Print

Sông Cửu Long kêu cứu

Ngô Nhân Dụng

Trong mấy tuần qua trên mạng thông tin lại nổi lên những tiếng kêu cứu vì đồng bằng sông Cửu Long (Mekong) đang bị đe dọa với nạn hạn hán và nhiễm nước mặn. Chính dân Sài Gòn cũng đang chịu nguy cơ thiếu nước dùng sau khi nhà máy lọc nước ở Thủ Ðức phải ngưng bơm nước sông Sài Gòn và Ðồng Nai; vì không đủ thiết bị thanh lọc chất muối lấy từ hai dòng sông này. Ngày 16 Tháng Ba, 2016, Chi Cục Thủy Lợi và Phòng Chống Lụt Bão thuộc Sở Nông Nghiệp tại Sài Gòn kêu gọi dân chúng cho “tăng cường xe bồn cấp nước cho dân, xây bể chứa nước thô trên sông Sài Gòn” và “các hồ đầu nguồn sẵn sàng xả nước đẩy (nước) mặn,...”
Nhưng những lời kêu gọi đó chỉ là một biện pháp “gãi ngứa.” Mối lo lớn nhất, đồng bào trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu, và còn phải chịu trong nhiều thế hệ sắp tới. Nguyên nhân của tai nạn này là do chính quyền Cộng Sản Trung Quốc gây ra. Họ đã và đang xây dựng rất nhiều đập thủy điện tại đầu nguồn sông Cửu Long. Trong khi đó chính quyền Cộng Sản Việt Nam không vận động các quốc gia trong vùng phải tôn trọng quyền sống của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, không đề xướng những hiệp ước được quốc tế bảo đảm. Vì vậy Cộng Sản Việt Nam cũng hoàn toàn lúng túng khi các giới chuyên môn báo dộng về nạn hạn hán và thấm nước mặn, trong khi Trung Cộng bất chấp quyền lợi của dân Việt. Ðồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, hiện mỗi năm xuất cảng 5-6 triệu tấn gạo. nuôi sống hàng 25 triệu dân cư. Hiện nay hàng trăm ngàn hecta lúa và các loại cây khác chết khô, hàng triệu người khốn khổ vì thiếu nước ăn uống.

Lưu lượng nước sông Cửu Long đã giảm từ 30% đến 60% và vì Trung Cộng xây nhiều đập trong tỉnh Vân Nam, trữ nước cho các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông. Trung Cộng dự tính xây dựng tại thượng lưu sông Mekong một chuỗi 14 đập nước; hiện đang sử dụng các đập nước đã hoàn tất, như Manwan (1996), Dachaosan (2003), Gonguoqiao (2008) và đập Cảnh Hồng, Jinghong. Hai đập lớn khác là Xiaowan đã hoạt động từ năm 2013, và Nuozhadu sẽ hoàn tất năm 2017, phải mất hàng chục năm mới làm đầy hai hồ trên dài hàng trăm cây số.

Vì số nước trên nguồn về giảm bớt, không còn áp lực như cũ cho nên nước mặn từ ngoài biển đã lấn sâu hơn vào đất liền; dân Việt ở miền Nam đang gánh chịu hai tai họa: Ðất bị khô hạn và ruộng bị nhiễm nước mặn. Năm 1988, nước mặn đã xâm nhập lên vào sâu thêm 70 Km vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện vẫn còn tiếp tục gia tăng. Các đập thủy điện với các hồ chứa lớn ở đầu nguồn còn làm giảm lượng phù sa bồi đắp từ 30% đến 40% cho vùng dưới và giảm cả số lượng cát đáy sông, gây tình trạng bờ sông bị sạt lở nhiều nơi.

Như một bản tin trên Người Việt ngày hôm qua loan báo, một viên chức ở Ðại Học Cần Thơ, ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu, phải lên tiếng chỉ trích hành động của đảng Cộng Sản khi đối phó với tai họa đang diễn ra trong vùng sông Cửu Long.Trước tình trạng hạn hán và ngập nước mặn, chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho thấy họ chỉ chú trọng đến khía cạnh chính trị; trong khi bất chấp ý kiến của giới chuyên gia. Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Trung Cộng xả nước từ con đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, để cho thêm nước chảy xuống nước ta. Ngày 15 Tháng Ba, 2016, Trung Cộng đã bắt đầu xả nước từ đập Cảnh Hồng. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo hành động xả nước như một ân huệ ban cho Cộng Sản Việt Nam, vì “tình hữu nghị cộng sản.” Nhưng chương trình xả nước chỉ kéo dài cho đến ngày 10 Tháng Tư. Theo ông Lê Anh Tuấn việc chờ đợi nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ giúp ngăn mặn, tích trữ để chống hạn là một hy vọng hão huyền. Bởi vì chỉ sau một thời gian ngắn, hồ chứa nước ở đó sẽ cạn. Khoảng cách từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long lên tới 4,000 cây số, trong nửa tháng, nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng mới về tới đồng bằng Cửu Long. Hơn nữa, khi nước được xả ra thì những vùng khô ở thượng nguồn sẽ hút nước trước tiên; Biển Hồ ở Campuchia sẽ thu nhận nước nhiều nhất. Chỉ có khoảng 3% lượng nước sẽ chảy tới nước ta, sẽ không cứu được hàng trăm ngàn hecta lúa và cây trồng khác đã chết khô sống lại. Ông Lê Anh Tuấn nhận định việc chính quyền Việt Cộng yêu cầu Trung Cộng xả nước giống như “lấy đá ghè vào chân mình.” Bà Phạm Thu Hằng, một phát ngôn Bộ Ngoại Giao, cũng nghi ngờ rằng nếu Việt Nam đề nghị Trung Cộng xả nước thì sau này Campuchia cũng sẽ yêu cầu Việt Nam xả nước từ thủy điện Yaly (Cao nguyên Trung phần) để cứu hạn cho vùng Ðông Bắc của họ.

Ông Mai Thanh Truyết, Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ (Vietnamese American Science & Technology Society - VAST) mới nhắc lại, năm 1999 hội đã tổ chức một ngày hội nghị tại Garden Grove, California, để báo động về mối nguy do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Cộng gây ra cho đồng bằng sông Cửu Long; để vận động chính phủ các quốc gia trong lưu vực sông Mekong và các tổ chức quốc tế quan tâm và giải quyết vấn đề này. Gần hai chục năm trôi qua, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn để cho tai họa ngày càng trầm trọng hơn.

Ông Lê Anh Tuấn thuộc Ðại Học Cần Thơ hy vọng rằng đợt hạn hán và nước mặn xâm nhập năm nay có thể thúc đẩy chính quyền Cộng Sản duyệt xét lại hàng loạt chính sách đã thực hiện trong quá khứ một các tùy tiện, bất chấp các khuyến cáo từ giới chuyên gia. Trong số các chính sách cần thực hiện, ông Tuấn nêu ra một chương trình tháo nước mặn và dẫn nước ngọt vào các vùng ven biển; thoát nước từ hai vùng trũng là Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên để gia tăng diện tích trồng lúa. Về việc đắp đê, ông Tuấn thấy hiện nay lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Vì vậy, vùng Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười có lúc tràn ngập nước, bị lụt lội, trong khi chưa đến mùa trồng trọt. Ông nhận xét: Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho việc trồng trọt hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng. Ðâu có thể để cho lãnh đạo địa phương quyết định, ra lịnh đắp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt, hậu quả tất nhiên là các xã chung quanh phải gánh chịu?

Nhưng trong những năm qua, hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng chỉ lo tranh giành quyền hành với nhau để chiếm địa vị và cơ hội tham nhũng. Ngay cả những món tiền viện trợ quốc tế cho việc bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành những món quà cho quan chức cộng sản “rút ruột.” Guồng máy chính quyền Cộng Sản đầy những phần tử chỉ lo tư lợi mà không quan tâm đến công việc chuyên môn. Bất cứ ý kiến, chương trình, dự án nào mà không đem lợi lộc cho chính bản thân họ thì họ sẽ không màng tới. Bản thân người viết bài này đã gặp một chuyên gia Nhật Bản kể kinh nghiệm của ông. Chuyên gia này làm việc cho một công ty có hợp đồng với chính phủ Nhật Bản giúp Việt Nam trong các công trình thủy lợi. Công ty của ông đã đề nghị biếu chính quyền Cộng Sản Việt Nam một số máy đo lưu lượng nước trong các dòng sông. Ðây là những máy mới, theo tiêu chuẩn quốc tế, với kỹ thuật tân tiến, cập nhật nhất. Nhưng sau một vài năm, chuyên viên này trở lại, thì nhận thấy các cơ quan chính quyền Cộng Sản vẫn bỏ những máy móc đó nằm chờ rỉ sét trong nhà kho. Hỏi ra, họ thú nhận rằng họ vẫn quen dùng những máy đo cũ, với kỹ thuật từ thời Pháp thuộc; việc học hỏi sử dụng các máy mới đối với họ vừa rắc rối, vừa tốn thời giờ! Nhưng lý do chính, theo nhận xét của chuyên gia người Nhật, là các quan chức Việt Nam không thấy có mối lợi riêng nào trong việc thay đổi máy móc cả, cho nên họ đã từ chối không dùng các máy móc, kỹ thuật mới, dù được biếu không!

Chúng ta cần phải gửi một thông điệp báo động tới tất cả các cơ quan phát triển quốc tế có trách nhiệm và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Cần một hội nghị quốc tế về các vấn đề khô hạn và ngập nước mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị cần kêu gọi ban hành một lệnh tạm ngưng tất cả các dự án thủy điện ở thượng nguồn, trong khi nghiên cứu một dự án phát triển sông Mekong với tất cả các nước liên quan cùng hợp tác.

Một độc giả báo Người Việt, ông Tom Lee, sau khi đọc bản tin ngày hôm qua về đồng bằng sông Cửu Long, đã nhận xét: “...hiện tượng khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long là 'nhân tai' chứ không phải là 'thiên tai,' bởi vì chỉ do một đảng tàn độc bán nước, hại dân, bức bách dân lành gây ra.” Khi nào chế độ hại dân bán nước ó còn tồn tại thì người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn phải gánh chịu các tai họa do Trung Cộng gây nên.

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com


Nghịch lý về tai nạn hạn hán ở Việt Nam

Nguyễn Đình Cống

Thời gian qua, liên tiếp nhận thông tin về tai nạn hạn hán ở đồng bằng Nam bộ mà xót xa, uất hận. Ngữa mặt lên trời mà than: “Xanh kia thăm thẳm tầng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”.
Ai đã từng học môn Địa lý nước VN ở bậc tiểu học đều biết đó là một đất nước thuộc vùng nhiệt đới, gió mùa, sông ngòi chằng chịt, lượng mưa hàng năm trung bình trên 1500 mm, nhân dân cần cù, lại được một Đảng Cộng sản theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) lãnh đạo. Mà Đảng tự cho là sáng suốt, là quang vinh, chủ nghĩa được Đảng cho là ưu việt nhất của nhân loại. Thế mà một vùng rộng lớn đang khốn khổ vì tai nạn hạn hán, như vậy có nghịch lý không.

Khi đã thông cảm sự khốn khổ của nông dân VN chịu tai nạn hạn hán thì sẽ vô cùng khó hiểu khi nhìn sang đất nước Israel, một nơi mà 60% lãnh thổ là sa mạc, con sông Jordan với lượng nước chỉ như một con suối nhỏ ở VN, lượng mưa bình quân hàng năm chỉ khoảng 50 mm (bằng 1 phần 30 của VN). Thế mà dân Israel không mấy khi lo đến hạn hán, không thiếu nước trong sinh hoạt, nông nghiệp không thiếu nước tưới. Tại sao vậy? Dân Việt Nam khi gặp phải khó khăn gì không giải thích được thì đều đổ tại Trời. Nguyễn Du từng viết: “Chẳng hay muôn sự tại Trời…”. Dân lại ca: “Mất mùa là bởi thiên tai. Được mùa chính bởi thiên tài Đảng ta”. Xét ra trong “tai nạn hạn hán” ở VN hiện nay thì Trời chỉ chịu trách nhiệm một phần, đó là không có mưa, phần “hạn hán”, còn phần “tai nạn” là do con người kém hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Thử hỏi lượng mưa ở VN và ở Israel, nơi nào nhiều hơn. Trong một chỗ khác Nguyễn Du viết: “Có Trời mà cũng có Ta”. Tôi theo cách của cụ viết 2 câu: “Nắng hạn nứt ruộng, cháy da. Do Trời mà cũng do Ta phần nhiều”. (Đề nghị dừng lại vài giây để suy nghĩ: Ta ở đây là ai?).

Thiên tai có loại rất bất ngờ như động đất, sóng thần, có loại biết trước được vài ngày như bão, lũ. Hạn hán do thiếu mưa, liên quan đến hiện tượng El Nino, nước biển dâng liên quan đến biến đổi khí hậu, sông Mêkông bị cạn do xây đập chặn giòng là những việc có thể dự đoán được khá xa. Nước ngọt là tài nguyên quý hiếm đã được các nhà khoa học cảnh báo cách đây vài chục năm. Vai trò của con người, của Ta là sẽ làm gì khi đã có dự đoán, có được cảnh báo đó. Với nạn hạn hán ở VN, Ta ở đây là ai? Là nhân dân VN chứ có ai vào đấy nữa. Không! Tôi không quy kết một cách hàm hồ như vậy. Trong tai nạn này tạm xét 3 loại người thuộc dân Việt có liên quan: 1- Những người dân đang trực tiếp chịu hạn. 2- Những trí thức, những nhà khoa học có hiểu biết về những vấn đề trên. 3- Lãnh đạo Đảng và chính quyền ở các cấp.

Người dân chịu hạn chủ yếu là nạn nhân. Họ có một vài sai lầm nhỏ là quá trông chờ và lệ thuộc vào Trời, quá tin cậy vào lãnh đạo và các nhà khoa học , bị động, thiếu sự nhạy bén…
Trí thức của VN, ngoài một số có học vị cao, có học hàm lớn mà không có phẩm chất tương xứng thì cũng còn những nhà khoa học chân chính, có trí tuệ, có tâm, có tầm, biết rõ những chuyện liên quan đến hạn hán, nhưng không thể biến từ biết thành hành động. Trí thức, nhà khoa học , ở nước nào, vào thời nào cũng thế, là nhà chuyên môn, lo làm tốt công việc cụ thể trong phạm vi hẹp của mình, còn về những vấn đề lớn của đất nước thì họ chỉ có thể góp ý, đề xuất, phản biện mà không có quyền quyết định. Riêng ở VN, việc đề xuất, phản biện, phải theo ý muốn của lãnh đạo, còn nếu nói hơi trái ý thì “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Những tấm gương của Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Ung Văn Khiêm, …và hàng trăn người nổi tiếng khác bị quy kết là phản động, là chống Đảng, bị khủng bố, tù đày còn sờ sờ ra đấy. Khi có ý kiến khác với lãnh đạo thì đến như Tạ Quang Bửu vẫn không dấu được nỗi sợ, đến như Trần Đại Nghĩa, chỉ dám phát biểu rất dè dặt. Cộng sản VN đã có thời kỳ xếp trí thức vào hàng ngũ kẻ thù (trí phú địa hào), còn Mao Trạch Đông đã phát biểu: “trí thức không bằng cục phân”. Trong tình hình như vậy một số trí thức Việt , mặc dầu rất yêu nước, nhưng đành ngậm ngùi ra nước ngoài làm việc, số đông ở lại trong nước cam chịu phận hèn, đề cao phương châm sống “ biết sợ” để tồn tại. Dù sao các nhà khoa học VN có liên quan và còn có lương tri, trước cảnh hạn hán khốc liệt hiện nay cũng nên tự trách mình đã hèn kém, không có được những đóng góp cần thiết.

Lãnh đạo các cấp mới chính là “Ta” trong vụ việc này. Những người này có nhiều việc quan trọng và cấp thiết cần đem hết công sức và trí tuệ hạn hẹp để lo lắng, họ tuy biết khả năng hạn hán sẽ xẩy ra nhưng không còn trí tuệ, không còn năng lực và thời gian để giải quyết, mặc cho Trời và dân là chủ yếu, được đến đâu hay đấy. Đến khi hạn xẩy ra quá nặng mới tìm cách thăm hỏi động viên và cầu xin ngoại bang mở đập, tháo cho ít nước. Công việc quan trọng nhất đối với họ, một phần là lo bảo vệ, lo chống đỡ chế độ toàn trị và tổ chức đảng đang lung lay, đang có nguy cơ tan rã, phần khác là lo tìm đủ mọi cách để thu hồi vốn (phải bỏ ra để chạy chức chạy quyền), để làm giàu cho cá nhân, để củng cố quyền lực và lợi ích nhóm. Hơn nữa cách bầu cử “dân chủ đến thế là cùng” khó chọn được những người tài giỏi, có khả năng nhìn xa trông rộng. Những tổng bí thư vừa qua chỉ biết hỏi nhân dân trồng cây gì, nuôi con gì, bỏ nhiều năng lượng để lo đấu đá nội bộ, lo củng cố quyền lực, không có trí tuệ và thiếu cả trách nhiệm để thực sự lo đến đời sống nhân dân và luôn nghi ngờ trí thức. Lãnh đạo ĐCSVN đã quen dựa dẫm, quen phục tùng cộng sản Trung quốc, quen việc xin viện trợ, thiếu tinh thần tự lập, tự cường. Ở trong nước thì lớn tiếng về kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng đi đến bất kỳ nước nào cũng xin người ta công nhận VN có kinh tế thị trường, cắt cái đuôi định hướng, làm cái việc khó hiểu và phần nào hèn hạ (dấu đuôi để đi xin, nếu thò đuôi ra thì nhiều người không chịu nỗi).

Khi khảo sát đất nước Israel một vài người cho rằng họ phát triển được là nhờ trí thông minh của dân tộc Do thái. Điều đó chỉ đúng một phần. Xét tương quan, dân tộc Việt cũng thông minh không kém. Khác nhau cơ bản là do lãnh đạo. Lãnh đạo VN kiên trì theo CNML đã lỗi thời, lại đem thân lệ thuộc Trung quốc, còn lãnh đạo của Israel theo xu thế phát triển chung của các nước dân chủ, tiền tiến, đầy ý chí tự cường. Khi Israel mới lập quốc vào năm 1948, nhiều người Do thái từ Liên xô về, mang theo con đường xây dựng CNXH, lập ra Công Đảng có xu hướng CNML. Nhưng may thay, dân Do Thái không bị mắc lừa, kịp thời nhận ra và từ bỏ ngay xu thế cộng sản, vì thế giải phóng được năng lượng trí tuệ và sức sản xuất của dân tộc.

Singapore hầu như không có nguồn nước ngọt, phần lớn nước dùng cho sinh hoạt phải nhập khẩu, thế mà dân của họ chưa khi nào lo thiếu nước. Sing cũng đi lên từ một nước thuộc địa, họ phát triển được nhanh, một phần quan trọng là đã tránh được phong trào cộng sản.

Việt Nam đã cử nhiều đoàn sang Israel và Singapore để nghiên cứu, để học tập, nhưng rồi chỉ học được rất ít và không làm theo được. VN còn mời Lý Quang Diệu và một số nhà khoa học Israel làm cố vấn, họ góp nhiều ý hay nhưng với ta không chấp nhận. Một số trí thức trong nước tham gia Ban Cố vấn để góp ý kiến cho Chính phủ, Ban chỉ tồn tại một thời rồi bị giải tán. Các nhà khoa học Việt kiều nghiên cứu, vạch ra đường lối phát triển đất nước, đường lối đó cũng bị Đảng và Nhà nước xếp xó. Tại sao vậy? Tại vì mọi sự học tập, mọi lời cố vấn, nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: “Muốn phát triển đất nước thì việc đầu tiên là phải cải cách thể chế, từ bỏ con đưởng của CNML”. Đó là điều mà lãnh đạo Đảng không thể nào chấp nhận. Đối với họ chỉ cần dùng CNML làm kim chỉ nam, kết hợp nghị quyết của đại hội Đảng là đủ.

Viết thêm, ở Israel có 2 tội nặng liên quan đến nước là làm ô nhiễm nguồn nước và dùng nước lãng phí. Còn ở VN, việc làm ô nhiễm các giòng sông đến mức hủy hoại môi trường đã trở nên bình thường. Một chính quyền không trong sạch làm sao giữ cho được sự trong sạch cùa xã hội và các giòng sông. Tôi không có hiểu biết nhiều về chống hạn nên không góp được biện pháp cụ thể gì, chỉ xin chia tai nạn hạn hán ra làm 2 phần là hạn hán và tai nạn, lại phân tích vài nguyên nhân sâu xa của tai nạn để góp vào tiếng nói chung.

https://www.facebook.com/ngdinhcong/

_______________

Giáo sư Nguyễn Đình Cống thông báo

từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam

Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Đình Cống đã thông báo chính thức ‘từ bỏ Đảng’ vì cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin ‘có nhiều độc hại’ và chủ nghĩa cộng sản ‘chỉ là ảo tưởng’.
Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Đình Cống đã thông báo chính thức ‘từ bỏ Đảng’ vì cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin ‘có nhiều độc hại’ và chủ nghĩa cộng sản ‘chỉ là ảo tưởng’.

Khánh An-VOA

Hôm nay 3/2, dịp đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 86 năm ngày thành lập, một đảng viên trí thức ở Quảng Bình đã đưa lên mạng thông báo chính thức ‘từ bỏ Đảng’ vì cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin ‘có nhiều độc hại’ và chủ nghĩa cộng sản ‘chỉ là ảo tưởng’.
Trong ‘Thông báo từ bỏ Đảng’, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, viết: “Tôi vào Đảng với nguyện vọng đóng góp trí tuệ và công sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng càng ngày tôi càng nhận ra rằng chủ nghĩa Mác Lênin có nhiều độc hại, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của Đảng”.
GS-TS. Nguyễn Đình Cống nói việc ông thông báo từ bỏ đảng Cộng sản nhằm để mọi người ‘tham khảo’. Ông nói ông biết một số đảng viên hiện nay cũng muốn ra khỏi đảng nhưng còn đang chần chừ. Ông mong rằng việc công khai từ bỏ đảng của ông sẽ đem lại ‘quyết tâm’ cho nhiều người.
“Trước đây tôi nghĩ rằng có thể có những đóng góp ý kiến để cho đảng sửa đổi, đặc biệt là tôi chờ đợi đại hội 12 vừa rồi. Tôi hy vọng là mọi người góp ý kiến, bản thân tôi cũng đóng góp một số ý kiến, thì các đại biểu có thể có ý kiến, có sự quan tâm và đảng có thể thay đổi được. Nhưng sau đại hội 12, tôi thấy những hy vọng ấy không đạt được."
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, 80 tuổi, bắt đầu dạy học từ năm 1959. Sau khi nghỉ hưu năm 1988, ông tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, viết sách và hướng dẫn cho nghiên cứu sinh trong lĩnh vực xây dựng.
Những năm qua, ông đã có một số bài viết phản biện chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của đảng cầm quyền hiện nay và bị cho là mang ‘tính phản động’.
Trong các bài viết, GS-TS. Nguyễn Đình Cống cho rằng con đường mà đảng Cộng sản đang đi là ‘không đúng đường’ vì chủ thuyết Mác-Lê mang lại ‘lợi ít, hại nhiều’, làm cho dân tộc Việt Nam phạm những sai lầm và thất bại trong kinh tế, văn hóa và đạo đức.
“Vẫn kiên trì với đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin thì tôi cho rằng như thế thì chỉ có dẫn dân tộc này đi chậm lại. Tôi thấy bản thân mình không tán thành chủ nghĩa, đảng thì cứ tiếp tục chủ nghĩa Mác-Lênin, mà mình vẫn còn ở trong đảng thì nó mâu thuẫn.”
Viết về quyết định từ bỏ đảng Cộng sản của GS-TS. Nguyễn Đình Cống, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận xét trên Facebook cá nhân:
“Một người thầy đáng kính của mình. Nhớ lại những ngày học ĐHXD, cứ đến giờ học của Thầy Nguyễn Đình Cống là một giờ vui thoải mái với nhiều câu chuyện lưu truyền đến nhiều thế hệ sau. Mình còn nhớ cô Thìn vợ thầy và thầy đi qua nhà ăn sinh viên, cô ấy mua được ít thức ăn, thầy thấy sinh viên ăn kham khổ quá, bỏ ra cho chúng nó ăn hết. Cảm phục thầy với tuổi già nhưng chí khí mạnh mẽ.”
Chuyện công khai ‘từ bỏ Đảng’ đã không còn hiếm hoi trong những năm gần đây. Trong số đó, có không ít người là trí thức, đảng viên cấp cao như Luật gia Lê Hiếu Đằng, Đại tá – nhà văn Phạm Đình Trọng, Tiến sĩ – nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, nhà báo Tống Văn Công - nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên…
GS-TS. Nguyễn Đình Cống cho biết thông báo ‘từ bỏ Đảng’ của ông đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, nhưng cũng có một số người cs lên án, chỉ trích. Trong thông báo, Giáo sư Nguyễn Đình Cống yêu cầu tổ chức đảng Cộng sản xóa tên ông khỏi danh sách, bắt đầu từ ngày hôm nay 3/2/2016.

http://www.voatiengviet.com

 

 

Đăng ngày 27 tháng 03.2016