Ngày 30 tháng tư năm 1975

ngày mà nền văn minh đã thua một chế độ man rợ

Nguyễn Thiếu Nhẫn

Cách đây 10 năm, phải nói là tôi rất ứa gan khi đọc trên một diễn đàn điện tử, ở phần góp ý của bài viết “Nói lấy được, làm lấy được” của bà đạo diễn Song Chi, bài trả lời phỏng vấn báo Thời Đại Mới (TĐM) của ông “Tiến sĩ Bác Hồ” Cao Huy Thuần, do chính ông này post lên -như một comment.
Hình như về cuối đời, những kẻ làm chuyện ác nhân, thất đức như Tố Hữu và đồng bọn luôn tìm mọi cách giảm thiểu tội lỗi của mình như tôi đã trình bày trong mấy bài “Nói dối như... Tố Hữu”.

Trong bài phỏng vấn kiểu “ngư, tiều vấn đáp”, ông “tiến sĩ Bác Hồ” Cao Huy Thuần tìm cách chạy tội cho “nhà sư hổ mang” Thích Trí Quang và “ông Tổng Thống thời cơ” Dương Văn Minh.

Trích:
“-Thời Đại Mới (TĐM): Hôm nay là ngày 30-4. Anh có ý nghĩ gì để nói thêm ? Ít nhất về hoà bình, phương châm thứ hai của Phật Giáo ?
-Cao Huy Thuần (CHT): Tôi vừa đọc báo Đại Đoàn Kết viết bài để kỷ niệm ngày 30-4 năm nay 2011. Thú thật, tôi cảm động. Bài báo có trích một câu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Chiến thắng của chúng ta vĩ đại, nhưng chúng ta cũng phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả một nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng nhà tôi cũng vậy. Vì vậy một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. Ông nói thêm: "Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sàigòn năm 1975, một Sàigòn nguyên vẹn sau chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập Mỹ-Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ”.
Cố Thủ tướng gọi chính phủ Dương Văn Minh là “chính phủ” và ông vinh danh một “Sàigòn nguyên vẹn”. Giá như Thủ tướng còn sống để đọc câu hồi ký của hòa thượng Trí Quang mà tôi trích nguyên văn ở đây nhân ngày 30-4: “Cuối cùng, vào một buổi chiều, ông Minh gặp tôi. Ông đưa ra 2 mảnh giấy người ta báo cáo mật cho ông. Một: cho biết ngân hàng đã bị rút tiền gần sạch. Một: vẽ 1 họa đồ quân sự tuyệt vọng -mảnh giấy ghi chú bằng chữ Mỹ. Ông nói: nếu vì tiền thì tiền hết rồi, nếu vì chức thì chức Quốc Trưởng ông đã làm, nếu vì cứu vãn quân sự thì đã vô vọng. Nhưng, ông nói: ông phải cứu dân khỏi chết vô ích.
Tôi nói: Đại tướng nói y như ý Hoà thượng Viện Trưởng Trí Thủ nói sáng nay. Tôi thuật lại câu nói ấy, và rằng xin làm chứng cho đại nguyện “thay người chịu khổ” của bản thân và bằng hữu của Đại Tướng”. Hòa Thượng Trí Thủ nói gì sáng ấy ? Giữa buổi họp đông đảo của Viện Hoá Đạo, Hoà Thượng nói: "Tôm cá còn mua mà phóng sinh, huống hồ người chết mà không cứu ?”
Người Pháp có câu nói: "Các đầu óc lớn thường gặp nhau (Les grands esprits se rencontrent). Tất nhiên họ muốn nói gặp nhau trên tư tưởng. Tuy vậy, hai đầu óc lớn trên đây, hai con người cùng đặt Dân Tộc lên trên hết ấy, hai nhân vật lịch sử ấy dám gặp nhau không phải chỉ trên tư tưởng. Nhưng một người đã chết quá bất ngờ, một cánh cửa chưa kịp gõ, và con tàu rời nhà ga thiếu một hành khách. Lịch sử vốn vậy, không vô tình nhưng lắm trớ trêu,
khiến bao nhiêu cuộc hẹn bỗng thành lỗi hẹn”.
(Hết trích).

Không biết những điều được viết trong hồi ký của HT Trí Quang có “chân thật” cỡ như “Thiền sư” “ăn chay, ngủ mặn” Nhất Hạnh tố cáo vì du kích VC bắn lên máy bay Mỹ nên Hoa Kỳ đã dội bom giết chết và tàn phá 300.000 căn nhà ở thị xã Bến Tre, hay không ?
Và ông thiền sư này đã kết luận là vì Mỹ tàn ác như vậy nên mới bị quả báo là bị tên trùm khủng bố Bin Laden (đã bị giết chết sau 10 năm săn đuổi) dùng máy bay đánh sập Tòa Tháp Đôi ở NewYork gây ra cái chết cho hơn 3.000 người. Chuyện HT Trí Quang viết “Trí Quang tự truyện” bênh vực cố TT Dương Văn Minh và “xin làm chứng cho đại nguyện thay người chịu khổ” chỉ là chuyện gỡ gạc cuối đời để chạy tội cho ông Dương Văn Minh và ông ta mà thôi!

Trong bài viết “Võ Văn Kiệt như tôi biết” đăng trên báo Pháp Luật (tpHCM) số Xuân Quý Mùi của Lý Quý Chung viết có đoạn như sau: “Mối hảo cảm dành cho ông Dương Văn Minh
... Cách đây 2 năm, vào một chiều cận Tết, tôi được thư ký riêng của ông (Võ Văn Kiệt) nhắn mang vợt tennis đến sân trong Dinh Thống Nhất. Sau các trận đấu là buổi tiệc tất niên thân tình của anh em chơi ở sân này. Các câu chuyện cuối năm, từ chuyện này bắt sang chuyện khác, đến một lúc nói về DV Minh. Tôi sực nhớ chính cái sân tennis này từng được ông Minh đề cập đến trong những ngày ông chuẩn bị lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thì sẽ vào Dinh Độc Lập đánh tennis ! Sở dĩ tôi kể chuyện này cho ông Kiệt nghe vì ông Kiệt cũng là người say mê quần vợt, ngoài ra vì tôi biết ông Kiệt thường dành những lời lẽ tốt đẹp khi đề cập tới ông Minh. Nghe xong câu chuyện của tôi, ông Kiệt tiết lộ một câu chuyện giữa ông và ông Minh như sau: Trước ngày rời đất nước cùng vợ sang Pháp, ông Minh đã tặng cho ông một túi xách bằng da dùng để vợt tennis, hộp banh và quần áo thể thao. Ông VV Kiệt kể tiếp: “Tôi đã tặng lại cho ông Minh và vợ hai huy hiệu tpHCM. Tôi muốn hai ông bà nhớ rằng sống ở đâu, hai ông bà vẫn là công dân của thành phố này”.

Đọc xong cái bài viết nịnh bợ ông VV Kiệt của ông “trí thức Thành phần Thứ ba” Lý Quý Chung thì ứa gan lắm, lại càng ứa gan hơn khi biết là ông cố TT Dương V Minh và vợ của ông ta có nhận 2 cái huy hiệu tp HCM do VV Kiệt. Hèn chi mà 9, 10 năm trước đây, khi còn sống ông đã tuyên bố muốn về Việt Nam như một người bình thường và có ở trong lòng đất nước, ông mới có điều kiện “đem tiếng nói thuyết phục bên kia tại quê nhà...”.
Cố Tổng thống Dương Văn Minh trước đây đã từng có lần trả lời phỏng vấn của (cố) Ký giả Nguyễn Ang Ca rằng: nếu lịch sử được lặp lại thì ông cũng sẽ hành động giống như ông đã hành động ngày 30-4-1975. Phải! Nếu lịch sử được lặp lại thì chắc chắn các vị Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyễn Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Phạm Đức Lợi, Nguyễn Văn Long... cũng sẽ hành động giống như họ đã làm trong tháng 4 năm 1975.

“... Phải cứu dân khỏi chết vô ích”, cứ cho rằng: ông DV Minh đã nói thật lòng đi nữa, cách xử sự của ông sau đó hẳn không thể giống như Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản đã làm một trăm lẻ tám năm trước đó.
Ông DV Minh, qua cách nói của ông, muốn nói rằng: việc làm của ông ngày 30-4-1975 là đúng, ông chẳng những vô tội mà có công nữa. Điều ấy có thể đúng ở một mặt nào đó. Đối với Cộng sản Hà Nội, ông DV Minh có công chứ không có tội. Đã chẳng phải chính cố Thủ tướng VC Võ Văn Kiệt đã “khen ngợi” lực lượng chính trị đối lập Mỹ-Thiệu do DV Minh lãnh đạo đã bàn giao cho ông ta “một Sàigòn nguyên vẹn”?!
Nói như ông vậy thì bao nhiêu xương máu của Quân Dân miền Nam đổ ra để kéo dài cuộc chiến, có nghĩa là kéo dài cuộc sống tự do của miền Nam đều là vô ích cả hay sao? Và những người đổ xương máu ấy ra đều có tội cả hay sao?

Thôi hãy để lịch sử phán xét hành động của ông ấy. Chúng ta chỉ nói tới những gì ông nói, ông làm sau ngày 30-4-1975 đen tối đó. Ông DV Minh mặc áo ngắn tay, bỏ ngoài quần hèn nhát khúm núm trao quyền cho một tên Trung tá Chính ủy của VC. Sau đó, ông Đại Tướng, Tổng thống DV Minh ung dung sống, ung dung đi bầu cử Quốc hội CS, ung dung tuyên bố: “Tôi năm nay 60 tuổi, rất vui mừng được làm người dân một nước độc lập”, ung dung lên phi cơ sang Pháp mang theo hai huy chương thành phố HCM do (cố) Thủ tướng VC Võ Văn Kiệt trao tặng, ung dung tuyên bố là nếu lịch sử tái diễn lần nữa, ông sẽ đầu hàng lần nữa. Và 10 năm trước khi chết già tại Mỹ, ông ung dung tuyên bố rằng: ông sẽ về Việt Nam sống với CS, không cần biết tới một việc mà ai cũng thấy: ông chắc chắn sẽ là một công cụ tuyên truyền đắc lực cho Hà Nội, không cần biết rằng: chẳng đợi lịch sử tái diễn gì cả, ông đang chuẩn bị đầu hàng một lần nữa!

 “... Bổn chức đáng tội chết...”
Tháng 6 năm 1867, Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản đã hạ bút viết câu ấy tại thành Vĩnh Long, sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây về tay bọn Phú Lang Sa và sau đó ông uống thuốc độc tự vẫn. 112 năm sau, ngày 30 tháng tư năm 1975, một con người tên DV Minh đã được sinh ra tại đất Vĩnh Long ấy. Năm ông này 60 tuổi ông làm một chức vụ lớn nhất, lớn hơn chức Kinh Lược sứ của Phan Thanh Giản nhiều. Đó là chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà. Ông Tổng thống đã ra lệnh đầu hàng trước kẻ thù và sau đó ông nói với những kẻ ông đầu hàng: “Tôi năm nay 60 tuổi, rất vui mừng được làm một người dân nước độc lập”.

Hai con người, hai câu nói, hai thái độ xử sự và dĩ nhiên là tên tuổi sẽ được ghi vào lịch sử ở hai trang khác nhau.
“... Bổn chức đáng tội chết...” -Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản.
“... Tôi sẽ về Việt Nam...” -Cố Tổng thống Dương Văn Minh.
Hai câu nói khó quên! Hai con người khó quên!
Ánh trăng Rằm tháng Giêng và con đom đóm trên cây bần ven sông ở vùng đất mới bồi!

*
Nói về chuyện ngày 30-4 có triệu người vui, có triệu người buồn - theo như (cố) Thủ tướng VC Võ Văn Kiệt phát biểu lúc còn sinh thời, theo tôi, vào thời điểm này là một chuyện không còn cần thiết, vì có ai đó đã nói: “Ở Việt Nam hiện nay chỉ có cái loa là vui!”.
“...Vào Nam tôi mới hiểu rằng: chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người... Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ”.
Xin mượn lời phát biểu của nhà văn VC Dương Thu Hương để chấm dứt bài viết này.

Nguyễn Thiếu Nhẫn





TRẦN VĂN BÁ:
Con rồng Lạc Long trên biển Đông dậy sóng

Nguyễn Thiếu Nhẫn

“Con rồng Lạc Long trên Biển Đông đã u sầu câm nín
vì xác người làm bạc sóng kêu than”
(thơ Dương Như Nguyện)

Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, một trong những tờ báo mà người Việt Quốc Gia miền Nam hết sức căm ghét là tờ l’Express của Pháp. Trong cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản miền Bắc, tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia.
Tờ báo này qua tay bỉnh bút thiên tả nặng ký Oliver Todd đã ra rả tung hô Hồ Chí Minh, đã bỏ công lặn lội vào các vùng do Cộng sản kiểm soát ở miền Nam và ca tụng, thần thánh hóa những cán binh Cộng Sản như những anh hùng của cuộc
chiến tranh giải phóng dân tộc.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tháng Tư năm 1975, sự thật đã làm Oliver Todd mở mắt.

Tháng 6-1978, tuần báo l’Epress đã đăng một bài mang tựa đề “Le Goulag Indochinois” (tạm dịch Đông Dương: Quần đảo Ngục Tù). Đây là một bài viết chứng  minh sự phản tỉnh hoàn toàn của Oliver Todd.
Trong bài viết, ký giả phản tỉnh Oliver Todd đã nhắc tới một lời phát biểu của văn hào Nga lưu vong Solzhenitsyn. Trong cơn hấp hối của miền Nam, đoán trước sự chiến thắng của Cộng sản và những gì họ sẽ làm trong tương lai ở Việt Nam, ngày 11 tháng Tư năm 1975, văn hào người Nga này đã gửi đến thế giới một thông điệp vắn tắt: “Toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành một trại tập trung.” Lời tiên đoán này đã trở thành sự thật.
Tiếp theo đó, Oliver Todd còn viết nhiều bài vạch trần những mặt trái của xã hội Cộng sản mà bấy lâu nay được che lấp bởi hào quang và huyền thoại. Một trong những tác phẩm của Todd là quyển “Cruel Avril 1975: La Chute de Saigon” (tạm
dịch Tháng Tư Đen 1975: Sự sụp đổ của Sàigòn) để tưởng niệm và tôn vinh một người Việt Nam mà ông đã có dịp gặp gỡ: Chủ tịch Tổng hội Sinh viên VN Paris Trần Văn Bá.

Có lẽ mọi người còn nhớ, Trần Văn Bá là con của cố Dân biểu Trần Văn Văn, du học tại Pháp từ trước 1975 và giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Đại sứ Việt
Nam Cộng Hòa tại Pháp lúc ấy là Nguyễn Duy Quang đang chuẩn bị bàn giao Đại sứ quán VNCH tại Paris cho đại diện Ngoại giao của Cộng sản và không thiêu hủy các hồ sơ mật. Chính Trần Văn Bá đã cùng các sinh viên trong Tổng hội Sinh viên
Việt Nam trèo lên tầng lầu chứa các hồ sơ và tiêu hủy các hồ sơ đó.
Ai đã từng theo dõi cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt tại Pháp trong giai đoạn 1975-1980 chắc hẳn không ai mà không biết Trần Văn Bá, một trong những người lãnh đạo chủ chốt.
Cùng với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh (đồng Chủ tịch Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam), Trần Văn Bá trở thành một trong những bộ óc lãnh đạo của tổ chức kháng chiến này.
Ngày 6 tháng 6 năm 1980, sau năm năm chuẩn bị và trăn trở suy nghĩ, chán ngán các trò tranh đấu chống Cộng bằng những cuộc thảo luận tại những phòng khách sang trọng ở các thành phố, thủ đô Pháp, Mỹ, Trần Văn Bá bay sang Thái Lan.
Dưới bí danh C.4 trong tổ chức, anh đã góp phần tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện cho các chiến sĩ kháng chiến, chuẩn bị xâm nhập quốc nội.
Kỷ niệm hai năm ngày rời Paris, từ vùng hoạt động, anh gửi ra ngoài một lá thư, có đoạn viết: “Tôi vẫn mạnh khoẻ. Thật là gay go và cực khổ. Nhưng tôi cảm thấy được sự liên đới mật thiết giữa tôi với quê hương nghèo khổ, bất hạnh và đói khát. Công cuộc giải phóng đất nước, chủ yếu sẽ là công trình của những người kháng chiến quốc nội, chứ không phải của các chính trị gia lưu vong”.
(do tác giả bài này in đậm).

Trong những ngày anh còn ở Thái Lan, ông Trần Văn Tòng, anh ruột của anh (sau này là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Trần Văn Bá, trụ sở ở Paris) đã đến thăm và đã được anh tâm sự: “Quả thật là em đang làm cái chuyện đội đá vá trời”.
Và rồi, từ giã C.1 (bí danh của ông Lê Quốc Túy) anh cùng C.2 (bí danh của ông Mai Văn Hạnh) và một số chiến hữu khác mang vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc xâm nhập quốc nội.
Sa cơ, anh và ông Mai Văn Hạnh cùng một số chiến hữu cùng xâm nhập và một số chiến hữu cơ sở quốc nội bị Cộng sản bắt.
Bạo quyền Hà Nội đã mở một phiên tòa hát bội, được quảng cáo rùm beng ngày 19-12-1984 tại Nhà hát Thành phố Sàigòn để xử anh cùng 21 chiến hữu khác trong tổ chức.
Phiên tòa này, thực chất chỉ là một cuộc trình diễn hình thức và đọc lên các phán quyết đã được định trước: 5 án tử hình dành cho các ông Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, giáo sư Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh và Lê Quốc Quân (em của ông Lê
Quốc Túy).

Trước phiên tòa, Trần Văn Bá đã giữ trọn vẹn khí phách của một chiến sĩ Quốc Gia can trường. Mặc dù theo luật, các tử tội có thể xin ân xá, nhưng anh đã thẳng thừng từ chối.
Trong số những người từ bên ngoài xâm nhập Việt Nam để hoạt động, có hai người lãnh án tử hình là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh. Ba người còn lại thuộc cơ sở quốc nội. Trong những người này, chỉ có ông Mai Văn Hạnh là thoát khỏi mũi súng của đội hành quyết. Là công dân Pháp, ông được chính phủ Pháp tích cực can thiệp và đã được thả về Pháp sau nhiều năm tù. Trần Văn Bá và các chiến hữu khác đã lần lượt đền nợ nước trong năm 1985.
Trong phiên tòa, một cán bộ cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đóng vai trò công tố viên, đã lồng lộn quy kết cho Trần Văn Bá và các chiến hữu của anh những tội danh nặng nề nhất. Đồng thời cũng lên án các “thế lực phản động quốc
tế, bọn bành trướng Bắc Kinh, quân phiệt Thái Lan” đã tiếp tay hỗ trợ cho Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam. Đặc biệt Hà Nội đã tố cáo đích danh Tình báo Lục quân Thái Lan do Tướng Yongchaiut, Tham mưu
trưởng Lục quân Thái lan vào lúc đó chỉ huy đã tận tình giúp đỡ tổ chức này.
Youngchaiut sau này trở thành Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Thái Lan và đã qua thăm Việt Nam.

Anh Trần Văn Bá đã chết. Ba mươi chín năm đã trôi qua. Oliver Todd đã đặt câu hỏi:
“Cũng như những người kháng chiến vô danh khác, Trần Văn Bá là người của lý tưởng hay thực tế, can đảm hay mạo hiểm? Anh là một anh hùng gương mẫu hay là một kẻ tuẫn đạo vô ích? Cuộc đấu tranh mà anh Bá theo đuổi là một cái gì đó mơ hồ, tuyệt vọng hay một thách đố xứng đáng để chúng ta kính phục, thông cảm và ủng hộ?”
Đối với người Việt Nam chúng ta, có lẽ không cần thiết phải đặt ra một câu hỏi như vậy. Rõ ràng anh Trần Văn Bá là một người tranh đấu vừa lý tưởng vừa thực tế, can trường và dám mạo hiểm. Anh là một anh hùng gương mẫu và là một kẻ
tuẫn đạo, và con đường anh đã theo đuổi, cuộc đấu tranh của anh là một thách đố hết sức xứng đáng để chúng ta kính phục và hết lòng biết ơn.
Trong nhiều năm qua, sau cái chết của Trần Văn Bá đã có nhiều người viết văn làm thơ về anh. Theo tôi bài thơ “Tôi Chưa Biết Mà Đã Gọi Tên Anh” của nhà văn Dương Như Nguyện, tác giả “Daughters of the River Hương” là một bài thơ cảm động nhất vì đã được viết bằng xúc động của con tim trước việc làm cao cả vì nước, vì dân của người anh hùng thời đại Trần Văn Bá.

Tôi chưa biết anh mà đã gọi tên anh...
Trần Văn Bá
Tôi chưa hề biết anh
Mà đã hình dung ra đứa bé trai chạy chơi ở Cù Lao Cát,
Đứa bé thích hội họa, thích máy bay, ở tuổi thơ ngây chắc đã mơ làm nên vũ trụ,
như họa sĩ, như nhà phát minh cơ khí.
Ngày mẹ đặt vào nôi, đặt luôn tên anh là chính đạo.
Mộng bá vương là mộng giúp đời, như tùng bách trong rừng sâu,
Cô độc mà nghênh ngang,
cao vời mà nhân đạo,
cương quyết trong ân cần.
Anh đó,
Nuôi dưỡng bằng đất bồi Cửu Long,
Tim đỏ thắm như bã trầu của mẹ quê, sinh con trai lớn lên làm cách mạng, ôi cách
mạng Thế Giới Thứ Ba nổi trôi hơn thân phận con người.
Thóc thơm,
Gạo trắng,
Gió hiền
Miền Nam phì nhiêu nắng ấm
Mang vào đời anh chân thiện mỹ giữa hai làn tư tưởng Đông Tây,
tư tưởng mở tung xích xiềng nhược tiểu, cởi trói lý thuyết vô bằng.
Anh không chỉ nói, mà làm.
Anh chỉ làm mà, mà không cần nói.
Đứa bé trai lớn lên ở vựa lúa Phương Đông, rồi đứng ở Phương Tây,
Đọc sách mà trông về Phương Đông, ửng một khối trùng trùng khí phách.
Khí như khí hiên ngang của loài cây không biết ngã,
Phách như phách linh thiêng của rừng già không dấu chân người qua.
Tôi chưa hề biết anh
mà đã hình dung ra một thiếu niên có đường môi cong, mặc áo len trong trời thu
Đà Lạt.
Tôi hình dung ra
phố thị cao nguyên khi tấp nập, khi đìu hiu mà anh đã một lần đi qua, với đôi chân
đùa nghịch của tuổi trẻ.
Trời Đà Lạt thấp sương mù, mang cái lạnh của Hoàng Triều Cương Thổ, anh đã
mang mùa thu Đà Lạt vào đôi mắt hiền lương,
Đôi mắt của niềm tin chính đạo, của loài cây cao vương bá trong rừng già.
Khi sách vở bạn bè Yersin chưa nhận ra chân dung người đi tìm công lý trong cuộc
đời,
thì trường lớp cao nguyên vẫn là hàng rào không hoa trái, cản chân anh trong
khuôn khổ bình an.
Nhưng rồi,
Bình an không còn nữa,
Khuôn khổ phải xóa đi,
Một lần
trong hoa lệ Sài Thành, trên vũng máu của chính trị vô nhân,
giây phút cha anh nằm xuống
là ngày vương đạo lên ngôi.
Vương đạo trong lòng bàn tay anh,
Chỉ tay ngoằn ngoèo của những người luôn mơ tạo dựng lại vũ trụ,
Chỉ tay phức tạp mà an bài như định mệnh, cho cuộc đời đã trót đi theo đường đã
vạch rồi.
Đường đã vạch rồi...
Tôi chưa hề biết anh
mà đã hình dung ra người thanh niên mặc áo sô trắng, chít khăn tang,
khóc cha trong lòng dân tộc.
Ôi trong lòng dân tộc...
Anh có hay chăng...một ngày
Cũng trong lòng dân tộc, anh bắt đầu cuộc hành trình,
Để rồi,
bên ngoài dân tộc,
Có tiếng khóc anh
Ở hành lang đại học.
Ôi hành lang đại học,
Là nơi giấc mộng của loài cây cao trong rừng già bắt đầu ươm trái
cho anh và cho tôi.
Khi Phương Tây rộng mở, đón anh vào,
vành môi cong thiếu niên đã đượm nét ưu tư,
Tim óc anh đã nhâp vào vòng lịch sử.
Lịch sử oái oăm khi lá cờ đổ xuống, anh đã hăm hở dựng lên.
Lịch sử thử thách vương đạo trong lòng bàn tay anh,
Lịch sử réo gọi trái tim nuôi dưỡng bằng gạo trắng Cửu Long,
chảy vào Đông Hải.
Anh đã làm theo đường đã vạch rồi, trong khi bao người còn đứng nói.
Bao người nói cũng không thành một bước anh đi, một việc anh làm, theo đường
đã vạch rồi.
Ôi đường đã vạch rồi....
Như Cửu Long đổ vào Đông Hải,
Đinh mệnh biến anh thành dòng huyết nhục cội nguồn tan biến vào ngàn khơi.
Tôi chưa hề biết anh
Mà hình dung ra những con đường mang dấu chân anh.
Từ bầu trời rực nắng của tháng sáu Paris mùa oi ả, khi âm nhạc đổ dồn vào phố
xá tưng bừng.
Ai đó còn nghe tiếng kèn đồng của người nhạc sĩ vỉa hè....
Qua đến tháng mười hai, mưa tuyết Paris phủ trắng dòng sông Seine.
Đâu đây vang vọng tiếng Hồ Cầm trong giai điệu cuối cùng
Còn văng vẳng tấu khúc không trọn vẹn của Schubert trước khi đêm xuống
làm đứt ngang giấc mộng.
Những nơi chốn anh đã nằm, ngồi, cười, nói, đã suy tư, đã uất nghẹn, từ Đà Lạt
đến Paris.
Từ Paris quay lại những nẻo đường đất nước.
Anh đã trở về.
Ôi lục tỉnh lầm than, nơi bùn lầy nước đọng, con rồng Lạc Long của Biển Đông đã
u sầu câm nín
vì xác người làm bạc sóng kêu than.
Này đây biên giới,
Này đây rừng nước với cù lao
Này đây những con người vất vưởng trong trại tù, trong nghèo đói.,
trong chính sách tiêu diệt hết một thế hệ phải buông súng, chịu cúi đầu.
Anh đã thấy, đã nhìn, và đã biết,
Đã chua xót, đã đau lòng,
Đã bất nhẫn, đã buồn hiu.
Ngày một ngày hai,
Anh đội đá vá trời,
Dầm mưa, dãi nắng,
Giã từ nhung lụa,
Chối bỏ vinh thân.
Tất cả
Đưa bàn chân anh tới,
Lót đường cho anh đi,
Đẩy anh về Cha,
Cho anh xa rời Mẹ.
Ôi đường vào dân tôc là túi mật của kẻ tử tù. Ôi Cửu Long, Cù Lao Cát, Đà lạt,
Sài Gòn, Paris, và Biên Giới.
Tuồng diễn trâng tráo nhà hát lớn, vách tường vô nhân cay nghiệt nhà lao, và
tiếng súng nổ sau cùng....
Tôi chưa hề biết anh,
Nhưng đã nghe nhân loại kể chuyện những con người không chịu chết,
chỉ biết khuất phục trước hai sức mạnh: Tình Yêu và Tổ Quốc.
Trong anh,
Tình yêu chưa một lần đến,
Mà Tổ Quốc đã một lần đưa.
Tôi chưa hề biết anh
Nhưng đã khóc ngày anh nằm xuống.
Anh nằm xuống như cha già đã nằm xuống,
Anh nằm xuống cho mẹ già đứng bên cạnh biểu ngữ trước nhân loại, khi nước mắt
xót thân con phải chảy ngược vào lòng.
Trên con đường Thiên Lý và Thiên Cổ
Bên vong linh những Thiên Tài không chịu chết....
Anh đã đi vào Thiên Thu.
Tôi chưa hề biết anh
Đứng chơ vơ bên này bờ đại dương,
tôi sẽ gọi tên anh cho tất cả những thiếu nữ có ánh mắt làn môi Gina Lollobrigida
ngoài lòng đất nước,
con tim vẫn óng ánh đường gươm của rừng già Mê Linh,
nơi mà tùng bách ngàn đời còn đứng vững,
đôi chân son còn mang guốc mộc của nàng Thanh Hóa,
muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, trên con đường anh đã đi qua,
Trong âm thầm,
Tôi sẽ gọi tên anh cho tất cả những nam nhân ở ngưỡng cửa học đường, mặc áo
len, mang giấc mộng kinh bang tế thế,
Trên viền môi cong nghịch ngợm, nói tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng vẫn đánh vần
chữ Việt,
Đôi mắt hiền lương đọc Camus, Steinbeck, nhưng trên diện mạo vẫn còn phảng
phất vầng trán vuông và chiếc cằm vuông Nguyễn Thái Học....
Ngày xưa, đã có người viết sử cho 13 người trai trẻ lên đoạn đầu đài....
Nay mai, ai sẽ là người viết sử do anh làm ra,
Nhánh thông non,
Cây cao rừng già,
TRẦN VĂN BÁ
TRẦN VĂN BÁ
Vì thế
Tôi chưa hề biết anh,
Nhưng sẽ gọi tên anh,
Những sáng tuyết trắng trời Tây,
Những trưa nắng khét sa mạc bên này biển,
Khi người nhạc sĩ blue jazz đã buông kèn đồng trong hầm rươu tối
Khi tiếng réo rắt cuối, cùng Hồ Cầm đã ngừng giai điệu.
Tôi sẽ gọi tên anh,
Trong trầm tư mộng mị,
Trong thương nhớ u hoài,
Trong ánh nến lung linh tôi thắp trong lòng, ngọn nến không bao giờ tắt, cho riêng
anh.
Tôi chưa hề biết anh
Nhưng đã gọi tên anh
TRẦN VĂN BÁ

*
Ai đó đã nói: "Chết vì nước là sống mãi với thiên thu!”
Anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ lên đoạn đầu đài ở Yên Báy vào thập niên 1930 đã sống mãi với thiên thu.
Ngũ Hổ Tướng:
-Chuẩn Tướng Trần Văn Hai;
-Thiếu Tướng Lê Văn Hưng;
-Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam;
-Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam;
-Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ
những vị Tướng đã chết theo thành trong Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư năm 1975 sẽ sống mãi với thiên thu.
Trần Văn Bá – “con Rồng Lạc Long của Biển Đông dậy sóng” cũng sẽ sống mãi với thiên thu.
Cũng như bài thơ “Tôi Chưa Biết Mà Đã Gọi Tên Anh” của nữ sĩ Dương Như Nguyện cũng sẽ là bài sử thi sống mãi trong giòng lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bất khuất!

Nguyễn Thiếu Nhẫn





Có thể nào hòa giải hòa hợp

dưới sự tự do mang nhãn hiệu cộng sản?

Nguyễn Thiếu Nhẫn

Dẫn nhập: Cách đây chín năm, tôi đã viết bài viết này để báo động với “toàn thể người Việt tỵ nạn cộng sản chân chính” về“chiêu trò hòa hợp hòa giải” của VC qua Nghị quyết 36 nhằm mục đích từng bước thôn tính cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.
Nay:
- Với hiện tượng “thầng mõ làng Văn” công khai xóa bỏ “lằn ranh Quốc Cộng qua việc bênh vực người trong Ban Chấp Hành của làng Văn có quyền về VN vì có quyền “tự do đi lại”.
- Với hiện tượng HDH, HVS cũng như ca sĩ Khánh Ly cùng “một số kẻ đón gió trở cờ” hữu danh, vô danh khác công khai về VN để quỳ mọp, bái lạy những tay lãnh đạo CSVN xin được giao lưu, hợp lưu bằng những “ký ức tuyệt vời” để mong được hưởng ít cơm thừa, canh cặn do chúng ban phát không phải là chuyện lạ.
Bài viết sau đây xin được gửi đến “những người cầm bút cũng như những người tỵ nạn cộng sản có lòng” với quê hương, đất nước với ước muốn cháy lòng quê hương Việt Nam sớm thoát khỏi ách cai trị bạo tàn của CSVN.

Theo bài báo trên tờ Tuần Việt Nam có tựa đề “Một số nhân sĩ gửi kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước” cho biết:
“Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do, dân chủ, quyền bảo vệ môi trường.
Ngày 13-7-2011, 20 nhân sĩ trí thức đã gửi Bản kiến nghị đến Quốc Hội và Bộ Chính Trị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay”.
Bài viết này xin không đề cập đến chuyện Quốc Hội và Bộ Chính Trị của nhà cầm quyền CSVN có “đoái hoài” gì tới Bản kiến nghị “xin - cho” của 20 vị nhân sĩ, trí thức ở trong nước hay không. – Như việc các vị yêu cầu Bộ Ngoại Giao lên tiếng mà nhà cầm quyền đã không được 36
Bài viết này xin được đề cập đến “điểm thứ 4 trong kiến nghị” như sau:
“4. Kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội hãy cùng nhau THỰC HIỆN HOÀ HỢP, HÒA GIẢI (do tác giả bài này viết hoa và in đậm), đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và sự khoan dung. Tất cả hãy cùng nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích chung lên trên hết, để từ nay tất cả mọi người đều một lòng một dạ cùng nắm tay nhau đứng chung trên một trận tuyến vì sự nghiệp xây dưng vào bảo vệ tổ quốc, cùng nhau dốc lòng đem hết trí tuệ, nghị lực sáng tạo và nhiệt tình yêu nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta”.
Lời kêu gọi của quý vị tha thiết lắm, văn hoa bóng bẩy lắm, yêu nước thương nòi lắm, nhưng xin hỏi Đảng và Nhà Nước CSVN “của quý vị” có thực lòng muốn hòa giải, hòa hợp với toàn dân, nhất là với những người Việt Quốc Gia tỵ nạn tại hải ngoại? Hay đây chỉ là chiêu bài nằm trong âm mưu “tát cạn, bắt lấy” hơn 3 triệu người Việt tỵ nạn tại hải ngoại mà Đảng và Nhà Nước CSVN đã đề ra?
Xin mời “quý vị nhân sĩ” tác giả Bản kiến nghị cùng tôi “đi lại từ đầu” về chuyện hoà giải, hoà hợp.
*
Cứ mỗi lần trong nước có “sự cố” xảy ra có thể làm lung lay chế đô là cứ y như rằng từ bên xứ Phú-lang-sa tiếng kèn “hoà giải, hòa hợp” từ “ông phản đảng cò mồi” của chế độ miền Bắc và ông kỹ sư bắt “tổ quốc phải ăn năn” của chế độ miền Nam lại cất lên. Và từ “melting pot” Hoa Kỳ, ông lý thuyết gia của tổ chức “miệng hô hòa giải mà miệng nói phục hưng nước nhà” lại trỗi lên “tiếng sáo Trương Lương” để hòa tấu cứ y như là khúc “tiếu ngạo giang hồ” giữa Khúc Dương Trưởng Lão của Ma giáo và Lưu Chính Phong của Chính giáo trong truyện kiếm hiệp “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Kim Dung!
Năm ngoái, tháng 7 năm 2011, trong lúc đất nước có nguy cơ bị TC thôn tính với sự đồng lõa của VC, 20 vị nhân sĩ ở trong nước lại trỗi lên bài đồng ca “hòa hợp, hòa giải để bảo vệ và phát triển đất nước!”

Nhưng mà “HÒA GIẢI, HOÀ HỢP” là cái gì vậy?
Tại sao bọn “Việt kiều phản động”, bọn đã từng bị Đảng và Nhà Nước ta gọi là “bọn đĩ điếm, trộm cướp, bọn ôm chân thực dân, đế quốc” dạo nào, bây giờ lại được Đảng và Nhà Nước trìu mến gọi là “khúc ruột ngàn dặm” đa số lại không chiụ “hoà hợp hòa giải”?
Chuyện gì kỳ cục vậy?
Nhớ cách đây gần 20 năm, “nhà chống Đảng lừng danh” Hoàng Minh Chính được bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi bảo lãnh ra hải ngoại chữa bệnh tiền liệt tuyến, ông hô hào “Tiểu hội nghị Diên Hồng” gồm 3 bên, 4 phía với sự phụ hoạ của các đảng phái ở Bắc California rất là rôm rả nhưng, rốt cuộc cũng chả ra làm sao cả khi ông này “bị” ông Kiêm Ái của tuần báo
Tiếng Dân phỏng vấn và “trong phút sự thật” đã phải xác nhận “BÁC HỒ CÓ TỘI” vì đã ra lệnh cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng.

Nhưng mà HOÀ GIẢI, HOÀ HỢP là cái gì vậy?
- Hòa giải có nghĩa là giải hòa, dàn xếp cho êm.
- “Hòa hợp” còn gọi là “hòa hiệp” là thỏa thuận sống chung như: Vợ chồng hòa hợp, hai nước hòa hợp.
Chỉ là mấy chữ giản dị nhưng khi dùng NHƯ MỘT CHIÊU BÀI lại sinh ra lắm chuyện. Chuyện hoà giải, hoà hợp không phải tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam mới có. Cũng không phải tới bây giờ, tháng 4 năm 2012 mới có, mà chiêu bài này đã có ngay trước khi:
“Tin đâu như sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần!”
(thơ Bút Tre)

- HÒA GIẢI, HOÀ HỢP TỪ THỜI “CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT”:
Chiêu bài kêu gọi hòa giải, hoà hợp giữa những “đảng viên cũ” và “những đảng viên mới” đã có sau chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất được Sửa Sai.
Theo sách “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, học giả Hoàng Văn Chí đã viết về chuyện Hòa Giải Hoà Hợp trong dịp Sửa Sai trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất như sau:
“... Trong khi cố gắng vỗ về những “đảng viên cũ” bằng cách đền bồi cho họ một vài thiệt hại tinh thần hoặc vật chất mà họ đã phải chịu đựng một cách oan uổng, Đảng vẫn cố tình che chở các “đảng viên mới”, vì chính những đảng viên này mới thực sự thuộc thành phần vô sản. Đảng thấy cần thiết phải có một số “vô sản chính cống” để trang trí cho cái mà Đảng mệnh danh là “vô sản chuyên chính”. Lý do thứ hai mà Đảng muốn có một số “thiên lôi chỉ
đâu đánh đấy” để bảo vệ Đảng phòng khi có những phong trào chống Đảng do những phần tử khác gây nên.
Trong ba năm làm mưa làm gió trong xã thôn, các “đảng viên mới” được mặc sức hà lạm nên dân chúng rất oán ghét. Vì họ thiếu học nên họ chỉ hành động theo những kích thích tự nhiên. Do đó, Đảng cho rằng họ là những thành phần dễ chìu và đáng tin hơn những phần tử phi vô sản đã gia nhập Đảng vì lý tưởng. Những “đảng viên cũ” đã giúp Đảng rất nhiều nhưng vì họ là những con người “lý tưởng” nên rất có thể mắc phải những “khuynh hướng sai lầm”. Còn bần cố nông thì trái lại không cần lý thuyết mà chỉ biết lợi cho bản thân. Ngày nào mà họ còn quyền lợi thì họ vẫn trung thành với Đảng. Do đó, Đảng thấy cần thiết phải bắt hai nhóm đố kỵ lẫn nhau phải hoà giải, hoà hợp chung sống hòa bình và hợp tác với nhau.”
Nhưng, theo bài phóng sự “Sau Những Ngày Sóng Gió” đăng trong báo Thời Mới xuất bản ở Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 19 tháng 4 năm 1957 thì: “Sau 7 năm, dù Đảng đã nhận sai lầm, dù báo Đảng cố viết để khêu gợi tình đồng chí “lần đầu tiên... họ cùng nhịp giơ cánh tay trái lên chào lá cờ Đảng” nhưng, Đảng không biết rằng họ “giơ tay cùng một nhịp” chứ lòng của họ đã lạc nhịp từ lâu!”

- HOÀ GIẢI, HOÀ HỢP TỪ 30 THÁNG 4 NĂM 1975 ĐẾN NAY:
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thay vì kêu gọi HOÀ GIẢI, HOÀ HỢP thì Đảng phát động chiến dịch tập trung cải tạo đem giam hàng trăm ngàn quân, công, cán, chính của . miền Nam vào các trại tù tập thể mà họ đã sơn phết bằng mấy chữ hoa mỹ “trại cải tạo”; kế đó là đuổi dân đi “Vùng Kinh Tế Mới” và phát động chiến dịch đánh tư sản mại bản (đúng ra phải gọi là hành động “cướp ngày” của Đảng CSVN đối với dân miền Nam) v.v... Khi mọi việc xong xuôi thì Đảng mới lên tiếng kêu gọi... hòa giải, hoà hợp đưa ra chiêu bài ĐỔI
MỚI, XOÁ BỎ HẬN THÙ để xây dựng đất nước!
- Năm 1993, ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ Tướng VC đến Paris kêu gọi người Việt hải ngoại “hãy thôi đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ để tranh đấu thì tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn [sic!]”.
Và, gần đây nhất, Thứ Trưởng Ngoại Giao VC Nguyễn Thanh Sơn “nhờ” Dân biểu Liên Bang Cao Quang Ánh “nói giúp” để ông ta có cơ hội “nói chuyện phải quấy?” với người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại.
Trong quá khứ, đã có những ông trí thức “bạc đầu, đen óc” ra rả kêu gọi hòa giải, hoà hợp.
- Năm 1991, một ông giáo sư và là một nhà văn đã từng đoạt giải thương Văn Chương Toàn
Quốc của chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà là Nhật Tiến đã in sách “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” đem về nước xun xoe bợ đỡ VC; nhưng báo chí VC đã viết như sau: “Thật là lố bịch, những kẻ đã từng làm bồi bút phục vu chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam trước đây, khi nhân dân phá bỏ chế độ thực dân năm 75, thì chạy trốn ra nước ngoài sống lưu vong, tiếp tục phản bội lại lợi ích dân tộc. Họ đã tự nguyện nhận tiền, nhận vàng, đô-la của các thế lực quốc tế, tự nguyện làm công cụ thực hiện mọi mưu đồ chính trị đen tối của chúng, nay lại tự nhận mình là bạn đồng hành đi tìm tự do, dân chủ với những người cầm bút trong nước, những người từng vào sinh ra tử với sự sống còn của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”
Thật đau đớn! Thật bất ngờ cho những kẻ xin xỏ để hoà giải, hoà hợp để xây dựng đất nước với VC mà lại bị chúng chê là hôi mùi thực dân, đế quốc. Vậy mà vẫn cứ lao đầu vào mà xin xỏ hoà giải, hòa hợp!
- Năm 1993, trong Đại hội Việt kiều lần thứ nhất, có ông giáo sư “bạc đầu, đen óc” Phó Bá Long làm thơ con cóc:
“Mười tám năm rồi các bạn ơi
Lòng tôi chua xót dạ bồi hồi!”
Làm thơ con cóc xong ông ta lại xin (cố) Thủ Tướng VC Võ Văn Kiệt “ban” cho nhân dân miền Nam một cái “luật đại xá”. May mà ông Thủ Kiệt chưa ban “lệnh đại xá” thì ông giáo sư này đã biết thân ba chân, bốn cẳng chuồn về Mỹ và chết già ở tại đây.
- Năm 2004, lại một ông giáo sư “bạc đầu, đen óc” khác là Lê Xuân Khoa viết sách kêu gọi hòa giải hoà hợp, xóa bỏ hận thù để xây dựng lại đất nước.
- Gần đây, giọng kèn, tiếng sáo “hoà giải, hòa hợp” lại trổi lên.

Xét cho cùng, đây chỉ là CHIÊU BÀI để nhà cầm quyền VC lần lần xâm nhập vào cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại và họ sẽ tung tiền cho bọn tay sai, nằm vùng tìm mọi cách lũng đoạn cộng đồng, dùng chính sách “củi đậu nấu đậu” cũng như thủ đoạn “minh cưu” để phá nát các cơ chế cộng đồng, cho tay sai và bọn nằm vùng mua chuộc các vị dân cử người Mỹ gốc Việt thực hiện những mưu đồ chính trị của họ.
Tình trạng phân hóa cộng đồng tại Nam Bắc California, tại Houston là những thí dụ điển hình.
Phần nào, VC đã bước đầu thành công vì sự tiếp tay của một thiểu số trí thức hoạt đầu, hèn hạ bất cố liêm sỉ. Và nhất là bằng tiền bạc, bằng rỉ tai tuyên truyền xảo trá làm dư luận trong cộng đồng hoang mang. Và nhất là bọn âm binh, tên ma tuổi quỷ kết bè, kết phái gây rối loạn ảo trên các diễn đàn và các báo điện tử. Và nhất là hiện nay, những tên tay sai, nằm vùng đã lộ mặt ngang nhiên thách thức cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản với những cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh, đài truyền hình công khai trình chiếu những chương trình của đài tuyền hình VTV4 của VC ở trong nước.
Công khai thách thức cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản bằng cách tổ chức chương trình ca nhạc “Tình ca mùa Xuân” ngay ngày Thứ Hai 30 tháng 4 năm nay tại Đức để ăn mừng ngày 30 tháng Tư - ngày Đại thắng Mùa Xuân của VC!
*
HOÀ GIẢI HOÀ HỢP chỉ là một chiêu bài lừa bịp của VC.
Với chiêu bài “hòa giải hòa hợp” sau chiến dịch Sửa Sai Cải Cách Ruộng Đất cách đây hơn 50 năm, VC đã dùng trò “vắt chanh, bỏ vỏ” để những “đảng viên mới” và “đảng viên cũ” “ giết nhau, ghìm nhau” để Đảng thủ lợi!
Giữa những đảng viên của họ với nhau mà Đảng còn lừa bịp như thế thì thử hỏi đối với những kẻ mà báo chí của họ gọi là BỌN HÔI MÙI THỰC DÂN, ĐẾ QUỐC – như họ đã gọi ông nhà văn “bạc đầu, đen óc” thì Đảng và Nhà Nước sẽ đối xử như thế nào?
Tất cả những gì đến từ VC đều là những trò trí trá, gian xảo. Hơn lúc nào hết, người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại cần phải tỉnh táo trước những âm mưu, thủ đoạn HÒA GIẢI, HÒA HỢP của VC mà bọn “bồi thần” (chữ dùng của sử gia Tư Mã Thiên để chỉ đầy tớ của bôn đầy tớ, tay sai của lũ tay sai)) của chúng đang ra rả kêu gọi từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác.
Nay, chuyện 20 vị nhân sĩ, trí thức trong nước lại kêu gọi theo kiểu “xin-cho” và kế đó là “bức thư ngỏ” cực kỳ hèn hạ của 35 ông, bà tự xưng là “trí thức” ở hải ngoại thì cũng chỉ là chuyện hát lại bài hát cũ mà thôi!
*
Trong quyển tiểu thuyết lừng danh “1984”, văn hào George Orwell kể rằng: Winston và người tình của anh là Julia - cả hai đều là đảng viên CS - bị đảng bắt giam vì bị nghi ngờ là đã mưu toan hãm hại đại ca (Big Brother) của đảng.
Winston bị giam trong một căn hầm tối, không biết ngày đêm, bị bỏ đói bỏ khát, và nhất là không được quyền ngủ. Hơi chợp mắt, là có một luồng ánh sáng điện chói chang chụp vào mắt. Winston bị đá lên đạp xuống như trái banh, đầu ngón chân ngón tay bị kìm kẹp và đôi khi bị dí điện ngất lên ngất xuống. Thân xác anh ta đau một, tinh thần anh ta đau mười. Tụi nó tra tấn anh, và lừa gạt anh ta rằng Julia đã nhận hết các tội. Thân xác bị đánh đập, tâm thần bị dầy xéo vì sự bội bạc của người tình, anh ta chịu hết nổi. Anh ta nhắm mắt đầu hàng: tội gì cũng nhận, giấy tờ gì cũng ký. Lập tức anh ta hết bị tra tấn, được cho ăn uống và được trả tự do. Theo Orwell, đó là tự do mang nhãn hiệu cộng sản.
Theo cố luật sư Nguyễn Văn Chức thì đó cũng là cái tự do mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam ban phát cho những trí thức đi theo chúng nó và cho nhân dân VN hiện nay.
Như vậy, có thể nào hoà hợp, hoà giải dưới sự tự do mang nhãn hiệu cộng sản?
Và, có thể nào hoà hợp, hòa giải khi “hiện nay, mọi người dường như đã “thích nghi” với chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngậm miệng là điều kiện cần và đủ để thành công mọi mặt, từ công việc là ăn đến thăng quan tiến chức. Từ miếng giấy thông hành về nước, đến việc dạy học, việc mở và dự hội thảo ở VN.
Ngoại trừ những khuôn mặt can trường đã vào tù, tinh thần trí thức hướng dẫn xã hội và dân tộc đến bình đẳng tự do, dân chủ, đã bị dẹp tan, gần như diệt chủng, kể cả những “trí thức” đã đi du học, làm việc ở nước ngoài, đã được giải thưởng, cũng lộn về để nhận ân sủng, phẩm hàm, nhà cửa”? (Thụy Khê - Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tường)

Nguyễn Thiếu Nhẫn

https://hon-viet.co.uk/NguyenThieuNhan_CoTheNaoHoaGiaiHoaHopDuoiSuTuDoMangNhanHieuCongsan.htm






NGUYỄN NGỌC TRỤ:

Anh hùng tử khí hùng bất tử

Nguyễn Thiếu Nhẫn

Đó là một buổi chiều ảm đạm vào khoảng tháng Sáu năm 1977 ở trại giam Suối Máu thuộc thành phố Biên Hòa. Vậy mà đã mười năm.
Mười năm xuôi ngược bên trời
Xót thân tơ liễu, xót đời bể dâu.
Mười năm hoa lá ưu sầu
Vàng tan, ngọc nát nhìn nhau ngậm ngùi
Mười năm vật đổi, sao dời
Em sầu thiếu phụ ngậm ngùi lòng ta.
Mười năm cánh vạc bay qua
Mười năm biết mấy xót xa đoạn trường
Mười năm lệ xối xả tuôn
Có bao thiếu phụ thành hòn vọng phu?
Mười năm một mảnh trăng lu
Trăng soi đâu tỏ nỗi sầu nhân gian.
Mười năm mắt lệ ngỡ ngàng
Lòng đâu muốn khóc lệ tràn quanh mi.
Mười năm ai hát biệt ly
Để cho núi cắt, biển chia lối về.
(Thơ NTN)

Tôi biết dù mười năm hay nhiều hơn nữa, tôi cũng chẳng bao giờ quên được nụ cười của Nguyễn Ngọc Trụ – người tù dũng cảm ngay trong ngục tù cộng sản đã nói lên những sự thực và mỉm cười bước vào cõi hư vô.
Vào khoảng tuần lễ cuối tháng Ba năm 1977, Trung đoàn 775 tổ chức đợt học tập chính trị cho toàn thể trại viên Suối Máu. Giảng viên là tên Trung tá Chính ủy với khuôn mặt xương xương, cặp mắt láo liên, đôi môi xám xịt che kín hàm răng ám khói thuốc lào. Năm ngày đầu tuần với những lên lớp, xuống lớp, thảo luận, thu hoạch làm cho những tù binh mệt mỏi, đầu óc trống rỗng. Những luận điệu một chiều cũ rích: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Lao động là vinh quang. Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm” lúc bổng, lúc trầm mà chính người nói cũng không hiểu mình định nói cái gì. Nhưng mà có cần gì, bởi lẽ tên Trung tá Chính ủy cũng chỉ là một con ốc trong cái guồng máy Cộng sản sắt máu.

Ngày cuối tuần là ngày giải đáp thắc mắc về bài học vùng kinh tế mới.
Dưới cái nóng hầm hập phả ra từ mái tôn, các tù binh mệt mỏi ngồi im như những pho tượng, mặc tình tên chính ủy múa may hò hét, khoa tay khoa chân. Với điệu bộ lấc cấc, gương mặt đầy vẻ tự mãn, tên chính ủy nhìn xuống đám đông qua chiếc kính đeo trễ gọng trên sóng mũi, rồi cất giọng the thé:
- Thế này nhé: Trong thời gian gần hai mươi tháng qua các anh đã được Đảng và Nhà nước khoan hồng tạo điều kiện cho các anh học tập, lao động cải tạo, các anh cũng đã được gia đình thăm viếng, mỗi ngày các anh được xem “ti- di”, sách báo. Nói tóm lại các anh đã được tiếp xúc và đã biết được phần nào về Chủ nghĩa Xã hội tốt đẹp. Là ngụy quân, các anh đã lớn lên và sống trong chế độ Tư bản xấu xa thối nát của miền Nam. Nay qua các bài học, các anh đã được sáng mắt, sáng lòng. Nếu anh nào còn có điều gì thắc mắc nêu lên tôi sẽ giải đáp.
Toàn thể hội trường im phăng phắc. Tên chính ủy thụp xuống chiếc bục. Mọi người nghe rõ tiếng sòng sọc của chiếc nõ cầy. Khói thuốc bay lên mù mịt. Tên chính ủy đứng lên cho lệnh giải lao. Một sợi khói thuốc lào còn sót bay qua kẽ răng lúc y nói.
Qua giờ thứ hai, khi lớp học tập hợp xong, bỗng từ phía cuối hội trường có tiếng xầm xì. Tên chính ủy đứng trên bục giảng, gương mặt rạng rỡ như cô gái giang hồ đêm khuya ế khách bỗng chợp được một khách làng chơi say rượu thèm tình, y ngúc ngúc cái đầu với vẻ tự đắc:
- Anh nào có gì thắc mắc thì cứ tự do phát biểu. Thế mới dân chủ bàn bạc. Tôi cho phép các anh nêu thắc mắc về mọi vấn đề ngoài bài học.
Y đưa tay chỉ thẳng vào một người tù đang đưa tay che mũi:
- Anh gì đấy, có gì thắc mắc cứ đưa thẳng tay lên xin phát biểu, có gì mà phải rụt rè thế. Nào, thắc mắc gì thì cho biết?
Người tù vừa được nói tới lúng túng đứng dậy, gương mặt anh ta nhăn nhó rất là khó coi:
- Thưa cán bộ tôi không có gì thắc mắc. Nhưng...
Tên chính ủy khuyến khích:
- Cứ mạnh dạn phát biểu, chả ai bắt tội anh đâu.
Người tù đưa tay gãi gãi đầu, khịt khịt mũi, nói:
- Thưa cán bộ thiệt tình là tôi không có điều gì thắc mắc. Nhưng tôi có điều muốn trình bày nếu cán bộ cho phép.
Tên chính ủy cười hể hả:
- Cứ nói đi, có gì mà phải phép tắc.
Người tù lại gãi gãi đầu:
- Thưa cán bộ, tôi nghĩ là cán bộ hiểu lầm tôi đưa tay xin phát biểu ý kiến. Sự thực là tôi đưa tay che mũi vì không biết có anh nào chột bụng hay sao đã đánh rắm thối quá, chịu không nổi.
Cả hội trường cười một cái rần. Tên chính ủy tẽn tò nhưng y cũng không nín được cười. Y lầm bầm: “Thật chẳng ra làm sao cả”.
Đợi hội trường yên lặng, anh ta lại hát bài hát cũ:
- Thế nào? các anh chẳng có gì thắc mắc cả sao? Sĩ quan cả, có ăn học cả, chắc chắn các anh phải biết phân biệt tốt xấu giữa hai chế độ. Đảng ta là đảng chủ trương dân chủ bàn bạc. Các anh cứ nêu những ý kiến, thắc mắc. Giải đáp được tôi sẽ giải đáp. Không giải đáp được tôi sẽ trình lên trên. Cần thiết tôi sẽ gặp đồng chí Lê Duẫn xin ý kiến để giải đáp cho các anh. Với danh dự của một người cộng sản, tôi xin hứa sẽ không có sự trù ếm, trả thù.
Mặc y lải nhải, cả hội trường vẫn im phăng phắc. Tên chính ủy vừa định ngồi thụp xuống bục gỗ kéo điếu thuốc lào, bỗng từ cuối hội trường một người đứng dậy và một giọng nói cất lên:
- Tôi xin có ý kiến.
Mọi người đều quay lại nhìn người vừa lên tiếng. Tên chính ủy thở phào như người vừa trút xong gánh nặng:
- Thế chứ. Thế nào, mời anh lên đây phát biểu.

Người tù chậm rải tiến lên bục hội trường với vẻ mặt tự tin. Anh ta nhìn tên chính ủy, nhìn khắp hội trường, rồi quay sang nhìn tên chính ủy:
- Tôi xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Ngọc Trụ, Tiến sĩ Công pháp Quốc tế, cấp bậc: Trung úy, chức vụ: giảng viên trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, một vợ, hai con, thân sinh tôi là một Trung tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hiện đang bị tù cải tạo tại miền Bắc.
Anh ta ngừng nói. Cả hội trường im phăng phắc. Tên chính ủy nhìn anh ta gật gù:
- Anh có ý kiến gì cứ nêu lên. Với danh dự của một người cộng sản tôi xin hứa là sẽ không bắt tội anh đâu, dù là tôi không trả lời được những ý kiến, thắc mắc của anh.
Nói xong, y quay về đám đông:
- Thế mới dân chủ chứ, phải không nào?
Cả hội trường vẫn im phăng phắc trong cái im lặng đầy bất trắc.

Nguyễn Ngọc Trụ hắng giọng, lên tiếng. Giọng nói của anh rõ ràng, mạch lạc:
- Như cán bộ đã trình bày, cá nhân tôi đã sống và lớn lên trong sự cưu mang của chế độ Tư bản miền Nam. Tôi cũng đồng ý với cán bộ là xã hội miền Nam đầy dẫy những xấu xa, bất công, thối nát, những kẻ lãnh đạo bất tài tham quyền cố vị...
Nguyễn Ngọc Trụ ngừng nói. Cả hội trường vẫn im phăng phắc. Tên chính ủy gật gù
với ý nghĩ trong đầu: “Có thế chứ!”
Giọng nói của người tù trên bục lại vang lên:
- Cũng như cán bộ đã trình bày, qua gần hai mươi tháng, tôi đã tiếp xúc với Xã hội Chủ nghĩa miền Bắc. Tôi đã được gia đình thăm nuôi nên biết được phần nào đời sống thực tế bên ngoài. Tôi cũng đã được đọc sách báo, được xem vô tuyền truyền hình. Thậm chí, tôi còn được sống gần gũi với những con người của Chủ nghĩa Xã hội miền Bắc là các cán bộ...
Cả hội trường vẫn im phăng phắc. Những người ngồi kế bên như nghe rõ tiếng nín thở của người bên cạnh. Tên chính ủy bắt đầu đi qua, đi lại. Giọng nói rõ ràng, mạch lạc của người tù trên bục giảng vang lên như một mũi dao nhọn xoáy vào một vết thương đang sưng tấy:
- Qua tiếp xúc giữa hai chế độ, tôi thấy chế độ Xã hội chủ nghĩa miền Bắc cũng không tốt đẹp gì hơn chế độ Tư bản miền Nam...
Tên chính ủy há hốc mồm. Cả hội trường im phăng phắc, sững sờ.

Giọng nói người tù trên bục giảng lại vang lên:
- Tôi không tin tưởng là đất nước sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội với những cái gọi là cách mạng giáo dục đi dôi với cách mạng khoa học kỹ thuật.
Anh ta nhìn thẳng vào mặt tên chính ủy:
- Tôi xin tạm mượn một hình ảnh để thí dụ: Con ngựa và chiếc xe. Người đánh xe đã tước đoạt mất tự do của con ngựa. Ông ta đã đóng móng vào chân ngựa, đã bịt mắt ngựa, tra hàm thiếc vào miệng ngựa, buộc ngựa vào xe và dùng roi quất vào mông ngựa để ra lệnh kéo cái xe. Chúng tôi và những người dân bây giờ cũng giống như những con ngựa. Đó là ý kiến của tôi về hai chế độ. Xin hết.

Tên chính ủy xanh mặt. Y thọc mạnh hai bàn tay đang run lên vì tức giận vào hai túi quần màu cứt ngựa. Y nghiến răng lẩm bẩm một điều gì đó không phát ra thành tiếng.
Cả hội trường có tiếng xì xào, rì rầm.
Nguyễn Ngọc Trụ bình tĩnh trở về chỗ ngồi. Một người nào đó nói nhỏ với anh ta:
- Anh nói làm chi những điều như vậy.
Nguyễn Ngọc Trụ mỉm cười trả lời:
- Tôi phải nói những Sự Thật dù biết là sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Tên chính ủy ra lệnh giải tán lớp học mặc dù còn phải hai giờ nữa mới hết giờ. Y hấp tấp quảy cái sắc- cốt lên vai, đi như chạy ra khỏi hội trường với cái dáng đi hai hàng của y.
*
Ngay sáng hôm sau, Nguyễn Ngọc Trụ được hai tên vệ binh có võ trang vào gọi anh lên trình diện Bộ Chỉ huy Trung Đoàn. Và ngay buổi chiều hôm đó anh bị biệt giam vào conex.
Ba tháng sau. Vào một buổi chiều, một vài người tù đang thơ thẩn ở sân cát cạnh hàng rào kẽm gai bỗng kêu lên:
- Thằng Trụ ra kìa.
Tin tức lan nhanh. Mọi cắp mắt đều đổ xô về chiếc conex. Nguyễn Ngọc Trụ đôi mắt trũng sâu trên đôi má hóp, tóc phủ ót, phủ mang tai, râu ria tua tủa. Hai ống chân ốm tong teo chỉ còn da bọc xương, đứng không nổi phải vịn tay vào thành conex.
Tên chính ủy quảy cái sắc- cốt, bên hông lủng lẳng khẩu K.54, đứng hỏi Nguyễn Ngọc Trụ những điều gì đó rất lâu. Kế bên là hai tên vộ binh cầm súng trong tư thế nhả đạn.
Có lúc Trụ ngã xuống rồi lại cố gắng vịn thành conex đứng lên. Mọi người đều thấy sau mỗi lần tên chính ủy hỏi một điều gì đó Trụ lại lắc đầu. Những câu trả lời chỉ là những cái lắc đầu.
Tên chính ủy có vẻ hằn học, quay lại ra lệnh gì đó với hai tên vệ binh và bỏ đi với cái dáng đi hai hàng của y. Trụ nhích từng bước, từng bước rồi khuất hẳn vào conex. Một tên vệ binh đóng sầm cửa conex, khoá lại rồi cũng bỏ đi.
*
Sáng hôm sau kẻng báo động, còi tập hợp vang lên. Ban chỉ huy trại ra lệnh tập hợp tất cả tù nhân ở hội trường. Người chủ tọa không phải là tên Trung tá Chính ủy mà là tên Thiếu tá Chính trị viên Tiểu đoàn. Y nhe răng cười một cách rất vô duyên rồi đi thẳng vào vấn đề:
- Các anh biết đó, hôm nay trại mời các anh lên về chuyện của anh Nguyễn Ngọc Trụ. Thực hết biết anh này. Trung tá Chính ủy đã nhiều lần thuyết phục, yêu cầu anh ta nhận những điều phát biểu trong buổi học là sai. Vậy mà anh ta vẫn khăng khăng không nhận. Anh ta nhất định giữ vững ý kiến và không chịu ra trước mặt anh em nhận là mình sai lầm. Cái chết là anh ta đã nói những điều đó trước mặt anh em để tuyên truyền. Phải chi anh ta chỉ trình bày những ý kiến đó với chúng tôi thì cũng còn được đi.
Tất cả mọi tù nhân ở hội trường đều sững sờ trước sự gian trá, lật lọng của tên Thiếu tá Chính trị viên nhưng không một ai dám lên tiếng. Và mọi người đều đau nhói khi nghe tên chính trị viên tiểu đoàn tuyên bố:
- Vì anh Nguyễn Ngọc Trụ tiếp tục ngoan cố, chống đối lại Đảng và Nhà Nước nên Bộ Tư Lệnh Quân Khu quyết định xử tử hình anh ấy. Lệnh sẽ được thi hành chiều nay.
*
Đó là một buổi chiều tháng Sáu ảm đạm. Nguyễn Ngọc Trụ bị bịt mắt, miệng bị nhét chanh trái, hai tay trói ké ra sau, hai tên vệ binh kéo thốc anh ra pháp trường.
Anh ngã quỵ xuống khi được tháo băng bịt mắt, cởi dây trói và lấy quả chanh ra khỏi miệng. Viên sĩ quan Việt Cộng phụ trách việc hành quyết hỏi anh có điều gì yêu cầu không, anh chỉ nói:
- Tôi đã nói lên những Sự Thực và không còn có điều gì yêu cầu.
Anh quay lại mỉm cười với các tù nhân bên trong hàng rào kẽm gai:
- Vĩnh biệt anh em!
Và bình tĩnh chờ dợi.
Mười hai tên vệ binh nhắm mắt bắn xối xả những tràng đạn AK vào người Nguyễn Ngọc Trụ – người tù dũng cảm – người đã dám nói lên Sự Thực ngay trong ngục tù cộng sản và mỉm cười bước vào cõi hư vô.

Nguyễn Thiếu Nhẫn

 

Đăng ngày 27 tháng 04.2023