Print

Chuyện thật chuyện giả trong lịch sử cận đại


Trần Khánh

Tháng 10 năm 1945 các tờ báo đương thời như Thời Mới, Kèn Gọi Lính, Quyết Chiến…loan tin em bé đuốc sống mà nhân vật là Lê văn Tám đã tẩm xăng tự đốt mình chạy lăn xả vô kho đạn, kho xăng ở Thị Nghè Sài Gòn để phá hủy tiềm năng của giặc Pháp. Chuyện được dựng nên bởi Trần Huy Liệu là một nhà sử học, chánh trị gia có tiếng, ông Liệu đã từng thâu ấn kiếm của vua Bảo Đại.

Tháng 12 năm 2009 ông Phan Huy Lê là giáo sư chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có họp báo nên các tờ báo thời nay có đăng tin: Lê văn Tám là nhân vật không có thật, là hư cấu được dựng lên để gây lòng yêu nước của toàn dân theo gương anh hùng. Ông Lê nói là được uỷ thác của ông Liệu khi đất nước sạch bóng quân thù thì cũng nên những gì của lịch sử hãy trả lại sự thật. Ông Liệu mất, ông Lê phải chịu lời uỷ thác nên nói lên sự thật là chuyện anh hùng Lê văn Tám là không có thật.

Trước khi công bố, ông Lê tìm hỏi mấy bác sĩ có uy tín, khi tẩm xăng vào người đốt thành bó đuốc rồi chạy vô trại giặc hàng trăm thước có được không? Các bác sĩ đều nói chỉ cần mấy chục bước thôi là ngã qụy liền.
Qua 65 năm rồi, cuộc chiến hai miền Nam Bắc, huynh đệ tương tàn do các đế quốc dựng lên, không thiếu gì những chuyện không thật được bịa ra để gây lòng căm phẫn, lòng yêu nước. Những chuyện đó được truyền miệng trong dân, dù bị chế diễu nói theo bây giờ là "thiếu cơ sở" nhưng cũng được bỏ qua.
Nay chuyện này được công bố qua lời của nhà sử học nhất nước Phan Huy Lê thì thử hỏi các chuyện như Lê thị Hồng Gấm, Nguyễn văn Trỗi… cái tên quê quê mộc mạc thường bị đặt nhiều nghi vấn ra sao nữa?
Tên Lê văn Tám đã đi vào lịch sử, nghệ thuật, văn hoá. Vì ở Việt Nam đã có tên đường, tên trường học, tên công viên và có tượng với nhiều thơ văn ca tụng.
Bây giờ phải làm sao đây! Phải chi ông Phan Huy Lê để câu chuyện thật chìm vào quên lãng để cho người dân, nhứt là người trẻ được tin những gì tốt đẹp…

Thôi chuyện của lịch sử và con người đừng lạm bàn nữa. Còn chuyện bỏ quên là nên làm lại và là câu chuyện thật.
Khách hành hương đến Châu Đốc thường đến miếu bà Chúa Xứ, Năm Cô, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, Tây An Cổ tự… mà gần như không ai biết đến "Sam Sơn Nghĩa trũng", một nấm mồ tập thể ở thành rào của lăng Thoại Ngọc Hầu.
Họ là những ai? "Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm". Đó là những vị anh hùng không tên tuổi mang guơm đi mở nước. Họ là quân, là dân ngày trước chịu lệnh của triều đình đem thân phá rừng xẻ núi, mở sông, dẹp giặc để giữ yên bờ cõi. Họ là những người ngã xuống để vạch một chân trời mới Châu Đốc Tân Cương để cho con cháu được có ngày nay. Ơn này làm sao kể hết!
Họ đã đem xương máu đào được con kinh chiến lược Vĩnh Tế…dài và rộng như một con sông từ sông Hậu ở Châu Đốc đến Giang Thành Hà Tiên, số người tham dự hơn tám vạn lượt người, chịu lam sơn chướng khí, cực nhọc lại phải ngó qua biên cương để bảo vệ nên đã hy sinh trong vùng đèo heo hút gió không ít.

Để ghi ơn và an ủi phần nào các vong linh đã khuất, ông Thoại Ngọc Hầu, người chịu trách nhiệm giữ biên cương và đào kinh Vĩnh Tế hoàn thành hàng trăm cây số cho người đi tìm hài cốt của các tử sĩ dân binh dọc hai bên bờ kinh đem về cải táng bên triền núi Sam cạnh bên khu đất ông chọn làm sinh phần cho mình. Khu đất trong đó là nấm mồ của những anh hùng vô danh vị quốc vong thân bị bỏ quên.
Vào một ngày lành, ông Thoại Ngọc Hầu "thừa đế lịnh" tổ chức trọng thể và làm chủ tế đọc bài văn tế thật thống thiết nhan đề là "Thừa đế lịnh tế cô hồn Vĩnh Tế" còn gọi là "Tế Nghĩa trũng văn" có câu:
Hàng năm cúng tế dồi dào
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi.
Lễ này khoảng rằm tháng 2 âm lịch hàng năm.

Cho đến năm 1829 ông Thoại Ngọc Hầu mất, thống chế Nguyễn văn Truyền thay, năm 1831 lại mất, tham tri Gia Định Ngô Bá Nhơn thế. Loạn Lê văn Khôi dấy lên. Quân Xiêm đem đại binh tràn qua. Binh triều đình phải tả xông hữu đột, đánh Nam dẹp Bắc dành từng tấc đất, việc nối việc đến năm 1867 ba tỉnh miền Tây Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị mất luôn. Vì thế nên tế lễ Nghĩa trũng bị lãng quên.

Ngày nay giang san phía Nam đã thu về một mối từ lâu. Thiết nghĩ ta cũng làm lại lời hứa của tiền nhân Thoại Ngọc Hầu hàng năm cúng tế dồi dào mới đúng đạo lý của người Việt Nam "ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng" có thể nói nếu không có "họ" chưa chắc có phần đất phía Nam và con kinh Vĩnh Tế.
Chuyện biết ơn những người vị quốc vong thân đã có nhiều người, nhiều hội đã làm rồi. Như sửa lại một ngôi mộ bị sụp, đắp đất ngôi mả bị rạn ở nghĩa trang Biên Hoà. Đó là những nghĩa cử cao đẹp rồi vậy.

Trần Khánh
(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")


VĂN KHẤN QUỐC TỔ

Trần Khánh

Ai ơi mua bán gần xa,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba thì về.
Việt lịch năm thứ bốn ngàn tám trăm tám mươi chín (4889) năm Canh Dần 2010 tháng tư tại Cộng Hoà Pháp quốc tỉnh Troyes.

Chim bay trên trời còn có tổ
Cá lội dưới nước cũng có hang
Con người có tổ quốc giang san
Nhớ ngày quốc tổ phải mang trong lòng
Ôi! Cơ tạo hoá nghìn thu xoay chuyển
Sử xanh non nước Việt vẫn còn ghi
Nhớ anh linh xưa
Lúc mở nước như sóng dồn thác lũ
An dân trăm họ ấm no
Khi thất thủ phá vỡ đền đài
Ruộng nương bỏ trống, di tích cũ không còn
Lỡ khi biên cương bị giặc chiếm
Vua quân dân đều hết lòng lấy lại.

"Một tấc đất không để mất" là lời vua Lê Thánh Tôn phán.

Kể từ xa quê cha đất tổ, tản lạc khắp bốn phương.
Lòng chúng con ngổn ngang trăm mối
Nhớ tổ tiên công đức biết bao
Lo cho con cháu hiển hách cùng năm châu bốn bể
Vinh hạnh biết chừng nào
Ơn ấy nước Đông Hải so cũng còn vơi
Công đó chất dãy Trường Sơn vẫn nhẹ
Chúng con đây, đàn con xa tổ
Hải ngoại bôn ba
Nhớ nước nhớ nhà
Nhớ ngày giỗ Tổ
Ngậm ngùi trông vọng quê hương
Quây quần lễ bạc tâm thành
Cung nghinh bách bái
Chư vị tổ tiên, anh hùng liệt nữ
Đồng lai chứng giám
Trước bàn thờ hương thơm khói toả
Anh linh xưa còn thấp thoáng đâu đây
Nhắc nhở công dầy bao phen bồi đắp
Con cháu tạc dạ ghi lòng
Xiết chặt tay nhau gìn giữ giang sơn gấm vóc
Chúng con hằng ghi nhớ
Nước non bốn biển không đong đầy ơn cha mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ nổi công đức tổ tiên
Cầu ơn trên phù hộ độ trì cho đàn con cháu
Sáng suốt nhận đúng đường đi nẻo bước
Làm vẻ vang dân tộc
Đây hương hoa trà quả
Đây tấm lòng thiết tha vời vợi
Nguyện cầu quốc tổ, anh linh sông núi Việt Nam
Đời đời sống mãi trong cõi vĩnh hằng.

Chú thích:
Nước ta lập quốc năm 2879 trước Tây lịch, cộng thêm 2010 Tây lịch vị chi là 4889 năm (2789 + 2010 = 4889)

Trần Khánh
(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")