Print

Tầm sư

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“…Tôi đọc Nguyễn Hiến Lê không nhiều. Khi còn trẻ tôi chỉ nghiền ngẫm một vài cuốn rất sơ đẳng. Luyện văn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi… Lớn thêm một chút thì đọc Cổ văn Trung Quốc, Đại cương triết học Trung Quốc, Tô Đông Pha… Tính ra chắc chỉ độ một phần nhỏ những sách ông soạn hay dịch. Gần đây nhất, tôi chỉ còn giữ trong nhà bộ Hồi ký và Đời viết văn của tôi. Ông viết những cuốn này vào cuối cuộc đời, vừa theo lối tự thuật, vừa là những hướng dẫn chính ông đưa ra về lối sống và cách viết. Chính vì thế, tôi không có một kỷ niệm nào cụ thể để nói về ông. Dẫu thế, tôi vẫn coi ông là một bực thầy, một người ảnh hưởng rất nhiều đến lối làm việc và suy nghĩ, một bậc “tâm sư” như thỉnh thoảng tôi vẫn tự nhủ như thế. Nhiều người vẫn bảo tôi chọn lầm nghề. Đúng ra tôi phải chọn nghề dạy học. Chính tôi cũng nghĩ thế cho đến khi đọc được một câu trong tập Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê. Ông kể rằng ông từ chối lời mời dạy học của nhiều người để tập trung vào việc viết, nhờ thế mà viết được nhiều…”

Lọ mọ thế nào chả biết nữa, với gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau, mụ chữ tôi gặp gỡ “hàm thụ” người ngọai sử qua nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê. Ở cái tuổi mới lớn, mụ chữ tôi học đòi 1 đồng 3 điếu Ruby, cà phê vớ nên chả có thi giờ học làm người với ông Nguyễn Hiến Lê. Qua cửa Khổng sân Trình rồi, người ngọai sử chân chất, chân phuơng thì…thì mụ chữ tôi ma tịt, ma mãnh trông thấy …
Ấy vậy mà qua đến đất tạm dung, mụ chữ tôi gặp lại ông Nguyễn Hiến Lê…
Khỏang năm 1980, đang ôm nỗi buồn viễn xứ, mụ chữ tôi đọc truyện “Con đường thiên lý” của ông. Truyện viết về người Việt đầu tiên tới Mỹ tên Lee Kim (tên cúng cơm là Trần Trọng Khiêm). Thế là trái nắng trở giời thế nào chả biết nữa, mụ sử tôi tung tóe ra bài sưu khảo có tựa đề “Theo bước chân phù làng nhân”…lãng đãng là: Ông Bùi Viện không phải là người đầu tiên tới Mỹ mà là ông Lee Kim. Bởi nhẽ nhà biên khảo viết “Con đường thiên lý” có hồn có cốt, tình tiết lớp lang thứ tự nếu tính thời gian thì ông Lee Kim tới Mỹ trước ông Bùi Viện khỏang 20 năm.
Lềnh đễnh “Theo bước chân phù làng nhân” đâu vào đấy rồi... Rồi gửi lên mạng lưới để khoe chữ…Thì cách đây 3 (ba năm, năm 2014), mụ chữ tôi mọt sách ăn giấy cuốn Đời viết văn của tôi. “Tôi” đây là nhà biên khảo, học giả văn hóa cổ đại Nguyễn Hiến Lê đã bôc bạch rất…ngay tình:
“…Tôi dùng hồi ký của tôi và tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữa thế kỷ trước để tạo ra nhân vật không có thật là Lê Kim. Để dựng lên chuyện không có thật về người Việt đầu tiên trôi nổi qua Mỹ, theo một đoàn tìm vàng. Khi tìm được rồi thì chán. Chán rồi thì trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang trong Đồng Tháp Mười…”.

Vậy mà chưa hết chuyện cho: 3 năm nay, ít nhất là hai lần, đọc trên điện thư bạn bè gần xa gửi cho nhau khoe nhắng lên: “Ông Lee Kim là người Việt ta tới Mỹ đầu tiên cách đây 250 năm, trước cả Bùi Viện”: Ấy là chưa kể qua bài sưu khảo “Theo bước chân phù làng nhân”, mụ chữ tôi lòi mắt không tìm dấu tích ông Bùi Viện có mặt ở Mỹ
Vì hai nguồn tư liệu chính là Nguyễn triều châu bản và Đại Nam thực lục chính biên của nhà Nguyễn đều đề cập đến Bùi Viện.với bút phê và ấn dấu của Tự Đức. Có tất cả 10 tài liệu về Bùi Viện nhưng không một tài liệu nào đề cập đến chuyện Bùi Viện đi Mỹ.
Năm 1866, Tự Ðức gửi một sứ đoàn qua Pháp, do Giám mục J. D. Gauthier dẫn dắt, có Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… tháp tùng. Tiếp, nhiều sứ đoàn Việt liên tục qua Hồng Kông, Ma Cao. Ðiểm đáng ghi nhận là không thấy tên Bùi Viện trong báo trình của bất cứ sứ đoàn nào đi trước đó như Nguyễn Tăng Doãn, Nguyễn Hữu Lập…
Thêm nữa với chuyện đi sứ cho triều đình thì có cả một phái đòan gồm chánh, phó sứ, và chẳng thể thiếu thông sự (thông ngôn)…Như mụ chữ tôi đây, năm 75 lò dò tới San Francisco, chữ Tây chữ u không biết nào dám bạo gan bạo phổi…đi bộ tới D.C.
Cứ theo mụ chữ tôi góp nhặt sỏi đá bên đường dựng chuyện như thật liên quan đến bên lề lịch sử vào bậc thầy có cụ Nguyễn Hiến Lê với Con đường thiên lý. Nhà báo Trần Trung Quân với Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, là bản dịch cuốn hồi ký Saigon et moi (Saigon và tôi) của Jean M. Mérillon, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam trước 30-4-1975. Và ngay trong “Chuyện người ngọai sử” này đây, có Bình định An Nam chiến đồ, Tôn Sĩ Nghị dựng chuyện chiến thắng ở Lạng Sơn với Càn Long.
Thế nhưng chả một ai mảy may hay biết “tổ” của trường phái “dựng chuyện như thật” trong chốn làng văn xóm chữ là ông Phan Trần Chúc (1907-1946) gần như có thể nói ông là “ông tổ” ngành viết hư cấu:  Ông là “người đầu tiên” viết truyện “Bùi Viện là người đầu tiên tới Mỹ”, sách xuất bản tại Hà Nội năm 1939.

* * *
“…Khi mới sang định cư tại Mỹ tôi đã quen được một giáo sư chuyên về sử Trung Quốc khá danh tiếng. Ông ngỏ ý muốn bảo trợ cho tôi học tiếp về ngành sử để sau này vừa dạy học, vừa nghiên cứu…”
Khi không mụ chữ tôi mặt mũi héo don lụi đụi chuyện nếu như người ngọai sử sa đà vào “nghiên cứu”, ông sẽ trở về một thời xưa cũ có chức hàm “biên tu”, là chức quan trong quốc sử quán, giữ việc “chép sử”. Ông sẽ y như các sử gia khác muôn đời hình như đồng một căn bệnh: “Xưa và nay, nói chung các sử gia xưa thường chép sử chứ không trình bầy. Các sử gia nay nặng về sưu tầm chứ ít tra cứu, và nếu có tra cứu gặp nhiều khó khăn, phức tạp và chính vì tính cách phức tạp của khó khăn. Họ đã nhẩy qua vũng lầy của lịch sử, để dễ dãi chấp nhận những gì của những sử gia đi trước”.
. Và trong Tầm sư, ông dàn trải thêm…

“…Đến khi đi làm, tôi cũng sắm một bộ Tam quốc để học nhưng vì chữ nghĩa ít quá, tra chưa được một trang đã chán, thành thử bộ sách cũng chỉ để đó, lâu lâu coi hình.
Lộc Đình tiên sinh cũng khẳng định rằng phải vạch ra một con đường, biến cái khổ não thành niềm vui. Trái lại nếu dùng chữ Hán như một con thuyền để qua sông…
Chính vì thế, trong giai đoạn mà thiên hạ thèm đọc Kim Dung phải chấp nhận những bản cũ kỹ rách nát, quả không có cái sướng nào hơn cái sướng đọc truyện bằng nguyên tác chữ Hán, để thỉnh thoảng mỉm cười khi thấy một câu thú vị, hoặc tìm ra một ý tương đương, và cũng không khỏi chau mày khi nhớ lại bản cũ có những điểm dịch không chính xác. Thủy ngưu đâu phải là trâu nước mà là con trâu cày của ta vì theo người Tàu ngưu là con bò, ngưu nãi là sữa bò chứ nào phải sữa trâu…”.

Đến nhiễu nhương này mụ chữ tôi quả thỉnh thoảng cũng cười tịt: Vì mụ chữ tôi…chữ nhất bẻ làm đôi không biết nên cứ ngỡ thủy ngưu đâu là….trâu nước.
____________

Phụ đính

Vua Quang Trung ra Bắc và trận đánh Kỷ Dậu

theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí
Ngô Gia Văn Phái

Nhắc lai, Ngô Văn Sở sau khi đem các đạo quân rút lui, tức tốc sai Nguyễn Văn Tuyết chạy trạm vào nam cáo cấp. Một mặt chặn ngang đất Trường Yên, đóng thủy quân ở hải phận Biện Sơn. Ngày 20 tháng ấy Sở lui về Tam Điệp, thì ngày 24 Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân, Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng các người đến họp đều nói:
- Chúa công với vua Tây Sơn (Nguyễn Nhạc) có sự hiềm khích, với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh càng dễ sinh ra ngờ vực. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để giữ lòng người, rồi sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa muộn.
Nguyễn Huệ lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân tiến ra Bắc (1). Hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng
chạp năm Mậu Thân (1788).

(1) Đọc lại quyển Hoàng Lê nhất thống chí  thấy phần Nguyễn Huệ ra Bắc đánh trận mùa xuân năm Kỷ Dậu, một chiến công hiển hách mà chỉ có sáu trang. Còn toàn chuyện đâu đâu chẳng ra làm sao cả. (nhà văn Nguyễn Khải)
Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thuỷ lẫn bộ cùng đi. Ngày 29 đến Nghệ An, vua Quang Trung cho vời người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp (2) vào dinh và hỏi:
- Quân Thanh sang đánh, tôi sắp đem binh ra chống cự. Mưu đánh và giữ, cơ được hay thua tiên sinh nghĩ thế nào?
Thiếp nói:
- Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh nên giữ ra sao. Chúa công đi chuyến này, không quá mười ngày giặc Thanh sẽ bị dẹp tan.

(2) Điều đáng nói là một cuốn tiểu thuyết chương hồi xuất hiện đúng lúc có thể tạo một khuôn mẫu suy nghĩ không phải cho một mà cho nhiều thế hệ. Tam Quốc Chí đã tạo cho người Á Đông những định kiến chặt chẽ về Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Lưu Bị, Tào Tháo, Trương Phi, Triệu Vân... thì Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng thế. Cuốn tiểu thuyết này không phải chỉ là một bộ sử mà lắm khi đã biến thành một bộ chân kinh để người ta dùng phản bác những ai dám đụng chạm đến nhà Tây Sơn, đến Nguyễn Huệ. Cũng chính từ Tam Quốc Chí chương hồi ở đây, người ta để Nguyễn Thiếp, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân làm như Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Triệu Tử Long.
(phỏng theo Nguyễn Duy Chính)
Vua Quang Trung mừng lắm, liền sai đại tướng là Hám Hổ hầu kén lính ở Nghệ An, cứ ba suất đinh thì lấy một người, chưa mấy lúc, đã được hơn một vạn quân  (3)  tinh nhuệ. Rồi nhà vua cho mở cuộc duyệt binh lớn ở doanh trấn, đem số thân quân ở Thuận Hoá, Quảng Nam chia làm bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu, còn số lính mới tuyển ở Nghệ An thì làm trung quân.

(3) Chú thích: Hòang Lê nhất thống chí không đề cập đến 100 thớt voi.
Vua cỡi voi ra doanh yên ủy quân lính, truyền tất cả ra ngồi mà nghe lệnh dụ rằng:
“Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc, vơ vét của cải, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các ngài chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc được, mất ấy, đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra Bắc đánh đuổi chúng.
Các ngươi đều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực. Chớ có ăn ở hai lòng, nếu phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc”.
Các quân lính đều nói:
- Xin vâng mệnh, không dám hai lòng.
Hôm sau vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân. Các quân nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi
Khi đên núi Tam Điệp, Sở và Lân ra đón, đều mang gươm trên lưng mà chịu tội. Vua Quang Trung gật đầu khi mới nghe nói: “Ta đã đóan là do Ngô Thì Nhậm chủ mưu, sau hỏi Văn Tuyết thì quả đúng như vậy”. Nói rồi vua Quang Trung bèn sai mở tiệc khao quân, chia quân sĩ làm năm đạo (4), hôm đó là ngày 30 tháng chạp.

(4) Lúi húi đến năm đạo quân này, mụ sử tôi mới ngã ngửa người ra với bài khảo sử “Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày?”, sử gia Lê Văn Lân đã thó  “sử phẩm” này ở Hòang Lê nhất thống chí và ông bày trận “Bàn tay xòe”.
Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lề cúng Tết trước đã . Đợi đến tối 39 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho ta nói khóac”.
Sau đó vua truyền lệnh:
Các tướng ở trung quân thuộc quyền chỉ huy của vua Quang Trung (5) là đại tư mã Sở, nội hầu Lân đốc suất quân làm đốc chiến. Đại đô đốc Lộc, đô đốc Tuyết đốc suất tả quân, trong đó gồm thủy quân vượt biển vào sông Lục Dầu.. Đại đô đốc Bảo, đô đốc Long suất hữu quân, trong đó gồm voi và kỵ mã. Long theo đường đến thẳng làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì để đánh ngang vào đồn Điền Châu. Bảo thì thống đốc voi ngựa tới làng Đại Áng, huyện Thanh Trì để tiếp ứng cho cánh hữu.

(5) Nhiều sử gia vì quá sùng bái Quang Trung nên đã sử dụng Hoàng Lê nhất thống chí như một tài liệu chính yếu để viết về triều đại Tây Sơn.
Thực ra, đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết chương hồi trong đó chỉ có một phần sự thật, cái sự thật chủ quan của một vài cá nhân như họ nhìn thấy.(Tạ Chí Đại Trường)
Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc. (6)

(6) Theo Hòang Lê nhất thống chí (và Lê triều dã sử) khi tiến quân ra Thăng Long, vua Quang Trung bày cho binh lính cứ ba người một tốp thay nhau võng đi.
Thành ra quân đi liên miên không phải dừng, ai nấy đều lần lượt đựợc nghỉ. Do đó, quân Tây Sơn đã hành binh thần tốc.
Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tới làng Hà Hồi lặng lẽ vây kín làng rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính thay nhau dạ ran nghe như có hơn vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy đều rụng rời sợ hãi xin hàng.
Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm mộc bức, bên ngòai lấy rơm dắp nước phủ kín tất cả hai mươi bức. Đọan cứ mười người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành hàng chữ “nhất”. Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng năm tiến sát tới đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả Vua Quang Trung liền sai đội khiêng ván lên vừa che vừa xông thẳng lên phí trước. Khi gươm giáo chạm vào nhau thì quăng ván xuống đất chém bừa. Quân Thanh chống cự không nổi, bỏ chạy tán loạn. Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết.
Lúc vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi (7) thì đô đốc Long đánh tên thái thú Điền Châu, quân Thanh tan vỡ bỏ chạy, Long liền tiến quân vào thành. Giữa trưa hôm ấy vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo quân vào thành.

(7) Tại làng Ngọc Hồi vào tháng 12-1788, quân Thanh với 30.000 người (8)  đã xây dựng một tiền đồn mạnh để bảo vệ nam thành Thăng Long. Sau khi đồn Hà Hồi bị hạ vào thang 1-1789. Đồn ngoài lũy đất còn có hàng rào chông sắt, địa lôi (8). Vết tích của hệ thống đồn luỹ Ngọc Hồi được xác định qua địa danh Đồng Đồn, Nền Đồn, Cây đa Đồn. Địa danh còn có gò Mả Cả, Mả Ngô là nơi chôn xác quân Thanh.

(8)  Mụ sử tôi “diễn sử” theo Trần Gia Phụng và Nguyễn Duy Chính với quân số đông đảo cả chục ngàn người lấy đâu ra chỗ để chứa quân. Và góp chuyện: Thảng như đồn Chí Hòa (hay đồn Kỳ Hòa), việc xây dựng đồn cho 29.000 quân Việt trú đóng để chống quân Pháp do ông Tôn Thất Hiệp dựng lên từ tháng 8-1860 tới tháng 2-1861 (tức nửa năm). Đồn chiều ngang 1.000 m, chiều dài 3.000 m bằng đất sét và đá ong, ngòai hàng rào tre, và chông.
Vì “đồn” ở làng Ngọc Hồi để chứa 30.000 quân Thanh (gồm cả người hầu) phải có kích thước tương đương với đồn làng Chí Hòa. Trong khi quân Thanh chỉ có mặt ở Ngọc Hồi hơn một tháng, vật liệu xây cất không có sẵn nên… bât khả thi. Vì vậy “đồn” hay chiến lũy ở đây ta gọi cho óach vậy thôi. Vì có sách chép một lính Tàu có tới 3 dân phu đi theo với nồi niêu xoong chảo nên mụ sử tôi đồ là “đồn” đây là trại lính hay…“trại gia binh” khác gì…cái chợ. Vì theo Tôn Sĩ Nghị: “Các doanh trại xét bắt được những kẻ vào buôn bán, cắt tóc hay bán thuốc hút đều đem ra chém”. Vì “ngày đêm tuần tra qua lại liên tục như mắc cửi” nên phải dựng chòi canh mà ta gọi là “đồn” chăng?
Tôn Sĩ Nghị ở trong thành Thăng Long không nghe tin cấp báo gì hết nên trong ngày Tết mải lo yến tiệc nào hay cuộc vui chưa tàn, cơ trời đã đổi. Ngày mồng 4 bỗng thấy quân ở Ngọc Hồi chạy về báo cấp. Thật là: “Tưởng ở trên trời xuống, quân chui ở dưới đất lên”. Tôn Sĩ Nghị hỏang hốt, sợ hãi lập tức sai lãnh binh Thang Hùng Nghiệp ra xem thì nghe tin quân Điền Châu tan vỡ, Sầm Nghi Đống treo cổ chết. Quân Tây Sơn đã vào cửa ô. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước ra cầu phao, rồi nhắm hướng bắc mà chạỵ.

(còn tiếp)

Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 16 tháng 04.2020