Tôi dạy tại trường Trung Học Kiến Hòa   
 
Trần Thế Đức
 
Tôi về trường Trung Học Kiến Hòa   
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (năm 1968), tôi chọn nhiệm sở trường Trung Học Kiến Hòa, đúng như mình mong đợi.  
Khoảng thập niên 1960, xe máy Nhật nhập cảng vào Việt Nam, đánh bại các loại xe máy Pháp (Mobilette), Đức (Sachs) và Áo (Puch). Với những chiếc Honda, Suzuki, Bridgestone, Kawasaki mạnh mẽ, đẹp đẽ và tốc độ nhanh, lớp Sử Địa chúng tôi thường tổ chức những chuyến đi Mỹ Tho vừa thăm gia đình các bạn nhà ở đây, vừa thưởng thức những món ăn đặc biệt của đồng bằng sông Cửu Long. Thật là vui. Ngồi trong nhà hàng nhìn ra Tiền Giang rộng mênh mông, dòng nước cuồn cuộn chảy, bên kia là rừng dừa bát ngát, có bạn đưa ra ý kiến: “Sau này tốt nghiệp, mình dạy ở Kiến Hòa, học cao học địa lý ở Đại Học Văn Khoa, làm tiểu luận cao học về xứ dừa cũng có lý”. Tôi thấy ý kiến hay, mong được dạy ở Kiến Hòa. Dự định của tôi đã trở thành sự thật.
Năm đó, nhiệm sở trường Trung Học Kiến Hòa có ba chỗ cho sử địa. Hai bạn khác và tôi cùng nhận nhiệm sở này. Đây là nhiệm sở không xa Sài Gòn bao nhiêu: phải qua phà Rạch Miễu, nhưng thời gian đi xe đò và xe lam khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, gần hơn các trường khác rất nhiều. Điều quan trọng đối với tôi là nếu được dạy ở trường Trung Học Kiến Hòa tôi có thể thực hiện việc nghiên cứu về nông nghiệp, nhất là dừa của tỉnh, mà chưa ai thực hiện. Tôi đã đậu hai chứng chỉ địa lý ở Đại Học Văn Khoa và đang chờ kết quả hai chứng chỉ sử. Nếu thi đậu, tôi hoàn tất văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa Sử Địa, và xin giáo sư bảo trợ tiểu luận cao học địa lý. Tôi thích sử, nhưng trong khi học, phải làm những bài khảo sát về địa lý, tôi thấy môn địa cũng có nhiều điều hay. Trong những cuộc du khảo, cô Langlet Quách Thanh Tâm, các thầy Lâm Thanh Liêm, Phạm Đình Tiếu, Thái Công Tụng, Nguyễn Hải... giảng giải cho  chúng tôi thật là uyên bác. Còn phòng địa lý dưới hầm ĐHVK (ở đường Nguyễn Trung Trực) có rất nhiều tài liệu và bản đồ, sinh viên ra vào tấp nập, các thầy cô vô cùng thân mật với học trò. Hoạt động của ngành Địa lý cũng sôi nổi lắm. Trước kia có Trung Tâm Nghiên Cứu Địa Lý ở đường Yên Đổ. Sau này trung tâm đóng cửa vì chiến tranh, không hoạt động được. Vả lại, số người đậu cao học sử hiện nay khá nhiều, còn cao học địa lý còn ít. Vì thế, tôi quyết định học cao học địa lý. Trong những bạn Sử Địa ĐHSP chúng tôi học thêm ở ĐHVK, có người dự định sẽ theo Sử, nhưng cũng có người sẽ theo Địa.
Dạy tại trường Trung Học Kiến Hòa, không xa lắm, thời gian di chuyển không nhiều. Tôi dạy tại đây khoảng 3-4 ngày mỗi tuần, nghỉ ngơi, rồi cuối tuần về Sài Gòn cũng tiện hơn là dạy các trường gần Sài Gòn (như Bến Tranh, Long An, Bến Lức, Củ Chi, Long Thành...), phải đi về hàng ngày, mỗi ngày đi về mất 3-4 tiếng đồng hồ, mệt mỏi. Nếu về Kiến Hòa, điều khiến tôi lo ngại là tình hình an ninh. Đây là một trong những tỉnh bất an nhất đồng bằng sông Cửu Long. Những tỉnh bắt đầu bằng chữ Kiến (như Kiến Phong, Kiến Tường) cũng đều bất an như vậy. Thôi thì ai sao mình vậy, phó mặc số phận cho ông trời.

Trường Trung Học Kiến Hòa nằm tại tỉnh lỵ tỉnh Kiến Hòa, nay là Bến Tre. Từ thị xã Mỹ Tho, đi phà Rạch Miễu trên Tiền Giang rộng mênh mông để qua tỉnh Kiến Hòa. Thời gian qua phà Rạch Miễu khoảng 20 phút, lâu hơn thời gian qua phà Mỹ Thuận, vì phà phải đi vòng qua đầu cồn Phụng và hai cù lao khác nằm ở giữa sông. Qua đến xã Tân Thạch (thuộc tỉnh Kiến Hòa), có xe lam đưa khách về thị xã, mất khoảng 15 phút. Kiến Hòa là xứ dừa, rừng dừa bát ngát, nhưng hai bên quốc lộ, mỗi bên cách đường lộ khoảng hai trăm mét, cây dừa nào ngọn cũng khô héo, đứng chơ vơ. Đó là hậu quả của thuốc khai quang. Người ta rải thuốc khai quang để không cho Việt Cộng có chỗ ẩn nấp mà chặn xe hoặc bắn lén xe cộ qua lại.  
Trong sách vở, sông Cửu Long là 9 con rồng tạo nên sức sống trù phú cho dân mình. Nhưng bây giờ, tôi mới thấy tận mắt con sông Ba Lai. Đó chỉ là một con rạch, dòng nước lờ đờ, yếu ớt, hai bên mé sông, lục bình phủ kín mít, không phải là dòng nước dũng mãnh như 8 con rồng kia. Lượng phù sa mầu mỡ đã lấp dần con sông này. Sách báo từ thời Pháp để lại cho biết nửa thế kỷ trước, sông Ba Lai còn rộng, thuyền bè đi lại. Thời đó, thỉnh thoảng, hiện tượng sóng thần (tsunami) xảy ra trên sông, làm đắm nhiều thuyền bè. Người ta giải thích hiện tượng này là do lúc nước thủy triều lớn (triều cường) dâng lên từ biển vào cửa sông (hình cái quặng: ngoài cửa biển lớn, vào trong sông nhỏ dần). Đợt thủy triều này gặp nước sông chảy ra mạnh, hai lực đối kháng gặp nhau tạo thành một đợt sóng lớn đi ngược lại dòng sông, gây nguy hiểm cho thuyền bè.    
Xe lam vào đến tỉnh lỵ, hai hàng cau kiểng to lớn thẳng tắp hai bên đường đón chào khách. Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa nằm ở một khu yên tĩnh trông ra một hồ nước (hồ Chung Thủy). Giữa hồ là một nhà thủy tạ thơ mộng với cây cầu cong bắc ngang.
Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa là một trường lớn, gồm nhiều dẫy nhà xây cất qua nhiều giai đoạn khác nhau. Hiệu trường là ông Trần Kim Quế, giáo sư môn Vạn vật. Giám học là ông Nguyễn Duy Oanh. Phụ tá giám học là ông Phan Hữu Nghĩa, giáo sư Triết học. Tôi tiếp xúc với anh Nghĩa nhiều hơn, vì anh xếp giờ dạy cho giáo sư. Anh bảo tôi cứ yên tâm nghỉ ngơi, sau tết, anh sẽ xếp giờ cho tôi.
Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa là trường lớn nhất  tỉnh Kiến Hòa, gồm 9 quận. Hầu hết các quận đều có trường trung học đệ nhị cấp (nay là cấp 3). Trường có 6000 học sinh (lớn bằng 6 trường trung học ở Úc ngày nay) với hơn 30 lớp 11 và 12, còn các lớp khác cũng rất đông. Các trường trung học quận tuy cũng có đến lớp 12, nhưng nhiều học sinh vẫn thích về tỉnh lỵ học, nên số học sinh của trường đông đảo. Điều này chứng tỏ người dân Kiến Hòa rất chuộng việc học.

Người dân Kiến Hòa chuộng việc học


Hình: Trời đất có thay đổi nhưng cây si cổ thụ vẫn đứng vững tại sân trường Trung Học Kiến Hòa

Năm tôi về trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa, Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho 7 sinh viên mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn về đây: 3 Sử Địa, 2 Pháp Văn, 2 Lý Hóa, 1 Toán. Nhóm Sử Địa, ngoài tôi ra, hai bạn kia là Nguyễn Hữu Năng và Lưu Anh Dũng. Anh Năng là dân tỉnh nhà, gốc Mỏ Cày. Năng có người anh là Nguyễn Hữu Khiêm, cũng dạy Sử Địa trong trường. Anh Khiêm tốt nghiệp ban Sử Địa ĐHSP Sài Gòn, khóa 4. Riêng về môn Sử Địa, trường còn có cô Đặng Thị Chiếu Trinh, ra trường trước tôi một năm. Vậy là trường có 5 giáo sư Sử Địa đệ nhị cấp.
Số giáo sư trong trường rất đông, gồm giáo sư chính ngạch (tốt nghiệp đại học) và giáo sư dạy giờ (tốt nghiệp tú tài 2 hoặc các chứng chỉ đại học). Điều tôi chú ý là tinh thần chuộng sự học của các thầy cô giáo trong trường rất cao. Nhiều người đã tốt nghiệp đại học, vẫn tiếp tục học nữa (hậu đại học hoặc một môn học khác). Nhiều người trước kia là giáo viên tiểu học (có bằng trung học đệ nhất cấp hoặc có bằng tú tài 2), tự học lên, rồi tốt nghiệp đại học (Văn Khoa, Luật Khoa). Ông Nguyễn Duy Oanh (giám học), trước kia là giáo viên tiểu học, tự học và thi đậu bằng tú tài 2, chuyển ngạch dạy trung học. Ông tiếp tục học lấy bằng cử nhân ĐHVK Sài Gòn. Dù lớn tuổi và nặng gánh gia đình, ông vẫn tiếp tục học lên cao học. Sau khi tôi về dạy ở trường được một năm, ông đậu cao học Sử. Anh Huỳnh Minh Đức đậu cao học Văn Chương Trung Hoa (ĐHVK), chuẩn bị rời trường Trung Học Kiến Hòa, về dạy ĐHVK Sài Gòn.
Nhân tài Kiến Hòa không chỉ nằm trong giới giáo dục của trường Trung Học Kiến Hòa, mà còn bên ngoài trường. Giáo sư Trần Văn Tấn, khoa trưởng ĐHSP kiêm viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn tốt nghiệp tiến sĩ Toán tại Pháp là người dân xã An Hội. Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước, gốc Mỏ Cày, giảng dạy tại ĐHSP Sài Gòn, sau này là hiệu trưởng trường Quốc Gia Sư Phạm, tốt nghiệp cả ĐHSP và ĐHVK Sài Gòn, tốt nghiệp cao học Nhân chủng học, sau này du học Hoa Kỳ và đậu tiến sĩ (Ph.D.).
Nhân tài trong trường còn thể hiện trong lãnh vực chính trị. Giáo sư Huỳnh Ngọc Diêu dạy lâu năm tại trường Trung Học Kiến Hòa, ứng cử dân biểu quốc hội, được bà con tín nhiệm và đắc cử vẻ vang.               


Hình: Thầy Nguyễn Văn Sang  (Toán) và thầy Phạm Ngọc Trác (Pháp Văn)

Học trò của tôi, nhiều em ở xa trường (trong đồng, trong vườn), phải đi xe đạp, đi đò, đi bộ đến trường mất nhiều thời gian. Các em đâu có đèn điện như người dân sống tại tỉnh lỵ, hàng đêm phải thắp đèn dầu để học. Xung quanh các em là chiến tranh, bom đạn, chết chóc. Ngoài giờ học chính thức ở trường, các em đâu có được học thêm toán, lý, hóa, sinh ngữ, như các học sinh Sài Gòn. Vậy mà các em vẫn kiên nhẫn, cố gắng, chăm chỉ học hành. Các em còn phải phụ giúp gia đình chăm sóc các em nhỏ hay công việc vườn ruộng.  Gia đình các em (cha mẹ, ông bà, những người thân) vẫn khuyến khích các em học hành cho đến nơi, đến chốn. Nhiều em trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mà vẫn cố gắng học, cuối năm đạt kết quả tốt, thi tú tài đậu hạng cao và vào được đại học, hoặc du học ngoại quốc.
Trong gia đình người dân Kiến Hòa - Bến Tre số người tốt nghiệp đại học và có địa vị trong xã hội không phải là hiếm. Các địa phương khác có được như thế không?
Trong lãnh vực quân sự, Kiến Hòa - Bến Tre là quê hương của vị tướng tài thời Việt Nam Cộng Hòa: Ngô Quang Trưởng. Còn phía bên kia cũng có một vị tướng khác: Đồng Văn Cống.
Nghệ sĩ Hùng Cường, nổi tiếng cả về cải lương lẫn tân nhạc cũng gốc Bến Tre - Kiến Hòa.
Đất Kiến Hòa - Bến Tre là nơi yên nghỉ của hai danh nhân vào cuối thế kỷ 19: Phan Thanh Giản: vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ, quan đại thần nhà Nguyễn, hết lòng vì dân, vì nước và Nguyễn Đình Chiểu: nhà nho yêu nước, giữ trọn tiết tháo.
Dân miền Nam thường nói tới Ông Già Ba Tri để chỉ người có tính cương trực, không chịu cúi đầu, dám đương đầu với những kẻ cường quyền. Ông già Ba Tri là nhân vật có thực, sống ở quận Ba Tri (cửa sông Cửu Long), vào thế kỷ 19.
Trước khi về Kiến Hòa, tôi nghe đồn xứ dừa là nơi có nhiều con gái đẹp (“Bến Tre đi dễ khó về”). Tôi muốn biết con gái xứ dừa đẹp thế nào, nhưng nhất định không có chuyện đi dễ khó về đối với tôi, vì tôi không có ý định “xin chọn nơi này làm quê hương”. Tôi phải về Sài Gòn. Tôi chỉ dạy ở đây vài năm thôi.
Đất Kiến Hòa tạo nên nhiều nhân tài có phải là do địa linh nhân kiệt như nhiều người tin tưởng? Xin những nhà xã hội học, nhân chủng học trả lời.

Tôi dạy gì?                             
Năm đầu dạy ở trường Trung Học Kiến Hòa, tôi dạy công dân giáo dục là chính, chỉ dạy vài giờ sử địa cho một lớp 11. Dù chưa được dạy đúng môn của mình, nhưng tôi sẵn sàng đảm nhận bất cứ công việc gì, dạy môn nào cũng được.
Thời gian đầu dạy tại trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa, những học sinh chiếm nhiều cảm tình của  tôi là những em học sinh bé nhỏ ở hai lớp 7. Các em xinh xắn, nhí nhảnh, tung tăng trong chiếc áo dài trắng đồng phục, thật dễ thương. Các em trai cũng như gái yên lặng nghe thầy giảng và chép bài, thật ngoan. Chương trình công dân giáo dục lớp 7 nhằm dạy học sinh về mặt đạo đức. Các em học qua những thí dụ cụ thể là những câu truyện do thầy kể. Các em rụt rè trả lời thầy khi thầy hỏi để các em đóng góp ý kiến cho bài học. Khi thầy gọi em nào thì các em mới mạnh dạn trả lời câu hỏi. Thời đó, tôi chưa biết tận dụng truyện kể với những câu hỏi mở rộng hoặc nội dung mở rộng để bài dạy phong phú và học sinh thấy hào hứng hơn, bài học đạt được nhiều hiệu quả hơn.
Rất tiếc, thời đó tôi không thể tìm được đầy đủ tranh ảnh để bài học không nhàm chán. Ngày nay, nghĩ lại, thật thương cho các em và cảm thấy thiếu sót về cách dạy của mình. Bài học không ra khỏi tình trạng chung của thời đó: còn thiên về trừu tượng. Nếu thời đó có phim, internet, youtube... như ngày nay thì trò thấy bài học hấp dẫn, nhẹ nhàng và thầy cũng hài lòng với bài dạy. Tôi cũng rất tiếc thời đó mình không cho các em đóng kịch trong lớp (role play) như ngày nay để học trò vừa vui, vừa áp dụng được những điều vừa học được và bài học đạt hiệu quả cao. Nếu thời đó, tôi thực hiện cách liên kết những môn học căn bản trong chương trình giáo dục (key learning areas) thì bài học sẽ sinh động hơn, chẳng hạn hội họa, âm nhạc, kịch nghệ, viết văn... Chúng ta không thể đi trước thời đại được.  


      Hình: Thầy giáo tại sân trường Trung Học Kiến Hòa

Còn lớp 10, mục đích của chương trình công dân giáo dục là cung cấp cho các em kiến thức tổng quát về các chính thể. Đây là dịp để tôi sử dụng những gì học được từ môn Chánh Trị Học Nhập Môn mà tôi học từ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, năm thứ hai ĐHSP. Đây là năm duy nhất thầy dạy hai lớp Sử Địa – Việt Hán, vì thầy rất bận rộn. Tôi coi bài học ở nhà trường không phải là bài tuyên truyền rẻ tiền. Bài học về các chế độ chánh trị là bài học về khoa học xã hội, trình bày với tinh thần khoa học (phân tích, lý luận, cụ thể, khách quan, quan điểm...). Từ đó, học sinh có tầm nhìn khách quan trước các sự kiện. Đây là tinh thần khai phóng của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.
Vào thời đó, không có những phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy. Tôi phải vận dụng những gì hiện có: trình bày cụ thể, rõ ràng, biểu đồ, so sánh, thí dụ thực tiễn... Tin tức thời sự trong nước cũng như trên thế giới là những bằng chứng cụ thể khiến cho bài học không xa rời thực tế. Thầy trò cùng phân tích sự kiện và liên hệ đến bài học. Cuộc bầu cử Ban Điều Hành học sinh toàn trường là dịp tốt để thầy trò cùng phân tích sinh hoạt dân chủ trong trường, từ đó học sinh nhận ra thế nào là xã hội dân chủ. Ngay cả chế độ cộng sản cũng được trình bày dưới khía cạnh khoa học xã hội để học sinh tự tìm ra câu trả lời.
Tôi yêu cầu học sinh đóng góp ý kiến về những đề mục, vấn đề, thầy trò cùng bàn luận trong lớp. Tinh thần chung của các em là rất ngại đóng góp ý kiến. Thầy chỉ định thì các em mới nói ra những gì các em nghĩ. Khi các em trình bày ý kiến thì thường lập lại những gì trong bài học (chứng tỏ mình thuộc bài, chăm chú nghe thầy giảng), ít khi nêu ý kiến, nhận xét riêng của mình. Tình trạng này xảy ra trong mọi lớp, có lẽ vì:    
1. Tính nhút nhát của các em. Các em ít có dịp trình bày ý kiến của mình trước đám đông.      
2. Thiếu tự tin. Điều các em nói ra, sợ không đúng, nên không nói. 
3. Thiếu kiến thức căn bản về môn học nên không dám nêu ý kiến riêng của mình.   

4. Từ vựng các em dùng trong môn học không phải là những từ vựng các em dùng hàng ngày, nên các em lúng túng.
5. Thói quen thụ động: các em chỉ tin những gì thầy cô đã giảng trong lớp và trình bầy trong sách giáo khoa, không dám đưa ra những gì khác.
Làm sao giúp các em mạnh dạn trình bày ý kiến riêng của mình? Tôi khuyến khích các em thẳng thắn nêu quan điểm riêng của em về đề mục, vấn đề, nêu ra, dù khác với bài vở trong lớp. Tôi cũng yêu cầu các em mạnh dạn nêu lên ý kiến ngược lại, nhưng phải có lý luận, dẫn chứng, giải thích. Tôi cũng nêu lên những ý kiến gợi ý để các em nhận ra vấn đề. Từ đó, các em quen dần với cách phát biểu trong lớp và bài học bớt khô khan. Tôi nhận thấy không phải các em không muốn tham dự vào bài học, mà các em không quen với lối làm việc này.    
Còn về sử, địa, hai môn chính của tôi, tôi có dịp thực hiện những gì mình vẫn ấp ủ và suy nghĩ, thể hiện tích chất dân tộc trong đường hướng giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa

Dạy học không chỉ dạy chữ      
Sinh hoạt hiệu đoàn là hoạt động mạnh của trường Trung Học Kiến Hòa và tạo sinh khí sôi nổi trong trường. Đây là hoạt động nhằm phát triển học sinh về mặt xã hội, vật chất cũng như tinh thần, hỗ trợ cho đường hướng giáo dục. Thầy, Cô giáo và học sinh đều tình nguyện tham gia sinh hoạt. Thầy cô bỏ công sức và thời giờ riêng của mình, hết lòng vì học sinh, mà không đòi hỏi quyền lợi. Học sinh cũng nhiệt tâm tự nguyện tham gia sinh hoạt. Người lèo lái sinh hoạt này là hiệu đoàn phó, do các giáo chức trong trường bầu ra, nhiệm kỳ là một năm học. Hiệu trưởng là hiệu đoàn trưởng, nhưng hiệu đoàn phó đảm nhận mọi trách nhiệm. Chương Trình Sinh Hoạt Học Đường (CPS), một cơ quan của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cũng hỗ trợ cho những sinh hoạt của trường.
Về phía học sinh, Ban Điều Hành học sinh toàn trường tổ chức mọi sinh hoạt, thầy cô giáo là cố vấn. Ban Điều Hành được bầu ra trong một cuộc bỏ phiếu mà tất cả 6000 học sinh đều được đi bầu. Đây là một sinh hoạt dân chủ hào hứng, học sinh được tham dự vào hoạt động của xã hội dân chủ. Cuộc bầu cử có các liên danh tranh cử, vận động cử tri với chương trình hành động, tranh luận sôi nổi giữa các liên danh. Học sinh làm quen với việc thực hiện nếp sống dân chủ. Ban Điều Hành gồm 6 khối hoạt động trong nhiều lãnh vực: khối thường vụ, khối học tập – trật tự, khối xã hội – vệ sinh, khối báo chi, khối văn nghệ, khối thể thao – du lịch.
Một điểm son của sinh hoạt hiệu đoàn là học sinh tự lực phát triển, giáo sư chỉ giữ vai trò cố vấn. Một số hoạt động của học sinh là:
- Học sinh tự thực hiện những tờ báo lớp (40 lớp có báo riêng). Toàn trường có giai phẩm.
- Học sinh tự lập ra những nhóm du ca, tổ chức những buổi nhạc chủ đề.                                         
- Học sinh lớp 9 tổ chức trại du ngoạn Ba Tri.
- Học sinh lớp 9 và lớp 10 tổ chức giao hữu bóng tròn.   

Hoạt động nào cũng sôi nổi, tạo nên không khí hăng hái, hào hứng trong trường. Một trong những hoạt động nổi bật của trường là trại công tác. Tất cả mọi học sinh, từ nhỏ tới lớn, nam cũng như nữ đều được tham gia trại nhằm xây dựng những công trình công ích cho học sinh trong trường, thí dụ xây dựng con đường bằng xi măng xung quanh trường để việc đi lại trong trường tiện lợi, sạch sẽ, không còn sình lầy trong những ngày mưa gió, ẩm ướt. Thầy cô không phải là những thợ chuyên môn, chỉ là những người có chút ít kinh nghiệm làm cho nhà mình. Thầy trò đều vui vì chính bàn tay mình góp sức xây dựng ngôi trường thân yêu của mình. Vật liệu thì ban tổ chức vận động với tòa hành chánh tỉnh cung cấp. Nam sinh các lớp lớn đảm nhận những việc nặng như đào đất, đóng cọc, san đất, khuân vác vật liệu nặng (xi măng, cát, đá xanh, làm cỏ), trộn hồ... Nhiều em làm việc nhanh nhẹn, có lẽ các em quen với những công việc nặng nhọc ở nhà (đào mương, làm cỏ, làm vườn...). Nữ sinh và các em lớp nhỏ không làm được việc nặng thì cũng lượm được hòn đá, dọn sạch đất... Mục đích của ban tổ chức không phải là dùng sức lực của các em để hoàn thành công trình. Nếu dùng tiền bạc để mướn thợ thì nhanh chóng, không có gì để nói. Mục đích của sinh hoạt là tạo cơ hội cho học sinh ở mọi lứa tuổi gần lại với nhau, cùng sinh hoạt, cùng nhau thực hiện một công tác để chia xẻ, tạo nên mối giao tiếp thân mật trong toàn trường. Học sinh phấn khởi vì có dịp góp sức xây dựng ngôi trường thân yêu.
Học sinh không chỉ đào đất, xúc cát, đổ bê tông... mà cùng ngồi quây quần với nhau, cùng hát với nhau “Nối Vòng Tay Lớn”, “Gia Tài Của Mẹ”, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, “Bạch Đằng Giang”, “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương”... Những trò chơi tập thể tạo nên không khí vui nhộn. Thầy trò cùng nhau uống ly nước trà đá, chia nhau ổ bánh mì hay trái chuối... đơn sơ, nhưng thấm đậm tình nghĩa. Một ngày sinh hoạt, đổ mồ hôi, nhưng cũng vui vẻ, hào hứng. Các thầy cô đã hy sinh một ngày chủ nhật của mình, thay vì vui với gia đình thì dành thời giờ cho học sinh thân yêu.


Hình: Cùng nhau góp sức xây dựng trường ta

Về Kiến Hòa được một năm thì giáo sư Nguyễn Hữu Năng, người bạn cùng lớp Sử Địa ĐHSP với tôi được tín nhiệm làm hiệu đoàn phó. Còn tôi làm cố vấn cho khối thể thao – du lịch. Thể thao cũng là lãnh vực tôi yêu thích. Chúng tôi không bận bịu gia đình nên hết lòng vì học sinh, vì ngôi trường thân yêu.
Học sinh rất thích thể thao. Các em mê đá banh và bóng chuyền tại sân vận động tỉnh. Tôi thường đi với các em khi đội nhà giao đấu với các đội khác trong tỉnh hoặc các đội trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu bên Mỹ Tho và trường Sư Phạm Long An. Lá cờ hiệu đoàn Trường Trung Học Kiến Hòa là niềm hãnh diện của các đấu thủ và các ủng hộ viên khi các em ra quân. Lá cờ này không khác lá cờ thiêng liêng của quốc gia mà các lực sĩ đem theo trong các cuộc tranh tài quốc tế. Mỗi khi giao đấu, ngay cả những khi đi xa như Mỹ Tho, Long An, rất đông học sinh nam cũng như nữ náo nức cùng tháp tùng để ủng hộ gà nhà.
Trong đại hội thể thao toàn tỉnh mỗi năm, học sinh Trung Học Kiến Hòa chiếm hầu hết các giải thưởng. Chiến thắng vẻ vang của các lực sĩ (nam cũng như nữ) làm nức lòng toàn trường, học sinh cũng như các thầy cô giáo và nhân viên. Dù thắng hay thua, thể thao là sợi dây liên kết các học sinh và là niềm phấn khởi cho học sinh toàn trường. Nhờ trái banh mà mối liên kết giữa học sinh trường Trung Học Kiến Hòa với các học sinh, thanh niên trong tỉnh cũng như tỉnh bạn thêm chặt chẽ. Thể thao là niềm hãnh diện của học sinh về tên tuổi của trường. Thể thao là nguồn vui cho học sinh trong môi trường mà phương tiện giải trí còn hạn hẹp. Thể thao là nơi rèn luyện khả năng của học sinh. Nhờ chơi bóng chuyền, bóng tròn mà tiềm năng của học sinh bộc lộ. Một số đấu thủ bóng chuyền của trường Trung Học Kiến Hòa sau khi rời trường lên Sài Gòn học, đã được chọn vào đội tuyển bóng chuyền của thành phố.  
Rất tiếc, phương tiện thể thao của nhà trường còn thiếu thốn (không có sân riêng cho học sinh, không có phòng tập, chưa đủ dụng cụ thể thao...), không có huấn luyện viên chuyên nghiệp, chương trình luyện tập còn đơn sơ... nên học sinh không có điều kiện phát triển hết tiềm năng của mình. Trong hoàn cảnh eo hẹp mà học sinh tạo nên được những hoạt động thường xuyên là thành công đáng kể.


Hình: Đội bóng chuyền của trường là niềm hãnh diện của học sinh trường Trung Học Kiến Hòa            

Một sinh hoạt mạnh khác của trường Trung Học Kiến Hòa là du ngoạn, du khảo. Những chuyến du ngoạn tạo không khí thoải mái cho học sinh sau những ngày miệt mài sách vở. Trong những cuộc du khảo, các thầy cô thuyết trình cho các em nghe những đề tài về sử, địa liên hệ và các em khảo sát ngay tại chỗ một số đề mục do thầy cô lựa chọn. Học sử địa không có du khảo thì bài học lạt lẽo, mông lung. Giáo sư sử địa trong trường có năm người. Hiệu đoàn phó cũng là giáo sư sử địa, nhiều giáo sư trong trường cũng nhiệt tâm hỗ trợ, nên sinh họat du ngoạn, du khảo cũng là hoạt động sôi nổi của trường. Mỗi khi có thông báo về du ngoạn, không khí của trường sôi động, học sinh náo nức chờ đợi. Những cuộc du khảo khiến các em nhớ đời.
Tỉnh Kiến Hòa có nhiều đặc điểm:    
- Vị trí: nằm ở cửa sông Cửu Long.               
- Địa hình: bốn cù lao lớn, nhiều cù lao nhỏ, bốn sông lớn và nhiều kênh, rạch.         
- Hoạt động kinh tế nông nghiệp (trồng lúa dừa, cây ăn trái) và thủ công nghiệp (sản xuất kẹo dừa, kẹo chuối, kẹo mãng cầu...). 
- Môi trường nhân văn phong phú: đạo Cao Đài, ông Đạo Dừa, nơi yên nghỉ của hai danh nhân Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu.

- Tỉnh trưởng quan tâm tới giáo dục: hỗ trợ hoạt động của các trường học.

Đề tài du khảo trong các cuộc du ngoạn ngắn (sáng đi, chiều về) vô cùng phong phú về sử cũng như địa (địa hình thái học, địa lý nhân văn, địa lý kinh tế).
Trong chuyến du ngoạn, du khảo về quận Ba Tri (cách tỉnh lỵ khoảng 30 Km), học sinh viếng mộ các danh nhân Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu, nghe thuyết trình về hai danh nhân này. Còn về mặt địa lý, học sinh được học hỏi về đặc điểm của đất đai của tỉnh và ảnh hưởng nước mặn đối với các hoạt động nông nghiệp trong tỉnh. Học sinh mở rộng kiến thức về những khía cạnh lịch sử và địa lý về quê hương mình mà trong lớp, thầy cô không có thời giờ đào sâu. Sử và địa là những môn học gần gũi với mình. Sử địa hâm nóng trái tim và dòng máu nóng trong lòng những người trẻ.
Trong chuyến du ngoạn, du khảo trên sông Hàm Luông, học sinh cảm nhận được sự hùng vỹ của những con rồng ôm lấy quê hương mình. Học sinh nhìn tận mắt rừng dừa bát ngát của quê hương xứ dừa. Học sinh cũng nhận thấy sự phong phú của những vườn quýt trĩu quả tại các cù lao màu mỡ trên dòng Cửu Long mênh mông, đục ngầu phù sa.
Mùa hè là thời gian thích hợp cho những trại hè du khảo dài ngày (7 ngày), học sinh rời đồng bằng xứ dừa đi xa viếng thăm những thắng cảnh của đất nước (núi rừng Đà Lạt hoặc vùng biển Nha Trang cát trắng). Trong những chuyến du khảo này, ngoài xe đò, học sinh còn có dịp đi bằng máy bay hoặc tầu thủy, thật hào hứng, lần đầu tiên trong đời.
Trong trại hè Đà Lạt, học sinh học được rất nhiều điều mà các em nhớ mãi trong đời. Các em sống với những điều mà trước kia các em chỉ học lướt qua trong lớp. Trước hết, các em cảm nhận được khí hậu mát lạnh của vùng cao nguyên núi đồi trùng trùng, điệp điệp, mà ở đồng bằng, các em chỉ có bầu không khí nóng hừng hực. Các em thấy tận mắt những thác nước chảy ào ào những đồi thông reo vi vu, những vườn rau ôn đới xanh tươi và thấy tận mắt những đồng bào thiểu số với nếp văn hóa đặc biệt. Các em viếng Trung Tâm Nguyên Tử để thấy tận mắt hoạt động của ngành khoa học tiên tiến của nước ta. Các em viếng đập Đa Nhim để tìm hiểu một công trình thủy điện. Các em thăm trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam để tìm hiểu một cơ quan đào tạo những nhà lãnh đạo quân sự của đất nước. Thăm Nha Địa Dư Quốc Gia, các em được học về cách thực hiện bản đồ Việt Nam. Cư ngụ và ăn uống tại đại học xá của Viện Đại Học Đà Lạt, các em được sống như những sinh viên đại học, làm quen với môi trường đại học mà khi rời trường trung học, có thể các em sẽ tới đây học để chuẩn bị tương lai.
Tại trại hè du khảo Nha Trang, học sinh vô cùng thích thú với môi trường biển khác biệt với với đồng ruộng, vườn tược của các em. Các em viếng thăm các địa danh đặc biệt của thành phố biển (tôn giáo, nghiên  cứu khoa học, huấn luyện quân sự, thắng cảnh): Quan Âm Phật Đài, Thích Ca Phật Đài, Hải Học Viện, Trường Sĩ Quan Hải Quân, Hòn Chồng, Hòn Miếu. Phơi nắng, tắm biển mỗi ngày còn gì thú vị hơn trong kỳ nghì hè này.


Hình: Viện Đại Học Đà Lạt, một kỷ niệm nhớ đời trong chuyến du khảo của học sinh Trung Học Kiến Hòa

Gần tết và cuối năm học là những lúc thầy trò tấp nập với những buồi họp mặt. Suốt cả năm bận rộn học hành, cuối năm âm lịch,  thầy trò cùng dự với nhau buổi liên hoan đón tết trước khi thầy trò tạm biệt về ăn tết xum họp với gia đình. Còn cuối năm học, buổi tiệc liên hoan đánh dấu một mốc trong cuộc đời của thầy và trò: thầy trò từ giã nhau, sang năm sau, không chắc còn gặp lại nhau trong lớp, vì thầy có thể dạy lớp khác. Thầy trò có khi không còn gặp nhau trong trường nữa vì trò từ giã nhà trường trung học để vào một đại học nào đó ở Sài gòn, Cần Thơ, Đà Lạt hay du học ngoại quốc.
Ngôi nhà có vườn tược rộng rãi, mát mẻ của một gia đình học sinh là địa điểm lý tưởng cho cả lớp cùng tham dự. Nữ sinh luôn luôn chứng tỏ là người khéo léo qua việc tổ chức những buổi tiệc nhớ đời. Các em là những người nấu những món ăn ngon. Nam sinh thể hiện sức mạnh của mình qua việc xếp đặt bàn ghế. Những bài hát của thầy Trác, thầy Nhuệ và tiếng đàn của thầy Trác là nguồn cảm hứng cho các em mạnh dạn hát lên những bài tô điểm cho buổi liên hoan thêm hào hứng. Thầy trò sống những giây phút thảnh thơi sau những ngày miệt mài sách vở. Một kỷ niệm đẹp trước khi thầy trò xa nhau, về với gia đình ăn tết, hay có khi đánh dấu cuộc đời học sinh: từ giã bậc trung học.
Tôi đã sống với các em nam sinh lớp 11 trong một ngày tại nhà vườn của gia đình một học sinh với nhiều cây ăn trái và rất nhiều bóng mát của cây dừa nơi xứ dừa. Từ sáng sớm, các em ngăn đầu hai đường mương và tát đìa. Nếu không là “ông thầy”, tôi đã sẵn sàng thay quần áo xuống dầm mình dưới nước cùng với đám con trai vui nhộn. Các em trai thay nhau tát nước. Chẳng bao lâu con rạch cạn hết nước. Đây là những giây phút thật hào hứng: cá tôm quậy lúc nhúc trong lớp
bùn lỏng. Các em lấy rổ ra xúc. “Chiến lợi phẩm” thật nhiều: một rổ cá (cá lóc, cá trê, cá rô, cá bống...), hai tô tép, một rổ ốc bươu, hai con lươn. Các em trổ tài nấu nướng thật nhanh nhẹn với món lẩu thủy sản với những “chiến lợi phẩm” mới thu hoạch được. Còn rau hái trong vườn: rau muống, rau má, bạc hà, đậu bắp.... Các em còn làm món cá chiên thật hấp dẫn. Các em mua sẵn bún tươi, nhưng cũng nấu thêm nồi cơm đổi món cho đỡ ngán. Thầy trò thưởng thức một bữa tiệc thật tuyệt vời trong một vườn dừa êm ả. Vườn ruộng của Kiến Hòa, đồng bằng sông Cửu Long thật trù phú.


Hình: Du khảo Đà Lạt: các thầy PN Trác và  TT Đức  tại đồi thông,  thầy và trò tại thác Prenn


Hình: Họp mặt cuối năm, ngày vui của thầy trò Trung Học Kiến Hòa

Đời sống ở Kiến Hòa        
Khi mới về sống ở Kiến Hòa, các đồng nghiệp của tôi có lời khuyên giống như khi tôi sống ở Vĩnh Bình: “Thầy giáo không nên ăn uống ở hàng quán, phải vào tiệm đàng hoàng”. Thì ra ở đâu, thầy giáo cũng phải chứng tỏ mình là người có tư cách, con người đạo đức mà bà con cho là vai trò mẫu mực, tin cậy để dạy dỗ con trẻ. Cách nhìn này cũng khó cho các thầy giáo trẻ như chúng tôi.
Hình: Những giây phút tuyệt vời của tuồi thần tiên

Làm sao chúng tôi tìm được người bạn trăm năm nếu không có cơ hội làm quen với các bóng hồng? Lại còn quan niệm thầy trò và ý trung nhân nữa. Hầu hết con gái trong tỉnh đều là học trò mình, vậy thì mối liên hệ thầy trò có thể chuyển sang mối liên hệ tình yêu nam nữ và vợ chồng không? Cách nhìn khắt khe của xã hội về mối quan hệ thầy trò khiến các thầy giáo trẻ không dám ong bướm lăng nhăng. Riêng tôi thì đã quyết định rõ ràng ngay từ khi bước chân vào Đại Học Sư Phạm: “Thầy là thầy. Trò là trò.” nghĩa là người yêu, người vợ của tôi không phải là học trò của tôi. Tôi quý trọng học trò của tôi như những bông hoa. Các em ở tuổi mới lớn. Các thầy còn trẻ, chỉ hơn các em 1, 2 hay dăm ba tuổi. Biết đâu em nào đó có trái tim rung động với một “anh” thầy nào đó thì đó chỉ là cảm xúc bình thường của con người. Tôi dứt khoát “Thầy là thầy. Trò là trò” vì nghĩ rằng biết đâu sau này các em sẽ gặp được ý trung nhân có địa vị cao hơn trong xã hội. Vì thế, tôi không bận tâm với vấn đề này, mà chỉ làm nhiệm vụ của một thầy giáo.  

Kiến Hòa có tiệm hủ hiếu xương thật ngon, mà tới trễ sau 9 giờ thì khách không có cơ hội thưởng thức. Sản phẩm địa phương đặc biệt ở đây là giống sò huyết nhỏ bằng ngón tay cái, ngon tuyệt khi nướng trên bếp than hồng hay trong nồi cháo nóng. Tôm càng xanh nướng than, cá lóc nướng trui… là những món ăn hương vị tuyệt vời vì tính chất tươi ngon của nó.
Kẹo dừa, kẹo chuối là những món đặc sản nổi tiếng của xứ dừa. Dừa và chuối thì ở đâu chẳng có, nhưng kẹo sản xuất từ những lò kẹo Kiến Hòa thì ngon đặc biệt. Bóc miếng giấy mỏng bao viên kẹo ra, khách nhận được mùi dừa nhẹ nhàng mộc mạc, tự nhiên mà các loại kẹo sản xuất từ hoá chất không sao tạo được. Sau này, người ta dùng những nguyên liệu thiên nhiên tạo ra loại bao viên kẹo tan ngay trong miệng, mà không phải bóc lớp giấy bao, rất tiện cho những người ngại bóc miếng giấy bao kẹo cổ truyền, nhưng vẫn không ngon bằng những viên kẹo sản xuất theo lối cổ truyền. Viên kẹo dừa nhỏ nhắn bằng đầu ngón tay cô gái xứ dừa nằm gọn gàng trong miệng khách, tạo cho khách một cảm giác êm dịu, chứ không phải phùng mang ngậm một hòn đá cứng trong miệng như một vài loại kẹo dừa sản xuất ở những vùng khác. Vị beo béo của viên kẹo cũng là hương vị dịu dàng làm siêu lòng khách từ giây phút đầu tiên khi viên kẹo bắt đầu tiếp xúc với thần kinh vị giác. Vị béo là một đặc điểm của kẹo dừa Bến Tre, mà kẹo dừa của các miền khác không thể tạo ra được, thường thì thiếu vị béo khiến khách cảm thấy viên kẹo dừa chỉ là viên đá bọc đường. Còn vị ngọt của kẹo dừa Bến Tre là một chất ngọt dịu dàng, không cứng mà cũng không gắt. Khi về Sài gòn, thỉnh thoảng tôi vẫn mua vài gói kẹo dừa Bến Tre làm quà, nhất là vào dịp gần tết.    

Người dân Kiến Hòa sống trong chiến tranh   
Trước khi về Kiến Hòa dạy, tôi nghe nói đây là ổ Việt Cộng nên cũng thấy ớn. Nghe người ta khuyên: sau 6 giờ chiều, không nên đi xe lam về bến phà Rạch Miễu để về Sài Gòn, vì Việt Cộng có thể chặn đường. Tuy nhiên, trong thời gian sống ở Kiến Hòa, tôi không nghe nói vụ chặn xe nào. Trong trường, tôi không hề thấy một biểu hiện nào về hoạt động của Việt Cộng.

Ban ngày, đời sống của người dân Kiến Hòa diễn ra êm đềm như mọi nơi khác trên đất nước Việt Nam: đi làm, đi chợ, đi học, hàng quán đông đảo người mua kẻ bán... Nhưng bất chợt một buổi sáng nào đó, bỗng dưng một tiếng nổ lớn xảy ra tại một quán hủ tiếu hay ở ngoài chợ do một vụ đặt chất nổ hay một trái lựu đạn gài do đặc công gây ra. Có người chết. Có người bị thương. Thế nào thì đài phát thanh Giải Phóng cũng huênh hoang: “Ta đã tiêu diệt được hàng trăm ngụy quân, ngụy quyền và bè lũ tay sai”. Chất nổ gài ở quán có thể gây thiệt hại cho một hai người lính Cộng Hòa, nhưng những người trong quán đâu phải ai cũng là lính hay công chức. Quả lựu đạn gài trong cái giỏ đệm đặt ở ngoài chợ có thể giết hay gây thương tích cho vài người vợ lính hay công chức, nhưng nó đâu có tha cho những thường dân cũng đi chợ. Dù là lính, công chức hay không lính, không công chức, những người bị banh thây, đổ máu cũng là người Việt Nam như kẻ khủng bố kia.
Sau vụ nổ, ai đi làm vẫn đi làm, các bà nội trợ vẫn xách giỏ đi chợ, hàng quán vẫn mở cửa, anh lính vẫn làm nhiệm vụ của anh, học trò và thầy cô giáo vẫn đến trường. Người dân quen với chất nổ, chết chóc. Ai xui xẻo thì đành chịu, không vì vụ nổ mà cuộc sống ngừng lại.

Khi màn đêm bao phủ trời đất, đêm đầu tiên ngủ tại Kiến Hòa, tôi thấy sợ, vì nhiều tiếng súng xảy ra rất gần. Hỏi thăm cô bác xung quanh, tôi biết đó là những loạt đạn do những người lính gác cầu Cái Cối (cây cầu bắc qua sông Bến Tre từ tỉnh lỵ qua bên phía vườn dừa xã Mỹ Thạnh An) bắn vào những đám lục bình trôi trên sông. Những đám lục bình này có khi phủ trên những chiếc bè làm bằng thân cây chuối có gài chất nổ, nếu đụng vào chân cầu thì sẽ phát nổ và làm sập cầu. Họ bắn vào những đám lục bình để chất nổ nếu có dưới đám lục bình sẽ nổ trước khi chạm vào chân cầu, tránh cho cầu khỏi sập. Người dân Kiến Hòa quá quen với loại tiếng súng này, không còn để ý tới nó. Còn tôi, dần dần cũng quen với tiếng súng như họ vậy.


Hình: Cầu Cái Cối, hình ảnh Kiến Hòa ngày nào

Về khuya, một loại tiếng nổ khác không chỉ làm mất giấc ngủ của người dân, mà nó đáng sợ vì gây tang tóc cho mình và gia đình. Đó là những quả đạn pháo kích của Việt Cộng. Mở đầu đợt pháo kích là tiếng “ục”, âm thanh đục và khô khan, vào ban đêm yên lặng nên nghe rõ. Đó là tiếng khởi động của một quả đạn súng cối từ một vườn dừa nào đó. Tiếp theo là tiếng rít kéo dài: “ri....ri... ít ... ít...” Không biết nó sẽ bay về hướng nào, nhưng chắc chắn sẽ vào tỉnh lỵ và sẽ gieo tang tóc không ít thì nhiều cho người kém may mắn. Rồi một tiếng “đùng” thật lớn. Thế là kết chấm dứt đời một quả súng cối. Không biết nó giết chết bao nhiêu người? Gây thương tích cho những ai? Trong những nạn nhân đó, có phải chỉ có lính và công chức (ngụy quân, ngụy quyền) không? Hay còn có các cụ già? Phụ nữ? Trẻ em? Biết đâu nó tới thăm mình? Về mặt vật chất, tòa hành chánh tỉnh hay tiểu khu có hư hại gì không? Hay nó chỉ phá hủy nhà dân (nhà gạch, nhà tôn, nhà lá đều có xác suất như nhau)?
Không bao giờ quả đạn súng cối đi đơn độc, mà thường vài ba quả cùng tiếp theo cho có chị có em. Khi tiếng “ục” bắt đầu thì một loạt đại bác của pháo binh cũng đáp trả. Những quả đạn này rơi vào đâu? Có trúng vào những kẻ mới nã súng cối vào tỉnh lỵ không? Hay chỉ rơi vào vườn dừa và đồng ruộng? Máu đổ thịt rơi, chiến tranh thật thảm khốc.
Sau khi tiếng súng im bặt, nhà nào có người bị thương hay chết thì lo chữa chạy. Còn ai may mắn an toàn thì tiếp tục ngủ để ngày hôm sau tiếp tục công việc như mọi ngày. Sống trong một tỉnh mà ban đêm thường bị chết chóc đe dọa, người dân cũng quen. Trời kêu ai nấy dạ. Đạn trúng ai nấy chịu. Người từ nơi khác đến Kiến Hòa kiếm nhà ở xa tòa hành chánh tỉnh để tránh pháo kích, nhưng người dân địa phương thì chạy đi đâu? Một người bạn tôi không kiếm đâu ra nhà cho vợ con anh, đành mướn căn nhà đằng sau tòa hành chánh. May mắn, gia đình anh yên ổn. Thôi thì số phận mình do trời đất định đoạt.

Đêm nọ, tôi chợt thức giấc vì nhiều tiếng súng lớn nhỏ nổ liên tục đan vào nhau. Tôi lo lắng vì có những tiếng “cốc... cốc...”, “cốc... cốc...”, khác với những tiếng súng M16 hàng đêm mà tôi vẫn nghe từ cầu Cái Cối. Đây đích thực là tiếng súng AK của Việt Cộng. Tôi bàng hoàng: Việt Cộng tấn công, không biết nơi nào. Tiếng súng nổ không phải là những tràng đạn lẻ loi như những loạt đạn của các anh lính gác cầu mà rất nhiều tiếng xen vào nhau, hết loạt này đến loạt khác, không dứt. Có cả những loạt đạn dài và mạnh hơn: “bằng... bằng...bằng... bằng...”, có lẽ đó là tiếng súng đại liên. Cũng không phải những tiếng rít như những quả đạn súng cối pháo kích vào tỉnh lỵ, mà nó “ầm... ầm...”, “ ình... ình...” to hơn, mạnh hơn, nhiều hơn, đây là tiếng nổ của đạn đại bác hay của một loại súng cối nào. Giao tranh với Việt Cộng, chứ không còn pháo kích lẻ tẻ như mọi đêm. Tôi ra ngoài nghe ngóng xem sao. Hỏa châu chiếu sáng cả một góc trời. Có nhiều tiếng máy bay trực thăng quần thảo trên không: “phần... phật... phật...”, nã rocket: “xì... xì... xì... đùng". Một vòi lửa từ trên trời chảy xuống đất như một vòi nước của người lính chữa lửa, cùng những tiếng “khò... khò...” như tiếng rú của con bò sắp chết. Tôi đã từng nghe nói đến “hỏa long”, một loại máy bay vận tải trang bị súng đại liên nhiều nòng, khạc đạn liên tục như vòi nước chảy, nay mới thấy tận mắt những vòi rồng lửa. Chiếc phi cơ vận tải bay lòng vòng nhiều lần, tưới lửa không ngừng. Bác hàng xóm nhìn về hướng lửa đạn bảo tôi: “Giao tranh ở bộ chỉ huy trung đoàn” (trung đoàn 10, thuộc sư đoàn 7 bộ binh đóng ở phía tây bắc, ngoài tỉnh lỵ).
Tiếng súng lớn nhỏ và tiếng máy bay thưa dần, rồi im bặt. Cuộc giao tranh đã chấm dứt. Tôi trăn trở: súng đạn như thế, biết bao người chết và biết bao người bị thương, lính cũng có, mà dân cũng không tránh khỏi. Với hỏa lực mạnh của sư đoàn 7, Việt Cộng đã rút lui.
Tôi trở lại giường nằm, rồi ngủ thiếp đi để sáng hôm sau đến trường dạy học như thường lệ. Người dân Kiến Hòa cũng vậy. Sau cuộc giao tranh, ai sống thì vào mùng tiếp tục ngủ để ngày hôm sau tiếp tục cuộc sống bình thường: đi làm, đi buôn bán, đi chợ, đi học... như chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng trong lòng họ có yên ổn không? Thân nhân họ có cả bên này lẫn bên kia, làm sao họ yên tâm được.

Người dân Kiến Hòa cũng như bao người dân Việt khác sống trong chiến tranh, bình thản với số phận, phó mặc cuộc sống cho ông trời.  
Năm 1972, khi quân cộng sản Bắc Việt tràn qua vĩ tuyến 17 và tấn công tỉnh lỵ Bình Long (cách Sài gòn khoảng 100 km), toàn miền Nam sôi sục không khí chiến tranh. Tuy thầy vẫn dạy, trò vẫn học, bài vở vẫn bình thường, nhưng trong lòng thầy sao khỏi nỗi lo âu, còn trò làm sao an tâm trong lúc cha, anh đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình chiến sự và không khí chiến tranh đang bao trùm khắp nơi. Công chức được lệnh tham gia bảo vệ tỉnh lỵ: canh gác cơ quan vào ban đêm, trong lúc quân đội bảo vệ tỉnh ở vòng ngoài. Buổi tối, thầy giáo chúng tôi đem mùng mền vào trường canh gác, nhưng thực ra là ngủ ở trong các lớp học. Trong đêm mưa gió, tôi thấy nhiều quân xa chở lính chạy ra ngoài tỉnh lỵ. Ban đêm, đại bác nổ dồn dập nhiều hơn bình thường. Thương người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày đêm gian khổ.   
Người dân Kiến Hòa phải gánh chịu bom đạn nhiều hơn các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long mà vẫn vun đắp cho cuộc sống. Học sinh Kiến Hòa sống trong lửa đạn mà vẫn cố gắng học hành để vươn lên. Tôi rời Kiến Hòa, nhưng vẫn không bao giờ quên được những đồng bào thân yêu ở quê hương xứ dừa. Tôi thương những em học sinh chăm chỉ, miệt mài học hành trong khi bom đạn đang đe dọa cuộc sống của các em và gia đình các em.

Lúc mới về Kiến Hòa, tôi thấy ớn vì những tiếng súng lớn nhỏ, chiến tranh ở sát bên mình, nhưng rồi cũng quen. Cuộc sống của tôi êm ả cũng như việc dạy học của tôi vậy. Tôi sống chung nhà với những người bạn tốt nghiệp cùng khóa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, cùng có gia đình ở Sài Gòn hay ở ngoài miền Trung, thật vui. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thấy trong người tỉnh táo, khỏe khoắn với với làn không khí mát mẻ, yên tĩnh, chuẩn bị cho việc dạy trong ngày. Buổi tối, tôi soạn bài vở xong thì đọc tài liệu thu thập được để sắp xếp cho tiểu luận cao học địa lý Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, hoặc vui chơi với các bạn. Cuộc sống không có gì phải lo lắng. Tôi sống ba ngày ở Sài Gòn và bốn ngày ở Kiến Hòa. Tuy phải đi, về bằng xe đò, xe lam, nhưng rồi cũng quen. Ngoài số giờ dạy chính thức (16 giờ mỗi tuần), tôi dạy thêm vài giờ phụ trội vì trường thiếu giáo sư, lương cũng đủ sống. Gia đình tôi sống ở Sài Gòn nên tôi phải về Sài Gòn. Bạn bè tôi và các bạn đồng nghiệp có gia đình ở Sài Gòn cũng muốn thuyên chuyển về dạy ở Sài Gòn. Chờ đợi Bộ Quốc Gia Giáo Dục cứu xét thì rất lâu, tôi làm đơn xin thuyên chuyển về trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, vì xin về đây, chỉ cần ông Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm chấp thuận là Bộ Quốc Gia Giáo Dục cũng chấp thuận. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức nằm ở khu Đại Học Thủ Đức, hàng ngày có xe đưa đón học sinh và nhân viên nên cũng tiện. Thế là tôi rời trường Trung Học Kiến Hòa sau 4 năm dạy học ở đây với bao kỷ niệm thân yêu. Đầu năm 1973, tôi rời trường Trung Học Kiến Hòa mà lòng bùi ngùi lưu luyến. Ngoài những kỷ niệm với đồng bào và học sinh xứ dừa, Kiến Hòa là một phần trong cuộc đời của tôi. Văn bằng cao học địa lý của tôi hoàn thành khi tôi sống ở Kiến Hòa. Đề tài tiểu luận: “Các Loại Canh Tác Chính Ở Tỉnh Kiến Hòa” và câu hỏi phụ: “ Khảo Sát Dân Số Ở Xã An Hội”. Việc nghiên cứu về tỉnh Kiến Hòa là bước đầu của tôi học hỏi về nghiên cứu và tôi muốn hiểu sâu rộng về nơi tôi đang sống và dạy học. Tìm tòi, nghiên cứu là việc làm khiến tôi thấy những ngày dạy học ở đây không trống trải. Thấm thoát, tôi xa Kiến Hòa đã 54 năm và không biết đến bao giờ mới có ngày trở lại.
Viết xong ngày 12-6-2022
TRẦN THẾ ĐỨC        
Tốt nghiệp Ban Sử Địa Khóa 7 (1964-1968), Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.
             

Đăng ngày 30 tháng 07.2022