Print

CHUYỆN ÔNG HÓNG

Trần Khánh

Ba phen quạ nói với diều
Ngã ba ông Hóng có nhiều vịt con.

Từ Sài Gòn đi về Mỹ Tho trên quốc lộ 4 qua An Lạc, Bình Điền, cầu Bến Lức, cầu Tân An bắc trên sông Vàm Cỏ Tây, qua cầu rồi quẹo bên tay trái vào tỉnh lỵ Tân An, khi xưa gọi là Vũng Gù theo tiếng của người Miên gọi, có nghĩa là "bến bò uống nước".
Thời Nguyễn Ánh còn bôn đào, một lần thuyền ngài đến đậu tại sông Vàm Cỏ Tây, nghe tin ông Hóng là người hào hiệp, giàu có lớn, Nguyễn Ánh sai gia nhân đến xin lương thực cho quân sĩ. Ông Hóng liền cho đào một con kinh từ sông Vàm Cỏ Tây ra đến nơi ông ở là làng Bình Lãng, rồi cho mấy chục chiếc ghe lườn chở lương thực ra giúp cho Nguyễn Ánh.
Vào khoảng thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 ở Nam Kỳ lục tỉnh, có bốn ông cự phú nổi tiếng được xếp hạng: nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định. Giàu nhứt là ông Huyện Lê Phát Đạt, còn có tên gọi là Sỹ, nhà ở giáp nước Vàm Cỏ Tây và Bảo Định Hà. Chính ông đã xây cất nhà thờ ở Sài Gòn mang tên là nhà thờ Huyện Sỹ.
Nhưng gia tài của bốn ông cự phú nức tiếng ấy gộp lại cũng chưa bằng của cải tài sản của ông Hóng, vì sự giàu có của ông không biết đâu mà kể cho hết.
Có câu tục ngữ để chỉ những người mới có tiền mà lên mặt học đòi làm sang: "Giàu không bằng cục cứt của ông Hóng".
Mộ ông Hóng còn tại bên sông Vàm Cỏ Tây. Từ Châu thành Tân An, đi vòng trước dinh tỉnh trưởng dọc theo bờ sông là tới bến đò Chú Tiết, ở đây có đò đưa qua sông để qua làng Nhơn Thạnh Trung, Huệ Mỹ Thạnh, Nhựt Tảo, Bình Lãng. Tại Vàm Châu Phê khi xưa Nguyễn Ánh thường ghé thuyền để phê sắc chỉ nên con rạch đổ ra sông Vàm Cỏ Tây có tên là Vàm Châu Phê. Tới làng Bình Lãng băng qua cánh đồng nhỏ chừng nửa cây số thấy một quãng đất chừng trăm thước vuông có bốn ngôi mộ cổ xây kiểu đời Gia Long, có mái che, trên mộ ông bà Hóng còn thấy lờ mờ hình con rồng, con phụng, trước mộ có bình phong, hồ bán nguyệt và một vòng rào xây bằng gạch thấp bao quanh ba mặt. Còn hai mộ kế bên là con ông, lâu ngày không trùng tu, bị nứt nẻ, hư hao.

Ông Hóng tên thật là Phan Văn Nghêu, người miền Trung vào Nam lập nghiệp. Lúc đầu, là một nông dân cần cù làm mướn cho một địa chủ ở Tân An, chịu khó mấy năm để dành được chút vốn, được ông địa chủ thương, cho ra riêng và cho mướn một miếng đất ruộng. Ông Hóng cất nhà trên phần đất đó, ban đêm ông chủ điền ra sân hứng mát nhìn thấy trên bốn cột nhà ông Hóng có bốn cây đèn sáp cháy sáng trưng. Cho là ông Hóng nghèo mà xài hoang phí mới kêu qua rầy la. Ông Hóng ngạc nhiên vì trong nhà đâu có cây đèn sáp nào, hơn nữa đâu có tiền mà mua.
Ông địa chủ thuật lại cho vợ con nghe và bàn rằng, đèn nhà ông Hóng là đèn Trời, về sau sẽ giàu vô kể. Quả thật từ đó ông Hóng làm ruộng trúng mùa, lần lần ruộng đất chung quanh thuộc về ông mua hết, ngay cả tài sản của ông địa chủ cũng thuộc về tay ông Hóng.
Tên Hóng là do người cùng thời đặt ra, ý nói là tiền của ông Phan Văn Nghêu nhiều quá không thể đếm được, chẳng khác nào như bồ hóng, là thứ khói bụi kết thành, đóng trên nhà bếp cùng khắp đâu cũng có.
Giàu có quá trong lúc Nguyễn vương trên đường phục nghiệp, ông Hóng hết lòng giúp đỡ quân lương, để tiện việc vận lương ông không ngại tốn hao cho đào con kinh, sau này có tên là kinh ông Hóng. Tương tự như ông Nguyễn Văn Hậu (Bõ Hậu) ở Nước Xoáy Sa Đéc hay ông Trần Văn Hạc ở Bến Tre, ông Hóng giúp Nguyễn Ánh vì nghĩa khí muốn khôi phục giang san chớ không vì danh vọng quan tước về sau.
Lúc sinh thời, ông làm nhiều điều kinh dị, khi chánh khi tà. Vì tiền quá nhiều, ông sai gia nhân xúc tiền kẽm đổ đầy ghe lườn rồi mổ bụng một tên mọi do ông mua, móc hết ruột gan ra rồi dồn nhét tiền vô bụng may lại, nhận chìm chiếc ghe cùng với xác tên mọi xuống lòng kinh mà chẳng ai hiểu để làm chi. Sau đó, vào những đêm có trăng, nước triều lên, dân chài lưới thấy anh mọi chèo ghe tới lui trên kinh. Mấy anh thuyền chài tò mò tới hỏi chuyện, anh mọi lắc đầu không trả lời, thợ chài nhảy qua thuyền anh mọi hốt một nắm tiền kẽm, khi vào bàn tay tiền kẽm nát ra như bụi; trở về thuyền mình, thợ chài thấy thuyền ma trôi qua và mất dạng.
Có khi ông đối đãi hết sức tử tế vời người tá điền của ông. Mỗi buổi sáng ông thường đi rảo xem xét ruộng đất với dáng vẻ đầu bịt khăn, tay cầm gậy. Tình cờ gặp người nông dân ngồi ủ rũ trong chòi lá vì vợ đau con đói khóc kêu la, trong lúc thất mùa không có tiền chạy chữa bệnh cho vợ và nuôi con. Động lòng, ông cho người nông phu khốn cùng mượn mười lạng bạc để làm vốn mua lúa giống, mướn trâu cày và lo cho vợ con và không quên dặn anh nông dân sang năm phải trả lại. Quả vậy, đúng ngày năm sau, ông Hóng trở lại nhà anh nông dân, thấy nhà cửa sửa lại, lúa đầy bồ, có nuôi heo, gà, vịt và vợ con lành lặn. Vợ chồng con cái anh nông dân đồng quỳ lạy tạ ơn ông và dâng trả lại số bạc. Ông cười và nói tặng luôn số bạc đó, mà còn bảo cần dùng chi nữa ông sẵn lòng giúp.
Lần khác, có kẻ mượn tiền ông, nói là để có vốn làm ăn, nhưng thừa dịp có tiền lấy cờ bạc, rượu chè thì ông trừng trị thẳng tay. Chính tay ông dùng gậy đập cho đến chết rồi sai gia nhân mang tiền đến thường mạng cho thân nhân một cách xứng đáng.
Con cháu ông Hóng đến đời thứ ba thì nghèo tận mạng. Phải chăng ông Hóng giàu có mà không chịu tu thân tích đức mà tạo nhiều việc tai ác nên con cháu phải chịu hậu quả.