Print

Tiểu thuyết "Dịch Hạch" của Albert Camus

Liễu Trương

Khi nhà văn Albert Camus (1913-1960) bắt đầu sáng tác, ông đã có một dự kiến rõ ràng : trước tiên ông sẽ viết về cái tiêu cực, sau đó về cái tích cực. Kết quả Albert Camus có hai hệ tác phẩm gọi là «hệ phi lý» và «hệ nổi loạn». Hệ phi lý gồm ba hình thức: một tiểu thuyết: L’Étranger, một kịch bản: Caligula và một tiểu luận về tư duy triết học: Le Mythe de Sisyphe. Hệ nổi loạn cũng gồm ba hình thức: một tiểu thuyết: La Peste, 2 kịch bản: L’État de siège và Les Justes, một tiểu luận về tư duy triết học: L’Homme révolté.
Hệ phi lý nhận thức cái phi lý, cái vô nghĩa của thân phận con người, và hệ nổi loạn nói lên sự cần thiết vượt khỏi cái vô nghĩa của đời người và nêu lên những giá trị nằm trong sự nổi loạn, trong hành động do nổi loạn thúc đẩy, trong tình đoàn kết và trong phẩm cách của con người. Camus khẳng định: Nếu có sự tiến bộ từ «L’Étranger» (Kẻ Xa Lạ) đến «La Peste» (Dịch Hạch) thì sự tiến bộ đó được thực hiện trong cái hướng của đoàn kết, của nhập cuộc.
Tiểu thuyết La Peste ra mắt độc giả vào năm 1947 và tức thì thành công rực rỡ với 96.000 bản in. Lúc đó Sartre đang ở Mỹ, sắp sửa thuyết trình ở đại học Harvard, ông bèn bỏ rơi đề tài của bài thuyết trình để ứng khẩu một bài diễn văn về tác phẩm La Peste một cách hào hứng. Một năm sau, tức năm 1948, La Peste được dịch ra nhiều thứ tiếng và đi vào các nước Argentina, Đan Mạch, Phần Lan, Áo, Anh, Ý, Hoà Lan, Thụy Điển, Mỹ ; đến năm 1949, La Peste đến các nước Thụy Sĩ, Đức, Na Uy, và năm 1950 thì đến Nhật.

Nội dung truyện Dịch Hạch
Trong tác phẩm, người kể truyện, mà chỉ vào cuối truyện người ta mới biết lai lịch, báo trước sẽ viết một «thời luận» để kể một số biến cố xảy ra tại thành phố Oran, ở Algérie, vào khoảng năm 1940.
Ngày 16 tháng 4, bác sĩ Bernard Rieux thấy một con chuột chết trong cầu thang toà nhà ông ở. Ông báo cho người bảo vệ biết. Rồi người ta khám phá rất nhiều chuột chết và số người nhiễm bệnh càng lúc càng tăng ; người bảo vệ cũng bị nhiễm bệnh và chết. Cuối cùng người ta xác nhận đây là bệnh dịch hạch. Bác sĩ Rieux mỗi ngày phải đối phó với nạn dịch, ông được nhiều người tình nguyện giúp đỡ. Mặt khác ông lo lắng cho tình trạng sức khỏe của vợ ông bị bệnh lao, đang điều dưỡng ở miền núi.
Bác sĩ Bernard Rieux là nhân vật trụ cột của truyện. Xung quanh ông có những nhân vật khác thường xuất hiện: Jean Tarrou, một người mới đến Oran, sẵn sàng giúp Rieux và trở nên người bạn của ông. Tarrou là nhân vật thiết yếu trong tiến trình của cốt truyện, vì chính anh ta ghi chép nhiều sự kiện. Nhân vật này sẽ chết vào cuối truyện. Joseph Grand là một nhân viên toà thị chính, mỗi tối ông ta thường miệt mài viết một cuốn tiểu thuyết. Grand cũng tham gia vào việc chống nạn dịch. Raymond Rambert, một nhà báo từ Paris đến, ông vất vả tìm cách rời khỏi Oran để trở về với người phụ nữ ông yêu. Nhưng khi được ra khỏi thành phố Oran, ông lại đổi ý kiến và ở lại giúp bác sĩ Rieux. Cottard là một người sống vào huê lợi, vào đầu truyện nhân vật này toan tự sát, y có những hành động phạm pháp và thuộc hạng người rút trục lợi từ nạn dịch hạch. Vào cuối truyện Cottard bị bắt. Cha Paneloux, một linh mục dòng Tên uyên bác, ông là hiện thân của người Kitô giáo muốn đi tìm sự cứu rỗi con người, trái lại Rieux là người vô tín ngưỡng chỉ muốn cứu mạng sống con người. Các bài thuyết giảng của cha Paneloux có phần thay đổi do ảnh hưởng của hậu quả dịch hạch. Lúc đầu, trước sự lan tràn của nạn dịch, cha Paneloux giải thích Chúa để cho nạn dịch hoành hành để người dân thành phố Oran ý thức về sự nguội lạnh của họ và để họ thấy cần thiết phải trở về với đức tin. Nhưng khi vị linh mục thấy cái chết thảm thương của đứa con ông dự thẩm thì bài giảng tiếp theo của ông có phần bớt nghiêm khắc. Ông dự thẩm Othon là một con người lạnh lùng, cứng rắn. Cái chết của đứa con trai ông khiến ông tham gia giúp Rieux chống bệnh dịch hạch. Ông trở nên nhân đạo hơn.
Khi bệnh dịch hạch được xác định thì có lệnh đóng cửa thành phố, việc này liên quan đến mọi người. Có những người thình lình bị xa cách người thân ở nơi khác, họ không được phép thư từ vì sợ lây lan, không được điện thoại vì phải để dành các đường giây cho những trường hợp khẩn cấp. Người kể truyện nhắc đến những người bị xa cách tình nhân, nơi những người này bỗng có sự ghen tuông, nỗi cô đơn và cảm tưởng bị lưu đày. Người dân thành phố Oran thì bị bắt buộc thay đổi những thói quen, vì những biện pháp hạn chế khẩu phần và hạn chế giao thông. Cottard có vẻ thích thú hoàn cảnh mới này, vì thuận lợi cho việc làm ăn của y. Grand kể cho Rieux việc thành hôn của ông, lúc đầu hạnh phúc, về sau người vợ bỏ đi. Rambert cho Rieux biết đang làm giấy tờ để ra khỏi thành phố Oran và nhờ Rieux cho một giấy chứng nhận. Rieux từ chối và Rambert trách người bác sĩ thích làm một «chuyện trừu tượng» là tôn trọng luật lệ y tế hơn là hạnh phúc của một cá nhân. Rieux nghĩ đến «chuyện trừu tượng» mà anh nhà báo nói, nó là một loạt khổ đau cụ thể mà Rieux quá mệt mỏi phải đối phó.
Nạn dịch tăng thêm trong thành phố. Chính lúc này linh mục Paneloux có bài thuyết giảng đầu tiên như đã nói trên. Còn Grand cho Rieux hay ông muốn cuốn tiểu thuyết của mình được hoàn hảo và đọc cho Rieux câu đầu đã được sửa đi sửa lại cả trăm lần.
Mùa hè đến, và nạn dịch hạch có một bộ mặt rất kinh sợ. Tarrou đề nghị giúp Rieux bằng cách thành lập những «đội tình nguyện về y tế», cũng là cơ hội để anh ta tìm hiểu niềm tin và lý do hành động của bác sĩ Rieux. Grand lãnh phần việc thư ký cho các đội tình nguyện y tế. Ông bác sĩ già Castel thì tìm cách chế tạo một loại huyết thanh trừ dịch hạch.
Vào giữa tháng 8, dịch hạch lan đến trung tâm thành phố và nhà tù. Có những cảnh tàn bạo, cướp bóc và đốt nhà, giới nghiêm được ban hành. Những đám tang càng ngày càng nhiều, được cử hành theo một nghi thức rút ngắn, cho đến lúc vì thiếu quan tài, người ta chở từng đống xác người trong những chiếc xe cứu thương, rồi trên những tàu điện để vứt những xác chết trong hai hầm tập thể, một cho đàn ông, một cho đàn bà, rồi cuối cùng chỉ trong một hầm duy nhất, trước khi có quyết định hỏa thiêu xác chết trong những lò hỏa táng.
Những kẻ chống nạn dịch như Rieux, Grand, Tarrou, Castel giờ đây quá mệt mỏi. Thêm nữa Rieux được biết tình trạng sức khỏe của người vợ trở nên trầm trọng. Đứa con ông dự thẩm Othon bị nhiễm bệnh, Castel dùng thử cho nó cái huyết thanh mà ông đã bào chế. Trong hoàn cảnh đầy lo âu này chỉ có Cottard là hài lòng. Ở hí viện Opéra, một diễn viên đóng vai Orphée, khi đang diễn xuất anh ta bỗng đi đứng chệnh choạng, rồi ngã xuống chết. Rambert thì chuẩn bị rời khỏi thành phố, nhưng khi ngày lên đường đã đến thì Rambert đến gặp Rieux và nói anh ở lại để giúp Rieux. Bệnh trạng đứa con trai ông dự thẩm trở nên trầm trọng, chất huyết thanh của Castel chỉ làm chậm lại cái chết của nó. Rieux đành bó tay. Rieux, Castel, Tarrou và linh mục Paneloux đều bất lực nhìn đứa bé hấp hối. Đến lượt linh mục Paneloux cũng bị bệnh và chết, nhưng không chắc là vì dịch hạch.
Tháng 11 đã đến, nạn dịch không còn tăng thêm, có lẽ nhờ huyết thanh của bác sĩ Castel. Những khó khăn về tiếp tế thực phẩm càng làm tăng thêm những vụ đầu cơ mà những kẻ thiệt thòi là dân nghèo.
Một buổi chiều, Tarrou lần đầu tiên thổ lộ tâm tình với Rieux. Tarrou nhắc đến người cha vốn là một chưởng lý, và nói đến việc anh khám phá sự ghê tởm của một án tử hình do cha anh tuyên án. Từ đấy Tarrou bỏ nhà ra đi và tham gia vào cuộc chiến đấu chính trị ở Âu châu nhưng Tarrou lại khám phá những người thuộc phe mình cũng áp đặt án tử hình cho những kẻ khác. Anh quyết định từ nay không tham gia vào những điều gây cái chết cho con người và quyết định đứng về phía những nạn nhân. Sau những lời tâm tình đó, Tarrou và Rieux trở nên đôi bạn thân, cả hai im lặng đi tắm biển, thoát khỏi cái không khí của dịch hạch.
Ngày lễ Giáng Sinh, Rieux bắt gặp Grand đang khóc trước một tủ kính, Rieux có cảm tình với Grand vì biết ông đang nghĩ đến người vợ, một lúc sau bỗng Grand ngã nhào xuống vì bị nhiễm dịch hạch. Ai cũng tưởng ông sẽ không qua khỏi. Grand van xin người ta đốt bản thảo của mình, điều van xin đã được thực hiện. Tarrou canh chừng bên giường bệnh của Grand. Thế nhưng ngày hôm sau Grand khỏi bệnh. Cũng có những trường hợp khác bệnh nhân được lành bệnh: vậy là dịch hạch đã lùi. Huyết thanh của Castel trở nên hiệu nghiệm hơn, mặc dù cũng còn nhiều người chết như ông dự thẩm Othon.
Những nụ cười đã trở lại. Ngày 25 tháng giêng, cục cảnh sát báo sẽ mở cửa thành phố, dân chúng xuống đường bày tỏ niềm vui trong khi có những gia đình đau buồn vì cái chết của người thân hoặc đang lo âu chờ người thân lành bệnh. Cottard thì tỏ ra lo lắng khi nhận thấy nạn dịch giảm dần. Rieux chờ tin tức người vợ và mong bắt đầu lại cuộc đời với vợ sau nạn dịch hạch. Ngay lúc đó Tarrou lâm bệnh, Rieux quyết săn sóc bạn tại nhà mình với sự giúp đỡ của người mẹ của Rieux. Nhưng ngày hôm sau Tarrou chết. Ngày hôm sau nữa Rieux được tin vợ chết.
Thành phố Oran mở cửa trở lại, các chuyến tàu đưa những người bị xa cách trở về với những người thân yêu. Lễ hội tưng bừng trong thành phố. Bác sĩ Rieux đi về phía ngoại ô, vừa đi vừa suy ngẫm về hạnh phúc mà một số người được hưởng và những người khác thì bị loại ra.
Cuối cùng người kể truyện tiết lộ lai lịch của mình: chính bác sĩ Rieux là tác giả của bài thời luận. Ngoài đường phố một người điên chỉa súng bắn vào những người đi đường, người điên chính là Cottard, y bị cảnh sát bắt. Grand báo cho Rieux biết là đã viết thư cho vợ và đã bắt đầu viết câu văn của mình. Rieux quyết định viết bài tường thuật nạn dịch hạch với tư cách một chứng nhân.

Cấu trúc truyện Dịch Hạch
Như một bi kịch cổ điển ở Tây phương gồm 5 hồi, tiểu thuyết Dịch Hạch có một cấu trúc gồm 5 phần khiến truyện có một tính bi kịch hữu hiệu. Phần 1 là sự khám phá dần dần bệnh dịch hạch: chuột chết càng lúc càng nhiều, bệnh sốt đưa đến cái chết, rồi bệnh dịch hạch được xác định, thành phố đóng cửa. Phần 2 cho thấy nạn dịch tăng nhanh một cách chóng mặt. Người dân Oran cảm thấy những hậu quả của việc đóng cửa thành phố. Phần 3 là đỉnh cao của nạn dịch: xác chết quá nhiều. Trong phần 4, nạn dịch tuy không còn tăng thêm nhưng tai họa thấy rõ nơi các nhân vật. Và phần 5 cho thấy nạn dịch giảm dần đến biến mất.
Nhìn chung, nạn dịch hạch diễn biến theo một đường cong, khởi đầu là sự tăng dần lên cao của bệnh dịch, bệnh ngừng lại một lúc, rồi giảm dần. Đường cong diễn biến này tạo nên một căng thẳng mãnh liệt cho đến những chương cuối cùng.
Truyện Dịch Hạch là thế giới của đàn ông, phụ nữ hoàn toàn vắng bóng, nếu không kể người mẹ của bác sĩ Rieux là một nhân vật duờng như câm, hai mẹ con thương nhau qua sự im lặng. Vợ của Rieux vắng mặt, lúc đầu điều dưỡng ở miền núi, về sau chết. Rambert bị kẹt trong thành phố Oran, thương nhớ người yêu ở xa. Còn người vợ của Grand đã bỏ đi từ lâu, nhưng cũng còn làm cho Grand buồn nhớ. Trong một thành phố bị đóng cửa, không có chỗ cho người nữ. Nhưng qua sự vắng mặt của nữ phái, tình yêu càng được nhắc nhở nhiều hơn ; thư từ, điện tín, ngay cả ký ức, cũng đều bất lực trước sự xa cách. Khi Rieux bắr gặp Grand khóc, người bác sĩ nghĩ rằng một thế giới không có tình yêu là một thế giới chết.

Ý nghĩa của truyện Dịch Hạch
Trước hết truyện có một ý nghĩa lịch sử. Tai họa xảy đến cho thành phố Oran tượng trưng cho Đệ nhị thế chiến, từ 1939 đến 1945, đã tràn ngập nước Pháp và Âu châu. Nhiều chi tiết trong truyện gợi lên cho độc giả của năm 1947 (năm tiểu thuyết Dịch Hạch ra mắt) cái thời nước Pháp bị chiếm đóng: khó khăn thư từ và điện thoại như ở thời chiến khi người ta muốn liên lạc với « vùng tự do », lệnh giới nghiêm, những biện pháp giới hạn tiếp tế thực phẩm và nạn đầu cơ, v.v… Thành phố Oran bị đóng cửa cũng như nước Pháp thời chiến bị cách ly với thế giới tự do.
Truyện cũng cho thấy những ghê tởm của chủ nghĩa quốc xã. Khi tưởng tượng một trại biệt lập dựng lên trong sân vận động của Oran, Camus dựa vào những trại giam giữ người Do Thái do Đức quốc xã tổ chức. Và khi người kể truyện nói đến những lò hỏa táng cho những xác chết vì dịch hạch là cách ám chỉ những lò hỏa táng của Đức quốc xã. Camus viết: Nội dung hiển nhiên của truyện « Dịch Hạch » là sự chiến đấu của kháng chiến Âu châu chống lại chủ nghĩa quốc xã. (Lettre à Roland Barthes, Club, tháng 2-1955).
Ngoài ý nghĩa lịch sử, truyện Dịch Hạch còn có một ý nghĩa siêu hình bằng cách nhấn mạnh về những gì phi lý trên thế giới. Dịch hạch đặc biệt tượng trưng cho cái Ác trên đời mà không ai làm gì được.
Cái Ác trước tiên là làm cho những con người yêu thương nhau phải xa cách nhau, truyện cho thấy sự đau khổ của những kẻ xa nhau, và sự xa nhau lớn nhất là cái chết ; nhân vật Orphée trong truyện thần thoại Hy lạp được nhắc đến có một giá trị biểu tượng: Orphée mãi mãi mất người vợ là Eurydice, điều này làm tăng tính bi thảm của sự xa cách.
Sự hiện diện của cái Ác được trải nghiệm như một định mệnh đè nặng trên con người, nó ở trong cái chết của đứa con ông dự thẩm Othon: tai họa giáng xuống một con người vô tội gây công phẫn nơi mỗi nhân vật. Thế giới có nghĩa gì khi để một đứa trẻ vô tội quằn quại trong một cái chết đau đớn ? Đối với Camus, không có giải thích nào cho sự đau khổ ở đời. Camus từ chối cho thế giới này một ý nghĩa và từ chối niềm tin nơi Thượng Đế. Trong truyện, nhân vật Rieux chỉ có thể đi đến kết luận rằng không có Thượng Đế và vũ trụ phi lý.
Truyện bi thảm này có thể được xem như một sự chiến đấu chống lại những sức mạnh thù nghịch, một sự chiến đấu luôn luôn bắt đầu lại và luôn luôn vô ích. Ở Camus cái bi thảm có bộ mặt của cái phi lý. Nhìn từ bên ngoài thì những người trong truyện Dịch Hạch đều thắng dịch bệnh, nhưng vài người khác thì bị nghiền nát: Tarrou chết một cách mỉa mai khi dịch bệnh đã lùi, Rieux thì mất hết: cả bạn và vợ. Và nhất là «con trực khuẩn của dịch hạch không bao giờ chết, cũng không bao giờ biến mất». Đoạn cuối của truyện chỉ là một lúc lắng yên. Cái Ác vẫn còn trên thế giới.
Nhưng truyện Dịch Hạch không đưa đến tuyệt vọng. Chính sự nổi loạn chống lại cái phi lý mới cho những nhân vật của Camus một ý nghĩa, một lý do để sống và một nhân phẩm.

Tư duy của Albert Camus trong truyện Dịch Hạch
Đối với Camus, người anh hùng không phải là người có một thành tích chói lọi vào một lúc quan trọng nào đó, rồi về sau được một người kể truyện ca tụng trong dân gian. Trong truyện Dịch Hạch tính anh hùng có ngay ở nhân vật Joseph Grand, cái người nhân viên tòa thị chính khiêm tốn này hằng ngày làm những công việc tầm thường, lặp đi lặp lại, và có thể bị chế giễu về cái tên của mình: Grand có nghĩa là lớn, là vĩ đại, không thích hợp chút nào với một con người như thế. Nhưng sự thật Grand có một tâm hồn cao cả, chân thật và thành thật, không hề xấu hổ khi nói đến những tình cảm, những xúc động của mình. Tính cao cả của Grand ở trong việc tìm tòi chữ nghĩa. Khi viết một cuốn tiểu thuyết, Grand cố tìm cho ra cái từ ngữ đúng với ý muốn của mình, việc chọn lọc kỹ lưỡng từ ngữ trong khi viết mâu thuẫn với những sáo ngữ mà Grand dùng khi nói chuyện với ông cảnh sát trưởng. Đặc biệt tính cao cả của Grand là ở lòng tốt của ông khi nhận làm cái công việc thư ký không mấy vẻ vang để giúp các «đội tình nguyện y tế» của Tarrou. Tính cao cả cũng ở trong sự khiêm nhường đi kèm với phẩm cách của Grand. Sau cùng tính cao cả của Grand là ở ý muốn theo đuổi một lý tưởng có khả năng đem lại cho đời mình một ý nghĩa.
Một trong những bài học của truyện Dịch Hạch là sự từ chối biến đổi thế giới bằng cách mạng và bằng hành động bạo lực. Sự từ chối đó được Tarrou thể hiện khi Tarrou khẳng định sự chống đối của mình với mọi hình thức của án tử hình. Tarrou quyết định «từ chối tất cả những gì, gần hay xa, vì lý do tốt hay xấu, khiến cho con người phải chết hoặc biện bạch cho việc gây nên cái chết của con người». (tr. 228) Vào thời tác phẩm Dịch Hạch ra mắt độc giả, có thể xem sự từ chối án tử hình này như một sự phản đối đảng Cộng sản đã lôi cuốn Camus một thời. Vì không tán thành cách mạng, Camus đòi hỏi sự cần thiết nổi loạn.

Như đã nói, truyện Dịch Hạch thuộc hệ tác phẩm gọi là «hệ nổi loạn». Không phải nổi loạn theo nghĩa thường, dưới hình thức một phản đối hung bạo và ngắn ngủi. Nổi loạn theo nghĩa của Camus là từ chối  chấp nhận một cách thụ động cái thân phận của con người, một sự từ chối có suy nghĩ, cân nhắc. Đối diện với cái vô nghĩa của cuộc đời, đối diện với tai ương chụp xuống con người thì nên tranh đấu hằng ngày như Rieux, Tarrou hay Grand. Qua cuộc tranh đấu đó, con người tìm thấy những giá trị của sự đoàn kết. Và những nhân vật trong truyện, người này tiếp nối người kia, ngoại trừ Cottard, đều tham gia vào cuộc tranh đấu chống dịch bệnh. Đối với Rieux, vấn đề là hết lòng hành nghề của mình, nghề của một y sĩ, nhưng cũng hành nghề làm người. Nhà báo Rambert cuối cùng cũng nhận thấy sự cần thiết đoàn kết vào lúc anh ta có thể thoát khỏi thành phố Oran để gặp lại người yêu. Vì Rambert ý thức rằng dịch hạch liên quan đến mọi người, và «có thể là một điều xấu hổ khi hưởng hạnh phúc một mình» (tr. 190).
Rieux không muốn ép buộc những người khác phải tỏ ra đoàn kết, phải có trách nhiệm, ông không nghĩ đến việc biến quan niệm đạo đức của mình thành những quy định đạo đức cho kẻ khác. Những người xung quanh đã tự do đến hợp tác với ông. Và khi Rambert đề nghị ở lại giúp Rieux, Rambert hỏi vị bác sĩ tại sao ông đã chọn chia sẻ tai họa của người khác thay vì sống trong hạnh phúc, thì Rieux trả lời là ông không biết. Cách cư xử thận trọng và đầy khiêm tốn của Rieux khiến ông nhiều lần trong truyện trả lời là ông không biết.
Nhưng điều mà các nhân vật tìm thấy trong thái độ không cam chịu, trong sự chống lại với tai ương, trong sự nổi loạn chống lại thân phận con người và trong cách tự do đoàn kết, tự do lãnh trách nhiệm, chính là việc khẳng định phẩm cách con người của họ. Rieux biết rằng mọi chiến thắng đều tạm thời, rằng cuối cùng sự nổi loạn sẽ bị đánh bại nhưng nổi loạn không phải là vô ích, bởi vì con người tìm thấy trong nổi loạn sự khẳng định nhân phẩm của mình.
Quan niệm của Camus có lẽ là một phần tạo nên chủ nghĩa nhân bản của ông. Camus đặt con người (chứ không phải xã hội) ở trung tâm tư duy của ông. Ông cho nhân vật Rambert nói rằng anh ta từ chối chết vì một ý tưởng.
Người kể truyện, tức Rieux, đã rõ ràng lên tiếng cho Camus, khi ông khẳng định rằng phải cho tính anh hùng «cái vị trí phụ, là vị trí của anh hùng tính, đứng sau chứ không bao giờ trước sự đòi hỏi hạnh phúc» (tr. 129). Lời nói này chính đáng hóa việc đi tìm hạnh phúc, nhưng không phải là một hạnh phúc ích kỷ, lấy cái tôi làm trung tâm. Cử chỉ của Rambert khước từ hưởng thụ hạnh phúc một mình để tham gia vào cuộc tranh đấu chung nói lên quan niệm đó.
Còn về bản chất của hạnh phúc, nó ở trong một niềm vui đơn giản (và có lẽ chóng qua) nhưng mãnh liệt, như cảm xúc do âm thanh một cái chuông gây nên, hay những cảm giác dễ chịu khi đắm mình trong nước biển, hạnh phúc cũng ở trong sự chia sẻ âm thầm giữa hai người bạn, trong sự âu yếm, tin cậy vào tình yêu.

Cuối cùng điều mà Camus khẳng định mạnh mẽ trong truyện là lòng tin nơi con người: nếu không làm chứng cho lòng tin đó thì là một cách gián tiếp ngưỡng mộ điều ác. Qua tiếng nói của người kể truyện, Camus tin rằng loài người «tốt hơn xấu» và «điều ác trên thế giới luôn luôn do sự không hiểu biết». Tất cả những nhân vật của truyện Dịch Hạch đều là những con người tích cực, Camus từ chối không buộc tội người nào. Nếu vào đầu truyện Camus bày tỏ đôi chút mỉa mai đối với linh mục Paneloux vì linh mục này trổ tài hùng biện một cách không thích đáng, và đối với ông dự thẩm Othon mà Camus không chấp nhận tính cứng rắn, ít nhân đạo, thì sau đó Camus trình bày hai nhân vật này nhân đạo hơn, phức tạp hơn và rộng lượng hơn. Còn về Cottard, nhân vật tiêu cực duy nhất, thì đó là một con người «có một tấm lòng không hiểu biết gì nghĩa là một tấm lòng cô độc».
Từ chối tin có một Thượng Đế, khẳng định sự cần thiết một hành động đoàn kết, lòng tin nơi con người miễn là con người được soi sáng đầy đủ, đòi hỏi sự khiêm tốn và phẩm cách của cá nhân, đó là những đặc điểm của cái có thể gọi là chủ nghĩa nhân bản của Camus, không phải là chủ nghĩa nhân bản lạc quan của các nhà văn Pháp thế kỷ 16, mà là một chủ nghĩa nhân bản hiện đại, mang dấu ấn của lòng cao thượng và đồng thời mang cái ý thức bi đát của thân phận con người.
30 tháng tư.2020
Liễu Trương

https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com
 
Tài liệu tham khảo:
Tác phẩm La Peste của Albert Camus, Nxb Gallimard, bộ sách « Folio », số 42.
Roger Grenier, Albert Camus, soleil et ombre, Nxb Gallimard, 1987, bộ sách Folio, số 2286.
Albert Camus 8: Camus romancier: La Peste, Revue des Lettres modernes, 1976.
Béatrice Bonhomme, Le Roman au XXème siècle à travers dix auteurs de Proust au Nouveau Roman, Ellipses, 1996.

 

Đăng ngày 19 tháng 11.2021