Print

TỤC THỜ QUAN CÔNG, THIÊN HẬU, ÔNG BỔN

Trần Khánh

Đất nước miền Nam ta tuy là đất mới chỉ có 300 năm thôi nhưng được thiên nhiên ưu đãi, sản sinh nhiều anh tài. Lúc đầu phải phấn đấu kiệt liệt với người bản địa, với thú dữ, với lam sơn chướng khí…về sau chống chọi với bọn xâm lăng.
Trên con đường mở nước mưu sinh, ông cha ta buồn xa xứ, giải khuây bằng những điệu hò câu hát nghêu ngao trên sông rạch, ruộng đồng tự đặt ra, sáng tạo những điệu nhạc rất độc đáo như vọng cổ… vì nhu cầu văn hóa truyền bá chữ quốc ngữ mà ngày nay cả nước đang dùng.

Về tín ngưỡng ngoài đạo Phật và các tín ngưỡng của người bản địa như thờ ông Tà…sau vì nhu cầu chánh trị sản sinh ra đạo Cao đài, Hòa hảo…lại thêm có nhiều thần thánh mà người Tàu mang từ bên Tàu sang trên bước đường lưu lạc. Ở đây, người viết xin kể lai lịch của ba vị: Quan Công, bà Thiên Hậu và ông Bổn được thờ khắp nơi ở Nam Kỳ chỗ nào có người Tàu ở.

Bây giờ người ta mới nói kiểu cách là nước Trung Hoa, người Trung Quốc, chớ trước kia nói nước Tàu, người Tàu là quý rồi, giận thì gọi là chệt, là chệt chuốt, có khi là tò chiếu. Khi nghe Hương Lan hát: "Bạc Liêu là xứ cơ cầu, Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu", ai nghe mà khỏi ngậm ngùi, nghe làm sao đó!
Tại sao có tên là Tàu, có người giải nghĩa đơn giản là người vượt biển bằng tàu nên gọi là người Tàu, có thuyết sâu xa hơn ở thời Tần, Hán, Đường thời Bắc thuộc có nhiều ông quan qua cai trị mà chữ "tào" có nghĩa là ông quan, đọc theo âm "tào" thành ra "tàu".

Ông Quan Công còn có tên là Quan Vân Trường được thần thánh hóa do ngòi bút của một tiểu thuyết gia đại tài La Quán Trung trong "Tam Quốc diễn nghĩa", chữ diễn nghĩa cho biết là cường điệu, là thêm thắt. Như theo chính sử của Tàu, đâu có đại mỹ nhân nào là Điêu Thuyền, chỉ có hầu thiếp của Đổng Trác tằng tịu với Lữ Bố là chuyện thường giữa trai gái thôi, được La Quán Trung tô son trét phấn sau được thành Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc (Chiêu Quân, Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Thái Chân). Tiểu thuyết La Quán Trung qua chuyện Tam Quốc làm người Tàu mê mệt và cả ta nữa giống như tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung gần đây, đã dựng lên thành phim tập. Kể cả các nước Bắc Địch, Tây Nhung, Đông Di, Nam Man mà Tàu coi như các nước man di mọi rợ kém văn minh, thế mà đám mọi đó luôn luôn quấy phá có lúc thiên triều phải triều cống, mấy lần chiếm trọn nước Tàu bởi Mọi đột quyết khoảng 50 năm thời Nam Bắc triều, 90 năm bởi quân Mông Cổ (nhà Nguyên) và thời cận đại, rợ Kim giòng Nữ Chân (nhà Thanh) lấy 268 năm, chưa kể các liệt cường xâu xé Trung Hoa tan nát.

Quan Vân Trường là nhân vật trọng yếu đời Tam Quốc, võ công oanh liệt, nếu thất bại trên chính trị thì cục diện chung đảo lộn ngay. Người đời sau ngưỡng mộ về sự trung kiên mà thờ. Sử gia Trần Thọ (Tàu) phê bình: "Xứng vạn thế chi địch, vi thế hổ thần, nhiên vũ cương nhi tự căng" (Sức muôn người khôn địch, nhưng Quan Vũ quá cứng lại kiêu căng). Để đề cao nhân cách Quan Công, nhà văn La Quán Trung tiểu thuyết hóa bộ ba Lưu-Quan-Trương kết nghĩa vườn đào, đến cái chết của Lưu Bị ở Bạch Đế thành cho đúng lời thề.

Dù Tam Quốc chí ảnh hưởng mạnh trong quảng đại quần chúng nhưng vẫn còn nhận định tinh tế một cách dí dỏm trong nhân gian vào cuối đời Tống về Lưu-Quan-Trương như sau: Trương Phi nhà giàu, trước nhà có con sư tử đá, Phi thách thức người trong vùng nếu ai lay chuyển nổi con sư tử thì Phi gả em gái cho. Nhà Quan Công rất nghèo, cha trồng đậu làm tàu hũ bán, nhà ông ở cùng dãy phố với Phi. Phi thường đến mua đậu hũ chịu. Thấy nợ lâu quá không trả, cha Quan Công đến nhà đòi, chẳng những Phi không trả mà còn đánh cha của Quan Công nhừ tử. Lúc đó, Quan Công được 18 tuổi, thấy cha bị đánh đau lòng quá liền chạy qua nhà Trương Phi, giận quá bèn nhấc bổng con sư tử đá lên để làm vũ khí đánh Phi. Phi sợ quá núp vào góc tường rồi la lên: "Mày bỏ con sư tử xuống rồi tao gả em gái cho". Quan Công nghe vậy quát: "Tao là Quan Vũ đây lấy em gái mày làm gì, tao đến đòi tiền đậu hũ".
Nghe lời ngạo mạn Trương Phi giận đến giằng co con sư tử đá, chợt có một người cao lớn vai mang đầy một túi dép cỏ, người ấy gạt Quan-Trương ra hai bên. Hai đối thủ lấy làm lạ hỏi : "Mày là thằng nào vậy". Người mang túi dép đáp: "Tao là Lưu Bị cháu hai mươi đời của Lưu Bang đây". Quan-Trương nghe dòng dõi Hán vương vội vàng qui phục ngay. Chiều hôm đó cả ba làm tiệc tế trời đất, thề thốt kết nghĩa anh em. Câu chuyện này chất chứa một sự chế diễu việc kết nghĩa quá ư là tiểu thuyết. Mặt khác cũng nói lên câu chuyện không có chính thống đương thời.

Bàn về cái đức của Quan Vũ, cổ nhân dạy rằng đức có 8 thể: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, nhẫn, trung, dũng.
Nhân là thương người mà sao Vân Trường mắng người: "Dòng hổ mà lấy dòng chó à". Câu nói nặng này lúc Ngô Tôn Quyền chúa nước Ngô đề nghị muốn gả em gái cho quan hệ sui gia để hợp tác đánh Tào Tháo. Lúc Khổng Minh về với Lưu Bị, mỗi lần sai phái Vân Trường đều bị Trường hậm hực phản đối, vậy xét về phương diện chánh trị có ca tụng được không?

Về nghĩa đối với Vân Trường cũng chỉ hạn chế giữa cá nhân với cá nhân, sự việc trước mắt không đạt tới lãnh vực chánh trị nên bọn Phó Sĩ Nhân, Mi Phương làm phản ở Kinh Châu.
Chữ lễ đối với Vân Trường thì quá phức tạp vì mỗi lần vấp phải việc gì rắc rối thì Quan Vũ nổi giận không còn giữ bình tĩnh.

Chữ tín thì Quan Vũ cũng có nhưng còn tùy lúc như bỏ Tào về với Lưu Bị, tha Hoàng Trung để trả ơn không bắn mình, thái độ tha Tào ở Huê Dung Đạo, đến vụ Kinh Châu thì chữ tín mất hẳn.

Chữ nhẫn thì Vân Trường không có. Suốt đời Vân Trường vui giận đều bộc phát cao độ. Thất bại Kinh Châu làm sụp đổ sự nghiệp của Lưu Bị bao năm chỉ vì Vân Trường thiếu nhẫn.

Về chữ trung, dũng Vân Trường có đủ nhưng phần lớn đặt sai chỗ như lúc Tháo thua trận Xích Bích chạy tới Huê Dung lộ gặp Vân Trường, Tháo kể ơn khi trước thì được tha.

Tóm lại, tục thờ Quan Công khởi đầu từ đời Thanh, xướng lên bởi kẻ giang hồ mãi võ dưới bóng cách mạng "phản Thanh phục Minh". Miếu thờ Quan Công chính là hình thức hội kín nhưng bề ngoài mang tính cách hợp pháp, sau đó nhà Thanh phát giác được âm mưu. Vua Thuận Trị nhà Thanh thấy tình hình bất lợi nếu để hội ấy núp dưới bóng Vân Trường, mà đàn áp thì thất sách vì đụng chạm tới tín ngưỡng dù là giả hiệu nên giáng chỉ cho toàn quốc lập miếu thờ Quan Công như là một người trung dũng, nghĩa khí, mục đích làm vô hiệu hóa hội kín trong hệ thống miếu thờ Quan Công ra tín ngưỡng. Sau vua Càn Long lại giáng chỉ phong Quan Vũ làm Trung nghĩa Vũ thần Đại đế. Quả nhiên, hội kín Quan Vũ mất hiệu lực, từ phong trào cách mạng "phản Thanh phục Minh" ra cầu phúc giải tội, mê tín để bọn buôn thần bán thánh khai thác triệt để, mưu đồ phục Minh cũng tan rã. Vậy nếu không có một cách mạng phản Thanh thì chắc chuyện hiển thánh của Quan Vũ trong Tam Quốc chí cũng không được thờ đến ngày nay.

Thứ hai là thờ bà Thiên Hậu Thánh mẫu, chùa bà Mã Châu hay chùa Bà. Tên thật của bà là Mi Châu sinh ở tỉnh Phúc Kiến thời nhà Tống bên Tàu cách đây hơn 900 năm, lúc nhỏ bà thông minh học sách cổ và tu theo Phật giáo. Cha và hai anh bà đi buôn hàng chuyến ở tỉnh Giang Tây, một hôm trời giông bão, cả ba đều rơi xuống biển sắp chết đuối, trong khi bà ngồi dệt trong khung cửa cạnh mẹ. Bỗng nhiên bà ngưng tay dệt, đôi mắt nhắm nghiền, hai tay đưa ra phía trước như đang níu lấy vật nặng, bà mẹ sợ hãi nắm lấy vai bà hỏi: "Chuyện gì vậy? Chắc là con bệnh nếu mệt thì đi nghỉ". Bà Mi Châu không trả lời, bà mẹ càng hoảng hốt: "Con hãy tỉnh lại, mẹ đi rước thầy về trị bịnh con". Vừa nói bà mẹ vừa lắc vai con, chập sau bà Mi Châu mở mắt và khóc nức nở nói: "Con thấy thuyền của cha và hai anh bị bão chìm, con cố sức cứu cha sau cùng nhưng mẹ đã làm mất sức con khi níu con, thành ra con cứu cha không được, chỉ cứu được hai anh thôi".
Bà mẹ còn đang nghi ngờ tưởng con vừa mới tỉnh nên mới nói nhảm. Vài hôm sau thuyền buôn trở về với hai người con sống sót. Họ kể lại lúc chới với giữa biển được bàn tay vô hình kéo lên thuyền còn cha bị nước cuốn trôi. Tin ấy đồn đại gần xa.
Từ đó dân đi biển gặp sóng to gió lớn thì khấn vái bà Mi Châu tới cứu giúp cho tai qua nạn khỏi. Năm Canh Thìn (1110) vua Tống phong bà Mi Châu là Thiên Hậu Thánh mẫu.
Hàng năm, lễ tưởng niệm bà được cử hành ngày 23-3 âm lịch. Người Việt gốc Hoa sùng bái bà Mi Châu nói trại ra là Mã Châu, vì tin bà phù hộ trên đường biển từ bên Tàu sang.

Người thứ ba được thờ là ông Bổn, Bổn Thầu công tức Trịnh Hoà. Ông sinh năm 1371 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam giáp ranh với Việt Nam. Họ thật là Mã, Mã Hoà đạo Hồi vì là gốc dân thiểu số Semur từ Trung Á qua. Ông và cha có tên là Mã Hoè, Mã He. Vì đã đi hành hương ở Mecca nên có tên là Hadji.

Năm 1382, con thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là Chu Đế 21 tuổi được lịnh tới Côn Minh để tiêu diệt ổ kháng cự Mông Cổ. Chu Đế chiếm được Côn Minh rồi tàn sát người sống sót trong đó có cha của Mã Hoà 37 tuổi. Con trai ở tuổi vị thành niên đều bị thiến, lúc đó Mã Hoà 11 tuổi phải chịu chung số phận và bị bắt đưa về kinh đô để phục vụ cho hoàng tử Chu Đế. Từ đó, Trịnh Hoà trở thành hoạn quan, người ông cao lớn và đẹp (có lẽ vì bị thiến). Sau 30 năm dẹp loạn Mông Cổ, Minh Thái Tổ già yếu, sanh bệnh nghi ngờ nên sát hại một số trung thần cho cháu lên ngôi là vua Minh Huệ thay vì Chu Đế con thứ tư vì Thái Tổ nghi Chu Đế là con riêng của vợ có giòng máu Mông Cổ. Huệ Đế cho người đến ám sát Chu Đế nên gây nội chiến. Trịnh Hoà được Chu Đế hoàn toàn tín cẩn giao việc lớn, sau khi đánh bại Huệ Đế, Chu Đế lên ngôi lấy hiệu là Vĩnh Lạc năm 1402. Đám hoạn quan được vua tin dùng, ảnh hưởng rất lớn.
Năm sau đại thái giám Trịnh Hoà được phong chức Đô đốc dù ông chưa bao giờ đi biển. Trịnh Hoà thành lập một đoàn thuyền để đi tìm Huệ Đế vì sau khi bại trận Huệ Đế chạy ra nước ngoài bằng đường biển, còn lý do khác là muốn giao dịch với lân bang về thương mại.
Từ khi theo Chu Đế đến Nam Kinh, Trịnh Hoà hâm mộ Phật giáo, có hiệu là Tam Bảo. Mã Tam Bảo lấy dương vật bị cắt để vô hộp rồi đem vô chùa với niềm tin là "của quý" đó sẽ trở về với ông ở kiếp sau.
Trước khi xuất bôn, ông cùng các thủy thủ đều cầu nguyện bà Thiên Hậu là thần biển của người Tàu.
Ngày 11-7-1405 chuyến hải hành đầu tiên với hạm đội hùng hậu nhứt thời đó ở bến Giang Tử, Nam Kinh, cuối năm đến Qui Nhơn thời đó thuộc Chiêm Thành, tới Cam Bốt, qua Java, hải trình 6000 cây số, tốc độ 50 dặm mỗi ngày.
Từ năm 1405 đến 1422, Trịnh Hoà thực hiện được 6 hải trình, lần thứ 4 qua Á Rập, đến Iran, lần 5 và 6 đến Phi Châu các nước Somalia, Kenya. Có tài liệu nói đoàn bảo thuyền có tới châu Mỹ năm 1421 qua mũi Hảo Vọng.
Kết quả các chuyến hải hành đúng theo đường lối ngoại giao của vua Vĩnh Lạc có các nhà lãnh đạo của 30 nước đến viếng nước Tàu, trao đổi buôn bán hàng hóa. Và nhất là liên lạc được với những người Tàu ở hải ngoại là một lực lượng quan trọng trong việc giao dịch thương mại.
Mã Huấn người thông dịch ghi lại chuyến hải trình về các món đặc sản như mít ở Qui Nhơn, 10 loại dừa ở Ấn Độ, thú vật chim lạ ở Java, các tín ngưỡng, phong tục ma chay, kiến trúc, ngôn ngữ…của từng vùng.
Sau chuyến hải trình thứ 6 năm 1422 hoàng đế Vĩnh Lạc già yếu dời đô về Bắc Kinh. Minh Nhân Tông lên ngôi không có cho bảo thuyền đi nữa vì quá tốn kém, để dành chi tiêu vào việc xây trường thành ở Bắc Kinh, hệ thống kinh đào và nhất là dựng cấm thành quá tốn, công trình làm cấm thành do một kiến trúc sư người Việt Nam Nguyễn An có tên tàu là A Lưu vào năm Vĩnh Lạc thứ 5, gỗ quý dùng cho cấm thành lấy từ rừng bắc Việt Nam. Thời đó nhà Minh thôn tính nước ta dùng chính sách hà khắc bắt dân lên rừng đốn gỗ quý, xuống biển mò trai…(trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi có kể).
Tới năm 1431 Minh Tuyên Tông cho đô đốc Trịnh Hoà theo thỉnh cầu tìm về nguồn cội chuyến đi Mecca, tâm sự ông giống như tâm sự Tư Mã Thiên vì binh vực cho bạn là Lý Lăng mà bị thiến, muốn có một sự nghiệp lớn để trả nhục. Mộ cha ông Mã Hoà ở Côn Minh bia có ghi: "Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của một người quý phái, không phải người hoàng tộc mà quý phái vì bản chất luôn luôn muốn làm điều thiện".
Khi Tuyên Tông qua đời năm 1435, chẳng những bảo thuyền bị nằm ụ mà các tài liệu về các cuộc hải trình bị tiêu hủy, ngoại thương bị cấm chỉ, việc học ngoại ngữ và tiếp xúc với ngoại quốc cũng ngưng, với chánh sách bế môn tỏa cảng, chánh sách này theo qua đời nhà Thanh rồi bị liệt cường xâu xé.

Ta thật là lầm lẫn khi đọc lịch sử qua chữ viết, vì người viết tự cho mình là người trí thức viết theo ý mình, thêm thắt cho ý kiến… cho nên đức Phật trước khi mất e đời sau người đời mắc nhiều lầm lẫn do các đệ tử truyền ra nên bảo với Văn Thù: "Ta ròng rã 49 năm chưa từng thuyết một chữ nào". Theo thiền sư Cảm Thành tổ thứ nhứt Việt Nam về thiền (820) nói: "Muốn giác ngộ về Phật tính đừng tìm hiểu nhiều ở kinh sách". Và Mạnh Tử cũng nói: "Tận tín ư thư, bất như vô thư" nghĩa là tin cả vào sách thà bằng không sách.
Thời nhà Minh, Trương Phụ đem toàn bộ sách quý của nước ta chở về Kim Lăng, có một người Bách Việt làm quan ở triều Minh đọc được, sau viết thành sách "Bách Việt tiền hiền chí lĩnh nam di thư", tác giả là Âu Đại Nhâm, qua đời Thanh mới được phổ biến. Sách này kể nhiều nhân vật người Bách Việt giúp Hán tộc trên nhiều lãnh vực chẳng hạn như Thái Luân là người rèn kiếm có tiếng và người làm ra giấy viết mà lâu nay ai cũng tưởng người Tàu chế tạo đầu tiên.

Con người ta rất mê tín căn cứ vào sách vở bị đầu độc bởi xã hội, chánh trị. Khốn cùng quá nên nghe những lời truyền miệng của kẻ ác ý, làm tiền bất chánh như trị bịnh…
Người Do Thái mất nước 2000 năm mà còn lập quốc lại được chỉ vì có một tôn giáo thờ Jahvé, về sau Thiên chúa và Hồi giáo tôn chỉ cũng gần giống nhau. Họ nghĩ dân tộc nhỏ bé của họ được Chúa thương, gặp nhau ở xứ người họ hẹn nhau sẽ gặp lại ở thánh địa Jérusalem.
Việt Nam may mà được cất đầu lên sau 1000 năm bị Tàu đô hộ. Vậy mà chưa tởn bày ra chế độ này nọ, kỳ thị Nam Bắc Trung, kỳ thị tôn giáo v.v… Tôn giáo chỉ là phương tiện chẳng phải cứu cánh. Mọi tôn giáo đều quy về từ bi bác ái, làm bậy mà cầu xin được che chở thì Chúa Phật nào giúp cho. Nếu như cầu nguyện được thì thế gian đâu có ai nghèo khổ bệnh tật.
Ông bà ta nếu không có mở mang bờ cõi tới phương Nam thì dân số Việt Nam bây giờ sống tới ngọn Fan Si Păn, Tàu tràn qua thì không có đất mà chôn đừng nói tới văn hóa nọ kia, cầu trời khẩn Phật có giúp được chăng?
Mới đây bọn xâm lăng phương bắc lại tiến chiếm hải đảo của ta, họ tự nhận là văn minh là hiện đại Trung Quốc mà ăn cướp của người, lập huyện Tây Sa gom lại Trường Sa, Hoàng Sa.
Ông Lưu Tường Quang đã báo động trên đài RFI thêm hiểm họa Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn sông Cửu Long nữa, và giáo sư Lê Đình Thông cũng vì mấy vấn đề này mà phân tích kỹ, ở Việt Nam toàn dân tự phát biểu dương lòng phẫn uất đến toà đại sứ, lãnh sự tỏ bày nguyện vọng. Đó là hội nghị Diên Hồng lập lại.

Thật ra, họa xâm lăng đã có từ lâu, gần như người dân nào cũng rõ có tự ngàn xưa. Tại sao vậy? Tại vì họ tưởng đó là đất nước của họ, họ lấy lại. Cũng như đất Đài Loan vậy.
Đất Đài Loan chỉ bằng 1/10 nước ta, bị Nhựt chiếm một thời gian. Tưởng Giới Thạch bị Mao Trạch Đông đuổi chạy qua đảo lập nên nước Trung Hoa Dân quốc do Quốc dân đảng cầm đầu. Về sau ông Trần Thủy Biển tranh đấu mới lên nắm được chánh quyền. Việc trước nhứt là ông đổi tên đường chánh Tưởng Giới Thạch thành tên người tù trưởng bộ lạc Đài Loan, ông muốn xóa bỏ công lao của Tưởng Giới Thạch. Chỉ vì Trần Thủy Biển không phải người Hán tộc, bấy lâu bị người Trung Quốc xâm lăng. Đó là ông ý thức được ông và dân tộc thiểu số của ông bị dân tộc lớn xâm lăng, ông âm thầm vùng vẫy biết bao năm mới được.

Còn dân tộc Việt Nam, Bách Việt bị ru ngủ theo văn hóa Tàu, nhất là chữ Việt. Đã mất hết vùng Hoa Nam từ sông Dương Tử trở xuống Bắc Việt, bao nhiêu cái hay cái đẹp bị bọn thống trị giành mất hết. Chín quận của Giao Chỉ bộ: Nam Hải (Quảng Đông), Thương Ngô (Quảng Tây), Uất Lâm (Quảng Tây), Hợp Phố (Quảng Đông), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Bắc và Bắc Trung Việt Nam), Châu Nhai, Đạm Nhỉ (đảo Hải Nam). Ngay như Tôn Dật Tiên dân Bách Việt cũng tiếp tay cho Tàu mạnh lên cho tới ngày nay. Cho tới bây giờ người Tàu vẫn coi Quảng Tây là Nam Man ghi trên bản đồ là đất Choang tự trị như những khu tự trị Tây Tạng, Nội Mông, Duy Ngô Nhỉ (Autonomous Region).
Vụ đàn áp giết chóc ở Thiên An Môn là vì họ sợ như nước Nga, nếu đòi độc lập của nhiều dân tộc thì nước Tàu đâu còn gì, họ còn một lõm quanh bờ Hoàng Hà là nơi xuất phát của họ.

Hãy bắt chước tổng thống Trần Thủy Biển vì quốc gia dân tộc, làm ra cuốn bạch thư cho các nước anh em biết, nhất là các tỉnh lân cận Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Phước Kiến…hãy vùng lên, vì lâu nay họ tưởng là họ thuộc dòng Hán tộc.
Và kể từ ngày 1/1/2008 Việt Nam được gia nhập Liên Hiệp Quốc, hãy tố cáo đưa ra hội đồng Liên Hiệp Quốc cứu xét lại những phần đất đã mất và những nơi sắp bị xâm chiếm thì ít ra họ cũng dừng lại để điều tra. Tài liệu chứng minh chủ quyền thì đâu cũng có nhứt là ở Bộ thuộc địa, Bộ hải quân Pháp rất rõ ràng vì một thời họ chiếm đóng giành lấy chủ quyền.
Hãy xách động các dân tộc chung quanh để đòi độc lập vì không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của dân khi họ ý thức được quyền lợi bản năng dân tộc, sức mạnh đó như sóng thần không gì ngăn cản nổi, từ lâu họ cam chịu số phận chỉ vì họ chưa hiểu rồi bị ru ngủ bởi một dân tộc lớn Hoa Hạ.

Nên nhớ là những người Tàu có gốc tích từ Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Triều Châu đều là dân Bách Việt là dân tộc bị Hán hóa vì không biết nguồn gốc, văn hóa bị tiêu diệt, nhưng họ vẫn bị coi là man di. Hãy vùng dậy vì thế giới này đi đến tuyệt đỉnh văn minh mọi sự được phơi bày ra ánh sáng.

Trần Khánh

(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")