Print

Bên lề COP 21-Hội nghị Khí hậu Paris 2015

Thông điệp Laudato Si’

Giáo Hoàng Francis và Môi Trường

 

Ts Phan Văn Song

Hôm nay cuối tuần đầu tiên của Hôi Nghị, các quốc gia, các đại biểu các đối tác đang nộp những kết luận, những ý kiến cho giàn bài của những thỏa thuận tương lai để làm một cái gì khả thi cho «Vấn đề môi sanh, môi trường cho Quả đất». Bài toán nan giải «đầu tiên» vẫn là bài toán «tiền đâu?». Và «ai chi?» Giải toả vấn đề nầy là giải quyết 70%. Một Tỷ dollars một năm cho 7 tỷ người của năm châu, bốn biển có một sự sống an lành. Thế thôi! Đây là một nghĩa cử nhơn đạo? Vị tha? Phải! Lo cho tha nhơn, cho các công dân các quốc gia xa lạ? Lo cho các vùng đất biển bên kia thế giới bớt nạn thiên tai? Hay ích kỷ? Lo cho hậu duệ mình, con cái mình, giòng giống mình không bị tràn nhập, đất nước mình không bị xâm chiếm, văn hóa, thủ tục truyền thống mình không bị lai căng, mất gốc? Hỏi tức trả lời! Tình hình khẩn cấp lắm! Sống Còn! Thông Điệp của Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô, tuy là của một người đang có trách nhiệm, đầy uy tín, đứng đầu một tôn giáo lớn của thế giới, nhưng đấy chỉ là một đóng góp như cả ngàn đóng góp của tất cả những thiện chí của các thiện nhơn trách nhiệm của các cộng đồng thế giới, quốc gia, quốc tế, hội đoàn, xã hội dân sự hay công nghiệp hay cá thể, cá nhơn. Thiện chí, tuyên bố chưa đủ, mong các hành động cụ thể! Tiền bạc, luật lệ, chế tài, dự án…! Mong toàn dân trên thế giới cùng nhau săn sóc quả đất căn nhà chung của nhơn loại! Mong lắm!

 

Ngày 18 tháng 6 năm 2015, Thông điệp Lauda si’ – Vinh Danh Thiên Chúa – Loué sois-tu! Về bảo vệ thiên nhiên được Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô - Francis phổ biến.
Trong những ngày chờ đợi cuộc Hội nghị về Khí hậu tại Paris, Pháp, COP21, Thông điệp được phát ra đúng thời điểm và hợp với lòng mong đợi của quần chúng.
Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng ra một thông điệp tỏ nỗi ưu tư đến môi trường, xác nhận rằng ngày nay môi trường là một vấn đề hệ trọng của nhơn loại

Mở : Thông điệp Laudato si’ :
«Laudato si’- Vinh Danh Thiên Chúa» là một Thông điệp của Giáo Hoàng Francis, viết xong ngày 24 tháng 5 năm 2015, được phổ biến ngày 15 tháng 6 năm 2015 vào dịp Lễ Pentecôte. Thông điệp nầy chuyên đề về những vấn đề, những ưu tư về môi trường và môi sanh của con người. Thông điệp được phổ biến trong bầu không khí sửa soạn Hôi Nghị Khí hậu COP21 tại Paris Pháp khai mạc ngày 30 tháng 11 nầy.
Đây là Thông điệp đầu tiên hoàn toàn do Giáo Hoàng Francis tự tay soạn và viết. Thông điệp trước «Lumen fideis-Dưới ánh sáng của Đức Tin», tuy được Ngài ký tên, sau bốn tháng lãnh nhiệm vụ, nhưng thực sự tất cả công trình ấy đã do Giáo Hoàng tiền nhiệm Benoît XVI soạn sẳn. Giáo Hoàng Francis chỉ đúc kết hoàn chỉnh và ký tên thôi!
Thông điệp « Laudato Si’» đã được giới truyền thông sửa soạn rầm rộ giới thiệu kháu nhau trước ngày phổ biến rồi, với những loạt tin «bên lề», với những lô tin «rò rĩ thoát ra» từ những người tự nhận là «thân tín, rõ chuyện» cho giới báo chí của thủ đô Rô-ma của một xứ «Ý đại Lợi» lắm mồm nhiều chuyện! Sau ngày ký và phổ biến chánh thức, các giới chức chánh trị (đặc biệt trong cơ quan Liên Hiệp Quốc, trong các nước «nhà ngói» thế giới và cả trong các hội đoàn Xanh-Môi trường) hân hoan đón chào, với những bài bình luận đầy nguồn hy vọng, đầy sự tín cẩn, mong rằng Thông điệp nầy sẽ mang một ảnh hưởng tốt và sẽ mang đến mọi sự lành cho cuộc Hội nghị sắp đến về khí hậu, tại Paris, Pháp.

Nội dung: Khủng hoảng Môi trường và Bài giảng Luân lý.
Thông điệp được chia thành 6 chương. Bắt đầu bằng một thống kê tổng quát tình hình, «cởi ngựa xem hoa», nhận xét và phân tách tình hình môi sanh, môi trường, nguồn sanh thái thế giới. Nào là thay đổi khí hậu, nào là ô nhiểm môi sanh, nào là tình trạng khai thác quá độ tài sản, tài nguyên của thiên nhiên, nào là sự mất mát của nguồn sanh thái và xâm phạm môi sanh của động vật và sanh vật, nào là sự tụt hậu về phẩm chất đời sống của các chế độ xã hội, phẩm chất đời sống hằng ngày của con người và bất công xã hội càng ngày càng tồi tệ của cà toàn thế giới. Sau đó, Giáo Hoàng chuyển những nhận xét môi trường và khí hậu khách quan qua cái nhìn của người Ky Tô Giáo được soi sáng dưới ngọn đèn của Thánh Kinh, để tìm một hướng chỉ đạo.
Trong chương 3, Ngài nói nhiều đến vai trò «Con Người» trong cái khủng hoảng được «đóng khung» trong một bối cảnh của «đế chế công nghiệp – technocratie», vai trò trọng yếu của công nghiệp tư bản và những hệ quả của nó đối với nền kinh tế và tình trạng xã hội. Tiếp theo, Ngài nhận định rõ vai trò con người, với, trong và đối với môi trường. Ngài tiếp tục trong chương tiếp theo nghiên cứu những giải pháp, Ngài cùng đề nghị vài hướng suy nghĩ và hành động để thay đổi. Chuyển hướng để thoát khỏi cái vòng xoáy của sự «hiện đại hóa» đang càng ngày càng dấn sâu «con người» vào một sự «tự hủy diệt». Chương cuối cùng là lời của «nhà mô phạm», với những lời giáo huấn để có một «tư tưởng môi trường», để đáp ứng với các thử thách văn hóa, giáo dục, tôn giáo tương lai của nhơn loại.
Với Thông điệp nầy, Giáo Hoàng Francis không chỉ gởi riêng đến Giáo Hội và các con chiên của Thiên Chúa Giáo La Mã, mà gởi đến cho «tất cả mọi người», «mọi người đầy thiện chí - toutes les personnes de bonne volonté», và gởi đến cho «riêng từng người» «từng người ngụ trên hành tinh nầy – chaque personne qui habite cette planète».
Thông điệp nầy gởi cho công dân của Hoàn Vũ, nhưng nếu Thông điệp cũng tạo «triệu người vui», thì cũng tạo «triệu người buồn» - nói kiểu «ba phải» theo một tướng Việt Cộng lúc hết thời. Phải, Thông điệp nầy không thỏa mãn toàn bộ giới Xanh-Môi Trường, không thỏa mãn phe Kinh Tế Gia, mà cũng chẳng thỏa mãn cả các con chiên Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã.
Thông điệp là lời phán của anh đứng đầu một Giáo Hội, dĩ nhiên là mang một mầu sắc phe phái, và dĩ nhiên là phải nhận lời bàn, lời chỉ trích, tiếng khen chê. Vì Thông điệp không mang chất «vô nhiểm-infaillibilité» của vị Giáo Hoàng, hay bản chất giáo điều-dogmes, hay do sự tín ngưỡng, bởi đức tin-la foi. Và vì khi một Thông điệp nói về một đề tài có tánh cách xã hội, như Thông điệp nầy, một Thông điệp ấy chỉ đơn thuần là một tài liệu thôi! Và tuy dù là tài liệu chánh thức của Giáo Hội, tuy dù là tiếng nói của người chủ trì đi nữa, thì cũng chỉ là một quan niệm, một bài nghiên cứu, một thảo luận, góp ý vào những «vấn đề mới» của cộng đồng thế giới, mà thôi! Và chỉ có thế thôi!
Nhưng đây là một truyền thống, kể từ ngày Giáo Hoàng Léon XIII năm 1891, đề cập đến những «vấn đề thuộc giới công nhơn, thợ thuyền» và «xã hội chủ nghĩa»: «một lý thuyết có tánh cách xã hội, được tự thành hình, với nhiều ngập ngừng, cẩn thận, với cũng vài sai lầmune doctrine sociale s’est-elle construite, par tâtonnement et avec beaucoup de prudence, et quelques erreurs aussi…». Thuở ấy, đã có nhiều cộng đồng thế giới, người ngoại đạo, người trong đạo, thuộc Thiên Chúa Giáo hay Tôn Giáo khác đều được mời đến tham khảo, tranh luận, tham luận, bàn cãi, chỉ trích, như vậy chứng mình rằng, dù có chống, không bằng lòng, đồng ý với Thông điệp nào đi nữa, cũng không có nghĩa là chống Ông Giáo Hoàng, Chống Giáo Hội!
Nói rõ một lần, vì có vài bạn bè thân hữu vẫn có quan niệm cho rằng cá nhơn thằng tui chống «Vatican và các linh mục»-anticlérical».

1/ Một đầu đề phức tạp, một bài viết mập mờ :
Bài viết của Giáo Hoàng tạo nhiều tranh luận vì mang một sắc thái mới, cải cách trong một vấn đề rất thời sự.
Môi Trường chẳng những là một ưu tư của các nhà khoa học, của tất cả mọi ngành, mà cũng của các nhà chánh trị, kinh tế gia và cũng của cả các tín đồ, tín hữu của toàn các tôn giáo.
Trong phần tôn giáo, Giáo Hoàng rủ chúng ta đi nghe ông Thánh Saint François d’Assise. Laudato si’ là câu mở của bài cầu nguyện của Thánh Saint François d’Assise, để cám ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta những tuyệt tác của thiên nhiên.
Nhưng Môi Trường ngày cũng là một vấn đề mang đến nhiều tranh cãi. Đến cả ngày hôm nay, hoàn toàn không có một sự đồng thuận nào giữa các đối tác, giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế hay các hội đoàn chuyên gia, khoa học gia hay chánh trị gia. Bằng chứng là những thất bại của những hội nghị thượng đỉnh liên tiếp về khí hậu và những ngờ vực ngay từ bây giờ về sự thành công tương lai của Hội nghị Khí hậu COP21 sắp tới ở Paris.
Làm sao tránh được những đòi hỏi, những đấu tranh thuộc «quyền lợi quốc gia» đặt trước những «quyền lợi quốc tế»? Làm sao tránh được nước Nga đang đòi hỏi khai thác những vùng thuộc vùng Băng Bắc Cực thuộc chủ quyền Nga, đầy tài nguyên, đầy nguyên nhiên liệu?
Vì chuyên đề đầy phức tạp, nên bài luận Thông điệp cũng gồm nhiều từ ngữ, nhiều phần khác nghĩa nhau, tối nghĩa, có khi đối nghịch cả với nhau. Chúng ta gặp Thánh François d’Assise ngồi cạnh Malthus, Hòa bình Thế giới đối thoại với Đấu tranh Giai cấp. Bảo rằng «Xóa đói Giảm nghèo» bằng «Giảm bớt Sản xuất và Tiêu xài, Ngưng Phát triển» phải chăng chỉ là một lời thề chỉ mặt trăng?… lời lẽ của bài luận thật là vừa khó hiểu, vừa khó nuốt! Thật là một Thông điệp đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố, «có đủ để vui, có đủ để buồn, để không bằng lòng!». Đơn thuần mà xét về hình thức, đối với những thông điệp trước trong lịch sử Giáo Hội, lời văn của Giáo Hoàng Francis khác hẳn, mạnh dạn hơn, thẳng thắn, nói thẳng, nói rõ, có thể nói, có tánh cách khiêu khích nữa!

2/ Một giọng văn khiêu khích :
Phải, trong đoạn phân tách tình trạng xã hôi ngày nay, Giáo Hoàng đã đụng chạm với nhiều người đọc. Tựu trung, ngài rất bi quan, và có thể nói rất bi quan, «thảm họa hóa» vận mệnh tương lai của xã hội loài người và quả đất. Khủng hoảng môi trường do sự hâm nóng quả địa cầu là do sanh hoạt con người. Và cũng như lý thuyết của nhóm lý thuyết gia của lý thuyết «hâm nóng», bài thuốc sửa chữa là ngưng hâm nóng, kềm giữ sự hâm nóng ở dưới 2 độ thôi! Đây là để hạn chế những đổ vỡ do hiện tượng nầy mang đến, và đây cũng là những đầu đề và bài toán sẽ được giải trong dịp Hội Nghị COP21 nầy! Giáo Hoàng hoàn toàn đồng ý với quan niệm bi quan cùng với nhóm nói trên, mặc dù có vài nhận định rất khoa học của nhiều nhóm khác vẫn không nhứt định «khẳng định rằng bản kịch bi quan phải nhứt định xảy ra», có cả nhiều lý thuyết vẫn không tin hẳn rằng dù CO2 tăng chưa hẳn là tuyệt vọng cho tăng trưởng thị trường, và tình hình kinh tế thế giới!
Tuyết tan ở những vùng xưa băng giá sẽ «trao» cho dân chúng bản xứ những vùng khai khẩn mới! Các đồng cỏ Mông Cổ có thể biến thành những đồng lúa tốt! Tuyết tan, khí hậu ấm lại của vùng bắc Canada sẽ tạo một thủy lộ mới nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, tạo sự thạnh vượng cho Canada. Trái lại, tuyết tan, mực biển sẽ dâng sẽ nhấn chìm vài chục triệu cây số ven biển, nhiều hải đảo sẽ không còn nữa, nhiều quốc gia hải đảo sẽ không còn nữa. Di dân do khí hậu sẽ là một thảm trạng mới và tệ hại hơn nữa, nhiều quốc gia, nhiều văn hóa, nhiều dân tộc sẽ không còn nữa… Một thế giới mới sẽ được vẽ lại, với nhiều khái niệm mới! Một con người mới với những suy nghĩ, tư tưởng, văn hóa mới: đại đồng, thuần nhứt hay đa nguyên đa dạng? Tùy, cái nhìn «nửa ly nước đầy hay nửa ly nước lưng» đều có lý cả. Cái chắc chắn là con cháu chúng ta sẽ có một xã hôi văn hóa một tư duy hoàn toàn khác hẳn chúng ta! Ngày mai, một bài toán! Một thách đố!
Trong đoạn, viết về tình hình kinh tế thế giới, Ngài hoàn toàn buộc tội nền kinh tế thị trường và thị trường tài chánh ngày nay, và buộc tội các quốc gia tư bản tiên tiến miền Bắc địa cầu đã khai thác và làm nghèo các quốc gia và dân số miền Nam địa cầu. "Lợi nhuận và tiêu thụ là hai con ác quỷ" đối với Ngài. Giáo Hoàng chống các Tổ hợp Xí nghiệp lớn, Ngài chỉ thích các ngành tiểu thương, những xí nghiệp trung và nhỏ. Các đại tư bản đặc biệt về điền địa phải hạn chế, để nhường cho người nông dân được tư hửu sản đất đai. Dĩ nhiên cái nhìn của Ngài đã bị «méo mó nghề nghiệp» với bao nhiêu năm phục vụ tại Argentina, chung đụng với thế giới của mafia nha phiến, của nạn phá rừng, của chế độ đại điền chủ-latifundia của lục địa Nam Mỹ La tinh.

3/ Con Người vốn tham nhũng, Con Người vốn vô luân :
Đoạn viết về tình trạng Tham nhũng rất quan trọng. Thông điệp nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế tài chánh «xỏ mủi» quản trị hành chánh chánh trị - kinh tế tài chánh định hướng nền chánh trị quốc gia. Nhận định của Giáo Hoàng có quá vội vã không? Tại sao không ngược lại? Tham nhũng chỉ có mặt ở các quốc gia có những lãnh tụ với những quyền lực «vô hạn»! Ngày nay, có phải thực sự rằng chúng ta đang sống trong một thế giới CỦA thị trường và CỦA toàn cầu hóa không?
Rất nhiều anh em đồng nghiệp giáo chức ngành kinh tế hay luật như chúng tôi đều không thích, không nhìn nhận thể chế kinh tế ngày nay như là một biểu tượng, một điển hình của nền kinh tế trao đổi tự do-libre échange và nền tự do kinh doanh-libre entreprise. Tất cả chúng tôi đều tố cáo sự liên quan, cái liên hiệp, hùn hạp, đồng lỏa, giữa thế giới con buôn và thế giới của các chánh trị gia. Sự đồng lỏa ấy đã phá vỡ nguyên tắc cạnh tranh, đã nhốt cái tự do thương mãi lại. Chúng ta đang sống trong cái hiện tượng «tư bản đồng lỏa hay tư bản phe đảng - capitalisme de connivence - crony capitalism»! Giáo Hoàng Gioan-Phêro II đã hơn một lần nói rõ về cái «mập mờ» của từ ngữ «tư bản – capitalism» rồi.
Thế nhưng khi Thông điệp của Giáo Hoàng Francis tố cáo tham nhũng, Ngài cũng đặt lên hàng đầu vai trò của những thái độ khác nhau của mỗi con người chúng ta. Và đây, theo thiển ý, đây là cái quan niệm cốt lỏi của Thông điệp: khủng hoảng môi trường, và những lạm dụng tệ hại của nền kinh tế đều là những kết quả của một khủng hoảng lớn về Đạo Đức của Con Người! Vậy thì, phải thay đổi, chuyển hóa Con Người để thay đổi, cứu rổi hành tinh Trái Đất! Ngài Francis gọi chung lại là «Môi trường Nhơn lọai-L’Écologie humaine». Đây là sợi giây cột chặt Môi trường và Vai trò-vô trách nhiệm và vô đạo đức- của con người.

Môi trường Nhơn loại :
Có một cái gì không ổn nơi Con Người? Với bổn phận sống trong thiên nhiên, bởi thiên nhiên, nhờ thiên nhiên, đáng lý phải trân quý gìn giữ bảo quản, trái lại Con Người đã tàn phá thiên nhiên! Thật vậy, đáng lý là phải yêu mến, trân trọng Trái Đất như một người Mẹ mình, đằng nầy, Con Người chỉ là đứa con hư đang làm khổ mẹ mình. Những dứa con hư hoang đàng của mẹ Trái Đất, xài phá phung phí tài sản gia đình, một nhóm thiểu số đàn anh chia nhau giành giựt ôm đồm tất cả những của cải của gia đình để đám đông hàng triệu đàn em nghèo đói thiếu ăn thiếu mặc. Và cuối cùng cái ăn xài phung phí đã mang hiểm họa ô nhiểm đời sống môi trường thế giới và bán cả vận mệnh tương lai cho đàn con cháu hậu duệ sẽ phải nai lưng ra trả nợ. Nhưng Giáo Hoàng không trách Con Người. Ngài ví tất cả tôi lỗi vào Phát triển Kỹ thuật. Kỹ thuật tiến quá nhanh nên những giá trị đạo đức và tinh thần theo không kịp đó thôi!
Đoạn văn chỉ trích kỹ thuật, khoa học, tổ chức thực tiển và bản chất quan liêu văn phòng-bureaucratique của xã hôi ngày nay của Giáo Hoàng Francis rất bạo. Con người không theo kịp đà tiến triển của kỹ thuật, và con người đang bị nhốt trong «cơ chế tội lỗi- la structure de péché» của những định chế; trái với những «sự tốt lành chung-le bien commun» nói theo định nghĩa của Giáo Hoàng Giôan-Phêdro II. Con người như đã bị phạt, như đã bị kết án phải vứt bỏ tất cả danh dự, tất cả phẩm hạnh để chạy theo thờ Kim Ngưu-le Veau d’Or, thờ cúng vật chất, và thú vui tức thì - tiền tài, đồ vật và hưởng thụ, ba «đại nạn» của xã hội ngày nay.
Và Ngài Giáo Hoàng đề nghị lối thoát cho một xã hội mới, con người mới sẽ tìm lại tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ và hòa bình. Quan niệm «chia sẻ» một «Cái Tốt Lành chung-le bien commun» trở lại. Một thể chế chánh trị, xã hội và kinh tế mới, một con người mới tử tế, đàng hoàng (chiếu định nghĩa văn hoá và đạo đức Việt Nam) trở lại. Và với rất nhiều lạc quan Ngài mong có một Hôi Đồng Quản trị Thế Giới, một Chánh phủ Thế giới, tái lập trật tự và hướng đi mới nầy cho thế giới!
Nhưng Ngài vẫn không quên nhắc nhở rằng tất cả những cải tổ toàn diện ấy phải không được quên một chuyển hướng của thái độ của từng cá nhơn Con Người. Chuyển hướng cải tổ do cái cột trụ là một nền Giáo dục do Gia đình, bởi Gia đình, và từ Gia Đình phát ra Xã hội để đi đến xây dựng nên nền Đạo Đức Quốc Gia. Ngài nói rất nhiều về vai trò của gia đình trong bổn phận giáo dục, trong bổn phận giảng huấn về luân lý, phải có những bổn phận : tôn trọng đời sống, chống phá thai, chống những thực nghiệm cái tế bào con người-manipulations génétiques hay chống trợ tử-euthanasie…nói tóm sau khi lo lắng, bất tín nhiệm Con người, cuối cùng vào cuối bản Thông điệp Ngài lại trở lại đặt sự tín nhiệm vào Con Người.

Kết: Chủ nghĩa Xây dựng-Contructivisme hay Chủ Nghĩa Nhơn Vị-Personnalisme?:
Cuối cùng để thay lời kết, mỗi mỗi độc giả Bản Thông điệp Laudato si’ của Giáo Hoàng đều có thể kiếm được những trả lời như ý độc giả.
A. Chủ nghĩa Xây Dựng – Le Constructivisme:
Những người đi tìm không tưởng-utopie, giấc mơ, đều toại nguyện bởi những hình ảnh một thế giới mới, một xã hội mới, dựa trên hòa bình, hòa hợp, một cơ cấu nhịp nhàng xếp đặt điều khiển bởi một sự hợp tác nhuần nhuyển giữa các quốc gia đầy thiện chí trên thế giới.
Họ sẽ toại nguyện khi thấy Thông điệp của Giáo Hoàng kết án một cách «vô trách nhiệm» (đối với ý người viết chúng tôi) kinh tế tư bản thị trường, hệ thống kinh doanh tài chánh, thị trường chứng khoán và lợi nhuận của ngày nay. Dĩ nhiên, kiến trúc một thế giới «lý tưởng» ám ảnh giấc mơ của nhơn loại từ bao thế kỷ nay rồi. Thế nhưng lịch sử thực tiển cho thấy cái «chủ nghĩa xây dựng» nầy hoàn toàn không tưởng, và thất bại vì đã dẫn nhơn loại đến các chế độ «độc tài» đầy tù đày, giết chóc, đổ vỡ từ con Quỷ Đen Nazie đến con Quỷ Đỏ Cộng Sản. Tất cả là những «cường điệu giết người-présomption fatale» nói theo định nghĩa của kinh tế gia Hayek
(Friedrich August von Hayek sanh ngày 8/05/1899 tại Vienne - Áo, mất ngày 23/03/ 1992 tại Fribourg - Đức, là một triết gia, một kinh tế gia, một trong những lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản tự do-libéralisme chống lại chủ thuyết Keynes, Chủ nghĩa Xã hôi-Socialisme, hay Nhà Nước Chủ Nghĩa-Étatisme).
B. Chủ nghĩa Nhơn Vị - Le Personnalisme:
Phe ta, người Việt Tự Do, cũng đã một thời nghe qua chủ nghĩa nầy; nhưng có lẽ ít ai hiểu được, kể cả những cán bộ cao cấp của Đảng Cần Lao, một Đảng với chủ thuyết Nhơn Vị nầy, đã vang bóng một thời dưới bầu trời Tự do của Việt Nam Cộng Hòa.
Những ai muốn đi tìm một dấu ấn nhơn loại, sẽ toại nguyện bởi Thông điệp nói rõ đến tinh thần trách nhiệm cá nhơn, vai trò của một nền giáo dục đặt trọng tâm vào môi trường, vào sự tôn trọng đời sống, mọi đời sống. Phải, đây là lúc mỗi chúng ta, bô phận của nhơn loại, phải biết đem nhơn loại về sống hòa nhịp với phát triển của sự hiểu biết, với sự hữu dụng của kỹ nghệ, nhịp nhàng, người đúng, việc đúng, vật dụng đúng, đúng nơi, đúng chổ, đúng giờ, đúng lúc. Và quả thật, ngày nay, phải nhìn nhận các cơ chế chánh trị không làm đúng vai trò giáo dục ấy. Vậy phải đến lúc, tất cả những người thiện chí phải bắt tay vào việc chung ấy. Hãy cùng nhau, tạo một không gian tốt lành chung, tạo cái vốn tốt chung-le bien commun, cùng nhau giúp những kẻ yếu người khổ hơn chúng ta: yêu tha nhơn, nghĩa đồng bào, tình nhơn loại.
Và sau khi được giáo dục bản thân, ổn định gia đình, đùm bọc xã hội, xây dựng đất nước, chúng ta, toàn thể nhơn loại sẽ bình định được Thế giới. Chủ nghĩa Nhơn Vị âu phương khác chi «Tu Thân Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên hạ» của Đông phương?
Và "last but not least", chúng ta không nên có thái độ tự cao lạc quan không tưởng kiểu «ếch ngồi dáy giếng, nhìn rốn mình bàn thế sự-l’anthropocentrisme» - một thái độ mà Thông điệp của Giáo Hoàng kết án. Trái lại, chúng ta cũng không nên có thái đô nặng chất «Malthus Chủ nghĩa-Malthusianisme» đầy hù dọa bi quan như hiện nay COP21 đang nêu ra.
(Chủ nghĩa malthusianisme là một chủ nghĩa đưa ra những chánh sách chánh trị kềm chế hạn chế sanh sản để kiểm soát sự phát triển dân số, viện lý sự hạn chế của tài nguyên thiên nhiên, chiếu theo lý thuyết của nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus (1766–1834).

Tóm lại :
Chúng ta chỉ: Hãy tin vào Con Người, vì Con Người chính là tài nguyên của Thiên Nhiên, Con Người, Nhơn Loại, sống với Thiên Nhiên. Và Con Người, hẳn nhiên, Phải biết tự bảo quản Thiên nhiên căn nhà chung của Nhơn loại và sự sống của hành tinh mình.

Hồi Nhơn Sơn, Hội Nghị Khí hậu Paris COP21
Phan Văn Song

 

Đăng ngày 07 tháng 12.2015