là chính sách Mỹ không được thiết lập để đáp ứng với tin tức do tình báo thâu nhập được nhưng chúng ta thiết lập chính sách trước, rồi cố tìm kiếm các tin tức tình báo để hỗ trợ chính sách ấy mà thôi.

Ở Việt Nam lúc đó có ba nguồn tình báo chính: Quân báo, sở An ninh Quốc gia và Trung ương Tình báo. Chúng tôi không bao giờ gặp những trường hợp tin tức nghịch chiều. Chưa bao giờ Văn phòng Tình báo- Văn phòng Tùy viên Quân sự đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác biệt với quan điểm những cơ quan tình báo bạn. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bill Legro, người chỉ huy tình báo thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự suốt phần lớn thời gian kể từ sau Hiệp định Ba-Lê.
Nhưng trở ngại là chính sách Hoa Kỳ đã được đặt trên căn bản của một tiền đề: Tiền đề đó là Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt. Quân đội Hoa Kỳ đã rút. Và chắc chắn, Tổng thống Ford sẽ không để cho hy vọng tái bầu cử của ông bị đe dọa vì việc có thể đưa quân Mỹ trở lại Việt Nam.
Vào năm 1974, chúng ta đã không gửi tiếp vận cho Nam Việt Nam đúng kỳ hạn. Chúng ta đã chậm trễ trong việc thi hành các nghĩa vụ đồng minh. Lúc ấy, tôi báo cáo: Nếu người miền Nam Việt Nam mất tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, họ sẽ sụp đổ.
Tôi nhấn mạnh vào sự tin tưởng-vào tinh thần của họ, hơn là vào cả cái mức độ thực sự của việc yểm trợ quân sự.Có năm sự kiện xảy ra trong năm 1973 dù không liên quan gì đến Việt Nam, nhưng đã ảnh hưởng trầm trọng đến họ.
- Trước hết, cuộc chiến Ả Rập/Do Thái đã làm đổi hướng Bộ Quốc phòng Mỹ và đổi hướng nguồn quân vận sống chết của Nam Việt Nam.
- Tiếp đến việc phong tỏa dầu lửa, giá dầu thô tăng vọt làm kinh tế Nam Việt Nam bị va chạm, thiệt hại nặng.
- Rồi các nhược điểm trong chính sách ngoại giao Mỹ đã tạo nên những phản ứng tâm lý mạnh mẽ chống lại việc tiếp tục các cam kết ngoại giao đắt giá.
- Rồi việc quân nhân đảo chánh, hạ bệ Salvador Allende ở Chí Lợi làm công luận thuộc Khuynh hướng Tự do và Khuynh hướng Tả phái tức giận, họ trút sang đầu Nam Việt Nam.
- Sau nữa, quốc hội vì ghê tởm vụ bưng bít Watergate, đã tìm cách trừng phạt Nixon, nên cũng gộp luôn cả Việt Nam vào vụ này.
Tôi nghĩ ông Thiệu hiểu rất rõ: Không có Mỹ, ông không thể tồn tại được. Tôi cũng biết Hoàng Đức Nhã, cháu ông Thiệu rất nhiều. Nhã đã học bốn năm đại học ở Mỹ, còn hiểu rõ hơn cái bản chất bất định của nền chính trị Hoa Kỳ, những sự lên xuống thuần túy chỉ do áp lực nội bộ gây ra, thường chẳng liên quan đến đề mục ngoại giao, mà lại ảnh hưởng lớn đến liên hệ ngoại giao. Nhưng làm thế nào một người như Thiệu có thể nhận thức thấu đáo sinh hoạt quốc hội Mỹ, trong khi cách làm việc của ông là chỉ coi quốc hội của ông như một công cụ khúm núm quỵ lụy mà thôi? Vụ thất thủ Phước Long xảy ra đầu năm 1975 không quan trọng về phương diện quân sự, nhưng cực kỳ quan trọng ở phương diện tiêu biểu: Nước Mỹ đã từ chối không thực hiện lời Nixon hứa với Thiệu rằng sẽ “trả đũa mạnh mẽ và toàn bộ”. Quân Bắc Việt thử nghiệm xong, tất nhiên được đàng chân, lân đàng đầu, họ sẽ tiến sâu hơn nữa.
Khi phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đến Việt Nam, tôi nghĩ cách hành xử của Fraser và Abzug không tha thứ được. Ngay khi bước vào phòng, Abzug lên tiếng hỏi: “Trong mấy người ở đây, ai là Polgar?” Tôi tự giới thiệu. Bà ta nói: “Tốt! Tôi đã được người ta cảnh giác về ông”. Bấy giờ có một lãnh tụ sinh viên bị nhốt tù, anh này có đôi chút tiếng tăm ở Mỹ. Bà Abzug đầu tiên bảo anh ta chắc chết rồi, Nam Việt Nam giết hắn rồi. Tôi bảo “Không. Nam Việt Nam không làm như vậy. Họ có thể xác định được bất cứ người nào ở đâu trong tù”. Bà ta bảo: “Xác định người này xem”. Chúng tôi xác định ra được địa điểm giam anh ta là ở vùng 3, Tuy Hoà.(Ghi chú của người dịch: Có lẽ là Biên Hòa) Bà bèn bảo bà ấy muốn phỏng vấn. Nhưng đi xe hơi xa quá, phải có trực thăng, bà ấy lại chỉ có thể đi sáng chủ nhật, thực bất tiện cho tất cả mọi người. Nhưng cũng đành, chúng tôi thu xếp trực thăng, thu xếp thủ tục thăm tù. Sau khi tất cả lo liệu xong, bà ấy nói: “À, tôi không lưu ý vụ này nữa” và không bao giờ đi gặp người sinh viên này nữa.

Cùng đi trong phái đoàn có Millicent Fenwick. Bà này tuy không có cảm tình với Nam Việt Nam nhưng vẫn còn cư xử đàng hoàng, đã theo dõi lắng nghe các buổi thuyết trình. Nhưng Abzug và Fraser hết sức quá quắt. Tổng thống Thiệu mời cả phái đoàn dự tiệc, hai người này thản nhiên không dự. Họ chẳng đếm xỉa nghi lễ, không buồn từ chối. Họ lẳng lặng không đến. Trước buổi tiệc ấy là tiếp tân của thủ tướng, họ đến, nhưng họ không thò mặt vào buổi tiệc của tổng thống. Rồi đại sứ cũng mời phái đoàn dùng cơm chiều. Tất cả mọi người đến, trừ Abzug. Tôi rất thất vọng, vì chính tôi đã được xếp ngồi ngay cạnh bà ta. Về vụ tấn công Ban Mê Thuột ngày 5 tháng 3, tôi không tin có ai đã đoán trước được, nhưng hầu hết mọi người đều biết một cuộc tấn công lớn sẽ xảy ra ở cao nguyên trung phần. Chúng tôi biết họ sẽ cắt đường, sẽ đưa vào nhiều sư đoàn. Tất cả đều đã xảy ra đúng như vậy, nhưng Hoa Thịnh Đốn không bao giờ chấp nhận tin tức tình báo của chúng tôi.
Họ không chấp nhận vì-(Chúng ta đang bước vào chuyện xuất xứ các nguồn tin và những phương pháp thâu nhập tin tức tình báo, chẳng rõ tôi có nên nói ra ở đây không)-Nhưng sự kiện xảy ra là giới tình báo Hoa Thịnh Đốn đã không sử dụng tin tức tình báo từ Việt Nam do Văn phòng Tùy viên Quân sự và sở Trung ương Tình báo chuyển đến, nói rằng sẽ có một cuộc tấn công lớn tại cao nguyên vào năm 1975. Họ từ chối không chịu tin điều ấy. Còn miền Nam Việt Nam thì chẳng có được một quan niệm chiến thuật riêng tư nào, ngoài việc đặt một trung đoàn chỗ này, đưa một trung đoàn ra chỗ kia để phòng vệ. Trung đoàn tăng cường Ban Mê Thuột không đủ đương đầu tình hình, họ cũng không được may mắn. Những lực lượng này dùng để giữ các địa phương thì tốt, họ tỏ ra đắc lực để đối đầu vài trận tấn công. Tuy nhiên họ không phải là loại binh đội được huấn luyện và trang bị để chiến đấu với các đơn vị chính quy chủ lực có chiến xa tăng cường.

Sau khi mất Ban Mê Thuột, ông Thiệu họp với tướng Phạm Văn Phú tại Cam Ranh, ban lệnh triệt thoái cao nguyên. Tôi nhớ buổi họp ấy nhằm thứ sáu. Phú cho thực hiện kế hoạch vào thứ bảy. Nhận tin sáng thứ bảy ấy, tôi chạy theo tướng Charles Timmes ra Tổng Tham mưu, và nói rằng “Tôi chẳng biết chuyện trời đất gì đang xảy ra đây nữa!”
Tôi cho một phụ tá cao cấp đi gặp tướng Đặng Văn Quang, Cố vấn An ninh của Thiệu, hỏi chuyện gì đang xảy ra ở vùng II.  Quang bảo: “Ông thấy, tình hình không được tốt. Chúng tôi không mở đường lại được, chúng tôi đang lo ngại về tình hình và sẽ phải thay đổi vị trí một vài đơn vị- chớ chẳng có chuyện gì xảy ra ở vùng II cả”. Hiển nhiên, ông Quang không hay biết ông Phú đang di tản. Tướng Timmes vào Tổng Tham Mưu Việt Nam, nhưng không gặp tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng. Mọi sự ở đấy có không khí của một buổi sáng thứ bảy. Nhưng ông đã gặp tướng Trần Đình Thọ, là Trưởng phòng hành quân để hỏi thăm tin tức vùng II. Ông Thọ nói: “Còn có cái gì xảy ra mà quý ông không hay biết cả đâu?”
Rõ rệt, Bộ Tổng Tham Mưu cũng không biết gì việc ông Phú đang triệt thoái.
Sau đó tôi nhận tin trực tiếp từ Pleiku gửi về. Phó Đại sứ Wolf Lehman bấy giờ đang bận một số chuyện lặt vặt. Joe Bennett, sĩ quan chính trị đang bận đi chữa răng. Tôi điện thoại cho Moncrieff Spear, Tổng Lãnh sự ở vùng II, bảo ông ta: “Tốt hơn hết ông nên chuyển người của ông ra khỏi Pleiku, theo chỗ tôi hiểu: người ta đang di tản”. Ông ta nói: “Anh khùng à?” Bấy giờ ông ta đang ở Nha Trang, vùng duyên hải, tôi bảo: “Không, tôi có lý do để tin những việc đang xảy ra”. Ông ta nói: “Có phải anh ra lệnh cho tôi di tản Pleiku đấy chăng?” Tôi bảo: “Ông biết thừa tôi không thể làm thế. Nhưng tôi có thể kết luận nếu khôn ngoan thì hãy di tản ngay đi”.

Có một điểm tôi muốn nêu ra đây về tướng Phú trong buổi sáng hôm ấy. Bất kỳ công trạng trước đây của ông thế nào, không kể, nhưng bây giờ ông ta đã hoàn toàn không phối hợp với chúng tôi. Ông ta không thông báo cả cho Tổng Lãnh sự là người mà ông bắt buộc phải thông báo, vì đây là đại diện chính thức của Hoa Kỳ tại vùng II. Ông Quang cũng không biết chuyện gì đang xảy ra, ông ta có vẻ của một người bận rộn, nhưng thực tình chỉ lăng xăng giết thì giờ. Còn ông Thọ Trưởng phòng hành quân, cũng thế, chẳng hay biết gì cả. Trong sự suy đoán của tôi: Những việc xảy ra đó là do tướng Phú hiểu lầm những gì Tổng thống Thiệu nghĩ trong đầu, rồi tự khởi xướng một kế hoạch hành động, không biết việc ấy trong thực tế sẽ khó khăn đến đâu. Thực tế cuộc di tản ấy không thành công. Mọi cuộc triệt thoái sớm hay muộn đều là một sự thất bại khủng khiếp. Quân đội Bắc Việt bắt kịp cuộc di tản của tướng Phú. Chiến xa của họ đâm ra từ các đường nhánh, gặp đoàn quân tại Phú Bổn. Cuộc tàn sát đã diễn ra ở đấy. Trước buổi họp Cam Ranh, tôi liên lạc với Hoa Thịnh Đốn để ghi nhận cuộc chơi đã xong. Tôi nhớ tôi nói chuyện với một viên chức có liên hệ khá chặt chẽ với tôi (xin miễn đưa tên), ông ta bảo: Nam Việt Nam không thể nào tiêu hoá nổi việc mất Ban Mê Thuột cùng với cái hậu quả tất yếu của nó là mất toàn thể cao nguyên. Ống là một sĩ quan cấp tướng.Lúc ấy vẫn chưa có gì xảy ra ở vùng I.

Rồi tai họa bắt đầu. Thiệu quyết định rút cả Thủy quân Lục chiến lẫn Nhảy dù khỏi vùng I. Quyết định này giống như chợt rút đi cái chiếu trong lúc tướng Trưởng còn đang đứng trên ấy, nó làm ông ta hổng cẳng. Tiếp đến, mất cả sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Họ trở nên vô dụng, vì đầu tiên người ta ra lệnh triệt thoái, sau lại ra lệnh “quay đàng sau, quay,” để quay trở lại! Đó là chuyện bất khả thi về phương diện quân sự. Sư đoàn Thủy quân Lục chiến mất rất nhiều chiến cụ vì không thể nào lấy ra được trong cái dòng người tỵ nạn tràn lan. Lúc này ông Thiệu đang ngoi ngóp trong biển nước, ông cố bám lấy vài cọng cỏ. Nhưng lúc này ông có làm bất cứ cái gì cũng không còn có thể thay đổi tình thế lại được nữa. Cuộc chơi đã xong.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng khi người Việt Nam có cảm tưởng chúng ta sắp chạy, tất cả sẽ sụp đổ. Điều này, tôi hoàn toàn đồng ý với đại sứ Martin.
Ông đại sứ lúc ấy đã rời Việt Nam sang Mỹ cùng với phái đoàn quốc hội. Ông nghĩ ông có thể vận động được một vài dân biểu, ông sẽ cố ra điều trần trước quốc hội. Đến Hoa Thịnh Đốn, người ta phát hiện tình trạng sức khoẻ của ông cần giải phẫu, việc này đã làm chuyến về của ông chậm trễ. Không muốn mọi người phải quan tâm nhiều, ông đi xuống North Carolina mổ, ngay Bộ Ngoại giao cũng không biết liên lạc với ông ở đâu. Ông là một người kín đáo. Ông trở lại Việt Nam cuối tháng Ba, trước khi Đà Nẵng mất và chuyến C-5A bị rơi.
Về vụ chiếc C-5A thì thoạt đầu đề nghị chuyển vận các cô nhi đi bằng máy bay hoàn toàn chỉ có mục đích vận động nhân tâm. Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Y tế, cũng là bác sĩ y khoa-Bác sĩ Đán cảm thấy cần phải làm một cái gì về các cô nhi. Đại sứ Martin và vài cố vấn cũng cảm thấy nếu đưa được các cô nhi sang Mỹ hàng loạt thì việc này có thể vận động tình cảm công chúng Mỹ, nó sẽ là một câu chuyện khích động lòng xót xa con người.

Cùng lúc ấy, Văn phòng Tùy viên Quân sự lại có nhiều nhân viên phụ nữ sẵn sàng di tản, nhưng người ta không thể cấp thông hành cho họ vì Hoa Kỳ chưa chính thức di tản. Như thế ai sẽ trả phí tổn di chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam, Hoa Kỳ chăng? Nên tôi nghĩ có thể xếp đặt cho họ vào những chuyến máy bay quân đội còn trống, xem họ như những người đi kèm các cô nhi, như thế khỏi lo liệu vấn đề lộ phí, tiền bạc. Chính vợ tôi cũng đi với tư cách người kèm cô nhi, nhưng rồi vợ tôi tình cờ đã lên một chiếc máy bay dân sự thuộc hãng Cathay Pacific, đúng một ngày với chuyến C-5A bị rớt.
Tôi có hai bác sĩ thuộc Trung ương Tinh báo, nhân viên của tôi, khi máy bay rớt đã đi khiêng xác chết, xác của những đứa trẻ nhỏ bé này, vào bệnh viện Cơ Đốc ở Sàigòn. Một trong hai bác sĩ ấy mang theo máy ảnh, chụp rất nhiều hình. Khi tôi đưa những tấm ảnh này cho đại sứ coi, ông suy nghĩ khá lâu xem có nên công bố hay không. Nhưng ông kết luận những bức ảnh này quá rõ ràng, quá đẹp, màu sắc sống động, với hình ảnh các thân thể nát vụn của đàn bà trẻ con, thay vì khích động lòng thương xót, lại tạo ảnh hưởng xấu, nên người ta quyết định không công bố nữa.
Vài ngày trước hôm Thiệu từ chức, một nhân viên cao cấp người Hung Gia Lợi thuộc ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến đến gặp tôi, anh ta nói: “Này ông bạn, phải thực tế chút chứ? Ông phải biết các ông đã thua trận chiến này”. Tôi bảo: “Ô kê, tôi nhìn nhận: Trận chiến đã bại rồi”. Anh ta nói: “Mỗi cuộc thất trận đều tạo nên nhiều hậu quả chính trị”. Tôi bảo: “Đồng ý”. Anh ta nói: “Hiển nhiên những hậu quả chính trị này sẽ gây nhiều cay đắng. Nhưng bên phía mà tôi đại diện…” Anh ta bỏ lửng, không nói đại diện cho ai “…Không có ý định hạ nhục Hoa Kỳ một cách quá mức. Có lẽ, có thể tìm ra được một giải pháp nào- Không phải để thay đổi cuộc diện trận chiến, vì nó đã xong, nhưng để thu xếp cho một cái chung cuộc mà...”. Một lần nữa, anh ta sử dụng những chữ này: “Không hạ nhục Hoa Kỳ một cách quá mức.”
Tôi hỏi: “Ông có ý nghĩ gì trong đầu vậy?” “À vâng”. Anh ta nói: “Ông biết chúng tôi đã ra Tân Sơn Nhứt thảo luận với các đồng nghiệp Bắc Việt của chúng tôi. Chúng tôi có người ở Hà Nội. Tôi có cảm tưởng có lẽ chúng ta có thể tìm được một cách giải quyết trong lúc tình hình đang diễn tiến thế này, Thiệu bắt buộc phải từ chức. Hoa Kỳ cần phải tuyên bố bất can thiệp vào nội tình Nam Việt Nam, ngoại trừ việc duy trì ở đây một cơ cấu sứ quán bình thường. Và chính phủ Nam Việt Nam cần bao gồm một số người Bắc Việt có thể chấp nhận. Đấy là những vấn đề chủ yếu”. Tôi đáp: “Vâng, tốt lắm, cảm ơn ông bạn nhiều. Đương nhiên, tôi sẽ báo cáo cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay. Tôi sẽ thảo luận với đại sứ chúng tôi để chuyển về Hoa Thịnh Đốn, rồi tôi sẽ gặp lại ông. Trong lúc chờ Hoa Thịnh Đốn trả lời, xin ông vui lòng đi gặp các bạn của ông một lần nữa để tìm hiểu xem ai sẽ là những người mà họ có thể chấp nhận được trong chính phủ ấy?”

Vài ngày sau, Thiệu từ chức. Tôi trở lại gặp người bạn Hung Gia Lợi của tôi mà nói: “Đấy, tôi đã chuyển đạt và thực hiện xong điều thứ nhất của ông. Chúng tôi vẫn chưa nhận được hết câu trả lời dứt khoát. Còn ông đã có đề nghị nào về những tên người mà tôi hỏi hay chưa?” Anh ta đáp: “Vâng, thực ra tôi đã có. Nhưng tên người Việt, tôi dở lắm. Để tôi viết ra”. Anh ta lấy một quyển sổ tay con, bắt đầu viết một số tên. Tôi đáp: “Thú vị nhỉ. Tất nhiên tôi sẽ tiếp tục xúc tiến câu chuyện lần trước giữa chúng ta, tôi sẽ trở lại gặp ông”. Nhưng anh ta nói: “Tôi có thêm vài lời nữa từ các đồng nghiệp của tôi ở đây. Họ nói khi họ bảo mọi chuyện cần phải thu xếp cho sớm, điều ấy có nghĩa là trong vòng vài ngày, chứ không phải vài tuần đâu”. Ông đại sứ tỏ ra có thiện cảm với chuyện này. Ông nghĩ có thể chúng tôi thực hiện được một cái gì chăng. Nhưng chúng tôi đã gặp phản ứng tiêu cực của Kissinger, là người không muốn có chuyện thương thảo gì hết. Đến ngày 26 hoặc 27 tháng Tư, chúng tôi gặp nhau lại, lần này anh chàng Hung Gia Lợi nói: “Tôi nghĩ muộn quá rồi”. Đấy, tôi kể cho các bạn nghe mấy chuyện này bởi vì tôi muốn nhấn mạnh thật ra không bao giờ chúng tôi thương thảo với đối phương, cũng không bao giờ làm điều gì đối phương đòi hỏi. Việc ông Thiệu từ chức là vì những lý do hoàn toàn khác, không liên hệ đến mấy chuyện này, nhưng tôi đã vờ vịt với họ, làm như chuyện ông Thiệu từ chức có liên hệ đến mấy chuyện ấy mà thôi. Thiệu từ chức ngày thứ hai 21 tháng Tư. Ông đại sứ không yêu cầu Thiệu từ chức, nhưng vào ngày 19 tháng Tư sau khi ông đại sứ nói chuyện với Thiệu, thì hiển nhiên Thiệu đã mất hết tin tưởng vào mọi người, vì mọi người xem Thiệu như chướng ngại vật trong cuộc dàn xếp, trong các thủ tục ngưng chiến, mọi người không có thể cục cựa gì nếu Thiệu cứ luẩn quẩn bên cạnh.

Một bữa đại sứ gọi tôi vào văn phòng nói ông mới gặp Tổng thống Hương, Tổng thống không được thoải mái vì sự tiếp tục có mặt của Thiệu ở trong xứ. Ông cụ Hương nghĩ sự hiện diện của Thiệu làm giảm uy quyền của ông, chừng nào Thiệu còn ở đây thì ông cụ tê liệt không làm gì được cả. Ông cụ khẩn thiết yêu cầu đại sứ Martin lo liệu hộ vì lẽ chỉ Hoa Kỳ mới ở vị thế giúp được chuyện này. Việc đưa Tổng thống Thiệu ra khỏi xứ cần thực hiện tuyệt đối trong vòng “Tối mật!” Vâng, đại sứ Martin là người đầy lý trí, khi nghe cái gì “Tối mật” tất ông nghĩ đến “CIA Trung ương Tình báo,” thế là ông hỏi: “Anh làm được không?” Tôi bảo “Thưa đại sứ, tôi làm được. Với một điều kiện, ấy là: để yên cho tôi lo. Cứ giao việc để tôi xoay sở, nhưng đừng đem cả một ủy ban dính vào đây”. Việc này xảy ra ngày 24 tháng Tư thì phải.
Mọi sự được xúc tiến nhanh chóng ngay sau đó. Tôi biết tôi có thể thu xếp máy bay ở đâu. Tôi lấy tướng Timmes là điểm liên lạc chính. Vào lúc này Thiệu đã rời căn nhà trong Tổng Tham mưu. Các tướng lãnh cao cấp Việt Nam đều có nhà trong căn cứ Tân Sơn Nhất. Chúng tôi đồng ý là với một kế hoạch hành động, cũng có đôi điều cần phải quan tâm: Phải quan tâm công luận. Phải lo ngại chuyện một số quân nhân vô kỷ luật của Nam Việt Nam có thể can thiệp, vài sĩ quan cao cấp có thể manh nha trong đầu cái ý nghĩ làm lịch sử. Cũng phải lo ngại cả chuyện cảnh sát chặn trên đường ra Tân Sơn Nhất, việc này tuy không liên quan gì đến chuyện Thiệu đi, nhưng cảnh sát thường có những điểm chặn trên đường, nên chúng tôi phải bày việc đi dự tiệc trong căn cứ Tham mưu Liên quân. Chúng tôi lấy vài chiếc xe Mỹ kiểu tiêu chuẩn, màu đen, gồm cả xe đại sứ, xe tôi, xe phụ tá của tôi, đủ để chở từ mười đến mười hai người, kể cả các tài xế, tướng Timmes, tôi, và các hành lý- Chúng tôi dặn rõ mỗi người chỉ được mang một vali. Chúng tôi dàn xếp tất cả sẽ gặp nhau tại nhà thủ tướng Khiêm, bởi vì đây là căn nhà lớn nhất, ít bị chú ý hơn là nhà ông Thiệu. Chúng tôi đồng ý sẽ cho máy bay đi Đài Loan, nơi người anh của Thiệu làm đại sứ, như thế ông ta sẽ thu xếp được với nhà cầm quyền Đài Loan để mọi người được nhập nội. Thủ tướng Khiêm cũng từng là đại sứ ở Đài Loan, như thế ông ta cũng có nhiều liên hệ. Khi chọn Đài Loan làm điểm đến, tôi cũng cân nhắc rằng chuyến máy bay DC-6 chỉ có thể bay xa nhất bấy nhiêu, mà khỏi cần đổ thêm xăng.
Tôi chọn vài người làm tài xế mà tôi xem như những tay bảnh nhất, đáng tin cậy và vững chãi nhất. Tôi không lựa tài xế người Việt-Frank Snepp là một trong các tài xế ấy. Tướng Timmes, vì cấp bực của ông, không thể lái xe, tôi cũng thế, cấp bực của tôi không cho phép tôi lái xe. Tôi kiếm một đại tá cảnh sát, cũng là đại tá quân đội, tôi nói: “Cần phải có một người với cái vẻ chỉ huy lẫm liệt.” Tôi dự phòng trường hợp lính gác hạch hỏi gì chăng. Phòng xa thế, chứ tôi biết khi lính gác nhìn thấy bốn cái xe Mỹ do Mỹ lái thì họ sẽ bảo “Các tay tổ đây,” khi nhận ra xe Đại sứ, họ sẽ bảo “Ông đại sứ đi họp” chắc chắn thế, chả trở ngại gì, nhưng phải có một đại tá quân đội cảnh sát để dự phòng cho vững. Chúng tôi không biết Thiệu sẽ mang theo những ai. Chỉ biết một mình ông Thiệu sẽ đi, Khiêm sẽ đi, không biết còn ai khác. Cho nên cứ mang theo một số giấy tờ để trống, rồi tướng Charlie Timmes sẽ điền tên họ vào bằng tay.
Chúng tôi đưa cả cho viên đại úy trên máy bay, bảo: “Khi đến Đài Loan chúng tôi sẽ thông báo cho các giới chức quân sự Mỹ. Anh cứ yêu cầu gặp các sĩ quan cao cấp, và đưa tận tay chiếc phong bì này. Tất cả giấy tờ ở trong ấy.” Trong lúc đó một xe khác chở đại sứ chạy thẳng đến chiếc máy bay vì đại sứ muốn đến chào tạm biệt Thiệu. Tôi nói với đại sứ: “Tôi không muốn đi cùng một xe với đại sứ trong thành phố vì chỉ tạo thêm nhiều rủi ro phiền phức.” Cho nên tôi nhớ chúng tôi đã đổi xe. Tất cả diễn ra chính xác như một cái đồng hồ Thụy Sĩ, cũng như khi chúng tôi thực hiện các điệp vụ. Chúng tôi đã đưa mọi người đến máy bay an toàn, vào máy bay an toàn, sau đó sẽ cất cánh an toàn.
Tôi ngồi chung xe với thủ tướng Khiêm, chứ không ngồi với Thiệu. Tôi nhớ tướng Timmes ngồi với ông Thiệu. Mọi người đều kiềm chế cảm xúc, không ai khóc. Gia đình họ đều đã đi cả.
Thực ra, có một điều làm tôi ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên vì trong tất cả các cộng sự viên thân tín gần gũi, ông Thiệu không mang theo ai, trừ thủ tướng Khiêm. Điều này rất lạ vì chỉ mới vài năm trước tại khắp các quán cà phê ở Sàigòn người ta xì xào bàn tán chuyện chia tay giữa Thiệu và Khiêm, chuyện ông này sẽ hất ông kia vân vân… Tất nhiên tôi không đánh giá cao mấy chuyện ấy vì lẽ tôi có liên hệ rất tốt với thủ tướng, tôi luôn luôn coi ông như một viên chức tận tụy trung thành với Thiệu. Tổng cộng gồm mười bốn người đi ra chuyến bay đêm ấy. Tất cả đều là đàn ông.
Tôi luôn dè chừng trường hợp có người nhận ra ông Thiệu ở các trạm kiểm soát, nhưng tôi cũng tính toán: Người ta đã quen cách di chuyển cố hữu của ông Thiệu trong thành phố bằng một chiếc xe Mercedes cũ kỹ, khác với đây là bốn chiếc xe Hoa Kỳ của toà đại sứ có bộ dạng quan trọng. Bấy giờ trời tối, việc chặn xét bốn chiếc xe Hoa Kỳ là việc ít khi xảy ra. Dẫn đầu là chiếc Chevrolet Caprice của đại sứ có vỏ chắn đạn, tôi ngồi trong xe này, có viên đại tá cảnh sát đi kèm. Mối e ngại nhất của tôi là lỡ ở trạm gác, cảnh sát soát căn cước, bật đèn pha soi vào chúng tôi thì sao? Như thế họ sẽ nhận ra ông Thiệu và thủ tướng. Nhưng rồi việc xảy ra là khi thấy bốn chiếc xe với bộ dạng quan trọng như thế chạy đến trạm, mấy người lính canh nghiêm chỉnh giơ tay chào. Đúng là điều tôi mong đợi. Có lần tôi đã đưa một nhân vật trọng yếu đào thoát từ Tây Bá Linh bằng một chiếc xe lớn tựa như vậy, tôi cũng tính rằng lính Liên Sô sẽ chào kính khi họ thấy chiếc xe, và quả thật họ đã làm y vậy.

Đêm hôm ấy, Thiệu không hề đem theo vàng xuất ngoại. Câu chuyện ấy chỉ là chuyện cứt khô! Ai điên khùng gì mà lại gói vàng bỏ lỏng lẻo trong va li, trời đất. Tôi muốn nói, tôi có một người bạn Việt Nam đã mang vàng đi, tôi biết vàng phải được bọc chặt chẽ cẩn thận, quấn bằng vải, bằng dây cao su, bằng băng keo, đủ các thứ. Có ai lại để cho vàng kêu lách cách trong hành lý bao giờ.
Thực ra số vàng dự trữ của Việt Nam vẫn ở trong xứ, khi quân Bắc Việt đến, vàng vẫn ở đấy. Số vàng dự trữ của ngân hàng quốc gia Việt Nam trị giá từ 18 đến 20 triệu mỹ kim. Trị giá thực sự của số vàng ấy đúng ra cao hơn nhiều, vì lý do giá vàng chỉ được tính có 35 mỹ kim một ounce (0.28g)/ Đó là cái giá tại Việt Nam trước thời Nixon phá giá đồng mỹ kim. Còn vào năm 1975, giá vàng thực ra ở mức 170 Mỹ kim một ounce. Bấy giờ đã có lúc Nam Việt Nam không còn tín chỉ trên thế giới nữa, quốc hội Mỹ thì lừng khừng từ chối yêu cầu viện trợ, và như thường lệ, đại sứ Martin đã đưa ra sáng kiến nóng hổi: Ông nghĩ Nam Việt Nam nên gửi số vàng ấy sang quỹ dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, dùng sổ vàng ấy ký quỹ mà mua chịu võ khí. Vâng, Thiệu đã chấp thuận đề nghị. Tình cờ có chuyến bay chở hàng của Thụy Sĩ thuộc hãng Basel Air đang ở Sàigòn, Nam Việt Nam thương lượng với Basel Air mang số vàng này đi dưới hình thức hàng hoá thương mại thông thường. Mấy người Thụy Sĩ suy nghĩ một hai ngày rồi từ chối không nhận chở, vì lý do bảo hiểm. Họ bảo không cách gì kiếm ra ai chịu bảo hiểm số 70 triệu Mỹ kim vàng ra khỏi Sàigòn. Người ta lại phải tính đến không quân Hoa Kỳ. Việc này được đem thảo luận tại Hội Đồng An ninh Quốc gia. Chở một tấn rưỡi vàng đối với không quân Hoa Kỳ không khó, nhưng tìm đâu ra mối bảo hiểm thương mại khi người ta lại sử dụng máy bay quân đội; chấm hết! Cái củ khoai nóng nuốt không trôi lại được ném lên bắp vế mấy anh trạng sư ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Suốt thời gian này đống vàng vẫn nằm yên tại Ngân hàng Quốc gia ở Sàigòn. “Làm thế nào kiếm cho ra mối chịu bảo hiểm chuyến hàng này nếu chúng ta chở đi bằng máy bay quân sự?” Đó vẫn là cái đề tài làm bù đầu mấy anh trạng sư suốt mấy hôm.
Trong lúc ấy Thiệu từ chức, một tốp người mới vào nắm quyền, cụ Hương hôm đầu thì bảo ừ, chở đi, hôm sau lại bảo đừng, đừng chở nữa. Cuối cùng cụ kết luận thôi tốt nhất cứ giữ lấy vàng ở Sàigòn, bởi vì kể từ khi đại sứ Martin bắt đầu nói chuyện này, cho đến lúc ấy tình hình đã biến đổi, dẫu cho có ký thác vàng để lấy vũ khí Mỹ, vũ khí không còn đến kịp và cũng chả giúp ích gì nữa. Ngoài ra họ cũng còn giữ được thể diện khi để lại số vàng ở trong xứ. Như thế, số vàng đã được để lại.

Đêm hôm ấy, cũng là đêm tôi dự buổi dạ tiệc quốc tế cuối cùng ở Sàigòn. Buổi dạ tiệc được tổ chức tại tư thất đại sứ Ba Lan nhân dịp giới thiệu viên Trưởng ngành chính trị Ba Lan với các ngoại giao đoàn. Mọi người đều có mặt. Tất cả các đại sứ còn ở tại Sàigòn đều được mời, và ông Ba Lan mới đến nói ông ta rất mong mỏi gặp tôi. Ông ta bảo rõ rệt chúng tôi đang ở vị trí lưỡng tương hoán chuyển, ông ta muốn biết quan điểm của tôi đối với tình hình. Chúng tôi bèn hẹn nhau một buổi ăn trưa vào một tuần lễ sau ngày hôm ấy. Ngày ấy sẽ là nhằm ngày mùng một tháng năm! Giữa tất cả những chuyện trông ngóng, tôi đã trông ngóng đến ngày mùng một tháng Năm ấy để gặp mặt ông bạn đồng nghiệp người Ba Lan của tôi! Đại sứ Martin không phải là người thích tiệc tùng, nhưng trong trạng thái bồn chồn của thành phố đêm hôm ấy, ông bảo: “Tôi sẽ đi dự, nhưng đi riêng xe nhé.” Vì vậy tôi quay trở lại căn phòng gửi một điện văn. Điện văn này tôi đã viết sẵn, chỉ cần dùng điện đài để đánh mật mã mà phụ tá của tôi và tôi đã giao ước trước. Suốt một ngày làm việc, đấy là tất cả những gì tôi cảm thấy sau khi hoàn tất việc đưa ông Thiệu ra đi. Ngày rời Sàigòn là ngày tôi buồn rầu cùng cực, chỉ thiếu điều muốn sụm.

Đoạn kịch cuối mở màn ngày thứ hai.
Chiều thứ hai là một buổi chiều rất xấu. Dương Văn Minh nhậm chức đêm hôm ấy. Ông vừa đọc xong bản diễn văn nhậm chức, thì giông bão khủng khiếp ập đến Sàigòn. Mưa rơi xối xả. Những cơn mưa đến sớm, lúc ấy chưa đến mùa mưa. Rồi xảy ra vụ chiếc phi cơ phản nghịch, tức là chiếc phi cơ Mỹ với bình xăng phụ 50 ga-lông do mấy phi công dưới sự điều động của Bắc Việt dội bom lên Tân Sơn Nhất. Lúc ấy chúng tôi còn ở tại văn phòng. Mặc dầu đã khoảng bảy giờ đêm, chúng tôi vẫn còn ở đấy vì lúc này Sàigòn ban đêm chẳng có gì khác để làm, thứ nữa Sàigòn và Hoa Thịnh Đốn cách nhau mười hai tiếng,
lúc ấy buổi sáng ở Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi cố chuyển càng nhiều điện văn càng tốt, để khi bắt đầu làm việc, Hoa Thịnh Đốn đã có đủ thông báo của chúng tôi.
Khi nghe tiếng nổ, chúng tôi đâm bổ xuống núp dưới gầm bàn. Bấy giờ, tôi nhớ tôi đang ở trong phòng viên Trưởng ban Truyền tin. Nhân viên truyền tin là những người lo phụ trách các báo cáo tình báo để gửi đi bằng điện đài. Chúng tôi rất thận trọng việc soạn thảo các điện văn này, luôn luôn sử dụng Anh ngữ một cách văn vẻ, sửa chữa kỹ càng, dù phải vội vã trong các trường hợp khẩn cấp, y như các phóng viên nhà báo vậy. Lúc ấy chúng tôi đang lom khom núp dưới gầm bàn, tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm này: Một cô nhân viên truyền tin xinh đẹp hấp dẫn nhổm lên, kéo cái máy chữ xuống, cô ta bắt đầu đánh: “Sàigòn gửi Hoa Thịnh Đốn, bản báo cáo tình hình lúc 19 giờ địa phương. Một vụ pháo kích không xác định được xuất xứ đang phát nổ trong thành phố. Vụ pháo kích đang tiếp diễn quanh chúng tôi, vẫn chưa có ai biết chuyện gì xảy ra!” Không bao lâu, chúng tôi xác định được chuyện ấy. Chúng tôi chắc chắn đây là câu trả lời của quân đội Bắc Việt phản ứng lại bài diễn văn nhậm chức của ông Minh. Trong bài diễn văn này, ông ta nói ông sẽ tiếp tục chiến đấu, nói đủ thứ lảm nhảm mà một tháng trước đấy ông ta không hề nói. Tôi nghĩ cái hình ảnh chính xác để mô tả ông là hình ảnh một người không đủ tài cán được đặt vào một chức vụ quá khả năng, làm mọi người phải mệt với sự bất lực của ông ta.

Trong tuần lễ cuối cùng, Sàigòn vẫn sinh hoạt tốt đẹp mặc dầu có trận không kích xảy ra. Điện, điện thoại, thực phẩm vẫn đầy đủ, có lẽ chỉ hơi thiếu chút rau xà-lách. Tối ấy tôi đi ngủ muộn, bốn giờ rưỡi sáng đã bừng dậy vì lại có tiếng nổ, lần này nổ lớn dữ dội. Tôi điện thoại cho nhân viên trực của tôi ở toà đại sứ, một nhân viên tình báo; ở đấy, ngoài lính Thủy quân Lục chiến, chúng tôi luôn có hai nhân viên trực suốt ngày đêm. Tôi hỏi anh biết có chuyện gì xảy ra không? Anh ta nói lúc ấy chưa biết rõ, nhưng có pháo kích vào Tân Sơn Nhất, Thủy quân Lục chiến đã trèo lên nóc nhà nhìn thấy có lửa cháy, anh ta đã liên lạc văn phòng Tùy viên Quân sự, họ cũng chưa biết gì đích xác. Nhưng đã có một số thiệt hại đáng kể, hai lính Thủy quân Lục chiến tử thương. Tôi bảo: “Được rồi, tình trạng nghe có vẻ tệ, nhưng có anh đang ứng trực ở đấy là tốt lắm.” Tình cờ, chính nhân viên này cũng là sĩ quan trưởng phòng tài chánh. Tôi bảo: “Sửa soạn mấy cái phong bì khởi hành.”
Phong bì khởi hành là những phong bì có đựng một số chỉ dẫn, số điện thoại của những toà đại sứ Mỹ các nơi và tại vùng Đông Á. Mỗi phong bì được bỏ vào số tiền 1500 đô la bằng mỹ kim và bằng một số ngoại tệ các nước khác. Mỗi người sẽ được trao tay một phong bì này để phòng vệ an toàn, dự phòng trường hợp thất lạc. Tôi bèn nói với anh nhân viên trực: Tôi sẽ đến toà đại sứ ngay.
Tôi là người đến sớm nhất. Lúc ấy Thủy quân Lục chiến đã nhận thêm báo cáo từ văn phòng Tùy viên Quân sự. Dựa vào đấy tôi cảm thấy toà đại sứ cần phải được huy động. Tôi điện thoại cho Đại sứ, tôi nói: “Rất tiếc phải gọi Đại sứ vào giờ này, Ông còn có thể được ngủ đến hơn 3 tiếng đồng hồ nữa. Nhưng tôi nghĩ Đại sứ cần phải vào gấp”. Ông Đại sứ bảo ông sẽ vào. Lúc ấy, chúng tôi có một hệ thống tổ chức: cứ một người gọi bốn người, mỗi người lại phải liên lạc gọi bốn người khác v.v… Nên tôi bắt đầu huy động mọi người qua hệ thống này. Buổi sáng sớm hôm ấy, tình trạng sức khoẻ của Đại sứ rất bết bát. Ông đau ốm khặc khừ, và sau này, lúc lên đến chiến hạm, người ta mới khám ra là ông bị viêm phổi. Giọng ông khản đặc, khào khào không ra tiếng. Tinh thần bị kích động trăm phần trăm. Khi Kissinger gọi điện thoại, Martin không nói nổi, ông thì thà thì thào rồi tôi phải nhắc to lên cho Kissinger nghe rõ. Đại sứ đã ra tận phi trường Tân Sơn Nhất, bởi vì ông ta là Graham Martin mà, bạn hiểu không, mặc dù đã có đến mấy ông tướng Không quân phụ trách ngoài phi trường, ông vẫn không chịu tin các lượng giá của họ về việc phi cơ không còn đáp xuống được nữa. Ông đòi phải đích thân đến phi trường xem xét rồi mới chịu!

Ngày hôm ấy khi trời sáng, ngoài Đệ Thất Hạm đội các phi công đã sẵn sàng, trực thăng xăng nhớt đầy đủ, mọi người chuẩn bị xong. Nhưng chừng tám giờ rưỡi, chúng tôi lại được bảo không di tản nữa! Họ bảo chúng tôi sẽ phải thu hẹp số nhân viên, nhưng vẫn giữ toà Đại sứ ở Sàigòn. Họ bảo nhân số toà đại sứ sẽ còn lại 180 người, trong số ấy 50 người sẽ là nhân viên tình báo, nhóm nhân viên tình báo này có nhiệm vụ phụ trách toàn bộ các đường truyền thông của toà đại sứ. Họ bảo các trưởng ban, trưởng phòng khác sẽ nhận lệnh sắp xếp: kinh tế 8 người, chính trị 16 người, y tế, tài chánh, hành chánh… do nơi Hoa Thịnh Đốn xếp đặt. Người ta đoán chừng lệnh này do Kissinger chuyển đến ông đại sứ. Tôi không bao giờ nhìn thấy lệnh ấy trên văn tự, nhưng lệnh ấy được chuyển đến tôi sáng hôm ấy do đại sứ nói. Do đó tôi về văn phòng, tập họp các nhân viên cao cấp của tôi, lúc ấy tôi còn chừng 250 nhân viên tình báo tại chỗ. Tôi nói: “Quý bạn, chúng ta sẽ rút nhân số xuống 50 người, và sẽ phải đương đầu với một số lượng truyền thông nhiều hơn thường. Nào, bây giờ tính thử 50 người nào sẽ ở lại, bắt đầu là tôi!” Chuyện này không dễ dàng như thay lính Thủy quân Lục chiến bởi lẽ nhiều khi nhân viên tình báo không thể hoán chuyển. Mỗi người có những khả năng chuyên biệt. Người là nhân viên truyền tin. Người là nhân viên điều hành. Người là phân tích viên. Tôi lại cần người với các khả năng ngoại ngữ khác nhau. Tôi cần phải giữ vài người nói được tiếng Việt. Phải có vài người nói được tiếng Ba Lan, để giao dịch với nhân viên Ba Lan tại ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến. Về tiếng Hung Gia Lợi thì khỏi lo, chẳng ai khác ngoài tôi nói được thứ tiếng này. Cứ như thế, suốt mấy tiếng đồng hồ loay hoay xếp đặt. Lại còn phải cân nhắc trường hợp những người đã mãn hạn, có người sắp được hồi hương vào tháng năm, cho dù anh ta mãi đến tháng Bẩy mới mãn hạn, cũng không nên giữ anh ta lại. Có người gặp tình trạng gia đình. Nhiều thứ phải cân nhắc, không để giống như hồi năm 1954 ở Hà Nội, toà lãnh sự Mỹ và các nhân viên ở đấy dù không bị giữ làm con tin, nhưng họ đã tự phong tỏa, tự khoá cửa và phải ở trong khuôn viên hàng mấy tháng, không liên lạc đuợc với ai.

Cái khẩu lệnh ấy cũng đã được chuyển ra ngoài hạm đội: Toà Đại sứ sẽ ở lại. Tư lệnh hạm đội, đề đốc Noel Gayler, tất nhiên không phải là chuyên viên phân tích chính trị. Nghe thế, ông ta bèn nói “Vậy à, toà Đại sứ ở lại. Phi công! Trở về giường mà phè một giấc!” Thế là xăng lại được hút khỏi trực thăng, vì người ta không được phép chứa trực thăng có xăng ở trên tàu. Người ta lại phải chuyển trực thăng khỏi sàn máy, đưa xuống tầng dưới. Bấy giờ là 9 giờ sáng, hoặc giả trễ hơn một chút. Rồi đến 11 giờ 30, cuối cùng lại có lệnh ban ra: Tất cả mọi người phải di tản. Tôi không rõ lệnh này chuyển đến đề đốc hạm đội lúc nào. Đại sứ Martin nhận lệnh lúc 11 giờ 30. Xem như cố vấn an ninh Brent Scrowcroft phải thông báo Ngũ Giác đài, nhưng bấy giờ là đang đêm ở Hoa Thịnh Đốn, có lẽ người làm việc không có mặt. Tôi không rõ đề đốc nhận lệnh ấy lúc mấy giờ. Sau này tôi hỏi ông ta trên chiến hạm: “Chuyện gì xảy ra vậy?” Ông ta đáp: “Chẳng có chuyện gì. Khi nhận tin di tản, tôi cho trực thăng đổ xăng, tôi gọi phi công, rồi lại được yêu cầu phải gửi một lực lượng an ninh Thủy quân Lục chiến vào Sàigòn trợ giúp di tản, nhưng lính không có mặt trên những tàu chở trực thăng. Vì thế lại phải lo đưa lính từ khắp các tàu khác đến mấy chiếc tàu chở trực thăng. Mấy công tác ấy phải tốn thì giờ.”Nếu bạn hỏi, tôi sẽ nói: Tôi chả ngạc nhiên gì việc này. Tôi rất hoài nghi khả năng quân đội Hoa Kỳ khi cần đương đầu tình trạng khẩn cấp. Họ làm việc kiểu con rùa hành chánh: chậm chạp, lè phè. Lấy đấy mà xem, họ đã được thông báo tình hình Sàigòn như vậy từ hai giờ trước, mà lính không đặt gần những tàu chở trực thăng, lại đưa tản mác trên những con tàu rải rác khắp mặt biển, thế là làm sao! Còn một việc nữa cũng không được dự liệu trước. Đó là việc một khi tin tức người Mỹ rời Việt Nam truyền ra, là đông đảo người ta sẽ tụ khắp chung quanh toà đại sứ, việc di chuyển sẽ trở nên vô phương. Do đó làm sao còn có thể sử dụng xe hơi, xe buýt chở người qua lại giữa toà đại sứ và văn phòng Tùy viên Quân sự được, vì hễ mở cổng đủ rộng cho xe đi thì dân chúng sẽ như cuồng phong tràn vào. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi bắt đầu thiêu hủy tài liệu. Trung ương Tình báo có một thể lệ rất tốt, đó là tất cả hồ sơ đều phải có một phó bản giữ ở Hoa Kỳ, cho nên nếu có một trạm tình báo nào mất hồ sơ thì chẳng hề gì, chỉ mất công chút đỉnh. Vì vậy chúng tôi tiêu hủy tất cả, chúng tôi đi khắp các văn phòng một cách có phương pháp để phá bỏ bất cứ tài liệu nào về những người Việt có liên hệ chặt chẽ với chúng tôi. Về cái cây me nổi tiếng thì trong tất cả những buổi họp ở toà Đại sứ, qua mọi cuộc thảo luận, tôi chưa hề nghe ai nói, bàn gì về chuyện cưa cái cây này xuống. Tôi có nhiều tình cảm với cái cây me này chỉ vì đấy là một biểu hiệu đẳng cấp trong toà đại sứ: Dưới cái cây là một bãi đậu xe, đậu dưới bóng cây thì mát mẻ, đậu ngoài nắng nhiệt độ như lò lửa. Cho nên được đậu xe dưới bóng cây me ấy tức là biểu hiệu đẳng cấp cao của toà đại sứ! Nhưng trang nghiêm mà nói, chưa bao giờ tôi nghe cái cây này có liên hệ gì đến chuyện di tản. Còn hiển nhiên, chúng tôi sẽ phải mang trực thăng lớn vào bãi đậu xe, cái cây này mọc chính giữa bãi đậu, tất là sẽ phải hạ cái cây thế thôi. Sáng hôm sau, khi đại sứ đã ra đi, không có chuyện gì để tôi ở lại nữa. Còn các nhân viên truyền tin của tôi không thể đi nếu tôi hãy còn nấn ná ở lại. Viên phụ tá của tôi và mấy người khác cũng bảo nếu tôi còn ở đấy, họ cũng chưa chịu đi. Tôi xếp đặt cho mọi người ra đi theo các thứ tự cần thiết, nói thế không phải là giảm giá người này người nọ, nhưng có người công việc đã xong thì đi trước, ví dụ nhân viên truyền tin không còn gì để làm nữa, những người phụ trách công tác vùng I, II, III cũng thế, các nhân viên hành chánh và quản trị nhân viên cũng có thể đi trước. Nhưng nhân viên lo việc vùng châu thổ vẫn còn cần, vì tôi chưa rõ hết tình hình vùng IV ra sao.Theo phương pháp ấy tôi quyết định ai đi, đi lúc nào, mọi sự trôi chảy, không gặp phiền phức, không bị tràn ngập. Tuyệt đối tốt. Tuyệt đối không trở ngại gì.

Có lẽ những chuyện cuối cùng đáng kể là chuyện chúng tôi kéo người Việt ở bên ngoài vào toà đại sứ qua bức tường. Lúc ấy quanh toà đại sứ có cả vạn người, đúng số là như vậy, với đám đông vây quanh, thật khó cho người ta đến gần toà đại sứ. Nhưng bên ngoài còn có những người mà chúng tôi bắt buộc phải đưa họ di tản, ví dụ người trưởng ngành tình báo, ông phụ tá Cảnh sát Đặc biệt mà thực tế là Cảnh sát Chính trị. Vợ và con của Trung tướng Tổng cục Trưởng Chiến tranh Chính trị. Ông Tổng Trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn. Ông Trưởng ban Nghi lễ và Gia đình. Tất cả đều ở ngoài toà đại sứ. Làm sao chúng tôi có thể mang họ di tản đây? Tôi không còn thể nào liên lạc được với họ. Nhưng phần ông Đôn cũng thu xếp vào được một chiếc trực thăng đậu đại trên một nóc cao ốc (nóc nhà này không được xây cất để trực thăng đáp, riêng đây tự nó cũng là một câu chuyện). Còn một số người khác khoẻ mạnh, quả quyết hơn, lấn được đến rào, chúng tôi nhấc bổng được họ, đưa vào toà đại sứ. Bấy giờ trong đám đông bên ngoài có một số sĩ quan quân đội mà chúng tôi đã thỏa thuận: Nếu họ đưa vào được một số người mà chúng tôi muốn, thì sau cùng chúng tôi sẽ kéo họ vào cho họ đi. Chúng tôi cũng tìm được cách chuyển người đi qua đường phố Sàigòn bằng cách giao dịch, thỏa thuận với cảnh sát, chúng tôi bảo họ: “Cho gia đình các ông vào cùng với mấy người này, chừng nào các ông đưa được họ vào máy bay hay xe buýt an toàn, chúng tôi sẽ bốc các ông đi luôn.” Những cuộc sắp đặt với cảnh sát có vẻ thân hữu hơn vì chúng tôi biết họ, tin họ, họ cũng tin cậy chúng tôi. Buồn cười nhất là vào ngày cuối cùng, người ta đã đưa một nhóm người di tản như thế bằng cả một đoàn xe mô tô màu trắng oai vệ của liên đoàn an ninh phủ tổng thống, nối đuôi nhau đi. Tại sân toà Đại sứ, chúng tôi dùng xe hơi cho châu đầu vào phía giữa để khi trời tối thì chạy máy, rọi đèn pha lên, rồi cứ để như thế, hễ còn xăng, còn bình điện thì còn ánh sáng. Rồi có lệnh chúng tôi phải đi và ông Đại sứ cũng được bảo: “Ngài phải vào chiếc máy bay này”. Còn chúng tôi, lúc đầu họ bảo trực thăng đậu dưới sân, tất cả chúng tôi xuống thang nhưng không thấy trực thăng đâu vì họ đã đổi chương trình, rồi họ lại bảo: “Trực thăng sẽ bốc từ nóc sân thượng”.

Tôi không có một gắn bó tình cảm nào quá lớn đối với Việt Nam như vài bạn đồng nghiệp của tôi đã quả tình yêu mến đất nước này. Nhưng đến giây phút cuối, nhìn thấy chung cuộc xảy ra thế ấy, tôi nghĩ chúng ta đã làm một việc tồi tàn đối với dân tộc này, đáng lẽ họ được khá hơn nếu đừng bao giờ chúng ta đến đây.
Ngay từ lúc đầu. Khi chúng tôi ra đi, trời đã rất tối. Phía Tân Sơn Nhất thấy vài đám cháy, nhưng nói chung ban đêm thành phố vẫn có vẻ bình thường. Đường vẫn sáng đèn, xe cộ vẫn sáng đèn. Thực kỳ dị, đó là một điều lạ lùng trong những ngày cuối cùng. Không phải chỉ những ngày cuối cùng mà suốt cả mấy tuần lễ cuối cùng, mọi sự đều có vẻ không thực, bởi vì tất cả vẫn cứ hiện ra một vẻ rất bình thường. Nó không giống như cuộc vây hãm ở Warsaw, bạn hiểu không. Một ngày trước hôm sụp đổ, bạn vẫn còn có thể ra nhà hàng kéo ghế, còn thưởng thức được một bữa thịnh soạn, vẫn có thể ngồi nhấm nháp một cốc rượu vang ngon lành. Không có ai nã đạn khi chúng tôi ra đi. Đó là một chuyện khác nữa. Người Bắc Việt là những người có lý trí. Họ không giống những người Hồi giáo cực đoan cuồng tín. Họ không dại gì tạo ra một biến cố nào nữa để có cớ cho người Mỹ can thiệp trở lại; và nếu họ sát hại ông Đại sứ, việc này sẽ trở thành đại sự, ngay cả đối với quốc hội.
Việc tiếp nhận chúng tôi trên tàu Blue Ridge chứng tỏ quân đội Mỹ là hạng bét. Họ bắt đầu lục soát hết thảy mọi người. Tôi nghĩ có lẽ Đại sứ là người duy nhất họ không lục soát. Vào lúc bình thời, cấp bực của tôi còn trên xa cả đề đốc chỉ huy chiến hạm.
Nhưng không một ai phản đối gì. Chúng tôi đều mệt mỏi. Chúng tôi đều trầm lại. Và chúng tôi quả là một đoàn quân chiến bại.


Hồi ký cuả Kissinger

viết về TT Nguyễn Văn Thiệu

ngyen van thieuMỹ có tiếp tục chừng chừ với Hà Nội như đã từng với Bắc Việt nam 1973 ?
Kissinger viết về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1981, Kissinger ghi lại trong hồi ký nhận xét của ông về cá nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong thời gian ông Thiệu viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1973 :
"…Cái ông ta cần là tiếp tục chiến đấu cho đến khi kẻ xâm lăng cuối cùng ra khỏi lãnh thổ.
Đây không phải là điều sai của ông nhưng công luận Hoa kỳ thì lại không chấp nhận….
…Chúng ta biết rằng Băc Việt sẽ gia tăng sức ép, nhưng chúng ta đã không gia tăng lực lượng chống trả và quốc hội chúng ta sẽ bỏ phiếu bắt buộc chúng ta bước ra khỏi cuộc chiến này vô điều kiện nếu chúng ta vượt quá giới hạn…
…Ông Thiệu luôn nhìn vào chuyện trước mắt là quan trọng nhất.
Cái gần nhất với ông không phải là hòa bình sau cùng mà là địch quân trước mắt…
… Sau khi ngưng bắn, quân đội chúng ta sẽ rút về bên kia bán cầu, còn dân tộc của ông vẫn còn cảnh một đội quân tiếp tục hi sinh cho những hy vọng mong manh của nền độc lập tại Đông Dương. Chúng ta đã chắc rằng biện pháp của chúng ta sẽ kềm hãm tham vọng của Hà Nội. Nhưng mắt của ông Thiệu chỉ quan ngại vào những điều mong manh về sau này…
…Ông Thiệu càng lúc càng ghét cay ghét đắng tôi vì vai trò kiến trúc sư của tôi về thỏa ước hòa bình này. Trong lúc này tôi chỉ biết thông cảm sâu xa về nỗi bực tức của ông, nhưng chúng ta không có chọn lựa nào khác. Hoa Kỳ không thể phủ quyết khi Hà nội đã chấp thuận, những điều khoản rất hòa bình chúng ta đã đề ra với sự chấp thuận của ông Thiệu cho thời hạn ba năm.
Cho đến hôm nay tôi kính trọng ông Thiệu như là một gương hào hùng của một kẻ dám chiến đấu cho nền tự do dân tộc của ông, một kẻ sau này đã chiến bại bởi những hoàn cảnh ngoài tầm tay cá nhân ông, đất nước ông và ngay cả ngoài vòng quyết định của chúng ta
…Rõ ràng hàng triệu bàn chân trốn chạy về vùng ông Thiệu kiểm soát tránh xa vùng đất CS chiếm đóng tức đã bầu cho ông ta rồi. Thói thường hay đổ tội cho việc dội bom của chúng ta nhưng sau này chắc hẳn một điều là đó là phản ứng đối với tính bạo tàn của chế độ CS…
…Làn sóng di dân ào ạt vào thời đại chúng ta luôn luôn phát xuất từ các nước CS chứ không hề theo chiều ngược lại. Thê mà vẩn còn những thói khinh mạng, xúc phạm cùng đối xử bất xứng để dành cho cho bạn bè Tây phương chúng ta như trường hợp ông Thiệu năm 1973…
…Như là một phép lạ phát xuất từ lòng dũng cảm, ông Thiệu đã cố gắng lèo lái quốc gia trong giai đoạn cam go này, chiến đấu chống lại quân thù cố tâm xâm lấn và làm an tâm đồng minh nào chưa thông hiểu ông. Ông nổi bật với thỏa ứớc 1973 trong đó Hà Nội phải từ bỏ những đòi hỏi về chính trị từ bao lâu nay mà quay lại cho vấn đề ngưng bắn còn tốt hơn chúng ta mong đợi, tuy còn bấp bênh theo kỳ vọng của ông…
… Về riêng tư tuy tôi dành ít cảm tình về ông Thiệu nhưng tôi rất kính nể ông vì ông là một người kiên tâm chiến đấu trong nỗi cô đơn ghê gớm ( nguyên văn: terrible loneliness ) sau cuộc rút quân của Hoa kỳ. Ông chấp nhận những cảm tình và thông hiểu ít ỏi dành cho ông. Chuyện đó không làm phẩm chất của ông hao mòn đi…
… Thực sự, chẳng còn gì nhiều để bàn thảo thêm nữa . Ông chẳng hề kêu van về công chuyện chúng ta bỏ lại cho ông và ngay cả cái dã tâm từ phía Hà Nội. Nhưng ông đưa ra một một sự kiện thưc tế trước mắt chúng ta là vi phạm từ phía Bắc Việt. Về riêng tư TT Nixon có bảo đảm với ông-cũng như TT đã từng công bố vào hôm 15 tháng Ba và vài nơi khác – rằng TT sẽ chống lại những vi phạm trắng trợn đó bằng vũ lực nếu thấy cần thiết. Cùng một lúc TT (tức Nixon) vừa năn nỉ vừa dọa dẫm ông Thiệu bắt miền Nam phải thi hành những điều khoản của hiệp định đề ra...
Khi máy bay của ông cất cánh khỏi California, ông đã khui rượu uống mừng ghi nhớ sự hài lòng cùng khuây nguôi của ông từ cuộc nói chuyện với ông Nixon. Dù tánh ông hay nghi ngại cùng các dấu hiệu khó khăn tương lai đang tới dần–gồm thái độ do dự của chúng ta đối với sự vi phạm hiệp định của Hà Nội và lưỡng lự viện trợ kinh tế cho miền Nam – thế mà lòng tin của ông không bao giờ thay đổi rằng Hoa kỳ sẽ đáp ứng viện trợ cho miền Nam trong trường hợp khẩn cấp.
Đây cũng là niềm tin từng được các đồng minh khác của Hoa kỳ ấp ủ xưa nay, lòng trung thành từng tạo dựng nên một trong các giá trị căn bản của Hoa Kỳ chúng ta đối với thế giới thế nên chúng ta gắng làm sao đừng để nó vuột mất…"
(Kissinger, Henry. Years of Upheaval. 1st ed. Boston: Little Brown, 1981.
Từ trang 309 đến trang 315. Bản dịch của Xuân Khê).


 

Đăng ngày 12 tháng 12.2015