trường ĐHSP Saigon

BẾN MÊ

Tạ Quang Khôi


CHƯƠNG 13


Hôm sau Chuyên vừa đến trường thi, chưa kịp vào phòng hội đồng để biết mình sẽ phải coi ở phòng nào, một bạn đồng nghiệp ở trường cũ ghé tai chàng nói nhỏ :
"Hôm nay thi môn chính, toa phải cẩn thận vì moa nghe có một tổ chức gian lận qui mô đấy. "
Chàng ngạc nhiên hỏi :
"Sao toa biết ? Mà qui mô là như thế nào ?"
Người bạn nhún vai :
"Thì moa cũng chỉ nghe đồn thôi. Qui mô là có nhiều người tham dự một cách khoa học."
"Đại khái như thế nào ?"
Người bạn cười như khinh sự khờ khạo của chàng, đáp :
"Lắm lúc moa thấy toa...ngố đếch chịu được. Có cả một ngàn lẻ một cách gian lận, nhưng dễ nhất là tráo các bài thi. Cách này chỉ các ông, bà chánh, phó chủ khảo làm nổi thôi. Các thí sinh cứ làm bài, nộp bài như thường, rồi khi tập trung các bài thi để rọc phách và đánh số mật mã, những bài trong tổ chức gian lận sẽ được thay thế bằng những bài hay hơn, đúng hơn. Nếu thí sinh chỉ muốn đỗ hạng thứ để trốn lính, người ta chỉ cần tráo một hay hai bài quan trọng. Nếu muốn có hạng như bình thứ, bình hay ưu để được đi du học, nhiều bài sẽ được tráo hơn. Tất nhiên giá cả cũng theo từng mức mà tính lên. Có khi cả triệu đấy !"
Chuyên ngạc nhiên :
"Sao toa rành thế ? Bộ toa đã ở trong tổ chức rồi ?"
Người bạn nửa đùa nửa thật :
"Moa đã từng cậy cục xin vào tổ chức mà chưa được."
Ngẫm nghĩ một lát, Chuyên lắc đầu :
"Lối tráo bài này không ổn vì sẽ phải móc nối nhiều người quá, chia chác chẳng bao nhiêu, lại dễ bị lộ. Ai cũng biết rằng khi coi thi, giám thị phải ký vào bài thi trước khi đem xuống phòng hội đồng. Vậy bài mới dùng để tráo lấy đâu chữ ký của giám thị, nếu hai người đó không ở trong tổ chức ? Mà nếu họ cũng ở trong tổ chức, tức là phải dùng nhiều người quá làm sao giữ kín được ?"
Người bạn cười :
"Ờ, toa nói cũng đúng đấy. Thế thì toa không ngố nữa."
Chuyên phì cười :
"Ngố thì vẫn ngố, nhưng mỗi khi làm việc gì cũng phải tính toán. Sau vụ bị lão Trương cho vào xiếc, moa cũng bớt ngố đi phần nào. Có nhiều nhiệt tình quá cũng chưa đủ mà còn phải khôn nữa. Theo moa, muốn gian lận một cách hoàn hảo, cũng chỉ tương đối thôi, phải gian lận ngay tại hội đồng giám thị."
Người bạn cười hì hì :
"Vì thế moa mới cảnh cáo toa bữa nay phải cẩn thận."
Sau đó, hai người chia tay. Chuyên phải coi một phòng thi trên lầu ngay đầu hành lang. Người cùng coi với chàng là một bà giáo dạy tiểu học đã lớn tuổi. Bà xuề xòa và dễ tính nhưng có nhiều kinh nghiệm trong việc coi thi. Trong khi chàng đi kiểm soát thẻ căn cước hay thẻ học sinh và thu góp giấy báo danh, bà đến từng dãy bàn xem kỹ lại các số báo danh được ghi bằng phấn trắng trên mỗi bàn. Rồi bà lẳng lặng viết lại những số bị thí sinh tự động bôi xóa để đổi chỗ ngồi. Khi Chuyên đã thu góp xong phiếu báo danh và căn cước, bà nhỏ nhẹ nói với cả phòng thi :
"Cô cậu nào không ngồi đúng số báo danh của mình ghi trên bàn, tôi sẽ đuổi ra khỏi phòng thi, coi như có ý gian lận."
Lời nói của bà tức thì có hiệu lực. Một vài thí sinh vội vàng đổi chỗ. Chuyên nhìn bà tỏ vẻ khâm phục. Chàng không ngờ bà lại khéo léo như vậy. Đâu cần phải la hét, đâu cần phải hùng hùng hổ hổ mà thí sinh cũng răm rắp vâng lời. Chàng hỏi khẽ :
"Chắc dì đi coi thi nhiều lắm rồi ? Cháu mới đi coi thi năm nay là năm thứ hai."
Bà cười :
"Tôi sắp về hưu, mà từ ngày đi dạy học, năm nào cũng phải coi thi ít nhất một lần nên quen quá rồi. Các cô các cậu ấy có mánh khóe gì là tôi biết hết. Mình cứ đề phòng trước, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng, chớ để khi chuyện xảy ra rồi mới giải quyết, mệt mình lắm."
Chàng thành thật khen :
"Dì giỏi quá ! Cháu được coi cùng phòng với dì thật là mừng."
Bà cười :
"Tôi chỉ làm theo thói quen thôi, chớ cũng chẳng giỏi dang gì."
Khi phát đề thi, bà lựa lấy một đề in rõ nhất giữ lại trên bàn giám thị. Hôm nay thi môn toán của ban B, hệ số 5. Nếu thí sinh ban toán làm được bài này thì coi như chắc chắn sẽ trúng tuyển, dù các bài khác có kém chút đỉnh. Bà cẩn thận dặn các thí sinh : "Chúng tôi có giữ một đề, nếu cô cậu nào nghi ngờ điều gì cứ cho biết để so sánh."
Từ phút đó, Chuyên hoàn toàn tin tưởng vào bà. Vì thế, khi trông thấy Hoằng lảng vảng đi ngoài hành lang, chàng chạy ra. Hoằng tỏ vẻ mừng rỡ :
"Ồ, thằng Chuyên ! Lâu quá mới lại gặp mày."
Chàng hỏi khẽ :
"Mày cũng coi ở trung tâm này hả ?"
"Đâu có ! Tao được miễn coi kỳ này. Vì thế, phải đi lang thang chơi. Mày hồi này thế nào ? Lâu lâu có gặp em Quỳnh không ?"
Chuyên lắc đầu :
"Người ta đã có chồng, dễ gì mà gặp được."
Hoằng liếc nhanh vào phòng thi, nắm tay Chuyên kéo hẳn ra ngoài hành lang, bảo :
"Nói chuyện lớn quá, chúng nó không làm bài được."
Hai người đến bên cửa sổ nhìn xuống sân trường. Hoằng vui vẻ kể lại những chuyện đã xảy ra ở nhiệm sở cũ của chàng sau khi chàng bị đổi đi. Anh nói huyên thuyên khiến chàng hơi ngạc nhiên. Thỉnh thoảng anh lại liếc nhìn về phía cầu thang. Một mối nghi ngờ thoáng hiện trong óc Chuyên, nhưng ngoài mặt chàng vẫn tỏ vẻ chăm chú nghe chuyện của bạn.
Hoằng bỗng ho khan mấy tiếng. Một người từ cầu thang đi lên. Chuyên tưởng đó là viên giám thị hành lang nên không quan tâm. Trong khi đó, Hoằng càng huyên thuyên hơn, hết chuyện nọ sang chuyện kia, chẳng có mạch lạc gì. Đang nói về Quỳnh bỗng đổi sang Liên. Hình như anh nói để mà nói, không cần nội dung câu chuyện. Viên giám thị hành lang nhẹ nhàng bước vào phòng thi, lớn tiếng hỏi :
"Ai cần giấy trắng ?"
Một thí sinh ngồi ở cuối phòng giơ tay. Viên giám thị hành lang mở cuốn giấy cầm tay đưa cho nó một tờ. Chuyên ngạc nhiên về sự đường đột đó vì giám thị hành lang không có quyền vào phòng thi phát giấy cho thí sinh một cách tự tiện như vậy. Chàng chợt hiểu chuyện gì đang xảy ra, nên định bước vào phòng thi để ngăn chặn. Nhưng Hoằng vội nắm lấy tay chàng, níu lại, nói :
"Mặc cha chúng nó. Đứng đây tán láo với tao đã."
Chàng giật tay ra, bước nhanh đến trước mặt người mà mới đầu chàng tưởng là giám thị hành lang. Chàng chặn hắn ở cửa phòng thi khi hắn vừa định bỏ đi, hỏi :
"Ông vừa đưa giấy gì cho thí sinh ?"
Đúng lúc đó, bà giám thị nói từ trong phòng :
"Ông Chuyên nè, người ta phát bài giải sẵn cho thí sinh."
Chuyên vội đáp :
"Xin dì giữ tài liệu đó và ghi tên thí sinh nhận bài giải."
"Dạ, tôi đã làm như vậy. Tôi giữ luôn cả thẻ học sinh của thí sinh ấy rồi."
Chuyên gằn giọng hỏi viên giám thị hành lang :
"Ai cho phép ông tự tiện vào phòng thi và đưa bài giải sẵn cho thí sinh ?"
Hắn hốt hoảng nói vọng ra ngoài :
"Hoằng, mày nói với ổng một câu đi."
Nhưng không có tiếng Hoằng đáp. Ngay khi nghe bà giám thị cho biết bắt được bài giải sẵn, anh đã vội bỏ đi. Viên giám thị hành lang giả tỏ ra lúng túng. Hắn muốn trốn đi mà Chuyên đã chẹn mất lối ra. Vừa lúc đó, viên chủ tịch trung tâm cùng một vài nhân viên dưới quyền tất tả đi tới. Khi còn cách Chuyên chừng vài bước, ông hấp tấp hỏi :
"Chuyện gì ? Có chuyện gì ? Gian lận hả ?”
Sau khi biết rõ chuyện truyền bài giải sẵn, viên chủ tịch bắt Chuyên làm biên bản ngay và tên thí sinh nhận bài bị đuổi ra khỏi phòng thi, lóng ngóng đứng đợi ở hành lang. Nhưng biên bản chưa có ai ký bỗng có người từ dưới nhà chạy lên, hổn hển nói với viên chủ tịch :
"Ông có điện thoại gấp."
Ông hấp tấp bỏ đi ngay, không kịp nói một lởi với Chuyên. Chàng chợt nhớ tới viên giám thị hành lang giả, nhìn quanh, không thấy hắn đâu nữa.
Không hiểu viên chủ tịch trung tâm đã nói chuyện với ai mà lúc trở lại, ông cho biết phải hủy biên bản và tha thí sinh phạm lỗi. Phải coi như không có chuyện gì xảy ra. Chuyên ngạc nhiên vô cùng, bèn lên tiếng phản đối :
"Không được ! Chuyện này không thể ỉm đi dễ dàng như vậy được !"
Viên chủ tịch vỗ vai chàng, chép miệng nói bằng một giọng hết sức thân mật :
"Tôi hoàn toàn đồng ý với ông, nhưng mình không làm thế nào khác được. Dù sao mình chỉ là những cấp thừa hành, phải tuân lệnh cấp trên."
Chuyên lắc đầu :
"Dù cấp trên là ai, tôi quyết phải đưa vụ này ra ánh sáng"
Viên chủ tịch thở dài :
"Ai cũng muốn có công bằng trong thi cử, nhưng ở đời này có ai thực hiện được ý muốn của mình đâu. Mình còn có cấp trên, cấp trên lại có cấp trên nữa..."
Ngừng một chút, ông tiếp bằng giọng đe dọa :
"Nếu mình cứ bướng bỉnh, thế nào cũng có ngày gặp rắc rối, lôi thôi."
Chuyên chợt nhớ lại vụ gian lận thi đệ thất của lão Trương năm trước. Chàng là người ngay thẳng, tố cáo sự gian lận, nhưng chính chàng lại chuốc lấy tai họa. Bây giờ biết đâu vụ này lại chẳng xảy ra giống như vụ trước ? Người ta gian lận có tổ chức quy mô, chàng chỉ là kẻ có thiện chí nhưng đơn độc. Sau những khó khăn dồn dập vừa qua, chàng bây giờ chỉ muốn sống yên thân với mối tình của Quỳnh. Chàng liếc nhìn tên thí sinh gian lận, rồi tặc lưỡi :
"Thôi được, đành nhắm mắt bỏ qua ! Cho nó vào phòng thi tiếp."
Từ lúc đó, Chuyên rất buồn và chán nản. Chàng mặc cho thí sinh coi bài nhau và hỏi nhau ồn ào. Chàng nói với bà giám thị cùng phòng :
"Người ta đã không muốn có công bằng thì mình cũng chả nên công bằng làm gì."
Bà giám thị đồng ý ngay :
"Đúng vậy ! Mà ông có biết ông chủ tịch nói chuyện điện thoại với ai không ?"
Chàng lắc đầu :
"Nghe ổng bảo là cấp trên, nên cháu đoán một ông hay bà nào đó trên nha, trên bộ hay toà tỉnh trưởng…"
Ngẫm nghĩ giây lát, bà nói :
"Tôi không tin tổ chức gian lận này phát xuất từ nha, từ bộ hay toà tỉnh. Tôi nghi chính ổng quá."
"Tại sao dì lại nghi như vậy ?"
"Nếu ổng không dính vô vụ này, cái anh giám thị hành lang giả làm sao vô lọt trung tâm thi ?"
"Nghĩa là ổng có ở trong tổ chức gian lận ? "
"Cái đó có thể lắm. Hồi này nghe người ta đồn nhiều về giá cả của mảnh bằng tú tài. Trong khi đó, lương giáo chức không đủ sống một tuần, ai cũng phải mần ăn thêm. Nếu tổ chức êm xuôi một vụ gian lận thì cũng kiếm khá bộn."
Suy nghĩ một lát, Chuyên gật đầu đồng ý :
"Dạ, dì nói rất phải. Tổ chức quy mô và có nhiều mối trong một trung tâm thì cũng khá lắm. Chia chác nhau rồi mỗi người chắc cũng được vài triệu."
Ngừng một chút, chàng đùa :
"Tiếc quá ! Giá họ móc nối với cháu trước thì đâu có xảy ra rắc rối như vừa rồi. Chính hôm qua ông chủ tịch trung tâm còn lên lớp cháu về sự công bằng của thi cử.."
Bà giám thị cười :
“Theo tôi, càng lên mặt đạo đức càng giả đạo đức.”
Chuyên khen :
“Dì hiểu đời quá “
Sau buổi coi thi nhiều bực bội, Chuyên tìm gặp một người bạn làm thư ký trong hội đồng giám thị để hỏi dò xem viên chủ tịch trung tâm đã nói chuyện điện thoại với ai khi đang làm biên bản gian lận ở phòng thi của chàng. Người bạn nháy mắt, hẹn gặp chàng ở ngoài cổng trường. Chàng phải dạo quanh sân trường gần mười lăm phút mới thấy bạn rời phòng hội đồng. Vừa gặp lại chàng, người bạn nói ngay :
“Thằng chả có nói chuyện điện thoại với ai đâu. Hắn từ trên lầu đi xuống, lục lọi tìm tòi cái gì đó trong đống hồ sơ một lúc rồi lại bỏ đi. Tôi cũng đoán biết có chuyện gì đó, nhưng mặc cha chúng nó, dây vào với hủi làm gì.”
Chuyên thắc mắc :
“Vậy sao ổng biết có chuyện gian lận trên phòng thi của tôi mà chạy lên ?”
“Có một người bất thình lình bước vào phòng hội đồng nói nhỏ với thằng chả cái gì đó, thế là hắn hấp tấp bỏ đi ngay.”
Chuyên đoán người báo tin đó chính là Hoằng. Chàng nhớ trong khi chàng chặn viên giám thị hành lang giả ở cửa lớp thì Hoằng biến mất, rồi viên chủ tịch trung tâm xuất hiện bất ngờ để giải thoát cho viên giám thị hành lang giả. Bây giờ chàng biết chắc có một tổ chức gian lận quy mô ở trung tâm này. Chàng hỏi bạn :
“Cậu có tin rằng hiện có gian lận rất lớn ở trung tâm này không ?”
Người bạn nhún vai :
“Tin hay không tin cũng mặc cha chúng nó…Nhưng tôi còn biết rõ hơn cậu nhiều. Chẳng hạn về giá cả cũng chia làm nhiều loại. Tối ưu bao nhiêu, xuống dần đến hạng thứ bao nhiêu. Đậu có hạng cao để đi du học. Chỉ cần đậu, dù là đậu vớt, để trốn lính. Tất cả đều có giá của nó.”
Chuyên thở dài :
“Đất nước này đến hồi suy vi rồi. Ngành giáo dục đã thành vô giáo dục…”
Người bạn cười :
“Bây giờ cậu mới than như vậy kể cũng hơii muộn đó. Từ ngày bọn lính tẩy nhảy bàn độc thì miền Nam này đã rách hơn tổ đỉa. Lại còn cái nạn kỳ thị bè phái trong ngành giáo dục nữa. Thấy mà phát tởm. Bán thân bất toại mà vẫn cứ cho giữ cái chức hiệu trưởng, không chịu bàn giao cho người khác. Đó là một vết nhơ không sao rửa sạch được.”
Chuyên nhìn bạn đăm đăm, dè dặt :
“Hình như cậu cũng,,,dân Nam Kỳ mà…”
“Hừ, Nam thì Nam chớ, cái gì cũng phải có lý của nó. Quá trớn coi không được.”
Chuyên không nói thêm gì nữa vì chàng cũng không thân với người bạn này. Tuy thế, chàng vẫn tin bạn bất mãn thật sự..

Tạ Quang Khôi


 xem tiếp  14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26