trường ĐHSP Saigon

BẾN MÊ

Tạ Quang Khôi


CHƯƠNG 24


Một tuần sau, hội đồng kỷ luật họp để sử hai học sinh hỗn láo với Chuyên. Phụ huynh của hai đứa đã được nhà trường gửi giấy mời nhưng không ai tới. Quyết định của hội đồng đúng như dự kiến của viên giám học. Mộc bị đuổi hẳn, Thiết chỉ bị ba ngày và có ghi vào học bạ. Vẫn còn mặc cảm mình nóng nảy, hành động thiếu suy nghĩ, Chuyên cho rằng hình phạt đó quá nặng với tội trạng của hai đứa. Chàng bèn xin hội đồng giảm án cho chúng. Tên Mộc chỉ bị đuổi cảnh cáo bảy ngày, còn tên Thiết được tha hẳn. Chàng muốn hội đồng chỉ áp dụng biện pháp kỷ luật tượng trưng để chúng có thể tiếp tục học hết niên khóa vì hơn một tháng nữa là nghỉ hè. Hội đồng chấp thuận đề nghị của chàng.
Vậy mà cả hai tên học sinh phạm kỷ luật vẫn trân trân, không coi chàng ra gì. Chúng vẫn bỏ giờ chàng dạy và còn xúi giục bạn bè chống đối chàng. Đa số học sinh trong lớp có thái độ bất hợp tác với chàng. Chúng ngồi im lặng, bất động như những pho tượng. Chàng hỏi, chúng không thèm trả lời. Nếu chàng gọi một đứa, nó sẽ đứng lên, nhưng chỉ trơ như một phỗng đá, không trả lời mà cũng giả điếc không nghe thấy gì hết. Chàng phải nén giận để khỏi gây chuyện lôi thôi. Dù vậy chàng cũng không hối hận vì đã tha tội cho hai tên Mộc và Thiết.
Ngoài sự bất hợp tác, chúng còn đặt tên cho chàng là “To pay”
“Lão “to pay” tới rồi kìa.”
“Lão “to pay” bữa nay trông bơ phờ quá. Chắc lại mới thua bạc.”
“Thằng cha “to pay” trông thiệt đáng ghét, chắc chả có gái nào mê nổi.”
“Dzậy mới ế vợ.”
“Em nào lấy phải thằng chả sẽ khổ cả một đời.”
Chuyên phải làm lơ như không nghe thấy những lời hỗn xược ấy. Nhưng chàng càng làm ngơ, chúng càng tưởng chàng sợ chúng. Dần dần các lớp chàng dạy, dù lớn hay nhỏ, đều gọi chàng bằng “bí danh” đó. Chúng còn cố tình phát âm sai để chọc tức chàng thêm. Bị trêu chọc mà không dám có phản ứng, chàng trở nên buồn bã, chán ghét nghề dạy học. Mỗi lần vào lớp, chàng coi như một cực hình. Bao giờ chàng cũng là người ngồi lâu nhất ở phòng giáo sư sau khi có chuông vào học.
Sau khi có kết quả kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt, học sinh bắt đầu thưa dần, nhất là các lớp phải đi thi. Giáo sư cũng không còn giảng bài nũa, thường đem từng xấp Thông tín bạ vào lớp để phê. Học sinh hầu như được tự do ra vào lớp học mà không bị kiểm soát.
Sân trường vắng hẳn học trò vào giờ ra chơi. Không còn tiếng la hét, không còn tiếng cười đùa và cũng không có cả những tiếng chửi thề tục tĩu nữa. Chuyên bỗng có cảm tưởng cái sân rộng thênh thang trước mặt chàng không còn là sân trường nữa. Chàng thoáng nghe buồn trong lòng.Chàng hơi ngạc nhiên thấy mình có nỗi buồn ấy. Phải chăng chàng còn tha thiết với nghề gõ đầu trẻ ?
Một hôm, viên giám học bất chợt tới tìm chàng. Ông vui vẻ hỏi đùa :
“Thế nào ? Thầy “to pay” có định đi chơi đâu xa trước các kỳ thi không ?”
Chuyên phì cười :
“Đến anh cũng gọi tôi bằng mỹ danh đó sao ? Anh phải cẩn thận, tôi có thể đưa anh ra hội đồng kỷ luật đó.”
Viên giám học bỗng đổi giọng :
“Thôi, không đùa nữa. Bây giờ moa hỏi thật toa nhé. Toa mê em nào đến độ thất tình, đau khổ vì em ? Cứ nói thật xem moa có giúp được gì không.”
Chuyên giữ im lặng một lát hơi lâu, rồi đáp :
“Hoằng đã nói với anh những gì ? Tôi muốn biết rõ để có thể nói thêm.”
Lượng suy nghĩ một chút, đáp :
“Nó nói toa có hai người yêu, bây giờ cả hai cùng bỏ toa...nên toa đau đớn đến phát khùng.”
Chuyên ngập ngừng :
“Thật ra, tôi chỉ có một người yêu thôi...Còn người kia chỉ là học trò cũ...Vì anh đã giúp tôi trong vụ lộn xộn với học sinh vừa rồi, để cảm ơn anh, tôi xin nói hết để anh rõ...Biết đâu anh lại chả giúp tôi thêm một lần nữa...”
Lượng vui vẻ :
“Nếu giúp được toa, moa rất sẵn sàng.”
Chuyên vắn tắt kể lại chuyện tình giữa chàng và Quỳnh và chuyện hiểu lầm của Liên. Cuối cùng, chàng kết luận :
“Quỳnh không bỏ tôi, nhưng vì nàng có chồng, không thể dễ dàng gặp tôi được. Còn đối với Liên, tôi rất mừng cho cô ta gặp được người đàng hoàng lại sẵn sàng quên dĩ vãng không mấy đẹp của cô ấy. Phải thẳng thắn công nhận Liên là người tốt, nhưng chỉ vì hoàn cảnh gia đình phải dấn thân vào cuộc đời mà người ta coi là nhơ nhuốc. Nhưng nhờ cuộc đời nhơ nhuốc ấy, cô ta đã cứu được gia đình, các em cô được học hành đến nơi đến chốn....”
“Bây giờ cô Quỳnh của toa ở đâu ?”
Chuyên cho Lượng biết ngay tên tỉnh Diên làm phó tỉnh trưởng và tên trường Quỳnh đang dạy học. Lượng bỗng reo lên :
“Ồ, vậy thì may ra moa có thể giúp toa được. Lâu toa không được gặp cô ấy nên nhớ thương đến phát khùng, chắc bây giờ mong gặp lắm, phải không ?”
Chuyên vui vẻ đáp ngay :
“Bất cứ lúc nào có thể gặp được, tôi cũng gặp ngay. Quỳnh là tất cả cuộc đời tôi.”
Lượng phì cười :
“Toa nói như tiểu thuyết ấy. Moa không ngờ toa lại lãng mạn như vậy. Thôi được, moa sẽ cố gắng tìm cách cho toa gặp người trong mộng của toa.”
Chuyên dè dặt :
“Tôi có thể tới tỉnh đó bất cứ lúc nào để gặp Quỳnh, nhưng chỉ sợ nàng không cho tôi gặp thôi, vì chồng nàng ghen lắm.”
Lượng trầm ngâm một lát rồi nói :
“Moa có thằng bạn dạy ở trường đó...Có thể nhờ nó tìm cách cho toa gặp cô Quỳnh một cách bí mật, không để cho tên phó tỉnh trưởng biết...”
Chuyên mừng rỡ :
“Nếu vậy thì hay quá...Bao giờ tôi có thể xuống đó được ?”
“Để moa tính xem nhé. Chắc toa phải đi càng sớm càng tốt vì sắp nghỉ hè trường đóng cửa...Giáo sư dạy trường đó phần lớn ở Saigon...”
Chuyên nôn nóng :
“Hay ngày mai tôi đi nhé...Bây giờ còn học hành gì nữa đâu, thông tín bạ tôi cũng ký xong cả rồi, đến trường cũng chỉ ngồi chơi...”
Lượng lưỡng lự một vài giây :
“Vậy thì...tốt nhất, toa xin giấy bác sĩ nghỉ vài bữa cho hợp lệ. Lỡ thanh tra có bất thình lình đền thăm trường, toa không có lỗi gì hết...Dù sao cũng nên đề phòng thì hơn.”
Chuyên vui vẻ :
“Điều đó quá dễ. Trưa nay tôi ghé phòng mạch bác sĩ quen là có ngay...Mai tôi nghỉ.”
“Cũng được. Để moa viết thư giới thiệu toa với thằng bạn moa, bảo nó cố gắng giúp đỡ toa...Giá moa biết chuyện của toa từ trước thì chắc toa không nổi khùng như những ngày vừa qua đâu.”
Chưa bao giờ Chuyên thấy cuộc đời tươi đẹp bằng lúc này, tương lai đầy hứa hẹn.
Hôm sau Chuyên hăm hở đi tìm Quỳnh từ sáng sớm. Chàng đến ngôi trường nhỏ bé của tỉnh lỵ cách Saigon có mấy chục cây số khi sân trường còn đầy học sinh vì chưa đến giờ vào học. Chàng tìm vào phòng giám thị, cho một nhân viên trong phòng này biết tên giáo sư chàng muốn gặp. Sau khi hỏi qua loa sự liên hệ giữa chàng và giáo sư đó, một người dẫn chàng sang phòng giáo sư. Chàng đứng cửa chờ đợi vì chàng không muốn gặp Quỳnh có thể đang có mặt trong đó. Một người đàn ông còn trẻ, trạc tuổi chàng bước ra cửa, ngơ ngác nhìn chàng. Chàng vội vàng tự giới thiệu và đưa bức thư của Lượng cho 6ng ta. Sau khi đọc thư, ông vui vẻ :
“Anh là bạn của Lượng thì cũng là bạn của tôi. Tên tôi là Phương, anh cứ gọi tên cho tiện. Chuyện này dễ quá. Hôm nay người đẹp sầu muộn cũng có giờ và đang ngồi bên trong. Bọn chúng tôi lén đặt mỹ hiệu cho cô Quỳnh vì lúc nào cô cũng buồn rười rượi, ít nói ít cười...”
Tim Chuyên bỗng đập nhanh hơn. Chàng định bước ngay vào phòng giáo sư để gặp Quỳnh. Nhưng Phương đã chặn lại :
“Không nên đột ngột quá và nhất là lúc có đông người trong phòng. Bây giờ thì tôi biết tại sao cô ấy sầu muộn. Cũng chỉ vì nhớ anh mà thôi.”
Chuyên càng thấy lòng mình náo nức. Chỉ còn cách người yêu có vài bước mà chàng vẫn chưa được nhìn tận mắt vẻ sầu muộn của nàng. Phương kéo chàng bước xuống sân trường, nói :
“Anh hãy tạm đứng núp một chỗ, khi có chuông vào học, tôi sẽ tìm cách giữ cô ấy lên lớp sau cùng để anh có thể nói chuyện riêng với cô. Như vậy sẽ không ai biết cô sẽ gặp anh. Tôi cũng nghe nói ông chồng của cô khó lắm. Cứ kín đáo tránh trước sẽ không làm phiền cho cô ấy.”
Thấy Phương bàn có lý, Chuyên đành nghe theo, dù trong lòng đang nóng như lửa. Khi Phương trở lại phòng giáo sư, chàng vào phòng giám thị ngồi đợi. Khoảng mười phút sau chuông vào học mới reo. Chàng ngó sang phòng giáo sư với một vẻ bồn chồn, sốt ruột. Chàng có cảm tưởng từ lúc chuông reo đến lúc có giáo sư đầu tiên bước ra khỏi phòng dài bằng cả một thế kỷ. Nhưng rồi phòng giáo sư cũng đã vắng. Chàng vội bước đến cửa chờ đợi. Từ trong phòng bỗng có tiếng nói lớn :
“Xin mời vào !”
Không đợi gọi đến tiếng thứ hai, chàng xuất hiện ngay. Cả phòng chỉ còn Phương và Quỳnh. Vừa thoáng thấy chàng, Quỳnh đã thảng thốt kêu :
“Anh Chuyên !”
Vì Quỳnh quay lung ra cửa sổ nên Chuyên không nhìn rõ mặt, chỉ thấy dáng gầy gầy của nàng. Chàng chợt nghe xót xa trong lòng. Chàng bước nhanh đến gần nàng trong khi Phương ra khỏi phòng. Chàng gọi khẽ :
“Quỳnh !”
Nàng liền xua đuổi :
“Anh về đi...Anh về đi...”

“Em đuổi anh ?” Nàng đáp nhanh :
“Nguy hiểm lắm...Anh về đi...”
Chàng liều lĩnh nói :
“Nếu có làm sao, anh cũng được thấy em lần cuối...”
“Em van anh...Anh về ngay đi...”
“Em hết yêu anh rồi sao ?”
“Không bao giờ...Không bao giờ...Vì yêu anh mà em đang chịu nhiều đau khổ. Xin anh hiểu cho lòng em..Anh hãy về đi...Cuối tuần này, em sẽ gặp anh.”
Chuyên nghi ngờ :
“Em nói thật hay định dối gạt anh ?
Nàng lắc đầu :
“Không, em không dối gạt anh đâu...Anh Diên sẽ đi công du ngoại quốc...”
Chuyên hiểu ngay, nhưng vẫn tiến lại gần người yêu để nhìn rõ mặt nàng cho thỏa nỗi mong nhớ. Chàng thấy nàng gầy xọp hẳn đi. Trong lòng chàng một niềm thương yêu bỗng rào rạt dâng lên. Chàng vụt nắm lấy bàn tay nhỏ bé, ấm áp của nàng khiến nàng giật thót mình, nhưng không rút tay ra. Hơi ấm từ tay này truyền thẳng lên tim chàng khiến chàng thấy người nóng ran. Chàng đắm đuối nhìn nàng, thầm thì bên tai nàng :
“Em có biết anh nhớ em vô cùng không ? Nhớ đến héo hắt cả lòng cả dạ, nhớ đến phát điên, phát khùng.”
Nàng gật đầu, nói thật nhẹ :
“Em biết... Em biết anh nhớ em cũng như em nhớ anh... Thế nào cuối tuần này mình cũng sẽ gặp nhau...Thôi, anh về đi, lỡ có ai thấy thì phiền lắm...Em có rất nhiều chuyện để nói với anh.”
Lần này thì chàng nghe lời nàng ngay, buông tay nàng ra, nhìn nàng đăm đăm như muốn nói thêm một câu gì nữa, nhưng lại ngập ngừng. Khi nàng sửa soạn lên lớp, quay mặt về phía cửa sổ, chàng mới nhìn rõ mặt nàng. Đôi mắt nàng đỏ hoe vì vừa khóc. Chàng nghe lòng tê tái, ngập ngừng hỏi :
“Tại...tại sao em khóc ?”
Nàng khẽ thở dài :
“Em gặp nhiều chuyện buồn quá mà chẳng biết tâm sự với ai...Bất ngờ gặp anh cũng làm em xúc động, em vừa mừng vừa sợ...Thôi, anh về đi, cuối tuần này thế nào em cũng sẽ gặp anh. Đừng bao giờ nghĩ rằng em hết yêu anh...”
Chuyên nhìn theo Quỳnh chậm rãi bước ra khỏi phòng giáo sư. Vẫn những bước chân khoan thai, vẫn dáng dấp mảnh mai quyến rũ. Chàng thấy lòng mình vừa nhẹ nhõm, vui vui vừa xót xa thương cảm. Khi nàng đã đi khuất lối cầu thang lên lầu, chàng mới nhanh nhẹn chạy xuống sân trường tìm Phương. Anh đang đứng một mình ở một góc vắng vẻ, phì phèo hút thuốc lá. Thấy Chuyên bước tới, anh hỏi ngay :
“Sao lẹ vậy ?”
Chuyên nắm lấy tay người bạn mới, ân cần nói :
“Cảm ơn anh rất nhiều. Quỳnh cho biết cuối tuần này sẽ lên Saigon gặp tôi.”
Phương vỗ vai chàng :
“Thôi, yên tâm rồi nhé. Thì ra cô ấy cũng nhớ anh quá mà héo hắt sầu muộn. Bây giờ anh có thể ăn no ngủ kỹ, chờ ngày gặp lại người tình trong mộng.”
Sau khi chia tay với Phương, Chuyên ra xe về ngay Saigon, lòng phơi phới. Chàng không còn sợ mất Quỳnh nữa. Nhưng chàng cũng hơi thắc mắc về chuyện đã làm nàng lo buồn đến gầy ốm đi, chắc chắn nàng không nhớ thương chàng đến độ ấy vì nàng biết chàng không thể quên được nàng. Vậy thì chuyện gì ? Nghĩ mãi không ra, chàng đành chờ đến ngày gặp nàng.
Thời gian chờ đợi tuy không đè nặng lên tâm hồn chàng đến có thể làm chàng phát khùng, cũng dài lê thê. Hai ngày chờ đợi, chỉ hai ngày thôi, mà chàng tưởng chừng cả mấy tháng trời.

Tạ Quang Khôi


 xem tiếp  25 26