Print

Hay ta trở lại khai thác mặt trăng?

Ts Phan Văn Song

Tuần qua, ta mơ du ngoạn Sao Hỏa. Đâu cần đi xa quá vậy ! Tại sao không chinh phục chinh phục lại Mặt Trăng để khai thác Mặt Trăng, gần hơn ? Mặt Trăng ư ? Chuyện xưa rồi ! Đã làm rồi ! Huê Kỳ đã đến rồi ! Ngày 21 tháng 7 năm 1969, ngày đạt được mục đích, thỏa mãn làm xong sứ mệnh do Tổng Thống Kenney giao phó cho nhơn dân Mỹ, ngày đại thành công của một cuộc chạy đua với Liên Sô, kết thúc cuộc phiêu lưu, thỏa mãn tự ái toàn dân Mỹ và khối Tự Do? Ta chớ quên ngày ấy ! Phải :
Ngày 21 tháng 7 năm 1969, vào lúc 3 giờ 56. Là ngày con người có mặt tại Cung Trăng. Là ngày, là giờ, là phút, phi hành gia Huê Kỳ Neil Armstrong, người Mỹ, đại diện loài người đặt bước chơn đầu tiên trên Mặt Trăng, và thốt câu nói để đời : « Một bước nhỏ cho một con người, một bước vọt vĩ đại cho nhơn loại », kết thúc cuộc chạy đua vĩ đại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, đại diện cho hai khối tư tưởng, hai khối ý thức hệ, hai khối quan điểm kinh tế và chánh trị. Khối Tự do kinh doanh, Tư Bản lấy Con người làm trung tâm của hệ thống chánh trị xây dựng xã hội, và cứu cánh là Hạnh Phúc Con Người. Và khối Kinh tế chỉ đạo do Trung Ương tập quyền, Nhà Nước lãnh đạo, lấy Đảng làm trung tâm chánh trị của hệ thống xã hội, xem con người là dụng cụ là phương tiện, dùng chủ nghĩa làm cứu cánh để phục vụ Đảng và đảng viên.
Cuối năm 1950, thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối đang diễn lên cao độ ! Cuộc chạy đua chinh phục Vũ Trụ biến thành một cuốc tranh chấp chánh trị của hai ý thức hệ chánh trị và hai hệ thống kinh tế xã hội. Hai đối thủ, Mỹ Nga, đối lực, đối tài, tranh tài, tranh chấp đo lường, biểu dương và khoe sức mạnh của nhau, bằng một cuộc chạy đua xem ai chinh phục được không gian và vũ trụ, cái đích cuối cùng là đến, đột nhập vào nhà và chinh phục Chị Hằng Nga.

Cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ

1. Phe Liên Sô mở màn, thắng hiệp đầu :
Ngày 4 tháng 10 năm 1957, vệ tinh nhơn tạo đầu tiên của loài người, Spoutnik, được phóng lên quỷ đạo. Đó chỉ là một vệ tinh nhơn tạo, bề kính 58 phân-cm, nặng 83 kýlô. Bổn phận : phát một tín hiệu, Bip, được phát sóng liên tục, trên một giai tần để mọi dân chơi radio nào trên thế giới cũng nhận được, và trong vòng hai mươi mốt ngày. Tại sao 21 ngày ? Dễ hiểu ! Là hết pin ! Sức cục điện thuở ấy rất hạn chế !
Thế giới kinh ngạc, vì không ai ngờ đến. Và nhứt là Huê kỳ, anh Huê Kỳ, « quê một cục » - « mất mặt bầu cua » vì không tưởng tượng nỗi thằng nhà quê, kém kỹ thuật nầy có thể qua mặt mình ! Phóng được vệ tinh chứng minh rằng Liên Sô đã « biết » tạo những hỏa tiển đủ sức làm một con tàu chuyên chở và phóng vệ tinh !

2. Huê Kỳ trả miếng :
Ngày 1 tháng 2 năm 1958, Mỹ phóng vệ tinh Explorer 1, nặng 14 kílô. Vệ tinh nầy được thành hình trong vòng 84 ngày, mang những cục « pin » chạy bằng « thủy ngân-mercure » chiếm 40% của trọng lực vệ tinh. Ngon lành ! Thế nhưng,

3. Liên Sô bồi cú « xí mứn » :
Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Liên Sô đưa lên quỷ đạo vòng quanh trái đất, Youri Gagarine, người phi hành gia đầu tiên (của nhơn loại ! ).
Phi hành gia Youri Gagarine, được phóng từ sân bay Baïkonour (Kazakhstan) trên phi thuyền Vostok 1. Chỉ 108 phút sau, Touri Gagarine, sau khi đã « bay » trọn một vòng quỷ đạo quanh Quả Đất, bỏ tàu và nhảy dù đáp xuống. « Sác suất thành công chỉ có 50%... ». Chiếu theo bức thư Youri viết (lời trối trăn) cho vợ trước khi lên tàu vũ trụ ! Quả thật là một anh hùng ! (Nhưng với chế độ ấy, Youri có quyền từ chối không ? »
Lần nầy Mỹ thật sự mất mặt thiệt.

4. Mỹ, tức khí, giận lắm ! Vùng dậy:
Ngày 25 tháng 5 năm 1961 : Tổng Thống John Kennedy, trước Quốc Hội Mỹ quả quyết tuyên bố một chương trình vũ trụ đầy hứa hẹn : « Đã đến lúc chúng ta phải nỗ lực, đã đến lúc chúng ta, người Mỹ phải tham dự vào cuộc phiêu lưu nầy, đã đến lúc, người Mỹ chúng ta phải dẫn đầu cuộc chinh phục vũ trụ, vì dù sao đi nữa, đó cũng là chiếc chìa khóa của tương lai nước Mỹ… » Và Ông tiếp tục định nghĩa rõ ràng vai trò của Huê Kỳ « Tôi tin tưởng và mong rằng người Mỹ chúng ta sẽ chinh phục được Mặt Trăng vào cuối thập niên nầy. Chúng ta phải thành công chở đi và chở trở về trong an toàn một phi hành gia đến Cung Trăng…nếu chúng ta muốn thắng trận chiến giữa Tự Do và Độc Tài …»
Và chương trình Apollo ra đời. Và Tổng Thống Kennedy tiếp tục trình bày quan điểm và quyết định trong bài nói chuyện ngày 11 tháng 1 năm 1962 nhấn mạnh : « Năm qua, chúng ta đã có một nỗ lực lớn trong chương trình chinh phục không gian. Mục tiêu chúng ta không chỉ là người đầu tiên đến Cung Trăng cũng như năm xưa mục tiêu của Charles Lindbergh cũng không phải chỉ là người đầu tiên đáp xuống Paris. Mà mục tiêu của ông ấy cao cả hơn, ông muốn phát triển những kỹ thuật trong ngành khoa học không gian và hành không, cho quốc gia ông và thế giới. Chúng ta ngày nay cũng vậy, với mục tiêu nêu trên và với những hy sanh, cố gắng, tôi mong rằng, không những chúng ta sẽ đưa một công dân Mỹ đến Mặt Trăng, đi và về an toàn dễ dàng, mà còn mở rộng một biên cương mới cho một nền khoa học mới, cho một thế giới thương mại mới, những trao đổi mới của vai trò Huê Kỳ và Thế giới Tự Do. Quốc gia chúng ta sẽ là một trong những quốc gia tiên phong để khám phá ra Biên cương mới nầy, nếu không phải chính là Quốc Gia Tiên Phong ! ».
Ngày 20, tháng 2 năm 1962, phi hành gia John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay trong quỷ đạo, vòng quanh Quả Đất,mission- phi vụ Frienship 7, thuộc chương trình Mercury. Ông bay 3 vòng, và đáp xuống biển sau cuộc phi hành dài 4 giờ 55 phút 23 giây.
Ngày thứ tư 12 tháng 9 năm 1962 Tổng Thống Kennedy một lần nữa nhấn mạnh trong bài diễn văn để đời ở Houston, Texas : « Chúng ta chọn sứ mạng đi lên Mặt Trăng trong thập niên nầy, và sẽ chọn làm nhiều việc hơn nữa ! Không phải vì chúng ta chọn những « cái dễ », mà đây, đúng là chúng ta đang chọn những « cái khó », vì cái mục tiêu mà chúng ta muốn là tổ chức và đem hết tài lực và tài năng của chúng ta để phục vụ cái thách đố ấy mà chúng ta sẳn sàng tham dự, vì chúng ta không thể hẹn cho ngày mai, vì chúng ta phải sẳn sàng phải vượt qua, phải chiến thắng …»

5. Nhưng Nga lại trả miếng, và lại tiếp tục qua mặt :
Từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 6 năm 1963, Valentina Terechkova, người phi hành gia nữ đầu tiên bay vào quỷ đạo Trái Đất với phi thuyền Vostok 6. Sau 48 vòng, và 71 giờ bay, nàng hạ cánh yên lành trên những cánh đồng cỏ ở Kazakhstan.
Cùng hai ngày sau đó, ngày 18, Liên Sô bồi thêm một cú đấm uppercut vào Huê Kỳ. Liên Sô phóng phi thuyền Vostok 5 với phi hành gia Valeri Bylovski. Vostok 5 đáp sau Vostok 6, 3 tiếng – nghĩa là cùng một lúc có hai phi thuyền cùng bay.
Valentina vẫn giữ chức quán quân là người phi hành gia nữ bay một mình.
Năm 1964, chương trình Voskhod với những phi thuyền chở ba phi hành gia thay thế chương trình Vostok.
Ngày 18 tháng 3 năm 1965, Alexei Leonov trong chuyến bay của phi thuyền Voskhod 2, ra phi thuyền làm việc trong vũ trụ, lần đầu tiên, lơ lững trong vũ trụ 12 phút, từ đấy được thế giới nhìn nhận là « người bộ hành đầu tiên dạo chơi vũ trụ ». Nhưng với một trục trặc kỹ thuật nặng nề - phi thuyền Voskhod 2, khi trở về, đáp xa nơi dự tính trên 400 cây số, các phi hành gia phải lang thang đi lạc, mất tích gần hai ngày mới tìm lại được – vì vậy, chương trình Voskhod phải ngưng hẳn, đến mãi năm 1967, mới trở lại với chương trình Soyouz. Và nhờ vậy:

6. Huê Kỳ tung hết mười phần công lực, lấy lại thượng phong :
Để đi đúng mục tiêu do Tổng Thống Kennedy đề xướng, cơ quan NASA (National Aeronautics and Space Administration- Cơ quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia) Huê Kỳ phát họa ra nhiều chương trình để phục vụ các chuyến bay vũ trụ chinh phục Mặt Trăng.
Trong các chương trình ấy, có chương trình Gemini (10 chuyến bay với phi hành đoàn) để hoàn chỉnh kỹ thuật du hành vũ trụ. Cộng thêm, có những chương trình chỉ để bay dọ thám, lại có những chương trình chỉ để vẽ bàn đồ các bãi đáp, thăm dò địa thế, và đo lường địa chất.
Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 6 năm 1965, phi vụ Gemini 4 với hai phi hành gia McDewitt và White, đã cho phép Edward White trở thành người Mỹ đầu tiên đi ra ngoài vũ trụ. White chẳng những dạo chơi trong vòng 20 phút mà còn dùng một cây súng bắn hơi để di chuyển tới lui trái phải. Ngon lành hơn anh Nga kỳ trước.
Để đến đích là Mặt Trăng, các chuyên gia phải đi đến một kỹ thuật đầy mạo hiểm là dùng một điểm hẹn ở một quỷ đạo sát nút chung quanh Mặt Trăng. Muốn như vậy phải sử dụng hai phi thuyền, một mẹ, bay chờ ở quỷ đạo quanh Mặt Trăng, và một phi thuyền con dùng để giao lưu đi lại giữa phi thuyền mẹ và Mặt Trăng.
Hỏa tiển khổng lồ 3000 tấn, Saturn V do Von Braun sáng chế, đủ sức để phóng lên vòng quỷ đạo thấp giàn phi thuyền gồm hai chiếc mẹ và con nặng 118 tấn. Tài khoản cho toàn bộ chương trình là 30 Tỷ Dollars US, cho 12 năm, và sử dụng 400 ngàn nhơn viên và chuyên gia.

7. Chương Trình Apollo, Huê Kỳ đại thắng :
Thoạt đầu lắm gian nan, có cả tai nạn nặng nề. Ngày 12 tháng 4 năm 1967. Trong một buổi tập dược, một hỏa hoản xảy ra cho phi thuyền Apollo 1. Ba phi hành gia Grissom, White, và Chaffee tử nạn. Chương trình ngưng hẳn trong vòng 21 tháng. Trong thời gian ấy, hỏa tiển chuyên chở được hoàn chỉnh, đặc biệt ở từng thứ hai, từng gặp nhiều khó khăn vì phải dùng nhiên liệu là khí hydro lỏng (lần đầu tiên). Bay thử lại với Apollo 4, không chở người, tháng 11 năm 1967. Apollo 5, cũng không chở người, nhưng với phi thuyền con tung ra vũ trụ.
Chuyến bay thử Apollo 7, với phi hành đoàn ba người đi về thành công. Đây cũng là lần đầu tiên, khán giả màn ảnh nhỏ - đài truyền hình cho thể theo dõi cuộc phiêu lưu.
Apollo 8, tháng 12 năm 1968 (Huê Kỳ bị ám ảnh, sợ anh Liên Sô đánh lén vào dịp cuối năm, nên ra tay trước) với Borman, Lowell và Anders lần đầu tiên rời quỷ đạo Trái Đất bay vào quỷ đạo Mặt Trăng. Ba phi hành gia bay tất cả là 10 vòng quanh Mặt Trăng ở một quỷ đạo xa 300 ngàn cây số đối với Trái Đất nhà. Và đây cũng là lần đầu tiên mà con người thấy được mặt sau của Mặt Trăng.
Tháng 5 năm 1969, Apollo 10, đúng ra được lãnh nhiệm vụ đáp xuống Mặt Trăng. Nhưng sau khi nắm rõ tin tức rằng Liên Sô không đủ sức đi đến kết quả nầy, NASA quyết định chuyến bay nầy sẽ là chuyến bay ôn tập lần cuối. Chiếc thuyền con LEM « Snoopy », được thả ra, nhưng dừng lại cách « đất » Măt Trăng 15 cây số, không đáp xuống và quay trở về tàu mẹ !
Và phi vụ Apollo 11 phát từ ngày 16 đến ngày 24 tháng 7 năm 1969, với Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins được lệnh đáp xuống Mặt Trăng.
Ngày 20, Armstrong và Aldrin đáp xuống Biển An Lành vào lúc 21 giờ 17. Armstrong, rời chiếc thuyền con LEM « Đại Bàng-Eagle » và ngày 21 vào 3 giờ 56, đặt chơn xuống « đất » Mặt Trăng.
Và thốt câu nói lịch sử : « Một bước nhỏ cho một con người, một bước vọt vĩ đại cho nhơn loại ».
15 phút sau, Aldrin, cũng xuống « trăng » nhập bọn cùng Armstrong, và hai phi hành gia đồng hành dạo chơi trên « đất trăng », nhưng chỉ trong vòng 2 giờ 30 phút. Sau tất cả 21 giờ và 28 phút, có mặt sanh hoạt trên « đất » của vệ tinh chúng ta, thuyền con cất cánh và bay « lên » nhập về thuyền mẹ do Collins thủ tay lái bay quanh quỷ đạo Mặt Trăng để chờ, và chở toàn đoàn phi hành về lại quê « Trái Đất » mẹ. Một tỷ khán giả trên thế giới theo dõi truyền hình.
Giấc mơ của Tổng Thống Kennedy đã toại.

*Vài phi vụ cuối cùng :
Sáu phi vụ tiếp theo (12, 13, 14, 15, 16 và 17). Một phi vụ (13) không đáp được vì trục trặc kỹ thuật. 12 phi hành gia đã du và đạp « đất » Xứ Hằng Nga …
Từ dạo ấy, từ sau Apollo 17, tháng 12 năm 1972, con người đã bỏ quên không trở về Mặt Trăng nữa. Và đến ngày hôm nay, Huê Kỳ là quốc gia duy nhứt đã chinh phục Mặt Trăng.

8. Và ngày mai ? Tương lai mặt trăng :
Trạm không lực Trung Cộng ? Trạm du lịch hay đồn điền khai thác khoáng sản? của Mỹ? của Âu Mỹ? của thế giới?
Mặt trăng chẳng những chứa nhiều tiềm lực tài nguyên, ngoài các khoán sản, đất hiếm, mặt trăng cũng có một vai trò chiến lược, một trạm không gian thiên nhiên, ở một vị trí cao nhứt có thể kiểm soát (quân sự, kinh tế, khoa học…) tất cả …và cũng có thể là một vùng dùng để khai thác… và… chứa di dân, khi trái đất đang trên đà chật hẹp, ngoài đất hẹp người đông, còn đang gặp nạn biển dâng, lũ lụt, và đất đang bị Biển xâm chiếm do trái đất đang nóng dần!
Mặt trăng cũng có thể là một trạm chuyển tiếp cho những cuộc du hành không gian xa. Với kỹ thuật khoa học mới, có thể một đồn điền khai thác nguyên liệu, khoán sản, đất hiếm như đã nói trên. Kỹ thuật khoa học ngày có thể tạo điều kiện cho loài người sống dài hạn ở mặt trăng.
Nhưng cũng có thể coi chừng, mặt trăng với kỹ thuật khoa học ngày nay cũng có thể biến thành một vùng tranh chấp quân sự, vì sẽ là một là một đồn canh, một tháp canh, hay một căn cứ quân sự.
Trung Cộng đang có chương trình gởi người lên mặt trăng. Nay mai Tàu sẽ đặt chơn đến mặt trăng, kỹ thuật ấy không khó vì Mỹ đã làm được từ gần 50 năm nay rồi. Cường quốc nào lên mặt trăng được, sẽ lập một căn cứ quân sự, sẽ có cơ hội với những chiến cụ tân thời, dùng những vệ tinh nhơn tạo kiểm soát hay đánh phá nền an ninh của các địch thủ hay cả thế giới.
Mong khủng hoảng kinh tế tài chánh của Tàu thắng bớt tham vọng của Hán tộc ! Mong lắm !
Ai sẽ lên chiếm đất giành dân đây ? Mỹ, Nga, Tàu ?
Hay dân Việt Nam ? Phe ta quen nghề di cư tỵ nạn. Ngày mai sẽ có phở và sẽ có chả giò trên cung trăng. Ngày ấy chắc vui lắm ! Phe ta du nguyệt điện !
Que sera? sera.

Hồi Nhơn Sơn, những ngày chớm Thu
Phan Văn Song

 

Đăng ngày 27 tháng 09.2015