Print

VÀI ĐIỀU TẢN MẠN NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT

“CÁI CHẾT CỦA SỬ GIA PHẠM VĂN SƠN”

Huỳnh Hữu Ủy

nha_su_hoc_pham_van_son-content
Nhà sử học Phạm Văn Sơn

Mới đây, bài viết “Cái Chết Của Sử Gia Phạm Văn Sơn” của Văn Nguyên Dưỡng trên Diễn Đàn Thế Kỷ đã gợi nên trong tôi một mối cảm xúc kỳ lạ.
Biến cố 30 tháng 4.1975 ập xuống trên toàn cõi miền Nam, biến đổi nửa phần đất nước một cách khốc liệt. Nhiều nhà tù dưới tên gọi “trại tập trung cải tạo” mọc lên như nấm, và giữa những trại cải tạo ấy, có một số trại viên đã vĩnh viễn không trở về. Riêng đơn vị quân đội tôi làm việc trước đây, hai vị chỉ huy mà tôi khá gần gũi là đại tá Phạm Văn Sơn và đại tá Huỳnh Hữu Ban đã qua đời trong cảnh cùng khốn cực độ. Đại tá Phạm Văn Sơn là trưởng Khối Quân Sử, một bộ phận của phòng 5/ Bộ Tổng Tham Mưu/ Quân lực VNCH. Trưởng phòng 5/ Bộ T.T.M. là đại tá Huỳnh Hữu Ban. Đại tá Ban có bằng Tiến sĩ Luật Khoa, cũng là giáo sư của đại học Vạn Hạnh, Long Xuyên, và đại học Luật Khoa Huế.
Đọc bài viết của Văn Nguyên Dưỡng, bạn tù và cũng là thuộc cấp cũ của đại tá Phạm Văn Sơn khi ông là giám đốc trường Quân Báo và Chiến Tranh Chính Trị Cây Mai
, lòng tôi bỗng dưng thương cảm vô hạn. Ông Sơn, ngày trước vốn đã bị bệnh tiểu đường, trong điều kiện khắc nghiệt của trại tù, làm gì có thuốc men để chữa trị, nên cơn bệnh phát tác dữ dội, biến đổi cơ thể ông thành dị dạng, vậy nhưng vẫn phải lao động khổ sai đến lúc lâm chung, thổ huyết ra lênh láng mà từ biệt cõi đời.


I- Năm 1970, sau mấy tháng huấn luyện ở trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi về trình diện khối Quân Sử/ bộ Tổng Tham Mưu, làm việc ở đó cho đến ngày miền Nam tan rã hoàn toàn. Chính nhờ vậy, tôi đã có cơ hội biết nhiều và thân thiết với đại tá Sơn và đại tá Huỳnh Hữu Ban. Cùng về trình diện ở khối Quân Sử với tôi là Nguyễn Triều Vân. Nguyễn Triều Vân tốt nghiệp cao học Sử và từng là giảng viên Sử của đại học Vạn Hạnh. Ở khối Quân Sử, các sĩ quan trẻ hầu hết đều là những người vừa rời các trường đại học, đi lính vì luật tổng động viên, vì đất nước đang thời chiến loạn. Đối với những thuộc cấp như thế, đại tá Sơn chẳng bao giờ tỏ ra là người chỉ huy của một đơn vị quân đội, không có chút nào chất quân phiệt, không áp dụng kỷ luật nhà binh, mà ngược lại, rất nho nhã, thường hành xử như một nhà văn với đồng nghiệp cũng là những người cầm bút. Cũng có lần ông nói với tôi: “Mình là con nhà lính”, tôi không biết là ông nói về chính ông, hay ông nói vì thấy tôi hơi xốc xếch, vô kỷ luật. Về khối Quân Sử sau tôi khoảng một năm, có thêm Tạ Chí Đại Trường và nhà Hán học Đào Mộng Nam.

II- Đại tá Phạm Văn Sơn (1915-1978) là một sử gia quen thuộc của người đọc miền Nam Việt Nam trong 20 năm 1954-1975. Ông viết nhiều, có nhiều ấn phẩm sử học bậc nhất trước đây, có thể kể đến: bộ Việt Sử Tân Biên gồm 7 quyển, dày hơn 3,000 trang, Việt Nam Hiện Đại Sử Yếu xb ở Hà Nội trước 1954, Vĩ Tuyến 17 (ký bút hiệu Dương Châu), tác phẩm sử đầu tiên của ông là Việt Nam Tranh Đấu Sử, ấn hành ở Hà Nội từ năm 1949, tái bản ở Sài Gòn nhiều lần sau năm 1954. Đấy là chưa kể đến nhiều sách khác do ông chủ biên trong tủ sách Quân Sử và Chiến Sử do bộ Tổng Tham Mưu xuất bản, và giáo trình sử học cho trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tủ sách này có hai quyển đáng chú ý vì giá trị tư liệu, một tổng hợp mới mẻ và cách nhìn khá khách quan, là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trong Giai Đoạn Hình Thành 1946-1955 (quyển IV trong bộ Quân Sử Việt Nam) và Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghiã Của Việt Cộng Mậu Thân 1968 (thuộc loại Chiến Sử). Hai quyển này do trung tá Lê Văn Dương soạn thảo, đại tá Phạm Văn Sơn chỉ là chỉ đạo tiến hành mà thôi. Quyển sách về lịch sử hình thành quân đội quốc gia rất đặc sắc vì đã khai thác được nhiều tài liệu đầu tay (primary sources) từ văn khố quân đội, có những tài liệu rất quí giá, ví dụ là những lệnh hành quân viết tay của tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt (1923-1956). Có thể xem quyển sách này là một đóng góp đặc biệt của Khối Quân Sử / Bộ Tổng Tham Mưu vào kho tàng sử học của đất nước. Khối Quân Sử cũng đã xb một ấn phẩm rất đặc biệt là Việt Nam Khói Lửa, một tác phẩm nhiếp ảnh rất đẹp, có tiêu chuẩn cao về nhiếp ảnh cũng như ấn loát, có thể nói là rất quốc tế. Phần nhiếp ảnh là tập hợp các hình ảnh chiến tranh rất sống động của trung tá nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, có một số hình ảnh đất nước thời thanh bình của Nguyễn Mạnh Đan, Phạm Văn Sơn viết bài dẫn nhập, ghi chú và bình luận.
Phạm Văn Sơn ở trong ban chủ biên tập san Sử Địa, chuyên san nghiên cứu lịch sử, xuất bản từ năm 1966 và kéo dài mãi đến mùa xuân năm 1975 mới phải đình bản. Ông cũng là một thành viên trong Ủy Ban Điển Chế Văn Tự của phủ Quốc Phủ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, phụ trách phần thuật ngữ quân sự. Đây là một công việc dài lâu của quốc gia, chưa đi đến đâu thì đã tan đàn rã nghé, đất nước trầm luân vì thay đổi chủ.
Xuất bản được nhiều ấn phẩm về sử, nhưng ông Phạm chưa phải là một sử gia lớn của đất nước. Lớn theo nghĩa, có thể đứng đồng đẳng trên một trục hàng ngang với cỡ những Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên của thời xa xưa, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn của thời gần đây, và Lê Thành Khôi, Hà Văn Tấn, Tạ Chí Đại Trường của thời đương đại.
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, nguyên khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn (niên khóa 61-64) và ông Thái Văn Kiểm, chủ bút Văn Hóa Nguyệt San đã hết lời khen ngợi sử gia Phạm Văn Sơn. Viết tựa cho Việt Sử Tân Biên cuốn 1 (Thượng Cổ và Trung Cổ thời đại), Gs Nguyễn Đăng Thục cho rằng Phạm Văn Sơn có một sử quan rất tiến bộ, vượt hẳn quan điểm duy vật lịch sử không tưởng của các sử gia Mác-Xít, lấy đấu tranh giai cấp làm cột xương sống để giải thích mọi tiến trình lịch sử. Viết lời tựa này, Việt Sử Tân Biên quyển 1 đã trở thành khí cụ trong tay của Gs Nguyễn Đăng Thục vì vào thời điểm đó, giáo sư Nguyển Đăng Thục đang kịch liệt phê bình đường lối của các sử gia Cộng Sản miền Bắc, điển hình là nhà sử học Nguyễn Khánh Toàn. Viết điều này, tôi nhớ đến mấy bài phê bình của Gs Nguyễn trên Văn Hóa Tùng Biên và Văn Hóa Á Châu của giai đoạn 1954-1957.
Học giả Thái Văn Kiểm viết lời giới thiệu Việt Sử Tân Biên quyển 2 (Trần Lê thời đại), cũng gần với cách nhìn của Nguyễn Đăng Thục, cho rằng Phạm Văn Sơn là một sử gia của thời đại mới, không còn chỉ là một sử thần (historiographer), một nhà biên niên sử (annalist), tức là một ký sự viên (chronicler) ghi chép diễn tiến chung quanh trung tâm quyền lực là nhà vua và triều đình của các triều đại trước đây. Như vậy, đại tá Sơn đã là một sử gia (historian) chân chính, không bị lệ thuộc vào một khuynh hướng nào, biết tổng hợp và phân tích sự kiện lịch sử dưới một quy luật chặt chẽ, rồi trình bày một cách khách quan tiến trình tiến hóa với những biến đổi và thăng trầm của xã hội Việt Nam.
Mặc dù Nguyễn Đăng Thục và Thái Văn Kiểm nhận xét nồng nhiệt như thế khi đề tựa cho sách Việt Sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn và những sử phẩm của ông vẫn chưa đạt được những dấu ấn lớn trong sinh hoạt học thuật Việt Nam. Bộ Việt Sử Tân Biên đồ sộ vẫn chưa thể có chỗ đứng ngang hàng với những Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Lý Thường Kiệt của Hoàng xuân Hãn, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời của Đào Duy Anh, hay Việt Nam: Histoire et Civilisation của Lê Thành Khôi, Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Nguyên Mông Thế Kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường…
Có một điểm này tôi cứ thắc mắc trong lòng từ nửa thế kỷ qua, nghĩa là từ lúc tôi biết đọc sách và sử dụng sách vở như một bồi đắp tri thức, nhân cách và thái độ sống ở đời. Nay nhân viết bài tạp bút này, tôi cũng muốn đề cập đến luôn thể.

nha_su_hoc_pham_vam_son

Việt Nam Tranh Đấu Sử ra đời ở Hà Nội năm 1949, khi nước nhà vừa mới độc lập sau Cách Mạng Tháng 8-1945, có lẽ hào hứng trong không khí chung với vận hội mới đang mở ra, chương sách kết thúc tác phẩm viết về cuộc trường chinh 4,000 năm của dân tộc Việt Nam là “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9”. (1)
Sách này khi tái bản ở Sài Gòn sau năm 1954 thì chương ấy đã bị hủy bỏ, thay thế vào bằng một chương khác cập nhật hơn: “Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chấp chánh và ngày Song Thất 7 tháng 7.” (2)
Chỉ mới có mấy năm, một chương sách quan trọng như vậy bị hủy bỏ, tôi không biết có phải là do tác giả thay đổi nhận thức, hay thay đổi chỉ vì áp lực của hoàn cảnh. Đối với một người viết sử, suy tư chín chắn, cẩn trọng sắp xếp vấn đề để trình bày có phải cũng là một đòi hỏi tất yếu hay không? Và như thế, có phải chương sách về Cách Mạng Tháng 8 đã được viết quá vội vã, nên sau đó cũng đã phải vội vã bỏ đi? Nhưng thực ra, cũng đâu cần hủy bỏ, chỉ cần viết lại, chú thích lại, đưa ra nhận xét mới thì cũng là được rồi, mà vẫn thích hợp với xã hội miền Nam sau 1954. Tôi muốn nói đến một trường hợp tương tự: Chúng ta đã có mấy tác phẩm khá đặc sắc của Nguyễn Mạnh Côn là Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử và 1945: Lạc đường Vào Lịch Sử (3), chính là nằm trong chiều hướng như thế.
Sử gia phải bảo vệ sự thật lịch sử, không thể thiên lệch ngòi bút, như bài học sử –bút mẫu mực Tư Mã Thiên đã để lại cho muôn đời. Nhưng sử gia ấy, hồi tưởng về các trang sách mình đã viết ra từ thời còn rất trẻ, vẫn có thể nói với đời sau, với các thế hệ trẻ hơn như Nguyễn Mạnh Côn từng nói: “Tuổi trẻ nào cũng có nhiều phen sai lầm, tội lỗi, và hoài nghi, hối hận… chúng tôi có thể đã là những anh hùng: anh hùng lạc đường một cách bất đắc dĩ. Và chúng tôi chỉ có nhiều đau khổ. Nhưng đau khổ sẽ đến như đã đến với tất cả.” (1945: Lạc Đường Vào Lịch Sử, nxb Giao Điểm, 1965, trang 7.) Đã có lần tôi muốn hỏi đại tá Sơn về chuyện này, nhưng rồi thấy chưa tiện, nay thì không còn cơ hội nữa.

III- Văn Nguyên Dưỡng bàn về phương pháp và thái độ nghiêm cẩn của sử gia Phạm Văn Sơn, nhắc đến việc ông Sơn đã hướng dẫn một phái đoàn quân sử nhảy xuống mặt trận An Lộc để thu thập tài liệu tại chỗ vào mùa hè đỏ lửa 1972. Điều này thì hoàn toàn chính xác. Chính tôi là một thành viên trong đoàn này, cùng với đại tá Sơn, thiếu tá Lê Văn Bân,và hạ sĩ nhiếp ảnh viên Nguyễn Mạnh Sơn, chúng tôi được trực thăng vận xuống chiến trường (4). Ở đấy, tôi đã gặp gỡ giữa cảnh hoang tàn khốc liệt mấy nhân vật chỉ huy đầu não: Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, đại tá Trần Văn Nhựt, và đại tá Lê Nguyên Vỹ. Cả 3 nhân vật này, sau trận chiến đó đều đã trở thành những ngôi sao của quân lực Việt Nam.
An Lộc đang bị quân địch bao vây; buổi tối nằm trong hầm chống pháo, đạn pháo của địch ầm ì dội vào liên tục. Ngày hôm sau, cũng chính nơi căn hầm chống pháo ấy, tôi đã gặp Sir Robert Thompson, nguyên là chuyên viên chống du kích chiến và là cha đẻ của chiến thuật phòng thủ Ấp Chiến Lược ở Mã Lai trước đây. Chiến thuật này đã trở thành quốc sách Ấp Chiến Lược của ông Ngô Đình Nhu, được vận dụng rất hữu hiệu trong việc chống lại sự phát triển của du kích Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam. Robert Thompson chỉ xuống thăm và quan sát chiến trường một lúc, khoảng chừng độ một tiếng đồng hồ, trao đổi đôi điều với tướng Hưng, xem xét mấy vũ khí thu được của địch.
An Lộc là một “địa ngục có thật.” An Lộc bỗng dưng đã trở nên một địa danh không thể nào không nhắc đến trong chiến sử Việt Nam, và có lẽ cả trong chiến sử thế giới. An Lộc đã co cụm lại, tử thủ, và hứng chịu hơn 60 ngàn quả đạn đại pháo liên tục bắn tập trung vào đây trong gần 3 tháng bị vây khốn. Chiến xa T54 tiến sát vào bộ chỉ huy đầu não của An Lộc, đại tá Lê Nguyên Vỹ chỉ cho tôi thấy chiếc T54 bị chính tay ông bắn hạ ngay sát bờ rào bộ chỉ huy tiểu khu, đã làm khựng lại các đợt tấn công kế tiếp. Khi trực thăng vừa đổ chúng tôi xuống thì đạn pháo địch ì ầm nổ chung quanh, tôi cứ tưởng như chiếc máy bay đã bốc cháy rồi. Trong một tình thế như vậy, đại tá Phạm Văn Sơn đã xuống giữa mặt trận để ghi nhận tình hình, thu thập tài liệu chiến sử. Suốt đêm, ông nói chuyện nhiều về chiến trận với ông Văn Nguyên Dưỡng, bấy giờ là trưởng ban 2 của sư đoàn 5 Bộ Binh của tướng Hưng. Văn Nguyên Dưỡng ca tụng người chỉ huy cũ của mình là đúng. Chính trong cách nhìn như thế, Văn Nguyên Dưỡng cho rằng sau chuyến đi An Lộc, đại tá Sơn lại tiếp tục đi ra Quảng Trị để quan sát, ghi nhận và thu thập tài liệu của mặt trận vùng giới tuyến. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm vì đi ra mặt trận Quảng Trị, chỉ có trung tá Lê Văn Dương và tôi. (5)
Trung tá Lê Văn Dương giới thiệu tôi với đại tá Hoàng Mạnh Đán, Tham Mưu Trưởng quân Đoàn I ở Đà Nẵng, sau đó tôi được gửi ra làm việc ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Mang Cá Huế. Sách Mặt Trận Vùng Giới Tuyến 1972 đã được viết ra trong hoàn cảnh đó, về sau được Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản khoảng cuối năm 1974, đầu năm 1975. Chỉ tiếc là sách này chưa kịp phát hành rộng rãi, nên có lẽ đã bị thiêu hủy hết thảy vì còn nằm trong kho sách của Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn.
Bài viết của Văn Nguyên Dưỡng, mặc dù chỉ là một tùy bút văn nghệ, nhưng ít nhiều tự nó cũng chứa đựng ý muốn góp một chút tài liệu vào những trang sử hiện đại của đất nước; đặc biệt đáng kể là bài viết đã được viết ra dưới mắt nhìn của một nhân chứng, chính đó mới là vấn đề.
Đọc bài viết: “Cái Chết Của Sử Gia Phạm Văn Sơn”, tôi không thấy tác giả có ẩn ý gì không tốt, mà chỉ vì lòng yêu mến và kính trọng đối với một người chỉ huy cũ, Văn Nguyên Dưỡng tưởng nhớ và tôn vinh người quá cố. Đề cập đến việc đại tá Sơn đi ra mặt trận giới tuyến Trị-Thiên, có lẽ Văn Nguyên Dưỡng tin như đinh đóng cột trong đầu mình rằng đại tá Sơn đã đi An Lộc thì tất nhiên phải đi ra Huế và Quảng Trị, và chính vì vậy ông đã viết rằng đại tá Sơn đã đi ra Quảng Trị để thu thập tài liệu chiến sử ở chiến trường trải rộng này. Sai lầm của Văn Nguyên Dưỡng là sai lầm về mặt phương pháp: khi đưa ra một kết luận hay dữ kiện có tính giả thuyết thì cần kiểm chứng trước khi công bố. Điều này không phải chỉ là đòi hỏi tất yếu trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm, mà ở các lĩnh vực khác của các ngành khoa học nhân văn cũng vậy. Sai lầm này chỉ là một tì vết nhỏ, nhưng từ điểm nhỏ này, chúng ta có thể nhìn rộng ra khắp nơi, khắp trên toàn cảnh khu rừng rậm dày đặc của sách vở, với sử liệu, nghiên cứu, khảo luận, chứng từ, hồi ký chính trị, hồi ký cách mạng v.v… và v.v… trong vài chục năm vừa qua.
Ở trong nước, sách lịch sử chính thống của Hà Nội tràn ngập sai lầm có dụng ý, đến độ trước đây trong một bài viết nào đó, Hà Văn Tấn phải gay gắt phàn nàn, và đã nhắc đến hai câu thơ của Nguyễn Trãi viết từ thế kỷ XV:
Ai ai đều đã bằng câu hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư!
Mọi người đều đã bị uốn cong như lưỡi câu, và chẳng còn ai nói lên sự thật nữa. Làm gì còn có Sử Ngư, tức là nhà chép sử nước Vệ đời Xuân Thu, nổi tiếng thẳng thắn, chính trực, bất chấp hiểm nguy trong việc chép sử. (6) Và tình trạng sách vở ở hải ngoại hơn 30 năm qua về lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn 45-54 và 54-75 thì phải nói là vô cùng hỗn loạn. Hàng vạn trang giấy được viết ra, không biết các sử gia đời sau sẽ lọc lại được bao nhiêu trang hữu dụng.

IV. Hình ảnh cuối đời của đại tá Phạm Văn Sơn thực là bi thương quá. Người của một nửa nước ở miền Nam hẳn là dễ chia sẻ, cảm thương nỗi đau ấy. Và những người có lòng ở miền Bắc thì chắc cũng vậy. Tôi cảm thấy đó không chỉ là nỗi đau riêng của ông, mà là hình ảnh tượng trưng của một nỗi đau cộng nghiệp. Ông là một tín đồ Thiên Chúa Giáo; trong đức tin của ông, hẳn là ông đã bình thản vác thánh giá bước đi trên con đường khổ nạn, chiến đấu với nghiệt ngã để leo lên đỉnh dốc ngọn đồi Golgotha của riêng ông. Nắm xương tàn của người cầm bút ấy, từ trại tù Tân Lập, Vĩnh Phú, đã được gia đình cải táng về miền Nam, chôn cất phía sau nhà thờ Bình Triệu, trên bờ sông Sài Gòn. Trên mộ bia có một dòng chữ La Tinh rất cao ngạo, không chắc là di ngôn của người quá cố.
California, tháng 3.2012
Huỳnh Hữu Ủy

huynh_h_uy
Tác giả Huỳnh Hữu Ủy

Chú thích (1) (2) Tựa của hai chương sách này, tôi không nhớ chính xác từng chữ, nhưng đại khái nội dung là như thế. Sách Việt Nam Tranh Đấu Sử, cả hai ấn bản 1949 và sau 1954, hy vọng có thể tìm lại trong một vài thư viện ở hải ngoại.
(3) Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử và 1945: Lạc Đường Vào Lịch Sử là tiểu thuyết nhưng lại có giá trị chứng từ lịch sử cao, cũng có thể gợi hứng thú nhiều cho các nhà nghiên cứu lịch sử sau này.
(4) Từ An Lộc trở về, tôi đã có bài tường trình về chuyến đi trên tuần báo Tìm Hiểu (Chủ nhiệm Phan Lâm Hương, Thư ký tòa soạn Hoàng Ngọc Phan, tức ký giả Hà Túc Đạo). Bài viết được ký dưới bút hiệu Uyên Hữu. Số báo đặc biệt này, hiện nay vẫn còn được lưu giữ ở Thư Viện Quốc Gia cũ (nay là Thư Viện Th. Ph. Hồ Chí Minh).
(5) Trung tá Lê Văn Dương là anh họ của nhà báo Trần Dạ Từ (tên thật Lê Hà Vĩnh). Khoảng 15 năm trước, ở buổi lễ cầu siêu cho cụ bà thân sinh nữ sĩ Nhã Ca, ở một ngôi chùa ở Garden Grove, nam California, tôi có gặp trung tá Dương. Sau đó, tôi mất liên lạc hẳn, không biết hiện giờ ông còn ở California hay không. Ông có một người con trai du học Canada trước 1975, nên cũng có thể ông đang sống với gia đình người con trai này.
(6) Phạm Cao Dương dẫn lại, “Sự thực lịch sử và các nhà Sử học Mác-xít Việt Nam”, Dòng Sử Việt, California, số 2, tháng 1-3,2007.

http://www.banvannghe.com


CÁI CHẾT CỦA SỬ GIA PHẠM VĂN SƠN

Nguyễn Văn Dưỡng

Trước năm 1975, ở miền Nam, ông Phạm Văn Sơn là một trong rất ít những vị viết sử. Bộ sử được nhiều người biết đến nhất của ông là bộ Việt Sử Tân Biên.
Tôi hân hạnh được làm việc dưới quyền chỉ huy của ông từ năm 1958 đến 1960. Thời gian này ông mang cấp bậc Thiếu tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Quân Báo & Chiến Tranh Tâm Lý Cây Mai; tôi mang cấp bực Trung úy, là huấn luyện viên và sĩ quan an ninh của Trường. Chính trong thời gian này, ông đã tu chỉnh bộ sử nói trên và cho tái bản.
Những thì giờ nhàn rỗi, tôi đã tình nguyện giúp ông. Tôi được ông giới thiệu đến gặp ông Lê Ngọc Trụ, công chức làm việc ở Thư Viện Quốc Gia - lúc đó còn nằm trên đường Gia Long - để nhờ hướng dẫn sưu tầm tài liệụ Ông Lê Ngọc Trụ còn là một học giả, giảng sư Ngữ học của Đại học Văn khoa Saigon, đã chỉ dẫn cho tôi tìm được khá nhiều tài liệu và sách viết bằng tiếng Pháp về thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Các tài liệu này cũng như những tài liệu quí giá khác, giúp cho ông Phạm Văn Sơn tu chỉnh Việt Sử Tân Biên. Thời gian làm việc với ông, tôi đã học được ở ông nhiều điều về viết lách.
Năm 1961, trường Cây Mai đổi tên, chỉ còn là trường Quân Báọ Ngành Chiế Tranh Tâm Lý tách ra riêng, đuợc dạy riêng ở một trường của ngành này, mới thành lập, ở một địa điểm khác; do đó, Thiếu tá Phạm Văn Sơn cũng được thuyên chuyển về ngành Chiến Tranh Chính Trị. Sau đó không lâu, ông được bổ nhậm vào chức vụ Trưởng Ban Quân Sử của Quân Lực VNCH, thuộc Bộ Tổng Tham Mưụ Ông lần lượt được thăng đến cấp Đại tá và giữ nhiệm vụ này cho đến ngày miền Nam sụp đổ.
Tôi nghĩ rằng, với khả năng của ông và và dưới sự chỉ đạo của người viết sử sở trường và kinh nghiệm như ông, hẳn là Ban Quân Sử Quân Lực VNCH đã viết được những bộ sử chiến tranh VN cận đại quí giá, nhất là binh sử thời kỳ sau năm 1954 trở đi. Tôi nghĩ như vậy vì tôi biết ông PVS rất thận trọng, không thể khinh xuất trong nhiệm vụ của mình và càng không thể để cho thuộc cấp khinh xuất. Ngày trước ông thường bảo tôi : "Phải cố gắng làm sao cho mức độ trung thực và chính xác cao chừng nào tốt chừng đó, như vậy thì những điều mình viết về sử mới mong có thêm một chút giá trị. Việc sưu tập những sự kiện, chứng tích, tài liệu có độ xác tính cao nhiều chừng nào thì việc so sánh, nghiên cứu, lượng giá, đối chiếu...dễ chừng nấy". Đó là lề lối làm việc nghiêm cẩn, thận trọng của ông. Vì vậy sau này, năm 1972, tôi đã không ngạc nhiên khi chiến trường An Lộc còn đang sôi động với những trận đánh đối tuyến chỉ cách nhau có một con đường, giành nhau từng góc phố - giữa các đơn vị VNCH và quân CS Bắc Việt - khi những cơn pháo kích dữ dội của địch quân chưa giảm, khi không một chiếc trực thăng nào đáp xuống An Lộc mà không sợ tan xác, tôi đã thấy ông hiện diện ở chiến trường này để tìm hiểu sự thật viết về trận chiến khốc liệt đó.
Lúc bấy giờ, tôi là Trưởng Phòng 2 của Bô Tư Lệnh Hành Quân của tướng Lê Văn Hưng, đã cung cấp cho ông những tài liệu, sự kiện "sống" nóng bỏng, chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, muốn viết cho trung thực hơn, ông đã ở lại trong hầm chống pháo với tôi một đêm, thức trắng để nghe tiếng đạn pháo của địch quân rơi trên đầu mình và xung quanh đâu đó, vừa hỏi tôi thật chi tiết về những sự kiện ghi trong nhật ký hành quân (mỗi phòng của Bộ Tư Lịnh Hành Quân đều có) kể cả tài liệu, cung từ tù binh của địch bắt được trong các trận đánh trước ở đó.
Sau khi ông rời An Lộc, không bao lâu mặt trận được giải tỏa, tôi đến Bộ Tổng Tham Mưu để gặp ông thì được biết ông đã ra Quảng Trị để làm nhiệm vụ như đã làm ở An Lộc. Như vậy ông và những sĩ quan thuộc cấp trong Ban Quân Sử đã hiện diện ở khắp chiến trường lớn để tìm sự thật viết về binh sử...
Tôi nêu lên những chi tiết trên đây mong các bạn hình dung được tư cách khả trọng của một người viết sử chân chính, ông PVS, một người đã thành danh trong giới trí thức VN, để rồi tôi xin kể lại những ngày cuối cùng bi đát trước cái chết thảm thương của ông trong lao tù, dưới chế độ bất nhân, tàn độc của CSVN.

Ngày 30/4/75, như mọi người đều biết, Dương Văn Minh, một tổng thống phi hiến định, tuyên bố đầu hàng CS Bắc Việt vô điều kiện, Quân Lực VNCH bị bức tử, buông súng, tan rã. Một số tướng lãnh, sĩ quan cấp tá, cấp úy tuẫn tiết. Tất cả những sĩ quan còn lại ở miền Nam vào lúc đó, bị dồn vào các trại tập trung tạm trong lãnh thổ miền Nam, cùng với các cấp chỉ huy cảnh sát, công chức cao cấp và các nhà hoạt động chánh trị trong các đảng phái miền Nam.
Một năm sau, CS đưa tất cả những người mà họ gọi là có "nợ máu" nhiều nhất với nhân dân miền Bắc, giam giữ và bắt lao động khổ sai ở những trại giam trong rừng sâu nước độc của Thượng du và Trung du Việt Bắc. Một số sĩ quan và công chức khác còn bị giam giữ ở các trại cải tạo miền Nam.
Tháng 6, năm 1976, đợt tù nhân đầu tiên bị đưa ra Bắc, trong đó có tôi, bị dồn cứng dưới khoang của những chiếc tàu thủy cận duyên cỡ nhỏ. loại chuyên chở của quân đội CS. Sau 4 ngày 4 đêm, tàu cập ở Bến Thủy thuộc Vinh. Từ đó vào nửa khuya, chúng tôi bị chuyển vào bờ, lần này thì bị dồn vào các toa tàu hỏa dùng để chở súc vật, lên phía Bắc.
Ngày 15/6/76 - ngày duy nhất mà tôi nhớ suốt 13 năm tù - đúng một năm sau ngày tôi đưa đầu vào cùm ở trường Don Bosco ở Gò Vấp - trên chuyến tàu hỏa nói trên, qua một kẻ hở thật nhỏ của toa tàu, tôi đã nhìn thấy nhà thương Bạch Mai và ga Hàng Cỏ, những địa danh của Hà Nội mà tôi đã được đọc qua trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, thuở tuổi học trò. 2 sĩ quan tù nhân cấp Tá đã ngộp thở chết trong toa chở súc vật, quãng giữa đường Việt Trì - Yên Bái. Kể từ đó, có thêm hàng trăm tù nhân đi trên những chuyến tàu định mệnh này đã ngã xuống ở các trại tù miền Bắc, vĩnh viễn không còn thấy được những chuyến tàu xuôi Nam... Trong số những người này có Đại Tá Phạm Văn Sơn.
Một số tù nhân trên dưới một ngàn người trên các toa tàu này được đổ xuống ga Yên Bái, trong số đó có tôi. Từ ga Yên Bái, bộ đội CS dùng xe quân sự Molotova chuyển chúng tôi theo đường bộ lên Sơn La giam giữ ở các trại giam dành cho quân nhân. Tôi ở đó được một năm rồi bị chuyển sang trại giam công an, cũng ở Sơn La, trong 2 năm nữa.
Năm 1979, trước cuộc chiến ngắn ngủi giữa Trung Cộng và CSVN không bao lâu, tất cả chúng tôi - những tù nhân chính trị - ở những trại giam trên các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc được chuyển về các trại giam vùng Trung Du và các tỉnh phía nam, tây nam Hà Nội, như các trại giam Tân Lập (Vĩnh Phú), Nam Hà (Nam Định), Thanh Phong (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh),...
Sự chuyển dồn trại như vậy làm cho đời sống lao tù chúng tôi đã cơ cực càng cơ cực hơn, ăn đã đói càng đói hơn, mỗi người không có được đến 4 dm2 để có thể nằm ngửa, phải nằm nghiêng chen chúc lẫn nhau mà ngủ sau mỗi ngày lao động nặng nhọc, nên phòng giam nào cũng hôi hám, thiếu ánh sáng, thiếu không khí đến ngộp thở, bao nhiêu chứng bệnh ngặt nghèo nguy hiểm đã bộc phát trong anh em chúng tôi, thuốc men không có để trị, mạng sống của mọi người cũng bị tử thần rình rập từng ngày từng đêm.
Đa số anh em chúng tôi được đưa về trại giam Tân Lập do công an quản chế, bây giờ đặt dưới sự chỉ huy của Trung Tá công an Nguyễn Thủy, một tên cán bộ chữ nghĩa viết chưa hết một lòng bàn tay nhưng vẫn thích đọc thơ Tố Hữu và Huy Cận trước mặt anh em tù nhân, trong khi lòng dạ lại hiểm độc vô lường...

Tân Lập là một hệ thống trại gồm một trại chính và nhiều phân trại thường được gọi là K, đánh số từ K1 đến K7, nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông bắt nguồn từ sông Lô, chảy qua xã Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú. Tôi đến Tân Lập ngày nào năm đó, đã không còn nhớ nữa, chỉ nhớ là lúc đó trời đã bắt đầu trở lạnh; dù vậy, sau mỗi buổi lao động vẫn phải theo mọi người ra những bãi vắng trên sông này để tắm trước khi về trại. Chính ở các bãi tắm này chúng tôi mới thấy hình hài khốn khổ của nhau, vì mọi người đều trần truồng. Trong khi số tù nhân từ Sơn La mới chuyển về người ngợm còn chút thịt da, thì, những anh em tù đã ở trại giam K2 Tân Lập từ mấy năm trước thân thể chỉ còn da bọc xương, đến 2 bên mông là nơi lý ra phải còn có chút thịt, cũng chỉ thấy có xương xẩu nhô hẳn lên, trông thật thảm não. Khi tắm ai cũng rét run, vì cái lạnh của trời và nước làm cho mọi người thấu buốt ruột gan bởi trong người không còn năng lượng đề kháng nào nữa.
Tôi nói lên những điều này để chỉ rõ chế độ quản chế, đối xử với tù nhân chính trị của trại giam Tân Lập cay nghiệt hơn bất cứ trại giam nào mà chúng tôi đã trải qua trước đó, mặc dù chúng tôi biết rằng với chế độ tập trung cải tạo, trại giam là nơi CSVN giết người kín đáo nhất, ít đổ máu nhất, bằng áp đặt khổ sai vắt sức, bằng bỏ đói trường kỳ khiến cho tù nhân chết mỏi mòn vì kiệt sức, vì bệnh hoạn hay vì những lý do mờ ám khác nữa. Không một ai trong chúng tôi, lúc đó, thoát khỏi sự thách đố của định mệnh, của cái chết đến bằng nhiều cách ở bất cứ lúc nào. Ở Tân Lập, bọn công an Nguyễn Thùy đã làm hơn những điều chúng tôi nghĩ, đã biết. Vì thế các tù nhân chính trị chết trong các phân trại Tân Lập nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Riêng ở phân trại K2, mấy tháng mùa đông cuối năm 1979, đầu năm 1980, mỗi ngày ít nhất cũng có 1 đến 2 tù nhân chết; con số tù nhân đến bệnh xá (không có một thứ thuốc men nào để trị bệnh), hằng ngày hơn 200 người, mục đích không phải là để xin trị bệnh, nhưng để được khám, chứng nhận là bệnh, để khỏi đi lao động, được ngày nào đỡ ngày đó, mặc dầu họ là những người bệnh thực sự cần phải được điều trị và miễn làm việc...

Tại K2 Tân Lập, trong hoàn cảnh chung như vậy, tôi đã gặp lại ông Phạm Văn Sơn. Tôi đã nhìn thấy tận mắt những ngày sống bi đát cuối cùng của đời ông.
Chừng một tháng sau khi đến K2, một buổi trưa, tôi và một người bạn tù khác cùng đợi đến phiên phải lên phạn xá gánh cơm về cho anh em trong đội ăn sau buổi lao động; trong khi chờ đến lượt mình nhận cơm, tôi đã vơ vẩn đến bên ngoài hành lang của một căn phòng nhỏ cạnh phạn xá, tôi thấy một người, đã nhận ra ông mà cứ ngỡ là đôi mắt mình đã nhìn lầm.
Ông chính là Đại tá Phạm Văn Sơn, vị chỉ huy trưởng ngày xưa của tôi. Ông chỉ còn là cái bóng âm thầm, một cái xác sắp mục nát, bất động, câm nín sau chấn song sắt, bên trong cửa sổ của căn phòng "cách ly", duy đôi mắt hiền hòa thì vẫn tinh anh như thuở nào. Rõ ràng ông hiện hữu như một tĩnh vật có linh hồn sáng suốt, đang nhìn ngắm mọi sự vật đổi thay, quay cuồng điên đảo với những nhận định xuyên suốt, những ý nghĩ sâu sắc, cao xa nào đó một cách hữu thức, vì chính đôi mắt nhìn lắng sâu, và sáng kia là "cửa sổ linh hồn ông", cho tôi biết điều đó.
Tôi nhìn ông và ông nhìn tôị Trong một thoáng, quá khứ như chổi dậy; không biết vì mừng rỡ hay vì ngỡ ngàng xúc động, tôi chợt buộc miệng gọi lên :
- "Thầy" !
Chỉ một tiếng rồi lặng thinh. Tôi còn biết nói gì hay làm gì hơn khi mà ai cũng biết rằng mình bất lực trước hoàn cảnh bất hạnh nào riêng của mỗi người.
Mắt ông hình như sáng hơn, ông đã nhận ra tôi. Trong gương mặt đã biến dạng, sần sùi của ông, với đôi môi khẽ chớp động, tôi đã nhìn thấy một nụ cười. Ông đã hiểu rõ tâm trạng của tôi, tuy ông lặng lẽ không nói một lời nào.
Không một dấu hiệu, ông rời song cửa sổ. Chỉ chưa đầy một phút sau, cánh cửa ra vào của căn phòng nhỏ - đang khép hờ - mở rộng ra. Ông đứng ở ngưỡng cửa, thẳng thớm như đứng giữa giang san của mình, một giang san thu hẹp đến thật nhỏ nhoi, lạnh lẽo, cô độc...
Với thế đứng vững vàng như vậy ông đã cho tôi ý nghĩ là, chính nơi này, nơi thật nhỏ nhoi này, là nơi ông đã tìm ra nguyên ủy, phương trình giải quyết và kết luận cho một nan đề khó giải quyết nhất, hay ông đang ấp ủ một điều gì thật to tát trong tư tưởng của ông. Nhận xét của tôi không thể nhầm lẫn vì ngày xưa nhiều lần tôi đã nhìn vào mắt và tư thế của ông mà đoán đúng những gì ông định ra lệnh cho tôi hay muốn nói cùng tôi. Ở lần gặp lại này, tôi cũng linh cảm được ý nghĩ của ông như thuở đó.
Tôi định bước vào hành lang, tiến đến gần ông nhưng kịp thấy ông nhìn tôi khẽ lắc đầu. Tôi dừng lại và ghi nhận đầy đủ hơn tín hiệu của căn bệnh ghê gớm đã và đang tàn phá cơ thể của ông.
Ông đứng thẳng, hai tay chập lại để trước người, những ngón tay đan chéo vào nhau, chỉ nhìn tôi không nói một lời nào. Ngày đó, trời đã lạnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải vì trời lạnh mà ông trùm kín đầu bằng một chiếc khăn lông trắng đã trở màu vàng, bẩn và lấm tấm những vệt máu, mủ. Vòng khăn quấn kín cổ chỉ chừa có đôi mắt, mũi, miệng và một phần rất nhỏ ở hai bên má. Ông trùm kín mặt như vậy có lẽ đã che bớt đi những vết lở lói trên mặt mình, bởi chứng bệnh nan y của ông.
Thân thể gầy gò nhưng cộm lên vì mặc nhiều lớp áo quần bên trong; bên ngoài, ông mặc một chiếc áo mưa màu nhà binh đã thật cũ, sờn rách một đôi nơi. Chân được bó lại bằng những mảnh vải quần áo cũ xé ra, dính đầy bụi đất và những vết máu, vết mủ.
Chỉ có một phần mặt mũi và hai tay của ông lộ ra, các phần thân thể khác không thấy được. Và chỉ có vậy thôi, tôi cũng nhận ra rằng không phải ông mang chứng lở lói bình thường mà tôi đã từng thấy, từng biết. Mũi ông đỏ ửng, bóng; hai má cũng vậy, cộng thêm một số vết lở lói; lông mi ở mắt đã rụng. Hai bàn tay cũng có những vết lở tấy, nhưng các ngón tay đã co lại, móng tay nhiều ngón đã bị khuyết lại hay mất hết: ông bị chứng phong hủi (leprosy) ở thời kỳ trầm trọng. Vì không có thuốc và vì điều kiện vệ sinh không thể có được trong tù nên bệnh của ông phát triển rất nhanh. Đó là lý do tại sao chỉ mới đi tù trong vòng bốn năm năm ông đã trở thành người tàn phế, bị cách ly riêng biệt.
Có lẽ người ta gán cho ông chứng bệnh lở lói là để tránh sự loan truyền căn bệnh cùi trong trại giam. Vả lại ông bị "cách ly", chỉ được ra ngoài vào những giờ mọi người đã đi lao động, không còn ai trong trại, nên ít ai biết rõ. Nhưng chính ông, ông biết rõ bệnh trạng của ông.
Tôi nhìn ông thật lâu, trong lòng xót xa, không biết phải nói gì, làm gì. Vị sĩ quan cao cấp chững mực với quân phục chỉnh tề trang nghiêm ngày xưa nay đã mang hình hài của một người tàn phế giống như một kẻ hành khất lở lói mà ai cũng có thể gặp ở đâu đó. Đôi mắt tôi nói rõ sự thương cảm của tôi đối với ông. Và một lần nữa ông cười, nụ cười nhăn nhún với một chiếc răng khểnh trong môi, như ông muốn nói với tôi rằng :"Tôi chấp nhận định mệnh của tôi, nhưng tư tưởng của tôi đã vượt khỏi thân xác nhỏ nhoi tàn phế của tôi rồi. Anh đừng thương hại cho tôi".
Sau nụ cười là ánh mắt nhìn tôi sâu hơn. Trong ánh mắt đó của ông, tôi đã ghi nhận được sự thương xót của ông đối với tôi. Hình như ông đã nhìn thấy lại người sĩ quan thuộc cấp trẻ tuổi của ông ở những ngày xưa, còn độc thân, mặt còn non sữa, nhưng sáng sủa và nhanh nhẹn, đã từng lúc làm ông hài lòng, cùng từng khi khiến ông phải chỉ bảo... Ngày nay, hắn ta đã trở thành một người cằn cỗi, gầy ốm, lam lũ với áo quần chùm đụp rách rưới, má hóp, mắt thâm vì những ngày thiếu ăn, những đêm thiếu ngủ. Hơn thế nữa, hắn ta còn chưa biết phải làm gì trong cảnh tù đày và trong tương lai.
Tôi chưa biết nói gì thêm, làm gì thêm ở buổi gặp lại ông trong hoàn cảnh khốn khổ đó, thì anh bạn cùng tôi đi lãnh cơm, tìm được tôi, thấy tôi đang đứng "nói chuyện" với Đại tá Sơn. Anh đến gọi tôi vì cơm anh đã lãnh xong để ngoài sân phạn xá.
Tôi tần ngần một phút nhưng rồi cũng phải theo anh trở lại phạn xá gánh cơm về cho anh em ăn. Chúng tôi chào từ giã ông, không thấy ông trả lời. Tôi quay đi, mang theo nỗi buồn thật lớn. Anh bạn nói với tôi :
- Đại tá Sơn đó, ông ta bị chứng bệnh nan y, vừa bị suyển, bệnh tim, lao phổI. Ông không hề nói chuyện với ai.
Tôi trả lời ngắn: "Sếp cũ của tôi".
Suốt ngày hôm đó tôi thẫn thờ vì những ý nghĩ miên man trong đầu óc tôi. Đêm đó cũng không thể ngủ được. Tôi suy nghĩ về ông và những ngày tù đày của chính bản thân tôi.
Quả thật, trong lần đối thoại bằng mắt ở buổi gặp lại lạ lùng này, ông đã nói với tôi thật nhiều về thân phận của ông và tôi. Tôi biết rõ ông đã vượt khỏi cái thân xác bệnh hoạn yếu đuối nhỏ nhoi của con người, dẫn phần tâm linh của ông đến một cõi an bình nào đó, như một tín đồ công giáo tin tưởng sự an bài của Đấng Tạo Hóa về định mệnh của mình. Hơn thế nữa, trong tư tưởng, ông không chỉ còn là một người viết sử bình thường, một sĩ quan bình thường, mà đã trở thành một triết gia lớn biết cả cội nguồn của dân tộc và tổ quốc. Tâm trí ông đã đi ra ngoài thân thể ông để đến một khung trời bao la nào đó, cao rộng, hay ít nhất cũng phủ trùm trên bờ cõi VN.
Rõ ràng ông đã tìm được cho ông một lối thoát, sau khi đã trải qua đau khổ đến tột độ : thể xác nứt nẻ, nhức nhối vì bị gặm nhấm, rút tỉa bởi con máu độc hại của chứng bệnh nan y; bị bỏ đói khát lạnh lẽo, cô độc trong một nơi cách biệt đến trở thành câm nín. Bao nhiêu tháng ngày đau đớn oằn oại mà ông phải chịu đựng từng phút từng giây đó không đủ để ông trở thành một triết nhân hay sao, vả lại ông là một người thâm trầm, hiểu sâu học rộng... Dù sao thì ông cũng đã vượt thoát được đau khổ và tìm ra cho mình một con đường.
Một ngày nào thoát khỏi gông cùm CS, nếu tấm thân tàn phế của ông còn hơi thở, thì biết đâu khối óc phong phú và tĩnh đạt của ông sẽ không giúp ông trở nên bất tử trong lòng mọi người, vì những điều chứa đựng trong đó sẽ có thể cho chúng ta những hiểu biết về lịch sử VN - trong thế hệ chúng ta - một cách xác đáng nhất, tường tận nhất, đáng suy gẫm nhất vì sao chúng ta đã đau khổ triền miên trong cuộc chiến tranh tàn khốc dai dẳng vừa quạ Hay xa hơn nữa, biết đâu ông cũng có thể cho chúng ta một triết lý nhân sinh rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân ông, khả dĩ giúp được nhiều người tìm ra sự an bình trong tâm hồn ở cuộc sống nhiều đau thương nàỵ
Tôi yên tâm phần nào về ông, vì tôi biết, dù ông là kẻ chiến bại trong cuộc sống, nhưng lại là người chiến thắng chính bản thân mình.
Còn tôi, ông đã nói cho tôi biết bằng ánh mắt, là ông thương cảm cho tôi, vì ông đã biết rõ tôi đã và đang còn mù mờ, quờ quạng trong đáy ngục, trong lưu đàỵ Tôi chưa nghĩ gì cho hôm nay và cho ngày mai hơn là phải sợ lao động nặng nhọc sáng nay hay sợ bị đói lạnh chiều nàỵ Tâm trí, tư duy của tôi là một thứ bong bóng.
Tôi phải gặp lại ông, tôi phải học tấm gương của ông, phải biết nhận chịu cái đau buốt tận xương tủy, để nghiền ngẫm về lẽ sống và tìm cho mình một con đường thích hợp nhất mà bước đi.
Từ ngày đó tôi định bụng hôm nào thuận tiện tôi sẽ đi tìm ông, vì ông ở phòng "cách ly" không phải lúc nào cũng tự tiện mà dến được, bọn cán bộ cấm ngặt mọi tù nhân đến đó.
Trong mấy ngày liền, sau các buổi lao động xong về trại, tôi đi theo các bạn lãnh cơm lên phạn xá, lảng vảng đến gần căn phòng cách ly mong nhìn thấy ông để đến gặp, nhưng lần nào cũng trở về không. Rồi một buổi chiều tôi trở lại đó, từ xa tôi đã thấy ông sau xong cửa sổ, mắt đang nhìn ra xa xôi cao hơn bờ tường rào của trại trước mặt ông. Tôi muốn nhìn ông cho rõ hơn nên bước thêm mấy bước nữa rồi dừng lại.  Một chập rất lâu, ánh mắt ông vẫn thế, không thay đổi hướng. Ở hướng đó, mặt trời chiều đã xuống thấp, nắng đã nhạt, mấy áng mây thật mỏng, ráng hồng, còn vơ vẩn, rồi bị gió xé nát ra. Tôi chợt thấy ông rùng mình.
Tôi tự nghĩ : Chẳng lẽ mình nhầm hay sao khi nhận xét về ông ở buổi đầu tiên. Không do dự nữa, tôi bước đến gần, đứng ngoài sân, trước hành lang, chào ông và khẻ hỏi :
- Chào Thầy, hôm nay Thầy có khoẻ hơn không ?
Ông quay lại nhìn tôi, nhẹ gật đầu nhưng không trả lời. Đôi mắt ông lại hướng về góc trời có một bóng mây vừa tan, một thoáng như mờ đi, như nghĩ ngợi, rồi chợt sáng hẳn ra nhìn thẳng hơn vào mắt tôi.
Thôi, Thày ơi ! Tôi đã hiểu rồi. Tôi đã hiểu trong lòng Thầy nghĩ gì và Thầy muốn gì ở tôị Lòng tôi trong một phút cảm thấy đau điếng.
Tôi có nên nói đến những điều này cho các bạn nghe hay không ? Liệu các bạn có tin rằng tôi nói bằng sự thật, bằng tấm lòng của tôi hay không ? Thôi thì tôi cứ nói.
Ông đã cảm nhận được định mệnh của ông rồi. Hơn ai hết, ông hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của ông. Ông chỉ sợ mình như ráng mây mong manh kia, sẽ phải tan rã mất đi vội vàng. Thời gian quí báo không còn nữa đối với ông, ngọn đèn hắt hiu trong tim ông sắp tắt, nhưng ngọn lửa lớn trong óc ông, đang rực sáng, không có chỗ thoát rạ Bốn bức tường của nhà giam này thật cay nghiệt; cái hoài bão của ông, niềm ấp ủ đã hình thành trong tâm não ông cũng sẽ tan biến mà thôi. Ông không sợ bản thân ông bị tiêu hủy, ông chỉ sợ những điều đó bị tiêu diệt, tôi nghĩ như vậỵ
Với ánh mắt nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi nhận ra hình như ông muốn ủy thác cho tôi một việc gì đó sau này - khi tôi ra khỏi 4 bức tường của trại giam - chẳng hạn như sẽ thay ông viết lên những gì mà ông muốn để lại cho những thế hệ tương lai.
Nếu quả thật điều này tôi đoán đúng, tôi cam đành chịu sự thất lễ đối với ông. Dù tôi hiểu ông, nhưng làm sao tôi có thể hiểu tường tận những gì tách bạch định hình trong tư tưởng của ông.
Ông đã nghĩ gì, ông đã biết những gì - hẳn nhiên là phải rộng lớn và khúc chiếc -  ông muốn viết những gì, làm cách nào tôi có thể biết được. Vả lại, những thứ ấy là những điều mà ông phải phấn đấu thật cam go với bệnh tật, với chính mình bao nhiêu năm trời, chịu đựng vô vàn đau đớn tủi nhục từ thể xác đến tâm não mới có được. Nó là của riêng ông. Làm sao tôi có thể cảm nhận được hết, khi mức độ thương đau của tôi có hạn định; làm sao tôi có thể viết những điều ấy thành lời.
Sở năng của ông là viết sử. Ngay ở công việc này, nếu tôi có hiểu biết một đôi điều, thì với khả năng của tôi, tôi cũng không thể thay ông mà viết nổi hết cái cao xa rộng lớn của ông, cái sâu sắc phong phú của ông, cái chiết trung tinh túy của ông, cái kinh nghiệm dồi dào của ông về những gì phức tạp nhất, nhiêu khê nhất, khuất lấp nhất của lịch sử ở thời đại nhiễu nhương nàỵ
Nếu tôi cần thời gian để có được những ưu điểm trên đây như ông, thì sẽ bao lâụ Có lẽ suốt đời đến khi nhắm mắt, tôi cũng không có được.
Hôm trước tôi gọi ông bằng "Thầy" để tránh tiếng gọi bằng cấp bậc đã trở thành "không thích hợp" nữa. Hôm nay, tôi cũng gọi ông bằng chữ đó, cùng nghĩạ Xét cho cùng, tôi chưa đáng là học trò của ông trên nhiều phương diện.
Tôi đành cam chịu sự bất lực rồi.
Cái hy vọng giữ được cuộc sống của ông thật mong manh, cái hy vọng giữ sự hiểu biết trong trí não ông cũng không thể có, rồi cát bụi sẽ trở về với cát bụi mà thôi... Bỗng nhiên tôi nghe mấy giọt nước mắt lăn trên má tôi.
Ông nhìn tôi lặng lẽ thở dài rồi quay đi.
Tôi trở về phòng giam của mình với tâm trạng buồn bã, mệt mỏi. Tôi muốn làm vui lòng cố nhân, muốn làm tròn bổn phận với một cấp chỉ huy tôi quí trọng, nhất là khi ông đang ở trong hoàn cảnh khốn cùng, nhưng tôi biết tôi kém tài, thiếu khả năng để khả dĩ hoàn thành sự ký ủy của ông.
Sau buổi chiều đó, lại một đêm và nhiều đêm khác nữa tôi mất ngủ. Dù ông muốn hay không, tôi cũng thương cảm cho ông, xót xa cho ông. Niềm trắc ẩn của tôi không ngoài việc tôi biết ông cảm thấy sức khoẻ của ông đã cạn, ông biết ông sẽ không thể -- bằng cách nào đó, phổ cập được những gì đó thật hữu ích đã kết tinh trong não tủy của ông qua những tháng ngày đau khổ. Niềm hy vọng cuối cùng là ký thác những điều đó cho một ai đó có khả năng, cũng đã bị giập tắt. Sự cô đơn của ông bây giờ đã hoàn toàn, tất cả đã quay lưng lại với ông. Bên ông có lẽ chỉ còn Thượng Ịế là vị an ủi, là vị cứu tinh cuối cùng mà thôị Con người đã không còn trong tầm mắt và niềm hy vọng của ông nữa, mãi mãi...
Sau đó không lâu, một buổi tối, bọn cán bộ trại tổ chức buổi chiếu bóng ngoài trời cho tất cả tù nhân xem ở cái sân rộng lớn giữa trại. Đêm ấy, trời đầy trăng sáng trong sương đêm loang loáng của mùa đông. Hơn 1000 tù nhân được xếp hàng ngồi theo đội của mình trong sân. Tuy nhiên, mọi người khi cần thiết cũng có thể tách ra đứng lên đi tiểu ở một vài nơi mà CS đã chỉ định trước. Một nơi như vậy nằm bên trong bờ tường của phạn xá.
Dây là cơ hội may mắn cho tôị Khi phim chiếu được chừng một giờ - phim gì đó, tôi không còn nhớ - tôi đứng lên đi về phía ở bờ tường vào phạn xá, đến chỗ đi tiểu. Nhìn không có ai, tôi bước thêm mấy bước nữa, dừng lại. Chỗ tôi đứng chỉ còn cách căn phòng nơi ông ở không đầy 10 bước. Tôi không có ý định gặp ông, chỉ muốn nhìn thấy ông mà thôi, và tôi đã nhìn thấy. Ông đứng bên trong cửa sổ, ở đó có ánh đèn le lói hắt ra, đang nhìn lên khung trời đầy ánh trăng bàng bạc trong sương. Giờ đó cũng gần khuya, ông vẫn thức, đứng nhìn trăng, nhìn trời.
Tôi đã hiểu rõ hơn tâm sự của ông. Tôi đứng nhìn ông một lúc khá lâu, rồi sợ bị bọn cán bộ bắt gặp, tôi quay trở ra về chỗ ngồi của các ban cùng đội và không xem gì được nữa ở những thước phim tuyên truyền còn lại.
Tôi lơ đãng ngắm nhìn những vì sao xa xa, ngắm vần trăng nhàn nhạt trên nền trời nhiều sương lành lạnh, diệu vợi, buồn mang mang.
Dêm trăng là khung trời của Hàn Mặc Tử, vầng trăng và ánh trăng là thơ của Hàn Mặc Tử, không phải của ông. Ông không là một thi nhân, ông là một nhà viết sử. Trăng đã thức trong máu để Hàn Mặc Tử làm thơ và ngâm thơ. Trăng đã thức trong máu của ông, chỉ để ông thấy nỗi cô đơn của ông thấm đậm hơn mà thôi.
Hàn Mặc Tử, ở những ngày cuối cùng của cuộc đời, còn nói lên được, còn viết lên được những điều muốn nói, những điều muốn viết, trong sự yêu chiều an ủi của một người đẹp yêu ông. Ông ta thật có diễm phúc so với nhà viết sử Phạm Văn Sơn. Vị sử gia của tôi trong những giờ phút cuối cùng này còn có ai đâu. Ông bị cách ly thân thể, bị chối bỏ tình cảm, tuyệt nguồn tâm sự đến trơ trọi cả linh hồn.
Ngày xưa, vua Hezekiah của Do Thái - trong Thánh Kinh - hơn mười mấy năm bị phong hủi cũng không cô đơn bằng ông, vì ông vua này vẫn sống trong hoàng cung lộng lẫy với hằng trăm cung tần mỹ nữ hầu hạ.
Có lẽ chỉ một người chịu sự cô đơn như ông là một vị bác sĩ nào đó - một nhân vật có thật - trong tác phẩm "Kẻ độc hành" (Man who walks alone) của một nhà văn Mỹ, tôi đã quên tên, đã hy sinh suốt quãng đời đẹp đẽ nhất của mình, tình nguyện đến một phương trời xa, phục vụ một trại hủi để chữa trị bệnh nhân bằng sự hiểu biết và lòng tận tâm của mình, cho đến một ngày chính ông ta bị truyền nhiễm chứng bệnh nan y này. Khi trở lại quê hương, ông lại bị hất hủi, bị bỏ quên, cô đơn như một kẻ độc hành trong cõi đời thường như hoang vắng. Dù sao vị bác sĩ đó cũng đã làm tròn thiên chức của mình, đã hưởng được sự tự do để suy gẫm về cái triết lý của cuộc sống.
Còn ông, nhà viết sử của chúng ta, ông đã cô đơn bốn bề ở kiếp con người; loài người dưới đất quên lửng ông, trăng sao trên trời xa lạ với ông. Ông là kẻ cô đơn nhất trong loài người... ở những giờ phút sau cùng.
Đêm trăng này hay bao nhiêu đêm trăng nữa sẽ cho ông nhìn thấy gì, hay ông chỉ nhìn thấy sự hoang mạc đến tận cùng của cuộc đời ông trong những ngày còn lại. Hay hơn thế nữa, ông sẽ nhìn thấy nỗi tuyệt vọng vừa nhen nhúm trong tâm sự ông, về sự không thể làm tròn thiên chức của mình, sẽ lớn dần lên, sẽ còn đày đọa ông không biết bao lâu nữa. Đêm không ngủ dưới trăng kia có ích lợi gì cho ông không...
Thì ra tâm sự con người thật phức tạp trước những sự kiện tưởng chừng như vô tình nhất, giản dị nhất.
Lần đầu tiên sau khi gặp lại ông, tôi tưởng ông đã yên tâm vì đã tìm cho mình được một con đường, một chân lý, đến độ khi nhìn ông tôi cũng cảm thấy yên tâm. Hôm nay, bởi những sự kiện mới mẻ tưởng như vô tình, tôi mới biết ông vẫn còn ưu tư khoắc khoải, nên lòng dạ tôi xốn xang vô cùng.
Tôi đã ngu muội và thật thà ở buổi chiều hôm trước, vì vô ý thức, tôi đã đẩy tình trạng cô đơn của ông đến cao độ nhất, bởi sự phản ứng tự nhiên, chân tình bằng mấy giọt nước mắt dại khờ, non nớt, rơi không đúng chỗ, đúng lúc.
Một giọt nước đã làm tràn miệng bát.
Đáng lẽ tôi phải tế nhị giữ nó lại, tìm cách an ủi ông. Biết đâu niềm hy vọng vẫn còn là ngọn lửa, tuy nhỏ nhoi, cũng sưởi ấm lòng ông để ông cảm thấy mình vẫn còn người tri kỷ, không cô đơn, còn có ý nghĩa với mọi ngườị Biết đâu như vậy sẽ làm cho ông yên tâm hơn. Dù cái chết có đến với ông, bằng cách nào đi nữa, ông cũng cảm thấy ấm cúng trong tâm hồn.
Niềm trắc ẩn xốn xang này đã trở thành sự hối hận triền miên trong tôi suốt 15 năm qua, chưa có dịp bộc lộ cùng ai. Tôi thật khổ tâm.
Lúc đó, tôi thầm cầu nguyện Thượng Đế xui khiến cho những người CS thấy rõ chứng bệnh vô cùng hiểm nghèo, nguy ngập của ông mà tha cho ông ta, cho ông được trở về với gia đình. Đó là con đường duy nhất cứu được ông, cứu được cái hoài bão mà ông từng ôm ấp bao nhiêu năm qua.
Tôi đã thất vọng, ý trời không phải là ý người. CS chỉ hủy diệt những nhân tài đối lập, không bao giờ nhẹ tay với một ai.
Rồi việc gì phải đến, đã đến.

Một ngày, chưa hết mùa đông, đầu năm 1980 (tôi không nhớ chính xác ngày tháng), buổi sáng sớm lất phất một cơn mưa phùn nhỏ, trời lạnh và đục, người ta đã đánh kẻng tập hợp tù nhân các đội ra ngoài sân để tuần tự cho xuất trại đi lao động như thường lệ. Bấy giờ tôi ở trong đội cưa xẻ gỗ súc. Đội chúng tôi ra hiện trường làm việc - là hai dãy nhà lợp tranh, chỉ cách cổng trại vài mươi bước - trong vòng mấy phút. Mỗi cặp cưa gồm 2 người, tự động vào giàn cưa của mình và xẻ những thân gỗ lớn thành những tấm ván dày hoặc mỏng dùng để đóng bàn ghế, vách nhà, sàn nằm trong trại, hay đóng hòm chôn tù nhân, chết bởi nhiều cách, đa số là chết vì bệnh và kiệt sức.
Chừng chín giờ rưởi hay mười giờ hôm đó, tôi đến nhận phần sắn phụ trội (đội cưa xẻ thuộc loại lao động nặng, có thêm một phần ăn phụ trội ở giờ giải lao, nhưng bất thường) vừa định quay về giàn cưa mình thì anh bạn hôm trước đi lãnh cơm với tôi, hôm nay vừa đi lãnh sắn ở nhà bếp, nói nhỏ vào tai tôi :
- Tin buồn !
Tin buồn có nghĩa là trong anh em của chúng tôi có thêm một người vĩnh viễn nằm xuống, cũng có nghĩa là đội của chúng tôi phải xẻ thêm những tấm ván để đóng chiếc hòm tạm bợ bọc xác bạn bè, một điều không ai muốn, nhưng ai cũng tình nguyện làm để biểu lộ lòng thương xót với người đã ra đi. Biết đâu rồi ngày nào cũng đến lượt mình. Tâm lý trái ngược đa đoan là thế đó.
Tôi nghe anh nói xong, định hỏi xem là ai, nhưng anh đã bảo tôi :
- Đi đi...!
Trở về chỗ, vừa ngồi xuống đã thấy anh theo đến, ngồi sát bên, nói vừa đủ cho tôi nghe :
- Đại tá Sơn, "sếp" của anh, chết rồi !
Tôi sững sờ, tưởng chừng như ai tạt một gáo nước lạnh vào mặt, hỏi lại anh :
- Anh nói... chết rồi, tại sao, hồi nào ?
Anh buồn bã thuật lại câu chuyện anh vừa nghe ở nhà bếp :
- Sáng nay, sau khi các đội đã xuất trại hết, "tụi nó" ra lệnh cho ông đem giỏ ra sân mang than đá vào bếp trại như những ngày trước. Không biết ông bưng vác đến giỏ thứ mấy thì kiệt sức, hộc máu tươi, ngất xỉu bất tỉnh. Khi chúng hay được cho mang ông lên bệnh xá thì mấy phút sau ông mất; cả người nhầy nhụa máu me, hình như bao nhiêu máu mủ trong các phần thân thể lở lói tuôn tràn ra hết...
Anh nói tiếp :
- Giờ này có lẽ họ đã đem ông xuống nhà xác rồi !
Anh lặng lẽ bỏ đi, không nói thêm gì nữa.
Tôi như một kẻ mất hồn. Tôi đã hiểu.
Từ lâu nay, thỉnh thoảng chúng tôi thấy một chiếc xe tải chở vào trại loại than đá vụn vo thành viên tròn to như những trái "poids" lớn, dùng làm chất đốt ở bếp. Mỗi lần như vậy, họ đổ than đá ở phần sân ngoài bức tường, trước cửa vào nhà bếp. Bọn cán bộ ra lệnh cho ông hằng ngày dần dà chuyển hết những đống than đá đó vào bếp, trừ trường hợp trời mưa, phải chuyển gấp chúng cho người phụ. Như vậy, một người bệnh trầm kha như ông vẫn bị chúng vắt sức lao động đến giọt máu cuối cùng. Hôm nay ông đã ngả xuống như trăm ngàn nạn nhân khác dưới chủ trương giết người siêu dã man này trong các trại giam CS.
Sau buổi giải lao, tất cả anh em trong đội cưa xẻ đều biết về cái chết thảm thương của ông.
Ông đã mất rồi về cõi thiên đường đã mang theo sự chịu đựng và hiểu biết của ông, vốn dĩ không hề tưởng là đã có trong con người mang nhục thể. Cái gì của Thượng Đế trả về cho Thượng Đế.
Người ta ra lệnh xẻ gỗ đóng quan tài cho ông.
Tôi nhận việc ấy với những giọt nước mắt chảy dài trên má. Chỉ còn một chút đáp đền này thôi, hỡi cố nhân ơi...
Nguyễn Văn Dưỡng

http://ngothelinh.tripod.com/DT_PhamVanSon.html


Cái chết của sử gia Phạm Văn Sơn

Hồ Văn Quang

Chúng tôi từ nhiều trại tập trung ở Hoàng Liên Sơn chuyển về, gồm đủ các thành phần “nặng ký” khác nhau, nói chung được CS ghép vào loại ác ôn như Tuyên úy, Tình báo ở trong các trại khắc nghiệt nhất tại miền Bắc, trong đó K1 được liệt vào loại dã man hàng đầu trên toàn quốc.
Tháng 10/1978, chúng tôi được di tản về trại tập trung quỷ tha ma bắt này trước khi Trung Quốc dạy cho CS Bắc Việt bài học lần thứ nhất (Xuân 1979), trong đó có Đại tá Phạm Văn Sơn, tác giả của bộ Quân sử thời VNCH cũng như nhiều sách sử có giá trị, trong đó cuốn Việt Sử Toàn Thư được nhiều người có học biết đến*.
Ban đầu, chúng tôi có thể chưa biết mặt nhau, nhưng CS thì rõ lý lịch từng người. Họ phân chia chúng tôi thành nhiều đội theo “tội trạng” để nhốt chung một nhà. Nói lên danh từ “nhà” như thế để gọi là cho đúng với danh xưng văn hóa mới XHCN, chứ thực ra đó là những phòng giam tập thể, chung quanh có 4 bức tường kiên cố, tại các cửa sổ thông hơi được cài chặt bằng những song sắt ngang dọc có đường kính chừng 18mm, bên trong 2 dãy dài có 2 tầng sạp, chứa khoảng 200 người, mỗi người có bề ngang để nằm là 4 tấc, tù nhân phải nằm nghiêng và trở đầu ngược nhau.
Lúc đầu thì anh Sơn cũng như các anh em khác ở chung trong đội lao động. Chừng nửa tháng sau, không hiểu tình hình thế nào mà anh cùng Cha Thịnh (Đại tá Giám đốc Nha Tuyên úy Công giáo), Mục sư Kỳ (Đại tá Giám đốc Nha Tuyên úy Tin lành) và một người khác nữa tôi quên tên bị đưa vào phòng “cách ly”. CS nói rằng để tránh “lây lan” cho các “cải tạo viên” khác. Mục sư Kỳ bị vàng da, Cha Thịnh bệnh trổ đồi mồi vùng môi và cằm, Đại tá Sơn cũng bi bịnh này nhưng nặng hơn (khắp cả tay chân mặt mày), bọn cai tù cho đây là bệnh “phong cùi”.
Theo tôi thì đó chỉ là lý do trong trăm ngàn lý do mà CS áp dụng nhằm ngăn cách những người nguy hiểm nhất trong tập thể anh em chúng tôi, vì sau khi gom 4 vị đó vào với nhau rồi, họ thấy việc làm quá trơ trẽn nên mới đưa thêm một Thiếu úy ngành Quân Báo còn trẻ, bị mụn nhọt làm thối ngón út của bàn chân trái, vào ở chung để lý giải danh xưng “bệnh cùi” cho hợp lý.
Phòng “cách ly” bây giờ gồm 5 người sinh hoạt chung với nhau, không được phép ra ngoài, đến giờ cơm nước, tù hình sự mang đến, không cho bất cứ tù chính trị nào lai vãng lại gần, mặc dù phòng cách ly này không phải là phòng kỷ luật (Phòng kỷ luật là một cái hầm nổi, xây gạch kiên cố, chật hẹp, chứa tối đa 2 người, thiếu ánh sáng, có hệ thống cùm chân bằng các khoan sắt hình móng ngựa).
Điều rõ ràng nhất mà anh em chúng tôi biết được là CS không thể để các vị lãnh đạo tinh thần này sống đời tù bình thường, hoà nhịp vào cùng anh em khác, mà dứt khoát cần phải tách biệt ra. Do đó, ngành Tâm lý chiến của VNCH cũng đã làm cho CS hoảng sợ, nhất là vấn đề tác động tinh thần trong các anh em trong tù. Đại tá Phạm Văn Sơn là tác giả của một bộ quân sử, ông có trình độ hiểu biết cao về lịch sử, một bộ môn mà CS cho là quan trọng vào bậc nhất của bất cứ thời đại chính trị nàọ Sau này khi ra khỏi tù, tôi có đọc những sách sử do Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng viết, họ đánh giá rất cao về công trình nghiên cứu bộ Quân sử thời VNCH.
Ngày hai buổi, trong khi anh em chúng tôi làm kiếp lao động khổ sai, thì trong phòng “cách ly”, 4 vị “bự” này phải viết kiểm điểm, nhất là Đại tá Phạm Văn Sơn, ông phải trả lời hết mọi câu hỏi mà CS (cán bộ trung ương từ Hà Nội về làm việc) đặt ra, gọi là lấy khẩu cung, nhưng thực chất họ có dụng ý muốn tìm hiểu nhằm học hỏi thêm.
Thường thường cứ mỗi 3 tháng có chừng vài ba ngày học tập gọi là “bồi dưỡng chính trị” là anh em chúng tôi đã thầm nói với nhau : “Lại phét nữa rồi”. Tôi nhớ rõ, mỗi lần “được” lên giảng đường để nghe “cán bộ bồi dưỡng chính trị” là mỗi lần chúng tôi thấy khoẻ hơn, vì khỏi lên rừng, ra rẫy, xuống ruộng để phá nương, đào hốc sắn, thay trâu kéo cày bừa… Và còn vui hơn nữa là được phát biểu cảm nghĩ về nội dung bài học. Chính những lúc phát biểu như thế này, chúng tôi mới có dịp biết được sự thiếu hiểu biết của họ.
Trong anh em chúng tôi, có người vì muốn xong chuyện qua loa cho xong nên khi được phát biểu đã làm đúng như sách vở, nghĩa là làm đúng theo nội quy thứ tự :
– Xác định tư tưởng (đứng về phía cách mạng, an tâm tin tưởng vào đường lối chính sách, v.v…).
– Học tập tốt, lao động tốt, phấn đấu đạt chỉ tiêu từng ngày từng giờ.
– Chấp hành nội quy không bao giờ sai phạm mặc dầu chỉ là một lỗi nhỏ.
– Chuyển biến : đã làm được những gì trong học tập cải tạo vừa qua, phát huy những mặt tốt, khắc phục và luôn luôn phấn đấu vượt qua những tồn tại, biết kiểm điểm bản thân mình và bạn cùng nhau giúp đỡ cải tốt…
Cũng có những anh em chúng ta chơi trội hơn trong mô hình trên trong mục liên hệ bản thân, mục đích duy nhất là vạch trần sự thiếu hiểu biết của cấp cán bộ giảng dạy chính trị CS bằng cách đặt ra những chuyện nghe thật hấp dẫn của thời VNCH, như trường hợp bạn Phan Lạc Phúc (tức Ký giả Lô Răng; hiện ở Úc) phát biểu trong buổi học tập 8 điều áp dụng cho “tù hàng binh”: ”Tôi có đọc một bài bình luận ở báo chí phương Tây hồi trước giải phóng, thì việc chia nhau quyền lãnh đạo thời “Mỹ – Ngụy” có thể phân chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn Chí Sĩ lãnh đạo, giai đoạn Tướng Sĩ và giai đoạn cuối là giai đoạn Tiến Sĩ…”. một sự ngạc nhiên cho toàn hội trường, phe ta thì biết ngay anh chàng đang dùng đường quyền “duy vật sử quan” để “logic” cách phịa chuyện của mình. Riêng các tên cán bộ CS há hốc mồm nhìn bạn Phúc gật đầu. Tối hôm đó, bạn Phúc ta một phen hết hồn vì có bọn mũ cối đến hỏi thăm, Phúc đổi sợ thành vui, háy mắt với anh em.
Một chuyện khác nữa, là chuyện của bạn Nguyễn Văn Diệp, khi một tên CS cố hỏi anh em về triết học Mác, đó là từ “tiếp thu” đến “nhận thức chuyển biến tốt” phải có yếu tố gì làm cầu nối? Diệp trả lời rất tỉnh: Thưa cán bộ đó là “tình cảm”. Tên CS này khen rối rít vì anh ta không ngờ trình độ của sĩ quan “ngụy” lại cao đến thế, nhưng anh có biết đâu về cách chơi chữ “tình cảm” của anh Diệp. Trái ngược lại, đối với Đại tá Phạm Văn Sơn, anh không bao giờ được phát biểu bất cứ một điều gì để cho mọi ngươi cùng nghe, có chăng chỉ xảy ra riêng tư cho một tên CS làm nhiệm vụ mà thôi.
Cuộc sống của 5 người cùng phòng cách ly vẫn ngày tháng trôi đều, cơm 9kg một tháng, chia làm 2 bữa cho một ngày. Trên thực tế, tiêu chuẩn 9kg đã không đảm bảo, mà lại còn có phải gạo đâu, chỉ toàn sắn khô và bobo, tuổi già mà nhắm mắt nuốt nó thì sẽ bị rách cuống cổ ngay, chưa nói khi chúng rớt vào dạ dày sẽ bị thủng…
Trưa, tối, bọn hình sự đem cơm tới, mỗi sáng thì ghé xem bên trong có ai bị việc gì không, tiện thể lấy phân để đem ra bón rau cải cho khu lao động, thỉnh thoảng năm ba ngày tên cán bộ trực trại mở cửa cho ra đi tắm hay thấy ánh sáng một vài giờ, rồi lại tiếp tục vào chuồng. Cha Thịnh, Mục sư Kỳ thì trầm ngâm hơn, lâu lâu thở dài cho đoạn ngày tháng ngục tù, riêng Đại Tá Sơn thì viết liên tục, những bài viết của ông được bọn CS cất giữ kỹ, không một ai được xem, ngay cả những người cùng buồng.
Mấy tháng trôi qua, một hôm cán bộ CS phát hiện trong bài viết về lịch sử, khi so sánh 2 chế độ “tù” thời VNCH và thời XHCN, họ cho đó là một việc làm “đại phản động hay cực kỳ phản động”. Do đó, Ban Giám thị trại Tân Lập “đặc biệt chiếu cố” cho anh Sơn vào ngay hầm biệt giam tại K1. Tất cả anh em chúng tôi khi vi phạm điều gì đều bị gọi tên ra trước sân có anh em cùng tù chứng kiến, sau đó mới đem giam vào phòng kỷ luật. Riêng trường hợp anh Sơn thì quá đặc biệt, ngay cả Cha Thịnh và Mục sư Kỳ cũng không biết nốt. Hai ông khi gặp tôi chỉ nói rằng: Họ chuyển ảnh đi đâu mất rồi, vì có đem theo hết tất cả đồ dùng cá nhân. Chính như ngay tôi lúc đầu cũng không thể biết, mặc dầu tôi được thay mặt anh em làm trong “ban thi đua” phía bên tù chính trị. Lúc đầu thi đua chỉ gồm toàn tù hình sự, họ đa số phạm những tội như cướp bóc, giết người. Mọi sự đối xử của họ đối với chúng tôi mang tính dã man, vô học, gây nhiều phẫn nộ, nên gần 7 tháng sau, K1 Tân Lập mới cho chỉ có 2 người được lên lo việc cho phía tù chính trị, nhưng trưởng ban thi đua vẫn là tên Nhàn “đâm thuê, chém mướn, lừa đảo, cờ bạc”. Tên này biết rõ mọi việc của Đại tá Phạm Văn Sơn, vì lỡ lầm rỉ hơi nên cá nhân tôi mới biết được.

Đại tá Sơn từ khi bị biệt giam không chịu ăn uống. Chừng 4 ngày sau, tôi giả bộ đi ngang qua khu cấm này gọi là coi xem có vấn đề gì cho an ninh trại hay không (tôi có báo cho tên cán bộ trực trại biết; tên này còn nói: anh phải cẩn thận chứ “tên Sơn” khá nguy hiểm đấy nhé), cũng từ câu nói của tên này, tôi mới xác quyết rằng Đại tá Phạm Văn Sơn đang bị kỷ luật. Tôi dần dà cứ như bộ quan sát phía bên ngoài các phòng kỷ luật, nhất là ở các lỗ có song sắt và lấy tay giật giật thử có còn chắc hay không, cái nào bị mục cần thay để có cớ báo lại cho tên trực trại, hoặc tình hình có ai “quan hệ” với những người bị kỷ luật (đa số là bọn hình sự) hay không.
Nhìn quanh không thấy ai, tôi nói nhẹ vọng vào:
– Anh Sơn, em là Q. đây, anh khoẻ không? Đói lắm không? Em vứt vào nửa cái bánh bột nhé!
Một giọng thật yếu nhỏ vọng ra:
– Q. đó hả? (Sở dĩ anh Sơn, Cha Thịnh, Mục sư Kỳ biết tôi vì hồi họ chung sống tại khu cách ly, tôi là người hay đến nói chuyện, lại nữa âm thanh lời nói của tôi cũng dễ nhận, nên bên trong dầu không thấy người cũng an tâm vì “không thể trao thân lầm tướng cướp”). Tôi không cần gì cả, đừng vứt vào, bọn chúng đến kiểm soát thì chết cả lũ, ráng phải lo giúp các bạn khác nữa… Hôm nay đã 4 ngày tôi nhịn ăn rồi, ít hôm nữa thì anh sẽ rõ những việc tôi làm, anh mau đi khỏi đây đi, và từ nãy giờ coi như anh chưa lại chỗ tôi, và cũng đừng nói với ai là tôi đang ở đây, nếu lỡ việc ra thì anh sẽ bị nguy, mà ngay chính tôi cũng không thể thực hiện ý nguyện của mình”.
Tôi rón rén bước về phía các phòng giam khác để gọi là đi kiểm soát tổng quát… Sau giờ xuất trại đi lao động chiều hôm ấy (Trại đang cho các đội thi đua nhau đào hốc trồng sắn), một tên tù hình sự đến nói với tôi: ”Chú à, cháu đề xuất với chú chuyện này khó khăn thật đấy, nếu vỡ ra thì cháu chết ngay, nhưng nếu không nói thì không được”. Tôi bảo ngay:”Mầy lại lèng èng chuyện gì đây, linh tinh nữa phải không? Nhanh lên kẻo đến giờ tao phải phát dầu cho các buồng rồi đây!”. Tên hình sự ngập ngừng :”Vâng ạ, vâng ạ! Chú Sơn bảo chú cho chú ấy xin tờ giấy trắng, còn cháu thì có cây bút chì đây để chú ấy viết cái gì ấy mà…”. Tôi như điếc cả 2 lỗ tai, không biết nghe có lầm không, nếu nó gài mình thì ngày mai lại phải vào cùm, nếu nó thật lòng thì mình phải làm sao đây? Tôi giả vờ nạt nộ một hồi, xong nói tiếp :”Mầy ở đây coi văn phòng giúp tao một tí nhé, đừng cho giấy tờ trên bàn gió bay lộn xộn, và không cho bất cứ ai sờ vào món gì cả nghe chưa? Tao phải xuống bệnh xá một tí là về ngay đấy”. Nói xong tôi đi thật vội, không dám nhìn lại cho đến khi phải trở về lấy dùi trống đánh lên 3 tiếng gọi các “trực sinh” (danh xưng dùng cho những tù nhân lo việc vệ sinh, cơm nước cho anh em tù khác ra lao động) của các phòng đến nhận dầu về thắp trong đêm, chủ yếu để có lửa hút thuốc lào…
Và trong đêm, ánh sáng leo lét của ngọn đèn tuy làm bằng vỏ chai cưa cổ, nhưng cũng giúp được nhiều việc như rủi có 1 anh em nào đau nặng, cần cấp cứu là phải hô to :”Báo cáo cán bộ phòng X có người đau nặng, cần cấp cứu”. Hô to lên như vậy nhiều lần cho tới khi các tên cán bộ vào mở cửa thì anh em mới có thể thấy đường để khiêng người bệnh lên trạm xá. Nếu bệnh quá nặng thì để lại tại trạm, nếu bệnh nhẹ hơn thì sẽ nhận 2 viên “xuyên tâm liên” và phải khiêng trả lại phòng giam ngay. Nói là “trạm xá” cho oai thôi, chứ thật ra cũng vẫn là một phòng giam bị khóa cửa cẩn thận như mọi phòng giam tù khác. Có nhiều anh em tù chính trị được cấp cứu trong những đêm như vậy, sáng hôm sau đã phải vĩnh viễn ra đi, có khi ngay tại trạm xá, đôi khi ngay tại phòng giam chung. Nói chung, tù chính trị chết nhiều hơn tù hình sự. Gần 2 năm bị giam tại trại Tân Lập, tôi chưa gặp một trường hợp nào tù hình sự bị mạng vong cả.
Hai ngày sau, tên cán bộ trực trại gọi tên Nhàn thi đua đưa 2 tù hình sự khoẻ mạnh khiêng anh Sơn xuống trạm xá (lúc đó 8g tối, các tù nhân khác đã vào chỗ ngủ). Màn đêm phủ xuống, 2g sáng hôm sau, Đại tá Sơn vĩnh biệt cõi trần. Cũng đêm hôm ấy, bọn thi đua hình sự phải thức suốt đêm để mang xác anh đến “nhà vĩnh biệt”, một cái chòi vách tô bằng đất sét nhồi với rạ do chính anh em tù chúng tôi dựng lên phía Tây đằng sau nhà giam của chính mình.
Những bộ quần áo tù rách nát, vá víu chằng chịt được khoác thêm vào người anh Sơn để gọi là tạm ấm khi phải trở về lòng đất lạnh. 8g tối hôm sau, chiếc hòm bằng cây “vông đồng” sần sùi, tồi tàn đựng xác anh trong đó, được đặt trên xe “cải tiến”, một loại xe do 1 người kéo, 2 người đẩy, có nơi còn gọi là xe “cộ” (hình thức giống hệt như chiếc xe dùng cho trâu, bò kéo nhưng nhỏ hơn), do 4 tên tù hình sự kéo đẩy đi. Họ chôn anh Sơn cạnh bên kia bờ suối nhỏ, phía bên này là 1 rừng sắn đang tươi tốt cao ngang lưng người, thành quả lao động bằng máu và mồ hôi trong những ngày khổ sai của số người còn sống sót lại…
Tin về cái chết của Đại tá – sử gia Phạm Văn Sơn được giữ kín. Điều này chứng tỏ đã không có sự bình thường như mọi lần trước khi có một trong những anh em chúng tôi ra đi.
Chôn cất xong, anh Sơn nằm xuống yên lặng như thế, nhưng mọi việc còn lại gây nhiều chấn động không phải chỉ trong anh em tù với nhau mà ngược lại có sự bàn tán lớn, thể hiện ngay trong nội bộ của bọn chỉ huy trại Tân Lập (K1). Trưởng trại tên Thùy, Thiếu tá công an, phải tức tốc đến K1 tìm hiểu sự việc. Việc xầm xì với nhau giữa các tên CS trực trại, giáo dục, hàng quản giáo, an ninh, được những tù hình sự phục dịch nghe về thuật lại; thêm về phía tù nhân có tên Nhàn, Trưởng ban thi đua, cũng góp ý vào với đám CS mong tìm ra biện pháp đối phó với nhóm tù chính trị chúng tôi. Nội dung vấn đề giải quyết là bức thư viết bằng bút chì trên 1 trang giấy “tự túc” (giấy màu vàng ố do tên hình sự tự ý lấy tại phòng thi đua mà tôi nói trong trường hợp nêu trên; dĩ nhiên việc này chỉ có tôi và tên tù hình sự ấy biết mà thôi, nhưng bảo tôi là người cung cấp giấy thì không thể có bằng chứng được).
Sau biến cố này, bộ mặt sinh hoạt tù khác hẳn, kỷ luật nghiêm nhặt hơn. Về phía ban thi đua được tăng cường thêm 2 người tù chính trị làm trật tự, các đội trưởng phải chịu trách nhiệm hết mọi hành vi của đội viên mình trong mọi nhất cử nhất động; ăn uống thì rõ ràng hơn (vì trước đó tên cán bộ lo về phần bếp núc của anh em tù, đã trừ quá nhiều vào sự hao hụt bằng cách tính toán lương thực thực phẩm hàng tháng! Tên này đã bị thay thế bằng một tên khác).
Bên ngoài tuy phải áp dụng hình thức lao động khổ sai như cũ, nhưng bên trong bọn CS đã ngầm bảo nhau cần nhẹ tay hơn. Trước đó, việc nấu nướng riêng tư không cho phép, nay thì có lệnh mỗi tù nhân vào sáng Chủ nhật có thể xuống bếp trại để hâm lại những thức ăn riêng, nhưng trong đội phải biết chia nhau giờ giấc tránh gây ồn ào xáo trộn.
Mọi sự thay đổi này, chính tôi đã nhận thấy và biết được ngay “trong lòng địch” nhờ vào sự ra đi vĩnh viễn của anh Sơn.
Anh Sơn vào nhà kỷ luật vì viết bài so sánh 2 chế độ tù!
Anh Sơn tuyệt thực trong nhà kỷ luật và chịu chết; một việc làm can đảm đâu khác gì anh hùng Nguyễn Tri Phương xưa: Thà nhịn đói chịu đau mà chết chứ không bao giờ khuất phục giặc Pháp. Với 1 lá thư gởi cho Đảng và Nhà nước XHCN nhờ trại Tân Lập chuyển, nội dung hoàn toàn được bọn CS giữ bí mật, nhưng tên Nhàn lỡ lời vì bị sập vào bẫy moi tin do tôi gài. Phương pháp này chính bản thân tôi đã học được khi còn là người mới vào nghề. Với thời gian 17-18 năm trôi qua, tôi chỉ nhớ đại khái: “Xin các ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi, những hình thức dã man như vừa qua hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây trong lịch sử phải ghi thêm vào đấy vết ô nhục mãi ngàn đời sau cho dân tộc VN…” (Thực ra câu này, tôi chỉ viết dựa theo ý chính của tên Nhàn, còn nguyên văn thì không cách nào với khả năng cá nhân tôi có thể xem được).
Anh Sơn đã chấp nhận cái chết để cho anh em chúng tôi sống sót. Đây là điều đã được chứng minh quá rõ ràng ngay trong những ngày sau đó…
Viết bài này với ước mong có thể thay mặt cho các anh em cùng sống chung với Đại tá – Sử gia Phạm Văn Sơn tại trại K1 Tân Lập, xin được thắp nén nhang vái linh hồn ông được siêu thoát.
Hồ Văn Quang
1/5/97

https://baovecovang2012.wordpress.com/


Phạm Văn Sơn (15/8/1915 - 6/12/1978)

là một sử gia Việt Nam



Tiểu sử
Phạm Văn Sơn là Nhà viết Sử, bút hiệu Dương Châu, sinh ngày 15-8-1915 tại tỉnh Hà Đông, nay là TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây, không rõ năm mất.
Thời trai trẻ ông học tại Trường Bưởi, Hà Nội, tốt nghiệp tú tài năm 1933, có mặt trong văn giới Việt Nam từ 1945 tại Hà Nội. Sau năm 1949, ông bị động viên vào quân đội liên hiệp Pháp.
Sau năm 1954 ông vào làm việc tại Sài Gòn, tham gia các sinh hoạt học thuật (Sử học) tại Sài Gòn đến năm 1975. Ông là một tác giả chuyên nghiên cứu Sử Việt Nam từ cận đại đến hiện đại.
Trong vai trò người viết Sử, ông cộng tác với Tập san Sử Địa (do một nhóm giáo sư và sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn sáng lập) và viết rất nhiều bài nghiên cứu, như các bài "Thái độ và hành động của nhân sĩ Việt Nam trong khoảng đầu thế kỷ XX", "Để so sánh các anh hùng trước Nguyễn Huệ với Nguyễn Huệ",... Ông cũng biên khảo rất nhiều sách sử, trong đó có bộ sách sử công phu nhất của ông là Việt sử tân biên, gồm 7 quyển, biên soạn và phát hành từng quyển từ năm 1956 đến năm 1972.
Ông là một nhà viết sử phổ thông của lịch sử Việt Nam, tác phẩm của ông xuyên suốt từ cổ cận đại cho đến hiện đại của lịch sử Việt Nam. Những tác phẩm của Phạm Văn Sơn đã vẽ lại đường đi của lịch sử Việt Nam từ cổ thời cho đến thời điểm gần đây (1970) nhằm phục vụ cho công chúng độc giả một giới hạn nhất định.
Năm 1978, ông qua đời vì bệnh tật tại "trại cải tạo" tỉnh Vĩnh Phú

Tác phẩm:
- Vỹ tuyến 17 (ký tên Dương Châu), (1959), Sài Gòn.
- Việt sử tân biên, 7 quyển, Sài Gòn, 1956-1972
- Việt sử toàn thư, Sài Gòn, 1960
- Việt Nam cách mạng sử (tên khác là Việt Nam tranh đấu sử), (1949), Hà Nội, tái bản nhiều lần, 1952, 1959, Sài Gòn.
- Việt Nam hiện đại sử yếu (1951), Hà Nội, 1956 tái bản, Sài Gòn.
- Việt Nam khói lửa (Việt, Anh, Pháp ngữ)
- Quân lực Việt Nam hay Quân sử (5 cuốn, 1967)

http://sachxua.net/forum/o-o-o-p/pham-van-son/


Việt Sử toàn thư

Từ thượng cổ đến hiện đại

Phạm Văn Sơn

 

 

Đăng ngày 05 tháng 12.2016