CHƯƠNG 23
Công việc bận rộn hàng ngày khiến Chuyên cũng quên đi chuyện tình giữa Viễn và Liên. Đôi khi chợt nhớ tới, chàng tính rằng có thể cuối tuần Liên sẽ đến tìm chàng theo lời yêu cầu của Quỳnh, chàng sẽ nói chuyện với cô về việc này.
Chiều thứ bảy, sau khi dạy hết giờ trường tư, Chuyên phóng xe về nhà với hy vọng sẽ trông thấy xe hơi của Liên chờ sẵn như tuần trước. Nhưng chàng hơi ngạc nhiên khi không thấy Liên đâu. Thật ra, chuyện của Liên không làm chàng thắc mắc nhiều mà nhờ cô chàng mới biết tin tức của Quỳnh. Liên đã trở thành cây cầu liên lạc giữa hai người.
Chuyên nghĩ rắng cô sẽ đến trễ, nên có ý chờ đợi. Nhưng suốt buổi tối hôm đó, không thấy bóng Liên đâu. Chàng vừa nóng bụng vừa ngạc nhiên. Sáng sớm hôm sau, chủ nhật, chàng chạy đến nhà Liên trong Chợ lớn từ lúc còn tờ mờ. Đến nơi, chàng càng ngạc nhiên hơn vì không thấy xe cô đâu. Tuy nhiên, chàng vẫn liều gõ cửa. Không ai trả lới, bên trong thật im ắng. Như vậy, cô không có nhà. Có thể cô đã đi suốt đêm. Thất vọng, chàng lủi thủi ra về. Thiếu tin tức về Quỳnh, chàng bỗng nhớ nàng vô cùng. Dù nhớ, dù mong, chàng cũng không biết làm thế nào hơn, đành chỉ biết chờ đợi.
Suốt một tuần không có tin tức gì của Quỳnh lẫn Liên, Chuyên càng nóng bụng và bồn chồn hơn. Chàng phải gặp Liên mới biết tin tức của người yêu, nhưng cô cũng biệt tăm luôn. Chàng trở nên thẫn thờ, bần thần, khiến việc dạy học cũng bị ảnh hưởng. Chàng thường nóng nảy khi vào lớp, nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh nên chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Chàng tính chiều thứ bảy sẽ cố gắng tìm cho ra Liên.
Sau mấy giờ cuối cùng ở trường tư, chàng chỉ định đảo qua nhà xem có Liên đợi không, Nếu không, chàng sẽ chạy thẳng vào Chợ lớn. Nhưng chàng gặp Hoằng. Vừa trông thấy chàng, anh hỏi ngay :
“Mày có biết tin gì chưa ?”
Chàng ngơ ngác :
“Tin gì ? Quỳnh đau ốm hả ?”
Hoằng phì cười :
“Mày thì lúc nào cũng chỉ biết có em Quỳnh thôi. Không, em vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, sống hạnh phúc bên chồng. Còn một điều quan trọng hơn nữa là em đã...quên mày rồi. Đừng có hy vọng gì nữa...”
Chuyên nghe nhói trong tim. Dù không tin lời Hoằng, dù biết anh chỉ nói đùa để chọc tức, chàng cũng cảm thấy đau đớn vô cùng.
“Thôi, xếp chuyện em Quỳnh lại. Tao báo cho mày một tin nửa vui nửa buồn...là con Liên của mày đã được tên thầy bói tỏ tình và hứa hẹn sẽ chính thức cưới làm vợ. Ít lâu nay, hai đứa đi chơi lu bù với nhau. Chúng nó mới từ Vũng Tàu về....Mày có biết nửa vui nửa buồn là làm sao không ? Vui là vui cho con Liên, buồn là buồn cho mày. Nếu thằng Viễn thật tình yêu và muốn lấy nó, con Liên sẽ được hưởng một cuộc đời sung sường. Mày thì mất một người tình phòng hờ dù mày không yêu nó bằng em Quỳnh. ”
Chuyên nghe bàng hoàng cả người. Chàng không biết có nên mừng cho Liên không ? Ngay lúc này chàng chỉ thấy tự ái của mình bị tổn thương. Mới mấy hôm trước, khi nghĩ đến chuyện Viễn có thể yêu Liên, chàng đã mừng cho cô, thế mà hôm nay nghe chuyện Hoằng, chàng lại thấy khó chịu trong người. Chính chàng cũng không hiểu nổi lòng mình nữa. Chàng nghi ngờ hỏi Hoằng :
“Làm sao mày biết chuyện của chúng nó ?”
Hoằng nhìn bạn, cười hề hề :
“Tiếc rồi hả ? Mày chê nó, lúc nào cũng chỉ mê có em Quỳnh thì phải để nó kiếm chỗ khác chứ. Hôm thứ năm, con Liên dẫn thằng thầy bói về giới thiệu với mẹ nó. Trước khi lên Saigon, hai đứa ghé trường thăm tao. Tao cũng bị bất ngờ khi thấy chúng nó đi cặp kè bên nhau. Thằng thầy bói tỏ vẻ hãnh diện lắm. Của đáng tội, con Liên không son phấn trông vẫn đẹp như một nữ sinh trung học. Thằng Viễn mê là phải.”
Chuyên rụt rè hỏi :
“Thằng Viễn có biết...rõ về con Liên không ?”
Hoằng đáp ngay :
“À, điều đó mày khỏi lo. Nhân lúc con Liên mải tíu tít nói chuyện với mấy thầy, cô giáo cũ, tao kéo thằng thầy bói ra xa hỏi nhỏ nó đã biết rõ con Liên chưa mà vội tính chuyện cưới hỏi. Nó cho biết con Liên đã kể hết với nó. Nó coi là dĩ vãng, không đáng kể. Từ nay trở đi, con Liên chỉ biết có nó thôi. Chính tao cũng không ngờ thằng Viễn lại phóng khoáng, mới mẻ như vậy. Cứ tưởng nó học cổ văn thì phải cổ lỗ sĩ chứ.”
Chuyên lại hỏi :
“Ai chỉ đường cho nó tìm được nhà con Liên ? Nó hỏi tao, tao còn dấu.”
“Có ai chỉ đâu. Chính con Liên tìm đến nhà nó mà. Hình như nó muốn hỏi riêng thằng thầy bói điều gì đó..Thằng Viễn thì cứ khen lấy khen để số con Liên rất tốt, vượng phu ích tử. Đúng là duyên số. Trước đây mấy tuần, hai đứa có quen biết nhau đâu.”
Chuyên cười gượng :
“Thì tao cũng mừng cho nó, nhưng có điều hơi kẹt cho tao là...mất đường dây liên lạc với Quỳnh. Nó vẫn đứng giữa để cho tao biết tin tức Quỳnh và cho Quỳnh biết về tao. Hai tuần nay rồi, tao chả có tin tức gì về Quỳnh hết.”
Hoằng vỗ vai bạn :
“Tao thành thật khuyên mày nên quên em đi. Đã đến lúc mày phải nghĩ đến tương lai hạnh phúc của mày. Em đã có chồng, dĩ nhiên em phải quên mày. Đừng trông mong gì ở em nữa...Chả lẽ mày cứ ôm mối tình tuyệt vọng, không lối thoát này suốt đời sao ?... Tao nói thật, như thế là mày ngu, không phải là chung tình đâu.”
Chuyên yếu ớt chống chế :
“Thì ...thì đã có lần...tao quyết định lấy con Liên...Chỉ tại nó..không giữ lời hứa với tao thôi...”
“Khi không giữ lời hứa với mày, nó cũng có lý do chính đáng của nó...Mà thôi, quên chuyện cũ đi. Hãy nghĩ đến tương lai thì hơn.”
Chuyên buồn bã :
“Tao làm gì có tương lai nữa...Không có Quỳnh thì đời tao còn gì để mà mong. Tất cả đều vô nghĩa....Không có Quỳnh thì còn gì vui đâu...”
Hoằng nhìn Chuyên chằm chặp, rồi lắc đầu :
“Không ngờ mày lại ủy mị, si tình đến như vậy. Người ta có chồng rồi, mày phải nnìn thẳng vào thực tế...Có lẽ phải cho mày vào Thủ đức để chúng nó quần cho tỉnh người ra mới khôn được. Chết thật, thanh niên như mày thì đất nước này còn hy vọng gì nữa...Thôi, sửa soạn đi đớp với bọn tao tối nay cho đỡ buồn.”
“Bọn mày là những ai ?”
“Thì em Minh của tao chứ còn ai vào đây nữa. Hồi này mày ngơ ngơ ngẩn ngẩn như thằng mất hồn ấy.”
“Mất hồn thật chứ như gì nữa...Đã mất tiêu em Quỳnh, bây giờ lại không còn cả con Liên. Chưa phát điên là may lắm đó.”
Hoằng vỗ vai bạn :
“Cứ từ từ...rồi mày cũng phát điên cho mà coi...Mấy lần hạnh phúc đến tay mà không chịu nắm lấy, bây giờ còn trách ai nữa.”
Nghĩ rằng có ở nhà cũng chỉ luẩn quẩn nhớ đến hai người đàn bà, càng buồn thêm, Chuyên đành theo bạn đi chơi. Hoằng và Minh đưa chàng đến một tiệm ăn có ca nhạc sống. Trong bữa ăn, Hoằng còn tiết lộ thêm một vài chi tiết về mối tình của Viễn và Liên. Trong khi kể lể nỗi truân chuyên của mình, Liên đã sụt sùi khóc, khiến Viễn không sao cầm lòng được. Cô đã kể thật hết mọi chuyện, từ lúc hiểu lầm Chuyên đến lúc phải bỏ nhà lên Saigon kiếm việc làm giúp gia đình. Mới đây Viễn tâm sự với Hoằng là chuyện của cô như tiểu thuyết tình cảm đầy nước mắt. Viễn phục cô đã nói thật hết, không dấu diếm một chi tiết nào, kể cả những chuyện lấy chồng hờ để có tiền gửi về cho các em đủ điều kiện tiếp tục học. Rồi Hoằng kết luận :
“Tao cho như thế là nó khôn. Thà cứ nói thật, nếu thằng Viễn chịu thì tiến tới, còn không cũng chưa ai thiệt hại gì. Dối gạt quanh co rồi thằng Viễn cũng sẽ biết, lúc ấy không những tan vỡ mà còn nhục nhã, ê chề nữa.”
Càng nghe chuyện tình Viễn và Liên, Chuyên càng xót xa, đau buồn và nuối tiếc. Tối hôm ấy, chàng đã uống hơi nhiều bia nên lúc ra về đi không vững, bước loạng choạng, Hoằng phải đỡ ra xe.
Sáng hôm sau, Chuyên thức dậy khi trời đã gần đứng bóng. Chàng cảm thấy trong người bải hoải, mệt mỏi. Qua cửa sổ, trên cao, trời xanh và trong sáng, nhưng lòng chàng lại ảm đạm, buồn bã. Nghĩ rằng phải làm cái gì cho khuây khỏa, chàng gượng ngồi dậy. Mấy xấp bài tập của học trò cần trả trong tuần tới nằm chất đống trên bàn giấy đập vào mắt chàng khiến chàng hăm hở đánh răng, rửa mặt, rồi bắt tay vào việc ngay. Nhưng chàng chỉ mới chấm được nửa bài, đã phải quẳng bút xuống vì chẳng hiểu gì hết, đầu óc trống rỗng. Hính bóng Quỳnh và Liên chập chờn hiện ra trước mắt chàng, làm chàng không sao tập trung được tư tưởng.
Chuyên thẫn thờ lên lầu xuống gác, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như kẻ mất hồn, không biết làm gì cho hết thời giờ. Chàng nghĩ rằng chàng nên chạy ra ngoài để nhìn thấy xe cộ, người đi kẻ lại tấp nập trên đường phố may ra mới xua đuổi được hình bóng hai người đàn bà đang làm tinh thần chàng bấn loạn. Chàng dắt xe gắn máy ra khỏi nhà, rồi tự hỏi không biết nên đi đâu. Nơi nào có thể làm chàng quên được Quỳnh và Liên ? Chàng lái xe chạy vòng vòng từ Saigon vào Chợ lớn, đảo qua nhà Liên. Vẫn thấy cửa đóng im ỉm, cũng không thấy xe hơi của cô. Chàng trở ra Saigon, đi qua nhà Viễn. Cũng vắng hoe. Chàng phân vân không biết có nên vào gặp Viễn không ? Mà chắc đâu anh có nhà. Ngày chủ nhật có thể anh đã đi chơi với Liên. Nếu có gặp, chàng cũng không biết nên nói chuyện gì với bạn. Chàng cũng có thể gặp Liên ở trong nhà Viễn. Chàng sẽ nói gì với cô ? Chàng ghen ? Lấy tư cách gì ?
Ngập ngừng truóc cửa nhà Viễn năm, muòi phút, Chuyên đành rồ ga bỏ đi. Chàng chạy ra bến Bạch Đằng ngồi trên một ghế đá nhìn xuống sông, nuóc chảy lững lờ. Chàng ngồi bất động rất lâu, lòng nặng sầu muộn, khi trời xế bóng mới uể oải lái xe chạy về nhà. Mùi xào nấu đồ ăn từ bêp tỏa ra ngào ngạt khiến chàng nhớ ra rằng từ sáng chưa ăn uống gì, nhưng không thấy đói. Chàng lên lầu, vào phòng riêng, để cả quần áo nằm vật ra giường. Chàng không biết nên làm gì bây giờ. Chàng nghĩ rằng chỉ có một con đường duy nhất là làm sao gặp đuọc Quỳnh chàng mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng làm thế nào để có thể gặp được nàng ?
Buổi tối, không thấy Chuyên xuống ăn cơm, mẹ chàng cho người lên hỏi, chàng nói dối là bận chấm bài, sẽ ăn sau. Nhưng rồi chàng không ăn uống gì vì không đói. Suốt đêm, chỉ nằm vật vã, trằn trọc, ngủ chập chờn nên sáng dậy chàng nghe mệt mỏi lạ thường. Thế mà đến giờ đi dạy học, chàng cũng miễn cưỡng dắt xe ra khỏi nhà. Nhưng buổi dạy học hôm đó là một cực hình đối với chàng. Dù đã cố hết sức bình tĩnh và tập trung tư tưởng vào việc giảng bài, chàng vẫn thấy lòng bồn chồn, nôn nao. Có lúc chàng trở nên nóng nảy, bực bội vô cớ. Vì lương tâm chức nghiệp, vì mấy lớp chàng dạy hôm đó đều là lớp sắp đi thi, chàng cố gắng hoàn tất nhiệm vụ một cách tương đối tốt đẹp.
Chuyên giữ bình tĩnh được hai ngày đầu tuần, đến ngày thứ ba, chàng bắt đầu gắt gỏng, bực bội với học sinh. Hôm ấy chàng vào một lớp vẫn nổi tiếng là nghịch phá nhất trường, đã có lần học sinh xì xào sau lưng chàng. Một đứa nói :
“Ổng trông cũng đẹp trai, cao ráo, sạch sẽ đấy chứ.”
Tức thì có một đứa khác hỏi :
“Bộ mày có chị hay em gái muốn gả cho ổng sao ?”
“Ồ, tiếc quá ! Chị tao mới lấy chồng, em gái tao vừa theo trai mất rồi...Nhà chỉ có một con sến là độc thân thôi...”
“Suỵt, đừng có nói bậy.”
“Tao nói bậy đâu. Bộ khen ổng đẹp trai không được sao ?”
Chuyên phải làm ngơ trước những lời xì xào ấy vì nghĩ rằng cũng chẳng xúc phạm đến chàng nhiều. Đó là những ngày chàng còn bình tĩnh và vui vẻ.
Hôm nay chàng vừa vào lớp đã có tiếng xì xào :
“Ổng ốm hẳn đi, chúng mày ạ. Không biết có phải ổng bịnh không ?”
“Mới tuần trước ổng còn vui vẻ, khỏe mạnh, hôm nay khác hẳn, chắc...chàng bị ái tình quật rồi. Tao đoán ổng đang bịnh tương tư...”
Chuyên vụt quay về phía đám học trò xì xào, quắc mắt hỏi :
“Các anh nói gì đó ?”
Cả lớp đều im lặng. Chàng lần lượt nhìn mấy đứa nghịch nhất lớp, nhưng cũng không đoán được đứa nào vừa nói. Chàng đành mở sách, bắt đầu giảng bài. Khi đến phần thực tập đọc, chàng bắt mỗi học sinh đọc một câu ngắn. Một học sinh phát âm chữ “p” thành “b”. Chàng sửa đi sửa lại mấy lần mà không được. Thế là chàng mất bình tĩnh. Chàng đập bàn quát :
“Đồ ngu, có vậy mà cũng không đọc nổi. “To pay”, không phải “to bay”
Thằng nhỏ đâm hoảng, luống cuống đọc :
“To bay !”
Chàng liền chạy đến trước mặt nó, tát thật mạnh, rồi la to :
“Đồ ngu ! Mày chỉ là một thằng ngu.”
Cả lớp im phăng phắc. Tên học trò bị đánh cúi mặt thút thít khóc. Trở vè bàn giáo sư, chàng ngồi phịch xuống ghế. Chàng thoáng thấy một vài gương mặt ngơ ngác, bất mãn. Chàng nhận ngay ra sự vô lý của mình và bắt đầu hối hận. Chàng chưa biết nên nói gì hay làm gì, một học sinh giơ tay xin nói. Đó là một trong những đứa tỏ vẻ bất mãn. Chàng chưa cho phép, nó đã đứng lên nói :
“Thưa thầy, theo em, thầy không nên coi chuyện phát âm sai là quan trọng. Có những vùng người ta không nói được chư “p”. ..Thầy đã đánh oan thằng Thực.”
Bị bắt bẻ công khai trước mặt tất cả các học sinh trong lớp, Chuyên bị chạm tự ái. Chàng chồm ngay dậy la to :
“Mày bảo tao đánh oan thằng Thực ? Chúng mày bênh nhau hả ?”
Tên học sinh phản đối vẫn bình tĩnh :
“Dạ, em cho là thầy đánh oan thằng Thực..”
“Nghĩa là nó không có lỗi gì khi không phát âm được chữ ‘p’ ?”
“Thưa Thầy không, vì từ thuở nhỏ, chúng em quen nói như vậy rồi, chưa bao giờ tập sửa. Bây giờ lưỡi đã quen nói ‘b’. Muốn sửa cũng phải có thời gian, làm sao sửa ngay được trong một vài phút.”
Chàng chợt nhớ tới một số học sinh cũ, nhưng vì tự ái không chịu nhận lỗi, lắc đầu nói :
“Không được ! Học sinh ngữ là phải học phát âm đúng.”
“Thưa thầy, em không dám cãi lời thầy, nhưng xin thầy cho chúng em một thời gian để sửa từ từ. Hơn nữa, khi đi thi chúng em không phải vô vấn đáp, việc sửa giọng cũng không cần kíp lắm.”
Chuyên thầm công nhận nó nói có lý, nên đành giữ im lặng. Thoáng trong một giây, chàng thấy ngượng với lòng. Chàng đưa mắt nhìn xuống phía dưới. Bọn học sinh vẫn ngồi im lặng, không một đứa nào nhúc nhích, không một tiếng động. Tên học sinh chống đối vẫn đứng sừng sững ở cuối lớp. Chàng không biết nên xử trí với nó ra sao.
Rất may cho Chuyên là trong lúc chàng lúng túng, chuông ra chơi reo vang. Có một điều khác với thường lệ, dù đã được ra chơi, học sinh trong lớp vẫn im lặng như tờ. Chàng uể oải đóng sách lại rồi uể oải đứng lên bước ra cửa. Học trò bèn rào rào đứng lên để chào tiễn chàng. Dừng bước ở cửa lớp, chàng đưa mắt nhìn tất cả học sinh một lượt, vẫy tay cho phép ngồi xuống. Ra tới đầu cầu thang, chàng mới nghe chúng nó cùng “ồ” lên một tiếng. Chàng cảm thấy hối hận đã nóng nảy đánh một học sinh chỉ vì lỗi không phát âm đúng. Chuyện phát âm sai có gì quan trọng đâu., chàng đã không từng gặp nhiều trường hợp như thế rồi sao ? Những lần trước chàng đã kiên nhẫn sửa giọng cho học sinh, không một chút tức giận. Thế mà lần này chàng lại dễ nổi giận để chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Chuyên vừa rửa tay xong, chưa kịp rót nước uống, Lượng, giám học đã đến cạnh, vỗ vai, mời chàng sang văn phòng của ông. Sau khi đóng cửa , Lượng thân mật hỏi :
“Thế nào ? Vừa rồi toa có chuyện gì lủng củng, phải không ?”
Chuyên ngạc nhiên :
“Sao anh biết lẹ quá vậy ?”
“Lúc toa đánh thằng học trò, moa tình cờ đi qua. Moa có dừng lại một chút để nghe một học sinh phân trần.”
Chuyên gượng cười :
“Vậy là anh biết rõ cả rồi...”
“Chỗ anh em, moa nói thiệt, đánh chúng nó làm đếch gì...nhất là vì cái cớ không quan trọng ấy. Khi nào chúng nó hỗn, hãy đánh. Nhưng đó là trường hợp bất đắc dĩ...Toa nên nhớ rằng có nhiều người không phát âm nổi chữ ‘p’...và nhiều chữ khác nữa.”
Chuyên gật đầu thú nhận :
“Tôi cũng thấy tôi nóng...một cách vô lý...”
Lượng nhìn chàng đăm đăm, rồi hỏi :
“Toa có chuyện gì không ? Mấy bữa nay moa thấy toa...làm sao ấy.”
“Làm sao là...làm sao ?”
Lượng ngập ngừng :
“Như toa có... chuyện gì lo buồn...Toa ít nói chuyện, suy tư nhiều...Hay...Hay toa...thất tình ?”
Chuyên làm ra vẻ ngơ ngác :
“Thất tình ? Tôi có tình với ai đâu mà...thất.”
“Có người nghi vậy. Nói cho ngay, cứ nhìn cái vẻ thẫn thờ của toa, chính moa cũng nghi toa thất tình. Nếu moa có thể giúp được toa, hãy nói thiệt cho moa biết,”
Chuyên lắc đầu :
“Không có chuyện gì hết, cảm ơn anh đã sốt sắng đề nghị giúp đỡ.”
“Thôi được, moa cũng chẳng muốn đi sâu vào đời tư của toa. Nhưng moa dặn toa một điều là khi vào lớp không nên nóng nảy vì khi mình nóng thế nào cũng có hành động thiếu suy nghĩ, chẳng có lợi gì hết. Mình chỉ nên dạy dỗ vừa đủ với số lương... chết đói nhà nước phát cho mình thôi.. Học trò dốt hay giỏi cũng mặc xác chúng. Mình sốt sắng quá, lo cho học sinh nhiều quá, có ngày cha mẹ chúng đến tận trường khiếu nại, bênh con, là lôi thôi to đấy.”
Sau khi nói chuyện với Lượng, Chuyên thấy băn khoăn hơn. Chàng tự hỏi chàng có thất tình không ? Chàng mất luôn cả hai người đàn bà có liên hệ tình cảm với chàng Quỳnh đành yên phận với chồng, Liên mới bỏ chàng để chạy theo Viễn. Trong thâm tâm chàng vẫn nghĩ rằng quyết định của cô là đúng. Có lẽ sự việc xảy ra đột ngột quá khiến tinh thần chàng không thích ứng kịp. Chàng tự nhủ sẽ cố vui để việc dạy học không bị ảnh hưởng.
Chuyên vào phòng giáo sư, ngồi riêng một chỗ, không muốn nói chuyện với ai. Trong khi đó, các bạn đồng sự đang bàn tán xôn xao về tiền lương chết đói của giới công chức nhà nước. Họ cho rằng với số tiền chính phủ “bố thí” cho họ hàng tháng không đủ tiêu một tuần, chả nên có quá nhiều lương tâm, cứ tà tà. Cuộc thảo luận đang gay go, chuông vào học reo vang. Mọi người chỉ ngừng lại một chút để nghe chuông, rồi tiếp tục lên tiếng chỉ trích chính phủ, đặc biệt bộ giáo dục với đầy tinh thần kỳ thị. Lượng xuất hiện để thúc giục mọi người vào lớp vì học trò đang chờ đợi. Chuyên vội vã đứng lên ngay, nhưng Lượng khẽ nói với chàng :
“Moa muốn nói chuyện với toa mấy phút..”
Chờ cho mọi người đã đi hết, chàng hỏi :
“Chuyện chi vậy, thưa anh ?”
“Moa vừa gọi thằng trưởng lớp xuống, la cho một trận, bắt chúng nó phải xin lỗi toa. Moa dọa toa định không dạy chúng nữa, chúng sợ lắm.”
Chuyên ngạc nhiên :
“Chính tôi cũng có lỗi vì không bình tĩnh...Thôi chuyện qua rồi, bỏ đi.”
Lượng lắc đầu :
“Không được. Lơ đi luôn lần sau chúng nó còn hỗn láo hơn nữa. Toa mất bình tĩnh là chuyện riêng giữa toa và moa. Học trò phải kính trọng thầy, không thể mỗi lúc một cãi nhau tay đôi với thầy được. Vậy, lát nữa, chúng nó cử đại diện đến xin lỗi, cũng nên nói vài lời an ủi cho chúng mừng.”
Chuyên mỉm cười :
“Kể làm như vậy, mình cũng hơi ức hiếp chúng nó. Khởi đầu do lỗi của tôi. Từ lâu tôi vẫn biết có nhiều người không phát âm đúng được một số chữ, thế mà sao lúc đó tôi lại nổi giận một cách dễ dàng và vô lý như vậy.”
Lượng nhìn chàng bằng đôi mắt soi mói :
“Còn sao nữa...Chắc chắn toa đang trong tình trạng thất tình nên tinh thần bị khủng hoảng...À, hôm mới đây, tôi gặp Hoằng, nó bảo toa thất tình thật chứ không phải đùa đâu.”
Chuyên chột dạ :
“Anh cũng quen Hoằng sao ?”
“Thoạt tiên, nó với tôi quen nhau trong các kỳ thi, rồi sau này có một vài áp phe làm chung, trở nên thân nhau.. Nó tiết lộ toa mất một lúc những hai người chứ không phải một. Như thế thì nặng chứ đâu nhẹ.”
Chuyên chưa biết nên nói gì, Lượng đã bảo chàng như ra lệnh :
“Thôi, toa lên lớp đi, trễ rồi. Lát nữa mình nói chuyện tiếp.”
Chuyên vội vã ra khỏi phòng giáo sư. Các lớp học đã im phăng phắc. Sân trường vắng hoe. Khi đi qua lớp chàng mới bắt bẻ về cách phát âm, chàng thấy một giáo sư toán đang vẽ hình lên bảng. Một vài học trò quay ra nhìn chàng bằng đôi mắt thiếu thiện cảm. Chàng làm ngơ, bước thẳng, chợt có tiếng nói lớn vọng từ trong lớp ra : “Khùng !”
Chuyên đứng dừng ngay lại, nhưng không biết nên phản ứng cách nào. Tìm cho ra đúa vừa la to như vậy không phải dễ trong một lớp đông học sinh, vì không một đứa nào muốn mang tiếng phản bạn. Ngay cả khi tìm ra được “thủ phạm” chàng cũng không thể quả quyết nó chửi chàng. Thôi thì cứ đành làm ngơ cho xong, chàng thầm tự nhủ. Nhưng chàng vừa định bước đi, lại một tiếng “khùng” khác vang lên, tiếp theo là tiếng cười ồ của cả lớp.. Vị giáo sư đang giảng bài phải đập tay lên mặt bảng đen để lấy lại trật tự. Bây giờ mới thật khó xử cho chàng. Nếu bỏ qua như không có chuyện gì xảy ra, từ nay chàng sẽ bị học trò coi thường, không còn giảng dạy gì được nữa. Mà la mắng chàng không thể la trùm cả lớp. Cuối cùng chàng đành làm ngơ đi thẳng. Tiếng cười ồ của cả lớp tức thì đuổi sát sau lưng chàng.
Nhưng rắc rối vẫn chưa chấm dứt. Khi Chuyên bước vào lớp bên cạnh, một học sinh ngồi cuối lớp đã lớn tiếng chào đón chàng :
“Ông ‘to pay’ !”
Chàng quắc mắt nhìn tên học trò vẫn nổi tiếng ngỗ nghịch nhất lớp hỏi :
“Mày vừa nói gì ?”
Tên học trò giả bộ ngơ ngác :
“Em có nói gì đâu.”
Chàng liền quát :
“Đừng có chối ! Không mày nói thì còn ai nói nữa ?”
Nó bình tĩnh hỏi lại :
“Thưa thầy, em vừa nói gì ?”
“Mày...mày...vừa nói một câu tiếng Anh.”
“Ủa, em mà biết nói tiếng Anh ?”
Giọng nói của nó vừa chế nhạo vừa thách thức khiến chàng giận đến nghẹn cổ họng. Chàng đập tay xuống bàn la to :
“Mày lên đây !”
Nó lừng khừng :
“Lên thì lên.”
Chàng cố nắm chặt hai tay để cố giữa cho khỏi run vì tức giận. Chưa bao giờ chàng gặp một đứa học trò hỗn xược như vậy. Khi nó vừa ra khỏi bàn, chàng cho phép học sinh ngồi xuống. Đúng lúc đó, xen lẫn những tiếng ồn ào xô bàn đụng ghế, có mấy đứa nói với nhau, tuy nhỏ chàng cũng nghe được :
“Ông ‘to pay’ bắt đầu hách rồi đó.”
“Hách thì về mà dọa vợ.”
“Chưa có vợ thì dọa vợ hàng xóm.”
“Dọa sến thì có.”
Khi vừa hết ồn ào, chúng cũng không nói gì nữa.. Chàng đành làm ngơ, quay nhìn tên học trò đang đứng trước mặt hỏi :
“Mày vừa nói gì ?”
Nó bình tĩnh đáp :
“Em chả nói gì hết, nhất là...xổ tiếng Anh.”
“Mày dám nói với tao bằng giọng đó ?”
“Giọng đó là giọng gì ?”
Từ cuối lớp, có một học sinh đáp oang oang :
“Giọng Anglo-Saxon !”
Một vài tiếng cười khúc khích nổi lên. Chàng giận đến căm gan tím ruột mà không làm gì nổi, đành hất hàm hỏi :
“Mày tên gì ?”
“Thiết.” “Mày nói với tao mà không thưa gửi gì hết ?” “Thì...thưa thầy em tên là Thiết.”
Từ cuối lớp lại có đứa nói đổng :
“Thiết ‘giang mai’”
Thằng Thiết quay xuống nhe răng cười với các bạn :
“Câm cha chúng mày đi !”
Chuyên lại hỏi :
“Ba má mày làm gì ?”
“Thất nghiệp !”
Từ cuối lớp lại có đứa nói vọng lên :
“Ba nó thất nghiệp, má nó lấy Mẽo đó, thầy.”
Thiết lại quay xuống la to :
“Câm cha cái mõm chó chúng mày lại, tụi nhóc !”
Thấy mình mỗi lúc một bị trêu chọc nhiều hơn, mà thằng Thiết cũng mỗi lúc một hỗn xược hơn, Chuyên nổi giận vung tay tát nó một cái. Bị đánh bất ngờ, nó không kịp tránh, xoa má nói lớn :
“Thầy không có quyền đánh tôi.”
Chàng chỉ tay ra cửa, quát :
“Cút đi ! Tao không cho phép mày học giờ tao nữa.”
Nó bướng bỉnh lắc đầu :
“Thầy không có quyền đuổi tôi.”
Không muốn cãi cọ với nó, chàng liền xô mạnh nó ra cửa. Nó liền gạt tay chàng, la to :
“Thầy không có quyền đuổi tôi...Tôi chả có lỗi gì hết.”
“Mày vừa nói láo.”
“Thầy hỏi cả lớp xem tôi nói hay thằng Mộc nói .”
Chuyên điếng người. Chàng đã trừng phạt một đứa vô tội. Bây giờ đã lỡ rồi, biết làm sao ? Nếu quả thật nó không phải là thủ phạm trêu chọc chàng, chàng phải giải quyết cách nào để giữ được uy tín của mình ? Tuy nhiên ngoài mặt chàng vẫn cáu kỉnh hỏi :
“Tại sao mày không nói ngay từ lúc đầu ?”
Nó nhún vai một cách xấc xược :
“Tôi không phải là chó săn của thầy.”
Chàng muốn tát thêm cho nó một cái nữa, nhưng lại sợ rắc rối hơn. Chàng đành nhìn về phía cuối lớp, gọi :
“Thằng Mộc lên đây.”
Một tên học trò cao lênh khênh uể oải đứng lên hỏi :
“Thầy kêu tôi ? Có chuyện chi không ?”
Thấy thái độ hỗn láo của nó, chàng càng giận hơn, quát thật to :
“Mày lên đây...Tao bảo mày lên đây...”
Nó đứng yên ở chỗ, thọc hai tay túi quần, lắc đầu :
“Tôi không việc gì phải đi đâu hết. Thầy muốn nói gì, xuống đây mà nói.”
“À, thằng này láo. Đừng có giỡn mặt tao. Mày có lên không ?”
“Thầy có xuống không ?”
Thấy nó trả môi trả miếng, Chuyên bắt đầu mất bình tĩnh. Sự nhẫn nại trong lòng chàng tan biến nhanh chóng. Mạch máu hai bên thái dương chàng chuyển mạnh làm chàng nóng bừng mặt. Chàng nghĩ đến uy tín của một người thầy trong lớp nên càng nóng nảy hơn. Chàng bị dồn đến chỗ phải trừng trị trên học trò bướng bỉnh, hỗn láo để làm gương cho cả lớp. Chàng lao về phía nó. Trong khi đó, nó vẫn tỉnh khô, nhếch mép cười khinh bỉ, thách thức. Nhưng nó không cười được lâu vì một quả đấm bất chợt phóng thẳng vào giữa mặt nó. Không bấu víu vào đâu được, nó ngã ngửa về phía sau, đụng phải cái bàn dẫy dưới, đồng thời có cảm giác đau đớn như sống mũi vừa bị rập. Nó gượng đứng lên ngay, gườm gườm nhì Chuyên, rút khăn tay lau máu mũi. Chàng giơ tay định bồi thêm một quả nữa. Nó hoảng sợ xô bàn chạy về phía cửa sổ. Chuyên gầm lên :
“Mày tưởng chạy thoát tay tao được ư ?”
Nó đảo mắt nhìn quanh để kiếm một vật làm khí giới tự vệ. Nó chợt trông thấy một sợi dây cao su đen, to bản, hai đầu có móc sắt. Nó vội vồ lấy sợi dây, cầm lăm lăm trong tay, thách :
“Thầy dzô đi...”
Chuyên hùng hổ đáp :
“Mày tưởng tao sợ chăng ?”
Chàng lách qua hai bàn học trò, tiến về phía nó. Đúng lúc đó, một học sinh vụt đứng lên, la lớn :
“Mộc, sao mày dám hỗn với thầy ? Vất dây thung đi.”
Thằng Mộc cãi :
“Ổng uýnh tao trước...Tao phải có cái này để phòng thân.”
“Cũng không được. Mày không được phép làm vậy.”
“Bộ ổng được phép uýnh tao ? Mẹ kiếp, đừng tưởng ăn hiếp tao mà được. Tao chẳng sợ thằng nào hết. Uýnh tao, tao uýnh lại.”
Vừa nói xong, nó chợt thấy Chuyên đã đến bên. Nó vội đưa sợi dây cao su lên cao để quất xuống đầu thầy, nhưng không hiểu nghĩ sao lại bỏ chạy ra ngoài hành lang, rồi biến mất. Cả lớp bỗng cười ồ lên như vừa xem một trò vui.
Chuyên hầm hầm trở lại bàn giáo sư. Học sinh Thiết vẫn còn đứng đó, đang nhăn nhở cười. Chàng bèn hỏi :
“Cười cái gì ?”
Nó lừng khừng đáp :
“Tôi cười thằng Mộc...Chạy nhanh như nó có thể chạy đua trăm mét ở thế vận hội được. Thầy cũng có cú đấm thẳng rất độc.”
Biết nó cố tình chọc tức mình, Chuyên quắc mắt, quát :
“Câm ngay ! Cút về chỗ !”
“Thì cút !”
Lại có một vài tiếng cười trong đám học sinh.
Chuyên bỗng thấy chán nản, mệt mỏi lạ thường. Chàng gieo người, ngồi phịch xuống ghế., đưa hai tay ôm lấy đầu. Cả lớp im lặng như tờ. Thoáng nghĩ lại rất nhanh chuyện vừa xảy ra, chàng bắt đầu hối hận. Chàng nhận thấy mình đã quá nóng nảy, hồ đồ. Chàng không hiểu tại sao chàng có thể nổi điên như vậy ? Đánh một lúc hai học sinh vì một cái cớ không đâu. Chàng tự hỏi nếu thằng Mộc không bỏ chạy, cứ quật sợi dây cao su vào đầu chàng, cục diện sẽ biến ra như thế nào ? Một cuộc ẩu đả trong lớp học. Nếu chẳng may chàng bị nó đánh có thương tích, uy tín của chàng có còn đủ để chàng đúng giảng trong lớp nữa không ? Đối với cả hai học sinh hỗn láo, chàng sẽ phải có biện pháp nào ? Đưa chúng ra hội đồng kỷ luật ? Thằng Mộc đáng bị trừng phạt, còn thằng Thiết ? Chàng đã trừng phạt oan nó. Tha nó ? Nếu được tha, nó còn nghe lời chàng nữa không ? Chưa bao giờ chàng gặp một trường hợp khó sử như lúc này. Đáng lẽ ngay từ đầu chàng phải cho gọi giám thị tới để họ đối phó với hai học sinh hỗn láo này, vì đó là nhiệm vụ của họ. Chàng cứ giảng bài, còn chuyện kỷ luật giám thị phụ trách. Người ta đã phân công như vậy, sao chàng không theo đúng ?
Thấy không thể ngồi im mãi được, Chuyên uể oải ngửng lên nhìn học trò. Đứa nào cũng ngồi ngay ngắn, hai tay để trên mặt bàn, mắt đăm đăm hường về phía chàng, như chờ đợi. Chàng uể oải mở cặp, lấy sách ra, nói bằng một giọng mệt mỏi :
“Nào, chúng ta bắt đầu học. Các anh mở sách ra.”
Tức thì cả lớp có tiếng rào rào.
Nhưng Chuyên chưa kịp bắt đầu, Lượng đã xuất hiện ở cửa. Chàng ngạc nhiên nhìn ra, im lặng chờ đợi. Lượng nói lớn :
“Moa muốn gặp toa có chút chuyện.”
Chàng thong thả bước ra. Lưỡng kéo chàng ra sát bờ tường trông xuống sân, rồi hỏi khẽ :
“Toa vừa đập một thằng, phải không ?”
“Đúng. Nó hỗn quá làm tôi điên tiết lên.”
“Moa hiểu. Thỉnh thoảng moa cũng đập một đứa khi nó hỗn láo quá, nhưng không bao giờ moa đấm vô mặt chúng, nguy hiểm lắm.”
“Tôi cũng biết vậy, nhưng lúc đó không còn suy nghĩ gì được hết. Đúng là giận quá hóa điên.”
“Nó chảy hơi nhiều máu, nhưng không sao. Cũng may là nó lớn rồi, nếu không cũng hơi phiền.”
“Bây giờ anh tính sao ?”
“Moa cũng định hỏi toa câu đó.”
“Tôi...thì chả biết tính sao hết...Mình có lỗi là nóng quá...”
“Suỵt ! Toa nói khẽ chứ. Đồng ý là toa nóng, song đừng có nhận lỗi trước mặt học sinh. Theo moa, toa nên đề nghị đưa nó ra hội đồng kỷ luật..”
“Còn một thằng nữa...”
“Thằng nào ? Nó làm gì toa ?”
Chuyên kể sơ cho Lượng nghe chuyện vừa xảy ra, rồi kết luận :
“Thế là tôi đánh oan thằng Thiết.”
Ông ta lắc đầu :
“Oan chỗ nào ? Nó hỗn với toa thì toa tát nó phải rồi, còn oan uổng gì nữa. Toa cứ đưa cả hai thằng ra hội đồng kỷ luật, rồi xin tha cho thằng Thiết. Như vậy nó mới sợ và phục toa.”
“Bao giờ triệu tập hội đồng kỷ luật ?”
“Cứ có đề nghị của toa là moa cho mời họp ngay.”
“Hội đồng sẽ có biện pháp gì với thằng Mộc ?”
“Tùy hội đồng. Nhưng theo moa, đuổi phứt đi cho rồi. Hạng đó để tiếp tục học là còn loạn.”
Chuyên e ngại :
“Đuổi hẳn sợ có nặng quá không ?”
Lượng lại lắc đầu :
“Không nặng đâu. Hỗn láo với thầy là phải loại trừ thẳng cánh. Con mà hỗn với cha, cha từ; trò hỗn với thầy, thầy đuổi. chẳng lẽ cái đất nước này không còn kỷ cương gì nữa sao ? “
Ngừng một chút, ông tiếp :
“Tuy nhiên, moa sẽ hội ý với ông tổng giám thị.”
Chuyên ngập ngừng :
“Tôi nghĩ rằng chúng nó mới phạm lỗi lần đầu...”
“Làm sao toa biết là lần đầu ? Chỉ văn phòng giám thị mới biết được điều đó. Mỗi tuần toa chỉ vào lớp chúng nó có mấy giờ, trong khi giám thị theo dõi sát nút cả tuần. Khi họp hội đồng kỷ luật, giám thị coi lớp sẽ có ý kiến về hai trò đó, rồi tùy hội đồng quyết định.”
Chuyên tặc lưỡi :
“Thôi thì cứ đưa cả hai ra hội đồng kỷ luật rồi tính sau.”
Ông giám học vui vẻ nói :
“Moa báo ngay cho ông tổng giám thị biết.”
Bắt tay Chuyên xong, vừa định bỏ đi, ông chợt nói nhỏ : “Vụ thất tình của toa sẽ bàn tới sau vụ hội đồng kỷ luật.”
Chuyên đỏ mặt, ấp úng :
“Tôi...tôi..”
Rồi không nói tiếp được nữa. Ông giám học cười :
“Bị ái tình nó quật thì lao đao, vất vả là cái chắc....”
Khi viên giám học đi rồi, Chuyên thong thả bước vào lớp. Học sinh cả lớp vẫn ngồi im lặng chờ đợi, sách mở trước mặt. Chàng ôn tồn nói :
“Nào, chúng ta bắt đầu lại.”
Tạ Quang Khôi

xem tiếp 24 25 26