Print


60 năm sau, nhìn lại

trận chiến Điện Biên Phủ

Nhữ Đình Hùng

Bối cảnh lịch sử
Vào đầu thế kỷ XIX, đế quốc Pháp đã thành công trong việc đặt Việt Nam và hai nước Cao Miên và Lào dưới sự quản trị của Pháp trong Liên Hiệp Pháp. Cao Miên, Lào, Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) đặt dưới chế độ bảo hộ trong khi Nam Kỳ (Cochinchine) là thuộc địa của Pháp, tất cả họp thành liên hiệp Đông Dương

Trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, Pháp đã bị Đức đánh bại, phải ký hiệp ước đình chiến vào năm 1940 và không còn sức để cung cấp người và võ  khí cho Đông Dương nữa. Cùng lúc, Nhật làm áp lực đòi Pháp phải nhượng bộ để quân đội Nhật có căn cứ trên lãnh thổ Đông Dương, ngươc lại, Nhật cam kết tôn trọng quyền lợi Pháp ở đây. Ngày mùng chín tháng ba năm 1945, Nhật thình lình tấn công các căn cứ Pháp, lật đổ chánh  quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam và trao trả độc lập cho Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Hoàng Đế Bảo Đại, đồng thời thống nhất  ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, tái lập lại nước Việt Nam. Vài tháng sau đó, Nhật thất trận. Thừa cơ hội đó, một tập hợp nhiều tổ chức tranh đấu (gồm các đảng phái quốc gia và những nhóm theo cộng sản)  mang tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, viết tắt là Việt Minh, tuyên bố độc lập.

Nhờ ở thủ đoạn và kỹ thuật tuyên truyền, Nguyễn Sinh Cung (được biết dưới nhiều tên khác nhau như Lý Thụy, Nguyễn Tất Thành. nhưng tên được biết đến nhiều nhất là Hồ Chí Minh), một cán bộ của cộng sản quốc tế, đã nắm được quyền lãnh đạo Việt Minh. Tổ chức này đã cướp chánh quyền ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ và tại Trung Kỳ, đã thành công trong việc thuyết phục Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị và giao ấn, kiếm lại cho Việt Minh.

Sau khi thất trận, lực lượng Nhật Bản ở Việt Nam bị giải giới và việc giải giới này do Trung Hoa và Anh đảm nhiêm. Việt Nam được chia làm hai vùng giải giới, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc do Trung Hoa, từ vĩ tuyến 16 vào Nam do Anh.  Trước khi bị giải giới,Nhật đã ngầm giao cho Việt Minh các vũ khí của Pháp mà họ có được sau cuộc binh biến mùng chín tháng ba năm 1945. Pháp theo chân Anh trở lại miền Nam Việt Nam và tìm cách thương thuyết với Việt Minh.Tại miền Bắc, Việt Nam Quốc Dân Đảng có vẻ mạnh thế nhờ việc lực lượng Trung Hoa giải giới Nhật, lúc đó, Trung Hoa đặt dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, thủ lãnh của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Năm 1946, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm cuộc nổi dậy ở Yên Bái, điều này khiến Hồ Chí Minh e ngại. Vì thế, một mặt Hồ Chí Minh tìm cách mua chuộc tướng Lư Hán, thủ lãnh lực lượng Trung Hoa lo việc giải giới Nhật, mặt khác, Hồ Chí Minh chấp  nhận việc Pháp trở lại Bắc Việt Nam để làm đối trọng với lực lượng Trung Hoa. Hồ Chí Minh còn đi xa hơn bằng cách ký các thoả hiệp với Sainteny và tạm ước (modus vivendi) với bộ trưởng thuộc địa Pháp Moutet, việc này không được các thành viên trong Việt Minh đồng ý.  Các lực lượng Việt Minh tiếp tục có những đụng độ với Pháp ngày 20 tháng mười một 1946, do một khiêu khích từ phiá Việt Minh, hạm đội Pháp bắn phá Hải Phòng. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Việt Minh mở cuộc tổng công kich các nơi đồn trú của Pháp và cả vào khu cư dân Pháp ở Hà Nội. Nhưng cuộc tổng công kích không thành công, Hồ Chí Minh và lực lượng Việt Minh rút vào chiến khu. Từ 1946 đến 1949, lực lượng Việt Minh không có những hoạt động đáng kể, nhưng sau khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa, Việt Minh đã có những hoạt động ngày càng mạnh hơn nhờ nhận được viện trợ tài chánh và vũ khí và cả về nhân lực Từ 1949 đến 1952, giao tranh giữa Pháp và Việt Minh ở trong tình trạng ngang ngửa. Với tướng De Lattre làm toàn quyền Đông Dương, lực lượng Pháp có vẻ khởi sắc nhất là sau trện Vĩnh Yên, lực lượng Việt Minh bị thiệt hại nặng. Nhưng sau De Lattre, tướng Salan chỉ có thể bảo đảm được những vùng hữu ích: tình hình miền Nam Kỳ được coi là yên tĩnh, tình hình  Trung Kỳ có hoạt động của Việt Minh đáng kể nhưng ở Bắc Kỳ, lực lượng Pháp bị áp lực mạnh.Điều này cũng dễ hiểu vì Việt Minh nhận được dễ dàng các vũ khí, đạn dược và các tiếp liệu khác xuyên qua biên giới Việt Hoa, trong những vùng do họ kiểm soát.Các trang bị quân sự này còn tốt hơn của Pháp vì đó là những trang bị của Mỹ cho quân đội Tưởng Giới Thạch bị cộng sản Trung  Hoa tịch thu hoặc là chiến lợi phẩm từ chiến trường Cao Ly.!  Cùng lúc Việt Minh mở rộng chiến tranh sang Lào. Trong bối cảnh đó, tướng Navarre đã được cử đến Đông Dương để thay thế tướng Salan.

Tương quan lực lượng Pháp và Việt Minh
Đối với chánh trị gia Pháp, Đông Dương coi như đã mất, họ giao cho các tướng lãnh Pháp nhiệm vụ đưa nước Pháp ra khỏi cuộc chiến trong 'Danh Dự' nghĩa là tạo ra một chiến thắng để đặt nước Pháp ở vị thế mạnh trong một cuộc điều đình và để bảo đảm sự sống còn của những vương triều thân Pháp trước phe cộng sản.

Bên phải: tướng Navarre, tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở viễn đông

Để làm điều này, tướng Navarre nghĩ đến việc thành lập quân đội quốc gia Việt Nam, Lào và Cao Miên, những quân đội này sẽ lo việc phòng vệ lãnh thổ, cho phép Pháp tập trung các lực lượng tinh nhuệ chống lại quân chính qui của Việt Minh.
Navarre cũng nghĩ đến việc cầm chân quân Việt Minh, không cho mở rộng chiến tranh sang Lào. Đây là việc lập lại kinh nghiệm đã có ở Nà Sản vào năm 1952 trong trận đánh kéo dài từ 23 tháng mười một tới 02 tháng mười hai Đây là một căn cứ 'không địa' (aéroterrestre) với sự tiếp vận hoàn toàn bằng phi cơ, để tấn công, Việt Minh đã phải tập  trung một quân số lớn và đã phải chịu thiệt hại nặng nề!

Địa điểm lựa chọn là Điện Biên Phủ, nhằm chặn đường tiến quân của Việt Minh sang Lào. Đây là một địa điểm nằm trong tỉnh Lai Châu, cạnh biên giới Lào, là một lòng chảo dài khoảng 16 cây số, rộng khoảng sáu cây số, có dòng sông Nam Youm chảy qua theo hướng bắc nam, có tỉnh lộ 41, có một phi trường nhỏ do quân đội Nhật làm ra trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, chung quanh thung lũng là đồi núi trải dài cả trăm cây số. Cư dân trong vùng là người thiểu số Thái, thân Pháp. Bất lợi là Điện Biên Phủ ở quá xa, cách Hà Nội 300 cây số về phiá tây.Tại Điện Biên Phủ, có một đơn vị Việt Minh hiện diện.

Bản đồ Điện Biên Phủ

Ý kiến chọn Điện Biên Phủ làm căn cứ là do tướng Cogny đề ra và được tướng Navarre chấp thuận. Cần ghi nhận là ý kiến này cũng bị một số sĩ quan cao cấp chống đối trong số có đại tá Jean Louis Nicot, tư lệnh không đoàn vận tải nhưng các ý kiến chống đối đều bị Navarre bác bỏ trong phiên họp tham mưu ngày 17 tháng 11 năm 1953. Cuộc hành quân được ấn định vào ba ngày sau đó với danh hiệu chiến dịch Castor.
Chiến dịch Castor là một chiến dịch không vận, có mục tiêu thiết lập một vòng đai trong vùng Điện Biên Phủ, trong một vùng đặt dưới sự kiểm soát của Việt Minh. Ý định của giới chức quân sự Pháp là cắt đứt việc đi lại giữa Lào và Việt Minh nhằm buộc Việt Minh phải giải toả bằng một lực  lượng quân số lớn để có thể bị tổn thất nặng như trường hợp Nà Sản.
Chiến dịch Castor được đặt dưới quyền tướng Jean Marcellin Gilles và khởi sự vào ngày 20.11.1953 lúc 10giờ 30 và đã kéo dài trong hai ngày.

Thả dù quân Pháp xuống Điện Biên Phủ

Trong ngày 20.11 đã có hai đợt nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, một đợt vào buổi sáng và một đợt vào buổi chiều. Lực lượng được tung vào trận địa vào buổi sáng là tiểu đoàn 6 dù thuộc địa (6èBPC) do thiếu tá Marcel Bigeard chỉ huy và tiểu đoàn hai nhảy dù thuộc trung đoàn 1 khinh binh dù (régiment de chasseurs parachutistes) dưới quyền điều khiển của thiếu tá Jean Bréchignac. Lực lượng dù được vận chuyển bằng 65 phi cơ C 47 Skytrain/Dakota và 12 C 119 Flying Boxcar.

Nhảy dù xuống Điện Biên Phủ

Sơ đồ bố trí quân Pháp ngày 22 tháng mười một 1953 ở Điện Biên Phủ

Mục tiêu của đợt đổ quân ngày đầu là chiếm phi trường địa phương do lực lượng Nhật xây dựng trong thời đệ nhị thế chiến. Ngoài lực lượng dù, còn có đơn vị công binh thuộc trung đoàn 17 công binh, có nhiệm vụ tái lập hoạt động của phi trường và ban  tham mưu của nhóm không vận một (GAP1). trong buổi chiều là việc thả dù tiểu đoàn 1 nhảy dù thuộc địa (1 BPC), các đơn vị thuộc trung đoàn 35 pháo binh nhẹ dù (35è RALP) và các đơn vị yểm trợ tiếp liệu.  
Ngày 21.11.1953, đến lượt nhóm không vận 2 (GAP2) gồm bộ tham mưu và tiểu đoàn tổng hành dinh của tướng Jean Gilles, tiểu đoàn một nhảy dù ngoại quốc (BEP), tiểu đoàn 8 nhảy dù xung kích (8BPC) và các đơn vị yểm trợ khác.
Ngày 22.11.1953, toán quân dù cuối cùng được thả xuống Điện Biên Phủ. Đó là tiểu đoàn 5 nhảy dù người Việt (5 BPVN). Trong toán này có sự hiện diện của nữ ký giả Brigitte Friang, một kháng chiến quân  bị Gestapo Đức bắt vào năm 1943 và đày vào trại tập trung Ravensbrück. Bà vừa có bằng dù và được tướng Navarre đặc biệt cho tháp tùng lực lượng nhảy xuống Điện Biên Phủ.

Hình dưới: tuần tiễu của tiểu đoàn 8 nhảy dù xung kích ở Điện Biên Phủ

Tính chung, lực lượng dù đổ xuống Điện Biên Phủ trong chiến dịch Castor lên đến 4155 binh sĩ, theo đúng giờ giấc và đạt được các mục tiêu đã định. Cuộc nhảy dù cũng đã gặp sự kháng cự của một đơn vị địch hiện diện ở đây thuộc trung đoàn 148 thuộc lực lượng chính quy của Việt Minh. Đơn vị này bị thiệt hại nặng phải rút lui, quân Pháp chiếm được làng và phi trường.
Các đơn vị công binh thực hiện các công tác sửa chữa lại phi đạo, thiết lập và củng cố các công sự phòng thủ. Cuối tháng mười một năm 1953, sáu tiểu đoàn dù được gởi thêm đến để tăng cường lực lượng phòng thủ, ngoài ra còn có thêm pháo đội Lào với 8 trọng pháo 105 ly và đại đội ngoại quốc súng cối nặng (1CEPLM).
Đến ngày 12.12.1953, đại tá Christian de Castries được chỉ định để thay thế tướng Gilles, trung tá Pierre Langlais là phụ tá cho đại tá de Castries, đại tá Charles Piroth  coi lực lượng pháo binh gồm sáu khẩu pháo 105 ly và ba khẩu pháo 120 ly, được dàn trải trên các đồi chung quanh căn cứ để bảo vệphi trường

Trước việc Pháp chiếm Điện Biên Phủ, quân Việt Minh đã có phản ứng. Các sư đoàn 304, 308,312 và 316 cũng như sư đoàn pháo binh /công binh 351 được tập trung về Điện BiênPhủ kể từ ngày 23.11.1953. Cho đến ngày 27.11.1953, việc bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ coi như hoàn tất. Cho đến tháng ba năm 1954, Việt Minh đã tập trung ở Điện Biên Phủ khoảng 50.000 quân. Nếu kể cả các lực lượng tăng viện và  tiếp liệu, quân số Việt Minh  ước lượng lên tới 80.000 người.

Kể từ cuối tháng hai 1954, bộ tư lệnh Pháp ở Đông Dương có được các tin tức về sự hiện diện của các đại đơn vị của Việt Minh. Các biện pháp được nghĩ đến là, hoặc di tản căn cứ sang Lào hoặc thành lập một lực lượng tiếp viện. Nhưng, giới chỉ huy quân sự Pháp mong muốn có ‘trận đánh sau cùng’ để giáng một nhát đòn quyết  định vào quân  địch. Nếu như phiá Pháp đánh giá thấp đối thủ là vì từ 25 tháng giêng 1954, lực lượng Việt Minh đã mở các cuộc tấn công bộ binh vào Điện Biên Phủ nhưng bị thất bại vì thiếu yểm trợ pháo binh. Việt Minh chờ các tăng viện về pháo binh trong khi Pháp nghĩ các đơn vị pháo binh địch không thể di chuyển đến được vì địa thế hiểm trở.

Trước khi mở cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ, Việt Minh đã tập hợp được các đơn vị sau đây :
*Sư đoàn  304 gồm các trung đoàn 9 và 57. Trung đoàn 9 có ba tiểu đoàn 353, 375 và 400 ; trung đoàn 57 có ba tiểu đoàn 265 , 246 và 418.
*Sư đoàn 308 gồm ba trung đoàn 36 (với các tiểu đoàn 80, 84, và 89) ; trung đoàn 88 (với ba tiểu đoàn 22, 29 và 322) và trung đoàn 102 (với các tiểu đoàn 18, 59 và 79).
*Sư đoàn 312 gồm trung đoàn 141 (với các tiểu đoàn 11, 16, và 428), trung đoàn 165 (với các tiểu đoàn 115, 542, và 564) và trung đoàn với các tiểu đoàn 130, 154 và 166)
*Sư đoàn 316 với các trung đoàn 98 (gồm tiểu đoàn 215 , 439, và 938)
*Sư đoàn pháo binh/ công binh 351 gồm có trung đoàn pháo 45 gồm tiểu đoàn 632 và tiểu đoàn 954, gồm 12 khẩu trọng pháo 105 mm loại M101/M101A1 cho mỗi tiểu đoàn ; trung đoàn pháo 675 với 20 súng cối 75mm ‘Type 41’ và 16 súng cối 120mm M1938, trung đoàn pháo phòng không 367 với hai tiểu đoàn phòng không, mỗi tiểu đoàn có 12 đại bác phòng không 37mm M1939.

Việc tiếp tế cho Việt Minh đến từ Trung Hoa, xuyên qua Lào đến căn cứ Tuần Giáo  bằng xe vận tải và từ đó đến Điện Biên Phủ việc chuyển vận do 75000 dân công thực hiện, mỗi người khuân vác 25 kí lô, mỗi ngày đi từ 15 đến 25  cây số tuỳ theo địa thế, nếu vận chuyển bằng xe đạp Renault, khoảng đường đi có thể dài hơn hoặc chở nặng hơn, từ 75 đến 100 ki lô.

Dân công chuyển vận tiếp liệu cho Việt Minh



Bộ chỉ huy Việt Minh trong trận đánh Điện Biên Phủ. Từ trái sang phải: Pham Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp 

Về phiá Pháp, trước khi Việt Minh mở trận tấn công vào Điện Biên Phủ vào ngày 13.03.1954, lực lượng Pháp đóng tại căn cứ này lên đến 10.814 người, trong số đó có 2969 lính lê dương người ngoại quốc.

Lực lượng Pháp được  phân bố như sau :
* Bộ chỉ huy hành quân Đông Bắc (PC GONO) dưới quyền chỉ huy của đại tá Christian de Castrie gồm :
- nhóm (lực lượng) lưu  động 6 (GM6) do trung tá André Lalande chỉ huy gồm các tiểu đoàn 3/3 REI, 1/1 RTA và 5/7 RTA
- nhóm lưu động 9 (GM9) do trung tá Jules Gaucher chỉ huy gồm các tiểu đoàn 1/13 DBLE, 3/3 DBLE, ½ REI, 3/3 RTA.
- nhóm không vận 2 (GAP 2) dưới quyền trung tá Pierre Langlais gồm các tiểu đoàn 1 BEP,  8 BPC, 5 BPVN.
-  Pháo binh dưới quyền đại tá Charles Piroth gồm có tiểu đoàn 2/4 RAC, 3/10 RAC, 11/4/4 RAC, 1 GAACEAO,1 CMMLE,2 CMMLE,1 CEPML

* Lực lượng phòng thủ bộ binh :
- tiểu đoàn 1/13 DBLE  dưới quyền thiếu tá de Brinon :thiếu tá Robert Coutant phòng thủ cứ điểm Claudine.
- tiểu đoàn 3/13 DBLE, dưới quyền thiếu tá Paul Pégot, phòng thủ cứ điểm Béatrice
- tiểu đoàn 1/2 REI dưới quyền thiếu tá Clémençon, phòng thủ cứ điểm Hughette
- tiểu đoàn 3/3 REI thiếu tá Henri Grand d’Esnon, phòng thủ cứ điểm Isabelle
- tiểu đoàn 2/1 RTA dưới quyền đại úy Pierre Jeancenelle,phòng thủ cứ điểm Isabelle
- tiểu đoàn 3/3 RTA dưới quyền đại úy Jean Garandeau, phòng thủ cứ điểm Dominique
- tiểu đoàn 5/7 RTA, dưới quyền thiếu tá Roland de Mecquenem,phòng thủ cứ điểm Gabrielle
- tiểu đoàn 1/4 RTM, dưới quyền thiếu tá Jean Nicolas,phòng thủ cứ điểm Eliane
- tiểu đoàn 2 người Thái BT2 dưới quyền thiếu tá Maurice Chenel, phòng thủ cứ điểm Eliane.
- tiểu đoàn 3 người Thái BT3 dưới quyền thiếu tá Léopold Thimonnier, phòng thủ cứ điểm Anne Marie.

* Lực lượng thiết giáp  gồm 10 chiến xa M24 Chaffee thuộc đại đội 3 trung đoàn 1 kị binh (3/1 RCC) dưới quyền đại úy Yves Hervouët phòng thủ các cứ điểm Claudine và Isabelle.

* Pháo binh gồm có:
- tiểu đoàn 2 trung đoàn 4 pháo binh thuộc địa '2/4 RAC gồm 12 khẩu M101A1 Howitzer 108mm dưới quyền thiếu tá Guy Knecht ở cứ điểm Dominique.
- tiểu đoàn 3 trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa '3/10 RAC gồm 12 khẩu M101A1 Howitzer 105mm dưới quyền thiếu tá Alliou phòng thủ cứ điểm Isabelle và Claudine.
- đại đội 11 thuộc tiểu đoàn 4/trung đoàn 4 pháo binh thuộc địa (11/4/4 RAC) gồm 4 khẩu M114 Howitzer 155mm dưới quyền đại úy Déal, phòng thủ căn cứ Claudine.
- tiểu đoàn 1 phòng không pháo binh thuộc địa ở Viễn Đông (1 GAACEO) dưới quyền trung úy Paul Redon gồm 3 đại liên M2  12,7 mm
- đại đội 1 súng cối hỗn hợp lê dương ngoại quốc (1 CMMLE) dưới quyền trung úy René  Colcy có 8 súng cối M2 107mm phòng thủ cứ điểm Claudine
- đại đội 2 súng cối hỗn hợp lê dương ngoại quốc (2 CMMLE) dưới quyền trung úy Fetter phòng thủ cứ điểm Gabrielle và Anne Marie  với 8 súng cối M2 107mm
- đại đội 1 súng cối nặng nhảy dù ngoại quốc (1 CEPML) gồm 12 súng cối M2 107mm dưới quyền trung úy Paul Turcy phòng thủ cứ điểm Claudine và Dominique

* Công binh: tiểu đoàn 31 công binh (31 BG) dưới quyền thiếu tá André Sudrat.

* Quân y:
- trạm giải phẫu lưu động 29 (ACM 29) dưới quyền thiếu tá Paul Grauwin, trạm giải phẫu lưu đông 44 (ACM 44) dưới quyền trung úy Jaxques Gindrey, trạm giải phẫu dù 3 (ACP 3) dưới quyền trung uý Louis Résillot, trạm giải phẫu dù 5 (ACP 5) đạịuý Ernest Hantz, trạm giải phẫu dù 6 (ACP 6) dưới quyền trung uý Jean Vidal.
* không quân: phi đội 1/ phi đoàn 22  khu trục (1/22 Saintonge) gồm 10 phi cơ Grumman F8T 1 Bearcat dưới quyền đại úy Claude Payen, phi đội 21 quan sát pháo binh GAOA 21 gồm các phi cơ MoranêSaulnier MS 500 và phi cơ trực thăng tải thương Sikorsky H 19 Chickasaw thuộc đại đội 1 tải  thương nhẹ (1 CLES). Ngoài lực lượng không quân có tại chỗ, căn cứ Điện Biên Phủ còn có sự yểm  trợ không quân từ Hà Nội và từ hàng không mẫu hạm ngoài khơi Bắc Phần nhưng các yểm trợ này rất giới(hạn vì khoảng cách quá xa, phi cơ không thể ở lâu trên không phận Điện Biên Phủ (Hà Nội cách Điện Biên Phủ trên 300 cây số)
* Ngoài các lực lượng chiến đấu, còn những lực lượng tiếp liệu, truyền tin gồm đại đội 2 /822 BT, đại2/823BT, đại đội truyền tin dù 342 CPT, trung đội 2/ đại đội 5 sửa chữa lê dương ngoại quốc (2/5CRMLE), đại đội 3 đạn dược (3 CM) và đại đội 730 tiếp liệu nhiên liệu (730CR)...
* Lực lượng dù tham chiến ở Điện Biên Phủ: ngoài tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc (1 BEP dưới quyền thiếu tá Maurice Guiraud), tiểu đoàn 8 dù thuộc địa (8 BPC dưới quyền thiếu tá Pierre Tourret) và tiểu đoàn 5 dù người Việt (5  BPVN dưới quyền đại úy André Botella) đã có mặt tại chỗ, các tiểu đoàn dù tăng phái khi cuộc tấn công Điện Biên Phủ đang diễn ra gồm có các tiểu đoàn 2 BEP dưới quyền thiếu tá Hubert Liesenfelt, 6 BPC dưới quyền thiếu tá Marcel Bruno Bigeard, tiểu đoàn 2/1 RCP dưới quyền thiếu tá Jean Bréchignac.

Bố trí các sư đoàn của  Việt Minh cho việc tấn công Điện Biên Phủ

Trận chiến Điện Biên Phủ (13 tháng ba   07 tháng năm 1954)
Căn cứ trên địa thế hiểm trở của vùng xung quanh Điện Biên Phủ, Pháp không nghĩ là quân đội Việt Minh có thể đưa các trọng pháo lên cao điểm, mặt khác, nghĩ rằng với phi trường có được tại chỗ, việc tấn công các lực lượng Việt Minh là điều có thể làm được.
Trong khi đó, quân Việt Minh, với khối lượng dân công đông đảo, đã cho đưa các trọng pháo và vật liệu nặng đến dưới hình thức cơ phận rời, do từng toán người chuyển trên những quãng đường ngắn, và lập các căn cứ tác xạ trên vùng sườn  đồi núi chế ngự Điện Biên Phủ. Các vũ khí này do Trung Cộng viện trợ, phần lớn là những vũ khí Mỹ lấy được sau cuộc tháo chạy khỏi Trung Hoa của lực  lượng Tưởng Giới Thạch vào năm 1949 và các vũ khí lấy được trên chiến trường Cao Ly. Các vũ khí này tương đương hoặc tốt hơn vũ khí của lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ.

Trong khi chờ đợi  các lực lượng tập trung về Điện Biên Phủ, Việt Minh tung ra các cuộc tấn công thăm dò khả năng phòng thủ của Pháp. Về phiá Pháp cũng có những cuộc tuần thám nhằm thu thập tin tức của đối phương. Những cuộc chạm súng này đã gây các tổn thất nhận sự cho cả đôi bên, nhưng về phiá Pháp, việc bổ xung quân số không đáng kể! Tuy nhiên, De Castries đợi sự tấn công của quân Việt Minh với suy nghĩ sẽ làm thiệt hại nặng cho đối phương .

1) Tấn công cứ điểm Béatrice
Quân Việt  Minh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13 tháng ba năm 1954 vào lúc 17 giờ 15 bằng một cuộc pháo kích dữ dội vào mọi cứ điểm phòng thủ. . Quân lực Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị bất ngờ về mức độ pháo kích này, nhất là các tác xạ nhắm vào các vi trí đặt bộ chỉ huy và pháo binh Pháp. Các biện pháp phản pháo đều vô hiệu. Tuyệt vọng vì không thể phản pháo và thấy trách nhiệm vì đã đánh giá sai khả năng pháo binh của Việt Minh, đại tá Charles Piroth, chỉ huy  trưởng pháo binh ở Điện Biên Phủ đã tự sát ngày 15.03.1954!
Ở cứ điểm Dominique 2, các pháo thủ của súng cối nặng 120 bị loại khỏi vòng chiến. Ở Béatrice, tiểu  đoàn 3/12 DBLE coi như bị xoá sổ vì pháo kích dữ dội của đối phương, đến 18g15 phút, ban chỉ huy tiểu đoàn bị trúng pháo; tiêu diệt toàn ban tham mưu và thiếu tá tiểu đoàn trưởng Paul Pégot Lần lượt sau đó là ban tham mưu của đại đội 9 và đại đội 11 của tiểu đoàn 3. Sau hai giờ pháo kích dữ dội, Việt Minh tấn công bằng hai trung đoàn thuộc sư đoàn 312, căn cứ Béatrice chỉ còn được phòng  vệ bằng hai đại đội lính  lê dương. Đến 3 giờ sáng ngày 14.03.1954, quân Việt Minh làm chủ được cứ điểm Béatrice. Trong cuộc giao tranh kéo dài vài giờ này, quân lê dương đã có 500 người chết và mất tích, về phiá Việt Minh, có khoảng 600 người chết và 1200 bị thương.
Sáng ngày 14.03.1954, 66 quân lê dương của đại đội 9 của tiểu đoàn 3/13 DBLE thoát về được phòng tuyến của Pháp. Quân Việt Minh trao trả 14 binh sĩ bị thương nặng trong số có trung uý Etienne Turpin được di tản ngay trong ngày bằng phi cơ. Tiểu đoàn 3/13 DBLE coi như bị xoá sổ trong vòng một đêm. Bán lữ đoàn lê dương  (13è DBLE) còn bị mất vị chỉ huy trưởng, đại tá Jules Gaucher, và ban tham mưu vì ban chỉ huy bị trúng đạn pháo kích vào lúc 19G45 trong ngày 14.03.1954! Ba phi cơ F 8 Bearcat đã có thể rời Điện Biên Phủ vào lúc 14 giờ, sáu phi cơ khác bị hư hỏng vì pháo kích phải bỏ lại trên phi đạo.Từ luc này, việc yểm trợ không quân cho Điện Biên Phủ đến từ các căn cứ trong vùng vịnh Bắc Bộ, cách xa Điện Biên Phủ cả 300 cây số. Nhưng, phòng  không của Việt Minh ngày một mạnh hơn!
Chiếm được cứ điểm Béatrice là thắng lợi đầu tiên của quân Việt Minh trong cuộc chiến Điện Biên Phủ.

2) Tấn công cứ điểm Gabrielle
Sau khi chiếm được cứ điểm Béatrice, quân Việt Minh bắt đầu tấn công cứ điểm Gabrielle. Cứ điểm này được tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 7 bộ binh người Algérien (5/7 RTA), các pháo đài của Gabrielle được coi là tốt nhất trong các cứ điểm ở Điện Biên Phủ.
Để chuẩn bị tấn công, quân Việt Minh trong ngày 14.03.1954 đã cho pháo kích liên tiếp hai giờ sau đó, cho hai trung đoàn thuộc sư đoàn (đại đoàn) 308 tấn công nhưng đã bị lực lượng  người algérien chặn đứng. Lực lượng tấn công tổn thất nặng. Nhưng đến 4 giờ sáng ngày 15.03, một quả đạn đã trúng vào ban chỉ huy tiểu đoàn, thiếu tá Roland de Mecquenem và nhiều nhân viên ban tham mưu bị thương nặng. Trung đoàn 165 của Sư đoàn 312, chưa tham chiến ở Béatrice, đã được xử dụng để thay thế cho lực lượng của sư đoàn 308. Lực lượng algérien băt đầu bị tràn ngập, De Castries ra lệnh phản công để bắt tay với tiểu đoàn 5/7 RTA. Tiểu đoàn 1/2 REI cung cấp hai đại đội, cùng lúc đó, tiểu  đoàn 5 dù người Việt ( 5 BPVN) cũng được thả xuống để tiếp cứu Gabrielle nhưng đã bị thiệt hại nặng vì hoả lực địch,  phải  vượt một quãng đường dài trên một cây số trên một địa thế xa lạ để trở về căn cứ xuất phát.Sau đó, lực lượng lê dương, với yểm trợ của chiến xa Chaffee thuộc tiểu đoàn 3/1 RCC đã có thể đẩy lùi nút chặn của một tiểu đoàn Viêt Minh nhưng sau đó họ gặp nhóm quân sống sót của tiểu đoàn 5/7 RTA rút lui từ cứ điểm Gabrielle, lực lượng này đã chỉ kháng cự nổi đến 13giờ.  
Lực lượng phòng vệ Gabrielle đã chết và mất tích khoảng 500 người, về phiá quân Việt Minh, số tổn thất ước lượng 2000 người.Cuộc phản công đã có thể có kết quả tốt nếu khéo phối hợp, theo các tin tức, các chỉ huy các đơn vị đã không còn  giữ được tình thế, sự hoảng sợ lan khắp các đơn vị, các quyết định quan trọng phần lớn do trung tá Paul Langlais,phụ tá của De Castries, tư lệnh các đơn vị dù tại Điện Biên Phủ. Về phiá Việt Minh, sư đoàn 308  có 1500 quân tử trận và sư đoàn 312 có 500 quân tử trận trong trận đánh Gabrielle. Số bị thương lên đến nhiều ngàn người. Sau trận đánh chiếm Gabrielle, tình hình tạm lắng đọng, Việt Minh chờ bổ xung quân số.

3) Mất cứ điểm  Anne Marie ngày 17 tháng 03 năm 1954
Cứ điểm này do tiểu đoàn 3 người Thái (BT 3) đảm trách nhiệm vụ phòng thủ nhưng mất tinh thần trước việc Béatrice và Gabrielle bị thất thủ, các lính Thái tự động tan hàng, phần lính Thái và lính lê dương còn lại (2 CMMLE) đành phải bỏ vị trí vào sáng ngày 17.03

4) Khủng hoảng trong bộ chỉ huy Pháp tại Điện Biên Phủ
Từ ngày 17 tháng 03 đến ngày 30 tháng ba 1954, tình hình tại Điện Biên Phủ tương đối lắng dịu, trước đó ngày 16.03, tiểu đoàn dù 6 BPV do thiếu tá Marcel Bigeard đã  nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để tăng cường cho lực lượng ở đây. Trong khi đó, quân Việt Minh cũng được bổ xung quân số cũng như  cho đào các giao thông hào nhằm tiến sát tới các vị trí của Pháp. Phiá Pháp cũng cho đào sâu thêm giao thông hào để phòng ngự. Trong thời kỳ tương  đối yên tĩnh này, bộ chỉ huy Pháp tại Điện Biên Phủ gặp cuộc khủng hoảng về chỉ huy. Một số ít sĩ quan theo De Castrie nhưng đa số theo Pierre Langlais, phụ tá của De Castries.
Sau cùng, De Castries trên nguyên tắc giữ quyền điều khiển nhưng chỉ lo việc liên lạc với bộ chỉ huy ở Hà  Nội, còn việc chỉ  huy thực tế thuộc về Langlais; Bigeard chỉ huy lực lượng không vận.


Ban tham mưu của PC GONO. Từ trái sang phải thiếu tá Maurice Guirad( 1BEP), đại uý André Botella (5 BPVN), thiếu tá Bigeard (6 BPC), đại uý Tourret  (8 BPC), trung tá Langlais, chỉ huy trưởng nhóm không vận 2 tại Điên Biên Phủ và thiếu tá de Séguin Pazzis, tham mưu trưởng.

Vấn đề tiếp tế Điện Biên Phủ ngày càng khó khăn vì phòng không của Việt Minh, do đó ngày 28.03, Bigeard mở cuộc hành quân nhằm tiêu diệt các khẩu phòng không của địch. Lực  lượng tung vào cuộc chiến có tiểu đoàn 6 dù (6 BPC), tiểu đoàn 8 dù xung  kích (8BPC) và tiểu đoàn 1 dù ngoại  quốc (1BEP). Cuộc tấn công hoàn toàn thành công, hơn 350 quân Việt Minh bị chết, nhiều pháo phòng không bị phá huỷ, trong khi đó lực lượng Pháp chỉ thiệt hại có 20 người. Sự thành công trong cuộc đột kích này đã làm ‘lên tinh thần’ lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ! Nhưng, quân Việt Minh cũng tăng thêm sự phòng vệ.

5) Quân Việt Minh tấn công các cứ điểm Eliane và Dominique từ 30.03 đến 05.04.1954
Đây là một cuộc tấn công ào ạt của bộ binh Việt Minh nhằm xuyên thủng tuyến phòng thủ chính của Pháp tại Điện Biên Phủ, đặc biệt nhắm vào hai cứ điểm Eliane và Dominique. Eliane được phòng thủ với các tiểu đoàn 1/4 RTM, 2è BT, 1 BEP, 4 BPC trong khi Dominique được phòng thủ với các tiểu đoàn 8 BPC, 3/3 RTA, 5 BPVN, 2 CMMLE, 2/4 RAC,1CEPML. Lực lượng phòng thủ tại hai cứ điểm này như thế  là một lực lượng hỗn hợp gồm các lực lượng dù thuộc địa, dù Việt Nam, lính Thái, lính lê dương, lính người xứ Maroc và Algérie. Quân Việt Minh tấn công đúng theo bài bản ‘tiền pháo, hậu xung’. Vào 19 giờ ngày 30.04.1954,sau một cuộc pháo kích dữ dội, sư đoàn 312 mở cuộc tấn công tràn ngập các điểm phòng thủ Dominique 1 và Dominique 2 ; tại điểm phòng thủ Dominique 3, trọng pháo Pháp phải hạ nòng bắn thẳng vào lực lượng thuộc sư đoàn 312 tấn công vào ban chỉ huy  GONO, pháo binh phòng thủ phi trường dùng cả cao xạ để bắn vào quân tấn công. Trước sự kháng cự dữ dội của lực lượng phòng thủ, quân Việt Minh bị chận đứng và phải rút lui sau đó.

Quân Việt Minh thuộc sư đoàn 312 tấn công cứ điểm Dominique ngày 30.03.1954 dưới sự yểm trợ pháo binh

Tại cứ điểm Eliane, tình hình cũng tương tự. Sư đoàn 316 chiếm được điểm phòng thủ Eliane 1 do tiểu đoàn 1/3 RTM phòng thủ, sau 4 giờ chống trả dữ dội, quân phòng thủ sống sót rút được về điểm phòng thủ Eliane 2 do tiểu đoàn 1 BEP trách nhiệm. Đến nửa đêm thì điểm phòng thủ này cũng bị tràn ngập. Ngay trong đêm 30 rạng ngày 31.03, Langlais tổ chức phản công vời tiểu đoàn 6 dù ( 6 BPC) và một đại đội của tiểu đoàn 1 BEP lấy lại được Eliane 2 và sáng ngày 31.03 lấy lại Eliane 1 và Domibique 2. Quân Việt Minh phải triệt thoái nhưng trong buổi chiều mở cuộc phản công. Quân Pháp phải bỏ hai điểm phòng thủ vừa tái chiếm trong đêm 31.03 rạng sáng 01.04 vì  không còn đạn!
Trong đêm 31.03, Langlais ra lệnh cho Bigeard bỏ cứ điểm Eliane nhưng ông sau này không nghe lệnh. Tại Elian 2, tiểu đoàn 1 BEP với sự hỗ trợ của chiến xa Chaffee thuộc 3/1 RCC đã giữ vững vị  trí ; Sư đoàn 315 bị thiệt hại nặng và bị đẩy lui Trong ngày 01.04, một phần của tiểu đoàn 2/1 RCP được thảy dù xuống căn cứ Eliane 2, tiểu đoàn này đặt dưới quyền thiếu tá Bréchignac.
Cùng lúc, ở phiá tây, quân Việt Minh thuộc sư đoàn 308 chiếm được cứ điểm Huguette 7 do tiểu đoàn 1/2  REI phòng thủ và đã phải chịu thiệt hại nặng, sau đó đã bị lực lượng dù 8 BPC và vài chiến xa của 3/1 RCC đẩy lui trong buổi chiều ngày 01.04.1954. Trong đêm 01 rạng ngày 02.04, phần còn lại của tiểu đoàn 2/1 RCP được thả dù xuống Điện Biên Phủ. Trong đêm 03 rạng ngày 04.04 sư đoàn 308 tấn công điểm phòng thủ Huguette 6, điểm này do đại đội 1 thuộc tiểu đoàn 1/2  REI và một số lính thuộc 1/13 DBLE và 8 BPC trách nhiệm đã cố thủ trong tuyệt vọng. Sáng sớm ngày 04.04, không quân Pháp đã oanh kích các vị trí quân thuộc sư đoàn 308. Đến sáng ngày 05.04, quân Việt Minh bị đẩy lui.
Lực lượng Việt Minh trong cuộc tấn công từ ngày 30.03 đến ngày 05.04 đã bị thiệt hại nặng : 6000 người chết, 10.000 người bị thương và 2500 người bị bắt. Tinh thần lính Việt Minh xuống thấp. Tướng Võ nguyên Giáp phải ngưng chiến dịch, chờ tăng viện từ Lào đến và thay đổi chiến thuật. Về phiá Pháp, tình hình cũng không khá, tinh thần binh sĩ xuống thấp, nhất là khi có những tin tức về một hội nghị quốc tế để giải quyết chiến tranh Đông Dương.

6) Chiến thuật tấn công  bằng  giao thông hào (05 tháng tư – 30 tháng tư 1954) hay cuộc tấn công năm ngọn đồi.
Ngày 5 tháng tư 1954, quân Việt Minh thay đổi chiến thuật, dùng công binh đào các giao thông hào để tiến sát các vị trí phòng thủ của Pháp. Phiá Pháp cũng có những nỗ lực để giải toả áp lực, ngày 10 tháng tư, quân Pháp phản công chiếm lại Eliane 1, cùng lúc, làm giảm áp lực đối với Eliane 4. Để duy trì áp lực, Việt Minh mở cuộc phản công để tái chiếm Eliane 1,  và chỉ trong ngày 10 tháng tư, Eliane 1 đã thay đổi chủ bảy lần, đấn sáng 11 tháng tư, Eliane 1 đặt dưới sự kiểm soát của quân Pháp. Ngày 12 tháng tư, quân Việt Minh tung ra một cuộc phản công nhằm chiếm lại Eliane 1 nhưng bị đẩy lùi.
Trong lúc đó, công binh của Việt Minh tiếp tục đào các giao thông hào để bao vây các cứ điểm Huguette 1 và Huguette 6, các lực lượng Pháp ở Huguette 1 đã mở các cuộc tấn công vào các giao thông hào vào đêm ngày 10 rạng ngày 11, vào đêm ngày 14 rạng ngày 15 và vào đêm ngày 16 rạng ngày 17. Nhưng thiếu quân số, Pháp không chiếm giữ các vị trí này, ngoài ra, việc tấn công các giao thông hào cũng gây tổn thất cho quân Pháp. Coi đây là những hoạt động không hữu ích, Langlais ra lệnh bỏ cứ điểm Huguette 6, các binh sĩ ở đây được lệnh rút về phòng tuyến Huguette 1  nhưng chỉ một số ít về được. Ngày 22 tháng tư, đến lượt Huguette 1 bị tràn ngập. Việt Minh chiếm được cứ điểm này và như thế hoàn toàn kiểm soát phi trường ở Điện Biên Phủ. Ngày 23 tháng tư, quân Pháp phản công để tái chiếm Huguette 1 nhưng bất thành. Trong thời gian có giao tranh ở Eliane, trung tá Langlais đã có yêu cầu tăng viện nhưng lực lượng tăng viện được gởi tới thuộc đủ mọi thành phần, đa số chưa có bằng nhảy dù  Do các giao tranh trên chiến địa và việc thường xuyên đổi chủ, một phần lực lượng tăng viện lọt vào tay quân Việt Minh.

7) Trận đánh quyết định  01 tháng 05 đến 07 tháng 05. 1954
Trong đêm 30 tháng tư rạng ngày 01 tháng năm, quân Việt Minh tung ra trận đánh quyết  liệt nhằm tiêu diệt các lực lượng Pháp hiện diện tại Điện Biên Phủ. Không như quân Việt Minh được luôn luôn bổ sung để luôn luôn có cấp số đầy đủ, lực lượng Pháp đã không thể bù đắp việc thiệt hại quân số, đa số đã mệt mỏi vì phải liên tục chiến đấu trong hơn một tháng qua trong những điều kiện thiếu thốn về tiếp liệu. Các cứ điểm Eliane 1, Dominique 3 và Huguette 5 lần lượt lọt về tay quân Việt Minh,. Riêng Eliane 2 là còn có khả năng kháng cự và đẩy lùi các cuộc tấn công của Việt Minh. Ngày 06 tháng 05, quân Việt Minh tấn công Eliane 2 và lần đầu tiên xử dụng hệ thống hoả tiễn Katioucha (còn được gọi là orgue Staline). Để đối phó cuộc tấn công tràn ngập của Việt Minh, pháo binh Pháp đã xử dụng cách bắn TOT gây thiệt hại nặng cho bộ binh và đẩy lùi các đợt tấn công. Nhưng trong đêm mùng sáu rạng ngày mùng bảy tháng năm, công binh Việt Minh đào hầm đến tận dưới cứ điểm Eliane 2 và đặt chất nổ để làm nổ tung cứ điểm này. Tình hình quân Pháp trở thành tuyệt vọng. Lúc 17 giờ ngày 07.05.1954, De Castries còn liên lạc với tướng Cogny và ông ta nhận được lệnh không được kéo cờ trắng. De Castries  sau đó đã liên lạc vô tuyến với ban chỉ huy Việt Minh, cho biết sẽ ngưng chiến đấu. Binh sĩ Pháp được lệnh ngưng bắn và phá hủy vũ khí. Các căn  cứ phòng thủ trung  tâm Điện Biên Phủ  lọt vào tay Việt Minh vào chiều ngày 07 tháng năm 1954, chỉ còn cứ điểm Isabelle nằm cách 4 cây số về phiá nam là còn cầm cự tới nửa đêm. Ở căn cứ này, chỉ có 70 người thoát được sang Lào (quân số đồn trú lúc đầu ở đây là 1700 người.)

Quân Việt Minh cắm cờ trên hầm chỉ huy của De Castries

Kết quả trận đánh Điện Biên Phủ
Trong cuộc chiến kéo dài từ 13 tháng ba 1954 đến 07 tháng năm 1954, quân Việt Minh, theo ước lượng, có khoảng 25.000 người chết.
Về phiá Pháp, có 2293 người chết và 11721 người bị bắt làm tù binh trong số có 4436 người bị thương. Khoảng 70% những người bị thương đã chết trong khi di chuyển. Khi đến các trại giam; do điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt (thiếu ăn, thiếu thuốc men), bị ngược đãi, một số không nhỏ đã chết. Những người sống sót bị nhồi sọ về chánh trị (trong số các chánh trị viên của Việt Minh, có Boudarel, một giáo sư trung học Pháp đi theo cộng sản, phải làm các bản tự khai… Những người vượt ngục  khi bị bắt lại bị đưa ra hành quyết. Sau hiệp định Genève, chỉ có 3290 quân nhân Pháp  được trả lại, số phận 3013 quân nhân người Việt không được biết tới. Những quân nhân Pháp được trao trả ở trong tình trạng suy nhược nặng cũng giống như tù nhân trong các trại giam của Quốc Xã Đức.

Tù binh Pháp được trao trả

* * *

Cho đến nay, cộng sản Việt Nam vẫn hết sức ca ngợi chiến thắng Điện Biên như là một chiến công hiển hách của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, ngay trong cuốn sách «Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Võ Nguyên Giáp, NXB Kim Đồng, 2004», tướng Giáp cho biết "Quyết định ban đầu của ta đã được Đại tướng Vi Quốc Thanh – Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đồng ý với phương án tấn công ngay khi Pháp mới tới Điện Biên Phủ, Ông khuyên ta là: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng cường thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng không còn điều kiện công kích quân địch nữa”  (1; tr69)". Ông tướng họ Vi đã "khuyên" hay ra chỉ thị? Và sau cuộc tấn  công thăm dò, quân Việt Minh đã bị đẩy lùi, buộc phải chờ tiếp viện thì Võ Nguyên Giáp lại có trao đổi với tướng Vi Quốc Thanh: “Ý định của tôi là hoãn cuộc tấn công ngay buổi chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” (1; tr81). Đó là ý định của tướng Giáp hay là ý định của Vi Quốc Thanh. Được biết trong thời gian  chuẩn bị lại, đã có hằng đoàn xe vận tải từ Trung Hoa xuyên biên giới Lào Việt để tăng viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Có thể có cả tăng viện bằng "chí nguyện quân" Trung Hoa vì Pháp tìm thấy trong số các xác quân Việt Minh những xác có tầm vóc to lớn hơn tầm vóc trung bình của người Việt Nam, có lẽ thuộc về dân Mãn Châu.

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp đã phải ký hiệp định Genève để chia đôi Việt Nam theo vĩ tuyến 17 bắc.  Miền bắc của vĩ tuyến 17 đặt dưới quyền kiểm soát của chánh quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, miền nam vĩ tuyến 17 đặt dưới quyền kiểm soát của chánh quyền Nhà Nước Việt Nam. Nếu miền Nam Việt Nam đã có thể ra khỏi thời kỳ Pháp thuộc để bắt đầu xây dựng một nền tảng cho một chế độ dân chủ, miền Bắc Việt Nam đã đi vào việc xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa quá độ lên chế độ cộng sản với các việc đấu tố, cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội…để tiến tới chế độ toàn trị dưới sự lãnh đạo độc quyền của đảng Lao Động, trá hình của đảng cộng sản Việt Nam.

Nhữ Đình Hùng


Tham khảo:
Dalloz Jacques, La guerre d'Indochine, 1945 1954, 1987.
Général Gras, Histoire de la guerre d'Indochine, 1979.
Roy Jules, La bataille de Dien Bien Phu, 1962.
www.defense.gouv.fr/content/download/100782/978522/file/MC39.
http://jacqueline devereaux.blogspot.fr/2009/04/guerre dindochine bataille de dien bien.html
http://www.histoire pour tous.fr/batailles/4775 la bataille de dien bien phu 1954.html
http://www.strategietotale.com/forum/122 guerre et geopolitique en asie/100676 tragedie francaise en indochine la bataille de dien bien phu
http://le cartographe.net/dossiers carto 91/asie/96 vietnam la bataille de ein bien ph.


Đăng ngày 09 tháng 05.2019