Thiên mã cùng đồ

Phí Ngọc Hùng

Một nhà văn trẻ viết: “Tên ông là gì, không ai biết. Họ quen gọi là ông Lành, vì ông hiền lành, lâu dần thành tên. Vườn nhà ông có nhiều cây như mơ, cam, vú sữa, táo…”
Qua vườn nhà, ông làm câu thơ rất mẫu mực hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng thế nhưng có một nhà thơ lão làng ở trong nước phản cảm: Bố ai dám cãi hoa mơ không trắng, vườn cam không vàng. Ấy vậy mà ông thênh thang đi vào văn học với Trên đường cái ung dung ta bước - Đường ta rộng thênh thang tám thước. Trong khi nhà văn trẻ viết về cây táo ở nhà ông lại bán nước chè chén bên vỉa hè, cuộn thuốc lá, bỏ mối thuốc lào…
Với văn dĩ tải đạo là chuyên chở chữ nghĩa trên đường thênh thang tám thước lồi lõm ổ gà và lỗ chân trâu thế nào. Thì tôi phải tới căn nhà 76 Phan Đình Phùng để có chất liệu, để “lao động chữ nghĩa”. Thế nhưng là người ngoại đạo, tức không phải nhà văn “chính quy”.
Vì vậy tôi phải về Hà Nội gặp…nó.

Về quê chuyến này, sau mươi niên là người di tản buồn, tôi gặp lại thằng em họ. Ăn cơm mới nói chuyện cũ về lại năm 54, tôi láo ngáo đeo tầu há mồm vào Nam, thằng em lớ ngớ ở lại theo kháng chiến cuối…mùa thu chết. Sau 75, may mà nó…chưa chết, với cái nợ văn chương, tôi tạt qua người anh em xã hội chủ nghĩa. Số là với chức phó biên tập bự sự như cái mả liệt sĩ to vật, trộm nghĩ một người làm quan cả họ thơm lây. Bèn hỏi: Chú làm gì mà…”cây đa cây đề” quá thế vậy? Thằng em êm ả hoa rơi cửa Phật: Báu gì, phó khác gì phó rèn, phó cối, bình thường mà. Chuyện không bình thường là họ không có chó bắt…em ăn cứt vậy thôi. Số là nó ở nhà quê theo cái cày ngắm đít trâu một dạo, học hết lớp ba là hết đất rồi đi bộ đội. “Đột biến” thằng em được “điều” về Hà Nội tới trường viết văn Nguyễn Du học làm văn. Bởi nhẽ đó tôi nhờ nó dẫn đi thăm…cây táo để có tư liệu làm văn.
Thằng em ủng oẳng: Bác đúng là rồ chữ.
Ấy thế vậy mà hay, bỗng không lại có…bút hiệu “Rồ chữ”. Hoá ra không học trường viết văn Nguyễn Du để thành nhà văn, nên chả phải là nhà văn “chính quy”. Nhưng cứ theo rồ chữ tôi…rồ chữ thì làm nhà văn cũng dễ thật, dễ như chó ăn trứng luộc. Thế nhưng không ngon cơm, làm như có ngẫu cảm sao ấy…Ngồi trên xe con tới phố Phan Đình Phùng, thằng em làm văn búng lưỡi kể chuyện…”nhà văn” với Cây táo nhà ông Lành

(…) Vườn nhà ông khá rộng, có nhiều cây ăn quả như chuối, mãng cầu, vú sữa, táo…Ông Lành thú nhất là cây táo lai. Nó đứng ở góc vườn, trùm cái tán khum khum lên một vạt đất chừng dăm tấm chiếu. Cạnh cây táo quý ấy, ông đã cất lên một căn nhà ba gian, hai chái, chung quanh tường xây gạch. Nhiều khi đứng trong cửa sổ nhìn ra, ông thấy lũ trẻ lấy gạch đá hoặc que khăng ném cho táo rụng xuống để nhặt. Ông cũng chẳng la mắng chúng nó làm gì. Chỉ những đứa trẻ nào nghịch quá, ném vung đất đá rơi xuống mái ngôi nhà mới của ông, ông mới nhẹ nhàng bảo chúng đừng ném nữa. Lũ trẻ cũng biết nể ông, chúng ngoan ngoãn rủ nhau kéo đi. Chúng vừa đi, vừa nhồm nhoàm ăn táo, rồi chúng hát nghêu ngao…tạo cho ông niềm vui ngầm trong bụng.
Những đêm sương nặng hạt, nằm không ngủ được, lắng nghe tiếng táo rụng lộp bộp ngoài vườn lẫn với tiếng sương rơi, ông Lành chỉ mong chóng sáng để được thấy lũ học trò đi qua nhặt táo…Nhưng một buổi sáng ông đang hí húi buộc cái nạng, chống cho cây táo đỡ ngả xuống vườn vì nặng quá, thì bỗng “bộp!”, một hòn đất rơi trúng đầu ông, tung toé cả lên vai, lên gáy! May mà hòn đất bở, không to lắm, chứ không thì có lẽ ông đã vỡ đầu rồi. Thế mà cũng choáng váng mất một lúc.
Vừa ngẩng lên, ông Lành thấy thằng Thìn đang trân trân nhìn ông. Nó lắp bắp:
- Cháu…cháu lỡ!… Ông tha…
Đang cơn bực mình, đang ngồi lúi húi như cóc nhảy, ông Lành nhảy dựng lên, ném cây rựa xuống sân đánh “bịch”, giọng chua như mẻ:
- Ông, ông cái con khỉ!…

Ngày là lá tháng là mây, vì chưng rồ chữ nên túm tó được mớ cổ ngữ Băc kỳ đặc “giọng chua như mẻ” đã đi vào quá vãng, thế nên cũng muốn đưa vào văn bài để gợi nhớ chút hương xưa. Ngẫm ra viết văn cũng dễ thôi, như lũ trẻ nhúm nắm đất ném vào vườn nhà ông Lành. Như rồ chữ tôi nhúm một mảng văn chương trên quẳng vào vườn văn là thành…văn chương chứ còn khỉ khỉ gì nữa. Đang văn vẻ đến đây thì thằng em làm văn bổm bảm…
Truyện Cây táo nhà ông Lành in trên tuần báo Văn Nghệ đã làm xôn xao dư luận. Tác giả của nó, cây bút trẻ Hoàng Cát đã họa vô đơn chí rơi vào cái “nghi án” văn chương.
Nghe cái tên “cát vàng, cát trắng”, rồ chữ tôi tú ụ ai vậy? Nó búng lưỡi tách một cái…
Hoàng Cát, “tình trai“ của Xuân Diệu, khi lên đường vào B được Xuân Diệu tặng thơ với lời yêu đương thao thiết: Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga - Chưa chi ta đã phải chia xa. Nhưng khi chàng Cát trở về Hà Nội viết truyện cây táo trong sân nhà ông Lành đăng báo bị “đánh” đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt lạ va ngó lơ.
Và thằng em làm văn hành ngôn hành tỏi…
Truyện được biên tập, rồi in. Cây táo của ông Lành đã gây xôn xao trong giới nhà văn. Mọi người đều hiểu rằng truyện ngắn nói trên đã mắc một cái tội tày đình là...“phạm húy”. tới nhà thơ Tố Hữu (người ta đã ngại tới mức...không dám viết hai chữ “ông Lành”). Người “nổ phát súng” đầu tiên là một nhà phê bình có cỡ, ông viết một bài dài, phê phán tình hình văn nghệ lúc bấy giờ, rồi lấy ví dụ cụ thể là truyện ngắn cây táo đăng trên báo Văn Nghệ. Rồi một bài xã luận nữa rất “căng” quy chụp cho Hoàng Cát nhiều “tội danh” rất nặng nề. Sau cùng, anh bị treo bút mà không biết mình bị “tội” gì. Cũng vì chẳng có toà nào “tuyên án”, nên cái “nghi án” văn chương cây táo cứ lơ lửng “chém treo ngành” trên đầu Hoàng Cát.
Suốt 4 năm liền Hoàng Cát sống trong tình trạng “dở cười dở mếu” như thế. Dù năm đó Hoàng Cát mới chỉ có 37 tuổi. Cũng vì không được hưởng chế độ hưu, nên Hoàng Cát mất luôn chế độ trợ cấp thương tật của một thương binh. Mặc dù anh chỉ còn mỗi chân phải. Và một mảnh đạn nhỏ vẫn còn nằm trong hộp sọ của anh...Mấy chục năm qua, để kiếm sống, Hoàng Cát đã phải bán nước chè chén vỉa hè, nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp, cuộn thuốc lá, bỏ mối thuốc lào, nuôi chim vẹt cảnh, nấu kẹo vừng.Phải đợi đến khi không khí văn nghệ cởi mở, Hoàng Cát đã viết bài thơ Em về quê anh, với sự xúc động chân thành và gửi tặng Tố Hữu. Trong đó có những câu: Em về quê anh - Một chiều mùa hạ - Trời xanh gió xanh - Con nít, mẹ già - Giống quê em quá...Không ai nhắc đến chuyện cây táo với ông Lành nữa. Vậy là sau đúng 25 năm, nghĩa là một phần tư thế kỷ, một khoảng thời gian đáng kể của đời người, nghi án văn chương cây táođược xóa bỏ.
Rồ chữ tôi…rồ chữ rằng may mà chàng “tình giai“ của Xuân Diệu không viết về cây vú sữa của “bác”. Nếu viết thì bị đánh cho sặc gạch vì đánh chó phải kiềng mặt chủ nhà. Dậu đổ bìm leo, rồ chữ tôi vun chuyện với nó chuyện…con chó của nhà văn Kim Liên…

- Thế còn truyện ngắn "Con chó xấu xí"?
- Tôi viết Con chó xấu xí  là viết sau khi xảy ra chuyện Nhân văn Giai phẩm. Tuy tôi (Kim Lân) không bị liệt vào nhóm Nhân văn Giai phẩm nhưng lúc bấy giờ Tố Hữu xướng ra việc đấu tố Nhân văn Giai phẩm có 5 người không tham gia gồm có: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng và tôi. Chúng tôi không viết bài “đánh”…vì cho rằng đó đều là anh em mình cả. Chúng tôi chỉ muốn, nếu thực sự họ sai thì phải thuyết phục họ, vì tất cả đều mới ở trong kháng chiến mà ra cả (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt...). Nhưng chính vì không tham gia, nên người ta ghét chúng tôi.
- Con chó xấu xí ông viết để tự bạch tâm trạng của mình lúc bấy giờ?
- Đúng thế! Tôi chỉ muốn nói rằng, tuy tôi có là con chó xấu xí nhưng vẫn trung thành với chủ. Nguyễn Công Hoan đọc xong bảo: Thằng này ngu bỏ mẹ, tự nhận mình là con chó. Ông Văn Cao nhận xét: Gớm cậu đánh võ kín quá làm tôi sợ. Thực ra mình chỉ muốn làm kẻ đội đơn quỳ dưới công đường nói rằng: Tôi bị oan.
- Nhưng ông đâu có bị “đánh” mà kêu oan?
- Cũng bị đánh chứ, vì khi đó tôi có viết một truyện ngắn Ông lão hàng xóm, ngày ấy cũng là chuyện nói về sai lầm trong cải cách ruộng đất. Lúc bấy giờ in ra, nhiều người thích vì cho rằng viết thế là liều lĩnh. Cộng với mình lại thêm tội “không chịu viết bài để đánh Nhân văn Giai phẩm” thế là người ta đánh tôi luôn.
Nghe thủng chuyện dắt trâu qua ống đến đây, làm như chăn trâu nhân thể dắt nghé thằng em làm bàm: Dào! Nào có khác gì chuyện ông Nguyễn Khải…
Sau cuộc hội nghị nhà văn đảng viên, bản đề cương của Nguyên Ngọc cũng bị Tố Hữu đánh. Nguyễn Khải vốn “nhất trí” với Nguyên Ngọc trong vụ này, nên sợ quá.
Anh nói thẳng với Nguyên Ngọc:
- Tao nhát lắm, chưa đánh đã khai. Cho tao chạy đi thôi, đừng khai tao ra nhé.
Chưa biết Nguyễn Khải chạy đi đâu thì xe con…chạy tới căn nhà số 76 có cây táo.
Trộm thấy người ta trồng khoai cũng vác mai đi đào. Rồ chữ tôi cũng đào xới nhà ông Tố Hữu qua bài viết của chính cháu ông như thế này đây…

(…) Mọi năm, trên đường đi chúc Tết, tôi (Phùng Quán) thường vẫn đi xe đạp ngang qua trước cổng biệt thự của nhà thơ trên đường Phan Đình Phùng. Cảnh tượng tưng bừng, tấp nập trước cổng biệt thự tôi không tả nổi, chỉ đoán chắc cả Hà Nội cũng chỉ năm bảy nhà sánh kịp mà thôi. Ôtô đủ màu sắc, nhãn hiệu, choáng lộn như vừa xuất xưởng, đỗ một hàng dài san sát. Công an mặc lễ phục đi lại dọc vỉa hè. Lính cảnh vệ oai nghiêm bồng súng đứng gác bên cổng sắt đồ sộ. Người ra người vào nườm nượp, mặc toàn đồ lớn, đầy vẻ trịnh trọng có pha chút khúm núm. Ngang qua đó, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác sờ sợ, đầu trống không khiến chân cứ tự động đạp xe dạt sang bên kia đường.
Nhưng Tết này, trước cổng biệt thự của nhà thơ quang cảnh vắng teo. Không chiếc ôtô nào, không công an cũng chẳng lính cảnh vệ. Cái cổng sắt mọi ngày nom như hẹp hẳn lại, hai cánh cửa khép hờ, ai vào cứ việc đẩy cửa mà vào y như thể dân thường. Hai vợ chồng chúng tôi xuống xe đạp đửng tần ngần một lúc trước cổng sắt. Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương, hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan bỗng đột ngột hiện ra trong trí nhớ của tôi với toàn bộ vẻ đẹp u trầm và sâu sắc đến kinh người.
"Tết này là đúng ba mươi hai cái Tết anh không đến chúc Tết cậu", tôi nói với vợ, tay khẽ khàng đẩy cánh cổng sắt. Chúng tôi dắt xe qua khoảng sân lốm đốm những mảnh rêu, dựa xe vào tường dãy nhà ngang dài tít tắp, cuối dãy nhà là gara ôtô. Dãy nhà ngang này, mới năm ngoái năm kia, còn người ra người vào tấp nập, trong gara ngự một chiếc ôtô đen choáng lộn, nhìn thắng ra cổng với cặp mắt đèn pha sáng quắc, uy nghi. Bây giờ các cửa phòng đều đóng kín, trong gara đậu một chiếc xe con nhỏ thó, màu trắng đục.
Tôi bâng khuâng đưa mắt nhìn cây táo già sát bên rào sắt trước tiền sảnh biệt thự. Đây là cái cây nổi tiếng đã đi vào thơ: Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt - Quả son nhún nhẩy đèn lồng cành tơ. Nhìn cây táo tôi bỗng chạnh nhớ đến anh lính trẻ thương binh Hoàng Cát viết văn. Chỉ vì cây táo này mà anh phải mang họa vào thân. Anh đã bị trừng phạt vì có dụng ý nói xấu cán bộ lãnh đạo cao cấp.
Vợ chồng tôi xin phép cậu ra về. Nhà thơ khoác vai tôi một bên, vợ tôi một bên lững thững đi ra cổng. Nhà thơ nói với vợ tôi: Thằng Quán nó dại…. Khi ra gần đến cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của mình: Mà cậu cũng dại…. Mấy ly rượu Tết làm cái lưỡi tôi trở nên phóng túng, tôi bật cười to: Thưa cậu, thì chính cậu đã viết điều đó trong thơ: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần. (…)
Khi rày, rồ chữ tôi và thằng em đang đứng trước cổng biệt thự vắng teo vắng ngắt.
Bất giác rồ chữ tôi nghĩ đến ông Tố Hữu chỉ sau thất bại cuộc bầu vào Trung ương khoá VI, mới tỉnh ra, thấy bơ vơ, sau này mới có bài thơ Một tiếng đờn. Nghe kể, khi biết mình không trúng cử, ông thất thần, mất hồn, đến mức xe ô tô của ông đến đón, đỗ trước mặt, ông không nhận ra, cứ ngơ ngơ ngác ngác. Chợt ngơ ngác nhìn trời nhìn đất, rồ chữ tôi ngẫu hứng ư hử câu thơ ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần…
Tai như tai đất, thằng em làm văn quệch quạc…
Bác rồ chữ chả biết đếch gì sất! Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng, xém chút nữa làm tổng bí thư. Vì vậy với thơ ông là thủ lĩnh, là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng hiện thực XHCN như những nhà phê bình có tên tuổi khẳng định. Về nghệ thuật thơ cũng vậy: “Thơ mình thì đòi giải nhất, không chịu nhường cho ai” (tập “Việt Bắc”, 1956) như một nhà thơ lão làng đã viết. Câu thơ: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam -Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng theo phân tích của nhà thơ nọ là hai câu thơ mẫu mực, vì bố ai dám cãi…hoa mơ không trắng vườn cam không vàng.
Và nó xẵng xớm: Bác không biết ấy chứ…chứ có giai thoại kể khi Trần Đăng Khoa độ 10 tuổi, bằng thái độ hồn nhiên phê bình thơ Tố Hữu trong bài thơ “Ta đi tới” có câu…
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Trần Đăng Khoa lý giải câu: Đường ta rộng thênh thanh tám thước phải sửa lại. Vì đã coi là thênh thang, làm gì có giới hạn. Nếu nói 8 thước, không thể gọi là thênh thang được. Tất nhiên lời phê bình của Trần Đăng Khoa bị “ghi vào sổ” vì “mới nứt mắt mà đã kiêu căng”. Nên vừa mới 17 tuổi, Trần Đăng Khoa đã…may mắn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.
Bỗng dưng nó lưỡi đá miệng…
Ấy đấy, ngày ở chiến khu Việt Bắc, anh em văn nghệ rỉ tai nhau một lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe, nhưng ông Văn Cao gạt đi: Thơ cậu như vè có gì mà đọc. Thằng em lậu bậu chuyện rỉ tai về Tố Hữu nhiều lắm. Nhất là cái hồi ông Tố Hữu làm phó thủ tướng, rồi đồn thổi ông có thể làm tổng bí thư. Cái bả vinh hoa ấy của ông Duẩn, ông Thọ bày ra, làm nhà thơ choáng váng trong hy vọng,nên đã phải biểu lộ cư xử với tướng Giáp để chứng tỏ mình đứng về phía bên nào, nênông đã xoá câu thơ của mình về tướng Giáp trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
Về cái hách thì tác giả Nhật Hoa Khanh nói khá kỹ chuyện này:
Có lần trên màn tivi, quay cảnh đón phó thủ tướng Tố Hữu công cán ở nước ngoài về. Nhiều cán bộ cao cấp có mặt ở sân bay. Lần lượt Tố Hữu đi bắt tay từng người. Đến ông Giáp, khi ông Giáp giơ tay thì Tố Hữu lại quay đi chỗ khác như mải nói chuyện với ai. Những người ngồi xem tivi cùng tôi (Nhật Hoa Khanh) bình phẩm: Quá lắm! Hách quá lắm!.
Rồ chữ tôi lây dây: Ông Tố Hữu hách lắm phải không?. Thế là nó làm bàm chuyện ông Võ Văn Kiệt lúc đang lên ở miền Nam bị Tố Hữu hách xằng và “mắng” là…“nó”: Bộ nó tưởng nó là ông vua con ở Sài Gòn hả. Hơ! Cái thằng đầu đất này, rồ chữ tôi hỏi một đằng nó trả lời một nẻo. Bởi rồ chữ tôi muốn hỏi chuyện văn chương thiên cổ sự về nhà văn, nhà thơ hay nhà phê bình văn học nào đó chứ đâu có rỗi hơi nghe chuyện hai ông họ Võ.

Nghe thủng xong, thằng em kể lể những giai thoại trong hội Nhà Văn…
Năm 1983, có một cuộc hội thảo ba ngày ở hội Nhà Văn. Hôm ấy tôi (nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh) được chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ Tố Hữu như thế nào.
Giới văn nghệ nói chung rất phục Nguyễn Đình Thi vì anh có thuật nói hấp dẫn. Anh bước lên, đứng trước cái bàn có phủ khăn. Đứng im, không nói gì. Mọi người im phăng phắc chờ đợi. Tưởng như con muỗi vo ve cũng nghe thấy. Bỗng anh bước ra khỏi bàn, vung tay hỏi hội nghị: Chúng ta đang làm cái gì thế này?Mọi người ngơ ngác tự hỏi: Họp ba ngày, không biết mình làm cái gì nhỉ? Càng cảm phục và chờ đợi. Thi vung tay nói lớn: Chúng ta đang làm một nền văn nghệ lớn. Và chúng ta cũng lớn!
Đúng lúc ấy Tố Hữu đi vào, ăn mặc xuềnh xoàng, áo sơ mi bỏ ra ngoài quần. Người nhỏ bé. Nguyễn Đình Thi đang hùng hồn bỗng cụt hứng, xìu hẳn lại, không nói được nữa. Tố Hữu ngồi ngay ghế đầu, vẫy tay nói với Thi: Anh cứ nói tiếp đi! Nhưng Thi chỉ nói lý nhí mấy câu gì đó không nghe rõ, rồi bỏ đi xuống. Tôi hình dung con cua đang giơ hai càng một cách hiên ngang như muốn thách thức với cả trời đất. Con ếch tới, vỗ nhẹ vào mai một cái, con cua vội co dúm người lại. Nguyễn Đình Thi là con cua, Tố Hữu là con ếch.
Hình dung đến Tố Hữu là con ếch…Rồ chữ tôi mắt giương như mắt ếch rồi bật cười hích một cái. Đợi rồ chữ tôi cười đầy đủ lễ bộ xong, thằng em làm văn cách rách…
Nguyễn Khải kể hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một bạn nói nhỏ với anh:
– Ông Lành đang nói sao cậu lại cười?
Khải sợ quá, vội chối:
– Không, răng tôi nó đấy chứ, tôi có dám cười đâu!
Thế là rồ tôi chả dám cười nữa! Mà chả nhẽ không biết làm gì là làm thinh. Số là gần đây có nghi vấn văn học về Nguyễn Khải phản tỉnh đưa ra tuỳ bút Đi tìm cái tôi đã mất. Giống như Chế Lan Viên qua Di cảo thơ trong đó có bài thơ Cái bánh vẽ. Tố Hữu cũng vậy với tập di cảo Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu lúc cuối đời mà trong chốn làng văn xóm chữ có nghi vấn chả hiểu Tố Hữu phản tỉnh “giả hay thật” đây!
Bèn hỏi thằng em làm văn…Cái thằng quái với cái tật đến chết cũng không chừa là hỏi một đàng trả lời một nẻo với mớ tiếng Tây tiếng u là cứ theo một câu châm ngôn của người phương Tây: Quis’excuse s’accuse nghĩa là kẻ nào tự thanh minh là tự thú nhận. Rồ chữ tôi sát sà-bông rửa óc nghĩ không ra nó học tiếng Tây hồ nào đây? Thế nên đành hỏi chuyện “bên lề” về tập “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng”.
Thằng em đâu đuôi xuôi ngược vì cuộc phỏng vấn có từ năm 1997, mãi năm 2004 mới in ấn. Vì thế sau này có người cho rằng Nhật Hoa Khanh là “âm bản” của Tố Hữu để “di cảo” như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên giối giăng. Có người vun chuyện Tố Hữu chính là Nhật Hoa Khanh, vì “sách” 58 trang khổ lớn lại không ghi nhà xuất bản nên không ai hay biết Nhật Hoa Khanh từ lỗ nẻ nào chui lên. Trong khi bà Vũ Thị Thanh, vợ Tố Hữu phản bác Nhật Hoa Khanh dựng cuộc phỏng vấn “giả mạo” và “bịa tạc” nhiều chuyện Tố Hữu không nói. Thằng em lụi đụi rằng sau đấy Nhật Hoa Khanh “có thật” công bố nguyên tập ghi chép cuộc phỏng vấn, ông còn ghi âm, và giữ băng ghi âm để làm bằng. Ông khẳng định bà Vũ Thị Thanh (trước kia là thư ký của Tố Hữu) có mặt trong cuộc phỏng vấn kéo dài một tháng tại tư gia.
Thế là rồ chữ tôi hỏi đến cu ti tỉ muội về “những chuyện Tố Hữu không nói”. Làm như đợi dịp này từ lâu lắm rồi, nó phăm phở những gì qua tập tài liệu đã được ghi âm…
Nhắc đến các văn nghệ sĩ Nhân văn Giai phẩm bị đánh tơi bời như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan, Quang Dũng, sau khi khen từng người cùng những tác phẩm của từng người, Tố Hữu nhận xét:
Tất cả 6 anh đều góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng một nền văn học Việt Nam giàu tính hiện thực, tính phê phán, tính hiện đại và tính truyền thống. Tất cả 6 anh đều bền bỉ tiến bước dưới ngọn cờ cách mạng. Tất cả 6 anh đều là những nhà văn nghệ luôn luôn giữ vững phẩm vàng đạo đức của người cầm bút. Tất cả 6 anh đều xứng đáng được trao tặng những giải thưởng cao quý và những huân chương cao quý. trg 34. Lời tâm sự)
Tiếp, thằng em mà rằng…rằng Tố Hữu còn nói về nhiều anh chị em khác, toàn khen là khen, với lời rất tốt đẹp. Nhưng qua cuộc chống nhóm Nhân văn Giai phẩm do chính Tố Hữu viết, với tiêu đề dài ngoằng ngoẵng: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”, đã in thành sách, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958, trong Thư viện Quốc gia. Nhận định tổng quát về Nhân văn Giai phẩm, Tố Hữu đã viết:

Lật bộ áo Nhân văn Giai phẩm thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, lưu manh, trốt-kít, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm. (trg 9. Sđd).
Với Hoàng Cầm, thằng em chan canh đổ mẻ qua cái nhìn của Tố Hữu…
Bên kia sông Đuống đồng nghĩa với sự bất tử. Chỉ riêng Bên kia sông Đuống cũng đủ đưa Hoàng Cầm lên đài danh dự. Tôi (Tố Hữu) đã đọc Kiều Loan trong 3 thời điểm khác nhau sau giải phóng miền Nam. Cả 3 lần, tôi đều chỉ có một ý nghĩ: Sau giải phóng Miền Nam đến nay chưa ai dựng kịch Kiều Loan là một thiếu sót lớn. Chúng ta biết: Trong khoảng 60 năm nay, Hoàng Cầm là tác giả mấy chục tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật.
Tôi đặc biệt cảm ơn nghệ sĩ Hoàng Cầm về những lời phê bình sắc sảo, chính xác và chân thành của anh bốn mươi năm trước đây đối với tập thơ Việt Bắc.
Đột dưng thằng em làm văn búi bấn: Bác ăn chữ mẻ bát thiên hạ nhưng bác có hay biết Hoàng Cầm phê bình sắc sảo, chính xác như thế nào chăng? Như thế này nhá…
Với tập thơ Việt Bắc, Hoàng Cầm một lần đã chê thơ Tố Hữu thiếu chất sống thực tế, "nhạt nhẽo", "hời hợt", chỉ "lởn vởn” ở bên ngoài chứ không đột phá vào một khía cạnh nào của tâm hồn, những câu văn “đèm đẹp" "rủ rỉ” một lát rồi thôi, chỉ thấy những hình ảnh chung chung, gặp bất cứ ở chỗ nào, khi ca tụng lãnh đạo thì "đao to búa lớn", bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” giống như “một vại nước to”, “tràn đầy”, “loãng quá”.
Tiếp đến nó đùm đậu chuyện cụ Hoàng Cầm qua bài viết nhà báo Hoàng Hưng…

(…) Ngày 20/8/1982 đến lượt Hoàng Cầm bị bắt. Sau khi tôi (Hoàng Hưng) và Hoàng Cầm bị bắt. Tôi không thể nào quên cái buổi sáng ấy trong Hỏa Lò, người công an đưa tôi vào phòng hỏi cung, nhưng không có ai trong đó. Mà lại có một tập giấy viết sẵn để trên bàn. Tôi tò mò giở ra, thì...đó là bản tự khai của Hoàng Cầm. Tôi đọc lướt, càng đọc càng hoang mang vì ông nhận tuốt tuột các ý tưởng chống đảng, đả kích chế độ trong tập thơ. (trong đó có ba bài “có nội dung xấu” là: Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi). Để cho tôi một mình đọc xong, người ta mới đưa tôi trở lại phòng giam. Và họ bố trí rất khéo, để như tình cờ tôi gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở cổng chờ (giữa khu trại giam và khu “làm việc” có cái cổng lớn, sau khi “làm việc” xong phạm nhân ngồi đó chờ “quản giáo” ra nhận để đưa vào buồng giam). Tôi đến bên ông, hỏi: Anh nhận tội phản động thật à? Sao lại thế?. Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì, từ khóe mắt ông lăn ra những giọt nước mắt. Đến tận hôm nay, nhớ lại những giọt lệ tủi nhục của nhà thơ đàn anh, lòng tôi vẫn còn đau. Với tôi, tự buộc mình phải hèn để có thể tồn tại là điều không gì đau hơn cho một kẻ sĩ. (…)
Nhưng trong lúc Hòang Cầm ngong ngóng công an thực hiện lời hứa cho về vào dịp Tết, một số trí thức Pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh vận động đã gửi thư cho Lê Đức Thọ đề nghị thả nhà thơ. Tin đến tai Tố Hữu, ông “bạn thơ” quý hoá phán một câu xanh rờn:
- Nước ngoài can thiệp hả? Thế thì giam nó thêm 1 năm nữa cho nó biết!
Thêm một lần nghe đến tên “Hoàng Hưng”, rồ chữ tôi tú ụ ai vậy? Nó láo quáo chuyện là nhà báo Hoàng Hưng từ Sài Gòn ra Hà Nội xin cụ Hoàng Cầm tập thơ chép tay Vê Kinh Bắc. Hoàng Hưng tự ví mình là một con cá hẩm hiu, bị “cá chìm” (tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường phục) dàn cảnh bắt ở quán rượu gần nhà ông hoàng “thơ chui” Hoàng Câm và bị đi tù hơn ba năm qua vụ án mà Hoàng Hưng tự đặt tên là “Vụ án văn tự” hay “Về Kinh Bắc: một vụ án hậu Nhân Văn”. Dậu đổ bìm leo, rồ chữ tôi góp gió thành bão chuyện một người đi đường gặp Nguyễn Hữu Đang…đi tù. Ông thấy mùa đông mà tù quần áo phong phanh run lập cập nên cởi cái áo len mình đang mặc đưa cho Nguyễn Hữu Đang. Thế ông bị bắt và cũng đi tù cũng hơn 3 năm. Rồ chữ tôi nói sẽ kể cho thằng em nghe sau. Nếu có dịp.

Cái thằng hóm, chuyện trò xong nó phay người “nhiều chuyện” một câu: Bác nhiều chuyện nhưng có biết chuyện Tố Hữu nói gì về Trần Dần không? Rồi nó tiếp: Này nhá…
Sau Hoàng Cầm, Trần Dần cũng là cây bút hạng nặng. Cũng như thơ Hoàng Cầm, thơ Trần Dần có nhiều đổi mới về nội dung và nghệ thuật, đồng thời là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc và phản chiếu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Văn xuôi của anh, Người về lớp lớp, về căn bản, có giá trị hiện thực rất cao. Người người lớp lớp là một khẩu pháo binh chủng pháp của văn học Việt Nam thế kỉ 20. Theo tôi nên sớm tái bản.
Ngoài ra, phải kể đến Hữu Loan, Lê Đạt và Phùng Quán, 3 nhà thơ 3 vẻ khác nhau nhưng cùng sâu sắc, nóng bỏng tình chiến đấu nhưng không kém phần lãng mạn.
Ngỡ xong, nó ba điều bốn chuyện về hai cụ Trần Dần và Hoàng Cầm như thế này đây…
Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai phẩm mùa xuân, có đăng bài của Trần Dần. Tố Hữu triệu tập mấy người đến họp có Hoàng Cầm, Văn Phác, Chế Lan Viên...Tố Hữu cầm cuốn Giai phẩm mùa xuân và hỏi mọi người: Các anh thấy tập sách này thế nào? Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Chế Lan Viên nói: Cuốn sách đại phản động! Tố Hữu hỏi Văn Phác: Hiện nay nó đang ở đâu?Văn Phác đáp: Thưa, anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên. Tố Hữu ra lệnh cho Văn Phác:
- Gọi nó về, bắt lấy nó!
Như xẩm vớ được gậy thằng em khong khảy…
Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, nhà văn tướng quân Trần Độ trưởng ban Văn hoá văn nghệ của đại hội đảng lần VI, tổng bí thư là ông Nguyễn Văn Linh, người đẫ giúp ông Linh tuyên bố những câu đáng ghi vào lịch sử văn nghệ: “cởi trói cho văn nghệ sĩ ” - “các văn nghệ sĩ hãy tự cứu lấy mình” - “không bẻ cong ngòi bút” - “trình bày sự thật”...v..v...
Trong cái không khí cởi mở ấy của Nghị quyết 5/BCT về văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Độ đến gặp Tố Hữu và hỏi ông về thái độ đối với anh em Nhân văn Giai phẩm bấy giờ.
Tố Hữu với giọng trọ trẹ xứ Huế đã nói:
- Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy tôi đã không tiêu diệt hết chúng nó đi.
Thằng em lờ đờ như cá ngộp nắng…

Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõngViệc làng đã phạm tội “phục cổ” nhằm mục đích gì? Đêm 20 tháng 4 năm 1954, Ngô Tất Tố đã thắt cổ tại nhà ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương đã…từ chối không cho chôn.
Với khắc nghiệt của nhà văn với nghĩa trang, rồ chữ tôi mở cửa Cổng Trời Cắn Tỷ trong đó có một nghĩa trang là “một cái quan tài bằng đất dầy một mét” mà tù đang đợi chờ chết…
(…) Chúng tôi đi lên phía bắc. Đến Đoan Hùng. Lúc đó chưa có cầu, phải đợi phà. Chúng tôi vẫn phải ngồi bó gối trong cũi xe ngựa kéo. Để tránh sự chú ý, họ lùa chúng tôi vào sâu trong con đường mòn, ở đó có một trường học. Các em học sinh và các thầy cô tò mò ra xem lũ tù bị nhốt trong cũi xe. Họ chỉ trỏ xì xào. Nguyễn Hữu Đang hỏi: Các cháu có biết Cao Bá Quát không?. Qua phà chúng tôi đến ngủ tạm trại giam Tuyên Quang. Lệnh: Không được cởi xích tay. Qua một đêm không thể nào ngủ được. Thằng muốn đi ỉa đi đái, phải đánh thức thằng tù đang ngủ dậy. 4 giờ sáng dậy đi tiếp. Kiểm số tù lần cuối là ông đeo kính đen, mở cái cặp đen lấy tập hồ sơ hỏi anh Đang câu hay chữ gì đó, làm tôi (Kiều Duy Vĩnh) nghĩ đến chuyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời.
Chúng tôi được đưa về trại tù Cổng Trời Cắn Tỷ. Hôm ấy, rét làm đông nước. Cứ lạnh âm “zê-rô” độ là họ gọi đi xà lim. Xà lim là một cái quan tài bằng đất dầy một mét, cùm “răng cá sấu” cắn chân không bao giờ được mở, và có khi bị bỏ đói cho đến chết. Quản giáo Nhân từng tuyên bố vào mặt chúng tôi: Cái sống chết của các anh ở trong tay chúng tôi. Đừng có mơ tưởng hão huyền gì. Cho dù có động trời, động đất xảy ra, thì trước khi chuyện đó đến với các anh, nó phải tới cái trại đặc biệt này. Trước khi mọi điều vi­n vông các anh mong đợi xảy ra, các anh đã không còn ở cõi đời này nữa, các anh đã là những cái xác chết rồi. Chúng tôi nghe và cũng hiểu đúng như vậy. Cho nên, động đất, chiến tranh ai chết. Mặc. Với chúng tôi: Stalin chết, John Kennedy bị bắn, Ngô Đình Diệm chết, Kroutchov bị hạ bệ, chả có gì quan trọng cả. Cuối cùng tù Cổng Trời Cắn Tỷ có 72 người, chỉ sống sót 11 người. (…)
Chợt dòm thằng em lớn hơn vài tuổi mà khọm thấy rõ, nó đang ở cái tuổi "nói tiếng đất, quên tiếng trời", vừa dẫn nó lên Cổng Trời Cắn Tỷ rồi, nhưng sợ nó quên. Rồ chữ tôi mọt sách ăn giấy đẩy đưa nó về Phủ Lý với cái ao làng, với cái chết vì đói…
Có trước có sau, Tô Hoài được Tố Hữu giao nhiệm vụ “thuyết phục” Nguyễn Bính ra báo tư nhân Trăm Hoa để có tiếng nói chống báo Nhân Văn. Trong một số báo của tuần báo Trăm Hoa, nhà thơ không chống Nhân Văn mà lại viết về giải thưởng thơ để thành chuyện:

(…) Khi bắt đầu giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55, anh chị em văn nghệ gặp nhau thường hay nói đùa một câu: Giải thưởng này, cái gì thì không biết, chứ tập thơ Việt Bắc thì chém chết cũng được giải nhất rồi!. Tất nhiên ai cũng hiểu câu nói đó không phải câu tán dương. Anh em còn nhớ mãi cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao thì các ông trong hội Văn nghệ đã vội vàng đưa ra mấy bài “bịt lỗ châu mai” lại. Ông Hoài Thanh phát biểu: Ðịch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu. Ông đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu. Mà địch nào đây? Chẳng lẽ Diệm ở trong Nam? Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu là lãnh đạo văn nghệ, là thứ trưởng. Trong các thi sĩ có tác phẩm in ở nhà xuất bản của hội Văn nghệ, chỉ duy có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất. (Giải nhất cho hội viên: 30 đồng. Thời giá năm 1854-55 một bát phở: 3 đồng, tức 10 bát phở. Riêng giải nhất với riêng Tố Hữu: 500 đồng). Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể: Muốn cho giải thưởng văn học 1954-55 có giá trị, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể là về giải thơ: Nên đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì, chưa xứng đáng được giải nhất. (…)
Với trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, thằng em nhẩy bổ vào chuyện mà rằng…
Rằng trong khi Hoài Thanh nịnh trên nạt dưới thì cũng là nhà phê bình văn học mà Vũ Ngọc Phan im như thóc ngâm vì rét. Số là trong lý lịch của mình, Vũ Ngọc Phan không dám khai tên ông bố vợ là Sở Cuồng Lê Dư (tên thật Lê Đăng Dư). Chẳng qua vì Lê Dư cùng với Nguyễn Bá Trác bỏ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu đầu hàng Pháp. Chuyên không ra chuyện thế đấy, nhưng phải đợi nó quá đọa rồi mới lại tiếp với chuyện cái ao…
Đã 46 năm kể từ trưa 29 tết, năm Bính Ngọ, 1966, nhà thơ Nguyễn Bính đã chết trong nghèo đói, bệnh tật tại nhà ông lang Hứa. Tôi (Trần Mạnh Hảo) có gặp ông tại tư gia nhà thơ Vũ Quốc Ái ở Nam Định. Ông lang Hứa làm thơ, bút hiệu Tân Thanh kể rằng:
Sau 1958, Nguyễn Bính bị Tố Hữu đuổi về quê vì làm báo Trăm Hoa. Nguyễn Bính về quê làm nhân viên hợp đồng sửa bản in cho ty văn hoá Nam Định nên đói lắm. Sau cơ quan ty văn hoá sơ tán lên huyện Lý Nhân, nên Nguyễn Bính hay đến nhà ông lang Hứa ở thôn Mạc Hạ tá túc. Tết đến, không có tiền, Nguyễn Bính tới nhà ông Hứa mượn đỡ chút tiền về cho vợ con có chút tiền ăn tết. Trưa 29 tết, Nguyễn Bính do đói quá, lại làm tí rượu, chóng mặt, ra bờ ao nhà ông Hứa rửa mặt, rơi xuống ao. Ông Hứa và người nhà vớt Nguyễn Bính lên bờ. Nhà thơ thổ huyết, tắt thở.

Về đám tang của nhà thơ, bà Nguyễn Bính Hồng Cầu con gái Nguyễn Bính thuật lại:
Cha tôi được đưa về nghĩa trang Cầu Họ. Mùng hai tết, bác cả tôi là nhà viết kịch Trúc Đường và con gái về Nam Định đưa tang cha tôi, dọc đường thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa tang, đâu ngờ đó lại chính là đám tang em trai ruột thịt của mình.
Với Trần Mạnh Hảo thì Nguyễn Bính chết đói. Nhưng Tô Hoài nói khác, cho rằng Nguyễn Bính chết no, chứ không phải chết đói như bọn “diễn biến hoà bình” xuyên tạc.
Đang giang giang chuyện, nó len chân vào và đâm ngang chuyện Tố Hữu “bịa”…
Cuối năm 1956, nói đến báo Nhân văn và tập Giai phẩm, ông Hồ ra chỉ thị: Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của những tư tưởng sai lầm. Theo chỉ thị miệng của ông Hồ, Tố Hữu tuyên bố: Nhân văn Giai phẩm là những hạt giống xấu, phải dọn lại đất cho tốt. Tố Hữu thực hiện ý nghiã thâm sâu của cuộc thanh trừng: Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ. Sau Trường Xuân đến họp ở đại hội nhà văn cho hay ông Hồ có "cảm tình" với Nhân văn và nói không nên dùng dao mổ trâu để giết gà. Đến khi Tố Hữu mất, Trường Xuân “phản ánh” Tố Hữu đã “bịa” chuyện “nhổ cỏ” như thế.
Đã từ lâu, nhiều người rất mong muốn Tố Hữu hãy xin lỗi anh em Nhân văn Giai phẩm lấy một tiếng. Như nhà viết kịch Bửu Tiến đã làm trong một đại hội nhà văn. Gần đây nhiều anh em văn nghệ hùa theo Tố Hữu “đánh” anh em Nhân văn Giai phẩm hồi ấy, nay đã nhận sai lầm, họ đã đến từng nhà xin lỗi từng người. Cho lòng mình nhẹ nhõm, cho lòng bạn nhẹ nhõm. Nhưng Tố Hữu đã không làm. Hãy thành thật và sòng phẳng với những sai lầm trước đây của mình. Trong Lời tâm sự của Tố Hữu, tác giả Nhật Hoa Khanh đã viết: Không thấy lời nhận lỗi hoặc xin lỗi những nạn nhân trước đây của mình, ai cũng được Tố Hữu đánh giá rất cao, rất tốt đẹp, chỉ thấy khen là khen. Những thế hệ bây giờ không biết chuyện cũ, cứ tưởng Tố Hữu rất tốt với mọi người, ông không thù ghét ai, làm sao ông Tố Hữu lại có thể đánh những tài năng văn nghệ như anh em Nhân văn Giai phẩm?.
Vậy mà trong di cảo, sau khi thu băng xong, Tố Hữu nói với tác giả:
- Trước khi gửi đăng bài báo viết buổi trò chuyện thân mật này, anh nên gửi bản thảo đến chị Nghiêm Thúy Băng (chị Văn Cao), chị Quang Dũng, gia đình các anh Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, v...v... Ngoài ra, nên gửi đến các anh Hữu Loan, Lê Đạt, Phùng Cung… còn một cái tên khác là tập di cảo Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu.
Hốt nhiên trong trí nhớ mù sương của rồ chữ tôi ẩn hiện tác giả Con ngựa già của chúa Trịnh đã “trơ xương cùng tuế nguyệt” trong nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Phong Quang 12 năm trời. Ra tù, Phùng Cung còn bị vùi dập cho đến cuối đời. Bèn hỏi. Thằng em dẫn nhời Tố Hữu trong tập tài liệu “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” …
Nhà văn Phùng Cung cũng cần được minh oan cùng với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Cần lắm. Con ngựa già của chúa Trịnh chỉ là con ngựa già của chúa Trịnh mà thôi. Không có ẩn ý gì xấu như bốn mươi năm trước đây một số người lầm tưởng. Ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Phùng Cung đã được đồng nghiệp nhìn nhận như một cán bộ văn nghệ đầy nhựa sống, và rất chân thành. Với những ưu điểm nổi bật ấy, suốt cuộc đời mình, anh đã đi cùng dân tộc, đi cùng cách mạng.
Về cụ Văn Cao, thằng em đưa ra “tâm sự” của Tố Hữu với cùng tập tài liệu trên, nhưng còn một cái tên khác là tập di cảo “Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu”…
Thiên thai là một ca khúc dạt dào sức sống và thấm đậm chất lãng mạn trong chuyện cổ dân gian. Thiên thai bay bổng, xa vời nhưng vẫn gắn với cuộc sống nơi trần thế. Người Thăng Long Hà Nội rất tự hào về những bài hát trữ tình lừng danh của Văn Cao về thủ đô ngàn năm văn vật. Tố Hữu dừng lại. Tôi (Nhật Hoa Khanh) thấy ông thật sự lặng đi một lát. Rồi nhà thơ nói tiếp với một thoáng nghẹn ngào: Nhớ quá Văn Cao những ngày ở Việt Bắc!.

***
Mãi cho đến khi rày, thằng em mới mở cánh cổng khép hờ dẫn vào nhà có…cây táo.
Vào đến phòng khách, rồ chữ tôi bắt gặp hồn ma bóng quế ông Tố Hữu đang ngồi ở bộ sa lông tiếp khách. Khách của ông là nhà phê bình văn học cổ đại của đất Thăng Long…
(…) Ấn tượng khó quên nhất của tôi (Nguyễn Đăng Mạnh) là ông nói rất nhiều. Tôi nhớ ông nói từ hai giờ chiều. Nói rất bốc. Lúc đầu còn ngồi ngay ngắn, sau co chân trên salon ngồi như ếch ộp. Tôi ngồi sát cạnh ông, liên tưởng đến Nguyễn Đình Thi mà ông là con ếch, Thi là con cua. Thỉnh thoảng ông còn vỗ mạnh vào đùi tôi như con ếch vỗ mai con cua. Sợ quá! Thật ra ông hỏi một câu gì đó. Hỏi không phải để nghe trả lời, mà là cách gây chú ý, để nghe ông nói tiếp. Thực tình lúc ấy tôi mót đi tiểu quá. Ngồi ngay cạnh ông, đứng lên không tiện. Vả lại biết đi toalét ở chỗ nào! Mà trời sắp tối. Nhưng ông cứ nói, nói liên miên, nói say sưa hào hứng. Lúc đó, thực bụng tôi nghĩ: Trên đời không có gì nhảm nhí bằng chuyện văn chương, chỉ có đi tiểu là quan trọng nhất. Không hiểu sao, ông lại còn giữ tay, nói tiếp mấy câu nữa. Tôi lại nghĩ đến anh chàng Hoàng Cát tả giọng ông chua như mẻ. Sợ quá!
Hết quyền lực rồi, Tố Hữu vẫn có tật nói nhiều. Hôm báo Văn Nghệ tổ chức hội thảo về cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, ông đến dự. Một mình ông nói hàng tiếng đồng hồ. Lúc Tố Hữu đã mệt nặng, Nguyễn Khải có đến thăm. Khải nói: Ông đã mệt lắm, nói không ra tiếng, vậy mà miệng vẫn mấp máy, lắp bắp. Đúng là mắc bệnh nói.
Những năm cuối đời, ở Tố Hữu, có chuyện này cũng lạ: Thường phủ nhận những điều mình đã nói, và đã làm. Trong cuốn Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa thuật lại cuộc phỏng vấn Tố Hữu về chuyện ở bên ngoai họ đang rỉ tai Tố Hữu xoá một câu thơ về Võ Nguyên Giáp trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Sau này Tố Hữu nói: Không hề biết chuyện ấy vì đó là chuyện bịa. Khoa nói với tôi: Em có ghi băng hẳn hoi, đâu có bịa.
Nhật Hoa Khanh công bố bài phỏng vấn Tố Hữu rất dài. Đọc bài phỏng vấn này, tôi thấy:
Tố Hữu nói ngược hẳn những điều ông nghĩ, ông viết và ông làm trước đây đối với các nhà văn thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm. Ngược hẳn lại như quay 180 độ, khiến rất khó tin là có thật. Khoa cho rằng: Tố Hữu hay phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm, nhưng không đến nỗi quá quắt như trong bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh. Tô Hoài thì nói: Những sự kiện, những chi tiết trong bài phỏng vấn đều có thật cả, chỉ có điều Tố Hữu nói ngược lại. Vì anh Nhật Hoa Khanh có ghi âm, còn giữ băng ghi âm mà.
Sau khi chết, không thể ngờ Tố Hữu xuống giá nhanh chóng và thảm hại đến thế. Ở khoa Văn đại học Sư phạm Hà Nội nếu Tố Hữu sống lại chắc buồn lắm: Hàng năm cán bộ giảng dạy phải hướng dẫn hàng trăm sinh viên cao học, hàng chục nghiên cứu sinh làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Đề tài ngày càng bí, quanh đi quẩn lại khai thác mãi những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu...hầu như đã cạn kiệt. Rất bí. Cả thầy lẫn trò đều bí.
Vậy mà không ai chịu làm về Tố Hữu. Vì vậy nếu Tố Hữu sống lại chắc buồn lắm (…)
Về “Tố Hữu sống lại chắc buồn lắm”, rồ chữ tôi cũng buồn tình mò lên mạng lưới mới hay ông mãn phần ở Hà Nội. Nhưng không thấy ai viết về đám tang ông, nên trộm nghĩ ông ra đi cũng lạnh lẽo lắm vì nhằm vào mùa đông. Tiếp, rồ chữ tôi cũng không tìm thấy người ta chôn cất ông ở đâu? Sau hiền thê ông tự xây nhà tưởng niệm ông tốn kém khoảng hai triệu Mỹ kim, nói trộm vía ông chư…chứ nhà thơ làm kinh tế như vậy cũng “tốt thôi”. Với nhà tưởng niệm hai triệu Mỹ kim, hiền thê ông thế nào chẳng dựng một kệ đài như bàn thờ để trưng bài thơ có hai chữ “thương chồng” đã đi vào văn học sử vào một ngày nắng hạ: Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi! – Thương cha thương mẹ thương chồng – Thương mình thương một, thương Ông thương mười. Đang lò mò trên mạng bỗng thấy bài viết của Nguyễn Quang Thiều, ông nhà văn này là kẻ hậu sinh chẳng có gì giận hờn với ông nên có câu kết: Cuối cùng như mọi kiếp người, ông đã giã từ đời sống về với cát bụi. Về nơi xa xăm không còn hận thù, linh hồn ông đang mỉm cười hay đang suy ngẫm với những dằn vặt, khổ đau.

***
Bởi nhẽ rồ chữ tôi cũng đang bí. Nhưng may lại gặp Con ngựa già của chúa Trịnh. Thế nên mới chẻ câu chặt chữ để có bài viết dài hơi dầy chữ này với tựa đề: Thiên mã cùng đồ.
Với Thiên mã cùng đồ, rồ chữ tôi dàn trải in hịt như trong truyện Xông đất nhà thơ Tố Hữu của Phùng Quán. Thêm nữa, hai anh em tôi nghe ông Tố Hữu nói chuyện văn chương giống như nói chuyện với nhà phê bình văn học Hà Nội từ hai giờ trưa đến bảy giờ chiều. Mà rồ chữ tôi đâu có khác gì nhà làm văn học cây đa, cây đề! Chả là đất sinh cỏ già sinh tật, rồ chữ tôi cũng có cái tật đi tiểu vặt và đái dắt, mỗi lần giật nước cái bồn tiểu lại xót xa cho cái tiền già. Nên sau khi nghe ông nói liên miên, rất bốc, rồ chữ tôi bấm tay thằng em xin phép nhà thơ ra về vì trời đã tối đất rồi. Hồn ma bóng quế nhà thơ khoác vai rồ chữ tôi một bên, thằng em một bên lững thững đi ra cổng. Bước xuống bậc tam cấp, thằng em làm văn…làm như nhớ lại trong bài viết Sự thật ở đâu của nhà văn Hoàng Tiến: Bạn bè thân nhà văn bảo ông Tố Hữu tuy bây giờ nghỉ làm việc, nhưng thế lực còn mạnh lắm, ông ấy vẫn có thể bóp cổ anh chết tươi bất cứ lúc nào. Vì vậy nó cũng sợ vãi đái ra quần, thằng em làm văn ăn mày chữ nghĩa của nhà văn Hoàng Tiến chào từ giã ông: Hẹn gặp lại nhà thơ cách mạng lão thành. Khi ra gần đến cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói trống không, như không có mặt hai anh em tôi trong cõi nhân gian phù thế này: Lão, nhưng liệu có thành không chứ.
Ra khỏi cổng, nhìn lại với một thoáng mây bay, quang cảnh căn biệt thự đìu hiu với dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Thêm câu văn trong bài Phùng Quán xông đất nhà ông cậu, căn nhà 76 Phan Đình Phùng phảng phất trong trí nhớ sương khói của rồ chữ tôi: “Toàn bộ vẻ đẹp u trầm và sâu sắc đến kinh người...”. Như Phùng Quán, rồ chữ tôi không thấy công an, lính cảnh vệ, chiếc xe con màu trắng, chiếc ô-tô đen.
Chỉ còn lại cây táo già khú đế với một bóng người.
Bèn đục chữ đẽo câu, rồ chữ tôi viết tiếp in hịt như trong bài Cây táo nhà ông Lành:
Bóng người bắt gặp thằng Thìn đang trân trân nhìn mình. Nó lắp bắp:
- Cháu…cháu lỡ!… Ông tha…
Bóng người ném cây rựa xuống sân đánh “bịch”, đứng phắt lên ư hừm:
- Ông, ông cái con khỉ!
Rồ chữ tôi đang bối rối như sư đẻ vì thằng em hẹn gặp lại làm khỉ gì chả biết nữa thì…
Thì thắng Thìn ù té chạy về, tay kéo quần, tay ra dấu với bạn và nói:
- Tao đi qua cây táo, tưởng như mọi khi, tao vào nhặt trái rụng. Bất chợt có tiếng “ư hừm!” rõ to! Mà giọng ồ ồ kỳ lắm! Nhìn khắp nơi mà chẳng có ai hết. Tao lại nghe “ư hừm” thật to kéo dài lượt nữa. Chừng như có bóng người ngồi trên cây táo. Tao dòm lên, thì eo ôi:
- Một cái sọ dừa đen ngòm trên ấy!

Thạch trúc gia trang
Tết Bính Thân 2016
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Lại Nguyên Ân, Lý Hồng Nhân, Thụy Khuê, Trần Đỉnh, Xuân Sách, Đặng Vương Hưng, Bá Kiên.

 

Đăng ngày 16 tháng 12.2016