BANG GIAO VIỆT - THANH

THỜI QUANG TRUNG

Trần Khánh

baihoclichsuNguyễn Huệ là một nhân vật đặc sắc trong lịch sử thế giới đông tây kim cổ. Sự xuất hiện của ngài là một niềm tự hào của dân tộc, biểu hiện một sức sống phi thường, một anh hùng vĩ đại. Tài năng của ông bao trùm về mọi mặt: một thiên tài quân sự, một chánh trị gia đại tài, một nhà ngoại giao ngoại hạng... Cho đến các giáo sĩ phương tây có thành kiến với nhà Tây Sơn, gọi là phiến loạn (rebelle), tiếm vương (usurpateur), bạo chúa (tyran), nhưng vẫn khâm phục và so sánh ngài với Alexandre Đại đế, người đã từng bách chiến bách thắng ở Âu Châu.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã phong ngài là tổ ngành tiếp vận vì tài chuyển quân thần tốc của ngài.
Ở đây chỉ nêu lên một phần nhỏ trong chiến lược ngoại giao của ngài. Trước khi đánh đuổi quân Tàu (Thanh) ra khỏi bờ cõi, ngài đã nói với Ngô Thì Nhậm dưới chân núi Tam Điệp: "Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có sẵn, chẳng qua mười ngày có thể đuổi được quân Thanh, nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười lần nước mình, sau khi thua trận ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù, như vậy thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào làm như vậy. Đến lúc đó chỉ có người khéo lời mới dẹp nổi việc binh đao. Không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ dân giàu nước mạnh thì ta có sợ gì chúng".

baihoclichsu

Sau khi dẹp giặc Thanh xong, ngài sai làm biểu tấu với Thanh triều xin đòi lại bảy châu ở Hưng Hóa mà họ Mạc đã nạp cho quân nhà Minh lúc trước. Nhưng bị Thanh triều bác bỏ nói là biên giới đã định từ lâu rồi.
Vua Quang Trung bất bình, quyết định dùng vũ lực, khuyến khích quân đội đóng tàu, âm thầm dòm ngó Quảng Tây, Quảng Đông. Ngài thường nói với các tướng lảnh: "Rộng cho ta vài năm, bồi dưỡng uy lực, nhuệ khí, ta nào sợ chúng".
Một hôm, ngài hỏi viên bí thư (người Ngạc Đông, Thanh Hóa, vào giảng sử sách cho ngài nghe một tháng sáu lần): "Xưa nay có ai đánh Tàu không?" Thưa: "Có Trần Hưng Đạo và Lê Thái Tổ, nhưng đánh khi chúng tiến sang, chớ chưa có tiến qua đất Tàu mà đánh". Quang Trung nói: "Nay ta sẽ đánh Tàu cho ngươi xem".
Ngài ra lệnh cho công viện may vá chiến y, cất giữ cho đủ hai chục vạn chiếc mới cấp cho quân sĩ để đánh Quảng Tây. Mặt khác, ngài lại liên kết với Thiên địa hội, một tổ chức của người Tàu chống lại nhà Thanh, thu nạp bọn cướp bể Tàu Ô cho tập trung ở đảo Biện Sơn, phong chức tước và cung cấp lương thực cho chúng để đi đánh phá miền duyên hải Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang.
Cho đến 1792, để thăm dò thái độ nhà Thanh, vua Quang Trung cử một phái đoàn do tướng Vũ Văn Dũng làm chánh sứ với hai yêu cầu: xin cầu hôn công chúa nhà Thanh và đòi đất Lưỡng Quảng. Trước uy thế lớn mạnh của Quang Trung, vua Thanh đã bằng lòng gả công chúa và cho phần đất Quảng Tây làm sính lễ. Trước khi ước mơ vượt biên giới đó thành, thì nhà vua yểu mệnh, mang theo việc đòi đất bảy châu cũng đành dở dang.
Song song với cuộc bang giao với Tàu về mặt bắc, phương nam mới là đối thủ đáng lo, ám ảnh nhà vua cho đến lúc chết. Trước khi ngài nhắm mắt đã triệu tập Trần Quang Diệu và các tín thần nói: "Ta mở mang cương giới, khai thác đất đai bao trùm cả cõi Nam, nay ta bệnh chắc không dậy được, thái tử tư chất khá cao, nhưng tuổi còn bé. Ngoài có quân Gia Định là quốc thù. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc tuổi già còn ham dật lạc không lo hậu họa. Sau khi ta chết rồi, trong một tháng phải lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Bọn ngươi phải phò thái tử về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ, nếu không quân Gia Định ra đến thì bọn ngươi không có đất mà chôn đấy!".
Theo sử ta, Tàu và các giáo sĩ Âu Châu đương thời, vua Quang Trung đã có kế hoạch đánh Gia Định với một lực lượng ba mươi vạn quân. Dự án chiến dịch sẽ đưa ra ba mũi dùi:
1. Nguyễn Nhạc từ Qui Nhơn chuẩn bị lực lượng, thuyền chiến, phối hợp với quân Tàu Ô đánh thẳng vào Biên Hòa Gia Định;
2. Từ Phú Xuân, bộ binh theo thượng đạo qua Lào, xuống Miên, từ phía tây đánh thẳng vô Sài Gòn, giữ lại một số quân chặn đường biên giới không cho quân Gia Định tháo chạy;
3. Thủy quân từ Phú Xuân tiến vào Côn Lôn, Hà Tiên đánh ngược lên Sài Gòn, chặn mọi nẻo không cho quân Nguyễn Ánh trốn thoát qua các hải đảo, qua Xiêm.
Theo các tài liệu dẫn chứng, vua Quang Trung xin cưới công chúa của vua Càn Long và đòi đất được chấp thuận, đó chỉ là cái cớ gây hấn, là ý đồ liên quan đến vận nước. Được chứng minh qua sắc dụ của nhà vua gởi cho Vũ Văn Dũng vào tháng 4 năm 1791 tới Phượng hoàng Trung đô (Nghệ An) như sau:
"Sắc Hải Dương Chiêu viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công tiên gia lĩnh Bắc Chính sứ kiêm toàn ứng tấu thỉnh đông, tây Lưỡng Quảng dĩ khuy kỳ tâm, công chúa nhất vi dĩ kích kỳ nộ.
Thận chi! Thận chi!
Kỳ dụng binh hình thế tận tại thủ hành. Tha nhật tiền phong, khanh kỳ nhân dã, khâm tại.
Sắc mệnh Quang Trung tứ niên, tứ nguyệt, thập ngũ nhật".
Nghĩa là:
"Sắc sai Hải Dương Chiêu viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Vũ Quốc công được tiên phong làm Chánh sứ sang Trung Quốc kiêm lãnh toàn quyền trong việc tâu thưa để xin lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý và cầu hôn công chúa để khiêu khích tự ái vua Thanh.
Cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy!
Hình thế dụng binh là ở chuyến này cả. Ngày kia làm tiên phong chính là khanh đấy.
Sắc mệnh Vua, rằm tháng tư năm Quang Trung thứ tư".
Vậy sứ đoàn Vũ Văn Dũng sang Trung Quốc bệ kiến vua Càn Long xin hai việc chỉ là cái cớ vì thực tâm của vua Quang Trung là muốn dụng binh đánh Tàu.
Trở lại, sau chiến thắng đầu xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung cử Nguyễn Quang Hiển cầm đầu sứ đoàn đi Trung Quốc. Trước vũ công hiển hách của vua Quang Trung, Thanh đế tiếp sứ đoàn ta hết sức trọng thể.
Vua Thanh lệnh cho Đốc phủ Quế Lâm bắt vua Lê Chiêu Thống và tùy tùng cạo đầu, mặc đồ Tàu để phái đoàn đến Quế Lâm cho Quang Hiển xem tận mắt mà không còn nghi ngờ sự bao che của Thiên triều nuôi dưỡng bọn vua quan lưu vong này nữa.
Trên đường đi và đến kinh thành được vua quan nhà Thanh tiếp đãi quá long trọng và tốn kém.
baihoclichsuCàn Long muốn xem tận mắt con người bằng xương, bằng thịt thế nào mà tạo oai vũ kinh thiên động địa, nên đòi cho được vua Quang Trung phải đích thân đến yết kiến Càn Long nhân dịp đại lễ vạn thọ mừng sinh nhựt nhà vua tám mươi tuổi. Ngày 26-1-1790 sứ đoàn Nguyễn Quang Hiển về đến, ngày sau vua Quang Trung dâng biểu tạ ơn và xin hứa sang năm sẽ sang triều yết.
Nhận được tờ biểu hứa tháng ba sẽ tiến kinh như lời yêu cầu, Càn Long vui mừng phê: "Ta sắp gặp nhau là điều mong ước lớn".
Trước khi tiến kinh, vua Quang Trung có thông báo cho quản đạo Tả Giang hay là sẽ gởi một số quan chức, nhạc công đi trước để tập luyện với mười bài từ khúc, sau được Càn Long khen hay.
Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An báo về kinh cho biết lịch trình và phái đoàn. Trưởng đoàn vua Quang Trung có tên là Nguyễn Quang Bình (đó là vua giả, tên Phạm Công Trị), con là Quang Thùy, đại thần Ngô Văn Sở... Ngày 29-3-1790 khởi hành ở kinh đô Phú Xuân, ngày 15-4 sẽ qua biên giới.
Đến Lạng Sơn, Càn Long gởi tặng vua Quang Trung và Phúc Khang An mỗi người một tập thơ cổ và một bài ngự chế của Càn Long.
Đến Lưỡng Quảng, Phúc Khang An đã chi phí mỗi ngày 4000 lạng bạc cho sứ đoàn và truyền đi các tỉnh dọc theo lộ trình phải đón sứ đoàn trịnh trọng như vậy. Cho nên quan đầu tỉnh Giang Tây sợ thua kém Lưỡng Quảng cũng chi phí 4000 lạng mỗi ngày.
Càn Long sẽ tiếp Quang Trung ở Nhiệt Hà, quan đầu tỉnh không biết phải làm sao cho phải lẽ, nên xin ý của vua Càn Long.
Nhận được biểu tấu của đầu tỉnh Nhiệt Hà, ngày 10-6-1790 nhà vua xuống chỉ dụ thật dài, phân tích rõ cuộc đón tiếp và kêu gọi nên chi phí vừa phải. Có đoạn viết: "Đến như mỗi năm trẫm ban yến cho vương công đại thần Mông Cổ và sứ thần các nước, mỗi lần trên dưới một trăm bàn, chỉ tiêu chừng 1000 lạng bạc trở lại. Việc này trẫm xét đều do Phúc Khang An không biết trù liệu tính toán cho rằng quốc vương nước Nam thân hành tiến kinh là việc chưa từng có trong sách sử. Bắt dân sửa sang đường sá, cầu đò, trang hoàng lộng lẫy nhà cửa dọc hai bên đường, chặt cây trang trí... Nguyễn Quang Bình lần này tiến kinh rồi sau mỗi khi có triều cận y lại tiếp tục tiến kinh, nếu lần nào cũng chi phí như lần này thì không thể lấy tiền đâu ra mà trang trải cho nổi".
Thực ra, tân tổng đốc Lưỡng Quảng cũng biết sự nhục nhã, xót xa mất của mất công để phụng sự sứ đoàn vua Quang Trung, vì sợ người không vừa lòng, người sẽ sang hỏi tội và trừng trị. Sợ lộ ý mình nên Khang An tin khắp nơi nên tiếp phái đoàn nước Nam trọng thể. Để tránh khỏi bị khiển trách về việc "nâng bi", xài nhiều, Khang An tung thêm hỏa mù bịt mối đưa tin cho là dư luận chung.
Càn Long tiếp theo một chỉ dụ nữa ngày 11-6-1790 ý rằng: "Tháng năm rồi, quốc vương An Nam vào đất Giang Tây, đường sá cầu đò những nơi đi qua đều sửa sang chỉnh tề đẹp đẽ và cung đón, khao thưởng, yến tiệc lịch sự. Nhiệt Hà đã tiếp báo từ Giang Tây nói mỗi ngày cung đón cho Quang Bình tốn 4000 lạng bạc. Trẫm cho thế là quá đáng...".
Và có một dụ gởi cho các đại thần tháng 6 năm 1790 đáng lưu ý: "Lại tính mỗi ngày tiêu 4000 lạng bạc, mà Nguyễn Quang Bình vừa đi vừa về mất 200 ngày thì phải chi dùng hơn 80 vạn lạng bạc. Giá mà lấy số tiền đó mà làm quân phí đem sang đánh báo thù cho bọn Hứa Thế Hạnh còn hơn. Sở dĩ trẫm không dụng binh ở An Nam là vì trẫm tiếc của và thương dân. Lẽ nào Phúc Khang An không hiểu ý đồ của trẫm sao?".
Như vậy, tâm địa nhà Thanh luôn giữ việc báo thù, nhưng làm sao ít tốn, dân không kêu mà đạt được việc. Con cáo già Càn Long tính kỹ, tính xa. Đó là con đường hòa hiếu giữa hai nước!
Ta sẽ thấy Càn Long yêu Quang Bình như cha yêu con và trọng nể như thần thánh. Càn Long là con người từng trải đã tuyên bố: "Chỉ cần ba thước gươm của ta cũng chinh phục được hàng vạn dặm, thế mà giờ đây phải cúi mình trân trọng mời người đã từng đạp đổ cái uy danh lẫm liệt của Thiên triều đến tận kinh đô, đối xử rất trọng hậu, chuyện chưa từng có ở trên đời". Vì Càn Long biết đánh cũng không thắng dù cho có dùng năm chục vạn quân hay hơn nữa, đánh cũng chuốc lấy thất bại mà thôi, vì tinh thần binh sĩ lúc đó đã khiếp nhược kinh hoàng. Lúc Tôn Sĩ Nghị chạy bỏ cả ấn tín, người ngựa bơ phờ, quân Tây Sơn lại đuổi đến phao tin rằng sẽ giết hết rợ Hung Nô. Vì vậy bên đất Trung Quốc dân chúng nhốn nháo, chạy trối chết, từ cửa ải Nam Quan trở ra bắc, trai gái, già trẻ bồng bế dìu dắt nhau chạy trốn, suốt mấy trăm dặm vắng ngắt không một bóng người.
Chịu đắng cay nhưng khi tiếp phái đoàn ta ở biệt thự quyền A, Càn Long chúc mừng quốc vương Việt một bài thơ hòa bình sau:
Doanh phiên nhập cận trị thời tuần
Sơ kiến hồn như cựu thức thân
Y cổ vị văn lai Tượng quốc
Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân
Cứu kinh nhu viễn chi trùng dịch
Gia hội ư kim miễn thể nhân
Vũ yển văn tu thuận thiên đạo
Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân.
Nghĩa là:
Người đến giữa lúc ta tuần du
Mới gặp mà như đã thiên thu
Nước Tượng chưa từng nghe triều cận
Lệ cống người vàng chuyện xuẩn ngu
(Nhà Minh bắt nước ta cống người bằng vàng)
Người xa nhưng Trẫm luôn nhắc nhở
Hội ngộ thịnh thời thỏa ước mơ
Dựng văn bày võ cho phải đạo
Đại Thanh còn mãi vạn ngàn xuân.
Quang Trung (giả) thông báo lịch trình tại Trung Quốc cho Quang Toản và đình thần ở Phú Xuân đầy đủ cả. Ngày 17-6 đến Hồ Bắc, 7-7 đến Lương Hương, sứ Thanh đã đến đón tận tình. Sáng hôm sau lên đường đi Nhiệt Hà. Sáng 11-7 Phúc Khang An vào chầu, Thanh đế rất vui mừng, tặng mũ, áo , ngựa và một vạn lạng bạc. Bồi thần đi theo cũng được trọng thưởng, hôm ấy đãi yến và xem trò vui, tiếp kiến các thân vương, chiều làm biểu và họa thơ... Ngày 12 vào chầu, đi thăm đại nội, dinh phủ của vua, cả những nơi thâm cung.
Ngày nào cũng yến tiệc, ban thưởng, xem trò vui, giả vương (Quang Trung) là một thượng khách của hoàng đế Trung Quốc. Trong những ngày ở Bắc Kinh, phái đoàn ta được Càn Long tiếp đãi hết sức trọng hậu, ban tặng mũ áo, cân đai, Càn Long sai họa sĩ vẽ vua Quang Trung một Ngày 29-11 phái đoàn ta về gần đến biên giới, Càn Long lại ban thêm một đôi hà bao bằng kim tuyến lớn, bốn đôi hà bao nhỏ có hai đồng tiền bằng vàng, một con ngỗng trắng, một con voi bằng ngọc, một mâm vàng tráng men lam... Để tỏ lòng lưu luyến, Càn Long tự tay viết chữ Thọ để chúc mừng Tết tặng quốc vương.
Một năm sau (7-1791) Càn Long trở lại Nhiệt Hà nghỉ mát, nhớ lại cuộc hội ngộ, có làm bài thơ tự tay viết vào cây quạt gởi tặng vua Quang Trung để quạt trong mùa viêm nhiệt. Càn Long định tặng thực phẩm nhưng sợ lâu ngày thiu thúi nên chỉ gởi một hộp trái cây. Bài thơ đề quạt được dịch ra:
Mùa hè trẫm lại nhớ sơn trang
Đón gió nam về dạ man man
Lòng trẫm nhớ thương người viễn xứ
Kinh đô năm trước đón người sang
Tĩnh dưỡng lấy sức lo việc lớn
Cùng nhau giữ vẹn nghĩa lân bang
Nay trẫm đề thư vào quạt tặng
Cầu xin thịnh vượng một nước Nam.
Như vậy, Càn Long vẫn chưa biết tung tích người cầm đầu phái đoàn nước Nam là ai? Hay giả vờ? Nhưng Phúc Khang An biết, vì lẽ sau khi nhận được lịch trình của phái đoàn ta, Khang An liền trình cho Càn Long, Thanh đế chuẩn bị tiếp rước. Chờ mãi không thấy tin tức nữa, Khang An liền giục phái đoàn ta lên đường, Quang Trung lấy cớ là mẹ mất xin cho Quang Thùy đi thay. Phúc Khang An lo sợ, mật sai người qua biên giới đề nghị nhà vua tìm người có tướng mạo giống mình để giả vương.
Thế là người được chọn để nhận sứ mạng quan trọng là Phạm Công Trị lấy tên là Nguyễn Quang Bình, trang phục hoàng đế, đóng kịch vai Quang Trung như thật trên sân khấu Trung Hoa. Vai này Phạm Công Trị đã đóng một lần hồi năm 1789 nên được Quang Trung tín nhiệm. Khi sứ giả Thành Lâm sang trao sắc phong An Nam Quốc vương cũng chính Phạm Công Trị thay Quang Trung lên diễn tuồng chánh trị ở Thăng Long một cách xuất sắc.
Phạm Công Trị (giả vương) dẫn sứ đoàn gồm Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chấn, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công được Phúc Khang An tổng đốc Lưỡng Quảng, Tôn Vĩnh Thanh tuần phủ Quảng Tây đón tiếp long trọng và hộ tống sứ đoàn đến tận kinh đô.
Để bảo hiểm cho Phạm Công Trị nếu vua Càn Long phát giác, vua Quang Trung đã giao danh sách phái đoàn trong đó có Phạm Công Trị là người chỉ huy đội nhạc công gởi đi trước. Như vậy phái đoàn lần này có hai nhân vật giả: Quang Trung giả và Phạm Công Trị giả.
Trường hợp Nguyễn Quang Thùy, sợ Càn Long phát giác thì chết cả đám, chết con mình, khi Quang Thùy tới Lạng Sơn thì phái đoàn ta báo cho Khang An rằng hoàng tử bị đau nặng xin ở lại để điều trị. Càn Long chuẩn y ngay mà còn thưởng cho Quang Thùy một cái như ý bằng ngọc.
Khôn khéo hơn nữa là những ngày ở trên đất Trung Quốc qua các địa phương, vua giả đều có tờ báo, thơ giã từ, thiệp cám ơn đến các quan địa phương. "Quốc vương" thường thư về cho thái tử Quang Toản để thông báo tình hình và căn dặn việc nước. Sự thật đó là báo cáo của đoàn Quang Trung giả gởi về Phú Xuân cho Quang Trung thật.
Vậy Quang Trung đánh lừa cả hoàng đế nhà Thanh, cuộc đấu trí này quá nguy hiểm nên thật vinh quang, nhưng cay đắng và kinh sợ nhứt là Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An đến chết vẫn mang luôn cái bí mật ngoại giao kỳ quặc đó theo. Còn Càn Long ngược lại, chết đi vẫn còn toại nguyện vì trong các hoàng đế Trung Hoa chưa ai tiếp được một vị đại anh hùng chưa từng có. Càn Long thõa chí bao nhiêu thì con ông, vua Gia Khánh sau này càng cảm thấy đau khổ và nhục nhã bấy nhiêu vì đã phát hiện.
Lúc vua Quang Trung mất, Thanh đế vẫn tiếp tục bị lừa. Số là tháng giêng năm Càn Long thứ 58 (1793) vua Thanh nhận tin vua Quang Trung mất ở Nghệ An tháng 9 năm Nhâm Tý. Càn Long nói với các đại thần rằng: "Nghe tin trẫm vô cùng thương tiếc, quốc vương mất từ tháng 9 năm ngoái mà giờ này mới được tin là quá chậm. Giờ này đã làm lễ tống táng rồi không kịp làm lễ tôn vinh. Trẫm làm một bài thơ giao cho án sát Quảng Tây đem qua Nghệ An để đọc và đốt trước mộ, chuẩn trích kho Quảng Tây ba ngàn lạng bạc lo tang lễ, tất cả giao cho Thành Lâm mang sang phúng điếu". Bài thơ dịch là:
Lễ cũ ban giao cử bồi thần
Giao hiếu càng ngày thêm thiết thân
Nhớ mãi năm xưa cùng hội ngộ
Đáng cười Minh đế lệ kim nhân
Nhớ người thu trước trông rạng rỡ
Nghĩa nặng tình sâu với cố nhân
Bảy chữ xót xa lòng quyến luyến
Giờ còn chi nữa! Hỡi tri âm!
Bên này vua quan Tây Sơn theo lời dặn của Quang Trung trước khi mất, làm một ngôi mộ giả của ngài ở Linh Dương gần Hồ Tây để đón khách từ Trung Quốc sang điếu tang. Lúc Thành Lâm đến Thăng Long, Quang Toản nói với Thành Lâm rằng: "Hoàng thượng có trối trăn lại, sau khi chết hãy đưa ta ra Hồ Tây để an táng, chứ đừng để ở Nghệ An. Vì Hồ Tây qua biên giới chỉ có mấy ngày đường để linh hồn ta sớm được gần gũi với Thiên triều". Tưởng thật, viên sứ thần nhà Thanh quá cảm động, Thành Lâm thành khẩn trước mộ đọc điếu văn của vua Càn Long đã cho khắc trước vào bia làm bằng đá ngọc quý giao Thành Lâm mang sang và đặt bên trái ngôi mộ giả.
Bài điếu văn có câu:
Chúc ly Nam cực hiệu trung đặc tưởng kỳ xu triều
Thõa phách Tây Hồ một thế vô vong ư luyến khuyết.
Nghĩa là:
Cầu cho Nam quốc vương vì đã trung liệt nên trẫm đã hết sức ưu hậu khi đón tiếp quốc vương ở đất Bắc
Giờ vương đã nghỉ ở Tây Hồ, đời đã lìa, nhưng trong lòng vương vấn quyến luyến nơi Bắc khuyết.
Cho đến cuối đời mình, Càn Long bao giờ cũng tỏ ra tốt bụng đối với Quang Trung. Và vẫn đối đãi tàn tệ với đám lưu vong vua quan Lê Chiêu Thống.
Thái độ cư xử đó của Càn Long làm cho một số đại thần phật ý trong đó có thái tử thứ sáu, người sẽ nối ngôi Càn Long. Chuyện kể, một hôm Lục vương ghé nhà Hòa Khôn đánh cờ. Quanh bàn đưa chuyện An Nam ra luận, Lục vương nói với Hòa Khôn: "Nước Nam gặp nạn, vua quan chạy sang Thiên triều tìm chỗ nương tựa mong được cứu giúp. Nếu không giúp được thì xót thương họ, mắc gì mà bắt họ cạo đầu, quản thúc rồi đưa an trí. Ví thử các nước chư hầu biết chuyện đó thì uy tín của Thiên triều còn đâu, ta sẽ ăn nói ra sao với họ?". Vì được Thanh đế sủng ái nên Hòa Khôn đáp với vẻ thách thức: "Việc ấy là của hoàng thượng, vương gia biết gì mà bàn?".
Lục vương nói: "Hoàng thượng tuổi cao sức yếu, quyền hành đều do lão xử trí, việc này hệ trọng trong thiên hạ sao lại không được bàn?". Lục vương không kềm được cơn giận, vội đưa bàn cờ lên đập vào đầu Hòa Khôn. Mọi người kịp thời can nên mới tránh được cuộc lưu huyết.
Hòa Khôn bị nhục vào tâu với Càn Long. Càn Long đòi Lục vương vào cầm trượng định đánh, quan nội thần tên Hà Quế liền phủ phục can ngăn. Chẳng những không nghe, nhà vua còn bắt Hà Quế cầm trượng thay mình đánh Lục vương giữa sân rồng. Lục vương uất ức, về phủ thọ bệnh. Lúc hấp hối, Lục vương cho gọi các vương tử thứ 8, thứ 11 và thứ 17 đến để di huấn rằng: "Hòa Khôn cậy vua cha yêu, đã làm loạn triều đình, bao che cho kẻ ác làm điều xằng bậy. Vậy trong ba em chưa biết hoàng thượng truyền ngôi cho ai, nhưng phải có một người, người ấy phải thẳng tay trừng trị tên gian tướng kia". Nói xong liền tắt thở.
Năm 1796, vương tử thứ 11 lên ngôi tức Gia Khánh, hạ lệnh tru lục Hòa Khôn, tịch thu gia sản, mỗi ngày có 500 xe trâu chở trong năm tháng mà chưa hết báu vật tiền bạc, nhưng không thấy vàng. Về sau biết được Hòa Khôn cho đốt da trâu thành cao, bọc vàng khối vào trong thành như viên gạch đem xây tường, khi phá vỡ dinh thự Hòa Khôn, "gạch vàng" đổ xuống đếm không hết.
Chuyện bang giao Việt - Thanh còn nhiều gút mắc và tinh tế. Xuyên qua các sự việc kể trên, con người áo vải cờ đào thuộc "Sinh nhi chi" là bậc thánh nhân vậy. Việc cầu hôn đòi đất là việc nhỏ, chỉ là cái cớ thôi. Ngài nghĩ các rợ Hung Nô, rợ Hồ, rợ Tây Hạ, rợ Kim, rợ Mông Cổ... là các phiên quốc của Trung Hoa trước kia, đã làm chủ giống Hán thì ngài cũng muốn giống Lạc Việt ta cũng có lần quân reo ngựa hí trên đất Tàu.
Vũ Văn Dũng khi được tin dữ ở Bắc Kinh, ông liền té xỉu, sau có bài thơ "hết ý":
Bố y phấn tích ngũ niên trung
Kim cổ thi vi sự bất đồng
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ
Bất ư Đường, Tống thuyết anh hùng.
Nghĩa là:
Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hào Đường, Tống hết khoe hùng.

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 11 tháng 10.2017