Print

Chánh trị Tây, chánh trị Ta

Nước Pháp cần cải tổ nền kinh tế, chính trị:

cần mồ hôi và cần kiệm để phát triển

cần đạo đức và công bằng để tăng trưởng

Phan Văn Song

Ngày 27 tháng 11 năm 2016, ông François Fillon được đắc cử ứng cử viên đại diện liên minh hữu và trung hữu tham dự cuộc bầu cử Tổng thống nước Pháp, vào tháng năm 2017. Đảng Cộng Hòa Pháp, và liên minh trung hữu, đã mất quyền lãnh đạo vì thất cử năm 2012. François Fillon, cựu Thủ Tướng cùng ra đi với Tổng Thống Nicolas Sarkozy, hôm nay trở lại chánh trường và trong không khí bế tắc, bất mãn, do chánh sách «vụng về và kém cỏi» của Ông Tổng Thống François Hollande, người «nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu», quản trị đất nước với một Đảng Xã hội tả phái, mang tên Xã hội, nhưng hành động chẳng xã hội tý nào. Công bằng mà nói, Hollande đến với cầm quyền vào năm 2012 cũng lãnh một nước Pháp khá nhiều phức tạp, công nợ nổ bùng, thất nghiệp khá cao, tăng trưởng thụt lùi, kém đạo đức, các lãnh đạo sống sang, sống mạnh, ăn xài thả cửa, xã hội mất công bằng, phái hữu mất điểm, Sarkozy thất cử.

Năm 2017, sẽ bầu Tổng Thống Pháp lại! Tổng Thống Hollande cầm quyền sắp 5 năm, năm tới tháng năm, mãn nhiệm. Tình hình nước Pháp hoàn toàn bê bối. Kinh tế bế tắc. Ngày 1 tháng 12, 2016 vừa qua, như đã hứa, Tổng Thống Hollande, đúng đầu tháng 12 nầy, phải cho dân chúng Pháp, biết ông sẽ tái ứng cử, hay bỏ cuộc nếu không thành cộng vực nền kinh tế chánh trị Pháp dậy. Và ông tuyên bố sẽ không tái cử! Ông Thủ Tướng Manuel Valls sẽ ứng cử Tổng Thống Pháp, (có bắt buộc không?) và để làm gì. Cánh tả Đảng Xã hội đã hoàn toàn mất tín nhiệm, một phần vi ông Hollande lãnh đạo kém, một phần tình hình kinh tế chánh trị và xã hội rối rắm, một phần nước Pháp bị bọn khủng bố Hồi Giáo đặc biệt chú ý, và một phần Đảng Xã hội cầm quyền không đoàn kết, năm phe bảy phái, cái ngã các lãnh đạo quá lớn, và ông thủ lãnh Hollande quá hèn yếu! Đảng Xã Hội chắc chắn sẽ thua. Nước Pháp năm 2017 sẽ nghiêng về phía hữu? Hay cực hữu? Liberal, Tư do Tư bản? Hay Dân tộc cực đoan? Chờ xem, Wait & See!

Hiện tượng Toàn cầu hóa, giúp đỡ cho các quốc gia đang lên. Nền kinh tế các quốc gia chậm tiến, với lực lượng nhơn công rẻ, dựa trên xuất cảng đã phá nát hệ thống kỹ nghệ các quốc gia tiên tiến. Các quốc gia như Pháp, ngày nay chỉ còn bám vào thị trường du lịch và thị trường Ăn sang Mặc đẹp: Kỹ nghệ du lịch, lầu đài, thắng cảnh, ăn sang, mặc đẹp… Toàn cầu hóa tạo một lô nhà giàu mới ở các quốc gia đang lên, mới giàu, mới nổi, nhưng những con nhà giàu mới, thiếu lịch sử gia phả, thiếu văn hóa gia phả, thiếu cung cách ẩm thực, ăn xài, nên ngành hàng hóa sang của Pháp phát tài… Vuitton, Hermès, Chanel Số 5,… trang phục, từ quần áo, đến giầy bóp đều phải thượng hạng cả… Và một cách tự nhiên, xã hội nước Pháp mất thăng bằng, mất công bằng. Giấc mơ Cộng Hòa của các cha đẻ, các quốc phụ của nền Cộng Hòa Pháp nay không còn hiện thực nữa. Liberté, Égalité, Fraternité - Tự Do, Công Bằng và Huynh Đệ ba chữ, ba cái khung dẫn dắt chế độ Cộng Hòa không còn linh hiệu nữa. Ba chữ do bao nhiêu năm đấu tranh, bao nhiêu mồ hôi, nước máu, máu đổ của nhơn dân Pháp tạo thành, của bao nhiêu thế hệ Pháp tạo thành, ngày nay, các người xa lạ nhập cư, tỵ nạn, chánh trị hay kinh tế, với một văn hóa tôn thờ thần linh từ phương xa nhào đến "đòi hưởng thụ"! Nhưng chỉ biết "Đòi" thôi! Từ đòi hưởng, đòi cái ăn, đến đòi cái mặc, đòi cái ấm, đòi cái no! Chứ không biết trả lại, "nghĩa vụ, đóng góp"! Do đó Pháp chia đôi, Âu Châu chia đôi, Mỹ chia đôi: Trung tâm thành phố và ven đô. Xóm giàu xóm nghèo. Có học và thất học. Có việc làm và thất nghiệp. 2016, hiện tượng dân tộc, chủng tộc da trắng đòi lấy quyền quản trị đất nước, đòi ưu tiên ăn trên, ngồi trước… Bình đẳng , Công bằng giữa Da Trắng với nhau, kỳ thị chủng tộc bắt đầu, kỳ thị tôn giáo bắt đầu... Một từ ngữ mới xuất hiện populiste, Việt ngữ dịch là "dân túy". Chưa hẳn là đúng nghĩa. Nếu túy là "tinh túy" thì đẹp, nhưng nếu "túy" là các nhà lãnh đạo chánh trị lợi dụng dân nói "cái tinh túy" ra để lươn lẹo, kiếm phiếu… Tạo chia rẽ để trị. Tạo bất ổn để độc tài. Tạo xáo trộn để thủ lợi. Thi ôi thôi nguy hiểm sẽ đến, con Quỷ đen Phát xít Nazi sẽ trở lại gieo chết chóc, máu và nước mắt!

Liên minh trung hữu chắc chắn, có thể, sẽ trở lại cầm quyền. François Fillon có nhiều xác xuất thắng cử. Nhưng cũng trong một tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chánh bi đát và đầy khó khăn, khó khăn không những cho quốc gia Pháp, mà vừa cả thế giới, và vừa cả Âu châu:
Nợ công quỹ thì đã sắp vượt mức 100% tổng số sản lượng quốc gia. Cán cân thương mãi thì lỗ lã, xêm xêm khoảng 70 tỷ euros. Toàn là những con số kỷ lục! Còn có hy vọng tăng trưởng gì không? Chắc chắn là phải dưới 1%! Nghĩa là trong không khí một buổi chợ chiều ảm đạm của nên kinh tế Âu châu trên đà xuống dốc, một hệ thống đồng euro có thể bị sập đổ tan tành, vì Vương quốc Anh đã Brexit, vì nước Đức vướng víu với lòng thương người cứu khổ cho 1 triệu người di cư tỵ nạn nhập cư. Cùng lúc ấy, nền kinh tế Huê kỳ đang thời kỳ Tổng Thống Trump "bế môn tỏa cảng" để khỏi bị thụt lùi, thoái lui (récession). Thêm vào đó, những nền kinh tế của các quốc gia hôm qua được gọi là "đang lên" cũng đang bị hạn chế, do các quốc gia Âu Mỹ co cụm lại, trờ về với sản xuất nội địa, tiêu thụ nội địa, không nhập cảng hàng sản xuất ở ngoài nữa.
Đây không phải lần đầu mà nước Pháp đã phải trải qua những cơn khủng hoảng kinh tế, chánh trị hay tài chánh. Nhưng năm 2017 phải có hành động hoàn toàn khác hẳn! Phải cần nhiều hy sanh, nhiều cố gắng, nhiều nhẫn nại. Mồ hôi và cần kiệm.
Tân Tổng thống phài biết lấy lại thăng bằng cán cân công quỹ, tài chánh.
Tân Tổng thống phải tạo lại sức sản xuất của nền công nghiệp Pháp.
Tân Tổng thống phải biết tạo lại sự cân bằng xã hôi: rút bớt lại khoảng cách giàu nghèo, giải quyết những bất công, nghề nghiệp, giai cấp xã hôi… Chuyện ấy không phải dễ:
Vì nếu không tạo tăng trưởng làm sao có phát triển, có sức tạo dựng lại xã hôi?
Nếu không có đạo đức, công lý trong quản trị tài chánh làm sao tạo được sự tín nhiệm của nhơn dân Pháp.
Và nếu không có một nền công lý xã hội công bằng, làm sao có thể nói đến sự hợp tác giữa người dân và chánh phủ, giữa người cầm quyền và người dân, giữa chủ nhơn và công nhơn.
Đó là một phưong trình kinh tế tài chánh chánh trị: ba vế hài hòa. 
Bỏ quên vế tài chánh, là nước Pháp sẽ bị loại khỏi thế giới tài chánh Âu châu, vì không kiểm soát và kềm chế giảm bớt được lạm phát nợ công quỹ.
Bỏ quên vế kinh tế, là nền kinh tế thương mại ngân hàng và các đại cơ sở kinh doanh thương nghiệp của nước Pháp sẽ thụt lùi, thâm thủng ngân sách lỗ lả.
Bỏ quên vế chánh trị là toàn bộ vai trò quốc gia Pháp trên thương trường, trên các tổ chức quốc tế sẽ xuống cấp, và những địa vị vai trò lịch sử của nước Pháp đi vào quên lãng.
Ông tân Tổng thống không có nhiều thì giờ: năm năm cầm quyền rất ngắn. Tất cả vấn đề phải được đề xuất trong năm đầu tiên và có ngay kết quả trong năm thứ hai.
Tất cả những dự án về kinh tế xã hôi phải được vẽ ngay từ năm đầu. Việc đầu tiên là những biện pháp cải tổ ngành thuế vụ: đó là những dấu hiệu của một sự đối xử công bằng giữa những người giàu và nghèo; giữa giới sản xuất và giới công nhơn; giữa giới tài phiệt chủ nhơn những chứng khoán, những tài khoán đầu tư và giới lao động chủ nhơn tay nghề và sức lao đông phát triển. Đạo đức trong sự công bằng đối xử và quản trị tài chánh và quản trị con người, giữa kinh tế và xã hôi. Công bằng giữa các phương tiên phát triển để có công bằng trong việc chia lợi tức giữa lợi nhuận các tài phiệt và mãi lực của người dân. Công bằng và đạo đức trong quản trị các công quỹ, giảm bớt phung phí, rút ngắn lại các đường giây quản trị, quyết định. Chia đều trách nhiệm giữa trung ương và địa phương sẽ tạo hữu hiệu và tiết kiệm ngân sách.

Còn Việt Nam ta? 
Khi bàn về nước Pháp, chúng tôi thường nghĩ đến Việt Nam. Những tiêu đề trong chương trình của một tân Tổng thống Pháp chúng ta đều có thể áp dụng ở Việt Nam được cả.
Tăng trưởng để phát triển, đi từ một quốc gia kém mở mang lên đến một quốc gia đang lên là cả một phương trình quản trị đúng đắn công bằng, giữa giai cấp cầm quyền và người dân; giữa giới chủ nhơn vàn giới công nhơn… Công bằng, đạo đức là giảm bớt khoảng cách ăn chia giữa các chủ nhơn tài khoán đầu tư (chứng khoán) và lương bổng công nhơn. Quản trị công bằng và đạo đức trong lợi nhuận sản xuất là quản trị công bằng xã hôi. Giảm bớt giàu nghèo là tạo mãi lực, tạo một thị trường nội địa, bớt phải lo lắng đến xuất cảng.
Một thể chế thuế vụ công bằng và đạo đức sẽ tạo những công bằng xã hôi. Nhà nước hãy bỏ đi vai trỏ chủ nhơn sản xuất, chỉ nên chú trọng đến vai trò giàm khảo, điều hợp các hợp đồng giữa chủ nhơn và công nhơn, điều hợp giữa sản xuất và tiêu thụ… 
Muốn đi đến một thể chế kinh tế sung mãn, một nền tài chánh dồi dào, phải có một thể chế chánh trị công bằng, dân chủ, chấp nhận giao nhiệm vụ quản trị cho người dân, có đa nguyên, mới có cạnh tranh, có cạnh tranh mới có sáng kiến, có sáng kiến mới có trách nhiệm và phát triển.
Nhà cầm quyền nên là một điều hợp viên, một nhạc trưởng, một "chef d’orchestre" cho một giàn nhạc giao hưởng hài hoà, hoà hợp kinh tế -tài chánh để có một đất nước giàu mạnh .
Ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền, và cầm quyền tuyệt đối trên cả 70 năm. Và nước Việt nam vẫn là một nước nghèo, tổng sản lượng đầu người tròn trèm trên dưới 1000 dollars US, đứng vào những hàng cuối trong bảng xếp hạng giàu nghèo trên thế giới, hàng hóa thì kém phẩm chất, lại chỉ chuyên sản xuất hàng nông ngư nghiệp, công kỹ nghệ hoàn toàn không có…
Thế giới đang cần nền kỹ nghệ xanh, điện gió, điện mặt trời... một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì không có những cơ chể xưa, cổ hủ… đáng lý là phải phát triển ngay những kỹ thuật mới, trái lại vẫn chạy theo những kỹ thuật cũ kỹ, dùng điện bằng dầu hỏa, bằng than đá… hại môi trường, hại sức khỏe người dân.
Một đất nước có tỷ lệ thanh thiếu niên tuổi trẻ cao, đầy tương lai như Việt Nam phải biết đầu tư vào những kỹ thuật mới.
Trái lại, Việt Nam cứ tiếp tục, nông nghiệp, chăn nuôi và… ăn gian. Cá nuôi đầy ao, không đủ tiêu chuẩn vệ sanh, nuôi thúc. Gà, thì gà toi, gà bệnh, vẫn làm thịt bán. Không phải dân Việt Nam thích ăn gian, làm mánh, thiếu vệ sanh… mà phương pháp điều hợp của nhà nước Việt Nam không hữu hiệu. Có công an nhưng công an chỉ biết đánh người dân phản đối nhà nước, khiếu kiện, phàn nàn nhà cầm quyền, khiếu nại đối xử… còn vấn đề vệ sanh thường thức trong thực phẩm, trong công nghiệp, không ai theo dõi… mặc dù đó là sức khoẻ, mặc dù đó là kinh tế, mặc dù đó là công nghiệp, đó là phát triển. 
Câu chuyện Việt Nam còn dài, người viết xin phép được dừng ở đây! Chúng tôi chỉ mong bài viết về tình hình nước Pháp của chúng tôi được độc giả Việt Nam đánh tiếng với nhà cầm quyền để nhà cầm quyền tỉnh ngủ, hoặc cải tổ hoặc trao quyền cho người khác.

Ông Pierre Mendès France, một nhà chánh trị Pháp thuộc phái tả, của những năm 1950 (ông đã thay mặt nước Pháp ký hiệp ước ngưng bắn ở Đông dương Pháp tại Genève này 20 tháng 7 năm 1954) có viết một câu để đời "Không có một thể chế chánh trị nào mà không có rủi ro cả, chỉ có những thể chế chánh trị không có vận may thôi" ( Il n’y a pas de politique sans risque, mais des politiques sans chance).
Đảng cộng sản Việt Nam có dám lấy những cái rủi ro, cải tổ lại cơ chế, guồng máy chánh trị, thay đổi não trạng chánh trị, để tạo một nước Việt Nam Độc lập, Tự do, Phú cường, Dân chủ, Công bằng không? 
Đó là một quyết định rất nhỏ: chỉ dám hay không dám thôi!
Đó cũng chỉ là một quyết tâm chánh trị - une volonté politique - để chứng minh là thực sự yêu nước Việt Nam, yêu người Việt Nam và quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam tử tế, văn hóa và phồn thạnh để góp mặt cùng thế giới tiên tiến.
Chỉ có thế thôi, mong lắm! Đó là lời chúc cuối năm!

Hồi nhơn Sơn, cuối năm 2016
Phan Văn Song

*Comments:
Đảng xã hội kể ra cũng có công với nước Pháp. Trước khi Mitterrand đắc cử tổng thống, đảng cộng sản Pháp là đảng mạnh hàng đầu của Pháp. Cánh Hữu thắng là nhờ biết liên kết với nhau hoặc do uy tín của người ra tranh cử như trường hỡp tướng Da Gaulle. Sau đó nhờ có họp lực giữa UDF và RPR. Với hai nhiệm kỳ của Mitterrand ông này đã đẩy đảng cộng sản Pháp xuống mức chỉ còn khoảng 5% dân chúng ủng-hộ. Với nhiệm kỳ của François Hollande, ông này là vị tổng thống đầu tiên từ bỏ tham vọng ra tranh cử nhiệm kỳ hai và đưa đảng xã hội tới tình trạng tan nát, e rằng sau cuộc tranh cử tổng thống 2017, đảng xã hội không chắc vào được vòng hai và sẽ trở thành phe thiểu số trong quốc hội, bó buộc phải liên kết với phong trào tả phái và đảng cộng sản và cũng có thể sẽ phải đổi tên!
Sau bầu cử tổng thống Pháp 2017, có nhiều e ngại là các bảo vệ xã hội sẽ bị giảm thiểu nhất là về bảo hộ y tế, lao động!
Nhữ Đình Hùng

 

Đăng ngày 12 tháng 12.2016