Nhà già... chào mi

Vài tháng nay rất nhiều bạn bè thân hữu, và nhiều sinh viên, học trò cũ, những người đã từng ngồi chung giảng đường với Nhà Tôi điện thoại hay điện thư hỏi thăm chúng tôi nhưng chúng tôi không đủ sức khỏe cũng như thì giờ để đáp lễ từng người xin Quý Vi thông cảm và vui lòng tha lỗi. Cũng xin hết lòng cảm ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Tr. H. Bích, người rất uyên bác văn chương kim cổ đã có nhã ý muốn nhuận sắc bài viết, nhưng biết Ông rất bận rộn nên tôi không dám làm phiền Ông.
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao là câu hát có lẽ bao nhiêu người ở tuổi 70, 80, 90 ước nguyện mong ước trong đời. Anh của cô bạn thuở học trò của tôi, một y sĩ nổi tiếng đã trên xa tuổi 80 vẫn hăng hái hoạt động như những người bạn trẻ hơn cả vài chục tuổi vì Ông vẫn mong có ngày được về lại quê hương, quê hương Việt Nam thanh bình.
Nhà Tôi rất thích đọc sách, học, đọc, viết và dậy là những việc Anh say mê cả đời đến nỗi Anh VH Đệ , bạn thuờ học Trường Chu Văn An B4, có lần nói với tôi khi lái xe chở chúng tôi ra biển “ bà có biết tôi có một thằng bạn mỗi khi đến nhà chơi thì chỉ nói chuyện với Bà Cụ vì nó cứ ngổi đọc, nó hiền lành đi làm được bao tiền đưa cho Mẹ để nuôi các em còn chỉ giữ đủ tiền đổ săng xe Mobylette cũ  luôn phải chùi bu gi máy mới nổ  “ tôi hỏi Anh Đệ là bạn Anh là ai vậy?, Anh Đệ chỉ vào Nhà Tôi và nói cái thằng đó!. Trong nhà hơn hai năm trước nhiều tủ sách kê khắp nơi, bạn bè thường nói là nếu động đất thì không có chỗ mà bước vì quá nhiều sách. Năm kia chúng tôi đã biếu Viện Việt Học tủ sách của Nhà Tôi đề làm thư viện. Khi chuyến xe đầu tiên chở sách đi, tôi tránh mặt để âm thầm khóc... khóc vì biết rằng như vậy Nhà Tôi sẽ không viết nữa vì nghiên cứu mà không có sách thì làm sao viết được nữa, nhất là khi viết Anh ấy thường rất kỹ, có khi một chữ mà phải tra ba bốn cuốn tự điển. Tâm đầu ý hợp, thông cảm, Nhà Giáo Trần Thế Đức từ bên trời xa,  Úc Châu, đã viết cho Nhà Tôi khi biết chúng tôi biếu tủ sách cho Viện Việt Học “Như Vậy Thày không viết nữa rồi!”, nhắc lại chuyện này tôi không dằn được bùi ngùi xúc động vì với Nhà Tôi, với Phạm Cao Dương, học, viết và đọc là cả cuộc đời của Anh, không có tủ sách, không có tài liệu như vậy Phạm Cao Dương đành phải Giã Biệt Bút Nghiên!
Chiều nay sau khi đọc, để  xuống bên cạnh  cuốn Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của  Dương Quảng Hàm, Nhà Tôi hát đi hát lại bài hát “Giã từ Vũ Khí“ của Nhạc Sĩ Nhật Ngân
Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
Ngoài con tim héo em ơi !
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lổ châu mai với những địa lôi
Ðã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ
Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre
Ðã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống
Ðể có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la.
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu.

Anh lập đi lập lại “Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao”, tôi vẫn biết sâu trong tâm tư Nhà Tôi luôn mong có một ngày Anh có thể đưa tôi về lại Nam Định để cùng nhìn ngắm con sông Nam Định, con sông  mà hồi thơ ấu Anh hay bơi cùng các bạn của Anh.  Từ năm 1954, từ khi rời xa  dòng sông ấy, gần 70 năm, bảy thập niên,  Anh đã không bao giờ trở lại ... Tôi thường nói đùa với Anh “River Of No Return” ... trong trí nhớ tôi vẫn nhớ phim này đóng bởi tài tử nổi tiếng Robert Mitchum và Marilyn Monroe, nếu tôi nhớ không lầm cũng vào năm 1954  thì phải. Bây giờ thì muộn quá rồi, ước vọng “Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao“ mãi mãi không thành.
Một bạn thân của Nhà Tôi bảo Anh là thôi hãy về bắt chước Trương Vô Kỵ  kẻ lông mày cho Triệu Mẫn trong chuyện  Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung vì biết tôi rất thích đọc chuyện này. Tôi vốn thích đọc, hồi nhỏ tôi say mê đọc chuyện Kim Hồ Điệp, hiệp sĩ chuyên bỏ lại một con bướm vàng sau khi trừ kẻ gian ác. Tôi cũng nhớ chuyện thơ “Đồi Thông Hai Mộ“ mà Bà Dì Hạnh, Em của Mẹ tôi hay đọc, những câu “Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ, Anh của Em yêu quý nhất đời, Anh đi mù mịt xa xôi,  Phượng hoàng tung cánh giữa trời mãi bay...”   Bây giờ Các Dì, các Cậu của tôi, Bố Mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi vào miền miên viễn lâu rồi nhưng hình ảnh vẫn còn rất rõ trong tôi.  Tuy chưa tới mười tuổi, tôi vẫn nhớ Dì Hạnh khóc sưng đỏ cả hai mắt vì Bà Ngoại tôi, vì Ông Ngoại tôi là Nhà Giáo, bắt Dì kết hôn với người già hơn Dì gần hai chục tuổi, con của Cụ Đốc Tân. Ông Ngoại tôi mất sớm khi tôi vài tháng tuổi. Bà Ngoại và các Cậu, các Dì ở với gia đình Bố Mẹ tôi. Bà Ngoại tôi rất nghiêm khắc nuôi các cậu và các dì. Bà Ngoại tôi rất nuông chiều tôi, cháu ngoại đầu yếu ớt của Bà. Viết đến đây tôi nghẹn ngào nhớ lại bàn tay gầy ốm của Bà ôm tôi ngày gia đình tôi di cư vào miền Nam sau Hiệp Định Genève tháng 7 năm 1954, Hiệp Định chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17. Tuy xa Bà lúc còn nhò, tôi vẫn nhớ những miếng cao nho nhỏ, cao Ban Long mà Bà Ngoại thuê người nấu, nhớ cá phèn chỉ khô Bà phơi trên nóc sân thượng, nhớ cá thu nướng kho thịt và nhớ nhất là những quả trứng gà mà bà cho thợ đóng chuồng nuôi gà sau nhà để lấy trứng cho cháu. Bà ơi, cháu đang khóc... gần 70 năm qua cháu đã không bao giờ trở lại miền Bắc để được nhìn lại Bà, để được ngồi xe xích lô cùng Bà đi quanh Hồ Tây, được ôm tay gầy ốm của Bà, cũng như được Cậu Thiện cho ăn cà rem dừa ở Hồ Hoàn Kiếm trước năm 1954. Cháu biết bao thập niên qua, trước khi vĩnh viễn ra đi Bà luôn mong có ngày gặp lại cháu Vân gầy ốm của Bà!
Suy nghĩ miên man tới quá khứ xa gần tôi lại nhớ là đang viết về nhà già. Tôi dùng chữ “chào mi“ khi nghĩ tới nhà già vì theo thiển ý của tôi chữ “chào” dùng lúc nào cũng được tùy theo lúc chào. Tôi xin viết một chút ít để chia sẻ cũng như để tạ ơn sự thăm hỏi của mọi người mà chúng tôi không đủ sức khỏe cũng như thì giờ để đáp lễ từng người. Những người 70, 80  như chúng tôi, cả đời làm việc, khi về già thật là đáng buồn khi thấy sức khỏe suy kém, không thể tự chăm sóc cho mình, phải dọn vào nhà già. Đọc giấy tờ quảng cáo thì thật tốt.
Mỗi ngày nhìn những người cùng ở trong nhà già hoặc chống gậy, hay ngồi xe lăn... ngày ba buổi ngồi trong cafeteria, restaurant lẳng lặng nhìn nhau... nếu người nào yếu quá thì được giao đồ ăn lên tận buồng với chi phí thêm. Tất cà là à la carte, tuỳ nhu cầu của người resident.  Thật tội nghiệp “giới làm việc trung lưu lương thiện– working class” khi về già, lạy Trời lương hưu đủ để trả chi phí nhà già và con cái chỉ phải phụ thêm vừa phải. Viết tới đây tôi lại nghĩ  thương cho giới trẻ bây giờ, nhiều người họ  không có sống với nhau suốt đời như lời nguyện khi họ kết hôn, lời nguyện mà tôi luôn không cầm được nước mắt khi nghe “... to have and to hold from this day forward, for better, for worse, for richer, for poorer, in sickness and in health, to love and to cherish, until parted by death”. Nhìn mái tóc bạc phơ của Nhà Tôi, tôi thương cảm người bạn đời, tuổi chỉ gần thập niên cách biệt nhưng với Anh, Nhà Tôi luôn coi tôi như cô em nhỏ vì có lẽ Anh không có em gái. Trong tâm tôi ước nguyện sẽ được về cõi cùng nhau, cùng Anh!. Khi trẻ Anh hay huýt sáo, tới bây giờ Anh vẫn đọc thơ kim cổ cho tôi nghe vì Anh rất thuộc thơ.  Anh thường trầm ngâm kể cho tôi nghe về dĩ vãng,  về tuổi thơ tuổi trẻ cực nhọc, luôn luôn phải sống còn, phải ngoi lên. Anh kể về thời tản cư, bốn năm thất học, về lần cuối cùng Anh được gặp “Thày” là một Nhà Giáo, khi đó Anh chưa tới tuổi lên mười.  Những ngày mới gặp nhau Anh thường cho tôi đi uống nước dừa tươi bán trên các xe lưu động trên Đại Lộ Thống Nhất,  60 năm đã qua nhưng vị ngọt mát của nước dừa vẫn sống động như mới được uống. Tôi nâng niu các bông hoa  pensée mà Anh đi Đà Lạt du khảo với các sinh viên tặng cho tôi, cũng như những lá thư tình viết bằng mực tím vì người yêu của Anh rất yêu màu tím. Biết tôi rất thích đọc nên Anh thường viết những lá thư rất dài cho vợ dù rằng đã hơn nửa thế kỷ trôi nổi cùng nhau.
Bây giờ ở nhà già, nhiều cảnh đau lòng nhìn thấy mà thương cảm. Một ông psychologist phải dùng trợ thở bằng bình oxygen, vắng mặt trong cafeteria vài bữa thì đã thấy con trai ông vào dọn đồ đạc ra. Một ông cựu thương gia ngồi xe lăn, vừa ăn xong lại quay lại vì tưởng là chưa ăn! Có một bà giáo sư trung học về hưu mà thỉnh thoảng tôi giúp đẩy xe, bà chia sẻ là có bốn người, một anh, một em trai và một chị gái, chị gái của bà mới ra đi vào tháng Hai, bà nói trong nước mắt là bây giờ chỉ còn mình bà mà thôi. Bây giờ tôi hiểu rõ hơn khi các con còn đi học thường vào làm tình nguyện trong nhà già. Cháu kể là chơi cờ với các vị cao niên trong nhà già để giữ cho đầu óc họ được tỉnh táo thì được dặn là cháu không được thắng mà chỉ thua khi chơi cờ vì như vậy các người cao niên  sẽ vui hơn. Có hôm cháu kể là hôm nay có một bà già vui lắm vì bà nói là ngày mai cháu của bà sẽ tới thăm bà vì cháu của bà chỉ tới thăm bà một năm vài lần mà thôi. Tôi không dám viết thêm nữa về nhà già vì chỉ cảm thấy trầm cảm thêm thôi.
Xin hết lòng cảm tạ Quý vị đã hỏi thăm chúng tôi, xin tạm mượn câu thơ của Nhà Thơ Tô Thùy Yên để kết luận
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.

Trần thị Khánh Vân

 

Đăng ngày 15 tháng 04.2023