Print

lamvanbe

 

Lâm Văn Bé là cựu SV ĐHSPSG, ban Sử Địa, khóa 1961-1964.
Các chức vụ đảm nhiệm trước 1975: Hiệu trưởng Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Chánh Sự vụ Sở Học chánh Định Tường. Tổng thư ký Viện Đại học Tiền Giang.
Master en Bibliothéconomie, Université de Montréal, 1978.
Giám Đốc một Thư viện của Thành phố Montréal (1980-2007).
Hiện ông đang hưu trí tại Canada.

 

 

Giáo dục Việt Nam không giống ai

 

Trong hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung Ương đảng khóa XI họp vào tháng 10 năm 2012 để thảo luận về cải tổ giáo dục, Tiến sĩ Hoàng Tụy, một nhà giáo lão thành và nhà toán học quốc tế đã phát biểu: Giáo dục của ta đang lạc điệu không giống ai, sự «không giống ai» nầy đôi khi chúng ta tự coi là bản sắc độc đáo để tự hào và cố gìn giữ. Sự lạc hướng, lạc điệu nầy nhìn từ gốc vấn đề tức là từ triết lý giáo dục, tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu đường lối, cung cách làm giáo dục. Nói cách khác, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy làm người…

Cũng trong buổi hội thảo nầy, bà Nguyễn thị Bình, nguyên Phó Chủ Tịch nước, một trong số ít người của Phong Trào Giải Phóng Miền Nam còn «sống sót » đã tuyên bố : Giáo dục VN đi ngược quy luật và GS Nguyễn Xuân Hãn, Ủy Viên Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia đã nói rõ hơn một tác hại trầm trọng của chánh sách giáo dục: Chương trình và sách giáo khoa hiện nay có hại cho học sinh. (Hoàng Tụy. Giáo dục của ta đang lạc điệu /giaoduc.net.vn ngày 01/10/2012)

Chuyện giáo dục VN là chuyện dài bất tận. Trong giới hạn trang giấy, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề chính yếu mà nói theo ngôn từ cộng sản là những vấn đề «nổi cộm, bức xúc». Trái với thông lệ, bài viết căn cứ vào một số tài liệu xuất xứ từ trong nước và càng trái với thông lệ hơn, trong lãnh vực giáo dục, chúng tôi ít tìm thấy những bài viết ca tụng, thổi phồng thành tích, trừ những văn bản của chính phủ hay của các văn nô. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi có đủ can đảm bỏ nhiều thời giờ để tổng hợp một số vấn đề mà giáo sư Hoàng Tụy gọi là « không giống ai».

Triết lý giáo dục

Mọi nền giáo dục đều dựa trên những nguyên tắc căn bản gọi là triết lý giáo dục. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) , để thiết lập một hệ thống giáo dục mới cho quốc gia, năm 1958, bộ Quốc Gia Giáo Dục đã tổ chức một Đại hội Giáo dục toàn quốc quy tụ các thân hào nhân sĩ, các học giả, phụ huynh học sinh, giáo chức các ngành, các cấp, các tổ chức quần chúng, để thảo luận và đúc kết một triết lý giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Từ triết lý giáo dục nầy, 3 mục tiêu giáo dục đã  được đề ra là Phát triển toàn diện cá nhân, Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh, Phát triển tinh thần dân chủ và khoa học.

Trái với VNCH,  chế độ cộng sản từ 1946 đến nay không hề có một triết lý giáo dục. Báo Lao Động số ngày 24/10/2012 trong bài «Triết lý giáo dục của người Việt» cho rằng : Nhiều người cho rằng giáo dục của ta không thấy lối ra vì không tìm được triết lý giáo dục. Một số giáo sư khẳng định rằng nước ta chưa từng có một triết lý giáo dục…» . GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ Trưởng Giáo Dục cũng đồng ý  là : Giáo dục nước nhà thiếu hẳn một triết lý.

Không có một triết lý, nhưng giáo dục cộng sản có những mục tiêu, đa số là chính trị và thay đổi thường xuyên, do đó hệ thống  giáo dục cộng sản tuy đã nhiều lần cải tổ, từ năm 1946 ở miền Bắc và sau khi cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, nhưng kết quả là giáo dục Việt Nam vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn và lạc hậu.

Ngày 13/6/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành nghị quyết « Chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020 » gồm 20 trang, trong đó phần  Quan điểm chỉ đạo có những đoạn như sau :

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nâng cao vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội trong phát triển giáo dục;

- Xây dựng nền giáo dục có tinh thần nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa Mác-Lénin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng;

- Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát triển giáo dục liền với phát triển khoa học và công nghệ.

So với bản « Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 » ban hành 11 năm trước (ngày 28/12/2001) bởi Thủ tướng Phan Văn Khải, nội dung bản Chiến lược 2011- 2020 vẫn y nguyên mặc dù có thay đổi chút ít ngôn từ và mặc dù hoàn cảnh đất nước và thế giới đã có nhiều biến đổi.

Nói chung, qua hai bản chiến lược, dù cộng sản có rêu rao giáo dục là quốc sách, cần thích ứng với nền kinh tế thị trường, nhưng căn bản giáo dục VN vẫn là giáo dục theo đường lối của bác và đảng.

Vừa ban hành bản Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 hồi tháng 6,  nhưng chỉ 4 tháng sau (tháng 10/2012), Trung ương đảng lại họp  bàn đến kế hoạch cải tổ toàn diện giáo dục. Đây là lúc để cho các tiến sĩ thật và tiến sĩ giả, tiến sĩ được đào tạo trong nước, Đông Âu và các xứ tư bản, các ủy viên trung ương đảng có học và thất học, tất cả có dịp đôi co nhau, đào bới những chuyện không giống ai từ bao năm qua mà các chiến lược chỉ là những thất bại chồng chất.

Giáo dục phổ thông

Từ năm 1946 đến nay, chính phủ Cộng sản đã có 4 lần cải cách chương trình giáo dục phổ thông (tiểu và trung học), không kể những thay đổi manh mún, và cứ mỗi lần thay đổi chương trình thì sách giáo khoa cũng phải thay đổi theo làm điên đảo giáo chức, phụ huynh và học sinh.

- Năm 1946, một vài trường học được cán bộ cộng sản khai mở trong vùng kháng chiến.

- Năm 1950, chương trình giáo dục phổ thông lần đầu tiên được thiết lập gồm 9 năm chia ra làm 3 cấp : cấp 1 (tiểu học) 3 năm, cấp 2 (trung học cơ sở) 3 năm và cấp 3 (trung học phổ thông) 3 năm. Các sách giáo khoa căn bản cũng được phổ biến vào dịp nầy.

- Năm 1956, cải tổ giáo dục lần thứ hai, nâng số năm học thành  hệ thống 10 năm.

- Sau khi chiếm Miền Nam, chánh phủ vẫn giữ chương trình 10 năm ở miền Bắc và 12 năm ở miền Nam cho đến năm 1986. Năm 1986, cải tổ giáo dục lần thứ ba bằng cách áp dụng chương trình phổ thông của miền Nam là 12 năm gồm 5 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở (đệ nhứt cấp) và 3 năm trung học phổ thông (đệ nhị cấp) trên toàn quốc. Điểm đặc biệt là năm 1975, liền sau khi chiếm Saigon, chính quyền cộng sản đã đóng cửa và tịch thu tài sản tất cả các trường tư thục, từ trung học đến đại học ở miền Nam

- Năm 2002 là cuộc cải tổ  lần thứ tư quy mô nhất có sự phê chuẩn của Quốc Hội.

Nói chung, chương trình cấp tiểu học không phù hợp với lớp tuổi, ở bậc trung học quá nặng lý thuyết nhưng chỗ dư chỗ thiếu, và ở bậc đại học xa rời với thực dụng, kiến thức lạc hậu, không theo trào lưu tiến bộ kỹ thuật quốc tế. Hậu quả là sách giáo khoa cấp trung tiểu học lạm phát, soạn thảo bừa bãi, thiên lệch và sách giáo khoa bậc đại học yếu kém về lượng lẫn phẩm. .

- Các môn học không có sự liên tục hài hòa từ cấp nầy đến cấp khác bởi lẽ chương trình cho các cấp không được soạn thảo cùng một lúc, không có một  hội đồng chủ biên để có một cái nhìn tổng thể từ lớp 1 đến lớp 12, không thống nhất quan điểm giữa các người soạn thảo chương trình mà đa số là cán bộ thiếu khả năng, trung thành với tư tưởng bác và đảng.

- Ngoài những cải tổ chính thức, chương trình  thường bị cắt xén tùy tiện, như chương trình bậc tiểu học gồm 4 chương trình khác nhau (chương trình 165 tuần, 120 tuần, 100 tuần, chương trình công nghệ giáo dục) cho mãi đến năm 2002 mới nhập lại thành một chương trình tiểu học.

- Chương trình trung học phổ thông (đệ nhị cấp) bị thay đổi liên miên. Năm 1993, chương trình được chia thành 3 ban : Ban A (khoa học tự nhiên), ban B (khoa học kỹ thuật), ban C (khoa học xã hội), nhưng đến năm 1998 chương trình phân ban bị bãi bỏ. Năm 2002  tái lâp lại chuyện phân ban nhưng chỉ có 2 ban : ban A và ban C, nhưng rồi chỉ  một năm sau Quốc Hội ra lịnh tạm đình chỉ. Đến năm 2005 lại chia ra 5 ban : ban A (KH tự nhiên), ban C (KH xã hội), ban CB (cơ bản), ban CBA (cơ bản, hướng KH  tự nhiên) và ban  CBC (cơ bản hướng KH xã hội). Khi thi tốt nghiệp THPT (Tú Tài) thí sinh phải lựa chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao tùy theo chương trình học trong năm. Khi thi tuyển vào đại học thì có vô số Khối : khối A (Toán, Lý Hóa) khối B (Toán, Sinh, Hóa), khối C (Văn, Sử, Địa), khối D1 (Toán, Văn, Anh ngữ), khối D2 (Toán, Văn, Pháp ngữ), khối D3 (Toán, Văn, Nga ngữ), khối D4 (Toán, Văn, Hoa ngữ)), khối D5, D6…N, M, V….

Không có một quốc gia nào có một chương trình học rắc rối, đầu voi đuôi chuột như chương trình học, tổ chức thi cử và sách giáo khoa tạp nhạp như nước Cộng hòa  xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ cải tổ nầy đến cải cách khác, giáo chức và học sinh điên đảo vì không biết dạy cái gì, học cái gì, thi cái gì. Trong cái hỗn loạn của thi cử, tham nhũng đã lên ngôi, văn bằng trở nên  nỗi ám ảnh kinh hoàng của cả đất nước.

Trường hợp phụ huynh phá cổng trường để mua đơn nhập học trường Trung học Thực Nghiệm ở Ba Đình (Hà Nội) là một bi hài kịch về sự phá sản của nền giáo dục VN. Ngày 12 tháng 5 năm 2012, từ 1 giờ sáng, phụ huynh học sinh đã đứng chờ ở trước cổng trường Trung học Ba Đình dưới cơn mưa để hi vọng mua được một mẫu đơn xin cho con em thi tuyển nhập học trường nầy, là một trong số ít trường công lập dạy theo kiểu Mỹ. Vừa tờ mờ sáng, phụ huynh đã chen lấn nhau, xô ngã cổng sắt trường, nhiều người bị thương, để mong giựt được một mẫu đơn. Có nơi nào trên thế giới, xin ghi tên cho con em đi học mà phải chờ đợi thâu đêm và giải quyết bằng bạo lực?

Khi ông Nguyễn Xuân Hãn, Ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia, tuyên bố là sách giáo khoa có hại cho học sinh thì vấn đề phải thực sự là nghiêm trọng.

Về nội dung, các sách giáo khoa bậc tiểu học bàng bạc quan niệm trọng nam khinh nữ  trong tất cả các môn học. Nam giới  dũng cảm, thông minh, có khả năng lãnh đạo, sáng tạo, am tường kỹ thuật, do đó thường làm các ngành nghề «cao đẳng» như bác sĩ, kỹ sư, phi công, sĩ quan…còn  nữ  giới thì ẻo lả, yếu đuối, khéo tay, ngăn nấp, sạch sẽ, nấu ăn giỏi, nên thường đảm nhiệm các công việc như nội trợ, cô giáo, y tá, thợ dệt hay làm thơ, hát múa…

Các hình ảnh minh họa thường thô kệch, các thí dụ kỳ dị (thí dụ trong một quyển sách toán Lớp 1, có hình vẽ 5 ngón tay, câu hỏi là nếu chặt 2 ngón tay thì còn bao nhiêu ngón). Nội dung các môn học cũng không phù hợp với trí tuệ của học sinh, thí dụ môn khoa học thường thức  Lớp 5 có đề cập đến tinh trùng, trứng thụ tinh (khi học sinh hỏi, cô giáo không giải thích rành rẽ được bèn bảo học sinh về hỏi cha mẹ). Ở bậc trung học, bởi lẽ chương trình quá nặng nên sách giáo khoa quá tải, chưa kể sách tham khảo là sách để đọc thêm, học sinh trung học phải «ngất ngư» với sách vở. Môn Sinh Vật học ở trung học đã phải học giải phẩu cơ thể, môn Toán phải học giải tích học, tất cả nằm trong chương trình đại học, môn Sử nhồi nhét với những con số niên đại, những chiến thắng, thành tích của đảng. Đó cũng là lý do vào mùa thi 2013, học sinh lớp 12 trường Trung Học Nguyễn Hiền ở TPHCM đã tự phát xé đề thi môn Sử quăng xuống sân,  hò hét reo mừng và quay phim phát tán trên các trang mạng.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN đã viết : « Hiện nay môn Sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông. Minh chứng là trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, môn lịch sử bị coi là môn phụ, có năm thi, năm không. Năm nào không thi thì nhà trường cho học dồn để dành thời gian cho các môn khác. Thầy cô dạy Sử cũng dễ dàng được thay thế bằng các thầy cô các môn khác, có khi là huấn luyên viên thể thao, chẳng hiểu gì về môn lịch sử…Sách lịch sử của nước ta thì trình bày dàn trải, la liệt các sự kiện, nhàm chán. Phần lịch sử từ giữa thế kỷ XIX cho đến 1975 (lớp 8,9 và 11,12) lại nặng về lịch sử kháng chiến chống Pháp, phong trào yêu nước, phong trào cách mạng, hai cuộc kháng chiến…Trong tình trạng như vậy, làm sao mà học sinh không chán môn Sử» (Môn lịch sử THPT. Đại đoàn Kết 18/10/2012).

Ông Phan Huy Lê, đảng viên cao cấp, tuy đã có lời chỉ trích, nhưng ông không nói rõ hơn là sách sử VN đã bị đảng của ông viết lại theo quan điểm Mát-xít. Nhớ lại từ năm 1920, người Việt  sử dụng quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim như bộ thông sử căn bản. Từ quyển sử nầy, các sách giáo khoa của các tác giả như Tăng Xuân An, Trần Hữu Quảng, Lê Kim Ngân…là những bộ sách sử quen thuộc của các thế hệ học sinh miền Nam từ 1954 đến 1975.

Đối với cộng sản, sau khi cầm quyền ở miền Bắc năm 1954, Trần Huy Liệu, Trưởng Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, trực thuộc Trung ương đảng đã ra lịnh viết lại một bộ sử khác tựa là Lịch sử Việt Nam gồm hai tập để thay quyển Việt Nam Sử Lược bị xem là bộ sử của thực dân phong kiến.  Trong tập 1, với 436 trang đã có 87 trang viết về  cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của Trần Hưng Đạo, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với mục đích đề cao chiến tranh và anh hùng giải phóng. Trong tập 2 gồm  364 trang viết về giai đoạn 1858-1945 đã dành đến 131 trang viết về bác và đảng Cộng sản VN. Từ bộ sử nầy, các tác giả của Nhà XB Giáo Dục đã viết ra nhiều bộ Lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12 áp dụng cho các trường trung tiểu học trên toàn quốc. Những bài học lịch sử mà học sinh phải học là những tài liệu tuyên truyền, những sử liệu gian dối (quân đội nhân dân trăm trận trăm thắng…) và thiên vị (khi kể về cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, sách tiểu học không nêu đích danh kẻ xâm lược  là nhà Hán mà chỉ gọi là giặc Phương Bắc).

Cũng ông Phan Huy Lê, sau khi Võ Nguyên Giáp chết, ông than phiền là trong sách giáo khoa hiện nay không hề nhắc đến tên Võ  Nguyên Giáp.

« Đây là một điều thiếu sót và rất buồn. Lịch sử Việt Nam hiện đại, trong các chiến dịch như chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ, Tết Mậu Thân năm 1968 hay chiến dịch Hồ Chí Minh đều không có một dòng nào nói đến Đại tướng, nhưng ai cũng biết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng rất lớn».(Việt Báo 24/10/2013).  Ai cũng biết vai trò của ông Giáp, nhưng ai cũng biết ông Giáp là đối thủ của phe cầm quyền hiện nay từ 20 qua và đã bị hạ bệ Ngày xưa  đại tướng cầm quân, Ngày nay đại tướng cầm quần chị em (phụ trách chương trình hạn chế sinh sản). Có kiến nghị đòi Bộ Chính trị đưa tên Võ Nguyên Giáp vào sách giáo khoa dự trù vào năm 2015, nhưng có ý kiến « Muốn đưa ai vào sách giáo khoa thì phải xin phép Bộ Chính trị, sao có thể sống trong một chế độ như thế » ( viet-studies.info –giáo dục 28/10/2013). Gần 3 triệu người Việt tị nạn trên thế giới là câu trả lời cho câu hỏi muộn màng nầy.

Sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo Dục trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa  lại là một trở ngại lớn trong sự phát triển giáo dục. Trong nhiều cuộc hội thảo, giáo chức luôn đòi hỏi sách giáo khoa phải được xuất bản tự do, giáo chức chọn sách để dạy chớ không bắt buộc phải sử dụng sách của các soạn giả quốc doanh từ nhà xuất bản Giáo Dục, yêu cầu Quốc Hội chế tài để sách giáo khoa phải được dùng ít nhất 12 năm mới sửa đổi. Tuy nhiên, tất cả yêu cầu trên đều bị bác bỏ vì nhà nước muốn nắm giữ mối lợi nhuận khổng lồ nầy, tự ý ấn định giá sách để chia sẻ quyền lợi với phe đảng từ người soạn sách, đại lý bán sách đến trường học. Ngoài ra, sự độc quyền nầy còn là một hình thức kiểm duyệt văn hóa phẩm bởi lẽ sách giáo khoa và chuyên khoa bị lệ thuộc vào Luật xuất bản, theo đó mỗi Bộ có trách nhiệm kiểm soát ấn phẩm của Bộ mình. Để triệt để khai thác mối lợi nầy, ngoài sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo Dục và các chi nhánh còn độc quyền in sách tham khảo là loại sách bổ túc để đọc thêm nhưng học sinh cũng bắt buộc phải mua vì nhiều khi đề thi ra trong sách tham khảo.

Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, không kể số tựa sách giáo khoa mà học sinh bắt buộc phải mua, chỉ riêng sách tham khảo cho 12 lớp phổ thông, vào niên học 2008, có 3.120 tựa.(giaoduc.net.vn ngày 24/11/2912 – GS Nguyen xuan Han : chuyen lãng phí tiền tỷ sách giáo khoa).

Theo « danh mục sách tham khảo môn Lịch sử cho các trường phổ thông kể từ niên khóa 2012-2013 của nhà xuất bản Giáo Dục » có đến 356 tựa, trong đó có hơn 50 tựa liên quan đến các nhân vật đảng và các chiến thắng trong cuộc chiến tranh «chống Mỹ cứu nước», không kể vô số các sách lịch sử bằng hình vẻ. Về tác giả, chỉ riêng sách của Nguyễn Khắc Thuần, chúng tôi đếm được 47 tựa trong số 356 tựa như trên.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, VN vẫn chưa có một bộ sách  giáo khoa chuẩn, thực hiện bởi một ủy ban soạn thảo độc lập với nhà nước , do đó Nhà xuất bản Giáo Dục cứ tiếp tục độc quyền xuất bản và tái bản mỗi năm sách giáo khoa và sách tham khảo của các soạn giả quốc doanh, thường không có gì thay đổi nội dung, để cùng với phe đảng trục lợi.Năm 2011, nhà xuất bản Giáo Dục đã phát hành 89 triệu quyển sách không kể 155 triệu sản phẩm giáo dục khác như tranh ảnh, bản đồ, băng dĩa CD giáo khoa (vov.vn ngày 11 /07/2011).  Không kể tiền học phí cứ gia tăng, trái với khuyến cáo của UNESCO là bậc học phổ thông phải được miễn phí, tiền mua sách và lệ phí các loại là nỗi kinh hoàng cho phụ huynh khiến con nhà nghèo  đành phải bỏ học.

 

Giáo dục đại học

Đại học VN hiện nay là một thứ chợ trời, người mua kẻ bán tấn nập, hàng nội hàng ngoại, hàng xấu hàng tốt kể cả hàng phế thải cũng bày bán chào hàng la liệt. Năm 2000, VN có 178 trường đại học và cao đẳng, năm 2012 VN có 419 trường, tỉ lệ gia tăng 250%  chỉ trong 12 năm. Không phải vì dân VN hiếu học cũng chẳng phải vì chánh phủ lưu tâm đào tạo nhân tài mà đại học VN tăng nhanh và tăng nhiều như vậy, đại học lạm phát vì hiện nay tại VN, người ta lập một trường đại học như mở một công ty mà việc kiếm lời và tạo thế lực chính trị là mục tiêu chính yếu. Trong  vòng 12 năm có đến 55 đại học và 28 trường cao đẳng tư thục, do tư nhân hay đoàn thể  thành lập, và cứ mỗi năm có thêm  một số đại học mở cửa hay đóng cửa. Trên thế giới, không có quốc gia nào lập trường đại học mà chưa có cơ sở và giáo sư cơ hữu như ở VN. Nhiều trường đại học tư thục xin được giấp phép mở trường mà không khai giảng hay tổ chức thi tuyển sinh viên mà chưa có đầy đủ trường sở, nhân viên.

Các địa phương đua nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo giống nhau, các trường cạnh tranh  nhau, nhiều ngành học không xứng danh đặt trong chương trình đại học hay phát triển qui mô ở khắp các địa phương.

Trong số 419 trường đại học và cao đẳng có đến 137 trường địa phương trực thuộc các Ủy Ban Nhân Dân tỉnh và thành phố.Trên 63 tỉnh và thành phố của cả nước chỉ có tỉnh Đắk Nông ở vùng Tây Nguyên là chưa có đại học.

Tổng hợp số trường đại học, cao đẳng tính đến ngày 31/5/2012

Vùng, Miền

Đại học

Cao đẳng

Tổng số

Miền núi phía Bắc

13 (12, 1)

42 (41, 1)

 55  ( 53, 2)

ĐB sông Hồng

89 (68, 21)

59 (50, 9)

148(118,30)

Bắc Trung Bộ

17 (15, 2)

14 (13, 1)

  31 (28,  3)

Duyên hải Nam TB

19 (12, 7)

31 (22, 9)

  50 (34, 16)

Tây Nguyên

 3 (   2, 1)

 9 (  9,  0)

  12 ( 11,  1)

Đông Nam Bộ

50 (32,18)

34( 26,  8)

  84 (58, 26)

ĐB sông Cửu Long

13 (  8,  5)

26( 26, 0)

  39 (34,  5)

Tổng cộng

204(149, 55)

215(187,28)

419(336,83)

Nguồn : Bộ Giáo Dục-Đào Tạo

Chú ý : số trong dấu ngoặc : (số đầu : công lập, số kế : tư thục)

Bảng thống kê trên cho thấy:

- số trường cao đẳng (215) nhiều hơn số trường đại học (204) và trong tổng số 419 trường đại học và cao đẳng, số trường tư lên đến 83 trường, chiếm tỷ lệ 20%, đó là biểu tượng của sự thương mại hóa giáo dục tại VN hôm nay.

- Sự phân phối các trường theo vùng địa lý cũng cách biệt sâu sắc : vùng Đồng bằng sông Hồng có 148 trường chiếm 35% trong khi cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 39 trường (9%) . Riêng chỉ 3 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh-Nghệ-Tỉnh) là quê hương của bác và các lãnh đạo cao cấp  có đến 31 trường.

Ngoài ra, nhiều loại đại học có tên ngộ nghĩnh : đại học Dân lập, đại học Mở, đại học FPT, Viện Đào Tạo Răng-hàm-Mặt. Có 6 trường Đại học công an nhân dân và đặc biệt  Đại học Phòng cháy chữa cháy  trực thuộc bộ Công An, có lẽ Sở Cứu  hỏa còn có thêm thêm nhiệm vụ hỗ trợ cho công an đàn áp các cuộc biểu tình. Tuy chiến tranh đã chấm dứt, VN hôm nay có đến 22 học viện và trường cao đẳng Quốc Phòng có quyền đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Trong  nước có 20  đại học Trọng điểm gồm 2 đại học quốc gia là Đại học TPHCM và Đại học Hà Nội, 8 đại học vùng (Tây Bắc, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẳng, Quy Nhơn, Tây Nguyên, Cần Thơ) và 10 đại học theo lãnh vực quan trọng.

Hãy đọc định nghĩa của vài đại học cộng sản. Đại học Mở là cơ sở đào tạo từ xa, đạo tạo tại chỗ, đào tạo tại các điểm vệ tinh. Đai học tư thục còn gọi là đại học dân lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của đảng và nhà nước VN.

Về việc quản trị.  chỉ riêng người đứng đầu hai đại học quốc gia được gọi là giám đốc, những người đứng đầu các đại học khác hay các phân khoa đều gọi là hiệu trưởng, người dạy học là giảng viên hay giáo viên. Điều lưu ý là trong chế độ giáo dục cộng sản, danh từ giáo sư, phó giáo sư là một học hàm được chính phủphong cho những đảng viên giáo dục trung kiên, không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ, trái lại những người có tiến sĩ, thạc sĩ hay nói chung, người dạy đại học không nhất thiết là giáo sư nếu không có học hàm nầy. Từ năm 1980 đến cuối năm 2011, số lượng giáo sư là 1432 người và phó giáo sư là 7 750 người (VN đã phong bao nhiêu GS và PGS.- kienthuc.net.vn ngày 19/10/2012). Trước 1975, số giáo sư đếm trên đầu ngón tay : Nguyễn Khắc Viện, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giàu…

Đại học VN không có quyền tự trị, đặc tính truyền thống của đại học. Đảng Cộng sản nắm quyền đại học ở mọi cấp : tất cả quyết định về đường lối quản trị, chương trình giảng dạy đều phải có sự chấp thuận của Bí thư đảng ủy, các giảng viên lệ thuộc vào Công đoàn và tất cả các sinh hoạt của sinh viên được huy động bởi Bí thư Đoàn Thanh niên. Mặc dù giới đại học đã nhiều lần yêu cầu chính phủ phải tôn trọng quyền tự trị đại học nhưng chính phủ luôn từ chối. Điều 13 của Luật Giáo Dục Đại học vừa ban hành ngày 18/06/2012 xác định rõ rệt quyền lực của Đảng cộng sản và các đoàn thể chính trị trong đại học như sau :«Tổ chức Đảng cộng sản VN, đoàn thể và tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo quy định điều lệ của đảng».

Đại học VN đặt dưới quyền điều khiển chồng chéo của nhiều Bộ ở trung ương và các Ủy ban Nhân dân ở địa phương gồm các đảng viên cao cấp thiếu học hay thất học. Các nhân viên đại học được bổ nhiệm, thăng thưởng không dựa vào khả năng chuyên môn mà dựa vào đảng tịch, thành tích chính trị. Bởi lẽ người lãnh đạo bất tài, người dạy học không đủ trình độ và từ bao nhìêu năm qua, đại học vẫn áp dụng phương pháp thầy đọc, trò chép, các môn học không ứng dụng vào đời sống, xa rời với thực dụng và khoa học kỹ thuật. Hậu quả là sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp triền miên hay làm các ngành nghề không tương ứng, tương xứng với cấp bằng, các «nghiên cứu sinh » hậu đại học đa số phải dang dở việc học tại các đại học ngoài nước vì trình độ yếu kém dù có nhiều nổ lực, kể chi đến các quý tử du học để du lịch.

Báo điện tử Giáo Dục VN ngày 16/11/2013 chạy tít : Cử nhân chăn vịt, thạc sĩ gia sư viết :«Không tìm được việc làm, cử nhân Lê Trung Hiếu đã tự mình cứu mình với việc trông coi vườn và chăn nuôi vịt. Còn thạc sĩ ĐTT thì bi đát hơn, sau nhiều năm vật vã tìm việc không được, chị đành bám trụ nghề gia sư để sống qua ngày» (giaoduc.net.vn)

Giảng viên cử nhân dạy sinh viên cử nhân là chuyện thường tình ở VN. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục Đào Tạo vào niên học 2011-2012, tổng số giảng viên đại học là 84 109 người trong đó có 9152 tiến sĩ (11%), 36 360 cao học mà VN gọi là thạc sĩ (43%), 38 597 cử nhân (46%). (moet.gov.vn -Số lượng thống kê giáo dục đại học). Tuy số giảng viên tiến sĩ đã ít như vậy mà khả năng chuyên môn càng ít hơn bởi lẽ chỉ có 10% được đào tạo ở ngoại quốc, đa số ở Nga và Đông Âu, số còn lại được đào tạo trong nước mà trình độ rất đáng nghi ngờ.

Báo An Ninh Thủ đô, trong bài «Tiến sĩ ơi là tiến sĩ» số ra ngày 28/10/2012  có đoạn : «Tuyệt đại đa số các luận án tiến sĩ là những đề tài vô thưởng vô phạt, phần lớn là thu thập tư liệu để tổng kết một vấn đề đã xảy ra chứ không thể hiện tính chất nghiên cứu nào cả. Trong danh mục hàng trăm luận án đã bảo vệ thành công bằng tiến sĩ, đa số thường là các đề tài chung chung, khó áp dụng vào thực tế. Theo Giáo sư Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) thì các nghiên cứu sinh hiện tại thường né tránh các đề tài nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các công trình nghiên cứu nhẹ nhàng nhưng nấp bóng các nhà khoa học đang giữ công tác lãnh đạo hoặc các giáo sư đầu ngành để dễ thông qua. Đó là chưa nói đến việc mua bằng vì ở Việt Nam hiện tại không có cái gì mà người ta không mua được ». (anninhthudo.vn).

Từ hơn 10 năm nay, để giữ chỗ cho các đảng viên trung kiên, chánh phủ bày ra chế độ sinh viên vừa học vừa làm hay còn gọi là đào tạo tại chỗ cốt để cho các cán bộ nầy có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ hợp thức hóa chức vụ. Trong niên khóa 2011-12, trong số 2 204 312 sinh viên cao đẳng và đại học có đến 414 314 sinh viên vừa học vừa làm, chiếm tỉ lệ 18.8% trong toàn thể sinh viên (nguồn : Bộ GD-DT. Số liệu giáo dục đại học).

Chế độ đào tạo tại chỗ đã nở rộ hiện tượng mua bằng cấp giả làm suy giảm hiệu năng guồng máy công quyền, đặc biệt giáo dục cấp đại học.  Pierre Darriulat, nguyên giám đốc Trung Tâm nghiên cứu CERN ở Pháp, và sau khi về hưu  thành lập Viện nghiên cứu VATLY ở Hanoi đã có nhận định rõ rệt 3 sai phạm  trong việc đào tạo tiến sĩ tại VN : nhiều thí sinh mua các luận văn được viết bởi các chuyên viên kiếm sống bằng cách cắt-dán các luận án tiến sĩ đã có; các giám khảo bất tài hay tham nhũng;  chính phủ không có các biện pháp chế tài với các người vi phạm.

Ngoài loại sinh viên đào tạo tại chỗ, VN hôm nay còn có loại du học tại chỗ. Bởi lẽ cấp bằng VN không mấy có giá trị, giới kinh doanh tranh nhau mở trường đại học tư gọi là đại học liên kết với các trường đại học ngoại quốc, thường là các đại học hạng B hay C, dạy online qua trung gian  các giáo sư VN dịch ra tiếng Việt để lấy học phí với một giá cắt cổ (thí dụ học phí một năm của Đại Học Anh Quốc VN là 170 triệu đồng VN, Đại Học Tân Tạo là 62 triệu). Người Việt ham bằng ngoại nên nhiều người bị gạt khiến bộ Giáo Dục phải lên tiếng báo động : «112 chương trình liên kết với nước ngoài được bộ GD-ĐT cấp phép là căn cứ đầu tiên để người dân lựa chọn. Tuy nhiên một số trường đã liên kết chui tức là liên kết với những chương trình rởm, không nằm trong 112 chương trình của Bộ (Đừng chết vì thiếu hiểu biết. vov.vn ngày 6 /09/2010).

Tiến sĩ Ashwill, Giám đốc Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute of International Education=IEE) đã nêu danh sách 21 trường đại học Mỹ có mặt tại VN không được công nhận bởi cơ quan giáo dục Hoa kỳ trong đó có South Pacific chuyên bán bằng cấp mà nhiều cán bộ cao cấp VN đã mua bằng tiến sĩ để được thăng quan tiến chức. Ngoài South Pacific còn có các đại học giả khác như Standford University (viết thêm nhữ d), Havard University (viết thiếu chữ r), lấy âm cái tên các đại học nổi danh nhưng viết khác đi một chút, các đại học giả nầy rất đắt hàng ở VN vì là bằng của các đại học danh tiếng của Mỹ !!!) .Về điểm nầy, GS Hoàng Tụy đã nhận định : «Giáo dục đại học cao đẳng VN có nhiều ly kỳ : khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo đào tạo liên kết, môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày là xong hết cả học lẫn thi nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Chẳng lạ gì trong vài năm đã xuất hiện mấy trăm đại học, lại sắp có Văn Miếu hiện đại xây dựng trên 25 mẫu đất  cho đủ chỗ để vinh danh hết tiến sĩ thời nay…Cái não trạng sính bằng cấp thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy, trường tư được tự do chạy theo lợi nhuận, bất kể chất lượng nào chỉ cần trưng biển đại học quốc tế, tha hồ đặt ra những khoản thu kỳ dị bóc lột người học…» (Xin cho tôi nói thẳng. Tin Sáng online 5/10/2009)

Thiếu giáo sư có kiến thức theo tiêu chuẩn, thiếu cơ sở và trang bị thích nghi cho việc đào tạo, chương trình dạy và phương pháp dạy cổ hủ theo lối thầy đọc trò chép, không có truyền thống nghiên cứu đại học với óc sáng tạo, đại học VN chìm đắm trong lạc hậu với lối quản trị quan liêu và chạy theo lợi nhuận.Trong bảng xếp hạng các đại học hàng đầu của Á Châu năm 2012, chỉ có trường Đại học Quốc Gia Hanội có tên trong danh sách 300 đại học hàng đầu ngang hàng với các đại học tỉnh lẻ của BanglaDesh (University of Dhaka), Trung Quốc (University of Yunnan), Thái Lan (University of Walailek) (www.topuniversities.com/).

Theo tiến sĩ Lê Văn Út (Toán học, Phần Lan), từ năm 2006 đến 2010, VN chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Đến năm 2011, không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Nếu so sánh với những quốc gia vùng Đông Nam Á ít dân hơn VN, có trình độ kỹ thuật kém hơn hay ngang hàng với VN trước năm 1975 thì nay đã vượt quá xa VN : Singapore (645 bằng /4,8 triệu dân), Malaysia (161 bằng/28 triệu dân), Thái Lan (53 bằng/68 triệu dân), Indonésia (7 bằng/230 triệu dân), Brunei (1 bằng/0,5 triệu dân).  Về số lượng các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), « tổng số bài nghiên cứu khoa học của cả nước Việt Nam tương đương hay không bằng số bài của một trường đại học của Thái Lan hay Malaysia » (Những con số nổi tiếng trong giáo dục nguyenvantuan.net ngày 14/11/2012).

 giaoducvn

Ông Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang và các tân tiến sĩ công an trong lễ phát văn bằng (2013). Thực không giống ai!

Lý do chính yếu của tình trạng nghèo nàn trí thức nầy là giới đaị học VN tìm đủ mọi mưu chước để có bằng thạc sĩ, tiến sĩ không phải để làm nghiên cứu mà chỉ cốt để làm quan. Trong số 20 bộ trưởng trong chính phủ cộng sản  hiện nay có 12 tiến sĩ, ngay cả ông bộ trưởng công an cũng đeo bằng tiến sĩ. Điều khôi hài duy  nhứt trên thế giới về giáo dục là Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân  « qua 22 năm đào tạo sau đại học, Học Viện đã đào tạo hơn 2000 thạc sĩ và hơn 200 tiến sĩ » (CAND.com.vn ngày 24/10/2013). Có lẽ nhờ công đức của các vị tiến sĩ công an nầy có tên ghi tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đã nghiên cứu các lý thuyết cao siêu về đàn áp và ăn cướp  nhân dân mà VN vừa được bầu vào Ủy Ban  Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cùng một loạt với các quốc gia độc tài và côn đồ (états voyous). Nghĩ mà bi phẩn cho vận nước và bạo lực đã lên ngôi.

Bởi lẽ tiến sĩ VN lạm phát lẫn lộn  tiến sĩ giả, tiến sĩ mua bằng nên dân chúng không chút nào nễ trọng tiến sĩ, nói chung cán bộ ngành giáo dục các cấp. Báo Pháp Luật Việt Nam, cơ quan của Bộ Tư Pháp, ngày 04/09/2012 đã chạy một cái tít đầy khinh mạn : Khi bà lao công quan trọng hơn ông tiến sĩ : «Ở cơ quan ông T có một bà lao công rất nhiều lời. Cứ thường lệ, bốn giờ chiều là bà xua mọi người đi về để tắt đèn, đóng cửa vệ sinh, hành lang. Nhưng ông T thường xuyên ở lại quá giờ, có khi để tìm thêm tài liệu trên mạng, khi là để dịch nốt mấy trang nghiên cứu còn dang dở. Nhưng bà lao công đã đứng oang oang ở cửa. «Này anh kia, anh điếc hay mù mà không biết mấy giờ rồi. Về mau cho tôi còn đóng cửa, chứ không tí nữa giày anh làm bẩn hành lang tôi mới lau thì chết với tôi !». Nhịn một lần, hai lần nhưng đến lần thứ ba thì ông T đem câu chuyện ra trình trong cuộc họp của công đoàn. Nào ngờ lãnh đạo của ông thản nhiên giải thích : «Bà ấy già rồi chấp làm gì, với lại công việc của bà ấy cũng quan trọng ấy chứ, trực tiếp làm ra sản phẩm chứ đâu… nghiên cứu vẩn vơ.» (Huỳnh hữu Tuệ - nguyenvantuan.net)

Lương bỗng, dạy thêm và tham nhũng

Dù có đôi lần tăng lương, nhưng dạy học vẫn là một trong 9 ngành nghề có lương thấp nhất ở VN, chỉ hơn mức lương tối thiểu chút ít, bằng với lương công nhân. Tiền lương của một giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoảng 2 triệu đồng /tháng (80 USD), nếu có thâm niên hơn 13 năm thì được 3,5 triệu, sau 25 năm thì được khoảng 4 triệu. Các giảng viên đại học tương đối cao hơn, thấp nhất khoảng 4 triệu, cao nhất khoảng 8 triệu. Tiền lương như trên không đáp ứng cho nhu cầu căn bản về đời sống chỉ cho bản thân người dạy học, nhất là trong thời kỳ lạm phát từ nhiều năm nay. Năm 2011, giá một kg gạo từ 10 000đ đến 20 000đ tùy theo loại, như vậy lương một giáo chức tốt nghiệp Đại học Sư Phạm mỗi tháng chỉ mua được một tạ gạo.

Đã nghèo mà còn bị thủ tục «đầu tiên» của các quan giáo dục tham nhũng. Báo Thanh Niên online ngày 31/10/2012 trong bài «Cần sửa ngay lương giáo viên» đã viết : « Lãnh đạo một trường đại học TPHCM chua chát : Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp cho biết về địa phương không được sở phân công việc. Muốn có được một chỗ dạy cần phải chạy đúng đường với mỗi suất khoảng 60 triệu đồng tùy theo địa bàn. Tôi đã chứng kiến một trường hợp xin về Bình Phước dạy hợp đồng phải bỏ ra 25 triệu, nhưng chỉ sau một năm thì bị cho nghỉ việc phải ở nhà làm hạt tiêu».

Giá biểu vùng Hà Nội còn « khủng » hơn : « Chạy vào hợp đồng dài hạn ở huyện Từ Liêm và các quận khác là 70 triệu, chạy biên chế thì hơn 100 triệu, chuyển từ tỉnh về Hà Nội thì khoảng 200 triệu …» (Giáo viên nghề bạc bẽo nhất VN. blogtiengviet.net 28/2/2013)

Trong tình trạng như vậy, số thí sinh thi vào trường ĐHSP càng ngày càng ít, (thí dụ như trường ĐHSP Thành phố HCM năm 2000 có 41 235 thí sinh, đến năm 2010 chỉ còn 15 127), số sinh viên ra trường gắn bó với với nghề chỉ còn 10 - 20%, những người ở thành phố có điều kiện thuận lợi đều chuyển ngành, sự khan hiếm giáo chức có khả năng và có lương tâm chức nghiệp thật trầm trọng.(thanhnien.com.vn ngày 31/10/2012).

Khi lương ít thì lậu nhiều, các giáo chức phải bày ra việc dạy thêm để kiếm sống, hay tệ hại hơn, để trấn lột học sinh. Chuyện dạy thêm, học thêm hôm nay đã trở thành một thứ bịnh dịch phát triển từ thành thị đến thôn quê, từ tiểu học đến trung học. Với mọi hình thức tổ chức khác nhau, theo nhóm, theo lớp, học tại lớp, học tại nhà, bất kể sáng trưa chiều tối, tùy thởi gian trống của thầy cô ngoài giờ dạy chính thức ở trường. Tháng 10/2012, 18 giáo viên ở tỉnh Phú Yên bị phạt kỹ luật vỉ dạy thêm lúc 5 giờ sáng  và sau 9 giờ tối.  Thông thường, học sinh yếu môn nào thì học môn nấy, nay thì gần như phải học tất cả các môn, bởi nếu không học thêm thì thầy cô trù dập. Giáo chức dạy ở trường công một phần và giành một phần để dạy thêm, dạy các bài tủ, là dịp cho các thầy cô cạnh tranh nhau, bán đề thi, sửa điểm thi, kể cả việc làm bài cho học sinh trong các kỳ thi nhập học, tốt nghiệp, làm luận án, thi tuyển học bổng…

Chánh sách dạy thêm học thêm đã làm băng hoại đạo đức hàng ngũ giáo chức, tạo thêm phân cách trí tuệ giữa người giàu và kẻ nghèo, bởi lẽ người nghèo đã phải quá chật vật đóng học phí  cho chánh phủ thì tiền đâu đóng học phí để học thêm đành phải bỏ học. Trong báo cáo  của PAPI (Public Administration Performance Index) năm 2010 do Cơ quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc thực hiện để tìm hiểu về hiệu quả quản trị và hành chánh công tại VN có đoạn đã ghi : « 47% số người được hỏi đồng ý rằng giáo viên thiên vị  học sinh có cha mẹ hối lộ, 61% nói rằng các khoản chi thu không chính thức trong giáo dục tiểu học là phổ biến, và 43% công nhận có hối lộ cho giáo viên. Ở cấp đại học, có nhiều trường hợp mua bằng hậu đại học, bằng đào tạo tại chức, từ xa và liên thông ».

Chính bộ Giáo Dục-Đào Tạo cũng đã  nhận diện 9 hình thức « nổi cộm » của tham nhũng trong giáo dục : chạy trường; chạy điểm; dạy thêm-học thêm; lạm thu học phí; độc quyền sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt, thuyên chuyển giáo viên; tham nhũng trong các công trình xây dựng; ăn gian, ăn chặn khi mua thiết bị dạy học; ăn chặn các kinh phí giáo dục. Đã nhận biết như vậy, nhưng chính phủ không tìm biện pháp giải quyết hữu hiệu mà lại đỗ lỗi  chính phụ huynh và sinh viên là những chủ thể tạo ra tham nhũng (2sao.vn ngày 10/5/2012).

Trên thế giới có quốc gia nào mà kẻ ăn cướp lại kết tội người bị cướp như nước Cộng sản VN? Tham nhũng trong giáo dục là một vết đen trong nền giáo dục VN, điều hiếm có trên thế giới.

Lãnh đạo giáo dục bất tài, độc tài và khoác lác

Bất tài, độc tài và khoác lác là các đặc tính căn bản của những người lãnh đạo VN. Cái bản chất nầy được biểu hiện qua chánh sách tuyên truyền, phô trương những điều không thực, ban hành những luật lệ bất khả thi  bằng các khẩu hiệu. Thực ra chánh sách cai trị bằng khẩu hiệu có vần có điệu không phải chỉ là độc quyền của Bộ Giáo Dục mà đã lan tràn trong các ngành và cả nước,  nhưng với bộ Giáo Dục thì càng phong phú hơn, có bài bản hơn, đặc biệt dưới thời của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân. Xin đan cử một vài khẩu hiệu làm giới giáo dục điên đảo và phụ huynh học sinh nhạo báng vì những khẩu hiệu nầy là những ngoa ngữ  phơi bày bản chất dối trá và vô trách nhiệm của những người làm giáo dục VN, từ trung ương đến làng xã.  

*2 không, 4 không : nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bịnh chạy theo thành tích.

Từ 3 thập niên qua, thi cử vừa là món lợi to lớn vì tệ nạn tham nhũng vừa là nỗi kinh hoàng cho giáo chức, bởi sau mỗi kỳ thi, giáo chức sẽ được ân thưởng hay bị trừng phạt vì kết quả thi của học sinh. Bịnh thành tích đã gia tăng thêm bịnh gian dối, thầy cô, cấp lãnh đạo từ thấp đến cao phải dùng mọi mưu chước để đạt kỷ lục, báo cáo láo.

Báo điện tử Kiến Thức ngày 29/7/2013 đả chạy tít : Chuyện cười ra nước mắt ngành giáo dục bằng đoạn văn sau đây ;

«Tại hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 vừa được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã thông báo một quyết định của Bộ: «Toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước».

Trước đây có một cuộc họp tuyệt mật của Bộ với 63 tỉnh, thành về vấn đề thi tốt nghiệp. Bộ bắt các địa phương cam kết năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT không được cao hơn năm ngoái. Ai vi phạm thì bị phạt »

Thì ra chuyện thi cử là chuyện tính toán của các ông lãnh đạo. Thí sinh đậu hay rớt không phải do khả năng mà do Bộ Giáo dục quy định tỷ lệ.

Cùng lúc với việc quy định tỉ lệ học sinh thi tốt nghiệp Trung học (Tú Tài), các đỉnh cao trí tuệ lại ban hành một thông tư khác cũng cười ra nước mắt.

Tháng 6/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 24 theo đó, sẽ được cộng thêm 2 điểm đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Thông tư này bị hầu hết mọi người chê cười vì bản chất ngu xuẩn  bởi lẽ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc những người hoạt động tiền cách mạng đều là những người ít học thức, đã gần đất xa trời thì đi thi đại học làm cái gì nữa. Khi bị dư luận phản ứng quá thì ông GS.Tiến sĩ Bùi Văn Ga, thứ trưởng, vẫn cố gắng bào chữa rằng “chính sách này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù đối tượng bổ sung có thể rất ít.” (Vnexpress, 11/7/2013)

Nói chung, những người lãnh đạo Bộ Giáo dục Việt Nam đa số  là những ngưởi  phi giáo dục mà nổi tiếng nhất là Nguyễn thiện Nhân,  có dư luận là sẽ thay Nguyễn Tấn Dũng. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.

Sau khẩu hiệu 2 không, năm sau ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thêm 2 không nữa thành 4 không : nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, nói không với học sinh ngồi nhầm lớp. Chuyện nhà giáo xuống cấp là đề tài bêu rếu hàng ngày của báo chí, chuyện hiệu trưởng, giáo chức cho học sinh lên lớp (cộng sản gọi là ngồi nhầm lớp) dù thiếu khả năng miễn là có thủ tục «đầu tiên» là chuyện thường tình. Người VN trong nước và ngoài nước không lạ gì hiện tượng con em đại gia và cán bộ ăn chơi lêu lổng, bỏ học, nhưng vẫn có điểm cao, vào đại học, có bằng giả, xuất ngoại du học để du hí và dọn đường cho dòng họ, bè đảng đào tẩu với tài sản cướp giựt.

* 3 có : có lòng yêu nước, yêu nhân dân; có danh dự và trách nhiệm; có kiến thức và kỹ năng. Đọc 3 có nầy mà hỗ hẹn cho bọn cầm quyền đã đẩy  xã hội VN lần lần đến chỗ  mất đạo đức

*4 kiểm tra : kiểm tra ngân sách địa phương chi cho giáo dục, kiểm tra sử dụng nguồn học phí, kiểm tra tiến độ kiên cố hóa trường lớp, kiểm tra xây dựng nhà công cụ cho giáo viên. Những khẩu hiệu nầy thuộc loại «vừa ăn cướp vừa la làng». Chỉ nói về vụ kiểm tra nguồn học phí, VN là một trong số ít nước trên thế giới thu học phí các trường phổ thông công lập (tiểu học, trung học), trái với khuyến cáo của UNESCO. Mặc dù chính phủ ấn định học phí không quá 5% lợi tức, nhưng các trường học tự do lạm thu học phí và đặt ra mọi thứ lệ phí đóng góp vào đủ thứ quỹ như quỹ tấm lòng vàng, quỹ phụ huynh học sinh, quỹ an ninh trật tự, quỹ chăm sóc sức khỏe, quỹ xây dựng cơ sở vật chất…. Một gia đình có 2 đứa con học trung học phải đóng khoảng 5 triệu đồng (khoảng 200 mỹ kim). Ai kiểm soát chi thu số tiền nầy?

*6 không : không được ép học sinh học thêm, không được xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh, không được xuyên tạc nội dung sách giáo khoa, đường lối giáo dục của đảng và nhà nước, không được cố ý đánh giá sai kết quả học tập của học sinh, không được uống rượu, hút thuốc khi dạy học, không được bỏ giờ, cắt xén chương trình.

*8 không : không được đánh học sinh, không được đuổi học sinh ra ngoài, không được phạt học sinh đứng xó, không được quát mắng xúc phạm nhân cách học sinh, không được dùng điểm để phạt học sinh, không được phạt học sinh không cho học môn của mình dạy, không được phạt học sinh viết 100 lần xin lỗi, không được bỏ lớp không dạy khi giận dỗi.

Những 6 không, 8 không là để áp dụng cho giáo chức. Có những điều quá hiển nhiên trong nghiệp vụ của nhà giáo, có những điều là luật lệ nhưng chẳng ai áp dụng (dạy thêm, cắt xén chương trình…), có những điều bóp chẹt lương tri nhà giáo (không được phê bình).

Lễ nghĩa, đạo làm người đối với Cộng sản đã trở thành thứ xa xí phẩm. Từ 1945, Cộng sản đã ra lịnh trường học phải tháo gở tất cả các bảng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn bởi cho đó là tư tưởng phong kiến lạc hậu.  Sau  khi chiếm được miền Nam năm 1975, cộng sản cũng bãi bỏ chuyện dạy lễ nghĩa, tinh thần tôn sư trọng đạo mà thay vào đó bằng các giáo điều «bác» và đảng. Hậu quả là bạo lực học đường phát triển tràn lan, trò đánh trò, trò đánh thầy và thầy cô trừng phạt học sinh bằng những biện pháp dã man kỳ lạ. Trường học hôm nay là cái xã hội VN  thu nhỏ trong đó mọi giá trị đạo đức đều biến mất. Để gọi là giải quyết bạo lực học đường, cộng sản tăng cường giáo dục công dân và giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên bằng các chương trình học tập tư tưởng của bác. Ở bậc tiểu học và trung học, học sinh học môn giáo dục công dân, không phải là học tập bổn phận và nghĩa vụ làm dân, làm người, mà học bổn phận và nghĩa vụ với bác và đảng. Lên đến đại học, bất cứ ngành nào, sinh viên đều phải học chương trình lý luận chính trị gồm ít nhất 3 môn : Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản VN. Thời lượng của các môn Lý luận chính trị là 10 tín chỉ. Mỗi tín chỉ gồm 15 tiết học lý thuyết (1 tiết = 50 phút),  30-45 giờ thực hành và thảo luận, 45-60 giờ làm tiểu luận, 45-90 giờ thực tập tại cơ sở. Tổng số thời gian học chính trị trong học trình cử nhân khoảng 2000 giờ, chiếm 25%  của học trình. Chánh sách chính trị hóa học đường còn biểu hiện dưới hình thức tổ chức các đoàn thể hiệp hội sinh viên để chi phối  các sinh hoạt của sinh viên dưới hình thức thi đua trung thành với đảng. Từ năm 2001, Cộng sản tổ chức hàng năm tại mỗi đại học những cuộc thi đua sinh viên 3 tốt (học tập tốt, hoạt động đoàn thể tốt, thể lực tốt). Phải hiểu học tập tốt không phải là trau dồi kiến thức chuyên môn mà là quán triệt kiến thức lý luận chính trị, hoạt động đoàn thể tốt không phải là hoạt động xã hội mà là tranh thủ xây dựng đảng trong đại học và cần có thể lực tốt để hoàn tất hai nhiệm vụ trên.

Thay lời kết

Để kết luận, không gì tốt hơn là nhờ lời “nói thẳng” của giáo sư Hoàng Tụy, nhà giáo được trong nước và thế giới kính nể về tài năng và tấm lòng đối với nền giáo dục

Những đổi mới trong các đề án công tác của ngành giáo dục, giỏi lắm cũng cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực...nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ: ví thử chiến lược nầy được thực hiện đầy đủ, điều khó có thể, thì đến năm 2020, VN cũng chỉ có một nền giáo dục kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hoà nhập được vào nền văn minh thời đại».

Nhà văn Trần Mạnh Hảo, tác giả tiểu thuyết «Ly Thân» đã can đảm chỉ trích chế độ từ thập niên 80, trong bài tham luận đọc trước Dại hội nhà văn lần thứ 13 vào tháng 7 năm 2010 tại Đà Lạt đã nhận định :

«Nền giáo dục VN hôm nay là một nền giáo dục thiếu trung thực, đúng như ý kiến của ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đã công nhận. Đạo đức trong giáo dục VN hôm nay đồng nghĩa với dối trá, thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt để lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bác tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa là sách đạo văn. Cán bộ có chức quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ, lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục Việt Nam. Nhiều ông cán bộ cao cấp có học vị tiến sĩ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp đại học, thậm chí có vị chưa có bằng tốt nghiệp cấp 2 vẫn lấy được học vị tiến sĩ. Việc chính trị hóa môn văn, môn lịch sử, môn triết học đã tạo cơ sở cho sự dối trá làm bá chủ đất nước. Giáo dục như thế làm sao có thể đào tạo ra những công dân chân chính ?...»

Và ông kết luận : Chính trị hóa giáo dục chỉ đẻ ra những chiến binh đánh bom tự sát, chứ không đẻ ra những công dân xây dựng tương lai.

Chúng tôi cũng xin được nói thêm : Bao giờ Việt Nam còn có những người lãnh đạo  giáo dục đại loại như Nguyễn Thiện Nhân, bao giờ trong sách giáo khoa còn tôn vinh bác và đảng, thì bấy giờ giáo dục Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong lạc hậu. Mọi  cải tổ chỉ là hoang phí của công và dối gạt nhân dân.

Lâm Văn Bé

Tháng 11 /2013