Mưa Sàigòn


Mai Thanh Truyết

Tháng sáu trời mưa. Trời mưa tháng sáu! Bài hát xưa vẫn còn văng vẳng đâu đây…
Mùa mưa Sàigon hàng năm thường bắt đầu từ tháng năm. Mưa có làm dịu mát cơn nóng của mấy tháng trước đó, nhưng mưa lại làm cho sinh hoạt và cuộc sống của người dân ở nhiều vùng bị đảo lộn.

1. Ta cám ơn trời mưa hay trách cứ trời mưa?
Tất cả câu trả lời tùy thuộc vào tâm cảnh và suy nghĩ của từng lớp người nhìn từ nhiều góc độ khác nhau:

  • Đối với những cặp tình nhân ở lứa tuổi đôi mươi, mưa sẽ là một dung môi, là phân bón làm cho cây tình yêu mau đâm chồi nảy lộc.
  • Đối với người nông dân, mưa báo hiệu cho một vụ mùa sắp đến và nguồn thu hoạch trong vụ mùa tùy thuộc vào lượng nước và sự điều hòa của mùa mưa.
  • Đối với người bán hàng rong … mưa là nổi cực hình mỗi khi di chuyển. Những gánh hàng ế ẩm làm nãn lòng bậc làm cha mẹ khi mang lượng hàng dư thừa về nhà trong lúc đàn con nheo nhóc chờ đợi buổi cơm chiều có thêm vài thức ăn chứa nhiều protein hơn là khoai sắn.
  • Đối với người làm công, lao động tay chân…mỗi cơn mưa là một sự hành hạ xác thân vì phương tiện di chuyển đi về nghèo nàn, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào; cũng như có thể bị té ngã và ướt át nếu một xe "ô tô" của đại gia nào đó chạy tạt qua mau quá…!
  • Đối với những người có cuộc sống dư thừa, và sống bên ngoài lề xã hội Việt Nam đang oằn oại dưới ách chuyên chính vô sản Bắc Việt, mưa càng làm tăng thêm tính vô cảm xơ cứng trong tâm thức của họ. Vì sao? Vì mưa sẽ tạo thêm điều kiện cho họ để đốt đô la cướp đoạt của dân tộc qua những cuộc "nhất dạ đế vương", trong những phòng lạnh đầy tiện nghi bên cạnh những thân xác của phụ nữ vì hoàn cảnh mà phải bán thân.

Đứng về phương diện môi sinh, mưa ảnh hưởng lên Sàigòn qua hai phương diện khách quan và chủ quan:

  • Về khách quan, vì mưa tự dưng đến và tự dưng đi không báo trước (đối với CSBV). Thật ra, mưa có thể được dự phòng trước nếu có một chính quyền biết lo cho dân. Do đó mưa sẽ làm cho sinh hoạt của Sàigon sẽ không bị xáo trộn.
  • Về chủ quan, mưa Sàigòn là một minh chứng hùng hồn nói lên tính bất lực của những người quản lý đất nước hiện tại, bất lực vì hiện tượng ngập lụt ở Sàigòn vì mưa xảy ra hằng năm, nhưng họ vì lý do này hay lý do khác vẫn để hiện tượng trên xảy ra triền miên trong suốt 43 năm qua. Và ngay cả những ngày không mưa, Sàigòn vẫn bị ngập lụt mỗi khi triều cường lên!

 

2. Mưa ảnh hưởng lên Sàigòn hôm nay
Thành phố Sàigòn trước kia có cung cách xây dựng, kiến trúc, cũng như quy hoạch phát triển thành phố (urbanization) dựa trên dân số khoảng nửa triệu dân vào những năm 50 của thế kỷ trước. Cầu cống và kinh rạch thoát nước dự trù giải quyết cho lượng nước mưa độ 2000mm/năm được điều tiết thẳng vào sông Sàigòn chỉ sau một thời gian ngắn ngưng đọng ở những vùng thấp hơn mặt biển.
Ngày nay, với dân số ước tính trên 8 triệu, với diện tích xây dựng khu dân cư và đường xá chằng chịt thiếu hệ thống hóa khiến cho dòng chảy của mưa bị ngăn chận trong nhiều khu vực trước khi đổ ra sông Sàigòn. Hệ thống cống rãnh không được nới rộng hay sửa chữa ở những vùng nội thành và ngoại ô trước khi trở thành khu đô thị; từ đó chuyện ngập lụt đường phố sau mỗi cơn mưa là câu chuyện "hằng ngày ở huyện".
Thậm chí, một số ống dẫn nước sinh hoạt vào nhà dân cư mới xây dựng trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều đường ống "cái" thay vì nằm sâu trong lòng đất, lại được cho lấp đặt bên trong các cống thoát nước! Từ đó, một vấn nạn mới cho bà con là …nhiều khi nguồn nước sinh hoạt của mình có màu và mùi khác lạ, vì ống nước bị bể (không biết có cùng nghĩa với chữ "vỡ" hay không?) và nước cống tràn vào!!!
Chúng ta không quên, vùng Sàigòn trong những năm vừa qua đã xảy ra ba cơn động đất nhẹ, mặc dù căn cứ theo cấu tạo địa chất và lịch sử của vùng đất mới Sàigòn thì không thể nào có động đất được.
Nguyên do vì sao?
Hiện nay tuy chưa có một cuộc khảo sát sâu rộng nào để truy tìm nguyên do của sự động đất, nhưng chúng ta có thể nói:
- Việc xây dựng quá tải làm cho mặt đất bị lún.
- Việc xử dụng nguồn nước ngầm bừa bãi và lượng nước mưa cần thiết cho việc tái tạo nguồn nước ngầm không đủ để điều hòa dòng nước nguyên thủy.
Từ đó, ngoài các nghi vấn về nguyên do động đất trên, thỉnh thoảng trên mặt báo từ những năm gần đây thường hay xảy ra những hố sụp trên mặt đường gây thương vong cho những người di chuyển trên đường phố. Thậm chí có những hố sâu và lớn đến nổi có thể làm sụp và che khuất một chiếc xe vận tải lớn…
Tóm lại, mặt đất vùng Sàigòn vốn đã thấp, ngày nay càng thấp hơn so với mặt biển như những vùng: Quận 6, Quận 10, Bình Chánh, Lê Minh Xuân… mặt đất thấp hơn mặt biển hàng 50cm.

3. Các hướng giải quyết:  Việc xây đê bao cho Sàigòn
Ở các nước tây phương như Hoa Kỳ chẳng hạn, việc quy hoạch phát triển thành phố cần phải đi đôi với việc phòng ngừa ngập lụt. Việc phòng ngừa này căn cứ vào hệ thống cống rãnh, xây dựng những hệ thống thoát nước mưa lộ thiên. Ngoài ra, còn có những vùng đất thấp dùng để trữ lượng nước mưa tạm thời (inundation pond). Và đến khi mùa khô, nơi nầy có thể biến thành công viên cho người đi dạo khi không có nước mưa ứ đọng; và mỗi khi mưa to, công viên thấp này biến thành một hồ "chứa nước" từ nhiều khu vực trong thành phố để rồi vài ngày sau đó nước mưa sẽ biến mất qua hai hiện tượng:
- Bốc hơi do ánh nắng mặt trời.
- Nước mưa qua thẩm thấu (perculation) vào lòng đất và làm đầy dòng nước ngầm phía bên dưới.
Rất tiếc, hai điều trên không xảy ra cho vùng Sàigòn. Hệ thống sông ngòi và kinh rạch ở Sàigòn giống như những tĩnh mạch trong cơ thể con người, trong đó người dân di chuyển và luân lưu trong những dòng huyết mạch trên. Ngày nay những dòng nầy đã bị ứ đọng, tắt nghẽn vì cholesterol và triglyceride (qua xây dựng) làm cho dòng chảy bị hạn chế. Do đó việc ngập lụt xảy ra là đương nhiên.
Để giải quyết vấn đề này, vào ngày 8 tháng 4 năm 2013, thành phố Sàigòn qua sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), một hội nghị giữa những người lãnh đạo thành phố Sàigòn và thành phố Dutch of Rotterdam (Hoà Lan) nhằm nâng cấp hệ thống kinh rạch vùng nội thành để giải quyết nạn ngập lụt và dự án Việt-Hoà Lan hình thành trong chiều hướng nhắm đến việc thích ứng với hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Và cũng được biết, dự án bị chấm dứt nửa chừng vì…vụ kiện của triệu phú chả giò(?)
Chúng ta được biết hơn phân nửa đất thành phố trong nội thành (inner city) chỉ cao hơn trên mặt biển khoảng một mét mà thôi. Căn cứ vào một số khảo sát khoa học gần đây, việc sử dụng nguồn nước ngầm quá tải càng làm tăng thêm nguyên nhân ngập lụt thành phố. Theokết quả thăm dò của Ngân hàng Phát triển Á Châu thì khoảng 70% đất thành phố có nguy cơ ngập lụt thường xuyên và hiện tượng này ngoài những lý do nêu trên còn là một nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe của người dân qua việc nhiễm trùng kiết lỵ (Dysentery) và thổ tả (Cholera).
Chuyên gia Melissa Merryweather, một cố vấn quy hoạch kiến trúc của thành phố tuyên bố rằng với tình trạng thành phố Sàigòn hiện tại, ngay cả với một chuyên gia phát triển thành phố thượng thặng cũng không thể nào giải quyết vấn nạn ngập lụt nơi đây. CSBV ở thành phố đã từng khởi xướng một kế hoạch xây dựng đê bao vòng đai dài 106 dặm (172km) với kinh phí 2 tỷ 6 đô la để ngăn chặn vùng phía tây sông Sàigòn; và dự án này không được Ngân hàng Thế giới chấp thuận vì phương cách giải quyết việc ngăn ngừa ngập lụt không được hữu hiệu dưới cặp mắt của nhiều nhà chuyên môn đối với địa chất của vùng nầy.
Một hướng giải quyết khác được đề nghị do công ty tư vấn Hòa Lan Royal Haskoning với kinh phí 1 tỷ 4. Dự án này tương đương như dự án ở New Orleans (Hoa Kỳ) là Hồ Ponchartrain là một hồ chứa rất lớn (có đường kính 24 miles) để điều tiết mực nước mỗi khi mưa lũ… Tuy nhiên bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam không thỏa mãn với dự án trên vì chi phí nhỏ không đủ để chi dụng cho những công đoạn "mờ ám". Theo ông Hồ Long Phi, một giáo sư của Đại học tpHCM, việc xây dựng một hệ thống phòng ngừa ngập lụt ở Sàigòn cần phải có nhiều biện pháp dài hạn và giải quyết theo chiều hướng thuận lợi với thiên nhiên. Tuy nhiên những phương án dự trù hiện tại nhằm mục đích giải quyết việc ngập lụt trước mắt có tính cách thiển cận.
Đây sẽ là một nguy cơ cho các thế hệ về sau.

4. Thay lời kết
Nhân Ngày Nước Thế Giới 22/3 năm nay, Liên Hiệp Quốc lấy chủ đề là "Giải Pháp Cho Nước Dựa Vào Thiên Nhiên" và mở hội nghị về hướng xử dụng và bảo vệ nguồn nước cho hợp lý và hợp với thiên nhiên. Những khuyến cáo nêu ở phần trên, thiết nghĩ Việt Nam cần phải lưu tâm nhiều hơn nữa. Lý do là:

* Việt Nam tuy là một quốc gia có trữ lượng nước mặt và nước ngầm rất lớn, nhưng vẫn thiếu nước căn cứ theo uớc tính của LHQ. Cũng theo đánh giá trên, nguồn nước mặt và nước ngầm có dấu hiệu cạn kiệt. Hiện nay lượng nước trung bình tính theo đầu người trên thế giới là 4.000 m3/người/năm, nhưng Việt Nam chỉ đạt được 3.800 m3/người/năm mặc dù vũ lượng ở VN trung bình từ 1500 đến 2000 mm/năm. Phân bộ Khoa học Nước thuộc UNESCO và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) luôn luôn đặt trọng tâm lên quyền bảo vệ trẻ em, để giúp đở trẻ em có đủ nhu cầu nước tối thiểu trong đời sống để phát triển. Do đó một Phân bộ của Quỹ nầy là Chương trình Nước, Môi trường, và An toàn Vệ sinh (Water, Environment, and Sanitation Program) đặt biệt theo dõi tình trạng và nhu cầu nước của trẻ con và phụ nữ để làm thống kê và thông báo cho thế giới những tin tức cập nhật về vấn đề nầy.

* Trong lúc đó, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) có mục đích giúp đở các quốc gia cố gắng đạt được sự phát triển con người bền vững bằng cách trợ giúp phương tiện tài chính cũng như những chương trình phát triển khác trong đó nạn cứu đói giảm nghèo là chính. Các chương trình liên quan về nước của UNDP là:
1 - Giúp đỡ các quốc gia trong cung cách quản lý nguồn nước.
2 - Thành lập những trung tâm phát triển vùng khô.
3 - Thiết lập hệ thống quản trị nguồn nước ngọt và môi trường như: phẩm chất nước, hệ thống dẫn thủy nhập điền, nước ngầm, quản trị nguồn nước giữa các quốc gia, nước và hệ sinh thái, nạn hạn hán và ngập lụt, và việc quản lý nước trong các thành phố.
4 - Quan trọng hơn cả là khuyến khích tư nhân hợp tác với chính quyền trong việc bảo vệ môi trường nhất là ở các thành phố lớn.
Còn Tổ chức Lương Nông Thế Giới (FAO) đặt trọng tâm đến việc tăng trưởng nguồn dinh dưỡng và tiêu chuẩn cho đời sống cũng như tăng khả năng sản xuất trong nông nghiệp và điều kiện sống của người dân khắp nơi. Và để thực hiện các chương trình trên, việc chính yếu phải làm là quản lý và phát triển nguồn nước cho nông nghiệp để đi đến một sự phát triển bền vững hầu tạo ổn định và nâng cao đời sống người nông dân.
Tạp chí IBTimes (Anh) đã đăng tải lại những hình ảnh mang thông điệp mạnh mẽ để nhắc nhở chúng ta rằng cứ 10 người lại có 1 người không được tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn.

Nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn, là nền tảng cho đời sống con người. Vì thế, hãy sử dụng nguồn nước một cách có trách nhiệm, đừng lãng phí nó.
Chúng ta, những người con Việt quốc nội và hải ngoại cần phải lưu ý khuyến cáo về những vấn đề trên vì vùng đất chúng ta đang cư ngụ hiện tại cần phải được bảo vệ và bảo trì, nếu không, đây sẽ là một món nợ mà chúng ta đã vay mượn của các thế hệ về sau.

Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam

Mùa Lễ Lá 2018

http://maithanhtruyet.blogspot.com
https://www.facebook.com/envirovn



Phải chăng vấn đề môi trường

sẽ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam sụp đổ?

David Hutt * Nhóm CTDVC

1. Các cuộc biểu tình về môi trường cho thấy một thách thức lớn cho chế độ cộng sản.
Trong nhiều năm, bà Trần Thị Nga đã bị nhà cầm quyền Việt Nam quấy nhiễu và hành hạ, chi tiết đã xuất hiện trong báo cáo mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), công bố hồi đầu năm nay. Cuối cùng, bà đã bị bắt vào tháng Giêng với cáo buộc đã sử dụng “Internet để đăng một số đoạn băng và bài viết tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo báo chí nhà nước.
Thực ra, những gì bà thực sự đã làm là tham gia vào một số cuộc biểu tình về môi trường và thể hiện tình đoàn kết với các nhà hoạt động xã hội bằng cách gặp gỡ họ tại nhà và tham dự các phiên tòa xử họ.
Bà ấy không đơn độc. Trong khoảng thời gian vài tuần, các nhà chức trách Việt Nam cũng đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Oai, cựu tù nhân chính trị, và Nguyễn Văn Hóa, nhà hoạt động nhân quyền, đã vận động chống lại thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây ra (với nhiều chi tiết hơn sau đó). Những tháng trước, nhà nước đã bắt Nguyễn Danh Dũng; blogger Hồ Hải và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh; và một số nhà phản kháng người dân tộc Degar. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, có ít nhất 112 blogger và nhà hoạt động xã hội hiện đang bị án tù với cáo buộc không có gì khác hơn là nói lên suy nghĩ của mình.

2. Vấn đề môi trường
Điều gây ngạc nhiên là nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã tập trung vận động về các vấn đề môi trường trong những năm gần đây. Tại sao? Thứ nhất, bởi vì điều này đã trở thành một vấn đề thường xuyên của đất nước. Tháng 4 năm 2016, những cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy đã diễn ra trên khắp nước Việt Nam, sau vụ nhà máy thép Formosa xả chất độc khiến 70 tấn cá chết trôi dạt vào chiều dài 200 cây số của bờ biển miền Trung Việt Nam.
Số báo phát hành ngày 18-24 tháng 2 năm 2017, mục The Economist’s Asia column do Banyan viết từ Đồng Hới, một thủ phủ của bờ biển miền Trung, nơi hàng ngàn con cá chết đã trôi dạt vào bờ biển suốt năm 2016. Hiện nay, người dân sợ ăn cá sống ở ven bờ, số khách du lịch giảm, đầu tư hầu như dừng lại, và ngư dân cố gắng sống qua ngày. Ở những nơi khác, tình hình môi trường không có gì tốt hơn.
Báo ‘The Economist’ cho biết, ô nhiễm môi trường đã tiêu hủy hầu hết các cảnh quan của đất nước:
- Việc xây dựng đập nước phá hủy đồng bằng sông Cửu Long.
- Khói bụi làm Hà Nội nghẹt thở, trong khi phần lớn thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập nước vào cuối thế kỷ này. Danh sách đầy đủ các vấn nạn ngày càng dài.
Thật thú vị, một lý do khác cho sự gia tăng các cuộc biểu tình môi trường vì môi trường là một trong vài vấn đề vượt qua mọi sự ngăn cách:
- Nó kết hợp các ngư dân nghèo và những người cấp tiến tương đối giàu có ở đô thị.
- Người tiêu dùng và những nhà sản xuất; những nhà dân chủ và xã hội.
Đây cũng là lý do vì sao môi trường trở thành một vấn đề quan trọng đối với chính quyền Việt Nam. Không giống như vấn đề nghiệp đoàn hoặc tự do ngôn luận, tôi không nghĩ họ biết sự quan tâm về môi trường tăng sức mạnh cho giới phê bình và gây mất lòng với giới trung thành [với chính quyền]. Những cảm tình viên nghèo có thể bỏ qua sự bóp nghẹt phương tiện truyền thông và vấn đề đảng nói thay cho quần chúng. Nhưng khi đất nông nghiệp bị ngập lụt từ rác thải công nghiệp và yếu kém trong việc bảo quản đất, hoặc sông biển chỉ còn toàn cá không ăn được, hoặc một nhà máy do người nước ngoài làm chủ, xem thường vấn đề môi trường của đất nước, lý tưởng của cuộc cách mạng cộng sản phải bị đặt dấu hỏi.

3. CSBV hạn chế thiệt hại về môi trường
Kết quả là, chính quyền đã tìm cách hạn chế thiệt hại về môi trường. Trên thực tế, chính quyền có luật “xanh” khá mạnh (nghiêm ngặt hơn Trung Cộng trên giấy tờ) và có kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon từ nền kinh tế [gây ra]. Dù vậy, như The Economist đã ghi nhận không sai, “Làm cách nào điều này đi đôi với với kế hoạch xây dựng hàng chục trạm phát điện chạy bằng than, là điều ai muốn hiểu sao thì hiểu”.
Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam sẽ thất bại. Môi trường, được cho là ở mức độ lớn hơn các mối quan tâm khác, đã bày ra những khó khăn cơ bản trong chế độ Cộng sản Việt Nam.
Thật vậy, đối với tất cả sự phức tạp dễ thấy của chính trị Việt Nam, thực sự cũng khá đơn giản: không có bầu cử [tự do] và bất kỳ sự tham gia đáng kể nào của công chúng, tính hợp pháp của chính quyền phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng mối quan tâm về môi trường đang kiểm tra kỹ lưỡng tính hợp pháp này.
Một ví dụ: Chính phủ từ lâu tuyên bố rằng các nhà hoạt động chỉ là những con rối của các quyền lực nước ngoài. Bây giờ, họ (chính phủ) lại là kẻ bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài bị tố cáo hủy hoại môi trường.
Quan trọng hơn, để duy trì tăng trưởng kinh tế, chính quyền Việt Nam cần đầu tư nước ngoài, chánh yếu từ TC, chính là thứ nước hủy hoại môi trường, như người dân Đồng Hới biết quá rõ. Một phát ngôn viên của Formosa, công ty Đài Loan, đã hầu như biết trước khi ông nói rằng người Việt Nam nên quyết định liệu họ muốn bắt cá hay “xây dựng ngành kỹ nghệ thép hiện đại”. Hashtag “Tôi chọn cá” đã trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Mặc dù chính quyền trung ương Việt Nam đã quyết định rằng việc hủy hoại môi trường cần phải bị chặn lại, họ đang chống lại con quái vật đã sinh ra nó. Một trụ cột của Đổi mới, bắt đầu vào năm 1986, là sự tản quyền, chuyển quyền lực từ trung ương xuống các tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2004, khi chính quyền ban hành Nghị quyết 8, cho thấy rõ là sự việc đã không xảy ra như dự tính. “Ý tưởng và nhận thức về chính sách tản quyền và các giải pháp không rõ ràng, không liên kết và không nhất quán giữa chính quyền trung ương và địa phương“, nghị quyết nói.
Người ta không mong đợi điều gì phức tạp hơn từ ngòi bút của người cộng sản. Tuy nhiên, rõ ràng là vào đầu năm 2004, chính phủ đã nhận thức được những sai lầm của chính mình. Mặc dù vậy, vấn đề tản quyền vẫn luôn bị bôi bẩn bởi sự không tương thích cơ bản của nó với chế độ. Như Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright ở thành phố Hồ Chí Minh, viết trong một bài báo năm 2016, “Việt Nam: Tản quyền giữa sự phân rẽ”.
“Tản quyền đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong vai trò của nhà nước, từ nhà tổ chức xã hội và người ra quyết định đến người điều hành và người đặt ra quy luật. Tuy nhiên, trong một hệ thống có thứ bậc và tập trung như Việt Nam, sự chuyển đổi này không bao giờ đơn giản vì nó không chỉ liên quan đến sự thay đổi trong tổ chức nội bộ của chính quyền, mà còn làm suy yếu quyền lực sẵn có của nó”.
Ông Tự Anh tiếp tục nói rằng “gia tăng quyền tự quyết của chính quyền địa phương không tự nó bảo đảm trách nhiệm giải trình”. Thực ra, người ta có thể nói trách nhiệm giải trình chưa bao giờ là yếu tố đầu tiên trong việc điều hành đất nước. Không có dân chủ, ai sẽ là người bắt các chính trị gia Việt Nam phải chịu trách nhiệm? Nhất là những người ở vị thế cao hơn. Tuy nhiên sự tản quyền sẽ làm suy yếu hệ thống, tạo nên một đất nước đầy lãnh chúa, như một số nhà phân tích đã nói – hoặc “chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa khu vực” mà chính quyền đã cảnh báo vào năm 2004. Báo ‘The Economist’ đã chế nhạo như thế. Tờ báo viết, “Trong khi các chiến sĩ chống khói bụi ô nhiễm ở Bắc Kinh bắt đầu đóng cửa các nhà máy và hạn chế việc sử dụng xe hơi, các ông lớn ở Hà Nội vẫn vật lộn với việc ngăn cấm xe gắn máy đậu trên vỉa hè”.
Đây là lý do tại sao chúng ta đi tới tình huống mà chính quyền trung ương có thể đặt ra luật để hạn chế phá hoại môi trường, nhưng chỉ có vài chính trị gia ở cấp tỉnh chú ý đến. Thật vậy, nhiều người đã phát phì do bỏ qua các quy định. Giải pháp duy nhất là bộ chỉ huy trung ương phải gia tăng tính quyết đoán, gây nguy hiểm cho kế hoạch tản quyền trong bốn thập niên qua, hoặc cố gắng cải cách hành động của các nhà quản trị cấp tỉnh, mà dường như không hiệu quả.
Do không có cách nào thực hiện được, nên nhà cầm quyền Việt Nam đã trở lại với điều mà họ rành rẽ nhất: bịt miệng bất đồng chính kiến và cứ tiếp tục như thế.
Mùa Quốc hận 2018
Diplomat 22-3-2017
Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng

danlambaovn.blogspot.com


Việt Nam: Bài toán phát triển Công nghiệp

& Ô nhiễm môi trường

Nhìn lại bối cảnh Việt Nam trong thiên kỷ thứ ba, chúng ta thấy rằng, mặc dù có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước, Việt Nam vẫn còn lúng túng trong những toan tính giải quyết cùng một lúc những nhu cầu của Đất và Nước. Do đó, Việt Nam hiện đang đứng trước hai nhu cầu cấp bách của đất nước:
- Nhu cầu phát triển công nghệ sản xuất để sinh tồn
- Nhu cầu giải quyết các phế phẩm để làm sạch môi trường do nhu cầu phát triển trên tạo ra.
Nhu cầu giải quyết nạn nhân mãn hay hạn chế sinh sản không được đề cập đến trong bài nầy mặc dù đó là một vấn đề bức thiết cần được lưu tâm và giải quyết ưu tiên.
Vấn đề là làm thế nào để có một cân bằng hài hòa cho hai nhu cầu trên.
Nếu đặt trọng tâm vào nhu cầu phát triển và coi nhẹ nhu cầu giải quyết môi trường sẽ là một đại nạn cho Việt Nam trong một tương lai rất gần. Và nếu làm như thế, thế hệ con cháu chúng ta sẽ nguyền rủa chúng ta đã không những làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước mà còn hủy hoại môi trường sống của thế hệ tương lai.
Trái lại, nếu đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ môi sinh và làm chậm mức phát triển thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và đất nước sẽ khó phát triển đúng đắn.
Tiếc thay, ngay từ khi bắt đầu mở cửa năm 1986 trở đi, Việt Nam đã chọn con đường đầu tiên. Và đó cũng là một điều bất hạnh cho đất nước sau…32 năm…đi lạc đường!

1. Đất nước Việt Nam
Việt Nam là một nước đặt trọng tâm vào nông nghiệp và các công nghệ biến chế nông phẩm và lương thực. Kỹ nghệ dầu hỏa và biến chế dầu còn đang ở trong giai đoạn thô sơ ở mức khai thác dầu thô và công cuộc tinh chế dầu và công nghệ hóa chất chuyển hóa từ dầu vẫn còn nằm trong những dự án, và chỉ mới bắt đầu bằng những bước căn bản của kỹ nghệ hóa dầu như: sản xuất, cồn (rượu ethylic), hexane, benzen, butane v.v…
Các công nghệ hóa chất như acid sulfuric, chlorhydric, sút, acetylene, và một số hóa chất căn bản khác trong kỹ nghệ vẫn còn trong tình trạng sản xuất cá thể chưa tập trung vào các quy mô lớn... Công nghệ chế biến cao su cũng còn ở mức ban đầu và chưa có những công nghệ cao cấp để cho ra những thành phẩm sau cùng (final product) cho nhu cầu xã hội. Công nghệ dược phẩm vẫn còn ở mức nhập cảng thành phẩm với khối lượng lớn để rồi pha trộn thành dược liệu và cung cấp cho thị trường.
Thêm nữa, sự phân bố các công nghệ kể trên không đồng bộ và không chia đề trên bình diện quốc gia. Nội trong bốn tỉnh thành Sàigòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng có nhiều công nghệ nhất nước.
Trong vùng nầy có 30.000 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể và 130 khu công nghiệp, khu liên hợp, và khu chế xuất, chiếm 70% tổng sản lượng trên toàn quốc.

2. Phát triển công nghiệp sản xuất
Do việc tập trung công nghệ và chưa có một chính sách rõ ràng (hay chưa được chấp hành nghiêm chỉnh!) mức độ ô nhiễm ở các vùng nầy đã vượt khỏi mức báo động từ lâu. Với ước tính trên 500 tấn rác dân chúng đổ thẳng xuống kinh rạch cộng với nước thải từ khu chế công nghiệp Biên Hòa đổ ra ở phường An Bình, chỉ cách nguồn cung cấp nước của nhà máy nước chưa đầy 3 km làm cho dân chúng trong vùng luôn sống trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Cho đến nay, bộ phận thanh lọc các phế thải kỹ nghệ trong các nhà máy chỉ được một vài công ty ngoại quốc hay liên doanh (jointventure) thiết kế và chấp hành nghiêm chỉnh còn tuyệt đại đa số các công ty quốc doanh và cá thể đều không trang bị hệ thống thanh lọc phế thải rắn, lỏng, và khí; hoặc nếu có là chỉ để che mắt các Cơ quan kiểm soát môi trường mà thôi.

  • Một thí dụ điển hình là nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Biên Hòa, có nhà máy «Xử lý» phế thải lỏng, nhưng chỉ dùng để phô trương những khi có thanh tra. Ngoài ra, nhà máy có những đướng ống đặt biệt xả thải hàng ngày chảy thẳng vào sông Đồng Nai. Tính đến nay, từ năm 1997 (chỉ 3 năm sau khi bắt đầu đi vào hoạt động) cho đến 2016, nhà máy đã «chính thức» bị 6 lần vi phạm bị bắt tại trận, thế mà nhà máy vẫn nhận được huy chương và bằng khen sản xuất tốt.
  • Một thí dụ thứ hai là Khu liên hợp Đa Phước, hàng ngày tiếp nhận trên 3.000 tấn rác của thành phố Sài Gòn, nhưng chỉ có một nhà máy «xử lý» nước rỉ (leachate) với đường ống dẫn nước đã thanh lọc bằng thủy tinh có đường kính là 1in. (tức 2,5 cm)!

Theo ước tính, với 7 triệu tấn rác hiện có, hàng ngày 1 tấn rác có thể phân hủy và sinh ra khoảng 10 lít nước rỉ. Vậy với dung lượng trên, bãi rác sẽ thải hồi 70.000.000 (70 triệu) lít nước rỉ. Nhìn bồn chứa, khó có thể hình dung được dung tích của bồn có khả năng dung chứa một số lượng nước rỉ lớn như vậy! Năm 2017, khi Ông «đở đầu» Bí thư thành ủy ra Bắc, Ông TGĐ cũng chạy về Hoa Kỳ, và nhà máy đang nằm trong tình trạng bị đóng cửa.

3. Con đường Việt Nam «phải» đi
Qua các nhận định trên, con đường Việt Nam phải đi là làm thế nào dung hòa được việc tăng gia phát triển công nghiệp và cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Do đó, yêu cầu cần có một cân bằng cho hai nhu cầu phát triển công nghệ và giải quyết ô nhiễm môi trường ngày càng cấp bách hơn.
3.1 - Trước hết, việc phân vùng phát triển công nghệ cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc phân vùng không hợp lý tạo nên sự bất cân đối trong phát triển như trong trường hợp các khu công nghiệp của các tỉnh thành vừa nêu trên. Việt Nam đã có những cố gắng trong vấn đề nầy như việc thiết lập hai khu chế biến công nghệ dầu hỏa ở Dung Quất (Quảng Ngải) và ở Thanh Hóa. Việc nầy có thể đem lại quân bình lao động và sản xuất nhưng về hiệu quả kinh tế thiết nghỉ cần phải xét lại vì cơ sở chế biến quá xa so với nơi sản xuất dầu khí và hệ thống giao thông cùng tiếp liệu quá tốn kém!
3.2 - Việc tập trung công nghệ cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như đừng để cảnh trăm hoa đua nở trong việc chấp thuận giấy phép thành lập một cơ sở sản xuất: nhà máy chế biến thực phẩm nằm cạnh nhà máy hóa chất như trường hợp ở khu chế xuất Sông Bé, Đông Đô Đại Phố, Bình Dương v.v… Việc thiết lập một nhà máy mới cần phải có nghiên cứu rành mạch về các ảnh hưởng tác hại môi trường (Environmental Impact Assessment - EIA) trước khi được xây dựng.
3.3 - Sau hết để đáp ứng nhu cầu phát triển cần phải có máy móc bị du nhập từ ngoại quốc để thực thi các công nghệ sản xuất. Đây là vấn đề cốt lõi trong giai đoạn tiền phát triển nầy. Mọi quyết định sai lầm đều có thể đưa đến hậu quả không thể lường được. Cần phải có một tính toán trong tinh thần yêu nước tuyệt đối, không để các yếu tố khác sản sinh từ ước vọng phúc lợi riêng cho cá nhân ảnh hưởng lên những quyết định có tầm vóc quốc gia. Muốn được như thế, sự du nhập thiết bị cho công nghệ phát triển cần phải hội đủ những yếu tố sau đây:
Cần tránh nhập cảng:

  • Những công nghệ đã bị phế thải trên thế giới (obsolete technology).
  • Công nghệ có chu trình xử dụng ngắn hạn (short life cycle).
  • Công nghệ bất tương xứng so với công nghệ sẳn có trong nước (incompatible).
  • Và nhất là những công nghệ tác hại đến môi trường (environmental unfriendly).

Để đạt được những yêu cầu trên nhà dự phóng phát triển công nghệ lý tưởng cho tương lai của Việt Nam cần phải có:

  • Sự hiểu biết kỹ thuật và tình hình công nghệ trên thế giới để khỏi bị lừa do những tài phiệt ngoại quốc thiếu lương tâm.
  • Thận trọng trong việc thu nhận các tài khoản viện trợ của quốc tế vì phần lớn họ chỉ muốn viện trợ những thiết bị độc quyền (để gây áp lực và bắt chẹt chính quyền) hay thiết bị sắp phế thải (để tống khứ bị ra khỏi nước).
  • TÂM và Ý trong sạch trong việc phục vụ đất nước để khỏi bị ảnh hưởng kim tiền làm sai lệch quyết định.
  • Và sau hết cần phải suy nghĩ thật sâu trong việc cân bằng bài toán phát triển và môi trường.

Nếu nặng lo về phát triển để giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt và nhẹ về xử lý ô nhiễm môi trường thì sẽ đưa đất nước gần đến hố diệt vong.
Nếu nặng lo về bảo vệ môi sinh và nhẹ về phát triển là không tưởng vì không đủ nguồn vốn và không giải quyết được vấn đề mưu sinh tối thiểu cho người dân.
Do đó, việc cân bằng bài toán phát triển và môi trường phải là một tập hợp của nhiều trí tuệ sáng suốt và phải dựa trên Chánh đạo nhằm mục đích phục vụ đất nước chứ không vì Đảng hay nhóm.
Nếu không có những điều kiện kể trên thì sẽ khó có thể có được một giải đáp hài hòa cho bài toán cân bằng nầy được.

4. Những vết xe đổ trong quá khứ và hiện tại
Xin đan cử ra đây một vài thí dụ khác về một lối giải quyết phát triển kinh tế có tính cách nhất thời và hủy diệt môi trường một cách tệ hại.
4.1 - Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị nhiễm mặn trầm trọng, nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền vì nhiều nguyên do khác nhau. Nhưng lý do chính yếu là do việc thiết lập các đập thủy điện trên thượng nguồn do Trung Cộng làm cho mực nước sông xuống thấp và không đủ lưu lượng để đuổi mặn trong mùa khô. Nhưng đứng trước nhu cầu xuất khẩu tôm cá, vì cần ngoại tệ, CSBV qua địa phương và trung ương khuyến khích việc chăn nuôi thủy sản nầy. Từ đó, dân chúng đổ xô vào khả năng kinh tế có lợi nhuận to lớn mà tự do khai mương mở rạch để dẫn nước mặn sâu vào nội địa và khai khẩn việc nuôi tôm. Việc làm nầy trước mắt tuy có đem lại phúc lợi cho người dân và nhà nước, nhưng trong dài hạn sẽ là một đại nạn cho toàn vùng... Nước biển sẽ mang nguồn sulfite từ biển vào sâu trong đất liền, và sẽ làm tăng lượng acid sulfate trong đất. Và chất sau nầy có thể là một trong những nguyên nhân phóng thích arsenic, một nguyên tố cực độc, vào nguồn nước sinh hoạt của dân chúng trong vùng.
4.2 - Thí dụ thứ hai: Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu để có thêm ngoại tệ, chính quyền khuyến khích việc tăng gia diện tích trồng cà phê. Và dân chúng đổ xô vào việc phá rừng để trồng cây công nghiệp cho nhiều năng xuất nầy. Rừng bị phá không theo một quy hoạch hay điều nghiên nào. Nhiều nơi trên vùng cao nguyên vì thiếu nước tưới tiêu trong mùa khô mà một số nông trại bị thiệt hại trắng! Thêm nữa, vì nạn phá rừng bừa bãi, lớp đất mặt không có nơi tựa nhờ vào các rễ cây rừng, cho nên bị xói mòn trong mùa mưa và đất trở thành chai mòn không thể khai khẩn được trong vài mùa sau đó!
4.3 - Thí dụ thứ ba: Vì nhu cầu điện khí hóa nông thôn, CSBV đã ưu tiên đầu tư vào việc nhập khẩu thiết bị cần thiết cho việc xây đập thủy điện từ 30 năm qua. Và vì không điều nghiên kỹ lưỡng tác hại môi trường của đập thủy điện cũng như không học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, Việt Nam đã có một lực lượng lao động đáng kể cho công nghệ nầy và một số thiết bị lỗi thời... Tệ hại hơn nữa, để giải quyết vấn đề lao động, CSBV quyền đã cho xây cất nhiều đập thủy điện ở miền Trung là nơi có những con sông với độ dốc thấp không thích hợp cho việc xây đập! Việc làm nầy đã gây di hại lớn là nhiều nơi không còn đủ nước để trồng trọt cho vùng trên.
4.4 - Thí dụ thứ tư: Thiết lập hệ thống nhà máy đường từ năm 2000 do máy móc và phụ tùng phế thải hoặc công nghệ lạc hậu do TC cung cấp với kinh phí trên 4 tỷ Mỹ kim từ Bắc chí Nam như:

  • Các nhà máy đường tại Miền Bắc: Sơn Dương, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Hoà Bình, Lam Sơn, Việt – Đài, Nông Cống.
  • Các nhà máy đường tại Miền Trung: Nghệ An-Tate & Lyle, Sông Lam, Sông Con, Quãng Bình, Phổ Phong – Quãng Ngãi, An Khê – Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Tuy Hoà, Ninh Hoà, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Phan Rang, Sugar VN.
  • Các nhà máy đường tại Miền Đông Nam Bộ: La Ngà, Bourbon Tây Ninh, Biên Hòa, Biên Hòa - Trị An, Biên Hòa - Tây Ninh, Nước Trong.
  • Các nhà máy đường tại ĐBSCL: Hiệp Hoà, Sóc Trăng, Bến Tre, Phụng Hiệp – Cần Thơ, Vị Thanh – Cần Thơ, Long Mỹ Phát, Tây Nam - Kiên Giang, Tây Nam - Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Ngần ấy nhà máy được xây dựng trong thập niên 2000. Chó đến nay, có thể nói trên 80% số nhà máy trên bị bỏ hoang vì được xây dựng trên những mãnh đất «chó ăn đá gà ăn muối» làm sao có đủ lượng mía để vận hành nhà máy!
4.5 - Thí dụ thứ năm : Hệ thống nhà máy nhiệt điện. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố hồi đầu tháng 4/2014, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía TC làm tổng thầu. Số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây cũng cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của Việt Nam do nhà thầu TC đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.
Trong số này, các doanh nghiệp đến từ bên kia biên giới thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhiều dự án "tỷ đô" của ngành điện. TC quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong cả nước. Nguyên nhân là do lượng khí thải từ những nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, đặc biệt là những dự án này đều do Trung Quốc đầu tư. Dưới đây là hàng chục dự án lớn tại Việt Nam, do nhà thầu TC đảm nhận vai trò chính hiện nay:
* Trung tâm nhiệt điện Long An (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, sát với TP.HCM);
* Nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 (chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vốn gần 2 tỷ USD);
* Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (sẽ được xây dựng năm 2019);
* BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (vốn đầu tư khoảng 2.2 tỷ USD);
* Dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (có vốn đầu tư 2.3 tỷ USD);
* Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I và II.
Chưa kể hiện nay cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện (riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy – khoảng 10 nhà máy do TC đầu tư), dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than du nhập từ TC.
Chúng ta đã biết nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường hạt bụi li ti PM4 (4ug) tạo ra sương mù, thậm chí là mưa a xít…Theo nghiên cứu của nhóm độc lập cho biết: số người chết do điện than bằng gần nửa số chết do tai nạn giao thông. Con số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm. Còn nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard của Mỹ cũng đã cảnh báo rằng, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quy hoạch đi vào hoạt động thì sẽ có tới 25.000 người Việt Nam bị cướp đi mạng sống vì những ảnh hưởng của nhiệt điện đốt than hàng năm!

5. Thay lời kết
Năm thí dụ trên là những chứng minh hùng hồn rằng, hơn lúc nào hết và trong giai đoạn phát triển sơ khai nầy, việc cân bằng bài toán phát triển và môi trường là ưu tiên hàng đầu cho những người quản lý quốc gia.
Thế hệ tương lai Việt Nam sẽ đánh giá qua hành động nầy. Và thành quả tốt đẹp hay thất bại sẽ nằm trong tay CSBV:
- nếu họ còn tồn tại sau những biến động, cấu xé từ cơ cấu thượng từng của đảng).
- và nếu họ còn có một chút điểm lương tâm là trở về với dân tộc?
Theo ước tính, người Việt Nam thứ 100 triệu sẽ ra đời vào năm 2020. Nạn nhân mãn, nạn thiếu dinh dưỡng, nạn tụt hậu... luôn luôn chờ đợi chúng ta từng giờ từng phút và thời gian không còn là nhân tố thuận lợi cho chúng ta như trước kia nữa.
Hãy thức tỉnh đi CSBV, hỡi những người còn đang «quyết tử» dành lấy quyền lợi và quyền lực cho phe nhóm, dâng Đất và Nước cho giặc phương Bắc.
Nếu không, Giờ Phán xét đã sắp tới rồi !!!

Houston 01-02-2018
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam - VEPS

 https://maithanhtruyet1.blogspot.com
https://www.facebook.com/envirovn

 

Đăng ngày 15 tháng 04.2018