Print

ANH HÙNG, TỬ SĨ MIỀN NAM

Trần Khánh

Miền Nam nước ta là phần đất thật sự đương đầu với mũi dùi tấn công đầu tiên của bọn thực dân Pháp xâm lăng. Đồng bào ta ý thức được cảnh quốc phá gia vong nên tự động đứng lên đuổi quân xâm lược dưới nhiều hình thức như lồng vô những câu thơ, câu hò, đặt vè. Dân chúng tự vệ, bình tây sát tả... với các vũ khí thô sơ, gậy gộc dao búa liềm đến vũ khí mua được hoặc cướp giựt của quân thù.
Những cuộc nổi dậy chống xâm lăng lần lượt:
- Từ năm 1860 đến 1864: Các ông Đỗ Đình Toại, Trương Công Định, Nguyễn Thông, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Nguyễn Thanh Ý, Lưu Tấn Thiên, vùng hoạt động là Gò Công, Tân An, Chợ Lớn và Gia Định.
- Từ năm 1865 đến 1866: Ông Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương ở vùng Đồng Tháp Mười.
- Năm 1867: Các ông Phan Tam, Phan Ngữ ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Trà Vinh.
- Từ năm 1867 đến 1874: Ông Trần Văn Thành ở An Giang.
- Từ năm 1867 đến 1868: Đỗ Thừa Long và Đỗ Thừa Tự hoạt động ở Long An và Rạch Giá. Đặc biệt ông Nguyễn Trung Trực đã gây tiếng vang lớn nên được kể rõ các chiến công ở phần dưới.
- Năm 1868: Ông Nguyễn Hữu Huân tức Thủ Khoa Huân ở vùng Tân An và Mỹ Tho.
- Năm 1869-1870: Ông Phan Tòng ở Ba Tri và Giòng Rạch Bến Tre.
- Năm 1872: Các ông Âu Dương Lân, Lê Công Thành và Phạm Văn Đồng ở Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang.
- Năm 1875: Các ông Trần Bình và Lê Tấn Kế ở Ba Động Trà Vinh.
- Năm 1885: Các ông Quản Hớn và Nguyễn Văn Bường ở Mười tám thôn vườn trầu Gia Định.
Và biết bao anh hùng tử sĩ nữa không sao kể hết...

             

Nguyễn Trung Trực                            Thiên Hộ Dương

 

Sanh năm 1837 tại Tân An, ông Nguyễn Trung Trực còn có tên Nguyễn Văn Lịch tự là Chơn. Vừa làm ruộng vừa làm nghề chài lưới, võ nghệ hơn người, tướng mạo phương phi và nói năng lễ độ.
Năm 1860, nhận thấy sách lược của triều đình Huế càng ngày càng yếu thế, đầu hàng đối với bọn thực dân cướp nước, ông tự nguyện phất cờ khởi nghĩa kháng chiến chống Pháp từ Tân An đến Rạch Giá.
Những chiến công đáng kể của ông là sát hại Đại úy Bourdais, dùng hỏa công ở lòng sông Nhật Tảo và dùng binh vận chiếm Rạch Giá.
Vào đầu tháng 4 năm 1861, quân đội Pháp quyết định lấy tỉnh Định Tường do Đô đốc thủy sư Charner chỉ huy, bao vây bằng tàu chiến trên các dòng sông lớn từ Tân An qua Định Tường (Mỹ Tho). Được tin ấy, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đa số là dân chài lưới, bơi lội tài tình, ngày đêm lo sốc nọc dòng sông với mục đích ngăn cản bước tiến quân của địch. Nhờ thế mà cả một tuần lễ Pháp mới đến được Rạch Chanh, hết sức vất vả mới phá vỡ được các chướng ngại vật của nghĩa quân.
Sáng sớm ngày 10-4-1867, quân Pháp đổ bộ lên sông Bảo Định (Arroyo de la Poste) để tiến chiếm Trung Lương, thì một cuộc ác chiến xảy ra. Đích thân Nguyễn Trung Trực chỉ huy diệt địch với kết quả là 30 binh sĩ Pháp bỏ mạng trong đó có chỉ huy trưởng là Hải quân đại úy Bourdais bị đạn chết ngay nơi đổ bộ.
Tháng chạp năm 1867, Đại úy Parfait chỉ huy một đội thuyền chiến, trong đó có chiếc L'Espérance ngược xuôi trên sông Vàm Cỏ tuần tiểu, thường neo ở làng Nhật Tảo (bây giờ là An Nhật Tân), nơi vàm rạch Nhật Tảo đổ ra sông Vàm Cỏ Đông tức là sông Bến Lức, đổ xuống ngã ba Soài Rạp. Ngày 10-12-1867 vào khoảng giữa trưa, bọn lính Pháp và lính da đen nằm ngủ chênh chổng dưới tàu, chỉ có một viên thơ ký Nguyễn Trung Trực cùng với ba bốn mươi nghĩa quân đi trên hai chiếc thuyền, giả làm đám cưới đến xin phê giấy. Với lối giả trang của một đám cưới thông thường nên viên thơ ký không nghi ngại gì, mới vừa chồm ra cửa hông tàu đã bị nghĩa quân đâm một dao chết tốt.
Rồi tất cả xung phong nhảy phóc lên tàu, mặc sức đâm chém kẻ thù, chất củi rơm đốt tàu và cho chất nổ đánh đắm tàu. Lửa cháy rực trời, tàu nổ vang tai.
Kết quả có 17 thủy quân Pháp bị chết cháy hoặc gươm đao sát hại. Có hai lính Pháp và ba lính da đen lẹ chân nhảy qua tam bản trốn thoát được, tìm gặp Đại úy Parfait báo cáo.
Trong lúc đó, kế sách Nguyễn Trung Trực cho lính nghĩa quân tấn công một đồn thân binh hai mươi người trấn thủ trên bờ sông ngang với tàu L'Espérance, bị Việt quân thanh toán sạch sẽ.
Chiều hôm ấy, Parfait đem binh tiếp viện, đến nơi thu dọn chiến trường chỉ thấy thây người, thuyền chìm... Quân Việt đã rút lui tự bao giờ, chỉ còn dân làng Nhật Tảo bị vạ lây, người tình nghi bị bắt tra khảo, hãm hiếp giết chóc, nhà cửa biến thành tro bụi.
Sau chiến công, ông Nguyễn Trung Trực và bộ tham mưu lui về Cà Mau để học tập rút kinh nghiệm và chuẩn bị hoạt động tới. Ông cũng bí mật ra Huế nhận chức quản cơ của triều đình, trong khi đó Pháp truy lùng ông ráo riết ở Long An.
Chiến công thứ ba, ông áp dụng binh vận, đề cử hai chị em bà Điền và bà Đỏ, là những người có chí khí lại có học thức, vận động đối phương móc nối được một thượng sĩ thường vụ đại đội làm nội ứng ở Rạch Giá.
Ngày 16-6-1868 lúc bốn giờ sáng, đúng theo kế hoạch, nghĩa quân tấn công vào đồn, vị trí ở phía sau tòa hành chánh. Đồn bị nội công, ngoại kích, quân Pháp phải rút ra phía Rạch Giồng qua chùa Thập Phương. Kết quả 30 sĩ quan và viên chức Pháp bị giết cùng một số lính khố đỏ, một số chạy theo về hàng ngũ kháng chiến, chỉ còn lại một anh lính kèn người Pháp tên Duplessis còn sống sót.
Lấy Rạch Giá, nghĩa quân lập ngay phòng tuyến từ Rạch Giá đến Núi Sập để chống lại viện binh Pháp.
Pháp huy động toàn lực từ Vĩnh Long sang với đủ loại phản quốc: Đỗ Hữu Phương tức Tổng đốc Phương, Huỳnh Công Tấn tức Đội Tấn đã bắn chết Bình Tây Trương Công Định và Trần Bá Lộc là tên đồ tể giết hại dân lành. Tất cả dưới sự chỉ huy của Hải quân trung tá Ansart.
Tuy có tinh thần chiến đấu, nhưng vì thiếu phương tiện cùng hỏa lực, nghĩa quân phải rút lui sau sáu ngày làm chủ Rạch Giá vào lúc 3 giờ rưỡi chiều ngày 21-6-1868 về Hòn Chông rồi đảo Phú Quốc.
Ngày 19-9-1868, quân Pháp tập trung bao vây căn cứ cuối cùng của ông tại Phú Quốc với chiến hạm, nã đại bác mở đường trước khi đổ bộ. Nghĩa quân anh dũng chống trả mãnh liệt, nhưng vòng vây càng ngày càng xiết chặt, lương cạn, ông Nguyễn Trung Trực thấy lâm nguy, khó thoát mới tập hợp các cộng sự viên lại nói rằng: "Giặc chỉ oán và lo một mình tôi. Tôi sẽ ra cho chúng bắt thì chúng không có hại anh em". Một cộng sự đắc lực nói: "Úy không nên làm như vậy, chúng tôi thề sống chết với Úy". Ông ung dung bảo: "Giặc không giết được ta, song cạn lương thực rồi cũng chết hết. Nếu chết hết, chết đói thì có ích gì cho mai sau? Giặc được tôi thì mừng, sẽ không làm hại anh em. Anh em hãy cố sống mà tiếp tục bảo quốc. Anh em nào phải úy tử tham sanh đâu, mà phải can đảm liệu cách xuất xử".
Rồi Nguyễn Trung Trực viết mấy hàng chữ cho người đưa cho Đội Tấn, đại ý nói rằng: "Nếu quân Pháp hứa không làm hại những người vì thương, vì sợ mà theo tôi đến đây thì tôi sẽ ra tay không đến dinh trại Pháp". Sau đó ông cho người trói ông lại và ra gặp Đội Tấn.
Phó đề đốc Ohier muốn biết mặt người anh hùng đã làm cho quân Pháp điêu đứng nhiều phen và cũng muốn chiêu hàng làm cho chúng như Đội Tấn, nên ông bị dẫn giải lên Sài Gòn.
Ông đã khẳng khái trả lời và xin được chết càng sớm càng tốt. Khi ấy, Đội Tấn giả ơn giả nghĩa xin ân xá và bảo đảm.
Cuối cùng, quân Pháp đưa ông về Rạch Giá ngày 27-10-1868, đầu ông rơi khoảng ty Bưu điện và Cảnh sát. Chôn ông trong vòng thành ông Chánh.
Dân chúng thương tiếc một anh hùng liệt sĩ, lập ra ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực, có người nói rằng linh thiêng lắm.
Về sau, ông Nguyễn Bính vô Nam tá túc nhà của một thư ký hành chánh, thơ ông làm ra được bà vợ của ông thư ký thuộc lòng ru con trên võng:
Ầu ơ... Thôn đoài ngồi nhớ thôn đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Biết ông chồng ghen thi sĩ mới tìm chỗ ngủ nơi khác, không chỗ nào yên bằng ăn quán ngủ đình. Vào một buổi trưa, thi sĩ Nguyễn Bính đang ngon giấc ở đình Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang Hà Huy Hà tìm đến để xin học làm thơ. Chờ một lúc lâu Nguyễn Bính thức dậy, Hà Huy Hà cho biết ý định, Nguyễn Bính lấy bao thuốc lá đề thơ:
Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.
Để tưởng nhớ một vị anh hùng vị quốc vong thân, chúng ta mượn hai câu đối của Nguyễn Đình Chiểu tế Nguyễn Trung Trực:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.
Nghĩa là:
Lửa thiêu Nhựt Tảo rền trời đất
Gươm sát Kiên Giang khóc quỉ thần.

Trần Khánh

Trích "Bài học lịch sử"

 

Đăng ngày 02 tháng 12.2019