Print

 Bên lề trận Hải chiến Hoàng Sa

trankimdiep
Trần Kim Diệp

Sau trận hải chiến Hoàng-Sa,  tôi được lệnh của Bộ Tổng-Tham-Mưu viết một bản phúc trình và trao tận tay  Ông Giám-Đốc Nha Quân-Sử mà không qua hệ thống Tham-Mưu Hải-Quân .
Đến nay đã hơn 36 năm, do những năm dài cải tạo và bụi thời gian đã làm tôi quên đi nhiều chi tiết cũ, vả lại đã có nhiều bài viết rất giá trị về đề tài này, do đó tôi chỉ xin góp thêm chút tiếng nói dưới góc nhìn chủ quan của một  chứng nhân.
Ngày 15 tháng 01 năm 1974, tôi nhận lệnh của Phó Đề Đốc Tư-Lệnh+ HQV1ZH/ đi công tác đảo Hoàng-Sa.
Trước đó 6 năm, khi phục vụ ở Hải vận hạm Hậu Giang HQ406, tôi cũng suýt được đi công tác ở quần đảo này, nhưng do trở ngại kỷ-thụật nên chuyến đi bị huỷ bỏ. Do đó, đây là chuyến công tác Hoàng-Sa đầu tiên và cũng là lần chót của tôi (vì ngày nay cả quần đảo này đều nằm trong tay lũ cướp Tàu đỏ).

                               hoangsa

Nhóm công tác của chúng tôi gồm: Thiếu Tá Hồng (QĐ1P3/), Trung-Uý Hà, Trung Úy Đá và 1 nhân viên thuộc 2 LDCBCĐ/QĐ1/, 1 nhân viên của cơ quan DAO phục vụ tại Toà Tổng Lảnh Sự Mỹ ở Đà Nẳng  (Ông Gerald KOSH) và tôi  Đại Diện của HQV1ZH/.
Chúng tôi trực chỉ HS bằng phương tiện Tuần đương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 với nhiệm vụ là thám sát đảo Hoàng-Sa để nghiên cứu lập 1 phi đạo cho vận tải cơ C7 Caribou.
Tôi vừa thuyên chuyển ra V1ZH  cuối năm 1973, chưa biết nhiều về HS, nhưng qua tài liệu tham khảo thì  Quần đảo HS có hơn 100 đảo lớn nhỏ nằm giữa kinh tuyến 111*- 113* Đông và vĩ tuyến  1545* - 1705* Bắc . Đảo gần VN nhất là đảo Tri-Tôn (Triton Island) cách mũi Ba Làng An (Đà Nẳng) 170 hải lý (1 hl = 1852 mét) trong khi đảo gần nhất Hải-Nam của Trung Cộng  khoảng  hơn 325 km.

Quần đảo Hoàng Sa gồm 2 nhóm

 - Nhóm Bắc Đảo (Amphitrite Group ) tức nhóm An-Vĩnh hay Tuyên Đức (tên An Vĩnh lấy từ tên Xã An-Vĩnh, Huyện Bình-sơn, Tỉnh Quảng-Ngãi) có 8 đảo lớn: Phú Lâm, Cù Mộc, Lincoln, Trung, Bắc, Nam, Tây, Hòn Đá - trong đó  đảo Phú-Lâm là lớn nhất  rộng 3 cây số vuông.

- Nhóm Nguyệt-Thiềm (Crescent Group ) có 7 đảo lớn: Hoàng Sa (Pattle Island là đảo chính của quần đảo HS  nhưng  diện tích chỉ là 0,32km vuông) , Cam Tuyền (hay Hữu Nhật , Robert Island), Duy Mộng (Drummond Island), Quang Ảnh (hay Vĩnh Lạc Money Island), Quang Hoà (Duncan Island: là đảo lớn nhất của nhóm Nguyệt Thiềm, trận hải chiến đã xảy ra ở phía Tây của đảo này), Bạch Quỷ  Passu Keah Island) và Tri Tôn.

      hoangsa

Thời chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa hàng năm đều có ra quần đảo HS để tìm trân châu, mã não và thu nhặt những vật dụng hữu ích do các tàu ngoại quốc bị chìm và trôi dạt vào quần đảo này (chính đảo Cam Tuyền hay Hữu Nhật và Vĩnh Lạc hay Quang Ảnh là tên của 2 Đội Trưởng  Nguyễn-Hữu Nhật và Phạm-Quạng- Ảnh thuộc đội Hoàng Sa của chúa Nguyễn).

Thời Pháp thuộc, người Pháp đã xây trên đảo Cù Mộc một đài quan trắc khí tượng và một ngọn hải đăng  mang danh số quốc tế 48 859 (48 là Vùng Đông Nam Á, 859 là vùng Hoàng Sa), xây trên đảo Hoàng Sa một đài khí tượng đi vào hoạt động năm 1938 (sau hiệp định Genève Ty Khí Tượng Đà Nẳng của VNCH tiếp tục xử dụng cho đến 1901/1974/)  và một hải đăng mang danh số 48 860.

     hoangsa

Ngoài ra , vào đầu thế kỷ 20 người Pháp còn cho phép công ty Motsli Bussan Kaisha của Nhật Bản được đặc quyền khai thác phosphate ở quần đảo HS mà theo ước tính có trữ lượng khoảng 11 triệu tấn.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tháng 6 năm 1946 Pháp phái chiến hạm Savorgnan De Brazza tái chiếm lại quần đảo HS từ tay người Nhật, nhưng sau đó do cuộc chiến ở  VN ngày càng  ác liệt, Pháp bỏ ngỏ quần đảo HS, Tưởng Giới Thạch (với sự giúp đỡ của Mỹ) với danh nghĩa "Giải Giới Quân Nhật" đã lợi dụng để chiếm lấy nhóm Bắc Đảo  (ngoài ra còn chiếm đảo Ba Bình hay Thái Bình- Itu Aba  của quần đảo Trường Sa) và cho xây dựng trên đảo Phú Lâm một căn cứ quân sự lớn với cảng Hải Quân, phi đạo cho máy bay, Pháo Binh và hệ thống phòng thủ kiên cố.

Ngày 13 tháng 01 năm 1947, Pháp lên tiếng phản kháng việc chiếm đóng bất hợp pháp của TH đồng thời phái chiến hạm Le Tonkinois ra HS, nhưng sau đó lại quay về giữ  đảo Hoàng Sa.

Năm 1949, khi Tưởng Giới Thạch bỏ Hoa Lục chạy  ra Đài Loan, họ cũng rút quân ở đảo Phú Lâm và đảo Thái Bình (TS) về và ngày 20 tháng 02 năm 1956, sau khi làm chủ Hoa Lục 7 năm,  Trung Cộng mới cho quân chiếm đóng lại đảo Phú Lâm.

Dưới thời VNCH, nhóm Nguyệt Thiềm vẫn thuộc chủ quyền của ta và do 1 đơn vị TQLC trấn thủ, quân số có khi lên đến một Tiểu Đoàn,  nhưng do nhu cầu chiến cuộc ác liệt  chống CSBV xâm lược, TQLC phải rút vào đất liền và giao trách nhiệm giữ đảo lại cho một Trung Đội Địa Phương quân thuộc Quân Khu 1. Ngoài ra, ta tiếp tục quản lý và khai thác Đài khí tượng Hoàng Sa để dự báo tin tức khí tượng cho đất liền trước 48 giờ.                            

*    

Trên đường đến đảo HS , HQ16 phát hiện trên màn ảnh radar 2 đối vật lạ, liền báo cáo về TTKSV1ZH/ và nhận được lệnh sau khi đưa nhóm công tác lên HS lập tức tiến về nơi có 2 đối vật.

Chúng tôi được một tiểu đỉnh của HQ16 chở vào đảo HS. Phải thật khó khăn và vận chuyển thật khéo tiểu đỉnh mới cập bến an toàn, vì  vùng biển HS tuy rất sâu, nhưng các đảo đều bao bọc bởi vòng đai san hô và lối vào đảo Hoàng Sa thật hẹp, nếu chạm phải san hô vỏ tàu sẽ bị thủng.

  hoangsa

Cũng như các đảo khác , đảo HS không cao lắm so với mặt biển (khoảng vài mét), thảo mộc thì chỉ một ít lùm bụi thấp và rau sam. Đảo không có đất mà chỉ có loại cát vô cơ do vỏ sò, ốc vỡ vụn cấu thành, nhưng dưới lớp cát vài tấc là lớp phốt- phát óng ánh.

Thời Pháp thuộc và khi họ chiếm đóng, người Nhật  đã khai thác nguồn phân này. Đến thời Đệ I Cộng-Hòa, Bà Ngô-Đinh-Nhu tiếp tục, nhưng việc khai thác thất bại và bị bỏ dở vì việc chuyển phốt-phát ra tàu lớn gặp khó khăn. Đến năm 1974, đường rail dẫn đến bìa đảo vẫn còn, riêng cây cầu để tàu nhỏ cập thì không còn xử dụng được nữa.
Trên đảo HS có một giếng nước, nhưng nước lờ lợ không dùng nấu ăn được. Nước ngọt để dùng thì phải hứng từ nước mưa và chứa trong một hồ xi-măng hoặc được tiếp tế từ đất liền do tàu HQ chở ra.
Hai dãy nhà do người Pháp xây đã sụp hết một dãy do thiếu kiên cố vì xây bằng cát vô cơ. Dãy còn lại dùng làm nơi làm việc và  ở cho 4 nhân viên Ty Khí Tượng Đà-Nẵng (trong đó có Ông TruởngTy hoặc Phó Ty luân phiên nhau) và đội quân trấn đảo.

Về khí tượng thì vì nước ta nghèo, thiếu phương tiện tối tân nên đúng giờ quy định thì nhân viên khí tượng thả bong bóng bay lên trời rồi đo đạc, tính toán, dự đoán trước 48 tiếng và báo cáo cho Đà-Nẵng.

Riêng về đội quân trấn đảo, tiếng là "trấn thủ" nhưng thực ra là đi tù. Họ gồm 22 quân nhân diện vô kỷ luật thuộc những Đại đội ĐPQ  của Quân-Khu 1, do một viên Si-Quan cấp bậc Trung Úy, cũng vô kỷ luật, được chỉ định làm Trưởng Toán (Đây là điều sai lầm vô cùng to-tát của các cấp lãnh đạo đã xem nhẹ và để mất  quần đảo quý báu này). Vì là thành phần bị đi đày nên trong thời gian từ 3 đến 6 tháng ở đảo, họ không hề có tôn ti, cấp bậc mà sống theo "luật của kẻ mạnh" và tất cả vũ khí đều phải cất vào kho để tránh trường hợp họ dùng để thanh toán nhau.

Lương thực, thực phẩm mang theo thường bị phung phí thật nhanh, sau đó hàng ngày họ toả ra bìa đảo mò sò, ốc, bắt cua, cá, mực sống qua ngày. Vùng biển HS rất giàu hải sản, đặc biệt có loài ốc tai tượng rất to. Khi chúng tôi đến đảo thì được Viên Sĩ Quan trấn đảo Trung úy Nghi  đải món khô gân ốc tai tượng nướng, ăn khá ngon miệng.

Trên góc Tây-Nam đảo HS có một cái miễu Bà rất linh (miễu xây đồng thời với một bia chủ quyền theo sắc lệnh của vua Minh Mạng). Việc đầu tiên khi đặt chân đến đảo là toán quân trấn thủ nào cũng vật heo làm lễ cúng linh-đình và tuyệt đối không bao giờ dám bắt cá gần khu vực miễu.

 Trong thời gian ở trên đảo HS, theo dõi liên lạc truyền tin giữa HQ16 và BTLHQ/V1ZH/ tôi được biết hai đối vật mà HQ 16 phát hiện trước đây là hai ngư thuyền võ trang của Trung Cộng. Một số quân nhân trên đảo còn cho tôi biết  là trước đó vài hôm một số người Tàu đã lên đảo đổi chác thuốc hút và nước uống.

Tôi hỏi viên Trung úy trấn đảo tại sao không báo về Vùng, thì Ông trả lời la "máy vô-tuyến PRC25 không thể gọi xa". Tôi hỏi Ông Trưởng Ty Khí tượng tại sao hàng ngày báo tin thời tiết cho Đà-Nẵng lại không báo cáo về việc này. Ông đáp "đó là nhiệm vụ của Ông Trung úy". Rõ ràng là cả hai đều tắc trách và thiếu sự phối hợp với nhau. Như đoạn trước tôi đã đề cập, do cái nhìn thiếu sáng suốt của giới hữu trách đã không thấy được vị-trí chiến lược của quần đảo xa-xôi này cũng như đã không ban hành lệnh phối hợp cho các đơn vị trên đảo nên đã để cho một phần lãnh thổ của ta lọt vào tay kẻ cướp.

Sau khi anh em Công-Binh hoàn tất công việc chuyên môn, chúng tôi được HQ16 đón lên chiến hạm và trở lại nơi có sự hiện diện của 2 ngư thuyền võ trang Trung Cộng.  Hai tàu TC thật ngoan cố, đã không chịu rời vùng lãnh hải của ta mà còn ngang ngược cho rằng "quần đảo HS là của chúng".
Rồi Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4 được tăng cường đến cũng dùng loa phóng thanh và cho nhân viên người Việt gốc Hoa yêu cầu 2 tàu TC rời quần đảo của ta. Đáp lại tàu TC vẫn ngoan cố và khiêu khích...  Chỉ đến khi bị HQ4 húc nhẹ làm thụng 1 phần vách đài chỉ huy, họ mới sợ hãi kéo neo chạy vào trong chỗ cạn cách đó vài cây số, nhưng không đi luôn mà chỉ cố tình trì hoãn để chờ tiếp viện.
Mọi diễn biến đều được báo về BTLHQ/V1ZH/, BTLHQ/ và Bộ Tổng Tham Mưu.

 hoangsa

Trong khi ta điều động Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 đến vùng HS thì Hải quân Trung Cộng cũng gửi nhiều Kronstadt đến tăng viện. Cả hai bên đều triển khai đội hình và chờ lệnh. Tình hình càng lúc càng căng thẳng, trận hải chiến chắc chắn phải xảy ra.

Theo tinh thần "Hiệp Ước An-Ninh hổ tương" ta yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội Hoa-Kỳ hổ trợ nhưng họ từ chối. Trong khi đó Ông KOSH của Toà TLS Mỹ ở Đà Nẵng (thuộc toán thám sát HS) xin "không dự chiến". Rồi lệnh từ BTTM gởi nhóm thám sát trở lên đảo HS, trừ tôi ở lại phụ giúp cho Ông Đại-Tá Chỉ huy Hải Đội tham chiến, cũng nhờ đó tôi có dịp chứng kiến sự dũng cảm của những chiến-sĩ HQVNCH/.

         hoangsa

Sau khi việc đổ bộ tái chiếm đảo Quang Hoà (Duncan Island) thất bại, BTTM ra lệnh tấn công. Thế là trận hải chiến bùng nổ lúc 10 giờ 20’ ngày 19/01/1974. Ta vừa đánh vừa rút về phương Nam nhằm tránh tầm hoạt động của chiến đãu cơ  MIG của Trung Cộng.
Trận đánh chỉ kéo dài khoảng 30 phút nhưng cường độ thật khốc liệt.
Ta thiệt mất 1 chiến hạm (HQ10 bị đắm), một số chiến-sĩ anh-dũng hy-sinh trong đó có Cố HQ Trung Tá Nguỵ Văn Thà Hạm-Trưởng HQ10, Cố HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí Hạm Phó HQ10 (Bạn cùng khoá với tôi và cũng là một tuyển thủ xuất sắc của Đội Bóng Chuyền HQ).
Các chiến hạm HQ4, HQ5, HQ16 đều bị trúng đạn nhưng trở về căn cứ được an toàn.

   hoangsa

         2 chiến hạm Kronstadt của TC

Riêng về tổn thất của Hải quân Trung Cộng thì thật nặng nề. Theo tài liệu ghi được của Ông Trần-Đại Sỹ  (không thấy  Trung Cộng phản đối ) thì chiếc Kronstadt 274 và 4 ngư thuyền chở quân bị chìm. Chiếc Kronstadt 271 và 2 Trục Lôi Hạm 389, 396 bị hư hại nặng phải ủi bãi và phá huỷ. Về nhân mạng thì 24 Sĩ-quan tử thương trong đó có 1 Đô Đốc (ĐĐ Phương Quang Kinh, Tư lệnh Phó Hạm đội Nam Hải), 4 Đại Tá (ĐT Quan Đức, HT Kronstadt 274, ĐT Vương Kỳ Uy  HT Kronstadt 271, ĐT Diệp Mạnh Hải, HT Trục Lôi Hạm 398), 6 Tr. Tá  ( Trung tá Triệu Quát , HT TLH 389),  2 Thiếu Tá, 7 SQ cấp Uý. Đoàn viên và Thủy thủ tử vong khoảng 100.

Trở lại đảo HS, lợi dụng lực lượng ta rút lui chiến thuật về phương Nam, Trung Cộng đổ quân lên chiếm đảo sau khi đã oanh kích và pháo kích dữ dội đảo này.
Theo Thiếu Tá Hồng cho biết sau này thì lực lượng TC đổ bộ lên đảo HS khoảng 1 Tiểu Đoàn, chúng dàn hàng ngang lục soát và bắt được tất cả trừ  Ông KOSH người Mỹ phải lùng kiếm lần thứ 2, do đó chúng nổi nóng tát tai ông này, nhưng sau đó được lệnh biệt đãi ông ta.
Rồi chúng chuyển tất cả "tù binh" về đảo Hải-Nam và nhằm tuyên truyền về cách đối xử nhân đạo, chúng cho toán tù binh thăm viếng, tham quan cư dân trên đảo. Cũng theo Th.tá Hồng thì đảo HN thật nghèo, đời sống dân chúng rất cực khổ... điều này phù hợp với lời khai của 3 người Trung Cộng trốn khỏi Quang-Đổng, dùng thuyền đến hải phận V1ZH và bị chiến hạm ta bắt giải giao về BTLHQ/V1ZH/ rồi sau đó trao lại cho Phủ Đặc-Uỷ Trung-Ương Tình Báo khai thác.
Sau đó, TC cho chuyển nhóm Chiến sĩ VNCH bị bắt làm tù binh về Trại Thu Dung ở Quảng Châu  (tỉnh Quảng Đông) để tiếp tục khai thác tin tức và tuyên truyền, khoe khoang khoác lác  về  "sự thành tựu vượt bực và sự vĩ đại... của Trung Quốc".

Ngày 17 tháng 02 năm 1974 (trừ Ông KOSH được thả trước), Trung Cộng phải trao trả 43 tù binh VN lại cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế ở Hồng Kông  và các chiến sĩ anh hùng này sau đó được  Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh - Tư Lệnh Phó Hải Quân đến đón đưa về Việt Nam.

Từ  trận hải-chiển HS có không ít bài học mà ta có thể rút tỉa:

* Về phía Ta:
- Cấp Lãnh Đạo đã không có được cái nhìn xa rộng để thấy được sự quý giá của quần đảo HS, tuy xa xôi nhưng có vị trí chiến lược và giàu có về tài nguyên (phốt phát, dầu hoả, khí đốt, hải sản...), nên đã không có phương sách hữu hiệu để bảo vệ.
-  Do quá bận tâm đối phó với  kẻ nội thù  CSBV hung hiểm, nên đã thiếu cảnh giác về hoạ xâm lăng của giặc Tàu phương Bắc. Sớm quên bài học năm 1946 (Tưởng Giới Thạch cướp nhóm Bắc Đảo của quần đảo HS) nên lơ là trong việc  giữ  phần còn lại của quần đảo (nhóm Nguyệt Thiềm).
- Lẽ ra nên mộ ngư dân và giúp phương tiện để họ có mặt, sinh sống và khai thác nguồn lợi kinh tế ở tất cả các đảo còn thuộc chủ quyền của ta và thay vì  để một đơn vị nhỏ của ĐPQ không có phương tiện di chuyển trấn đảo thì nên giao trách nhiệm cho một đơn vị Hải Quân được trang bị những ngư thuyền võ trang, để vừa khai thác tài nguyên phong phú vừa luôn liên lạc được với tất cả đảo trong nhóm.

* Về phía Đồng Minh và Quốc Tế:
-  Đồng Minh Mỹ đã phản bội và đâm sau lưng chúng ta. Vì quyền lợi riêng tư họ đã bật đèn xanh cho phép Trung Cộng cưỡng chiếm quần đảo HS của VNCH. Theo tài liệu mật của Toà Bạch Ốc sau này được giải mã thì ngày 20 tháng 6 năm 1972, tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, KISSINGER Ngoại Trưởng Mỹ khi mật đàm với Chu-Ân Lai - Thủ Tướng Trung Cộng, đã đồng ý để TC  chiếm giữ  toàn thể quần đảo HS (nhưng không được bành trướng thêm), đổi lại TC sẽ áp lực với CSBV chấp thuận về đề nghị rút quân Mỹ ra khỏi VN.
Sau đó KISSINGER còn khẳng định với Ngoại Trưởng Hoàng Hoa của TC là "Mỹ sẽ ra lệnh cho Đệ Thất Hạm đội tránh xa nếu xảy ra tranh chấp (chiến tranh) giữa TC và VNCH".

Ngoài ra, còn một nguyên nhân tiềm ẩn khác là: "Mỹ đồng ý để Trung Cộng lấp chỗ trống, nhằm ngăn sự bành trướng của Liên Sô ở vùng biển Tây - Nam Thái Bình Dương  khi Mỹ rút khỏi VN".

Khi  trận HCHS xảy ra, Mỹ đã hoàn toàn giữ đúng lời hứa với TC "bình chân như vại", thậm chí còn làm ngơ không cứu vớt thuỷ thủ đoàn của HQ10 bị chìm, phải đào thoát trên 4 chiếc bè nổi.

 * Về phản ứng của Quốc Tế:
Trước việc TC dùng vũ lực để cướp HS của VN, Thế Giới (kể cả những cường quốc) đều đã làm ngơ hay thờ ơ hoặc giả nhân, giả nghĩa phản kháng chiếu lệ, như họ đã từng làm khi TC xâm lăng Tây Tạng  năm 1959.

* Về phía CS Bắc Việt:

hoangsaRõ ràng là một sự phản bội Dân Tộc. Vì quyền lợi riêng tư của Đảng CSVN, họ đã đem một phần giang sơn gấm vóc  do tiền nhân đã dày công tạo được, triều cống cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Chính Phạm văn Đồng - Thủ Tướng Bắc Việt, theo lệnh của Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 1958 đã ký công hàm gửi cho Chu Ân Lai (TTTC ) xác nhận việc hiến dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho TC (dù rằng phân nửa quần đảo HS và quần đảo TS lúc đó do VNCH làm chủ).                           

Rồi khi trận Hải chiến HS 19/01/1974 xảy ra, ở Trại Đavid (Tân Sơn Nhứt) khi bị các ký giả chất vấn về thái độ của Bắc Việt trước việc "Trung Cộng cưỡng chiếm HS của Việt Nam", Võ Đông Giang - Phó Trưởng đoàn Thương thuyết 4 bên của Bắc Việt đã ấp úng trả lời: "việc đó chúng tôi sẽ thương lượng trên tình hữu nghị sau với TQ".

Mãi đến năm 1979, sau khi bị TC dạy cho một bài học ở biên giới Hoa-Việt, CSVN mới muối mặt giở trò lật lọng như đã từng làm với VNCH (năm 1968, xé lệnh hưu chiến Tết, bất thần tổng tấn công 44 Tỉnh, Thành của Miền Nam. Năm 1973, xé hiệp định Paris, xua quân vào cướp Miền Nam, tàn sát đồng bào ruột thịt) "phủ nhận chủ quyền của TC ở 2 quần đảo HS và TS  và cho rằng trước kia vì nhu cầu cần được TC viện trợ cho vũ khí để đánh Mỹ-Ngụy nên họ đã giả vờ lấy lòng TC".

CSVN quen chơi trò gian xảo, lật lọng với VNCH và Thế giới Tự do, nhưng với TC xuất thân cùng một lò Mác-Lê xảo quyệt, thì  trò đó không có tác dụng. Sở dĩ, họ phải tuyên bố phủ nhận công hàm bán nước trước kia chỉ nhằm lấp liếm, xoa dịu lòng công phẫn của tất cả người Việt không cùng trong cái đảng dòi bọ, bán nước mà thôi.

Nếu quả như họ (CS) đã thấy được sự sai trái trước kia thì tại sao ngày nay cả VN  đã nằm trong tay, không còn cần vũ khí để đánh Mỹ-Ngụy nữa, mà gần đây họ lại cống thêm cho TC một phần Vịnh Bắc Việt và hàng nghìn cây số vuông đất vùng biên giới trong đó có cả ải Nam Quan lịch sử. Ngoài ra họ lại còn man rợ trấn áp bất cứ ai phê phán hay có ý kiến về sự luồn cúi của họ đối với kẻ thù phương Bắc.

Trận Hải chiến HS 19 tháng 01 năm 1974 tính đến nay đã 41 năm, nhưng vẫn còn là một thời sự nóng của người Việt vì nó liên quan đến việc Tổ Quốc đang lâm nguy trước hoạ xâm lăng của Rợ Tàu Cộng.
Vì nó là niềm hãnh diện của tất cả người VN trong và ngoài nước, cùng chung một dòng giống, một dân tộc tuy bé nhỏ, nhưng từ nghìn xưa, luôn kiên cường, bất khuất trước bọn bành trướng phương Bắc.
Ngoài ra, nó cũng còn là một trang chiến sử hào hùng của QLVNCH - một Quân Lực non trẻ chỉ thành hình sau khi đất nước thoát ách đô hộ của thực dân Pháp năm 1954.
Tuy non trẻ, quân số ít ỏi, phương tiện thiếu thốn... nhưng dám hiên ngang đương đầu với TC có một đạo quân đông đảo nhất  thế giới mà ngay đến hai siêu cường  Nga-Mỹ cũng luôn e dè, tránh né.

Cuộc diện thế giới ngày nay cho thấy  không có một quốc gia nào có thể đơn độc sống.  VN muốn tồn tại cũng phải sống với nhưng đồng thời phải dựa vào sức lực của Dân Tộc là chính.
Đảng  CSVN, với đồng bào thì man rợ, với ngoại bang thì khiếp nhược, đê hèn, do đó chỉ khi nào họ sụp đổ  thì VN mới hy vọng  có dân chủ, tiến bộ và ấm no, hạnh phúc.

Paris, cuối Đông 2010
Hiệu đính 19/01/2015

HQ Trần Kim Diệp

 http://kimtran75b.blogspot.fr

_____________

 

Người Về Từ Đại Dương

 
Nguyễn Viết Kim       
 
LTS: Bài này được viết theo lời kể của 15 chiến sĩ Hải-quân thuộc Tuần Dương Hạm Lý-Thường-Kiệt (HQ.16) đổ bộ lên quần đảo Hoàng-Sa hôm 17-01-1974 để hạ cờ TC và dựng lại cờ của VNCH đã bị bọn TC xâm lược phá hủy. Sau trận hải chiến 19-01-1974 và khi bị phi cơ, các chiến sĩ này bị mất liên lạc với chiến hạm, do đó 15 chiến sĩ Hải-quân thuộc TDH. Lý-Thường-Kiệt đã rút ra khỏi đảo bàng bè cao su. Sau 10 ngày lênh đênh đói khát trên biển cả, 15 chiến sĩ này được ngư dân cứu thoát đưa về Quân Y Viện Qui-Nhơn, tuy nhiên có một người kiệt sức và hy sinh, 14 người còn lại trong tình trạng sức khỏe khả quan.
 
LỆNH ĐỔ BỘ LÊN ĐẢO
   
Ngày 17-01-1974, chúng tôi được lệnh đổ bộ lên quần đảo Hoàng-Sa với một nhiệm vụ rất ư là đặc biệt. Tâm trạng chúng tôi lúc này 15 người thật háo hức, không một ai lo sợ gì hết, mặc dù biết rằng đổ bộ lên đảo chắc chắn sẽ gặp trở ngại lớn, vì hiện tại trên đảo đã có một số quân Trung Cộng lén đóng trên đó. Đây chính là một thử thách tinh thần to lớn, và chúng tôi biết rằng cuộc chạm trán này thật quan trọng, không những chỉ ảnh hưởng đến Quân Chủng Hải Quân mà còn cho cả 19 triệu dân Miền Nam ngàn đời không biết khuất phục. Bởi vậy, chúng tôi hết sức hâm hở, mặc dù biết rằng phải đối đầu với lực lượng rất hùng hậu. Đã là con cháu Hưng Đạo Vương Trần-Quốc-Tuấn, Quan-Trung, Lê-Lợi... mang giòng máu hào hùng bất khuất của tiền nhân, chúng tôi phải nối gót để tô đậm thêm cho những chiến tích lẫy lừng, Bạch-Đằng, Chương-Dương, Hàm-Tử... mồ chôn hàng vạn tinh binh Mông-Cổ. Giờ đây, thời gian đã cách xa hàng ngàn năm, nhưng chiến trường vẫn là kẻ thù xưa - Bọn Tàu đỏ xâm lược. Bởi vậy , chúng tôi háo hức, chúng tôi sôi máu, chúng tôi hãnh diện khi cầm những lá cờ Việt-Nam vàng chói cấm lên đảo để tái xác định chủ quyền VNCH trên mảnh đất xa xôi nhỏ bé nhưng đầy thân yêu này.
   
Cuộc đổ bộ bắt đầu, 15 đứa chúng tôi được hướng dẫn thật kỹ càng, khi gặp trường hợp giao tranh với lực lượng của bọn Trung Cộng, những lời dặn dò càng tránh gây hấn càng tốt, chỉ tự vệ khi thích đáng cũng như có chỉ thị mới được nổ súng.
Để phòng ngừa bất trắc, chúng tôi được trang bị vũ khí nhẹ, gồm súng phóng lựu, lựu đạn và súng cá nhân, máy vô tuyến và phao cá nhân. 
Những chiếc bè cao su được hạ thấp xuống từ Tuần Dương Hạm Lý-Thường-Kiệt. Chúng tôi bắt đầu rời tàu. Nhìn đồng hồ lúc này là 7 giờ 45 phút. Trời cũng vừa hừng đông. Mặt trời đỏ hồng từ dưới biển khơi chui lên thật đẹp. Chúng tôi có cảm tưởng mặt trời bị nhuộm máu. Máu sẽ đổ trong đó sẽ có máu của những người trai Việt hào hùng chống xâm lăng, bảo vệ lãnh thổ yêu dấu của quê hương, và máu của bọn TC xâm lược sẽ đổ như cha ông của chúng ngày xưa trên sóng nước Bạch-Đằng, Chương-Dương, Hàm-Tử...
Sóng dập dềnh tung bọt trắng xóa, chiếc bè cao su nhấp nhô, không đầy 10 phút, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.
Những ánh mắt nhìn nhau ngời sáng, niềm tin tất thắng trong nụ cười. Chúng tôi cùng bắt tay thề sống chết có nhau. Nếu một người hay nhiều hơn trong toán bị hy sinh thì bằng mọi giá những người còn lại sẽ ăn thua đủ cùng bọn hải khấu và cố gắng đưa thân xác trở lại với gia đình.
Trung úy L. trưởng toán kiểm qua một lượt quân số trước khi chúng tôi rời bè lên đảo. Mặt trời cao dần, ánh sáng thật rực rỡ, niềm tin chiến thắng càng bừng lên trong óc chúng tôi. Tay cầm những lá cờ phần phật trước gió, chúng tôi hăm hở bước trên đá và san hô lởm chởm. Khi đặt chân lên đảo, một vài ngư phủ (quân Trung Cộng trá hình) ra hiệu cho toán dừng lại nhưng chúng tôi vẫn bước đi và nhìn chúng bằng đôi mắt ngạo nghễ. Trung úy L trưởng toán căn dặn chúng tôi:
- Các bạn nên thận trọng, đừng bao giờ nổ súng trước.

Chúng tôi thi hành lệnh và vẫn lẫm liệt tiến bước. Một vài cọc sắt, một vài bảng gỗ có ghi chữ Tàu (do bọn TC mới đặt lên để tạo vết tích) bắt gặp, bị chúng tôi nhổ ngay, và thay vào đó là lá cờ Việt Nam. Lúc này chúng tôi cũng vừa nhận ra, ngoài chúng tôi còn có các đơn vị khác đang tiến vào như anh em Biệt Hải, các nhân viên chiến hạm bạn. Tinh thần chúng tôi lên thật cao. Trên đường đi, toán chúng tôi bắt gặp một số ngư phủ của TC nhìn chúng tôi bằng đôi mắt cú vọ như muốn ăn tươi nuốt sống. Chúng chưa có phản ứng gì thì kệ chúng, chưa vội gì. Nếu chúng chửi bằng mồm thì mình chửi lại, tiếng chúng chúng nghe... và chúng tôi vẫn thản nhiên cắm Cờ. 

 Anh bạn mang máy truyền tin vẫn liên lạc đều với cấp chỉ huy ngoài chiến hạm. Cắm cờ quốc gia trên đảo, niềm hãnh diện mọc lớn trong tâm hồn chúng tôi. Thân thể của mẹ Việt-Nam phải được nguyên vẹn. Đất đai của Việt-Nam phải vẹn toàn, một tấc đất cũng không thể mất vào tay bọn TC xâm lăng. Chúng tôi như đi ngược lại thời gian, anh em luôn miệng kể chuyện tiền nhân ta đánh Tàu, nào Ô-Mã-Nhi phải lủi như chuột, Thoát-Hoan phải chui vào ống đồng mới bảo toàn được tính mạng. Hùng khí cao lên ngất trời, chúng tôi nghỉ lúc này mà được giao tranh với địch thì sướng biết mấy.
Cắm hết số cờ có sẵn, chúng tôi chờ lệnh. Lúc này, chúng tôi vừa nhận ra trên trời cao, phản lực của địch gầm thét, ngoài biển khơi, tàu của TC xuất hiện. Chúng tôi kiểm soát lại vũ khí. Đạn đã lên nòng, bây giờ dù cho quân số địch có đông đảo cỡ nào đi nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng nghênh chiến, ví dù 15 người chúng tôi có hy sinh, thì ít nhất cũng phải có hàng trăm tên giặc phơi thây và chắc chúng phải kiêng nể.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, chúng tôi phải dùng lương khô tiếp tục chờ lệnh. Ngoài khơi, chiến hạm ta và chiến hạm TC cũng đang trong tư thế ghìm nhau. Chúng tôi vững bụng, nếu bọn TC không đổ quân lên đảo thì đối với bọn lính TC, ngụy trang ngư dân, thì chúng tôi cũng như các đơn vị bạn thừa sức chống trả.
 Một ngày trôi qua, bình minh lại rạng rỡ, chúng tôi tiếp tục dùng lương khô và chờ lệnh. Người hạ sĩ liên lạc máy cho biết là có mấy tàu lớn của TC đổ quân lên đảo Quang Hòa. Ngoài ra, chiến hạm của ta cũng như của địch đang còn vờn nhau, chưa bên nào được lệnh nổ súng.

GIỜ PHÚT QUYẾT LIỆT
Ngày 19- 01, ngày lịch sử của trận thư hùng trên đảo đã tới. Chúng tôi được tin các chiến hạm của TC xâm lược ồ ạt vây kéo, với ý định nuốt sống những chiến hạm của ta, đồng thời, chúng cho đổ bộ thêm quân lên đảo.
Khoảng 10 giờ hơn, chúng tôi nghe hải pháo nổ ầm ầm. Thật xa, chúng tôi nhận ra các chiến hạm đang nã hải pháo vào tàu địch. Tiếng súng lớn quen thuộc của chiến hạm cùng tiếng súng lạ của tàu địch khiến cả toán nôn nóng. Trung úy L ra lệnh cho chúng tôi bình tĩnh, kiểm soát lại súng đạn. Chúng tôi hồi hộp đợi chờ và tất cả đều thầm khấn vái Đức Thánh Trần phù hộ cho đoàn hậu duệ của Ngài lập lại những chiến công hiển hách ngày xưa.
Trên đảo đã có nhiều tiếng nổ, chúng tôi nhận ra vài đơn vị bạn đang giao tranh lẻ tẻ với địch và chúng tôi cũng nhận ra bọn TC đang đổ hàng chục đại đội lên đảo. Lúc này địch quân đông như kiến cỏ.
 Nhiệm vụ cắm cờ của chúng tôi đã hoàn tất, chúng tôi được lệnh rút ra khỏi đảo để hải pháo của ta bắn vào những vị trí đổ quân của địch.
Thời gian này thật nghiêm trọng. Không một ai lo sợ cho bản thân, mà chỉ mong sao chiến hạm toàn thắng quân thù, vì thủy thủ yêu con tàu như yêu chính bản thân mình.Tiếng đạn vẫn nổ ầm ầm rung chuyển cả mặt biển khơi. Hai bên đang dàn trận quyết sinh tử.
Ra tới mép đảo, bè cao su chỉ còn lại một cái duy nhất. Trung úy L. cho biết cứ theo con sóng mà rút ra. Mười lăm người chỉ còn một chiếc bè quá nhỏ. Chiều dài khoảng 2 thước, chiều rộng chỉ 1 thước mà thôi. Một số người bơi giỏi thì bám theo bè, còn những người khác ngồi trên bè, súng cầm tay, phòng ngừa bất trắc.
 Chúng tôi đi dưới làn mưa đạn của bọn TC, một vài anh em cũng đã phóng lên mấy quả M.79 khi thấy bọn TC lấp ló. Chiếc bè xa dần bờ. Đột nhiên Trung úy L. la lớn khi ông vừa thấy một cột lửa khổng lồ trên biển khơi. Mọi người hồi hộp nhìn bóng dáng con tàu đang bị cháy. Lúc này 30 con mắt chúng tôi đều mở thật lớn, 15 trái tim hầu như ngừng đập. Rồi 15 khuôn mặt rang rỡ sáng ngời. Con tàu đang bốc cháy màu đen, đó là con tàu của bọn TC xâm lược. Chúng tôi vỗ tay thật lớn, reo hò thật to, gào lên hết sức hết hơi mình để lấn át tiếng sóng của biển khơi như ngày xưa quân Nam đã reo hò trên Bạch-Đằng-Giang khi đánh tan tinh binh Mông Cổ. 
   
Chiến thắng đến rực rỡ như ánh sáng đang ngập tràn biển khơi. Trung úy L. kêu nhân viên mang máy truyền tin liên lạc với vị Chỉ-huy Chiến-trường và được biết chiến công này do chiến hạm của chúng tôi tạo nên. Trung úy L. đề nghị hát một bài. Bản "Việt Nam, Việt Nam". Tiếng hát rộn ràng trong nắng, vang vang trên một vùng biển khơi, tiếng hát đầy chân thành cảm động mà quên đi là tất cà đang phải vật lộn với gian nguy hiểm nghèo.

Trung úy L. khích lệ Tinh thần anh em. Mọi người hăng hái tay chèo. Nắng lúc này thật gắt, bây giờ anh em mới cảm thấy khát và đói. Máy vô tuyến bị nước biển vào hư luôn. Sóng mỗi lúc một cao úp lên chiếc bè mong manh. Chúng tôi ướt như chuột lột. Tuy vậy anh em vẫn cố gắng tay chèo để vật lộn với thủy thần.

 
THOÁT HIỂM

Ngày lại ngày, trời nước vẫn mênh mông. Trời sáng rồi lại tối, tối rồi lại sáng... ban ngày chúng tôi phải chịu đựng với cái nắng cháy của mặt trời, da bị nứt nẻ, nước biển dính trên người đóng khô thành muối thật xót. Tối lại, cái lạnh cắt da đồng lõa với những cơn sóng phủ lên người làm mọi người tê dại. Không nước uống, không thức ăn và dù bây giờ có thức ăn đi nữa thì có lẽ cũng không ai ăn nổi vì đã kiệt sức.

Biển vẫn mênh mông, chúng tôi không còn đủ sức để nói với nhau một câu nào. Sáng rồi lại tối, ngày này qua ngày khác, chúng tôi tính là đã được tới ngày thứ chín. Mặt trời mọc rồi lại lặn thật bình thản, mặc 15 thân xác đang đi dần vào cỏi chết. Chúng tôi chỉ còn biết xin Thượng đế, Thánh tổ phù hộ. Đến ngày thứ 10, hầu như tất cả đều ngất đi vì quá kiệt lực. Mắt chúng tôi chẳng còn thấy gì nữa, ngay cả tiếng sóng biển cũng chẳng nghe. Thân xác đã chịu đựng quá giới hạn con người. Nắng, gió, sương lạnh, và những cơn sóng lớn cùng thiếu thực phẩm và nươc uống đã khiến chúng tôi tuyệt vọng, chờ chết.

Cho đến lúc chúng tôi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên một ghe chài của dân. Trong số 15 người, chỉ có một vài người ... mở mắt được, nhưng cũng chẳng nói được lời nào, chỉ lờ đờ nhìn, tuy nhiên vẫn còn đủ tinh thần nhận định là ... MÌNH CÒN SỐNG - MìNH ĐÃ SỐNG.

Khi được đưa về Quân Y Viện Qui-Nhơn, và được săn sóc thì tất cả mới đươc hồi sinh lại, và trong số 15 người chúng tôi, có một bạn đồng đội đã quá kiệt sức nên tắt thở khi về bệnh viện...  đó là Cố Hạ Sĩ Nhất Quản kho Nguyễn-Văn-Duyên. 
Bấy giờ nằm trong Quân Y Viện nghĩ lại, chúng tôi không khỏi rùng mình. Chúng tôi còn sống hôm nay có lẽ là nhờ Phật Trời, Thánh Tổ phù hộ, che chở cho những người con yêu của đất nước, đã chiến đấu cho sự sống còn của Tổ quốc cũng như cho chính nghĩa rạng ngời của một quốc gia nhỏ bé trước bọn TC bạo tàn xâm lược. Mười ngày lênh đênh trên biển cả với nắng cháy da, với sương lạnh cắt thịt, với những cơn sóng lớn nhồi cao cùng với 10 ngày không ăn uống mà chúng tôi vẫn còn sống quả là một phép nhiệm mầu.
Nguyễn Viết Kim
 
https://dongsongcu.wordpress.com/2019/01/27/nguoi-ve-tu-dai-duong-nguyen-viet-kim/

 

Đăng ngày 15 tháng 1.2015

Bổ túc tháng 1.2019