Tại sao có hiện tượng thay đổi khí hậu?

Thiên nhiên & Môi trường

Mai Thanh Truyết

Lời tác giả:  Bài viết do suy nghĩ về hai cơn bão vừa thổi qua tiển bang Texas và Florida vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua. Những lý giải về hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu như: hiệu ứng khí nhà kính, hiện tượng El Nĩno và La Nina, lỗ thủng ở từng Ozone ngày càng lớn, lượng khí carbonic CO2 do con người phóng thích ra ngoài không khí vượt mức 400 mg/m3 v.v… có làm thỏa mãn và trấn an được con người hay không? Người viết nghĩ là không! Với suy nghĩ đượm thêm một “chút” Phật giáo, người viết rốt ráo rằng con người rồi cuối cùng cũng phải trả lại thiên nhiên cho thiên nhiên. Và trong một chừng mực nào đó, sự “climate change” …chỉ là sự vận chuyển tuần hoàn của Trời Đất qua hai chu kỳ: Nóng và Lạnh. Và phải chăng, chúng ta ĐANG bước vào buổi BÌNH MINH của chu kỳ NÓNG? maithanhtruyết

Tiến bộ khoa học cùng với việc phát minh nhiều công nghệ mới trong thời gian gần đây đã cho ra đời nhiều ứng dụng hầu thỏa mãn nhu cầu mà con người cần đến hay nghĩ đến. Con người ngày càng say mê trong những khám phá mới, tìm thêm nhu cầu mới dù cần thiết hay không cần thiết cho cuộc sống.Cuộc chạy đua do chính con người đặt ra có vẽ như không có điểm đến! Và hơn nữa, cuộc đua nầy càng kích thích thêm tham vọng ngự trị của con người, càng tăng thêm ngã vọng đến một mức độ khó kềm chế được trong cuộc chinh phục thiên nhiên.

Với khả năng khoa học hiện có, con người hầu như làm chủ thiên nhiên trong việc chế tạo các sản phẩm mới để phục vụ cho nhu cầu của nhân loại. Đôi khi những nhu cầu đó hoàn toàn không cần thiết. Con người ngày càng xử dụng nhiều hóa chất khác nhau để kiến tạo ra những sản phẩm tổng hợp theo ý muốn hay theo nhu cầu và dĩ nhiên trong hóa trình tổng hợp hay phản ứng đã sinh ra một số sản phẩm phụ không cần thiết. Chính những chất sau nầy trở thành những vấn nạn cho đời sống con người do đó con người bị bắt buộc phải giải quyết hay thanh lọc...
Như vậy, vấn đề Sinh (sản xuất ra sản phẩm mới) và Diệt (xử lý các sản phẩm phụ, không cần thiết hay độc hại) là một hiện tượng tuần hoàn, xoay dần liên tục trong đời sống con người. Con người cố khai triển trí thông minh để cố tạo ra nhu cầu mới thì cần phải nặn óc nhiều hơn để thanh toán các phế phẩm độc hại. Và nếu nói theo tinh thần Phật giáo, con người càng chạy theo cái NGÃ của mình thì phải gánh thêm NGHIỆP càng nặng.

Trái đất và Thiên nhiên
Vạn vật đã tự sắp xếp theo một thứ tự nào đó của thiên nhiên. Từ ngàn năm trước nếu nhìn lại, khi khoa học chưa phát triển nhiều và con người có một hiểu biết rất hạn chế, thiên nhiên vẫn ưu đãi và tạo dựng ra một đời sống tương đối an lành; số mầm bịnh không nhiều so với hiện tại, và sự xuất hiện những mầm bịnh mới, nhất là những loại ung thư xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây. Đó là sản phẩm của các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể con người tạo ra những biến đổi gen không kiểm soát được. Đó cũng chính là sản phẩm của con người qua khoa học!

Con người đã lạm dụng khoa học và với niềm tự tôn mặc cảm họ tin rằng sẽ chiến thắng được thiên nhiên, kiểm soát thiên nhiên, và luôn cố gắng thỏa mãn lòng kiêu hảnh của mình.
Để cuối cùng thiên nhiên đáp lại rằng, hãy còn quá nhiều ẩn số mà con người chưa thể giải đáp được!Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết mưa, nắng, bão, lụt...cho từng khu vực trước kia; mà hôm nay con người đã làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi.

Hiện tượng hạn hán, bão lụt xẩy ra thường xuyên hơn không theo một chu kỳ tuần hoàn nào có thể tiên liệu như trước kia cách đây vài thập niên. Bầu khí quyển tiếp tục nóng dần mặc dầu chỉ tăng 10C trong hàng trăm năm nhưng cũng đủ tạo nên những hiện tượng rạn nứt và nóng chảy của các lớp băng ở Nam Cực. Năm 1997, ở Ross Ice Shelf Nam cực, một tảng băng có kích thước 100 x 30 dậm, bị rạn nứt từ 25 năm trước, đã tách rời khỏi Nam cực, tiến về hướng xích đạo và bị tan rã trên đường di chuyển. Hiện tại một tảng băng khác có kích thước tương tự ở vùng Ronne Ice Shelf đang tách rời và tiến về hướng xích đạo.
El Nĩno là hiện tượng nước biển bị hâm nóng xảy ra theo chu kỳ tự nhiên vào khoảng tám đến mười năm vào các thập niên trước; mà nay chu kỳ trên đã bị thu ngắn lại và không có những dấu hiệu báo trước rõ ràng như trước kia nữa. Năm 1998 hiện tượng nầy đã gây ngập lụt cho Hoa kỳ và hạn hán cùng bão lụt ở Việt Nam. Và sau đó hiện tượng La Nina tiếp theo làm đão lộn thời tiết ở miền Đông Hoa Kỳ, làm cho quá nóng ở mùa đông và giá lạnh theo sau đó cộng thêm nhiều cỏn lụt lội và gió lốc bất thần ở miền Trung Tây Hoa kỳ. Gần đây nhứt, cuối tháng 8 và tháng 9, 2017, cơn bão Harvey tàn phá Texas, và Irma tàn phá Florida và còn tiếp theo nhiều cơn bão đang hoành hành ở vùng biển Trung Mỹ châu. Như vậy, chúng ta giải thích làm sao đây?

Hãy nghe Tổ chức LHQ về Khí tượng Thế giới - The UN World Meteorological Organization (WMO) nói về Niño và La Niña có những biến động về nhiệt độ đáng kể ở vùng nước nhiệt đới nóng của vùng nhiệt đới Thái Bình Dương: El Niño làm gia tăng nhiệt độ và La Niña làm giảm nhiệt độ trung bình của nước biển ở vùng nầy.
Những thay đổi về nhiệt độ này liên quan chặt chẽ với các biến động khí hậu chính trên khắp thế giới, đặc biệt ở Châu Mỹ La tinh, Australia và Đông Á, có thể kéo dài cả năm hoặc hơn nữa. Cả El Nino và La Niña đều có khả năng phá vỡ các mô hình thời tiết bình thường và ảnh hưởng rộng rãi đến khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới.
Tóm lại con người càng thách thức thiên nhiên càng phải gánh thêm nhiều hậu quả không thể lường trước được.

Khủng hoảng môi sinh
TS James Lovelock đã từng đưa ra quan niệm “quả đất là một sinh vật đơn thuần”. Từ quan niệm trên, ông đưa ra giả thuyết ” Trái đất là một hệ thống tự điều chỉnh gồm sinh vật, đất đá, đại dương, và khí quyển bao gồm như một hệ thống tiến triển, luôn luôn cố gắng điều hòa những điều kiện sống thích hợp cho đời sống trên quả đất”. Nhưng có lẽ, ngày hôm nay đã đến lúc trái đất của chúng ta không còn tự điều tiết nữa để có thể ứng hợp với sự “khai thác’ quá độ của con người.

Do đó, dù thiên nhiên hay môi trường sống của con người tự nó đã được sắp xếp theo một hợp lý nào đó mà con người chưa đủ khả năng để lý giải thì làm sao có khả năng để hàng phục thiên nhiên được. Thiết nghĩ, càng vận dụng khả năng của mình để thách đố thiên nhiên, con người càng đi vào ngõ cụt, không lối ra. Và hôm nay, con người càng gần đến chỗ bế tắt hơn nữa khi tìm cách giải quyết những vấn nạn môi sinh trên thế giới do chính con người tạo ra: - không khí bị ô nhiễm đến mức báo động, - nguồn nước sinh hoạt bắt đầu cạn kiệt về lượng cũng không còn trong lành về phẩm như trước kia nữa.
Con người bị bao vây từ trên vùng trời, dưới đất và ngay cả trong lòng đất, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm cũng như mức độ ô nhiễm ở các đại dương tăng nhanh làm nguồn lương thực như cá tôm bị nhiễm độc và số lượng sinh vật bị tiệt chủng tăng dần...Ngay cả trong lòng dại dương, các hóa chất độc hại như PCBs, DDT thoát ra từ các nhà máy xản xuất từ hơn 50 năm trước, theo dòng nước và trầm tích ở dưới biển sâu như ở vùng Palos Verdes Shelf nằm ngoài khơi Long Beach,CA.
Trước áp lực bị thiên nhiên bao vây từ mọi phía, con người cố gắng tìm cách giải quyết các sản phẩm độc hại cho chính mình tạo ra! Và cứ thế vòng lẩn quẩn trên tiếp tục xoay tròn: Tạo và Hủy. Con người càng cố gắng thanh lọc ô nhiễm thì chính trong quá trình thanh lọc đó lại sinh sản ra một số ô nhiễm mới.
Phương cách giải quyết “duy lý”
Theo quan niệm hiện tại, con người đang dùng các phương pháp sau đây để thanh lọc môi trường: phương pháp hóa học, sinh hóa học, cơ học, vật lý, thẩm thấu.
Phương pháp hóa học dựa theo nguyên tắc dùng một hay nhiều hóa chất tác dụng lên chất độc cần giải quyết để biến chất ấy thành một chất không độc hại hay đem độ độc hại xuống đến mức chấp nhận được(?) (threshold limit). Vấn đề được đặt ra là con người ngày càng khó thích ứng với định mức đã định trước kia và sau cùng, cần phải thanh lọc lại những chất phế thải đã được thanh l;ọc trước kia để đem định mức độc hại xuống thấp hơn. Sẽ không thể nào có được một định mức cố định và trường cửu cho một chất độc hại nào cả!
Vấn đề là sự thích ứng của con người trước một sản phẩm độc hại đó cũng thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào sự khám phá liên tục của khoa học về ảnh hưởng của chất độc vào cơ thể con người. Tóm lại chu kỳ thanh lọc nầy rất tốn kém về tài chánh cũng như về nhân lực và thời gian.

  • Tương tự, phương pháp sinh hóa học cũng cho ra những sản phẩm phụ được định mức không độc hại hôm nay nhưng có thể sẽ trở thành những chất độc hại ngày mai.
  • Các phương pháp thanh lọc khác đều để lại những phụ phế phẩm hoặc cần phải có những phương pháp thanh lọc đặc biệt như phương pháp ước lượngbảo hòa hóa (stabilization treatment evaluation) đặt căn bản trên ciment và vôi sống (CaO) để biến các chất được thanh lọc thành một khối cứng được lưu trữ trong các bãi chứa đặc biệt. Đây là phương cách xử lý một số kim loại độc hại như: Arsenic, Selenium, Chì, Thủy ngân v.v… và một số hợp chất hữu cơ có nồng độ thấp có tên gọi là “Macro-encapsulation”.
  • Đối với hợp chất hữu cơ có hàm lượng cao, pesticide, herbicide, insecticide, dioxin, PCBs v .v...phương pháp đốt ở nhiệt độ cao khoảng 4.000oC (incineration) được dùng đến để tiêu hủy các phần tử nầy. Một vài tiểu bang đã cấm dung phương pháp nầy vì làm ô nhiễm không khí.
  • Trái lại chất độc phóng xạ được nhốt kín trong các thùng phuy có thành dầy và được chôn kín trong các hầm béton ở Nevada và New Mexico… đối với Hoa Kỳ. Còn Nga sô thì đem các thùng phuy trên để dưới lòng đáy biển Bắc Hải.

Ba loại xử lý căn bản kể trên: bảo hòa hóa chất độc hại, đốt ở nhiệt độ cao hay nhốt kín trong các thùng phuy...đều không đưa đến một giải pháp thỏa đáng nào cả, trái lại càng làm tăng thêm nhiều hệ lụy tiếp theo cho con người. Các chất được bảo hòa cần phải được xử lý lại để đem định mức xuống thấp hơn. Các lò đốt ở nhiệt độ cao là một trong những nguyên nhân của nguồn chì (lead) trong không khí chứ không hoàn toàn do động cơ xe thải ra, và gây ra một số ảnh hưởng nhà kính lên bầu khí quyển (greenhouse effect).
Các khoa học gia đã chứng minh rằng biện pháp thiêu đốt ảnh hưởng nhiều đến lớp ozone trên tầng khí quyển: cứ mỗi 5 tấn chất rắn được thiêu hủy, có khoảng 1 tấn tro sẽ được thải vào bầu khí quyển và các chất mang mầm mống bịnh ung thư như dioxin, PCBs... có trong chất phế thải được thiêu đốt sẽ đi vào không khí....California là một trong nhiều tiểu bang ở Hoa kỳ đã không còn cung cấp giấy phép xây cất thêm lò đốt từ năm 1990. Còn đối với các thùng phuy chứa phóng xạ, người ta đã tìm thấy nước biển vùng Bắc Hải có mức phóng xạ cao hơn bình thường và một số phóng xạ đã được ghi nhận từ các hầm chứa ở Nevada.
Tóm lại các quan niệm hiện tại đang được áp dụng để thanh lọc các chất phế thải kỹ nghệ đều có tính cách tạm thời, giai đoạn và quá tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả như con người mong muốn.

Hướng giải quyết mới
Đi tìm một phương hướng khác để giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay quả là một nan đề cho bất cứ nhà khoa học nào có lương tâm và có một tầm nhìn đúng đắn về dự phóng tương lai. Dùng khoa học hay kỹ thuật thuần túy để giải quyết ô nhiễm môi trường đã gặp những bế tắc kể trên.
Từ ngàn xưa Phật Thích Ca đã gợi ý là dùng thiên nhiên để giải quyết và điều chỉnh những vấn nạn của thiên nhiên (do con người gây ra!) trong khi rao giảng đạo Từ Bi của Ngài. Ngài đã nhắc nhở rằng mọi sinh vật kể cả cây cỏ đều có một đời sống riêng góp phần vào sự hài hòa của thiên nhiên và nếu hủy diệt một mầm sinh vật nào đó, có thể làm đão lộn sự hài hòa ấy. Do đó nguyên lý dùng thiên nhiên để giải quyết các vấn nạn của thiên nhiên là một suy nghiệm căn bản cho mọi phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong hiện tại và tương lai.
Trong chiều hướng đó các nhà khoa học đã tìm về thiên nhiên để suy nghiệm và giải lý từ các chu kỳ tuần hoàn của cây cỏ để đưa ra các phương pháp thích nghi cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Nguyên lý SINH – DIỆT của Phật giáo có thể được đem ra áp dụng ở trường hợp này để mang lại sự cân bằng cho hai nhu cầu phát triển và cải thiện môi sinh. Vì vậy, trong thiên niên kỷ thứ ba này, nhiệm vụ chính yếu của các nhà khoa học trên thế giới là:

  • Phải tập trung trí tuệ để bảo vệ và tái tạo sự tuần hoàn nguyên thủy của thiên nhiên.
  • Nghiên cứu những công nghệ sạch để thay thế các nguồn năng lượng đang sử dụng hiện tại.
  • Truy tìm các giải pháp thiên nhiên để giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên thế giới.

Trong thiên niên kỷ thứ ba nầy, con người có hai nhu cầu chính yếu: nhu cầu phát triển và sản xuất sản phẩm để sinh tồn và nhu cầu giải quyết các phụ phế phẩm để làm sạch môi trường do nhu cầu phát triển tạo ra.
Một thí dụ đơn giản về sự liên quan giữa hai nhu cầu trên là trường hợp ô nhiễm nitrate (một mầm bịnh có thể gây ra hội chứng blue baby syndrome cho trẻ em dưới sáu tháng và có thể làm chết người) trong nguồn nước sinh hoạt. Vì cần tạo ra nhiều sản phẩm về lương thực (lúa gạo, gia súc...) con người cố gắng tăng năng suất bằng cách bón nhiều phân, xịt thêm nhiều lọai thuốc sát trùng (cho lúa gạo, cây trồng), tập trung chăn nuôi (cho gia súc)... do đó nguồn nitrate thải hồi từ phân bón, từ phân gia súc thấm vào lòng đất và đi vào mạch nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt chính của con người. Tại Orange County, California Hoa Kỳ, và ở những vùng có tập trung chăn nuôi và canh tác ở những xứ đã phát triển đều có độ nitrate trong nguồn nước cao hơn định mức chấp nhận gấp nhiều lần hơn.
Nhiều phương pháp vật lý, hóa học, sinh hóa học đã được đem ra thử nghiệm và áp dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề vì quá tốn kém về nhân lực và tài lực.
Sau cùng các khoa học gia đã khám phá ra một lọai bèo có tên chung là duckweed, loại cỏ giống như cây sậy có rễ chùm, có tính tăng trưởng rất nhanh trong một thời gian ngắn nếu được trồng trên nguồn nước chứa nitrate. Và chính khám phá nầy là câu giải đáp tối ưu cho bài toán nitrate. Hiện tại đã có một nhà máy sản xuất cây giống duckweed ở Mễ Tây Cơ, có diện tích hàng trăm mẫu và phương pháp nầy đã được xử dụng rộng rãi ở các tiểu bang miền Nam Hoa kỳ trong việc xử lý nitrate trong nguồn nước. Gần đây nhất, trước vấn nạn ô nhiễm arsenic trong nguồn nước ở Việt NAm, cây rau Rán có tên khoa học Ptearis Plitata, cũng như cây bèo và rễ cây lục bình (Water Hyacinth)… cũng được dùng để thanh lọc arsenic trong nước.

Làm sạch bầu khí quyển
Trong tiến trình sản xuất năng lượng cho nhu cầu của con người trên thế giới, thán khí hay carbon dioxide (CO2) đã được thải hồi vào không khí do việc thiêu đốt than, dầu khí, khói xe, nhà máy v. v.. . Thán khí là một thành tố quan trọng nhất trong việc gây ra sự hâm nóng toàn cầu. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ (USEPA) và Bộ Năng lượng (DOE), kể từ khi cách mạng kỹ nghệ toàn cầu bắt đầu khoảng 200 năm trước đây thì lượng thán khí trong bầu khí quyển tăng từ 280 mg/m3 lên 370 mg/m3.
Vào tháng 6, 2015, Nha Khí tượng Hoa Kỳ ở Hawaii đã đo đạt mức thán khí đã tăng lên 400 mg/m3 và dự báo là sẽ có nhiều biến đổi khí hậu trong tương lai. Do đó, nhu cầu thiết yếu hiện tại là phải tìm một phương cách tối ưu để giảm thiểu lượng thán khí này. Từ đó, Hội nghị Thượng đỉnh Paris COP21 ra đời vào tháng 11, 2015, với lời hứa của 193 thành viên là “cố gắng” giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ bầu khí quyển khoảng 1,50C cho đến năm 2100!
Nguyên tắc căn bản được các nhà khoa học lưu ý đến hiện nay là làm cách nào “nhốt” thán khí lại và chuyển hóa khí này thành than và nước.
Nhiều phương pháp đang được thí nghiệm như sau:

  • Thán khí sẽ được bơm vào phía dưới các lớp đất đá nằm sâu trong lòng đất, hoặc bơm vào các rừng rậm để cho cây cỏ hấp thụ và biến cải thành oxy và carbon.
  • Thán khí từ các nhà máy sẽ được hóa lỏng và bơm thẳng vào lòng biển sâu độ 1000 mét xuyên qua hệ thống có chứa chất sắt để tạo ra nguồn “phân bón” cho các loài phytoplanktonnhư phiêu, tảo và vi khuẩn sống trong nước biển có khả năng đồng hóa diệp lục tố như cây cỏ trong không khí. Các sinh vật này sẽ hấp thụ thán khí và phóng thích dưỡng khí (oxy) vào nước biển. Phương pháp này đã được đem áp dụng ở vài nơi khi nghị định thư Kyoto ra đời năm 1997 qua cam kết tự nguyện của các quốc gia phát triển trên thế giới là giảm thiểu mức thải hồi thán khí và lấy định mức thải hồi của năm 1990 làm tiêu chuẩn. Theo TS Peter Brewer, khoa học gia ở Monterey Bay Aquarium & Research Institute,hiện tại có khoảng 20 triệu tấn thán khí “đi vào” biển hàng ngày, di chuyển và trộn lẫn với nước biển ở dưới sâu tạo thành những luồng nước có nồng độ thán khí thật cao. Luồng nước này di chuyển và hòa tan theo thời gian để cuối cùng biến mất trong lòng đại dương. Từ khái niệm đó, vào cuối thập niên 90, các hãng dầu của Na Uy đã bơm thẳng thán khí vào lòng biển để khỏi phải trả tiền thuế do việc thải hồi vào không khí theo quy định của nước nầy.
  • Các phương pháp vi sinh cũng được khoa học gia ở đại học MIT và Harvard nghiên cứu đến qua việc dùng vi khuẩn Prochlorococcus. Vi khuẩn này hiện diện trong nước biển và có nhiệm vụ hấp thụ và biến thán khí thành than. Mục đích của cuộc nghiên cứu là làm cách nào để tăng lượng vi khuẩn trong nước biển nhanh chóng để làm tăng thêm tiến trình biến đổi trên.

Biến cải đất và làm sạch nguồn nước
Cho đến nay, phương pháp thông dụng nhất để biến cải các vùng đất đã bị ô nhiễm là đất sẽ được đào xới lên và đem đi chôn ở một nơi khác. Việc làm này chính là việc di chuyển “ô nhiễm” từ một điểm A đến điểm B, chứ không phải là một phương pháp giải quyết ô nhiễm. Do đó, từ hơn một thập niên trở lại đây, việc nghiên cứu các vi khuẩn có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ và kim loại độc hại phế thải trong kỹ nghệ là mục tiêu cấp bách của các khoa học gia trên thế giới.
Năm 1994, Terry Hazen đã dùng kỹ thuật thổi mạnh vi khuẩn trộn lẫn với các khí (bio-sparging) vào lòng đất sâu dưới đáy sông Savannath, South Carolina vì nơi đây đã bị ô nhiễm trichloroethylene (TCE); một dung môi căn bản dùng trong việc rửa dầu mỡ bám vào máy móc. Vi khuẩn sử dụng có tên là Methylo-sinus-trichosporium được trộn lẫn với khí methane có công dụng biến cải TCE thành thán khí. Chỉ trong vòng 2 năm, phương pháp sinh thoái hóa nầy (bio-degradation) đã làm sạch lòng sông kể trên. Thêm nữa, các phương pháp vi sinh kích thích (bio-stimulation) dùng loại vi khuẩn thích hợp cho từng loại hóa chất làm ô nhiễm như chromium (trong kỹ nghệ hạch nhân để chống lại sự hao mòn), PCBs (trong kỹ nghệ điện và bán dẫn).
Song hành với những phương pháp vi sinh, phương pháp dùng thiên nhiên để giải quyết ô nhiễm được đặc biệt lưu ý trong vòng 10 năm trở lại đây. Các khoa học gia trên thế giới đã nghiên cứu trên 350 chủng loại thực vật có khả năng hấp thụ các kim loại và nguyên tố độc hại như arsenic, cadmium, selenium, và các hợp chất hữu cơ chứa chlor, nguyên nhân của các mầm bịnh ung thư.
Cây hướng dương có khả năng hấp thụ phóng xạ trong nước và đất đã được dùng để biến cải vùng đất ô nhiễm sau tai nạn ở nhà máy nguyên tử ở Chernobyl, Ukraine. Một loại cỏ ở vùng Alpine có khả năng hấp thụ kẽm trong đất. Một loài bèo duckweed hấp thụ nitrate. Cây mù tạt (mustard) thuộc họ Thlaspi goesingense có khả năng hóa giải nickel.Lena Q. Ma thuộc đại học Florida đã thành công trong việc dùng cây dương xỉ Pteris Vittata để hấp thụ arsenic trong đất. Người viết cũng đã thí nghiệm với cây dương xỉ thuộc họ Nephrolepis Obliterata bằng cách bơm lượng arsenic vào trong đất (thí nghiệm vào năm 2008 tại CA). Sau một tuần lễ phân tích lượng arsenic còn lại trong đất và lượng hóa chất này trong lá cây thì thấy kết quả rất khích lệ. Cây dương xỉ thuộc họ Rán nầy đã mọc dọc theo sông rạch miền Nam Việt Nam và đã được người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long dùng làm rau ghém trộn lẫn các rau khác.
Các hợp chất hữu cơ, nguyên nhân của nhiều bịnh ung thư như trichloroethylene, 1,1,1-trichloroethane (TCE), carbon tetrachloride... là dung môi căn bản được dùng trong hầu hết các kỹ nghệ hóa chất. Qua thời gian, các chất nầy thấm vào lòng đất và đi vào mạch nước ngầm.
Cây bạch dương (poplar), một lọai cây thẳng đứng rễ ăn thật sâu vào lòng đất, được dùng để hấp thụ các hóa chất trên. Gordon, giáo sư tại Seattle đã chứng minh rằng 95% chất TCE ô nhiễm trong nguồn nước đã được hấp thụ để cho ra carbon dioxide (CO2) và các muối chlorides. .. Và với phương pháp nầy, phí tổn chỉ bằng 1/3 so với phương pháp bơm và khử (pump-and-treat method) và còn bảo vệ được môi trường vì không tạo ra ô nhiễm mới do phế phẩm của việc xử lý.

Poplar Tree

Gordon cũng đã thành công trong việc áp dụng cây khuynh diệp (eucalyptus) và cây liễu (willow) để hấp thụ các hợp chất hữu cơ chứa chlore (Cl2) và brome (Br), hai thành tố của mầm bịnh ung thư. Đối với các chất mang mầm mống ung thư cao như pesticide, dioxin, PCBs... thay vì dùng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao như đã nói trên, các khoa học gia đang thu thập thêm nhiều kết quả khả quan ban đầu trong việc áp dụng phương pháp suy thoái sinh học (bio-degradation) để thanh lọc. Và với phương pháp nầy bầu không khí sẽ được bảo vệ trong lành.
Sau hết, các loài hải sinh vật nhuyễn thể như ốc, hến, hào trong biển cả cũng được chiếu cố đến và là một trợ thủ đắc lực trong việc làm sạch nguồn nước biển được ví như là những máy lọc thiên nhiên (nature’s filter). Trong gần 20 năm, National Oceanic & Atmosphere Administration đã quan sát những vùng bị ô nhiễm dọc theo bờ biển Hoa kỳ và đã chứng minh được rằng từ năm 1986 trở đi, ở vùng Palos Verdes, California (vùng bị ô nhiễm DDT nặng từ năm 1973), lượng DDT và PCBs trong cá đã giảm dần theo thời gian do sự hấp thụ các hóa chất trên của các loài nhuyễn thể.
Các thí dụ đan cử trên đây nói lên một đường hướng mới và đúng đắn trong việc dùng thiên nhiên để bảo vệ thiên nhiên và xử lý môi trường. Và sự chuyển hướng nầy ngày càng có tính thuyết phục cao. Một khi đã được bảo vệ đúng đắn và hài hòa trong chu kỳ tuần hoàn của vạn vật, thiên nhiên sẽ mang lại nguồn cây xanh trên hành tinh của chúng ta, bầu khí quyển sẽ được tái tạo lại, trong lành hơn và tươi mát như trong giai đoạn nguyên thủy. Và với sự chuyển hướng nầy, con người hy vọng sẽ tìm lại được cuộc sống trong lành đã mất do chính mình tạo ra.

Thay lời kết
Tiến trình làm sạch thiên nhiên và trả lại thiên nhiên những nguồn nước trong lành, bầu khí quyển tươi mát, bảo vệ những cánh rừng nơi trú ngụ của các thú vật sắp bị tiệt chủng, bớt phí phạm những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới nhất là nguồn nước sạch, hạn chế bớt như cầu ăn uống thừa thải... là bổn phận và trách nhiệm của mọi người trên trái đất nầy.
Đã tự nhận là một sinh vật thượng đẳng, con người không thể từ chối bổn phận trên được.
Việt Nam từ khi mở cửa để phát triển từ năm 1986 trở đi, tình trạng môi trường ngày càng tệ hại. Tương tự như ở Trung Cộng, có thể nói rằng mức độ tiếp nhận ô nhiễm do con người tạo ra ở Việt Nam đã đến mức tới hạn (threshold limit) rồi. Có nhiều chỉ dấu đã báo động về mức tới hạn tối đa trong hiện tại. Đó là, hệ thống sông ngòi từ Bắc chí Nam đã và đang biến thành những dòng sông chết, hệ lụy tất yếu của sự phát triển bừa bãi và không cân bằng với việc bảo vệ môi trường.
Một khi thiên nhiên không còn khả năng tự điều tiết để tái tạo hay làm sạch môi trường thì hệ quả về sự suy thoái môi trường ở Việt Nam sẽ khốc liệt hơn và con người sẽ không còn đủ khả năng để điều chỉnh hay cứu chữa nữa. Và chính sự khuất tất trên của những người quản lý đất nước hiện tại đã là một trọng tội đối với những thế hệ tiếp nối.
Mỗi người trong chúng ta, nếu ý thức được điều đó, cần phải biết gìn giữ và bảo vệ môi trường sống chung quanh mình. Đó là một phương cách an toàn và nhân bản nhất trong thiên niên kỷ thứ ba nầy. Và hơn nữa, có làm được như thế, chúng ta đã trả lại một phần nào món nợ mà chúng ta đã vay mượn trước của các thế hệ sau do việc làm suy thoái môi trường trái đất và phí phạm tài nguyên trong quá trình phát triển kỹ nghệ để phục vụ con người.
Mai Thanh Truyết
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)
Mùa Bão 2017


Thành quả Giáo dục Xã hội chủ nghĩa

Lời người viết: Bài viết thể hiện hồi ức những ngày ngay sau 30-4-1975. Sau hơn 42 năm qua, những người thuộc lữ đoàn 30-4 lần lượt “phản quốc” chạy sang Mỹ, Pháp, Canada…Một số ít ỏi tiếp tục làm “thân bọt bèo” cho chế độ. Còn lại, người viết biết được một người còn “ngoa ngoe” làm kiểng “câu chuyện Hoàng Sa-Trường Sa”, và một làm “lính kín trí thức” đi đi về về Saigon – Boston. Và thành quả giáo dục xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay qua hai hình ảnh ngày khai trường ở phần kết của bài viết. Houston, 11-9-2017

Vào thời điểm ngay sau ngày 30/4/1975, tâm trạng người dân hoang mang cực độ. Nhà nhà e dè mỗi khi tiếp xúc hay trao đổi với những người hàng xóm thân thuộc trước kia. Không khí xóm giềng thân mật không còn ứng hợp với câu “bà con xa không bằng láng giềng gần” nữa, đối lại bằng những cặp mắt nghi ngờ, e sợ, nhất là khi thấy bóng dáng một người quen thuộc nhưng trên cánh tay có mang một băng vải đỏ. Đó là hình ảnh tiêu biểu nhứt cho những ngày đầu gọi là “cách mạng”.
Chúng tôi, một nhóm giáo chức của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn gồm GS Nguyễn Văn Trường, GS Lý Công Cẩn, GS Lê Trọng Vinh (qua đời 1977), GS Trần Kim Nở, GS Trần Văn Tấn (qua đời 2015), và người viết (đã ở khu cư xá 57 Tự Đức từ mấy ngày trước 30/4), đang ngồi với nhau để bàn thảo xem phải hành động như thế nào, trình diện ra sao, vì hôm đó chỉ là ngày thứ hai của “cách mạng”, tức thứ năm ngày 1/5/1975.
Tình cờ GS Nguyễn Hoàng Duyên, một thành viên của Ban Hóa học của trường lái Honda đến. Tôi đề nghị với các GS huynh trưởng để tôi cùng Duyên lên trường xem xét tình hình trước.
Hai anh em đèo nhau trên chiếc Honda dame, mỗi người một tâm trạng bất an, nhưng vẫn không lộ ra. Khi vào khỏi cổng trường, không khí hoàn toàn khác, không còn một không khí quen thuộc như ngày nào. Một cảm giác nặng trĩu nơi tôi khi nhìn thấy một Giảng nghiệm viên thuộc Ban Vạn vật mang băng vải đỏ nơi cánh tay, chận chúng tôi lại, và hỏi với nét mặt lạnh lùng:”Hai anh vào ghi tên trình diện đi”.
Bước vào một phòng thí nghiệm hóa học, tôi lại thấy anh Nguyễn Minh Hòa(sau 30/4 được ”xếp” vào vị trí Trưởng khoa Hóa ĐH Sư phạm “tp HCM” thay thế chỗ của người viết trước ngày đó, vì “người” đã từng tuyên bố là nhờ cách mạng mà vợ tôi mới… mang thai được và tôi có con nối dòng(!) đã về hưu hiện tại), một giảng nghiệm viên của tôi, cũng mang băng đỏ trên cánh tay hỏi tôi bằng một giọng lạnh lùng, không còn kính trọng như những ngày trước đó. Dĩ nhiên là tôi ghi tên và bước ra ngoài.
Đi lần đến văn phòng Phó Khoa trưởng, cửa mở toang, tôi thấy Ngô Phàn, một sinh viên Ban Lý hóa của trường đã chạy vào bưng hai năm về trước. Phàn hỏi tôi, trên tay cầm khẩu súng lục nhỏ của GS LCC: “Anh có gặp Ô C. không? Tôi đáp:” GS LCC sẽ vào trình diện sáng nay”.

Quan sát chung quanh sân trường, tôi chỉ thấy vài chị “nhà quê” quấn khăn rằn trên cổ, vẻ mặt thể hiện nét thỏa mản của kẽ chiến thắng bước qua lại, chỉ chỏ các “anh” đeo băng đỏ mà trước đó chỉ vài ngày là những giáo sư của VHCH. Ngoài ra, không thấy bóng dáng của một “cán bộ” hay “bộ đội” của Bắc Việt nào cả.
Sau đó, Duyên và tôi đi về báo cho các GS đang chờ đợi ở cư xá Tự Đức. Mọi người lên trường trình diện ngay sau khi được chúng tôi thông báo.

1. Một thời không quên
Một tháng sau, mọi sự đi dần vào ổn định, nghĩa là mọi thủ tục kiểm soát, kiểm tra đã hoàn tất, số giáo sư của trường được chia ra làm hai nhóm rõ rệt:

  • 1- Các giáo sư đeo băng đỏ trong những ngày đầu trở thành các Tổ trưởng và Tổ phó học tập trong đó Tôn Nữ Thị Ninh là một Tổ trưởng sáng giá nhứt, và
  • 2- Số giáo sư còn lại chiếm đa số là Tổ viên.

Chúng tôi bắt đầu chương trình “học tập” tại chỗ với mỗi tổ khoảng trên dưới 20 người, trong đó, ngoài Tổ trưởng, Tổ phó còn có một GS hướng dẫn học tập mới vào từ miền Bắc. Nơi trường Sư phạm, các “giáo sư” đó đến từ trường ĐHSP Vinh, trong đó, “một cháu ngoan của Bác” tên Trần Thanh Đạm làm Hiệu trưởng, “GS” Cao Minh Thì làm Hiệu phó, “GS” Nguyễn Văn Châu và một số “GS” khác như Yến, Thoa …và một số khác tôi không còn nhớ tên. Tuy nhiên, một người Trưởng ban tổ chức mà tôi không bao giờ quên được, đó là Bảy Được, một công an chánh gốc, mà sau nầy đã hỏi cung tôi cùng với một sĩ quan cấp tá công an là chồng của giáo sư Yến nói trên.
Dĩ nhiên những buổi học tập trên có tính chất giáo điều, diễn ra trong tẽ lạnh vì thái độ bất hợp tác của đa số giáo sư, ngoài những câu hỏi cò mồi của “đám gs đeo băng đỏ”. Tuy nhiên cũng có những giây phút sôi nổi vì các câu hỏi “móc lò” của một số GS trẻ như Duyên và Tuấn làm cho “đám ba mươi” cứng họng, vì họ làm sao có khả năng giải đáp được trong khi chứa trong đầu một tâm thức nô lệ!
Một kỷ niệm tôi còn nhớ đến hôm nay sau 42 năm là buổi đúc kết học tập. Tổ trưởng của tôi là một tiến sĩ cũng tốt nghiệp bên Pháp và là Phó ban Hóa học thời VNCH tên Nguyễn Thị Phương. Trong suốt thời gian “học tập”, Cô Phương thường đi bên cạnh môt “nồng cốt” thực sự, có tên Bùi Trân Phượng, con một giáo sư Việt Văn bên Đại học Văn khoa. Cô nầy luôn luôn mặc áo bà ba và quần lãnh đen và cũng “bắt chươc” túi sách cán bộ sau lưng, luôn quấn trên cổ một khăn rằn.
Cô nầy luôn luôn “bên cạnh” “anh” Ba Trực của thành ủy mỗi lần đi họp Tổ của Hội trí thức yêu nước Tp hcm có trụ sở chiếm của Cư xá Phục Hưng cũ đường Nguyễn Thông (Tôi không “CÓ” vào Hội nầy, chỉ “bị bắt buộc” đi họp vì các buổi họp nằm trong chương trình của giao đoạn “học tập chánh trị”). Trong thời gian nầy, Phượng còn là sinh viên, nhưng ở thời điểm hiện tại, Phượng là một “tiến sĩ” làm việc giữa Sài Gòn và Boston…

Tôi được xướng danh đọc bài bài đúc kết học tập đầu tiên. Vì đã chuẩn bị trước, tôi đã nhờ người học trò “ruột” hiện ở Vancouver soạn thảo, ghi lại tất cả những lời “Bác Hồ dạy” “Bác Tôn dạy” cùng các phát biểu của “Chú Duẫn” v.v…Tất cả được học trò tôi đúc kết, ráp nối trên 30 trang giấy…
Và trong suốt buổi đúc kết, tôi là cây đinh trong đó. Tôi đã chiếm hết giờ dành cho Tổ để đúc kết. Do đó, sau khi thảo luận bài đúc kết, vì đã hết giờ cho nên các đồng nghiệp còn lại của tôi được ra về khoan khoái vì đã tránh được nói lên những điều ngược với lòng mình…
Trong suốt những ngày tháng gọi là “học tập”, thỉnh thoảng cũng có những cán bộ cao cấp từ ngoài Bắc vào như Cù Huy Cân, Xuân Diệu, và nhiều người khác… giảng dạy về thiên đường cộng sản.
Một hôm, tại giảng đường của Đaị học Khoa học có sức chứa gần 500 người, nhà thơ tình lãng mạn “ngày xưa” Xuân Diệu đăng đàn. Có thể nói, chưa bao giờ tôi có thể hình dung được một cán bộ cao cấp của cộng sản, từng giữ chức Thứ trưởng Văn hóa Bắc Việt có những thái độ và cung cách thiếu văn hóa như thế.
Ông Xuân Diệu, với cái áo sơ mi bỏ ngoài, mang đôi dép lẹp xẹp, vai mang cái bị da cán bộ…chễm chệ ngồi trên cao…tự do phát ngôn. Bên cạnh đó hai chai bia Con Cọp BGI 75cc và một ly lớn. Vừa uống, vừa nói, tay chân “huênh hoang” với luận điệu của kẻ chiến thắng…
Và những câu nói ngày hôm đó là bài học…đầu tiên của tôi sau “cách mạng” như tựa đề của bài viết nầy và hình ảnh cây cổ thụ minh họa.
Ông ta nói cái gì?
Xin thưa,
Ông ta chê chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức miền Nam, giới giáo sư đại học…và ví tất cả như những cây cổ thụ xum xuê cành lá…nhưng không có rễ. (Xin các giáo sư có mặt ngày hôm đó, hiện đang ở hải ngoại làm chứng dùm cho tôi, kẻo tôi bị nói oan là bêu xấu chế độ ưu việt bằng triệu lần tư bản).


2. Một thời để nhớ lại và sẽ không bao giờ quên


Sau 42 năm, nghiệm lại câu nói năm xưa của một thi sĩ “thương cha thương một, thương ông thương mười” của Tố Hữu, người bạn của Xuân Diệu, lòng tôi chùng xuống và cảm thương cho một người lớn lên trong “cách mạng”, được “cách mạng” nuôi dưỡng… cho nên mới có ý so sánh đầy "biện chứng” trên.
Bốn mươi hai năm qua, bây giờ cả thế giới mới thực sự thấy rõ hình ảnh Việt Nam ngày nay, hình ảnh nầy đã chứng minh rành rành qua một đất nước tan hoang từ xã hội băng hoại cho đến đạo đức suy đồi, trong đó giáo dục thể hiện tất cả những gì tồi tệ nhứt như thầy trò, cô trò…có thể trao thân vì những đổi chác cho một kỳ thi, hay một mãnh bằng, chưa kể những tệ hại khác không cần phải nêu ra đây. Có thể nói, trong lịch sử giáo dục Việt Nam chưa có thời đại nào đưa đến sự đão lộn luân thường đạo lý như giai đoạn hiện tại của Đất và Nước hôm nay.

Bài học đầu tiên của Xuân Diệu 42 năm về trước về cây cổ thụ cần phải được xem xét lại.
Kết luận của bài tản mạn nầy cần phải nói cho rốt ráo là “Cây cổ thụ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện tại là một cây chết khô, không hoa, không lá, không rễ, và thân cây đã mục nát, thậm chí mối và mọt cũng không còn gì có thể gậm nhấm được”.
Và sau hơn 42 năm, hệ thống giáo dục của CSBV đã biến học sinh thành một công cụ cho đảng như suy nghĩ của Phạm Đình Trọng:”Học trò thay vì thích thú mặc bộ đồ mới đón năm học mới như đứa trẻ xênh xang áo mới đón ngày tết lại phải mặc đồng phục đồ lính, đội mũ lính, mang vẻ mặt xung trận, đi ắc ê một, hai, tập những bước đi đầu tiên của rô bốt công cụ, của bầy đàn, muôn người như một, không có cá nhân, không còn cá tính”…trong ngày khai trường cho niên học mới.
Và một tương phản khác của ngày khai trường năm nay 2017 ở một miền núi trên cao nguyên Việt Nam với hình ảnh học trò ngồi chồm hỗm trên đôi chân đất trong “lớp học – sân trường lầy lội” dưới trời mưa lâm râm!
Mai Thanh Truyết
Kỷ niệm Ngày “Ô nhục đầu tiên” sau 1975
Kỷ niệm 11/9/2001


Cái chết của dân tộc VN đã được Tàu và nhà cầm quyền Bắc Kinh bày ra trước mắt nhưng nạn nhân lại chẳng ai mảy may rung động. Người ta nhìn những sự việc đó diễn ra như đang xem một bộ phim thời sự không mấy gì sinh động trên TV!!!

Cái chết của cả một dân tộc

Phạm Thành

Mùa Thu năm 1989, khi các quốc gia CS bên Đông Âu sụp đổ, đã khiến cho đảng CS Việt Nam phải lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của sự sụp đổ dây chuyền đó. Bởi thế tháng 9 năm 1990, TBT đảng lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Linh, cùng với chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng kéo nhau sang Tàu, ký giấy bán nước qua tay Giang Trạch Dân và Lý Bằng, ngõ hầu níu kéo và giữ cho được cái bộ máy cai trị là đảng CS của họ. Đó là một văn kiện không gì khác hơn là việc ký giao kèo THỦ TIÊU CẢ MỘT DÂN TỘC.
Muốn xua quân sang xâm chiếm Việt Nam thì không phải là chuyện dễ. Cái giá máu và sinh mạng phải trả khó mà lường được và chắc chắn sẽ không thể nhỏ. Thế nhưng, Trung Cộng không cần phải làm thế, vì cái con ngựa thành Troy của họ, đã được Nguyễn Văn Linh và đồng đảng mang về nước, nằm mai phục sẵn để bắt đầu cái chương trình phá hoại từ trong ra. Cái chiến dịch dầu loang đó, tuy mất nhiều thời gian nhưng lại không tốn một viên đạn, một giọt máu của người Hán, cũng như không gặp một sự phản kháng nào từ người dân Việt Nam. Nó chậm chạp nhưng chắc chắn. Và một điều chúng ta có thể thấy rất rõ là nó hoàn hảo đến độ Tàu có thể cưỡng chiếm đến 100% giang sơn đất nước Việt, xóa sổ 100% dòng giống và ngôn ngữ Việt, mà không gặp phải một sự chống cự nào.
Người Việt chúng ta thường mang những chiến tích hào hùng của ngày xa xưa ra kháo với nhau, như là để tự dối mình, như là để tự trấn an mình, tự tạo ra những ảo giác làm mờ đi cái tương lai thảm hại sẽ đến trong nay mai. Mặc dầu mọi người trong chúng ta, ai cũng hiểu được rằng, những chiến thắng Đống Đa, Bạch Đằng hay Chi Lăng của lịch sử đó, nó bao gồm lòng yêu nước mà toàn dân như một của mọi con dân đất Việt, từ vua quan đến dân chúng trăm họ. Chứ không như bây giờ, các tướng lãnh quân đội, chỉ biết luôn trung thành với đảng, và nhất là chỉ luôn cúi đầu làm tôi mọi cho tiền tài của cải, qua các việc cướp đất, mua bán và làm thương mại.

TRÊN DƯỚI KHÔNG MỘT LÒNG THÌ CHIẾN ĐẤU LÀM SAO ?
DÂN TRONG TAY KHÔNG MỘT TẤC SẮT THÌ LÀM SAO ĐUỔI GIẶC ?
GIẶC Ở ĐÂU ? KẺ THÙ CỦA TA LÀ AI ? CHÚNG MẶC QUÂN PHỤC GÌ ?

Suốt 27 năm qua, kể từ năm 1990 khi đảng bán nước ký kết Hiệp Ước Thành Đô đến nay, cái cũi thép vây bọc toàn cõi đất nước đã được Trung Cộng xây dựng một cách tuyệt hảo, mà cả chín mươi mấy triệu người dân Việt vẫn không một chút động tịnh. Cái cũi ấy nay đã bao bọc bốn hướng chung quanh dải đất hình chữ S như một cái cũi thép khổng lồ, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ suốt chiều dài hơn hai 2.000 cây số bờ biển, đến dọc đường Trường Sơn qua Hạ Lào xuống tới Krong Preah, Cam Bốt, trùm luôn đảo Phú Quốc cách mươi hải lý. Con dân Việt có mấy người biết điều này? Thử nhìn lại bản đồ xem.
Đường biển, đường bộ đã được Tàu Cộng và bọn Hán nô vây bọc kín không một lối thoát, ngay cả đường lên trời chúng cũng kiểm soát và chế ngự 100%.
Có ai còn nhớ vụ 2 chiếc SU 22 rơi gần đảo Phú Quý, Bình Thuận tháng 4 năm 2016 ?
Rồi chỉ hơn 2 tháng sau tháng 6 năm 2016, có ai còn nhớ chiếc chiến đấu cơ tối tân nhất, SU 30MK2 của không quân Việt Nam bị nghi ngờ là do hỏa tiễn Trung Cộng bắn rớt ở vùng đảo Phú Lâm, Hoàng Sa ?
Có ai còn nhớ chiếc máy bay “cứu cấp” CASA 212 bị mất tích cùng ngày trong thời điểm tìm kiếm ở gần đảo Bạch Long Vĩ ?
Chỉ vài tháng sau, tất cả những chiếc máy bay “bị bắn rớt” đó, đã bị người dân lãng quên không còn một chút nghi ngại.
Có ai còn nhớ những vụ “mất sóng không lưu” liên tiếp xảy ra hàng năm kể từ 2015 cho đến nay, khiến sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn tê liệt trong một thời gian dài cả mấy chục phút? Rồi lại còn những “tín hiệu lạ”, những “sóng lạ quấy phá” liên tục khiến cho dưới đất, trên không hoàn toàn mất kiểm soát và liên lạc ?
Cái cũi thép ấy bao bọc hoàn toàn Đất Nước Việt Nam mà không còn chừa ra một khe hở, ngay cả đường lên trời.
Suốt hơn 20 năm qua, Trung Cộng ráo riết xây dựng 7 đập nước khổng lồ chặn trên thượng nguồn của dòng Mekong, mang tên sông Lancang ở Tàu, nguồn nước cung cấp thủy sản lớn nhất của miền Nam Việt Nam. Cũng nhờ nguồn nước này, là nguồn mạch nuôi sống cái vựa lúa khổng lồ của miền Nam Việt Nam suốt hơn trăm năm qua.
Trong 20 năm tới, chính quyền Bắc kinh sẽ cho ráo riết xây thêm 21 cái đập nữa, trước khi dòng sông này rẽ sang Miến Điện, Lào, Cam Bốt rồi mới đến Việt Nam. Chỉ với 7 cái đập thôi mà mấy năm vừa qua, những nông dân miền Tây đã phải khốn đốn, khi hạn hán thì thiếu nước, khi mưa nhiều ở thượng nguồn thì lại lãnh đủ ngập lụt. Việt Nam nằm trong địa hình là vùng đất sau cùng của con sông Mekong trước khi chảy ra biển, sau khi qua tay của 4-5 quốc gia, mà Tàu nắm hết quyền hành trong tay, thì có khác gì cảnh cá chậu chim lồng ?
Hạ nguồn dòng sông Lancang này ở Tàu tiếp tục chảy xuống miền Nam, cung cấp tới 45% lượng nước cho toàn khu vực trong mùa khô. Thời điểm hiện tại, lượng nước chảy trong mùa khô chỉ còn chưa tới 30%. Điều này ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến hệ thống sinh thái : be bờ khô lở. Ít nước thì nhiệt độ của nước sông tăng lên. Nhiệt độ tăng thì ảnh hưởng đến môi sinh, đến việc sinh sản và phát triển của thủy sản v.v...

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐÃ HOÀN TOÀN NẰM TRONG BÀN TAY KỀM KẸP CỦA TRUNG CỘNG. SÔNG CỬU LONG GIỜ KHÔNG KHÁC CHI CÁI ỐNG NƯỚC KHÔNG LỒ MÀ TRUNG CỘNG NẮM TRONG TAY CÁI KHÓA ĐÓNG MỞ. XẢ ĐẬP THÌ NGẬP LỤT, KHÓA ĐẬP THÌ HẠN HÁN.

20 năm tới, sau khi Tàu đã hoàn tất 21 dự án của 21 cái đập mới ở hạ nguồn sông Lancang, thì chắc chắn rằng, dòng sông Mekong 9 nhánh của Việt Nam, chỉ còn lại trong… lịch sử.
Biển miền Trung, các khu vực yết hầu miền Trung, khu Bô Xít Tây Nguyên và trong 2 năm tới đây, những nhà máy thép, nhà máy giấy, đại loại là NHỮNG NHÀ MÁY THẢI CHẤT ĐỘC KHỔNG LỒ TRÊN TOÀN CÕI ĐẤT NƯỚC SẼ ĐƯỢC MỌC LÊN NHƯ NẤM SAU CƠN MƯA, thử hỏi có còn con đường nào dành cho số phận người dân Việt ?
Biển chết, đồng bằng ngập mặn, rừng bị tàn phá, đất nước tan hoang, Việt Nam giờ chỉ như một khu xả thải công nghiệp khổng lồ của Tàu, rộng hơn 330.000 km2, không hơn không kém.
Tất cả những đại nạn trên, cộng với chất độc mà đảng và nhà nước CS, đã và đang mở cửa cho phép Tàu xâm nhập tự do vào Việt Nam, biến chế thành sản phẩm góp mặt trên bàn ăn của dân Việt… thì mạng sống của toàn Dân Việt sẽ chẳng còn bao lâu nữa.

Tim tôi thắt lại khi nghe những dòng nhạc của nhạc sĩ Xuân Tiên, bài “Hận Đồ Bàn”. Ôi, sao nó giống như những lời tiên tri nói về MỘT DÂN TỘC VIỆT NAM nào đó…

Hận Đồ Bàn
Rừng hoang vu !

Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương !
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đàn đóm vương
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch
Đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân…
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu ?
(Xuân Tiên)

Phạm Thành


VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ ĐẠO - NHƯ TÔI

Đoan Trang

Tôi không phải người Công giáo. Tôi cũng không phải Phật tử. Tóm lại, tôi không có đức tin tôn giáo nào, và tôi biết điều đó chẳng hay ho gì – con người luôn cần có một cõi nào đó trong tinh thần để hướng họ về cái thiện và ngăn họ làm điều xấu. Không có đức tin thật ra cũng là một sự bất hạnh, nhất là ở hoàn cảnh Việt Nam thời loạn như bây giờ.
Nhưng cũng là vì hoàn cảnh Việt Nam, mà việc thực hành một tôn giáo nào đó trở thành… phức tạp. Chùa nào lớn cũng có chi bộ, có an ninh “hướng dẫn” sinh hoạt. Nhà thờ nào lớn cũng vậy thôi: An ninh chìm nổi lảng vảng tối ngày, camera, thiết bị nghe trộm giăng khắp nơi.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự hoạt động tích cực của tuyên giáo. Cho đến năm 2003, chính quyền vẫn nhất quán xem tôn giáo như kẻ thù; các sách giáo khoa dạy trong nhà trường đều gọi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Từ năm 2003, với Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3, đảng Cộng sản mới dịu giọng hơn một chút, bớt hằn thù một chút, chỉ nói “tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài”. Ngay cả câu ấy vẫn hàm ý “tôn giáo là vấn đề đấy nhé, mà đã là vấn đề thì trước sau cũng phải xử lý. Chẳng qua là bọn tao buộc phải chấp nhận chúng mày thôi”.
Chế độ cai trị của cộng sản luôn có đóng góp to lớn của đội ngũ tuyên truyền viên, dư luận viên. Trong hàng chục năm qua, đội ngũ này đã lập thành tích đáng kể trong việc phá hoại về căn bản uy tín của tôn giáo và cách ly, cô lập các cộng đồng tôn giáo với xã hội, nhất là các “đạo của Tây”. Bộ máy tuyên truyền luôn tác động, nhào nặn để dân thường nghĩ về Công giáo, Tin Lành như những tôn giáo vọng ngoại, mất gốc, thời xưa là theo chân thực dân đế quốc bán nước, thời nay là cực đoan, ôm chân Vatican, gây rối…
Cho đến bây giờ, bên lương vẫn nhìn vào bên đạo với ánh mắt e dè, kỳ thị, cảnh giác, hoặc đầy ác cảm.
Cuối năm vừa qua, khi chúng tôi vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để ghi hình một phóng sự về thảm họa Formosa, phỏng vấn bà con xóm đạo thì không sao nhưng hễ hỏi “nhầm” một người dân ở xóm lương thì ngay lập tức sẽ nhận lại những câu hỏi đầy cảnh giác: “Làm gì đấy?”, “Phóng viên báo nào đấy?”, “Thẻ nhà báo đâu?”.
Chúng tôi hiểu ngay là họ đã được chính quyền địa phương ở đây “giáo dục”, “nắm tư tưởng”, “quán triệt” kỹ lưỡng từ trước rồi. Hẳn là vẫn luận điệu: Hiện nay thế lực thù địch đang lợi dụng sự cố môi trường ở miền Trung để kích động gây rối, lật đổ chế độ, yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác, thấy người lạ phải chủ động điều tra và/hoặc báo cáo ngay…
Đảng Cộng sản vẫn luôn như thế. Cho dù họ cũng phải ăn cá như ai, họ cũng phải hít thở không khí và du lịch biển như ai, chưa nói là ngân sách nhà nước (của họ) còn trông chờ vào kinh tế biển, nhưng họ vẫn không tiếc tiền cho công tác chống phá tôn giáo và tuyên truyền, định hướng dư luận, để dư luận phải nghĩ rằng thảm họa biển miền Trung chỉ là một “sự cố môi trường” mà thôi, và những người đi đấu tranh đuổi Formosa thì chỉ là một bộ phận “dân Công giáo” bất mãn, gây rối.
Bôi nhọ tôn giáo, chia rẽ lòng người, phá hoại xã hội dân sự là nghề của đảng rồi.
Tôi cũng đã từng giữ một cái nhìn không mấy thiện cảm với Công giáo và Tin Lành, như hàng triệu người dân khác bị tuyên truyền. Bên cạnh đó, tôi cũng gặp phải một vài người có đạo mà khá bất dung, khiến tôi đã e ngại càng e ngại hơn.
Nhưng muốn bớt sợ ai đó, ta chỉ có một cách là phải hiểu họ hơn. Sự thấu hiểu sẽ mở đường cho cảm thông.
Sau vài năm, tôi cũng không còn cảm giác e dè, sợ sệt khi tiếp xúc với bà con Công giáo, Tin Lành nói riêng và những người có đức tin nói chung nữa.
Và tôi cũng đã được gặp những người mà sau đó, tôi rất yêu mến họ.
Mùa đông năm 2016, khi truyền thông vẫn dồn dập như bão táp với từng sự kiện trôi qua mỗi ngày, và vụ Formosa tưởng như đã chìm xuồng, cha Thục lại một mình lặn lội bên Đài Loan, tìm hiểu về Formosa và vận động giới chức Đài lưu tâm đến thảm họa biển Việt Nam, trong đó Formosa là thủ phạm chính.
Có lần cha gửi cho tôi hình cha chụp một tấm danh thiếp của một quan chức Đài Loan nào đó; cha hỏi tôi chức vụ của ông này là gì, để cha tìm gặp ông ta.
Đó là một nhân vật ở Bộ Ngoại giao Đài Loan. Và cha lúc đó chỉ có một mình ở Đài Bắc, không ai giúp đỡ phiên dịch, mà lại đang cần gấp, nên mới gọi về hỏi tôi.
Tôi thấy muốn khóc: “Trời ơi, xã hội gì mà loạn lạc đến một ông cha xứ cũng phải đi tìm đường cứu dân thế này?”.
Lúc ấy, tự nhiên tôi nhớ đến bác Trần Văn Huỳnh, cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức, đi vận động quốc tế cho con trai. Bác mặc áo khoác đen, đi lù rù trong trời tuyết. Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông già 77 tuổi loay hoay với chiếc valy, đứng lọt thỏm giữa sân bay rộng mênh mông, sau khi chia tay mọi người ở Mỹ để một mình qua Úc. Trên phi trường nườm nượp người qua lại, trông bác đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé thêm, và cô đơn.
Tôi cũng nhớ đến một nhà sư vừa chạy thoát khỏi vụ Bát Nhã. Tôi nhớ cảnh ông ngồi đệm đàn guitar bài "Đưa em tìm động hoa vàng" cho một nhóm thanh niên hát, trong đó có tôi. Một vị hòa thượng đệm đàn cho thanh niên hát tình ca gần suốt đêm, hết sức giản dị và đời thường, dù chính ông chỉ vừa thoát khỏi bàn tay đàn áp của chính quyền cách đó chưa lâu. Với tôi, hình ảnh ấy quá đẹp và thánh thiện, đủ xóa sạch mọi nghi kỵ của tôi về Phật giáo "Làng Mai", "Bát Nhã"...
Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh cha Thục, cha Lai, cha Nam, cha Thanh, và nhiều linh mục khác, trong những cuộc trò chuyện, luôn bồn chồn lo nghĩ về thảm họa môi trường, về cuộc sống, sinh kế và cả tinh thần của hàng trăm nghìn người dân “hậu Formosa”.
Tôi như hình dung ra và sẽ không thể quên hình ảnh cha Thục, cha Hùng lặn lội trên xứ người giữa mùa đông giá rét, tìm đủ mọi cách để cảnh báo giới chức Đài Loan về thảm họa mà Formosa đang gây ra ở Việt Nam.
Cũng như hôm nay, 14/2/2017, là hình ảnh cha Thục mặc áo chức màu đen, dẫn đầu đoàn người tuần hành từ Nghệ An ra Hà Tĩnh. Vẫn là gương mặt hiền khô ấy, cái nhìn đầy ưu tư ấy. Nếu ở một thể chế khác, một xã hội khác, cha đã có thể chỉ lo việc đạo, chăm lo tinh thần cho con dân xứ mình, chứ đâu phải nặng lòng với những vấn đề môi trường, thực phẩm, sinh kế của dân… như thế này.
Đừng nghĩ rằng các linh mục thích “đội lốt tôn giáo để làm chính trị”, hay là “ăn tiền hải ngoại” để kích động dân làm loạn. Đẻ ra các luận điệu ấy là những kẻ đê tiện, còn nếu tin vào các luận điệu ấy, thì bạn không chỉ đê tiện mà còn ngu xuẩn; bạn không hiểu gì về tôn giáo và rõ ràng là cũng không có ý định tìm hiểu.
Chỉ xin bạn nhớ điều này: Sức mạnh bạo lực của một chính quyền không thể ngăn chặn cái ác, nhưng tôn giáo thì có thể. Chính vì thế, một chính quyền khôn ngoan phải biết khuyến khích tôn giáo hoặc đơn giản là để yên cho tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh và đạo đức của dân chúng.
Ngược lại, một nhà nước đàn áp tôn giáo, chia rẽ nhân dân, thì chắc chắn nó sẽ sụp đổ và đội ngũ lãnh đạo của nó phải trả nghiệp rất thảm khốc.
Đoan Trang
Nguồn: phamdoantrang.com

 

Đăng ngày 26 tháng 09.2017