Thượng đỉnh COP21(II)

Rồi sao nữa?


Gs Mai Thanh Truyết


I.  Có thực sự là “Thỏa thuận lịch sử” chăng?”

Đại diện của 187 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở Paris đã đạt được một “thỏa thuận lịch sử” nhằm ngăn chặn tình trạng hâm nóng toàn cầu. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố đã đạt được “thỏa thuận bước ngoặt”, kết thúc một năm được coi là nóng nhất trong lịch sử cũng như chấm dứt 4 năm thương thảo cam go với sự dẫn đầu của Liên Hiệp Quốc sau khi hầu hết những kết ước quy định trong Nghị định thư Kyoto không được tuân thủ.
Theo ước tính của IPCC, từ nay cho đến năm 2038, toàn cầu chỉ có thể phát thải tối đa 1.000 tỷ tấn khí Carbonic vào khí quyển mà thôi. Trong quá khứ 140 năm về trước, có 1.900 tỷ tấn CO2 đã bao phủ bầu khí quyển của chúng ta rồi, căn cứ vào nghiên cứu của Khoa Vật lý, Đại học Oxford, Anh.
Thỏa thuận được coi là mang tính bước ngoặt đầu tiên về khí hậu toàn cầu đã ràng buộc cả quốc gia giàu có lẫn nghèo khó phải cam kết hạn chế sự phát thải khí CO2 nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu cũng như đặt ra một mục tiêu dài hạn về việc phải xóa bỏ khí nhà kính (greenhouse effect) do con người gây ra trong thế kỷ này.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng khuyến khích các nước tăng cường các nỗ lực tự nguyện ở trong nước nhằm ngăn chặn khí thải cũng như cung cấp thêm hàng tỷ Mỹ kim để giúp các nước nghèo tiến tới một nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường hơn. Ông Fabius gọi thỏa thuận là một “bước chuyển lịch sử” trong nỗ lực ngăn chặn các hệ quả có thể gây ra thảm kịch từ việc tăng nhiệt độ nhanh của trái đất.
Tính đến ngày cuối cùng của Thượng đỉnh (12/12), hiện có 187 quốc gia đã đệ trình các kế hoạch chi tiết của nước mình về những biện pháp nhằm khống chế việc phát thải khí nhà kính, được coi là trọng tâm của thỏa thuận đạt được ở Paris.
Ông cũng cho biết văn kiện này sẽ có tính chất ràng buộc pháp lý và qui định những cuộc duyệt xét 5 năm một lần đối với các kế hoạch quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Mức duyệt xét lần đầu tiên sẽ là năm 2020.

cop21 cop21

cop21 cop21

cop21 cop21

Nghi vấn trong “cam kết có tính chất ràng buộc pháp lý”
Cản ngại thứ nhất là tính toán chính trị, mỗi quốc gia vì quyền lợi của riêng mình có thể đưa ra cam kết, nhưng chưa chắc gì có quyết tâm thực hiện.
Trở ngại thứ hai là kinh tế, các quốc gia đang phát triển có chấp nhận thay đổi mô hình phát triển hay chăng? Một khi đã cam kết chống biến đổi khí hậu cũng có nghĩa là phải đầu tư công nghệ mới để thay đổi công nghệ sản xuất “sạch”, ít phóng thích khí thải nhà kính, hoặc phải chịu chịu giảm tỷ lệ tăng trưởng. Cả hai phương cách đều làm giảm sự tăng trưởng cho chính quốc.
Khó khăn thứ ba là tài chính: Liệu các nước giàu ở Bắc bán cầu có chịu đóng góp mỗi năm 100 tỷ đô la vào Quỹ Khí hậu Xanh để giúp các nước nghèo ở Nam bán cầu chống biến đổi khí hậu hay không? Và đây là câu hỏi đã có đáp số qua kết quả tiêu cực của “tính chất ràng buộc pháp lý” ở Nghị định thư Kyoto vào năm 2012.

Theo ông Ahmed Djoghlaf, giới chức cao cấp về môi trường của Liên Hiệp Quốc, chuẩn bị cho dự thảo COP21: ”Các đô thị chỉ chiếm 2% diện tích Trái đất, nhưng lại tiêu thụ đến 70% tài nguyên Trái đất và đồng thời thải ra 70% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, các đô thị phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc giảm khí thải”.

Ông Jean-François Juillard, đại diện của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace Pháp, nhận xét: ”Trong khi các nhà thương thuyết của Liên Hiệp Quốc vẫn còn chưa rõ về hướng đi, về mục tiêu, về thoả thuận Paris, thì việc các lãnh đạo chính trị khác sẵn sàng cho sự thay đổi này và tự nhận lấy vai trò dẫn dắt, là một điều tốt”.
Chúng ta thấy rõ ràng là các quốc gia chậm phát triển phải đối mặt với nguy cơ và hậu quả của sự thay đổi khí hậu vì họ không có khả năng và tiến bộ trong công nghệ để hạn chế sự phát thải của khí nhà kính trong khi phát triển. Đặc biệt hơn nữa, họ cũng không có đủ hạ tầng cơ sở để đáp ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trong hoàn cảnh đó, Trung Cộng, một quốc gia đã được miễn nhiễm trong giai đoạn NĐT Kyoto vì được xem như là một quốc gia “đang phát triển”; ngày hôm nay, sau 20 năm phát triển vượt bực, phải có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ Khí hậu Xanh (TC đã hứa giúp 3 Tỷ vào tháng 9/2015) hầu giúp các nước nghèo trong cuộc chiến chống lại sự hâm nóng toàn cầu.
Vì vậy, để áp dụng “tính ràng buộc”, cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn nữa để épcác quốc gia đã phát triển đóng góp vào Quỹ Xanh hầu đạt được mục tiêu 100 Tỷ hàng năm cho toàn cầu từ đây cho đến 2020. Giờ đây, các cuộc thương lượng sẽ tập trung vào những điểm khó nhất và mang tính chính trị nhất, như nhận định của báo Les Echos, Pháp. Chính vì vậy mà bản dự thảo đã bị rút ngắn từ 43 trang còn 29 trang mà thôi, và chỉ còn lại 30 điểm thỏa thuận thay vì 140 kết ước như lúc ban đầu.
Do đó, có thể kết luận, đó là “Một dự thảo vẫn còn do dự giữa tham vọng và đồng thuận lỏng lẻo”. Nói là đã được rút ngắn, nhưng vẫn còn quá nhiều điểm bất đồng trong sự đồng thuận các cam kết trong COP21 này.

cop21 cop21

cop21 cop21

"Ràng buộc" là cần thiết
Trước nguy cơ trái đất bị hâm nóng với tốc độ ngày càng nhanh chóng, cộng đồng quốc tế ngày càng thống nhất trước mục tiêu giới hạn và tiến đến giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do các hoạt động của con người gây ra. Thượng đỉnh COP21 được coi là một thời điểm đặc biệt quan trọng, khi 196 quốc gia đứng trước áp lực phải tìm được một tiếng nói chung, với kết quả mong đợi là một thỏa thuận mang tính ràng buộc.
Vấn đề ràng buộc hay không ràng buộc liên quan đến cùng một lúc với các lãnh vực pháp lý, đạo lý, cũng như chính trị. Đàm phán tại COP21 là một thực tế hết sức phức tạp bởi sự tham gia của toàn thể cộng đồng quốc tế, một thỏa thuận cuối cùng đòi hỏi phải được sự nhất trí của 100% thành viên, trong khi đó, lập trường của các quốc gia nhiều khi hết sức khác biệt, thậm chí đối kháng trên nhiều điểm, nhất là giữa các nhóm quốc gia dễ bị tổn thương nhất, với một số cường quốc công nghiệp, hay quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, chưa kể đến lập trường đặc biệt của những nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ. Brazil.

Tính minh bạch trong ràng buộc
Theo ông Pierre Cannet, phụ trách chương trình Khí hậu và năng lượng của chi nhánh Pháp của Quỹ Thiên nhiên Thế giới WWF. Trong cuộc tọa đàm nói trên, ông cho biết tính ràng buộc của Thỏa thuận COP21 sẽ không phải là duy nhất, các bên tham gia có khả năng tìm được đồng thuận ở các mức độ ràng buộc khác nhau, từ thấp đến cao. Điều ông nhấn mạnh là khía cạnh kiểm tra thực hiện các cam kết quốc gia cũng như tính minh bạch trong việc thực thi Thỏa thuận, điều sau cùng đã bị loại trừ trong 140 kết ước trong dự thảo lúc ban đầu.
Theo ông: “Hiện tại, các hứa hẹn được các quốc gia đưa ra đang còn ở tình trạng mong muốn. Chúng ta đã có một loạt đề nghị cam kết đóng góp của các nước, bây giờ là lúc các cam kết này phải được đưa vào thỏa thuận, và quá trình thực hiện phải được kiểm tra. Thực chất của việc này là các dữ liệu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và thẩm định chúng. Hiện tại, các đàm phán về vấn đề minh bạch nhấn mạnh đến công đoạn thẩm định đã dẫn đến một số mâu thuẫn căng thẳng, liên quan đến một vấn đề nhạy cảm”.
Về điểm này, dân biểu Jean-Marc Germain nhận định:”Minh bạch có nghĩa là phải có một tổ chức quốc tế phụ trách việc đo lường, thẩm định lượng khí thải CO2, dựa trên các phương tiện của một quốc gia, nhưng đồng thời cả với các phương tiện riêng. Hiện tại, các số liệu, đo lường do tự mỗi nước thực hiện. Có thể thấy, nếu việc này chỉ do mỗi nước thực hiện, thì chúng ta sẽ không đi đến được mục tiêu”.

Áp lực từ công chúng mạnh hơn ràng buộc pháp lý
So sánh giữa ràng buộc về mặt pháp lý và ràng buộc về đạo lý, cũng như áp lực từ công luận, dân biểu Jean-Marc Germain nhận xét:”Khía cạnh thứ hai là sự minh bạch. Điều này thực sự có ý nghĩa khi 187 nước đã tự đưa ra các mục tiêu, cho dù mức cam kết này còn chưa đủ”.
Vai trò của công chúng rất quan trọng.
Chính vì thế, một điều quan trọng là các tổ chức phi chính phủ hiện diện, hành động, tác động đến các nội dung của Thỏa thuận. Bởi công luận trên thế giới, gần như ở tất cả các nước, có thể không kể các nước vùng Vịnh, đều đỏi hỏi các kết quả trong cam kết giảm khí thải. Tại một quốc gia, mà có đến 75% dân cư ủng hộ việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nếu chính quyền không đạt được mục tiêu, họ sẽ bị cử tri trừng phạt.

II.  Xã hội dân sự toàn cầu trước COP21

cop21
A replica of the Statue of Liberty is seen with smoke trailing out from its torch during a street parade as part of the "Global Village of Alternatives" events held in Montreuil, near Paris, France, December 5, 2015 as the World Climate Change Conference 2015 (COP21) continues at Le Bourget near the French capital. REUTERS/Benoit Tessier.
Tượng Nữ thần Tự do phun khói -  Montreuil, ngày 05/12/2015. REUTERS/Benoit Tessier.

Trong hai ngày của kỳ nghỉ giữa Thượng đỉnh, mùng 5 và 6 tháng 12/2015, nhiều tổ chức xã hội dân sự khắp nơi đã tổ chức một Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu của các công dân, song song với COP21, tại Montreuil, thành phố ngoại ô Paris. Cuộc hội ngộ lớn này của các phong trào dân sự có mục tiêu xây dựng một thế giới phát triển bền vững. “Thay đổi hệ thống chứ không được thay đổi khí hậu”, đó là khẩu hiệu có mặt khắp nơi trong dịp này. Có khoảng 30.000 người đã tham gia vào sự kiện đặc biệt này, trong tình hình Paris và nhiều nơi trên toàn nước Pháp vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, sau loạt khủng bố đẫm máu ngày 13/11/2015. Các hoạt động vì một nền nông nghiệp bền vững là một trong các nội dung nổi bật trong hai ngày Thượng đỉnh khí hậu của công dân toàn cầu.

Nếu như bức tượng lớn Nữ thần Tự do phun khói lên trời, với dòng chữ “Tự do gây ô nhiễm” là hình ảnh được hầu như tất cả mọi người đến với Thượng đỉnh công dân này chú ý, thì “Cây ước mơ” là nơi thu hút rất nhiều người tham gia, từ các em bé cho đến người già. Ai cũng có thể treo lên cái cây chung này một dây vải nhỏ, với những hy vọng cho một điều tốt đẹp.
Cô Stéphanie Montassier cho biết nội dung ước mơ của con gái mình là:”Tôi mong rằng, con gái tôi vẫn sẽ được thấy các loài động vật, những loài đang trên đường tuyệt chủng”.
Còn anh François Guion, một phóng viên của nguyệt san tranh châm biếm Zélium, khi anh đứng giữa dòng người để giới thiệu số báo mới có tựa đề “Kỷ nguyên tuyệt vời của nạn nghiện thực phẩm công nghiệp”, bày tỏ quan niệm mình: ”Với hành động của mình, chúng tôi tố cáo việc những người làm nông đã bị dồn đẩy để buộc phải tham gia vào hệ thống công nghiệp thực phẩm. Họ bị thúc đẩy để mua các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học… để nuôi các xí nghiệp, Hãy làm sao để tránh cho việc, như tại Pháp, đất đai bị khai thác kiệt quệ, các chất hữu cơ, sự sống của đất đai bị hủy hoại. Đất đai càng kiệt quệ, thì người làm nông lại càng phụ thuộc vào phân bón hóa học”.

Một hoạt động tâm điểm của hai ngày Thượng đỉnh công dân này là hội nghị của 196 chiếc ghế, do một phong trào bất tuân dân sự tổ chức. 196 chiếc ghế là con số các quốc gia tham dự Thượng đỉnh Le Bourget. Số ghế này được các thành viên của phong trào “tịch thu” từ nhiều ngân hàng, bị quy trách nhiệm trốn thuế hàng tỷ đô la.
Sau đây là tiếng nói của một đại diện phong trào:”Action non violente COP21” là một phong trào công dân, kêu gọi bất tuân dân sự. Chúng tôi kêu gọi các công dân có những hành động trực tiếp, như việc tước ghế. Thoạt nhìn việc tịch thu ghế của các nhà băng có vẻ như là một hành động vô ích, nhưng mục đích của hành động này là để lên án các hoạt động trốn thuế của các ngân hàng. Trong "thượng đỉnh 196 ghế" vừa diễn ra, có rất đông người tham dự. Mỗi người đều nói lên cùng một thông điệp: "Tất cả chúng ta đều là người tịch thu ghế".

Thay lời kết
Qua nội dung của những tin tức và các thông điệp của xã hội dân sự, chúng ta thấy gì?

  • Phải chăng, có một cái gì không ổn trong vấn đề ràng buộc và tính áp đặt trong Thỏa thuận COP21?
  • Phải chăng, trong tâm khảm của 196 đại diện cho 196 quốc gia đi phó hội Thượng đỉnh COP21 có lấn cấn một “cái gì” (cho tình trạng riêng của mỗi nước), để rồi, khi Thỏa thuận được đúc kết trong “gượng ép” mà vẫn phải gọi là “Thỏa thuận lịch sử” hay “Thỏa thuận bước ngoặt”?

Có phải 196 đại diện tuy đồng sàng nhưng dị mộng?
Theo thống kê, chúng ta đều biết, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, sự tăng trưởng của khí thải nhà kính tăng nhanh hơn trong giai đoạn 1980 đến 1990. Và hiện tượng trái đất nóng nhứt so với quá khứ xảy ra vào năm 2014, và nhiệt độ không khí trung bình ở mặt đất cho thập niên nầy là 0,90C, cao hơn sự tăng nhiệt độ từ thập niên 1880 trở đi.
Vì vậy, với điều kiện công nghệ hiện có và văn minh hiện tại, cũng như tư duy của những nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, thiết nghĩ, cần phải chuyển hướng và sáng tạo một phương cách mới trong việc hạn chế sự hâm nóng toàn cầu.

Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới cần phải thực tế và đặt nhiều tham vọng trong việc giải quyết vấn đề:

  • Tiền: Thay đổi công nghệ sạch, cần đầu tư nguồn vốn vào nghiên cứu cũng như chấp nhận chậm phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp;
  • Chấm dứt hẳn việc xử dụng năng lượng hóa thạch. (Điều nầy không dễ vì, nếu lấy Hoa Kỳ làm thí dụ, lượng than đá của xứ nầy còn đủ dùng cho 250 năm nữa, Mỹ không thể chấm dứt việc dung than trong một sớm một chiều được).
  • Việc áp dụng các loại năng lượng tái tạo (renewable energies) cũng cần phải cân nhắc lại vì, năng lượng tái tạo như thủy điện sẽ không phát thải khí nhà kính, nhưng lại hủy hoại hệ sinh thái toàn vùng.
  • Có cần phải cải biến công nghệ thực phẩm và lương thực để thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn nữa trong tương lai hay không?
  • Một gợi ý khác nữa là, nếu chúng ta không giảm thiểu được nguồn phát thải khí CO2 vào bầu khí quyển do điều kiện đặc thù của từng quốc gia, một giải pháp khác được nêu ra là “làm nguội trái đất bằng cách đưa vào bầu khí quyển một lớp mây tinh thể (salt crystal clouds)…để ngăn chận bớt tia sáng mặt trời do hiện tượng phản chiếu. Từ đó, trái đất sẽ bớt…nóng lên!

Chừng ấy suy nghĩ so cũng quá đủ cho các lãnh đạo toàn cầu và những nhà khoa học có viễn kiến trong tương lai của nhân loại…

Mai Thanh Truyết
VAST – COP21-12/2015

http://maithanhtruyet.blogspot.com

 

Đăng ngày 20 tháng 12.2015