Hương vị thi ca


Giới thiệu & Dịch thuật: Gs Đàm Trung Pháp


MỘT THOÁNG HƯƠNG VỊ THI CA Ý NGỮ

Trong số những ngôn ngữ đã làm quen, bút giả mê lối phát âm êm tai của tiếng Ý. Ngôn ngữ này dùng 5 mẫu âm căn bản là “a”, “i”, “u”, “e” và “o”. Ba âm đầu phát âm như tiếng Việt; hai âm sau cùng thường phát âm giống “ê” và “ô” trong ngôn ngữ chúng ta. Những mẫu âm nhiều nhạc tính này xuất hiện rất nhiều trong mọi vị trí, nhất là các âm “i” và “e” ở vị trí sau cùng của các danh từ và tính từ số nhiều. Thêm vào đó là những kết hợp êm tai của một số tử âm và mẫu âm, chẳng hạn khi tử âm “s” nằm giữa hai mẫu âm (như trong hai chữ “musicale” và “melodioso”) thì nó phát âm như âm “d” trong chữ “du dương” ; tử âm “c” khi đi với “i” và “e” thì đọc như “chi” và “chê” ; và các âm tiết “gia” và “gio” được phát âm giống “gia” và “giô” trong tiếng Việt. Thực vậy, khi muốn diễn tả ý nghĩ “Trong vườn hoa văn chương Ý có nhiều thi nhân trữ tình” thì người dân thành phố La Mã sẽ phát âm câu ấy êm tai như thế này: “Nel giardino letterario d’Italia ci sono molti lirici.”
Xin mời bạn đọc thưởng thức đôi chút thơ trữ tình của các đại danh Cavalcanti, Dante, Petrarca, Boccaccio, và Tasso. Đó là những bài thơ cổ điển đẹp, vui cũng như buồn, được làm hấp dẫn thêm lên nhờ vào bóng dáng những người đẹp mang tên Beatrice, Francesca, Laura, Fiammetta, và cả một nữ mục tử vô danh.
Vì biết rằng người dân Ý từng khắt khe lên án “traduttore, tratore” (dịch giả, kẻ phản bội), bút giả phải cố gắng hết mình, sao cho bản dịch không phản bội ý nghĩa của nguyên tác. Rất mong được cảm thông và miễn chấp. Đa tạ.   ĐTP

* * *

Guido Cavalcanti (1260-1300) là bạn thân của thi hào Dante. Cavalcanti là thủ lãnh trường phái Dolce stil nuovo (Lối viết mới ngọt ngào) mà chủ đích là để tán dương phụ nữ. Tán dương phái đẹp thực ra đâu có gì mới mẻ, nhưng cái “mới ngọt ngào” của trường phái Cavalcanti là niềm tin rằng tình yêu chỉ có thể phát sinh trong những con tim hào hiệp cao nhã và phái đẹp chính là những thiên thần giáng thế để cứu độ các đấng mày râu! Như vậy, tình yêu dành cho một phụ nữ cũng là tình yêu dâng lên Thượng Đế. Cavalcanti làm nhiều thơ, nhưng những bài hay nhất của ông lại là những bài ngăn ngắn trong đó triết lý khô khan bị quên lãng mà chỉ còn những tình ý cá nhân chan chứa. Bài thơ In un boschetto (Trong rừng thưa) là một tuyệt chiêu nói về cuộc gặp gỡ như mơ giữa thi nhân và một nữ mục tử trong rừng. Yếu tố thành khẩn và bộc trực trong cảm nghĩ của cô mục tử trong bài thơ làm người đọc khó quên được nàng. Nàng diễm lệ như thế này thì còn ai hơn được nàng:
Trong rừng thưa tôi gặp nàng mục tử // In un boschetto trova pasturella
hơn cả sao trời – nàng đẹp như mơ // Piu che la stella – bella al mi parere
Tóc vàng óng ả, da thịt hồng tươi, đôi mắt long lanh tình ái, nàng đang chăm sóc đàn cừu non. Mà gợi cảm thay:
Và đi chân không, ướt đẫm sương mai // E, scalza, di rugiada era bagnata
nàng hát ca như say hương tình ái // Cantava come fosse innamorata

Thi nhân choáng váng, chào nàng làm quen và muốn biết nàng có ai đi cùng với nàng không. Dịu dàng nàng thưa:
Rằng cô đơn cô độc em băng rừng // Che sola sola per lo bosco gia

Rồi như đã quen thi nhân từ lâu, nàng thỏ thẻ cho biết mỗi khi nghe tiếng chim ca nàng lại thầm ước có được người yêu. Dịp may tới rồi, thi nhân tự nhủ, vì nàng còn lẻ bóng mà chim chóc lại đang ca hát tưng bừng. Chàng thử lửa:
Tôi chỉ xin ân huệ hôn nàng // Merzè le chiesi sol che di baciare
và ôm ấp – nếu cùng ước vọng // e d’abbracciare – le fosse’n volere

Nắm tay thi nhân, nàng cho biết trái tim đã trao chàng đó. Tay đan tay, họ đi dưới những cành cây tươi tốt, quanh chân họ hoa sắc muôn màu. Nàng chẳng còn là mục tử tầm thường nữa đâu, vì:
Chốn này cuộc sống vui như hội // E tanto vi sentido gioia e dolzore
thần tình yêu – chắc hẳn nàng rồi // che dio d’amore – parmevi veder

Người dân Ý yêu bài thơ In un boschetto bất hủ này của Cavalcanti vì tác giả đã thần thánh hóa một cách kỳ diệu một phụ nữ không quyền quý cao sang.

* * *

Khi mới chín tuổi đầu, Dante Alighieri (1265-1321) đã gặp Beatrice là cô bé gái cùng tuổi bên lối xóm, đẹp cả người lẫn nết như một thiên thần. Từ phút đó trở đi, ái tình ngự trị linh hồn của cậu bé mà sau này trở thành một thi hào của nhân loại. Beatrice về sau lấy một một chủ ngân hàng giàu có, và có lẽ nàng cũng chẳng bao giờ biết đến mối tình lặng lẽ mà Dante đã trọn vẹn dành cho nàng. Sau khi cành thiên hương Beatrice thoắt gẫy lúc mới 24 tuổi đời, Dante sáng tác tuyển tập Vita Nuova (Cuộc Đời Mới) để ca tụng nàng như một niềm hứng khởi vô biên. Nàng trở thành một thứ mặc khải thần linh đã hướng dẫn Dante trên Thiên Đàng đến nơi gặp Thượng Đế trong đại tác phẩm Divina Commedia (Hài Kịch Thánh Thần) của Dante. Trong một cảnh của tác phẩm để đời này, kiều nữ Francesca bị đầy đọa tơi bời dưới địa ngục. Khác hẳn Beatrice, Francesca là một nhân vật rất “người” với những nét yếu đuối mong manh của một phụ nữ. Nàng trẻ đẹp duyên dáng mà lại bị bó buộc lấy một người chồng vừa già vừa vô duyên, lại thêm xấu trai. Trái tim Francesca sau đó đã dành cho người em chồng hào hoa mang tên Paolo, trong dịp họ cùng đọc chung câu chuyện về nụ hôn say đắm nhưng bất chính giữa hiệp sĩ Lancelot và hoàng hậu Guinevere (vợ vua Arthur). Cùng đọc tới đoạn gây cấn đó, chị dâu Francesca và em chồng Paolo cũng ... hôn nhau vũ bão như trong sách. Tội lỗi bắt đầu từ đó. Khi khám phá ra mối tình bất chính, người chồng bị mọc sừng đã giết cả hai. Lúc đền tội dưới địa ngục, Francesca nhớ lại giây phút nàng và Paolo sa ngã:
Tới đoạn tả tiếng cười đầy ham muốn // Quando leggemmo il disiato riso
được người tình phủ kín bởi nụ hôn // esser baciato da cotanto amante,
thì chàng đã kết với tôi làm một // Questi, che mai da me non fia diviso,
miệng hôn tôi mà bủn rủn thân mình // La boca mi baciò tutto tremante.

* * *

Một đại danh nữa trong văn chương Ý là Francesco Petrarca (1304-1374). Thi hào này mở ra một kỷ nguyên mới cho văn chương mà đặc trưng là mến mộ thiên nhiên, say sưa thế tục, nhưng cũng có nhiều trăn trở trong hồ nghi và mâu thuẫn. Ông làm nhiều thơ bằng tiếng La-tinh khiến ông danh tiếng lẫy lừng, nhưng dân chúng mến mộ ông nhiều hơn vì những bài ca trữ tình hoa mỹ viết bằng tiếng Ý được hậu thế góp lại thành tập Canzoniere (Sách hát). Tập thi ca đó để tặng nàng Laura, cũng là một thứ người tình lý tưởng. Chỉ biết khi thi nhân gặp Laura thì nàng đã có chồng. Laura là căn nguyên cho cả thú vui lẫn khổ đau cho Petrarca. Nàng như trói buộc người thơ bằng sợi dây vô hình, đánh thức dậy trong chàng những đam mê thác lũ, và làm cho chàng quên đi cả Thượng Đế. Thực cả là một vấn nạn, vì:
Tâm trạng ta chiến tranh và thù hận // Guerra è il mio stato, d’ira e di duol piena;
nghĩ đến nàng ta mới được bình an // e sol di lei pensando ho qualche pace.
Khó có lời than nào vô vọng hơn hai câu thơ sau đây của Petrarca:
Ngàn lần ta chết đi rồi sống lại // Mille volte il di moro e mille nasco;
cứu rỗi ơi, mi cách trở muôn đời // tanto dalla salute mia son lunge!

* * *

Nếu Dante có Beatrice và Petrarca có Laura làm nguồn thơ thì Giovanni Boccaccio (1313-1375) có Fiammetta để vì nàng mà làm thơ tình lai láng. Không ai biết rõ tông tích Fiammetta; có thể nàng có máu vua chúa trong người. Nhưng nàng oái oăm lắm: trước hết nàng khước từ trái tim Boccaccio, rồi nàng chịu yêu chàng, để rồi sau cùng phản bội chàng. Khi còn yêu nhau, nàng khả ái, nhu mì, chiều lòng thi nhân hết mực. Mùa xuân đến, nàng dạo gót trên bãi cỏ xanh đầy hoa thơm khoe sắc. Phong cảnh hữu tình khiến Fiammetta chợt nhớ tới Boccaccio, người mà:
Có em hôm nay luôn bên cạnh // Ha presa e terrà sempre, come quella
chỉ mong sao thỏa mãn lòng anh // Ch’altro non ha in disio ch’e suoi piaceri.
Lúc ấy thi nhân đi vắng, Fiammetta thở dài não nuột và gọi tên chàng cho đỡ nhớ. Kỳ diệu thay, khi yêu nhau say đắm, người ta dường như có thần giao cách cảm:
Như thấu lòng em, để ban lạc thú // Il qual, come gli sente, a dar diletto
từ chàng sang, nên hiện ra lúc ấy // di sè a me si move e viene in quella
trước khi em nói: nhớ quá đi thôi // ch’i son per dir: deh bien, ch’i non desperi.
Mối tình đẹp như mơ ấy chẳng bền lâu. Hãy tưởng tượng nỗi lòng tan nát của Boccaccio khi cô Fiammetta lộng lẫy nhan sắc đó nỡ bỏ chàng vì một người khác có địa vị và tiền bạc hơn nhà thơ chung thủy.

* * *

Nhà thơ Torquato Tasso (1544-1595) tài hoa tuyệt trần nhưng cũng bất hạnh vô song. Tasso khét tiếng với thiên anh hùng ca Gerusalemme Liberata (Thành thánh Giê-ru-sa-lem giải phóng) nhưng người đời lại thích đọc những bài thơ tình của ông hơn. Vị thiên tài này bị bệnh tinh thần, nhiều phen bị cột chặt chân tay trong nhà thương điên, tất cả do một tự ti mặc cảm nghiệt ngã. Tasso thương yêu vô vọng một giai nhân, cũng mang tên Laura, thuộc loại lá ngọc cành vàng. Nhưng Laura chỉ là giấc mơ cho Tasso mà thôi. Trong bài thơ Un’ ape esser vorrei (Ta muốn thành con ong) trích dẫn dưới đây để kết thúc bài viết này, chúng ta sẽ thấy một Tasso tuyệt vọng đang mưu tính trả thù người trong mộng, mà lại trả thù một cách khiêu gợi lạ thường :
Ta muốn thành con ong // Un’ ape esser vorrei
hỡi giai nhân tàn nhẫn // donna bella e crudele
thì thầm ta hút mật thân em // che susurrando in voi suggesse il mèle
và chẳng thể vào tim em được // e, non potendo il cor, potesse almeno
ngực trắng ngần ta sẽ chích thay // pungervi il bianco seno
trong vết thương ngọt ngào êm ái ấy // e’n si dolce ferita
ta lìa đời, hận đã rửa xong xuôi // vendicata lasciar la propria vita.

Đàm Trung Pháp



MỘT THOÁNG HƯƠNG VỊ THI CA ĐỨC NGỮ

Thành kiến cho rằng Đức ngữ chói tai, vụng về và nặng nề đã bị thi ca trữ tình Đức ngữ phản bác bằng bản chất uyển chuyển, linh động, và đầy nhạc tính của nó. Chính bản chất này đã giúp thơ trữ tình Đức ngữ đi sâu vào di sản văn học nhân loại, qua một cơ duyên hy hữu: sự thăng hoa của loại thơ chan chứa tình cảm này xảy ra cùng lúc mà âm nhạc đang đi đến tột đỉnh tại Đức Quốc. Mối liên kết diệu kỳ giữa chữ nghĩa và âm điệu trong thế kỷ 18 và 19 đã tạo nên những bài ca bất hủ cho các danh tài âm nhạc Brahms, Schubert, và Schumann. Trong bài viết này, bút giả mời quý bạn đọc một vài bài hoặc đoạn thơ chan chứa tình người, trong đó --theo lời Hermann Hesse (giải Nobel văn chương 1946) -- các thi sĩ sẵn sàng “gọi tên từng con thú từng phiến đá với tất cả yêu thương.” Vì biết rõ “dịch là phản,” bút giả mong quý bạn đọc thông cảm cho rằng các câu thơ bút giả “liều lĩnh” chuyển sang tiếng Việt chỉ là một cố gắng đầy thiện chí mong diễn tả trung thực ý nghĩa các bài hoặc đoạn thơ tiếng Đức nguyên bản mà thôi.

Du bist wie eine Blume (Em như là một đóa hoa) là một tuyệt tác của Heinrich Heine (1797-1856). Bài thơ này đã được Robert Schumann phổ nhạc nên lại càng thêm lừng danh hoàn vũ. Nó phản ánh mối tình tuyệt vọng giữa thi nhân và một người bà con trong họ mang tên Amalie, xinh đẹp nhưng rất thực tế. Nàng làm ngơ Heinrich để đi lấy chồng giàu sang, gây ra một vết thương lòng dai dẳng cho nhà thơ. Trong đoạn mở đầu bài thơ, người đọc đã thấy ngay mức xót xa khôn tả của Heinrich – Amalie yêu kiều bao nhiêu thì chàng đau lòng bấy nhiêu:
Em trông như một đóa hoa // Du bist wie eine Blume
Biết bao duyên dáng mặn mà băng trinh // So hold und schoen und rein
Ngắm em anh thấy khổ đau // Ich schau’ dich an und Wehmut
Lẻn vô tâm thất thảm sầu lòng anh // Schleicht mir ins Herz hinein

Tuyệt vọng nhưng lại là một người thua cuộc cao thượng, trong phần còn lại của bài thơ ấy Heinrich đã nguyện cầu Ơn Trên ban phước lành cho Amalie được mãi mãi là một đóa hoa rực rỡ làm đẹp cho đời. Người ta thường coi Heine là nhà thơ lớn sau cùng của trào lưu lãng mạn Đức đã có thể viết lên những bài thơ tráng lệ tiêu biểu nhất của thời điểm ấy. Chẳng hạn, bài thơ Im wunderschoenen Monat Mai (Trong tháng năm rực rỡ) của Heine cho người đọc thấy con người và thiên nhiên, vốn đã sẵn có những liên hệ mật thiết, cùng chợt bừng tỉnh khi mùa xuân trở lại:
Trong tháng Năm rực rỡ // Im wunderschoenen Monat Mai,
khi muôn hoa đua nở // Als alle Knospen sprangen,
là lúc trong tim tôi // Da ist in meinem Herzen
tình yêu bừng thức dậy // Die Liebe aufgegangen.
Trong tháng Năm rực rỡ // Im wunderschoen Monat Mai,
khi chim chóc líu lo // Als alle Voegel sangen,
tôi cùng nàng thú thật // Da hab’ ich ihr gestanden
lòng ham muốn của tôi // Mein Sehnen und Verlangen.

Chủ đề “carpe diem” hoặc “xuân bất tái lai” không thể thiếu trong thi ca trữ tình, và thi sĩ Ludwig Heinrich Christoph Hoelty (1748-1776) tài hoa mệnh yểu viết về chủ đề này như có linh tính về cuộc đời ngắn ngủi của chính mình. Giỏi thần học và bi quan về cuộc sống phù du, Hoelty mê say thiên nhiên, ái mộ tuổi trẻ, và ngợi ca tình ái. Nhưng cạnh niềm vui trong thơ Hoelty, người ta thấy lẩn quất đâu đây một thiên tai đang đợi, một Tử Thần đang chờ. Trong bài Lebenspflichten (Trách nhiệm cuộc đời), giữa khung cảnh tráng lệ của mùa xuân Hoelty đưa ra cái chết bất ngờ của một chàng trai đang dồi dào sinh lực:
Hôm nay trong điệu xuân vũ // Heute huepft, im Fruelingstanz
chàng thanh niên còn vui thú nhảy cao // Noch der frohe Knabe;
Mai đây vòng hoa thương nhớ // Morgen weht der Todtenkranz
trên mộ chàng đã theo gió phất phơ // Schon auf seinem Grabe.

Nhưng từ cái nhìn thực tế đến cõi đời ngắn ngủi, Hoelty không buồn mà chỉ muốn xác định mục đích cuộc đời một cách giản dị và hợp lý: vì cái chết không thể tránh được, chúng ta hãy tận hưởng cuộc sống phù du ấy trong niềm vui cùng thiên nhiên, tình ái, và say sưa:
Chớ để chim họa mi nào // Lasset keine Nachtigall
líu lo nhưng không ai biết // Unbehorcht verstummen;
con ong nào lúc xuân về // Keine Bien’, im Fruehlingsthal
rầm rì mà chẳng ai nghe // Unbelauschet summen

Hãy tận hưởng khi Trời ưng thuận // Fuehlt, so lang es Gott erlaubt,
nụ hôn cùng những trái nho ngon // Kuss und suesse Trauben,
cho đến khi Thần Chết tham ô // Bis der Tod, der alles raubt’
cướp đi hết những gì anh có // Kommt, sie euch zu rauben.

Thi nhân trữ tình lẫy lừng nhất trong văn học Đức phải là Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832). Bậc thiên tài hy hữu trong lịch sử loài người đã thành công trong đủ mọi loại văn chương. Trong cõi thơ trữ tình của ông, nổi bật nhất là ngôn ngữ bình dị và cấu trúc ngữ pháp đơn sơ theo truyền thống dân ca. Trọn bài thơ Gefunden (Tìm thấy) chuyển ngữ dưới đây phản ánh vẹn toàn các đặc trưng đó:
Tôi đi trong rừng // Ich ging im Walde
Một mình cô quạnh // So fuer mich hin,
Chẳng tìm kiếm chi // Und nichts zu sehen
Đó là chủ ý // Das war mein Sinn.

Bỗng trong bóng mát // Im Schatten sah ich
Ló rạng nụ hoa // Ein Bluemenchen stehn,
Long lanh tựa sao // Wie Sterne leuchtend,
Đẹp đôi mắt hiền // Wie Aeuglein schoen.

Tôi muốn hái hoa // Ich wollt’ es brechen,
Nhưng hoa khẽ bảo // Da sagt’ es fein:
Hoa sao khỏi héo // Soll ich zum Welken
Nếu phải lìa cành // Gebrochen sein?

Tôi đào tất cả // Ich grub’s mit allen
Rễ nhỏ cây hoa // Den Wuerzlein aus,
Đem về vườn cây // Zum Garten trug ich’s
Bên nhà lộng lẫy //Am huebschen Haus.

Tôi trồng lại hoa // Und pflanzt’ es wieder
Trong góc vườn vắng // Am stillen Ort;
Giờ đây cây lớn // Nun zweigt es immer
Mãi mãi trổ bông // Und blueht so fort.

Cần nói thêm rằng cái cây hoa tươi tốt mà lại biết nói tiếng Đức rất có duyên trong bài thơ hiền hòa chan chứa ân tình nêu trên chính là cô Christiane Vulpius. Cô là một thanh nữ đẹp cả người lẫn nết mà thi nhân đã bất ngờ “tìm thấy” trong một công viên tại La Mã và mang ngay về nhà làm bạn đời đấy!

Một nhà thơ rất ái mộ Goethe là Jakob Michael Reinhold Lenz (1751-1792). Lenz bắt chước cả lối sống lẫn phong cách làm thơ của Goethe. Nhiều bài của Lenz giống thơ Goethe đến nỗi người đương thời không thể phân biệt nổi. Bài thơ thống thiết Wo bist du itzt? (Em ở đâu bây giờ?) mà hai đoạn được trích dẫn dưới đây cho thấy thêm vài chi tiết thú vị. Lenz làm bài này để tặng Friedericke Brion, một phụ nữ mà thi nhân đang choáng váng say mê. Friedericke cũng đã là nguồn cảm hứng dạt dào một năm trước đó cho các bài thơ tình nồng nàn nhất của Goethe! Chắc hẳn Lenz đã làm bài thơ đó trong lúc thương nhớ người trong cuộc đến tái tê, viết ra những câu không gò bó, chất ngất đắm say riêng tư, rập theo khuôn mẫu những bài thơ trữ tình ban đầu của Goethe. Có lẽ chỉ những ai đã có kinh nghiệm với sự kiện người yêu mình tự nhiên biệt tích tăm hơi mới có thể hiểu thấu nỗi đau lòng của Lenz lúc đó:
Từ buổi em đi, mặt trời hết sáng // Seit du entfern will keine Sonne scheinen
và có mối tâm đồng // und es vereint
giữa trời xanh và người bạn em đây // das Himmel sich, dir zartlich nachzuweinen
nhớ thương em than khóc vơi đầy // mit deinem Freund
Mọi lạc thú cùng em xa vắng // All unsre Lust ist fort mit dir gezogen
lặng tanh thành phố lẫn đồng hoang // still ueberall
theo em đã vụt bay đi khỏi // ist Wald und Feld. Dir nach ist sie geflogen
cả chú chim nhỏ bé họa mi // die Nachtigall.

Bài thơ trữ tình tiếng Đức mà bút giả cho là thấm thía nhất mang tên Der Wirtin Toechterlein (Con gái nhỏ bà chủ quán) của Ludwig Uhland (1787-1862) sẽ kết thúc bài viết này. Nhiều thơ của Uhland đã nghiễm nhiên trở thành dân ca thực sự của dân tộc Đức. Bài dân ca nổi tiếng dưới đây của Uhland có nhiều yếu tố bất ngờ độc đáo trong nội dung. Xin ngừng tại đây với bài dân ca mà đa số người nghe đã đỏ hoe con mắt:
Ba chàng trai trẻ vượt sông Rhein // Es zogen drei Bursche wohl ueber den Rhein;
đến ghé thăm một bà chủ quán // Bei einer Frau Wirtin, da kehrten sie ein:
“Bà chủ còn rượu ngon đấy chứ // “Frau Wirtin, hat Sie gut Bier und Wein?
ái nữ yêu kiều của bà đâu?”// Wo hat Sie Ihr schoenes Toechterlein?”

Và khi họ bước vô phòng khách // Und als sie traten zur Kammer hinein,
thấy cô nằm trong chiếc hòm đen // Da lag sie in einem schwarzen Schrein.

Chàng thứ nhất lật tấm khăn che mặt // Der erste, der schlug den Schleier zurueck
và ngắm nàng qua tia mắt khổ đau // Und schaute sie an mit traurigen Blick:
“Em đẹp xinh ơi, nếu em còn sống // “Ach! Lebtest du noch, du schoene Maid,
anh sẽ yêu em mãi mãi chẳng ngừng // Ich wuerde dich lieben von dieser Zeit.

Chàng thứ hai lật tấm khăn che mặt // Der zweite deckte den Schleier zu
rồi quay lưng, cho lã chã lệ rơi // Und kehrte sich ab und weinte dazu:
“Hỡi em yêu nằm trong quan tài tối // “Ach! Dass du liegst auf den Totenbahr!
anh thương yêu em đã mấy năm rồi” // Ich hab’ dich geliebt so manches Jahr.”

Chàng thứ ba bước tới lật khăn lên // Der dritte hub ihn wieder sogleich
hôn miệng nàng đã ngả mầu trắng bệch // Und kuesste sie an den Mund so bleich:
“Anh đã yêu em, yêu em hôm nay // “Dich liebt’ ich immer, dich lieb’ ich noch heut’
và sẽ còn yêu em tận muôn đời” // und werde ich lieben in Ewigkeit.”

Đàm Trung Pháp



MỘT THOÁNG HƯƠNG VỊ THI CA TÂY BAN NHA NGỮ

Ai trên đời mà không âm thầm tiếc nuối tuổi trẻ qua mau, nhưng đã mấy ai để lệ rơi tầm tã trong những lúc bất thần khóc than cho tuổi thanh xuân ra đi không trở lại như nhà thơ Rubén Darío (1867-1916) người nước Nicaragua? Darío ví tuổi xanh như một “kho tàng thượng đế” mà sự mất đi là cả một tiếc thương vô hạn nằm sâu trong tiềm thức. Chẳng thế mà bốn câu tuyệt bút phát xuất từ một nỗi lòng xót xa của ông được nhắc đi nhắc lại năm lần trong bài “Canción de otonõ en primavera” (Thu ca lúc xuân thì) đã làm bao thế hệ độc giả mủi lòng vì mức độ thiết tha của chúng:
Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế // Juventud, divino tesoro
đã ra đi không thể trở về // ya te vas para no volver
lúc muốn khóc, ta không khóc nổi // cuando quiero llorar, no lloro
nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi // y a veces lloro sin querer

Tuổi thanh xuân thường đồng nghĩa với mộng mơ. Người ta kể rằng thời còn trẻ Gustavo Bécquer (1836-1870), người nước Tây ban nha, có một cô bạn gái rất xinh mê chàng như điếu đổ. Một hôm nàng âu yếm nhìn Gustavo đang ngồi làm thơ trong vườn, rồi bất thần lên tiếng hỏi “Anh ơi, thơ là cái chi chi mà anh mê nó thế hả anh?” Có ai đâu ngờ câu trả lời chẳng cần suy nghĩ của Gustavo “Poesía… eres tú” (Thơ… chính là em đấy) đã trở thành cách định nghĩa thần tình nhất cho tình yêu từ đó đến nay! Nhà thơ tài hoa nhưng mệnh yểu cũng đã chẳng để lỡ cơ hội cho tiếng lòng đang thổn thức rót thêm những lời đường mật vào tai cô bạn gái mà chàng vừa xác nhận là nguồn thơ lai láng cho mình:
Một thế giới cho từng ánh mắt // Por una mirada, un mundo
một trời xanh mỗi lúc em cười // por una sonrisa, un cielo
mỗi nụ hôn... anh còn suy đoán // por un beso … yo no sé
biết tặng gì mỗi lượt em hôn // que te diera por un beso

Tuyển tập những bài thơ mang danh “Rimas y leyendas” (Những vần thơ và truyện thần kỳ) - mà từ đó bốn câu trên được trích dẫn - đã được in thành sách năm 1871, tức là một năm sau khi Bécquer qua đời. Kể từ đó đến nay tập thơ khả ái ấy vẫn còn là những bài thơ tình trinh nguyên được giới trẻ trong thế giới Tây ban nha ngữ ngưỡng mộ.

Gần đây hơn, giải quán quân về đam mê phải được trao cho Pablo Neruda (1904-1973) người nước Chí lợi. Vị thi bá từng đoạt giải Nobel văn chương đã chẳng chút ngại ngùng nào khi mệnh danh cô bạn gái của mình là Nữ hoàng! Neruda cho phổ biến thi tập “Los versos del capitán” (Những vần thơ người thuyền trưởng) để ghi khắc thời gian đắm say trong vòng tay cô Matilde Urrutia. Yêu đến nỗi thi nhân viết cả thơ tặng nàng ngay trên khăn lau miệng trong tiệm ăn! Đoạn chót bài thơ tình làm rung chuyển cả trời lẫn đất mang tên “La reina” (Nữ hoàng) dưới đây là một bằng chứng hùng hồn giải thích tại sao Matilde xứng đáng là nữ hoàng của Pablo:
Và khi em xuất hiện // Y cuando asomas
tất cả những giòng sông náo động // suenan todos los ríos
trong thân anh, những hồi chuông // en mi cuerpo, sacuden
lay chuyển cả bầu trời // el cielo las campanas
và một thánh ca ngập tràn thế giới // y un himno llena el mundo

Nếu được trở lại trần gian hôm nay, hai thi sĩ Bécquer và Neruda chắc sẽ choáng váng khi được nghe “Cuando calienta el sol” (Khi mặt trời sưởi ấm) là một bài ca hiện đại sống động được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ. Sáng tác nổi danh như cồn ấy của Luis Miguel (sinh năm 1970 tại Puerto Rico) tả chân mối liên hệ tình ái ngày nay bằng một lối viết táo bạo hơn nhiều so với thời thượng của hai ông Bécquer và Neruda:
Khi mặt trời sưởi ấm // Cuando calienta el sol
trên bãi biển này // aquí en la playa
sát mình anh // cerca de mi
thân em kích động // siento tu cuerpo vibrar
ngực em phập phồng // es tu palpitar
là mặt em // es tu cara
là tóc em // es tu pelo
là những nụ em hôn // son tus besos
anh rùng mình, hỡi càn khôn // me estremezco, oh
khi mặt trời sưởi ấm // cuando calienta el sol

Nếu Gustavo Bécquer đã chinh phục được người yêu thì Antonio de Trueba (1819-1889), người Tây ban nha, còn đang… trong vòng dụ dỗ. Người đẹp của Trueba là một nàng nước da bánh mật, có đôi mắt đẹp mê hồn đến nỗi nếu thiếu đôi mắt ấy trong đời thì thi nhân chỉ còn nước chết ! Thế cho nên sau khi đã thú thật cùng nàng, Antonio khẩn khoản xin nàng một ân huệ nho nhỏ để chàng còn có thể tồn tại trên đời. Ân huệ ấy chỉ gồm có hai điều, cả hai bắt đầu bằng liên từ (chỉ điều kiện) nếu nghe còn có vẻ xa vời, nhưng Antonio vẫn xin nàng ban cho:
Nếu em rời gót sen // Si tú a la ventana
ra tựa bên cửa sổ // te dignas salir
nếu em một liếc nhìn // si tú una mirada
ban cho anh từ đó // me das desde allí

Khi bị trái tim thôi thúc, đấng mày râu dù có anh hùng, có “macho” (đầy ắp nam tính) đến mấy, cũng có thể trở thành hành khất tình yêu, hạ mình rất thấp để xin “un poco de tu amor” (một chút tình em) và sẵn sàng đáp lại ngàn lần như thế. Mời nghe lời van xin tình yêu thành khẩn đam mê cùng với lời hứa đền bù lấy từ bài hát “Por un poco de tu amor” do Oscar Gomez Albert Hammond đồng sáng tác năm 1978. Ca sĩ lừng danh thế giới Julio Iglesias của nước Tây ban nha đã thăng hoa bài ca thành một top hit:
Đáp đền cho một chút tình em // Por un poco de tu amor
và mảnh nhỏ cuộc đời em có // por un trozo de tu vida
anh hứa đời trọn vẹn dâng em // la mía entera yo te la daría a ti

Năn nỉ mãi không được, chàng hành khất tình yêu sẽ có lúc trở thành bực bội. Có khi chàng còn dọa dẫm nữa là đằng khác, nếu ta căn cứ vào bài hát uy nghiêm “Adelita” do ông sĩ quan quân đội kiêm nhạc sĩ Jorge Negrete (1911-1953) người xứ Mễ tây cơ sáng tác. Người hùng đóng vai hành khất trong bài ca này không những chỉ là nhạc sĩ mà còn là một sĩ quan cao cấp có thể sử dụng phương tiện di chuyển của hải, lục, không quân bất cứ lúc nào. Ông đang buồn vì cô Adelita kháu khỉnh, mà ông đang mê mệt, chưa yêu lại ông. Ông còn nghi là nàng dám yêu kẻ khác lắm. Ông rất chân thành và giản dị, đã hứa với Adelita rằng nếu nàng yêu ông thì ông sẽ mua ngay cho nàng một bộ đồ bằng lụa mỏng và dẫn nàng đi rước đèn ngay trong … trại lính của ông! Còn như nếu mà nàng bỏ ông để đi yêu kẻ khác thì nàng hãy coi chừng, vì tay ông dài khủng khiếp:
Nếu Li-ta cặp kè tay ấy // Si Adelita se fuera con otro
gót nàng ta bám sát không thôi // la seguiría la huella in cesar
bằng máy bay hay bằng tàu chiến // en aeroplanos y buques de guerra
trên bộ bằng xe lửa lục quân // y por tierra en tren militar

Chưa biết chắc được người mà mình mê rồi có chịu đáp lại tấm lòng mình không (như trường hợp ông quan võ si tình và cô Adelita nêu trên) đã là khổ rồi, nhưng có lẽ còn đỡ khổ hơn là bị ruồng bỏ ngay từ dầu. Như trường hợp một chàng trai vừa gửi lá thư đầu tiên cho người trong mộng thì lá thư xấu số vô duyên ấy đã bị cô ta xé nát rồi cho gió cuốn bay đi ! Tuy đau lắm, nhưng chàng vẫn giữ thái độ một người quân tử biết tha thứ kẻ khác, rồi viết cho mình bốn câu thơ để tự an ủi, trích từ trong một bài thơ tình khuyết danh tác giả:
Dù em chẳng yêu tôi // Aunque no me quieras
tôi còn niềm an ủi // tengo el consuelo
là em biết tôi đây // de saber que sabes
sẽ còn yêu em mãi // que yo te quiero

Bị coi thường hay bị ruồng bỏ trong lãnh vực tình ái đã là khổ rồi, nhưng có người yêu điên đảo có khi còn khổ nhiều hơn nữa! Thi nhạc sĩ người Mễ tây cơ Alberto Dominguez (1911-1975) sáng tác bài ca bất hủ“Perfidia” (Đảo điên) kể chuyện về cuộc tình bất hạnh của một đấng mày râu. Vị này thở than về một người đàn bà đã làm cho đời ông khốn đốn. Ông mang cả Thượng Đế, cả biển sâu ra làm nhân chứng cho mối tình thành khẩn, những lần than khóc, những chuyến đi tìm kiếm vô vọng của ông, tất cả chỉ vì sự đảo điên của cô nàng :
Em, khi được thưa cùng thượng đế // Mujer, si puedes con dios hablar
hỏi ngài xem anh có bao giờ // pregúntale si yo alguna vez
dám chểnh mảng tôn thờ em thế // te he dejado de adorar
hỏi biển, gương soi tim anh rõ // y al mar, espejo de mi corazón
đã bao lần thấy lệ anh rơi // las veces que me ha visto llorar
vì đảo điên tình ái em thôi // la perfidia de tu amor
Đã tìm em bốn bể năm châu // Te he buscado dondequiera
mà chẳng hề thấy bóng em đâu // yo no te puedo hallar
còn em, ai biết ở phương nào // y tú, quién sabe por dónde andarás
tháng ngày qua mạo hiểm ra sao // quién sabe qué aventuras tendrás
khi chúng ta còn bao cách trở // qué lejos estás de mí

Nếu chàng trai tuyệt vọng nêu trên chỉ khóc than và lang thang đi tìm người yêu phụ bạc, thì nhân vật chính trong một bài thi nhạc nữa mang tên “Tú, sólo tú” (Em, chỉ mình em thôi) do Felipe Leal (không rõ năm sinh và mất) người Mễ tây cơ sáng tác, đã trở nên bệ rạc, rượu chè be bét vì người yêu đã bỏ chàng rồi :
Này em, hãy trông anh thất thểu // Mira como ando, mujer
chót quá yêu em // por tu querer
thành bệ rạc say sưa // borracho y apasionado
tất cả vì em / no más por tu amor
và chỉ mình em thôi // tú, sólo tú
lấy khổ đau lấp kín đời anh // has llenado de luto mi vida
mở vết thương trong trái tim này // abriendo una herida en mi corazón
em, chỉ một mình em thôi // tú, sólo tú
là nguyên nhân cho anh đổ lệ // eres causa de todo mi llanto
cho chán chường tuyệt vọng u mê // de mi desencanto y de mi desesperación

Những van xin thống thiết như trong hai bài ca “Perfidia”“Tú, sólo tú” vừa kể đôi khi cũng có hiệu quả chứ. Và lúc “Kim Kiều tái ngộ” thì hạnh phúc lứa đôi sẽ gấp bội gia tăng, như ta thấy trong bài ca khét tiếng hoàn cầu “Bésame mucho” (Hãy hôn anh cho xứng) do nữ nhạc sĩ kiêm minh tinh điện ảnh có sắc đẹp mê hồn của Mễ tây cơ Consuelo Velazquez (1924-2005) sáng tác khi nàng mới 16 tuổi và chưa bao giờ hôn ai hoặc được ai hôn cả. Trí tưởng tượng của cô Consuelo thực ở mức thượng thừa! Đến đây bút giả xin sử dụng những lời lẽ nồng nàn từ bài ca ấy để chấm dứt một phiếm luận về thi ca của một ngôn ngữ diệu huyền mà trong đó “poesía … eres tú” (thơ … chính là em đấy) và “el amor lo hace todo” (tình yêu làm ra hết mọi chuyện):
Hãy hôn anh, hôn anh cho xứng // Bésame, bésame mucho
như thể đêm nay lượt cuối cùng // como si fuera esta noche la última vez
anh muốn em sát gần thêm nữa // quiero tener muy cerca
để soi hình trong cặp mắt em // mirarme en tus ojos
và thấy em quấn quít bên anh // y verte junto a mí
Ôi anh sợ mất em biết mấy // Qué tengo miedo perderte
sợ mất em lần nữa sau này // perderte otra vez.

Đàm Trung Pháp
Cựu Giảng sư Anh ngữ Đại học Sư Phạm Sàigòn.

 

Đăng ngày 24 tháng 12.2015