ngocdung

Nguyễn thị Ngọc Dung, tốt nghiệp ban Việt Hán - Đại học Sư phạm Huế. Bà đã giảng dạy tại trường Nữ Trung học Nha trang Võ Tánh và trường Ngô Quyền (Biên   hòa).

Định cư tại Canada từ năm 1983.Tốt nghiệp Cao học Giáo dục tại Đại học Ottawa về ngành counselling. Hiện làm "cố vấn tâm lý gia đình" tại cơ quan MOSAIC, Vancouver.

 

 

Đà Lạt, thời cắp sách

Tôi xa Đà Lạt khi vừa học xong lớp 10C tại trường Bùi thị Xuân để theo gia đình về Nha Trang... Đúng vào lúc tôi đang "yêu" Đàlạt. Đúng vào lúc tôi bắt đầu biết "mộng mơ”, mặc dù lúc ấy chỉ là một nữ sinh "ngây ngô". Thật sự tôi cảm thấy mình ngây ngô lắm, so với những bạn cùng lớp, cùng lứa tuổi. (Nhưng đã sao nào...Vì "Thuở ấy nào tôi có hiểu gì" ngoài chuyện ăn học và sống yên ấm dưới mái gia đình, với bố mẹ, anh em). Và, chỉ nguyên những sinh hoạt trong gia đình đủ làm tôi "bận rộn". Hàng ngày, cắp sách đến trường, lo chuyện bài vở. Về nhà, ngoài chuyện học bài làm bài, lại còn "công tác" trông em- đứa em út còn nhỏ- để mẹ tôi lo việc nhà, và cửa tiệm.

Phố phường

Hồi tôi học lớp đệ tứ tại trường Bùi thị Xuân cũng là năm mẹ tôi mở tiệm. Tên tiệm là Yên Sơn, vừa bán gạo một bên, vừa bán trà Bảo Lộc và cả hoa lan nữa, một bên. Tôi còn nhớ tiệm nằm ở khu Hoà Bình, truớc cửa chợ Hoà Bình, cạnh tiệm bánh mì cũng tên là "Hoà Bình" cũng vừa mớí mở. Theo mẹ tôi nói thì địa điểm này rất thuận tiện cho các bà nội trợ đi phố xong ghé vào mua gaọ và nước mắm. Lý do để mẹ tôi mở tiệm rất tình cờ. Đó là nhân một chuyến đi chơi Phan Thiết thăm bà bác ruột của tôi, mẹ tôi gặp một nhà sản xuất nước mắm Vạn Hương, rất nổi tiếng bấy giờ.

Bà cụ Vạn Hương hồi ấy dĩ nhiên là còn trẻ, cỡ tuổi me tôi, khoảng chừng bốn mươi; và chắc chắn là trẻ hơn chúng tôi bây giờ, nên cụ còn có óc kinh doanh. Bà cụ trông người cũng rất nho nhã, tử tế; và tính tình cũng hợp với mẹ tôi, nên bà cụ cũng rất cảm tình. Thậm chí một thời gian sau hai cụ kết nghĩa chị em. Bà Vạn Hương có đề nghị muốn có thêm đại lý nước mắm ở Đalat. Thấy me tôi có vẻ thành thạo, nên cũng rất vui để hợp tác. Và ngoài sự “hợp tác” còn là cái cảm tình quý hoá nhau. Thế là me tôi "kết" ngay- Hình như các cụ cảm thấy "hợp" nhau - nên không ngần ngại sẵn lòng hợp tác. Đấy, các cụ ngày xưa cũng "hay" thế đấy. Tôi biết, dưới mắt tôi, và qua lời kể của bà, tôi thấy mẹ là một người có tâm hồn nhạy bén và thích văn thơ. Nhưng mặt khác lại lại cũng rất thực tế, đảm đang. Đúng vào lúc ấy, dãy phố mới của khu hoà Bình bắt đầu mở; và mẹ tôi bắt đầu thăm dò để thuê một căn. Theo mẹ tôi nói- khi cụ ở tuổi còn đang hoạt động- chỉ muốn làm một cái gì chứ không thích rảnh - cửa tiệm của bà ngoài gạo, nước mắm để bán cho "mấy bà vợ công chức" vì nhu cầu lúc bấy giờ...Rất tiện cho các bà đi phố xá rồi ghé qua.

Vì hiểu tâm lý và nhu cầu của khách hàng, và cũng vì gian hàng khá rộng rãi khang trang, mẹ tôi bày biện cho trang nhã. Với tư cách đại lý gạo nước mắm, bà chỉ bày chừng chục bao gạo tượng trưng, chục lu nước mắm tượng trưng, cho đủ mặt hàng một bên. Vì nhu cầu thường nhật thực tế v à tiện dụng cho các bà nội trợ. Bên trái, là gian tạp hoá nhưng chỉ bán những "món" tượng trưng cho Đàlạt. Từ trà Bảo Lộc đến lan rừng. Đứng từ cửa nhìn vào phiá bên trái là quầy tủ kính, nơi mẹ tôi bày những hộp trà, gói trà lớn nhỏ vào môt dãy. Dãy kia là những chiếc áo len đan kiểu mới rất mỹ thuật nằm gọn ghẽ trong tủ kính cao mà tôi thường ngắm một cách “khao khát”. Trước cửa tiệm treo những giỏ lan rừng trông thật trang nhã. Ở giưã dành một lối đi rộng rãi. Cho nên bước chân vào tiệm khách chỉ thấy một sự thoáng mát, khang trang không thấy cai gì là gạo, là mắm, bận bịu hay tất bật như những tiệm khác.

 

Mẹ tôi thưòng tự hào về mắt mỹ thuật của bà. Khách của cụ ngoài những người sống quanh khu vực, còn có đa số các bà nội trợ, phu nhân của các vị công chức trong, ngoài trường Trần Hưng Đạo đặc biệt chiếu cố. Hình như các cụ có cái thú gặp gỡ, trà nước ngay ở tiệm một cách an lạc, không vôi vã. Khách nhận thấy đây là nơi dừng chân thoải mái để mua những món rất thực tế mà không phải chen chúc, căng thẳng. Buổi tối tôi thường được me tôi tin cậy, “cử” tôi ở lại "trông tiệm" cùng với bà chị họ của tôi -bà chị thường phụ tá với me tôi ở cửa tiệm. Thế là hai chị em ở lại tiệm buổi tối, tôi được yên tĩnh học hành. Tiệm có lầu để ở, có phòng ngủ, phòng khách, và bếp vừa đủ tiện nghi. Lại có cả balcony nhìn ra đường,rất tiện cho việc... ăn hàng buồi tối của chúng tôi. Và như vậy tôi đi đên trường cũng gần hơn. Me tôi hồi ấy thì có khi về nhà buổi tối nếu hôm sau không phai bân rộn sớm. Có khi bà ở lại tiệm. Ở tiệm hay ở nhà, sáng nào bà cũng dậy sớm tập thể dục, và tụng kinh niệm Phật trước khi tiệm mở cửa. Khi nào bà về nhà -lúc ấy nhà vẫn ở trong trường Trần Hưng Đạo- thì chúng tôi đúng là "gà vọc niêu tôm" (hay "gà mọc đuôi tôm" cũng thế). Cho nên gọi là trông tiệm chứ kỳ thực chúng tôi đâu có phải làm gì. Tôi còn nhớ buổi tối khu phố thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng rao lanh lảnh nửa đêm của chị bán chè bột khoai nghe văng vẳng và xa vắng “Ai ăn chè bột khoai bún tàu,đậu xanh nước dừa đường cát hô...ông”,hay tiếng rao đầy quyến rũ của gánh phở rong, mì rong. Chị em tôi thường thường mỗi khi nghe tiếng rao là lại "cầm lòng không đậu". Thế là bảo nhau sáng chế ra một cách ăn hàng không phải mở cửa duới nhà vào ban đêm. Thế là một cái giỏ tròn tròn được buộc chăt chẽ hai bên vào hai sợi thắt nối hai đầu lại với nhau . Rất an toàn để thả xuống đường cùng với số tiền trả cho hàng chè, hàng phở. Thật là thú vị. Bây giờ nghĩ lại mà thèm sống lại những thời kỳ ấy.

 

Bạn cũ

Sở dĩ tôi nhắc đến cửa tiệm của me tôi vì nó có môt sự gắn bó với tôi khi bước chân sang Bùi thị Xuân. Tôi không phải đi bộ từ trường Trần Hưng Đạo bằng lối tắt như tôi đã làm thế một năm trước đó. Tôi có dịp cắp cặp đến trường bằng con đường Hàm Nghi. Con đường quanh co dẫn tôi đến Bùi thị Xuân từ phiá phố chợ cũng giản dị hơn, thay vì phải băng qua những ngọn đồi để đi lối tắt sang trường BTX. Nhưng đẹp hơn cả vẫn là những kỷ niệm khi bạn bè rủ nhau về cùng đường. Tôi vẫn chưa quên những buổi trời mưa nhỏ hạt, hay những hôm đuờng phố ướt át, lạnh lẽo, chúng tôi đi về trên con đường Hàm Nghi quen thuôc này, băng qua một dãy những cửa tiệm mà gìờ đây tôi không nhớ hết tên. Điều làm tôi nhớ mãi vẫn là hình ảnh những người bạn cùng lớp, đi về cùng đường. Toàn là những người đẹp đã một thời được ái mộ. Mà mỗi người một vẻ..Hồi ấy, về cùng đường với tôi là những người đẹp Oanh Trảo và Kim Chi. Kim Chi cao cao, “điệu” và duyên dáng. Oanh Trảo với dáng dấp thanh tao, mái tóc dài liêu trai, gương mặt mảnh mai....Thùy mị và đứng đắn, Oanh Trảo được nhiều người ái mộ vì “mỏng mày hay hạt”.

Một chị bạn nữa là Lê thị Hoa cũng điệu, và dễ thương với mái tóc đen và điệu; tóc dài, da trắng môi hồng mà tôi nghĩ chắc cũng có nhiều anh ngấm nghé. Nói đến người đẹp lớp tôi thì không thể không nhớ đến Mỵ Hượng và CôngTằngTôn Nữ Xuân Ninh. Hai cô bạn thân nhau như cặp bài trùng. Người đẹp Mỵ Hương hay đi với người đẹp Xuân Ninh- Mỗi người một vẻ. Riêng Mỵ Hương đã từng làm Trưng Trắc. Ai mà không biết tiếng Mỵ Hương là ...một điều thiếu sót. Một nhân vật khác không kém quan trọng là Phùng Diệm Quỳnh, cô bạn khả ái, tươi vui và hay cười, đặc biệt tôi còn nhớ cô bạn Diệm Quỳnh ngày ấy rất “ngoan”, rất ân cần và đậm dà tình nghĩa. Cách đây hơn một năm, khi tôi gặp lại Quỳnh trong kỳ Hội Ngộ ở Houston, dù chỉ là trong giây phút ngắn ngủi vì Quỳnh không đi cruise, nhưng nàng Quỳnh bây giờ vẫn thế, vẫn dễ thương như ngày nào. Cùng lớp với chúng tôi còn có Tăng Tuyết Khanh mà nếu không nhắc tới thì cũng không trọn vẹn.Tuyết Khanh trông đẹp một cách giản dị ; và đặc biệt, tuy không lộng lẫy nhưng khi trang điểm thì lại nổi bật hơn cả. Thế mới lạ; vì nét trời cho đã có sẵn. Xuân Ninh ngồi cạnh tôi, cô nàng thường hay vẽ hình người đẹp, nhìn profile với mũi, miệng nhìn nghiêng trông thấy hay hay.  Tôi cũng bắt chước Xuân Ninh vẽ kiểu như thế, nhưng chắc chắn không thể bằng. Hình như là Xuân Ninh phác hoạ Mỵ Hương.

Một người đẹp khác trong lớp không thể không nhắc tới là Hiếu. Từ trường Trần Hưng Đạo chuyển qua, nàng Hiếu duyên dáng đã “hội nhập” ngay với cái “xã hội dân sự” nhỏ bé đầy những tinh hoa ấy trong khung cảnh Bùi thị Xuân. Hiếu đặc biệt là có duyên với hai cái lỗ dùi bên mép, hi vọng bây giờ vẫn còn. Hiếu thưòng dí dỏm và thường hay cuời “khanh khách” nghe rất vui và pha tí nghịch ngợm. Tôi cũng còn nhớ Bùi thị Huệ với nước da trắng, và môi đỏ, hơn nữa, Huệ rất phóng khoáng và quảng giao. Vào năm đệ tam lớp chúng tôi có thêm Kim Cúc mới từ Sàigòn lên học. Cúc nghịch một cây, nói năng hoạt bát, dạn dĩ...Còn nữa mà tôi chưa thể nhớ hết. Một bạn nữa khá đặc biệt, đó là Nguyễn thị Mai.  Hồi ấy ai cũng bảo tôi giống Mai; vì có lẽ hai đứa cũng có chiều cao tầm thước giống nhau. Mai hơn tôi một tuổi nên được coi là “chị”. Mai cũng có vẻ thạo đời hơn tôi, thực tế hơn tôi và có lẽ “khôn” hơn tôi. Hình như sau đó Mai thôi học hay đi đâu mà tôi không nhớ rõ. Có một điều tôi nhớ rõ là tôi có cái may mắn đuọc “lọt” vào một lớp học có nhiều người đẹp và lại giỏi nữa..Giờ này tôi còn hình dung nét của từng người bạn một. Đúng là “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”...

 

 

Thầy xưa

Nói đến trường Bùi thị Xuân mà không nói đến bạn bè thì chưa phải là tình học đường. Mà nói đến các bạn học mà không nhắc đến thầy cô thì lại càng là một điều vô nghĩa. Các thầy, cô tôi thuở tôi còn học ở truờng Trần Hưng Đạo và cả sau này ở Bùi thị Xuân là những bậc thầy khả kính. Làm sao tôi có thể quên được hình ảnh cô giáo tôi, cô Hiển - dạy Pháp Văn khi tôi ở Đệ Thất, Đệ Lục. Cô hình dáng gầy gò, thanh tao và đặc biệt là hiền và nghiêm. Cô rất quý bọn tôi và lên tiếng rày la những nam sinh hay buông lời trêu đùa “học sinh con gái” ở trong lớp. Có một anh tên Hiền thường vui tính và thích chọc đùa nữ sinh, nên hay nói những lời bông đùa “ngoa” rằng: “Cô ơi cô, con gái hư lắm, giết chết con gái đi” . Thế là anh chàng lại bị cô Hiển bắt phải giữ im lặng trong lớp và bị la rằng “chỉ được cái nỏ mồm thôi”. Thực ra chúng tôi biết mấy “nam sinh cùng lớp” này rất vui tính và chỉ đùa cho lớp sống động thêm, và cả cô cũng biết thế. Nhưng với cuơng vị là cô giáo, cô Hiển vẫn phải nói những điều cần nói để giữ trật tự trong lớp và cũng là để các nam sinh “liệu” mà tỏ thái độ nghiêm trang hơn. Cô luôn luôn bênh vực mấy em nữ sinh, vì biết mấy em “ngoan”. Cô Hiển là vợ thầy Nguyễn đức Kim dạy môn Toán. Thầy có một phương pháp dạy Toán rất hay với một phong cách đặc biệt và thoải mái, khiến học trò... dở Toán như tôi cũng không bị “căng thẳng” vì môn này. Tôi cũng không quên tất cả các thầy cô đã dạy tôi từ những năm học Trung học đệ nhất cấp cho đến khi tôi vừa bước chân vào đệ nhị cấp.  Dạy Việt văn thì có thầy Nguyễn Vỹ. Thầy thật nghiêm, ít nói, đặc biệt là rất trầm lặng.  Nhiều lúc chúng tôi thấy thầy trầm lặng và buồn buồn một cách ...khó hiểu.  Ít lâu sau thầy nghỉ dạy. Chúng tôi nghe phong phanh hình như Thầy đi “làm cách mạng”, nhưng không biết  tin này có chính xác không? Sau đó, chúng tôi không được tin thầy nữa. Về nhạc thì có thầy Phạm đình Tín. Thầy Tín rất hiền và dễ chịu, vừa dạy vẽ vừa dạy nhạc. Đến khi chúng tôi được dời sang học ờ trường Bùi thị Xuân thì tôi lại được học với các thầy cô khác.

Hiệu trưởng truờng Bùi thị Xuân bấy giờ là cô Nguyễn văn Đãi. Cô là vợ của Thầy Nguyễn văn Đãi-làm Phó Thị Truởng thành phố Đàlạt. Cô có tên rất hay - Nguyễn Khoa Diệu Liễu. Cô Đãi lúc ấy làm giáo sư hướng dẫn lớp tôi. Cô dạy Việt Văn. Vào những lúc lớp học có giây phút rảnh rỗi, cô thường hay đọc cho chúng tôi những bài trong Nam Phong Tạp Chí, Đông Dưong Tạp Chí ngày trước để cho chúng tôi hiểu rõ một giai đoạn văn học của nước nhà. Lúc khác, cô thuờng dùng ít phút trống để dạy những bài hát tiếng Pháp, cả tiếng Anh nữa, cho chúng tôi tập, mà giờ đây tôi quên gần hết. Chỉ nhớ bài “One day” mà tôi rất thích. Cô yêu văn chương, say mê những áng văn học thời tiến bán thế kỷ XX. Giọng cô ấm áp, vẻ mặt cô hiền từ và ân cần với từng học sinh. Cô thương bọn nữ sinh ngoan ngoãn, học giỏi.lớp cô hướng dẫn. Cô “cưng” Tăng Tuyết Khanh nhất thì phải. Tôi nghe nói thế, chả biết có đúng không nhưng nếu như vậy cũng phải. Nhưng, nói chung thì cô yêu tất cả. Chắc chắn là cô không ghét đứ anào.Cứ xem vẻ nhìn nhân ái của cô thì đủ biết.

Chúng tôi rất thương cô Đãi. Bao nhiêu năm trời, cũng như nhiều bạn khác, tôi thỉnh thoảng vẫn nghĩ đến cô mà không có dịp thăm viếng. Nghe nói các bạn ở Cali còn có dịp thăm cô. Ngày đó tôi còn ở Ottawa, khá xa, nên chưa đi được ngay. Có lần, nhân nói chuyện với chị Phương Thu, tôi đươc biết chị Thu cũng là học trò cô Đãi, cũng học những thầy cô giống như tôi, nhưng chị ở lớp lớn hơn. Tôi cảm thấy vui mừng khi đuợc gặp lại người Đàlạt ở Ottawa. Khi dời xa Đà Lạt vào cuối năm đệ tam, năm ấy, tôi vẫn còn mang nặng trong lòng cảm tình quý mến đối với một số thầy cô.  Đặc biệt là Cô Cẩm Anh, một trong những giáo sư tôi rất yêu mến, kính trọng.  Cô đẹp và hiền. Sau này, khi tôi đã đi dạy ờ trường Nữ Trung Học Nha Trang, nhân một lần về làm Giám khảo Kỳ thi Văn Chương Phụ Nữ Toàn quốc, tôi có được gặp cô Cẩm Anh tại trường Nữ Trung Học Trưng Vương. Lúc đó từ Bùi thị Xuân, cô đã xin đổi về dạy tại trường Trưng vương được vài năm. Gặp lại cô thật vui... Từ bấy đến nay, thời gian đã lâu quá, bây giờ chắc chắn cô đã quên. Ngày ấy tôi đâu có biết liên lạc, gắn bó với Thầy, với bạn “chặt chẽ” được như bây giờ.  Năm đệ tứ chúng tôi học với những thầy cô khác; như cô Xuân An dạy Anh Văn, thầy Phúc dạy Pháp văn. Lên đệ tam lại có cô Trương Mộng Ngọc dạy Sử Điạ. Cô  cũng mới đổi về; người cao cao gầy gầy, mặt rất đẹp và thanh. Anh Văn đệ tam thì có thầy Tạ Tất Thắng. Thầy mới ở Úc về, dạy giỏi, vui và có duyên. Các học sinh rất quý.  Những năm trước đó nghe tiếng Thầy, chúng tôi ao ước được hoc với thầy.  May mắn thay, năm đó thầy dạy lớp chúng tôi. Tôi còn nhớ năm đệ tam thầy dạy cả văn học sử Anh. Tác phẩm tôi còn nhớ mãi là “She stoops to conquer”` (cúi xuống để chinh phục)- mà tôi thấy rất thú vị và thấm thiá với khía cạnh triết lý của tác phẩm. Đó là triết lý về sự khôn ngoan, nhún nhường để có thể thắng hoàn cảnh hay đối phương.

Con đường Hàm Nghi dẫn tôi đến trường mỗi ngày tuy không đông đúc bằng những con đường khác, nhưng vẫn làm tôi nhớ vì nó đã nối trường đến phố. Đặc biệt, dù đã bao năm xa Đalat nhưng tôi vẫn không quên được tiệm phở Hàm Nghi. Phở Bằng và Phở Tín, nổi tiếng vói món phở áp chảo mà tôi thích và gia đình tôi thích. Cuối tuần chúng tôi thường được bố mẹ dẫn đi ăn tiệm. Món đắc ý nhất của chúng tôi là món phở này. Phở áp chảo ngon và đặc biệt ở chỗ bên ngoài rất dòn, mà bên trong nóng hổi và vẫn mềm. Trời lạnh lẽo, bước chân vào tiệm chờ món phở xào áp chảo bưng ra, ăn dòn tan bên  ngoài nhưng mềm mại và nóng hổi bên trong cộng thêm nước sauce với đủ mọi thứ rau, cà chua, chouffleur, cà rốt, hành tây, tỏi tây, bắp cải v.v... sào nóng đồ vào với mùì tiêu bốc lên thơm lừng, sao mà “êm ái và ngọt ngào” đến thế.

Nhưng nói đến Đà Lạt mà chỉ nhớ đến phở là không đủ, và nói đến món ăn thì đã có nhiều bài viết đến rồi.  Điều làm tôi nhớ mãi Đàlat là những chuỗi ngày đi học với những kỷ niệm rất đơn sơ, êm đềm mà giờ đây chỉ còn là những hình ảnh mơ hồ của mấy chục năm về trước. Tôi xa Đàlat đã lâu chứ không được cái may mắn ở Đalạt cho đến ngày mất nước để thấy rõ hơn cái phũ phàng của hoàn cảnh đất nước, của thời cuộc Việt Nam và cái vô thường của cuộc đời như tôi và nhiều người đã phải trải qua khi ở Nha Trang truớc ngày nước mất.

Cho nên kỷ niệm về Đalat vẫn còn nên thơ, vẫn đẹp nguyên vẹn trong tôi. Tuy đã xa cách nhìều năm nhưng Đalat vẫn còn rất đậm nét.Tôi vẫn trân quý những kỷ niệm đó, kỷ niêm của một thời cắp sách. Kỷ niệm của tôi "có" trong cái "không", và vẫn "không có gì" trong cái "có" đó...Nhưng khó mà mua được. Nói thế để thấy rằng mỗi người lại có những kỷ niệm riêng, một tâm trạng riêng cũng như cảm xúc riêng. Những kỷ niệm ấy có thể có ý nghĩa với người này nhưng lại vô nghĩa với người kia. Điều quan trọng là mình thấy gì, cảm gì và biết quý hoá, trân trọng những gì mình có. Chỉ có thế, nhưng sao tôi thấy rất là quý .

Hồi ấy như đã nói, ngoài chuyện học hành tôi chỉ biết "trông em" - quên, lại còn thích nấu ăn nữa chứ- Tôi thích “làm bếp” chỉ vì chị bếp hay sào nhiều dầu mỡ mà tôi không “chịu” được. Thế là phải xin cho “em” được sào . Đúng là “hay ăn thì lăn vào bếp”. Mà thực sự thì tôi thấy cái thú trong việc này. Ngoài ra, lúc rảnh thường hay nghêu ngao hát; và mê nghe nhạc, thích chép và thưởng thức những bài thơ của những thi sĩ thời Tiền chiến. Những Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng lư, Thế Lữ, Đinh Hùng, Nguyễn Bính v.v... là tôi không bỏ qua. Nhưng mới mẻ hơn, độc đáo hơn - vào lúc ấy- là thơ TTKH. Rồi thơ Nhất Tuấn, nhẹ nhàng, mới mẻ và rất...Đà lạt. Các bạn tôi hồi đó nàng nào cũng ngâm nga câu thơ, ân cần:

Noel xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau hàng dâu
Em cùng anh đi lễ
Cùng chung lời nguyện cầu
Mimosa bừng nở
Đẹp như tình ban đầu....

Mặc dù hồi ấy tôi cũng chưa biết “theo mốt” để có mối “tình đầu” cũng như chẳng có “tình cuối” gì vội, tôi chỉ hơi “vương vấn” nhẹ nhàng một chút thôi; nhưng vẫn thấy thơ Nhất Tuấn là ...có lý. Nữ sinh Đàlat thời ấy mấy ai mà không biết thơ Nhất Tuấn và thơ TTKH. Nhất là đối với  những ai đã biết hẹn hò? Riêng tôi, tôi thích thơ nhất Tuấn vì cái vần điệu, và vì có hoa mimosa tôi thích. Thuần túy chỉ có thế. Nếu thơ TTKH là sầu khổ thì thơ Nhất Tuấn lại dễ thương, trong sáng và hi vọng.  Bạn bè tôi thường thuộc nằm lòng mấy câu thơ “thời thượng” đầy gợi cảm và gợi hình của thi sĩ Nhất Tuấn: “Áo tím quần đen dáng dịu hiền, Nơ xanh buộc tóc lại thêm duyên”. Tôi cũng như các bạn khác, thường chép lại thơ vào môt tập thơ riêng để lúc rảnh ngâm nga, thưởng thức. Không hiểu sao tôi yêu thơ, yêu nhạc đến thế. Cứ mỗi lần gia đình tôi, bố mẹ và anh em - thường hay đi ciné hoặc xem những đoàn cải lương Thành Được-Thanh Nga v.v...nếu nhằm hôm có nhạc yêu cầu là tôi lại thoái thác để ở nhà nghe, nhất là nghe ban Hợp Ca Thăng Long.

Tôi mê Thái Thanh từ hồi còn nhỏ, khi bắt đầu biết yêu thích tân nhạc. Lúc bấy giờ chép thơ dường như đã trở thành cái “mode” của nữ sinh BTX nói riêng, và có lẽ là chung cho tất cả các nữ sinh một thời tại các trường. Nhưng vói riêng tôi, những "vần thơ sầu rụng" ấy đã theo tôi suốt chiều dài của đời học sinh và cả thời sinh viên nữa. Thơ tiền chiến, nhạc tiền chiến là một cái thú khó bỏ. Ngoài ra, còn là sách Tự Lực Văn Đoàn mà tôi mê đọc; và đọc say sưa, nhưng phải đọc ... lén ba tôi. Những sách viết chung của Khái Hưng và Nhất Linh từ “Đôi Bạn”, rồi “Đoạn Tuyệt” cho đến “Nửa Chừng Xuân'. Nào là “Lạnh Lùng”, “Gánh hàng hoa”, với “Đời Mưa Gió”....Đủ cả, “thập loại chúng ...truyện”.  Đấy, thú vui và bổn phận của tôi có chừng đó. Chưa phải lo lắng gì nhiều ngoài chuyện bài vở, sách đèn.  Tôi còn có thêm một nhiệm vụ khác nữa là để ý việc “bếp núc” một chút với chị giúp việc; đồng thời cũng giúp mẹ những chuyện lặt vặt khác, như để ý việc nhà cừa gọn ghẽ v.v...Con gái, “tập làm, tập ăn” mà! (Nghe như có vẻ như “con nhà lành”, “đảm đang”, nhưng thực sự chỉ là vô tư).  Bây giờ nghĩ lại cứ "như đá ngây ngô" vậy.

Không hiểu tại sao, lúc ấy trong lòng tôi chẳng chút ưu tư , cũng không biết nhõng nhẽo, đòi hỏi gì cả. Nhưng tôi biết là chắc chắn nhiều cô nữ sinh hay nhõng nhẽo. Tôi còn nhớ khi đã lên lớp đệ tứ thì tôi bắt đầu thấy mơ mộng rồi. Còn bạn tôi thì một vài nàng bắt đầu dấu hiệu muốn làm “cách mạng” hay “nổi loạn”. Có lẽ phải như thế mới “sống động” hơn tôi. Nhưng, cũng “may” là những bạn ấy lại không nằm trong nhóm mấy cô bạn ngoan hiền, hoc giỏi kể trên. Còn tôi thì chằng có gì... đáng nói. Có chăng chỉ là một sự cảm nhận về những năm tháng của tuổi học trò mà bây giờ nhớ lại sao thấy thật êm đềm, không sóng gió. Nhiều lúc nhớ lại cả một quãng thời niên thiếu tôi thấy rất quý...Thật quả "Ôi êm ái là thời gian cắp sách” vì cuộc đời chưa có gì là vất vả cả, tôi chưa kịp thấy khổ sở bao giờ... Đặc biệt quãng thời gian đi học ở Đàlat đối với tôi là một kỷ niệm rất êm đềm và khó phai. Bây giờ hồi tưởng lại, biết bao điều để nói mà chưa một lần viết ra...

 

Bây giờ và ở đây

Ngày nay khi được anh Hoàng Kim Châu,Trưởng Ban Báo chí nhắc viết bài, tôi rất phấn khởi, rất náo nức để viết; nhưng nhiều lúc vì công việc bề bộn, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Cuộc đời tôi, chỉ nguyên quãng đời học sinh thôi, cũng đã đầy ắp những kỷ niệm. Mà những kỷ niệm ấy -đúng như nhà văn Thanh Tịnh nói- tôi chưa lần nào ghi lên giấy, nhưng thực ra đã “ghi” trong đầu rất nhiều. Thế mà mỗi lần định viết, tôi lại “ấp úng không ra được nửa lờì”. Mà đã viết, thì ... một bài thành hai. Cũng chỉ vì toàn những ý nghĩ lung tung xô đẩy, chen lấn, nên tôi quên cả thời gian, không gian. Chỉ viết, và viết, chẳng suy nghĩ...

Hình như tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao ...lạ, sao “thiên di”. Vì thế nên cứ dời đổi luôn. Nhưng cũng chính vì sự dời đổi đó mà tôi có lắm kỷ niệm; mà những kỷ niêm của tôi thường “rải rác” mỗi nơi một ít -toàn là những kỷ niệm của ngây ngô, khờ khạo.  Nếu nói theo tử vi thì cung “Thiên di” của tôi lại rất tốt. Và vì tốt, nên suốt đời ... lưu động. Mãi cho đến khi sang Canada, sống tại Ottawa, tôi mới có dịp “dừng bước giang hồ”, ở lâu một chút: 13 năm. Những tưởng thế là  xong. Nhưng rồi, lại một lần nữa, tôi tình cờ dời chân đến miền núí cao, biển xanh của Vancouver, đúng vào lúc bố mẹ tôi dời ra đó, khi một trong hai ngưòi anh của tôi đổi ra mở phòng mạch tại Vancouver. Lại cũng đúng vào lúc con gái tôi muốn theo chân cô bạn cùng lớp, ra ngoài này học tiếp, vì nó rất thích biển. Thế là  tôi lại một lần nữa, đi xa... Đành nghĩ: dù sao ở nơi xứ lạ, cũng có ngưòi thân chung quanh. Từ những ngày ở Việt Nam, nơi tôi ở lâu nhất là Đàlat...Mà cũng chỉ có 5 năm! Và bây giờ đã 16 năm ở Vancouver.  Nhiều lúc nhớ Ottawa, nơi tôi đật chân đến đầu tiên, nơi có Cộng đồng rất thân thuộc, nơi cha mẹ anh em tôi sống ở đó ngay từ buổi đầu tiên tị nạn, như là mối tình đầu, tôi chỉ muốn quay về lại “bên ấy”.

 

dalat

Hội ngộ năm 2010 sau mấy chục năm xa cách

 

Nhưng rồi, ở đâu cũng có những sinh hoạt gắn bó, ở đâu cũng tìm ra tình nhân ái, những cái rất chung và rất riêng. Và nhất là ở đâu cũng có thể tạo ra niềm an lạc cho tâm hồn là ở đó có hạnh phúc. Trong hoàn cảnh riêng, dù không ở một chổ, lúc nào và ở đâu tôi cũng cảm thấy hạnh phúc với chính mình. Đi trên những con đường lên cao, xuống thấp làm tôi nhớ Đalạt, những con dốc. Vì...không có dốc không phải là Đàlat.  Không có dốc, không phải là Vancouver. Thời tiết lạnh và khô ráo, có nắng vàng-một điều rất hiếm ở Vancouver- làm tôi thấy nhớ Đàlat nhiều, những năm xưa. Nhìn lại đời mình, trừ những năm “trời đất nổi cơn gió buị” không tránh khỏi, nói chung là một chuỗi ngày hạnh phúc, một thứ “hạnh  phúc lang thang”...như mây. Đơn giản. Và, hạnh phúc lớn nhất, chân thật nhất,  đáng quý nhất, lúc này là hội ngộ. Hội ngộ để được gặp lại bạn bè cũ, quen thêm bạn bè mới, và là những gắn bó thắm thiết chân thành của tình bạn,  sau khi ai cũng đã từng “trải qua một cuộc bể dâu”...Đó là những kỷ niêm êm đềm không dễ gì mua đươc

Nguyễn thị Ngọc Dung

Vancouver, một ngày Mùa Đông 2011