trường ĐHSP Saigon

BẾN MÊ

Tạ Quang Khôi


CHƯƠNG 18


Theo chương trình của Hoằng, Chuyên phải xin nghỉ chấm thi để “rộng chân rộng cẳng” chạy việc quanh các hội đồng giám khảo. Rất may là chàng vẫn còn giữ giấy nằm bệnh viện vào dịp cuối năm học ở ngôi trường nơi biên khu. Khi chàng nộp đơn xin nghỉ chấm thi, nha khảo thí đã nhanh chóng bỏ tên chàng ra khỏi các hội đồng giám khảo.
Chưa bao giờ Chuyên hồi hộp bằng lúc này. Đây là lần đầu tiên chàng tham dự một tổ chức gian lận, dù gian lận về bất cứ chuyện gì. Nhưng chàng cũng tự an ủi là gian lận trong kỳ thi lấy bằng cấp sẽ không gây thiệt hại cho các thí sinh khác. Trong một kỳ thi tuyển, số thí sinh được tuyển có hạn, gian lận sẽ có thể khiến những thí sinh xứng đáng được tuyển bị loại một cách oan uổng. Trong khi đó, thi lấy bằng, thí sinh nào đủ điểm qui định sẽ trúng tuyển. không bị một ảnh hưởng nào của sự gian lận. Lương tâm của chàng đỡ bị dày vò một phần. Vả lại, chung quanh chàng, cả một xã hội đầy bất công mà có ai thèm tìm cách đem lại công bằng cho những kẻ bị đè nén, ức hiếp đâu. Kẻ có quyền, có thế vẫn nghênh ngang, hãnh diện làm những điều phi pháp. Người thấp cổ bé miệng vẫn chịu đựng mọi thiệt thòi, không một ai bênh vực. Chàng có trong sạch, ngay thẳng cũng không ai biết đến để khen thưởng, để ca tụng. Phần thiệt thòi mình vẫn gánh chịu. Vụ tên hiệu trưởng liên kết với viên tỉnh trưởng ăn hiếp chàng, đuổi chàng ra khỏi tỉnh, vẫn còn làm chàng uất ức chưa nguôi. Có ai bênh vực chàng đâu, chỉ có một mình Quỳnh tìm cách an ủi chàng thôi..
Thật ra, khi cộng tác với Hoằng trong tổ chức gian lận này, Chuyên cũng không phải làm gì vì Hoằng đã sắp xếp mọi chuyện, kể cả những chi tiết nhỏ nhặt. Điều này chứng tỏ anh đã có nhiều kinh nghiệm. Chuyên chỉ là một liên lạc viên dưới quyền sai bảo của Hoằng. Việc chuyển bài giải cho thí sinh hoặc việc tìm biết mật mã của các xấp bài thi đều có những người thông thạo phụ trách.
Mọi việc trôi chảy một cách tốt đẹp, không có một “trục trặc kỹ thuật” nào xảy ra. Cuối cùng. Hoằng vui vẻ nói với Chuyên :
“Xong rồi ! Gà của em Quỳnh chắc chắn sẽ được đi du học và có thể được học bổng, khỏi phải tự túc.”
Chuyên nghi ngờ :
“Mới thi xong, làm
sao biết được sớm quá thế?”
Hoằng quả quyết : “Tao nói tối ưu là tối ưu, nếu chỉ hạng ưu thường thôi, tao sẽ không lấy một xu teng nào. Tối ưu là phải được học bổng đi du học là cái chắc, không còn nghi ngờ gì nữa. Mày về bảo em Quỳnh là nên liên lạc ngay với nha du học bộ Dâm Dục để biết rõ niên khóa tới có những học bổng nào, ngoài cái học bổng nghèo nàn Colombo. Nghe đâu hồi này các trường đại học Mỹ cũng cho nhiều học bổng lắm đó. Mình không xí phần trước là chúng nó dấu nhẹm để chia chác với nhau đó.”
Chuyên tỏ vẻ ngạc nhiên :
“Sao cái gì mày cũng rành quá vậy ?”
Hoằng cười hì hì :
“Mày cứ theo hầu tao ít lâu là mày cũng rành như tao. Phải giao thiệp rộng thì mới làm cái nghề...gian dối này được. Thật thà, ngay thẳng như mày thì chó cũng không thèm chơi. Thời buổi kim tiền phải có lợi mới có bạn...hiền...”
Chuyên im lặng. Trong thâm tâm, chàng không muốn “dấn thân” sâu hơn nữa vào cái xã hội “kim tiền” đầy gian dối của Hoằng. Chàng thầm hứa sau vụ này chàng sẽ xa lánh tổ chức của Hoằng. Chàng tin rằng Quỳnh cũng chẳng ưa gì chuyện gian lận này. Nàng vì chồng mà cũng vì người yêu nên mới bất đắc dĩ phải liên hệ với Hoằng.
Trước một ngày công bố kết quả cuộc thi, Hoằng hí hửng tìm Chuyên báo tin :
“Đúng như tao đã nói , nó đậu tối ưu.”
Chuyên không vui mà cũng không buồn, hững hờ đáp :
“Thế à ? Tao sẽ cho vợ chồng Quỳnh biết...À, còn vụ tiền bạc thì sao ?”
Hoằng tỏ vẻ ngạc nhiên :
“Ủa, mày không biết gì sao ? Bọn tao đã cho người đến lấy tiền cách đây mấy bữa. Tiền có trao, cháo mới múc. Để sau khi niêm yết kết quả, chúng nó trở mặt không chịu giao tiền nữa thì làm sao ? Bọn tao phải nắm đằng chuôi chứ. Nếu không nhận được tiền thì tên của thí sinh sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển trước khi được in và chính thức công bố. Chả lẽ em Quỳnh không nói gì với mày về chuyện tiền bạc ? Tao đã liên lạc thẳng với em vì biết mày không thích chuyện chạy chọt này. Mấy bữa nữa mày cũng có chút phần vì đã có công...chạy cờ.”
Chuyên gạt đi ngay :
“Không, tao không nhận một cắc nào của chúng mày đâu.”
Hoằng cười, thản nhiên nói :
“Tao hiểu, mày chê đồng tiền nhớp nhúa chứ gì ? Đối với tao, đồng tiền nào cũng thơm như...múi mít hết. Khi tao đem xài, chả có một mống nào chê cả. Ai cũng đút vào túi nhanh như máy.”
Ngừng một chút, Hoằng đề nghị :
“Hay là tao dùng phần của mày để mời đớp một bữa cho vui. Để tao coi mời những ai nhé. Vợ chồng em Quỳnh, mày, tao và thêm con Liên nữa...”
Chuyên liền phản đối :
“Không, nếu có con Liên, tao sẽ không đi ăn. Mặt mũi nào tao còn nhìn lại nó nữa sau khi nó dàn cảnh cho một thằng đàn ông đuổi tao...Mà tao chắc Quỳnh cũng không muốn ngồi ăn chung với nó.”
“Quỳnh không thích con Liên thì tao hiểu vì em ghen, còn mày thì vì thù hận...”
Chuyên nhún vai :
“Mày muốn nghĩ sao cũng được,tao bất chấp, miễn là đừng có dính dấp gì với con nhỏ đó.”
Hoằng nhìn bạn đăm đăm, rồi nói đùa :
“Mày chỉ là một tên bạc tình thôi. Tao biết tâm sự con Liên. Nó không dám lấy mày chỉ vì nó yêu mày quá. Nó nghĩ rằng thà cứ xa cách nhau mà lòng thường nghĩ đến nhau còn hơn là gần nhau để rồi đi đến khinh ghét nhau...Đó mới là tình yêu cao thượng.”
Chuyên hỏi đùa
: “Còn thế nào là tình yêu...sàng thượng ?”
Rồi chàng nói thêm ngay :
“Nếu mày cứ dính dấp với con Liên, tao đành nhận phần của tao để mày khỏi mời mọc lôi thôi.”
Hoằng vui vẻ :
“Thế là đúng ! Khỏi phải tính toán lôi thôi. Tao với mày cũng không nợ nần gì ráo.”
Mấy ngày sau khi có kết quả kỳ thi, Hoằng tìm đến tận nhà Chuyên để trao cho chàng một phong bì dầy. Chàng không cần biết là bao nhiêu, ném ngay vào một hộc tủ sau khi tiễn bạn ra về. Hoằng cũng không nói rõ số tiền trong bao thư vì biết chàng không thích nhắc nhở tới nó.
Chuyên muốn quên ngay bao thư đó đi nhưng không phải dễ dàng. Chàng cảm thấy lòng mình buồn bã, áy náy. Chàng coi số tiền đó là một vết nhơ trong lương tâm mà chàng hổ thẹn với chính mình. Chàng có ý định để mặc nó nằm trong hộc tủ rồi quên nó đi.
Nhưng khoảng hơn một tháng sau, chàng đổi ý vì một chuyện mới xảy ra trong kỳ thi Tú tài phần hai, khóa hai. Chuyện này đã làm chàng thêm thất vọng với cấp chỉ huy ngành giáo dục.
Buổi sáng hôm ấy, Chuyên đang chăm chú chấm một xấp bài Anh văn chợt nghe phòng bên cạnh có tiếng ồn ào. Chàng chỉ ngạc nhiên nhưng không chú ý. Trong khi đó, viên trưởng ban Anh văn chạy sang phòng bên nghe ngóng, rồi trở về nói oang oang :
“Ban triết vừa khám phá ra một vụ gian lận. Một bài triết viết hay đến nỗi giám khảo không sửa nổi một chữ, lý luận vững chắc không thể chê vào đâu được. Xứng đáng được điểm tối đa là hai mươi trên hai mươi.... Nhưng như các vị đều biết bài nào muốn được điểm tối đa phải toàn ban chấp thuận. Thế là bài đó được đọc cho cả ban Triết cùng nghe. Khi nghe xong, một vị giám khảo quả quyết bài thi này là bài gian lận. Ông trưởng ban xem xét lại cả xấp bài, khám phá ra rằng bài không có số thứ tự do giám thị ghi lúc coi thi, nghĩa là bài đã được đưa lén vào sau này. Vì thế cả ban Triết đồng ý ký tên vào biên bản xin điều tra.”
Câu chuyện mới chỉ có tính cách nội bộ thế mà hôm sau một số báo Saigon đã loan tin có sự gian lận từ Nha Khảo thí vì chỉ có nhân viên nha này rọc phách và đánh số mật mã nên mới có thể thay đổi bài thi được. Đến ngày thứ ba thì câu chuyện nổ lớn như một trái bom trong ngành giáo dục. Hầu hết các nhật báo Saigon lên án sự gian lận, tráo bài trong kỳ thi. và yêu cầu chính phủ phải có biện pháp...Nhưng sự tố cáo ồn ào này đã để lộ bộ mặt kỳ thị của phe người Nam. Họ đã dựng chuyện, gài bẫy để tìm cách trục xuất vị giám đốc Nha Khảo thí là một người Bắc kỳ di cư. Phe nhà giáo Bắc và Trung vì yếu thế, không được chính quyền yểm trợ nên đành chịu trận, không có phản ứng nào đáng kể. Phe Nam có hậu thuẫn rất mạnh là một ông giáo già lãnh tụ của nhóm người Nam kỳ thị lúc đó đang làm thủ tướng chính phủ. Tất nhiên giám đốc nha khảo thí mất chức, nhường cho một giám đốc mới là người Nam trong nhóm liên trường.
Sau biến cố bẩn thỉu này Chuyên không còn một chút tin tưởng nào ở ngành giáo dục nữa. Các cấp lãnh đạo giáo dục phe Nam đã phản lại nguyên tắc giáo dục khi họ tìm cách lừa dối, phản bội đồng nghiệp. Từ đó, chàng thấy sự trong sạch, ngay thẳng của mình chỉ là những quan niệm lỗi thời nếu không muốn nói là ngớ ngẩn. Từ đó, chàng bắt đầu không coi trọng lương tâm chức nghiệp nữa.
Một hôm, chàng chợt nhớ tới bao thư mà Hoằng đã trao cho chàng để trả công chàng tham dự vào tổ chức gian lận. Chàng moi hộc tủ và cẩn thận đếm số giấy bạc trong bao thư. Bây giờ chàng mới biết chàng được trả công hai chục nghìn. Không mừng mà cũng không áy náy, chàng dùng số tiền đó để mời Quỳnh một bữa trong một tiệm ăn lớn và sang trọng trong Chợ lớn.
Vào những ngày cuối hè, sắp sửa phải trở về nhiệm sở, chàng và Quỳnh thường gặp nhau. Có hôm họ dám liều đưa nhau đi tắm biển ở Vũng Tàu. Nhưng tình càng khăng khít, họ càng phải giữ gìn thận trọng hơn. Nàng chỉ cho phép chàng nắm tay nàng, nhưng quyết liệt chống cự khi chàng muốn tiến xa hơn.
Trước ngày chia tay nhau, người ra miền Trung với chồng, kẻ lặn lội về miền biên khu hẻo lánh, Chuyên hỏi về việc thay đổi nhiệm sở của Diên. Quỳnh cho biết nàng trở về trường lần này để làm đơn xin theo chồng đến một tỉnh rất gần Saigon. Nàng cũng nhắc đến việc xin đổi cho Chuyên đang được xúc tiến một cách tốt đẹp. Nàng tin chắc trong một thời gian ngắn nữa chàng sẽ được đổi về Saigon. Rồi nàng cười :
“Anh và em sẽ gặp nhau dễ dàng hơn. Như vậy cũng tạm mãn nguyện rồi.”
Chàng lắc đầu :
“Còn phải xa em anh còn đau khổ, làm sao mãn nguyện được...Không lấy được em, anh sẽ sống độc thân suốt đời.”
Nàng khẽ thở dài :
“Em cũng buồn thúi ruột chứ có vui gì đâu...Theo em, anh nên lấy vợ vì khi có gia đình anh sẽ phải lo bổn phận của một người chồng, rồi một người cha, sẽ dần dần khuây khỏa...sẽ quên em đi...”
“Bây giờ chỉ có anh và em đau khổ vì chuyện dang dở, nếu anh lấy vợ thì thêm một người nữa sẽ đau khổ. Anh không nỡ làm như vậy. Không yêu mà lấy sẽ không thể làm tròn bổn phận của người chồng.”
Nàng gật đầu công nhận :
“Lắm lúc em cũng thương anh Diên vì bao nhiêu tình yêu em đã dành cho anh hết. Diên chả đưôc gì. Vậy mà trước kia em cứ tưởng tình yêu sẽ nẩy nở khi hai người sống chung với nhau. Từ khi gặp anh, trong tim em chỉ có một hình bóng anh thôi. Trong khi đó, anh Diên yêu em tha thiết. Lắm lúc em thấy mình tội lỗi quá.”
Chuyên rụt rè đề nghị :
“Hay...hay em...ly dị...”
Không đợi chàng nói hết câu, nàng gạt phắt :
“Không được. Em không thể làm vậy được vì anh ấy đâu có lỗi gì. Diên vẫn yêu em hết lòng...Chỉ em là đáng trách thôi...Có lần anh ấy nửa đùa nửa thật dọa sẽ giết em nếu em bỏ anh ấy. Lén lút gặp anh như thế này, lắm lúc em cũng thấy mắc cỡ với lòng mình. Nhưng tình yêu em dành cho anh quá lớn nên không sao quên được anh... Thôi thì cứ đành giữ nguyên tình trạng này...”
“Cho đến trọn đời ?”
Quỳnh cúi mặt làm thinh, hai mắt rưng rưng, nhưng nàng cố nhịn, không bật khóc. Để lấy lại bình tĩnh, nàng đổi hướng câu chuyện :
“Khi nào nhận được giấy đổi về Saigon, anh tìm cách báo cho em biết ngay nhé. Em hẹn với người trung gian là chỉ khi anh nhận được giấy đàng hoàng em mới trả đủ tiền. Em chỉ mới đặt trước có một phần ba thôi.”
Chuyên ngại ngùng hỏi :
“Một phần ba là bao nhiêu ?” Quỳnh lắc đầu, mỉm cười hỏi lại :
“Anh biết để làm gì ?”
Rồi nàng đùa :
“Chính em cũng không biết...Thôi, đến giờ em phải về rồi. Mong rằng mình sẽ không phải xa nhau lâu nữa...Anh cứ vui lên ! Tương lai nhiều hứa hẹn lắm mà...”
Rồi hai người chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Nàng bay ra Trung, chàng trở về miền biên khu heo hút thiếu an ninh.
Tạ Quang Khôi


 xem tiếp  19 20 21 22 23 24 25 26