Đôi điều về Albert Camus (1913-1960) 

& tác phẩm Kẻ ngoại cuộc (l'Etranger)

Liễu Trương

Ngày 1 tháng 5 năm 1940, Albert Camus ghi trong cuốn Sổ tay I (Carnets I): « Đã viết xong Kẻ ngoại cuộc ». Lúc đó ông 26 tuổi, đã rời Algérie nơi ông chào đời và lớn lên, nơi ông đã bắt đầu cầm bút và hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, chính trị, kịch nghệ. Giờ đây, tháng 5 năm 1940, Camus sống ở Paris, trong một khách sạn và cộng tác với báo Paris Soir.
Cuốn tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc ra mắt độc giả năm 1942 và đã thành công rực rỡ. Giới phê bình biết ngay đây là một tác phẩm mới lạ, có tầm quan trọng lớn. Các tên tuổi hàng đầu như Jean-Paul Sartre, Maurice Blanchot đều có bài giới thiệu và phê bình. Cuốn sách làm đề tài cho vô số bài biên khảo và được nghiên cứu về các phương diện văn học, triết học, chính trị, chủ nghĩa thực dân, v.v… Trong khi các nhà phê bình như Pichon Rivière, Alain Costes, Jean Gassin khai thác tác phẩm về khía cạnh phân tâm học, thì các nhà phê bình khác cho rằng Kẻ ngoại cuộc báo hiệu trường phái Tiểu Thuyết Mới ở Pháp, lại có những nhà phê bình xem xét tác phẩm của Camus qua lăng kính của liên văn bản. Chừng đó phản ứng cũng đủ cho thấy Kẻ ngoại cuộc là một biến cố văn học trong những năm 1940. Đó là chưa kể tác phẩm đã được đưa vào nhà trường và đại học ở Pháp cũng như trên khắp thế giới.
Kẻ ngoại cuộc, một tác phẩm hiện đại

Tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc gồm hai phần, dài gần ngang nhau. Những sự kiện được trình bày trong Phần Một lúc đầu có vẻ không có ý nghĩa gì mấy, nhưng được lặp lại trong Phần Hai để vây chặt nhân vật Meursault và làm anh ta phải áy náy.
Kẻ ngoại cuộc được viết với đại từ ngôi thứ nhất: «tôi». Chính Meursault nói, và người đọc chỉ biết truyện qua những gì anh ta kể. Câu văn thường ngắn, nhất là trong Phần Một, đôi khi không có liên hệ giữa nguyên do và hậu quả, giữa những câu văn, điều này cho thấy Meursault tỏ ra dửng dưng, không hiểu biết về sự hợp lý do xã hội áp đặt, không tin vào sự phối hợp giữa hành động và tư duy của con người. Anh ta chỉ nhận thấy điều mình làm mà không suy nghĩ xa hơn. Cho nên có nhiều câu đơn điệu bắt đầu bằng «Tôi» nối đuôi nhau. Ngôn ngữ được dùng trong Kẻ ngoại cuộc là ngôn ngữ nói, một ngôn ngữ đơn giản, bình dị với vô số kết từ «và» và với vô số mệnh đề : «Tôi nói rằng…», «Tôi nghĩ rằng…», như một người thật thà kể chuyện. Lại nữa, có khi Meursault kể chuyện một hơi dài đưa đến những câu dài không có những cái phẩy để ngắt câu.

Truyện kể của Meursault không có những đặc điểm của một tự truyện. Bởi vì khi một người phạm tội giết người kể lại chuyện của mình thì tìm cách tự bào chữa hoặc ít ra giải thích hành động của mình. Không có những điều đó trong Kẻ ngoại cuộc. Cái «tôi» đang nói làm người ta có cảm tưởng là «nó» hoặc «anh ta». Nhà phê bình Maurice Blanchot viết: Nhân vật trong Kẻ ngoại cuộc «đối với chính mình như là một người khác đang nhìn mình và nói về mình… Anh ta hoàn toàn đứng ở ngoài».
Có thể tìm thấy tính lạ lùng (étrangeté) trong thái độ của nhân vật Meursault. Trước hết sự uể oải của anh ta, nó thể hiện qua cái xu hướng phi thường về giấc ngủ : Meursault ngủ trên xe buýt khi xe chạy về nhà dưỡng lão, ngủ trước quan tài của mẹ, sau đám tang anh ta sung sướng với ý nghĩ rồi đây sẽ được « ngủ vùi trong mười hai tiếng đồng hồ». Meursault ngáp khi nghe ông già Salamano kể chuyện con chó của ông. Khi ở tù, Meursault ngủ trong xà lim từ 16 đến 18 giờ đồng hồ mỗi ngày. Ngủ nhiều như thế là một cách tự rút mình khỏi thế giới. Sau nữa, cái tính lạ lùng của Meursault cũng được nhận thấy qua phản ứng của những nhân vật khác trong truyện : tính dửng dưng của Meursault đối với tương lai của mình khiến ông chủ của anh ta thất vọng, tính dửng dưng về vấn đề hôn nhân làm người bạn gái Marie thảng thốt, và thái độ dửng dưng của bị can Meursault làm người luật sư chưng hửng.
Những biến cố trong truyện được trình bày dưới một hình thức tàn nhẫn để cho thấy tâm lý của một con người không bao giờ tự tra vấn mình. Tính lạ lùng của Meursault lắm khi đưa đến thái độ của một người xa lạ, một người ngoại cuộc. Meursault là kẻ đứng ngoài những tập tục, lề thói của xã hội, những điều lệ của pháp luật. Khi nói về ông biện lý, Meursault kể: «Ông tuyên bố rằng tôi chẳng có liên hệ gì với một xã hội mà tôi không biết rõ những quy tắc cốt yếu nhất».
Sự trần thuật ngập ngừng giữa hai hình thức: nhật ký và tiểu thuyết, người kể truyện đi ngoắt ngoéo giữa «tôi» và «nó». Trong suốt truyện, có nhiều dấu hiệu về thời gian. Truyện bắt đầu bằng «Hôm nay», phần cuối truyện là vài ngày hoặc vài giờ trước sự hành quyết. Những biến cố trong Phần Một kéo dài trong mười bảy ngày, chúng vừa xảy ra vừa được kể lại, làm như Meursault đang viết nhật ký. Rồi những dấu hiệu thời gian biến dần và truyện đến gần với tiểu thuyết. Nhưng không có gì rõ ràng tỏ ra là tác giả đi từ hình thức này qua hình thức khác.

Truyện Kẻ ngoại cuộc chỉ đơn giản bề ngoài, thật ra một sự căng thẳng chạy dài trong truyện, ngay cả những lúc mọi việc đều tốt đẹp, người đọc áy náy tự hỏi chuyện gì sắp xảy ra đây. Quang cảnh mà Meursault miêu tả có tính đôi : một bên là đám thường dân với những viên chức tầm thường, một bên là guồng máy oai nghiêm của công lý. Hai thế giới khác biệt, cho nên nội dung của tác phẩm được chia làm hai phần : trước vụ giết người và sau vụ giết người. Người đọc đi từ thế giới này sang thế giới kia khi Meursault «gõ bốn tiếng trên cánh cửa của tai họa».
Trong Phần Một, các nhân vật đều có tên : Marie, Céleste, Raymond, Salamano. Đó là những con người, cũng như Meursault, không có tham vọng, sống từng ngày một, họ cảm thấy thỏa mãn trong những thú vui tầm thường nhất.
Trái lại trong Phần Hai, sau khi Meursault bị bắt, anh đối diện với những nhân vật vô danh: ông luật sư, ông dự thẩm, ông biện lý, ông chánh án, hai người hiến binh, những người giám ngục, vị linh mục tuyên úy. Sở dĩ các nhân vật đó không có tên là vì họ hòa nhập với vai trò của họ. Vai trò của các thẩm phán không phải là miêu tả những gì đã xảy ra, mà là giải thích những gì đã xảy ra, nghĩa là họ cố tìm ý nghĩa của những sự kiện đã xảy ra. Thể hiện các sự kiện có nghĩa là lập một liên kết hợp lý giữa các sự kiện đó bằng cách làm cho tội giết người hiện ra như cái hậu quả của tất cả các sự kiện có trước. Do đó sự thể hiện làm biến dạng các sự kiện. Người đọc khó chấp nhận một sự biến dạng như thế, nó có vẻ như khôi hài hóa công lý và một cách tự nhiên, người đọc đứng về phía kẻ bị cáo. Trong cái thế giới đóng kín của pháp luật, của các ông quan tòa, tất cả đều có ý nghĩa, những con người thể hiện những vai trò dường như ở trong một màn kịch. Một bên là thực tế, một bên là kịch trường. Một bên là sự ngẫu nhiên, là việc đột xuất không quan trọng, một bên là ý nghĩa.
Như đã nói, những việc lớn nhỏ xảy ra đều do một nhân vật duy nhất kể. Nhân vật này, tức Meursault, tránh không phê phán và tỏ vẻ chỉ muốn đưa ra một lời chứng vậy thôi. Meursault không bao giờ có sáng kiến, luôn luôn chỉ trả lời các câu hỏi, không bao giờ khẳng định gì cả, anh ta không nói dối, cả không thấy sự ích lợi của cái trò chơi, cái mưu mẹo của xã hội, có lẽ vì Meursault không nhận ra những điều đó. Chỉ có người phóng viên trẻ tuổi trong phòng xử là có vẻ hiểu Meursault, vì Meursault có cảm tưởng nhận ra chính mình qua người phóng viên đó. Khi từ chối tham gia vào cái trò chơi của xã hội mà vả chăng Meursault không ý thức, anh ta liền bị loại trừ khỏi guồng máy xã hội. Kể từ đó mọi việc xảy ra ở ngoài anh ta. Meursault xa lạ với xã hội. Những phản ứng của anh ta cho thấy chẳng những anh ta không hiểu biết những gì đang xảy ra, mà còn không hiểu biết những nguy cơ sắp đến. Meursault biết người ta xử mình về một chuyện khác. Ngay cả sự dửng dưng của anh ta cũng biểu lộ một sự rối loạn tinh thần. Ngay từ lúc gặp ông dự thẩm, anh ta đã bị mất hướng, thất vọng, nhưng sau đó anh ta mạnh mẽ chống lại những câu hỏi dồn dập, những phản ứng của anh ta là những phản ứng theo điều phải và có cảm tính. Con người tình cảm của Meursault hầu như bị tổn thương vì cái nhìn «độc ác» của ông biện lý. Meursault tự cảm thấy bị thù ghét và anh ta gần như muốn khóc. Meursault xa lạ đối với những người xử anh ta. Vụ án của Meursault giống như vụ án của một người mà công lý muốn giết.

Chủ đề chết trong Kẻ ngoại cuộc
Theo nhà nghiên cứu chuyên về Albert Camus, Brian T. Fitch, thì đề tài thật sự của tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc là cái chết, chính đề tài này làm cho tác phẩm có tính mạch lạc. Mặt khác, tất cả các nhà biên khảo đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ đề chết trong tác phẩm Kẻ ngoại cuộc.
Người ta thường giải thích sự ám ảnh của Camus về cái chết bằng bệnh lao phổi của ông. Đúng là vào những năm 1930, 1937 và 1942, bệnh lao của Camus trở nên nguy kịch. Trong tác phẩm Noces, Camus viết: «(Bệnh hoạn) chính là liều thuốc chữa cái chết. Bệnh hoạn chuẩn bị cái chết. Nó tạo nên sự rèn luyện mà giai đoạn đầu là sự mủi lòng với chính mình. Nó giúp con người trong sự cố gắng lớn lao để thoát khỏi cái điều xác thực là sẽ hoàn toàn chết».

Truyện Kẻ ngoại cuộc bắt đầu bằng cái chết của người mẹ và kết thúc bằng án tử hình của người con. Meursault không giết mẹ, nhưng theo ông biện lý, anh ta đã giết mẹ về mặt tinh thần, và cái tội giết người đầu tiên đó chuẩn bị tội giết người thứ hai, lần này không thể do sự ngẫu nhiên như bị cáo đã khai. Sự hành quyết Meursault là hậu quả của hai tội giết người đó. Vả lại trong phiên tòa, trong một lúc hùng hổ ông biện lý chẳng những cáo buộc Meursault đã giết mẹ về mặt tinh thần mà còn quy cho Meursault một tội ác khác mà chỉ ngày hôm sau tòa án mới xử : đó là tội con giết cha của một người tù khác.
Năm 1937, Camus ghi trong Sổ tay I: «Cái gã có nhiều hứa hẹn và bây giờ làm việc trong một văn phòng. Mặt khác, anh ta không làm gì cả, trở về nhà, nằm nghỉ và hút thuốc trong khi chờ giờ ăn tối, lại nằm xuống và ngủ đến sáng hôm sau. Ngày chủ nhật, anh ta dậy trễ và đứng ở cửa sổ, nhìn trời mưa hay trời nắng, nhìn những kẻ qua đường hay sự im lặng. Như thế, cả năm anh ta chờ. Anh ta chờ chết. Những hứa hẹn để làm gì, bởi vì dù sao đi nữa…» Camus dùng đoạn này để viết Kẻ ngoại cuộc và Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe).
Năm 1939, Camus lại ghi: «Chỉ có một định mệnh duy nhất là cái chết và ngoài cái đó thì không còn định mệnh».
Trong truyện, mặt trời có hai bộ mặt: một bộ mặt lành thúc đẩy con người ham sống, và một bộ mặt hung bạo đưa đến tội giết người, tức cái chết. Chính trải nghiệm về cái chết không tránh được, cái chết mật thiết gắn liền với cái thú vui sống là nguồn gốc của « phi lý ». Meursault có một đời sống mãnh liệt về thể xác, ý nghĩ về cái chết dường như không đặc biệt làm anh ta sợ hãi. Nếu anh ta bình tĩnh chấp nhận tất cả những điều xảy ra, và nhất là cái án tử hình, thì người ta không thấy nơi Meursault một dấu hiệu gì tỏ ra là anh ta bằng lòng. Bị giết vì đã giết người. Giết người là đổi hướng tự sát. Meursault không hề muốn chứng minh điều gì cả; thay vì nói đến việc không thể giết người, anh ta nói đến số mệnh. Mỗi con người là một kẻ bị án tử hình, vấn đề quan trọng là sự hành quyết. Tất cả đều xảy ra như là vụ giết người được dùng để tránh cái trở ngại lý thuyết của tự sát. Vấn đề là gây cái chết nhưng với cách nó đến từ nơi khác: đến từ xã hội chẳng hạn, xã hội là kẻ thi hành định mệnh mà chính xã hội không biết.
Người ta không khỏi kinh ngạc khi thấy Camus nhấn mạnh về vấn đề hành quyết được biểu tượng bằng một hình ảnh có tính ám ảnh: hình ảnh cái máy chém. Trong tinh thần Camus, vai trò của án tử hình không chỉ để chỉ định cái hữu hạn của con người. Camus như bị thu hút bởi sự hành quyết, và sự hành quyết đi kèm với cái dụng cụ của nó là máy chém với cái vẻ huy hoàng của nó. Trong Kẻ ngoại cuộc, Meursault kể lại, theo lời người mẹ, rằng người cha xưa kia có lần đi xem hành quyết một người tử tù, lúc trở về ông nôn mửa. Trong xà lim, Meursault cũng đã suy nghĩ nhiều về cái máy chém.

Con người đối diện với sự phi lý
Ngày 21 tháng 2 năm 1941, Camus lại ghi trong Sổ tay I: «Đã viết xong Sisyphe. Ba cái phi lý đã xong». Camus muốn nói đến tác phẩm bộ ba về sự phi lý gồm một kịch bản: Caligula (Hoàng đế La Mã Caligula) (1939), một tiểu thuyết: Kẻ ngoại cuộc (1942) và một chuyên luận: Le Mythe de Sisyphe (1942).
Trong Le Mythe de Sisyphe, Camus nói rõ về phi lý: không thể nói con người hay thế giới phi lý: «Cái thế giới này chính nó không hợp lý, người ta chỉ có thể nói thế thôi. Nhưng cái điều phi lý, chính là sự đối chiếu của cái không hợp lý đó với ý muốn tha thiết được sự rõ ràng mà tiếng gọi vang dội trong sâu thẳm nhất của con người. Sự phi lý tùy thuộc con người cũng như nó tùy thuộc thế giới. Phi lý trong hiện tại là mối quan hệ giữa đôi bên».

Camus viết trong cuốn Sổ tay II: «Kẻ ngoại cuộc miêu tả sự trần trụi của con người đối diện với cái phi lý». Ông có tham vọng tạo nên một biểu tượng tương ứng với cái ý tưởng phi lý được lý thuyết hóa trong Le Mythe de Sisyphe. Sự nhạy cảm về phi lý được đánh thức nơi con người biết tư duy, tự tra vấn mình, đối diện với sự im lặng của thế giới.
Để thoát khỏi mối kinh hoàng gây nên bởi khoảng cách giữa sự trống rỗng của vũ trụ và cái nhu cầu về tuyệt đối của con người, thì có thể, như Pascal trong tác phẩm Pensées, đánh cuộc về sự hiện hữu của Thượng đế. Nhưng Camus từ chối đánh cuộc. Đối với Camus, tính cao cả của con người là ở trong sự từ chối đó: con người đảm nhận sự phi lý của thế giới. Sự thiếu vắng lời đáp với câu hỏi căn bản của con người, nó có đẩy con người vào tuyệt vọng không? Camus cho rằng chẳng tuyệt vọng chút nào. Vì con người giống như Sisyphe, nhân vật trong huyền thoại Hy lạp, đã bị thần Zeus trừng phạt phải mãi mãi đẩy tảng đá lên đỉnh núi. Nhưng đối với Camus sự chiến đấu của Sisyphe chống lại đỉnh núi «cũng đủ làm chan chứa trái tim con người».
Meursault trong tù có thể dùng định nghĩa của phi lý sau đây đã được viết trong Le Mythe de Sisyphe (bởi vì Kẻ ngoại cuộc và Le Mythe de Sisyphe được xuất bản cùng năm): «Trong một vũ trụ bỗng dưng bị tước đi những ảo tưởng và ánh sáng, con người tự cảm thấy mình là một kẻ xa lạ. Sự lưu đày đó không còn cứu vãn được nữa, vì nó bị tước đi những kỷ niệm của một tổ quốc đã mất hay bị tước đi niềm hy vọng một miền đất hứa. Sự chia cách giữa con người và đời sống của con người, giữa diễn viên và phối cảnh, đúng là cái cảm tưởng về sự phi lý». Như thế Meursault là hiện thân của «cái cảm tưởng về phi lý» mà mọi người đều cảm thấy, nhiều hay ít, khi đối diện với thế giới, nhưng dường như là để vượt khỏi cái cảm tưởng đó. Meursault không phải là một mẫu người để kẻ khác noi theo mà là một cách xử sự trước sự im lặng của thế giới.
Trước sự phi lý, nhân vật của Sartre chìm vào sự buồn nôn, nhân vật của Camus nổi loạn. Trong bài phê bình cuốn La Nausée (Buồn nôn) của Sartre đăng trên báo Alger-Républicain, năm 1938, Camus viết: «Nhận xét tính phi lý của cuộc đời không thể là một cứu cánh mà chỉ là một khởi đầu». (1) Một khởi đầu từ đó sẽ đi đến nổi loạn và sau cùng đi đến lòng tin nơi con người.

Triết lý về sự phi lý trong chuyên luận Le Mythe de Sisyphe đưa đến câu hỏi: Cuộc đời có đáng sống không? Đối với phần đông thiên hạ, sống tựu trung là «làm những cử chỉ mà thói quen điều khiển». Nhưng vấn đề tự sát đặt câu hỏi cơ bản về ý nghĩa cuộc đời: «Việc cố ý chết giả định rằng người ta đã nhìn nhận, ngay cả nhìn nhận một cách tự nhiên, cái tính không đáng kể của thói quen đó, nhìn nhận sự thiếu vắng của mọi lẽ sống sâu xa, cái tính điên rồ của sự náo động hằng ngày và sự vô dụng của đau khổ». Ý thức được như thế là một điều hiếm hoi, thuộc cá nhân và không thể truyền lại cho kẻ khác được. Ý thức đó có thể do tính máy móc của cuộc đời không mục đích gây ra, nó cũng có thể nảy sinh từ một cảm tưởng về «tính lạ lùng của thiên nhiên», về «sự chống đối nguyên thủy thế giới» bỗng nhiên làm người ta tự cảm thấy xa lạ. Ý thức về sự phi lý cũng có thể nảy sinh từ cái ý nghĩ rằng tất cả những chuỗi ngày của một cuộc đời không rạng rỡ bị phụ thuộc một cách ngớ ngẩn vào cái ngày hôm sau, trong khi mà thời gian, kẻ thù ghê gớm của chúng ta, dẫn đến sự tiêu diệt các cố gắng của chúng ta. Sau cùng, cái chết không tránh khỏi của con người biểu lộ cho chúng ta sự phi lý.

Thật ra, như Camus đã nói, không phải thế giới phi lý mà là sự đối chiếu giữa cái tính không hợp lý của thế giới với sự mong muốn được rõ ràng của con người. Cho nên sự phi lý không ở trong con người, cũng không ở trong thế giới, mà nó ở trong sự hiện diện chung của con người và của thế giới. Phi lý nảy sinh từ sự tương phản giữa con người và thế giới.
Camus không thừa nhận những thái độ trốn thoát để tránh né như sự tự sát, tức việc hủy bỏ tâm thức, hoặc những học thuyết tức những tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đặt ở ngoài thế giới những lý do, những hy vọng đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa, hoặc cái mà Camus gọi là sự tự sát triết lý của những nhà triết học hiện sinh như Jaspers, Chestov, Kierkegaard, họ thần thánh hóa cái phi lý hay biến đổi cái phi lý thành một phương tiện để đạt đến sự trường cữu bằng cách xem sự phi lý như một tiêu chí của thế giới bên kia. Ngược lại chỉ có con người quyết định sống với điều mình hiểu biết, tức cái ý thức về sự đối chiếu vô vọng giữa trí tuệ và thế giới, chỉ có con người đó mới đem lại cho sự bi thảm một giải thich hợp lý.
Camus nói: «Tôi rút từ phi lý ba hậu quả, đó là nổi loạn, tự do và nhiệt tình của tôi. Chỉ qua tâm thức tôi mới biến đổi cái mời mọc chết thành khuôn mẫu sống – và tôi từ chối việc tự sát».

Trong Kẻ ngoại cuộc, Meursault thể hiện con người trước khi có ý thức về sự phi lý, nhưng đã được chuẩn bị cho sự thức tỉnh sáng suốt: Meursault không có ảo tưởng về những giá trị được xã hội nhìn nhận, anh ta xử sự như chính cuộc đời là vô nghĩa. Tác động của truyện nơi người đọc là sự nản lòng mà theo Camus đó là một điều tốt vì nó cho chúng ta cảm thấy sự phi lý. Tính anh hùng của nhân vật Meursault hoàn toàn khác với tính anh hùng được nêu lên trong các cuộc chiến đấu cách mạng do Malraux miêu tả trong các truyện của ông như L’espoir (Niềm hy vọng), La condition humaine (Thân phận con người). Tính anh hùng trong thái độ của Meursault có một phong cách trí thức, đó là sự từ chối gia nhập trò chơi của xã hội.
Phi lý là độ không của sự dấn thân. Sự thật trong Kẻ ngoại cuộc cũng như trong Le Mythe de Sisyphe là một sự thật tiêu cực, là một khởi đầu cần thiết cho sự dấn thân tích cực. Vậy sự phi lý tương ứng với một tình trạng của tâm thức cá biệt, và được cảm nghiệm trong cuộc sống thường nhật. Sự phi lý nêu lên vấn đề ý nghĩa cuộc đời của con người bị bắt phải phục tùng một bộ máy có một bề ngoài hoàn hảo, khắt khe. Sự vận hành của pháp lý, từ xà lim đến máy chém mà cuộc đời của Meursault phải phục tùng, minh họa rõ ràng cái ý tưởng về bộ máy khắt khe đó. Bằng một giọng trung tính, tác giả nói lên cái tinh thần thách thức và khiêu khích của mình.

Kẻ ngoại cuộc xuất hiện như một giai đoạn mà Camus muốn định nghĩa một lối sống không dự phóng vào tương lai. Đó là độ không trong việc đi tìm một cuộc đời gương mẫu, một tính anh hùng không dựa vào Thượng đế. Lý thuyết đó về sự phi lý, để nó đừng đưa đến việc tự sát, phải bao hàm sự tố giác cái tính ảo tưởng của hy vọng, hy vọng thực ra có nguồn gốc tôn giáo. Trong cái nghĩa đó, sự phi lý vượt xa thuyết hư vô bằng cách nối lại với cái lý tưởng của sự thản nhiên của các nền triết học cổ xưa ở Tây phương. Các nhà hiền triết thời cổ đại thuộc chủ nghĩa khắc kỷ hoặc chủ nghĩa khoái lạc đều biến hiện tại thành chiều kích duy nhất và hiện thực của thời gian, và mặt khác tố giác mọi chan chứa tình cảm. Meursault khi tỏ ra gắn bó với một cuộc sống vui thú về thể xác đồng thời kiềm chế về tình cảm đã nhắc nhở lập trường của các nhà hiền triết này.

Camus viết trong Le Mythe de Sisyphe: «Chỉ có một vấn đề triết học thật sự nghiêm túc: đó là tự sát. Cho rằng cuộc đời đáng sống hay không đáng sống là đáp lại câu hỏi căn bản của triết học». Thật ra, Camus không thật sự chú tâm đến vấn đề tự sát. Khi ông viết Le Mythe de Sisyphe, ông là một thanh niên tự hào, đầy tham vọng và tha thiết yêu đời, dẫu cho cuộc đời có ngắn ngủi đi nữa, vì bệnh lao của ông. Camus khẳng định cuộc đời dẫu có ngắn ngủi, đau đớn, vẫn đẹp và hoàn toàn xứng đáng được sống mặc dù cái tính phi lý của nó, và một cách nghịch lý: cuộc đời đáng sống vì cái tính phi lý đó. Bởi vì phi lý đưa đến nổi loạn rồi đến sự cần thiết dấn thân trong những dự án lớn. Lời đáp của Camus triệt để khác hẳn lời đáp của các nền triết học và của những tôn giáo cổ điển, nhưng lời đáp đó đưa đến cùng một kết luận: cuộc đời đáng sống.                        
Liễu Trương
https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com

Bài trích từ cuốn Kẻ Ngoại Cuộc, bản dịch tác phẩm L’Étranger của Albert Camus, dịch giả Liễu Trương, Dân Trí xuất bản, Nhã Nam phát hành tháng 8-2021.

https://www.diendantheky.net/

 

Đăng ngày 07 tháng 04.2022