Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 6

 

Chuyến bay cuối cùng từ Đà Nẵng

Ngày 29-3-1975 khoảng 6 giờ sáng có điện thoại của Val Witherspool, một nữ tiếp viên khác. Cô ấy bảo: Chị xuống ngay phòng đợi khách sạn trong vòng 5 phút. Khoác bộ đồng phục, tôi lập tức chạy xuống cầu thang. Ông Ed Daly (1) và Val đang chờ tôi ở dưới nhà. Bruce Dunning, làm việc cho hãng CBS cũng đã có mặt. Tôi bảo Bruce: Bọn này phải ra Đà Nẵng. Muốn đi thì đi. Chúng tôi bước lên chiếc World Airway Boeing 727. Lúc ấy Daly và phi hành đoàn đã lên phi cơ rồi. Dunning và toán CBS cũng vậy. Họ trấn an chúng tôi là mọi việc ở ĐàNẵng cũng tốt thôi. Lúc đó 8 giờ sáng,
Chuyến bay ra khá êm. Phi cơ bắt đầu đổi cao độ để hạ xuống Đà Nẵng. Nhưng khi hạ cánh có một cái gì rất lạ lùng. Không hề thấy một bóng người. Không một ai, cả phi trường hoàn toàn hoang vắng. Đột nhiên trong lúc phi cơ đang “chạy taxi” trên đường vào bến, đoàn người chợt xuất hiện. Họ chạy ào ra từ những nhà chứa máy bay. Hàng ngàn con người, tôi nói đúng nghĩa là hàng ngàn con người đua nhau chạy đến chúng tôi. Họ chạy bộ, xe gắn máy, xe jeep, xe hơi, xe đạp… Họ chạy xồng xộc với cặp mắt man dại.
Chúng tôi cho phi cơ chậm lại. Lúc ấy tôi đang đứng trong phòng lái nhìn ra cửa sổ trước, chợt thấy có điều kỳ lạ. Một nhóm người lái chiếc xe vận tải nhỏ đuổi bên cạnh chiếc tàu bay. Một người đàn ông nhảy khỏi xe, chạy đến trước chúng tôi. Tôi nhìn về phía anh ta, lúc ấy chúng tôi đang đi chậm, anh ta rút một khẩu súng lục, bắn vào chúng tôi. Đột nhiên tôi có cái cảm giác kinh dị y như đang đứng giữa khung cảnh của một phim cao bồi. Tôi nghĩ: Tại sao họ bắn chúng tôi? Chúng tôi cho tàu chạy khỏi người đàn ông có súng và chạy chậm lại ở phía xa. Bây giờ tôi bắt đầu chờ người khách đầu tiên lên phi cơ. Chúng tôi dự tính sẽ cho họ ngồi vào ghế, sẽ sắp đặt họ trong vòng trật tự. Rồi những người lính bắt đầu lên. Chừng chín người lính đã lên, tôi xếp họ ngồi vào ghế. Rồi người thứ mười lên, nhưng hắn không chịu ngồi. Hắn bị kích động, cứ chạy lên chạy xuống la lớn bằng tiếng Anh: Bay đi! Bay đi! Bay đi! Chúng nó sắp pháo kích vào phi trường kìa! Hắn cứ la hét như thế mãi. Tôi nắm lấy hắn, tôi cũng hét lên: Im mồm, tôi bảo ông ngồi đâu thì ông ngồi xuống đó. Tôi đẩy hắn xuống ghế.
Nhưng có điều lạ: Rất ít người lên phi cơ. Vì vậy tôi nghĩ cần phải ra sau xem có chuyện gì…
Tôi thấy Daly dưới chân cầu thang đang bị giằng xé. Áo ông rách vụn. Joe Hrezo biến đâu mất. Val đang cố giúp Daly lôi người lên cầu thang trong lúc tàu bay cứ tiếp tục chạy chầm chậm trên phi đạo. Còn dưới chân thang, hàng tram người tuyệt vọng, điên cuồng, la hét cố bấu víu lấy Val và Daly. Đoàn người tiến đến không ngừng. Họ từ khắp phía, chạy đến cầu thang không ngớt. Tôi leo xuống. Daly ở dưới thang, ông cố lập trật tự bằng khẩu súng lục vung lên trời. Val cố giúp những người đang leo qua cạnh cầu thang. Một gia đình 5 người chạy đến phía tôi cầu cứu. Đó là bà mẹ, hai đứa con nhỏ, một trẻ sơ sinh còn ẵm trên tay mẹ. Tôi có thể nhìn rõ nét sợ hãi trên khuôn mặt khi họ cố chạy đến phía tôi. Tôi quay lại định nắm tay người mẹ kéo lên. Trước khi tôi kịp nắm tay bà, một người đàn ông đứng sau đã nổ súng vào 5 người này. Họ ngã gục cả xuống, đám đông đạp ngay lên xác họ. Cái hình ảnh cuối mà tôi thấy là họ biến mất dưới chân đám đông. Chỉ vài tiếng nổ lớn, họ biến mất, tất cả những người ấy. Còn gã đàn ông vừa bắn xong đã đạp ngay lên thân họ để leo tới cầu thang. Hắn đè lên mọi người, chạy vào lòng phi cơ. Tất cả mọi thứ quá sức hỗn loạn điên cuồng. Tôi còn nhớ vào giây phút điên dại ấy, tôi nghĩ: Chốc nữa sẽ tính chuyện này, tôi tiếp tục kéo người lên phi cơ. Chợt cảm thấy một người đàn bà đang níu tôi từ phía hông cầu thang, bà nắm cánh tay tôi, cố lọt lên bực thang. Tôi muốn giúp bà ta nhưng cũng sợ bị rơi tuột khỏi thành cầu. Tôi bèn quay lại nắm cánh tay người đàn bà, kéo qua thành cầu. Nhưng một người đàn ông ở phía sau đã níu lấy, giựt bà khỏi tay tôi. Khi bà rơi xuống, người đàn ông kia đạp ngay lên lưng, lên đầu người đàn bà để leo lên thang. Hắn dùng người đàn bà như một hòn đá kê. Daly nhìn thấy chuyện xảy ra. Liền khi gã đàn ông bước chân qua thành cầu, Daly nắm khẩu súng đập một cú vào đầu gã. Tôi nhớ lúc ấy đột nhiên tôi thấy vòi máu vọt ra, gã đàn ông rơi xuống, người ta đạp lên hắn. Tôi nhớ tôi đã nghĩ: Đáng kiếp! Gã đàn ông này biến mất dưới bàn chân dày xéo của đám đông.
Lúc ấy người đổ ùn ùn vào phi cơ, tôi chạy trở vào xem Atsatkocó xếp nổi chỗ ngồi không. Cô nắm lấy tay tôi, bảo: Đại úy Ken Healy đang cần chị. Tôi đến phòng lái gõ cửa. Cửa mở, Healy bảo: Joe Hrezo đã lạc ra khỏi phi cơ. Khi nào hắn trở lại được cho biết. Tôi đáp: OK. Chuyện xảy ra là Joe và thông tín viên người Anh đã bị đám đông kéo tuột khỏi tàu, không trở vào được nữa. Chúng tôi lạc mất cả hai người. Joe tự chạy tới đài kiểm soá không lưu, họ cho anh ta vào. Sau đó Joe liên lạc được với máy bay. Ken Healy cho biết chúng tôi sẽ “chạy taxi” rà rà trên đường vào bãi và yêu cầu Joe phóng ra khi máy bay tới gần. Chúng tôi sẽ không dừng một giây nào. Liền khi Joe lọt vào phi cơ, chúng tôi sẽ cất cánh. Đại úy Ken Healy bảo: Khi thấy chắc chắn Joe vào phi cơ rồi, gõ lên cánh cửa cho tôi hay. Tôi đi sau, bảo Val: Val, canh chừng cầu thang, thấy Joe vào thì giơ tay, tôi sẽ ra hiệu cho Ken biết.
Trong khi đợi phi cơ chạy qua đài kiểm soát, người ta tiếp tục ào tới. Chúng tôi ấn họ xuống, 5, 6 người một ghế. Trong lúc làm việc, tôi nhớ là đã tự hỏi: Thế còn đàn bà, trẻ con đâu hết? Hóa ra, mọi hành khách đều là lính tráng. Sau đó, tôi đếm chỉ có 11 người đàn bà và trẻ con. Tất cả chỉ có thế! Còn lại đều là lính tráng …Mọi người ngồi trên ghế với những bộ mặt kinh hãi. Gã khùng vẫn tiếp tục la lối: Bay đi! Bay đi! Bay đi! Khi tàu đến gần đài kiểm soát. Daly vẫn còn đâu đó dưới cầu thang để kéo người vào. Tàu chạy rà rà qua đài kiểm soát được một lát, Val quay người lại, giơ tay lên. Tôi gõ vào cửa phòng lái. Phi cơ bắt đầu rồ máy. Chúng tôi gia tăng vận tốc. Gã khùng lúc trước la lối đòi bay, bây giờ sợ hãi và thét lên: Ối! Ối! tàu bay đang cất cánh trên cỏ. Thật ra, chúng tôi chạy để cất cánh từ phi đạo, lối vào bãi đậu, và Ken đã rồ máy để cảnh cáo người ta tránh ra, nếu không chúng tôi sẽ cán qua mà chạy. Phi cơ leo lên cỏ vì đã vào cuối đường bến, không còn cách nào trở lại được. Chúng tôi cứ tăng tốc lực bay vượt lên, do đó đã đụng phải cọc hàng rào gây hư hỏng cho cánh phi cơ. Nhưng hư hỏng trầm trọng nhất là do đạn và lựu đạn ném vào một bên cánh. Ở trong phi cơ, chúng tôi không thấy được hư hại, không rõ tình trạng thế nào. Nhưng đại úy Ken Healy biết rất rõ.
Dầu thế, chúng tôi vẫn phải bay lên. Phải thoát khỏi Đà Nẵng. Chưa một giây phút nào tôi nghĩ là không thể thoát. Không ai có thì giờ để nghĩ những điều như vậy giữa cơn rối loạn. Sau này tôi khám phá được suýt chút nữa chúng tôi đã không thoát. Đáng lẽ chúng tôi đã mất mạng vì các hư hỏng của phi cơ. Với 358 con người ở lòng tàu, còn lại 60 người khác trong khoang chở hàng, có cả người mắc trên bánh xe. Chiếc máy bay này thật sự chỉ dùng để chở có 133 hành khách thôi. Sau này Ken Healy gởi cho hãng Boeing những con số thống kê liên hệ đến chuyến bay. Người ta cho chạy điện toán rồi bảo chúng tôi: Theo cách tính của họ, phi cơ chẳng thể nào cất cánh. Vậy mà chúng tôi đã cất cánh được. Sau Ken cũng gởi cho Boeing một điện tín khác, nói: Quý ông quả đã chế được một cái tàu bay tốt hết xảy.
Sau khi cất cánh, tôi bắt đầu đếm hành khách. Tôi chú ý một người ngồi ghế trước, mặt tái xanh, bị thương nặng, ruột đổ lòng thòng. Tôi dùng tay nhét đại ruột vào, giật cái khăn trên cổ một người nào đó quấn quanh bụng anh ta lại. Tôi kéo thùng cứu thương xuống. Thuốc men mất đâu cả từ SàiGòn. Chúng tôi không có bất cứ một vật dụng y khoa nào trên tàu. Trống trơn. Không thuốc men bông băng gì. Tạm ổn thỏa với người đàn ông ghế trước, tôi nhìn ra lối đi, thấy một người khác đang bò lết đến bên tôi.
Tôi nhận ra gã, đầu bê bết máu. Máu vấy đầy mặt. Chính là gã đàn ông đã kéo người đàn bà ra khỏi tay tôi. Đó là gã đàn ông bị Daly nện với khẩu súng lục. Lần sau chót tôi thấy hình ảnh người đàn bà bị nghiến trên mặt đất. Cũng lần sau chót tôi thấy gã đàn ông này bị đám đông đạp lên. Vậy mà sao gã cũng lết được vào phi cơ? Bây giờ gã đang bò. Tôi nhớ đó là lần duy nhất trong ngày tôi đã cầu nguyện, tôi cầu: Lạy chúa. Xin đừng để cho gã này tiến lại gần con. Gã cứ lồm cồm lết đến. Gã nắm lấy ống quần tôi. Gã nhìn lên tôi. Gã chỉ nói: Xin cứu tôi. Thế là tôi nắm đại một người, kéo khỏi ghế, tôi giúp gã ngồi vào ghế. Đầu gã nứt, tôi có thể nhìn thấy bên trong máu lầy nhầy. Không có gì để cầm máu cả. Tôi biết nếu tôi không giúp cho máu cầm lại, gã sẽ chết ngay trên tay tôi. Một người lính ngồi bên cạnh mặc cái áo tác xạ. Tôi xé toạc cái áo, bốc một nắm mạt cưa nhét vào vết thương. Tôi cứ nhồi mãi mạt cưa vào để chận vòi máu. Chắc chắn giới y khoa Mỹ sẽ giật mình với phương pháp này, nhưng nó đã tỏ ra hữu hiệu. Tôi giật lấy cái sơ mi của một người khác, buộc quanh đầu gã để giữ mạt cưa lại…Gã được bình yên suốt chuyến bay. Gã thật mạnh, không bị bất tỉnh lần nào.
Tôi đi về phía sau lần nữa, thấy Val, Daly và Joe Hrezo đang cố kéo một người đàn ông mắc kẹt trong cầu thang sau. Cửa máy bay sau không đóng được. Người ấy bị kẹt trong thang, gẫy chân. Sau cùng họ lôi được người này ra, mang vào trong phi cơ. Val và tôi cố bó cái chân gẫy với một miếng gỗ. Val, Atsako và tôi tiếp tục cấp cứu cho mọi người trên tàu. Việc này chiếm hết thì giờ và tôi đoán là khi đã bay được một giờ đồng hồ thì chúng tôi mới bắt đầu nhìn đến các hành khách khác không bị thương. Tôi thấy vẻ kinh sợ trên mặt họ. Cuối cùng, họ nhận thức được họ đã làm những gì. Họ bắt đầu hỏi: Còn những chuyến bay khác nữa không? Chúng tôi trấn an bằng cách nói thác: Còn chứ, còn nhiều chuyến nữa. Những người này bây giờ đã hiểu ý nghĩa việc bắn giết đồng bào họ để leo vào chuyến bay. Bây giờ họ ân hận. Đành nói dối thôi, chứ chúng tôi cũng biết sẽ không còn chuyến nào ra Đà Nẵng nữa. Đây là chuyến chót. Ken Healy đã liên lạc với Don McDaniel của chuyến 727 kế, bảo anh ta đợi chúng tôi ở Phan Rang, và bảo anh ta điện cho Dave Wanio quay lại Sàigòn để sửa soạn việc hạ cánh khẩn cấp. Tàu chúng tôi hư hỏng nặng, Ken không dám chắc bánh xe buông xuống được khi chúng tôi xuống Sài Gòn. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là gì.
Tôi trở lại khoang hành khách, phục vụ loanh quanh. Chợt mọi người đều xúc động nhìn qua phía trái. Chúng tôi đã bay đến Phan Rang. DonMcDaniel và phi hành đoàn đang bay ở cao độ 35,000 bộ, họ đang chờ chúng tôi. Cuối cùng họ thấy một chấm đen ở phía dưới, họ nhận ra chúng tôi và đang bay về phía chúng tôi. Chúng tôi nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia, tương phản với bầu trời xanh tuyệt vời, trên đám mây trắng nõn là chiếc tàu bay World 727 xinh đẹp màu đỏ và trắng. Thế là anh chàng Don McDaniel lái chiếc tàu bay của anh ta lượn quanh chiếc tàu bay chúng tôi để lượng giá những hư hỏng. Anh ta gọi KenHealy, bảo: Hình như có một xác chết lủng lẳng trên bánh xe của bạn. Ken đã hỏi anh ta về việc đó. Một người bị cán khi bánh xe lùi lại. Nhưng cái chết của người này đã cứu mạng sống của tám người khác dưới guồng bánh xe vì xác chết đã cản cần máy lại, không làm cho bánh xe lùi thêm nữa.
Phi cơ tiếp tục bay về Sàigòn.
Thế rồi phút cuối cùng của chuyến bay phải đến. Từ sau thân tàu, tôi bắt đầu đi lên, và đây là lúc một hành động tự phát xuất hiện. Một người đàn ông trao vào tay tôi khẩu M16. Anh không nói tiếng Anh, tôi không nói được tiếng Việt, tôi không rõ anh ta muốn gì. Nhưng rồi tôi hiểu: anh muốn tôi hãy nhận lấy khẩu súng của anh. Vì thế tôi khoác cái khẩu súng khốn nạn lên vai, trong lúc bước đi. Người ta bắt đầu trao thêm cho tôi mọi thứ khác. Khi đến phòng lái, trên vai tôi đã có vài khẩu M16 lủng lẳng, một băng đầy đạn, một nắm đạn rời. Một vài người đã trao một hay hai viên, vài người khác trao cho tôi nhiều hơn. Tôi còn có hai khẩu súng lục ở tay. Chính lúc ấy khi tôi đang nắm những viên đạn nhỏ và những thứ vũ khí trong tay. Đột nhiên một cảm giác rõ rệt bừng ra: Cuộc chiến của họ đã chấm dứt. Họ không muốn súng đạn hay bất cứ gì nữa. Điều ấy thực chua chát…”Chính họ cũng đã ở cuối đường”.
Khi tôi gần đến phòng lái, một gã khùng đặt một cái gì đó lên trên các thứ trong tay tôi.
Tôi nhìn xuống, tự nghĩ:
“Trời ơi! Một quả lựu đạn!”
(Jan Wollett)
tearsJan Wollett là tiếp viên hàng không được Larry Engelmann, giáo sư khoa sử của đại học San Jose phỏng vấn. Ông phỏng vấn Jan Wollett là một trong 300 người được ông tiếp xúc trong 5 năm để có tác phẩm Tears Before The Rain.

- : Lúc này tướng Ngô Quang Trưởng còn mỗi một đại đội (có thể là ĐĐ Hắc báo SĐ1BB?) gửi ra phi trường để giải tán bớt đám quân dân ô hợp đang làm kẹt phi đạo, thì một số nhỏ quân nhân trong đơn vị này, khi một chuyến phi cơ Boeing đáp xuống chở dân, đã xông ra đạp lên đàn bà con gái, chen chúc nhau đến độ bám cầu thang, chui vào hầm bánh xe. Khi phi cơ cất cánh, người rơi rụng lả tả. Thảm cảnh này được các phóng viên quốc tế chứng kiến, thu hình chiếu cho nước Mỹ và thế giới coi (xem “Nước mắt trước cơn mưa”do Nguyễn Bá Trạc dịch).
(1) Chuyến bay chở người tỵ nạn từ Đà Nẳng vào Sài Gòn do nhà tỷ phú Hoa Kỳ là Ed Daly đích thân điều động và chỉ huy bất chấp lệnh cấm của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.

 

Góp nhặt…ghi chép…
Đài BBC Luân Đôn, ngay tối 29-3-1975 loan báo Đà Nẵng thất thủ với 100 ngàn quân bị bắt làm tù binh (1). Đó cũng là ngày sụp đổ của toàn bộ Quân đoàn I, tin tức đã khiến cho cả nước kinh hoàng: Quân đoàn I nơi tập trung những lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất của ta, 4 sư đoàn, 4 liên đoàn biệt động quân đã hoàn toàn tan rã sau 10 ngày cầm cự và triệt thoái.
Mặc dù nay Bộ tổng tham mưu, các vị tướng lãnh, các giới chức quân sự có liên hệ đã bạch hóa diễn tiến của trận chiến bi thảm này. Các nhà nghiên cứu quân sự, các nhân chứng, ký giả chiến trường đã biên soạn, kể lại diễn tiến của mặt trận vùng hoả tuyến nhưng người ta tưởng như nó vẫn còn nhiều điều bí ẩn và khó hiểu, chưa bao giờ trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng giai đoạn 1960-1975 một lực lượng to lớn của ta lại có thể thua nhanh đến thế.
Các tài liệu, sách báo nói về cuộc lui binh tại Quân đoàn I của Bộ tổng tham mưu, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Ngô quang Trưởng, nhà nghiên cứu quân sự, ký giả chiến trường và những lời thuật lại của các nhân chứng nói chung dồi dào…
Nhưng không hoàn toàn giống nhau có khi còn trái ngược nhau là khác.
(Trọng Đạt)
(1) Da Nang Fall - Malcom Brown

Góp nhặt sỏi đá
Chiến hạm HQ 802 nhổ neo xuôi nam 11 giờ sáng ngày 29-3-1975. Đà Nẵng và Quân khu I thất thủ. Đúng 3 giờ sáng ngày 30-3-1975, tổng thống Thiệu ra lệnh…rút bỏ Đà Nẵng.

Góp nhặt…ghi chép…
Bến tàu Đà Nẵng cũng rất hỗn loạn, nên các chiếc tàu thả neo ngoài xa, dân dùng thuyền bè từ bờ ra tàu. Chiều ngày 28-3-1975, tại bãi biển Mỹ Khê. Cả chục chiếc thiết vận xa M113 làm đầu cầu nối ra biển để lên tàu. Sau đó có nhiều chiếc bị chìm xuống biển, một số binh sĩ biết lội sống sót, số người không biết lội bị chìm dần xuống đáy biển Mỹ Khê.
Tối 28-3 Bắc quân pháo kích vào căn cứ hải quân, lửa cháy rực một góc trời. Chiến Hạm HQ 802 nhổ neo xuôi Nam lúc 11 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975.
Sau Quảng Trị, Huế lọt vào tay địch. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng và toàn Quân đoàn I thất thủ.
(Wikipedia)

Bên lề trận chiến
Tại mũi Tiên Sa, HQ 802 đến gần mũi Isabel (bờ Bắc vịnh Đà Nẵng), len vào thật sát các mỏm đá để đón Lữ đoàn 258 và bộ chỉ huy thủy quân lục chiến. Vì hệ thống truyền tin bị quấy phá, hạm trưởng HQ 802 buộc phải nhập vào hệ thống truyền tin của Bộ chỉ huy hạm đội tiền phương. Hạm trưởng HQ 802 được lệnh đưa thủy quân lục chiến về vùng tập trung chiến hạm tại Cù lao Chàm (Hội An).
Trong khi đó, một trực thăng lượn qua lượn lại quanh HQ 404. Ngại bị trực thăng bắn, hạm trưởng ra lệnh kéo cờ nhiệm sở tác chiến. Sau vài vòng bay lượn, thấy chiến hạm báo động, nhóm người trên trực thăng ra dấu chào hỏi và liệng xuống một chiếc giày trận rồi bay vào bờ.
Rời trực thăng, nhóm người ấy bơi ra HQ 404.Sau khi vớt nhóm người từ bờ bơi ra chiến hạm, hạm trưởng HQ 404 nhìn thấy một người trong nhóm chân này mang giày trận, chân kia không có giày mới biết người đó là:
Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 Không quân.
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Cuộc rút quân từ Đà Nẵng
Trong khi Đà Nẵng đang bị địch cô lập dần dần thì hai đơn vị thủy quân lục chiến và nhảy dù đang ở trên các chiến hạm, sẵn sàng rời Đà Nẵng theo lệnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Không hiểu sự dằng co giữa Trung tướng Ngô Quang Trưởng và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra như thế nào, nhưng sư đoàn nhảy dù và thủy quân lục chiến đã lên HQ 504, HQ 505 và HQ 500 hai ngày rồi mà ba chiến hạm này vẫn chưa được lệnh tách bến.
Quá khuya 30-3, một đại tá từ Quân đoàn I đích thân xuống chiến hạm, truyền lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho hạm trưởng HQ 500 rời bến. Tiếp theo, HQ 504 và HQ 505 cũng được lệnh rời bãi quân vận Đà Nẵng.
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Bên lề trận chiến
HQ 17, sau khi nhận thêm một số thủy quân lục chiến, được chỉ thị yểm trợ HQ 404, đưa tướng Ngô Quang Trưởng và thủy quân lục chiến về Vùng 2. Trên hải trình xuôi Nam, khi qua mũi Sơn Chà, HQ 802 tình cờ bắt được liên lạc truyền tin với một thành phần của bộ chỉ huy hành quân Quân đoàn I trên tần số giải tỏa. Nhóm này yêu cầu hải quân cứu…một giới chức thẩm quyền. Lời kêu cứu của nhóm Quân đoàn I vang lên.
Bây giờ lại thêm tiếng kêu cứu của nhóm khác:
Hải quân ơi! Cứu không quân với!
Nhóm thứ hai cho biết họ đang kẹt tại phía nam bán đảo Sơn Chà. Họ phóng hỏa châu để HQ 802 dễ nhận ra vị trí của họ. HQ 802 đổi hướng, quay lại đón nhóm không quân. Vừa khi đó, trên sườn đồi sát mặt biển, đèn trực thăng bỗng lóe lên và tiếng kêu cứu của bộ chỉ huy hành quân Quân đoàn I thêm một lần lại vang lên.
Hạm trưởng HQ 802, ra lệnh nhiệm sở tác chiến, đồng thời cho hạ thuyền xuồng đổ bộ vào cứu cả hai nhóm. Nhóm bộ chỉ huy hành quân Quân đoàn I có:
Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh Sư đoàn 3 BB.
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Ngày thứ 19 : 28-3-1975
Quảng Nam
Ngày 28-3, Bắc quân gia tăng áp lực tại khu vực Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trung đoàn 56 BB của Sư đoàn 3 BB tái phối trí tổ chức phòng thủ tuyến Duy Xuyên.
Tất cả các quân nhân từ những nơi khác về Đà Nẵng trong những ngày trước cũng được tập trung để bổ sung cho các đơn vị trú phòng. Tại khu vực trách nhiệm của Sư đoàn 3 BB, Trung đoàn 56 BB được lệnh rút về tuyến vàng (Câu Lâu -Thu Bồn). Tại phòng tuyến Đại Lộc, Bắc quân đã chiếm bộ chỉ huy chi khu quận và lập hệ thống công sự phòng thủ ở đây. Trung đoàn 57 BB được lệnh phải triệt phá các chốt chận của Bắc quân quanh quận lỵ.
1 giờ trưa, bộ chỉ huy tiểu khu Quảng Nam mất liên lạc với bộ tư lệnh Sư đoàn 3.
Theo lời tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Quảng Nam, thì trưa ngày 28-3, ông đã đến Duyên đoàn 15 Hải quân dùng tàu nhỏ đi quan sát việc bố phòng quanh thị xã Hội An.
Sau đó ông liên lạc về bộ chỉ huy tiểu khu thì không có ai trả lời.
- : 28-3-1975, Hội An lọt vào tay Bắc quân.

Cuộc rút quân từ Đà Nẵng
Công tác cứu người hoàn tất, HQ 802 trực chỉ về Nam. Trên hải trình, HQ 802 gặp lại đoàn tàu của Hải đội 1 duyên phòng và một trong những tiểu đỉnh đó chở Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Hạm trưởng đón phó đề đốc Thoại và đoàn tùy tùng của ông sang HQ 802.
Khi đoàn tàu đến gần Qui Nhơn, vừa qua khỏi Cù Lao Chàm, chỉ huy trưởng Hải đội 3 tuần dương được báo cáo là sót một chiếc phà đầy người tại đài kiểm báo 101. HQ 17, HQ 8 và HQ 12 được lệnh quay lại Đà Nẵng. Hai trong ba chiến hạm đó được chỉ thị quan sát và yểm trợ để chiếc thứ ba vào đón chiếc phà.
Ngoài ba chiến hạm vừa trở lại, vịnh Đà Nẵng buồn thật buồn và vắng tênh!
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Tàn cuộc binh đao
Đà Nẵng buồn thật buồn và vắng tênh với 73 ngàn quân cán chính VNCH bị bắt giữ trong số đó có 54.000 binh sĩ.
Số sĩ quan bị bắt gồm 10 Đ/tá, 70 Tr/tá, 260 Th/tá, 1.300 Đ/úy, 1.900 Tr/úy, 2.000 Th/úy và 2.300 Ch/úy. (Chiến tranh Việt Nam toàn tập)

Thâm u bí sử
Tướng Hoàng Văn Thái là người lo hậu cần và tiếp liệu cho tướng Võ Nguyên Giáp trong trận ĐBP. Đồng thời ông cũng là sui gia với Võ Nguyên Giáp. Hoàng Văn Thái qua 8 năm làm tư lệnh chiến trường ở miền Nam B2 (1), ông có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo tác chiến. Ông được Võ Nguyên Giáp giao làm kế hoạch “Chiến lược 2 năm”(2) năm 1975 với tướng Lê Trọng Tấn.
Khi tướng Hoàng Văn Thái chuẩn bị lên làm bộ trưởng quốc phòng thay vì tướng Văn Tiến Dũng thì ông đột ngột chết ngày 2-7-1986. Trước khi chết, chính Hoàng Văn Thái nói với vợ: Người ta giết tôi. Có tin là bị Lê Đức Thọ sát hại vì e ngại người khác phe sẽ khui ra nhiều chuyện của Văn Tiến Dũng và Lê Đức Thọ.
(1) Khởi đầu đi B có nghĩa là cán bộ, cán binh miền Nam tập kết ra Băc năm 54 (B là Bắc). Sau “đi B” chỉ những người từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
B2 chỉ vùng hoạt động đồng bằng Cửu Long. B3 chỉ Tây Nguyên, v…v…
Tiếng lóng: “B dài” chỉ những văn nghệ sĩ miên Bắc vào Nam (Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Phước). “B ngắn” chỉ những văn nghệ sĩ người miền Nam tập kết ra Bắc trở lại miền Nam (Anh Đức, Vàng Sao). “B tụt”, “B tạt”, “B quay” là tìm cách lẩn vào rừng, tụt lại sau, tạt vào các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà. Hay nói khác đi là đào ngũ.
(2) Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn dự trù 2 năm mới “dứt điểm” được miền Nam.

Thâm u bí sử
Trận Điện Biên Phủ, tướng Lê Trọng Tấn khi ấy là trung đòan trưởng, là người đã bắt sống De Castries năm 1954. Từ Tổng hành dinh do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy ở Hà Nội, tháng 3-1975, tướng Tấn được tướng Giáp cử chỉ huy mặt trận Quảng Đà (Quảng Trị-Đà Nẵng).
Lê Trọng Tấn bị đảng cho người ám sát bằng thuốc độc chết. Sau đó đảng tuyên bố ông bị bệnh đột ngột qua đời trước Đại hội lần thứ 6 của đảng, mà nhiều người đồn rằng rất có thể tướng Lê Trọng Tấn sẽ nhậm chức Bộ trưởng bộ quốc phòng.
Có tin ông cũng bị Lê Đức Thọ sát hại 5 tháng sau khi sát hại tướng Hoàng Văn Thái.

Thâm u bí sử
Hai tướng thân cận Lê Trọng Tấn và Hoàng Văn Thái của tướng Võ Nguyên Giáp bị bức tử trong vòng 5 tháng. Nhưng “cái đầu” của tướng Võ Nguyên Giáp như chém treo ngành:
Lê Đức Thọ đã từng nói: Từ nay đừng bao giờ nhắc đến tên cái ông tướng đội mũ phớt nữa.
Theo Hồ Ngọc Đại, con rể của Lê Duẩn thuật lại, ông và tướng Giáp tới nhà Lê Đức Thọ chúc tết, Lê Đức Thọ không thèm chào tướng Giáp một câu. Khi tướng Giáp về rồi, Lê Đức Thọ phẩy tay và nói với ông: Tao còn để cái đầu thằng Giáp trên cổ nó là may lắm rồi.
(Quyền bính – Huy Đức)

Sử lịch với ngày tháng
Năm 1954, khi Điện Biên Phủ lâm nguy, ngày 25-3, chính phủ Pháp cử tướng Paul Ely đi Washington cầu cứu Hoa Kỳ gấp rút tiếp viện cho đoàn quân viễn chinh Pháp. Tổng thống Eisenhower từ chối: Điện Biên Phủ thất thủ.
Trùng hợp với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng: Đúng 21 năm sau, cũng cùng ngày 25-3 (năm 1975) khi quân đội VNCH đang di tản ở Đà Nẵng, chính phủ VNCH cầu cứu Hoa Kỳ, Tổng thống Ford làm ngơ: Đà Nẵng thất thủ.

Lịch sử là gì
Lịch sử là gì? Lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng…
(Halikamasseus)
- : Nguồn khác cho rằng câu trên của nhà văn người Pháp, Robert Brasillach đã viết l'histoire est écrite par les vainqueurs (lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng).

Chuyện kể của kẻ chiến thắng
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 4-4-1975, tướng Lê Trọng Tấn được tướng Võ Nguyên Giáp gửi một mệnh lệnh cho Quân đoàn 2 yêu cầu quân đoàn sẵn sàng cơ động vào Nam tăng cường cho Quân đoàn 1. Lê Trọng Tấn cho rằng địch củng cố tuyến phòng thủ mạnh từ Phan Rang, Phan Thiết trở vào, Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn chưa dứt điểm được Xuân Lộc. Tại sao không đưa toàn bộ Quân đoàn 2 theo đường 1 đánh phá hệ thống phòng thủ của địch ở miền duyên hải để chia lửa cho Quân đoàn 4 và nếu phá vỡ sự phòng thủ của địch ở phía duyên hải, địch sẽ cơ bản mất khả năng tử thủ Sài Gòn.
Lê Trọng Tấn đã thuyết phục Võ Nguyên Giáp như thế nào để thay đổi quyết định điều động Quân đoàn 2 thì chưa biết. Nhưng thực tế chiến sự sau đó đã cho thấy Quân đoàn 2 đã tiến công trong hành tiến trên trục đường 1 từ Đà Nẵng vào Phan Rang. Ngày 16-4, với lực lượng Sư đoàn 3 và 2 trung đoàn của Sư 325 được pháo binh và thiết giáp yểm trợ, quân ta đã đánh tan 1 vạn quân địch phòng thủ Phan Rang. Mộng “tử thủ Phan Rang” để giữ phần đất còn lại chờ cứu viện của Nguyễn Văn Thiệu tan thành mây khói.
Cũng phải nói thêm, sau khi giải phóng Phan Rang, cánh quân duyên hải của tướng Tấn nhập vào đội hình chiến dịch Hồ Chí Minh. Tướng Tấn được cử làm phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh phụ trách hướng đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4.
Một lần nữa, tướng Tấn lại là người về đích sớm nhất khi mũi cơ giới thọc sâu của Quân đoàn 2 là đơn vị vào được dinh Độc Lập đầu tiên.
(Hồi ký chiến trường - Nguyễn Hữu An)

Trận tuyến cuối cùng
Phan Rang, Phan Thiết sát nhập vào Quân đoàn III
Lúc 2 giờ chiều ngày 3-4-1975, tôi bay xuống Phan Thiết đón Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III. Khi gặp tôi, ông nói sở dĩ muốn gặp tôi tại Phan Thiết là để xác nhận sự hiện hữu của Phan Rang, mà giờ này lẽ ra cũng đã bỏ chạy như Nha Trang và Cam Ranh rồi. Sau khi nghe tôi thuyết trình tình hình, Trung tướng Toàn nói: Kể từ buổi thị sát này, Phan Rang, Phan Thiết sát nhập vào Quân đoàn III, trở thành cứ điểm cực bắc của Vùng 3 chiến thuật. Cùng ngày tôi nhận được lệnh bộ tổng tham mưu chỉ định phụ trách bảo vệ Phan Rang.
Ngày 4-4, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chính thức đến Phan Rang nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang. Trung tướng Nghi quan niệm: Phải chống giữ mặt bắc từ quận Du Long, để giữ an toàn cho căn cứ không quân, cũng như giữ an ninh cho thị xã Phan Rang.
Theo quan niệm đó, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi thảo ra kế hoạch phòng thủ Phan Rang với một lực lượng cở tối thiểu 2 sư đoàn mới có thể trong tạm thời phòng thủ được.
(Trận tuyến cuối cùng - Phạm Ngọc Sang)

Góp nhặt… ghi chép…
(...trích lục lại)
Quân đoàn II trước 75 gồm 7 tỉnh cao nguyên:
Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức và Lâm Đồng.
Và 5 tỉnh duyên hải:
Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà (và Đặc khu Cam Ranh), Ninh Thuận, Bình Thuận.
- : Phan Rang thuộc Ninh Thuận, Phan Thiêt thuộc Bình Thuận.

Góp nhặt…ghi chép…
Kể từ ngày 6-4 Phan Rang tái phối trí, sau 10 ngày chiến đấu:
Phan Rang thất thủ ngày 16-4-1975.
Hai hôm sau, ngày 18-4-1975 Phan Thiết cũng bị lọt vào tay Bắc quân.
Như vậy Bắc quân kiểm soát 20 tỉnh, trọn vẹn 2 quân khu, hai phần ba Nam Việt Nam.

Ngày thứ 25 : từ 3-4 tới 16-4-1975
Phan Rang – Phan Thiết
Sau khi các đơn vị VNCH triệt thoái khỏi Nha Trang ngày 2-4, theo ghi nhận của Đại tướng Cao Văn Viên, tình hình tỉnh Phan Rang (Ninh Thuận) trở nên hỗn loạn, công chức bỏ nhiệm sở, quân nhân các đơn vị địa phương quân bỏ đơn vị đi tìm gia đình.
Gần một nửa địa phương quân tỉnh Ninh Thuận bảo vệ căn cứ Phan Rang đã bỏ vị trí phòng thủ. Tỉnh trưởng Ninh Thuận bỏ Phan Rang sau khi ra lệnh thiêu hủy một số dụng cụ và phương tiện thiết yếu.
(SQTB K10B/72)

Trận tuyến cuối cùng
Kể từ ngày 2-4-1975, sau khi Nha Trang bỏ ngỏ, căn cứ Phan Rang đương nhiên trở thành căn cứ tiền tuyến của miền Nam. Ngoài thị xã, dân chúng ngơ ngác, phân vân. Trên Quốc lộ 1 hướng về Sài Gòn, từng đoàn xe dân sự và quân sự chật nứt người rầm rộ tiếp nối nhau. Tệ hại hơn nửa là Đà Lạt cũng bỏ chạy, và đoàn xe của trường Võ Bị Đà Lạt (1) đang theo Quốc lộ 1 trên đường đi Bình Tuy cũng vừa chạy ngang căn cứ. Lúc nầy thực sự, căn cứ tôi đang trở thành tiền đồn và đang ở trong tình trạng hết sức hỗn loạn.
Buổi tối cùng ngày, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù cùng bộ chỉ huy lữ đoàn và một phần của Tiểu đoàn 5, trên đường rút từ Khánh Dương xin vào để chờ phi cơ về Saigon. Khi nghe có đơn vị dù xin vào căn cứ, tôi liền hỏi xin lệnh bộ tư lệnh KQ. Được biết đó là do bộ tư lệnh dù yêu cầu để Lữ đoăn 3 được văo căn cứ như đơn vị tăng phái phối hợp phòng thủ,
(Phạm Ngọc Sang)
Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh Sư đoàn 6 KQ/QĐ2.

Sở Liên lạc - Nha kỹ thuật…đi vào nơi gió cát
Bắc quân bắt đầu pháo vào phi trường Phan Rang nơi đặt bộ tư lệnh mặt trận từ 4 giờ sáng. Liên tục, dữ dội khoảng nửa tiếng. 5 giờ sáng đơn vị tôi đươc lệnh di chuyển đến bộ tư lệnh.
Giờ đây, đạn pháo không còn dồn dập nhưng lai rai. Chúng tôi di chuyển trong tình trạng như thế. Mà cái hiện thực đang trùm phủ không chỉ lên người mà lên cả số phận. Như những cái máy, chân bước mà lòng không thể xua tan được cái “mùi” khó tả của sự chết đang tán lạc quanh đây, đang phân phát, chia đều cho từng người, không sót một ai. Thứ “mùi vị” khiến đầu óc mê mụ đi, thân xác rã rời và không có ma lực hoặc thần lực nào châm dứt được “thứ trò chơi” pháo khủng bố ấy. Mỗi quả pháo là một nổi kinh hoàng, vãi xuống bung thành những…cái dấu chấm hết cho nhiều số phận. Điều lạ lùng là cho tới giờ phút này. Sự phản pháo chả có. Phi trường của Sư đoàn 6 KQ không có lấy một phản ứng. Mặt trận không có pháo binh và phi cơ. Hoàn toàn bất lực và cam chịu.
Trời sáng dần, gió lồng lộng, mặt trời đỏ rực nhô lên báo hiệu một ngày hè nắng chói. Trong cái hangar nằm giữa phi trường, nơi đặt bộ tư lệnh mặt trận. Phía trước hangar, hai chiếc trực thăng cấp tướng đậu cùng phi hành đoàn túc trực. Hangar kế bên đậu toàn xe jeep cần câu. Đơn vị chúng tôi đươc phân công bảo vệ bộ tư lệnh. Bộ đội nón cối lúc này vẫn pháo rời rạc. Cái lạ là bên ta không có tiếng pháo giao tranh. Sự hoạt động duy nhất mang tính trận địa là chiếc L19, phi cơ trinh sát bay vòng vòng trên phi trường. Nhưng rồi, từ phi cơ bốc ra những làn khói và rất nhanh phi cơ lao xuồng bay một vòng thấp đáp vội xuống phi trường.
Đang lúc có một cuộc họp tư lệnh bên trong hangar. Chóng vánh và ngắn gọn. Người ta trao đổi, báo cáo, nét mặt buồn so thể hiện trên mọi khuôn mặt. Hai dẫy máy truyền tin hoạt động nhộn nhịp, tất tả. Kẻ ra người vào vội vã va chạm, có người đã ngã chúi. Từ cửa hangar, tôi được phân công canh giữ và có dịp chứng kiến cảnh tượng diễn ra bên trong bộ tư lệnh…
(Nguyễn Văn Hải)

Ngày thứ 26 : 4-4-1975
Phan Rang – Ninh Thuận
Sau khi 6 tỉnh cao nguyên và 8 miền tỉnh miền Trung bị lọt vào tay Bắc quân, để ngăn chận địch quân tràn chiếm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, thành lũy cuối cùng của Quân đoàn II.
Tình hình tỉnh Ninh Thuận: Ngay sau khi bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn III được thành lập tại Phan Rang. Tỉnh trưởng Ninh Thuận bỏ Phan Rang ngày 3-4 được lệnh trở về phòng thủ quanh thị xã. Tuy nhiên lực lượng nòng cốt để bảo vệ Phan Rang vẫn trông cậy vào nhảy dù cùng lực lượng mới được tăng cường, với sự yểm trợ không quân. Với sự chỉ huy thống nhất, an ninh được tái lập và tình hình tại Phan Rang lắng dịu lại sau những ngày hỗn loạn.
(SQTB K10B/72)

Trận tuyến cuối cùng
Ngày 6-4, khi đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn 2 Dù đến căn cứ để thay thế Lữ đoàn 3 Dù tại phòng tuyến Phan Rang. Đại tá Lương liền điều động giải tỏa đoạn Quốc lộ 1, Tiểu đoàn 11 Dù được trực thăng của Sư đoàn 6 Không quân đưa đến chiếm Du Long, và các cao địa trọng yếu kiểm soát đường đi Du Long. Bắt sống tại đèo Du Long, 7 xe tiếp tế thuộc đoàn hậu cần địch cùng một số Bắc quân, vì ngỡ Phan Rang đã bị chúng chiếm, nên cứ ngang nhiên di chuyển.
Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh sư đoàn dù và Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh không quân, cùng đến thám sát công cuộc phòng thủ Phan Rang. Cả hai vị đều tỏ ý bất đồng về việc điều quân nầy. Trung tướng Minh nói để căn cứ không quân làm tiền đồn là sai lầm, vì khi hữu sự dưới lằn đạn pháo thì không thể sửa chữa, trang bị cho phi cơ có khả năng hành quân như yêu cầu được. Chuẩn tướng Lưỡng cũng nói, muốn giữ Phan Rang làm bàn đạp để lấy lại Cam Ranh và Nha Trang, tại sao lại rút đơn vị đang chiến đấu ngon lành mà thay bằng đơn vị đã từng vội vã rút quân và còn đang chờ đợi bổ sung quân số (Lữ đoàn 2 Dù).
Trung tướng Nghi cũng bất ngờ vì không có được 2 trung đoàn bộ binh 4 và 5 thuộc Sư đoàn 2
như đã hứa trước để nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang.
(...)

Sở Liên lạc - Nha kỹ thuật…đi vào nơi gió cát
Cũng giống như xem một phim câm, tôi suy đoán và ghi nhận mọi diễn tiến bên trong bằng hình ảnh chứ không thể nghe thấy bất cứ một lời nói nào từ những nhân vật chỉ huy. Nói môt cách khác tôi chỉ chứng kiến sự việc bằng vào cái tầm nhắm chỉ từ đỉnh đầu ruồi đến lỗ châu mai.
Ngoài kia người ta đang tiếp cứu phi công của chiếc L19 lâm nạn. Nhưng rồi, vài người lính không quân leo vội lên chiêc xe đậu gần đó, nhìn thẳng về phía đường băng phi trường, tay chỉ trỏ. Bât giác tôi nhìn theo rồi sửng sốt. Rất đông, rất đông, môt đoàn quân lũ lượt ào ạt di chuyển, đúng hơn là đang chạy, tựa như con trăn khồng lồ trườn tới. Một vị trung tá già từ trong hangar đi vội ra và ra lệnh cho hai trực thăng cất cánh…
Không khi nơi đây sôi động hẳn lên kể từ lúc đó. Rồi đến lượt chiêc xe không quân nổ máy biến dạng. Quang cảnh hỗn loạn, tất tật của mọi người, vội vã, câm nín… Sự giống nhau biểu lộ trên mọi khuôn mặt mà hơi hướng làn gió thất trận đang quất thẳng vào từng người, không chừa môt ai, kể cả những “người hùng” nhất. Người ta chỉ kịp truyên nhau câu lệnh tìm đường ra bãi biển, sẽ có tầu hải quân đến đón. Và rồi không ai bảo ai nhịp chân cứ thế nối đuôi nhau tiến bước. Sự hòa đồng quan cũng như quân bỏ lại những chiếc xe jeep tội nghiệp, cùng xác người chết và bị thương, chờ bộ đội nón cối chôn và chữa chạy dùm!
Ra khỏi dẩy hangar, trên bải sân rộng, hai chiếc trưc thăng võ trang đang nổ máy trên chất đầy người. Và rồi, một cảnh tượng như xiếc, hai trưc thăng bốc ngược lên khá cao, rồi mới chịu bay đi. Từ trực thăng, ai đó đã làm rơi cái nón sắt xuống sân.
Thế là phi trường đang bị bỏ lại.
Chiến thắng của bộ đội nón cối sau 6 tiếng đồng hồ tấn công chỉ là cái phi trường trống rỗng.
(Nguyễn Văn Hải)
Tác giả thuộc Chiến đoàn 1 Xung kích/Sở liên lạc/Nha kỹ thuật.

Trận tuyến cuối cùng
Sau mấy ngày ém quân, địch bắt đầu khởi sự pháo kích vào căn cứ không quân. Đơn vị 968 (1) bắt đầu xâm nhập lẻ tẻ từ phía tây của căn cứ không quân, phối họp với từng đợt pháo kích. Tiếc thay, trong tình thế như vậy mà phải thi hành lệnh thay quân đang chiến đấu tốt, bằng 2 đơn vị vừa mới được bổ sung sau khi bị tổn thất nhiều về trang bị và tinh thần. Trong khi bộ phận lớn của Lữ đoàn 2 Dù, gồm Tiểu đoàn 7 với các bộ phận nặng rời căn cứ. Liên đoàn 31 Biệt động quân cũng vừa từ Biên Hòa tới bằng phi cơ C130. Quân số liên đoàn gồm khoảng 1.000 người đến trám vào các địa điểm đóng quân của lực lượng dù tại Du Long và Ba Râu.
Ngày 14-4-1975, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, tư lệnh Sư đoàn 2 BB cùng Trung đoàn 5 vừa đến với khoảng 450 quân được giao nhiệm vụ bảo vệ mặt nam căn cứ và phi trường vì Lữ đoàn 2 Dù đã hết nhiệm vụ. Ngày 15-4, từ sáng sớm Bắc quân liên tục pháo từng chập văo căn cứ. Buổi chiều khoảng 2 giờ, có phái đoàn của Trung tướng Trần Văn Đôn, tổng trưởng quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Toăn tư lệnh quân đoàn III đến thị sát mặt trận. Sau khi thăm thị xã, nghe tướng Nghi thuyết trình tình hình và ghi nhận các đề nghị, trung tướng tổng trưởng quốc phòng tỏ vẻ chú trọng đến việc phòng thủ Phan Rang và hứa sẽ tìm mọi cách bổ sung đầy đủ mọi trang thiết bị thiếu hụt.(…)
(1) Sư đoàn 968 và Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân đoàn 3 từ Pleiku bôn tập xuống phối hợp với 2 trung đoàn của Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 kéo xuống Xuân Lộc trên QL1 dọc theo ven biển từ Đà Nẵng vào và hợp lực đánh Phan Rang.

Ngày thứ 27 : 5-4-1975

Sài Gòn thay đổi nhân sự

Ngày 5-4, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, thủ tướng chính phủ kiêm tổng trưởng quốc phòng nộp đơn lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xin từ chức. Tổng thống chấp thuận và cử ông Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch hạ viện, thành lập nội các.
(SQTB K10B/72)

Ngồi ở quán nhậu nghe chuyện súng đạn
Khi bị bại trận, hắn kê khẩu súng sát vào màng tang. Và bóp cò…
Bốn mươi năm sau, hắn vẫn chưa nghe tiếng súng nổ.
(Website Tiền Vệ - Truyện cực ngắn hay Truyện chớp)

Trận tuyến cuối cùng
Từ chiều ngày 15-4 trở đi, trung tướng Nghi liên tiếp nhận được tin địch sẽ tập trung tấn công đêm nay. Một trong những công điện của bộ chỉ huy địch với danh hiệu Sông Hồng, đóng tại Ba Râu, cho hay địch sẽ tấn công Phan Rang 5 giờ sáng. Tiến quân theo đường rầy xe lửa cùng với chiến xa, theo Quốc lộ 1 từ rừng dừa ở Ba Ngòi. Biết ý định của địch, trung tướng Nghi báo động ngay mọi nơi đề phòng, đặc biệt là Liên đoàn 31 Biệt động quân án ngữ ở đồi Du Long.Bắt đầu8 giờ tối địch gia tăng cường độ pháo vào phi trường, đồng thời bộ binh, thiết giáp, pháo binh v.v… Chúng vượt đồi Du Long tràn qua phòng tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 31 Biệt động quân tiến về hướng nam. Tiểu đoàn 31 đã ở tại chổ chiến đấu gan dạ mặc dầu đoàn xe địch vượt được qua. Từ 2 giờ sáng trở đi, Tiểu đoàn 36 Biệt động quân vừa trám chỗ, chạm địch ác liệt, làm chậm sức tấn công ồ ạt của đoàn cơ giới địch. Liên tục bị oanh kích, chúng tẻ xuống đường, tắt đèn và lại tiến tới. Phi cơ A37 không ngớt tung xuống đợt oanh tạc ngăn chăn, nhưng vì không đủ phương tiện soi sáng và hỏa long, nên chúng vẫn tràn qua, sau khi bị tổn thất khá nặng nề với con số tử vong gần 100 cán binh.
Kể từ lúc các đơn vị bộ binh chạm súng, liên tục báo cáo địch đang xử dụng hàng đoàn xe để đến sáng chạy từ Du Long tràn xuống. Cuối cùng, đoàn xe tắt đèn vượt qua Ba Râu, vă chiếm thị xả Phan Rang lúc 7 giờ sáng ngày 16-4-1975.(…)

Lạc đạn
Qua ngọn đồi Du Long với những nấm mộ hoang chẳng thể không nhắc đến nhà thơ “điên” Nguyễn Đức Sơn người Ninh Thuận với chuyện thời hậu chiến đã buông xả qua: Nhắn
Mai sau người nhớ đến ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa xin chớ bồi hồi
Mồ hoang nhảy đại lên ngồi đi cha

Ngày thứ 28 : 6-4-2075
Phan Thiết – Bình Thuận
Ngày 6-4, Sư đoàn 7 (?!) xâm nhập phiá tây Phan Thiết. Về hỏa lực không pháo là các phi đoàn thuộc Sư đoàn 6 Không quân. Yểm trợ hỏa lực có 1 tiểu đoàn pháo binh của sư đoàn dù và một số pháo đội do Quân đoàn III điều động đến để phòng thủ và bảo vệ Phan Thiết.
(Wikipedia)
(?!) Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 đang sửa soạn đánh Xuân Lộc (Vùng 3 chiến thuật VNCH).

Anh hùng mạt vận
Ðiều đáng tiếc là nhiều cựu chiến binh lúc trở về gia nhập vào hàng ngũ những nhóm gây rối, trốn lính và hoạt đầu chính trị để bêu xấu danh dự một đạo quân nay không còn có thể tự đứng ra bào chữa được mình. Nhục mạ một đạo quân đã mạng vong trong chiến trận do nước Mỹ bỏ rơi là một hành vi không xứng danh là người chiến binh Hoa Kỳ. Chắc một số người sẽ cho rằng điều khẳng định của tôi là quá đáng. Vậy chứ tôi phải làm thế nào để bào chữa cho họ đây? Mọi người đều cho họ là một lũ bất tài, và hèn nhát, phải như vậy không?
Không, hoàn toàn sai.
Bài viết này sẽ trưng ra một vài chứng cớ để đánh đổ cái huyền thoại này, đồng thời xem do đâu phát sinh ra huyền thoại ấy. Dĩ nhiên phải công nhận là quân lực Nam Việt không toàn hảo. Người chiến binh của họ phải chiến đấu với những chịu đựng những biến cố tai ương, bất lợi. Quân lực Mỹ ở đây cũng không hơn gì. Trên một số phạm vi như cơ cấu tổ chức, tiếp liệu, quản trị và lãnh đạo, quân lực Nam Việt thua Mỹ. Nhưng có ai trông mong gì khác hơn từ một quốc gia mới vừa thoát khỏi ách thuộc địa lại phải lao đầu vào một cuộc chiến sinh tử với một quân thù hùng mạnh được cả một khối cộng sản hỗ trợ?
Thực tế mà nói, những nhược điểm của Nam Quân cũng hệt như của quân Mỹ thời chiến tranh Ðộc Lập của Hoa Kỳ (American War of Independence), dù rằng nước Mỹ hồi cuối thế kỷ thứ 18 có nhiều điểm thuận lợi như: Cái quy mô của cuộc Chiến tranh cách mạng (Revolutionary War) nhỏ hơn và dễ chi phối hơn, quá trình thuộc địa Hoa Kỳ đã giúp hình thành được những chính quyền tự phát địa phương, cho phép đất nước này hun đúc nên những vị lãnh tụ tài ba thật sự, Quân Anh không quá ngoan cố như quân Bắc Việt và quân đồng minh Pháp thời bấy giờ đã không bỏ rơi nước Mỹ non trẻ như kiểu người Mỹ bỏ rơi Nam Việt Nam.
Nhưng dù sao chăng nữa, cơ cấu tổ chức, quản trị và ngay cả lãnh đạo đi chăng nữa vẫn chưa phải là những yếu tố để dựa vào đó mà phỉ báng quân lực Nam Việt.
(Harry F. Noyes III)
- : Tựa đề “Anh hùng mạt vận’’, tên nguyên bản Heroic Allied.

Trận tuyến cuối cùng
Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 16-4, mãi đến khi các toán quân địch sắp tiến vào bộ tư lệnh tiền phương thì trung tướng Nghi mới ra lịnh rời căn cứ bằng đường bộ rút theo hướng nam về Cà Ná (Phan Thiết) để lập phòng tuyến mới. Trung tướng Nghi, đại tá Lương, ông Lewis chuyên viên tòa đại sứ Mỹ cùng các quân nhân của Bộ tư lệnh tiền phương, Sư đoàn 6 Không quân, Liên đoàn 3I Biệt động quân lối 400 người rời căn cứ tiến về hướng nam đến thôn Mỹ Đức lúc 12 giờ trưa. Khoảng 4 giờ chiều, trung tướng Nghi được truyền tin cho hay có 1 đoàn phi cơ xin xác nhận vị trí để xuống bốc. Lúc bấy giờ, với số gần 700 quân nhân vă thân nhân nên khó bóc hết được, vả lại khi trực thăng đến, khó lòng mà giữ được trật tự, chắc chắn sẽ tạo hổn loạn làm lộ mục tiêu. Vì vậy trung tướng Nghi quyết định vì an toàn nên ra lịnh toán cứu cấp không nên đâp, và chỉ nên đến ngày hôm sau, tại một địa điểm xa hơn về phía nam.
Lúc 9 giờ tối, đoàn người bắt đầu rời thôn Mỹ Đức. Chưa đi được bao xa thì bị phục kích. Trung tướng Nghi, ông Lewis và tôi cùng một số quân nhân bị địch bắt. Chúng dẫn 3 chúng tôi ngược về Nha Trang sáng hôm sau. Ở tại Đồn điền Yersin 2 ngày, chúng đưa chúng tôi ra Đà Nẳng bằng đường bộ. Tại đây, ngày 22-4 chúng đem phi cơ chở chúng tôi ra Bắc, giam tại nhà giam Sơn Tây nơi từng giam giữ tù binh Mỹ.
Chúng thả ông Lewis vào tháng 8-1975, trung tướng Nghi vào năm 1988 và tôi năm 1992.
(Phạm Ngọc Sang)
Phan Thiết thất thủ
Từ 7 giờ đêm 18-4, các TĐ249, TĐ275 và TĐ290 ĐPQ rút cùng lúc với chi khu Hải Long.
Tới 9 giờ tối đêm 18-4, xe tăng và bộ binh của Bắc quân, chiếm tòa hành chánh, nhưng khắp các vị trí, vẫn còn nhiều đơn vị địa phương quân chống trả như ĐĐ95 và Tiểu đoàn 229 ĐPQ. Nói chung, khắp thành phố lửa đạn mịt mù, bộ binh của Bắc quân tuy vào được trong thành phố nhưng chỉ cố thủ trong các vị trí vừa chiếm được, chứ không dám bung ra trong đêm, vì chỗ nào cũng còn quân ta chiến đấu.
Gần nửa đêm 18-4-75, tất cả các đơn vị địa phương quân đang chiến đấu trong thành phố, được lệnh cố gắng tập trung về bãi biển Kim Hải để chờ tàu HQ vào đón về Vũng Tàu.
(Mường Giang)

Anh hùng mạt vận
Có hai câu hỏi đánh động đến đề tài tranh cãi. Phải chăng người chiến binh Nam Việt thiếu chí khí, lòng quả cảm mà người Mỹ đã nêu ra trong lời miệt thị và gán lên đầu họ mọi trọng tội? Quân Mỹ có khá gì hơn đồng minh của mình để dám khinh khi họ như vậy?
Trả lời cho cả hai câu hỏi, tôi xin trân trọng khẳng định là: Không.
Chứng cớ: Trận Tổng công kích Tết 68 coi như sẽ đập tan được ý chí chiến đấu của Nam Việt. Thay vì bỏ cuộc, họ đã kháng cự mãnh liệt và hữu hiệu. Không một đơn vị nào tan rã hay tháo chạy. Trong cuộc Tổng tấn công năm 72, quân trú phòng Nam Việt bị vây hãm tại An Lộc đã giữ vững được vị trí của mình trước một lực lượng ghê gớm của quân địch cả về người lẫn hỏa lực kinh hồn của đại pháo và hỏa tiễn. Sau trận này tôi được tiếp xúc với một cố vấn Mỹ để nghe tường thuật lại mẩu chuyện một tiểu đội lính Nam Việt trong vùng được cử công tác thanh toán ba chiến xa đã hành động như thế nào. Họ chu toàn nhiệm vụ hạ được một chiếc, rồi quyết định tìm cách đuổi bắt hai chiếc còn lại. Theo tôi nhớ thì họ chộp được một chiếc còn một chiếc bỏ chạy, thế là mấy người lính chạy bộ rượt theo đến cuối đường.
Dĩ nhiên điều tôi kể chưa đủ để bào chữa được cho lời tố giác tội hèn nhát. Ðể minh chứng hơn, hãy nhìn vào Miền Nam ở thời điểm cuối cùng vào năm 1975 khi đất nước này đang trong tình trạng tuyệt vọng khi biết rõ Mỹ không ra tay cứu giúp nữa (cả nhiên liệu lẫn đạn dược).
Thế mà một đơn vị Nam Việt tầm cỡ một sư đoàn đã cầm chân được bốn sư đoàn Bắc Việt trong suốt hai tuần giao tranh ác liệt tại Xuân Lộc. Chỉ riêng một trận này thôi sự anh dũng còn nổi bật hơn bất kỳ một chiến công nào có thể tìm thấy trong chiến sử Hoa Kỳ. Họ sau đó đành phải lui binh vì không quân của họ không còn bom để yểm trợ chiến đấu. Có lần tôi xem được một phim tài liệu truyền hình do một phóng viên đồng nghiệp quay phim và tường thuật về cuộc chiến. Khác với các phóng viên Hoa Kỳ, anh ta dành hết thời gian bên cạnh các binh sĩ Nam Việt. Anh ta ghi rõ tinh thần chiến đấu của Nam quân bằng những thước phim của mình. (1) (…)
(1) Xem ‘’Ngọn đồi cuối cùng’’ của Pierre Darcourt ở tiết mục Ngày thứ 34 - 12 ngày trận chiến Xuân Lộc.

Lạc đạn
Nhắc đến địa phương quân Phan Thiết thì không thể không nhắc đến nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn không những ông là người Phan Thiết mà ông còn là lính địa phương quân tiểu khu Phan Thiết nữa. Thơ ông ngập những bi ai cũng như bi hài của thơ miền Nam thời chiến của một thời một thuở như "tai trời ách nước", vì “chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi…”
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá và say sưa chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong mình những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến là tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống cuộc đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau...
(1) Người thơ Phan Thiết Nguyễn Bắc Sơn vừa mất tháng 8-2015.
Trùng hợp Tạp ghi sau 40 năm đang dàn trải vào tháng 8-2015.

Anh hùng mạt vận
Vậy thì do đâu mà Nam Việt phải chịu mang tai tiếng xấu?
Dĩ nhiên có lúc họ tỏ ra hoảng loạn. Lính Mỹ cũng vậy thôi. Tôi biết một câu chuyện qua một đơn vị trưởng pháo binh Hoa Kỳ khi hay tin đại đội bộ binh bảo vệ mình bị địch đánh tan tành, các pháo thủ hốt hoảng bắn loạn xạ khiến đám quân yểm trợ này hoảng loạn chạy có cờ giữa hai lằn đạn. Một biến cố đơn thuần đó không thể đem ra mà gán cho cả quân lực Hoa Kỳ là hèn nhát thì thỉnh thoảng có sự tan hàng của người đồng minh của nước Mỹ cũng không có nghĩa là tất cả chiến binh miền Nam là hèn. Thế mà có kẻ lại suy nghĩ như vậy, qua cách nói bởi một số cựu chiến binh, bởi những chính trị gia muốn bào chữa cho một chính quyền Mỹ đã để cho Nam Việt Nam bị suy vong.
Sự thật được minh bạch hơn qua mẫu đối thoại sau đây phát xuất từ hai thế kỷ trước, khi một phụ nữ Anh hỏi công tước xứ Wellington rằng lính Anh có bao giờ bỏ chạy trên chiến trường không. Vị công tước đáp, Ngoài chiến trường người lính nào cũng có thể bỏ chạy cả, thưa bà.
Một nghiên cứu trong quân sử cũng xác minh được điều này.
Những trận đánh thời Nội Chiến (Civil War) cho thấy sự can trường lẫn sợ hãi liên tục khi lên khi xuống, cả những đơn vị phe Confederate lẫn Union thoạt đầu xông pha rất hăng hái, sau đó co cụm lại rồi bỏ chạy trước hỏa lực kinh hồn trước khi tập hợp lại tiếp tục chiến đấu. Chưa có đạo quân nào tự cho mình có nhiều hành động hy sinh anh hùng bằng hai đạo quân này, tuy nhiên họ cũng có lúc chạy tán loạn nơi một chiến trường quá đẫm máu.
Văn sĩ S. L. A. Marshall mô tả sự hoảng hốt bỏ chạy của một đơn vị bộ binh Hoa Kỳ thời Ðệ nhị thế chiến khi quân cảm tử Nhật vừa tấn công vừa hò hét. Ðơn vị thứ hai nằm lại quyết chiến và tiêu diệt hết đám quân Nhật (chừng 10 tên) và vỡ lẽ ra là đa số bọn chúng không có võ khí.
Nếu sự việc tương tự xảy đến với một đơn vị Nam Việt, những tên tự xưng là học giả uyên thâm lập tức ra rả lập đi lập lại rằng ấy là chứng cớ rành rành về hành động khiếp nhược của quân đội miền Nam. Tại sao vậy? Chúng ta ắt đã có câu trả lời rồi. Mọi sự còn tùy là cái quân đội đó thuộc chủng tộc gì, nói thứ ngôn ngữ nào. Sự thật đốn mạt là cái quân đội Nam Việt phải chịu tai tiếng bắt nguồn từ lòng kỳ thị chủng tộc lẫn tinh thần "sô-vanh’’ nước lớn của người Mỹ.(…)

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến trong quán nhậu
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:
Capstan : chiếc áo phong sương tình anh nặng.

Anh hùng mạt vận
Trong phạm vi vấn đề này, thử xem nhận xét của một sĩ quan Hoa Kỳ, Ðại tá Robert Molinelli, người đã mục kích tận mắt, được đăng tải trong Armed Forces Journal (Tập san Quân Ðội) số ngày 19-4-1971 như sau:
Một tiểu đoàn Nam Việt gồm 420 người bị bao vây bởi một trung đoàn đối phương đông từ 2.500 đến 3.300 quân trong suốt ba ngày ròng. Phía Hoa Kỳ không thể nào tăng viện cho đơn vị này. Họ phải chiến đấu đến gần cạn kiệt hết đạn dược mới bắt đầu phá vòng vây với vũ khí và đạn dược thu được của địch quân. Họ còn mang theo những đồng đội bị thương cũng như đã chết. Hình ảnh phi cơ trinh sát chụp được cho thấy rải rác chung quanh đơn vị này là xác của 637 quân địch. Ðơn vị chỉ còn 253 người trong tình trạng khả thi chiến đấu nên họ phải chạy. Một số ít kẻ hoảng sợ đã bám càng trực thăng Hoa Kỳ đến tăng viện để thoát thân. Số còn lại, tất cả đều không. Nhưng ngoài chuyện ấy ra, một trường hợp cá biệt, việc lui binh trong khi đang giao chiến ác liệt (một chiến thuật khó khăn nhất trong binh pháp) lại bị phóng đại thành một lời buộc tội cho cả một quân đội, một quốc gia và tệ hơn nữa cả một dân tộc? Câu trả lời rằng đó là do chính lòng kỳ thị chủng tộc.
Vì lẽ những người bám càng trực thăng là người ngoại chủng. Thử hỏi kẻ đó là người Mỹ hay người Anh thì sao, cam đoan không sai rằng họ sẽ cảm thông cho là người đó đang phải chịu hoàn cảnh nghiệt ngã và…can đảm.
Minh chứng cho điều này có thể thấy người Mỹ đã phản ứng như thế nào đối với lính Anh trước cuộc triệt thoái của họ hồi thời gian đầu Thế chiến thứ hai. Nơi đây cũng có những hình ảnh tủi hổ xảy đến cho lính Anh ở Dunkirk cũng như tại một số nơi khác. Ở Dunkirk một hạ sĩ quan để tái lập trật tự phải chĩa súng đại liên vào đồng ngũ của mình đang hốt hoảng trèo lên tàu. Trên một tàu khác, các binh sĩ dùng báng súng dộng liên hồi vào người một sĩ quan để ngăn không cho ông này leo lên tàu qua ngỏ tháp súng. Tại đảo Crete, một lữ đoàn quân Tân Tây Lan đã tạo một vòng đai an toàn với lưỡi lê chĩa ra ngoài ngăn không cho các quân Anh đang hoảng loạn tràn ngập lên được tàu mình. Tuy thế, hình ảnh nước Anh đơn độc chống lại Hitler năm 1940 lại là một hình ảnh hào hùng. Ðiều này được minh chứng bởi sự kiện hoàn toàn hiển nhiên, ngay cả những biến cố đơn lẻ như vừa nêu bật ở trên vẫn không làm lu mờ được cái hình ảnh toàn cảnh về đức tính can trường và xả thân cứu nước của dân tộc này. (…)

Tàn cuộc binh đao
Tính từ ngày 10-3 khởi đầu ở Quân khu II đến ngày 18-4-1975 không có con số chính xác nào cho quân nhân VNCH bị bắt làm tù binh, ngoài hai vị tướng bị bắt ở Tuy Hoà và Phú Yên:
Chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng Biệt động quân QĐ II.
Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân tư lệnh QĐ II.
Hai tướng bị bắt trên đường lui quân từ Phan Rang về Phan Thiết:
Chuẩn tướng tư lệnh Sư đoàn 6 KQ Phạm Ngọc Sang.
Trung tướng tư lệnh tiền phương Nguyễn Vĩnh Nghi.

Giã từ vũ khí
Tính từ ngày 3-10 trận chiến Ban Mê Thuột đến ngày 18-4-1975 Phan Thiết thất thủ, cũng không có con số chính xác tử vong của QĐ 1 và QĐ 2. Nhưng chiến sử ghi nhận: Chuẩn tướng TL/SĐ1/BB Nguyễn Văn Điềm thuộc QĐ 1 đã bị tử nạn máy bay trực thăng ở Quảng Ngãi.

Giã từ vũ khí
(…tổng hợp & trích lục lại)
Chiều 24-3-1975, HQ 7 tuần tiễu từ cửa Tư Hiền đến cửa Thuận An thấy một ghe nhỏ nhấp nhô, sắp chìm. Hạm trưởng đặt ống dòm và thấy rõ trên ghe là một toán bộ binh nên điều động chiến hạm đến vớt mới biết trong toán quân nhân trên ghe có Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh Sư đoàn 1 BB. Sau khi gọi một WHEC đến đưa chuẩn tướng Điềm về Đà Nẵng.
Về lại Đà Nẵng, một ngày sau số phận không may lại đến với chuẩn tướng Điềm lần nữa:
Chiều 25-3, lúc 5 giờ, trong khi bay điều động cuộc rút quân, trực thăng chở tướng Điềm bị trục trặc phải đáp khẩn cấp phía bắc đèo Hải Vân. Lúc đó, tại bãi cát bên kia đầm Cầu Hai có một chiếc trực thăng đang thả cơm sấy và thịt hộp tiếp tế quân nhân thủy quân lục chiến ở dưới đất, Nghe tiếng kêu cứu trên máy truyền tin, chiếc trực thăng của thủy quân lục chiến vội rời vùng Cầu Hai đến cứu chuẩn tướng Điềm.
Bốn ngày sau, tận cùng của anh hùng mạt vận đến với Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm.
Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm cùng bộ tham mưu Sư đoàn 1 khoảng 10 người trên trực thăng UH1 từ phi trường Non Nước, Đà Nẵng bay về hướng Quảng Ngãi. Máy bay bị trúng đạn chao đảo, cánh quạt đụng nước tại gần bờ biển Sa Huỳng và Bồng Sơn. Tất cả mọi người đều bị tử nạn trừ trưởng phi cơ (phi đoàn 257) là Trung tá Lê Ngọc Bình sống sót.
Đó là ngày 29-3-1975.

Góp nhặt sỏi đá
Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng di tản với tướng Trưởng, tướng Khánh, tướng Thoại, tướng Lân, và tướng Hình.
Một tháng sau:
Ngày 29-4-1975, Sài Gòn di tản với tướng Trưởng, tương Kỳ, tướng Đôn, tướng Đống.

Anh hùng mạt vận
Quả thật quân Nam Việt đã tỏ ra xuất sắc vào những ngày cuối cùng của miền Nam qua sự bảo vệ Xuân Lộc rất anh dũng. Tuy rằng có nhiều lý do như vậy. Hoặc có nhiều lý do để tin rằng, nếu có sự ủng hộ của phía người Mỹ ắt Nam quân sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy thêm nhiều Xuân Lộc khác nữa, và có lẽ họ cũng đã cứu được đất nước họ không bị mất.
Vấn đề là không phải là khả năng chiến đấu của quân Nam Việt như thế nào nhưng mà xét xem người Mỹ sẽ hành xử ra sao nếu tình huống tương tự xảy đến với họ. Sự thật là quân Mỹ nếu bị Hoa Kỳ bỏ rơi như chính Nam Việt đã phải chịu, có lẽ họ cũng sẽ không khá hơn.
Trong những ngày tháng sau cùng của cuộc chiến, quân Nam Việt phải chiến đấu thắt lưng buộc bụng, họ đã phải đếm từng viên đạn đại pháo để tiết kiệm để còn đạn xử dụng. Tình trạng tồi tệ đến nỗi ngay chính Văn Tiến Dũng, người chiếm được miền Nam cũng chấp nhận sự thật là khả năng hỏa lực của đối thủ của mình chỉ còn phân nửa trước đây.
Phải, quân Nam Việt đã triệt thoái khỏi các tỉnh phía Bắc một cách vụng về và khá muộn màng, đưa đến tình trạng hỗn loạn và suy sụp. Nhưng làm thế nào chính quyền miền Nam có thể bỏ mặc dân chúng sớm hơn, trước khi áp lực địch quá lớn buộc họ phải làm thế? Không còn nhuệ khí chiến đấu, nhiều binh sĩ quay ra đào ngũ, làm thế không phải vì họ hèn nhát hay không có tinh thần hy sinh để bảo vệ đất nước mình, nhưng vì họ không muốn xả thân cho một sự nghiệp biết chắc là đang trên đà phá sản trong khi gia đình họ đang cần đến mình.
Quân Mỹ liệu sẽ làm gì khá hơn được chăng nếu cũng lâm vào tình huống như miền Nam hồi 1975? Liệu quân Mỹ có chiến đấu ngon lành với quân xa, truyền tin đều hỏng, thiếu thốn nhiên liệu và đạn dược, và không yểm thì nhỏ giọt hoặc hầu như không có. Với một tình trạng bết bát như thế mà phải đối đầu với một kẻ địch sung mãn, trang bị tối tân. Tôi e là không thắng nổi.
Liệu Nam Việt có thắng được trận 1975 nếu chính phủ Mỹ vẫn giữ vững sự cam kết, và tiếp tục chi viện cho Nam Việt không kém với chi viện mà khối Cộng sản dành cho miền Bắc? Câu trả lời là không biết được (1). Ít ra họ có một cơ hội để đọ sức, cái cơ may mà người Mỹ phản trắc đã tước mất của họ. Hiển nhiên là họ có thể chiến đấu hữu hiệu hơn. Cho dù họ có bại trận họ cũng ngã gục một cách hào hùng trong một trận đánh lưu danh muôn thuở cho hậu thế.
(Harry F. Noyes III)
Harry F. Noyes III là cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam trong quân chủng không quân.
(1) Sau khi người lính tác chiến cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam năm 73, quân lực VNCH đã chiến đấu dũng cảm và đáng kính phục trong 2 năm kế tiếp, để chống lại lực lượng cộng quân được viện trợ đầy đủ hơn. Từ cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 cho đến khi Sài Gòn sụp đổ, miền Nam Việt Nam không bao giờ thua một trận lớn nào. (Melvin R. Laird)
- : Melvin R. Laird là Bộ trưởng quốc phòng thời Tổng thống Richard Nixon.

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 04 tháng 10.2016